Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

hoan hô công an rút khỏi trạm

BOT Cai Lậy xả trạm, hoan hô công an rút khỏi trạm

Công an đã thấy hành vi can thiệp của mình vừa trái với pháp luật, vừa bất nhân, bất nghĩa, nên đã tự động rút lui. Hoan hô các anh. "Điều đáng chú ý là trong ngày thu phí hôm nay 2-12, trạm BOT Cai Lậy vắng bóng các lực lượng chức năng. CSGT Tiền Giang có bố trí lực lượng cách trạm hơn 500m, nhưng chủ yếu điều tiết giao thông. Một số tài xế phản ánh có vài “người lạ” xuất hiện đe dọa họ, nhưng không lâu sau đó những “người lạ” này cũng biến mất".
BOT Cai Lậy liên tục xả trạm, xuất hiện nhiều bất ổn
2/12/2017 Sau khi thu phí trở lại vào nửa đêm 1-12, đến khoảng 12 giờ trưa nay 2-12, vào thời điểm có nhiều xe lưu thông quan trạm BOT Cai Lậy có nhiều tài xế phản đối việc đặt trạm thu phí sai, tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ trả phí, thắc mắc việc thu phí... làm kẹt xe kéo dài nên chủ đầu tư buộc xả trạm liên tục.
Tài xế cho xe đậu tại làn thu phí, phản ứng với nhân viên gây ách tắc giao thông. Ảnh: NGUYỄN VĂN. Từ khoảng 12 giờ ngày 2-12, các phương tiện từ TPHCM về miền Tây và ngược lại đi qua khu vực BOT Cai Lậy bắt đầu bị ùn ứ. Tại các làn thu phí, nhiều tài xế liên tục bấm còi inh ỏi. Một số tài xế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để mua vé hoặc phản đối việc mua vé thu phí khi qua trạm.

Mỗi trường hợp, kéo dài khoảng từ 5 đến 7 phút, khiến ùn ứ giao thông càng thêm nghiêm trọng. Không khí tại các làn thu phí trở nên khá căng thẳng.

Sau đó, chỉ trong vòng 30 phút, BOT Cai Lậy đã xả trạm 2 lần. Mỗi lần khoảng 10 phút để giải phóng tình trạng ùn ứ trên Quốc lộ 1 và qua khu vực thu phí.

Nhiều tài xế dừng xe tại trạm phản ứng với nhân viên thu phí. Ảnh: NGUYỄN VĂN

Trước đó, một tài xế chạy xe du lịch mua vé qua trạm, với xấp tiền 500 đồng trên tay. Tài xế đếm từng tờ đưa cho nhân viên thu phí. Sau khi đếm được tổng cộng 24.500 đồng, tài xế đưa tiếp 3 tờ 200 đồng và yêu cầu thối lại 100 đồng. Nhân viên bán vé đưa lại 200 đồng, nhưng tài xế không đồng ý. Sau đó, nhân viên lấy 100 đồng trả lại, tài xế mới nhận tiền và cho phương tiện ra khỏi làn thu phí.

Sự việc diễn ra khoảng hơn 5 phút, đã gây ùn ứ các phương tiện lưu thông từ phía sau, hướng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây. Lúc này, do lượng phương tiện ùn ứ kéo dài, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần thứ 1.

Xe cộ ùn ứ tại trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: NGUYỄN VĂN

Sau đó vài phút, khi phương tiện thông thoáng, BOT Cai Lậy đã đóng barie thu phí trở lại. Sau khi xả trạm khoảng 10 phút, BOT Cai Lậy đã cho thu phí trở lại. Lúc này, tài xế một chiếc xe chở khách đi từ Đồng Tháp lên TPHCM tưởng đang xả trạm nên cho xe vượt qua, bất ngờ thanh chắn trạm thu phí bật xuống, buộc tài xế phải thắng gấp, làm hai bà cháu trên xe bị va đập vào đầu. 

Trước sự việc trên, các tài xế và người dân xung quanh rất bức xúc, yêu cầu phải xả trạm, một tài xế đã tông luôn xe vào thanh chắn để vượt trạm.

Sau đó ít lâu, một tài xế lái xe đầu kéo container đã dừng xe ngay trạm thu phí, nhưng không mua vé. Tài xế này liên tục tỏ thái độ bức xúc trước việc thu phí, và yêu cầu các nhân viên của trạm phải giải thích việc số tiền 17 triệu đồng đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm đi về đâu? Sao giờ lại thu phí người dân?

Sự việc kéo dài gần 10 phút, khiến các phương tiện phía sau bị dồn ứ. BOT Cai Lậy tiếp tục xả trạm lần 2.

Khi đang xả trạm, cách đó hai làn thu phí một tài xế xe bồn cũng xảy ra tranh cãi với nhân viên và không đồng ý di chuyển phương tiện ra khỏi làn thu phí.

Tài xế này cho rằng, buổi sáng đã mua vé nhưng khi về thì BOT Cai Lậy “xả trạm” nên chỉ có một vé thu phí và không thể thanh toán được. Tài xế yêu cầu nhân viên phải bán vé hoặc trả lại tiền buổi sáng đã mua vé. Nhân viên lại giải thích, gần 10 phút sau thì tài xế này mới đồng ý cho phương tiện rời khỏi làn thu phí.

Sau khi giao thông trên Quốc lộ 1 thông thoáng trở lại, BOT Cai Lậy tiếp tục thu phí. Tuy nhiên, chưa đến 10 phút thì một số tài xế tiếp tục phản đối, liên tục bấm còi khi di chuyển phương tiện vào làn thu phí. Lúc này, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần thứ 3.

Cùng thời điểm trên, các làn xe đều bị ùn ứ kéo dài, một số làn được xả trạm, một số khác vẫn thu phí. Gần 14 giờ ngày 2-12, tình hình vẫn rất căng thẳng. Đến hơn 15 giờ cùng ngày, BOT Cai Lậy vẫn chưa tiến hành thu phí trở lại.

Điều đáng chú ý là trong ngày thu phí hôm nay 2-12, trạm BOT Cai Lậy vắng bóng các lực lượng chức năng. CSGT Tiền Giang có bố trí lực lượng cách trạm hơn 500m, nhưng chủ yếu điều tiết giao thông. Một số tài xế phản ánh có vài “người lạ” xuất hiện đe dọa họ, nhưng không lâu sau đó những “người lạ” này cũng biến mất.

HÀM LUÔNG- KIẾN VĂN

http://www.sggp.org.vn/bot-cai-lay-lien-tuc-xa-tram-xuat-hien-nhieu-bat-on-485853.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tôi yêu tiếng nước tôi




Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng. 

Ông Huỳnh Phan Anh cũng khắc tên mình vào bảng mạ vàng khi dịch “For whom the bell tolls” thành “Chuông nguyện hồn ai” (phải là “nguyện”, chứ không phải “gọi” – như các bản dịch sau 1975, nghe mới “đã” và mới đúng với ý như câu chuyện của tác phẩm Hemingway). Cụ Bùi Giáng cũng thuộc vào nhóm người “giáng thế” khi dịch “Terre des Hommes” (Vùng đất của người) thành “Cõi người ta”. 


Cụ Phạm Duy là một bậc tài hoa xuất chúng nữa với các tác phẩm chuyển ngữ lời Việt.Ca khúc “The house of the rising sun” đã được cụ chuyển thành “Chiều vàng dưới mái nhà tranh”. So sánh từng câu từng từ trong các ca khúc chuyển ngữ của thiên tài Phạm Duy, không thể nói gì hơn ngoài sự kính phục tột bậc. Trong Love Story, ca khúc rất phổ biến Sài Gòn thập niên 1970 mà cụ Phạm chuyển ngữ, có những từ được diễn đạt mà chỉ những bậc thượng thừa tiếng Việt mới thể hiện nổi, chẳng hạn “this empty world”thành “cuộc đời vắng ngắt”; hoặc “wild imaginings” thành “mộng huyền mênh mang”...
 
Có một điểm chung giữa những bậc kỳ tài Phạm Duy, Bùi Giáng hoặc vô số văn sĩ, nhạc sĩ cùng thời với họ, là: “Tôi yêu tiếng nước tôi!”. Chỉ những người thật sự yêu quý tiếng nói của dân tộc mình mới biết cách làm đẹp ngôn ngữ. Họ nhảy múa với ngôn ngữ. Họ thăng hoa với ngôn ngữ. Họ bay bổng với ngôn ngữ. Sự cuồng nhiệt trong tình yêu ngôn ngữ của họ đã tạo ra một nền văn hóa trong đó tiếng Việt vượt qua cả khái niệm ngôn ngữ như là ký hiệu giao tiếp thuần túy mà vươn lên đến chóp đỉnh của một thứ trừu tượng hơn: linh hồn dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tình yêu của họ với tiếng Việt đã làm đẹp tiếng mẹ đẻ, làm sang trọng tiếng mẹ đẻ, và cuối cùng làm nên một nền văn hóa đẹp đẽ. 

Chỉ những giai đoạn tiếng Việt bay bổng thì nền văn hóa mới thăng hoa, hay là ngược lại, thật khó có thể nói chính xác. Nhưng, có thể đoan chắc rằng một nền văn hóa xuống cấp luôn đi đôi với việc ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ xuống cấp. Nó bị dùng sai là một chuyện. Nó bị xem thường mới là điều đáng nói. Khi tiếng Việt không còn được tôn trọng, văn hóa và xã hội sẽ không còn được tôn trọng. Con người cũng không còn được tôn trọng. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhưng tiếng Việt bầy hầy, như đang thấy trên báo chí hàng ngày, trong các ca khúc được hàng triệu người nghe, thì “nước ta” còn gì?


Đừng trông chờ ở những khẩu hiệu “giữ gìn tiếng Việt” hay “làm trong sáng tiếng Việt” hô hào chiếu lệ trong nền giáo dục hiện tại. Tiếng Việt đang bị hỏng không chỉ bởi các MC tung hứng bừa bãi với những câu chữ làm màu “cho sang”, như “điểm trang” thay vì phải nói cho đúng là “trang điểm”; không chỉ bởi các phát thanh viên truyền hình học nhau cách nói rập khuôn, hay các nhà báo viết bài không bao giờ xem lại lỗi chính tả; không chỉ bởi những cách dùng sai như “cặp đôi” hay “fan hâm mộ”; không chỉ bởi các từ ghép Hán-Việt vô nguyên tắc như “phượt thủ”…

Nguồn gốc khiến tiếng Việt hư chính là từ giáo dục. Không ngôn ngữ nào có thể bay bổng trong một mô hình giáo dục giáo điều. Chẳng ai có thể sửa lại tiếng Việt với đà tuột dốc của nền giáo dục hiện nay. Muốn “làm trong sáng tiếng Việt”, hệ thống giáo dục phải tự làm trong sáng mình. Điều này sẽ chẳng bao giờ có, không bao giờ thành hiện thực, khi mà giáo dục đang nằm dưới bàn chân của những “chủ trương” và “đường lối”. Đừng mong chờ những thay đổi trong giáo dục. Sẽ chẳng có thay đổi tích cực gì cả. Tiếng Việt sẽ tiếp tục bị hành hạ và văn hóa sẽ tiếp tục bị tra tấn.

Dường như không ai có thể cứu tiếng Việt nhưng tiếng Việt có thể được cứu nếu mỗi người trong chúng ta cùng quay lại với con đường “tôi yêu tiếng nước tôi”. Tìm kiếm và đọc lại những quyển sách của một thời làm nên sự kỳ vĩ một nền văn hóa, như một cách thức tự giải độc khỏi những luồng khí đen đang bủa quanh, có thể được xem là một cách thức. Nhiều giá trị hiện bị mất đi đang nằm trong những quyển sách đó. Văn hóa sẽ đi lạc vĩnh viễn nếu chẳng có ai tìm. Con đường đi tìm văn hóa đã mất có thể sẽ giúp tìm lại ánh hào quang của tiếng Việt, và cuối cùng, dẫn đến việc nhìn lại sự cần thiết phải tôn trọng tiếng Việt. 

Không người dân nào có thể thay đổi được hệ thống giáo dục hiện tại. Họ không có quyền hạn để làm điều đó. Tuy nhiên không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa để dung nạp một nền văn hóa khác với “hệ văn hóa” nhồi sọ và tuyên truyền. Cũng không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa đọc gì bên ngoài phạm vi những bài văn mẫu hay nên đọc gì trên những trang mạng xã hội. Đó là sự chọn lựa cần thiết, và cấp bách, để “tôi yêu tiếng nước tôi” có thể còn tồn tại và còn có cơ may truyền lại cho hậu sinh.

FB MẠNH KIM 02.12.2017


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Còn phải buồn nhiều thứ nữa vì sự cả tin đến tội nghiệp pác Lưu ờ:



Cứ cố bám Trạm thu phí BOT Cai Lậy, thì Thể nào có thương dân.
Ngày 27.10 gã có đưa hình Nguyễn Văn Thể, tân bộ trưởng GTVT với nụ cười và khuôn mặt dễ ưa cùng lời kêu gọi: cố mà thương dân Thể ơi.
Trong phần bình luận bài viết trên gã nhận được nhiều lời cảnh báo đừng hy vọng vào Thể, vì khi là thứ trưởng GTVT chính Thể là tác giả ký duyệt các BOT gây tranh cãi, trong đó có BOT Cai Lậy.
Điều quá rõ là mông má chút xíu QL 1 rồi làm đường tránh, thu tiền trên QL 1 là sai phè phè, vậy mà Thể khi lên bộ trưởng vẫn quyết tâm bảo vệ cái phè phè sai ấy. Đến hôm nay gã quyết định xoá tấm hình của Thể trên trang của mình và xin lỗi 21.200 bạn theo dõi cùng 5.000 bạn face của gã vì đã ngây thơ, cả tin nhìn tướng mạo dễ coi của Thể để gây nên hy vọng nào đó cho bạn đọc về sự tử tế của con người này.
Sau sự kiện căng thẳng tại Trạm Cai Lậy mấy hôm nay, gã đành phải thú nhận rằng, lời kêu gọi Thể thương lấy dân đã trở nên... vô nghĩa.
Gã buồn.
Buồn lắm đấy. Một chút hy vọng về sự tử tế, liêm trực thôi sao mà khó thế hở giời?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hồ sơ Nga : Michael Flynn gục ngã, Donald Trump bị đe dọa ?



Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn ra khỏi tòa án ngày 01/11/2017.

(Frédéric Autran, Libération 02/11/2017) Cựu cố vấn của tổng thống Mỹ là quan chức cao cấp đầu tiên của Nhà Trắng bị khởi tố vì khai gian với FBI về tính chất các cuộc tiếp xúc với Matxcơva. Ông Flynn có nguy cơ lãnh án đến 5 năm tù.

Một vị trung tướng ba sao về hưu, cựu cố vấn thân cận của tổng thống Mỹ tại vành móng ngựa một tòa án liên bang : cảnh tượng hiếm hoi này đã diễn ra hôm qua 01/11/2017 tại Washington. Một sự kiện ngoạn mục mới về hồ sơ Nga vẫn luôn đầu độc nhiệm kỳ của ông Donald Trump.


« Tôi xin nhận tội ». Ông Michael Flynn trong bộ vét màu xanh sẫm, nói bằng một giọng trầm tĩnh. Ông nhìn nhận đã nói dối với FBI về tính chất các cuộc tiếp xúc với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, hồi tháng 12/2016.

Vào thời kỳ đó, Barack Obama vẫn đang là tổng thống, Donald Trump là tổng thống tân cử và Michael Flynn là một trong những người tín cẩn của ông Trump, cố vấn an ninh quốc gia tương lai. Với chức vụ này, cựu tướng đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với Serguei Kisliak, đặc sứ Nga tại Washington.

Trong số các chủ đề được nêu ra có việc trừng phạt của Mỹ đối với Nga : ông Barack Obama vừa tăng cường trả đũa sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hai người cũng nói về dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án việc Israel xây dựng các khu định cư, đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an và bị Donald Trump đả kích dữ dội. Ông Flynn muốn thuyết phục Matxcơva giúp làm cho dự thảo này không được thông qua.

« Sai lầm nghiêm trọng »

Hôm 24/1, tức chỉ bốn ngày sau khi ông Trump nhậm chức, Michael Flynn đã bị FBI thẩm vấn. Theo bản cáo trạng được công bố hôm qua 1/11, ông Flynn đã « cố tình khai báo sai lạc » trước cơ quan an ninh liên bang. « Những lời khai gian dối và che giấu sự thật của ông Flynn đã ngăn trở và gây những hậu quả thực sự cho cuộc điều tra ».

Trong một thông cáo đưa ra ít lâu sau khi bị thẩm vấn, ông Flynn viết : « Trước tòa hôm nay, tôi nhìn nhận rằng những hành động của tôi là sai lầm nghiêm trọng. Tôi xin nhận tội, và việc tôi đồng ý hợp tác với văn phòng công tố viên đặc biệt phản ánh một quyết định nằm trong lợi ích của gia đình tôi và đối với đất nước. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của mình ».

Khi chấp nhận hợp tác với tư pháp, Michael Flynn đã giúp đẩy nhanh cuộc điều tra quy mô của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, được bổ nhiệm hồi tháng Năm để điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, và sự thông đồng nếu có giữa Matxcơva và những người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump.


Sự kiện mới này đặt ra nhiều câu hỏi : Michael Flynn đã cam kết khai với các nhà điều tra những thông tin nào ? Liệu có gì cáo buộc trực tiếp những người thân tín của Donald Trump, thậm chí đến bản thân tổng thống ?

Cáo trạng ghi ông Flynn đã tiếp xúc với phía Nga « theo yêu cầu của một nhân vật rất cao cấp » trong ê-kíp Trump. Danh tính của nhân vật này không được chính thức tiết lộ. Nhưng NBC News dẫn ra hai nguồn tin thông thạo cho biết, đó là Jared Kushner, con rể của tổng thống.

Vụ Michael Flynn bị khởi tố gây ra cú sốc tại Hoa Kỳ : ngay lập tức làm sụt điểm Wall Street và giá trị của đồng đô la, rõ ràng do thị trường quan ngại trước gọng kềm đang siết lại xung quanh tổng thống.

Nhà Trắng đã nhanh chóng phản ứng, tìm cách giảm nhẹ vai trò của Michael Flynn – bị cách chức hôm 13/2, với lý do chính thức là vì nói dối với phó tổng thống Mike Pence về tính chất các cuộc nói chuyện với đại sứ Nga. Ty Cobb, cố vấn pháp luật Nhà Trắng nói : « Ông Michael Flynn, từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia trong vòng 25 ngày, đã nhận tội trước cáo buộc duy nhất là đã khai man với FBI. Không có ai khác liên quan đến vụ này, ngoài ông Flynn ».

« Lock her up ! »

Vào cuối tháng 10, một loạt nhân vật đã bị cáo buộc trong cuộc điều tra của ông Robert Muller, trong đó có ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, bị cho là đã rửa số tiền từ hoạt động tư vấn ở Ukraina. Đối với tổng thống Mỹ, mối nguy đang tiến gần : ông Flynn là quan chức đầu tiên từng phục vụ tại Nhà Trắng bị khởi tố.

Corentin Sellin, giáo sư môn sử và là chuyên gia về Hoa Kỳ bình luận trên Twitter : « Nếu ông Flynn hợp tác, có nghĩa là ông Mueller tin rằng ông ta sẽ cung cấp một số thông tin đáng lưu ý. Và cựu cố vấn an ninh quốc gia có thể cho bên điều tra biết những thông tin về ai, nếu không phải là tổng thống Trump ? »

Một sự mỉa mai của lịch sử : cựu trung tướng Flynn trong chiến dịch tranh cử là một trong những người đả kích bà Hillary Clinton gay gắt nhất. Chuyên « làm nóng » hội trường trong nhiều cuộc mít-tinh của nhà tỉ phú địa ốc, ông Flynn không ngần ngại hô to cùng với đám đông « Lock her up »(Hãy bỏ tù bà ta) – vốn đã trở khẩu hiệu tập hợp những người ủng hộ nhà tỉ phú.

Nay thì chính ông Flynn có nguy cơ bị lãnh án đến 5 năm tù giam. Và một câu hỏi đang làm Washington lo ngại : liệu ông ta có đủ những thông tin quan trọng để tiết lộ, nhằm cố thoát được bản án tù hay không ?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Clip: Cận cảnh "người lạ" hăm dọa tài xế qua trạm BOT Cai Lậy


02/12/2017 (NLĐO) - Thấy tài xế mang tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Cai Lậy sáng 2-12, lập tức một nhóm thanh niên lạ mặt xuất hiện đe dọa và uy hiếp. Tại đây, một thanh niên mặc áo trắng trèo lên cửa xe tài xế hăm doạ và yêu cầu rời khỏi cabin. "Mày không cần biết tao là ai. Mày không được thắc mắc cái gì. Mày chạy xe qua kia nhanh lên!" - người lạ mặt gay gắt. Theo ghi nhận của phóng viên, nhóm thanh niên này xuất hiện xung quanh trạm thu phí từ lúc 6 giờ sáng cùng ngày, ngồi đánh bài, uống nước. Hễ thấy tài xế có dấu hiệu phản ứng, họ lập tức chạy ra hăm dọa.

CLIP CẬN CẢNH "NGƯỜI LẠ" ĐE DỌA TÀI XẾ
Lúc 10 giờ 15 phút ngày 2-12, một tài xế xe container qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã dừng khá lâu. Người này lấy lý do vé in giá 180.000 đồng nhưng bị tẩy xóa còn 140.000 đồng và nghi ngờ việc BOT trốn thuế.

Tài xế một mực nói phải có công văn chứng minh việc điều chỉnh giá vé do Chi cục Thuế cấp.

Trong lúc tài xế đang đối thoại với nhân viên thu phí thì xuất hiện 4 thanh niên lạ mặt.

Tại đây, một thanh niên mặc áo trắng trèo lên cửa xe tài xế hăm doạ và yêu cầu rời khỏi cabin.

"Mày không cần biết tao là ai. Mày không được thắc mắc cái gì. Mày chạy xe qua kia nhanh lên!" - người lạ mặt gay gắt.


Theo ghi nhận của phóng viên, nhóm thanh niên này xuất hiện xung quanh trạm thu phí từ lúc 6 giờ sáng cùng ngày, ngồi đánh bài, uống nước. Hễ thấy tài xế có dấu hiệu phản ứng, họ lập tức chạy ra hăm dọa.

Cùng lúc, rất nhiều tài xế khi qua trạm rời khỏi vô-lăng bỏ đi với lý do: BOT Cai Lậy thu phí không thông báo trước.

Đại diện Công an huyện Cai Lậy cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Người Lao Động, công an đã cử nhiều trinh sát đến trạm thu phí và khu vực lân cận để xác minh danh tính những "người lạ" nói trên. Cùng thời điểm, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang thông tin với phóng viên Báo Người Lao Động rằng đã chỉ đạo thuộc cấp làm rõ vấn đề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết chưa ghi nhận việc có người lạ de dọa tài xế. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị gặp trực tiếp để cung cấp hình ảnh xem có phải là nhân viên trạm thu phí hay không thì ông Hiệp từ chối. "Nhân viên của trạm có màu áo nhận diện" - ông Hiệp nói.

Báo Người Lao Động đang cập nhật...
LÊ PHONG - THUÝ AN

http://nld.com.vn/thoi-su/clip-can-canh-nguoi-la-ham-doa-tai-xe-qua-tram-bot-cai-lay-20171202103502813.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Biệt phủ" Sỹ Quý: Nộp 500 triệu là được tha bổng


Phạt gia đình ông Phạm Sỹ Quý hơn 500 triệu đồng vụ "biệt phủ"
02/12/2017 Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép. Đồng thời, xử phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 51 triệu đồng. Sau khi nộp phạt với số tiền nêu trên, các hạng mục công trình sai phép và không phép được tiếp tục cho tồn tại.

"Biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái
(NLĐO)- Cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý hơn 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép tại "biệt phủ".

Ngày 2-12, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến khối tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Yên Bái.

Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép. Đồng thời, xử phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 51 triệu đồng.

Sau khi nộp phạt với số tiền nêu trên, các hạng mục công trình sai phép và không phép được tiếp tục cho tồn tại.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, sau khi có kết luận thanh tra đến nay, đã có 14 cá nhân liên quan bị xử lý kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền.

Trước đó vào ngày 23-10, TTCP đã công bố kết luận việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan đến khu đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Tân Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Khu đất này thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).

Kết luận thanh tra chỉ rõ ông Quý vi phạm khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Ngoài ra, TTCP xác định khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở TN-MT, ông Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp vợ đứng tên, không kê khai căn nhà đang xây dựng diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân và không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỉ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

TTCP cho rằng những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.

Ngày 27-10, ông Phạm Sỹ Quý bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo, cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN-MT; điều động đến nhận công tác tại tại Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng HĐND tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Quý, cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở TN-MT.

Tin-ảnh: Minh Chiến

http://nld.com.vn/thoi-su/phat-gia-dinh-ong-pham-sy-quy-hon-500-trieu-dong-vu-biet-phu-20171202152014881.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sách Mới: TẢN VIÊN SƠN THÁNH - DI TÍCH & LỄ HỘI ĐỀN VÀ




Sách Mới:
 
TẢN VIÊN SƠN THÁNH - DI TÍCH & LỄ HỘI ĐỀN VÀ 


Tác giả: Nguyễn Xuân Diện
NXB. Thế Giới. Hà Nội, 2017. 264 trang. 
Giấy trắng. Bìa ép nhũ vàng và thúc nổi trên nền màu son.
Giá bìa: 72.000 đ. 

Liên hệ mua sách: Chị Nguyễn Kim Măng – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 098 529 9535 Email: kimmanghn@gmail.com

Tài khoản: Nguyễn Kim Măng. Số: 103 213 677 91011 Ngân hàng Techcombank
– Chi nhánh Thăng Long – Hà Nội.
 

Đền Và (Đông Cung) là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử và cũng là đứng đầu bách thần – “khí thế rừng rực thuở đương thời, anh linh tỏa rạng đến muôn sau”.
Đền Và là hành cung do Thánh Tản chọn đất, là nơi Ngài đi tuần du, tắm gội rồi về nghỉ lại, gác lại Gậy tiên, Sách ước. Đây cũng là cung điện để bách quan và trăm họ bái yết Thánh Tản.
Đền Và có kiến trúc đường bệ, đăng đối và thâm nghiêm giữa rừng lim già tĩnh mịch, trong không gian độc lập, là nơi danh sĩ các đời đề thơ văn bày tỏ tấm lòng sùng kính với Đức Thánh Tản.
Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội lớn vào bậc nhất và đông vui nhất xứ Đoài; hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của muôn dân Đất Việt trong suốt dọc dài lịch sử.
Lời giới thiệu
Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh là một hệ thống truyền thuyết lớn và phát triển sớm trong lịch sử. Đây không những là một hệ thống truyền thuyết có số lượng truyện kể lớn mà dung lượng về nội dung cũng hết sức phong phú và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: sử học, địa lý học, văn học, văn hóa dân gian, kiến trúc, tín ngưỡng…

Truyền thuyết này được hình thành và phát triển ở vùng xung quanh núi Ba Vì (Tản Viên Sơn) thuộc Hà Nội. Nguyễn Trãi từng viết trong Dư địa chí: "Núi ấy (Ba Vì, Tản Viên Sơn) là núi tổ của nước ta đó".

Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 17 (1836), hoàng đế truyền đúc Cửu Đỉnh làm biểu tượng cho quyền uy và sự bền vững của triều đình. Hình núi Tản Viên được khắc vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa bể Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Triều Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) núi Tản Viên được liệt vào hàng danh sơn của đất nước; hàng năm triều đình làm lễ quốc tế. Tản Viên - Ba Vì là nơi ngự trị của Tam Vị Đại vương Quốc chúa Thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh, là "Đệ nhất Phúc thần" của Tứ Bất tử trong thần điện Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài thảo mộc quý hiếm như Vô phong độc dao thảo(loài cỏ không có gió cũng tự lay động), có loài Đông trùng hạ thảo (loài thực vật mùa đông thì biến thành con sâu, mùa hè thì mọc mầm thành ra cỏ), có loài rêu màu đỏ như huyết, ...

Vùng núi Ba Vì có hàng trăm di tích liên quan đến việc thờ Tản Viên Sơn Thánh mà nghi lễ, phong tục thờ phụng từ bao đời đã làm cho vùng này trở thành “một tiểu vùng văn hóa” đặc biệt. Trong số những di tích thờ thần núi Tản, đền Và (Đông Cung) thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một di tích lớn với các di sản kiến trúc, di sản Hán Nôm có giá trị trong việc nghiên cứu về Sơn Tinh Tản Viên Sơn Thánh.


Tòa Tiền tế, đền Và. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quoc Toan Son Tay.
.

Chuẩn bị cung nghinh Thánh Tản sang đền NGỰ DỘI. ẢNh do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thành Nikonchụp lúc 03h sáng Rằm Tháng Giêng năm Đinh Dậu (2017).
  .
Đám rước Thánh Tản khởi hành lúc 3h sáng Rằm Tháng Giêng. Những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu rước Thánh Tản qua sông Hồng, có sự tham gia của 3 phường 1 xã của 2 huyện, thuộc 2 tỉnh. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thành Nikon chụp lúc 3h30 tại cánh đồng Khói Nhang, bên cạnh Đền Và.

Các cụ trong đội tế của Đền Và trong trang phục áo thụng lam, bao khẩu bằng vải đỏ, rước Long ngai Tam Thánh vào hậu cung đền Ngự Dội, sau khi đoàn rước đã rước các Ngài trên quãng đường 6km và vượt sông Hồng để vào thực hiện lễ Mộc dục (tắm gội) tại Đền Ngự Dội, thôn Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Nikon.

Đền Và nằm ở vị trí đặc biệt của vùng truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, là nơi quy tụ, lưu truyền nhiều câu chuyện về vị thần non Tản, cũng như đã bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống cổ xưa trong lễ hội, phong tục, tín ngưỡng. Hơn thế, những nét văn hóa này vẫn mang tính liên tục và tồn tại cho đến hôm nay. Những điều đó cho thấy đền Và là một di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh tiêu biểu cho cả xứ Đoài.

Trong cuốn chuyên khảo này, thông qua các tư liệu chữ Hán Nôm hiện còn lưu trữ tại đền Và chúng ta đã có lời giải thích tại sao đền Và chỉ là một trong bốn cung điện thờ Thánh Tản nhưng lại có vị trí đặc biệt như vậy ở xứ Đoài. Đó là vì theo thần tích, đền Và chính là một Yết cung(cung điện thiết triều để muôn dân muôn đời đến bái yết) tương truyền do Thánh Tản chọn đất, nên được thiết kế bố trí như một triều đình mà Tam Vị Đức Thánh Tản là những vị vua (vì Thánh Tản cũng từng được Vua Hùng nhường ngôi và làm vua một thời gian). Từ đó, các nhà kiến trúc dân gian đã thiết kế tính toán để có một cụm kiến trúc đường bệ (Nghi môn, Tiền tế), đăng đối (gác chuông – gác trống, tả mạc – hữu mạc) và thâm nghiêm (Tiền tế - đền trung – đền thượng) giữa một cảnh trí rừng lim già tĩnh mịch.

Đền Và hiện còn giữ được 5 cuốn Thần tích (Ngọc phả), đóng trong 4 tập sách. Nghiên cứu các bản thần tích, đối chiếu với truyền thuyết trong dân gian, ghi chép của thư tịch cổ kim, chúng ta thấy rõ ràng bước đi và sự phát triển của huyền thoại Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh. Ngưng kết trong văn bản thần tích là các lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua thời gian để nổi bật hình tượng Đệ nhất Phúc thần Tản Viên Sơn Thánh linh thiêng trong tâm thức dân gian châu thổ Bắc bộ mà ngàn đời nay người dân tôn kính, thờ phụng Ngài.

Tấm lòng sùng kính và tôn vinh Tản Viên Sơn Thánh trải các triều đại còn được lưu lại trong các tư liệu Hán Nôm quý giá mà bản đền lưu giữ được. Đó là những đạo sắc phong còn ánh lên nét vàng son trên đó ghi các mỹ tự do các vua chúa ca tụng sự uy linh và công “hộ quốc tý dân” của Thần. Và, câu đối, hoành phi, biển gỗ, bia đá…lưu bút của bao danh sĩ các đời.

Cuốn chuyên khảo nhỏ này (kể cả phần viết và các số liệu đo đạc kiến trúc) cơ bản được hoàn thành vào năm 1998, nhằm phân tích các nguồn tư liệu trong truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ trong mối liên hệ chặt chẽ với di tích, phong tục, tín ngưỡng để làm nổi bật bóng dáng uy linh của Tam Vị Quốc Chúa Thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh.

Chúng tôi không hy vọng nói được tất cả về Đức Thánh Tản Viên và non ngàn kỳ bí, mà chỉ qua khảo cứu một ngôi đền, một lễ hội và một số văn bản Hán Nôm để nói lên một phần văn hóa và tâm linh của cộng đồng dân cư ở Xứ Đoài.

Kính mong quý vị độc giả chỉ giáo, chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Xứ Đoài, Trung thu năm Đinh Dậu, 2017.
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện.
_____________

MỤC LỤC


Lời giới thiệu
Phần 1: KHẢO CỨU NGỌC PHẢ, DI TÍCH VÀ LỄ HỘI
1. Truyền thuyết và Thư tịch
1.1. Truyền thuyết dân gian
1.2. Thư tịch cổ
2. Khảo cứu về Ngọc phả
2.1Các bản Ngọc phả (Thần tích)
2.2. Từ truyền thuyết đến Ngọc phả
3. Hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.1. Những tên gọi của Tản Viên Sơn Thánh
3.2. Các lớp văn hóa của hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.2.1. Lớp văn hóa tín ngưỡng Việt - Mường
3.2.2. Lớp văn hóa Đạo giáo
3.2.3. Lớp văn hóa Nho giáo
4. Di tích đền Và - nơi Đức Thánh Tản thiết triều
4.1. Kiến trúc đền Và
4.2. Lịch sử xây dựng, tôn tạo đền Và
4.3. Bài trí thần điện và đồ thờ
4.4. Thư tịch Hán Nôm đền Và
5. Lễ hội đền Và, lễ hội lớn nhất xứ Đoài
5.1. Lễ hội Rằm tháng Giêng
5.2. Lễ hội Rằm tháng Chín
Phần 2: DI VĂN HÁN NÔM ĐỀN VÀ
Tản Lĩnh Sơn ngọc phả
Lịch triều Sắc phong
Hoành phi và Câu đối
1. Câu đối ở Nghi môn
2. Câu đối ở Gác trống - Gác chuông
3. Câu đối ở nhà Hữu mạc
4. Hoành phi ở nhà Tiền Tế
5. Câu đối ở nhà Tiền Tế
6. Hoành phi ở Trung cung và Hậu cung
7. Câu đối ở Trung cung và Hậu cung
8. Câu đối trong Tản Viên Sơn Thánh sự tích
Văn biaVăn bia do Đốc học Sơn Tây Đỗ Doãn Chính soạn năm 1883
Các biển gỗ treo tại nhà Tiền tế
1. Biển gỗ đề thơ của Lại bộ Thượng Thư Nguyễn Khản năm 1783
2. Thơ họa lại của Đốc học Đặng Quỹ và Thương tá Nguyễn Trọng Điển
3. Bài ký leo núi Tản của Thương Sơn Bùi Đàm năm 1902
4. Bài ký về Đền Thượng  của Hiến sát sứ Sơn Tây Bùi Đàm năm 1903
5. Bài ký về đền Và của Tuần phủ Sơn Tây Nguyễn Hữu Đắc năm 1909
6. Cuốn thư  về đền Và của Phúc Hoàng Phan Đông năm 1912
Thư mục tài liệu tham khảo chính

Phần nhận xét hiển thị trên trang