Thế là 2018!
Những gì sắp tới không làm sao biết được. Đành nói những gì đã qua.
· Thời đại mới…
Với tôi, cái “đã qua” đáng nhắc nhất: Trump. Nhìn Trump, nghe Trump, đọc Trump, trước đây, tôi bực dọc, bối rối, lúng túng, bây giờ, bất lực và…bất khả tư nghì. Cá tính hay thủ đoạn, bản năng hay suy luận, chiến lược hay ngu dốt, ngây thơ hay tính toán? Chịu! Hiểu ngã nào, chúng cũng đi ngược lại óc phán đoán bình thường của mình. Trump vi phạm (trầm trọng) những tiêu chuẩn bình thường và, có thể, cả tiêu chuẩn không-bình-thường. Còn hơn thế: Trump sáng tạo chúng. Một cách rất hồn nhiên. Trump là một trộn lẫn kỳ lạ giữa thành thật và dối trá, giữa quyết đoán và khinh mạn, giữa trẻ thơ và người lớn, giữa nghiêm túc và giễu cợt. Chúng cấu thành một Trump-tổng-thống phi quy ước, chẳng hạn, đáng lẽ phải lãnh đạo xứ sở như một toàn thể, Trump, ngược lại, chỉ lãnh đạo những fans của mình. Ron Klain[1] cho rằng, chính quyền Trump là chế độ tổng thống một-người (a one-man presidency). “Không có một chủ thuyết Trump. Không có một kế hoạch Trump. Không có một chủ nghĩa Trump. Chỉ có Trump. Bất cứ những gì Trump nói ra là những gì Trump nói. Chẳng có ai khác nói thế cho ông.” Cũng thế, theo Shirley Anne, đại học Gettysburg, việc làm tổng thống của Trump là một “one-man show”, màn trình diễn một-người. Cho đến nay, rất nhiều chức vụ trong tòa Bạch Ốc cũng như trong nội các chưa được bổ nhiệm. Lý do? Trump chẳng cần họ.
Bỏ ra ngoài chuyện chính sách này chính sách nọ thường được biện giải theo từng quan điểm, tất cả những hành vi, cử chỉ của Trump, nếu tập hợp lại, có thể biên soạn thành một tập sách dày: uống nước cầm hai tay, nói nhịu khi phát biểu về Jerusalem; viết sai chính tả, sai ngày tháng, sai sự kiện trong các tweet của mình; chen ngang và gần như xô đẩy lấn chỗ của một lãnh tụ nước khác trên diễn đàn quốc tế, lờ đi không cần bắt tay bà thủ tướng Đức, chế giễu chuyện ấm nóng toàn cầu, dọa cúp viện trợ cho các nước vì họ không bỏ phiếu cho Mỹ tại LHQ, để mắt trần xem nhật thực, chế giễu hay tấn công những định chế có sẵn như CIA và FBI, tấn công cả quan tòa, tấn công những người cùng đảng và cả nhân viên nội các do mình bổ nhiệm, tấn công các tổng thống tiền nhiệm, liên tục tấn công người đã bị mình đánh bại, tấn công toàn thể ngành truyền thông vốn được xem là quyền thứ tư; nói xỏ xiên, sỉ nhục người này người nọ, đối thủ cũng như đồng minh, từ một nhà độc tài cho đến một cầu thủ bóng cà-na, vân vân và…………..vân vân….Không nhịn ai, không nhường ai. Ấy thế mà, Trump chưa dám đụng đến một người: Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines và vẫn còn im lặng trước lời phê phán vô tiền khoáng hậu của tờ USA Today: Trump không xứng đáng để đi chùi cầu tiêu trong thư viện Tổng Thống Obama hay đánh giày cho George Bush (not fit to clean the toilets in the Barack Obama Presidential Library or to shine the shoes of George W. Bush).
Rõ ràng là Trump, trong một thời gian ngắn ngủi, đã để lại một dấu ấn riêng biệt, không giống ai trong lịch sử. Đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý và dù thích hay không thích, những quyết định của Trump đã làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ và thế giới. Trump không những không tìm cách tự thích ứng mình với vai trò tổng thống của Mỹ như một siêu cường hay thích ứng với thế giới, mà buộc Mỹ và thế giới phải tìm cách thích ứng với chính bản thân Trump. Cho đến nay, trong lúc những chính sách của Trump đã âm thầm được thực hiện từng bước và đang ảnh hưởng đến toàn cầu, nước Mỹ và cả thế giới vẫn nhìn về nhân vật này và tự hỏi: ông ta sẽ dẫn thế giới đi về đâu?
Mà có đi về đâu đó, thì Trump đã trở thành một định mệnh mất rồi! Định mệnh Mỹ. Định mệnh thế giới. Các quyết định đã đưa ra, các chính sách đã thực hiện. Nói cho đúng ra, Trump chỉ là biểu tượng cho một định mệnh. Định mệnh này, thực ra, nằm ở một chỗ khác: Trump fans. Không cần biết Trump đúng, Trump sai, Trump láo, Trump ngây thơ, Trump ngu dốt…, Trump fans vẫn ủng hộ Trump, kiên trì, cuồng nhiệt, vô điều kiện. Không Trump fans, không có Trump-tổng-thống. Không có Trump fans, Trump đã rớt đài vì bất đồng nội bộ, vì đám “fake-news” media và phe cánh “con-mệ-Hillary lươn lẹo”. Nhưng họ ủng hộ Trump chỉ vì Trump là nhân vật duy nhất có thể thực hiện được những điều họ muốn. Trump trở nên tự do: vi phạm, thậm chí bước qua tiêu chuẩn nếu cần, miễn là thực hiện, hay chí ít, NÓI LÊN nguyện vọng của họ: thay đổi hẳn một nước Mỹ như ta từng biết cho đến nay. Mỹ sẽ thế nào sau một loạt những quyết định “vô tiền khoáng hậu” của Trump: rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đòi hỏi các đồng minh phải chia sẻ chi phí tốn kém, thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cắt giảm chi phí Liên Hiệp Quốc, thông qua đạo luật giảm thuế, vân vân và vân vân? Và rồi nước Mỹ sẽ cứ theo Trump hay sẽ chống Trump?
(Wait and see!)
· Chain migration
Cũng Trump, nhưng một chuyện khác. Mới đây, tôi chú ý đến nhóm từ chain migration, di dân xâu chuỗi. Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times ở Florida, Trump khẳng định, “Chúng ta sẽ tống khứ hình thức di dân (giống như) xâu chuỗi, chúng ta sẽ tống khứ xâu chuỗi” (We have to get rid of chainlike immigration, we have to get rid of the chain). Di dân xâu chuỗi là một cách nói khác của di dân vào Hoa Kỳ dựa trên quan hệ gia đình. Tức là bảo lãnh diện đoàn tụ: một người có quốc tịch Mỹ hay có Thẻ Xanh có thể bảo lãnh thân nhân qua Mỹ định cư. Di dân xâu chuỗi, theo Trump, là một đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ: những kẻ khủng bố mới đây trên đất Mỹ là di dân hay con cái của di dân. “Mỗi một khi có một di dân được chấp nhận, thì cánh cửa sẽ mở ra cho nhiều di dân khác vào,” nghĩa là tạo thành xâu chuỗi di dân, theo tài liệu của “National Security System” do Trump công bố hôm 25/12/2017. Di dân kéo di dân: vợ, chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em. Và các cộng đồng di dân sẽ lớn dần (không hề có chuyện giảm bớt) mang theo tệ nạn, khủng bố, cướp công ăn việc làm của người Mỹ vốn là da trắng và truyền thống Thiên chúa giáo.
(Tài liệu của @ White House, dẫn từ bài viết của Dara Lind)
Tống khứ di dân xâu chuỗi! Đó là một trong những mục tiêu lớn của Trump!
Sở dĩ Trump tấn công chính sách DACA, viết tắt từ Deferred Action for Childhood Arrivals (tạm dịch là Lệnh Hoãn Trục Xuất) của Obama cấp cho gần 700 ngàn con cái của những di dân bất hợp pháp nếu như họ hội đủ một số điều kiện để ở lại đi học, chỉ vì sợ rằng sau khi học xong họ sẽ tìm cách nhập quốc tịch, và hậu quả là, sớm hay muộn, cha mẹ của họ (những di dân bất hợp pháp) cũng sẽ trở thành những cư dân hợp pháp, theo hình thức bảo lãnh xâu chuỗi. Và cứ thế…
Tống khứ di dân xâu chuỗi có nghĩa là thay đổi toàn bộ chính sách di dân, đi từ hạn chế một cách nghiêm ngặt cho đến (biết đâu!)…chấm dứt hẳn chuyện di dân: không tỵ nạn, không bảo lãnh, không bốc xăm (visa lottery). Có nghĩa là chính sách di dân rộng rãi, nhân đạo, hào phóng mà nước Mỹ hiến tặng cho toàn nhân loại cả trăm năm qua sẽ trở thành lịch sử. Và cái gọi là “American Dream” sẽ chỉ còn một giấc mơ hoang tưởng.
Phải chăng?
(No idea!)
· Nỗi buồn online
Online, online! Go online. Sau thời kỳ “đồ giấy”, chúng ta đã bước vào thời kỳ “đồ online”! Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đi từ việc thay đổi toàn bộ cảnh quan trái đất, mang con người du hành vào một thế giới khác: ảo. Online: Không cần đi, không cần thấy/gặp, không cần đối đáp hỏi han mà lại nhanh chóng, đa chọn lựa, thuận tiện, khỏe, vân vân và vân vân. Chẳng thế mà, năm nay dịch vụ online đạt đến con số gần 6 tỷ trong lúc các cửa hàng, tuy vẫn còn hoạt động rộn rịp, nhưng nhịp độ và số lượng người giảm sút rõ rệt.Online đang lấn lướt hẳn và có lẽ sẽ đẩy hình thức mua bán kiểu brick-and-mortar (B&M), gạch-và-vữa, vào lịch sử. B&M[2] xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1990, để chỉ hình thức đối nghịch với một nhóm từ khác,e-commerce (dịch vụ điện tử). B&M là những tòa cao ốc, biểu tượng cho trung tâm thương mại, MALL. Thế là, một đối đầu thời đại: Mall vs Online, Đất vs Trời.
Mall, một “hệ sinh thái tự đủ với chính nó” (an ecosystem unto itself), là một tập hợp của cộng đồng cư dân và dịch vụ thương mại, nơi người ta cung cấp cho bạn mọi thứ mà bạn cần và mọi thứ mà bạn không hề cần, thượng vàng hạ cám. Ta có thể đi mall để tụ họp, để sinh hoạt, để tập thể dục, để giải trí, để ngắm nghía hay chẳng để làm gì cả vào bất kỳ giờ nào, bất cứ thời tiết nào. Được hình thành và bùng nở từ giữa thập niên 1950, sau khi đã tiêu diệt tất cả các cửa hàng bán lẻ, các chợ nhỏ, các tiệm rau quả, tiệm ăn tại các địa phương, Mall trở thành cái mà William Kowinski, trong tập “The Malling of America” (1985), gọi là “Những đường Main mới của Hoa Kỳ” (The new Main Streets of America). Đến đầu thập niên 1990, Mall đụng phải một đối thủ mới: Internet và đi kèm với nó, e-commerce, Mall bắt đầu chững lại. Đến giữa thập niên 2000, Mall bắt đầu đi xuống, càng ngày càng đi xuống. Năm rồi (2017), đã có 8640 cửa hàng đóng cửa, kéo theo sự biến mất hàng trăm Mall trên toàn nước Mỹ. Online tăng, Mall giảm. Thế hệ tuổi trẻ bây giờ đã xem Mall là một thứ đồ cổ, chỉ để dành cho ông bà cha mẹ chúng. Điện thoại di động tăng cường thêm sức mạnh online: mọi dịch vụ online có thể thực hiện mọi nơi, mọi lúc: trên giường ngủ, trong xe, trong lớp học hay cả khi…đi toa-lét. Chỉ cần một sát-na, ảo sẽ biến ngay thành thực.
Mall có lẽ không tự quyết định được số phận mình nữa rồi. Hiện nay, toàn nước Mỹ có chừng 1.100 Mall, nhưng theo đánh giá của các tổ chức thương mại thì sẽ có 25% sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới.
(Khung cảnh một mall đóng cửa)
Ngày ấy rồi sẽ đến: những Malls biến mất khỏi hành tinh.
Buồn, tôi bèn gào lên: online, online!
· Chưa hết… Online không chỉ giết chết những Malls thân yêu của chúng ta.
Đầu năm 2017, Trần Vũ thực hiện một cuộc phỏng vấn với Bùi Vĩnh Phúc. Trả lời cho băn khoăn của Trần Vũ (trích đoạn),
“…chậm rãi nhiều người viết nhận ra chính internet đã làm vẩn đục môi trường sáng tác và cũng chínhinternet tàn phá văn xuôi Việt Nam. Không còn những chủ bút kinh nghiệm, vững tay nghề như Mai Thảo (khi còn sức khỏe), Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác tuyển chọn gắt gao, ngược lại đông đúc các web site vì nhu cầu cập nhật hàng ngày đã rơi vào “chủ nghĩa dễ dãi”. Sáng tác, nhất là thơ, tràn lan đến bội thực. Văn xuôi rơi vào tình trạng sản xuất nhanh, để tiêu thụ nhanh… Thêm tuyệt vọng khi không còn một tập san văn chương giấy in uy tín nào nữa, cả trong lẫn ngoài nước,”
Bùi Vĩnh Phúc phát biểu,
“Tôi nghĩ là cái gì cũng có cái thời của nó. Trong khoảng một phần tư thế kỷ qua, anh nghĩ công nghệ thông tin, giải trí, các thói quen nghe nhìn của con người trên thế giới đã thay đổi như thế nào? Đây là thời đại của kỹ thuật số, của internet, của facebook và của các diễn đàn xã hội. Cuộc sống bây giờ không còn như xưa. Con người vui chơi, giải trí, thậm chí là giao tiếp, học hỏi, làm việc theo một cung cách khác. Chúng ta nói riêng, và con người thế giới nói chung, đã thay đổi cả một hệ hình, một mô thức (paradigm) sống, suy nghĩ và làm việc. Đời sống hiện tại đã trình hiện, trình xuất trước mắt ta một hệ hình mới. Nhiều tờ báo (in) có tiếng trên thế giới, và từng có mặt cả năm, bảy chục năm trước, cũng đã không còn nhiều độc giả và người mua như trước đây nữa. Có những tờ báo đã phải đóng cửa sau năm, bảy chục năm hoạt động. Mọi sự đã thay đổi trong một bầu khí quyển văn hóa mới. Báo chí của người Việt hải ngoại cũng chỉ nằm trong cái lưu vực đang trong cơn co giật và bị thu hẹp đó.”
Đã từng sống với Hợp Lưu, Văn, Văn Học, tôi chia xẻ nỗi tuyệt vọng của Trần Vũ và đồng ý cách chấp nhận hiện thực mới của Bùi Vĩnh Phúc. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã tiêu diệt tất cả những gì cản trở nó trên con đường đi tới. Nó vô cùng tích cực, nhưng nó lấy của chúng ta nhiều thứ. Đối với những người mê chữ nghĩa, nó biến những cuốn sách, những tập san văn chuơng thành…sự vật. Cầm một cuốn sách, cuốn báo với mùi thơm của giấy, với tên tác giả nằm ở đàng trước, đàng sau, trên gáy, với số trang, với từng tờ giấy…, ta cảm thấy sức nặng và công trình của người làm ra nó, của tác giả, của người biên tập. Bây giờ lên mạng, ta chỉ thấy toàn chữ và chữ, muốn đọc bao nhiêu cũng được, nối từ bài này đến bài khác, từ tài liệu này đến tài liệu khác, từ tác giả này đến tác giả khác, tưởng chừng như vô tận. Trong cái kho chung “vô tận của trời cho” đó, biên giới giữa dở và hay, giữa văn chương nghệ thuật và thời sự, giữa tác phẩm lớn và tác phẩm nhỏ, giữa tác giả và kẻ đạo văn trở nên mỏng manh, mờ nhạt dường như chẳng còn phân định được. Muốn lấy, muốn gửi, muốn chép, muốn tìm và muốn cả “sáng tác” đều quá dễ dàng. Chỉ cần gõ, sao chép, dán, gửi. Chả thế mà, hàng ngày, văn chương mạng và cả văn chương…email, tràn ngập trên các diễn đàn, tràn vào email cá nhân của ta hàng ngày. Các văn bản hay, dở đụng độ lẫn nhau, giao thoa lẫn nhau, sao chép lẫn nhau, chen chúc lẫn nhau. Chúng – cùng với những cái tên gọi là tác giả – gần như nổi trôi mờ mịt, nếu không muốn nói là hầu như bị biến mất trong cái thế giới mênh mông của thứ kỹ thuật số phù du hư ảo (digital ephemera).[3]
Dù sao, không giống như Mall, văn chương không biến mất.
Phải tìm cách thích nghi thôi.
(No choice!)
TDN
(1/1/2018)
________________________________
Tài liệu tham khảo:
– Peter Baker, For Trump, a Year of Reinventing the Presidency
– Dara Lind, What “chain Migration” really means – and why Donald Trump hates so much”
– Josh Sanburn, Why the Death of Malls Is About More Than Shopping,
– Da Màu
[1]Một viên chức làm việc trong Tòa Bạch Ốc dưới thời hai tổng thống Clinton và Obama
[2] brick-and-mortar, gạch và vữa, là nhóm từ do Moira Johnston tạo ra, tìm thấy trong tác phẩm viết về ngân hàng “The Bank of America and the Future of American Banking.” “Chúng ta sẽ bước ra khỏi công việc kinh doanh gạch-vữa. Chúng ta sẽ trở thành một ngân hàng điện tử.” (We’re going to get out of the brick-and-mortar business. We’re going to become an electronic bank).
[3] Ý dựa theo một bài viết của Trần Hữu Thục, “Tác giả, cuộc thăng trầm”.