Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Cùng một cái mồm


Cái đận còn đánh nhau, mỗi khi dân làm được điều gì cho các ông bà ấy, thì các ông bà ấy rộng rãi hào phóng lời khen lắm, nào là hoạt động có tổ chức, ý thức giác ngộ cao, mưu trí, sáng tạo, trí tuệ tập thể, sức mạnh vĩ đại, v.v.., lại còn tán tụng thơ nữa "dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Khi bị các ông bà ấy đè nén, người ta không chịu nổi, vùng dậy phản kháng, ngay lập tức, cũng cái mồm ấy, quy kết cho nhân dân đủ thứ tội, nào là hành vi quá khích, hành vi gây rối, đối tượng quá khích, thế lực thù địch, hành động tự phát, bị dụ dỗ, bị giật dây, vi phạm pháp luật, v.v.., đòi dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (lời ông Chánh VP Chính phủ).

Thế hóa ra pháp luật chỉ dành cho các ông các bà, chỉ để bảo vệ các ông các bà thôi à.

Để chiều ý các ông các bà, khi bị dí dao vào cổ, móc thủng mẹ nó túi để vét đồng xu cuối cùng cũng cứ phải vâng vâng dạ dạ chắc, để đừng bị coi là hành vi quá khích chắc.

Lúc cần dân thì khen dân hay dân giỏi, khi đá dân thì bảo dân xấu dân ngu.

Huy động cả đảng, chính quyền, công an, ngân hàng, bốt cướp... vào cuộc, liệu có thắng được dân không.

Hãy sớm tỉnh lại đi.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mô-men quán tính hình thành do sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp khiến Trái Đất chịu một số tác động tiêu cực.


Đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được xây dựng suốt trong 10 năm từ 1994-2004. Công trình đập lớn nhất hành tinh này được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế xã hội nhưng thực tế vận hành hơn 10 năm qua ngày càng bộc lộ rõ những tác động của nó tới môi trường sinh thái.
Mới đây, một báo cáo được đăng tải trên trang Futurism chỉ ra rằng, khối lượng nước khổng lồ được tích trữ tại đập Tam Hiệp đủ để làm thay đổi chuyển động quay, làm lệch cực từ và biến đổi hình dạng vỏ Trái Đất.
Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao (Ảnh: taviba)
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới về tổng công suất sau khi công trình hoàn thành. Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39,3 km3 và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỷ tấn. Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632 km2.
Theo nghiên cứu, sự dịch chuyển của 42 tỷ tấn nước nêu trên lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ tác động đến chuyển động quay của Trái Đất do hiện tượng mang tên mô-men quán tính, trong đó quán tính của một vật thể rắn xoay tròn sẽ tương ứng với chuyển động quay của nó.
Lượng nước trong hồ chứa vào khoảng 42 tỉ tấn (Ảnh: antg)
Khoảng cách từ vật thể tới trục quay của nó càng lớn, vật thể càng quay chậm hơn. Ví dụ, một vận động viên trượt băng nghệ thuật phải ép sát cánh tay vào cơ thể để giảm mô-men quán tính nếu muốn xoay tròn nhanh hơn. Tương tự, một vận động viên lặn muốn nhảy lộn nhào nhanh hơn sẽ chọn tự thế ôm gối.
Theo tính toán của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ảnh hưởng kể trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, các điểm cực lệch đi khoảng hai centimet, vỏ Trái Đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh.
Hình dạng và cực từ của Trái đất bị ảnh hưởng ít nhiều do đập Tam Hiệp gây ra (Ảnh: NASA)
Các nhà nghiên cứu cho rằng tác động này không đáng lo ngại bởi chuyển động quay của Trái Đất thay đổi thường xuyên do ảnh hưởng của Mặt Trăng và động đất.
Mặt Trăng rút ra xa dần Trái Đất sẽ làm chuyển động quay của hành tinh thay đổi nhẹ. Siêu động đất năm 2011 ở Nhật Bản từng khiến ngày trên Trái Đất dài thêm 2,68 giây.
Trung Quốc hiện đau đầu với những hệ luy do đập Tam Hiệp gây ra (Ảnh: cfr.org)
Mặc dù vậy, đây rõ ràng là một bằng chứng khách quan khác cho thấy tính bất hợp lý ở công trình thế kỷ này. Đây là một hậu quả vô cùng đáng tiếc bởi ngay khi dự án trị giá tới 30 tỷ USD này được công bố, chính quyền Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt từ giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường.
Giới chuyên gia đã đưa ra những phân tích trực quan chỉ rõ việc xây đập nước này là “mất nhiều hơn được”. Nó sẽ phá hoại hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, động đất, lở đất, xáo trộn cuộc sống của 1,3 triệu người dân và nhấn chìm phá hủy hàng loạt các di tích lịch sử có giá trị lớn. Và nay, điều này một lần nữa được chứng minh.
Nhật Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vòng xoắn trên các Lỗ Đen cho thấy vụ nổ lớn Big Bang chưa từng xảy ra

Chúng ta có thể đang sống trong một vũ trụ co giãn thay vì hình thành bởi vụ nổ lớn Big Bang.
Juliano César Silva Neves – nhà vật lý từ trường Đại học Campinas ở Brazil không phải là một người hâm mộ ý tưởng ‘thời gian được bắt đầu với cái gọi là Big Bang’. Thay vào đó, ông hình dung ra một sự co lại theo sau bởi sự nở ra, điều mà thậm chí có thể vẫn đang mang những vết tích của mốc thời gian trước đó.
Ý tưởng này tự nó không phải là mới, nhưng Neves đã sử dụng một mẹo toán học 50 năm tuổi mô tả lỗ đen để cho thấy Vũ trụ của chúng ta không cần thiết phải có một sự khởi đầu nhỏ bé như vậy để tồn tại.
Thoạt nhìn, vũ trụ của chúng ta dường như không có nhiều điểm tương đồng với các Lỗ đen. Một là không gian nở ra chứa đầy các đám nhỏ lộn xộn; tiếp theo là khối lượng kéo trong không gian nặng đến nỗi thậm chí ánh sáng cũng không có hy vọng có thể thoát ra được.
Nhưng điểm trung tâm của cả hai nằm ở một khái niệm gọi là điểm kỳ dị (singularity) – một khối năng lượng vô cùng dày đặc, chúng ta thậm chí không thể bắt đầu việc giải thích những gì đang diễn ra bên trong nó.
Neves nói: “Có hai loại điểm kỳ dị Vũ trụ. Một trong số đó được cho là điểm kỳ dị vũ trụ, hay Big Bang. Điểm còn lại ẩn sau chân trời sự kiện của một lỗ đen.”
Báo cáo được công bố dựa trên kết quả nghiên cứu các vòng xoáy hố đen (Ảnh: TopTenz)
Tiến thêm một bước xa hơn, một số đề xuất rằng Vũ trụ được hình thành từ một lỗ đen trong vài bong bóng thời gian – không gian khác.
Cho dù chúng ta đang nói đến loại nào, những điểm kỳ dị là các vùng mà Thuyết tương đối rộng của Einstein trở nên mù quáng và cơ học lượng tử phải vật lộn để có thể thay thế được.
Các nhà văn viết về khoa học viễn tưởng có thể yêu thích chúng, nhưng bản chất không thể của điểm kỳ dị làm cho chúng trở thành một điểm gây tranh cãi giữa các nhà vật lý.
Vấn đề là, nếu chúng ta tua lại cảnh Vũ trụ đang nở ra, chúng ta sẽ tới được một điểm mà tất cả khối lượng và năng lượng đó tập trung ở một điểm cực kỳ dày đặc. Và nếu chúng ta tính toán số lượng các khối vật chất đang co lại, chúng ta sẽ có cùng một loại vật chất.
Những điểm kỳ dì có thể phá vỡ các quy tắc vật lý, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể chế ngự chúng.
Mặt khác, một số nhà vật lý nghĩ rằng có một số điểm có thể cần suy xét lại. Về mặt lý thuyết mà nói, không phải tất cả các loại lỗ đen đều cần một điểm kỳ dị để tồn tại.
Neves cho biết: “Không có điểm kỳ dị nào trong các lỗ đen thông thường.”
Năm 1968, một nhà vật lý có tên James Bardeen đưa ra giải pháp cho vấn đề điểm kỳ dị này. Ông đã đưa ra một cách mô tả toán học về các lỗ đen đã thoát khỏi nhu cầu cần một điểm kỳ dị ở một nơi nào đó vượt ra khỏi chân trời sự kiện của nó, chúng được gọi là “những lỗ đen thông thường”.
Lịch sử và lý luận đằng sau mô hình của Bardeen là siêu dày đặc; nhưng đối với một phiên bản tl;dr (too long; didn’t read – dài quá không đọc) ông cho rằng khối lượng ở trung tâm của một lỗ đen không nhất thiết phải là một hằng số, mà có thể mô tả bằng cách sử dụng một hàm số phụ thuộc vào việc bạn đã cách xa trung tâm của nó bao nhiêu.
Vụ nổ Big Bang có thể không tồn tại (Ảnh: Genk)
Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể không cần quan tâm tới bất kỳ điểm kỳ dị ngu ngốc nào, vì khối lượng vẫn hoạt động như thể nó có trọng lượng. Ngay cả khi nó vẫn còn bị ép chặt không gian chật hẹp.
Neves gợi ý rằng chúng ta sẽ mang công trình của Bardeen thậm chí còn đi xa hơn nữa và áp dụng nó vào các điểm kỳ dị phiền toái khác – loại vũ trụ trước cả Big Bang.
Bằng cách giả định tốc độ nở ra của Vũ trụ không chỉ phụ thuộc vào thời gian, mà cả phạm vi của nó, ông cho thấy không cần phải có một bước nhảy vọt lượng tử từ một điểm kỳ dị vào một không gian dày đặc và rộng lớn vào khoảng 13.82 tỷ năm trước.
Vậy điều gì đã xảy ra thay vào đó?
Neves cho biết: “Việc loại trừ điểm kỳ dị hay Big Bang đã mang Vũ trụ co giãn nảy trở lại sân khấu lý thuyết của vũ trụ học.
“Vũ trụ co giãn” này thực sự là một ý tưởng thâm niên mà Vũ trụ đang nở ra như chúng ta trải nghiệm ngày hôm nay là không gian co giãn trở lại ra phía ngoài sau sự co lại trước đó.
Mặc dù hiện tại nó là một khái niệm giao thoa trong vũ trụ học, Neves ủng hộ quan điểm cho rằng dấu vết của Vũ trụ co lại trước đó có thể đã tồn tại trong Vụ co lớn (Big Crunch). Nếu vậy, việc tìm ra những vết tích này có thể giúp xác minh giả thuyết đó.
Neves cho biết: “Hình ảnh về chuỗi kéo dài vĩnh cửu của các vũ trụ với sự nở ra và co lại xen kẽ được gọi là Vũ trụ tuần hoàn, bắt nguồn từ các vũ trụ luận về sự giãn nở.”
Cho đến khi chúng ta có được những quan điểm vững chắc, mô hình vũ trụ giãn nở ắt hẳn sẽ luôn có mặt trong danh sách những ý tưởng tuyệt vời.
Tuy nhiên, bất cứ điều gì có thể giải quyết vấn đề về điểm kỳ dị đều đáng được điều tra. Công trình của Neves chỉ là một trong một số giải pháp khả quan quanh các giả định để loại bỏ sự cần thiết của việc không thể phá vỡ các định luật vật lý. Đó là một điểm nổi bật mà chúng ta sẽ cần phải giải quyết dù sớm hay muộn.
Nhật Quang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngồi câu trong bão!


Người ngồi câu trong cơn bão
Sấm rung lảo đảo mây trời
quán dột, ướt ba lần áo
biển dài cát lở
mưa bay..
Người có điên hay là mất trí?
Ngồi câu trên bờ biển này?
Thắc mắc vô cùng
ngại không dám hỏi
Cám ơn người cho một lời:
"Ngồi câu cốt lòng thanh thản..
Nếu không mềnh ốm thật rồi
Cứ sống tự ty, vô cảm
Biển nào còn đến hôm nay?"
Thức cả đêm dài,
ngĩ ngợi..
lời người có nói quá không?
 nhiều điều phải xem xét lại
Nếu không trống rỗng trong lòng!
Cái hôm Vũng Tàu nhớ mãi..
Bóng người ngồi câucuối ngày
bất chợt bão dông, động biển..
Biết có được chi 
mà say?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vụ khởi tố Mường Thanh: Vì sao lại có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”?


Liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, hôm qua Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án. Thế nhưng, trao đổi với PV lúc hơn 16 giờ chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “thông tin khởi tố là không chính xác”.
Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản có thế lực chống lưng?
Điều này khiến dư luận nghi ngại, vì sao chỉ đơn giản là khởi tố doanh nghiệp sai phạm, mà lại có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” như thế? Liệu đằng sau đó có điều gì đó khuất tất chăng?

Nói đến Mường Thanh người ta nghĩ ngay đến những sai phạm của tập đoàn này dọc chiều dài đất nước như: xây vượt tầng không phép, xây sai quy hoạch, thiếu hệ thống PCCC, xem thường pháp luật, trốn thuế và có dấu hiệu vi phạm về quản lý Nhà ở theo Điều 213 của Bộ luật Hình sự.…


Những sai phạm có hệ thống như thế này đã tồn tại tại 13 dự án của Mường Thanh, khiến người dân hoang mang, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính tập đoàn này hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù trước đó tướng Đoàn Duy Khương tuyên bố sẽ khởi tố Mường Thanh.

Thế nhưng dường như việc xử phạt hành chính không thỏa đáng, khiến dư luận ngày càng bức xúc, cho nên hôm qua ngày 30/11 ông Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên). Điều này khiến hàng ngàn người mua nhà tại tập đoàn này vui mừng vì họ được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Quan trọng là tính mạng của họ cũng được đảm bảo, không còn phải phập phòng lo sợ sự cố cháy nổ xảy ra, cướp đi tài sản tính mạng bất cứ lúc nào.

Thậm chí dư luận trong nước cũng hồ hởi vì những sai phạm dường như chính quyền sở tại những nơi dự án của Mường Thanh đi qua đều phải đầu hàng, thì nay đã bị xử lý. Điều đáng nói nữa là, việc xử lý Mường Thanh làm trong sạch môi trường cạnh tranh bất bình đẳng từ bấy lâu nay. Dư luận càng vui mừng hơn vì “cái lò chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cháy rực. Thế nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở lời nói, chứ không đi liền với hành động.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh

Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương Giám đốc Công an TP Hà Nội bác bỏ lời ông Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội rằng việc đã khởi tố Mường Thanh là không chính xác. Tướng Khương nêu rõ: “Thông tin cho rằng khởi tố là không chính xác. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xin ý của ba ngành tư pháp Trung ương gồm công an, tòa án, Viện Kiểm sát“. 

Tội của Mường Thanh đã rõ như ban ngày, có cả kết luận điều tra từ Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, thế nhưng đến nay vẫn không khởi tố. Nhiều người thắc mắc, vì sao ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội lại “lọng ngôn” như thế? Ông Nam thấy mình còn tư cách với cái chức danh Trưởng ban Pháp chế hay không, khi bị Tướng Khương “vạch trần” ý đồ bất chính? Vì sao lại có chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” như thế?

Câu chuyện của Mường Thanh khiến người viết nhớ lại vụ tương tự. Đó là trường hợp của công ty Thuận Phong sử dụng đất quốc phòng sản xuất phân bón giả khiến khoảng 60 triệu nông dân điêu đứng. Điều đáng nói là, để Thuận Phong không bị khởi tố công ty này đã “lopy” cho ông Trần Hùng – nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) – Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 5-10 tỷ để bỏ qua vụ Công ty Thuận Phong. Thế nhưng một người liêm khiết như ông Hùng thì tiền không thể làm ông mờ mắt được. “Thông tin cho rằng khởi tố là không chính xác. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xin ý của ba ngành tư pháp Trung ương gồm công an, tòa án, Viện Kiểm sát”, tướng Khương nêu rõ.

Liệu kịch bản này lại được tái diễn với Mường Thanh? Phải chăng Mường Thanh đã “lopy” ông Trưởng ban Pháp chế, mà quên mất ông Giám đốc Công an TP.HN? Hay tướng Khương cũng “trong sạch” như ông Trần Hùng nên khước từ phong bì dày cộm, dám đứng về lẽ phải? Liệu Tướng Khương có bị “bệnh” hay bị “từ chức” sao vụ này hay không? Chả lẽ vì Mường Thanh có mối quan hệ mật thiết với ông Thân Đức Nam Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và một số quan chức cấp cao, đã làm mọi chuyện làm rối tung dẫn đến mất đoàn kết nội bộ thế này?

(Tri thức trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi lòng hận thù được nuôi dưỡng


Mạnh Kim 
- Tiếng la hét cuồng nộ trong một không khí bạo lực dữ dội. Đó không chỉ là cuộc biểu thị của tức giận. Đó là sự bùng nổ. Sự bùng nổ giận dữ của con người không có sức công phá như bom đạn nhưng nó khủng khiếp đến mức có thể khiến thần kinh tê liệt.


Các phần tử nổi dậy đã lôi Gaddafi ra khỏi ống cống. Ảnh: Daily Mail

Tôi đang xem lại cảnh nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lôi ra từ ống cống và bị đánh tới tấp vào đầu. Gương mặt tên độc tài khát máu từng dùng bộ máy an ninh tàn ác cai trị đất nước 42 năm giờ mềm nhũn như một bao cát đầy máu trước những nắm đấm bung ra như từ những chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Trước đó 8 năm, người dân, không tấc sắt trong tay, như vốn dĩ, đã gào thét điên cuồng trong nỗi mừng không thể diễn tả bằng lời, khi hùa nhau giật sập và đập nát bét tượng Saddam Hussein.
Không như sự giận dữ, lòng hận thù không bột phát tự nhiên. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức, bằng chất liệu mà hệ thống cai trị tạo ra: sự khốn nạn. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó “hiệu ứng phụ” là sự oán thù. Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được “giải giáp” sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi dưỡng.

Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến “một đám dân mạng” trở nên “vô văn hóa”. Có phải đó là phản ứng trước sự bất lực và bế tắc của một xã hội trong đó người dân mỗi ngày chứng kiến hoặc gánh chịu hết bất công này đến bất công khác?

Sự “vô văn hóa” của đám đông, như lời một bà “tiến sĩ”, không phải là phản ứng tức giận nhất thời. Nó là sự bùng nổ của sự thù hận đang được nuôi mỗi ngày. Đừng nghĩ những tiểu xảo đánh lạc hướng dư luận là giải pháp an toàn. Nó chính là những “hạt mầm” tích lũy sự khinh bỉ dẫn đến thù hằn. Cũng đừng nghĩ việc sử dụng những con chó đen đúa hung dữ dễ dàng xua ra đường để dọa nạt là có thể mang lại sự an toàn tuyệt đối cho ngôi nhà mình.

Tôi không cổ súy bạo lực. Trong tất cả bài viết của mình, tôi chưa bao giờ chửi tục, ủng hộ kích động bạo lực hoặc nhào theo các “chiến dịch” “ném đá”. Tôi đang nói lên những gì mình thấy. Và tôi thấy rõ một không khí hận thù, đang được chế độ cai trị nuôi dưỡng mỗi ngày, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cho đến thời điểm này, chế độ vẫn cho thấy nó không dễ bị lật đổ nhưng nó cũng cho thấy nó đang ở giai đoạn yếu nhất trong lịch sử của nó. Trong khi đó, nó tiếp tục gieo rắc hận thù và oán ghét, từ người dân, từ một đám đông đang chất chứa phẫn nộ.

Mạnh Kim


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuông gọi hồn anh đó


Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!

Luật sư Võ An Đôn.
Trân Văn - Quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên: Xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách thành viên của đoàn luật sư tỉnh này là một trong những chủ đề được người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam bàn luận rôm rả cả tuần.

Việt Nam có khoảng 10.000 luật sư và ông Đôn là một trong số rất ít luật sư được cả công chúng lẫn báo giới chú ý.

Sau khi tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho ông Ngô Thanh Kiều (bị công an tra tấn, ép phải thừa nhận đã trộm cắp nên thiệt mạng hồi tháng 5 năm 2012), ông Đôn được xem như một trong những tác nhân quan trọng, đẩy Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa đến chỗ phải truy tố năm sĩ quan công an (2013), Tòa án thành phố Tuy Hòa phải đưa cả năm sĩ quan công an ra xử sơ thẩm (tháng 3 năm 2014) và tại phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 7 cùng năm, Tòa án tỉnh Phú Yên phải hủy bản án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại vì cả kết luận điều tra, cáo trạng lẫn bản án mà Tòa án thành phố Tuy Hòa từng tuyên đều chưa thỏa đáng...

Giá mà ông Đôn phải trả cho nỗ lực đó là cuối năm 2014, từ Tòa án, Viện Kiểm sát đến Công an thành phố Tuy Hòa cùng ký tên vào một văn bản, gửi Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn.

Văn bản ấy khiến công chúng và báo giới Việt Nam nổi giận. Áp lực dư luận khiến Sở Tư pháp Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên phải đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp bằng chứng về cái gọi là “sự xúc phạm hệ thống tư pháp của ông Đôn”.

Phản ứng của công chúng, báo giới, các tổ chức luật sư trở thành dữ dội tới mức, đầu năm 2015, ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, phải loan báo, Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa“kiểm điểm, rút kinh nghiệm” vụ yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên loại bỏ ông Đôn.

Lúc đó, ông Nhất từng cho rằng, những “bằng chứng” mà Tòa án – Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp không đủ để chứng minh ông Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính, sau khi phiên tòa kết thúc, ông Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước, quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án”. Ông Nhất nhấn mạnh, cả nhận định lẫn cách hành xử như Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa đều không đúng.

Tuy nhiên “phúc bất trùng lai”. Vừa rồi, khi họa đổ xuống, ông Đôn không gặp may như cách nay ba năm.

Ngày 26 tháng 11, không phải hệ thống tư pháp mà chính Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên “khai đao” với ông Đôn. Lý do ông Đôn bị tước tư cách luật sư tuy chẳng khác trước: “ Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước nhằm kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật”, song “án tử” cho ông Đôn về mặt nghề nghiệp gần như không thể cải sửa vì nó rất… đúng qui trình, do chính các đồng nghiệp của ông Đôn quyết định.

***
Có tới 11.000 người chia sẻ sự bất bình của ông Đôn về quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên trên trang facebook của ông Đôn. Có lẽ con số ấy đủ để giúp hình dung tâm tình của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước sự kiện ông Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư – thực hiện ý nguyện bảo vệ dân nghèo, những người cô thế và những người bị lôi đến pháp đình chỉ vì hành xử theo lương tâm.

Đáng lưu ý là trên mạng xã hội, trước sự kiện một đồng nghiệp bị tước quyền hành nghề chỉ vì các phát ngôn, những facebooker trong giới luật sư chia hẳn thành hai phe. Một phe, với những facebooker như Dũng Võ Văn, Nguyễn Văn Hòa cho rằng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên quá hèn – thay vì phải bảo vệ đồng nghiệp thì để lực lượng an ninh dẫn dắt, tác động. Có facebooker như Vu Hai Tran khuyên ông Đôn nên khiếu nại với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định vô lý ấy. Vu Hai Tran “hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ sáng suốt hơn và do không chịu áp lực của các đồng chí nội chính và an ninh địa phương nên sẽ có quyết định đúng đắn, không tạo tiền lệ xấu cho các ông ‘kẹ’ địa phương tìm cách chơi xấu những luật sư mà họ không ưa”.

Ngoài việc góp ý với ông Đôn trên trang facebook của ông Đôn, trên trang facebook riêng của mình, Vu Hai Tran kêu gọi các luật sư lên tiếng bảo vệ ông Đôn. Lời kêu gọi ấy bị một số facebooker là luật sư phản đối. Người phản đối đầu tiên là Trần Đình Triển, facebooker này đăng một tấm ảnh ông Đôn, kèm một nhận định của ông Đôn về giới luật sư Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, luật sư không có vai trò gì với công lý, chỉ là vật trang trí cho phiên xử trở thành “đẹp”, luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là “cò chạy án” để lừa người dân lấy tiền... Facebooker Trần Đình Triển cho rằng, ông Đôn nên nhìn “họa” của ông một cách khách quan, nếu có lỗi thì phải nhận, nhờ vậy, may ra sẽ được giảm nhẹ mức kỷ luật. Không nhận lỗi mà còn hô hào “ném đá” thì khó mà thay đổi tình thế.

Facebooker Trần Thu Nam nhắc lại sự kiện giới luật sư tham gia bảo vệ ông Đôn hồi ông lâm nạn năm 2015 và nhận định, lần này, sẽ không một luật sư nào ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam bênh vực ông nữa vì ông… “loạn ngôn”, xúc phạm toàn bộ giới luật sư.

Dù cũng nhận định rằng ông Đôn đã nói, viết nhiều điều gây tổn thương cho nhiều đồng nghiệp và chính mình không tán thành nhiều điều ông Đôn nói và viết nhưng facebooker Nguyễn Hà Luân khẳng định, sẽ cùng các đồng nghiệp làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ ông Đôn. Theo Nguyễn Hà Luân, đó không phải vì cá nhân ông Đôn mà vì lợi ích chung của giới luật sư, trong đó có cả Nguyễn Hà Luân.

***
Rõ ràng so với năm 2015, bây giờ ông Đôn lâm nạn và thất thế chẳng phải chỉ vì hệ thống tư pháp thấy phiền mà còn vì làm mích lòng nhiều đồng nghiệp.
Ông Đôn có khinh miệt giới luật sư khi cho rằng, luật sư Việt Nam chỉ là “vật trang trí”?

Tại Việt Nam, chuyện các viên chức tư pháp miệt thị giới luật sư không có gì lạ và chẳng có gì mới. Tình trạng này đã kéo dài suốt từ khi Việt Nam tái lập định chế luật sư (1987) đến nay và báo giới đã dùng không biết bao nhiêu giấy mực để kể về điều đó.

Năm 2011, tờ Pháp Luật TP.HCM từng đăng một loạt bài ba kỳ kể về những chuyện cười ra nước mắt của giới luật sư khi các viên chức của hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) cố tình làm cho họ bẽ mặt (Buộc phải xuất trình “căn cước” trước tòa, mới cho bào chữa. Công tố viên không thèm tranh luận mà chỉ kết luận gọn bâng: Luật sư không có trình độ! Khi luật sư trình bày bài bào chữa, một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang trò chuyện với nhau)

Loạt bài “Nâng cao vị thế luật sư” mà tờ Pháp Luật TP.HCM thực hiện vốn nằm trong một đợt tuyên truyền về nỗ lực cải cách tư pháp (bắt đầu từ 2002) mà theo giới thiệu thì sẽ bắt chước thiên hạ, loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa công tố viên (nhân danh hệ thống công quyền, bảo vệ trật tự và lợi ích chung) với luật sư (nhân danh cá nhân, bảo vệ các quyền căn bản của một con người). Tuy nhiên đúng 15 năm sau khi Đảng CSVN tuyên bố cải cách tư pháp, tháng 2 năm 2017, nhiều luật sư Việt Nam mới có cơ hội bày tỏ sự sung sướng khi “được ngồi ngang hàng với công tố viên”.

Liệu việc “được ngồi ngang hàng với công tố viên” có đủ để chứng minh là ông Đôn “loạn ngôn”?

Ngày 27 tháng 3 năm nay, tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đề nghị giới hữu trách tỉnh Lâm Đồng xem xét – xử lý Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương miệt thị giới luật sư. Khi trò chuyện với một bị can nhờ luật sư này bào chữa, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương khuyên thân chủ của luật sư Quân xem lại chuyện thuê luật sư vì thuê luật sư có lợi hay không thì ai cũng biết. Viên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương còn nói thêm, có trường hợp Hội đồng xét xử chỉ dự trù phạt chung thân nhưng vì luật sư cãi tầm bậy, tầm bạ mà cuối cùng tuyên tử hình.

Khi Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương vẫn vô sự, sự giận dữ của nhiều luật sư Việt Nam dành cho ông Đôn có giống “giận cá, chém thớt?

Thiên hạ thường chỉ đi tìm luật sư khi đối diện với tình huống ngặt nghèo. Lúc cần được hỗ trợ, một trong những điều đầu tiên mà thiên hạ phải nghe từ luật sư là “tiền đâu”? Đó là chuyện đương nhiên vì nếu không, luật sư làm sao có thể đeo đuổi nghề nghiệp nhưng cũng vì vậy, thiên hạ có nhiều ngạn ngữ chẳng hay ho chút nào về giới luật sư: Cái túi của một luật sư là cái miệng của địa ngục (Ngạn ngữ Ấn). Luật sư chỉ nhìn bạn bằng một mắt và nhìn túi bạn bằng hai mắt (Ngạn ngữ Jamaica). Trừ khi hỏa ngục chật cứng còn không thì chẳng luật sư nào thoát (Ngạn ngữ Pháp)… Có hàng chục ngạn ngữ kiểu như thế được đăng trên trang web của một Văn phòng Luật sư tại Việt Nam. Chẳng lẽ giới thiệu những ngạn ngữ như thế cũng là một sự miệt thị giới luật sư?

Thực tế từ xưa đến nay cho thấy, dù có thiện cảm hay không, xã hội nào cũng cần luật sư. Không ít luật sư đã trở thành chính khách, thậm chí là nguyên thủ của nhiều quốc gia. Dân chúng ký thác niềm tin vào những luật sư này vì họ hiểu tường tận các nguyên tắc vận hành một guồng máy sao cho công bằng và sẽ tranh đấu đến cùng để bảo vệ các nguyên tắc ấy.

***
Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!

Không phải tự nhiên mà nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau thường trích dẫn một câu mà Evelyn Beatrice Hall viết trong The Friends of Voltaire (1906): Tôi không đồng ý với những điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói những điều đó của anh.

Không phải tự nhiên mà đến bây giờ, khi sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhiều người Việt vẫn cảm thấy ngậm ngùi trước một nhận định của Tản Đà vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20 trong Mậu Thìn xuân cảm: Dân 25 triệu ai người lớn? Nước 4.000 năm vẫn trẻ con!

Trân Văn

Phần nhận xét hiển thị trên trang