Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Tư duy sáng tạo văn tự của người Việt : đề án cải tiến "cực chất" của nhà ngôn ngữ Bùi Hiền

Đề án cải tiến chữ quốc ngữ của cụ Bùi Hiền, nói chơi chút, là: nếu cụ Đắc Lộ (tác giả của từ điển Việt - Bồ - La xuất bản tại châu Âu hồi đầu thập niên 1650) mà có được thấy thì chắc cũng sẽ phát hoảng. Rồi Đắc Lộ sẽ lẳng lặng đem đốt luôn cuốn Việt - Bồ - La tiêu tốn mấy chục năm bôn ba cả Đàng Trong và Đàng Ngoài của cụ, lại cộng với mấy năm ròng rã suốt ngày ngồi tự sắp chữ ở bên trời Tây.

Về cơ bản, cách viết quốc ngữ của chúng ta bây giờ, năm 2017, như tôi đang gõ trên màn hình này, là bắt đầu đã được tạo khuôn từ chính tả do nhóm Đắc Lộ đưa ra từ mấy trăm năm trước.

Với chữ Nôm, đã loằng ngoằng quá rồi. Đến ngay cả quốc ngữ, các đỉnh cao trí tuệ khoa bảng của Đại Việt cũng loằng ngoằng không kém. Cải tiến, nhưng thật sự chỉ là cải lùi, là đây chứ đâu.

Cụ thể xem ở dưới.



---





Chúng ta nghĩ sao nếu chữ 'luật giáo dục' phải viết là 'luật záo zụk', 'nhà nước' là 'n’à nướk'… Nhưng đó là cách viết cải tiến mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây. Điều này gây ra nhiều tranh luận không chỉ trong giới chuyên môn mà cả những người đang sử dụng tiếng Việt.

Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền

Chữ viết của tiếng Việt hiện tại chưa hợp lý?
Đó là cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9. Trong rất nhiều bài viết của các nhà ngôn ngữ học, có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của tác giả Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt gây nhiều tranh cãi.
Khi 'Tiếng Việt' được viết thành 'Tiếq Việt' - ảnh 1



PGS-TS Bùi Hiền
NVCC
PGS-TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) cho biết: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”.
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra, đó là hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”, tác giả Bùi Hiền chia sẻ.
Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Đề xuất của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.
Bù lại, theo PGS Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.
Sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt
Chia sẻ về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những năm qua chứ không riêng gì đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.
“Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến bây giờ”, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành nhìn nhận.
GS-TS Bùi Khánh Thế (chuyên ngành ngôn ngữ học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM ), cũng cho rằng, từ năm 1997, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tổ chức hội thảo Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt, với 32 bài viết từ các chuyên gia ngôn ngữ. Từ đó đến nay cũng có rất nhiều hội thảo, chuyên đề đề cập tới việc nên giữ hay cải tiến.
Nói về đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền, giáo sư Bùi Khánh Thế cho biết: “Có một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất hợp lý mới mất đi”.
Theo GS-TS Bùi Khánh Thế, càng đổi mới thì càng bị rối. Đó là chưa kể, sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để thay đổi. Vì thế, đối với chữ quốc ngữ, nên tìm cách chú ý khắc phục những cái khó, hơn là cải tiến
Một ví dụ PGS-TS Bùi Hiền đưa ra được viết bằng 2 kiểu chữ hiện thời và cải tiến
LUẬT GIÁO DỤC
Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần đảm bảo để người học được học liên tục và có hiệu quả.
LUẬT ZÁO ZỤK
Diều 7. Qôn qữ zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák; zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số; zạy qoại qữ.
1. Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Kăn kứ vào mụk tiêu záo zụk và yêu kầu kụ wể về nội zuq záo zụk, Wủ tướq cín’ fủ kuy dịn’ việk zạy và họk bằq tiếq nướk qoài coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
2. N’à nướk tạo diều kiện dể qười zân tộk wiểu số dượk họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk mìn’ n’ằm zữ zìn và fát huy bản sắk văn hoá zân tộk, zúp co họk sin’ qười zân tộk wiểu số zễ zàq tiếp wu kiến wứk xi họk tập coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Việk zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số dượk wựk hiện weo kuy dịn’ kủa Cín’ fủ.
3. Qoại qữ kuy dịn’ coq cươq cìn’ záo zụk là qôn qữ dượk sử zụq fổ biến coq zao zịk kuốk tế . Việk tổ cứk zạy qoại qữ coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák kần dảm bảo dể qười họk liên tụk và kó hiệu kuả.
Chữ viết hiện tại phong phú và không cần thiết thay đổi
Ông Trương Minh Đức, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM cho rằng, tiếng Việt được hình thành từ lâu, đó là cả một quá trình tất nhiên bản thân nó cũng đã có những quy tắc. Dùng đúng hay chưa phù hợp thì bản thân nó cũng đã mang tính quy ước và có tính ổn định, thống nhất. Việc Chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hoá của thủ đô Hà Nội liệu có đảm bảo độ chính xác cao khi bản thân phương ngữ và cả ngữ âm Hà Nội không ai dám chắc là chính xác. Vả lại sự phát triển ngôn ngữ trong tiếng Việt nó còn do yếu tố từ yêu cầu của ngôn ngữ địa phương, vùng miền. Mặc dù điều này khó mang đến sự thống nhất nhưng nó lại làm phong phú vốn từ và thể hiện được bản sắc riêng từng địa phương.
Về phương án thay đổi âm vị của 11 chữ cái như PGS-TS Bùi Hiền đưa ra, theo thầy Đức, là không cần thiết và không hợp lý, chỉ gây nên sự xáo trộn không cần thiết, làm ảnh hưởng đến nhiều hệ thống bảng biểu, luật định, văn bản... Và ngay cả tên gọi cá nhân trong các hồ sơ pháp lý.
“Việc dạy và học văn sẽ gặp rất nhiều sự trở ngại. Đó là phải đào tạo lại giáo viên (không kể giáo viên dạy các môn khác môn ngữ văn), điều chỉnh lại tất cả các văn bản văn học, kể cả văn bản văn học chữ quốc ngữ (phải xin phép cả những tác giả đã khuất) hoặc nếu không phải có hàng loạt các chú thích cuối trang để những học sinh đối chiếu với văn bản gốc. Cần nhiều thời gian để giáo viên và cả xã hội làm quen những điều vốn dĩ không cần thiết song hành với bao phức tạp của xã hội”, ông Đức nhìn nhận.

Mỹ Quyên
https://thanhnien.vn/giao-duc/khi-tieng-viet-duoc-viet-thanh-tieq-viet-903068.html?io_utm_social=fanpage



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Video cuộc đào thoát ngoạn mục của một người lính Bắc Triều Tiên




Bác sĩ Lee Cook Jong, người đã phẫu thuật cho người lính Bắc Triều Tiên đào thoát, 23/11/2017.

(Yann Rousseau, Les Echos 22/11/2017) Để bắn người lính đào ngũ, một lính Bắc Triều Tiên đã vượt qua đường biên giới trong khoảnh khắc, nhưng như vậy đã vi phạm hiệp ước đình chiến giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Sau khi loan báo một người lính Bắc Triều Tiên hôm 13/11 đã thành công trong vụ vượt thoát ngoạn mục sang phía Nam, Bộ chỉ huy lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Triều Tiên (UNC) sáng thứ Tư 22/11 đã công bố các hình ảnh camera giám sát của vụ đào thoát này. Trong đó một lính Bắc Triều Tiên trong khoảng thời gian ngắn đã vượt qua đường biên giới giữa hai nước được vẽ trên mặt đất, để toan bắn hạ người lính đào ngũ.

Người lính ở độ tuổi đôi mươi đã bị lãnh năm phát đạn do những đồng đội Bắc Triều Tiên của anh ta bắn ra, trong những giây phút ngắn ngủi vượt qua « khu vực an ninh chung » (JSA) ở Bàn Môn Điếm. Đây là nơi duy nhất được mở cửa, dọc theo vùng phi quân sự (DMZ) kéo dài, nơi quân đội hai miền Bắc Nam giáp mặt mà không bị chia cắt bởi các hàng rào kẽm gai, những bức tường cao hay bãi mìn chống cá nhân.

Sau nhiều cuộc phẫu thuật và một giai đoạn hiểm nghèo, người lính Bắc Triều Tiên đào thoát mà danh tính được giấu kín, đã hồi tỉnh hôm thứ Ba 21/11, trong một bệnh viện ở Suwon, phía nam Seoul. Anh được trực thăng đưa đến bệnh viện, vài phút sau khi bị thương nặng và bất tỉnh trên thảm lá vàng, sau một bức tường thuộc về phía Nam khu vực biên giới.

Một nguồn tin y tế cho biết : « Anh ta đã tỉnh lại và yêu cầu được xem ti-vi ». Các bộ phim Hàn Quốc được chiếu tại phòng bệnh để giúp bệnh nhân « ổn định về tâm lý ». Và để trấn an là anh chắc chắn đã ở trên đất miền Nam, các bác sĩ đã cho treo một lá cờ Hàn Quốc trong phòng.

Người lính có nói chuyện với các nhân viên y tế nhưng rất ngần ngại, và có những dấu hiệu trầm cảm. Bệnh viện lo ngại về tình trạng sức khỏe của anh. Bác sĩ đã phẫu thuật để gắp đạn ra cho anh, nói rằng trong bụng bệnh nhân có vô số giun sán, trong đó có một con dài đến 27 cm. Người lính cao 1,70m, nặng 60 kg.

Các hình ảnh công bố hôm thứ Tư 22/11 cho thấy nhóm lính Bắc Triều Tiên tỏ ra rất lo sợ, trong những giây toan ngăn chận người đào thoát. Địa điểm này mang tính biểu tượng cao, nên Bình Nhưỡng luôn bố trí những quân nhân trung thành nhất, để tránh các vụ đào ngũ làm chế độ bị lăng nhục.

Những phút đầu tiên trong video cho thấy một chiếc xe jeep phóng rất nhanh trên một con đường vắng ở phía Bắc, dẫn đến khu vực Bàn Môn Điếm siêu vũ trang. Chiếc xe không dừng lại trước một trong những tòa nhà Bắc Triều Tiên trong khu này, nơi có nhiều lính biên phòng canh gác, mà phóng thẳng đến hành lang mở ở biên giới. Biên phòng báo động. Vài giây sau, bánh xe chiếc jeep bị kẹt vào một hố nhỏ gần đường biên. Sau khi cố gắng tái khởi động, người lính vọt ra khỏi chiếc xe, trong lúc bốn lính Bắc Triều Tiên khác chạy về phía anh, nổ súng ngay lập tức.

Một trong bốn người truy đuổi đã vượt qua đường giới tuyến quân sự (MDL) được biểu hiện bằng một vạch sơn trắng lớn trên mặt đất. Đại tá Chad Carroll, phát ngôn viên UNC cho biết :« Người ta trông thấy người lính này đã vượt qua MDL trong vài giây đồng hồ, rồi quay lại phía Bắc ».

Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc tại Triều Tiên đã « yêu cầu tổ chức một cuộc họp để thảo luận về biện pháp ngăn trở các vi phạm tương tự trong tương lai ». Theo đại tá Carroll, vụ này vi phạm hiệp ước đình chiến do Seoul và Bình Nhưỡng ký kết năm 1953 sau ba năm chiến tranh. Ông nói : « Kết luận chính của ê-kíp điều tra đặc biệt là quân đội Bắc Triều Tiên đã vi phạm hiệp ước, khi bắn qua khỏi MDL và vượt qua đường giới tuyến quân sự này, dù ngắn ngủi ».

Trong những hình ảnh khác, ghi lại khoảng 30 phút sau sự kiện, ba người lính Hàn Quốc bò trên mặt đất, phía sau bức tường, để tiến gần người lính đào ngũ bị thương, có vẻ đã bất tỉnh nhân sự. Cách đó vài mét, những quân nhân Hàn Quốc và Mỹ phối hợp để sơ cứu.

Theo đại tá Chad Carroll, các quân nhân Hàn Quốc đã hoàn toàn tôn trọng Quy tắc ứng xử tại khu vực hết sức nhạy cảm này, để tránh leo thang. Tướng Vincent K.Brooks, người lãnh đạo Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc khẳng định : « Hiệp ước đình chiến tuy bị vi phạm, nhưng vẫn còn hiệu lực ».


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc khiến Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh tử hình


Đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc khiến Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh tử hình
Xử lý ảnh Thi Anh
Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện là những quan tham liên quan đến đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.
Ngày 14/12/1951, bức điện khẩn của tỉnh ủy Hà Bắc thuộc Cục Hoa Bắc trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc được chuyển tới văn phòng của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Nội dung bức điện đã đưa Mao đi từ ngạc nhiên tới tức giận.
Theo đó, nội dung bức điện là kết luận điều tra vụ án tham nhũng của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện.
Vết trượt dài của khai quốc công thần Trung Quốc
Lưu Thanh Sơn (sinh năm 1916) được truyền thông Trung Quốc đánh giá là "nhân vật huyền thoại", xuất thân nông dân, 15 tuổi gia nhập ĐCSTQ. Năm 1932, Lưu Thanh Sơn lúc này mới 16 tuổi tham gia một cuộc bạo động chống lại Quốc dân đảng nhưng thất bại, bị bắt và chờ lãnh án tử hình.
Sau ba ngày bị bắt, Lưu Thanh Sơn và đồng đội bị đưa tới một thao trường, lần lượt bị xử tử. Tuy nhiên do thấy Lưu còn quá trẻ và nghĩ bắt nhầm nên Quốc dân đảng đã tha chết cho Lưu.
Trương Tử Thiện (sinh năm 1914) cũng sớm tham gia cách mạng, thường kêu gọi học sinh cùng trường tham gia các cuộc biểu tình. Trong những năm 30, ông này từng bị bắt giữ và ngồi tù hai lần.
Lưu, Trương sau đó lần lượt tham gia công tác tại các quân khu và lập được nhiều chiến công, dần dần trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.
Đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc khiến Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh tử hình - Ảnh 1.
Hiện trường vụ xử tử Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện. Ảnh tư liệu Trung Quốc
Tháng 8/1949, Lưu Thanh Sơn được bổ nhiệm vị trí Bí thư khu vực Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc mới thành lập. Trương Tử Thiện nhậm chức Phó Bí thư kiêm chuyên viên hành chính khu vực Thiên Tân, Hà Bắc.
Mới nhậm chức, Lưu, Trương đều làm việc rất chăm chỉ nhưng đã thay đổi thanh chóng sau đó không lâu. Trong thời gian này, Lưu thường nói: "Thiên hạ do ta giành được, lẽ nào không nên hưởng thụ chút nào?".
Ban đầu, văn phòng làm việc của hai ông này được đặt tại Đại viện Thạch gia - khu du tích có niên đại lâu đời tại Thiên Tân với diện tích rộng 6.000m2, 278 phòng. Nơi đây sau đã trở thành địa điểm "triển lãm đại án tham nhũng đầu tiên của nước Trung Quốc mới".
Những câu chuyện "hoang đường" về Lưu Thanh Sơn được lưu truyền rất nhiều. Ví dụ như, Lưu vốn là người thích ăn bánh chẻo nhân hẹ. Tuy nhiên, bấy giờ Thiên Tân đang mùa đông, không trồng được hẹ nên nhà bếp phải mua hẹ từ Bắc Kinh chuyển về.
Nhưng khi bánh chẻo được đặt nên bàn ăn, Lưu lại không hề động đũa với lý do, ăn hẹ không tốt cho dạ dày nên yêu cầu nhà bếp làm bánh chẻo có vị hẹ nhưng không được nhân hẹ.
Người đầu bếp đành nhân lúc nặn bánh, đặt ngọn hẹ đã rửa sạch vào trong nhân, gốc hẹ lộ bên ngoài. Bánh chẻo luộc chín vớt ra, người đầu bếp nhanh tay rút cây hẹ. Như vậy, bánh chẻo vừa có vị hẹ nhưng không nhân hẹ, đáp ứng yều cầu của Lưu Thanh Sơn.
Ngoài ra, lấy cớ chữa bệnh, ông này rời từ khu đại viện ở ngoại ô vào toà nhà theo kiến trúc phương Tây trong phố lớn. Trong thời gian ở tòa nhà này, Lưu Thanh Sơn rất thích đi dạo phố Nam. Do mới giải phóng nên khu phố này vẫn dày đặc những quán rượu, kỹ viện.
Lưu thường cải trang thành một thương nhân mượn cớ đi điều tra ngầm để dễ bề lui tới nơi này. Không chỉ trở thành "khách quý" của các quán rượu, kỹ viện, Lưu cũng bắt đầu sử dụng các chất cấm như thuốc phiện, morphine.
Hơn nữa, ông này còn chiếm hữu chiếc xe jeep công làm của tư để dễ dàng di chuyển từ văn phòng chính ở ngoại ô vào thành phố. Một thời gian, chê xe jeep cũ, Lưu đã chi số tiền lớn mua hai chiếc xe sang trọng, mới nhất của Mỹ.
Giống Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện cũng không tiếc tiền, hào phóng chi tiêu phục vụ sở thích bản thân.
Cấu kết gian thương
Mùa hè năm 1950, mưa lớn gây ngập lụt ở 14 huyện, khu vực của Thiên Tân nên trung ương quyết định từ mùa thu năm 1950 đến mùa xuân năm 1951 tổ chức tu sửa 5 hệ thống sông ngòi ở Thiên Tân. Theo đó, nông dân sẽ tham gia vào công tác tu sửa sông ngòi và được trả công bằng lượng lương thực tương ứng.
Nhận thấy đây là "cơ hội" kiếm lời, Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện bắt tay bớt xén, đổi chác, dùng lương thực chất lượng kém thay thế vào số lương thực do trung ương cấp phát trả công cho nông dân.
Lưu, Trương kiếm được số tiền lớn từ sự đổi chác này nhưng đã khiến hàng chục nhân công bỏ mạng ngay tại công trường do sử dụng lương thực chất lượng kém.
Đến tháng 4/1951, thị trường đồ gỗ Thiên Tân tăng giá, mượn danh nghĩa "đóng thuyền cho người dân vùng lũ", Lưu, Trương mạo nhận là quân nhân thu mua gỗ từ Đông Bắc về Thiên Tân bán lại, kiếm lời hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Sau này, hai ông còn dùng số tiền công vốn được đầu tư vào thủy lợi, nông nghiệp, tiền cứu trợ người dân gặp nạn và xây dựng sân bay để xây dựng hàng chục các công xưởng riêng kiếm lời.
Nửa đầu năm 1951, nữ doanh nhân Trương Văn Nghi xuất hiện và biến Lưu, Trương thành máy kiếm tiền cho mình.
Đầu tiên, Trương Văn Nghi phao tin có cách kiếm tiền, yêu cầu Lưu chi trước 4,9 tỷ NDT tiền công quỹ. Bà này dùng số tiền của Lưu đầu tư mua bán giấy than. Trương Văn Nghi mua giấy than giá gốc thấp, sau đó bán lại cho Sở sản xuất khu vực Thiên Tân, đút túi riêng 96 triệu NDT.
Để đánh lừa Lưu Thanh Sơn, Trương Văn Nghi cùng chồng bày ra vở kịch khác. Chồng của Trương mua lại giấy than với giá cao từ Sở sản xuất khu vực Thiên Tân, giúp Lưu kiếm lãi hàng trăm triệu NDT.
Sau đó, Trương Văn Nghi tiếp tục cho biết, đầu tư vào sắt tây hay sắt tráng thiếc sẽ sinh lời nhiều hơn. Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện đồng ý chuyển số tiền công quỹ cho Trương Nghi Văn. Nhưng nhận được tiền, Trương Nghi Văn không đầu tư vào sắt tây mà gửi ngân hàng và đầu tư vào một số lĩnh vực khác.
Đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc khiến Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh tử hình - Ảnh 2.
Lưu Thanh Sơn (trái) và Trương Tử Thiện. Ảnh tư liệu Trung Quốc
Cái kết được báo trước
Bất ngờ đến mùa hè năm 1951, tỉnh ủy Hà Bắc tiến hành điều chỉnh nhân sự các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ủy Hà Bắc dự kiến lựa chọn Lưu Thanh Sơn hoặc Trương Tử Thiện điều sang địa phương khác.
Việc này khiến Lưu, Trương lo lắng bởi cả hai đều không muốn rời khỏi mảnh đất "màu mỡ" Thiên Tân, đồng thời lo sợ mọi chuyện trước đây sẽ bị bại lộ nếu rời Thiên Tân nên bắt đầu tố cáo lẫn nhau nhằm đẩy đối phương đi.
Trước tình hình trên, tỉnh ủy Hà Bắc quyết định cử Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy Tiết Tấn đích thân dẫn đội điều tra tới Thiên Tân.
Cuối năm 1951, sau khi nắm giữ các chứng cứ tham nhũng của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện, tỉnh ủy Hà Bắc lập tức quyết định bắt giữ hai ông này.
Lúc này, Lưu Thanh Sơn đang cùng đoàn đại biểu hữu nghị Trung Quốc tham gia Đại hội hòa bình thế giới tại Áo. Chính quyền Hà Bắc gửi thư yêu cầu Lưu nhanh chóng về nước. Vừa về đến Thiên Tân, Lưu lập tức bị bắt giữ.
Căn cứ vào kết quả điều tra và thẩm vấn, tỉnh ủy Hà Bắc trình báo cáo, yêu cầu khai trừ đảng tịch và tử hình nhưng hoãn thi hành án trong hai năm đối với Lưu, Trương lên Cục Hoa Bắc.
Nhận được báo cáo của Cục Hoa Bắc, trung ương ĐCSTQ mở một hội nghị chuyên biệt nghiên cứu, thảo luận về vụ án của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện.
Khi Thủ tướng Chu Ân Lai nêu ý kiến về việc xử lý Lưu, Trương, Mao Trạch Đông liền lập tức đưa ra chỉ thị "Tử hình".
Khi đó, có nhiều ý kiến nói đỡ cho Lưu, Trương nhưng Mao Trạch Đông đã quả quyết rằng: "Chính vì họ có địa vị cao, công lao lớn, ảnh hưởng rộng, cho nên [tôi] mới hạ quyết tâm hành quyết bọn họ. Chỉ có hành quyết bọn họ, mới có thể cứu vãn được 20, 200, 2000, 20.000 cán bộ phạm các sai lầm khác nhau".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những mối tình oan trái nổi tiếng trong sử Việt


Có những đấng nam nhi tài năng xuất chúng được ghi danh trong sử Việt, nhưng chuyện tình duyên của họ lại rất ngang trái.
Mối tình hận của Nguyễn Du
Hồi còn là học trò, Nguyễn Du ở với cha là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm ở Thăng Long. Thời gian này, Nguyễn Du đang theo học với cụ đồ họ Lê ở bên Gia Lâm. Ngày ngày chàng học trò đi sang nhà thày học phải đi đò qua sông Nhị (tên sông Hồng thời trước). Người lái đò là một cô gái thôn quê nhưng xinh xắn và ăn nói có duyên nên từ lâu đã lọt vào mắt xanh Nguyễn Du.
Như bao kẻ thanh niên thời nay, đã thích nhưng còn cần phải có cớ để làm quen, để chuyện trò. Đối với Nguyễn Du, dù hàng ngày đều giáp mặt cô gái nhưng chưa biết làm thế nào để làm quen nên tâm sự ngổn ngang trăm mối nhưng chưa biết bày tỏ thế nào.
Một lần, Nguyễn Du đến chậm, lỡ chuyến đò, phải đứng chờ. Giờ học đã trễ mà đò thì vừa qua còn phải một hồi nữa mới quay sang bên này. Nhưng thật là tái ông mất ngựa, họa phúc khôn lường, trong cái rủi có cái may. Nhờ dịp lỡ đò, Nguyễn Du đã nghĩ ra một tứ thơ để làm quen với cô lái đò. Và ông đã viết một bài thơ thế này:
Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp cho nhau nữa để mà…
Bài thơ bỏ lửng hai câu hết với dụng ý để cô gái tự điền vào. Viết xong rồi ông nhờ người bạn đưa tặng cô gái. Nhận thơ, cô lái đò bẽn lẽn ngại ngần nên từ chối nhưng nhờ có anh bạn kia hết sức thuyết phục nên rồi cô gái cũng nhận. Có lẽ cũng đã cảm mến anh học trò Nguyễn Du nên sau đó cô gái đã điền nốt hai chữ “quen nhau” vào cuối bài thơ.
Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau vì Nguyễn Du là con nhà quan còn cô gái xuất thân bình dân. Theo quan niệm ngày trước, như vậy là không môn đăng hộ đối. Do vậy, khi bị gia đình biết chuyện, Nguyễn Du bị một trận đòn nên thân và bị gửi về Thái Bình theo học một ông đồ khác nhằm cách ly đôi lứa. Mãi 10 năm sau, Nguyễn Du mới có dịp trở lại bến đò xưa thì cô gái đã đi lấy chồng từ lâu. Ông viết mấy câu thơ để tỏ lòng mình:
Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng tình sâu gấp mười
Vì đâu cách trở đôi nơi
Bến nay còn đó người nào năm xưa
Theo Những thiên tình sử nước Việt của Quỳnh Cư thì câu chuyện này sau đó được Nguyễn Du tự tay chép trong một bản thảo có nhan đề Mối tình hận của tôi.
Trạng Lường và mối tình trắc trở
Trạng nguyên Lương Thế Vinh từ xưa đã được các danh sĩ đề cao như bậc Trạng nguyên tài danh hàng đầu. Ông không những hay chữ giỏi Nho học mà còn giỏi cả Toán học nên mới có biệt hiệu Trạng Lường (Lường là tính toán). Nhưng ông cũng còn một cái thú đam mê khá sâu sắc nữa là hát chèo.
Sách Trạng Lường Lương Thế Vinh của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam cho biết: Đêm đêm, hễ làng nào trong vùng có trống chèo nổi lên là y như có mặt Lương Thế Vinh. Có lần do quá ham thích, Lương Thế Vinh đã bỏ nhà đi theo một phường chèo diễn hay. Cậu say sưa học thêm cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc, biết đánh trống chèo, lại thuộc nhiều làn điệu dân ca, làn điệu múa hát chèo. Bố cậu đã phải đi tìm, xin cho cậu về tiếp tục đi học.
Từ tính ham mê hát chèo của Lương Thế Vinh đã đưa đến mối tình đầu có kết thúc buồn của ông. Sách Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam kể rằng: Năm 20 tuổi, hội xuân làng Si (ở gần làng Lương Thế Vinh) có gánh chèo nổi tiếng với cô đào chính của gánh chèo là người đang rất được nhân dân trong vùng mến mộ về diễn.
Lương Thế Vinh đến được đình làng Si thì đã khá muộn nhưng buổi diễn vẫn chưa bắt đầu vì tay chơi đàn nhị của gánh hát đột nhiên bị ốm chưa có người thay thế. Nghe vậy, Lương Thế Vinh bèn chen qua đám đông vào xin chơi thay cho tay đàn. Không có cách nào khác, gánh hát bèn chấp nhận. Nhưng chỉ một lúc sau, cả gánh hát lẫn người xem đã không còn phải băn khoăn gì về tay đàn vì tiếng đàn rất thành thục và đệm cho đào nương rất ăn khớp.
Trên chiếu chèo, cô đào dương như cũng diễn hay hơn bình thường vì cô biết người đang đệm đàn nhị cho mình diễn là anh học trò nổi tiếng mà cả vùng cả tỉnh gọi là thần đồng. Tâm trạng phấn khởi, bất ngờ cô đổi sang điệu sử xuân, đôi mắt nhìn về phía Lương Thế Vinh thắm thiết: “Vâng ý chàng, thiếp xin thưa lại, ĩn chuyên cần tần tảo sớm khuya. Việc tề gia là phận nữ nhi…”
Bên cây đàn nhị, Lương Thế Vinh cũng vừa đàn vừa hướng về đào nương trẻ cùng trang lứa mình với ánh mắt xao xuyến lạ lùng. Bỗng nhiên đào nương quay một vòng rồi chuyển sang hát điệu Chức cẩm hồi văn: “Thiếp xin chàng đèn sách văn chương, dầu hao thiếp rót, bấc non thiếp ngắt, ngọn đèn tàn thiếp khêu…”
Buổi diễn với tay chơi đàn bị ốm tưởng chừng phải nghỉ lại đầu xuôi đuôi lọt nên Lương Thế Vinh được gánh hát rất cảm ơn. Cô đào trẻ sau buổi diễn cũng chủ động gặp Thế Vinh để nói lời cảm tạ. Nhưng không phải như những lời cảm ơn xã giao thông thường. Hai tâm hồn như đã đồng điệu. Họ có điều gì đó muốn nói với nhau hơn là mấy lời cảm ơn mà sao không thốt nên lời.
Cô đào đã đem lòng yêu Thế Vinh mà không dám nói ra sợ ảnh hưởng đến việc học hành của chàng. Còn Thế Vinh cũng đã say men tình, muốn ngỏ lời ước hẹn mà cô gái không cho biết quê quán cũng như tên tuổi.
Bẵng đi mấy năm sau không gặp nhau nhưng Thế Vinh vẫn đêm ngày nhớ cô đào và mối tình sét đánh khôn nguôi. Dù vậy, nỗi nhớ chỉ là nỗi nhớ vì chưa ai nói ra và cũng chẳng biết ở đâu để tìm.
Năm 1463, Lương Thế Vinh đi thi, đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông. Dù vẫn nhớ người cũ nhưng chẳng có tin tức gì. Lúc này, bố mẹ Thế Vinh cũng muốn con yên bề gia thất nên giục chàng lập gia đình. Thế Vinh đã cưới con gái của một thày học.
Trớ trêu thay, ngày ông vinh quy về làng, dân làng mở hội chúc mừng, cô đào năm nào thì ra vẫn bí mật dõi theo bước đường của ông. Nay biết ông đã công thành danh đạt cũng cùng gánh hát về hát mừng góp vui cho làng. Đêm ấy, gặp lại người cũ, nàng đã hát rất hay nhưng giọng hát có gì đó sầu thảm khiến nhiều người phải khóc. Sau buổi diễn, không ai thấy nàng đâu nữa. Sáng sau người ta mới biết rằng nàng đã tự tử và để lại một bài thơ tuyệt mệnh.
Thì ra biết Thế Vinh đã lấy vợ, tủi phận mình nên nàng đã quyên sinh để vĩnh viễn mang theo mối tình đầu trong sáng. Biết tin, Trạng Lường rất thương xót và cảm phục bèn cho lập miếu thờ ở đầu làng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam, xưa kia ở Giáp Nhất làng Cao Hương có một cái miếu thờ, người dân thường gọi là Miếu Ả Đào. Nơi đó chính là cái miếu thờ cô Đào hát đã quyên sinh vì Trạng Lường.
Sau một lần gặp gỡ trong đám hội, cô đào hát xinh đẹp chủ động tìm đến nhà trọ của chàng học trò nghèo. Họ đã tạo nên một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng éo le bậc nhất trong tình sử nước Việt.
Mối tình đau đớn của tiến sĩ Vũ Khâm Lân
Vũ Khâm Lân nguyên quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sớm mồ côi mẹ. Gặp cảnh mẹ kế con chồng khó khăn nên phải bỏ ra Thăng Long ở trọ tại đất Dịch Vọng, vừa làm thuê vừa học. Năm ấy ở Dịch Vọng mở hội. Hội năm nay đông vui hấp dẫn hơn vì có đào nương Diễm Hương trẻ đẹp hát hay có tiếng trong vùng đến diễn. Người đến xem hát đứng kín vòng trong vòng ngoài. Mỗi lần cô đào hát xong một tiết mục, người ta lại thi nhau tung tiền lên để thưởng.
Như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, chàng học trò nghèo Vũ Khâm Lân đã si mê nhan sắc cô đào Diễm Hương từ cái nhìn đầu tiên. Không có tiền để thưởng cho cô đào, Khâm Lân chỉ đứng nép bên cột đình lẳng lặng xem cô đào biểu diễn. Đâu ngờ cô đào lại chú ý đến anh học trò nghèo đứng nép bên cột đình mà cô nghe tiếng học giỏi đã lâu.
Bất giác đào nương đưa mắt nhìn về phía Khâm Lân thì bắt gặp ánh mắt chàng đang nhìn mình say đắm. Bốn mắt nhìn nhau làm lòng Diễm Hương xao xuyến. Nàng xúc động quá không hát được nữa. Mọi người tưởng nàng đã mệt liền dìu nàng vào trong đình nghỉ ngơi. Chàng thư sinh cũng bẽn lẽn ra về.
Thật chuyện đời cũng lắm bất ngờ, giữa thời phong kiến, tình yêu hôn nhân là chuyện gả bán của các bậc phụ huynh mà đào nương Diễm Hương lại bất chấp rào cản ấy. Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.
Bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: “Hôm qua chị bị ốm?”. Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu: mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài. Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: “Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành”.
Câu chuyện từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ đưa Khâm Lân từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nên chàng đâm ra ấp úng: “Xin đội ơn nàng, xin có ngày được báo đáp”. Diễm Hương dịu dàng bảo: “Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ cho chu cấp tiền cho chàng ăn học”. Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.
Lạm dụng tình yêu của Diễm Hương, nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: “Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Thiếp biết chàng, quý chàng tựa như tìm được người vừa ý để bỏ công giúp đỡ. Đi hát chẳng phải là kế sống mà chỉ là để thiếp chọn anh hùng từ thuở hàn vi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt”.
Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt nữa. Năm 1727, Vũ Khâm Lân đi thi đỗ Tiến sĩ. Sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá bắn tiếng gả con gái cho chàng. Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể. Nhớ đến cô đào đã giúp đỡ mình thành đạt, Khâm Lân toan cưỡng lại bậc sinh thành, song sự phản đối và ý chí của chàng không đủ mạnh nên đám cưới vẫn tiến hành.
Hay tin Vũ Khâm Lân lấy vợ giàu sang, Diễm Hương đau lòng lắm. Nhưng vì muốn tận mắt nhìn lần nữa kẻ bạc tình nên nàng tìm gặp Khâm Lân. Trước mặt người tình cũ, ông tiến sĩ tân khoa lúng túng: “Tôi vẫn nhớ đến nàng nhưng số kiếp tôi không được may mắn. Nàng tha tội cho tôi”. Diễm Hương cắt ngang: “Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa của kẻ phản bội”.
Tự cho là duyên phận lỡ làng, nàng không lấy ai nữa. Sau đó Khâm Lân ân hận cho tìm nàng mãi nhưng không tìm được. 20 năm sau, tình cờ Khâm Lân gặp lại nàng. Lúc này Diễm Hương sống với mẹ và đã già đi nhiều. Ái ngại cho hoàn cảnh của nàng và cũng muốn chuộc lỗi, Khâm Lân xin được đưa nàng và mẹ già về nuôi nhưng được một thời gian bà cụ mất và Diễm Hương cũng bỏ đi đâu mất.
Cũng viết về chuyện tình của Khâm Lân với cô đào hát nhưng sách Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam của NXB Lao Động nói rằng, dù đã yêu nhau nhưng cô đào không cho Khâm Lân biết tên cũng như quê quán. Chàng chỉ biết cô đào họ Nguyễn.
Cũng theo sách này, cô đào và Khâm Lân chia tay nhau ở kinh thành khi chàng về quê thi hương. Khi chàng đỗ đầu kỳ thi Hương thì bố mẹ ép duyên với một cô gái con nhà phú hộ. Chàng đã thổ lộ hết chuyện tình cảm với cô đào nọ nhưng vì tên là gì và quê ở đâu cũng không biết nên bố mẹ chàng vẫn bắt phải cưới cô gái kia.
Năm sau, Khâm Lân vào kinh thi Hội gặp lại cô đào họ Nguyễn. Chàng ngượng ngùng đến mức không dám nói rằng lòng mình vẫn nhớ đến nàng. Nhưng dường như nhìn thấu tâm can ấy, cô đào nói: “Chàng không phải nói gì nữa. Nay tiền đồ của chàng đã rộng mở. Phúc bạc phận hèn như em không đáng để được nâng khăn sửa túi cho chàng. Cũng là cái số mệnh của em nó vậy, không phải là lỗi của chàng đâu”. Nói rồi cô còn tặng tiền và khăn áo cho Khâm Lân và từ biệt. Từ đó hai người bặt tin nhau.
Cho đến những năm cuối đời, khi đã về nghỉ việc quan, Khâm Lân mới lại gặp lại cô đào trong một lần đến thăm bạn cũ. Nhà bạn có tiệc mừng cho mời gánh hát. Trong gánh hát ấy người tình năm xưa của Khâm Lân cũng có mặt. Nhận ra người xưa ông hỏi han mới biết sau này nàng lấy một viên biện lại ở Thái Nguyên nhưng chồng đã qua đời. Sau đó cậu em trai lại hư đốn phát phách hết gia sản nên nàng phải dẫn mẹ già lên kinh dạy múa hát cho các con nhà giàu để kiếm sống. Đến lần gặp này Vũ Khâm Lân mới biết thêm quê nàng ở huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam.
Đoạn kết của câu chuyện cũng giống như sách Những thiên tình sử nước Việt, Khâm Lân đón đào nương về dựng cho một căn nhà riêng để nuôi cô và mẹ già nhưng khi bà cụ mất cô đào nhất quyết từ tạ ra đi.
Nếu như Vũ Khâm Lân quyết chí trở lại với tình xưa thì câu chuyện đã kết thúc có hậu. Dù sao ở thế kỷ 18, không thể đổ hết lỗi cho Khâm Lân khi những người quanh ông, cả hệ thống xã hội không coi ra gì những người hát xướng.
Theo KIẾN THỨC


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Samsung Việt Nam nói gì trước cáo buộc đối xử tệ bạc với các nữ công nhân?


Samsung Việt Nam nói gì trước cáo buộc đối xử tệ bạc với các nữ công nhân?
Gần đây, tổ chức NGO Thụy Điển là IPEN đã đăng trên website của mình một bản báo cáo với tiêu đề: "Công nhân Samsung: Báo cáo đặc biệt tiết lộ về cuộc sống của những nữ công nhân Việt Nam làm ra những chiếc điện thoại trong túi của bạn"
Những kết luận trong báo cáo của IPEN
Theo báo cáo, IPEN cùng với tổ chức NGO của Việt Nam tại Hà Nội là Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã tiến hành phỏng vấn 45 nhân viên Samsung Điện tử và đưa ra các kết luận: Nhân viên Samsung không được nhận hợp đồng lao động từ phía công ty, mức độ tiếng ồn ở khu sản xuất cao hơn nhiều so với mức độ cho phép theo quy định của pháp luật Việt Nam, tất cả các nhân viên được phỏng vấn đều cảm thấy mỏi mệt trầm trọng và chóng mặt, vấn đề sẩy thai của lao động nữ diễn ra rất thường xuyên.
Ngoài ra, công nhân Samsung, phải đứng làm việc trong suốt 8-12 giờ đồng hồ và phải lặp đi lặp lại việc làm việc theo ca ngày đêm. Nhân viên mang thai cũng phải đứng làm việc và việc này là để tránh bị giảm lương.
Báo cáo cho biết, hơn một nửa số người tham gia phỏng vấn có con nhỏ nhưng chủ yếu đều phải sống xa con và phải nhờ ông bà sống ở nơi khác chăm sóc hộ. Người lao động gặp vấn đề về thị lực, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, đau chân…
Bên cạnh đó, việc kiểm soát trong sinh hoạt thường ngày quá nghiêm ngặt. Thời gian nghỉ ngắn và nếu muốn đi vệ sinh thì phải được cho phép ra vào đặc biệt. Người lao động sợ bị trù dập nên không dám đề cập đến công việc.
Báo cáo cho rằng, cần thiết phải điều tra bổ sung về việc rò rỉ hóa chất. Người lao động đang làm việc trong môi trường mở tiếp xúc với nhiều loại hóa chất đa dạng nhưng lại không nhận thức được về những rủi ro hóa chất trong công đoạn lắp ráp.
 Samsung Việt Nam nói gì trước cáo buộc đối xử tệ bạc với các nữ công nhân?  - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Samsung bác bỏ báo cáo của IPEN
Bình luận về báo cáo của IPEN, Samsung lấy làm tiếc về việc CGFED hợp tác cùng IPEN tiến hành nghiên cứu điều tra đã không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam hay xác minh lại lập trường quan điểm của công ty mà chỉ đơn phương đưa ra bản báo cáo về những nội dung không hề có căn cứ xác thực.
Samsung khẳng định tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty đều đang tuân thủ một cách nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo Samsung, thông tin Samsung không đưa hợp đồng cho người lao động là hoàn toàn sai. Tất cả các cán bộ nhân viên Samsung ngay khi vào công ty đều được ký hợp đồng lao động, công ty và bản thân người lao động mỗi bên giữ 1 bản.
Cũng theo Samsung, thông tin thời gian nghỉ ngắn và khi muốn đi vệ sinh phải được cho phép ra vào đặc biệt là điều không đúng sự thực. Các nhân viên tại Samsung Điện tử Việt Nam có thể sử dụng nhà vệ sinh bất kỳ lúc nào và không phải chịu bất kỳ giới hạn gì về thời gian.
Về vấn đề hóa chất, Samsung cho biết công ty có sử dụng hóa chất trong một số công đoạn, trường hợp này đều áp dụng các biện pháp phù hợp để người thực hiện các công đoạn không bị phơi nhiễm với hóa chất nhờ thiết bị thoát khí được trang bị đầy đủ bên trong các thiết bị khép kín, cùng với việc đeo các trang thiết bị bảo hộ.
Bằng việc đo lường đánh giá môi trường làm việc 2 lần mỗi năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam (mỗi năm 1 lần), Samsung Điện tử Việt Nam đã và đang duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn. Toàn thể nhân viên công ty ngoài việc được đào tạo khi vào làm tại công ty còn được định kỳ đào tạo bắt buộc 1 lần mỗi năm về an toàn môi trường.
Về vấn đề thai sản, Samsung khẳng định, công ty bảo vệ nhân viên là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ theo Luật lao động Việt Nam và hoàn toàn không có việc cắt giảm lương một cách bất hợp lý vì lý do mang thai. Ngay khi nhân viên được xác nhận mang thai sẽ lập tức tiến hành đăng ký thuộc diện đối tượng bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ được bảo hộ và có dây chuyền làm việc riêng chuyên dành cho bà bầu, có ghế ngồi và bữa ăn đặc biệt (2 lần mỗi tuần).
Khi nhân viên mang thai từ 7 tháng trở lên thì có cơ chế cho phép được nghỉ thai sản sớm đối với những người có nguyện vọng. Ngoài ra, thai phụ còn có thể tự do sử dụng trung tâm y tế trong công ty để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình và được phép nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào.
Samsung Điện tử Việt Nam (SEV, SEVT) có hơn 100 nghìn lao động, mỗi năm hiện đang sản xuất khoảng 180 triệu chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng, xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia trên toàn thế giới, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ba lý do có thể khiến quan hệ nồng ấm Mỹ – Trung chấm dứt


Sức ép từ giới chính trị, thay đổi về chính sách và con người có thể khiến Mỹ sớm đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
ba-ly-do-co-the-khien-quan-he-nong-am-my-trung-cham-dut
Vợ chồng ông Trump chụp ảnh cùng vợ chồng ông Tập tại Tử Cấm Thành. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có ấn tượng đặc biệt tốt đẹp với Trung Quốc khi tới thăm nước này trong chuyến công du châu Á hồi đầu tháng. Bắc Kinh đón tiếp ông Trump với những nghi thức trọng thị nhất cho chuyến thăm mà họ gọi là "trên cả cấp nhà nước" này, từ trải thảm đỏ, bắn đại bác, cho tới mời vợ chồng Tổng thống Mỹ ăn tối trong Tử Cấm Thành, theo Interpreter.
Ông Trump đáp lễ bằng những lời ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng với đó là sự ngưỡng mộ không hề giấu giếm dành cho Trung Quốc. "Tôi chưa từng thấy thứ gì đẹp đến thế này", ông bình luận về cuộc diễu binh Trung Quốc tổ chức để chào đón ông tại thủ đô Bắc Kinh.
Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại (CFR), cho rằng những lời lẽ đầy hoa mỹ này của ông Trump trái ngược với giọng điệu mà ông đưa ra trong giai đoạn tranh cử, khi ông cáo buộc Trung Quốc "cưỡng bức" nước Mỹ. Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích phương Tây nhận định Washington đã thay đổi hoàn toàn hướng tiếp cận với Bắc Kinh theo hướng mềm mỏng hơn. Truyền thông Trung Quốc cũng tràn ngập những bài viết mang âm hưởng tích cực về quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, Ratner cho rằng thời kỳ "mặn nồng" này giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhất thời và sẽ sớm qua đi rất nhanh. Khi niềm hân hoan lắng xuống, ba yếu tố trong nước sẽ nổi lên, đẩy nước Mỹ theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng tiếp theo. Ratner gọi các yếu tố đó là "Ba chữ C".
Chuyên gia này nhận định chữ "C" thứ nhất sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Mỹ - Trung chính là con người. Chính quyền Trump đang dần dần hoàn thiện đội ngũ con người phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Điều đáng chú ý là các ứng viên cho những vị trí này đều gần như có chung một quan điểm về nhu cầu phải xây dựng một chiến lược ganh đua quyết liệt hơn với Trung Quốc.
Randall Schriver, chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách châu Á – Thái Bình Dương. Ông Schriver từng điều hành tổ chức tư vấn có tên Viện Dự án 2049 chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á. Theo Defense News, một cựu quan chức Lầu Năm Góc mô tả ông Schriver là người "rất cứng rắn" cùng "cái đầu lạnh và suy nghĩ thấu đáo".
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, có thể sẽ được ông Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Australia. Ông Harris là người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Kyodo của Nhật từng cho rằng Trung Quốc đã gây sức ép với Mỹ để sa thải ông Harris để đổi lấy việc tăng cường hợp tác, tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ thông tin này.
Các chuyên gia cho rằng đội ngũ châu Á này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tương lai của chính quyền Trump với Trung Quốc. "Việc Mỹ lựa chọn các chuyên gia cho những vị trí về chính sách là dấu hiệu rất mạnh mẽ", Zack Cooper, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. "Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính quyền Trump đang phải đối mặt với nhiều thách thức khắp châu Á".
Chữ "C" thứ hai mà Ratner đề cập là chính sách. Chính quyền Trump rốt cuộc đã bắt đầu quá trình xây dựng và vận hành chính sách về an ninh quốc gia, với hai văn kiện chiến lược lớn sẽ được đưa ra trong những tháng tới là Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia.
Các chuyên gia dự đoán rằng trong hai văn kiện quan trọng này, Trung Quốc sẽ được mô tả là đối thủ chiến lược đầu tiên và lớn nhất của Mỹ. Tuy không phải là những văn kiện phản ánh toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ, hai chiến lược này sẽ định hướng và tác động đến những quyết sách hàng ngày về châu Á của chính quyền Trump.
Trong tương lai, ngoài cuộc khủng hoảng Triều Tiên, Mỹ sẽ phải chú trọng đến những vấn đề về chính sách đối ngoại khu vực khác như Đài Loan hay Biển Đông, khiến khả năng xảy ra bất đồng với Trung Quốc sẽ cao hơn, Ratner dự đoán.
Chữ "C" thứ ba và quan trọng nhất trong việc đẩy Mỹ ra xa Trung Quốc hơn là chính trị. Rất nhiều thành viên đảng Dân chủ và thậm chí là đảng Cộng hòa sẽ có những phản ứng quyết liệt để Trump thể hiện lập trường quyết liệt hơn với Bắc Kinh. Ratner cho rằng tâm lý chung trong giới chính trị ở Washington hiện nay là ông Trump chưa tìm ra cách đối phó hợp lý với Trung Quốc.
ba-ly-do-co-the-khien-quan-he-nong-am-my-trung-cham-dut-1
Ông Trump hết lời ca ngợi Trung Quốc sau chuyến thăm đến Bắc Kinh. Ảnh: AP.
Lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Chuck Schumer chỉ trích ông Trump "không khác gì hổ giấy" trong vấn đề Trung Quốc. John Cornyn, thượng nghị sĩ đứng thứ hai của đảng Cộng hòa tại thượng viện, gần đây trình dự luật nhằm tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, cho rằng đã đến lúc thức tỉnh trước các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc với nền kinh tế Mỹ.
Phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy trong đảng Cộng hòa của ông Trump chính là những người đầu tiên nêu ra vấn đề này vào năm 2016, khi cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm khiến người Mỹ mất việc làm tại các nhà máy.
Theo Ratner, ông Trump sẽ phải đối mặt với hai phép thử lớn trước mắt là cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2018 và bầu cử tổng thống vào năm 2020, khiến ông cảm nhận được sức ép ngày càng lớn từ mọi phía phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng thương mại bất bình đẳng.
Khả năng đối phó Trung Quốc của Mỹ
Nhiều chuyên gia cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, ngay cả khi chính quyền Trump muốn thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, họ cũng rất khó thành công do sự suy giảm vị thế của Washington cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Trong bài viết trên tạp chí Time hồi giữa tháng, Ian Bremmer, chuyên gia tại Eurasia Group, cho rằng cuộc ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt với phần thắng nghiêng về Trung Quốc. Quan điểm này càng được củng cố với việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP và hiệp định biến đổi khí hậu Paris, trong khi ông Tập thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với toàn cầu hóa và thương mại đa phương.
Tuy nhiên, theo Ratner, bức tranh châu Á phức tạp hơn thế rất nhiều. Dù tỏ ra lo ngại về chính sách của Trump, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ trước nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Việc 11 quốc gia thông qua hiệp định CPTPP thay thế TPP tại hội nghị APEC vừa qua được cho là biểu hiện cho một nỗ lực tập thể trong khu vực nhằm tránh một trật tự kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt.
Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Manila vừa qua, lần đầu tiên trong 10 năm, các quan chức cấp cao Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia có cuộc gặp "Bộ tứ" để bàn về việc tăng cường hợp tác. Khuôn khổ hợp tác bốn bên này cũng được coi là dấu hiệu của nỗ lực chống lại kịch bản khu vực xoay quanh Trung Quốc trong tương lai.
ba-ly-do-co-the-khien-quan-he-nong-am-my-trung-cham-dut-2
Tỷ lệ ủng hộ ông Tập và bà Merkel trong cuộc khảo sát dư luận của Pew. Đồ họa: PEW.
Ratner cũng chỉ ra rằng tuy ông Tập nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, ảnh hưởng của ông ở nước ngoài chưa được thể hiện mạnh mẽ. Theo khảo sát mới đây của Pew, số người nước ngoài ủng hộ ông Tập chỉ ở mức 28%, trong khi số người không ủng hộ là 53%, dù Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để cải thiện hình ảnh quốc gia trên toàn cầu. Điều này cho thấy vẫn còn quá sớm để tuyên bố Trung Quốc đã giành chiến thắng trước Mỹ trong cuộc ganh đua ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trí Dũng / VNExpress

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đôi nét về tác giả DQS

Doãn Quốc Sỹ

Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến
Khu Rừng Lau II
ING.262
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ra và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Như một câu ví von của ông: “Ba sinh hương lửa” thành nhan đề của một tập trong trường thiên Khu Rừng Lau. Các nhân vật đã sống trong thời đại Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt Minh, rồi đảng phái Quốc gia, rồi ở lại kháng chiến, rồi trở về thành phố mà thời ấy gọi là về Tề, bao nhiêu là biến chuyển, bao nhiêu là cảnh bể dâu. Rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, rồi chiến tranh tiếp diễn… Hình như, sống trong thời đại ấy, định mệnh đã đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau và cho đến bây giờ, hàng triệu người lưu lạc xứ người và cuộc chiến vừa qua tới bây giờ vẫn còn hậu quả. Cuộc đời đầy những chuyến ra đi, rời quê Bắc vào Nam, rồi lại phải ra đi lần nữa. Lịch sử toàn là những chia ly tan tác.
Thế mà, ông viết văn trong cái tâm thái ung dung, dù đang trong cảnh tù giam bức bối. Vẫn thái độ tin vào mình, tin vào người, tin ở những điều tốt đẹp của cuộc sống. Độc giả khó tìm thấy những lời hằn học, những tâm trạng phẫn nộ. Viết văn, với ông là một phương cách của “văn dĩ tải đạo”. Viết, như một cách để làm đời sống đẹp tươi thêm…
Những lúc thấy những cảnh tráo trở tàn nhẫn của người đời với nhau, tôi lại giở những “Gìn vàng Giữ Ngọc “ hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều” ra đọc. Những lúc buồn nhớ về quê hương, tưởng tượng ra những Hà Nội, những Saigon, tôi đọc “Dòng sông định mệnh” để thấy mình tìm lại cái rung động thuở nào khi đọc những câu thơ tả lại cảnh đạp xe theo một tà áo trắng những câu dễ thương

“… Em nghèo ta có giầu đâu.
Tịch liêu đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ.
Hoe đôi mắt em vơ tà áo.
Áo trắng bong ảo não hồn trinh.
Lòng ta gợn gió ngây tình.
Theo em nào biết chúng mình về đâu…”
Và khi nào thấy đời sống có một chút gì sương khói, tôi đọc “ Sầu mây”, “ Vào thiền”…
Có người nói rằng văn chương mà mang thời thế làm đề tài thường tuổi thọ không dài bằng những đề tài xoáy sâu vào chân dung con người muôn thuở. Viết về thời thế khó có tác phẩm lớn.
Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác. Không có đề tài nào giới hạn cho những tác phẩm lớn. Nếu có tài năng, nhà văn sẽ viết những tác phẩm bất tử bất kỳ đề tài nào. Huống chi, một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt nam nếu mô tả những cơn lốc thời cuộc sẽ có biết bao nhiêu chân dung con người điển hình cho những nhân vật tiểu thuyết tuyệt diệu…
Hình như, trong tiểu thuyết của Doãn Quốc Sỹ, thời thế đã đóng vai trò quan yếu và văn chương là những dấu hằn chẳng thể nào phai trong ký ức của dân tộc chúng ta.
Với “Khu rừng Lau”, những ngày kháng chiến chống Pháp được ghi chép lại với tất cả những nỗi niềm của người yêu nước nhưng bị lừa gạt bởi những ý thức hệ ngoại lai. Một tiểu thuyết trường thiên vẽ lại cả một thời kỳ hoành tráng của lịch sử mà trong đó con người bị cuốn vào những cơn lốc dữ dội.
Với những truyện ngắn như “Chiếc chiếu hoa cạp điều” , hay “ Gìn Vàng Giữ Ngọc”, chân dung những con người tốt đẹp vằng vặc như trăng đã khiến nhà văn Võ Phiến viết lên một nhận xét: “đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn…” Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khốn cùng đến đâu, cái chất nhân bản vẫn rõ nét.
Quả thật, văn chương của ông bình dị không lên mặt dậy đời mà lại có sức thuyết phục. Thường thường , văn chương cũng như âm nhạc phải theo luật cân phương, có nghĩa là phải thể hiện được đời sống ở nhiều mặt tốt xấu và tất cả phải quân bình cân đối. Nhà văn thời danh Milan Kundura đã ví von công việc viết tiểu thuyết như soạn hòa âm, nhạc đề cũng cần phải có những dạo khúc hoặc những chuyển khúc và cân bằng nó là cả một vấn đề kỹ thuật tinh tế.
Thế mà, ở Doãn Quốc Sỹ, hầu như những nhân vật dều ăm ắp chất thiện ở trong. Ngay những nhân vật ở tuyến ác, cũng có nét khiến độc giả có thể bao dung được và không thể ghét bỏ hoàn toàn. Văn của ông, chuyên chở một phần nào cuộc sống và ở đó, đời sống của người Việt Nam đã được phóng chiếu qua những cảnh ngộ đặc thù của một thời đại đặc biệt.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một khuôn mặt văn chương hàng đầu của hai mươi năm văn học miền Nam. Ông sinh năm 1923 tại ngoại ô Hà Nội lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, dạy học ở Hà Nội và Nam Định, rồi di cư vào Nam năm 1954. Nghề chính của ông là dậy học và đã sang Hoa Kỳ tu nghiệp giáo chức trong hai năm. Trên bình diện văn chương, ông là một cây bút chủ lực trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo và cũng là giám đốc nhà xuất bản cùng tên đã giới thiệu được nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều cây bút tài hoa có khả năng.
Tác phẩm của ông gồm bộ trường thiên “Khu Rừng Lau” có bốn cuốn: Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại, Độc thoại ; truyện dài Dòng sông định mệnh, Sầu mây, Đốt biên giới; truyện ngắn Gìn vàng giữ ngọc, Cánh tay nối dài, U hoài, Gánh xiếc; tùy bút Vào thiền; khảo luận Người Việt đáng yêu,…
Sau năm 1975 , ông bị bắt giam hai lần và sau những cuộc can thiệp của công luận thế giới ông được trả tự do và định cư ở Hoa kỳ với người con trai lớn ở Houston, Texas.
Trường thiên “Khu Rừng Lau” vẽ lại cả một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam. Đời sống của một lớp thanh niên tiểu tư sản được dựng lại trong cái phong cảnh hoành tráng của một đất nước không may trở thành nơi chốn đọ sức của những ý thức hệ quốc tế. Những nhân vật như Miên, Kha, Tân, Hiển, Hãng, Lăng, Khiết… từ lúc trưởng thành, tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trải qua những ngày cải cách ruộng đất, trở về thành rồi di cư vào Nam, tất cả những quặn mình của cả một thế hệ được nhà văn tạo thành tiêu biểu. Tuổi tác họ chênh lệch nhau nhưng cùng có chung một mẫu số yêu đất nước như yêu tự do và cùng mong ước cho một ngày đất nước hùng cường. Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công.
Dòng đời trôi, qua bao năm tháng, chiến tranh lại tiếp chiến tranh, hết Cộng sản đến độc tài gia đình trị, thế nước nghiêng ngửa như những cuộc đời ngả nghiêng theo. Bộ trường thiên này có lẽ là một phác họa lịch sử hoành tráng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam…
Hết: Đôi nét về tác giả, Xem tiếp Chương 1


Phần nhận xét hiển thị trên trang