Biên dịch: Nguyễn Hữu Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
“Một kẻ đáng nể”
Hitler trẻ hơn Stalin 11 tuổi, sinh năm 1889 ở một vùng biên giới giữa hai nước Áo-Hung. Cha ông qua đời khi ông mới 13 tuổi và mẹ ông mất năm ông lên 18. (Bác sĩ người Do Thái, người đã chăm sóc mẹ ông kể lại rằng trong 40 năm hành nghề y của mình, ông chưa bao giờ thấy ai đau khổ về cái chết của mẹ mình như Hitler.) Ở tuổi 20, Hitler phải xếp hàng đi xin bánh mỳ ở Vienna, tài sản thừa kế và tiền tiết kiệm của ông đã gần cạn kiệt. Ông đã 2 lần bị từ chối vào Học viện Mỹ thuật Vienna (“lý do bài vẽ hình theo mẫu không đáp ứng yêu cầu”) và ông đã cư ngụ trong những nhà tạm cho người vô gia cư đằng sau một ga xe lửa. Một người lang thang ở giường bên đã hồi tưởng lại rằng “quần áo của Hitler toàn là chấy rận, bởi vì ông đã lang thang trong nhiều ngày ở ngoài đường và trong tình trạng bẩn thỉu kinh khủng.”
Chẳng bao lâu sau, với một khoản vay nhỏ từ một người dì, Hitler đã tìm được một nhà chung cư dành cho đàn ông. Ông cũng kiếm được những công việc lặt vặt, như là vẽ hình trên bưu thiếp và phác thảo biển quảng cáo. Ông cũng thường xuyên vào những thư viện công cộng của thành phố, nơi ông đọc nhiều tiểu luận về chính trị, báo chí, về triết gia Arthur Schopenhauer, và tiểu thuyết của Karl May, bộ truyện về những ngày đối đầu giữa những gã cao bồi và người Da đỏ ở miền Tây nước Mỹ, hay về khu vực Cận Đông bí hiểm.
Hitler trốn lệnh nhập ngũ ở Áo. Khi bị chính quyền bắt, họ cho rằng ông không đủ điều kiện sức khỏe và không phù hợp để tòng quân. Ông vượt biên sang Munich, và vào tháng 8 năm 1914, ông tham gia quân đội Đức với cấp bậc binh nhì. Khi Thế chiến I kết thúc, ông vẫn là binh nhì, nhưng những diễn biến thời hậu thế chiến đã thay đổi cuộc đời ông. Ông nằm trong số những người chuyển từ lực lượng chính trị cánh tả sang cánh hữu sau thất bại thảm hại của Đế quốc Đức.
Những thước phim từ năm 1918 chiếu cảnh Hilter đang đi bộ trong đám tang của một nhà lãnh đạo xứ Bavaria, một người Do Thái thuộc Đảng Dân chủ Xã hội; ông mang hai băng tay, một cái màu đen (cho việc để tang) và một cái màu đỏ. Vào tháng 4 năm 1919, sau khi Đảng Dân chủ Xã hội và những thành phần vô chính phủ thành lập nhà nước Cộng hòa Xô-viết Bavaria, lực lượng cộng sản đã nhanh chóng chiếm được chính quyền; Hitler đã suy nghĩ về việc tham gia Đảng Dân chủ Xã hội, đóng vai trò là một đại biểu Xô-viết (hội đồng) của tiểu đoàn của ông. Ông không có vai trò gì đáng kể nhưng có vẻ ông tham gia vào việc tuyên truyền tư tưởng cánh tả cho binh lính. Mười ngày trước sinh nhật lần thứ 30 của Hitler, nhà nước Cộng hòa Xô Viết Bavaria nhanh chóng bị nghiền nát bởi một lực lượng gọi là Freikorps, thành phần chủ yếu là những cựu quân nhân thời chiến. Hitler vẫn tại ngũ bởi vì một vị lãnh đạo cấp cao của bộ phận “thông tin” trong quân đội Đức đã có ý định gửi ông vào một khóa học hướng dẫn chống cánh tả và sau đó sử dụng ông để thâm nhập vào các nhóm cánh tả này. Viên sĩ quan đó kể lại rằng Hitler “giống như một chú chó mệt mỏi và lạc lối, đang đi tìm chủ” và “sẵn sàng phó mặc số phận cho người nào thể hiện sự chân thành tử tế đối với ông ta.” Nhiệm vụ làm người lấy tin đã đưa Hitler tham gia vào một nhóm nhỏ cánh hữu là Đảng Công nhân Đức, được thành lập để lôi kéo công nhân tránh xa chủ nghĩa cộng sản và cũng chính Đảng này đã được Hitler, với sự giúp sức của lực lượng bài Do Thái cực đoan di cư từ Đế quốc Nga cũ, chuyển đổi thành Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa, hay Đảng Quốc Xã (Nazi Party).
Mặc dù đã bắt đầu kiếm được một chút danh tiếng là một kẻ kích động hữu khuynh cực đoan, Hitler vẫn là một nhân vật không quan trọng lắm. Khi Stalin trở thành Tổng bí thư mới của Đảng cộng sản lãnh đạo một nhà nước lớn nhất thế giới, Hitler vẫn đang bị tù giam sau nỗ lực đảo chính bất thành năm 1923 ở Munich, biến cố mà sau này bị chế nhạo là “cuộc đảo chính nhà hàng bia”. Ông bị kết án 5 năm tù. Dù vậy, ông vẫn cố gắng biến bản án của mình thành thắng lợi cuối cùng. Một trong những thẩm phán đã nhận xét rằng, “thật là một kẻ đáng nể, tên Hitler này!” Thực vậy, mặc dù Hitler là công dân Áo, vị thẩm phán chủ tọa vẫn cho phép ông ở lại Đức, với lý do là luật về trục xuất “không thể áp dụng cho một con người có suy nghĩ và tình cảm giống người Đức như tên Hitler này, kẻ đã tình nguyện phục vụ hơn 4 năm rưỡi trong quân đội Đức trong thời chiến, được vinh danh bởi sự dũng cảm phi thường khi đối mặt với kẻ thù, và đã bị thương.”
Suốt 2 tuần đầu ở trong tù, Hitler đã tuyệt thực, vì tin rằng ông xứng đáng được chết, nhưng những lá thư đã được gửi đến ca tụng ông như là vị anh hùng dân tộc. Con dâu của Richard Wagner là Winifred, đã gửi bút và giấy để động viên Hitler viết một quyển sách. Hitler có một phụ tá cùng ở tù, đó là Rudolf Hess, người đã chép chính tả cho ông và tạo nên một cuốn tự truyện dành tặng 16 thành viên Đảng Quốc Xã đã hi sinh trong cuộc đảo chính bất thành. Trong cuốn “Mein Kampf” (Cuộc tranh đấu của tôi), Hitler mô tả bản thân như là người được số phận lựa chọn và thề sẽ khôi phục địa vị cường quốc của Đức cũng như quét sạch người Do Thái ra khỏi đất nước, và ông tự phong mình là “kẻ hủy diệt chủ nghĩa Mác-xít.” Vào tháng 12 năm 1924, sau khi ngồi tù mới 13 tháng, Hitler được thả. Nhưng quyển sách của ông có rất ít người mua, quyển thứ hai cũng thất bại trong việc tìm kiếm nhà xuất bản, và Đảng Quốc Xã của ông cũng phải vật lộn tại các hòm phiếu. Bá tước D’Abernon, đại sứ Anh ở Berlin thời điểm đó, đã tóm tắt cuộc sống chính trị của Hitler sau khi ra tù sớm là “đang rơi dần vào lãnh quên.”
Nhưng lịch sử chứa đựng nhiều bất ngờ. Việc nhân vật người Áo này từ thành viên của một phong trào chính trị nhỏ lẻ đã trở thành một nhà độc của Đức, và là đối thủ chính của Stalin, là điều mà không ai có thể tưởng tượng được vào năm 1924. Nhưng Hitler hóa ra là một nhà hùng biện bậc thầy: thường không chắc chắn, nhưng người đàn ông này sỡ hữu những ý tưởng cấp tiến và đánh hơi được con đường cuối cùng ông sẽ đi cũng như nắm bắt được những cơ hội đến với mình. Stalin cũng là một nhà chiến lược theo chiều hướng như vậy: một người với những ý tưởng cấp tiến có thể nhận ra và nắm bắt những cơ hội mà ông không bao giờ tạo ra nhưng lại biết cách biến chúng thành lợi thế của mình. Những cơ hội quý giá nhất được Stalin và Hitler nắm bắt thường được xem là “những mối đe dọa” khẩn cấp mà họ đã thổi phồng lên hay tự tạo ra. Lịch sử được dẫn dắt bởi sự tương tác giữa địa-chính trị, các thể chế, và các ý tưởng – nhưng phải cần đến những tác nhân của lịch sử để thúc đẩy những yếu tố này cùng chuyển động.
Kinh nghiệm của bản thân Stalin về nước Đức chỉ là một vài tháng ở Berlin vào năm 1907, nơi ông dừng chân khi đang trên đường trở về Nga sau một cuộc họp của Đảng Bolshevik ở London. Ông đã từng học tiếng Đức nhưng không bao giờ thành thạo nó. Nhưng giống như những nhà cầm quyền trước của chế độ Nga Hoàng, Stalin là một người sùng bái nước Đức, ngưỡng mộ hệ thống công nghiệp và khoa học ở đất nước này chỉ với bằng một từ, đó là sự hiện đại của nó. Nhưng trong một thời gian dài, Stalin không hề biết đến sự tồn tại của Hitler.
Sau đó vào năm 1933, Hilter được chọn làm người lãnh đạo bộ máy nhà nước vĩ đại mà Stalin hết sức ngưỡng mộ. Cuộc đời của hai nhà độc tài này đã từng tồn tại song song với nhau, như nhà sử học Alan Bullock từng viết. Nhưng chính điểm giao nhau giữa hai đường thẳng ấy mới có ý nghĩa quan trọng: Hai người đàn ông đến từ bên lề xã hội của mình đều đã hồi sinh và tái tạo lại đất nước mình một cách tàn bạo, rồi từ từ xích lại gần nhau một cách vô thức (và sau đó là có ý thức). Hóa ra không chỉ có người Đức chờ đợi Hitler mà thôi.
Đối mặt
Vào thứ Bảy, ngày 21/06/1941, Stalin sải bước trong văn phòng của ông ở điện Kremlin, với những bước đi ngắn thường thấy và tay cầm chặt tẩu thuốc. Bên trong kiến trúc hình tam giác của điện Kremlin, tòa nhà Thượng viện Đế chế chính là một pháo đài hình tam giác, và văn phòng của Stalin chính là một pháo đài bên trong pháo đài đó. Thậm chí những cán bộ của chế độ với thẻ ra vào điện Kremlin thông thường cũng phải cần giấy phép đặc biệt để đi vào khu vực của Stalin. Nơi đó được những người bên trong của chế độ biết đến với cái tên “Góc Nhỏ” (Little Corner). Tường văn phòng được lót bằng những bản gỗ cao ngang vai, với ý tưởng rằng mùi gỗ giúp cải thiện chất lượng không khí, và những chiếc thang máy được lát gỗ dái ngựa (mahogany). Phía sau bàn làm việc của Stalin có treo chân dung của Lenin. Trên một góc bàn là một hộp trưng bày bên trong chứa chiếc mặt nạ sáp hình khuôn mặt Lenin khi ông qua đời. Một cái bàn nhỏ khác có gắn mấy chiếc điện thoại. (“Stalin”, ông sẽ trả lời như vậy khi bắt điện thoại lên.) Bên cạnh cái bàn là một chiếc kệ có một cái bình đựng trái cây tươi. Ở phía sau căn phòng có một cánh cửa dẫn đến phòng thư giãn (mặc dù căn phòng này hiếm khi được sử dụng cho mục đích ấy), với những tấm bản đồ thế giới to treo trên tường và một quả cầu khổng lồ. Ở căn phòng làm việc chính, nằm giữa 2 trong số 3 cánh cửa sổ lớn dùng để đón ánh nắng mặt trời vào buổi chiều là một chiếc ghế da dài màu đen, nơi mà lúc có tâm trạng vui vẻ Stalin thường ngồi thưởng thức trà chanh.
Trong suốt nhiều năm, những người được diện kiến ông thường cho rằng ông đi lại trong phòng để kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, hoặc để làm bất an những người đang gặp ông. Lúc nào cũng vậy, ông luôn là người duy nhất đứng trong phòng bước qua bước lại, dịch tới sát những người đang nói chuyện với ông. Chỉ một ít người thân cận mới biết rằng Stalin chịu những cơn đau gần như liên tục ở khớp chân, triệu chứng có thể do ảnh hưởng di truyền và việc di chuyển sẽ giúp cơn đau phần nào được giảm bớt. Stalin cũng thường đi bộ quanh điện Kremlin, thường là một mình, sờ vào những chiếc lá trên cây và đuổi những con quạ đen bay đi. (Sau đó, lính canh sẽ đến và giết những con quạ đó.)
Stalin đã loại bỏ tư hữu và tự giao cho mình trách nhiệm giám sát mọi thứ từ chính trị tới tài chính, điện ảnh…, và tất cả gộp lại thành một, vào tay chỉ một người mà thôi. Ông phàn nàn về sự mệt mỏi, đặc biệt về cuối những ngày dài làm việc, và ông cũng bị chứng mất ngủ, một tình trạng sức khỏe mà công chúng không được biết đến. Chỉ một nhóm nhỏ những người trong nội bộ biết về những căn bệnh nhiễm trùng gây ra những cơn sốt kéo dài của ông. Những lời đồn đại về những vấn đề sức khỏe của ông đã lan truyền ra cả nước ngoài, và việc sử dụng bác sĩ ngoại quốc từ lâu đã bị chấm dứt. Nhưng chỉ một số ít những bác sĩ ở Nga có được những kiến thức chuyên sâu về bệnh lý cũng như tình trạng biến dạng về cơ thể của ông, bao gồm việc ít khi sử dụng vai phải, tình trạng bạc màu của những móng chân phải, và những ngón có màng bên bàn chân trái (trong truyền thuyết dân gian Nga, đây làm một điềm báo về ảnh hưởng của quỷ Satan). Trong một thời gian dài, Stalin không muốn gặp bất kì bác sĩ nào, và đã ngừng sử dụng thuốc từ nhà thuốc ở điện Kremlin. Những người quản gia bị cấm mang bữa ăn cho ông từ căng-tin của điện Kremlin, thay vào đó họ phải nấu bữa ăn từ nhà ông và phải nếm thử thức ăn ngay trước mặt ông. Mặc dù vậy, Stalin vẫn bị đau bao tử nặng. Ông thường xuyên phải hứng chịu những cơn tiêu chảy.
Tòa nhà Thượng viện Đế chế được xây dựng bởi nữ hoàng Nga gốc Đức, Catherine Đại Đế, vì mục tiêu “vinh quang hóa Đế quốc Nga.” Vài thập niên sau khi khánh thành, vào đầu mùa thu năm 1812, Napoleon cùng đội quân xâm lược của ông kéo đến đây. Những thành viên trong Đại Quân Pháp (Grande Armée) – bao gồm nhiều binh lính Tin Lành và Công giáo đến từ Đức, Ý, và Ba Lan – đã phóng uế vào các nhà thờ Giáo hội chính thống của Kremlin và bắn vào các biểu tượng tôn giáo. Sau khi sự chống cự khôn ngoan của người Nga đã làm cho lực lượng xâm lăng phải khổ sở vì đói, trước khi rút quân, Napoleon đã ra lệnh phá nát điện Kremlin thành từng mảnh. Những cơn mưa xối xả đã hạn chế được thiệt hại, nhưng chất nổ đã phá hủy một số phần trên các bức tường và pháo đài. Sau đó tòa nhà Thượng viện phải chịu một đám cháy lớn.
Đội quân canh gác có mặt dọc những hành lang dài được trải thảm đỏ xung quanh Góc Nhỏ. “Xem thử có bao nhiêu lính canh ở đây?” Stalin hỏi một viên chỉ huy quân đội. “Mỗi lần tôi đi qua hành lang này, tôi đều nghĩ, tên này? Nếu là tên này, hắn ta sẽ bắn tôi từ phía sau, và nếu là một tên khác ở sau góc rẽ kia, hắn sẽ bắn tôi từ phía trước.” Viên chỉ huy đó đã rất kinh ngạc bởi sự hoang tưởng như vậy: rốt cuộc, chưa bao giờ có bất kì một âm mưu ám sát thực sự nào nhắm vào Stalin. Nhưng “người đàn ông thép này” – “người sâu hơn cả đại dương, cao hơn dãy Himalaya, sáng hơn cả vầng thái dương, người thầy của vũ trụ,” theo lời của một nhà thơ người Kazakhstan – lại đang bị theo dõi từ xa.
Vào mùa hè của năm 1941, dường như rõ ràng là Hitler sẽ giành chiến thắng trong Thế chiến II. Ông ta đã sáp nhập quê hương Áo của mình vào Đức và cả những vùng đất của Czech, phần lớn Ba Lan, một dải đất của Litva, tất cả tạo nên một nước Đại Đức mà vào năm 1871 Otto von Bismarck đã cố tình tránh trong các cuộc chiến tranh thống nhất nước Đức (khi Bismarck cho rằng sự tồn tại của Đế quốc Áo-Hung là cần thiết cho sự cân bằng quyền lực). Binh lính của Hitler đã đánh chiếm được vùng Balkans, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Na-uy, và miền bắc nước Pháp. Ngoài ra các nhà lãnh đạo trung thành với quốc trưởng Hitler cũng đang cai trị các nước Bulgaria, Croatia, Phần Lan, Hungary, Ý, Romania, và Tây Ban Nha. Hitler cơ bản đã kiểm soát được tất cả Châu Âu kéo dài từ eo biển Anh ở phía Tây đến biên giới phía Đông với Liên Xô; chỉ hai nước Thụy Điển và Thụy Sĩ vẫn còn giữ trạng thái trung lập, nhưng cả hai đều đang có hợp tác kinh tế với nước Đức phát xít. Thật vậy, chỉ còn có người Anh cứng đầu là vẫn từ chối chấp nhận thực tế mới, nhưng London không bao giờ có thể lật đổ được sự thống trị lục địa Châu Âu của Berlin.
Stalin vẫn đang tuân thủ chặt chẽ hiệp ước bất tương xâm giữa Đức và Liên Xô được ký vào tháng 8 năm 1939. Vào thời điểm đó, Hitler, người đã quyết định xâm chiếm Ba Lan bằng vũ lực, cần ngăn cản khả năng thành lập một liên minh chống Đức giữa Liên Xô, Pháp và Anh. Stalin đã đòi được những điều khoản có lợi nhất. Khi đội quân của Hitler tung hoành khắp hầu hết lãnh thổ Châu Âu, Stalin đã tránh được đối đầu với sức mạnh quân sự của Đức và lợi dụng tình hình đó, Liên Xô còn xâm chiếm và sớm sáp nhập được các nước vùng Baltic, đông Ba Lan, và các vùng Bukovina và Bessarabia thuộc Đông Âu. Hơn thế nữa, thông qua việc trao đổi ngũ cốc và dầu, Stalin được nhận về các thiết bị máy móc hiện đại và vũ khí tối tân từ Đức.
Việc thử nghiệm chính sách đối ngoại đầy rủi ro của Stalin đã cho thấy rõ ông là một kẻ ranh mãnh, cũng như cơ hội, tham lam, và cứng rắn. Chiến thuật của ông trước sau như một: chuẩn bị chiến tranh với việc xây dựng lực lượng vũ trang ở quy mô lớn, tuy vậy phải làm tất cả có thể để tránh giao chiến trong khi chờ Anh và Đức triệt tiêu lẫn nhau. Chiến lược này đã có tác dụng cho đến khi Đức – nhờ nguồn cung cấp nguyên liệu thô dồi dào từ Liên Xô – đã chiếm được Pháp vào mùa hè 1940, và lúc này Đức đã rảnh tay để hướng lực lượng của mình về phía Liên Xô. Hai đối thủ về địa-chính trị và ý thức hệ, sau quá trình bành trướng lãnh thổ của mình, đã đến lúc có chung đường biên giới.
Giờ đây, sau gần nửa năm lan tràn những tin đồn trái ngược về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược của Đức vào Liên Xô, các cảnh báo của lực lượng tình báo về một cuộc chiến tranh khổng lồ sắp xảy ra đang đến từ mọi hướng. Ở Moskva, các nhân viên tòa đại sứ Đức được lệnh di tản, tất bật thu nhặt những bức tranh sơn dầu, các tấm thảm cổ, và bạc. Lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô báo cáo rằng tòa đại sứ quán của Ý cũng nhận được chỉ thị di tản. Đầu giờ sáng, một đặc vụ Liên Xô ở Bulgaria báo cáo rằng một gián điệp Đức nói sẽ có “một cuộc đối đầu quân sự được dự tính xảy ra vào ngày 21 hoặc 22 tháng 6.” Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc là Chu Ân Lai cũng báo tin cho các viên chức ở Comintern, một tổ chức cộng sản quốc tế, rằng đối thủ Quốc dân đảng của ông là Tưởng Giới Thạch, “khẳng định chắc chắn rằng Đức sẽ tấn công Liên Xô, và thậm chí còn đưa ra thời gian cụ thể là ngày 21/06/1941!” Điều này đã thúc giục người đứng đầu Comintern gọi ngay cho (Ngoại trưởng Liên Xô) Molotov. “Tình hình vẫn chưa rõ ràng,” Molotov trả lời. “Một game lớn vẫn đang diễn ra. Và có những chuyện chúng ta không thể tự quyết định được.”
(Còn tiếp)