Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Nhỏ bé chưa hẳn đã là đáng tiếc!


Du lịch Moraco

morocco
Monaco, một quốc gia chủ quyền nằm trên French Riviera thuộc nước Pháp ở vùng Tây Âu. Diện tích bé nhỏ, chỉ khoảng 2km2 với dân số gần 36 ngàn người. Đất nước này có diện tích nhỏ đứng thứ 2 của thế giới nhưng mật độ dân số lại cao nhất.
Monaco về mặt địa lí, nằm hoàn toàn trong lòng nước Pháp, có 3 mặt tiếp giáp với nước Pháp, mặt còn lại giáp với Địa Trung Hải. Trung tâm của công quốc cách nước Ý khoảng 16km.
Trên danh nghĩa, Monaco là nước có GDP cao nhất hành tinh, với bình quân đầu người là 215.163 USD. Cũng ở đây, người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới: 90 tuổi và tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Dịch vụ du lịch và nguồn thuế thu từ các sòng bạc là nguồn thu nhập chủ yếu của Monaco. Ngoài ra, ngân hàng và tài chính của công quốc đều phát triển mạnh.
Người dân Monaco được miễn thuế hoàn toàn, cuộc sống với họ là thiên đường. Là đất nước có nhiều sòng bạc, song công dân Monaco lại không được phép đánh bạc, các sòng bạc lớn chỉ dành cho khách du lịch.
Monaco về mặt diện tích, chỉ hơn mỗi Vatican, nhưng lại là quốc gia - thành phố đầy hấp dẫn, đặc biệt với những ai thích đi du thuyền, mê những đường đua tốc độ và sòng bạc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ phạm của đại họa BOT Cai Lậy là bộ trưởng giao thông


Mấy ngày trước, người ta thấy ông thủ tướng ra lệnh không để “lợi ích nhóm” chi phối các dự án BOT vẫn được coi là “chủ trương đứng đắn” của nhà nước, nếu có một cuộc điều tra công khai minh bạch và đến nơi đến chốn, sẽ thấy tất cả đều là “đại án” như ý kiến của Luật Sư Trần Quốc Thuận nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn của đài BBC.

Bộ Trưởng Giao Thông Nguyễn Văn Thể. (Hình: TinTM)
TIỀN GIANG, Việt Nam – Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN, ông Nguyễn Văn Thể, là đầu mối “gợi ý” cho tỉnh Tiền Giang đồng ý đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, thay vì trên đường tránh, đang gây đại họa cho chế độ vì bị người dân chống đối kịch liệt.

Ngay sau khi ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị dừng thu phí tại BOT Cai Lậy, một số báo tại Việt Nam thấy có chỗ dựa, nhảy vào viết một só bài phân tích, đề nghị cách giải quyết cái cục xương gà BOT Cai Lậy đang mắc ngang cổ họng của các ông bà “lợi ích nhóm.”

Người ta không rõ đây là sáng kiến của các tờ báo lề phải hay có một chỉ thị “ở trên” bật đèn xanh cho cả dàn báo chí chính thống khua chiêng gõ trống cho một lối thoát an toàn theo kiểu ông thủ tướng “chính phủ kiến tạo” đã biết nghe theo ý kiến quần chúng.

Báo Tuổi Trẻ cùng một ngày 4 Tháng Mười Hai, 2017, có bài “Tuổi Trẻ đề xuất dời BOT Cai Lậy vào đường tránh!” thì còn có bài viết quy trách nhiệm cho bộ trưởng Giao Thông Vận Tải “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!”

Tờ Thanh Niên thì có bài “Phải di dời trạm BOT Cai Lậy” trong khi tờ Pháp Luật thành Hồ viết kiểu hô khẩu hiệu “BOT Cai Lậy: Phải dời ngay!”

Còn tờ VietNamNet có bài với tựa đề “Trạm thu phí BOT Cai Lậy: Dũng cảm nhận sai để sửa sai.”

Đáng để ý nhất, bài viết “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!” của tờ Tuổi Trẻ trưng dẫn một số tài liệu, văn bản do ông Bộ Trưởng GTVT Nguyễn Văn Thế khi còn là thứ trưởng Bộ GTVT, từ “gợi ý” cho nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang chấp nhận đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, rồi sau đó ký quyết định hợp thức hóa vấn đề.

“Năm 2013, ông Nguyễn Văn Thể – khi đó là thứ trưởng Bộ GT-VT – đã gửi văn bản ‘gợi ý’ đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Ông cũng là người ký quyết định phê duyệt dự án này. Các tài liệu, hồ sơ dự án cho thấy tỉnh Tiền Giang làm theo trong tình thế đã rồi,” báo Tuổi Trẻ viết.


Đồ họa của báo Tuổi Trẻ đoạn BOT Cai Lậy. (Hình: Ðồ họa của Tuổi Trẻ)

Tờ Tuổi Trẻ viết tiếp rằng: “Theo tài liệu chúng tôi có được, vào ngày 28 Tháng Mười, 2013, ông Nguyễn Văn Thể – thứ trưởng Bộ GT-VT – ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang về việc ‘thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT.’ Tại văn bản này, Bộ GT-VT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh ‘có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1.’ Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.”

Ngay sau đó “ngày 4 Tháng Mười Một, 2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GT-VT. Hai ngày sau, đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất. Đến ngày 19 Tháng Mười Hai, 2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.”

Dự án BOT Cai Lậy có trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1A, không phải tuyến tránh, là một dự án “chỉ định thầu” giống như tất cả hơn 80 dự án BOT khác trên cả nước.

Cho phép “chỉ định thầu” là một cách để các quan chức Bộ GTVT chọn một nhà thầu là “sân sau” của ai đó, hoặc người nhà của ai đó, thông thường được gọi là “lợi ích nhóm” với những số tiền “lại quả” phải “xứng đáng” với giá trị của dự án.

Riêng dự án BOT Cai Lậy, tìm hiểu thử xem chủ đầu tư dự án này 2 ngàn tỉ đồng là ai thì có thể hình dung ra được phần nào vấn đề.

Theo bản tin VTC ngày 4 Tháng Mười Hai, 2017, “ông chủ” thực sự của BOT Cai Lậy (Tiền Giang) không phải là người sở hữu lượng cổ phần lớn nhất mà có thể là một doanh nhân trẻ sinh năm 1992,” tức là mới 25 tuổi. “Đơn vị sở hữu tới 65% dự án BOT Cai Lậy là công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Với tỷ lệ góp vốn lên tới 65%, Bắc Ái được coi là ‘ông chủ’ của trạm thu phí BOT Cai Lậy.”

VTC cho hay: “Ngày 10 Tháng Ba, 2017, công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái đã tiến hành thay đổi chức danh quan trọng nhất của lãnh đạo công ty. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến An đã thay ông Lê Tiến Thắng làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Bắc Ái. Ông Nguyễn Tiến An là một doanh nhân trẻ, sinh ngày 5 Tháng Giêng 1992. Ông An có hộ khẩu thường trú tại Khu 3, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sau khi thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Tiến An chính thức là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bắc Ái tính đến thời điểm hiện tại.”

Nguyễn Tiến An mới 25 tuổi, lại ở tỉnh Vĩnh Phúc, chủ một dự án đầu tư ở tuốt miền Nam, có thật là chủ thật sự hay chỉ là cái bình phong cho ai đó, nhóm lợi ích nào đó? Số tiền hàng trăm tỉ đồng làm sao đương sự có được ở cái tuổi đó?

Mấy ngày trước, người ta thấy ông thủ tướng ra lệnh không để “lợi ích nhóm” chi phối các dự án BOT vẫn được coi là “chủ trương đứng đắn” của nhà nước, nếu có một cuộc điều tra công khai minh bạch và đến nơi đến chốn, sẽ thấy tất cả đều là “đại án” như ý kiến của Luật Sư Trần Quốc Thuận nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn của đài BBC. (TN)

Người Việt


Phần nhận xét hiển thị trên trang

2 người Việt lọt Top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới


Đó là GS. Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG, Pháp và TS. Nguyễn Việt Cường, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

GS Nguyễn Đức Khương (Học viện Kinh tế IPAG, Pháp). Ảnh: ĐHQG Hà Nội
GS. Nguyễn Đức Khương và TS. Nguyễn Việt Cường được dự án Nghiên cứu kinh tế RePec xếp vào Top 5% trong tổng số hơn 55.000 nhà kinh tế trên thế giới, theo bảng xếp hạng tháng 7/2017.

Trong đó, GS. Nguyễn Đức Khương vừa được bổ nhiệm làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Năm 2016, anh cũng được RePec xếp hạng trong Top 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của RePec, 2 nhà nghiên cứu này đã có hàng trăm ấn phẩm nghiên cứu và bài báo khoa học.

(Theo VTV.vn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỜI GIỚI THIỆU cuốn sách THẾ GIỚI MỚI TƯƠI ĐẸP



Dịch giả HIẾU TÂN
Về tác giả

Nhà văn Anh Aldous Leonard Huxley, tác giả 'Thế giới mới tươi đẹp' là nhà tiểu thuyết, nhà triết học, sinh ngày 26 tháng Bảy 1894 trong một gia đình của dòng họ Huxley có nhiều người nổi tiếng. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, sách du ký, kịch bản phim, nhiều tác phẩm phi hư cấu, (trong đó đáng chú ý là Những cánh cửa của nhận thức hồi tưởng lại những trải nghiệm dùng ma túy), và những tiểu luận về nhiều chủ đề khác nhau. Là một triết gia nhân văn chủ nghĩa và hòa bình chủ nghĩa và nhà văn châm biếm, ông được coi là một trong những trí thức kiệt xuất nhất của thời đại. Từ năm 1937 Huxley chuyển sang sống ở Mỹ đến khi mất. Giai đoạn sau ông quan tâm đến lĩnh vực tâm linh như cận tâm lí (parapsychology ), thuyết thần bí triết học (philosophical mysticism), thuyết phổ biến (universalism). Năm 1962 một năm trước khi mất, ông được Hội Văn Học Hoàng gia Anh RSL trao tặng danh hiệu cao quí Companion of Literature. Ông cũng được đề cử giải Nobel trong nhiều năm.

Huxley mất ngày 22 tháng Mười Một 1963, cùng ngày nhà văn C.S. Lewis mất và tổng thống Mỹ John F.Kennedy bị ám sát.

Tác phẩm

Trong vở kịch Bão tố (The Tempest) của Shakespeare, Miranda là một thiếu nữ sống trên hoang đảo, nơi không có ai khác ngoài cha cô và những đầy tớ của ông, với một hồn ma (Ariel). Lần đầu tiên trông thấy những người khác, cô thốt lên:
Ôi, tuyệt diệu!

Bao nhiêu con người tốt đẹp nơi đây.
Loài người mới đẹp đẽ làm sao. Ôi thế giới mới tươi đẹp!
Có những con người này trong ấy.

Trớ trêu thay, những con người ấy lại là những đại biểu tồi tệ nhất của loài người, những kẻ độc ác và phản phúc. Khi lần đầu tiên trông thấy thế giới mới, John-Người hoang dã – nhân vật chính trong tiểu thuyết của Aldous Huxley và tín đồ nhiệt thành của Shakespeare – đã kêu lên đầy hứng khởi, như Miranda:
Ôi thế giới mới tươi đẹp!

Và, tác giả cuốn tiểu thuyết mang cái tên này dẫn ta vào xem thế giới mới tươi đẹp ấy.

* * *

Cuốn tiểu thuyết ý tưởng này, thuộc loại viễn tưởng, đúng hơn là ‘phản-khôngtưởng’ hay ‘khôngtưởng-đen’, cực kì nổi tiếng từ khi nó ra đời. Không một người có học nào ở phương Tây không biết đến nó. Một hình dung ghê rợn về tương lai của loài người. Là không tưởng, tức là chỉ có trong tưởng tượng, nhưng nó gợi cho ta suy nghĩ về những xu thế có thể có của sự phát triển của công nghệ, của nền văn minh, và những hệ lụy đối với nhân tính của loài người.

Thế giới mới tươi đẹp mô tả London vào năm A.F.632: (Năm 632 Kỷ nguyên Ford) tức năm 2540 Công lịch, đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm lại hoàn toàn, bằng công nghệ. Phôi thai người được thụ tinh trong ống nghiệm, được chăm sóc theo quy trình đặc biệt, và ra lò theo số lượng kế hoạch hoá. Sảnphẩm-người của quá trình sản xuất hàng loạt theo dây chuyền ấy được chia thành năm loại, năm đẳng cấp cách biệt, gọi tên theo các chử cái Hy Lạp: alpha, beta, delta, gamma, và epsilon, trong đó alpha là đẳng cấp cao nhất và epsilon là thấp nhất. Alpha, beta được chế tác và tinh chọn để có những phẩm chất thể chất và trí năng hoàn hảo, lớn lên thanh những con người khỏe mạnh thông minh, cân đối, đẹp đẽ; còn delta, gamma, và epsilon, những đẳng cấp thấp, được sản xuất từng mẻ lớn theo qui trình Bokanovsky, từ một trứng có thể ra đến 96 con, hoàn toàn đồng nhất về mọi mặt, “giống nhau một cách kinh hoàng” và trong quá trình phôi thai còn bị xử lí hóa học cho còi cọc, đần độn, vì chúng “không cần khả năng suy nghĩ.” Dễ hiểu là alpha, beta được giao những chức năng lãnh đạo và điều hành xã hội, còn delta, gamma, và epsilon lao động để làm ra sản phẩm cho xã hội tiêu dùng. Khi ra đời, những đứa trẻ được đào luyện một cách đặc biệt bằng phản xạ có điều kiện, chẳng hạn những đứa bé delta được lập phản xạ để “sợ sách và hoa”. Mọi đứa bé đều được lập phản xạ để suốt đời hài lòng với số phận dành cho mình. Việc giáo dục trẻ dựa trên phương pháp “học trong khi ngủ”: trong lúc ngủ chúng được nghe từ loa phóng thanh những câu nói soạn sẵn, có vần điệu như những châm ngôn, lặp lại hàng trăm hàng nghìn lần để in vào tiềm thức của chúng, tạo thành những ám thị, và trong suốt cuộc đời những châm ngôn này sẽ tự động bật ra trong những tình huống thích hợp. Mỗi đẳng cấp mặc đồng phục cùng màu để phân biệt với những đẳng cấp khác. Những đẳng cấp cao được ám thị để hãnh diện về đẳng cấp của mình và khinh bỉ đẳng cấp dưới. Những đẳng cấp thấp tất nhiên được ám thị để chỉ biết phục tùng. Nhưng tại sao không tạo ra một xã hội toàn alpha cộng, khi về mặt công nghệ, đều ấy hoan toàn có thể? Bởi vì, như một thí nghiệm trong Thế giới mới tươi đẹp đã cho thấy: một xã hội toàn alpha cộng thì không thể vận hành được, do không ai chịu làm những công việc hạ cấp, và nội chiến đã nổ ra. Vậy những đẳng cấp thấp là hoàn toàn cần thiết, và theo Mustapha Mond, tỉ lệ tối ưu được tính theo mô hình ‘tảng băng trôi’: 1/9 trên mớn nước, 8/9 bên dưới, bảo đảm xã hội ổn định. Vậy 8/9 đó sẽ hạnh phúc được ở bên dưới sao? Cố nhiên! Với những con người như vậy, một xã hội mới đã hình thành: Thế giới mới tươi đẹp.

Và thế giới ấy quả là tươi đẹp. Đó là một Nhà nước Toàn cầu, được điều hành bởi mười vị Đại Kiểm soát tối cao. Khẩu hiệu của nó là “Cộng đồng, Đồng nhất, Ổn định.” Các công nghệ sinh sản và nuôi dạy con người đảm bảo tính Đồng nhất và Ổn định này; nhờ sự phát triển tột bực của công nghệ, sản xuất dư thừa đảm bảo thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất; tiêu dùng và hưởng thụ được khuyến khích; tất cả mọi người đều hài lòng với thân phận mình, ganh tị – căn bệnh mạn tính của nhân loại (cũ), nguồn gốc của mọi bất bình và rối loạn – không còn đất sống. Mục tiêu của xã hội là hạnh phúc cho tất cả mọi người, và khi mà mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn thì còn mong muốn gì hơn nữa ngoài việc mong cho cuộc sống cứ như thế ổn định đến muôn đời?

Vì tên sách hứa hẹn trình ra cho chúng ta một thế giới mới, chúng ta hãy chú tâm đến những cái mới ở đây, mới một cách cực đoan và triệt để, tạo nên ý nghĩa chủ đạo của tác phẩm. Trước hết, con người được sinh ra hoàn toàn theo lối mới. Không còn tàn dư gì của những mối quan hệ gia đình và huyết thống, chúng đã lùi sâu vào quá khứ, vì theo lời Mustapha Mond, vị Đại Kiểm soát Thế giới, “Lịch sử, nói chung, là chuyện nhảm nhí, tầm phào, ba láp.” Khi nói chuyện với sinh viên, ông mô tả cuộc sống gia đình, chồng vợ, việc sinh đẻ và nuôi con (của “thời xưa”) bằng những cảnh nhớp nhúa, tởm lợm mà những thanh niên thời ấy không thể hình dung nổi. Thời mới bây giờ những từ như “cha”, “mẹ” bị coi là tục tằn, người ta tránh nói chúng như húy kị, thậm chí một nhân viên viết báo cáo lên thượng cấp phải ghi “m...” thay cho từ “mẹ”. Chung thủy bị coi là lố bịch, trinh tiết là tởm lợm. Sao vậy? Vì xã hội có phong tục và chuẩn mực đạo đức mới về tình dục. Trẻ con 9,10 tuổi được dạy chơi “trò chơi Dâm dục,” thanh niên trai gái được khuyến khích “ngủ với càng nhiều người càng tốt”, thay đổi bạn tình luôn luôn, việc duy trì một mối quan hệ thân mật trong thời gian dài là điều cấm kị. “Mỗi người thuộc về mọi người khác,” tất cả đều thuộc về cộng đồng, không có gì là thầm lén, riêng tư. Ở đây tình dục không có chức năng sinh sản, mà chỉ có mục đích duy nhất là khoái lạc, bản năng tình dục được buông thả không giới hạn, nhưng những biện pháp tránh thai được áp dụng nghiêm ngặt. Ngoài thời gian lao động không mấy nặng nhọc, mọi người thoải mái vui chơi, xã hội lo cung cấp cho họ những phương tiện tiêu khiển, cá nhân không được dùng thời gian một mình, vì không phải lo thiếu nhu cầu vật chất và không có những mối quan hệ riêng tư, nên không cần (và không được phép có) những phút suy tư trầm lắng. Và đấy là điều mà người ta gọi là hạnh phúc: một hạnh phúc cho tất cả, ngang nhau! Và để cho hạnh phúc luôn luôn đầy đủ, còn có thêm một thứ: soma, đó là những viên thuốc gây ảo giác được phát cho mọi người theo khẩu phần; mỗi khi người ta thấy buồn phiền, bất an, thiếu hạnh phúc, một viên soma sẽ đưa họ vào trạng thái lơ mơ phiêu bồng không cảm giác không ý thức, và họ lại thấy hạnh phúc.

* * *

Bernard Marx là một alpha-cộng, nhưng là một alpha khiếm khuyết: theo lời đồn, khi anh còn là bào thai một nhân viên thao tác tưởng nhầm anh ta là một gamma nên đã đổ rượu vào chất giả máu của anh, lớn lên mặc dù thông minh nhưng anh bị còi cọc không có tầm vóc bình thường của một alpha, và suốt đời anh mang mặc cảm tự ti, rụt dè khốn khổ, bị khinh thường, chế giễu, và nhìn mọi người bằng con mắt hằn học. Lenina Crowne – một cô gái beta ‘phổng phao’ và nồng nhiệt – thích Bernard, sau khi bị cô bạn Fanny phê phán vì đã quan hệ với một chàng trai hoàn hảo khác (Henry Foster) đến bốn tháng trời mà chưa thay đổi. Lenina là mẫu người lí tưởng của thế giới mới, hoàn toàn đáp ứng mọi đòi hỏi của thế giới này, nhưng Bernard lại là người duy nhất có những băn khoăn, bất mãn, những câu nói báng bổ và những ý nghĩ “phi chính thống”. Trong khi Lenina vồ vập thi Bernard đến với cô một cách khó khăn, anh mong muốn có những phút tâm tình kín đáo “chỉ có hai người với nhau,” nhưng cô lại chỉ muốn cùng nhau vui chơi tập thể, vì “với nhau” thì đã có cả đêm trên giường rồi! Trong khi nàng hành xử đúng theo phong hóa của thế giới mới, coi tình dục chỉ là thú vui chơi tiêu khiển, thì chàng lại ôm ấp những cảm xúc yêu đương lãng mạn cổ hủ. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua, vì Bernard dù bất tuân nhưng cũng là con người của thế giới mới, có thể chấp nhận được những tiêu chuẩn đạo đức của nó. Chỉ đến khi gặp John-người hoang dã, người tình mà Lenina chọn cho minh để thay thế Bernard, bi kịch mới xảy ra.

Bernard đưa Lenina đến chơi Khu Bảo tồn Hoang dã ở New Mexico, tại đó họ gặp mẹ con Linda và John. Hai mươi lăm năm trước, trong một chuyến đi thăm Khu Bảo tồn Hoang dã với người đàn ông của bà ta, Linda – một cô gái beta-cộng lúc đó – gặp tai nạn và bị bỏ lại. Linda khi đó đã có mang, rồi sinh ra John, (đây đúng thật là một tai nạn vì nếu ở thế giới mới, với những biện pháp tránh thai hữu hiệu và cả trung tâm nạo phá thai, người ta không để chuyện đó xảy ra). Thời gian dài sống ở Khu Hoang dã đã biến Linda thành hoang dã thật sự, với nỗi luyến nhớ thế giới văn minh (“Nơi Khác”, như bà ta kể với con) và thói quen “quan hệ” bừa bãi với đàn ông ở đây mà bà ta không bỏ được khiến bà ta luôn gặp rắc rối vởi các bà vợ thổ dân. John lớn lên đau khổ và cô độc vì mẹ cậu bị căm ghét và khinh bỉ, nhưng bù lại, cậu được mẹ dạy đọc và tình cờ được làm quen với những tác phẩm của William Shakespeare. Và thật là nghịch lí: một chàng trai được nuôi dạy hoàn toàn trong môi trường hoang dã lại là người duy nhất thấm nhuần tinh hoa của nền văn hóa Victoria. John rất đẹp trai, đã lập tức mê hoặc được Lenina, và với nàng, lần đầu tiên cậu cảm thấy rung động si mê như Romeo lần đầu gặp Juliet.

Qua câu chuyện kể của John, Bernard phát hiện ra người đàn ông đã đưa Linda đến Khu Hoang dã và bỏ bà ta lại đấy, tức là cha đẻ của John, chính là Giám đốc Trung Tâm Xử lí và Điều kiện hóa Phôi thai, một sếp lớn vô cùng quan trọng, hiện thân của trật tự thế giới mới, đang muốn nghiêm trị những ý nghĩ phi chính thống và nổi loạn của Bernard. Bernard xin và được Mustapha Mond cho phép đưa Linda và John về “thế giới văn minh,” và khi viên Giám đốc đang gay gắt buộc tội Bernard và tuyên bố sa thải anh ta trước đám đông nhân viên, thì Bernard đưa Linda và John ra. Những tràng cười bung ra dữ dội khi John quì xuống trước Giám đốc và kêu “cha ơi.” Quá nhục nhã lão Giám đốc lủi mất, ngay lập tức từ chức và không bao giờ xuất hiện ở trung tâm nữa.

Ở London – xứ sở văn minh, “thế giới mới tươi đẹp” – John trở thành người quan trọng và nổi tiếng dưới tên Người Hoang dã, anh được mọi người săn đón nhưng anh trốn tránh tất cả. Người Hoang dã lạc lõng trơ trọi giữa chốn văn minh, vì hầu như anh là người duy nhất mang trong mình văn hóa của thời đại Phục Hưng ở châu Âu, hoàn toàn xa lạ với những con người thời đại Hậu Fort. Mới gặp John, Lenina lần đầu cảm thấy trong cô có cái gì như thể tình yêu, nhưng nó nhanh chóng chuyển thành ham muốn nhục dục đơn thuần, vì cô luôn tuân thủ ước lệ, lễ giáo của xã hội đương thời. Người Hoang dã cũng yêu cô, một cách trang trọng thầm kín, anh luôn thấy mình là Romeo và Lenina là Juliet để anh tôn thờ, anh chàng luôn sợ không xứng đáng với [sự trong trắng cao quý] của nàng. Dịp may đến, cô được giao đưa anh đi xem một tối phim tình fili, thật ra là một loại phim kích dục, kết hợp âm nhạc tổng hợp và các mùi hương kích động tất cả các giác quan của người xem (nhìn-nghe-sờ-ngửi), nhưng trong khi cô mê say với phim thì anh phẫn nộ, thấy nó ghê tởm. Sau buổi chiếu phim cô rạo rực chờ đợi, nhưng anh lịch sự cáo từ (good night!) khiến cô tức điên, thầm rủa anh là “quỷnh ” và nghĩ chắc tại anh không yêu cô. Nhưng rồi anh cũng thắng được nỗi e dè để tỏ tình với cô với tất cả sự kính cẩn và lòng ngưỡng mộ. Một cách tự nhiên nhất đời, Lenina lập tức tự lột hết quần áo, sẵn sàng cho một cơn xác thịt cuồng loạn như thường lệ, khiến John giận dữ điên cuồng, mắng cô là “đồ đĩ thõa trơ tráo”. Cuộc tình cả hai bên đều mong đợi ấy đi đến một kết cục ê chề. Chàng quay về với Shakespeare còn nàng cầu cứu soma.

Linda, mẹ của John, được đưa trở lại thế giới văn minh theo đúng với sở nguyện của bà ta, nhưng đã không còn thích ứng với nó nữa: lối sống quái đản của bà ta ở nơi hoang dã, những cuộc lang chạ liên miên với đàn ông thổ dân và việc lạm dụng mescal, một chất ma túy của thổ dân mà bà ta dùng để thay thế soma, đã hủy hoại thân xác và tâm thần của bà. Xuất hiện trước ‘Giám đốc - người tình cũ’ như một con quái vật lạ lùng và đáng tởm, cái dị dạng của bà ta, biểu hiện lão suy ở tuổi bốn tám, làm mọi người khiếp sợ. Nhưng rồi bà ta mãn nguyện: trở về thế giới văn minh là được trở về với soma. Bà ta chỉ việc nằm suốt ngày trên giường, được cấp lượng soma không hạn chế giúp bà ta chìm vào trạng thái phởn phơ bất tận. Vô tình trở thành vật thí nghiệm soma, cơ thể bà ta suy sụp và nhanh chóng tiến đến cái chết đau đớn. Quả là soma đã rút ngắn cuộc sống của bà ta, nhưng mặt khác, như một bác sĩ đã nói, nó đã thật sự kéo dài cuộc sống của bà ấy....Soma có thể làm người ta mất đi một số năm trong thời gian..Nhưng hãy nghĩ về độ dài khổng lồ, không thể đo lường được nó có thể cho người ta sống ngoài thời gian. Mọi thứ ảo giác vui chơi do soma gây ra chẳng phải là một phần giấc mơ thần tiên vĩnh cửu của tổ tiên chúng ta hay sao? Soma là bức tường thành kiên cố ngăn cách tâm trí người ta khỏi thực tại, với mọi thứ lo âu muộn phiền, nếu có.

Nhưng Thế giới mới tươi đẹp là một thế giới không phiền muộn, không có những ám ảnh Sinh-Lão-Bệnh-Tử của cõi Ta Bà. Mọi người sinh ra không đau đớn, lớn lên đẹp đẽ và mạnh khoẻ, mọi bệnh tật đã được xử lí triệt tiêu từ trong ống nghiệm, và cứ trẻ đẹp như thế đến tuổi sáu mươi thì chấm dứt, để được đưa vào Đài Lột xác (tức Lò thiêu), và mang lại lợi ích cuối cùng cho cộng đồng là một nắm phôtpho bón ruộng. Không có những mối quan hệ lâu dài và thân thiết, nên cái chết của một người không gây thương cảm cho bất cứ ai. Sự khóc thương bi lụy của John trước cái chết của Linda bị coi như một trò lố bịch, diễn ra trước mắt cô y tá và lũ trẻ đang được cô đưa đến để “thực tập chết,” tức là chứng kiến và tạo phản xạ có điều kiện cho quen với sự chết. Những tình cảm lâu bền và sâu sắc giữa con người ở đây là không cần thiết và gần như cấm kị, vì cấm kị chính là một yếu tố quan trọng của sự ổn định xã hội.

Triết lí nền tảng của Thế giới mới tươi đẹp được Mustapha Mond thảo luận một cách hệ thống với người Hoang dã khi ông hạ cố giải đáp các thắc mắc của anh, sau khi anh cùng với Bernard Marx và Helmholtz bị bắt đưa đến gặp ông. Cuộc thảo luận của người Hoang dã, người duy nhất lúc này có đủ trình độ để thảo luận, với một trong mười người lãnh đạo (kiểm soát!) cao nhất của thế giới, người rất biết lắng nghe, cho thấy tính chất của một nền “chuyên chế nhân từ”. Mustapha cho biết xã hội cần tiêu khiển, bằng những trò vui vô tâm, chứ không cần nghệ thuật cao cấp. (Kịch) Shakespeare chẳng hạn, bị cấm ở London, trước hết, vì nó cũ. Nghệ thuật phải Mới và dễ hiểu, đại chúng. Cái Đẹp thì hấp dẫn, mà hấp dẫn là nguy hiểm: nó dẫn đến mất ổn định. Toàn bộ xã hội được xây dựng trên những thành tựu cao ngất của khoa học, nhưng nghiên cứu khoa học thật sự bị cấm đoán, hay ít ra, phạm vi nghiên cứu bị hạn chế. Nghệ thuật thật sự thì làm ra Cái Đẹp, khoa học thật sự thì khám phá ra sự thật về thế giới và con người, nhưng mục tiêu của xã hội không phải là sự thật và cái đẹp, mà là tiện nghi và hạnh phúc. Hạnh phúc phổ biến đảm bảo ổn định xã hội, điều mà sự thật và cái đẹp không làm được. Dễ hiểu là trong một xã hội như thế, tôn giáo là không cần thiết, vì Thượng Đế thì “vắng mặt”, “Thượng đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học, và hạnh phúc phổ biến”. Theo Mustapha “Người ta tin điều gì đó bởi vì người ta đã được đào luyện để tin chúng. Tìm lí do tồi cho những gì người ta tin vì những lí do tồi khác – đó là triết học.” Ông nói “không thể có một nền văn minh lâu dài nếu thiếu những trò vui đồi bại...Nền văn minh tuyệt đối không cần những thứ như sự hi sinh, cái tuyệt mỹ, cái cao cả hoặc cái anh hùng” và không có cơ hội nào để xuất hiện những thứ đó. Tóm lại, nhân danh hạnh phúc phổ biến và ổn định xã hội, tất cả những gì là cao quí, cũng như những tình cảm thông thường của con người, bị xóa bỏ hoàn toàn. Cái gọi là nhân phẩm, nhân cách hoàn toàn vắng bóng. Cá nhân không được phép tự ý thức quá mạnh, không được phép có tư duy độc lập, có khuôn mặt riêng của mình, vì sẽ không thích hợp với đời sống cộng đồng.

Mustapha có tài hùng biện, nhưng ông đã không thuyết phục được người Hoang dã. Anh nói
“Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.”

“Thật ra,” Mustapha Mond nói, “anh đang đòi quyền được bất hạnh.”
“Vậy thì được,” người Hoang dã nói giọng thách thức, “tôi đòi quyền được bất hạnh.”
Anh đã khước từ thứ “hạnh phúc” không xứng đáng với Con Người.

* * *
Gần một thế kỉ đi qua, tính tiên tri trong tiểu thuyết Thế giới mới tươi đẹp của Huxley đã làm sửng sốt nhiều thế hệ. Dưới hình thức viễn tưởng khoa học, cuốn tiểu thuyết không đơn thuần là tưởng tượng phóng túng của tác giả, đúng hơn, nó là một phép ngoại suy của một trí óc vượt tầm thời đại, từ cái hiện thực đang diễn ra trước mắt tới những xu hướng có thể có trong tương lai. Một xã hội hoàn chỉnh như trong truyện thì không thể có thật, ta gọi nó là không tưởng, và cái thực tại ảo mà nó biểu hiện khiến ta rùng mình sởn gáy về sự phi nhân tính của nó, nên cái không tưởng ấy ta gọi là khôngtưởng-đen (dystopia); nhưng từng khía cạnh của nó đôi khi ló dạng trong hiện thực không khỏi khiến ta giật mình. Cái hiện thực trong truyện không phải là tiếng khóc than của một nhân loại đói khổ và lầm than, như từ Dickens đến Tolstoy, từ Hugo đến Jack London, mà là tiếng cười đắc thắng của khoa học và công nghệ. Khi Huxley viết quyền sách này (1931), thì I.P. Pavlov (1849-1936), Henry Ford (1863-1947) và Sigmund Freud (1856-1939) đều là người đương thời với ông; sản xuất theo dây chuyền, phản xạ có điều kiện hay libido vẫn đang là thời sự mới mẻ. Tác phẩm của Huxley không “phản ánh hiện thực”; từ hiện thực, thậm chí từ những thời sự của ngày ấy, Huxley nghĩ về cái có thể đến trong tương lai. Những thành tựu khoa học rực rỡ quả là những ân sủng diệu kì mà loài người tự ban cho mình, nhưng chúng làm biến đổi bộ mặt loài người ra sao thì có ai dám chắc, chẳng hạn, khi quyền sử dụng chúng được đặt vào những bàn tay vô trách nhiệm? Diễn biến lịch sử đã chứng tỏ nỗi lo như thế không bao giờ là thừa cả. Thế giới mới tươi đẹp có tham vọng giải quyết những vấn đề lớn của loài người từ bao đời nay: nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ, nó cung cấp dư thừa của cải vật chất đảm bảo một cuộc sống tiện nghi thoải mái nhất, và nhằm đến cái đích cao nhất mà con người muốn đạt đến: hạnh phúc! Mà lại là hạnh phúc cho tất cả mọi người! Nhưng hóa ra cái đích cao nhất ấy, hạnh phúc ấy, chỉ là thỏa mãn khoái lạc vật dục, vì xã hội chỉ có thể cung cấp đến đó, tiến bộ khoa học và vật chất dư thừa không mang lại văn hóa. Văn hóa và nghệ thuật cao cấp không tồn tại, nghệ thuật duy nhất là phim tình fili, một thứ giải trí thấp kém và dung tục. Tình dục chỉ có mục đích tiêu khiển (recreational sex). Các đẳng cấp cao thì thông minh nhưng cá tính sáng tạo phải bị triệt tiêu để bảo đảm cho xã hội ổn định, nghĩa là giữ nguyên ở một trạng thái, không thay đổi, không tiến hoá, không phát triển; bởi vì chính khả năng suy nghĩ độc lập của mỗi cá nhân là nhân tố thúc đầy tiến bộ của loài người. Con người có thể hành động không suy nghĩ, vì đã được dẫn dắt bằng những châm ngôn học được trong lúc ngủ nằm sẵn trong tiềm thức; tự do ý chí của cá nhân bị ngăn chặn vì nguy hiểm cho xã hội. Các đẳng cấp thấp được điều kiện hoá trong những Phòng Tiền định Vận mệnh, để suốt đời mãn nguyện với địa vị của bản thân, khi kẻ nô lệ biết yêu thân phận nô lệ của mình thì xã hội ổn định. “Mỗi người thuộc về mọi người khác,” nên ngay trong “tình trường” cũng không có ghen tuông; không có chênh lệch trong hưởng thụ thì không có ganh tị, do đó cũng không có bất bình, xung đột, chiến tranh. Một xã hội như thế được tạo ra như một hệ khép kín thì sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó là không tưởng, nhưng không phải vì thế mà không đập vào ý thức chúng ta như những cảnh báo mạnh mẽ: trong mọi hình thức tàn phá hủy diệt, không gì đáng sợ hơn húy diệt tính người.


18/5/2017


Phần nhận xét hiển thị trên trang

GOOGLE, FACEBOOK …ĐÃ ĐẶT CẢ NGÀN MÁY CHỦ TẠI VIỆT NAM?



(VTC News) Trong khi dư luận đang tranh cãi gay gắt, Facebook và Google từ lâu đã đặt hàng ngàn máy chủ tại các doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn được miễn cước dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ và cước kết nối Internet.

1-1104517.jpg


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy để "Em sang sông"


“Ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông” là vấn đề được bàn thảo khá rộng rãi trong vài năm qua. Người viết có đọc trên Internet những tranh luận nhưng thú thiệt chưa bao giờ dám hỏi thẳng anh Nhật Ngân vì, một phần, hỏi là nghi ngờ mà nghi ngờ là xúc phạm và phần khác là vì anh đã nói rõ ra rồi. Nhạc sĩ Nhật Ngân khẳng định anh đã viết nhạc phẩm đầu tay đầy kỷ niệm vào năm 1960 khi chỉ vào 18 tuổi ở Đà Nẵng và giải thích lý do có thêm tên nhạc sĩ Y Vũ.

Hình minh họa
Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Nhật Ngân
Nhạc sĩ Trường Kỳ, một cây bút chuyên viết đời sống và tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trong một bài viết vào năm 2000, đã thuật lại nguồn gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân, và dưới đây là vài đoạn chính: “Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.


Nhạc sĩ Nhật Ngân

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ” được nhạc sĩ Y Vân đổi thành “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ” cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là “Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa” cũng đã được Y Vân đổi thành “Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.” Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy “hẫng” đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ".

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời ngày 21 tháng 1, 2012 tại California, Hoa Kỳ.

Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Y Vũ:

Trong một bài viết được phổ biến rộng rãi trên Internet, nhạc sĩ Y Vũ nhắc lại chuyện tình để lại một đứa con tinh thần có tên Tôi đưa em sang sông: “Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết... đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng... chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: "Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen..."

Tương tự, nhạc sĩ Y Vũ cũng “ngậm ngùi tâm sự” chuyện tình của ông cho nhạc sĩ Trịnh Hưng nghe: "Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi.”

Nhạc sĩ Y Vũ trưng bằng chứng “bản thảo”


Nhạc sĩ Y Vũ

Giữa tháng 11, 2017, trong một chương trình truyền hình Hát trên chuyện tình trong nước, nhạc sĩ Y Vũ phát biểu về nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông:

“Tôi xin khẳng định một điều bài này của tôi viết có một mình tôi thôi. Anh Y Vân có dạy hai người học trò là Nhật Ngân và Anh Thy. Khi tôi thất tình tôi viết bài Tôi đưa em sang sông được mấy ngày sau, trình anh Y Vân duyệt, bài này được tốt rồi. Anh đề nghị ngay, bây giờ mày có thể để thêm tên Nhật Ngân vào bài này không để cho hai đứa cùng nổi tiếng với nhau, có chút tiếng, bài này hay, sẽ nổi đó. Kính thưa quý vị, tôi rất vô tư. Tôi không nghĩ cái chuyện mấy chục năm sau lại như thế. Tôi bảo anh muốn để thì em để vào. Bài đó ký tác quyền cho nhà xuất bản Diên Hồng và có thêm tên Nhật Ngân, và tôi có hứa trên báo chí là sẽ có một ngày tôi lục được cái bài gốc, gọi là bản thảo, tôi viết tay.”

Sau đó nhạc sĩ Y Vũ đưa bản viết tay cho người dẫn chương trình và cô đọc “Bản thảo ký ngày 5 tháng 6 năm 1962.”

Các báo trong nước phần lớn đồng ý với lời “khẳng định” của nhạc sĩ Y Vũ và báo Thanh Niên kết luận: "Lần đầu tiên, nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ca khúc Tôi đưa em sang sông do chính ông tay ông viết mà không có bất kì một nhạc sĩ nào tham gia vào. Hơn nữa, nhạc sĩ còn đem theo bản gốc viết tay hơn 40 năm trước để làm bằng chứng chân thật nhất cho những lời kể của ông."

Khoan, xin đừng quá vội.

- Bản gốc:

“Bản thảo” chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ dùng làm bằng chứng không thể chứng minh đó bản gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông. Ngoài nhạc sĩ Y Vũ, không có người nào hay cơ quan có thẩm quyền độc lập nào xác định đó là bản thảo. Cách đây hơn nửa thế kỷ, mọi sáng tác văn nghệ đều phải chép tay, dù do chính tác giả sáng tác hay chép lại nhạc của người khác.

Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng có thể có một bản thảo chép tay như bản của nhạc sĩ Y Vũ nhưng còn đang thất lạc. Cuộc đời nhạc sĩ Nhật Ngân giống như âm nhạc của anh gắn liền với những chặng đường gian nan của đất nước. Rời Đà Nẵng, đi lính, gia nhập ban Tâm Lý Chiến của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, chịu đựng cực khổ sau 1975, vượt biên sang Thái Lan 1982. Mạng sống lo chưa xong nói gì là bản thảo.

- Thời điểm nhạc phẩm ra đời:

Khi còn sống, trong các buổi trả lời phỏng vấn trên báo chí, qua truyền hình, truyền thanh, nhạc sĩ Nhật Ngân đều khẳng định một cách chính xác nhạc phẩm đó anh viết lúc 18 tuổi từ năm 1960. Khẳng định này đã được phổ biến cùng khắp.

Nhạc sĩ Y Vũ, qua các lời kể, dù thừa nhận đã có biết, có nghe những tranh luận nhưng không phản đối về thời điểm 1960 do nhạc sĩ Nhật Ngân đưa ra.

Tạm cho là lúc đó nhạc sĩ Y Vũ chưa tìm ra “bản thảo” để chứng minh nhưng ít nhất ông phải nhớ năm nhạc phẩm ra đời và phản bác thời điểm 1960 của nhạc sĩ Nhật Ngân chứ. Chẳng lẽ ông nhớ những chi tiết nhỏ như “Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học” mà lại không nhớ mình sáng tác bản nhạc năm nào?

Không phản biện về thời điểm có nghĩa ông đồng ý bản nhạc ra đời vào năm 1960 chứ không phải 1962 và như vậy bản của nhạc sĩ Nhật Ngân dù còn đang bị thất lạc mới thật sự là bản gốc.

- Thời điểm tìm ra “bản thảo”

Trên báo Thanh Niên ngày 17 tháng 11, 2017, Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ thời gian tìm ra “bản thảo”: "Bản gốc của ca khúc này do bà cụ cất giữ. Bà rất quý sáng tác của hai anh em tôi và giữ mỗi người một bản gốc mà bà yêu thích nhất. Bà kẹp bản gốc ca khúc Lòng mẹ của Y Vân và bản gốc Tôi đưa em sang sông trong ngăn tủ của mình cùng với giấy khai sinh của tôi và một vài giấy tờ quan trọng khác. Mãi đến khi bà mất, tôi mới kiếm được những tư liệu này."

Người viết xin lỗi phải nhắc đến bà cụ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ nhắc trước.

Mẹ của hai nhạc sĩ Y Vân và Y Vũ không phải qua đời năm ngoái, năm kia hay thậm chí không phải mười năm trước mà qua đời cách đây 24 năm. Báo chí trong nước viết về ngày cụ qua đời: “ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân giã từ cõi người khi vừa bước vào tuổi 60 và mười tháng sau, mẹ của ông, (cũng là mẹ của nhạc sĩ Y Vũ) qua đời.”

Theo lời kể của chính nhạc sĩ Y Vũ, bà cụ cũng chẳng chôn giấu “bản thảo” ở một góc nhà nào kín đáo hay gởi cho ai mà để ngay trong phòng của cụ cùng với các giấy tờ quan trọng khác. Do đó, “bản thảo” trong xấp giấy tờ quan trọng phải được tìm ra ngay sau khi bà cụ qua đời.

Nhưng cứ tạm cho rằng ông không tìm ra “bản thảo” ngay mà 10 năm sau mới tìm ra thì tại sao 14 năm rồi ông không công bố “bản thảo” dù ông có rất nhiều cơ hội và tại sao ông không công bố khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống để hai mặt một lời cho dứt khoát? Điều gì khiến ông dè dặt?

- Vai trò của nhạc sĩ Y Vân:

Người có thẩm quyền nhất và có tính xác định cao nhất ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông chính là nhạc sĩ Y Vân vì cả nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân đều đồng ý là nhạc sĩ Y Vân đã ghép chung hai nhạc sĩ vào nhạc phẩm.

Nhạc phẩm này không phải bây giờ mới nổi tiếng mà nổi tiếng ngay sau khi được Lệ Thu hát cho tới nay. Nhạc sĩ Y Vân qua đời năm 1992. Tuy lâu nhưng không phải quá lâu. Nhạc sĩ Nhật Ngân không có ở trong nước nhưng nhạc sĩ Y Vũ ở bên cạnh anh mình cho đến ngày cuối nhưng tại sao ông không yêu cầu nhạc sĩ Y Vân xác định giùm ông những bí mật, những khuất tất chung quanh nhạc phẩm này nếu ông là “tác giả duy nhất”?

Người viết không dám phê bình nhạc sĩ Y Vân nhưng khách quan mà nhận xét lý luận cho rằng nhạc sĩ Y Vân thêm tên em mình vào một nhạc phẩm mà ông biết sẽ nổi tiếng có lẽ dễ thuyết phục hơn là thêm một tên còn đang học nhạc 18 tuổi vô danh ở ngoài Đà Nẵng vào nhạc phẩm của em mình.

- Lời nhạc


Nhạc sĩ Nhật Ngân có hơn 200 nhạc phẩm, không tính nhạc ngoại quốc lời Việt, và nhiều trong số đó đã gắn liền với tâm sự với những người xa quê hương như Xuân này con không về, Một mai giã từ vũ khí nhưng khi được yêu cầu anh thường hát Tôi đưa em sang sông.

Người viết nghe chính nhạc sĩ Nhật Ngân hát Tôi đưa em sang sông lần đầu 14 năm trước tại Dallas, rồi sau đó những lần khác trong các đại hội Quảng Đà, họp mặt Liên Trường ở Nam California. Anh hát với tất cả xúc động chân thành toát ra từ ánh mắt, từ lời ca, từ niềm hoài vọng về một thành phố cảng thân yêu nơi có bến đò ngang và dòng sông đẹp.

Ai đã từng sống ở Đà Nẵng hay sống cả hai thành phố Đà Nẵng và Sài Gòn, và lắng lòng ngồi nghe anh Nhật Ngân hát, chắc hẳn sẽ đồng ý chính anh là tác giả của Tôi đưa em sang sông bởi vì “sông” trong Tôi đưa em sang sông là dòng sông thật chứ không phải “đưa người ta không đưa qua sông” theo cách ví trừu tượng của Thâm Tâm.

Chuyện tình của nhạc sĩ Y Vũ không có tình tiết nào được phản ảnh trong lời nhạc Tôi đưa em sang sông. Theo lời kể của ông phần lớn chỉ diễn ra bên cây xăng ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ và thậm chí cầm tay cũng chưa có thì làm gì có “bàn tay nâng niu ân cần” như trong Tôi đưa em sang sông.

Chuyện tình của nhạc sĩ Nhật Ngân không đánh dấu bằng những “cây dài bóng mát”, “vòm lá me xanh”, “thương xá sắp đóng cửa” hay “muôn tà áo tung bay” ở Sài Gòn mà bằng “đường vắng”, “bến đất”, “bến gió”, “lối mòn” thường gặp trong các thành phố xa thủ đô. Nói chung, không một động từ, một danh từ, một tĩnh từ nào trong Tôi đưa em sang sông làm người nghe liên tưởng đến Sài Gòn.

- Tôi đưa em sang sông so sánh với Ngày cưới em

Nhạc sĩ Y Vũ, trong dịp khẳng định tác quyền Tôi đưa em sang sông có nhắc đến ca khúc Ngày Cưới Em.

Lẽ ra không cần phải bàn đến nhạc phẩm không liên hệ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ “tâm đắc” và nhấn mạnh nhạc phẩm này cũng đã “thành công vang dội” nên người viết mời độc giả vào Youtube nghe hai nhạc phẩm rồi đọc kỹ lời của hai nhạc phẩm để thấy sự khác nhau trong cách diễn tả và ngôn ngữ được dùng.

Những câu hát trong Tôi đưa em sang sông là những câu thơ, có trách móc, có chút đắng cay nhưng rất nhẹ nhàng và bóng gió:

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn…

Trong lúc đó, lời của Ngày cưới em:

Hôm nay ngày cưới em
Nào men nồng nào hoa thơm
Nào môi hồng nào giá phấn
Khăn áo muôn sắc đua chen
Mắt biếc ngời ánh đêm
Làn tóc nụ cười ngát hương
Từng bước dập dìu bước êm
Chỉ mình lòng tôi hoang vắng

Hôm nay ngày cưới em
Mừng vui họ hàng đôi bên
Vì đâu nàng mời tôi đến
Tuy có đây cũng như không
Chiếc áo tình chóng phai
Một sớm một chiều đã thay
Thì nhớ đừng vì có tôi
Mà nàng giấu vui không cười…

Lời của Ngày cưới em không bóng gió như thơ mà là những đoạn văn xuôi tả rất cụ thể, rõ ràng với “men”, “môi”, “phấn”, “mắt”, “khăn áo”, “họ hàng đôi bên”.

Ngôn ngữ bao la nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chỉ có một cuốn tự điển để sử dụng cho riêng mình và dù có viết trăm bài thì những chữ tác giả dùng cũng giới hạn trong tự điển đó thôi.

- Tiền bản quyền
Nhạc sĩ Y Vũ than trên báo Thanh Niên: “Nghe nói tiền bản quyền ca khúc bên Mỹ cao lắm, mà hàng chục năm qua tôi không được một đồng." Đây là điểm thuộc về pháp lý và sẽ do các luật sư chuyên về bản quyền giải thích nhưng trong quan điểm phổ quát, tiền bản quyền thuộc về ai tùy thuộc vào ai giữ bản quyền. Người viết cũng đã từng nộp bản quyền và biết cơ quan bản quyền không dựa vào bản chép tay dù cũ bao lâu của ai đó để xác định bản quyền.

Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của Berne Convention cho nên nếu nhạc sĩ Nhật Ngân nộp bản quyền nhạc của ông sau khi định cư ở Mỹ năm 1982 và gia đình nhạc sĩ Nhật Ngân giữ quyền thừa kế bản quyền của Tôi đưa em sang sông thì họ có thể kiện những ai dùng nhạc phẩm vào mục đích thương mại ngay cả đã sử dụng tại Việt Nam trước đây, đang sử dụng hiện nay và cả sẽ sử dụng sau này.

Nhạc sĩ Y Vũ có nhiều điều kiện, nhiều thời gian, nhiều cơ hội và nhiều người để giúp chứng minh ông là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông nhưng đã không làm. Hôm nay, nhạc sĩ Nhật Ngân không còn sống để biện hộ cho anh nên dù nói gì nhạc sĩ Y Vũ cũng chỉ vẽ nên nhiều nhất là một nửa cái bánh mà thôi.

Trong lúc một số người dễ tin có thể cho những bằng chứng nhạc sĩ Y Vũ đưa ra là thật nhưng những người khác thận trọng, suy nghĩ chín chắn hơn sẽ nghĩ khác. Ngay cả những khán giả vỗ tay khi nhạc sĩ Y Vũ trưng ra bản chép tay mà ông viết là “bản thảo” trên đường về cũng có thể tự trách mình đã vội vàng vì không có gì chứng minh đó là bản đầu tiên của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông.

Bản chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ đưa ra không phải lấy từ hồ sơ lưu trữ của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, không phải do gia đình cố nhạc sĩ Y Vân công bố, không phải do một người thứ ba nào khám phá mà chỉ từ nhạc sĩ Y Vũ.

Mười hai năm trước khi qua đời, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại với nhạc sĩ Trường Kỳ: “Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời."

Lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012, tác giả Xuân này con không về đã bước ra khỏi cuộc đời cũng bằng trái tim đầy yêu thương như thế.

Vì nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ông là tác giả duy nhất của Tôi đưa em sang sông nên người viết muốn phân tích để chứng minh những gì dễ cho là thật và tưởng là thật nhiều khi lại không hẳn là thật.

Sự kiện Tôi đưa em sang sông là một biến cố đáng tiếc trong âm nhạc Việt Nam nhưng suy cho cùng cũng chẳng làm nhạc sĩ nào thiệt hại hoàn toàn. Cả hai nhạc sĩ cùng với nhạc sĩ Y Vân qua nhân duyên văn hóa đã góp phần tạo nên nhạc phẩm tuyệt vời này.

Nhạc sĩ Nhật Ngân đã qua đời và nhạc sĩ Y Vũ sắp bước vào tuổi tám mươi, nên mỉm cười đón nhận nhân duyên. Tôi đưa em sang sông sẽ mãi mãi là một phần của văn hóa Việt Nam và các thế hệ Việt Nam mai sau cũng sẽ mỉm cười kính mến và trân trọng khi nhắc đến tên hai vị.

Hãy để “em sang sông”, thưa nhạc sĩ Y Vũ.

1/12/2017
Trần Trung Đạo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ nghĩa dân túy: Một bóng ma mới đang đe dọa châu Âu


Vũ Ngọc Yên 7-12-2016 

Vào ngày 24 tháng 2 năm 1848, Các Mác (Karl Marx) và Ph. Ăngghen (F. Engels) công bố bản Tuyên Ngôn Cộng Sản với lời mở đầu “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản”. Hơn một thế kỷ bóng ma này nhờ chiến tranh, bạo lực và tuyên truyền đã trở thành lực thống trị ở nhiều nước và gây bao tác hại cho nhân loại. Nhưng rồi tại châu Âu vào cuối thế kỷ 20, bóng ma cộng sản đã bị cơn bão dân chủ-tự do trừ khử hoàn toàn....

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Con ma cộng sản ra đi, một bóng ma mới xuất hiện. Bóng ma chủ nghĩa dân túy (populism). Bóng ma mới này đang phát triển mạnh ở toàn châu Âu và là một hiện tượng chính trị có tiềm năng đe dọa hệ thống chính trị dân chủ trong thập niên tới.

Chủ nghĩa dân túy – một khẩu hiệu, một ý hệ, một chiến lược chính trị?

Các nhà xã hội học dựa vào nhiều hiện tượng xem chủ nghĩa dân túy (CNDT) như một khẩu hiệu đấu tranh chính trị, một phong cách chính trị, một dạng hùng biện, một chiến lược giành quyền bính. Trong lãnh vực nghiên cứu, CNDT được đánh giá là một phần của nhiều hệ tư tưởng và trong các cuộc thảo luận chính trị, đại diện các khuynh hướng chính trị dùng CNDT để công kích và cáo buộc lẫn nhau.

CNDT nổi bật qua những quan điểm bác bỏ tầng lớp trí thức, giới tinh hoa cầm quyền (elite) cũng như một số định chế chính trị (institution). CNDT thường nhấn mạnh mầm mâu thuẫn giữa “nhân dân” và tầng lớp “tinh hoa” và nhận là người đại diện cho giới bình dân chất phát chống lại tầng lớp tinh hoa cầm quyền thối nát.

CNDT không theo đuổi một hệ thống giá trị nhất định nào để phân biệt với các hệ tư tưởng khác, vì vậy CNDT hiện hữu trong mọi khuynh hướng chính trị (tả, hữu, tiến bộ, bảo thủ…) dưới dạng các chính đảng phản kháng (protest party) hay các phong trào xã hội.

Các khuynh hướng dân túy tại Châu Âu

Vào những năm 80 các nhà chính trị học đã dùng khái niệm chủ nghĩa dân túy độc đoán (authoritarian populism) để xác định đường lối chính trị của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Hai chính trị gia này và cử tri ủng hộ đã có những quan điểm: Phớt lờ nhân quyền, không nhận di dân, ngoại giao dựa trên sức mạnh quân sự, giảm thuế và phát triển kinh tế bất chấp mức độ nợ công…

Vào cuối thập niên 1980, Reagan và Thatcher không còn cầm quyền nữa. Nhưng khuynh hướng dân túy vẫn tồn tại và nay có cơ hội phát triển mạnh, đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với sự đắc thắng của D. Trump. Tiêu biểu có đảng độc lập Anh UK independence Party (UKIP), Mặt trận dân tộc Pháp Front National, Đảng Chọn lựa cho Đức Alternative für Deutschland (AFD), Phong trào năm sao Movimento 5 stern tại Ý, Đảng tự do Hòa Lan Partij voor de Vreijheid (PVV), Đảng tự do Áo Freiheitliche Partei Österreichs (FPÖ) …

Để nhận diện mức độ ảnh hưởng của CNDT, Học viện nghiên cứu dân ý và thị trường YouGov hợp tác với giáo sư David Sanders của Đại học Anh quốc Essex đã thực hiện một cuộc điều tra về thái độ dân túy (chống Liên minh Âu châu EU, chống di dân – tị nạn, phớt lờ nhân quyền, tăng cường an ninh-quốc phòng…) ở 12 quốc gia Châu Âu. Bản nghiên cứu chỉ ra hơn 50% mọi cử tri ở 8 trong số 12 quốc gia khảo sát có thái độ dân túy.

Nguồn: AP

Kết quả nghiên cứu cho thấy các đảng dân túy còn có nhiều tiềm năng thành công trong các cuộc bầu cử kế tiếp. Pháp là quốc gia có nhiều nguy cơ trong cuộc bầu cữ Tổng Thống vào năm tới vì 63% cử tri có quan điểm dân túy. Tại Đức, số cử tri dân túy chỉ chiếm khoảng 18%.

Biểu tình phản đối thu nhận người tị nạn tại Đức. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những lý giải cho sự phát triển CNDT

Chủ nghĩa dân túy ngày lan rộng ở châu Âu. Trong những năm gần đây, kết quả bầu cử ở các nghị viện địa phương, tiểu bang, quốc gia ở nhiều nước đã xác nhận sự thành công của các chính đảng dân túy.

Trước hết sự thành công của CNDT là một hành động phản đối của cử tri về tình trạng biến chất của tầng lớp tinh hoa chính trị thối nát. Quan điểm không nhận di dân, tị nạn và các cuộc tranh cãi về “Ưu tiên quốc gia” tạo cảm giác đất nước đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới cũng như nền văn hóa bảo thủ gieo rắc hoài nghi Hồi giáo, bác bỏ hôn nhân giới đồng tính … cũng được giải thích cho sự ủng hộ CNDT.

Toàn cầu hóa kinh tế đã đẩy mạnh sự cách biệt giữa những thành phần hưởng lợi và những thành phần bị thiệt thòi. Thất nghiệp không chỉ đe dọa thợ thuyền, nhân viên, mà cả giới trung lưu cũng sợ hãi trước tình trạng xuống cấp xã hội. Sự khủng hoảng kinh tế và xã hội đã là cơ hội giúp cho CNDT có thêm cử tri.

Thành công của CNDT có được cũng nhờ các cuộc tranh luận chống Âu châu (EU). Mô hình Âu châu hứa hẹn sẽ tạo được sự cân đối giữa thị trường và an sinh xã hội. Nhưng thực tế, các địa phương kém phát triển đã không đủ sức cạnh tranh trước cuộc tấn công của tiến trình toàn cầu hóa theo hướng chủ nghĩa tân tự do (Neo- liberalism). Giới thợ và trung lưu có thái độ bác bỏ Âu châu mạnh nhất.

Chính trị xa dân và sự cách biệt lớn giữa quyền lợi cũng như ngôn ngữ của dân chúng và những người cầm quyền hay các cơ chế chính trị, hành chánh (establishment) là những biện luận cho các khuynh hướng dân túy.

Một giải thích cho sự thành công của CNDT là những phán đoán đạo đức quá đáng và chủ quan đối với các cử tri dân túy khi cho họ là thành phần bài ngoại, bài Do thái, phân biệt chủng tộc… Chính trị cẩn trọng (Politial correctness – PC) là một khái niệm chỉ thái độ tinh thần biểu hiện qua diễn đạt và hành vi tránh xúc phạm và làm tổn thương các nhóm người liên hệ đến tôn giáo, chủng tộc hay giới tính. Nhưng những thành phần bảo thủ hữu khuynh lại cho rằng phe tả, tiến bộ, phóng khoáng thường sử dụng PC như là một sự kiểm duyệt, chận họng và giới hạn quyền tự do phát biểu trước những vấn đề nhạy cảm.

Bóng ma chủ nghĩa dân túy thật sự đã là mối lo chung cho các chính đảng dân chủ, các tổ chức xã hội và giới truyền thông ở Âu châu nên đòi hỏi tất cả phải cùng hiệp lực hành động đối phó. Liệu con ma mới này có khả năng “trụ” bao lâu sẽ tùy thuộc vào các biện pháp phục hồi tính chính danh cầm quyền và hiệu năng hành động chính trị của các chính quyền dân chủ tại Âu Châu.



Phần nhận xét hiển thị trên trang