Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Đã phê duyệt từ tháng 7 năm 2015 rồi : Khu an táng cán bộ cao cấp bố trí đất chôn cất cho cả vợ hay chồng


"Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng Nghĩa trang mới dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần và Nhà tang lễ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch xây dựng Nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia. Đây là việc làm cần thiết để đáp ứng yêu cầu trước mắt và cho lâu dài."

Tin đã công bố từ giữa năm 2015, và đã được Giao Blog đưa về lưu từ tháng 1 năm 2016. Xem ở đây.

Trước đó, thì là văn bản năm 2014 của Hà Nội. Xem ở đây.

Nguyên chú từ tháng 7/2015Một mô hình thiết kế Nhà tang lễ Quốc gia mới sẽ xây dựng tại Hoài Đức, Hà Nội.

Bây giờ, đang là tháng 1 và tháng 2 năm 2018, đã tới 3 năm rồi còn gì. Nếu tính từ lúc khởi thảo văn bản được kí năm 2014 thì khoảng 5-6 năm trước rồi.

Một ít bàn luận ở thời điểm hiện tại được đưa dần về đây.


Hai tình cảnh thảm hại đến với lớp người cầm bút ngày tết xưa và nay



1/ 
Trước tiên tôi muốn điểm lại truyện ngắn Cái tết của những nhà đại văn hào của Nguyễn Công Hoan .Đầu năm Canh Thìn (1940), tác giả Bước đường cùng đã viết truyện ngắn này cho một số báo Tết đương thời.
Cũng như những Một tin buồn, Báo hiếu trả nghĩa cha,  Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây – cái tên đặt cho thiên truyện có ý nghĩa mỉa mai.
Thực chất, nó kể lại một cái tết nhếch nhác thảm hại của mấy người làm nghề cầm bút trước 1945.
Mở đầu thiên truyện là nỗi hí hửng của thi sĩ Vũ.
Đang lo không biết sống sao cho qua mấy ngày tết, anh chợt nghĩ ra một lối thoát: đến ăn chực ở nhà cây bút tiểu thuyết Lê. Nhưng Lê cũng đang trong cảnh túng quẫn. Cả hai bèn nghĩ ra mẹo là rủ nhau nhảy dù đến nhà kịch sĩ Trần. Anh này cũng đang đói nốt, nên nhập ngay với Lê, Vũ, thành một bọn giong tàu điện về ám nhà Nguyễn.
Song nhà Nguyễn cũng không khá gì hơn, vợ Nguyễn đi xoay món nợ khẩn chưa về. Đã tới bước đường cùng cả bọn không còn biết đi đâu thành ở đấy báo vạ. Cho đến sáng mùng một, “Cả nước Nam mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đang vui vẻ ăn Tết” thì bốn anh em vẫn “ nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy”. Họ chỉ có cách “ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành và nói những chuyện văn chương” cho hết thì giờ.
Từ thiên truyện, cái ý nghĩa đập vào mắt mọi người đã quá rõ. Khi người trí thức kiếm chưa đủ sống, thì không ai có quyền đòi hỏi ở họ lòng tự trọng, chí tiến thủ, nỗi lo đời – cùng là đủ thứ phẩm hạnh cao quý khác. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo – cái nghèo đã thành gia truyền trong các gia đình trí thức, từ thời Nguyễn Công Trứ (Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no” ) đến thế hệ Tản Đà, Nguyễn Công Hoan…-- vẫn còn nguyên vai trò của nó. Nó là nguồn gốc của bao nhiêu chán chường oán giận thất vọng cay đắng từng đến trong lòng mỗi người. Hơn thế nữa, khôn ngoan đến cửa quan mới biết - giàu có đến ba mươi tết mới hay, cảnh tết “ngủ trừ bữa” của những Vũ, Lê, Trần… ở đây còn làm bộc lộ mấy căn bệnh độc ác đang hoành hành trong giới cầm bút bấy giờ.
Một là tâm lý A.Q, tự mình lừa mình. Trong cảnh khốn quẫn, họ tự an ủi “nghề của mình là nghề cao thượng nhất vì nó thật thà nhất… Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm và giỏi nói dối với nói phét” Nghiêm khắc mà xét, phải nói đó là những ý tưởng hàm hồ: chính trong nghề văn không thiếu những kẻ dối trá, nịnh nọt, làm đủ việc độc ác để tiến thân, khiến người ngoài nghề không thể tưởng tượng nổi là có lúc họ đã viết nên bài thơ này cuốn tiểu thuyết nọ. Nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Lúc nghe thi sĩ Vũ bảo: “cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, người ta mới thấy họ đã đi tới cùng của lối tự mê hoặc, tự tạo ra những ảo tưởng hão huyền. Giá Vũ, Lê,Trần là những nhân vật có thực và đến nay còn sống, chắc họ sẽ thấy chả có thứ lịch sử văn học thế giới nào rỗi hơi nhắc tới những cuốn sách nhảm nhí cùng là ghi lại cảnh nghèo túng quẫn bách của họ cả.
Hai là, do đã bị cuộc sống hành cho khốn đốn quá lâu, ở những Vũ, Lê, Trần, Nguyễn này dần dần nảy sinh ra tâm lý cố thây trắng trợn mà họ không tự biết. Đây chính là lời Vũ bàn trên đường “hành quân” đến nhà Nguyễn:
- Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà đã có anh em nó tiếp chúng ta. Và nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hất hủi ba nhà đại văn hào à?
Còn đây là lời Nguyễn nói với các bạn.
- Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao, thì tao tống cổ bây giờ.
Cái giọng rất phũ ấy, một nhà văn – nếu thật sự là một trí thức – không có quyền nói, dù là nói đùa: ở đây, nhân vật không hoàn toàn đùa, đây là nửa đùa nửa thật! Lại nữa, một câu tuyên ngôn của cả bọn: “Chúng ta là những đại văn hào chúng ta không cần gì hết”. Câu nói thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng ngẫm cho kỹ, thấy không được. Tư tưởng của các nhân vật lúc này đã đi gần tới sự hư vô, với họ chúa đã chết không còn gì là linh thiêng phải giữ gìn nữa.
Từ thằng ăn cắp, anh lính gác đến các viên công chức quèn rồi các điền chủ phất lên thành hàn nọ, nghị kia, các quan phủ, quan huyện… nhân vật của Nguyễn Công Hoan thường có một số nét chung: trắng trợn, bất cần, những cách nghĩ của bọn lưu manh. Lúc đầu, nhân danh cái nghèo, họ cho phép mình làm đủ thứ xấu xa, miễn sao sống sót. Về sau đã có danh có lợi rồi, thói quen suy nghĩ của bọn du thủ du thực trộm cắp lừa đảo vẫn còn nguyên trong họ.
Với "Cái tết của những nhà đại văn hào", người đọc lại bắt gặp chất lưu manh ấy trong lớp người làm nghề thoạt nghe rất sang trọng là nghề cầm bút. Thật rõ – nhân vật nào của nhà văn ấy. Trong khi mang dấu ấn riêng của Nguyễn Công Hoan, thiên truyện đồng thời phác ra một cách chân thực hình ảnh một lớp trí thức quặt quẹo được hình thành trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ này với những căn bệnh vô phương cứu chữa của họ.


2/
Viết thêm 4-2-2018 :TÌNH CẢNH NÀO LÀ THẢM HẠI HƠN?
Bài viết trên tôi đã viết từ 18 năm về trước, tức 2000.
Nó nằm trong một loạt bài tôi viết về những cái tết tiền chiến theo cái hướng là nhấn mạnh những bi đát thảm hại của con người lúc ấy.
Nay đọc lại, tôi tự nhiên liên hệ tới cái tết của một số khá đông lớp người kiếm sống bằng ngòi bút hôm nay.
Các đồng nghiệp của tôi thời nay chẳng ai còn nghèo như thế nữa.
Những dịp tết đến là dịp để họ làm ăn.
Báo chí thời nay ê hề đủ cho họ viết, viết thế nào cũng được, bôi bác bịa đặt tô vẽ dối trá thế nào cũng cho qua, cẩu thả  thế nào cũng không ai chê trách, miễn là cái thứ viết ra ấy đáp ứng yêu cầu của những ông chủ báo, những người trực tiếp và gián tiếp trả tiền cho họ.
Thành thử, ở mấy người cầm bút loại này không chỉ là cái thèm khát bất lực mà cả cái cố thây trắng trợn như ở các nhân vật của Nguyễn Công Hoan cũng không có nữa.
Nhưng thử nghĩ xem có phải nhiều người chúng ta đang hư hỏng theo cách khác.
Ta viết vì tiền chứ không phải vì những điều đau đáu trong lòng.
Ta nhắm mắt trước đau khổ của nhiều người dân thường.
Ta trổ tài để làm vừa lòng những " độc giả sang trọng" mà trong lúc tĩnh tâm trở lại tự ta cũng thấy họ là những kẻ bất lương và đáng khinh bỉ.
Vậy mang ta ra so với các "đại văn hào" mà Nguyễn Công Hoan miêu tả ở trên, tình cảnh nào là thảm hại hơn.
Ấy vậy mà theo chỗ tôi đoán, nếu có dịp đọc lại truyện ngắn nói trên của Nguyễn Công Hoan, một số người cầm bút hôm nay vẫn sẵn sàng cười khẩy về cái ngớ ngẩn của người xưa. Đội ngũ chúng ta quá đông và đã đi quá xa đến mức giá có ai muốn quay trở lại cũng không được nữa


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đầu năm 2018 : Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư


"tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).
Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế."


Bài lấy về từ NLD.



---

Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư


03/02/2018 07:18

Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước

Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, phó giáo sư (PGS) năm 2017.
Bộ trưởng Y tế được công nhận GS
Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, tân GS trẻ nhất được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982, quê Hải Dương).
GS Hiệp công tác trong ngành toán học thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông Hiệp cũng là PGS trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi. Hướng nghiên cứu chính của GS Hiệp là lý thuyết đa thế vị, giải tích và hình học phức.
Theo đánh giá của GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, tân GS trẻ nhất không phải là người sở hữu nhiều công trình khoa học nhất nhưng chất lượng các công trình khoa học rất tốt, đã được đăng trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế. "Hội đồng ngành toán luôn là một hội đồng chuẩn mực và khắt khe. Kết quả số phiếu công nhận chức danh GS cho ứng viên này đạt 100% cũng đã thể hiện sự vinh danh dành cho tân GS trẻ nhất là vô cùng xứng đáng" - GS Nhung chia sẻ.
Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được
công nhận năm 2017
Ông Nhung cho biết năm nay, có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS, tăng so với năm trước 534 người (khoảng 60%). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được công nhận năm 2017. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp và có hơn 13 công trình công bố quốc tế trong những năm qua.
Đánh giá về chất lượng GS, PGS năm nay, GS Trần Văn Nhung cho rằng cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên. Độ tuổi trung bình của ứng viên giảm xuống (tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55, năm nay chỉ 53). Trình độ tiếng Anh của các ứng viên tăng lên rõ rệt, những điều này giúp việc đào tạo, trao đổi bằng tiếng Anh và công bố quốc tế được thuận lợi hơn với các ứng viên. Tỉ lệ ứng viên đang giảng dạy được phong GS, PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi. Một điểm mới nữa là tỉ lệ GS, PGS đối với nữ tăng lên từ 28%-29%, trong khi trước đây chỉ 25%. Đặc biệt trong năm nay, có một phụ nữ dân tộc Nùng bên quân sự được phong PGS.
Đua nhau lên "chuyến tàu cuối"
Mổ xẻ việc số lượng GS, PGS đột biến trong năm nay, một GS của ĐHQG Hà Nội cho rằng đó là kết quả của qua trình các ứng viên "chạy nước rút" trước khi dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến gần 1 năm nay chính thức được ban hành.
Theo dự thảo này, tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).
Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học hệ thống ISI và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn trên.
Đối với chức danh PGS, ứng viên phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn này…
Bình luận về con số hơn 1.200 GS, PGS mới được công nhân, PGS Bùi Mạnh Nhị - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng thế hệ trẻ nhiều người giỏi, các trường ĐH, ngay cả trường ngoài công lập cũng chú ý đến phát triển đội ngũ giảng viên của mình nên con số này không quá ngạc nhiên.
Mặt khác, "các ứng viên đều có tâm lý rất con người là sang năm quy chế thay đổi nên cố gắng để được xét trong đợt này. Ngoài ra, việc nhận hồ sơ kéo dài thêm nửa năm cũng là lý do giải thích cho con số trên" - PGS Bùi Mạnh Nhị nói. 
Tăng đột biến
Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước thừa nhận số lượng GS, PGS được công nhận tăng đột biến do năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS nên tâm lý chung mong muốn đi về "chuyến tàu cuối". Ngoài ra, vì thời gian hết hạn nhận hồ sơ năm nay lùi lại nửa năm kéo theo các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng lùi lại nửa năm. Sở dĩ chậm trễ do hội đồng dự định chờ thực hiện theo quy định mới nhưng chưa xong nên quay lại thực hiện theo quy định hiện hành.
Bài và ảnh: YẾN ANH

https://nld.com.vn/thoi-su/chay-nuoc-rut-co-them-hon-1200-giao-su-pho-giao-su-20180202230723512.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chương 15

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chương 14

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ VĂN SƠN NAM - HỒN CỦA ĐẤT NAM BỘ


Hồi ký Lê Phú Khải
Tháng Mười Hai 18, 2016 Phan Ba Báo chí - Hồi ký Lê Phú Khải, lời ai điếu, nhà xuất bản Trẻ, Sơn Nam
Sơn Nam kể với tôi: Hồi tao mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏi: Mày lên đây làm gì để sống? – Viết văn. Bà già hỏi lại: Viết văn là làm gì? Tao biểu bả: Viết văn là có nói thành không, không nói thành có (!). Bả nổi giận mắng: Mày là thằng đốn mạt. Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau chừng như thương con quá, bà lại hỏi: Thế viết văn có sống được không? Tao bảo: Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày! Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.
Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa … Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi. Ai có việc gì cần hỏi về đất nước con người Nam bộ thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu ít tiền uống cà phê (!)
Dạo nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong buổi lễ long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: “Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ. Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!” Mọi người cười rộ.
…Dạo Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và tế lễ rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng có nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa, phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình ngẩn người!
Trong giới nhà văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền toàn bộ tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn giá bao nhiêu ông lắc đầu: “bí mật” (!)
Những lần trà dư tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến quán cà phê rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng kêu: Cho cái món gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất (!)
Sơn Nam để lại cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ. Bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán cà phê. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến hóa khôn lường. Đừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn hay một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã chạm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực nam của đất nước. Ông đã “viết mọi thể loại trừ thể loại nhàm chán” như có nhà lý luận đã tuyên bố! Có lần tôi nhờ ông viết một bài cho Đài tiếng nói Việt Nam để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ. Mấy ngày sau, cũng tại quán cà phê ở Gò Vấp, ông đưa tôi bài Nhớ ngày Cách mạng Tháng Tám ở U Minh đánh máy bằng cái máy chữ chữ nhỏ li ti như con kiến. Đài phát xong tôi thấy “tiếc” quá, vì chữ nghĩa phát lên trời rồi gió bay đi. Tôi bèn gửi bài đó cho báo Cà Mau. Khi in lên, bạn đọc, cán bộ và đồng bào và các nhà nghiên cứu của vùng đất này đều kinh ngạc về trí nhớ của Sơn Nam. Bài báo đó là một tư liệu lịch sử sống động, chưa từng ai ghi chép được như thế về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở U Minh. Thư gửi về tòa soạn tới tấp.
Riêng tôi có những kỷ niệm không dễ quên với Sơn Nam. Hồi chưa thống nhất đất nước, từ Hà Nội tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông do tôi làm ở ban miền Nam, có đường dây chuyển sách báo từ đô thị miền Nam ra cho cán bộ nghiên cứu. Đọc rồi mê luôn. Vì thế ngày cuối năm 1975, lần đầu tiên được vô Nam (trước khi đi còn phải đổi tiền như đi nước ngoài), tới Sài Gòn, việc đầu tiên của tôi là đi tìm Sơn Nam để biếu ông một chai rượu nếp Bắc. Tìm mãi, vô đến bốn con hẻm, bốn cái “xuyệch” (sur) ở đường Lạc Long Quân mới tìm được nhà ông. Nhưng ông đi vắng. Tôi đành gửi chai rượu cho vợ nhà văn. Bà hỏi tôi: “Chú là thế nào với ông Sơn Nam?” Tôi thưa: là độc giả hâm mộ Sơn Nam, từ Hà Nội vô phải ra ngay nên chỉ ghé thăm sức khỏe nhà văn.
Mười năm sau, lần đầu tôi gặp Sơn Nam tại quán cà phê ở Gò Vấp, tôi kể lại chuyện chai rượu 10 năm trước. Sơn Nam vẫn nhớ rành rọt: Tao không ngờ ở ngoài Bắc chúng mày cũng đọc tao kỹ như vậy.
Nói cho thực công bằng, những truyện ngắn như Trao thân con khỉ mốc của Phi Vân trong tập Đồng quê (giải nhất văn chương của Hội Khuyến học cần Thơ 1943) và Tình nghĩa giáo khoa thư trong Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam là những kiệt tác đáng được đưa vào sách giáo khoa như Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao đã được.
Lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông. Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi tôi: Một tỷ là bao nhiêu tiền hả mày? Câu này ông đã hỏi tôi một lần, nghĩ là ông hỏi giỡn, nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông lại hỏi, nên tôi thưa: Là một nghìn triệu “bố” ạ! Ông trợn mắt: Dữ vậy? Tôi nói: Không tin “bố” hỏi con gái “bố” kia kìa.
Khi biết rõ một tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư. Có lẽ ông đang nghĩ đến những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ mà ông đọc được trong những xấp báo đang để quanh người ông kia!
Nếu ai hỏi tôi về Sơn Nam, tôi sẽ trả lời: Sơn Nam là một nhà văn rất vui tính, đã… chết vì quá buồn!
14-8-2008
Sơn Nam đã đi xa. Nhiều người bây giờ còn nhớ câu nói dí dỏm của ông: “Làm văn chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn đã làm rồi!”
Lúc còn sống, Sơn Nam ý thức một cách rõ ràng về cái sự nghèo của nhà văn. Bây giờ thì Sơn Nam của chúng ta không còn nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ thì ông không nghèo. Trái lại, rất giàu có là đàng khác. Ngắm ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc trên một thế đất 2000 mét vuông, nhìn ra phong cảnh cỏ cây, sông nước và những gì có trong ngôi nhà đó, người ta phải suy nghĩ như thế.
Ngày 13 tháng 7 năm Canh Dần, tức ngày 22 tháng 8 năm 2010, nhà lưu niệm Sơn Nam được vợ chồng chị Đào Thúy Hằng, con gái của nhà văn khánh thành nhân ngày giỗ thứ hai của ông, tại ấp 4 xã Đạo Thạnh ngoại ô thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Là một công trình văn hóa “phi chính phủ” nên ngày khánh thành không có giấy mời in ấn, dấu mộc nhiêu khê. Chỉ nhắn bằng điện thoại, ai biết thì tới. Tôi từ thành phố Hồ Chí Minh cũng được người ta “nhắn tin”, đến nơi thì thấy văn võ bá quan đủ cả. Đảo mắt một lược, tôi nhận ra nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ thành phố Hồ Chí Minh tới, nhà văn Trang Thế Hy từ Bến Tre qua, soạn giả ca cổ Châu Thanh, hiệu trưởng trường đại học Tiền Giang, các văn nghệ sĩ của tỉnh… Chỉ còn cách đứng xa ngắm toàn cảnh nhà lưu niệm này vì bên trong khách đã ngồi chật cứng. Phải nói là đẹp. Nhà xây ba gian hai chái, hàn hiên rộng, thoáng mát, có cửa lá sách thông với ba gian bên trong. Một kiểu nhà ba gian hai chái ở miền Bắc, được các phú hào ở Nam bộ cải tiến cho hợp với miền Nam xứ nóng quanh năm. Đặc biệt, mái ngói hai tầng làm cho ngôi nhà rất bề thế. Anh Nghị, con rể nhà văn cho hay, chính anh lái máy ủi để ủi đất tạo thế một quả đồi thấp làm nền cho ngôi nhà. Vì thế, đứng từ thềm nhà nhìn ra, thấy được cả phong cảnh cỏ cây, sông nước phía trước. Để có được phong cảnh này, vợ chồng chị Hằng đã phải chắt chiu mua lại từng mảnh đất nhỏ của 5-6 chủ đất phía trước nhà trong gần hai năm. “Ông bà ta chỉ xây dựng phong cảnh một ngôi chùa, chứ không xây dựng một ngôi chùa.” Nguyễn Đình Thi đã có nhận xét xác đáng như vậy về kiến trúc đình chùa nước ta. Điều này rất đúng với nhà lưu niệm Sơn Nam. Chính vì vậy, từ khi nhà lưu niệm khánh thành, chị Thúy Hằng cho biết, ngày nào cũng có khách bốn phương tới thắp hương, tham quan, chụp hình lưu niệm.
Hôm đó là tháng áp Tết, mọi người bận rộn việc nhà, số khách thăm nhà lưu niệm không nhiều, nên tôi có thể thư thái xem các hiện vật bên trong. Ấn tượng nhất là ngay lối trước sân, phía bên phải là tượng Sơn Nam tạc trên một phiến đá dựng đứng, bên trái là bút tích, cũng được tạc trên đá: bài thơ duy nhất của ông, không đề, mà ông lấy làm lời tựa cho cuốn Hương rừng Cà Mau trong đó có hai câu kết mà bao nhiêu người thuộc:
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
Hầu hết tác phẩm của Sơn Nam được Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền, tái bản, được lưu giữ trong một tủ kiếng lớn chiếm hết một gian nhà. Nhiều cuốn sách đã bạc màu với thời gian của Sơn Nam, ấn hành từ những năm 70 thế kỷ trước đã được độc giả yêu mến đem đến tặng cho nhà lưu niệm, có chữ ký, tên tuổi, bút tích của người tặng. Tranh chân dung, tranh khắc gỗ, tượng gỗ, tượng đá, ảnh chụp Sơn Nam của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng, chuyên nghiệp và nghiệp dư từ nhiều nguồn đã hội tụ về đây. Thành thử, xem nhà lưu niệm, người ta được thưởng thức nhiều phong cách, nhiều trường phái hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh cùng sáng tạo về Sơn Nam. Ví dụ, riêng ký họa, tôi được xem chân dung Sơn Nam do ba họa sĩ Tạ Tỵ, Lê Quang, Cù Huy Hà Vũ vẽ.
Tôi đặc biệt thích thú một cái máy chữ cổ, do một sinh viên có tên là Bùi Thế Nghiệp tặng nhà lưu niệm, kèm theo lá thư Sơn Nam viết lúc tặng anh cái máy. Số là, sinh viên Nghiệp là bạn đọc hâm mộ nhà văn. Cậu thường chở nhà văn đi chơi (Sơn Nam không biết đi xe đạp, xe máy – LPK). Lúc nhà văn bệnh nặng vào năm 2005, Nghiệp đến xin nhà văn một kỷ vật gì đó, phòng khi ông đi xa. Nhà văn đã cho anh cái máy chữ kèm theo lá thư nhỏ chứng nhận đây là máy chữ của Sơn Nam tặng. Nay đọc báo biết có nhà lưu niệm Sơn Nam, Nghiệp đến tặng lại. Nhìn cái máy chữ của Sơn Nam được lưu giữ, tôi bỗng nhớ đến cái máy chữ của văn hào Balzac trong nhà tưởng niệm Balzac(Maison de Balzac) ở nhà số 47 phố Raynouard Quận 16 Pari mà tôi đã có dịp đến thăm. Nhà tưởng niệm Balzac là căn hộ có 5 buồng nhỏ ở tầng trên cùng một ngôi nhà ba tầng lầu. Balzac (sinh thời cũng rất nghèo) đã trốn nợ trên tầng cao của ngôi nhà này từ năm 1840 đến năm 1847. Năm 1949 chính quyền thành phố Paris mua lại cả ngôi nhà rồi sửa chữa và năm 1960 mở cửa cho tham quan. Maison de Balzac có các tác phẩm của bộ Tấn trò đời (La Comédie humaine) và cái máy chữ. Sao nó giống cái máy chữ của Sơn Nam đến thế!
Bắt chước mọi người, tôi cũng đem đến tặng nhà lưu niệm bản thảo những bài mà tôi đã đặt ông viết cho đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam này không ở đâu lưu trữ và 10 tấm hình “có một không hai” tôi chụp những năm ông hay lang thang ở quận Gò Vấp. Có một tấm hình tôi bất chợt ghi lại lúc ông đang cúi xuống long khom viết trên một cái yên xe máy ngay giữa đường phố!
Với những nhà lưu niệm do người dân tự tạo nên như nhà lưu niệm Sơn Nam, ai dám bảo đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng”văn hóa?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng đùa với tinh thần dân tộc!



Bích Diệp
(Dân trí) - Mấy hôm nay trên mạng xã hội, cùng với chủ đề đang “nóng” là cổ vũ đội tuyển U23 là hàng loạt những dòng trạng thái đề nghị tẩy chay một người ngoại quốc dạy tiếng Anh (xin phép độc giả, người viết không dùng từ “thầy giáo”) vì người này đã dùng những ngôn từ vô cùng xấu xí và tục tĩu để “đá xéo” U23 và xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh ta sau đó giải thích rằng, đó chẳng qua là một trò đùa và ở đất nước của anh ta, nếu có đùa như vậy cũng không ai quan tâm cả.

Tôi không rõ anh ta đã đến Việt Nam và làm việc trong bao lâu, nhất là lại làm trong lĩnh vực giáo dục, nhưng anh ta đã thiếu đi một văn hoá tối thiểu, đó là “nhập gia tuỳ tục” (ngôn ngữ tiếng Anh cũng có câu tương tự “When in Rome, do as the Romans do”). Văn hoá đó, ngay cả những người có mục đích đi du lịch đơn thuần cũng cần nắm rõ.

Tôi không nghĩ rằng, nguyên nhân khiến Daniel Hauer (tên của người dạy tiếng Anh nói trên) bị phản ứng dữ dội là bởi anh ta phát ngôn đi ngược lại xu hướng cộng đồng. Vâng, Daniel Hauer nói gì là quyền “tự do ngôn luận” của anh ta. Song, cách sử dụng ngôn từ một cách miệt thị và khiếm nhã ấy đã “động chạm” đến niềm tự hào, tự tôn dân tộc của hàng triệu con người.

Tôi sẽ không đẩy cao quan điểm, cũng không phán xét thêm về nhân cách của Daniel Hauer. Tôi chỉ đánh giá dựa trên hành vi: Một sai lầm và một sự đáng tiếc!

Tạm gác lại câu chuyện này. Có lẽ phải rất lâu rồi chúng ta mới lại được sống trong không khí “quật khởi” cùng với bóng đá nước nhà. Không phân biệt thành thị, nông thôn, không quan trọng làm trong lĩnh vực gì, không phân đẳng cấp, giàu - nghèo… mọi trái tim của người dân trong cả nước đều chung nhịp đập, mọi câu chuyện đều hướng về một nội dung, và mọi niềm vui – nỗi buồn đều cùng một lý do.

Tôi thấy những cái bắt tay giữa những người xa lạ. Sau một cú va chạm giao thông cũng đứng dậy cười xoà. Tôi thấy những cái ôm thắm thiết, những nụ cười, những lời chào đầy thân thiện của những người xa lạ với nhau… Đó là giá trị lớn lao, lớn hơn mọi chiếc cúp, mọi tấm huy chương mà đội tuyển chúng ta có thể mang về cho đất nước.

Hoá ra, trong mỗi chúng ta, ai cũng đều đang nuôi dưỡng một niềm tự tôn, một tinh thần dân tộc, một lòng yêu nước, mà thường ngày không dễ có điều kiện để bộc lộ ra ngoài.

Cách đây không lâu, tôi đọc được trên báo về kỹ sư Lê Duy Loan, người phụ nữ đầu tiên và cũng là người gốc Á duy nhất được vinh danh “Senior Fellow” – nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ - Texas Instruments.

Trên đỉnh cao danh vọng, người phụ nữ ấy vẫn hướng về nguồn cội và nói về những cái tên thuần Việt của các con mình: “Dù có sinh ra ở Mỹ nhưng chúng vẫn mang trong tim dòng máu Việt Nam, vẫn là người da vàng, tóc đen. Hãy thể hiện vượt trội ở mọi công việc gắn với tên mình, đừng bao giờ làm gì khiến gia đình và quê hương phải xấu mặt”.

Và như chính bà Loan từng nói: “Người Việt khắp năm châu bốn bể sẽ không ngại ngần gì khi xác nhận: Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang”, rất nhiều người Việt khác cũng đang nỗ lực để làm rạng danh non sông đất nước, bất kể họ đang sống, học tập ở đâu, trên cương vị nào.

Với tinh thần dân tộc, với lòng yêu nước, sự quật cường ấy, chúng ta đã có hàng ngàn năm lịch sử, chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Với tinh thần đó, chúng ta có những nhà khoa học xuất chúng, những doanh nhân lớn, những vận động viên giàu nghị lực để mang lại tự hào, mang đến sự tiến bộ và phồn vinh về cho Tổ quốc…

Hôm nay (27/1), U23 Việt Nam sẽ đấu trận cuối cùng của VCK U23 châu Á. Dù kết quả ra sao, tôi và người hâm mộ cũng cảm ơn các em, vì các em đã khơi bùng lòng tự hào dân tộc, thắp lên ngọn lửa mà tôi tin rằng, có thể sẽ đốt cháy mọi sự vị kỷ, thấp hèn để hướng đến một mục tiêu chung của đất nước.

Với tinh thần dân tộc, tôi tin, chúng ta sẽ còn tạo nên nhiều chiến thắng khác, không chỉ trên sân đấu thể thao, mà còn cả về khoa học, quốc phòng, kinh tế…

Này ông Daniel Hauer, trước lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc của người khác, đừng bao giờ đùa cợt!

Phần nhận xét hiển thị trên trang