Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Chuyện ít biết về Hoa hậu Việt Nam đầu tiên


Trần Hoàng Nhân
(TT&VH) - Ở ta hiện nay có rất nhiều cuộc thi hoa hậu, các người đẹp Việt Nam liên tục đi thi nhan sắc quốc tế, nhưng ai mới thực sự là hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam?

Năm 1955, dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức tại Sài Gòn. Trước đó, ở Việt Nam chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu, do vậy đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta. Thật tình cờ, tôi có được cuốn hồi ký Một thời để nhớ, dày hơn 600 trang, của tác giả Thu Trang do CADASA và NXB Văn học ấn hành năm 2010. Cuốn sách chỉ in 500 bản nên không phổ biến nhiều, và khi đọc hồi ký này, tôi biết được chi tiết hơn về cuộc đời của tác giả và cũng là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.

Hoa hậu không thi… áo tắm

Cuộc thi diễn ra ngày 20/2/1955 tại rạp Lido Chợ Lớn, thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Bây giờ, gần như cuộc thi người đẹp nào cũng có phần thi áo tắm và các người đẹp thì cao chót vót. Nhưng cuộc thi năm 1955 không có thi áo tắm, có lẽ vì lần đầu tiên Việt Nam thi hoa hậu nên phần khoe “body” của các người đẹp phải lược bỏ cho hợp với phong tục của người Á Đông, và lúc đó nếu thi áo tắm chắc cũng không có mấy người dám thi.

Đăng quang ngôi hoa hậu cuộc thi này là cô Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người miền Bắc cùng gia đình di cư vào Sài Gòn sinh sống trước 1945. Hoa hậu Công Thị Nghĩa chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng 86 - 62 - 88 và nặng 53kg. Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh, cũng người Hà Nội di cư, Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên ĐH Cần Thơ.

Trở thành hoa hậu giờ đây là mơ ước “ngàn vàng” của nhiều cô gái, vì sau khi trở thành hoa hậu, cuộc đời nhiều người đẹp hầu hết đều bước sang trang mới, rực rỡ, huy hoàng. Nhưng với Hoa hậu Công Thị Nghĩa, sau này khi nhớ lại giờ phút đăng quang, bà tự đặt câu hỏi rằng việc mình trở thành hoa hậu là phúc hay là họa?

Hoa hậu Việt Minh, hoa hậu nhà báo

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Năm 1950, Thu Trang tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt vào khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bót Catinat - nay là Sở VH,TT&DL TP.HCM - mà bà gọi là “ngục trần gian” với đủ loại cực hình tra tấn, sau đó bị chuyển qua khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, Nguyễn Thị Châu Sa (sau này là Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Đỗ Duy Liên (từng làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM) trong phiên tòa 6/1953.

Thoát khỏi ngục tù, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn. Trong Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 1955 có một vài nhà báo và nhân sĩ. Một lần Thu Trang đi lấy tin, người trong ban tổ chức quen biết Thu Trang nên “xúi” cô thi hoa hậu, không ngờ cô… đoạt vương miện. Phần thưởng “tự dưng” mà Thu Trang có sau khi đăng quang, ngoài một kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta. Thiên hạ thời đó gọi đùa Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”!


Thời đó, Hoa hậu Thu Trang cũng được “trải thảm đỏ”, mời chào tiệc tùng, gặp gỡ giao lưu… rất nhiều. Và ngành phim ảnh thuở ban đầu do người Việt làm đã không thể thiếu diễn viên là Hoa hậu Thu Trang. Từ đầu năm 1956, Hoa hậu Việt Nam đầu tiên bước vào điện ảnh với các vai diễn trong phim Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).

Hoa hậu chưa chồng nhưng có con!

Năm 1957, Hoa hậu - diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem Lục Vân Tiên sang Nhật để lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Chuyến đi chỉ có hai người, mà sau này Thu Trang viết trong hồi ký là “Năm 1957 một năm vinh quang và đau đớn”. Một người đàn ông trẻ và một hoa hậu trẻ gần nhau trong một thời gian dài thì sẽ thế nào?

Hoa hậu Thu Trang viết: “Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị du vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...). Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…). Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy”.

Bi kịch ở mối quan hệ này là đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ con. Và dù dư luận lúc ấy nhìn sự việc như một xì-căng-đan kinh khủng, Thu Trang vẫn quyết định giữ lại giọt máu trong bụng mình.

Hoa hậu Thu Trang sinh con là Tống Ngọc Vân Tiên và tiếp tục sống tại Sài Gòn dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Luật 10/59 được chế độ này ban ra, những người “kháng chiến cũ” bị truy bắt, Thu Trang cũng bị bắt giam hai tháng. Vào năm 1956, có “thư rơi” của các đồng chí cũ mật báo khuyên Thu Trang nên đi khỏi Sài Gòn để được an toàn. Năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Hoa hậu Thu Trang đã tìm cách thoát khỏi Sài Gòn mà chế độ Diệm thời đó cho rằng sự ra đi yên lành của bà là đã “để mất một Việt cộng”.


Sang Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học. Năm 1978 bà trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp. Các nghiên cứu sử học về Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc từ các văn khố lưu trữ tại Pháp của Thu Trang đã được in thành sách và tái bản tại Việt Nam. Sau này, Thu Trang về nước nhiều lần giảng dạy ngành du lịch tại nhiều trường đại học. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp.

Hoa hậu trong thơ Bùi Giáng

Lâu nay, giới văn nghệ Sài Gòn kể với nhau về giai thoại, rằng “thi sĩ điên” Bùi Giáng viết câu thơ: “Còn hai con mắt khóc người một con” là viết về Hoa hậu Thu Trang. Câu thơ này nằm trong bài Mắt buồn của Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc Con mắt còn lại. Bùi Giáng say mê Thu Trang khi hoa hậu đã sinh con trai Tống Ngọc Vân Tiên. “Còn hai con mắt” ở đây là hai mắt của Bùi Giáng và “khóc người một con” là khóc Hoa hậu Thu Trang có một đứa con. Nhiều người vẫn hiểu câu thơ này với ý là “còn hai con mắt” nhưng chỉ có một mắt khóc còn một mắt thì không. Tất nhiên, trong văn chương hiểu như thế cũng không có gì sai.

Hoa hậu Thu Trang còn là nàng thơ của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ khác in ở tập Mưa nguồn xuất bản khoảng năm 1962: “Không biết nữa trời tròn hay méo/Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/Trời bên kia - nhan sắc ở bên này”. Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, bài này do họa sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ, Trang rất tệ”.

Năm 1961, khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Le Corbusier - Kiến trúc sư của mọi thời đại


Khánh Phương 

(Xây dựng) - Le Corbusier là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Thụy Sĩ, ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu kiến trúc hiện đại thế kỷ XX. Ông là nhà quy hoạch đô thị, họa sĩ, nhà văn và thiết kế đồ nội thất.

Le Corbusier - kiến trúc sư nổi tiếng thế giới

Le Corbusier sinh tại một thị trấn nhỏ tại Neuchâtel ở vùng phía Bắc của Thụy Sĩ, giáp biên giới với nước Pháp. Thời trẻ, Le Corbusier theo học tại trường thủ công mỹ nghệ tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của Charles L'Éplattenier người đã từng du học tại Budapest và Paris, các trung tâm nghệ thuật thời bấy giờ. Thời điểm đó, Le Corbusier đã bộc lộ rõ hứng thú nghiên cứu về cấu trúc hình học của các đối tượng cũng như việc ứng dụng kĩ thuật vào nghệ thuật. Những công trình đầu tiên do ông thiết kế từ thời xưa đã sử dụng tài tình những ngôn ngữ của kiến trúc bản địa vùng núi Alps. Các công trình này dần dần đã thể hiện bước tiến trong tư duy về không gian kiến trúc với việc đơn giản hóa hình khối của trong kiến trúc.

Năm 1948 Le Corbusier giới thiệu Hệ Modulor, đây là một hệ tỉ lệ trong kiến trúc được ứng dụng lần đầu tiên trong đơn vị ở lớn Marseille. Hệ tỷ lệ này, được xây dựng trên tỷ lệ vàng truyền thống của kiến trúc châu Âu cổ đại được Le Corbusier kết hợp với các số đo của nhân trắc học con người nhằm mục đích phù hợp với các thiết kế kiến trúc cũng như đạt được vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên. Le Courbusier xem quy hoạch đô thị là một công việc có tầm quan trọng chiến lược, sống còn đối với văn minh nhân loại. Ông đánh giá quy hoạch đô thị là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề kiến trúc xây dựng.

Le Corbusier bắt đầu thiết kế đồ nội thất từ năm 1928 sau khi mời kiến trúc sư Charlotte Perriand tham dự vào xưởng thiết kế của ông. Người anh em họ của ông là Jeanneret cũng cộng tác trong nhiều thiết kế. Tư tưởng về kiến trúc của Le Corbusier có ảnh hưởng đến nhiều kiến trúc sư hiện đại sau này như Richard Meier, Ando Tadao, Mario Botta...

Chandigarh - Bài học về quy hoạch đô thị xuất sắc

Chandigarh là một trong những công trình quy hoạch đô thị có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX. Đây chính là một trong những công trình quy hoạch - kiến trúc đô thị xuất sắc của Le Corbusier, nhà quy hoạch - kiến trúc nổi tiếng người Pháp. Chandigarh có ảnh hưởng to lớn đến nền kiến trúc hiện đại cũng như quy hoạch đô thị của Ấn Độ và sau này trở thành biểu tượng của đô thị hóa thế giới. Chandigarh nổi tiếng vì quy hoạch cảnh quan cũng như môi trường kiến trúc.

Yếu tố cấu thành trong quy hoạch của Le Corbusier. Le Corbusier so sánh TP mà ông quy hoạch như một thực thể sinh học để phân chia thành từng khu vực theo chủ ý của ông: Đầu là Capitol (các công trình đứng đầu Nhà nước), tim là khu Trung tâm TP, chi là các khu làm việc của các trụ sở hành chính và các trường học. Thung lũng Giải trí (Leisure Valley) hầu như nằm vắt ngang TP Chandigarh, bên cạnh đó còn có những công viên nằm trải dài qua mỗi khu vực để tạo cho từng người dân đô thị có cơ hội ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh của đồi núi và bầu trời.


Le Corbusier coi chức năng ở là yếu tố quan trọng của đô thị hóa hiện đại và đã tuân theo tỷ lệ hài hòa giữa các yếu tố thiết kế không gian ở. Tất cả các tòa nhà được xây dựng trên những nền đất cao, kích cỡ về cửa, cửa sổ được quy định chặt chẽ. Tuy một số khu nhà ở được thiết kế có những đặc điểm riêng biệt nhưng ý kiến chủ đạo vẫn phải bảo đảm có tầm nhìn hướng tới đường phố và cộng đồng xung quanh. Các tòa nhà dọc theo những trục chính của TP được kiểm soát theo quy định chặt chẽ của kiến trúc. Những ngôi nhà tư nhân ở Chandigarh đều phải tuân thủ theo thiết kế và kiến trúc chuẩn được KTS trưởng phê duyệt. Trong các khu nhà ở không gian xanh luôn được xen kẽ và hợp nhất. Le Corbusier đã dự tính việc xây dựng tương lai thêm những trường học và sân vui chơi giải trí trong những không gian xanh sau các khu nhà ở.

Chandigarh là một TP khá thành công về quy hoạch nhà ở, cung cấp cho những người dân nơi đây một mô hình nhà ở đạt chất lượng cao đồng thời qua thời gian vẫn đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng nhanh của TP. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra, với mô hình nhà ở giá thành thấp đã tạo cho hàng ngàn người dân thu nhập thấp, ít kỹ năng… vẫn có cơ hội được sống ở Chandigarh.

Chức năng cải thiện đời sống tinh thần của con người. Chức năng này gồm không gian mở, không gian cây xanh và các cấu trúc đa dạng khác. 800ha không gian mở và cây xanh trải dài trên gần 114km2 của TP gồm Thung lũng Giải trí, Hồ nhân tạo Sukhna, Vườn Rock và nhiều khu vườn đặc biệt khác. Hơn nữa các khu được hợp nhất cùng không gian mở đều hướng tới núi. Đan xen giữa các tòa nhà hoành tráng, Le Corbusier đã hợp nhất hệ thống cây xanh tiếp nối từ cuối phố này đến phố khác, tạo nên tầm nhìn thông suốt.

Le Corbusier quy hoạch các con đường dành cho người đi bộ và xe đạp thông suốt dưới những rặng cây xanh cho phép người dân có thể dạo theo chiều dài của các khu phố, hòa cùng thiên nhiên. Ngang qua TP có thung lũng nhỏ khoảng 8km với chiều sâu khoảng 6m và đoạn rộng nhất chỉ lên tới 300m. Một loạt các khu vườn đặc biệt được tạo dựng theo chiều dài thung lũng và hiện tại được gọi là Thung lũng Giải trí. Bên cạnh những chuỗi vườn đó còn có rất nhiều khu vườn trồng các loại hoa và quả trong TP, tạo nên những nét hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách. Trên các trục đường phố được bố trí các loại cây to tượng trưng cho từng đường phố. Mỗi trục đường giao thông có những nét đặc trưng riêng do cây xanh tạo nên. Mỗi khu ngã 3, 4 cũng có những đặc điểm cây riêng biệt phù hợp. Có hơn 100 loại cây khác nhau được trồng trên các đường phố của Chandigarh.

Biệt thự Savoye - Công trình có công năng sử dụng hoàn hảo

Đó là công trình tiêu biểu của Le Corbusier là nằm ở TP Poissy, một TP vệ tinh cách Paris khoảng 30km về phía Tây Bắc. Công trình này là điểm kết của một chuỗi các biệt thự được Le Corbusier thiết kế trong khoảng những năm 1920.

Biệt thự Savoye được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1928 - 1931, biệt thự này có chức năng ban đầu là nhà nghỉ cuối tuần của gia đình Savoye. Không giống như hầu hết những ngôi biệt thự được thiết kế trước đó bởi Le Corbusier, vốn nằm trong các bối cảnh đô thị phức tạp, bịệt thự Savoye tọa lạc trong một khuôn viên rộng và thoáng, với vô số các loại cây và thảm cỏ xanh rì.

Điều này chính là tiền đề để Le Corbusier thiết kế một công trình thể hiện được hoàn toàn quan điểm thẩm mỹ kiến trúc dựa trên vật liệu bêtông với một số đặc điểm chính như: Công trình được nâng lên khỏi mặt đất bởi hệ thống cột, cho phép không gian sân vườn được trải dài tự do dưới công trình. Sử dụng mái phẳng bằng bê tông thay vì hệ mái dốc truyền thống, bản thân mái cũng được sử dụng vào mục đích sinh hoạt cũng như làm sân vườn. Sử dụng hệ thống cột, xóa bỏ hoàn toàn vai trò của hệ thống tường chịu lực, vẫn được sử dụng rất phổ biến cho đến lúc đó. Điều này cho phép công trình có mặt bằng tự do, với hệ thống vách ngăn nhẹ được đặt theo ý muốn ở từng tầng mà không cần quan tâm đến hệ thống vách ngăn ở tầng trên hay dưới nó. Hệ thống tường không còn chức năng chịu lực tạo thuận lợi để có thể mở những cửa sổ chạy dài từ đầu này đến đầu kia của công trình, đem theo nhiều ánh sáng và gió vào bên trong công trình. Hệ thống cột thụt lui vào trong so với mặt đứng, sàn đưa ra ngoài dựa trên hệ dầm công-xôn (cantilever). Mặt đứng lúc này trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, và chỉ đơn thuần là những mảng tường bao che và những ô cửa sổ. Thiết kế công trình theo chủ nghĩa công năng, tất cả các yếu tố đều có giá trị sử dụng, không có bất cứ sự xuất hiện của yếu tố mang tính trang trí thuần tuý nào. Sử dụng những đường nét và hình khối rất cơ bản để đưa công trình đến một vẻ đẹp đơn giản và thuần khiết. Thiết kế công trình dựa trên sự cộng sinh giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên, thể hiện qua ý tưởng xóa tan những giới hạn giữa bên trong và bên ngoài công trình. Mặt bằng của ngôi nhà được bó gọn trong một hình chữ nhật với tỷ lệ xác định theo quy tắc tỷ lệ vàng, dựa trên các nghiên cứu về toán học.

Biệt thự Savoye là sự đúc kết của nhiều năm thiết kế, và cũng là một cái nền cơ bản cho rất nhiều những công trình sau này của Le Corbusier. Ngày 17/7/2016 vừa qua, Tổ chức UNESCO chính thức công nhận 17 công trình xây dựng của kiến trúc sư Le Corbusier (1887 - 1965) thuộc Di sản thế giới. Là người đã đem lại một cái nhìn mới trong nghệ thuật kiến trúc trong thế kỷ XX, đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu tập thể cho đại chúng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BẤT ĐỒNG Ý KIẾN – VÌ SAO CHÚNG TA CẦN


 
[BẤT ĐỒNG Ý KIẾN – VÌ SAO CHÚNG TA CẦN] Bất đồng quan điểm với nhau là một trong những điều hay gặp phải trong cuộc sống. Cho dù bạn đi đâu, làm gì, ở đâu thì thế nào cũng sẽ gặp nguời có quan điểm khác với mình. Bạn sẽ không bao giờ và không thể nào tìm đuợc ai hoàn toàn đồng ý với mình. Đơn giản vì mỗi chúng ta là những cá nhân đặc biệt và không ai như ai, vì thế bất đồng quan điểm là điều tự nhiên phải có.
Một trong những sai lầm chết người trong cuộc sống lẫn chính trị là tìm kiếm sự hoàn hảo. Vì thế nên mỗi lần bất đồng với ai thì sẽ đường ai nấy đi. Cho nên ít khi nào làm đuợc gì lâu dài và to lớn. Mỗi lần có chuyện bất đồng, dù rất nhỏ, thì nguời kia sẽ chửi, nguời kia chửi lại rồi bỏ đi.
Sự đa dạng là điều tất yếu. Bất đồng là sự cần thiết. Trong môi trường doanh nghiệp, nếu mọi nguời đi họp và tất cả đều đồng ý thì đó sẽ làm thảm họa. Vì mọi nguời suy nghĩ như nhau, hành động như nhau. và khi một nguời sai thì cả nhóm sẽ sai. Nó đi nguợc với nguyên lý đa dạng và phân chia rủi ro. Đây là điều vô cùng cấm kỵ. Đó là tại sao chúng ta cần sự đa dạng và phong phú về chính kiến, quan điểm cũng như lập trường – cho dù đó là nhóm hoạt động, công ty hay hội đồng nào.
Sự bất đồng quan điểm còn kích thích sự cạnh tranh. Cả hai tranh luận và nhờ vậy mà chúng ta thấy hai vấn đề từ mọi mặt. Thiếu đi sự cạnh tranh này thì đời sống sẽ trở nên bất động. Nếu là một công ty thì công ty đó sẽ mãi thụ động để rồi trở nên lạc hậu vì không có ai thúc đẩy chính kiến khác biệt.
Cho nên hãy bất đồng, hãy khác biệt. Đừng vì một sự bất đồng mà bỏ đi. Bất đồng và cạnh tranh là hai yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển.
Ku Búa @ 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vua Hùng tên thật là gì?


 

1. Hùng và Lạc
Chữ Hùng (trong Hùng vương, Hùng điền) hay chữ Lạc (trong Lạc vương, Lạc điền, Lạc hầu, Lạc tướng) chữ nào có trước?
Chữ Lạc có trước, xuất hiện trong văn bản Giao Châu ngoại vực kí [交州外域記, Jiaozhou waiyu ji]. Cụ thể như sau:
交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民。設雒王雒侯主諸郡縣。縣多為雒將。雒將銅印青綬。
Giao châu ngoại vực kí viết: “Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền, kì điền tòng triều thủy thượng hạ/thướng há, dân khẩn thực kì điền, nhân danh vi lạc dân. Thiết lạc vương lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng. Lạc tướng đồng ấn thanh viện.”
Giao châu ngoại vực kí nói rằng: ‘Jiaozhi/ Giao Chỉ thời xưa khi chưa có quận huyện, đất đai (thì) có ruộnglạc. Những ruộng này theo (sự) lên xuống của con nước, và người dân cày cấy lấy cái ăn [ở] ruộng đó vì thế được gọi là dân lạc. Đặt các ông hoàng lạc (lạc vương), các ông quanlạc (lạc hầu) cai quản ở các quận huyện. Nhiều huyện có tướng lạc (lạc tướng). Các tướng lạc có dấu đồng và dải xanh.’
Chữ Hùng có sau, xuất hiện trong Nam Việt Chí. Cụ thể như sau:
交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄田,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦曰雄侯,分其地以為雄將。(出南越志)
Giao Chỉ chi địa phả vi cao du, tỉ dân cư chi, thủy tri bá thực, quyết thổ duy hắc nhưỡng, quyết khí duy hùng, cố kim xưng kì điền vi hùng điền, kì dân vi hùng dân, hữu quân trưởng diệc viết hùng vương, hữu phụ tá yên diệc viết hùng hầu, phân kì địa dĩ vi hùng tướng.
Vùng đất Jiaozhi/ Giao Chỉ tương đối màu mỡ. Di dân đến sống ở đó, mới bắt đầu biết gieo trồng. Đất ở đây rặt là đất phì nhiêu đen. Khí ở đây mạnh (hùng). Cho nên bây giờ gọi những ruộng ở đây là ruộng hùng, dân ở đây là dân hùng. Có người lãnh đạo tối cao (quân trưởng) cũng gọi là vua hùng (hùng vương). Có những người phụ tá ông ấy [tức ông vuahùng] thì cũng gọi là quan hùng (hùng hầu). Chia đất ở đây để cho các tướng hùng (hùng tướng).
2.Hùng hay Lạc
Nam Việt Chí ra đời sau Giao Châu ngoại vực ký hàng trăm năm. Quan trọng hơn, chữ Lạc (雒) chữ chỉ là để phiên âm từ tiếng Việt cổ qua chữ Hán cổ. Còn chữ Hùng (雄) là một chữ có nghĩa.
3. Chữ Lạc từ đâu mà có.
Người Việt cổ không có họ. Tên đặt theo nghề. Đến đời Trần vẫn đặt tên theo nghề cá. Lần ngược lên thời Hai Bà, tên người được đặt theo nghề nuôi tằm (Trứng Chắc, Trứng Nhì, rồi được người Tàu văn bản hóa bằng hán tự, rồi được các nhà sử học ngày xưa của VN dịch về tiếng ta thành Trưng Trắc, Trưng Nhị. Có rất nhiều ví dụ về tên nôm của danh nhân được người Tàu hán tự hóa rồi dịch ngược ra tiếng ta. Ai đọc Tạ Chí Đại Trường sẽ nhớ trường hợp rất thú vị của Lý Thường Kiệt – Thằng Kặc. Ngay cả trong lịch sử cận đại, nhiều tên riêng do phiên âm qua chữ latin rồi sau này dịch ngược lại qua tiếng Việt cũng có những biến thể thú vị như Chí Hòa – Kỳ Hòa, Vũng Quýt – Dung Quất).
Quay trở lại với văn bản Giao Châu Ngoại Vực Ký đã nói ở trên, thời cổ người dân sống bằng nghề nông, trồng cây lạc, trên các thửa ruộng lạc, tưới tiêu bằng thủy lợi tự nhiên, dân sống trên ruộng lạc, gọi là dân lạc, thủ lĩnh của dân lạc gọi là lạc vương, dưới lạc vương là các lạc hầu, lạc tướng.
Chữ Lạc chính là chữ lúa. Ruộng lạc là ruộng lúa. Dân lạc là dân (trồng) lúa. Tiếng Việt cổ gọi lúa là Lọ. Phiên âm qua tiếng Hán rồi phiên âm ngược lại tiếng Việt mà trở thành Lạc.
Người Mường (cùng ngôn ngữ với người Việt cổ) gọi Lúa là Lọ hoặc Ló. Tục ngữ người Mường có câu “Cơm mường Vó, Lọ mường Vang” (cám ơn chú Huy Tâm đã dạy cháu từ này).
Qua bao năm lạc lối, tên riêng Lúa của cha ông chúng ta, chạy qua bên Tàu, quay về với các nhà viết sử Việt thời cổ, lạc tiếp vài lần nữa, thành chữ Lạc. Nay nhờ 5xu biết google nghiên cứu mà tìm ra nghĩa gốc của từ. Chúc mừng Vua Lúa (nước) tục gọi Hùng Vương. Chúng con xin trả tên đúng về cho cụ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÔI HỌC VĂN NHƯ HỌC SỐNG



Sáu, bảy tuổi đánh chiếc quần đùi nâu dày cộp như mo nang, khoác chiếc áo gụ sờn đứt khuy xộch xệch, đầu trọc lóc bình vôi, cỡi trên con nghé vừa đến tuổi tập cày, tôi theo cha mẹ ra đồng học sống. Cuốn vở đầu đời của tôi là cánh đồng làng và người thầy là mẹ cha lam lũ. Mẹ là cô giáo dạy văn đầu tiên của tôi. Những lời hát ru tràn đầy lục bát của mẹ nuôi thế giới tinh thần tôi lớn lên một cách vô thức. Thơ có mặt ở khắp nơi mẹ đưa tôi đến. Hồn ca dao hồng hào phù sa, nhễ nhại đất cát, xanh biền biệt cỏ chân đê bao bọc tôi như ánh mắt mẹ hiện thân trong ánh trăng sao, nắng gió. Từ mồ hôi, nước mắt thông qua bùn lầy nước đọng, qua chân lấm tay bùn, qua nỗi buồn của bầu trời mùa đông mây xám...bằng tình yêu, mẹ đã tinh lọc nên dòng sữa vật chất và tinh thần nuôi tôi, cho tôi một đôi mắt biết mở to, biết ngạc nhiên về tất cả mọi điều trên mặt đất, dù điều đó đôi khi có vẻ nhàm chán và ù lỳ, lạnh lùng và vô cảm. Cái lõi của văn là sống, học văn trước hết phải học sống. Một đứa trẻ nhà quê như tôi, từng làm nghề cu trâu trước khi học chữ, sáu tuổi đã cầm chiếc rổ mau vạt tép theo mẹ ra đồng học cách bắt từng con tôm con tép, học cách lừa con cá con tôm bằng mồi câu thì sự sống quả là một cái nghề dữ dội. Dù đến nay đã hơn năm mươi tuổi, tôi vẫn chỉ là đứa học trò vỡ lòng của người thầy cuộc sống.
Con trâu, xá cày, cây lúa, vạt cỏ, con mương, con đom đóm, chim chuột, cây cối, trời xanh, bùn đất... tất cả đều là những người thầy của tôi, dạy cho tôi biết cuộc đời là kỳ lạ, vừa nghiêm chỉnh vừa hài hước, vừa thiêng liêng vừa dung tục, hút đôi mắt trẻ thơ của tôi vào như ma ám. Tôi kinh ngạc đến vu vơ vì sao con ốc lại đi bằng lưỡi, con đom đóm lại toả sáng ở đằng đít, tôm tép lại đi ngược : đuôi trước, đầu sau và con rùa đi đâu cũng mang nhà theo... Dường như trong mỗi hình ảnh của tạo vật đều chứa một triết lý siêu nhiên, một hồn trời quyến rũ.
Những ấn tượng, những ám ảnh của thế giới tự nhiên xâm chiếm hồn tôi, tan biến trong những giấc mơ hư thực của tôi, sương khói hoá cái nhìn búng ra sữa của cậu bé tinh quái rình bắt ve mỗi mùa hè đến. Tâm hồn tôi hoá thành hang cho chú dế cuộc đời đến trọ và gáy lên những tiếng gáy dị thường của mơ mộng. Và vầng trăng lang thang hoá thành chiếc mũ của tuổi thơ tôi còn đội mãi đến bây giờ. Bước khởi nguồn của hành trình học văn của tôi mà người thầy đầu tiên ngoài cha mẹ, làng xóm còn là giun dế là trời mây, sông bể...
Tôi học chữ cũng như học sống. Chữ lúc đầu vụn gẫy, chổng chơ như chà chuôm, như rơm rác, như cây bị bão đổ rạp, rồi túc tắc, lổm ngổm, chữ bò như cua, ngoằn ngoèo, loăng quăng giun dế trên vở học loang lổ mực tím của tôi. Nhiều bữa tôi cưỡi cả trâu đi học. Rồi chữ ngoáy như chim bay, cá lượn đưa tôi đi cùng trời cuối đất trong một thế giới mà tưởng tượng là sân chơi của hồn tôi. Chữ chân thật, gần gũi lại xa vời, kỳ diệu như bà Tiên, như ông Bụt, chắp cho thằng oắt con cu trâu tinh nghịch nhất làng đôi cánh Thiên Thần có khả năng bay lên thám hiểm cả thiên đường và địa ngục. Tôi biết đọc, ham đọc nhưng không có sách. Giá mà hồi đó tôi vớ được cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam" hoặc được gặp bác Tôn Ngộ Không và anh Trư Bát Giới...
Những cuốn sách đầu đời của tôi là Kinh Thánh, truyện các thánh, sách kinh và hàng tập báo cũ của tờ báo "Đa Minh bán nguyệt", một tờ báo của địa phận Bùi Chu thời trước năm 1945. Gia đình tôi theo đạo Chúa nên ảnh hưởng của tinh thần văn chương Kinh Thánh thấm vào tôi như mưa thấm vào mái rạ. Cuốn diễn ca bằng lục bát đầu đời tôi đọc và thuộc là cuốn "Truyện Thánh A-lê-xù" với những câu mở đầu ngô nghê như sau :" Thuở xưa người nước Rô- ma/ Con nhà sang trọng tên là O - Phê.". Cuốn sách đầu tiên của chế độ mới tôi được đọc là cuốn sách phổ biến khoa học thường thức của nhà xuất bản Phổ Thông hình như có tên là "Trái đất và hệ mặt trời". Đêm ấy, bầu trời làng tôi đầy sao. Tôi nhìn lên hàng vạn tinh tú, há hốc mồm kinh ngạc vì hoá ra, các ngôi sao kia từ nay không phải là những con đom đóm của Chúa Trời nữa mà là những hành tinh còn lớn hơn trái đất...
Tôi bắt đầu học văn trong sách báo. Ở một làng quê Công Giáo hẻo lánh như quê tôi, thật không dễ dàng mượn được cuốn sách để đọc. Mắc cái bệnh mê đọc sách, tôi đọc nghiến ngấu tất cả những gì vớ được. Đến nỗi, vì nhà đôi khi hết dầu hoả thắp đèn, có đêm, tôi leo lên mái bể nước ngoài sân, nhờ ánh trăng rằm đọc sách, bị bố đánh cho một trận vì sợ sau này thằng con mù mắt. Mê sách quá đến nỗi, xin lỗi, có những lần, tôi đã ăn cắp sách hoặc mượn sách của ai đó rồi lờ đi không trả. Cái câu ăn cắp sách không có tội thực ra là một lời dối trá. Nhắc lại chuyện không hay ho này của mình để thấy rằng các bạn trẻ ngày nay so với thế hệ tôi thật hạnh phúc, vì xung quanh các bạn cả một thế giới sách bao phủ. Rồi chiến tranh với bom đạn, sốt rét, đói khát… là trường học đời lính của tôi.
Tôi đã học sống, giờ tôi cần học cách hy sinh. Cái chết là một nỗi gì ghê gớm, vừa rất cụ thể, vừa rất siêu hình, đã dạy tôi điều không một sách vở nào có thể dạy được... Tóm lại, cho đến bây giờ, tóc đã bạc, tôi vẫn là kẻ cắp sách đến trường đời học văn và nghề văn, như ngày xưa tôi từng rình xem con cò đứng một chân mà ngủ, phục con cò sát đất để rồi không sao học được cách đi một chân trên mặt đất ...
( Trích bài “Mở đầu” cuốn – Văn học-Phê bình-Nhận diện ( Hầu chuyện các giáo sư) của T.M.H. NXB VĂN HỌC –Hà Nội 1999)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chim Lạc là con chim gì?


Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi “Chim Lạc là chim gì?” chính là câu trả lời sau đây: “Chim Lạc là con chim trên mặt trống đồng nước ta”.
Câu hỏi sau đây mới là câu khó: Con chim nguyên mẫu của Chim Lạc là chim gì?
Tổ tiên chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Rồng là con giao long, tức là con thuồng luồng, tức là con cá sấu. Con rồng trên mặt trống đồng Hòa Bình và trống đồng Phú Xuyên vẫn là con cá sấu cách điệu bò lổm ngổm. Đến Lý-Trần vẫn còn phảng phất con cá sấu. Qua đời Lê thì râu ria vẩy viếc như cá chép, bây giờ trong Hoàng Thành vẫn còn mấy con đẹp ngất ngây, chỉ tội là rồng lai tàu. Đến thời Nguyễn thì chắc là rồng rởm, đếch biết ở đâu ra. Duy có chính ông Gia Long là rồng xịn, nếu như không nói là cực xịn.
Con cá sấu chắc sống đâu đó ở đồng bằng bắc bộ, nơi các cửa sông và đầm lầy. Cũng có đầy ở chỗ sông Hồng uốn khúc mà sau này nhà Lý dời đô về.
Thuở vua Hùng rời núi xuống trung du rồi lại gần các lưu vực, con cá sấu – thuồng luồng hẳn vẫn còn nhiều lắm nên tục xăm mình không phải là thời trang anh chị mà là trang phục bắt buộc để xuống sông. Vậy nên con Chim Lạc – dòng dõi nhà Tiên, cũng mới chỉ hình thành cũng tầm tầm thời đó. Hình thành qua tín ngưỡng và truyền kỳ. Từ con sấu nâng cấp thành con Rồng. Từ vua Hùng lộn xa quá thời Thục Phán để lờ mờ thành Lạc Long Quân (đúng ra phải là Âu Cơ do phóng chiếu ngược của tiềm thức kẻ thua cuộc). Còn đất mẹ, mẫu hệ, lộn về quá khứ mơ hồ thành Âu Cơ dòng dõi nhà tiên. Nông nghiệp và thời tiết, mẫu hệ và lực lượng sản xuất, đất mẹ và mặt trời đã gây ra sự lộn xộn âm dương khi đất mẹ có ông ngoại là mặt trăng phải thờ thần mặt trời (vai đức ông chồng tỏa nắng gieo mầm sống trên đất), mới có sự ẩm ương trong ngôn ngữ lúc gọi ông trăng lúc gọi chị hằng. Ông Trăng mới là chuẩn vì ông là chồng của bà Trời.

Cả hai vật tổ đều đẻ trứng nên mới thành truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân đẻ bọc trăm trứng. Khả năng bà Âu Cơ và ông Lạc Long Quân là bịa hoàn toàn, chỉ đến vua Hùng mới có thật.
Vật tổ là con Giao Long – Cá Sấu chắc mới xuất hiện sau này khi vua Hùng và một số bộ tộc anh em đã xuống đồng bằng. Cho nên giống nòi do vua Hùng đẻ ra mới là con Rồng. Còn vật tổ là con Chim Lạc hẳn đã theo đoàn người di cư từ phương nam dọc theo dãy Trường Sơn trong suốt hành trình có lẽ kéo dài hàng trăm năm. Cho nên giống nòi mới lùi xa một thế hệ nữa và gọi là Cháu Tiên. Con chim nguyên mẫu của Chim Lạc trên mặt trống đồng, ắt phải là một con chim gần gũi và gắn bó với tổ tiên của vua Hùng trong những năm dài du canh du cư từ Nam ra Bắc, từ núi xuống đồng bằng. Cái sự di cư để bảo tồn giống nòi ấy nó ăn sâu vào trong tiềm thức để rồi sau này có hàng triệu người từ bắc vào nam năm 1954, hay hàng trăm ngàn người từ đất này bỏ nước mà đi qua tận bên kia thái bình dương. Không phải là theo Chúa vào Nam, cũng không phải khổ quá không chịu được mà cột điện cũng phải đi. Mà là bản năng di cư để bảo tồn nòi giống nó thúc đẩy. Ai đã từng đi tàu đánh cá bé như cái lá tre trên mặt biển mênh mông mới có thể hiểu được đấy chính là bản năng. Còn không, thì chỉ vài người ra đi như Papillon người tù vượt ngục, chứ không thể nào ra đi cả ngàn cả vạn con người.
Trên hình trống đồng Hòa Bình và Phú Xuyên, Chim Lạc có hai loại đứng và bay. Con Chim Lạc đứng thì rất giống con Cốc (Cò, Vạc, Bồ Nông) là mấy con chim lội nước mò tôm bắt cá. Con Chim Lạc bay thì giống rất nhiều con chim khác mà xem kỹ thì chẳng giống con gì. Vậy nên giờ người ta cũng không biết con chim Lạc bản gốc là con chim gì nữa. Đã có lúc tôi đoán Chim Lạc cùng loài với chim Ch’Rao ở Tây Nguyên. Nhưng sau này nghĩ lại con Chim Lạc mỏ dài và to thế mà hót thì người nghe toác tai, không thể nào tổ tiên của vua Hùng thờ làm vật tổ được (còn con chim Ch’rao thì nó lại hót mới đau chứ).
Chim Lạc Bay có những đặc điểm sau đây:
+ Mỏ rất dài và to
+ Đầu có mào hoặc lông gáy xù lên (kiểu teenager bôi keo xịt tóc bây giờ)
+ Đuôi cánh én rất to.
+ Chân. Có hình trên trống không thấy chân đâu. Có hình thì có chân đang duỗi ra và ngắn hơn đuôi. (Hình không có chân là vì nhìn từ dưới lên chân duỗi ra ngắn hơn đuôi và ẩn vào đuôi)
+ Kích cỡ: không rõ. Có thể bé như con sáo, có thể to như đại bàng.
+ Sống theo đàn hay một mình: Cũng không rõ. Trên trống đồng thì rõ ràng là một đàn chim Lạc nối đuôi nhau bay vòng quanh mặt trời. Nhưng rất có thể chỉ là một con được cách điệu.
+ Có di cư hay không: Không rõ nốt. Nhưng có vẻ như là có bay về tổ dưới ánh trời chiều (ngược chiều kim đồng hồ).
Chim Lạc trên Internet:
Cũng giống như ngày Giỗ Tổ hay nguồn gốc của tổ tiên chúng ta, có rất nhiều thuyết giải thích Chim Lạc gốc là con chim gì nhưng tựu trung chỉ chia làm hai nhóm: nhóm Con Cò và nhóm Con Cắt.
Thuyết Con Cò
Thuyết phổ biến nhất thì cho rằng chim Lạc là con … Cò (hehehe) với giải thích về hình dáng của Chim Lạc rất giống Cò, Vạc và đặc biệt là giống con Hạc trong Văn Miếu. Ngoài hình dáng, thuyết này dựa vào việc con cò với nông nghiệp với …vua Hùng rất là gắn bó với nhau ở đồng bằng bắc bộ nên dần dần đuợc coi là vật tổ. Mặc dù thuyết này có nhiều nhóm con, nhóm thì cho rằng chim Lạc là con Cò, nhóm thì bảo con Bồ Nông, nhóm thì bảo là con Vạc. Đại khái đều là họ nhà cò lội nước mò tôm bắt cá, chả liên quan gì đến vua Hùng cả.
Thuyết này có hai điểm sai lớn:
+ Thứ nhất là vật tổ chim Lạc chắc chắn là có trước khi vua Hùng xuống đồng bằng và làm lúa nước (trước đó có thể làm lúa nếp lúa nương rồi) cho nên con Cò là con đến sau và đi vào dân ca, chứ không thể nào đi lên mặt trống đồng được.
+ Thứ nhì (cái này mới là sai chết người): con Cò khi bay, chân nó duỗi ra dài hơn đuôi nhiều. Tức là con Cò Đứng và con Chim Lạc Đứng nhìn hao hao giống nhau. Nhưng con Cò Bay thì cái chân nó duỗi dài ra khác hẳn con Chim Lạc Bay
Và một điểm sai nhỏ:
+ Trong Bộ Cò/Hạc thực ra chỉ có con Diệc là có cái bờm tóc ở gáy, các con khác nhẵn thín. Ngoài ra bộ Bồ Nông thì chân còn có màng.
(Mọi người có thể tìm tài liệu, ảnh về con Cò, Vạc, Bồ Nông, phân bộ khoa học (pháp danh) là Ciconiiformes)
Thuyết Con Cắt
Thuyết phổ biến thứ nhì là cho rằng Chim Lạc là bộ chim săn mồi (chim ưng, chim cắt, chim ó biển). Nói chung ai cũng khoái tổ tiên nhà mình là một con dữ tợn như vậy cho giống Hoa Kỳ hehehe. Tuy nhiên các con chim cắt, ưng, đại bàng đều có mỏ khoằm và ngắn. Sai hẳn so với cái mỏ dài ngoằng của Chim Lạc.
Trong thuyết này còn có ông đi tìm thấy con chim Lạc của tổ tiên ta ở … trong Văn Miếu thờ Khổng Tử.
(Mọi người có thể tìm tài liệu, ảnh về chim cắt chim ưng ở bộ Falconiformes)
Thế con Chim Lạc giống con gì nhất?
Với các đặc điểm trên trống đồng (trừ kích thước) thì chim Lạc giống con chim … Gõ Kiến (Woodpecker) nhất. Nghe thì buồn cười, nhưng con Chim Lạc cực kỳ giống một loài Gõ Kiến lưng đỏ và có sừng mào tên là Ivory-billed Woodpecker. Nhưng con này sống ở Hoa Kỳ và Cuba.
Con thứ nhì giống chim Lạc là con Gõ Kiến Lưng Lửa tên là Greater Flameback sống ở rừng rậm Đông Nam Á.
Con Gõ Kiến có loài sống cô độc, có loài sống theo đàn, cũng có loài di cư. Chúng cũng có tổ và chiều chiều bay về sau một ngày kiếm mồi ăn. Cách chúng dùng mỏ có lẽ đã gợi cho tổ tiên của vua Hùng cách làm rìu để đi săn và dùng giáo nhọn để chọc lỗ gieo hạt; nên hình người trên trống đồng hoặc là cầm giáo có mũi chĩa xuống, hoặc là cầm rìu lưỡi dài như mỏ chim gõ kiến.
Vậy là Gõ Kiến giống Chim Lạc nhất. Nhưng Chim Lạc có phải là Gõ Kiến không thì đúng là bó tay. Nếu đúng thì cũng rất hay bởi nó cho thấy tổ tiên chúng ta là dân sơn cước chăm chỉ làm nương rẫy hơn là săn bắn thú rừng.
***
Có ai tự hỏi cái tên Gõ Kiến có từ bao giờ không? Chắc chắn tên này có khi chúng ta biết rằng con chim Gõ Kiến nó dùng mỏ và lưỡi để bắt kiến. Khi nào chúng ta biết việc này? À, có khi rất gần đây. Thậm chí cực kỳ gần, sau khi người Pháp đến Đông Dương nữa kìa.
Còn có ai tự hỏi về cái khăn mỏ rìu không? Khăn mỏ rìu là chỉ hình thức chít khăn đội đầu của người nông dân đi làm đồng, xa hơn nữa là của người tiều phu, và xa hơn nữa là của những người thợ săn du cư. Cái thắt nút và “mỏ rìu” rũ xuống có giống đầu và mỏ con chim Lạc không? Quá giống. Tại sao “rìu” là một từ cổ thuần Việt lại dính đến dụng cụ lao động (lưỡi rìu) và khăn chít đầu vừa là để tóc dài không xõa ra khi đi rừng, vừa là để che nắng khi làm ruộng. Hẳn trước đó tổ tiên chúng ta thấy trong thiên nhiên một loài chim có cái mỏ như vậy rồi từ đó gọi “chim rìu” hằng ngày bổ củi (bắt kiến), rồi đến “lưỡi rìu” bằng đá bằng đồng, rồi đến “khăn mỏ rìu” chít ngang tai. Hay Chim Lạc là Chim Rìu. Còn Chim Rìu biết đâu là chim Gõ Kiến???
(Comment bên Blog của Huy Minh vẫn nhiều người nói rằng Chim Lạc là hình ảnh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ Cò Lả bay ra bay vô. Cái hồi đúc trống đồng, làm gì đã có đồng bằng ruộng lúa nước đủ rộng để chim cò bay ra bay vào hả các ông. Lúc đó ruộng của Vua Hùng may ra bằng cái ruộng lúa nương trên miền núi bây giờ. Vả lại con Chim Lạc nó hình thành từ quá khứ của Vua Hùng, thì mới đủ tư cách lên mặt trống rồi lượn quanh mặt trời hoành tráng vậy chứ.)
***
Xem thêm:
blog 5 xu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sống hòa thuận, hài hòa với người khác


Một trong những mục đích luân lý và đạo đức là sống hòa thuận, hài hòa với những người bạn tinh thần. Mục đích của chúng ta là vậy chứ không phải chỉ nhằm thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình. Hiểu biết vị thế và tôn trọng các bậc truởng thượng là một phần quan trọng của giới luật mà chúng tahành trì.
Muốn sống hài hòa với mọi người, chúng ta phải loại bỏ tính kiêu căng tự phụ, cho mình là quan trọng hơn cả, đồng thời cũng không dính mắc vào những lạc thú phù du. Nếu không vất bỏ yêu ghét, thực rabạn chưa có được chút nỗ lực tinh tấn nào. Không vứt bỏ có nghĩa là đi tìm an bình nơi không bình an. Hãy tự khám phá chân lý này. Chẳng cần phải lệ thuộc vào một đạo sư bên ngoài — thân và tâm khôngngừng dạy ta. Hãy lắng nghe bài thuyết giảng của chúng để không còn hoài nghi nữa.
Con người luôn luôn bị dính mắc vào ý nghĩ cho mình là lãnh tụ, người lãnh đạo. Cũng có kẻ dính mắc vào chuyện mình là một học trò, một môn đệ. Có ai tự hào rằng mình không phải là học trò khi mình có thể học hỏi ở tất cả mọi vật? Ai có thể dạy dỗ tất cả mọi điều mà không phải là thầy?
Hãy lấy việc vái lạy làm phương cách bảo vệ thế giới quanh bạn. Hãy vái lạy một cách tôn kính và đầy tình thương. Khi trở về cốc liêu một mình, hãy để mọi thứ xuống và việc trước tiên là nằm dài ra lạy. Muốn đi ra ngoài để quét dọn, hãy nằm dài ra lạy trước. Lúc quét dọn xong trở vào, lại tiếp tục lạy nữa. Vào nhà vệ sinh, phải vái lạy trước. Và vái lạy trước khi trở về phòng. Hãy nhủ thầm, “Mọi lỗi lầm do thân, khẩu, ý tôi gây ra, cầu mong đuợc tha thứ.” Luôn luôn giữ mình chánh niệm.
Tu sĩ chúng ta là những kẻ đại may mắn. Chúng ta có chỗ ở, có bạn lành, có cư sĩ hỗ trợ và có Giáo Pháp. Chỉ còn việc thực hành nữa thôi.
Trích dẫn từ cuốn Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Ngài Ajahn Chah


Phần nhận xét hiển thị trên trang