Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017


Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Giám đốc TTBT Di tích Cố đô Huế lái luật, 
lừa lãnh đạo, lừa dân ?

Trong câu trả lời phỏng vấn báo điện tử ngaymoionline.vn, của Hội Người Cao Tuổi, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDT CĐ Huế nhận định về việc xây dựng trong các khu vực bảo vệ di tích như sau: 

“…Trên thực tế, cả trong Công ước về di sản thế giới (quy định về vùng lõi và vùng đệm) và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam (quy định về khu vực I và II) vẫn cho phép xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ việc bảo vệ hay phát huy giá trị di sản trong khu vực II (hay vùng đệm), miễn là việc xây dựng đó không làm ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu và việc bảo vệ di sản đó một cách bền vững. Điều 32 Luật Di sản văn hóa, mục b ghi rõ: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích...”

Bình luận: TS Phan Thanh Hải dẫn Công ước về di sản thế giới và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam (quy định về khu vực I và II) khẳng định:

“vẫn cho phép xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ việc bảo vệ”. Nhưng ông không dẫn điều nào của Công ước về di sản thế giới cho phép mà ông chỉ dẫn Điều 32 mục b ghi: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tich...” 

Tôi có mấy nhận xét sau:

1. Trong mục b Luật Di sản văn hóa VN được TS Phan Thanh Hải trích dẫn không có chỗ nào “cho phép xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ việc bảo vệ” cả. Đây là luật chữ nào mang ý nghĩa chữ ấy, câu nào đúng nghĩa của câu ấy. Không thể tùy tiện diễn dịch như thế để xây dựng vi phạm di tích. Diễn dịch như thế dẫn đến hậu quả phạm luật.

2. Tôi tìm Điều 32 mục b trong Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009 tại (tr. 50-51) thi hành từ năm 2009 đến nay không thấy mục b như đoạn trích trên. Toàn văn Điều 32 Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

“1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:

a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.

Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.”

Sau nhiều ngày tìm kiếm để hiểu sự thực, may sao tôi vô FB Di Tích Huế thấy có đăng Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và đọc thấy đoạn trích dẫn luật Điều 32 mục b của TS Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế nằm gọn trong Luật 2001. Đối chiếu Điều 32 trong Luật Di sản năm 2001 và Điều 32 trong Luật Di sản đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009 sửa đổi bổ sung hoàn toàn khác nhau. (Xem hình bên trái ở dưới)


Nghiên cứu Điều 32 mục b TS Phan Thanh Hải trích dẫn trên chỉ có một số từ giống đoạn cuối Điều 32 Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Giám đốc TTBTDT Cố đô điều hành TTBT Di tích Cố đô Huế bằng luật Di sản đã bị thay thế, đã được Quốc hội sửa đổi bổ sung thay thế gần mười năm trước. 

Hơn bốn tháng qua TS Phan Thanh Hải sử dụng Điều 32 mục b của Luật Di sản 2001 để họp báo, để trả lời báo chí, báo cáo với Hội đồng Nhân dân tỉnh TTH trong việc bảo vệ dự án xây dựng bãi đỗ xe trên khu đất lưu đức bên trái trước lăng Khải Định. Hành động đó có phải TS Giám đốc TTBT Di tích Cố đô Huế đã lái luật, lừa lãnh đạo, lừa dân không? Mong Giám đốc thực hiện trách nhiệm của mình bỏ chút thì giờ quý báu trả lời hộ ngay tại đây. Cám ơn.

Còn việc vì sao TS Phan Thanh Hải không sử dụng Luật Di sản đã sửa đổi bổ sung năm 2009, việc xây dựng bãi đỗ xe trên khu vực bảo vệ II đúng hay sai tôi sẽ bình luận tiếp trong các bài sau.

Huế, Ngày 26-12-2017
Nguyễn Đắc Xuân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐÊM NAY, AI CŨNG LẠI NÊN ĐỌC BÀI VIẾT NÀY





Dương Hằng Nga, "nữ anh hùng" hay đơn giản chỉ là "ăn cơm chúa, múa tối ngày?"
 
Hoàng Quỳnh
 

LTS: Bài viết này, không nhằm mục đích nói riêng về một cá nhân nào, nhưng là lập luận để ai đó phải nhận ra rằng, muốn biến mình thành anh hùng, nhận công trạng cho mình thì đừng tìm cách dìm người khác xuống.

Chưa kể, là đồng nghiệp, lại càng phải tôn trọng nhau, không thể lập lờ, vì lợi ích riêng mình hoặc phe nhóm mình mà gắp lửa bỏ tay người, vu oan giáng họa cho người khác...

(GDVN) - Bà Dương Hằng Nga lấy gì để nói một mình “chiến thắng” Vũ "nhôm", trực tiếp bênh vực ông Huỳnh Đức Thơ, người bị hai kỷ luật cảnh cáo; và xúc phạm đồng nghiệp?



Bà Dương Hằng Nga (được cho là Trưởng đại diện Tạp chí Giao thông vận tải khu vực miền Trung Tây Nguyên và Đà Nẵng) bỗng dưng nổi như cồn trên mạng xã hội khi tự nhận một mình dũng cảm đối đầu "mafia" là ông Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ “nhôm”).

Sự vụ bắt đầu vào ngày 20/12/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ về tội ''Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước'' theo điều 263, Bộ luật hình sự. 

Và chỉ 2 ngày sau (22/12), trên trang facebook được cho là của bà Dương Hằng Nga đã có bài viết: GỬI LỜI CHÀO ANH VŨ NHÔM. 

Trong đó có đoạn: “Trước khi tôi đặt bút viết 8 kỳ báo đầu tiên phanh phui ra những sai phạm của anh để có "cái kết" của ngày hôm nay, tôi đã không (nguyên văn: ko) tránh khỏi những... ngần ngừ”.
 
Trong bài viết trên trang cá nhân của mình, người được cho là bà Dương Hằng Nga nói về quá trình đấu tranh với Vũ “nhôm” và khẳng định mình “chiến thắng” trở về. Để rồi từ đây, có người tung hô bà ta là “anh hùng làm báo”“người dám đấu tranh với tiêu cực”…
 
Thế nhưng sự thật có thể lại không phải như vậy bởi vì việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ sự tôn nghiêm của luật pháp, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng. 

Kết quả, việc khởi tố Vũ "nhôm" là sự vào cuộc quyết liệt, công sức của hàng chục cơ quan, của nhiều cán bộ, chiến sĩ. 

Bên cạnh đó còn có sự tham gia của rất nhiều cơ quan báo chí với hàng nghìn bài báo chỉ ra những dấu hiệu bất thường khi mà Vũ "nhôm" nhúng tay vào nhiều sự việc tại Đà Nẵng. 

Vậy mà bà Nga tự vỗ ngực nhận một mình chiến thắng Vũ "nhôm", vậy thì có khác nào phủ nhận công sức chính của những lực lượng chủ chốt là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm cơ quan báo chí, hàng trăm nhà báo...? 

Xin nói thêm, bà Nga "tự vỗ ngực huyễn hoặc" rằng Vũ "nhôm" bị bà "tiêu diệt" bởi 8 bài báo cho thấy sự ngộ nhận sức mạnh một cách không bình thường. 

Bởi, cần phải đặc biệt chú ý rằng, ông Vũ "nhôm" đang bị Cơ quan điều tra khởi tố tội "làm lộ bí mật nhà nước", chẳng có liên quan gì đến những bài báo mà bà Nga vỗ ngực tự nhận (nếu có). 

Chưa kể, 8 bài báo- mà chỉ là lời bà Nga nói, chứ thực tế chưa thấy ai nói từng đọc được các bài viết này của bà Nga- cũng không thấy bà này dẫn ra khi "tự nhận công trạng" của mình.

Cũng cần phải nói thêm, liên quan đến các nghi vấn sai phạm của ông Phan Văn Anh Vũ, hàng trăm tờ báo, trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng nghìn bài báo từ nghi vấn đến chỉ rõ. 

Nay bà Hằng Nga tự nhận một mình chiến thắng Vũ "nhôm" là có ý gì nếu không phải là ngộ nhận sức mạnh, ảo tưởng quyền lực?

 Dòng trạng thái mà bà Dương Hằng Nga cho rằng mình chiến thắng Vũ "nhôm"
(Ảnh chụp màn hình trang facebook).

Mọi sự có thể cũng sẽ được mọi người thể tất, bởi một nữ nhi, bỗng thấy mình oai hùng quá mà quên mất mình là ai thì cũng không đáng trách lắm.

Song, đâu phải thế, cha ông đã dạy, "khôn ngoan chả lọ thật thà", bởi vì gian dối, nên chỉ hai ngày sau, chân tướng thật sự của "người anh hùng một mình chống lại mafia" đã lộ rõ. 
Chính bà Dương Hằng Nga đã tự chỉ ra rằng, mình có bóng dáng là một phần tử của nhóm lợi ích mà thôi. 

Trong một bài viết TIN MỚI NHẬN CHƯA ĐƯỢC KIỂM CHỨNG: VŨ NHÔM CHƯA THOÁT KHỎI ĐÀ NẴNG ngày 24/12/2017 vẫn trên trang facebook cá nhân của bà Dương Hằng Nga (dẫn link bài viết từ website Baomoi.com đưa lại một bài của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”?) đã lên tiếng bênh vực ông Huỳnh Đức Thơ, không rõ là vì mục đích gì, trong khi ông Thơ là người đang phải chịu hai kỷ luật cảnh cáo, cả về Đảng và Chính quyền? 

Bà Nga đi giải thích về tài sản và bênh vực ông Thơ như sau: “ông Thơ là vị Chủ tịch còn biết thế nào là tử tế - ít ra thì ông ấy đã không (nguyên văn: ko) bị Vũ nhôm mua chuộc”.

Bà Nga còn “thay mặt” ông Huỳnh Đức Thơ giải thích về nguồn gốc tài sản của ông này, trong đó có nhắc đến: “ba cái đất nông nghiệp” ở Quảng Nam, “ngôi nhà của bố mẹ vợ để lại”, “cổ phần của chị vợ” tại Công ty Thép Dana Ý. 

Xưng danh là một nhà báo, vậy thì bà Dương Hằng Nga có biết đến Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW ngày 4/10/2017 của Ủy ban kiểm tra trung ương đã chỉ ra các sai phạm của ông Huỳnh Đức Thơ và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng? 

Ông Thơ cùng chịu chung trách nhiệm với Ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng khi Ban này quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu.... 

Ngoài ra, với trách nhiệm đứng đầu Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị. 

Chưa chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định. 

Với những vi phạm như vậy, ông Thơ đã làm tròn trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố của một “thành phố đáng sống” chưa? 

Và dư luận cũng rất có lý khi đặt ra câu hỏi: Làm sao Vũ "nhôm" có thể thâu tóm công sản, "đất vàng" và nhiều dự án bất động sản khác trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, nhiều việc diễn ra khi ông Thơ là lãnh đạo thành phố? 

Bài viết chưa kiểm chứng, bênh vực ông Huỳnh Đức Thơ, xúc phạm đồng nghiệp của bà Dương Hằng Nga (Ảnh chụp từ màn hình trang facebook lúc 14h chiều ngày 25/12/2017).

Vấn đề thứ ba cần phải làm rõ là trong bài viết trên trang cá nhân của bà Dương Hằng Nga còn có đoạn: “Lại còn nghe nói, Vũ nhôm có “hợp đồng” với một số báo “lề trái” và “lề phải” để vu khống viết về tài sản “khủng” của ông Thơ”.
 
Lối ám chỉ (lề trái, lề phải) của Dương Hằng Nga là việc hết sức nghiêm trọng, gây tổn hại đến uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trực tiếp vi phạm 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, vu khống đồng nghiệp, nói trái quan điểm của Đảng, nhà nước, của Bộ Thông tin truyền thông, của Ban Tuyên giáo. 

Bà Hằng Nga có bằng chứng nào về các "hợp đồng" mà mình nói? 

Việc vu khống, xúc phạm đồng nghiệp cho thấy đây không chỉ là vấn đề đạo đức, mà đã trực tiếp vi phạm pháp luật hình sự, phải bị xử lý nghiêm. 

Sau khi nhận thấy có nhiều phản hồi phê phán, đến tối ngày 25/12/2017, bài viết này đã không còn xuất hiện trên trang cá nhân Dương Hằng Nga nữa. 

Tuy nhiên, tất cả những lời lẽ xúc phạm, vu khống trắng trợn của bà Dương Hằng Nga đối với đồng nghiệp, tự nhận chiến thắng Vũ "nhôm" và giải thích, bênh vực thay cho ông Huỳnh Đức Thơ đều đã được chúng tôi lưu lại. 

Và với những gì đã chỉ ra trên đây thì đó hoàn toàn là những căn cứ xác đáng để xem xét trách nhiệm của bà Dương Hằng Nga. 

Đối với cá nhân mình, có lẽ bà Nga cũng nên tự thấy rằng, khi tung ra những thông tin chưa được kiểm chứng với danh xưng nhà báo thì có thể gây ra những phản ứng hoang mang như thế nào trong dư luận xã hội. Đó là những điều mà một nhà báo không nên làm và không bao giờ được làm. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tham gia đấu tranh chống tham nhũng là thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng... rằng đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, và báo chí có trách nhiệm trong việc này. 

Báo đã có nhiều bài viết về công tác cán bộ, những vấn đề nổi cộm, bất cập ở nhiều bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì Đà Nẵng. 

Còn riêng đối với Thành phố Đà Nẵng, Báo cũng đã có nhiều bài viết hết sức tường minh, không bao che bênh vực cho bất cứ ai. 

Cụ thể là những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, ông Huỳnh Đức Thơ và cả những cá nhân như Vũ "nhôm" và nhiều doanh nghiệp khác đều được nêu rõ.

Với kiến văn ít ỏi của mình, khu bôi nhọ, vu hống Báo điện tử giáo dục Việt Nam và nhiều tờ báo khác, bà Dương Hằng Nga chắc không biết, liên quan đến Vũ "nhôm", từ năm 2015, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết "Công ty Bắc Nam 79 nhầm lẫn hay chiêu bài “đánh lận con đen”?" (công ty này do Vũ "nhôm" đại diện pháp luật). 

Sự việc xảy ra tại Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 có những dấu hiệu thiếu minh bạch, hòng "hô biến" khu đất vàng giữa thành phố.

Cộng với hàng chục bài báo chỉ rõ các nghi vấn sai phạm từ các công ty của ông Vũ "nhôm" trên địa bàn Đà Nẵng, tất cả các bài viết này, hiện vẫn còn trên trang báo.

Bởi thế, hành vi vu khống các báo, trực tiếp là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có "hợp đồng" với Vũ "nhôm" là hành vi xấu xa, không thể chấp nhận được.

Chưa kể, trên thực tế, khi tác nghiệp các vấn đề nêu trên, chúng tôi từng bị nhóm lợi ích can thiệp, tác động, gây khó khăn cho phóng viên, cho Tòa soạn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nao núng. 

Bà Hằng Nga biết một mà không biết mười khi trực tiếp vu khống Báo và phóng viên của Báo khi cho rằng vì lợi ích mà bênh bên này, "đánh" bên kia.

Đặc biệt nghiêm trọng, không hiểu vì động cơ, mục đích gì mà bà Dương Hằng Nga tự lên tiếng giải thích, bênh vực cho ông Huỳnh Đức Thơ và xúc phạm đồng nghiệp là tác giả Trần Phương, vu khống Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bằng những từ ngữ như: “cố tình “đảo chiều” đổ vấy quy trách nhiệm Chủ tịch Đà Nẵng”, “Được biết, Báo Giáo dục Việt Nam cũng là 1 trong “số ít” tờ báo trước đây rất... “tiên phong” trong việc “tích cực” viết không (nguyên văn: ko) đúng sự thật về chuyện tài sản “khủng” của ông Thơ”. 

Trong bài báo: Ai để doanh nghiệp "sỉ nhục chính quyền", tác giả Trần Phương thể hiện sự khách quan khi dẫn lại câu nói của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: "Một chính quyền như thế này mà lại có thể để như thế, nếu có như thế thì làm sao chấp nhận được? Có phải là sự sỉ nhục đối với chúng ta hay không?", trong buổi gặp mặt cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hôm 22/12/2017 tại Đà Nẵng. 

Với tư cách Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ có trách nhiệm như thế nào để một doanh nhân như Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ) lộng hành, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân? 

Dù thông tin trong bài báo nêu ra là khách quan, nhưng lại bị bà Dương Hằng Nga bóp méo khi đưa lên trang facebook cá nhân. 

Và ngay từ lúc này, dù cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì dư luận cũng đã hiểu rõ được bản chất sự việc qua hành động bà Nga vỗ ngực tự nhận một mình chiến thắng Vũ "nhôm"; lên tiếng giải thích về khối tài sản cá nhân có nhiều nghi vấn thay cho ông Huỳnh Đức Thơ; xúc phạm đồng nghiệp vì mục đích gì?. 

Cha ông ta đã dạy, "ăn cơm chúa, múa tối ngày" quả là chí lý. Cho dù bây giờ có người đã rút lời, tìm cách thanh minh, nhưng ai cũng hiểu, nếu không nhận ân huệ, nếu chẳng cùng phe cùng băng thì sao phải làm như thế? 

Làm người, trước hết cần sống tử tế, trung thực, đừng vì "điều này, cái kia" mà gắp lửa bỏ tay người, đổ tiếng ác cho người khác. Nhân quả nhãn tiền, không ai có thể một tay che cả mặt trời...

Hoàng Quỳnh
__________________


TÔI CŨNG THẬT SỰ LO LẮNG



Chu Mộng Long



Tôi cũng quan sát thấy nhiều đảng viên đọc tin xấu nên ngồi ở đâu cũng thấy bàn tin xấu. Họ bàn có trách nhiệm.

Tin xấu là tin không tốt. Mà tin không tốt thì không chỉ trên các trang chống cộng mà cả trên báo cộng: tin tham nhũng, tin phá hoại môi trường, tin mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tin giết người cướp của, tin đồng bóng... Trên một tờ tin tức, kể cả báo Nhân dân, thỉnh thoảng chỉ có vài mẩu tin người tốt việc tốt, còn lại đều toàn tin xấu. Ngay cả trong một kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đưa ra tin xấu. Trong miệng Tổng bí thư nói ra cũng có tin xấu, rất xấu, xấu đến mức "ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng và chế độ".

Rõ khổ cho đảng viên. Nếu không đọc tin xấu thì không có gì để đọc.

Nói thật, cá nhân tôi không là đảng viên, nhưng gặp phải một trang nào đó, chỉ cần liếc qua vài dòng là nhận ra nó bịa đặt, xuyên tạc, tôi đóng ngay lập tức và chẳng hơi đâu mà đọc hết cho mệt.

Có một bạn ở Quảng Ngãi vừa rồi tiết lộ thông tin rằng lãnh đạo cơ quan bạn ấy cấm đọc Chu Mộng Long. Nhưng các bạn trong cơ quan vẫn lén lút đọc, vì "ghiền". "Càng đọc càng sáng ra nhiều điều", nguyên văn chứ không phải tôi tự khen nhé. Ơ, thế là lãnh đạo cái cơ quan ấy khuyến khích đọc tin xấu và cấm đọc tin tốt. Bởi vì đọc mà "sáng ra nhiều điều" thì phải là tin tốt chứ? Mà sự thực trang của tôi chỉ làm cho dân cho nước tốt lên vì nó khai dân trí, làm cho dân trí sáng lên.

Hay là lãnh đạo cơ quan ấy chỉ muốn nhân viên của mình đầu óc luôn tối tăm để chăn dắt nhân viên như chăn bò?

Tôi nói với bạn ấy rằng, kẻ đọc trang tôi mà giãy đành đạch rồi ra lệnh cấm thì ắt không thể là người tốt. Dân gian vẫn nói, ma quỷ thường sợ ánh sáng! Mà ma quỷ thì nó nằm ở bất cứ lề nào. Tôi từng trải nghiệm ma quỷ lề trái cũng từng giãy đành đạch khi đọc trang tôi.

Nhớ hồi ông vua Kiệt tham nhũng ở cơ quan tôi cũng cấm như vậy, thậm chí in hết ra để chờ dịp trả thù, nhưng tiếc là... hết dịp vì bóc lịch.

Chỉ trích cái xấu để truy quét cái xấu ra khỏi đời sống là sứ mệnh của báo chí cách mạng. Marx, Lenin, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định như vậy. Không tin học lại xem!

Nếu thực tâm muốn xây dựng, kiến tạo một xã hội tốt, thì việc hàng đầu là phải truy quét cái xấu chứ né tránh thì là rõ ràng là đồng phạm, đồng lõa với cái xấu.

Các ông lo sợ tin xấu rồi cấm lung tung thì hóa ra bây giờ tình trạng tốt xấu rối tùng phèo rồi ông Thưởng ơi. Tôi cũng thật sự lo lắng, nhưng lo cho lãnh đạo hơn là lo cho đảng viên. Bởi tình trạng lú lẫn tốt xấu là do cái đầu tăm tối của lãnh đạo chứ tôi tin các đảng viên của ông không đến nỗi tăm tối lắm đâu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

16 NĂM TÙ CHỈ VÌ CUNG CẤP THÔNG TIN KẺ GIẾT NGƯỜI


Ngày bị tù oan mới 19 tuổi, ngày được minh oan, ông Chiến đã già 

Luân Lê

NHỮNG CON DÃ THÚ

Những kẻ mang danh điều tra viên trong vụ án này đã đánh đập dã man, ép người khác nhận tội và chỉ cách cho người bị tình nghi phải thực nghiệm hiện trường theo mới thả những người khác ra.

Một lũ vô lương và còn hơn cả loài cầm thú nhân danh lực lượng công quyền để làm những thứ vô pháp, vô nhân.

Nếu hung thủ không bị bắt và ông ấy đã chết trong ngục tù thì có lẽ thân phận của ông vẫn nằm trong vòng oan khiên nghiệt ngã.

Đó là lý do để luôn cần phải có sự hiện diện của luật sư khi cơ quan điều tra triệu tập nghi can, người bị mời làm việc, và đó cũng là lý do để thay đổi luật tố tụng về trình tự, thủ tục chứng minh tội phạm cũng như luật về chứng cứ, ở đó không được điều tra khép kín (phải có ghi âm, ghi hình khi tiếp xúc nghi can, bị can, bị cáo), không được trọng cung hơn trọng chứng và phải chuyển trại tạm giam, nhà tạm giam, tạm giữ cho cơ quan khác (Bộ Tư pháp) quản lý độc lập với cơ quan điều tra.

Không gì chúng không dám làm. Quả thực là kinh khiếp với những kẻ nhân danh luật pháp để chà đạp luật pháp và cướp đoạt thân phận một con người dễ hơn cả một con thú.

Những tay điều tra viên, kiểm sát viên và hội đồng xét xử trong vụ án này có phải chịu tội không hay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật sau khi bức hại một phần tư đời người người khác? 
 
----------------------
 
 
16 năm ngồi tù oan chỉ vì cung cấp thông tin
kẻ giết người 
 
Pháp luật Việt Nam
Thứ Tư, 24/12/2014 14:00 GMT+7

(PLO) - 16 năm ngồi tù, cho đến tận khi đã thi hành xong bản án, ổn định cuộc sống, ông Chiến mới được minh oan khi hung thủ thực sự bị bắt.
Bỗng dưng bị khép tội giết người

Vụ án oan xảy ra ngày 19/5/1979. Khi đó, chàng thanh niên tên ông Trần Văn Chiến (SN 1960, ngụ ấp Nam, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vừa đi làm đồng về. Cùng lúc này, em họ tên U chạy ngang qua nói: “Tao giết thằng Sên” rồi lấy chiếc túi nhét vội mấy quần áo bỏ đi.

Hai ngày sau, cả ấp rúng động khi trưởng công an xã được phát hiện đã chết ngoài bãi đất hoang. Cảnh sát xác định nạn nhân bị giết. Hay tin, ông Chiến giật mình nhớ lại lời U nói, vội sang kể với người thím, rồi chạy đến công an xã cung cấp thông tin.

Lạ rằng vừa khai xong mấy câu, ông bị công an xã bắt trói, ép nhận tội giết người. “Ở trại tạm giam khoảng 2 tuần, ông Chiến đành nhận tội giết trưởng công an vì bị đánh quá đau. Ngày CQĐT dựng lại hiện trường, ông Chiến cầm gậy quơ tứ tung theo “hướng dẫn” của điều tra viên. Chàng thanh niên 19 tuổi bị khép vào tội giết người. “Tìm được hung thủ”, CQĐT mới thả những người bị tạm giam trước đó.

Ngày 20/3/1980, TAND tỉnh Tiền Giang đưa bị cáo ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là U. Nhưng HĐXX vẫn tuyên ông Chiến án chung thân với tội “giết người”:

“Tui đã kí hết vào các giấy tờ, lúc trong trại tạm giam nói câu nào bị đánh câu đó, đau quá mới kí bậy. Ra toà kêu oan cũng chẳng ai nghe. Tui ức quá nhận hết, ai bảo gì tui đều gật đầu nhận”, ông Chiến kể.

Nhờ cải tạo tốt, ông Chiến được giảm án, thả tự do từ ngày 21/8/1995. Thời gian ngồi tù tổng cộng 16 năm 3 tháng.

16 năm tù oan được bồi thường hơn 200 triệu

Ra tù đã gần 36 tuổi, ông Chiến mang trong mình bản án giết người, nỗi mặc cảm tương lai tối mịt. Cầm 100 ngàn đồng cán bộ trại giam cho, ông ở lại Gia Lai tìm việc. Thanh niên vừa ra tù may mắn được cô gái Nguyễn Thị Hồng Loan đem lòng cảm mến, cưu mang.

Sau khi người vợ sinh con được 3 tháng, ông xin phép đưa gia đình về quê. Cuộc trở về không như ông mong đợi. Mọi người đều nhìn ông bằng con mắt xa lạ, ghét bỏ. Gia đình nghèo khó không giúp được gì. Ông đành dắt vợ con ra dựng tạm chòi lá tá túc nhờ mảnh đất hoang của người cậu. Tiếng xấu giết người vẫn đè lên cái tên. Mỗi lần đi làm thuê ở đâu, ông đều bị “soi” bởi lý lịch “đen”.

Mãi gần 2 năm sau ra tù, ông Chiến mới được minh oan. Đó là một ngày giữa tháng 10/1997, ông Chiến đang trồng rau ngoài đồng thì hay tin U bị bắt bên Lào, công an đã giải về Tiền Giang.

Cơ hội được minh oan đã đến, ông Chiến bỏ lại cuốc, cào chạy ào về nhà hỏi chuyện. Ông khóc òa vì sung sướng, từ nay đã được thoát tiếng oan giết người. Mấy ngày sau, công an tỉnh cứ vài ngày lại mời ông lên làm việc.

Nhà có mỗi chiếc xe đạp, ông lại lạch cạch đạp hơn 40km “hầu án”: “Bắt thằng U rồi, họ (ý nói cán bộ công an) vẫn chưa tin tui. Phần tui chẳng nghe đả động gì đến chuyện giải oan, nhà lại thiếu gạo đành bỏ dở đi làm thuê”.

Trở lại diễn biến vụ án trưởng công an xã bị sát hại, hung thủ thực sự Trần Văn U khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. U khai nghiện rượu, mỗi lần say xỉn gây mất trật tự địa phương nên bị công an xã mời đến giáo dục nhiều lần. Nhưng U không sửa đổi mà vẫn chứng nào tật ấy mà còn sinh ra thù hằn người lập hồ sơ đưa mình đi cưỡng bức lao động.

Khoảng 14h ngày 19/5/1979, U thấy anh Sên đi bộ đã bí mật chuẩn bị 2 cây gậy “mai phục”. Nạn nhân bị đánh vào đầu dẫn đến tử vong. Sau khi gây án, hung thủ kéo xác nạn nhân đến giấu tại nghĩa địa, bỏ trốn về Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, sang tận Lào sinh sống. Ngày 24/10/1997, U bị bắt theo lệnh truy nã số 82 ngày 13/6/1979 của CA Tiền Giang.

Ngày 5/7/2001, TAND Tiền Giang đưa ra xét xử vụ án. Bị cáo khai một mình thực hiện hành vi giết người, không liên quan gì đến ông Chiến. Bị cáo U nhận án chung thân về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản. Ông Chiến được tuyên không phạm tội giết người.

Ông Chiến sau đó đã làm đơn yêu cầu các cơ quan gây oan sai cho mình đền bù 800 triệu đồng. Đến tháng 12/2004, ông Chiến được TAND Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời công khai xin lỗi tại địa phương, trên báo đài.

Những người thực thi công quyền cẩu thả, ông Chiến đã bị “nhốt” cả đời trai trẻ trong nhà lao. 16 năm tù đủ dài để con người ta xây dựng một cuộc sống đàng hoàng. Chừng đó thời gian cũng đủ biến một thanh niên trẻ khoẻ thành ông già trong nhà tù.

“Ra tù, tui mất hết tương lai. Căn nhà vợ chồng đang ở là do một người Việt kiều biết hoàn cảnh tù oan đã tài trợ xây dựng. Nhưng chủ đất nói gần nói xa, ý muốn đòi lại đất. Các con tui vì nghèo phải bỏ học giữa chừng. Tất cả do tù oan mà ra”, ông uất ức.

Tiễn khách ra ngõ, người đàn ông nhắc lại: “Hồi trước toà án tỉnh gọi tui lên thương lượng. Họ nói chỉ bồi thường chừng đó tiền (chính xác là 252,7 triệu đồng), nếu không đồng ý thì ra toà. Lúc đó toà xử xử. Tui không hiểu, đành gật đầu chấp nhận”./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng để mất bò mới lo…


... Làm chuồng. Tức là giật mình hoắng lên, lo sợ, cuống quýt tìm nguyên nhân, tìm cách giải quyết, quy kết trách nhiệm. Nhưng tất cả đều là sự đã rồi. Nếu sự việc xảy ra chỉ để lại hậu quả nhẹ, không ghê gớm lắm thì còn có thể rút kinh nghiệm, nhưng nó mà nặng nề, tổn hại không thể tính đếm thì chỉ còn nhờ tới pháp luật.

Ấy là tôi muốn nhắc tới vụ việc cười không nổi xảy ra đêm 25.12 ở Hà Nội. Chả hiểu làm sao, giữa muôn trùng lực lượng bảo vệ, hàng rào ngăn cách nọ kia, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vậy mà đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện đại nhập từ Trung Quốc về, được gìn giữ bảo vệ cẩn thận “như con ngươi của mắt mình” lại bị tấn công một cách rất hài. Không biết “quân địch” có bao nhiêu người, nhưng dứt khoát không thể một hai “lính”, đem theo “vũ khí” là sơn màu, đồ phun xịt, cọ quẹt đã khoác cho đoàn tàu mới nhập còn din chưa bóc tem ấy một bộ áo lòe loẹt, loang lổ, sặc sỡ chẳng giống thứ gì. Có người đùa những “bức tranh” được lắm, còn buột mồm khen các họa sĩ graffiti vẽ đẹp, ấn tượng, khéo tay. Chẳng qua họ nhìn dưới góc độ hội họa thôi, chứ xét dưới góc độ xã hội - pháp luật thì quả thật có vấn đề.

Trước hết, cần hiểu đoàn tàu này là tài sản của nhà nước, giá đắt (được mua về với tổng cộng hơn 63 triệu USD, mà những toa tàu bị vẽ bẩn là một hợp phần), nhập từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển, bảo quản, lặp đặt đều rất tốn kém. Tàu “quý như vàng” còn đang chờ đường, chưa biết khi nào mới xong bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, đây là đoàn tàu đường sắt trên cao hiện đại đầu tiên của đất nước, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, để làm sao khi đưa vào sử dụng phải an toàn ở mức cao nhất. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt, không thể để những tai tiếng ban đầu làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác về sau. Chính vì vậy, hành vi bôi bẩn lên đoàn tàu có thể xem như tội hủy hoại tài sản nhà nước. Không chấp nhận bảo rằng đó chỉ là thỏa mãn sáng tạo, nông nổi, bồng bột, cạn nghĩ.

Nhưng điều nghiêm trọng nhất không phải ở đó. Nếu các “họa sĩ graffiti” vi phạm gây lỗi một thì những người có trách nhiệm với đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, với tài sản nhà nước, với an ninh trật tự xã hội, phải nhận lỗi mười. Họ được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo vệ tài sản quý giá của nhà nước, của nhân dân, có trách nhiệm giữ gìn không để xảy ra sai sót, vi phạm, gây mất an toàn, gây những lo ngại về sau. Cứ cho rằng không có cái gì, thứ gì là tuyệt đối, mười phân vẹn mười, nhưng để đoàn tàu bị “tấn công” bôi bẩn đến mức nực cười, không ai có thể nghĩ nó lại xảy ra như thế, thì quả thật đáng báo động. Điều rõ ràng là nhóm “họa sĩ” không tài giỏi như lính đặc công, đánh chớp nhoáng, vẽ êm rút nhẹ. Ít nhất họ cũng mất vài tiếng đồng hồ, làm rất tỉ mỉ, trong ánh sáng đầy đủ. Những bức vẽ hoành tráng, chi tiết như vậy phải tốn rất nhiều thời gian. Thế mà khi họ hành sự không ai biết, không ai hay, họ tunh hoành như ở chỗ không người. Thử hình dung xem, may mà đây chỉ là những “họa sĩ graffiti” vẽ xong rồi rút êm, chứ nếu là “thế lực thù địch” nào đó như nhà nước vẫn cảnh báo, nó vào phá hoại, gây cháy nổ, ăn cắp những trang thiết bị hiện đại của đoàn tàu, khiến đoàn tàu bị vô dụng, hư hỏng… thì còn nguy hiểm đến đâu. Một công trình lớn của quốc gia với chi phí gần 900 triệu USD đang được nhà nước và nhân dân trông đợi hoàn thành, mà lại có thể “phát sinh” những chuyện cười ra nước mắt như vậy, thật không hiểu nổi.

Nghe lời phân trần của một vị trong Ban Quản lý dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, có lẽ thêm một lần nữa ta không khỏi cười thầm. Ông bảo “Ga Cát Linh hằng ngày được bố trí lực lượng bảo vệ đoàn tàu và các thiết bị của nhà ga. Tuy nhiên chúng tôi chưa rõ việc vẽ bậy đã diễn ra như thế nào” (theo báo VnExpress).

Hình như các vị ấy vẫn thích kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Xuân Quỳnh




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mưa đền *



Bạn viết rằng "mưa đền cây"
Nhưng thực ra là mưa đền đất
mưa trả nợ thế gian 
và mưa
đền ơn cho người
Sau bao nhiêu lũ lụt
nắng chảy sườn non
gió mòn vách núi
cơn mưa cuối năm này
phải chi trời đất còn chút gì áy náy
Người ngập ngừng
phùn mưa lay bay..
Thế kỷ mới với nhiều biến loạn
gần xa toàn tin hại người,
bắt người
Đường thì tắc
còn cánh đồng khô hạn
vật giá leo thang như thể trốn lên trời
Chưa có khi nào mặt người nom gớm giếc
thiếu lửa cho nhau
hoe hoắt nụ cười
một dải non sông mờ trong bụi
"thuyết âm mưu" lẩn khuất mỗi ngày!
Trời biết cả..
trời làm cơn mưa muộn
mưa an ủi người
mưa an ủi cây
Nhưng chẳng lẽ ỷ cho trời tất cả
Em nghĩ gì? làm gì? sáng nay?
(*) Ý một bài thơ của Trịnh Kim Hiền.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nasa muốn 'ném thiên thạch' về phía Trái Đất


https://baomai.blogspot.com/
Chúng ta đều đã quá quen với câu chuyện một thiên thạch rơi xuống Trái Đất và hủy diệt hết tất cả sự sống.

Những động vật duy nhất có thể trụ được sẽ là loài có nhiều lông, có thân hình nhỏ nhắn và có lẽ là sống dưới lòng đất. Cũng giống như loài khủng long 65 triệu năm về trước, hầu hết con người sẽ không có cơ hội sống sót.

Vậy thì nguyên nhân gì khiến Nasa muốn bắt lấy một trong những thiên thạch khổng lồ này và ném nó về phái Trái Đất? Họ đang nghĩ gì vậy?

"Mục tiêu hiện nay là 2008 EZ5," Humberto Campins, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu các hành tinh và là cố vấn cho dự án này, nói qua điện thoại. "Đó là một cái tên rất mang tính diễn đạt cao và rất văn vẻ," ông đùa.

Thiên thạch mà ông đang nói tới lớn đến nỗi nó sẽ khiến khủng long bạo chúa cũng phải rùng mình. Nó được khám phá vào năm 2008 và có kích thước từ 230 đến 710 mét. Nếu va chạm với Trái Đất, nó sẽ gây ra vụ nổ có sức công phá lớn hơn hàng triệu lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.

Thế nhưng bạn chưa cần vội chạy lên núi lánh nạn.

Nasa không muốn di chuyển toàn bộ thiên thạch này và cũng không có ý định dùng nó để huỷ diệt Trái Đất. 

Thay vào đó, kế hoạch của họ là gắp một khối đá nặng 20 tấn từ bề mặt của nó và đẩy nó vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng.

https://baomai.blogspot.com/
Các vụ thiên thạch lao vào Trái Đất trước đây được cho là nguyên nhân khiến khủng long bị tuyệt diệt

Để tiện so sánh, ta có thể lấy số liệu là với 6 sứ vụ, vốn được tiến hành từ giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, các du hành gia tàu Apollo đã mang 382kg đá Mặt Trăng - nặng ngang với một con gấu nâu to - về Trái Đất.

Sứ vụ mới đang được nhắc tới sẽ giúp đưa về một khối đá nặng gấp 50 lần - với trọng lượng ngang hai con khủng long bạo chúa, chỉ trong một chuyến đi.

Thế nhưng chỉ cần nhìn vào một thiên thạch di chuyển ở tốc độ 90 nghìn km/h và thường có khoảng cách tầm 292 triệu dặm, có lẽ cũng dễ nhận ra rằng đây không phải là một dự án dễ dàng.

Vậy làm sao và vì sao họ muốn thực hiện dự án này?

Các thiên thạch được cho là những gì còn lại từ quá trình hình thành Hệ Mặt Trời của chúng ta; một số thiên thạch đã va chạm với nhau để tạo thành các hành tinh, còn một số khác tiếp tục bay quanh Mặt Trời trong 5 tỷ năm qua.

Có nhiều thiên thạch có quỹ đạo bay khá gần với Trái Đất. Thế nhưng chưa có ai thiệt mạng do các vụ rơi thiên thạch trong hàng nghìn năm qua, và cũng không có thiên thạch nào sẽ lao vào Trái Đất trong hàng trăm năm tới.

Tuy nhiên, lịch sử cổ đại của Trung cộng đã từng ghi lại những cái chết do các vụ rơi thiên thạch.

Gần đây nhất là vụ xảy ra vào năm 1908, khi một thiên thạch rơi xuống vùng Siberia hoang vắng của Nga và san bằng một vùng rộng ngang với Luxembourg.

"Chúng đã từng lao vào Trái Đất trước đây và chúng sẽ tiếp tục lao vào chúng ta trừ khi chúng ta có thể ngăn cản điều này," Campins nói.

https://baomai.blogspot.com/

Giá trị

Mặc dù vậy, khoảng cách gần cũng mang lại một số lợi ích.

Hồi năm ngoái, các nhà khoa học đã quan sát một thiên thạch chứa một lượng platinum có giá trị tương đương 5 nghìn tỷ đôla bay lướt qua Trái Đất ở khoảng cách 1,5 triệu dặm, tức khoảng lớn hơn 6 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng.

Ngày càng có nhiều công ty khai khoáng muốn khai thác các thiên thạch giàu khoáng sản như vậy và trong trường hợp của Nasa, thứ quý giá nhất có thể được tìm thấy đó là nước.
Dù một số thiên thạch chủ yếu chứa kim loại bên trong, một số khác, như thiên thạch loại C, chủ yếu chứa carbon hoà lẫn với nước.

"Nếu chúng ta muốn khám phá xa hơn trong Hệ Mặt Trời, các nhà du hành vũ trụ tương lai có thể dùng thiên thạch để làm những trạm nạp nước và oxy," Paul Chodas, người quản lý tại trung tâm Near Earth Object thuộc Jet Propulsion Laboratory, nói.

Thế nhưng một vấn đề khác đó là hiện nay, hầu hết các thiên thạch là điều bí ẩn. Chúng ta không biết chúng trông thế nào chứ đừng nói là có thành phần cấu tạo ra sao.

"Khi phát hiện ra các thiên thạch từ kính thiên văn, chúng ta chỉ thấy những điểm sáng chứ không phải nhìn thấy những khối đá, vì chúng ở quá xa," Ed Cloutis, một chuyên gia về thiên thạch tại Đại học Winnipeg, nói.

Các nhà khoa học phải phán đoán bằng cách nhìn vào ánh sáng Mặt Trời mà nó phản chiếu.

Ông nói thao tác này giống như việc một tay cầm kim loại, một tay cầm hòn than - rất dễ để đoán cục nào là kim loại chỉ bằng mắt thường. Thế nhưng nếu muốn biết bên trong cục than đó chứa gì, bạn cần mang nó đến phòng thí nghiệm.

"Chúng ta có thể phỏng đoán rằng chúng là một hỗn hợp giữa bụi và đá nhưng không biết chính xác tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu," Campins nói.

Ngay cả khi các thiên thạch chứa đầy nước thì chúng ta cũng có một trở ngại khác.

Mặc dù có rất nhiều phi hành gia vũ trụ đang đóng trên ISS (International Space Station) kể từ năm 2000, nhưng kể từ lần con người đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1972 đến nay, vẫn chưa có ai thực sự du hành sâu vào vũ trụ.

https://baomai.blogspot.com/

Tìm kiếm công nghệ mới

Hiện nay, các phi hành gia đang phải sống nhờ vào các nhu yếu phẩm từ Trái Đất. Nếu Nasa muốn đưa con người lên Sao Hoả vào giữa thập niên 2030, họ sẽ cần những công nghệ hoàn toàn mới.

Đây là lý do vì sao dự án Asteroid Redirect Mission của Nasa ra đời.

Bằng việc bắt lấy một khối đá từ vũ trụ và đưa nó về gần Trái Đất, dự án này muốn giải quyết ba vấn đề cùng một lúc.

Giai đoạn đầu của nhiệm vụ sẽ bao gồm việc gửi một tàu vũ trụ không người lái về phía thiên thạch. Tàu vũ trụ này được trang bị ba chân để hạ cánh xuống gần khối đá và sử dụng các cánh tay robot để gắp nó. Theo Chodas, đây là quy trình khá dễ, vì lực hút trên một thiên thạch là khá thấp, vì vậy, việc hạ cánh sẽ khá êm ái.

Sau khi đã chọn được một khối đá, nhiệm vụ chính lúc này sẽ là thử 'máy kéo dùng lực hấp dẫn' - một kỹ thuật sử dụng trọng lượng của tàu vũ trụ để kéo một thiên thạch về phía nó một cách nhẹ nhàng.

Dù sức hút của tàu vũ trụ khá nhỏ, nếu quy trình này được thực hiện đủ lâu, nó sẽ tạo ra một tác động đủ lớn để khiến quỹ đạo bay của thiên thạch bị đổi hướng. "Nó sẽ bay theo hướng ít nguy hiểm hơn cho Trái Đất," Campins nói.

Sau đó tàu vũ trụ sẽ cất cánh bằng một động tác nhảy (bằng việc đột ngột duỗi thẳng chân tàu) để tránh làm bụi tung mù mịt và sau đó mở hệ thống phản lực sau khi đã tạo một khoảng cách đủ xa. "Nếu điều này diễn ra quá sớm, camera trên tàu vũ trụ có thể bị bụi che phủ," Campins nói.

Sau đó tàu sẽ phải đi khoảng 50 triệu dặm để đến Mặt Trăng. Đây là lúc mà công nghệ mới nhất của Nasa phát huy tác dụng. Công nghệ này sẽ sử dụng năng lượng mặt trời để thúc đẩy chất xenon - một loại khí được sử dụng trong các màn hình plasma hoặc đèn flash của camera, vốn được thải ra từ động cơ của tàu vũ trụ để tạo lực đẩy.

"Nên nhớ rằng chỉ cần một lực đẩy nhẹ cũng đủ để đưa bạn đi vì bạn đang ở trong vũ trụ, không có trọng lực," Campins nói.

Nhiệm vụ này là cơ hội hoàn hảo để thử nghiệm công nghệ mà Nasa hy vọng sẽ ngày nào đó giúp đưa phi hành gia vũ trụ lên Sao Hoả. "Nó chưa bao giờ được sử dụng ở quy mô như hiện nay," Chodas nói.




Zaria Gorvett

Phần nhận xét hiển thị trên trang