Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Vòng xoắn trên các Lỗ Đen cho thấy vụ nổ lớn Big Bang chưa từng xảy ra

Chúng ta có thể đang sống trong một vũ trụ co giãn thay vì hình thành bởi vụ nổ lớn Big Bang.
Juliano César Silva Neves – nhà vật lý từ trường Đại học Campinas ở Brazil không phải là một người hâm mộ ý tưởng ‘thời gian được bắt đầu với cái gọi là Big Bang’. Thay vào đó, ông hình dung ra một sự co lại theo sau bởi sự nở ra, điều mà thậm chí có thể vẫn đang mang những vết tích của mốc thời gian trước đó.
Ý tưởng này tự nó không phải là mới, nhưng Neves đã sử dụng một mẹo toán học 50 năm tuổi mô tả lỗ đen để cho thấy Vũ trụ của chúng ta không cần thiết phải có một sự khởi đầu nhỏ bé như vậy để tồn tại.
Thoạt nhìn, vũ trụ của chúng ta dường như không có nhiều điểm tương đồng với các Lỗ đen. Một là không gian nở ra chứa đầy các đám nhỏ lộn xộn; tiếp theo là khối lượng kéo trong không gian nặng đến nỗi thậm chí ánh sáng cũng không có hy vọng có thể thoát ra được.
Nhưng điểm trung tâm của cả hai nằm ở một khái niệm gọi là điểm kỳ dị (singularity) – một khối năng lượng vô cùng dày đặc, chúng ta thậm chí không thể bắt đầu việc giải thích những gì đang diễn ra bên trong nó.
Neves nói: “Có hai loại điểm kỳ dị Vũ trụ. Một trong số đó được cho là điểm kỳ dị vũ trụ, hay Big Bang. Điểm còn lại ẩn sau chân trời sự kiện của một lỗ đen.”
Báo cáo được công bố dựa trên kết quả nghiên cứu các vòng xoáy hố đen (Ảnh: TopTenz)
Tiến thêm một bước xa hơn, một số đề xuất rằng Vũ trụ được hình thành từ một lỗ đen trong vài bong bóng thời gian – không gian khác.
Cho dù chúng ta đang nói đến loại nào, những điểm kỳ dị là các vùng mà Thuyết tương đối rộng của Einstein trở nên mù quáng và cơ học lượng tử phải vật lộn để có thể thay thế được.
Các nhà văn viết về khoa học viễn tưởng có thể yêu thích chúng, nhưng bản chất không thể của điểm kỳ dị làm cho chúng trở thành một điểm gây tranh cãi giữa các nhà vật lý.
Vấn đề là, nếu chúng ta tua lại cảnh Vũ trụ đang nở ra, chúng ta sẽ tới được một điểm mà tất cả khối lượng và năng lượng đó tập trung ở một điểm cực kỳ dày đặc. Và nếu chúng ta tính toán số lượng các khối vật chất đang co lại, chúng ta sẽ có cùng một loại vật chất.
Những điểm kỳ dì có thể phá vỡ các quy tắc vật lý, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể chế ngự chúng.
Mặt khác, một số nhà vật lý nghĩ rằng có một số điểm có thể cần suy xét lại. Về mặt lý thuyết mà nói, không phải tất cả các loại lỗ đen đều cần một điểm kỳ dị để tồn tại.
Neves cho biết: “Không có điểm kỳ dị nào trong các lỗ đen thông thường.”
Năm 1968, một nhà vật lý có tên James Bardeen đưa ra giải pháp cho vấn đề điểm kỳ dị này. Ông đã đưa ra một cách mô tả toán học về các lỗ đen đã thoát khỏi nhu cầu cần một điểm kỳ dị ở một nơi nào đó vượt ra khỏi chân trời sự kiện của nó, chúng được gọi là “những lỗ đen thông thường”.
Lịch sử và lý luận đằng sau mô hình của Bardeen là siêu dày đặc; nhưng đối với một phiên bản tl;dr (too long; didn’t read – dài quá không đọc) ông cho rằng khối lượng ở trung tâm của một lỗ đen không nhất thiết phải là một hằng số, mà có thể mô tả bằng cách sử dụng một hàm số phụ thuộc vào việc bạn đã cách xa trung tâm của nó bao nhiêu.
Vụ nổ Big Bang có thể không tồn tại (Ảnh: Genk)
Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể không cần quan tâm tới bất kỳ điểm kỳ dị ngu ngốc nào, vì khối lượng vẫn hoạt động như thể nó có trọng lượng. Ngay cả khi nó vẫn còn bị ép chặt không gian chật hẹp.
Neves gợi ý rằng chúng ta sẽ mang công trình của Bardeen thậm chí còn đi xa hơn nữa và áp dụng nó vào các điểm kỳ dị phiền toái khác – loại vũ trụ trước cả Big Bang.
Bằng cách giả định tốc độ nở ra của Vũ trụ không chỉ phụ thuộc vào thời gian, mà cả phạm vi của nó, ông cho thấy không cần phải có một bước nhảy vọt lượng tử từ một điểm kỳ dị vào một không gian dày đặc và rộng lớn vào khoảng 13.82 tỷ năm trước.
Vậy điều gì đã xảy ra thay vào đó?
Neves cho biết: “Việc loại trừ điểm kỳ dị hay Big Bang đã mang Vũ trụ co giãn nảy trở lại sân khấu lý thuyết của vũ trụ học.
“Vũ trụ co giãn” này thực sự là một ý tưởng thâm niên mà Vũ trụ đang nở ra như chúng ta trải nghiệm ngày hôm nay là không gian co giãn trở lại ra phía ngoài sau sự co lại trước đó.
Mặc dù hiện tại nó là một khái niệm giao thoa trong vũ trụ học, Neves ủng hộ quan điểm cho rằng dấu vết của Vũ trụ co lại trước đó có thể đã tồn tại trong Vụ co lớn (Big Crunch). Nếu vậy, việc tìm ra những vết tích này có thể giúp xác minh giả thuyết đó.
Neves cho biết: “Hình ảnh về chuỗi kéo dài vĩnh cửu của các vũ trụ với sự nở ra và co lại xen kẽ được gọi là Vũ trụ tuần hoàn, bắt nguồn từ các vũ trụ luận về sự giãn nở.”
Cho đến khi chúng ta có được những quan điểm vững chắc, mô hình vũ trụ giãn nở ắt hẳn sẽ luôn có mặt trong danh sách những ý tưởng tuyệt vời.
Tuy nhiên, bất cứ điều gì có thể giải quyết vấn đề về điểm kỳ dị đều đáng được điều tra. Công trình của Neves chỉ là một trong một số giải pháp khả quan quanh các giả định để loại bỏ sự cần thiết của việc không thể phá vỡ các định luật vật lý. Đó là một điểm nổi bật mà chúng ta sẽ cần phải giải quyết dù sớm hay muộn.
Nhật Quang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngồi câu trong bão!


Người ngồi câu trong cơn bão
Sấm rung lảo đảo mây trời
quán dột, ướt ba lần áo
biển dài cát lở
mưa bay..
Người có điên hay là mất trí?
Ngồi câu trên bờ biển này?
Thắc mắc vô cùng
ngại không dám hỏi
Cám ơn người cho một lời:
"Ngồi câu cốt lòng thanh thản..
Nếu không mềnh ốm thật rồi
Cứ sống tự ty, vô cảm
Biển nào còn đến hôm nay?"
Thức cả đêm dài,
ngĩ ngợi..
lời người có nói quá không?
 nhiều điều phải xem xét lại
Nếu không trống rỗng trong lòng!
Cái hôm Vũng Tàu nhớ mãi..
Bóng người ngồi câucuối ngày
bất chợt bão dông, động biển..
Biết có được chi 
mà say?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vụ khởi tố Mường Thanh: Vì sao lại có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”?


Liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, hôm qua Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án. Thế nhưng, trao đổi với PV lúc hơn 16 giờ chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “thông tin khởi tố là không chính xác”.
Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản có thế lực chống lưng?
Điều này khiến dư luận nghi ngại, vì sao chỉ đơn giản là khởi tố doanh nghiệp sai phạm, mà lại có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” như thế? Liệu đằng sau đó có điều gì đó khuất tất chăng?

Nói đến Mường Thanh người ta nghĩ ngay đến những sai phạm của tập đoàn này dọc chiều dài đất nước như: xây vượt tầng không phép, xây sai quy hoạch, thiếu hệ thống PCCC, xem thường pháp luật, trốn thuế và có dấu hiệu vi phạm về quản lý Nhà ở theo Điều 213 của Bộ luật Hình sự.…


Những sai phạm có hệ thống như thế này đã tồn tại tại 13 dự án của Mường Thanh, khiến người dân hoang mang, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính tập đoàn này hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù trước đó tướng Đoàn Duy Khương tuyên bố sẽ khởi tố Mường Thanh.

Thế nhưng dường như việc xử phạt hành chính không thỏa đáng, khiến dư luận ngày càng bức xúc, cho nên hôm qua ngày 30/11 ông Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên). Điều này khiến hàng ngàn người mua nhà tại tập đoàn này vui mừng vì họ được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Quan trọng là tính mạng của họ cũng được đảm bảo, không còn phải phập phòng lo sợ sự cố cháy nổ xảy ra, cướp đi tài sản tính mạng bất cứ lúc nào.

Thậm chí dư luận trong nước cũng hồ hởi vì những sai phạm dường như chính quyền sở tại những nơi dự án của Mường Thanh đi qua đều phải đầu hàng, thì nay đã bị xử lý. Điều đáng nói nữa là, việc xử lý Mường Thanh làm trong sạch môi trường cạnh tranh bất bình đẳng từ bấy lâu nay. Dư luận càng vui mừng hơn vì “cái lò chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cháy rực. Thế nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở lời nói, chứ không đi liền với hành động.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh

Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương Giám đốc Công an TP Hà Nội bác bỏ lời ông Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội rằng việc đã khởi tố Mường Thanh là không chính xác. Tướng Khương nêu rõ: “Thông tin cho rằng khởi tố là không chính xác. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xin ý của ba ngành tư pháp Trung ương gồm công an, tòa án, Viện Kiểm sát“. 

Tội của Mường Thanh đã rõ như ban ngày, có cả kết luận điều tra từ Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, thế nhưng đến nay vẫn không khởi tố. Nhiều người thắc mắc, vì sao ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội lại “lọng ngôn” như thế? Ông Nam thấy mình còn tư cách với cái chức danh Trưởng ban Pháp chế hay không, khi bị Tướng Khương “vạch trần” ý đồ bất chính? Vì sao lại có chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” như thế?

Câu chuyện của Mường Thanh khiến người viết nhớ lại vụ tương tự. Đó là trường hợp của công ty Thuận Phong sử dụng đất quốc phòng sản xuất phân bón giả khiến khoảng 60 triệu nông dân điêu đứng. Điều đáng nói là, để Thuận Phong không bị khởi tố công ty này đã “lopy” cho ông Trần Hùng – nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) – Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 5-10 tỷ để bỏ qua vụ Công ty Thuận Phong. Thế nhưng một người liêm khiết như ông Hùng thì tiền không thể làm ông mờ mắt được. “Thông tin cho rằng khởi tố là không chính xác. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xin ý của ba ngành tư pháp Trung ương gồm công an, tòa án, Viện Kiểm sát”, tướng Khương nêu rõ.

Liệu kịch bản này lại được tái diễn với Mường Thanh? Phải chăng Mường Thanh đã “lopy” ông Trưởng ban Pháp chế, mà quên mất ông Giám đốc Công an TP.HN? Hay tướng Khương cũng “trong sạch” như ông Trần Hùng nên khước từ phong bì dày cộm, dám đứng về lẽ phải? Liệu Tướng Khương có bị “bệnh” hay bị “từ chức” sao vụ này hay không? Chả lẽ vì Mường Thanh có mối quan hệ mật thiết với ông Thân Đức Nam Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và một số quan chức cấp cao, đã làm mọi chuyện làm rối tung dẫn đến mất đoàn kết nội bộ thế này?

(Tri thức trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi lòng hận thù được nuôi dưỡng


Mạnh Kim 
- Tiếng la hét cuồng nộ trong một không khí bạo lực dữ dội. Đó không chỉ là cuộc biểu thị của tức giận. Đó là sự bùng nổ. Sự bùng nổ giận dữ của con người không có sức công phá như bom đạn nhưng nó khủng khiếp đến mức có thể khiến thần kinh tê liệt.


Các phần tử nổi dậy đã lôi Gaddafi ra khỏi ống cống. Ảnh: Daily Mail

Tôi đang xem lại cảnh nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lôi ra từ ống cống và bị đánh tới tấp vào đầu. Gương mặt tên độc tài khát máu từng dùng bộ máy an ninh tàn ác cai trị đất nước 42 năm giờ mềm nhũn như một bao cát đầy máu trước những nắm đấm bung ra như từ những chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Trước đó 8 năm, người dân, không tấc sắt trong tay, như vốn dĩ, đã gào thét điên cuồng trong nỗi mừng không thể diễn tả bằng lời, khi hùa nhau giật sập và đập nát bét tượng Saddam Hussein.
Không như sự giận dữ, lòng hận thù không bột phát tự nhiên. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức, bằng chất liệu mà hệ thống cai trị tạo ra: sự khốn nạn. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó “hiệu ứng phụ” là sự oán thù. Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được “giải giáp” sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi dưỡng.

Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến “một đám dân mạng” trở nên “vô văn hóa”. Có phải đó là phản ứng trước sự bất lực và bế tắc của một xã hội trong đó người dân mỗi ngày chứng kiến hoặc gánh chịu hết bất công này đến bất công khác?

Sự “vô văn hóa” của đám đông, như lời một bà “tiến sĩ”, không phải là phản ứng tức giận nhất thời. Nó là sự bùng nổ của sự thù hận đang được nuôi mỗi ngày. Đừng nghĩ những tiểu xảo đánh lạc hướng dư luận là giải pháp an toàn. Nó chính là những “hạt mầm” tích lũy sự khinh bỉ dẫn đến thù hằn. Cũng đừng nghĩ việc sử dụng những con chó đen đúa hung dữ dễ dàng xua ra đường để dọa nạt là có thể mang lại sự an toàn tuyệt đối cho ngôi nhà mình.

Tôi không cổ súy bạo lực. Trong tất cả bài viết của mình, tôi chưa bao giờ chửi tục, ủng hộ kích động bạo lực hoặc nhào theo các “chiến dịch” “ném đá”. Tôi đang nói lên những gì mình thấy. Và tôi thấy rõ một không khí hận thù, đang được chế độ cai trị nuôi dưỡng mỗi ngày, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cho đến thời điểm này, chế độ vẫn cho thấy nó không dễ bị lật đổ nhưng nó cũng cho thấy nó đang ở giai đoạn yếu nhất trong lịch sử của nó. Trong khi đó, nó tiếp tục gieo rắc hận thù và oán ghét, từ người dân, từ một đám đông đang chất chứa phẫn nộ.

Mạnh Kim


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuông gọi hồn anh đó


Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!

Luật sư Võ An Đôn.
Trân Văn - Quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên: Xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách thành viên của đoàn luật sư tỉnh này là một trong những chủ đề được người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam bàn luận rôm rả cả tuần.

Việt Nam có khoảng 10.000 luật sư và ông Đôn là một trong số rất ít luật sư được cả công chúng lẫn báo giới chú ý.

Sau khi tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho ông Ngô Thanh Kiều (bị công an tra tấn, ép phải thừa nhận đã trộm cắp nên thiệt mạng hồi tháng 5 năm 2012), ông Đôn được xem như một trong những tác nhân quan trọng, đẩy Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa đến chỗ phải truy tố năm sĩ quan công an (2013), Tòa án thành phố Tuy Hòa phải đưa cả năm sĩ quan công an ra xử sơ thẩm (tháng 3 năm 2014) và tại phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 7 cùng năm, Tòa án tỉnh Phú Yên phải hủy bản án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại vì cả kết luận điều tra, cáo trạng lẫn bản án mà Tòa án thành phố Tuy Hòa từng tuyên đều chưa thỏa đáng...

Giá mà ông Đôn phải trả cho nỗ lực đó là cuối năm 2014, từ Tòa án, Viện Kiểm sát đến Công an thành phố Tuy Hòa cùng ký tên vào một văn bản, gửi Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn.

Văn bản ấy khiến công chúng và báo giới Việt Nam nổi giận. Áp lực dư luận khiến Sở Tư pháp Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên phải đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp bằng chứng về cái gọi là “sự xúc phạm hệ thống tư pháp của ông Đôn”.

Phản ứng của công chúng, báo giới, các tổ chức luật sư trở thành dữ dội tới mức, đầu năm 2015, ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, phải loan báo, Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa“kiểm điểm, rút kinh nghiệm” vụ yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên loại bỏ ông Đôn.

Lúc đó, ông Nhất từng cho rằng, những “bằng chứng” mà Tòa án – Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp không đủ để chứng minh ông Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính, sau khi phiên tòa kết thúc, ông Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước, quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án”. Ông Nhất nhấn mạnh, cả nhận định lẫn cách hành xử như Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa đều không đúng.

Tuy nhiên “phúc bất trùng lai”. Vừa rồi, khi họa đổ xuống, ông Đôn không gặp may như cách nay ba năm.

Ngày 26 tháng 11, không phải hệ thống tư pháp mà chính Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên “khai đao” với ông Đôn. Lý do ông Đôn bị tước tư cách luật sư tuy chẳng khác trước: “ Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước nhằm kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật”, song “án tử” cho ông Đôn về mặt nghề nghiệp gần như không thể cải sửa vì nó rất… đúng qui trình, do chính các đồng nghiệp của ông Đôn quyết định.

***
Có tới 11.000 người chia sẻ sự bất bình của ông Đôn về quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên trên trang facebook của ông Đôn. Có lẽ con số ấy đủ để giúp hình dung tâm tình của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước sự kiện ông Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư – thực hiện ý nguyện bảo vệ dân nghèo, những người cô thế và những người bị lôi đến pháp đình chỉ vì hành xử theo lương tâm.

Đáng lưu ý là trên mạng xã hội, trước sự kiện một đồng nghiệp bị tước quyền hành nghề chỉ vì các phát ngôn, những facebooker trong giới luật sư chia hẳn thành hai phe. Một phe, với những facebooker như Dũng Võ Văn, Nguyễn Văn Hòa cho rằng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên quá hèn – thay vì phải bảo vệ đồng nghiệp thì để lực lượng an ninh dẫn dắt, tác động. Có facebooker như Vu Hai Tran khuyên ông Đôn nên khiếu nại với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định vô lý ấy. Vu Hai Tran “hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ sáng suốt hơn và do không chịu áp lực của các đồng chí nội chính và an ninh địa phương nên sẽ có quyết định đúng đắn, không tạo tiền lệ xấu cho các ông ‘kẹ’ địa phương tìm cách chơi xấu những luật sư mà họ không ưa”.

Ngoài việc góp ý với ông Đôn trên trang facebook của ông Đôn, trên trang facebook riêng của mình, Vu Hai Tran kêu gọi các luật sư lên tiếng bảo vệ ông Đôn. Lời kêu gọi ấy bị một số facebooker là luật sư phản đối. Người phản đối đầu tiên là Trần Đình Triển, facebooker này đăng một tấm ảnh ông Đôn, kèm một nhận định của ông Đôn về giới luật sư Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, luật sư không có vai trò gì với công lý, chỉ là vật trang trí cho phiên xử trở thành “đẹp”, luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là “cò chạy án” để lừa người dân lấy tiền... Facebooker Trần Đình Triển cho rằng, ông Đôn nên nhìn “họa” của ông một cách khách quan, nếu có lỗi thì phải nhận, nhờ vậy, may ra sẽ được giảm nhẹ mức kỷ luật. Không nhận lỗi mà còn hô hào “ném đá” thì khó mà thay đổi tình thế.

Facebooker Trần Thu Nam nhắc lại sự kiện giới luật sư tham gia bảo vệ ông Đôn hồi ông lâm nạn năm 2015 và nhận định, lần này, sẽ không một luật sư nào ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam bênh vực ông nữa vì ông… “loạn ngôn”, xúc phạm toàn bộ giới luật sư.

Dù cũng nhận định rằng ông Đôn đã nói, viết nhiều điều gây tổn thương cho nhiều đồng nghiệp và chính mình không tán thành nhiều điều ông Đôn nói và viết nhưng facebooker Nguyễn Hà Luân khẳng định, sẽ cùng các đồng nghiệp làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ ông Đôn. Theo Nguyễn Hà Luân, đó không phải vì cá nhân ông Đôn mà vì lợi ích chung của giới luật sư, trong đó có cả Nguyễn Hà Luân.

***
Rõ ràng so với năm 2015, bây giờ ông Đôn lâm nạn và thất thế chẳng phải chỉ vì hệ thống tư pháp thấy phiền mà còn vì làm mích lòng nhiều đồng nghiệp.
Ông Đôn có khinh miệt giới luật sư khi cho rằng, luật sư Việt Nam chỉ là “vật trang trí”?

Tại Việt Nam, chuyện các viên chức tư pháp miệt thị giới luật sư không có gì lạ và chẳng có gì mới. Tình trạng này đã kéo dài suốt từ khi Việt Nam tái lập định chế luật sư (1987) đến nay và báo giới đã dùng không biết bao nhiêu giấy mực để kể về điều đó.

Năm 2011, tờ Pháp Luật TP.HCM từng đăng một loạt bài ba kỳ kể về những chuyện cười ra nước mắt của giới luật sư khi các viên chức của hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) cố tình làm cho họ bẽ mặt (Buộc phải xuất trình “căn cước” trước tòa, mới cho bào chữa. Công tố viên không thèm tranh luận mà chỉ kết luận gọn bâng: Luật sư không có trình độ! Khi luật sư trình bày bài bào chữa, một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang trò chuyện với nhau)

Loạt bài “Nâng cao vị thế luật sư” mà tờ Pháp Luật TP.HCM thực hiện vốn nằm trong một đợt tuyên truyền về nỗ lực cải cách tư pháp (bắt đầu từ 2002) mà theo giới thiệu thì sẽ bắt chước thiên hạ, loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa công tố viên (nhân danh hệ thống công quyền, bảo vệ trật tự và lợi ích chung) với luật sư (nhân danh cá nhân, bảo vệ các quyền căn bản của một con người). Tuy nhiên đúng 15 năm sau khi Đảng CSVN tuyên bố cải cách tư pháp, tháng 2 năm 2017, nhiều luật sư Việt Nam mới có cơ hội bày tỏ sự sung sướng khi “được ngồi ngang hàng với công tố viên”.

Liệu việc “được ngồi ngang hàng với công tố viên” có đủ để chứng minh là ông Đôn “loạn ngôn”?

Ngày 27 tháng 3 năm nay, tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đề nghị giới hữu trách tỉnh Lâm Đồng xem xét – xử lý Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương miệt thị giới luật sư. Khi trò chuyện với một bị can nhờ luật sư này bào chữa, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương khuyên thân chủ của luật sư Quân xem lại chuyện thuê luật sư vì thuê luật sư có lợi hay không thì ai cũng biết. Viên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương còn nói thêm, có trường hợp Hội đồng xét xử chỉ dự trù phạt chung thân nhưng vì luật sư cãi tầm bậy, tầm bạ mà cuối cùng tuyên tử hình.

Khi Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương vẫn vô sự, sự giận dữ của nhiều luật sư Việt Nam dành cho ông Đôn có giống “giận cá, chém thớt?

Thiên hạ thường chỉ đi tìm luật sư khi đối diện với tình huống ngặt nghèo. Lúc cần được hỗ trợ, một trong những điều đầu tiên mà thiên hạ phải nghe từ luật sư là “tiền đâu”? Đó là chuyện đương nhiên vì nếu không, luật sư làm sao có thể đeo đuổi nghề nghiệp nhưng cũng vì vậy, thiên hạ có nhiều ngạn ngữ chẳng hay ho chút nào về giới luật sư: Cái túi của một luật sư là cái miệng của địa ngục (Ngạn ngữ Ấn). Luật sư chỉ nhìn bạn bằng một mắt và nhìn túi bạn bằng hai mắt (Ngạn ngữ Jamaica). Trừ khi hỏa ngục chật cứng còn không thì chẳng luật sư nào thoát (Ngạn ngữ Pháp)… Có hàng chục ngạn ngữ kiểu như thế được đăng trên trang web của một Văn phòng Luật sư tại Việt Nam. Chẳng lẽ giới thiệu những ngạn ngữ như thế cũng là một sự miệt thị giới luật sư?

Thực tế từ xưa đến nay cho thấy, dù có thiện cảm hay không, xã hội nào cũng cần luật sư. Không ít luật sư đã trở thành chính khách, thậm chí là nguyên thủ của nhiều quốc gia. Dân chúng ký thác niềm tin vào những luật sư này vì họ hiểu tường tận các nguyên tắc vận hành một guồng máy sao cho công bằng và sẽ tranh đấu đến cùng để bảo vệ các nguyên tắc ấy.

***
Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!

Không phải tự nhiên mà nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau thường trích dẫn một câu mà Evelyn Beatrice Hall viết trong The Friends of Voltaire (1906): Tôi không đồng ý với những điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói những điều đó của anh.

Không phải tự nhiên mà đến bây giờ, khi sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhiều người Việt vẫn cảm thấy ngậm ngùi trước một nhận định của Tản Đà vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20 trong Mậu Thìn xuân cảm: Dân 25 triệu ai người lớn? Nước 4.000 năm vẫn trẻ con!

Trân Văn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỜI NGƯỜI, ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ 10 CÂU NÓI...


Nguồn:Tinh hoa


Tuệ Tâm biên dịchTinh hoa

Đời người, vì có quan tâm, nên có thống khổ; có hoài nghi, nên mới tổn thương; có xem nhẹ, nên mới vui vẻ. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên…
Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. (Ảnh: Kknews)
1. Phúc họa
Tích đức, làm việc tốt mặc dù không ai thấy, nhưng trời biết đất biết. Con người làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; con người làm việc ác, họa dù chưa đến, phúc đã rời xa; người làm việc thiện, như cỏ mọc giữa vườn xuân, dù không ai trông thấy, vẫn ngày ngày tăng trưởng; người làm ác, như hòn đá mài dao, không thấy tổn hại gì, nhưng ngày qua ngày sẽ thấy chỗ hao mòn.
Là phúc hay họa đều tại tâm. Điều đáng sợ khi hành ác, không phải sợ người phát hiện, mà ở chỗ tự mình nhận biết; điều tốt đẹp khi hành thiện, không phải là ở chỗ người khác tán dương, mà là ở chỗ chính mình thanh thản.

2. Khoảng trống
Chừa cho mình một khoảng trống, thì tâm hồn mới có thể thoải mái linh hoạt; lúc quan lộ hanh thông, chừa một chỗ trống trong suy nghĩ, chớ để đắc ý làm mê mờ tư tưởng; lúc thống khổ, chừa một khoảng trống cho an ủi, chớ để khổ não bóp nghẹt tâm can; lúc phiền não, chừa một chỗ trống cho vui vẻ, phiền não sẽ tan thành mây khói; lúc cô độc, chừa một chỗ trống cho bạn bè thân hữu, họ chính là một phần trong cuộc sống của mình. Lưu lại một chỗ trống, đây là chân lý nhân sinh, cũng chính là trí tuệ của cuộc đời.

3. Cảm ơn
Cảm ơn người khác đã làm tổn thương bạn, vì họ đã tôi luyện cho bạn một ý chí vững vàng; cảm kích người đã lừa gạt bạn, vì họ giúp bạn tăng thêm nhiều kiến thức; cảm kích người đã đánh đập bạn, vì họ đã tiêu trừ giúp bạn rất nhiều nghiệp lực; cảm kích người đã ruồng bỏ bạn, bởi vì họ đã dạy cho bạn biết tự lập; cảm kích người đã làm bạn trượt ngã, bởi vì họ đã giúp bạn trở nên kiên cường hơn; cảm kích người trách cứ bản, vì họ đã giúp bạn biết im lặng. Cảm tạ tất cả những người đã giúp bạn kiên định, trong thế giới này, nếu ai cũng biết hàm ơn, cuộc sống mới có thể càng thêm đặc sắc.
4. Tùy duyên
Nhân sinh, bất quá chỉ giống như một ly trà, đầy cũng tốt, vơi cũng tốt, cần chi phải tranh giành? Đậm cũng tốt, nhạt cũng tốt, đều có hương vị riêng của nó; ấm áp cũng được, lạnh lẽo cũng chẳng sao, nhìn nhau cười cười.
Cuộc sống, bởi vì quan tâm, cho nên có thống khổ; bởi vì hoài nghi, cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ, cho nên vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên hạnh phúc. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên.
Nước quá trong ắt không có cá, người quá thanh cao thì không mấy bạn bè. (Ảnh: Kknews)
.
5. Độ lượng
Con người sống ấy, không cần mọi thứ đều phải minh bạch. Nước quá trong ắt không có cá, người quá thanh cao thì không mấy bạn bè. Cùng người nhà tranh giành, nếu thắng, thì tình thân rạn vỡ; cùng người yêu tranh giành, nếu thắng thì tình cảm nhạt phai; cùng bằng hữu tranh giành, nếu thắng, thì tình nghĩa chẳng còn. Tranh giành chính là lý, thua là tình, tổn thương lại chính là mình.
Đen là đen, trắng là trắng, mọi chuyện cứ để thời gian sẽ chứng minh. Buông cố chấp, làm người độ lượng, sẽ thắng cả cuộc đời; thêm một phần bình thản, thêm một chút ôn hòa, cuộc sống mới ấm áp ánh dương.
6. Giàu nghèo
Người thấy đủ, dù ngủ trên mặt đất cũng tựa như đang ở thiên đường; người không biết đủ, dù cho đang ở thiên đường, cũng giống như đang ở nơi địa ngục. Cuộc sống, tâm hồn ‘giàu có’ mới là trọng yếu nhất, bạc tiền vật chất, dù có nhiều hơn nữa cũng vẫn cảm thấy chưa đủ, thì đây mới là nghèo khó.
Trái lại, đời sống vật chất nghèo khó, nhưng tâm hồn lại khoáng đạt, thấy đủ thường vui, tự tại phó xuất, đây mới là giàu có chân chính.
7. So đo
Cho người thuận tiện, chính là lưu lại cho mình hậu phúc. Lòng người vốn tương thông với nhau, bạn nhường người khác một bước, người khác sẽ nhường bạn một đường.
Nhân tâm tựa như con đường, càng so đo, con đường càng hẹp; càng rộng mở, con đường càng thoáng đãng. Tha thứ, dường như là giúp cho người khác, nhưng kỳ thực là mở cho lòng mình một con đường.
8. Buông bỏ
Chuyện hôm nay ta xem là đại sự, ngày mai lại là chuyện nhỏ; năm nay là đại sự, nhưng đến năm sau lại chỉ là một câu chuyện; kiếp này là đại sự, nhưng đến kiếp sau lại là truyền thuyết, chúng ta bất quá cũng tựa như câu chuyện của đời người.
Trong cuộc sống hay công tác, khi gặp phải những sự tình không thuận lợi, hãy nói với tự mình một câu:“Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai sẽ tới, ngày mới sẽ lại bắt đầu”.
9. Đơn giản
Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. Lúc đắc ý cần xem nhẹ, lúc thất ý cần cởi mở.
Cuộc sống có rất nhiều thứ có thể buông bỏ, chỉ cần buông xuống được, thì sẽ lấy lại được. Khoan dung hơn, rộng lượng hơn, vẫy vẫy tay, cười một cái, hết thảy những chuyện không thoải mái đều trở thành quá khứ.
10. Nhân tâm
Đừng xem sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi đó chính là một loại độ lượng; đừng coi sự tha thứ của người khác là nhu nhược, bởi đó là một loại từ bi. Người tâm tính tốt không dễ nổi giận, nhưng không có nghĩa là sẽ không nổi giận; người xem nhẹ không có nghĩa là hồ đồ, mà là họ đã có cái nhìn thông thấu.
Tình cảm, không thể miễn cưỡng; nhân tâm, không thể đùa bỡn; duyên phận, không thể không coi trọng. Đem tình vun đắp tình, như thế mới thực sự có được tình, yêu thương bình đẳng, mới có được tình yêu chân chính.
Tinh hoa


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giáo sư là gì, ai là giáo sư?


Những thảo luận chung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trương bổ nhiệm giáo sư dẫn đến tranh luận về ý nghĩa của chữ “giáo sư”. Nhưng hình như chưa có ai lí giải thế nào là một giáo sư. Lí giải được câu hỏi này sẽ giúp cho sự hiểu biết về chức danh giáo sư tốt hơn. Trong bài này, tôi sẽ "ôn cố tri tân" để giải thích những thành tố nào làm nên một giáo sư. Bài này lấy ý tưởng từ một bài của Philip Knox và trang Wikipedia viết về sự nghiệp của Socrates, và tôi diễn giải lại theo ý nghĩa hiện đại của chức danh "giáo sư".


Socrates, hình vẽ bằng tay theo mô tả của học trò ông. 


Socrates

Bàn về chức danh giáo sư, không thể không nhắc đến một nhân vật rất quan trọng trong văn minh phương Tây: Socrates. Có lẽ nhiều người biết rằng Socrates (sinh ra vào khoảng 470 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại Hi Lạp, nhưng ông còn là một "tượng đài" của giới hàn lâm. Tuy nhiên, điều kì lạ là ông không để lại đời một tác phẩm nào. Tất cả những gì người đời sau biết về ông là qua những tác phẩm của hai người học trò danh tiếng là Plato và Xenophon. Di sản học thuật của Socrates đã được viết thành nhiều bộ sách, tôi thiết nghĩ không cần (và cũng không thể) nói ra một cách đầy đủ ở đây. Chỉ nói ngắn gọn rằng Socrates được xem là "cha đẻ" của tư tưởng triết học phương Tây.

Sự nghiệp sáng chói của ông bị kết thúc một cách bi thảm. Năm ông 70 tuổi, Socrates bị đưa ra toà án công chúng xử về tội không công nhận Thượng đế mà Nhà nước thì công nhận Thượng đế, và tội làm hư hỏng giới trẻ. (Nghe giông giống như vài phiên toà ở Việt Nam ngày nay!) Cuộc xử xét công khai ở Thủ đô Athens, với sự tham dự của cư dân và môn sinh của ông. Bồi thẩm đoàn kết tội ông với số phiếu 280 là có tội và 220 phiếu vô tội. Khi toà cho ông tự định tội, ông mỉa mai nói rằng đáng lí ra ông nên được tưởng thưởng cho những việc làm và tư tưởng của ông. Toà cho ông chọn hình phạt tử hình hoặc lưu vong; ông bình thản chọn án tử hình và ông là người tự thi hành án. Ông vẫn kháng án và đề nghị án phạt tiền, nhưng tòa không chấp nhận đề nghị đó. Ông được điệu đến một nhà tù, và người ta để ông tự uống độc dược. Theo Plato, trong giây phút cuối đời, ông trăn chối với một người học trò là "Chúng ta còn nợ Asclepius một con gà trống. Nhớ trả cho ông ấy." Xin nhắc lại rằng Asclepius là thần thành hoàng của nghề y. Và, thế là ông ra đi vĩnh viễn ở tuổi 70. Có người cho rằng ông chết vì tính ngạo mạn, nhưng cũng có người đề cao tính "nói là làm" của ông. 

Trong giới khoa bảng, Socrates là một tượng đài về học thuật, một người được xem là Á Thánh. Ông là người đề xướng cái mà giới hàn lâm thường gọi là Phương pháp Socrates. Những suy nghĩ và cách làm trong Phương pháp Socrates đặt nền móng cho Phương pháp Khoa học (Scientific Method) mà chúng ta sử dụng ngày nay. Theo Phương pháp Socrates, để giải một vấn đề phức tạp, chúng ta chia vấn đề ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, đặt ra giả thuyết, rồi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, sau cùng đúc kết thành một giải đáp toàn diện. Đó cũng chính là cách thức vận hành của khoa học hiện đại, theo cái mà chúng ta vẫn gọi là Scientific Method -- Phương pháp Khoa học.

Socrates là một tấm gương tuyệt vời của một giáo sư, một anh hùng học thuật. Thật vậy, khi nói đến ý niệm về chức năng của -- và những thành tố làm nên -- một giáo sư, giới hàn lâm đều dùng Socrates làm mô hình chuẩn. Điều này hợp lí, vì Socrates không chỉ là một người thầy vĩ đại, mà còn là một nhà khoa học mẫu mực.   

Giáo sư như là ... người hùng

Có lẽ ít ai nghĩ rằng thời xưa ý niệm về giáo sư có liên quan mật thiết với ý niệm "anh hùng". Xuyên suốt lịch sử nhân loại, anh hùng là người có tài năng, có đóng góp lớn, có khí phách, và họ tồn tại như là những tấm gương tốt của nhân loại. Vào thế kỉ 18-19, các học giả chia anh hùng thành 6 nhóm chính:
  •        thần thánh;
  •        nhà tiên tri;
  •        thi sĩ;
  •        giáo sĩ;
  •        văn sĩ (những người trong thế giới văn chương); và
  •        vua chúa.


Điều thú vị là vua chúa được xếp sau cùng trong bảng xếp hạng anh hùng! Anh hùng theo cách hiểu thời đó là những cá nhân có những hành động và việc làm siêu nhân. Người được tôn vinh là anh hùng chẳng những tài năng, mà thường mạnh mẽ hơn, thông thái hơn, can đảm hơn, sùng đạo hơn, và kiên nhẫn hơn người thường. Xin nói thêm là ý niệm về "anh hùng" thời đó không giống như "Anh hùng lao động" thời nay.

Danh từ "Giáo sư" trong tiếng Việt tương đương với danh từ “Professor” trong tiếng Anh. Chữ Professor trong tiếng Anh có xuất xứ từ tiếng Latin, có nghĩa là “Người thầy công chúng” (Public Teacher). Theo các đặc tính trên, các học giả thời thế kỉ 18-19 xem giáo sư như là những anh hùng. Những người như Socrates (và học trò ông là Plato), Aristotle, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, v.v. là những người thầy công chúng, và cũng là những anh hùng. 

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư là người thầy. Vậy thì điều gì phân biệt một giáo sư với một người thầy tiểu học hay thầy dạy nghề? Để trả lời câu hỏi đó, các học giả dựa vào những đặc tính của sự nghiệp của Socrates để định nghĩa thế nào là một giáo sư hiện đại. Đó là 6 đặc tính liên quan đến học thuật, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, thẩm quyền chuyên môn, chính kiến, và làm gương cho sinh viên.

1.  Học giả

Giáo sư trước hết là một học giả, hiểu theo nghĩa “scholar” trong tiếng Anh. Chính cái “chất” học giả này làm cho giáo sư khác với thầy giáo thông thường. Học giả theo cách hiểu thông thường là người có kiến thức uyên thâm về một lĩnh vực chuyên môn. Lĩnh vực chuyên môn có thể là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Tính cách học giả còn có nghĩa là giáo sư phải giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho môn sinh, chứ không phải chỉ giữ kiến thức cho cá nhân.

Thật ra, chữ “scholar” có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp là “schole”, có nghĩa là “thì giờ thư nhàn.” Những người như Socrates và môn sinh của ông có thời gian nhàn nhã, nên họ có điều kiện để suy nghĩ sâu về những vấn đề mang tính triết lí và ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ chính vì thế mà công chúng thường có ấn tượng về giáo sư như là những người nhàn hạ, ngồi ở tháp ngà, chuyên bàn chuyện “trên mây”, chẳng liên quan gì đến thực tế. Dĩ nhiên, ấn tượng về giáo sư tháp ngà như thế có thể đúng với thời xưa, nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Khi nghĩ đến giáo sư như là học giả, tôi nghĩ ngay đến những người cụ Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, hay xa xưa hơn là Nguyễn Trãi. 

2.  Nhà nghiên cứu

Socrates quan niệm rằng tri thức có thể đúc kết từ nghiên cứu khoa học theo Phương pháp Socrates (tức Phương pháp Khoa học ngày nay). Nhưng tri thức do Socrates tạo ra không phải để ông hưởng lợi cá nhân, mà là để đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Do đó, quan niệm về người giáo sư hiện đại phải là người có khả năng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu, và chuyển gia tri thức đó giúp cho xã hội và nhân loại tốt hơn. 

Vì thế, giáo sư không chỉ là một học giả, mà còn là một nhà nghiên cứu. Thời gian nhàn nhã của giáo sư không phải để tiêu khiển, mà thực chất là để nghiên cứu. Nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của một giáo sư, và chính nghiên cứu là yếu tố làm nên tính cách của một giáo sư, để phân biệt họ với người thầy dạy nghề. Người thầy dạy nghề hay thầy bậc tiểu học không làm ra tri thức mới bằng phương pháp khoa học.


3.  Thành viên của cộng đồng học thuật  

Vào thế kỉ 18-19 (và vào thời của Socrates), Âu châu có một những cộng đồng gọi là “Cộng hoà văn chương” (Republic of Letters). Theo cách hiểu ngày nay, Cộng hoà văn chương thực chất là cộng đồng học giả, là những hiệp hội chuyên ngành. Socrates và học trò ông từng tham gia vào những cộng đồng học thuật ở thủ đô Athens, và họ đàm đạo chuyện triết lí trong các cộng đồng đó.

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư phải là một thành viên tích cực trong “cộng hoà văn chương” hay cộng đồng học thuật. Nói cách khách, giáo sư phải là một thành viên của các hiệp hội chuyên môn. Cộng đồng học thuật không có biên giới chính trị, không phân biệt ý thức hệ. Giáo sư ở Nga hay ở Mĩ vẫn có thể trao đổi trong cộng đồng học thuật. Giáo sư phải tương tác với các đồng nghiệp (trong và ngoài nước) trong các cộng đồng học thuật. Hình thức tương tác là công bố những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, những công trình học thuật trên các tập san của cộng đồng. Ngày nay, chúng ta hiểu rằng đó là công bố quốc tế. Do đó, giáo sư phải có công bố quốc tế, vì đó là một thành tố tạo cái chính danh của giáo sư.

4.  Người có thẩm quyền

Giáo sư là người có thẩm quyền về một lĩnh vực chuyên môn. Xã hội kì vọng rằng chiều sâu và bề rộng về kiến thức của giáo sư phải cao và rộng hơn người thầy tiểu học. Giáo sư không chỉ phải có kiến thức sâu và rộng, mà kiến thức không được “bất biến”. Điều này có nghĩa là giáo sư phải là người năng động, lúc nào cũng tìm cái mới, lúc nào cũng tự trau dồi kĩ năng và kiến thức. Theo cách hiểu hiện đại, giáo sư phải liên tục có những công trình khoa học công bố trong các diễn đàn học thuật.

Những kiến thức của giáo sư phải được chuyển giao qua hình thức cố vấn cho Nhà nước hay các tổ chức hoạt động vì lợi ích chung của dân tộc. Lúc sinh tiền, Socrates là một mẫu mực về thẩm quyền. Ông phân biệt những vấn đề lớn và những vấn đề nhỏ, những vấn đề lâu dài và những vấn đề cấp thời. Môn sinh của ông là những người xuất thân từ các gia đình giàu có ở Hi Lạp. Ông dùng kiến thức của mình để đào tạo những môn sinh, với kì vọng họ sẽ trở thành những lãnh đạo tương lai. Đó cũng chính là một trong những chức năng của giáo sư thời nay.

5.  Người phản biện 

Giáo sư là một học giả, một nhà khoa học, và cũng là một nhà trí thức. Nhà trí thức thời nào cũng có những tính phổ quát là tôn trọng lí tưởng chân thiện mĩ, độc lập trong suy nghĩ, hoài nghi lành mạnh, và tự do sáng tạo. Giáo sư phải có niềm tin, hay cái mà tiếng Anh gọi là “conviction” (có lẽ hiểu là “lập trường”). Giáo sư, do đó, phải có chính kiến, nhưng chính kiến của họ không phải dựa trên cảm nhận cá nhân, mà qua đúc kết từ các nghiên cứu của chính họ. Nói theo ngôn ngữ thời nay, giáo sư phải có tinh thần phản biện, và sẵn sàng nói ngược lại những gì mà Nhà nước làm, và tinh thần phản biện vì lợi ích của cộng đồng.

6.  Tấm gương

Lúc sinh tiền, Socrates là một nhà giáo mẫu mực, người mà lời nói đi đôi với hành động. Dù ông không chấp nhận bản án dành cho ông, nhưng ông thượng tôn pháp luật do chính ông đề ra, và ông sẵn sàng chọn cái chết vì tinh thần đó. Do đó, một cách lí tưởng, giáo sư hiện đại phải là tấm gương cho sinh viên và học sinh. Giáo sư phải thực hành những gì họ giảng, và qua đó mới tạo được niềm tin ở sinh viên. Có thể có người không đồng ý với đặc tính này của giáo sư, nhưng đó là một thực tế. Sinh viên và học sinh nhìn vào giáo sư để phấn đấu và để tìm cho mình một hình tượng mẫu, để theo đuổi một định hướng.

Tóm lại, sáu đặc điểm trên đây trong cuộc đời và sự nghiệp của Socrates chính là những thành tố tạo nên một giáo sư hiện đại. Ý niệm về giáo sư có gốc gác từ ý niệm về người hùng vào các thế kỉ trước, và người hùng tiêu biểu là triết gia Socrates, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử. Có lẽ đa số giáo sư ngày nay không dám nhận mình đứng ngang hàng với các bậc tiền bố đó, nhưng việc làm của họ cũng không khác gì mấy so với việc làm của giáo sư ngày nay: giảng dạy, nghiên cứu, và phụng sự xã hội.

Nói gì thì nói, giáo sư là nhà giáo, là một thành phần trong giai cấp thầy. Nhưng giáo sư là thầy giáo công chúng, chứ không đơn thuần là thầy giáo tiểu học hay dạy nghề. Giáo sư khác với thầy giáo thường ở điểm họ chẳng những giảng dạy, mà còn nghiên cứu khoa học và sản sinh ra tri thức mới. Tri thức mới không phải cho cá nhân họ, mà phải đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Cần nói thêm rằng danh từ "giáo sư" trong tiếng Latin có nội hàm là người có thẩm quyền và chuyên gia. Nội hàm thẩm quyền và chuyên gia được xây dựng trên giảng dạy (đào tạo) và nghiên cứu của cá nhân giáo sư. Do đó, một người không hành nghề giảng dạy và cũng không nghiên cứu không thể là một giáo sư đúng nghĩa.

Bài viết này lấy cảm hứng từ tranh luận chung quanh ý nghĩa của danh từ "Giáo sư". Có ý kiến cho rằng rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã "phạm huý" khi sử dụng danh từ "Giáo sư", vốn là chức danh do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tiến phong. Nhưng chiếu theo những lí giải mang tính "ôn cố tri tân" trên đây, tôi thấy chính Hội đồng Nhà nước mới lạm dụng danh xưng "Giáo sư", bởi vì rất nhiều người được Hội đồng tiến phong không hành nghề giảng dạy mà cũng chẳng làm nghiên cứu, chẳng tạo ra tri thức mới, chẳng tham gia các "cộng hoà văn chương".

Đã đến lúc cần cải cách qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư. Cũng như một số người phát biểu trên báo chí, tôi cho rằng nên trả danh từ "Giáo sư" về cho đại học, và nên trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho đại học. Bất cứ đại học nào cũng đều có quyền bổ nhiệm giáo sư, nếu đại học có sẵn một qui trình minh bạch và một bộ tiêu chuẩn khoa học.



Phần nhận xét hiển thị trên trang