Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Lãnh đạo chính trị và phê bình văn nghệ


Nguồn: quechoa.11-08-2014
Trích hồi ký Đèn Cù
Trần Đĩnh/ Văn Việt


Trần Đĩnh, nhà báo, nhà văn, dịch giả. Đã viết (chỉ kể từ 1960): Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ Chí Minh, tháng 5-1960, Trong xà lim án chém, các hồi ký của Phạm Hùng, Lê Văn Lương; Gặp Bác ở Paris của Bùi Lâm, Bất khuất (hồi ký tù Côn Đảo của Nguyễn Đức Thuận). Hai truyện vừa cho Nhà xuất bản Phụ nữ năm 1976, 1977.
 Các tiểu thuyết đã dịch: Rebecca của Daphne du Maurier, Nụ hôn của ngọn gió đêm (The kiss of the night wind của Janelle Taylor), Người chìa khóa(The keylock man của Louis Lamour, Đời tỉ phú(Le Grec), Đồng tiền thấm máu (Out của Pierre Rey), Linh Sơn của Cao Hành Kiện (dịch từ tiếng Pháp), Máu lạnh (In cold blood của Truman Capote, Những con chim hồng hộc (The wild swans của Trương Nhung), Bồ câu cô đơn (Lonesome Dovecủa Larry McMurtry, Ngầm (Underground của Haruki Murakami), cùng khỏang hai chục tiểu thuyết khác nữa. Sách thường dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp, trừ quyển Vòm không của lịch sử, tiểu thuyết bằng tiếng Trung Quốc (nguyên tác Lịch sử đích thiên không– Lãng tử chú thích)
 Bài đầu là viết phê bình Khói trắng, phim ca ngợi công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng đã ngừng sản xuất bất cần đảng ủy và ban giám đốc để chữa máy cho có năng suất cao. Phạm Văn Đồng giục báo phê bình. Hoàng Tùng [Tổng Biên tập báo Nhân dân – Văn Việt] bảo tôi – phải thấy anh quần soóc tìm tôi đang tập thể dục ở sau cây đa và một lần nữa xuống tận nhà ăn còn có mình tôi – tập thể dục muộn – để nhắc tôi lần thứ ba.Tôi nói: có đáng om xòm gì đâu anh? Nhưng vẫn đành viết. Chiếu lệ. Ký một cái tên vu vơ. Cái gì Nguyễn Thành.
 Sáng hôm báo đăng bài ấy, tôi ra Thủy tạ ăn sáng thì vồ phải đúng Tiến Lợi, đạo diễn bộ phim láng cháng đi qua. Tôi kéo anh vào mời cùng bí tết, cà phê. Bảo anh là tôi đã bị yêu cầu viết phê bình phim của anh tuy thấy nó chẳng đáng bới ra.
 Tiến Lợi cảm động: – May là ông chứ đứa khác thì chuyến này được dịp nó xin tôi tí tiết phải biết. Ông ơi, từ đầu đến cuối bộ phim, Ngài xem kỹ lắm. Ông lạ gì ở ta phim nào cũng đều là phải Ngài duyệt cả. Có khi còn caơ hơn cả Ngài nữa. Trần Vũ làm một phim hợp tác xã mà ông Lê Duẩn gọi đến hỏi anh có biết hợp tác xã là gì không? Là làm ăn lớn! Trần Vũ sau đó bảo: “Gì chứ làm ăn lớn như Cụ phán thì dễ thôi. Cứ cho người và trâu bò, thúng mủng, cuốc xẻng, nón mũ ra đen ngòm đồng là không kêu em làm bé được nhé. Không ư? Máy kéo đếch có thì chỉ có đếm mông mà coi là làm lớn hay bé thôi chứ? Mông quá chứ, ra đồng đều là cắm đầu xuống đất cả …” Phim Khói trắng tôi cũng thế. Ngài phán tốt, phán từ lúc còn là âm bản. Thành dương bản Ngài lại xem lại phán tốt: Phim này sờ gáy khối cha bảo thủ đây, Ngài nói. Cuối cùng đến khâu phát hành có cho chiếu không thì lại cũng phải ý kiến tối thượng kiêm tối hậu của Ngài nữa chứ, đâu phải bọn tôi muốn gì thì muốn… Bây giờ trơ ra mình tôi chịu đòn…
 Ngài đây là Tố Hữu. Nếu biết Tố Hữu đỡ đẻ bộ phim này như Tiến Lợi vừa nói thì liệu tôi có dám móc Ngài “sản phu” (không phải phụ) lên để buộc Ngài cùng chịu liên đới trách nhiệm không? Chắc không. Mà có dám thì bài báo đến cửa Hoàng Tùng cũng rụng. Tố Hữu chuyên đánh trống thổi kèn thúc quân thẳng tiến, Phạm Văn Đồng đến lúc cần gắn hàm thiếc vào cho cỗ máy sản xuất mà thật ra chả vị nào ở ta hiểu phải xoay sở với nó như thế nào thành đâm ra ông chẳng bà chuộc.
 Trên đường về báo, ngán cho mình, tôi đã vòng lên tận đầu Khai trí tiến đức cũ mới quặt lại, khá buồn.
  Tôi chẳng qua chỉ là cây bút vệ sinh công cộng người thế thôi… Thế mà tại sao không nghĩ tới chữ bồi bút? Nhận ra bản mặt không phải chuyện quét lá quét lẩu xì xằng sao cho nghe cứ là xoàn xoạt thật to ở bên tai một số dễ.
 Liên hoan sân khấu 1962 xôm trò. Nhiều kịch diễn. Gây xôn xao có Nhật ký địa chất của Thiết Vũ và Con nai đen [ii] của Nvguyễn Đình Thi.
 Trong hội diễn, Phan Ngọc, thư ký của Tố Hữu đã dạm trước với tôi một “bài tổng kết theo ý anh Lành [Tố Hữu – Văn Việt]”. Sau bế mạc, Phan Ngọc đưa cho tôi bài viết đã hẹn.
 Tôi đọc ngay ở sân báo. Nói: Không thể khen Con nai đen là một thành công.
– Anh Tố Hữu đánh giá đấy, Phan Ngọc nói.
– Nhưng báo đảng thì nên thận trọng. Tôi thấy nên sửa đi. Đừng vội nói là thành công…
Cần được đăng báo, Phan Ngọc hỏi ngay vậy sửa thế nào. Tôi nói sửa thành một thí nghiệm đáng hoan nghênh.
Phan Ngọc reo lên: -Hay! Giỏi!
 Nhưng hôm sau anh lại mang chính bài báo ấy đến. Cười bảo anh Lành đã xem, đã sửa và đã ký tên ra lề đây. Nghĩa là chỉ có đăng thôi, miễn bàn, miễn mó máy…
 Câu tôi sửa hôm qua đã được Tố Hữu chữa lại thành: Con nai đen là một thành công đáng hoan nghênh (chữ “thí nghiệm” của tôi bị dập đi, nhưng chữ “đáng hoan nghênh” thì được giữ để làm tên lửa đẩy cho chữ “thành công” đã được mực đỏ long trọng khều vớt lại.) Nơ-rôn tôi đã bị Tố Hữu bẻ đôi lưu dụng một nửa để nâng cấp Con Nai Đen lên!
Hôm sau báo đăng bài này. Khoảng mười giờ, tôi nhận điện thoại Trường Chinh. Hẹn tôi hai giờ chiều lên gặp anh.
 Đầu tiên tôi cần đi lùng cho ra Như Phong. Phải sục đến dăm ba chiếu rượu. Rồi kể qua sự tình, bảo anh chiều nay cùng lên Trường Chinh. Chuyện quan trọng không thể chỉ phó lên tuy phó tôi làm là chính và tuy chỉ phó tôi được gọi.
 Trong phòng khách, cái chỗ tôi quá quen thuộc, tôi và Trường Chinh ngồi trên đi văng, trước mặt là Như Phong. Trường Chinh nghiêm nghị nhìn tôi hỏi, dằn giọng tuy cố giữ bình tĩnh:
– Anh làm ở báo nào?… Đúng, tôi hỏi là anh làm ở báo nào? Anh làm ở báo đảng mà anh đi khen Con nai đen là một thành công đáng hoan nghênh ư… Tôi hỏi các anh căn cứ vào cái gì mà khen tướng lên như thế? Anh có thấy đây là một vở kịch équivoque, ambigue, mập mờ, nước đôi, cạnh khoé không? Tôi đã hỏi người ta (không nói rõ tên nhưng tôi chắc là Nguyễn Đình Thi) vở kịch này nhằm chửi ai? Người ta bảo là chửi Kennedy ! Ô hay, Kennedy tổng khởi nghĩa thành công bao giờ mà rồi bị mê lú suýt mất nước, phải nhờ đến pho tượng? Tôi vặn thế thì người ta bảo chửi Tito. Chửi Tito thì cứ réo thẳng tên ra mà chửi chứ sao phải mập mờ? Người ta lại nói đây là chửi Khroutchev ! Đồng chí Khroutchev làm sao mà chửi? Tôi hỏi anh. Anh có nhớ tôi đã bảo anh nếu thấy ai chửi đồng chí Khroutchev thì nói với tôi để tôi báo cáo lên Bác không? (Vâng, tôi nói, tôi nhớ, hôm tôi kể với anh chuyện Bác lên Lạng Sơn bị mưa mà không chịu che ô là anh nói như thế với tôi.) Anh Nguyễn Đình Thi là người thế nào? Các anh không hiểu anh ấy bằng tôi đâu. Hôm nay tôi mời các anh lên để nghe các anh nghĩ thế nào về vở kịch này, về anh Nguyễn Đình Thi… Nào, các anh nói xem vì lẽ gì mà khen nó.
 Tôi bèn thuật lại từ đầu đến đuôi cuộc đấu chữ, cưa cụt chữ và ghép chữ. Tất nhiên đưa cả bản thảo có Tố Hữu ký và các chỗ tôi và Tố Hữu sửa ra làm bằng. Trường Chinh cầm xem xong trả lại. Nói, giọng nhẹ hẳn: – Thôi được, các anh về, tôi sẽ nói chuyện với anh Tố Hữu.
 Đạp xe về, thấy Thi bị điểm danh, Như Phong thích lắm cứ hỏi: “Thằng Thi nhát lắm mà sao nó lại dám trêu Trường Chinh nhỉ?”
 Tôi nói năm 1957, 58, Thép Mới qua Bắc Kinh đã phàn nàn với tôi là hai cha Tố Hữu, Hoàng Tùng đều nhờ Trường Chinh dạy dỗ nâng đỡ mà nên thì đến sửa sai Cải cách ruộng đất, hai cha chửi Trường Chinh ác nhất. Nay Tố Hữu lập tại gia điện thờ Lê Duẩn thì phải chiêu nạp con công đệ tử mới như Thi đến chầu văn hầu bóng cho rôm rả. Và vì thế Thi hết nhát! Trường Chinh nói hiểu Thi là thế.
 Đến trước báo Quân đội nhân dân, trời đổ mưa sầm sập. Chúng tôi núp dưới mái ô văng nhà Điện Quang. Lấy thuốc lá hút, tôi nói:
– Tố Hữu chuyến này lên to. Bộ Chính trị đây…
 – Sao cậu biết? Như Phong tròn mắt, tru giẩu hai môi lại chờ.
– Đấy thôi, đang cáu thế mà nghe đến Tố Hữu là cụ thôi ngay. Ngày xưa Tố Hữu sợ Trường Chinh hơn cọp. Tố Hữu nay đã thế nào và Trường Chinh phải thế nào thì Thi mới dám bóng gió Trường Chinh lú lẫn chứ. Quen nghe Thi nịnh, Trường Chinh thấy ngay anh này thờ chủ mới. Xem rồi Trường Chinh trả miếng lại ra sao…
 Tôi còn nghĩ Tố Hữu đánh trống thổi kèn thúc công nhân tự tiện đóng sản xuất lại chữa máy thì nay quay sang đánh trống thổi kèn thúc văn nghệ sĩ phang vào tối đẳng linh thần… chứ đâu là thí nghiệm văn chương nữa nhưng tôi không nói ra với Như Phong. Ý nghĩ chết người. Tuy vẫn ngỡ nội bộ lãnh đạo của ta thương yêu nhau hơn nội bộ lãnh đạo Trung Quốc song tôi đã mơ hồ cảm thấy trong cánh gà sân khấu đang có đồ lề thanh long đao, mã tấu xê dịch…
 Tôi thầm tin Trường Chinh sẽ rất quyết liệt giữ vững quan điểm, chính kiến của anh. Tôi không hiểu vi rút đại loạn của phương bắc có sức lây nhiễm và phá phách ghê gớm. Tôi vẫn nhìn Trường Chinh bằng con mắt hồi Cách mạng Tháng Tám huy hoàng cờ bay… Tôi không hiểu “đấu tranh giai cấp ở bên ngoài xã hội” rồi sẽ phải phản ánh vào trong chóp bu nội bộ đảng. Nghĩa là khi yên lành thì tôi với anh là đồng chí, khi cần hạ nhau thì nắm ngực bảo nhau là đại lý xấu xa của giai cấp thù địch.
 Cuối cùng Trường Chinh chịu yên bề nhưng Con nai đen cũng im tiếng. Có lẽ người ta chỉ cần tạm quệt cho một ít nhọ nồi. Xì xầm trong giới văn nghệ: Con nai đen chĩa vào ông ấy vì xét lại, nhụt ý chí cách mạng đấy đấy…
 Bắc Kinh công kích Liên Xô ngày một dữ. Hà Nội phải cho hai ông anh ngừng tiếp âm. Dân tối tối ngồi đầy quanh Cột đồng hồ Bờ Hồ hóng gió trời và hóng lửa hai ông anh chửi nhau nom có kém náo nhiệt đi…
 Thì hai ông anh lu bù quăng ấn phẩm, tài liệu vào. Hầu như nhà cán bộ nào cũng đầy sách Bắc Kinh phê phán Liên Xô. Có chủ nhân rất tự hào bày cả chồng ở ngay trên bàn trà nước rồi hễ ai đến lại ấp cả bàn tay lên khoe: – Đọc hết, đều đọc hai lượt hết. Cho thấm. Riêng bài thứ chín thì nghiền hẳn ba lượt! Quá hay! Lý luận thì Bắc Kinh quá giỏi!
Một tối, đến nhà Đào Vũ gửi xe đạp để vào rạp Tháng Tám, Chính Yên trở ra bảo tôi đứng chờ ở hè: – Cả nhà nó vợ con sáu bảy người đang ngồi quanh bàn ăn, Đào Vũ giơ tay nói: “Toàn gia nghiên cứu, anh báo đảng phải làm chứng cho thành tích nhà tôi về lập trường đấy nhá!”.
 Kim Lân nhà văn một hôm hề hề bảo tôi: – Bi giờ em lại được phong làm thằng lính gác tư tưởng rồi cơ đấy ạ. Khốn nạn, cái thân em còm nhom nom hãi bỏ mẹ đi thế này mà cũng bắt em đăng lính đi gác tư tưởng. (Ngoẹo đầu vén tay áo lên cho thấy toàn xương rồi nhành mồm nghíến răng vờ lên gân).
 Sĩ Trúc, giám đốc Xunhasaba [Tổng công ty Xuất nhập khẩu sách báo – Văn Việt] thì thào bảo tôi: -Từ nay tôi được giao cho làm lính canh cổng tư tuởng, này, chết như bỡn đấy.
– Sao không thấy tài liệu Liên Xô đâu cả? tôi hỏi.
– Đừng lộ ra đấy nhé. Kễnh (là Tố Hữu) chỉ thị cho chúng tớ là đem tài liệu Liên Xô bán kín đáo cho đồng nát còn tài liệu Bắc Kinh chửi Liên Xô thì phân phát kỳ hết. Còn dặn cho một người hai bản cũng không sao. Người ta có người ta lại cho mượn truyền đi.
 Tài liệu của Bắc Kinh gồm “chín bài” đại phá xét lại mà cán bộ gặp nhau hồi ấy thường hỏi nhau đọc đến bài thứ mấy để đo mức độ cập nhật tức là lòng dạ sáng tối của nhau. Trường Chinh đã tổng kết đó là “chín quả đấm thôi sơn của Trung Quốc đánh sập chủ nghĩa xét lại Liên Xô”. Riêng với tôi thì chúng đánh sập mất lòng yêu mến Trường Chinh bấy lâu nay của tôi.
 Cùng chín quả đấm còn một luồng gió cách mạng tất độc nữa là sách về Lôi Phong, người học trò trung thành của Mao Chủ tịch.
 Buồn vì thời thế, tôi hay vào trường kịch ở Cầu Giấy chơi. Đang lúc đoàn thanh niên ở trường phát động học Lôi Phong. Nhìn các nữ diễn viên tương lai mặt hoa da phấn vừa vào trường nghệ và trường tình cắm cúi nghiền cái gã moi rác lấy bàn chải đánh răng đã bị vất đi đem về dùng tôi thấy thương quá. Để tuyên truyền mạnh hơn cho tư tưởng Mao, Tố Hữu lệnh ngành kịch dựng vở Dưới ánh đèn nê ông của Trung Quốc ca ngợi Quân giải phóng vững vàng vào Thượng Hải không hề bị sa ngã, mua chuộc. Nghe mọi người xì xào nó quá xoàng, Tố Hữu đã triệu tập các báo đến chỉ thị “chỉ được phép khen”. Nhấn mạnh:
– Khen chê vở này là vấn đề lập trường, tôi nói lại này, là ở đây chỉ có lập trường, lúc này lập trường là nghệ thuật.
 Có lúc tôi mong Phạm Văn Đồng đứng ra ngăn như với Khói trắng. Nhưng trong pha trận mạc này, ông đồng tình với Tố Hữu.
 Tố Hữu đi rồi, Chi Lăng được giao cho lên giới thiệu cái hay của vở kịch. Tội cho anh. Không nói trái được bụng mình, anh trước sau cứ mấy câu dzở kịch này nó dzỉ đài…, dziỉ đài lắm, nó dziỉ đaài thiệt…, thiệt mà… Và hết.
 Bửu Tiến sau họp kéo vai tôi lại thì thầm: -Dzĩ đại cho nên đ. diễn nổi… vì bầy đàn đạo diễn, diễn viên đều là dzĩ tiểu, đuôi bé tí chỉ dùng để biểu cảm với bề trên được mà thôi…
 Tôi bảo anh: “Người ta đang bê Bắc Kinh lên tận mây xanh, không biết liệu có ngày nhào xuống đất đen không?” Một phản ứng thôi chứ chả có cơ sở gì xác đáng… Nhiều cái điên rồ tôi từng thấy ở Bắc Kinh mà rồi có ai làm sao đâu!
 Bửu Tiến giỏi chơi chữ. Anh đã đặt ra các tên Chi Lăng Nhăng [tức Chi Lăng – Văn Việt], Trần Bảng Lảng [tức Trần Bảng – Văn Việt], Thiết Vũ Phu [tức Thiết Vũ – Văn Việt]… trong giới kịch.
 Người ta đang hăng hái tuyển ngự lâm quân hay “lính gác tư tường”. Tôi được kén rất sớm, sớm nhất. Một sáng Phan Ngọc hớn hở bảo tôi: – Anh Lành nói tìm Trần Đĩnh bảo hăng và trẻ như Trần Đĩnh thì hãy phất cờ lên ! Thời cơ rồi!
 Tôi dằn giọng đáp lại: – “Về bảo anh ấy hộ là Trần Đĩnh nói nó chẳng có cờquái nào hết. Nhớ nói hộ, chẳng có cờ với cơ hội quái nào hết.”
Kịp kìm không nói “Cơ hội gì? Cơ hội cho đất nước làm bãi chọi trâu ư?”.
 Phải nhìn Phan Ngọc ù té phóng vội đi. Vẻ cái tướng của tôi cũng dữ.
 Cơ quan nào cũng thành hai phe giáo điều và xét lại đả nhau. Có khi thượng cả cẳng chân cẳng tay. Tất cả rừng rực tâm huyết lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê. Nào ai biết mình là quân cờ trong ván cờ Mao bày? Cũng chả ai để ý cộng sản Ấn Độ chia hai, theo Mác và theo Mao đối địch. Nê-pan cũng một Đảng Cộng sản M (tức là Mao–ít) và một Đảng cộng sản M-L (Mác-Lênin). Nhật thì dứt khoát không Mác, không Lê, không chuyên chính vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bề bốn bên ai cũng bảo mình là chân lý. Chính là nhờ đã ngẫm nghĩ về cái sức mạnh cộng sản giỏi tương tàn này mà trong lúc bị hỏi cung tôi đã viết vào biên bản: chủ nghĩa Mác-Lê như mảnh trời vỡ rạn, mỗi đảng nhận lấy một mảng sao vụn nát bảo đó là ánh sáng chân lý của mình.
 Nhưng đến nay, bây giờ khi viết những dòng này, tôi lại hình dung thấy tất cả phe cộng sản lúc ấy là một chậu nước lớn nhưng đã ngầu đục bị Mao lắc cho nổi sóng cuộn gió và bên trong chậu đó các anh hùng hảo hán, các kẻ vệ đạo nghiêng ngửa hò hét hủy diệt nhau. Trong sóng gió tối tăm ấy của cộng sản (thiên hạ đại loạn Trung Quốc được nhờ) lập loè một tín hiệu Mao gửi Mỹ: Mi không thấy là ta đánh kẻ thù số một của mi đấy ư? Có chìa tay ra với ta không?
 Tôi đầu bạc, cái râu bạc và đảng dột tứ bề rồi tôi mới thấy Bắc Kinh đã góp phần chính làm tan phe cộng sản và chấm dứt chiến tranh lạnh! Nhưng mà tốn máu Việt Nam quá.
[i] Tựa đề của Văn Việt.
[ii] Con nai đen là chuyện một người có công khởi nghĩa giải phóng cho dân nhưng cầm quyền đâm ra lú lẫn, may có pho tượng đá trong rừng mà tỉnh lại. Dư luận hồi đó cho là Thi nói cạnh Trường Chinh mê xét lại, không theo Mao.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NỮ LUẬT SƯ LIÊN THÀNH LÊN TIẾNG VỀ VỤ LS. VÕ AN ĐÔN


 
Nữ luật sư Hồ Liên Thành. Ảnh: FB Liên Thành.

(Thành phố Hồ Chí Minh) · 
NỖI NIỀM VÕ AN ĐÔN
Hôm trước khi hay tin Luật sư Võ An Đôn bị Hội đồng khen thưởng, kỷ luật Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra họp xem xét đề nghị kỷ luật, tôi đã có bài viết TRĂN TRỞ VÕ AN ĐÔN, được nhiều bạn bè trên trang FB đồng cảm, chia sẻ…
Hôm nay, tôi hay tin Luật sư Võ An Đôn bị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cao nhất: xóa tên khỏi Đoàn Luật sư, tôi thực sự cảm nhận nỗi niềm đau xót.

Dù rằng tôi và nhiều người không đồng tình về một số nội dung ý kiến phát biểu của Luật sư Võ An Đôn trên trang FB Đôn An Võ và dù rằng tôi biết Luật sư Võ An Đôn có những phản ứng quá lời khi nhận được góp ý của một số bạn bè, đồng nghiệp… Nhưng, không vì vậy mà tôi nghĩ mọi người sẽ xa lánh Võ An Đôn và không phải vì vậy mà tôi giữ im lặng khi Võ An Đôn gặp hoạn nạn…!
“Nhân vô thập toàn”, huống gì những điều Luật sư Võ An Đôn phát biểu nhận xét nó phản ánh một hiện thực trần trụi, phũ phàng và nhức nhối mà mỗi ngày vẫn diễn ra, mang tính phổ biến và chưa có phương thuốc chữa trị trong đời sống pháp luật và của chính giới luật sư.
Tôi đã từng đưa ra ý kiến lý giải phát ngôn của Võ An Đôn trên trang FB của mình: 
“1. Nội dung phát ngôn của Võ An Đôn chứa đựng một sự thật trần trụi và đau lòng, đó là địa vị pháp lý của luật sư ở Việt Nam quá thấp và từng bước bị vô hiệu hóa, để tồn tại được trong môi trường mà án tòa xử “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” hay “án dân sự muốn xử sao cũng được” thì luật sư buộc phải “chạy án”, nhưng khi nói, viết thì vị luật sư này không thèm rào trước, đón sau, không loại trừ và phân biệt luật sư tư vấn với luật sư tranh tụng, không dùng từ “phần lớn” hay “bộ phận không nhỏ” như cách nói của những người “khôn ngoan”…!
2. Có thể vì quá bức xúc trước thực trạng hệ thống tư pháp còn nhiều bất cập, cơ quan công quyền hành xử sai trái có hệ thống, người dân yếu thế gánh chịu bất công và oan sai tràn ngập, chính thân chủ của luật sư bị chết oan, bị bức hại, ngay luật sư cũng bị hành xử bất công, nên vị luật sư này đã chọn cách thể hiện bằng ngôn ngữ “nói quá” như một sự “khiêu khích” để lôi kéo chú ý và tạo ra ý kiến phản biện, nhằm đưa vấn đề lên cao, cảnh báo trong toàn giới luật sư và trước công luận…!
3. “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay “Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng” là lẽ thường tình và rất đúng trong trường hợp phát ngôn gây phản ứng của Võ An Đôn. Vị luật sư này chọn cho mình lý tưởng phụng sự công lý, hết lòng bảo vệ người nghèo và người yếu thế, không thỏa hiệp với cường quyền, lẽ cố nhiên là người không chấp nhận “chạy án” nên nội dung lời nói, bài viết luôn là lời nói thẳng, nói thật, dễ gây mất lòng và khó nghe với nhiều người, cũng là điều dễ hiểu. Ở một khía cạnh khác, những lời nói khó nghe của Võ An Đôn trở nên có giá trị như những liều thuốc đắng chữa trị các căn bệnh mãn tính, thậm chí là bệnh an y trong đời sống xã hội Việt Nam!”.
Nếu nghe thấy Luật sư Võ An Đôn bị xử lý kỷ luật mà nghĩ rằng Võ An Đôn là người xấu thì ắt đó là suy nghĩ của đầu óc nông cạn! Nếu trong lúc đồng nghiệp mình bị hoạn nạn, không lên tiếng bênh vực thì chớ, còn a dua xỉ vả, đạp đổ thì đó chỉ có thể là lòng dạ của kẻ tiểu nhân!!
Theo tôi, với những thông tin mà chúng ta có được, với sự cân nhắc và thận trọng, bằng tinh thần trách nhiệm và tình đồng nghiệp, tôi đề nghị các vị luật sư chân chính cần lên tiếng nói để bảo vệ đồng nghiệp Võ An Đôn trước quyết định kỷ luật quá khắt nghiệt và áp đặt.
Liên Thành.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những thú ăn chơi khác người của vua chúa Việt xưa


Lý Thần Tông mê sưu tầm sinh vật lạ
Lý Thần Tông (1116 – 1138), tên thật Lý Dương Hoán, là vị vua thứ năm của nhà Lý, trị vì từ năm 1127 – 1138. Theo sử sách, ông có một sở thích kỳ lạ là tìm kiếm, sưu tầm những con vật kỳ lạ.
Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến chuyện này như sau: Phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng… đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng, ông cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng.
Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: “Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?”. Nghe lời ấy, vua mới thôi mê muội.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, một người lính tên Vương Cửu ở Tả Hưng Vũ đem dâng vua một con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ: Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế (sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân), nhằm nịnh nhà vua.
Truyền năm Lý Thần Tông 23, bỗng nhiên vua thấy ngứa ngáy khắp cả mình mẩy, càng gãi bao nhiêu thì lông càng mọc bấy nhiêu, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ như chúa sơn lâm, phải nhờ Sư Nguyễn Minh Không chữa mới trở lại bình thường.
Không rõ chuyện “hóa hổ” của vua có liên quan gì tới niềm đam mê muông thú hay không?
Những thú vui rợn người của Lê Long Đĩnh
Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 1005 – 1009. Trong sử sách, ông được nhắc đến như là một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác, có những thú vui đẫm máu khiến người đời ghê sợ.
Đại Việt sử lược viết:
Phàm đánh trận, bắt được quân địch vua cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng dưới nước, rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Khi nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết. Lại bắt (tù nhân) treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây.
Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng nó sát hại đi. Còn phàm những con vật (nuôi để cúng tế) đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiên vào để tự tay vua đâm chết đã, rồi sau mới giao cho người nấu bếp.
Lại khi, nhà vua đặt mía trên đầu bậc tu hành là đức Tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên.
Hoặc đêm đến vua sai làm thịt mèo để cho các tướng vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tướng vương đều mửa thốc mửa tháo. Mỗi khi đến buổi chầu thì sai những tên hề ra nói leo lẻo luôn mồm để làm khỏa lấp lời những ai bẩm bạch về việc gì. Lại thấy kẻ giữ cung làm món chả thì đến cùng người tranh nhau mà ăn…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng một số điều xấu của vua Lê Long Đĩnh chỉ là thêu dệt, nhằm tạo tính chính đáng cho việc hạ bệ nhà Tiền Lê trong sử sách.
Lý Cao Tông mê… phượt, mặc dân khốn khổ
Lý Cao Tông (1173 – 1210) tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long, là vị vua thứ bảy của nhà Lý, cai trị từ năm 1176 – 1210. Theo sử sách, khi còn nhỏ ông là người ngoan lành, song khi lớn lên cầm quyền trị nước lại trở thành một kẻ ham chơi bời, tiêu phí sản nghiệp quốc gia cho những thú vui chơi vô bổ của vua.
Đặc biệt, Lý Cao Tông rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ… Vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực.
Khi trong nước đã loạn lạc, đường xá không thông, vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong, Hải Thanh ở đầm Ứng Minh, hàng ngày cùng bọn cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ thiên tử như khi vua ngự đi chơi đâu vậy.
Vua còn lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các vật quý thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Văn võ bá quan thấy vua ăn chơi vô độ đều sợ hãi không ai dám lên tiếng.
Vào những năm trị vì cuối cùng, đất nước đói kém, người chết đói hàng loạt, vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt…
Mê đỏ đen, Trần Dụ Tông biến triều đình thành chiếu bạc
Trần Dụ Tông (1336 – 1369), tên thật là Trần Hạo, là vị vua thứ 7 của nhà Trần, cai trị từ năm 1341 – 1369. Ông được sử sách ghi nhận như một vị vua chỉ khoái hưởng lạc giữa lúc nền chính trị sa sút và nhân dân cùng cực đói khổ.
Vào giai đoạn cuối của nhà Trần, nạn cờ bạc, rượu chè rất phát triển. Đến đời Trần Dụ Tông thì tệ nạn không đã tràn cả vào trong cung đình, và nhà vua chính là người đã cổ súy cho điều này.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Dụ Tông đã cho gọi các nhà giàu trong nước vào cung đánh bạc làm vui. Một tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã giàu ngàn quan rỗi. Quan lại thì như Hành khiển Trần Khắc Chung, cùng Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đánh bạc, có khi đến hai, ba ngày, đêm này qua ngày khác, cùng ngồi ngay ở bàn mà ăn cháo không nghỉ lúc nào, được thua chỉ có một, hai quan tiền mà dụng tâm rất khổ.
Sử gia thời Lê Phan Phu Tiên đã phê phán thú vui này của Vua Trần Dụ Tông như sau: Dụ Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc, rồi sai người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà mất nước.
Bên cạnh thú cờ bạc, vua Trần Dụ Tông còn có các thú chơi xa xỉ mà các sử gia đương thời nhận xét là “Vua phương Bắc ăn chơi cũng không bằng”. Đó là xây vườn nuôi chim thú quý, chở nước biển đổ xuống hồ nuôi các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá biển…
Theo KIẾN THỨC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những quyết định quan trọng nào đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV?


Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách 2018 cùng hàng loạt các vấn đề quan trọng khác như bồi thường đất dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, cơ chế đặc thù cho Tp.HCM...Có 6 Luật đã thông qua trong đó 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cũ với nhiều điểm mới.
Tùng Lâm - Hương Xuân / Theo Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ vụ Alibaba, cần sớm nhận diện những dự án bất động sản ‘bánh vẽ’


Đứng vững trước những lời quảng cáo “ngọt như đường” của các “cò” đất là điều không đơn giản với người có nhu cầu mua bất động sản.
Trên địa bàn TP. HCM thời gian qua đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án bất động sản “bánh vẽ” chào mời công khai. Gần đây là việc một số đối tượng đứng phát tờ rơi, thông tin khu dự án nhà ở liền kề Royal Gold Land tại phường Đông Hưng Thuận thuộc quận 12.
Tuy nhiên, theo kiểm tra của UBND quận, đây là khu đất thuộc quy hoạch đất cây xanh (nằm đối diện trụ sở UBND phường Đông Hưng Thuận). Cơ quan chức năng không phê duyệt hoặc thỏa thuận bất kỳ dự án nào thuộc khu vực này.
Một sự việc tương tự khi Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, rao bán và thu tiền giữ chỗ đối với dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII – 3 (TP.HCM). Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã cảnh báo tới người tiêu dùng và nhà đầu tư về những thông tin sai sự thật của địa ốc Alibaba.
Theo HoREA, dự án mà Alibaba tự xưng là chủ đầu tư thực chất đang được thành phố mời gọi đầu tư; dự án chưa được giải phóng mặt bằng; chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Do đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba không có tư cách để nhận danh xưng này.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều dự án bất động sản “bánh vẽ” đang “bung” trên thị trường mà người dùng cần tránh. Chia sẻ trên Người lao động, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật INTECO, có rất nhiều dấu hiệu nhận diện những dự án bất động sản “bánh vẽ”.
Thứ nhất, là việc chủ đầu tư không thực hiện việc công bố thông tin về dự án mà họ bắt buộc phải công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, bao gồm: Loại bất động sản; Vị trí bất động sản; Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; Quy mô dự án; Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của dự án; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư…
Thứ hai, chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ của chủ đầu tư cũng như của dự án bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định ủy quyền ký hợp đồng mua bán nhà…; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500; tài liệu về giải phóng mặt bằng; giấy phép xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế mặt bằng điển hình, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà văn bản cho phép bán, cho thuê mua của Sở Xây dựng,…
Thứ ba, chủ đầu tư không gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng thương mại cho bên mua.
Thứ tư về nội dung hợp đồng, khách hàng cần cẩn trọng với những trường hợp sau: Hợp đồng không quy định rõ về thời hạn bàn giao nhà, chất lượng và tính đồng bộ của công trình khi bàn giao, hồ sơ bàn giao kèm theo; Hợp đồng mua bán không quy định rõ thông tin về diện tích, vị trí của phần sở hữu chung như đường giao thông, sân chơi trẻ em, công viên, cây xanh, chỗ để xe…
Theo luật sư Phong, nếu thấy dự án có những dấu hiệu trên, người mua nhà nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ lưỡng và có thể hỏi ý kiến tư vấn các chuyên gia bất động sản, các luật sư về bất động sản trước khi quyết định ký kết hợp đồng và thanh toán tiền.
Hoàng Minh (TH) /daikynguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang