Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

THƯƠNG TẶNG LÀNG BLOG


Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh làng BLOG


Làng cũ người đi cả
đìu hiu còn mấy người?
ấm trà pha để nguội
hoa cũng nản
khó tươi..

Đó ngôi làng kỳ lạ
một thời rất đông vui!
đường một chiều hò hẹn
được gặp nhau..
mấy người?
Quen chịu đời kham khổ!
sắn khoai
quen dạ rồi!
thèm cao lương mỹ vị
tri âm khó tìm người!
Như rừng trồng tăm tắp
theo hàng quanh sườn đồi!
còn đâu đa dạng nữa?
đừng trách,
người buông xuôi!
Ngôi làng thành đơn điệu!
Đời nay không giống ai!
Thương cũng đành để bụng
Thương
để rồi thương thôi!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chả cần cấm, mãi cũng chán mà, các pác T4 ợ!:

( Người Việt cả thèm chóng chán. Còn lâu mới có tư duy sâu xa, bền bỉ. Mong sáng tạo và thay đổi có nhẽ còn rất lâu. Căn nguyên cũng từ nền KT sản xuất nhỏ, manh mún, khó đẻ ra những tư tưởng lớn, mang tính thời đại..)


CŨNG BUỒN !

Cũng buồn blog (*) gặp lao đao
Chẳng biết 4 T (**) xét thế nào?
Ra đến đình Làng gặp cửa đóng !
Các năm nhộn nhịp - qua rồi sao?
***
Cư dân trụ lại độ mươi người
Bài thưa, com ít bấy nhiêu thôi ;
Năm cũ dần qua, năm mới đến
Đông đúc lại chăng? Blog làng ta ơi !
***
Mong rằng đông qua xuân đến
Làng ta vui vẻ trở lại
Chuyện trò trên blog
Cho bài viết, câu thơ, lời chúc
Ảnh đăng kịp thời tươi mới
Cho ấm áp rộn ràng không khí
Quên đi tuổi tác
Tám chín chục mùa xuân !
(*) Blog Làng LSQL
(**) Bộ TTTT 

. 
  1. Đăng bài không thấy ai com
    Mọi người chán nản chẳng nhòm vào đây
    Rủ nhau chuyển hết sang phây
    Kết thêm bạn mới vui vầy cho qua...
    Bên ấy nhộn nhịp vào ra
    Chỉ đăng cái ảnh thế là cùng nhau
    "THÍCH" và ca tụng vài câu
    Vừa dễ vừa sướng... lâu lâu hóa NHÀM!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Địa Danh Cũ Sàigòn


Bình Nguyên Lộc

(Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ) nhìn thẳng Tòa Hôtel de ville hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Tòa đô chánh Sàigòn)
Phần 1…
Tên đường thời Pháp thuộc:
Song-song với những địa-danh tên Tây, các đường phố và nhiều nơi chốn ở Sàigòn đều có tên Việt, được dân-chúng quen dùng.
Đây là những tên tôi còn nhớ lỏm-bỏm:
Bót cảnh-sát quận nhì, có tên là Xi Nho. Con đường trước bót không bao giờ mang tên Tây Chaigneau hay Signor lần nào cả. Có lẽ là một ông Tây cảnh-sát đã giữ chức-vụ liên-lạc với dân-chúng chăng?
Đầu đường Hồng-Thập-Tự ngày nay, được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng. Tây đặt tên đường là Chasseloup Laubat, nhưng ta bất kể.
Đường Mạc-Đỉnh-Chi ngày nay, có tên Tây là Massiges nhưng ta cứ tiếp-tục gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao, có lẽ là trồng trước các đường khác chớ về sau thì đường nào cũng trồng sao cả.
Đường Bùi-Quang-Chiêu là đường Cá Hấp thuở trước vì chỗ ấy nằm cạnh chợ Bến-Thành, các vựa cá hấp đóng đô ở đó.
Đường Bùi Chu, thuở ấy tên Tây là Frère Guillerault, nhưng người ta cứ kêu là đường Huyện Sĩ, vì cái nhà thờ cất ở đó do tiền một tư-nhơn, ông Tri-huyện-hàn Lê-Phát-Sĩ tài-trợ.
Đại-lộ Kitchener (Nguyễn-Thái-Học) được gọi là đường Lò Heo vì lò heo cũ ở đó.
Dĩ-nhiên là đường Phó-Đức-Chính, tên Tây là Alsace Lorraine được gọi là đường Chú Hỏa vì con đường ấy nổi danh nhờ cái cư-xá đồ-sộ của họ Hui-Bon-Hoa.
Đường Khổng-Tử nguyên là đường Gaudot và được gọi là đường Đèn Năm Ngọn.
Đường Phát-Diệm, tên cũ cũng là tên Việt, đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm, vậy mà thiên-hạ cứ gọi là đường Cầu Kho. Vậy thì người dân không phải tránh tiếng Tây khó đọc, mà tránh sự bị chỉ-định. Họ ưa theo thói quen hơn.
Nhưng buồn cười lắm là có hai trường-hợp ngược đời, ta ưa Việt-hóa tên Tây, nhưng trong hai trường-hợp ta lại theo Tây một cách mù-quáng. Đó là địa-danh Đakao. Địa-danh ấy nguyên trước là Đất Hộ, bị Tây Pháp-hóa thành Đako, rồi ĐaKao.
Ta lại mù-quáng theo Tây ở một trường-hợp nữa là vùng đất gần cầu Tân-Thuận trước kia là bãi đất hóng mát của dân Sàigòn, tên ta là Láng-Thọ. Tây Pháp-hóa thành Lanto rồi ta lại Việt-hóa thành Lăng-Tô. Không biết cái Lăng đó của Tô-Định hay của ai.
Những con đường tên Tây mà ta không có tên Việt, ta Việt-hóa nó một cách buồn cười.
Chẳng hạn đường Eyriaud des Verges (Trương-Minh-Giảng) được đặt là “Ai-vô rờ-quẹt?”, còn đường Léon Combes được đọc là “Lên-ăn-cơm”.
Đường Dixmude (Đề-Thám) là đường Đít-Xơ-Mít.
Đường Blansubé, tức đoạn Phạm-Ngũ-Lão ngay chợ Thái-Bình được đọc là đường Lan-Si-Bê. Chợ Thái-Bình, cho tới năm 1925, còn được dân-chúng gọi là chợ Lan-Si-Bê.
Đường Huỳnh-Thúc-Kháng (Monlaii) là đường Mộng-Lầu.
Dân-chúng ưa đọc tên đường De Lattre (Công-Lý) nhứt vì tên cũ là Mac Mahon, đọc ra là Mặt-Má-Hồng, nghe hay quá.
Nhưng ngộ-nghĩnh số một là đường Phan-Thanh-Giản (Legrand de la Liraye). Vì tên Tây quá khó đọc, nên đọc ra là “Nhăn răng Rìa ai đi đây?”
Hiệu bán thực-phẩm tươi (épicier) của Tây ở đường Tự-Do, hiệu Guyenot (ngày nay vẫn còn) cứ được gọi là “Hãng Mỡ”, tôi ngạc-nhiên, điều-tra mãi mới hay vì hiệu ấy chuyên chế-tạo xúc-xích (saucisse) nên thừa mỡ rất nhiều. Họ bèn rót mỡ nước vào thùng dầu hỏa bán cho người Quảng-Đông là dân-tộc rất thích ăn mỡ nước, mỗi tháng bán ra hằng mấy trăm thùng, nên nổi danh như vậy.


(Đường Tự Do Sàigòn)
Xóm Máy Đá trong Chợlớn ngày nay, có tên như vậy vì buổi đầu hãng Larue phát-tích ở đó, và ngày nay vẫn còn chi-cuộc Larue ở đó nữa.
Thuở tôi còn học trung-học, mỗi lần trường đưa đi viếng kỹ-nghệ trong thành-phố thì viếng hãng Larue tại đó, hãng Sàigòn chưa xây.
Cái ngã sáu ở đầu các đường Lê-văn-Duyệt, Võ-Tánh, Gia-Long, Phan-văn-Hùm ngày nay, phải gọi là Ngã Sáu Quẹt-Đoong, dân-chúng mới hiểu, vì cái ngã sáu trong Chợlớn cao-niên hơn tới 30 tuổi, họ quen với tên cũ, tên mới, phải kêu thêm chút gì để phân-biệt.
Phần 2…
Tên đường thời Đệ Nhị Công Hoà:

Đại lộ Hai Bà Trưng
Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.
Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.
Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.
Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.
Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.
Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.
Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.
Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.
Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.


Chợ Bình Tây
Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.
Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.
Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.
Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!


Đại lộ Nguyễn Huệ
Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.
Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.
Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.
Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.
Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.


Đường Lê Thánh Tôn


Đường Phạm Ngũ Lão

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.
Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.
Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.
Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.
Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.
Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.
Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.
Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.
Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.
Bình Nguyên Lộc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thái độ của người dân đối với Tù Chính trị


Mạc Văn Trang - Tôi băn khoăn, không hiểu lắm, sao lại gọi anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức hay Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thúy Nga... là “Tù nhân lương tâm”? Theo tôi cứ gọi rõ là “Chính trị phạm” hay “tù Chính trị” cho nó rõ ràng.

Hình minh họa
Hồi trước năm 1945, tôi nhớ không lầm thì chế độ cai trị của Pháp có chia ra 2 loại tù: Thường phạm và Chính trị phạm. Thường phạm là những người phạm tội hình sự như: Cướp, hiếp, giết người, trộm cắp, phá hoại tài sản của người khác nay của công, nấu rượu lậu, buôn thuốc phiện, lừa đảo. V.v... Những người này có thể bị tử hình, tù chung thân hay tù một số năm. Nhưng ra tù là thôi. 

Ngược lại, tù Chính trị hay Chính trị phạm là những người lên án chế độ cai trị, tuyên truyền lật đổ chế độ hoặc có hành động chống đối chính quyền... Hầu hết các vị tiền bối cách mạng như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho đến Tôn Đức Thắng, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Trường Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Tố Hữu v.v... đều từng là Chính trị phạm. Đặc điểm của Chính trị phạm là, ra tù, thường vẫn bị quản thúc tại địa phương, như Cụ Phan Bội Châu bị quản chế ở Huế. Hồi đó nhân dân ta rất thương yêu, kính trọng các Chính trị phạm, vì họ là người yêu nước, thương nòi mà dấn thân, chịu bao nhiêu hiểm nguy, tù đày, chết chóc.

Hồi kháng chiến chống Pháp 1945 -1954, người Pháp còn phân chia ra 3 loại tù: Thường phạm, tù Chính trị và tù Binh. Mỗi loại tù có chế độ giam giữ, đối xử khác nhau, trong đó tù Chính trị bao giờ cũng bị đối xử hà khắc nhất. Tù Thường phạm thì xét xử theo Luật, hạn tù rõ ràng; tù Binh thường chẳng có xét xử, cứ giam giữ và có thể trao đổi tù Binh; tù Chính trị thì nhiều khi chẳng biết là tội gì, chỉ cần “tình nghi” hoặc kẻ nào đó khai báo, chỉ điểm cũng có thể bị bắt giam, không xét xử. Hồi đó cha tôi rồi chị tôi và một anh cũng bị bắt đi tù, chỉ vì có người bị Tây bắt, khai ra anh cả tôi là Việt Minh nguy hiểm. Thế là mấy người nhà tôi thành Chính trị phạm. Lần mẹ tôi đi “tiếp tế” cho chị tôi mới bị bắt, giam ở thị xã Hải Dương, mẹ kể, dò hỏi mãi mới tìm được đến nơi. Đến nhà tù Thường phạm, người ta lại chỉ đến chỗ giam Chính trị phạm; đến đấy lại phải tìm trại giam tù con gái... Ngày đó dân ta cũng yêu thương, kính trọng các chính trị phạm lắm. Mỗi lần mẹ tôi đi “tiếp tế” về, dân làng đến thăm hỏi, an ủi, động viên, cảm thông, giúp đỡ rất nhiều.

Như thế là thời Pháp thuộc trước 1945 hay thời “tạm chiếm” 1945 – 1954, nhân dân ta luôn biết rằng tù Chính trị hay Chính trị phạm, dẫu có bị chính quyền cai trị kết án tử hình hay tù đầy, nhưng họ là người tốt, người yêu nước, dấn thân vì dân, vì nước; họ có “TỘI” với chính quyền cai trị, những có CÔNG với nước; họ là những người được nhân dân yêu thương, kính trọng; người thân của họ luôn được cảm thông, giúp đỡ. Đạo lý đó của dân tộc ta rất rõ ràng, dứt khoát, nhờ đó tinh thần yêu nước được nuôi dưỡng, tôn vinh suốt chiều dài lịch sử qua các thế hệ.

Dưới chính quyền cộng sản, khái niệm “Chính trị phạm” có lẽ được mở rộng hơn bao giờ hết. Tất cả những người bị chính quyền CHO LÀ họ chống đối, tuyên truyền “phá hoại chế độ”, thậm chí “có nguy cơ chống chính quyền” cũng có thể bị bắt, bị tù, thậm chí bị giết. Hàng vạn người bị chết, hàng chục vạn người bị tù trong CCRĐ ở miền Bắc đầu những năm 1950 cũng có thể coi là Chính trị phạm, vì họ là “đối tượng của đấu tranh giai cấp”, các “phiên tòa” đều kết tội họ “câu kết với bọn phong kiến, đế quốc” bóc lột, đàn áp giai cấp bần cố nông... Những “Tòa án nhân dân đặc biệt” được lập ra, đã quyết định trước, “tội nhân” đáng tù bao nhiêu năm hay tử hình thì cứ luận tội, tuyên án cho tương xứng.

Những người bị bắt, bị tù, có xét xử tuyên án hay không tuyên án trong các vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, “Nhóm chống Đảng” sau này cũng là các Chính trị phạm.
Tôi cho rằng, những người miền Nam sau 1975, bị chính quyền CS gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” bắt đi giam giữ, “cải tạo” cũng là các “Chính trị phạm”. Bởi vì họ bị nhà cầm quyền cho là có nguy cơ “đe dọa chế độ” mà bị giam giữ, “cải tạo”...

Ngày nay những người bị bắt, bị tù theo “Điều 258 (năm 1991) hay Điều 88 (năm 1999) “Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo tôi đều là các Chính trị phạm. Họ khác với “Thường phạm” là người mắc tội cướp, hiếp, giết người, tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả, lợi dụng chức vụ, v.v... Người phạm tội theo “Điều 88 Bộ luật Hình sự là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.

Tôi không bình luận về điều luật này, vì đã là “Chính trị phạm” thì Chính quyền cai trị muốn bắt ai và quy tội gi chẳng được, vì cái “tội” rất mơ hồ, có thể quy kết nặng nhẹ, tùy suy diễn...

Ở đây chỉ muốn nói về thái độ của người dân. Như tôi đã viết, thời trước 1945 và thời Pháp tạm chiếm 1945 – 1954, những người tù Chính trị được nhân dân yêu thương, kính trọng và bí mật hoặc công khai động viên, chia sẻ, giúp đỡ gia đình họ.

Nhưng những người tù trong CCRĐ, “Nhân văn - Giai phẩm” hay “Chống Đảng”, đi “Cải tạo” thì rất đau khổ về tinh thần, vì họ bị kết án thế nào, cũng không được cãi; không ai dám bênh vực; người dân thì chỉ biết nghe, biết tin theo chính quyền, và hầu hết về hùa với chính quyền lên án, hoặc xa lánh, tránh liên lụy; gia đình họ cũng bị kỳ thị, xa lánh. Có người còn bị người thân “đấu tố”, ruồng bỏ, để chứng tỏ với chính quyền rằng, mình “cách mạng triệt để”...Những Chính trị phạm chưa bao giờ bi thương như thời kỳ đó. Sau này CCRĐ được “sửa sai”, nhiều người trong vụ “Nhân văn - Giai phẩm” hay “Nhóm chống Đảng” được minh oan, những người có thái độ ứng xử sai lầm trước đây với họ, đã vô cùng hổ thẹn, hối hận, nhưng cũng không gì chuộc lại được lỗi lầm.

Ngày nay, tình hình đã khá hơn, những người bị kết án theo Điều 258 hay 88 Bộ Luật hình sự, thường được người thân đồng hành, an ủi, chăm nuôi; được một bộ phận xã hội cảm thông, thương mến, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất; được dư luận quốc tế quan tâm... Đó là những chuyển biến xã hội rất đáng mừng, một phần khác cũng nhờ có mạng xã hội lan truyền thông tin đa chiều, kịp thời...

Có người trách, sao đa số người dân vẫn vô cảm với những Chính trị phạm thời nay như vây? Hãy thông cảm với họ, họ đã bị tuyên truyền nhồi sọ hơn 70 mươi năm và nỗi ám ảnh sợ hãi liên lụy đã ngấm vào máu thịt họ hơn nửa thế kỷ còn gì! Tâm lý sợ hãi, chỉ cốt sao mình được an toàn, tránh liên lụy, đã làm nảy nở thói ích kỷ, vô cảm thành trạng thái xã hội..

Những người ngồi trên Tòa án, luận tội, kết án, y án chị Nguyễn Ngọc Như quỳnh 10 năm tù, cũng chẳng đáng trách lắm, vì họ nằm trong hệ thống, chịu sự chỉ huy từ trên xuống, họ phải thực thi, nếu còn muốn “hành nghề”.

Đáng trách nhất là một số ít người về hùa với chính quyền, bới móc, bôi nhọ, lên án những người như Chị Như Quỳnh, Trần Thúy Nga... Họ đã đặt cái gì đó cao hơn tình đồng bào, tình người - tình đồng loại.

“Thành – Trụ - Hoại - Diệt” là quy luật tất yếu. Mọi triều đại sẽ đổi thay. Lịch sử sẽ ghi lại tất cả. Chỉ có lòng yêu nước, thương nòi, yêu công lý, chính nghĩa, tình người là ngầm chảy mãi trong lòng dân tộc, nhân loại.

1/12/2017
Mạc Văn Trang
(FB Mạc Văn Trang)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khoa học tìm ra bằng chứng xác thực sự tồn tại của Đấng Sáng Thế


Nhiều khám phá gần đây khiến các nhà khoa học phải nghĩ lại về nguồn gốc vũ trụ của chúng ta. Những loại kính thiên văn mới và mạnh mẽ hơn đã mở khóa về những bí ẩn vũ trụ chưa từng được vén mở trước đó, đưa đến cho chúng ta những nhận thức khoa học mới đáng kinh ngạc về nguồn gốc của sự sống.
Các khám phá này cùng với những gì các nhà sinh học phân tử đã từng nghiên cứu về mã hóa phức tạp trong DNA, đã khiến nhiều nhà khoa học phải thừa nhận rằng vũ trụ và sự sống của chính nó dường như là một phần của một thiết kế lớn. Thật bất ngờ, nhiều nhà khoa học giờ đang nói nói về Chúa Trời trong khi họ không hề có một đức tin tôn giáo nào. 
Nhiều nhà khoa học giờ đang nói nói về Chúa Trời trong khi họ không hề có một đức tin tôn giáo nào (Ảnh: Moroni’s Latter-Day Saint Page)
Những khám phá gây ‘choáng váng’ này là gì mà khiến các nhà khoa học bất ngờ khi nói về Đấng Sáng Thế? Có thể kể đến 3 khám phá mang tính cách mạng từ các lĩnh vực thiên văn học và khoa học phân tử.
  1. Vũ trụ có một sự khởi đầu
  2. Vũ trụ thích hợp cho sự sống
  3. Mã hóa DNA tiết lộ về trí thông minh
Những tuyên bố mà các nhà khoa học hàng đầu đã đưa ra về những khám phá này sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Vũ trụ đã từng có một sự khởi đầu
Kể từ buổi bình minh của thời đại văn minh, con người đã ngước nhìn lên các vì sao, tự hỏi chúng là gì và làm sao chúng có thể ở đó. Dù cho trên bầu trời đêm trong vắt, đôi mắt trần của con người chỉ có thể nhìn thấy được 6.000 vì sao, Hubble và những loại kính viễn vọng công suất lớn khác đã phát hiện ra rằng có tới một tỷ nghìn tỷ ngôi sao tụ hợp trong hơn 100 tỷ ngân hà. Thực tế, Mặt trời của chúng ta chỉ như một hạt cát giữa các bãi biển trên thế giới. Nhưng trước thế kỉ 20, phần lớn các nhà khoa học đều tin rằng dải ngân hà của chúng ta đã là toàn bộ vũ trụ và chỉ có khoảng 100 triệu ngôi sao tồn tại.
Người ta từng nghĩ rằng vũ trụ chỉ vỏn vẹn trong phạm vi của Hệ Ngân hà (Ảnh: apod.nasa.gov)
Phần lớn các nhà khoa học quá khứ tin rằng vũ trụ của chúng ta chưa từng có một sự khởi đầu. Họ tin rằng những khối vật chất, không gian, và năng lượng hợp thành toàn bộ vũ trụ của chúng ta vẫn luôn tồn tại. Nhưng trong đầu thế kỉ 20, nhà thiên văn Edwin Hubble đã khám phá ra vũ trụ đang mở rộng. Quay ngược trở lại quá trình một cách chính xác, ông đã tính toán được rằng mọi thứ trong vũ trụ này, vật chất, năng lượng, không gian, và thậm chí là cả thời gian của nó đã thực sự có một sự khởi đầu.
Những cơn chấn động này đã lan tới cộng đồng các nhà khoa học. Nhiều nhà khoa học bao gồm Einstein đã phản ứng một cách tiêu cực. Trong những gì mà Einstein sau đó gọi là “sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi”, ông làm vội những phương trình để tránh ngụ ý rằng vũ trụ có một sự khởi đầu. Có lẽ người phản đối lớn tiếng nhất về ý tưởng về việc vũ trụ có một sự khởi đầu là nhà thiên văn người Anh Frederick Hoyle – người đã chế nhạo cách đặt tên sự tạo thành này là “Big Bang”. Ông kiên quyết tin vào học thuyết của mình về việc vũ trụ vẫn luôn tồn tại. 
Vũ trụ xác thực có một sự khởi đầu (Ảnh: TLR News)
Cuối cùng vào năm 1992, những thí nghiệm của vệ tinh COBE đã chứng minh rằng vũ trụ thực sự đã có một sự khởi đầu trước đây trong một tia sáng và năng lượng kinh ngạc. Cho dù vài nhà khoa học đã gọi nó là khoảnh khắc của sự tạo thành, được đề cấp đến như là “Big Bang”. Nhà thiên văn Robert Jastow đã cố gắng giúp chúng ta hình dung về việc mọi thứ đã bắt đầu như thế nào.
“Bức tranh cho thấy vụ nổ của quả bom khí hydro khổng lồ. Khoảnh khắc mà quả bom khổng lồ phát nổ đã đánh dấu sự khai sinh của vũ trụ”. Kết luận cuối cùng là mọi thứ trong vũ trụ này đều tới từ hư không.
Nếu mọi chuyện diễn ra thông thường, vụ nổ Big Bang sẽ không khác gì một vụ nổ hạt nhân ở trên không trung, phá hủy mọi thứ thay vì tạo ra sự sống (Ảnh: Pinterest)
Khoa học không có khả năng cho chúng ta biết rằng điều gì hay ai đó đã khiến cho vũ trụ này bắt đầu. Nhưng một số người tin rằng nó rõ ràng chỉ ra một Đấng Tạo Hóa. Nhiều nhà khoa học trong số những người theo thuyết Bất Khả Tri cho rằng chỉ có duy nhất một lời giải thích cho việc xảy ra vụ nổ Big Bang đó là bởi bàn tay vĩ đại với năng lực thần thánh của Đấng Sáng Thế.
Các nhà vũ trụ học – những người chuyên nghiên cứu về vũ trụ và nguồn gốc của nó đã sớm nhận ra rằng vụ nổ vũ trụ sẽ giống như một vụ nổ hạt nhân, và không thể mang tới bất kể một sự sống nào trừ khi nó được thiết kế một cách chính xác để làm như vậy. Và điều đó có nghĩa rằng người thiết kế ra nó hẳn phải lên kế hoạch trước đó. Họ bắt đầu sử dụng những từ như “Đấng Tạo Hóa”, “Siêu Trí Tuệ” hay thậm chỉ là “Đấng Tối Cao” để mô tả về người thiết kế này.
Vũ trụ được tinh chỉnh cho sự sống
Các nhà vật lý tính toán rằng để sự sống có thể tồn tại, trọng lực và các định luật vật lý khác chi phối vũ trụ của chúng ta cần phải được điều chỉnh một cách vô cùng chính xác nếu không vũ trụ của chúng ta không thể tồn tại. Ví dụ, bạn có biết rằng nếu tốc độ nở ra của vũ trụ chỉ cần yếu hơn một chút, trọng lực sẽ kéo tất cả các vật chất trở thành một “Vụ Co Lớn” (Big Crunch – là một giả thuyết về sự quy tụ của vũ trụ trở lại một điểm sau khi nó ngừng nở ra sau Vụ Nổ Lớn). Stephen Hawking viết:
“Nếu tốc độ nở ra một giây sau vụ nổ Big Bang mà nhỏ hơn kể cả một phần một trăm ngàn triệu triệu, vũ trụ sẽ tái sụp đổ trước khi nó có thể đạt tới kích thước hiện tại của nó ”.
Trái lại, nếu tỷ lệ nở ra chỉ cần lớn thêm một phần nhỏ, tất cả các thiên hà, ngôi sao và các hành tinh có thể đã không bao giờ hình thành, và chúng ta sẽ không thể xuất hiện.
Những người theo thuyết vô khả tri đã không thể giải thích được “những sự trùng hợp ngẫu nhiên” rõ rệt cho các yếu tố vô cùng hợp lý khiến sự sống xuất hiện trong vũ trụ (Ảnh: tinhhoa)
Để sự sống có thể tồn tại, các điều kiện trong hệ mặt trời của chúng ta và hành tinh của chúng ta cũng cần phải thật chính xác. Ví dụ, chúng ta đều nhận ra rằng nếu không có bầu khí quyển chứa khí oxy, không ai trong chúng ta sẽ có thể hít thở được. Và không có oxy, nước không thể tồn tại. Không có nước sẽ không có mưa cho cây trồng của chúng ta. Các yếu tố khác như canxi, hydro, nitơ, natri, cacbon và phốt pho cũng rất cần thiết cho sự sống. Nhưng điều đó cũng không phải là tất cả những gì cần thiết để sự sống có thể tồn tại.
Kích thước, nhiệt độ, khoảng cách tương đối, và lớp bao phủ hóa học của hành tinh, Mặt trời, và Mặt trăng của chúng ta cũng cần phải thật chính xác. Và có lẽ phải có đến hàng tá điều kiện khác mà cần phải thật chính xác. Các nhà khoa học tin tưởng vào Chúa Trời có thể đã liệu trước sự điều chỉnh như vậy, nhưng những người vô thần và những người theo thuyết vô khả tri đã không thể giải thích được “những sự trùng hợp ngẫu nhiên” rõ rệt này.
Vũ trụ: Tai nạn hay một phép màu?
Xác suất của sự tồn tại sự sống con người tình cờ xảy ra từ vụ nổ bất ngẫu nhiên trong lịch sử vũ trụ là bao nhiêu? Để sự sống của con người có thể có được hình thành từ một vụ nổ lớn (Big Bang) hoàn toàn chịu ảnh hưởng theo các quy luật về xác suất.
Xác suất của một vụ nổ Big Bang ngẫu nhiên tạo thành sự sống như chúng ta biết sẽ giống như một người thắng được trên một ngàn giải xổ số mega-million liên tiếp sau khi mua chỉ một vé cho mỗi lần chơi (Ảnh: VOA)
Một nhà thiên văn học tính toán xác suất là ít hơn một phần một ngàn tỷ nghìn tỷ nghìn tỷ nghìn tỷ nghìn tỷ… Nói cách khác, xác suất một người bị bịt mắt có thể tìm thấy một hạt cát đã được đánh dấu trong tất cả các hạt cát ở trên tất cả các bãi biển trên thế giới còn lớn hơn nhiều.
Xác suất của một vụ nổ Big Bang ngẫu nhiên tạo thành sự sống như chúng ta biết sẽ giống như một người thắng được trên một ngàn giải xổ số mega-million liên tiếp sau khi mua chỉ một vé cho mỗi lần chơi (mega-million là một hình thức chơi xổ số của Mỹ). Không thể xảy ra đúng không nào? Thực sự không thể. Vì vậy, nhiều nhà khoa học kết luận: Một người nào đó đằng sau hậu trường đã thiết kế và tạo ra vũ trụ. Nhưng, có những người khác vẫn đang tìm kiếm giải thích khác cho sự tồn tại của vũ trụ của chúng ta.
DNA: Ngôn ngữ của sự sống
Gần đây nhất là năm 1953, các nhà sinh học phân tử đã phát hiện ra một thiết kế rắc rối phức tạp trong thế giới vi mô của DNA. Phân tử nhỏ bé này được gọi là “những bộ não” của mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta cũng như trong mọi sinh vật sống khác. Tuy nhiên, càng khám phá nhiều về DNA, họ càng kinh ngạc về sự lỗi lạc đằng sau nó. Các nhà khoa học tin rằng thế giới vật chất là tất cả những thứ tồn tại quanh ta, như Richard Dawkins, cho rằng ADN phát triển bởi sự lựa chọn tự nhiên mà không cần có Đấng Tạo Hóa.
Ngay cả những người ủng hộ thuyết tiến hóa nhất vẫn phải thừa nhận rằng nguồn gốc của sự rắc rối phức tạp và huyền diệu của DNA là không thể giải thích được (Ảnh: genomecompiler.com)
Nhưng ngay cả những người ủng hộ thuyết tiến hóa nhất vẫn phải thừa nhận rằng nguồn gốc của sự rắc rối phức tạp của DNA là không thể giải thích được. Sự phức tạp của DNA đã khiến đồng nghiệp của ông là Francis Crick tin rằng nó không thể được tạo ra trên Trái đất một cách tự nhiên. Ông tin rằng sự sống quá phức tạp để có thể được tạo ra trên Trái đất, và ắt hẳn nó phải tới từ không gian xa hơn bên ngoài kia.
Những mã hóa đằng sau DNA cho thấy rằng trí tuệ lớn như vậy có thể khiến ngay cả trí tưởng tượng của chúng ta cũng phải bối rối. Chỉ một lượng DNA thôi cũng đã chứa đựng thông tin tương đương với một lượng sách mà có thể bao quanh thế giới tới 5000 lần. Và DNA hoạt động giống như ngôn ngữ với mã phần mềm cực kỳ phức tạp của riêng nó.
Chỉ một lượng DNA cũng đã chứa đựng thông tin tương đương với một lượng sách mà có thể bao quanh thế giới tới 5000 lần, phức tạp hơn nhiều lần bất cứ ngôn ngữ lập trình nào chúng ta đang có (Ảnh: inhabitat.com)
Vào đầu thế kỷ 21, người theo thuyết vô thần nổi tiếng Antony Flew, người chưa từng tin về những điều này trong suốt cuộc đời mình đã bất ngờ và thậm chí nghiên cứu về trí tuệ đáng kinh ngạc phía sau DNA. Flew giải thích những gì đã khiến ông thay đổi quan điểm của mình:
“Những gì tôi nghĩ về việc các chuỗi phân tử DNA đã làm chính là để cho thấy trí tuệ như vậy chắc hẳn phải liên quan đến việc khiến những phân tử đa dạng và đặc biệt này lại liên kết với nhau. Tôi thấy rằng những thành quả có được một cách vô cùng phức tạp đó giống như việc làm của một trí tuệ… Hiện tại dường như tôi cho rằng những phát hiện sau hơn năm mươi năm nghiên cứu về DNA đã cung cấp những tài liệu cho một lý luận mới đầy sức mạnh”.
Sự sống và Vũ trụ đều có dấu vết bàn tay của Đấng Tạo Hóa
Phải chăng các nhà khoa học giờ đây đã thuyết phục chúng ta rằng có một Đấng Tạo Hóa đã để lại “dấu tay” của mình trong vũ trụ này? Mặc dù nhiều nhà khoa học vẫn có khuynh hướng gạt Chúa Trời ra khỏi sự hình thành vũ trụ, nhưng hầu hết đều nhận ra những sự liên quan đến tôn giáo của những khám phá mới này.
Đấng Tạo Hóa đã để lại “dấu tay” của mình trên mọi thứ trong vũ trụ này (Ảnh: crossmap.com)
Vậy sẽ ra sao nếu sau tất cả, Đáng Sáng Thế thực sự tồn tại?
Nếu có một Đấng Tạo Hóa với trí tuệ siêu phàm, vậy thì người đó trông như thế nào? Phải chăng người ấy chỉ như là một “lực lượng vũ trụ” như trong phim Star Wars, hay anh ta là một cá nhân như chúng ta? Vì chúng ta là những cá nhân và những quan hệ, liệu người tạo ra chúng ta cũng có những cá nhân và quan hệ?
Nhiều nhà khoa học như Arthur L. Schawlow – Giáo sư tại Đại học Stanford và là người đoạt giải Nobel vật lý, ông tin rằng những khám phá mới này chứng minh bằng chứng thuyết phục cho sự tồn tại của một vị Sáng Thế Chủ. Ông viết: “Với tôi, dường như khi đối mặt với những điều kỳ diệu của cuộc sống và vũ trụ, người ta phải hỏi tại sao chứ không phải làm thế nào. Những câu trả lời duy nhất có thể là tôn giáo… Tôi tìm thấy sự cần thiết có một Chúa Trời trong vũ trụ và trong cuộc sống của chính mình “.
Như chúng ta đã thấy, khoa học không thể trả lời những câu hỏi về Đấng Sáng Thế và mục đích của sự sống. Tuy nhiên, Kinh thánh đã đúng về sự sáng tạo từ hư không và chắc chắn còn ẩn chứa nhiều huyền cơ khác nữa.
Vậy Đấng Sáng Thế có thể là ai?
Hai ngàn năm trước, một người đàn ông đặt chân lên hành tinh của chúng ta, Người tuyên bố sẽ có câu trả lời cho sự sống. Mặc dù sự xuất hiện của Ngài trên Trái đất là ngắn ngủi, nhưng tác động Ngài đã làm thay đổi thế giới cho đến tận hôm nay. Tên của Người là Jesus Christ.
Cùng thời điểm đó, tại phương Đông, hai nhân vật lỗi lạc khác là Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử cũng đồng thời hạ thế để giáo hóa con người.
Những ghi chép cổ xưa kể lại rằng những vị giác giả này liên tục chứng minh năng lực sáng tạo vượt trên các quy luật tự nhiên. Họ thông thái, khiêm nhường và từ bi.
Những vị giác giả như Jesus, Phật Thích Ca liên tục chứng minh năng lực sáng tạo lên trên các quy luật tự nhiên (Ảnh: Tinhhoa)
Nhưng liệu họ có phải chính là những người mà Einstein đã vô tình nhắc tới là “siêu trí tuệ” đằng sau vũ trụ?
Nghiền ngẫm Kinh Thánh có thể cho chúng ta thấy một ám chỉ rằng Thiên Chúa mới là người đã ném các ngôi sao vào không gian, tinh chỉnh vũ trụ của chúng ta và tạo ra DNA chứ không phải chúa Jesus.
Trong Do Thái giáo, chúa Jesus được xem là sứ giả của Thiên Chúa, một vị lãnh đạo được Thiên Chúa sai đến để giải cứu dân Chúa.
Nhiều tôn giáo lớn chỉ thừa nhận chúa Jesus là sứ giả của Sáng Thế Chủ. (Ảnh: Catholic Herald)
Kinh Koran của Hồi giáo thì khẳng định Jesus là một nhà tiên tri quan trọng của Thiên Chúa người mang lại Injil (Phúc âm), có thể làm những phép lạ nhưng không mang đặc tính thần linh.
Đạo Đức Kinh và kinh Phật cũng không có chỗ nào viết rằng Lão Tử và Phật Thích Ca đã tạo ra thế giới. Họ là những người cùng thời với chúa Jesus và dường như cùng được phái xuống thế gian cho một sứ mệnh nào đó thay vì kiến tạo vũ trụ.
Như vậy, Sáng Thế Chủ xác thực là một người chúng ta mới chỉ nghe chứ chưa từng được biết đến. Ngài chắc chắn có quyền năng vô hạn, tạo ra sinh mệnh, khống chế các chiều không thời gian và vượt trên cả sự sống chết thường tình. Con người ở thế gian làm sao để có thể biết được Người? Chỉ có tu luyện, đề cao đạo đức và gìn giữ tín tâm là cách thức duy nhất để có được hồng ân và phúc phận to lớn đó.
Nhật Quang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyển đi rồi lại chuyển về

Thương mại toàn cầu đang biến đổi:

NVP

Nếu xem cốt truyện các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là một chỉ dấu cho tương lai thật thì có lẽ nền sản xuất kiểu mới chỉ dựa vào công nghệ in 3D sẽ đến trong một ngày không xa. Khá nhiều cuốn khoa học viễn tưởng đặt bối cảnh trong tương lai gần đã miêu tả cặn kẽ chuyện in 3D để làm ra hầu hết mọi thứ nhân loại cần, từ tàu vũ trụ đến máy móc, từ cây kim sợi chỉ cho đến cả thế hệ máy in 3D đời sau!

Trong thực tế nền thương mại toàn cầu trong mấy chục năm trở lại đây dựa vào một nguyên lý: các nước chỉ làm ra những sản phẩm họ có lợi thế so sánh nhất, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán khắp thế giới; còn lại những sản phẩm họ không có lợi thế thì sẽ đi mua về dùng. Nay nền sản xuất của thế giới trải qua những thay đổi lớn, dù chưa đến mức dùng toàn máy in 3D, ắt thương mại toàn cầu sẽ thay đổi theo.

Lợi thế so sánh trước nay thường dựa vào các yếu tố như nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào; cộng thêm các yếu tố mang tính can thiệp như hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ để từ đó hình thành nên các công trường sản xuất hàng hóa cho cả thế giới mà Trung Quốc là một điển hình. Nhìn ở góc độ lợi ích quốc gia và lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia thì sự “phân công lao động” kiểu đó, nơi có nước chuyên lắp ráp hàng hóa, đạp máy may làm ra áo quần, tiện ốc, đúc thép… có nước chuyên lo thiết kế, nghĩ ra mẫu mã mới rồi tiếp thị, bán hàng, là tận dụng được hết mức năng lực của mọi người trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Nói vậy, không lẽ những thành viên trong nội các chính phủ Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump không hiểu rõ, rằng cố duy trì một hai nhà máy lắp ráp máy lạnh, máy giặt ở lại nước Mỹ để duy trì việc làm cho một số người dân chẳng đem lại lợi ích gì to lớn cho nước Mỹ. Không lẽ họ không biết Appletổ chức sản xuất, lắp ráp iPhone ở Trung Quốc là có lợi nhất vì nhờ đó Apple đang hưởng phần bánh lớn nhất khi tính lợi nhuận từ chiếc iPhone đem về.

Thế nhưng nhìn từ góc độ từng cá nhân tham gia vào chuỗi toàn cầu hóa đó, sự “phân công lao động” như thế tước đi của họ quyền mưu sinh theo đúng khả năng của họ. Nhiều dân Mỹ chỉ thích làm cho nhà máy sản xuất thép; họ đâu muốn “vươn lên” ngồi làm việc bàn giấy,tìm thị trường mới cho ngành thép đâu. Chính vì góc nhìntheo số phận cá nhân này mà nền sản xuất hậu toàn cầu hóa đang có những thay đổilớn.

Một chuyện khác: máy in 3D thì chưa phổ biến như kiểu trong các cuốn khoa học viễn tưởng nhưng sử dụng robot trong sản xuất đã khá phổ biến. Chẳng mấy chốc, yếu tố nhân công giá rẻ không còn là ưu tư lớn nhất khi doanh nghiệp cân nhắc vị trí địa lý để đặt nhà máy nữa rồi. Yếu tố chi phí nhân công không quan trọng nhưng lại trở thành vũ khí hữu hiệu để thu phục nhân tâm nên trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lô-gích tương tự lô-gích “nước Mỹ trước hết” của Donald Trump.

Còn nhớ cách đây chừng chục năm, một từ thời thượng lúc đó là offshore thì nay từ này đã được thay thế bởi từ reshoring mang nghĩa trái ngược, miêu tả nỗ lực của nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất về lại cố quốc. Các trường hợp thành công được báo chí tô đậm, từ loại doanh nghiệp vừa như ET Water Systems đến doanh nghiệp lớn như General Electric, đã quyết định chuyển các dây chuyền sản xuất máy giặt, máy lạnh, máy sưởi từ Trung Quốc về lại Kentucky, Mỹ.

Bỗng nhiên người ta nhận ra, thương mại thế giới quanh các sản phẩm hữu hình không còn quan trọng như ngày trước. Từ đó ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển: từ mua bán hàng hóa vật chất chuyển sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới.

Thử nhìn các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, họ đang chào bán những gì? Đó là các loại công nghệ như với Facebook là công nghệ kết nối con người, Google là hàng loạt công nghệ nền tảng cho hoạt động của Internet, Microsoft là công nghệ phần mềm, Amazon là công nghệ lưu trữ trên mây… Trong phim ảnh thì có Netflix, trong âm nhạc trực tuyến có Apple Music… Loại hàng hóa này được cung cấp vô hình xuyên qua biên giới, nơi các rào cản về thuế chưa chín muồi, nhiều nước chưa biết ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Lấy ví dụ trong một tương lai gần, Amazon từ Mỹ hay Alibaba từ Trung Quốc có thể chào mời một nền tảng hạ tầng bán lẻ mà các nhà bán lẻ trong nước khó lòng từ chối. Thử hình dung theo kiểu các doanh nghiệp này xây sẵn các ngôi chợ trực tuyến khổng lồ, các sạp hàng đầy đủ tiện ích, từ quảng bá, có sẵn khách mua đến phương tiện thanh toán dễ dàng tiện dụng, ai dám từ chối tham gia. Vì từ chối để tự mình xây chợ hay sạp tương tự thì khó lòng thành công. Vậy Amazon hay Alibaba không tốn nhân lực qua tận đây, không cần biết đến thủ tục xuất nhập khẩu, không cần sự hiện diện tại chỗ, vẫn tiến hành giao thương quốc tế thành công. Và đó là diện mạo của thương mại toàn cầu trong tương lai.

Thật ra hiện naychúng ta đã tham gia “nhiệt tình” từ sáng đến tối vào cuộc toàn cầu hóa kiểu mới này rồi, như xài Gmail của Google,nhắn tin bằng Viber,kết nối bằng Facebook để “tám chuyện” khắp nơi, nghe nhạc của Spotify, xem phim của Netflix, gọi điện kiểu video với Facetime, học tiếng Anh qua Duolingo… Tương tác kiểu đó với các dịch vụ do doanh nghiệp tận đâu đâu cung cấp nền tảng chiếm khá nhiều thời gian và công sức của chúng ta, còn hơn cả hình dung của bất kỳ nhà đàm phán nào từng đàm phán chuyện gia nhập WTO cách đây 10 năm!

Từ đó mới thấy ưu tiên cho chính sách thương mại tự do nay đã khác trước. Sẽ không còn quan trọng chuyện cắt giảm thuếthay vào đó là các hàng rào kỹ thuật mới, liên quan đến công nghệ số, đến chủ quyền số và thông tin người dùng. Sẽ không trông đợi gì nhiều việc kèm đầu tư nước ngoài FDI vào gói đàm phán vì các yếu tố thu hút đầu tư đã khác trước, không còn chỉ dựa vào công nhân hay thuế. Sở hữu trí tuệ, nền tảng của các công nghệ chào bán, sẽ chiếm phần quan trọng và sẽ được bảo vệ nghiêm nhặt hơn bao giờ hết.

Lấy ví dụ Trung Quốc, với tầm nhìn 10 năm tới, mong muốn đóng vai trò quan trọng trong công nghệ sản xuất ô tô chạy điện, đã đàm phán, thúc dục, ép buộc, thuyết phục, nói chung là bằng mọi cách, lôi kéo sự tham gia của các hãng ô tô lớn trên thế giới vào quá trình này. Họ cũng làm vậy với các ngành khác như sản xuất rô-bốt, chip điện thoại thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong một kế hoạch gọi là “Made in China – 2025”. Đó là họ đang chuẩn bị cho một tương lai khi Trung Quốc không còn đóng vai trò công trường sản xuất hàng hóa tiêu dùng bình thường cho thế giới nữa.

Hiện nay giao thương quốc tế của Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì họ chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Đáng tiếc họ cũng chỉ mạnh trong loại hàng hóa vật chất chứ không phải loại hàng hóa vô hình nói ở trên. Điều đáng lo ngại là các thế mạnh làm nên lợi thế so sánh của Việt Nam đang bị bào mòn, kể cả lợi thế về công nhân. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ chứng kiến sự đảo ngược theo xu hướng reshoring và, khác với công xưởng Trung Quốc, chúng ta chưa làm gì để tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại.

Chỉ còn lại một thế mạnh có thể khai thác: đó là xem Việt Nam như một thị trường đáng kể với sức mua ngày càng tăng. Cộng với nông sản, thủy sản là thứ thế giới dù theo toàn cầu hóa hay theo dân tộc chủ nghĩa vẫn phải cần dùng, hy vọng Việt Nam nhanh chóng tìm được cách mặc cả để vẫn có thể tham gia vòng toàn cầu hóa mới mà không quá thua thiệt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang