Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Người TQ viết về TQ:

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VỚI BẢN SẮC TRUNG QUỐC

(Capitalism With Chinese Characteristics)

Tác giả: Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong)

Nguồn: ĐKNTB

Đọc các bài: 
1. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Từ chủ nghĩa xã hội tới chủ nghĩa tư bản
2. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước
3. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua trộm cắp tràn lan
4. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tại sao ĐCSTQ không danh chính ngôn thuận từ bỏ chủ nghĩa Marxist
--------------------
Bài 1: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Từ chủ nghĩa xã hội tới chủ nghĩa tư bản

Khi nền kinh tế tư bản Trung Quốc tạo thành một liên minh với chế độ đỏ, nó tạo thành một hệ thống kinh tế và chính trị độc nhất mà không thể được gọi là xã hội chủ nghĩa mà cũng không thể gọi là tư bản dân chủ. Tôi gọi nó là chủ nghĩa tư bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi tạo ra thuật ngữ này để nói đến hệ thống kinh tế tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng hệ thống tư bản để tăng cường chế độ độc tài của mình, đây là điểm mấu chốt của mô hình Trung Quốc.

Mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá khứ là tiêu diệt tư bản. Chủ nghĩa Mao Trung Quốc hoàn toàn loại bỏ sở hữu tư nhân, và phần lớn tài sản vốn liếng bị tước đoạt khỏi tay người dân. Vào thời điểm đó, bên cạnh đặc quyền về chính trị, giới tinh hoa lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và “thế hệ Đỏ thứ 2” không sở hữu hay thừa kế bất kỳ doanh nghiệp hay tài sản nào từ thế hệ đi trước.

Nhưng bắt đầu từ thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, chế độ Cộng sản Trung Quốc và hệ thống kinh tế tư bản bắt tay nhau. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ cho phép sự phát triển của kinh tế tư bản mà tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tự mình trở thành những nhà tư bản giàu có và quyền lực nhất.

Điều đó không phải là một phát hiện mới khi nhìn nhận rằng các quốc gia Cộng sản sớm hay muộn cũng sẽ trở lại thành quốc gia tư bản. Năm 1988, một hội thảo thảo luận về cải cách Chủ nghĩa xã hội đã được tổ chức ở Viên – Áo. Một nhà kinh tế từ quốc gia Cộng sản Hungary đã có một tuyên bố gây sốc ở hội thảo. Ông phát biểu rằng cái gọi là Chủ nghĩa xã hội không có gì hơn là một quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa tư bản. Theo ông, Chủ nghĩa xã hội có đời sống ngắn ngủi và các quốc gia đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội sẽ sớm trở lại thành tư bản. Một năm sau đó, quan điểm của nhà kinh tế người Hungary này đã được khẳng định bởi sự tan rã của Liên bang Xô Viết và khối Cộng sản Đông Âu.

Phải chăng điều này có nghĩa là nền kinh tế có sự gắn kết mật thiết giữa doanh nhân và chính phủ là cách duy nhất để cải cách các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa? Mô hình Trung Quốc là không thể tránh khỏi? Sau nhiều năm nghiên cứu về sự chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội, tôi khám phá ra rằng có ít nhất ba con đường để trở lại tư bản từ xã hội chủ nghĩa, và Trung Quốc đã chọn con đường tồi tệ nhất.

Các con đường chuyển đổi từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản

Khi một quốc gia cộng sản nói lời tạm biệt với mô hình xã hội chủ nghĩa Stalin, nó dấn mình vào con đường của sự chuyển đổi thể chế. Cái gọi là sự chuyển đổi là muốn nói tới việc tự do hóa và tái cấu trúc hệ thống kinh tế, nó bao gồm thay thế sở hữu tập thể bằng tư nhân hóa và thay thế nền kinh tế kế hoạch hóa bằng kinh tế định hướng thị trường, đồng thời là sự chuyển đổi chính trị trong vấn đề dân chủ hóa. Từ năm 1989 đến nay, các chế độ Cộng sản trên thế giới, trừ Bắc Triều Tiên, đã hoàn thành quá trình chuyển đổi hay đang trong quá trình chuyển đổi. Nhìn lại các con đường chuyển đổi, chúng ta có thể nhận thấy sự chuyển đổi kinh tế là tương đối dễ dàng và sự chuyển đổi chính trị diễn ra khó khăn hơn. Vào thập niên 80, Trung Quốc là một trong những nước tiên phong về chuyển đổi kinh tế. Kinh tế và xã hội Trung Quốc giờ đây tụt hậu về phía sau do từ chối dân chủ.

Trong tất cả các quốc gia Cộng sản, một khi quá trính chuyển đổi bắt đầu diễn ra, tầng lớp cộng sản lãnh đạo cố gắng sử dụng quyền lực để ăn chặn người dân. Tuy nhiên, tình huống này không phải là không thể tránh khỏi. Cho đến nay, nhìn chung có ba mô hình của quá trình chuyển đổi về kinh tế và xã hội của các quốc gia trước đây từng là xã hội chủ nghĩa.

Mô hình của Trung Âu

Đầu tiên là mô hình Trung Âu bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Quá trình chuyển đổi chính trị ở ba quốc gia này được chi phối bới tầng lớp trí thức đối lập, sự tham gia vào kinh tế của tầng lớp cộng sản bị ngăn chặn. Lập trường chính yếu của tầng lớp tri thức đối lập là không chia sẻ quyền lực hay thỏa hiệp với bất kỳ ai từ tầng lớp cộng sản, thay vì thế họ xóa bỏ tàn tích của Văn hóa Đảng càng nhiều càng tốt.

Trong con mắt của người dân ở Trung Âu, Chế độ Cộng sản đơn thuần chỉ là những con rối của Liên bang Xô Viết mà nên được loại bỏ. Kết quả là, tầng lớp cộng sản ở Trung Âu không thể làm những gì họ muốn trong quá trình chuyển đổi, họ đối mặt với áp lực xã hội rất lớn. Họ không thể thao túng nghị viện hay làm giàu thông qua quá trình tư nhân hóa. Do đó, tầng lớp cộng sản hầu như không được hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc. Vị thế kinh tế chính trị của xấp xỉ 1/3 tầng lớp cộng sản đã rớt xuống, với khoảng một nửa phải về hưu sớm.

Một vài học giả Hoa Kỳ gọi mô hình chuyển đổi ở Trung Âu là “tạo ra chủ nghĩa tư bản mà không có các nhà tư bản”. Lập luận này là ý nhị, nó có nghĩa là “mà không có các nhà tư bản đỏ”. Những nhà tư bản cũ đã bị loại bỏ trong thời kỳ cộng sản. Nếu có rất nhiều người giàu mới nổi lên trong một thời gian ngắn sau quá trình tái cấu trúc, thì phần lớn họ là tầng lớp cộng sản. Nói tóm lại, mô hình Trung Âu là tái xây dựng chủ nghĩa tư bản mà không có tầng lớp cộng sản. Mô hình chuyển đổi này là bền vững. Nó tạm biệt chế độ cộng sản theo cách một đi không trở lại.

Mô hình của Nga

Con đường thứ hai là mô hình của Nga nơi mà tầng lớp cộng sản trước đây trở thành các nhà dân chủ. Họ có được lợi ích từ quá trình chuyển đổi và kiếm được rất nhiều tiền. Đồng thời, người dân cũng là một phần của quá trình tư nhân hóa và có thể có tài sản riêng.

Đây là con đường đặc trưng cho “Tầng lớp tinh hoa cũ khoác trên mình mô hình xã hội mới”. So sánh với mô hình Trung Âu, mô hình của Nga là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Tầng lớp tinh hoa mới bao gồm chủ yếu là các quan chức cũ. Đây cũng là một kiểu của chủ nghĩa tư bản có sự gắn kết mật thiết giữa doanh nhân và chính phủ. Không giống như mô hình của Trung Quốc, thành viên của tầng lớp tinh hoa mới chuyển đổi từ cơ chế cũ không còn là thành viên của Đảng cộng sản. Trong mô hình của Nga, hệ thống dân chủ có thể dễ dàng bị thao túng bởi tầng lớp tinh hoa cũ, mặc dù không hoàn toàn trở lại thành cộng sản. Do vậy mô hình mới mang theo dấu ấn nặng nề của hệ thống cũ.

Mô hình Trung Quốc

Con đường thứ 3 là mô hình của Trung Quốc. Đặc tính chủ yếu của nó là: Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa được tạo ra 30 năm đầu trong thời kỳ của Mao Trạch Đông, như là sỡ hữu toàn diện của nhà nước và kinh tế kế hoạch hóa. Nhưng nó dùng chủ nghĩa tư bản của Đảng cộng sản để tăng cường hệ thống độc tài được dựng lên bởi Mao.

Tầng lớp đỏ và người thân của họ là những người có khả năng làm giàu cao nhất, và họ bảo vệ đặc quyền của mình bằng quyền lực chính trị. Thân nhân của tầng lớp cấp cao đã thu lợi lớn trong khi quốc gia hứng chịu nạn tham nhũng nghiêm trọng trong quá trình tư nhân hóa.

Tham nhũng chính trị dẫn đến một điều không thể tránh khỏi là bất bình đẳng xã hội. Khi thịnh vượng và cơ hội nằm hoàn toàn trong sự điều khiển của tầng lớp trên của xã hội, phần lớn tầng lớp dưới chắc chắn sẽ trở nên căm giận với tầng lớp tinh hoa, quan chức và những người giàu có.

Bài 2: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước

Đây là bài tiểu luận thứ hai trong một loạt bài gồm 4 phần, trong đó tác giả xem xét hai thập kỷ của sự cải cách dối trá các doanh nghiệp nhà nước.

Chuyến “Nam du” của Đặng Tiểu Bình năm 1992 được hệ thống tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc đề cập tới như là một điểm khởi đầu mới cho cải cách. Trên thực tế, từ góc nhìn chuyển đổi thể chế, hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã chính thức kết thúc vào năm 1997, khi Trung Quốc bắt đầu triển khai tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

DNNN được coi như là một trong những trụ cột của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Khi hầu hết các DNNN được tư nhân hóa, hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ tan rã hoàn toàn bởi vì một hệ thống kinh tế đặc trưng bởi sở hữu tư nhân trên thực tế là đã theo chủ nghĩa tư bản.

Nhưng thật thú vị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại phủ nhận về chính sách tư nhân hóa của nó. Mặc dù điều đó thực sự đã diễn ra, ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận rằng nó đã hoàn thành quá trình tư nhân hóa từ hơn một thập kỷ trước. Các nhà chức trách đã che đậy sự tư nhân hóa bằng thuật ngữ “cải cách DNNN”, nhưng cố ý tránh né đề cập đến việc nó [DNNN] được cải cách theo kiểu hệ thống nào. Trên thực tế, chỉ có hai khả năng cho sự cải cách DNNN: hoặc là tư nhân hóa hoàn toàn, trở thành một doanh nghiệp tư nhân hoàn chỉnh, hoặc tư nhân hóa một phần, cho phép sở hữu tư nhân một phần với phần chủ yếu được sở hữu bởi nhà nước.

Khủng hoảng ngân hàng thập niên 90

Có một lý do cho việc Chính phủ chọn tư nhân hóa nhưng vẫn cố ý giữ mập mờ về nó.
Chu Dung Cơ, thủ tướng Trung Quốc vào thời đó, đã xem xét tới hai yếu tố khi thực hiện sự quyết định. Thứ nhất, các DNNN đã trở thành gánh nặng tài chính nặng nề cho chính phủ, đẩy hệ thống ngân hàng đến bờ vực của sự sụp đổ. Các cải cách kinh tế dười thời Đặng Tiểu Bình không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà các DNNN phải đối mặt, nó phụ thuộc vô điều kiện vào các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh suy thoái và rất nhiều DNNN ngừng chi trả các khoản nợ ngân hàng và thậm chí là các khoản lãi suất. Từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống ngân hàng tiềm tàng trở nên ngày càng rõ ràng.

Vào đầu thập niên 90, hơn 20% các khoản nợ của 4 ngân hàng quốc doanh là nợ xấu. Vào năm 1994, ngành ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên hứng chịu sự thâm hụt nghiêm trọng khắp cả nước. Đến năm 1996, 70% tổng số khoản nợ ngân hàng đã trở thành nợ xấu hay nợ quá hạn.

Trong nửa sau của năm 1997, để cứu hệ thống ngân hàng khỏi bị sụp đổ, chính phủ đã phải triển khai một kế hoạch tái cấu trúc các DNNN – đó là tư nhân hóa – để đưa chính nó thoát khỏi phần lớn trong hơn 10.000 DNNN và “gánh nặng” của chúng lên nhà nước.

Các đòi hỏi của Tổ chức Thương mại Thế giới

Thêm vào đó, Trung Quốc háo hức muốn tham gia WTO để mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên WTO có điều kiện tiên quyết là Trung Quốc phải xây dựng một nền kinh tế thị trường trong vòng 15 năm, bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và triển khai tư nhân hóa các DNNN. Nếu Trung Quốc không thể chứng minh việc thực hiện tư nhân hóa DNNN, nó sẽ không được cho phép gia nhập WTO.

Vì Chính phủ và giới truyền thông đã che đậy sự thật về quá trình tư nhân hóa DNNN, những người mà chưa từng làm việc tại các DNNN đã không hiểu được ý nghĩa của “cải cách DNNN”. Trên thực tế, cái được gọi là “cải cách” là cho phép tư nhân hóa [hoàn toàn] các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho phép các DNNN lớn được niêm yết trên thị trường (chứng khoán) để tư nhân hóa một phần.

Chính quyền để các giám đốc và quản lý của các DNNN triển khai việc “tái cấu trúc” và sa thải. Bất kỳ sự bất mãn xã hội và giận dữ nào nổi lên từ quá trình cải cách do đó sẽ được chuyển vào những người này thay vì nhắm vào Chính phủ. Tất nhiên, các vị giám đốc và quản lý này không nhận chỉ trích một cách không công; họ được đền bù hậu hĩnh.

Câu hỏi chính trong mưu đồ tư nhân hóa này là: Ai sẽ mua các DNNN này? Cũng giống như trường hợp ở Nga, các giám đốc và quản lý của DNNN Trung Quốc không có hàng triệu hay hàng trăm triệu tiền tiết kiệm để mua được các doanh nghiệp, và nguồn vốn nước ngoài đóng một vai trò rất nhỏ trong quá trình tư nhân hóa DNNN. Trong trường hợp này, các nhà quản lý DNNN Trung Quốc trở thành các ông chủ mới, cơ bản là thông qua các phương thức bất hợp pháp.

Che đậy

Đây là lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc không cho phép các nhà nghiên cứu quốc nội được nghiên cứu quá trình tư nhân hóa DNNN, và truyền thông Trung Quốc đơn giản là không đưa tin về sự thật.

Trớ trêu thay, mặc dù là một chủ đề cấm đối với truyền thông Trung Quốc và các nhà nghiên cứu [quốc nội], nó được mở cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Các nhà nghiên cứu ngoại quốc, thông qua các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, có thể tự do nhập cảnh vào Trung Quốc và tiến hành các khảo sát lấy mẫu trên toàn quốc về tình trạng sở hữu của các DNNN sau tư nhân hóa. Trong thập kỷ vừa qua, những nhà nghiên cứu này đã xuất bản một số cuốn sách bằng tiếng Anh về kết quả tư nhân hóa ở Trung Quốc. Tuy nhiên không một cuốn sách nào trong số đó được dịch hay xuất bản ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà nghiên cứu ngoại quốc nghiên cứu quyền sở hữu DNNN nhằm để cung cấp thông tin về quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác và để trải đường cho Trung Quốc gia nhập vào WTO.

Trong khi tư nhân hóa các DNNN Trung Quốc đã được công bố với thế giới, thái độ của chính phủ Trung Quốc bên trong Trung Quốc chỉ có thể được gọi là tự lừa dối.

Bài 3: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua trộm cắp tràn lan


Quá trình tư nhân hóa của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (DNNN) là một quá trình xây dựng hệ thống kinh tế tư bản. Những phương thức khác nhau của quá trình tư nhân hóa dẫn tới các hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Vào cuối năm 1997, thủ tướng Chu Dung Cơ đã khởi động cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chính sách này được gọi là “nắm to bỏ nhỏ”.

“Nắm to” có nghĩa là duy trì sự kiểm soát các DNNN sở hữu tài sản quy mô lớn và những doanh nghiệp liên quan đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, viễn thông, vận tải… Sau khi tái cấu trúc, các doanh nghiệp này được cho phép niêm yết trên thị trường chứng khoán, và nó có thể bán một phần cổ phần của mình cho dân chúng Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần – có nghĩa là chính phủ tiếp tục “nắm” các công ty này.

“Bỏ nhỏ” có nghĩa là cho phép tư nhân hóa các DNNN nhỏ và những doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, làm như thế giải thoát chính phủ khỏi gánh nặng. Xem xét quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ là xem xét ai sẽ mua chúng và bằng cách nào. Vào thời đó, lương trung bình hàng tháng của giám đốc và quản lý DNNN chỉ vài trăm nhân dân tệ. Thậm chí giới tinh hoa đỏ và người thân của họ cũng không có tài sản có giá trị tài chính đáng kể.

Cách tiếp cận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghĩ tới là chỉ thị quản lý các DNNN vay ngân hàng, và sử dụng DNNN như là tài sản thế chấp để “mua” tài sản nhà nước. Tiếp theo cho phép các quản lý tái đăng ký DNNN bằng tên của họ hay bằng tên của thành viên gia đình. Sau đó, với tư cách là chủ doanh nghiệp, họ sẽ sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để hoàn trả các khoản nợ cá nhân.

Một cách tiếp cận khác là quản lý DNNN buộc người lao động mua một phần của doanh nghiệp. Người lao động phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình để mua một phần công ty nhằm giữ việc làm. Nhưng người lao động không được cho phép tham gia vào quá trình chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp. Họ bị buộc phải cung cấp nguồn vốn để quản lý có thể nhận được quyền sở hữu công ty.

Cùng lúc đó, nhà cầm quyền cho phép gia đình của những người có chức vụ dành được cổ phần trong các doanh nghiệp lớn được niêm yết thông qua mạng lưới quan hệ cá nhân của họ. Họ nhận được những cổ phần miễn phí và thu lợi khổng lồ khi giá cổ phiếu gia tăng.

Hai giai đoạn của quá trình tư nhân hóa

Quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc bắt đầu vào nửa sau của năm 1997 và cơ bản hoàn thành vào năm 2009. Vào năm 1996, Trung Quốc có 110.000 DNNN và đến cuối năm 2008 còn lại 9.700 doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân hóa một phần trong đó chính phủ sở hữu đa số cổ phần. Quá trình tư nhân hóa được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1997 đến 2001, là quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp này được tư nhân hóa bởi các giám đốc và quản lý của DNNN.

Tôi đã phân tích 130 vụ việc tư nhân hóa trong 29 tỉnh và tóm tắt vài chiêu thức điển hình và sự ám muội của quá trình này qua công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ xã hội học của tôi. Cách tiếp cận của họ thường là định giá thấp hơn thực tế tài sản ròng của doanh nghiệp. Các nhà quản lý sau đó mua doanh nghiệp bằng cách sử dụng nguồn vốn của chính doanh nghiệp hay khoản vay từ ngân hàng hoặc khoản vay cá nhân, và đăng ký doanh nghiệp dưới tên của mình hay người thân. Cuối cùng với danh tính chủ sở hữu của doanh nghiệp mới, họ sẽ hoàn trả nguồn vốn vay với thu nhập từ doanh nghiệp. Về cơ bản họ phải bỏ ra rất ít hoặc không mất gì cho những doanh nghiệp này.

Giai đoạn thứ 2, từ năm 2002 tới năm 2009, là quá trình tư nhân hóa các DNNN lớn và vừa. Cách tiếp cận là niêm yết DNNN sau khi tái cấu trúc, chuyển giao quyền sở hữu quản lý, buộc người lao động mua cổ phần, liên doanh nước ngoài, liên doanh với doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì các doanh nghiệp này sở hữu tài sản quy mô lớn, quản lý không thể đủ tài chính để sở hữu toàn bộ chúng. Họ thường xuyên sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp để mua cổ phần và chia chác cổ phần cho cán bộ quản lý, cũng như là các quan chức và người thân đã thông qua việc niêm yết, hình thành một nhóm có chung lợi ích. Các cán bộ DNNN và quan chức chính phủ trở thành ông chủ, tổng quản lý hay thành viên hội đồng quản trị của các DNNN lớn và vừa được niêm yết mà không mất chút chi phí nào của bản thân họ, và họ trở nên giàu có.

Theo dữ liệu từ hai cuộc điều tra mẫu cấp quốc gia, khoảng 50-60% các doanh nghiệp tư nhân hóa hay bán tư nhân hóa được sở hữu bởi đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Xấp xỉ 25% người mua là các nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp; ít hơn 2% cổ phần được sở hữu bởi đầu tư nước ngoài; và ít hơn 10% doanh nghiệp đồng sở hữu bởi quản lý và người lao động. Quản lý không cho phép cổ đông là người lao động tham gia vào quản lý tài sản và chuyển nhượng.

Kiểu tư nhân hóa này tương đương với việc người lao động trả tiền cho quản lý sở hữu các doanh nghiệp. Cải cách DNNN này có thể được gọi là ăn cướp công khai và chia chác tài sản giữa đội ngũ quản lý công ty, quan chức địa phương và con cháu của quan chức. Trong mọi trường hợp, chính quyền không thể biện minh một cách hợp lý cho kiểu hành vi cướp bóc này. Tiết lộ thông tin công khai sẽ gây ra phẫn nộ trong công chúng. Do đó, chính phủ không cho phép truyền thông quốc nội thảo luận về tư nhân hóa và các học giả Trung Quốc không được cho phép nghiên cứu quá trình tư nhân hóa.

Phúc lợi công cộng của người lao động giảm xuống

Từ năm 1998 tới năm 2003, khi tầng lớp tinh hoa đỏ chiếm dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên diện rộng thông qua quá trình tư nhân hóa, chính quyền đã cố ý đóng cửa Cục Quản lý Công sản trong 6 năm suốt giai đoạn đỉnh điểm quan trọng của quá trình tư nhân hóa, nhằm thuận tiện cho tầng lớp tinh hoa đỏ. Mặc dù vào năm 2003 Cục này đã được khôi phục, nó hiếm khi điều tra việc chiếm dụng tài sản công.

Giữa những năm 1997 và 2005, xung đột lao động quy mô lớn diễn ra khắp Trung Quốc châm ngòi bởi sự chiếm dụng tài sản công liên quan đến quá trình tư nhân hóa. Chính phủ về cơ bản đứng về phía quản lý bởi vì các quan chức cũng hưởng lợi từ tư nhân hóa. Quá trình tư nhân hóa tại Trung Quốc đã làm sụp đổ hệ thống phúc lợi ban đầu dựa trên DNNN. Rất nhiều công ty trả cho người lao động một ít tiền và đuổi họ đi. Vào thời kỳ đó, ĐCSTQ sử dụng tuyên truyền rằng cho người lao động nghỉ việc là một sự hy sinh cần thiết của đổi mới. Chính phủ không muốn xây dựng một hệ thống trợ cấp thất nghiệp thống nhất cho những người lao động này và quẳng vấn đề cho đội ngũ quản lý. Nếu người đứng đầu công ty không muốn chi trả, chính phủ sẽ không can thiệp. Do đó ĐCS Trung Quốc vô liêm sỉ trốn tránh trách nhiệm cung cấp trợ cấp xã hội cho người lao động.

Ngược lại, trong quá trình tư nhân hóa của Nga, hệ thống phúc lợi xã hội vẫn được duy trì, và một vài người lao động thất nghiệp có thể nhận được trợ cấp xã hội dù ít ỏi. Chính phủ Nga chưa từng áp dụng chính sách sa thải cưỡng bức và sử dụng các ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty giữ chân người lao động. Người lao động sở hữu khoảng 40% các doanh nghiệp được tư nhân hóa.

So sánh với quá trình tư nhân hóa của các nước Trung Âu và Nga, những gì diễn ra ở Trung Quốc là bất công và tàn nhẫn nhất. Rõ ràng tái cấu trúc nền kinh tế dưới một chế độ độc tài có thể bất chấp công bằng xã hội mà không sợ hãi áp lực từ cử tri. Đối với tầng lớp tinh hoa, mô hình này tất nhiên mang lại sự thèm muốn, nhưng cảm xúc của công chúng thì có thể là ngược lại.

Một vài học giả phương Tây có quan niệm rằng chế độ độc tài cộng sản đã làm tốt trong việc tái cấu trúc và phát triển kinh tế, bởi vì họ đã có thể vượt qua kháng cự từ người dân, và Trung Quốc thường được viện dẫn như là hình mẫu tốt nhất của họ. Tuy nhiên, quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc chứng tỏ rằng một chính phủ độc tài có xu hướng phớt lờ công bằng xã hội, tước đi quyền và lợi ích của người dân, và dàn xếp dựa trên lợi ích của tầng lớp tinh hoa thống trị.

Bài 4: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tại sao ĐCSTQ không danh chính ngôn thuận từ bỏ chủ nghĩa Marxist

Kể từ khi ông Mác (Marx) sáng tạo ra lý thuyết cộng sản của mình, Trung Quốc đã trở thành hệ thống kinh tế tư bản đầu tiên dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu sự thống trị của mình bằng cách loại bỏ chủ nghĩa tư bản – chuyển hình thức sở hữu tư nhân sang hình thức sở hữu nhà nước – nhưng đã không thể tạo ra một hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thành công. Cuối cùng, họ đã phải chuyển về hệ thống tư bản, nhằm kéo dài sự cai trị của mình.

Trong khi cải cách sang sở hữu tư nhân, các quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp, và gia đình của mình, đã trở thành các doanh nhân, chủ bất động sản và chủ sở hữu các tài sản tài chính rất lớn. Quá trình tích lũy của cải của họ đầy đen tối và tội ác. Do đó họ cần chế độ cộng sản để bảo vệ tài sản và cuộc sống của mình, và họ cũng cần sự độc quyền của chính phủ để tiếp tục tích lũy của cải nhiều hơn nữa. Vì vậy những người này ủng hộ mạnh mẽ cho hệ thống hiện tại của Trung Quốc, chứ không trợ giúp cho dân chủ hóa [ở Trung Quốc].

Chiếm đoạt sai trái, bất hợp pháp

Làm thế nào mà tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ đã từ chỗ không có gì để sở hữu lại trở thành siêu giàu có trong một thời gian ngắn từ 20 đến 30 năm? Điều này là bí mật của ‘các nhà tư bản cộng sản’, và là chỉ dẫn cho việc hiểu được hệ thống ‘tư bản cộng sản’ và khuynh hướng chính trị trong tương lai của các nhóm lợi ích của ĐCSTQ. Về cơ bản, họ đã đạt được nó thông qua việc tham ô, biển thủ, chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước, duy trì sự độc quyền của các ngành quan trọng, và bằng cách thao túng các chính sách để đạt được lợi ích và duy trì chế độ độc tài của mình.

Chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước là nói đến việc tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ đã trực tiếp tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhỏ và vừa, và có được cổ phần miễn phí tại các SOE lớn, trong quá trình tư nhân hóa.

Duy trì những ngành độc quyền là nói đến các SOE lớn trong những lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, giao thông, viễn thông và các ngành khác, trong đó tầng lớp đỏ hoặc con cháu thế hệ thứ hai của họ, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Một vài các doanh nghiệp này nằm trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Họ cung cấp một lượng lớn các khoản thu thuế để hỗ trợ cho chế độ [Trung Quốc] và giúp cho tầng lớp đỏ nhanh chóng trở nên giàu có, thông qua việc mua lại cổ phần, lại quả, và tiền thưởng.

Bằng cách gây ảnh hưởng và thao túng việc hoạch định – chính sách, tầng lớp đỏ và thân nhân của mình là những người đầu tiên tham gia vào nhiều dự án và các ngành kinh tế, từ đó đã dễ dàng kiếm được những lợi ích to lớn.

Duy trì chế độ độc tài là nói đến thái độ cực kỳ thù địch của tầng lớp đỏ đối với dân chủ hóa, và hy vọng của họ nhằm duy trì lâu dài quyền lực của chế độ đỏ, sao cho họ mãi mãi có đặc quyền và một lượng lớn của cải bất hợp pháp được bảo vệ bởi chế độ ĐCSTQ.

Các nhà tư bản đỏ

Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp và sự giàu có của Trung Quốc nằm trong tay các nhà tư bản đỏ, hệ thống tin cậy duy nhất để bảo vệ cho họ không phải là nền kinh tế thị trường, cũng không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật [hay pháp quyền], mà là “nền chuyên chính [hay sự độc tài] của giai cấp vô sản”, có nghĩa là họ luôn có quyền lực tuyệt đối trên tất cả các tầng lớp khác của xã hội.

Họ biết rõ ràng, rằng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa truyền thống là không khả thi; họ có thể có được của cải một cách dễ dàng hơn nhiều so với của cải mà các doanh nhân ở các nước dân chủ kiếm được; họ cũng có một vị thế chính trị tuyệt vời mà không có cạnh tranh, và họ có thể ngăn chặn việc dân chủ hóa chính trị vốn có thể dẫn đến sự phá sản kinh tế và chính trị. Đây là bản chất của “mô hình Trung Quốc.”

Rõ ràng, dưới chế độ của ĐCSTQ, chủ nghĩa tư bản đỏ này sẽ không tự nhiên chuyển thành hệ thống dân chủ tư bản. Trong một thời gian dài, các học giả phương Tây đã tin tưởng rằng, sau tự do hóa kinh tế, tầng lớp lãnh đạo đỏ sẽ tự nhiên đi theo dân chủ và tự do. Sự chuyển đổi của Trung Quốc đã chứng minh rằng suy nghĩ này không những [rất] ngây thơ, mà còn sai lầm [nghiêm trọng].

Tuy nhiên, tầng lớp lãnh đạo đỏ cũng biết rất rõ về thực tế rằng, mô hình Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa liên tục từ [tầng lớp] thấp nhất của xã hội. Do đó, họ đã đang chuyển những tài sản cá nhân đến các nước phương Tây trong khi thu xếp cho các thành viên trong gia đình mình nhập cư vào các nước phương Tây, khi có nhu cầu. Điều này chỉ ra rằng tương lai của “mô hình Trung Quốc” thực sự rất mong manh.

Xét lại Marx

Vào đầu năm 1989, Viện Friedrich Ebert, một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đức, đã bố trí cho một số học giả đến thăm Ngôi nhà Karl Marx ở [thành phố] Trier. Có ai đó đã viết bằng tiếng Trung Quốc [dòng chữ]: “Ông Mác, ông đã thực sự làm hại chúng tôi rồi”.

Bây giờ, có vẻ như tuyên bố này chỉ đúng có một nửa bởi vì chủ nghĩa Mác cũng đã bị tổn hại bởi mô hình Trung Quốc. Nếu như Mác có thể nhận xét về chủ nghĩa tư bản cộng sản hiện nay, ông có thể vừa bị làm cho phát cáu vừa hài lòng cùng một lúc. Bị phát cáu bởi vì những người cộng sản đã kết hôn với kẻ thù của mình để tồn tại; và hài lòng rằng một vài người cộng sản vẫn còn đó, bất kể là họ đã sử dụng những loại học thuyết chống lại chủ nghĩa Mác. Vì vậy, Mác có thể cảm thấy rằng ông đã không hoàn toàn trở nên không thích hợp.

Nhưng Mác sẽ vẫn bị làm cho bối rối bởi một mâu thuẫn rất lớn. Theo khuôn khổ lý thuyết của ông “nền tảng kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng” và “lực lượng sản xuất tiên tiến chắc chắn thay đổi một kiến trúc thượng tầng lạc hậu”. Tuy nhiên, mô hình Trung Quốc đã buộc Mác phải phá đổ hoàn toàn khái niệm cốt lõi của mình, và do đó phá đổ toàn bộ hệ tư tưởng Mác-xít, bởi vì dưới hệ thống tư bản cộng sản hiện nay, kiến trúc thượng tầng của “chuyên chính vô sản”, trên thực tế, dựa vào nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Vì vậy, vẫn còn câu hỏi lớn về số phận của kiến trúc thượng tầng còn sót lại của nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ sẽ là cái gì. Phải chăng nó sẽ hoàn toàn bị lịch sử quên lãng? hay nó thực sự chứa đựng một bản chất “tiên tiến”, chắc chắn sẽ sản sinh ra một cuộc cách mạng cộng sản mới để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản cộng sản?

Cũng có khả năng, để học hỏi từ mô hình Trung Quốc, Mác có thể cần phải cập nhật lý thuyết của mình từ “nền tảng kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc” sang “thượng tầng kiến trúc quyết định nền tảng kinh tế.” Điều này sẽ không chỉ là một bài học khó khăn mà Mác phải đương đầu, mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng về ý thức hệ không thể tránh khỏi đối với ĐCSTQ.

ĐCSTQ vẫn tôn kính Mác vì ông đã cung cấp tính hợp pháp về tư tưởng cho giai cấp tư sản đỏ đặc quyền, cũng như cho sự tiếp tục và kéo dài thêm mô hình “chuyên chính vô sản”. Nghịch lý là ở chỗ, mô hình Trung Quốc bản thân nó lại chống lại chủ nghĩa Mác.

Bí quyết cho sự sống sót của ĐCSTQ là phải giữ cho được ngọn cờ của chủ nghĩa Mác trong khi xây dựng và củng cố hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, một hệ thống trái với chủ nghĩa Mác. Do đó, mô hình Trung Quốc là trái ngược với cả chủ nghĩa Mác và nền dân chủ.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại New Jersey. Ông tốt nghiệp Đại học Nhân Dân – nơi ông lấy được bằng thạc sĩ kinh tế học, và Đại học Princeton – nơi ông lấy bằng tiến sĩ ngành xã hội học. Ở Trung Quốc, ông Trình là một nhà nghiên cứu chính sách và là trợ lý của cựu Lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, khi ông Triệu là thủ tướng. Ông Trình từng là học giả thỉnh giảng tại Đại học Gottingen và Princeton, và ông từng là tổng biên tập của tạp chí nghiên cứu Trung Quốc hiện đại. Các bài bình luận và chuyên mục của ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông tiếng Hoa hải ngoại.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỆN ƯỚC CUỐI


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Có mấy tháng không gặp, thế mà hắn đã biến dạng một cách ghê gớm. Tuy còn tỉnh táo và minh mẫn, nhưng hình hài hắn như bộ xương khô đang cựa quậy trên giường. Thấy tôi, hắn tắt Tivi, hơi xoay người bấm nút, đẩy đầu giường lên cao, và chống tay định đứng dậy. Tôi bảo, hãy ngồi yên như vậy. Hắn cười, với cái cười rúm ró thay cho lời chào. Tôi nắm chặt bàn tay gầy, tái nhợt của hắn, hỏi: Có khá hơn không? Hắn lắc lắc cái đầu, vẫn không bỏ được tính diễu cợt: Bệnh này làm sao mà khá được hả bác, cầm cự như thế này là tốt lắm rồi. Ở Việt Nam, em ngoẻo củ tỏi từ lâu rồi.
Bệnh viện ít bệnh nhân, nên chỉ có mình hắn trong phòng đôi. Do vậy, tôi ngồi chuyện trò với hắn khá lâu và thoải mái. Ước muốn cuối cùng của hắn là được gặp thằng con trai, chưa từng biết mặt, và trong hoàn cảnh hiện nay, có lẽ tôi giúp được hắn. Tôi bảo, sẽ cố gắng và thử xem, bởi công việc bới gợi lại quá khứ buồn cho cả hai gia đình, nhạy cảm, tế nhị lắm. Nhưng hắn có vẻ tự tin: Bác viết văn, viết báo, quen biết Hòa Thượng Thích Như Điển và các bác trên Chùa Viên Giác, nơi vợ chồng Đào đã được Hòa Thượng quy y. Bác nhờ các cụ ở trên đó, nói cho mấy tiếng, chắc gia đình Đào đồng ý thôi…
Đến giờ bác sỹ thăm bệnh buổi chiều, tôi đành đứng dậy, tạm biệt hắn. Hắn buông tay tôi, bất chợt, nơi hốc mắt khô khốc lăn ra những giọt nước đục mờ, chảy dốc xuống. Không dám nhìn thẳng vào những giọt nước mắt ấy, tôi vội quay mặt, và an ủi hắn cứ yên tâm tĩnh dưỡng, sẽ tìm cách khác, cùng bất đắc dĩ mới phải nhờ đến Hòa Thượng.
Hắn là họ hàng xa bên mẹ tôi. Tuy lớn tuổi hơn, nhưng hắn vẫn gọi tôi bằng anh, bởi mẹ tôi ở ngành trên của bố hắn, cùng dòng họ Đặng làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Ngày còn sống, mẹ tôi hay phàn nàn, Hành Thiện tuy thanh bần, nhưng đất học. Không hiểu sao nảy nòi ra bố hắn không chịu học hành, từ nhỏ đã bỏ nhà lang thang bụi đời, nghe nói là đệ tử của ông Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng công an), sau đó còn tham gia vào lực lượng an ninh nha cảnh sát. Có lẽ, bị ám ảnh bởi những vụ bắt bớ, bắn giết, nhất là sau vụ Ôn Như Hầu (1946), bố hắn chán nản, bỏ về quê, theo nghề đóng cối xay.
Hắn được phôi thai không biết bởi vì tình, hay vì rượu giữa ông phó cối với người đàn bà góa, trong một lần được thuê đóng cối, ở vùng biển Nghĩa Hưng. Khi hắn cất tiếng khóc chào đời, là lúc mẹ hắn qua đời bởi băng huyết, dưới bàn tay đỡ của bà lang vườn. Do vậy, ông bố trút buồn vào hắn bằng cái tên Đặng Huy Đắng. Sau đó, bố hắn buộc phải đưa hắn trở về quê nhờ gia đình, họ hàng nuôi dưỡng. Khi đã biết chạy nhảy, hắn được bố cho theo đóng cối khắp vùng. Chính vì thế, việc học hành của hắn thường bị gián đoạn. Nhưng chẳng hiểu thế quái nào, hắn học rất giỏi, có năm còn nhảy cóc, dù bị chuyển trường, chuyển lớp liên tục. Có lẽ, vượng khí đất học Hành Thiện vẫn còn vận vào hắn chăng?
Năm 1971, đang học năm cuối, hắn và đa số bạn cùng lớp được đặc cách tốt nghiệp cấp 3, nhập ngũ, chi viện quân số cho chiến trường miền Nam. Trước khi hành quân vào Nam, thấy cái tên Đắng (cay), bôi bác mất lập trường quá, nên ban chính trị, quân lực mới quyết định, bỏ dấu sắc đi, từ đó hắn có tên mới Đặng Huy Đăng.
Mới chỉ sớm sang thu, vậy mà lá đã trải vàng lối đi. Con đường chạy tắt qua cánh rừng nhỏ vồng lên, tụt xuống vòng vèo, tưởng chừng xe đang lạc vào vùng lòng chảo. Gió từng cơn như ngọn roi quất xuống. Lá bay lên, lượn xuống đập rào rào vào thành, vào kính xe. Xe quẹo theo đường chỉ dẫn, bất chợt trước mặt một thị trấn cổ kính, sầm uất, uốn lượn theo những sườn đồi. Tuy sầm uất và cách không xa thành phố Freiburg, nhưng thị trấn dường như được tách biệt, có một khoảng không riêng của mình vậy. Sự tĩnh lặng, trầm mặc đó, có lẽ là đặc trưng riêng của thị trấn vùng biên Đức, Thụy sĩ.
Nhà chị Đào nằm trên con phố cổ, dành cho người đi bộ của trung tâm thị trấn. Có lẽ, do Dũng Gù gọi điện báo trước, nên tới nơi, thấy chị đẩy xe lăn cho chồng lòng vòng trước cửa, chờ chúng tôi. Tôi quen thân Dũng Gù ở trại tị nạn Tây Berlin và Ingelheim, khi anh làm công tác thiện nguyện vào những ngày bức tường Berlin sụp đổ (1989). Anh nguyên lính không quân của Việt Nam Cộng Hòa và có vợ người Vĩnh Phú, là công nhân lao động thời Đông Đức. Do vậy, trong anh dường như không có khoảng cách Bắc Nam hay thuyền nhân, tường nhân, hoặc công nhân lao động. Tuy nhiên, tư tưởng chính kiến của anh rất rõ ràng, nên tiếp xúc với anh có cảm giác rất tình người và dễ chịu. Trong một lần điện thoại thăm hỏi nhau, tôi vô tình kể chuyện về Đặng Huy Đăng cho anh. Anh bảo, anh quen vợ chồng anh chị Đào, Khiêm và biết thằng cu Hải từ khi còn bé tí. Tuy không thật thân, không đi cùng một con tầu vượt biển, nhưng trước đây anh cùng đơn vị, cùng vào tù cải tạo với anh Khiêm. Nhưng được hơn năm, anh Khiêm trốn trại. Hiện nay, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở những sinh hoạt cộng đồng. Tôi hỏi, anh có thể giúp cho hắn được không? Anh vui vẻ nhận lời với điều kiện, tôi phải qua Mainz đón anh cùng đi.
Khi Dũng Gù giới thiệu tôi, anh chị Đào, Khiêm cười đùa: Biết Đỗ Trường trên báo Viên Giác đã mấy chục năm rồi, cứ tưởng là ông già khú đế, không ngờ trông vẫn còn ngon cơm ra phết.
Đã quá trưa, câu chuyện chiến tranh, người lính, tù đày rồi đến vượt biên, và bạn bè ai còn, ai mất giữa Dũng Gù và anh Khiêm vẫn chưa đến hồi kết. Chị Đào điện cho quán dưới nhà mang đồ ăn lên. Tôi cản chị, bọn em đã ăn trên Autobahn rồi. Chị cười, khách đường xa đến là phải cơm nước, không thì chủ nhà làm sao mà yên tâm. Đây là quán nhà mình, khi anh Khiêm chưa bị tai biến mạch máu não, anh chị vẫn tự làm, nhưng năm, sáu năm nay, cho thuê toàn bộ và cả căn hộ áp mái trên.
Anh Khiêm tuy nói năng còn một chút khó khăn, nhưng tỉnh táo và minh mẫn, anh bảo, đang luyện tập để có thể tự đi lại được. Anh xin lỗi, không được phép dùng rượu. Tôi phải lái xe cũng không được phép, nên trong bữa cơm chỉ có Dũng Gù uống. Uống một mình, tuy hơi buồn, và Dũng Gù có lẩm bẩm, phàn nàn đôi chút. Nhưng quả thật, nếu không có rượu, không thể gây cho anh cảm hứng “hót“ làm cho anh Khiêm, một con người yêu và ghét rất cực đoan, phải vui vẻ đồng ý để Đặng Huy Đăng và thằng Hải nhận cha con.
Cơm rượu xong, Dũng Gù lên cơn nghiền thuốc. Anh và anh Khiêm kéo nhau ra Balkon ngoài phòng khách ngồi. Phòng ăn còn lại chị và tôi. Biết tôi là người bà con và là bạn lâu năm của hắn, cũng như mục đích đến với gia đình chị hôm nay, chị nói luôn:
-Hôm trước anh Dũng Gù điện thoại, nói chuyện với chị khá lâu. Với chị và cháu Hải không có vấn đề, nhất là trước hoàn cảnh bệnh tật, không biết sống chết lúc nào của Đăng. Nhưng với anh Khiêm chồng chị, nếu suy nghĩ căng thẳng, hoặc bị sốc, dẫn đến tai biến lần hai là đi luôn. Nên chị phải thật từ từ và tế nhị. Hoàn cảnh mất mát, đau thương trước đây của anh Khiêm, và tình cảm, hy vọng anh ấy đã dành cho cho cháu Hải thế nào, chắc anh Dũng Gù đã kể với em?
-Vâng! Em đã biết. Nên hôm nay, em đưa anh Dũng Gù đến nói chuyện với anh Khiêm. Có lẽ, cùng là người lính, đã qua tù tội và mất mát, các anh ấy dễ sẻ chia với nhau hơn.
- Chị cũng nghĩ vậy, và linh cảm anh Khiêm đã biết chuyện này khá lâu rồi. Nhưng anh không hỏi và chị cũng chưa biết bắt đầu câu chuyện như thế nào với anh ấy…
- Có thể cả hai đều tế nhị, chờ những câu nói trước của nhau mà thôi, phải không chị?
Nghe tôi hỏi câu này, dường như nét mặt chị hơi bị sững lại. Tuy không trả lời, nhưng tôi hiểu được sự day dứt, giằng xé trong lòng chị. Chị và anh Khiêm đều cần một cái chìa, hay sự xúc tác ban đầu để mở cái ổ khóa của lòng mình.
Và có thể Dũng Gù chính là người dẫn nguồn xúc tác đó…
Tôi muốn biết, chị và Đặng Huy Đăng gặp nhau trong hoàn cảnh nào. Chị cười buồn: Trong chiến tranh và cay đắng, nhưng em đừng viết thành truyện đấy nhé. Vâng! Nỗi đau và sự trớ trêu đó đâu có phải của riêng chị, của Đăng, của Khiêm mà của cả dân tộc này. Và khi nào chị cho phép, chắc chắn em sẽ viết…
Chị sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả ở một quận ven Đà Nẵng. Ba chị làm nghề xây dựng, nên thường cuối tuần mới về. Nhà vắng vẻ, do vậy mấy căn phòng ở dãy nhà ngang, ba mẹ chị cho vợ chồng ông thày dạy trung học thuê. Lúc này, chị đã bỏ học ở nhà phụ mẹ bán hàng. Thấy vợ chồng ông giáo hiền lành, cởi mở, nên chị thường xuyên qua lại. Rảnh rỗi, vợ chồng ông giáo hay chuyện trò, giảng giải về xã hội, con người và chiến tranh cho chị. Lúc đầu, chị không hiểu và không quan tâm nhiều. Nhưng dần dà chị thấy hấp dẫn, hứng thú bởi sự công bằng bắc ái, với tương lai xán lạn của Chủ Nghĩa Cộng Sản, dưới sự dẫn dắt ngọt ngào của ông thày. Từ đó, quan hệ giữa chị và vợ chồng ông giáo trở nên thân mật, gần gũi như người trong nhà. Kỳ này, khách qua lại nhà vợ chồng ông hơi nhiều. Chị giúp họ mua bán, liên lạc thư từ một cách hồn nhiên. Sau nhiều lần thử thách như vậy, vợ chồng ông giáo thổ lộ với chị, họ là người của phía bên kia, và muốn giới thiệu chị với tổ chức. Và chị đồng ý, từ đó chị nằm trong tổ của vợ chồng ông, thuộc một tổ chức nội thành. Sau tết Mậu Thân 1968, vợ chồng ông giáo nguy cơ bị lộ, bởi cơ sở đã bị đánh phá, nhiều người nằm vùng đã bị bắt. Trong hoàn cảnh đó, chị buộc phải trốn gia đình, theo vợ chồng ông giáo ra Đặc Khu Quảng Đà, ở cái tuổi mười bảy.
Không phải đến khi chuyển về Ban tài mậu chị mới biết Đặng Huy Đăng, mà khi còn bên giao vận chị đã đôi, ba lần gặp hắn. Đăng là lính của một đơn vị hậu cần thuộc Quân khu 5, nên hắn cũng phải đi lại và có nhiều mối quan hệ với các đơn vị quanh vùng. Mấy lần đầu gặp, dường như hắn chẳng để lại một chút ấn tượng, ngoài cái nhỏ tuổi, vào chiến trường sau chị đến những ba năm, nhưng không bao giờ chịu làm em. Sau này, tiếp xúc va chạm nhiều, đột nhiên chị đâm ra yêu quí cái tính khôi hài, vô tư của hắn.
Cuối năm 1973, trong một lần vào thành, công việc xong, chị trở về thăm nhà. Cổng vẫn ổ khóa cũ, nhà chính tối om, cửa khóa, nghe có tiếng ở nhà ngang, chị nhẹ bước, qua khe cửa thấy người bác họ trông nhà ngồi đó. Lách cửa vào, người bác nhận ra chị, và cho biết: Cha mẹ đã chuyển vào Sài Gòn từ mấy tháng trước, để lại địa chỉ và khuyên chị nên về nhà. Chị đã nhận được nhiều lần về những lời khuyên, lời nhắn gửi từ cha mẹ, nhưng có lẽ lần này buồn và hụt hẫng nhất, làm cho chị phải suy nghĩ nhiều. Bước chân quay trở lại đơn vị, chị cảm thấy nặng chịch…
Về đến bìa rừng, thấy Đăng ngồi lù lù dưới gốc cây săng lẻ, chưa kịp hỏi, hắn đã bảo chờ chị. Vẻ mặt hắn có vẻ khác thường, và chị cũng đang cảm thấy hẫng và trống trải. Chị theo hắn vào hang dưới chân núi, trước đây là nơi đóng quân của một đơn vị hậu cần.
Chiều đông, nền trời xám ngắt, màn sương mỏng dường như đã giăng kín cả cánh rừng. Bên kia ngọn núi, còn một vài vệt nắng cuối ngày hắt ngược lên như nét vẽ vụng của một tay họa sỹ tồi. Những cây săng, cây gỗ dầu bị bom, đạn pháo phạt ngang gập xuống. Vài, ba cành bị bốc lên treo lủng lẳng trên thân cây đã cháy trụi. Sau hiệp định Paris, chiến tranh chùng xuống, tuy tiếng súng giảm đi, nhưng cả hai đều tích cực chuẩn bị hậu cần, quân lực. Cuộc chiến đang bước vào cục diện mới.
Chị và Đăng đứng dựa lưng vào vách đá. Lặng im. Tiếng gió hu hú ngoài cửa hang. Dường như hơi lạnh, chị co người lại. Đăng quàng tay lên vai, xoay người chị úp vào lòng mình, thì thào hỏi: Nếu Đào đồng ý, Đăng sẽ không ra Bắc học sỹ quan đợt này!
Tuy trong lòng có tình cảm với Đăng đã lâu, nhưng chị luôn kìm nén, bởi hắn còn quá trẻ, vô tư so với chị, và chiến tranh còn mịt mù phía trước. Nhưng trước những lời thổ lộ của hắn hôm nay, quả thật làm cho chị có chút bồi hồi, bối rối. Chị ngước mắt nhìn hắn: Kém người ta đến mấy tuổi, có sợ người khác cười không? Giọng hài ước của hắn lại trở về: Gái hơn hai, giai hơn một, các cụ đã dạy, cứ thế mà mần. Bất chợt, hắn ôm chặt lấy chị. Người chị nóng và run lên, khi chiếc hôn đầu đặt trên môi. Hắn luồn tay xuống tìm kiếm…Chị rướn người lên, làm chiếc quần tụt xuống chân… Và gió đã luồn được vào trong hang, dập vách đá, cứ giật lên từng hồi.
Từ đồng bằng về, chị mới biết Đặng Huy Đăng bị thương nặng đã hơn một tháng. Khi đi, chị hẹn với hắn, sau đợt này sẽ trình báo đơn vị, bởi chị đã có thai được mấy tháng. Biết Đăng đã được phẫu thuật ở bệnh xá Quế Sơn, chị xin phép đơn vị đến thăm. Nhưng tới nơi, hắn vừa được chuyển ra Bắc, bởi ngoài bị thương ở chân, ở bụng, một mảnh bom nhỏ còn găm gần cột sống, điều kiện, phương tiện của bệnh xá không thể xử lý được. Tuy nhiên, hắn có viết thư và nhắn, dứt khóa sẽ quay lại tìm mẹ con chị.
Chị sinh con đúng ngày Buôn Ma Thuộc thất thủ, miền Nam hoàn toàn rối loạn. Và sau Huế, Quảng Ngãi, đường vào Đà Nẵng đã được mở. Bởi mới sinh, nên chị thuộc nhóm trong cơ quan về thành muộn. Bước chân về phố, tuy phấn khởi, rạo rực, nhưng chị không về cơ quan ngay, mà bế con thẳng về nhà. Đến cổng, chị tưởng bị nhầm nhà, bởi cửa mở tung, một tốp dân phòng, súng ống, băng rôn, cờ đỏ rực cả sân. Chị bước vào, một thanh niên tay đeo băng đỏ, lăm lăm cây súng cản lại:
-Chị là ai? Có việc gì?
Thấy câu hỏi lấc cấc, vô lễ, nhưng chị cố dằn giọng:
-Đây là nhà tôi, một cán bộ của đặc khu, các anh là ai và làm gì ở đây?
-Chúng tôi thuộc Ban quân quản, nhà này của một tư sản bỏ chạy, đã nằm trong diện trưng dụng, và quản lý của chính quyền mới. Có vấn đề gì, chị lên gặp các đồng chí trên Ban.
Chị đã nổi khùng, nhưng các đồng chí quân quản, dân phòng kiên quyết ép chị ra khỏi nhà. Lòng nghẹn đắng, chị bế con lủi thủi trên đường phố vừa quen, vừa lạ. Hôm sau, chị tìm gặp Hồ Nghinh, Bí thư đặc khu, Chủ tịch ủy ban quân quản, người một thời gần gũi trên rừng. Hồ Nghinh vui vẻ an ủi động viên:
-Cháu cố gắng công tác. Chính quyền mới còn rất nhiều việc phải làm, rảnh rang dứt khoát chú sẽ giải quyết việc của cháu.
Đồng chí Hồ Nghinh còn sốt sắng viết thư tay, đề nghị các đồng chí lãnh đạo cơ quan nơi chị làm việc, bố trí nhà ở cho hai mẹ con. Tuy nhiên, lời hứa của đồng chí Chủ tịch ủy ban quân quản mãi mãi chỉ là cơn gió bay trên ngọn núi Hòn Tàu. Nó đã làm cho chị hụt hẫng, niềm tin đã bị rơi rụng, và trong nỗi buồn ấy, dường như có một thoáng xót xa ân hận. Với cái tuổi mười bảy và bảy năm chiến trường, bom đạn, đói khát đã quật nát tuổi thanh xuân, quãng đời đẹp nhất của chị. Để giờ đây, khi nghe lại những cái tên Hòn Tàu, Duy Xuyên, Quế Sơn làm chị giật mình kinh hãi. Và cũng chính nơi này, tiếng khóc chào đời của con chị đã hòa vào tiếng pháo kích xé toác màn đêm…
Phải đến hai tháng sau ngày 30-4-1975, chị nhận được tin hồi âm của ba từ Sài Gòn. Được biết, mẹ đã được anh hai của chị, cựu sinh viên du học, đón sang Đức ngay từ đầu năm 1975. Ba chị dứt khoát ở lại chờ chị. Thời gian này, chị chờ đợi và viết khá nhiều thư gửi về quê cho Đăng. Nhưng không biết chị đã nhầm địa chỉ, hay hắn đã chết trên đường ra Bắc, nên thư đều quay trở lại.
Mãi đến tết âm lịch, chị mới thu xếp xong công việc để đưa con vào Sài Gòn thăm ba. Mấy năm không gặp, nhìn ba già và sọp đi quá nhanh, chị bật khóc. Ông an ủi chị nhiều, và bảo vì tương lai, mẹ con chị phải rời khỏi Việt Nam. Trước mắt, với lý do cha già bệnh tật, cần sự chăm sóc, chị chuyển công tác vào Sài Gòn, để tiện móc nối xuống tàu. Sợ ba buồn, chị vâng vâng, dạ dạ để ba yên tâm.
Trở lại cơ quan đúng lúc thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, sự tranh giành quyền lực, đấu đá, bới móc thành phần xuất thân, lý lịch của các đồng chí từ rừng về, từ Bắc vô, làm chị ngao ngán. Từ đó, chị quyết định chuyển vào Sài Gòn, một quyết định không phải dễ dàng. Như vậy, chị đã hoàn toàn tin vào lời của ba mình. Và là người phụ nữ trẻ, có thâm niên bảy năm hoạt động trong phố và nằm rừng, xin chuyển vào làm cái chân lon ton vô thưởng vô phạt ở cái hội phụ nữ Sài Gòn lúc ấy, quả thật không khó khăn đối với chị…
Tuy tàu của chị được chuẩn bị rất kỹ, nhưng hai lần đầu vượt biển đều không thành. Rất may, mẹ con chị đều thoát khỏi sự truy bắt của các đồng chí công an, du kích nhờ kinh nghiệm của những năm tháng nằm rừng. Và lần thứ ba chị lại ra đi vào mùa hè 1977, do chính gia đình Khiêm đứng ra tổ chức mới trót lọt, nhưng cái giá phải trả quá đớn đau. Lần này, kinh nghiệm nằm rừng, tuy bất lực trước bọn cướp của, hãm hiếp, giết người giữa biển cả mênh mông, nhưng nó đã giúp cho chị sự bình tĩnh, nhẫn nại chịu đựng để giữ lại cái mạng sống của mình. Hai phần ba đàn bà con gái trên tàu bị chết hoặc giết chết, ngay sau khi bị bọn hải tặc thay nhau hãm hiếp qua nhiều đợt. Vợ và con gái mới mười tuổi của anh Khiêm bị chết ngay đợt đầu. Qúa uất ức, và nhục nhã, tất cả đàn ông, con trai cùng nhau chống lại. Nhiều người bị giết chết, quẳng thây xuống biển. May mắn hơn, anh Khiêm chỉ bị chúng đánh ngất và đâm thấu bả vai. Anh bị điên khùng mất một thời gian, khi ở trại tạm dung. Nhờ sự chăm sóc của chị, anh Khiêm tỉnh táo trở lại. Khi được định cư ở Đức, anh chị đã nên nghĩa vợ chồng. Nhưng khả năng sinh đẻ của chị không còn. Từ đó, anh Khiêm dồn tất cả tình cảm cho Hải con trai của chị.
Về chiều, bầu trời dường như bị ai đó kéo xà xuống đầu ngọn núi của bên kia biên giới. Những vệt mây đậm một màu tro xám, mọng căng túi nước vắt ngang nền trời. Và gió đã trở lại, lùa vào nơi chúng tôi ngồi. Lau vội những giọt nước mắt, chị luồn tay kéo cánh cửa, rồi lặng nhìn ngọn núi cao vòi vọi và xa vời ấy. Đột nhiên chị hỏi:
- Đỗ Trường có hay về chùa Viên Giác (Hannover) không?
-Thi thoảng mới về được, bởi công việc và mấy cháu nhà em cuối tuần phải thi đấu bóng bàn (1.bundesliga) hoặc tập huấn, nên cũng phải đưa đón.
Chị bảo, rằm tháng giêng vừa rồi, mấy chị em quanh vùng thuê xe về chùa. Khi lễ phật, hoặc thăm hỏi các thày, thấy một người đàn ông đứng ngó nhìn. Lúc đầu, chị không để ý, nhưng lúc ra về người này vẫn lẽo đẽo theo sau. Nên chị cảm thấy kỳ, quay lại, thấy khuôn mặt có nét quen, người có vẻ ốm yếu bệnh tật. Chị định bước tiếp. Người này lập bập một lúc mới rõ tiếng:
-Bà có phải là Đào người Đà Nẵng, một thời ở Đặc Khu Quảng Đà không ạ?
- Vâng! Đúng rồi, nhưng bác là…
Tưởng chừng người đó ngã đổ vật xuống, may có một cô gái chạy tới. Vịn vào vai cô, người đó mới bật ra từng tiếng:
-Đăng… Đặng Huy Đăng đây…Chào…chào bác đi con!
Lúc này, chị đứng như trời trồng. Khi tiếng gọi lên xe của mấy bà bạn, mới làm chị chợt tỉnh. Chị đi nhanh về phía hắn:
-Đăng thật đây sao? Bệnh tật gì mà ra nông nỗi này?
Hai giọt nước mắt chảy dài xuống gò má nhoăn nheo của hắn. Không trả lời, hắn hỏi lại chị:
-Cuộc sống của Đào và con chúng ta bây giờ như thế nào?
- Không sao, tốt cả. Thằng Hải có vợ, con lớn rồi. Nó là kỹ sư của nhà máy sản xuất Auto.
Sự gặp lại, một cách bất ngờ, sau bốn mươi mốt năm, làm cho chị hoàn toàn không thể nghĩ, và nói được điều gì, trong hoàn cảnh này. Chị nhờ con gái hắn ghi số điện thoại cho cả hai, khi trấn tĩnh sẽ liên lạc, nói chuyện sau. Lúc chị quay đi, hắn bảo, muốn gặp con bởi quĩ thời gian của hắn không còn nhiều. Chị hứa, nhất định sẽ gặp, khi điều kiện cho phép.
Có lẽ, nói năng khó khăn, mệt nhọc và phải sống trong sự tuyệt vọng trước căn bệnh hiểm nghèo, nên mấy lần chị nói chuyện qua điện thoại, hắn đều xúc động, bị ngắt giữa chừng. Là người đã quy y, nên với chị, tất cả đã trở thành vô thường. Nhưng dường như trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn còn chút băn khoăn về hoàn cảnh của hắn sau khi từ chiến trường Quảng Đà ra Bắc năm 1974…
Năm 1982 nhà tôi đã chuyển từ ngõ chợ Khâm Thiên ra Ô Chợ Dừa được mấy năm. Lúc này, tôi bỏ việc nhà nước và hành nghề buôn bán máy may, máy dệt. Buổi tối, tôi thường ngồi sửa chữa, lau chùi gỉ sét những đầu máy vừa mang tàu biển lên. Trời đã khuya, tôi ra ngoài, đóng cửa hàng nước cho mẹ. Đang dọn dẹp, thấy một gã tuổi chừng ba mươi vai khoác ba lô lộn, ăn mặc có vẻ bụi bặm, bước vào. Mẹ tôi tưởng khách, bảo đóng cửa rồi. Hắn cười cười: Cháu là Đặng Huy Đăng con ông Ba Cối đây ạ. Học ở Hà Nội bốn, năm năm rồi không biết nhà bác. Cháu vừa nghỉ hè ở quê ngoại Nghĩa Hưng, và tạt về Hành Thiện, bác Doanh Gà cho địa chỉ. Hôm nay cháu đến thăm bác. Mẹ tôi nhìn hắn từ đầu đến chân: Ba Cối chỉ có một thằng con duy nhất tên Đắng, làm gì có thằng nào tên Đăng! Hắn gãi đầu, gãi tai: Ngày đi bộ đội, họ đã đổi tên cháu thành Đăng ạ.
Học Bách Khoa cũng gần, rảnh rỗi, hắn hay ra nhà. Chủ nhật, có khi hắn giúp mẹ tôi bán hàng cả ngày. Thấy hắn có nhiều thời gian vật vờ, tôi bảo: Ông là thương binh, nên đi vận chuyển máy khâu, máy vắt sổ, thuế vụ, công an ít sờ ngó đến. Nghe có lý, từ đó ngoài thời gian học, hắn vận chuyển máy khâu không chỉ cho riêng tôi, khi từ Hải Phòng về, lúc quanh Hà Nội. Có tiền rủng rỉnh, hắn khoái lắm. Nhưng cái tật, có tiền là tụ tập bạn bè rượu chè, không bao giờ hắn bỏ được.
Có lần, hắn uống ở đâu đó, rồi đến tìm tôi, ngồi khóc như trẻ con, và kể:
Lội suối, trèo đèo cả tháng trời, rồi đồng đội cũng khiêng được hắn ra tới ngoài Bắc. Sau khi mổ xẻ, điều trị tại bệnh viện 103, hắn được chuyển về trại thương binh Hà Nam Ninh, để tập đi và an dưỡng. Thời gian này, hắn viết khá nhiều thư cho Đào, nhưng không có hồi âm. Có lẽ, chiến tranh đã kết thúc, Đào đã chuyển về thành hoặc đơn vị mới. Tuy đi đứng rất khó khăn và còn trong thời gian an dưỡng và tập luyện, nhưng hắn xin đơn vị cho chuyển về Trường Văn Hóa Thương Binh Nam Dương (Nam Ninh, Hà Nam Ninh) để ôn thi đại học. Mùa thi năm 1977, hắn đã đỗ vào Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trong lúc chờ nhập học, hắn vào Đà nẵng tìm mẹ con Đào. Gặp lại mấy anh chị quen thân cũ của Đào, họ cho biết, chị chuyển vào Sài Gòn. Và trước đây mấy tháng Đào đã dẫn con vượt biên, không may tàu gặp hải tặc, tất cả đều bị cưỡng hiếp và giết chết, chỉ còn hai thanh niên vốn là dân chài sống sót. Tin sét đánh này, làm hắn choáng váng. Vậy là hắn đã mất Đào và vĩnh viễn, không bao giờ được gặp con. Trên tàu lộn về đất Bắc, hắn như kẻ mộng du. Và từ đó, chỉ có rượu mới làm hắn vơi đi đớn đau, ân hận mỗi khi nghĩ đến mẹ con Đào.
Ngắc ngứ mãi, năm 1983 hắn cũng tốt nghiệp đại học. Làm ở Bộ công nghiệp nhẹ được mấy tháng, hắn xin chuyển vào nhà máy dệt Đà Nẵng. Rồi cuộc sống buộc hắn phải có vợ. Đứa con ra đời, cuộc sống vợ chồng hắn càng luẩn quẩn với đồng lương chết đói thời bao cấp. Bàn tính mãi, năm 1988 buộc hắn phải khoác ba lô sang Đức, làm thuê cuốc mướn cho một nhà máy dệt may thuộc vùng Limbach-oberfrohna. Khi bức tường Berlin sụp đổ, hắn chuồn sang Tây Đức, làm đủ thứ nghề, và đưa được vợ con từ Đà Nẵng sang.
Càng lớn tuổi, dường như nỗi đau ấy càng dày thêm lên, và rượu chính là chỗ vịn cho nỗi buồn của hắn. Để rồi, căn bệnh xơ gan đã quật gã hắn…
Khi những tia nắng quái cuối ngày bất chợt sáng vụt lên, rồi tắt lịm sau ngọn núi, giữa cánh rừng đen. Để lại một quầng đen thẫm trên nền trời. Hai mắt chị Đào đỏ hoe. Chị định đi châm thêm nước. Tôi đứng dậy, nắm lấy hai bả vai run rẩy của chị và nói lời tạm biệt.
Khi lên xe, tôi đưa cho chị địa chỉ, số điện thoại bệnh viện và gia đình Đặng Huy Đăng. Anh Khiêm nắm chặt tay chúng tôi bảo, cuối tuần tới sẽ đưa cháu Hải đến chỗ Đăng, nếu có thời gian các ông nhớ đến nhé. Nghe anh Khiêm vui vẻ nói, tôi cảm thấy mình như vừa trút được gánh nặng, và lập bập hứa: Vâng! Nhất định em sẽ đến…
Được phép của anh chị Đào, Khiêm tôi viết lại câu chuyện này, khi lễ cúng 49 ngày của hắn vừa được làm vào tuần trước. Vợ con hắn có mời tôi và vợ chồng chị Đào. Thằng Hải, chở anh chị Đào, Khiêm và vợ con đến từ tối hôm trước, bởi nó lo sắm sửa thêm, ra dáng ông trưởng của hai gia đình. Bữa cơm cúng được làm ngay tại nhà hắn. Tuy hơi chật, nhưng cảm thấy ấm cúng, trong lòng mọi người đều thấy thanh thản. Nhìn lên nóc tủ, sau làn hương khói mỏng, tôi thấy hắn ngồi đó, vẫn cười tươi và vô tư như thuở nào.
Leipzig ngày 4-12-2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làm gì để ngăn chặn vòi bạch tuộc của các nhóm lợi ích ở Việt Nam?


Nhóm lợi ích là các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia…
Đây là một trong những nội dung của cuộc trao đổi giữa báo SSVN và TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), ĐH Kinh tế TP.HCM.
Nhận diện…
– Thưa ông, về mặt khoa học quản trị, nhóm lợi ích được hiểu thế nào?
– Nhóm lợi ích được hiểu đơn giản là nhóm bao gồm những người có cùng những lợi ích với những hoạt động, sự kiện, hoặc một đối tượng nào đó. Như vậy, sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ. Thông thường, những nhóm lợi ích vì những lợi ích tốt đẹp cho xã hội, cộng đồng thường hình thành những nhóm hoạt động xã hội hoặc phong trào xã hội có tổ chức và hoạt động công khai. Những nhóm lợi ích khác thường hoạt động phi chính thức, gắn bó một cách tự nguyện và khi lợi ích đạt được thì nó tự giải thể.
Tuy nhiên, khi nói đến nhóm lợi ích, người ta thường nói đến những nhóm có tổ chức (không thuộc tổ chức của Chính phủ) một cách phi chính thức, hoạt động tích cực và ảnh hưởng tới các quyết định hoặc các chính sách vì những lợi ích của nhóm mình. Đặc biệt, khi nói đến nhóm lợi ích là nói tới hoạt động của các nhóm vì lợi ích của nhóm họ mà làm tổn hại lợi ích của các nhóm khác, đặc biệt là lợi ích quốc gia.
– Ông nhận thấy lợi ích nhóm ở Việt Nam hình thành và biểu hiện như thế nào?
– Như tôi đã nói, việc hình thành nhóm lợi ích là khách quan nên trong xã hội luôn tồn tại các nhóm có tổ chức để phục vụ những lợi ích của các thành viên của nhóm mình. Các đoàn thể xã hội, các hội hoặc hiệp hội đã và đang hình thành, hoạt động để bảo vệ và mở rộng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình. Về phương diện này, theo tôi, do tổ chức lỏng lẻo và năng lực yếu, nhiều tổ chức này chưa làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát triển những lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội (đặc biệt trong kinh tế) phát triển, những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn. Đặc biệt, trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin và các nhóm khác có những lợi ích có liên quan mà thiếu tổ chức… thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia.
Xã hội ta, gần đây, nói nhiều đến nhóm lợi ích, theo tôi hiểu, thì đó là nói về việc các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia. Ở Việt Nam, khi nói về các nhóm lợi ích dạng này có thể kể đến những công ty “sân sau” của các công ty Nhà nước hoặc cổ phần Nhà nước, những tập đoàn độc quyền (của Việt Nam và các công ty đa quốc gia) có khả năng ảnh hưởng tới chính sách của Chính phủ thao túng thị trường (sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện lực, ô tô…), những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Độc quyền và cơ chế “xin – cho” là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển các nhóm lợi ích dạng này. Các kiểu “chạy” là biểu hiện trong hoạt động của các nhóm lợi ích để khai thác cơ chế “xin – cho” này vì lợi ích riêng của nhóm họ.
– Có ý kiến cho rằng, lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai… Ông có nhận định gì?
– Rõ ràng, ở đâu mà lợi ích hoặc tiềm năng lợi ích càng lớn thì ở đó nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh, càng tinh vi, và thậm chí là rất trắng trợn. Các nhóm lợi ích phải bằng các phương tiện và các công cụ khác nhau để tác động tới những người ra quyết định hoặc hoạch định chính sách để thâu tóm những lợi ích cho nhóm của họ. Vì vậy, nhóm lợi ích thường liên quan tới những người có quyền ra quyết định hoặc ảnh hưởng tới các quyết định chính sách trong những lĩnh vực “màu mỡ” nhất.
… những hiểm họa
– Sự nguy hại của việc để các nhóm lợi ích thao túng là gì, thưa ông?
– Một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển là phân phối công bằng các lợi ích của sự phát triển cho các thành phần trong xã hội và đặc biệt là quan tâm tới lợi ích của những người nghèo. Chỉ có bảo đảm việc phân phối công bằng các lợi ích của sự phát triển cho các thành phần có liên quan mới bảo đảm tạo ra một xã hội hài hòa, công bằng và văn minh. Khi đó, sự phát triển mới thật sự bền vững.
Khi bị các nhóm lợi ích thao túng, các lợi ích của sự phát triển bị thâu tóm bởi những nhóm này. Những lợi ích của các nhóm khác có liên quan bị xâm phạm sẽ tạo ra sự bất công, bất bình đẳng lớn hơn trong xã hội. Điều này làm méo mó những quan hệ xã hội lành mạnh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và từ đó gây bất ổn xã hội.
Thêm nữa, các nhóm lợi ích thường sử dụng nhiều công cụ khác nhau để ảnh hưởng tới những người ra quyết định và hoạch định chính sách, mà cách đơn giản và thường thấy nhất ở các nước chậm phát triển là mua chuộc và cấu kết với những người ra quyết định và hoạch định chính sách để chia sẻ các lợi ích đạt được. Nếu điều này xảy ra thì các nhóm này sẽ làm hư hỏng cán bộ của chính quyền, làm suy yếu chính quyền và biến chính quyền thành công cụ của nhóm chứ không phải phục vụ nhân dân và đất nước như sứ mạng cao cả của chính quyền.
– Các nhóm lợi ích luôn tồn tại, vì thế, cần thiết kế cơ chế giám sát thế nào để hạn chế được sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích?
– Để các nhóm lợi ích không thể lũng đoạn, cần có một hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Cơ chế ra quyết định chính sách phải bảo đảm tính công khai, minh bạch dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học.
Những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan.
Việc tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách cũng là một xu hướng chung trong đổi mới quản lý công trên thế giới hiện nay để đảm bảo trách nhiệm của những công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.
Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.
Thông thường, các nhóm lợi ích sử dụng công cụ vận động hậu trường (lobby) để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Vì thế, cần có luật về vận động hậu trường để đưa hoạt động này vào quỹ đạo luật pháp.
Cuối cùng, công khai, minh bạch là phương tiện rất quan trọng để đảm bảo sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những sự méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.
– Xin cảm ơn ông!
Theo SINH VIÊN VIỆT NAM 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cánh cửa đã mở toang để rước Trung Quốc vào


Dũng Mai 1-12-2017 

Hãy quên đề xuất cải cách chữ viết vớ vẩn kia, hãy đừng mắc bẫy khi chú tâm vào cái thông tư đáng ngờ về sổ đỏ, hãy khoan đề cập đến chuyện LS Võ An Đôn bị xoá tên khỏi Đoàn Luật sư Phú Yên… Thảm hoạ là đây này: Giờ đây, không cần đi xe nữa, RATRACO dưới sự chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt VN, đã nâng cấp nó lên thành TÀU container, thì chẳng khác nào mở toang cánh cửa đưa tàu TQ tuồn vào VN dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Một trong những toa tàu trong chuyến tàu liên vận container đầu tiên


Sáng ngày 26/11 vừa qua, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) đã triển khai thành công đoàn tàu chuyên container đầu tiên kết nối giữa Việt Nam – Trung Quốc với mục tiêu “cao cả” là tăng cường giao thương giữa hai quốc gia. Theo thông tin được loan tải thì đoàn tàu liên vận sẽ bao gồm 33 container 40 fit chứa các sản phẩm xuất khẩu của TQ sang Việt Nam như nội thất văn phòng, thực phẩm, phụ tùng linh kiện ô tô,…

Sản phẩm “made in China” đang là nỗi ám ảnh của người dân toàn thế giới vì phần lớn đều là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại,… Do đó, nhiều nước tỏ ra thận trọng trong chính sách thương mại với Trung Quốc và các công ty cũng dè chừng. Trong khi đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại bắt tay với TQ xây đường sắt liên vận để tăng cường đưa hàng hóa TQ vào VN. Vì sao chúng ta phải mở rộng giao thương với TQ mà không phải là những quốc gia khác? Tại sao lại muốn tự làm hại chính mình?

Trên thực tế, hàng hóa thứ cấp TQ đã được tuồn qua VN bằng rất nhiều con đường, chính ngạch và tiểu ngạch (chẻ rừng hoặc dùng mọi thủ đoạn qua mặt hải quan), đặc biệt là hàng TQ vào VN đều không qua kiểm định chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm gì cả. Đó là những loại hàng hóa VN không thể kiểm soát, khiến người dân điêu đứng, cơ quan chức năng đau đầu. Thì nay lại có thêm đoàn tàu liên vận kết nối VN – TQ, thì liệu đây có phải là bức bình phong che đậy cho hàng hóa TQ tuồn vào Việt Nam một cách công khai minh bạch chăng?

Ông Trần Văn Chính, cựu cán bộ, cửa khẩu Lào Cai, chia sẻ: “Hoa quả, hàng quặng, các hàng máy móc cũng có, hoa quả, nông lâm sản cũng có. Ngoài ra, hàng Trung Quốc qua đây chủ yếu còn có phân bón, các loại hóa chất, máy móc.” Kết quả là: “Phần lớn các mặt hàng thực phẩm chức năng được làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ” – Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết.

Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc tuồn vào Việt Nam nhưng không thể kiểm soát

Và số lượng hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam chưa bao giờ giảm. Năm sau lại nhiều hơn năm trước, nhà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng năm sau nhiều hơn năm trước. Trong đó, hầu hết hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc là nông sản, lợn nguyên con và các loại trái cây nổi tiếng miền Nam đã được kiểm định chất lượng chặt chẽ. Ngược lại, hàng Trung Quốc nhập sang Việt Nam, toàn là trái cây, các loại rau và thực phẩm biến đổi gen, và các loại phân bón và chất hóa học có hại cho sức khỏe. Cụ thể, theo thống kê trung bình mỗi ngày nước ta chi 112 tỷ đồng để mua hóa chất, nhập khoảng 1.000 tấn trái cây có hàm lượng hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần an toàn từ Trung Quốc. 

Vì sao lại có chuyện nghịch lý như thế? Trách nhiệm của cơ quan hải quan, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương ở đâu? Phải chăng là nhờ phong bì lót tay, hay đi đêm giữa thương gia TQ và các vị nên những thương vụ này mới trót lọt?

Riêng đối với các loại xe container chuyển hàng qua biên giới Việt – Trung, theo quan sát của một chủ quán gần cửa khẩu Mường Khương, tỷ lệ các loại xe container từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ Trung Quốc vào Việt Nam theo tỉ lệ là 1/5. Nghĩa là cứ 1 xe container Việt nam chở hàng qua Trung Quốc thì có 5 xe container từ Trung Quốc chở hàng sang Việt Nam. Giờ đây, không cần đi xe nữa, RATRACO dưới sự chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt VN, đã nâng cấp nó lên thành TÀU container, thì chẳng khác nào mở toang cánh cửa đưa tàu TQ tuồn vào VN dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Hàng TQ chất lượng kém tuồn vào VN không chỉ đầu độc dân Việt Nam bởi vấn nạn thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, mà còn là âm mưu dùng hàng Tàu gán mác “made in Vietnam” để tuồn ra thế giới, không chỉ để trốn thuế mà còn khiến hình ảnh VN bị bôi nhọ trên thị trường toàn cầu của TQ. Điển hình là vụ thép TQ “đội lốt” thép Việt trốn 9,6 triệu USD tiền thuế vừa bị Cơ quan chống gian lận Ủy ban Châu Âu phát hiện gần đây. Vậy, Tổng Công ty Đường sắt VN phải chăng đang tiếp tay cho TQ tiêu thụ những hàng hóa thừa mứa người dân họ không dám sử dụng và là cánh tay đắc lực giúp hàng hóa TQ, gắc mác VN đi ra nước ngoài?

Bên cạnh đó, chúng ta đều biết, TQ từ ngàn xưa đã luôn nuôi tham vọng xâm lược, phá hoại VN nhằm bành trướng lãnh thổ, do đó việc TQ thông qua tàu container liên vận VN – TQ không chỉ sẽ tạo điều kiện cho nước này mang thực phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại, mà còn cài cắm người, thậm chí là mang vũ khí vào lãnh thổ VN là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện nay, người Hoa đang có mặt ở khắp mọi miền trên mảnh đất hình chữ S. Các con phố Tàu xuất hiện không chỉ ở các tỉnh miền Nam, nơi mà TQ cho rằng dễ dàng xâm nhập và đồng hóa như Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM,… hay ở Tây Nguyên (công nhân người TQ làm việc ở mỏ bauxite Tân Rai – Lâm Đồng), thậm chí là miền Bắc, nơi đầu não chính trị – hành chính quốc gia, phố TQ cũng không thiếu, cụ thể là ngay tại làng nghề mộc Đồng Kỵ (Bắc Kinh), người ta treo cả biển chỉ đường bằng tiếng Hán, ai đi vào cũng ngỡ mình đang lạc vào khu phố TQ chứ không còn là lãnh thổ VN.

Phố TQ xuất hiện chủ yếu là nhờ những dự án lớn mà TQ thắng thầu. Họ đồng hóa bằng cách sống giữa những người VN, giao tiếp, buôn bán bằng tiếng Hán, dùng visa có “hình lưỡi bò”, sử dụng cờ TQ, đồng Nhân dân tệ, xuất bản sách giáo khoa, làm tiếp viên du lịch để tuyên truyền sai lệch về chủ quyền VN,… Để rồi không chỉ người Việt, những khách du lịch từ bốn phương đến VN cũng được “nhồi sọ” bằng những kiến thức lịch sử sai trái theo ý đồ của chúng. Vậy đoàn tàu liên vận được triển khai dày đặc (3 chuyến/ tuần) thì sẽ giúp TQ đưa bao nhiêu người xâm nhập trái phép vào VN?

Tốc độ giảm sút của vận tải đường sắt ngày càng mạnh


Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay ngành đường sắt ngày càng lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, nhưng lại không có sự đổi mới, phát triển, rồi đổ lỗi cho ngành hàng không cướp khách. Chưa kể, dựa vào sự độc quyền, Tổng công ty đường sắt Việt Nam lại ỷ y, dựa dẫm vào sự hỗ trợ vốn của ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng: “Làm ra 1, ngân sách nhà nước bù ra gấp 4” (hiệu quả khai thác của đường sắt Việt Nam chỉ đạt khoảng 350 tỷ đồng/năm, ngân sách nhà nước phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho bảo trì). Tuy nhiên, thay vì chú tâm vào ngành nghề chính của mình, thay đổi để phát triển, thúc đẩy hiệu quả, năng suất vận tải hành khách và hàng hóa thông thương trong nước, giúp kinh tế VN phát triển; Tổng Cty đường sắt VN lại siêng “việc hàng xóm”, tìm cách đưa hàng hóa TQ vào VN, không biết có giúp ích gì cho đất nước hay là đang “rước giặc vào nhà”?

Rõ ràng, trong mọi phương thức giao thương thì TQ luôn là kẻ hưởng lợi, trong khi VN luôn là người bị hại, là người bị áp bức và chịu mọi thiệt thòi, tiếng xấu. Thế nhưng không hiểu sao, Tổng công ty đường sắt VN lại đưa ra quyết định “sáng suốt” là hợp tác với TQ xây tàu liên vận Việt – Trung? Không biết hệ quả người dân đang chết dần mòn vì thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng của TQ có làm Tổng Cty đường sắt VN sáng mắt hay chưa? Hay những “lại quả”, những chiêu thức “mật ngọt chết ruồi” mà TQ bày ra đã khiến họ mờ mắt? Vì vậy, tiếp tục bắt tay hợp tác, liệu hậu quả trong tương lại sẽ khủng khiếp đến mức nào?

RedVn (Vietnamnet / Tiền Phong)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chả riêng gì Đoàn Hương, loạn xà bần từ A đến Z lâu rùi!


HOAN HÔ TIẾN SĨ HỌ ĐOÀN
HƯƠNG THƠM CHẲNG THẤY, THẤY TOÀN… MÙI THIU
SG, 2.12.2017
BÚT PHEO
---------
Trích Lao Động Online, 2.12.2017
‘’Trao đổi về vấn đề này, GS Hà Minh Đức cho hay, dù quá hiểu tính cách mạnh miệng của học trò nhưng ông vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe Đoàn Hương gọi dư luận là “đám quần chúng”.
“Phát ngôn của cô ấy không chỉ là bột phát mà còn là hệ quả của một tính cách. Cô ấy không phải là nhà ngôn ngữ thì sao lại mời tham gia vào việc trả lời về một công trình nghiên cứu ngôn ngữ. Hơn nữa, Hương là một người văng-tê, không để ý quy củ, nói năng mạnh bạo.
Tôi nhớ, trong một chương trình Giai điệu tự hào, cô ấy đã so sánh âm nhạc của Trịnh Công Sơn giống như quả bom được đặt vào tim và nổ tung. Có lần cô ấy lại ví một nhà xuất bản là nhà hậu sinh. Như thế là quá cường điệu, khập khiễng. Vận dụng lối nói quá để tạo ra sự sắc sảo là quyền của cô ấy. Nhưng không thể chấp nhận chuyện gọi dư luận là đám quần chúng”, GS Hà Minh Đức cho hay.
Bàn về phát ngôn của TS Đoàn Hương, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cho biết, việc để xảy ra những tranh cãi này lỗi một phần thuộc về VTV.
“Khi kiểm duyệt và phát sóng chương trình, lẽ ra họ phải cắt đi những câu từ nhạy cảm mà cụ thể ở đây là “đám quần chúng”. Với riêng Đoàn Hương, tôi cho rằng cô ấy đã thể hiện cái nhìn miệt thị với dư luận. Là đồng nghiệp, tôi không hề muốn lên án nhưng phải thẳng thắn mà nói rằng, Đoàn Hương nên xem lại những phát ngôn trước đám đông của mình. Phải cân nhắc cẩn trọng vì thực tế, cô ấy còn không nhớ hết mình nói những gì. Đến khi người ta phản ứng, chỉ trích vẫn khăng khăng rằng “tôi không nói thế”.
“Tôi cho rằng Đoàn Hương nên xin lỗi dư luận sau phát ngôn lỡ lời này. Nhưng với tính cách như thế, tôi nghĩ là rất khó“, chuyên gia nghiên cứu văn hóa bày tỏ.
KỲ TRINH.

Phần nhận xét hiển thị trên trang