Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Tư Liệu:

Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An

Cuối thập niên 80s tôi có một người học trò tuy tuổi đã cao nhưng cũng cố học Anh văn để được đoàn tụ cùng con cái ở nước ngoài. Đó là nhà văn Thụy An, người đã bị chính quyền miền Bắc thanh trừng trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong những năm 1955-1957.

Nhưng thôi, chuyện học tiếng Anh của bà cụ chỉ là ‘chuyện nhỏ’, xin nói đến ở phần cuối của bài viết này. Bà Thụy An sinh năm 1916 tại Hà Nội (hơn tôi đến 30 tuổi), nhũ danh Lưu Thị Yến, viết văn, viết báo từ trước năm 1945.

Thụy An là nhà văn nữ duy nhất bị kết án ‘phản động’, ‘gián điệp’… với hình phạt 15 năm cải tạo thuộc ngũ nhân bang Nhân văn - Giai phẩm, dù tác phẩm của bà không phê phán chế độ một cách quyết liệt hay thâm trầm như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi…

Là người có khiếu thơ văn từ nhỏ nên năm 13 tuổi bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong(1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn. Bà Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn),Đàn Bà (Hà Nội), một thời là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A5y_An)

Vũ Ngọc Phan viết trong Nhà văn hiện đại: “Tác giả Thụy An vốn là một nhà thơ. Tôi đã đọc thơ của Thụy An trong ‘Phụ Nữ Tân Văn’, trong ‘Đàn Bà Mới’ và trong tuần báo Đàn Bà”.

Đánh giá về tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An, Vũ Ngọc Phan viết: “Một linh hồn” chính là một tiểu thuyết tình cảm, tả những tính tình rất ngây thơ, rất trong sáng của Vân, một cô gái giàu lòng tín ngưỡng và giống như một bông sen, tuy “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”… Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”.

Chân dung nhà văn Thụy An

Bà Thụy An kết hôn với giáo sư Bùi Nhung, em ruột học giả Bùi Kỷ. Trong thời kỳ Nhân Văn–Giai Phẩm, nhà văn Phan Khôi nhận bà là con nuôi. Sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Tuy nhiên, những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt lại phủ nhận sự tham gia của bà trong nhóm.

Theo báo Nhân Dân (ngày 23/04/1958), bà Thụy An bị kết tội gián điệp vì có quan hệ gần gũi với gia đình tướng De Lattre de Tassigny và Giám đốc Sở mật vụ Pháp Marty.

Về vụ xử gián điệp, báo Thủ đô Hà Nội ngày 21/01/1960 (số 382) tr. 4. đưa tin:

“Ngày 19/1/1960, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu. Nhiều đại biểu các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã tới dự phiên tòa này.

“Bọn gián điệp bị đưa ra xét xử gồm năm tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.

“Ông chánh án Nguyễn Xuân Dương, hai ông hội thẩm Nguyễn Tử Các và Phùng Bảo Thạch đã lần lượt hỏi các tội phạm, và bọn chúng đã được tự do trình bày hết tư tưởng và hành động của chúng trong thời gian phạm pháp.

“Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của bọn đế quốc. Khi hòa bình được lập lại, y đã nhiều lần xuống Hải Phòng bàn định kế hoạch hoạt động gián điệp phá hoại với bọn tay sai của Mỹ – Diệm. Sau khi Chính phủ ta tiếp quản Hải Phòng, y trở về Hà Nội, chịu mệnh lệnh của một số phần tử người nước ngoài trong đó có tên là Đuya-răng, thi hành những âm mưu và hoạt động phá hoại miền Bắc nước ta. Âm mưu của chúng nhằm xuyên tạc sự thật, khích động lòng người, gây nghi ngờ, hoang mang chống đối với chế độ dân chủ nhân dân. Chúng gọi thủ đoạn này là thủ đoạn “phá hoại tư tưởng, phá hoại nền tảng chính trị”. Đó chính là một thủ đoạn gián điệp rất quỷ quyệt của Mỹ, tinh vi và độc ác hơn phá hoại bằng vũ khí, – lối gián điệp “tác động tinh thần”, “chiến tranh tâm lý”. Đối với nhiệm vụ gián điệp mà Đuya-răng đã giao cho, Thụy An thú nhận: “Tôi đã làm việc đó một cách thích thú, và nó phù hợp với tư tưởng phản động của tôi”.

“Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi nhập thành một nhóm. Tháng 9/1956, dựa vào tiền bạc của những phần tử tư sản phản động, bọn chúng xuất bản tờ báo Nhân văn. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Thực chất tư tưởng của tôi và những người theo tôi là phản động, cho nên lúc đó chúng tôi bàn ra một tờ báo để làm lợi khí chống đối. Tờ báo Nhân văn do chính tôi giữ một vai trò chủ chốt”.

“Thụy An thường xuyên gặp Đuya-răng báo cáo tình hình. Thụy An thú nhận: “Đuya-răng bảo tôi: giờ bà hãy đứng ngoài, nhưng phải để mắt trông nom mọi việc”. Do đó Thụy An không có tên trong tòa soạn báo Nhân văn nhưng y đã tích cực cổ động cho báo Nhân văn…, cho một tay chân của Phan Tại đến giúp việc Nguyễn Hữu Đang. Phan Tại đã vận động người giúp tiền cho Nhân văn, lợi dụng sân khấu, điện ảnh để tiến hành phản tuyên truyền; Minh Đức đã câu kết với một số phần tử xấu như nhóm Trương Tửu xuất bản một số sách nội dung giống như Nhân văn, mục đích đều là chống lại chế độ dân chủ nhân dân.

“Trong những hoạt động phá hoại của bọn Phan Tại, Minh Đức đều có bàn tay chỉ huy của Nguyễn Hữu Đang và Thụy An. Thụy An thú nhận “là cố vấn của Phan Tại”, còn Nguyễn Hữu Đang “là linh hồn của nhà xuất bản Minh Đức” (lời khai của Minh Đức). Hơn thế nữa, Nguyễn Hữu Đang còn mưu đồ thành lập một đảng chính trị phản cách mạng.

“Sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An vẫn câu kết chặt chẽ với nhau và tiếp tục hoạt động gián điệp phá hoại. Thụy An thú nhận: “Sau khi báo Nhân văn bị đình bản tôi vội đến báo cáo tình hình với Đuya-răng và xin chủ trương. Đuya-răng bảo tôi: Lúc này là lúc bà phải đi sát với họ”. 

Nguyễn Hữu Đang và Thụy An lấy nhà Phan Tại làm một “câu lạc bộ” bí mật, tụ tập một số phần tử phản cách mạng chuyên đem những luận điệu phản tuyên truyền của bọn Mỹ – Diệm và những sách báo phản động của bọn đế quốc ra bàn và thảo luận những âm mưu phá hoại mới. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Trong thời gian đi lại với Thụy An, những câu nói phản tuyên truyền của chúng tôi rất nhiều, và tôi nhận rằng tôi đã bịa đặt ra những việc không đúng sự thật và đã gây tai hại là gieo rắc hoang mang và hoài nghi…”

“Trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An ra sức “tác động tinh thần” như vậy, thì Minh Đức được Đang giới thiệu với những phần tử tư sản phản động cung cấp cho hàng triệu đồng (tiền cũ), cho in lại hàng loạt sách của thời thuộc Pháp để tiếp tục đầu độc các tầng lớp thanh niên, còn Phan Tại thì lợi dụng việc tập kịch, ca hát để phục hồi nếp sống trụy lạc, đồi bại của thời tạm bị chiếm. Đến khi chúng thấy âm mưu và hoạt động của chúng bị bại lộ, chúng định trốn vào Nam để tiếp tục làm tay sai cho Mỹ – Diệm. Lê Nguyên Chí thú nhận: “Đang nói với tôi, Đang vào theo Mỹ – Diệm sẽ được chúng tin dùng và sẽ làm được những việc lớn”. Đang cùng Lê Nguyên Chí chuẩn bị trốn đi Nam.

“Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải, Tòa án đã tuyên án:

(1)   Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(2)   Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(3)   Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(4)   Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân;
(5)   Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.

Bà Thụy An
(người đứng giữ trong số 5 bị cáo Nhân văn-Giai phẩm)

Báo Quân đội nhân dân ngày 21/01/1960 viết về bà Thụy An:

“Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến, trước Cách mạng tháng Tám đã từng làm tay sai cho bọn Mác-ty, Gờ-răng-giăng là những tên trùm mật thám thực dân ở Đông Dương. Khi toàn dân ta hy sinh gian khổ để kháng chiến, Thụy An được giặc tin dùng, cho làm Phó giám đốc Việt Tấn xã, một cơ quan tác động tinh thần của địch, chuyên phản tuyên truyền, chống kháng chiến. Nó đã có mặt ở nhiều nơi xảy ra chiến sự, trên xe bọc sắt của bọn võ quan cao cấp Pháp hay bọn chỉ huy cao cấp bù nhìn. Khi hòa bình vừa lập lại, nó chạy ra vùng tự do khai với chính quyền ta xin ở lại. Ở lại để làm gì, những sự việc trên đã cắt nghĩa khá rõ ràng.

“Bọn Nhân văn – Giai phẩm còn tung ra một loạt “tác phẩm” để minh họa cho “chính sách” phản động của chúng. Phan Tại viết và diễn một loạt kịch ‘Ghế chợ giời’, ‘Bù nhìn bắp cải’, ‘Hai con chuột’ để tuyên truyền cho nếp sống đồi trụy, đề cao thế lực đồng tiền, dùng danh từ mập mờ trên sân khấu để đả kích kháng chiến, khuyến khích người bỏ trốn đi Nam. 

Trần Duy viết ‘Những người khổng lồ’, ‘Tiếng sáo tiền kiếp’ để đả kích những người cộng sản, tuyên truyền cho thứ nghệ thuật đồi trụy, nuối tiếc thời nô lệ. Thụy An viết ‘Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân’, ‘Trên bàn mổ’ để phục vụ bọn đế quốc, ca tụng bọn Việt gian bán nước, đả kích sự lãnh đạo của Đảng. Chúng sáng tác với một dụng ý rất thâm độc. 


Thụy An thú nhận trước Viện công tố: “Tôi viết truyện ‘Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân’ để nói rằng trong tên Việt gian bán nước cũng có con người. Tôi viết truyện ‘Trên bàn mổ’ để nói lên là chuyên môn không phụ thuộc vào chính trị”. Những lời thú nhận đó càng xác nhận một lần nữa rằng bọn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại đã dùng vũ khí văn nghệ để hoạt động phản cách mạng.

***

Bà Thụy An là người phụ nữ duy nhất - ở trong hay ở ngoài phong trào - bị kết án làm gián điệp. Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở trongNhân Văn - Giai Phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong hàng ngũ phản động với nhãn hiệu “Con phù thủy xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”.

Vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị hay là một sự quy kết oan uổng?

Nhà báo Nguyễn Hữu Đang (một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân) khẳng định với RFA (Đài châu Á Tự do), nguyên văn như sau:

Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện”.

Ông Nguyễn Hữu Đang

Nhà thơ Lê Đạt cho biết: “Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.

Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. 

Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ.

Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. 

Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả”.
Nhà văn Lê Đạt

Năm 1973, bà Thụy An cùng với Nguyễn Hữu Đang được thả trong diện “Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”. Sau năm 1975, bà làm đơn xin vào Nam sinh sống để hy vọng được đoàn tụ với các con tại nước ngoài và đó cũng là lý do tôi trở thành người kèm Anh văn cho bà.

Trong “Hồi ký của một thằng… hèn”, có đoạn nói về Nhân văn - Giai phẩm. Nhạc sĩ Tô Hải, người đã soạn hàng trăm ca khúc ca tụng ‘đảng quang vinh’, đã viết: “Tôi… run khi Phùng Quán rủ tôi đến chơi một “nhà văn nữ có thể đọc ngược Hamlet (!) bằng tiếng Anh”: Thụy An” [sic].

Có lẽ vào thập niên 50-60 nhạc sĩ Tô Hải khi đó còn hăng say phục vụ cách mạng chứ chưa như thập niên 2000s đã ‘giác ngộ’ cách mạng nên mới nghĩ rằng trình độ Anh văn của bà Thụy An ở mức thâm hậu đến độ có thể ‘đọc ngược’ Hamlet của Shakespear. Không có điều gì để trách ông Tô Hải vì những gì ông biết về bà Thụy An chỉ thông qua bộ máy báo chí thời kỳ đó…  

Tuy nhiên phải nói lại cho đúng: Đây là chi tiết sai sự thật vì nếu bà Thụy An có trình độ tiếng Anh như ông Tô Hải mô tả thì chắc chắn tôi là người phải xin thọ giáo bà chứ không phải là người giúp bà học những câu như “How are you?” hoặc “My name is Yến”.

Thật trớ trêu, hồi xưa tôi lại là học trò của con bà, thầy Bùi Dương Chi, dạy Anh văn trên Ban Mê Thuột. Nhân vật Phong, trung úy biệt kích 81 trong truyện ngắn Năm tháng khó quên có phần hư cấu từ những chuyện bà kể về gia đình mình. Tôi đã lồng Phong vào hoàn cảnh gia đình đó, nhưng nhân vật Phong lại đội lốt trung úy pháo binh Ngô Nghĩa, người đã trốn trại cải tạo và bị xử bắn ngay sau khi bị phát hiện tại phi trường L19, Trảng Lớn.

Trong Năm tháng khó quên, gia đình Phong phải đối mặt với vấn đề vào Nam hay ở lại Hà Nội năm 1954. Bốn anh em cũng được hỏi ý kiến: muốn theo bố vào Nam hay ở lại Hà Nội với mẹ. Đến lượt Phong, chú bé đỏ mặt tía tai vì giận dữ: “Ông chẳng theo đứa nào hết!!!”. Theo lời kể của bà Thụy An, chính thầy Bùi Dương Chi đã nói câu đó trong phút tức giận của một chú bé đứng trước hoàn cảnh ly tan của gia đình!

Chân dung nhà văn Thụy An 
(trong cuốn "Nhà Văn hiện đại")

Tôi học hỏi rất nhiều điều từ bà Thụy An. Bà là một phụ nữ gầy còm, ốm yếu sau những năm dài cải tạo nhưng cũng từ dáng người mảnh khảnh đó tỏa ra một sức mạnh tinh thần đáng nể phục.

Trong thời gian cải tạo bà đã tự hủy hoại một con mắt để từ đó trở đi “chỉ nhìn đời bằng một con mắt”. Một hành động, theo tôi, là dũng cảm đối với một phụ nữ. Trên thế gian này chưa chắc có được một người đàn ông - chứ không nói gì một người phụ nữ - đủ can đảm, thừa nghị lực để tự chọc vào mắt mình!

Năm 1958, bà Thụy An đã từng nói: “Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…

Trong thời gian đầu khi bị giam giữ chờ ngày ra tòa, bà đã vượt qua mọi hình thức cân não, đấu tranh tư tưởng của cán bộ chấp pháp. Tuy nhiên, theo lời bà, sự căng thẳng duy nhất, khó vượt qua nhất, lại là tiếng giọt nước nhỏ đều đều suốt đêm từ robinet đâu đó vang đến phòng giam. Từng giọt… từng giọt… suốt đêm này qua đêm khác khiến thần kinh căng lên như giây đàn giữa đêm thanh vắng…


Truyện ngắn Thu Hương tôi đề cập đến trong Hồi ức một đời người (Chương 7: Thời Mở Lòng) cũng dựa theo một ý tưởng của bà Thụy An: con người có cái đầu, nói rõ hơn bộ não, là hoàn toàn của mình, không một sức mạnh nào, không một thế thế lực nào có thể xâm phạm vào quyền sở hữu riêng tư đó.

Đây là quan điểm chính trị của bà Thụy An nhưng trong truyện Thu Hương tôi kể lại cuộc tình của một người đàn ông có vợ nhưng vẫn ngoại tình, anh ta ‘kê cả một cái giường trong đầu để ân ái với người tình trong khi vẫn nằm bên vợ’. Một trường hợp đồng sàng dị mộng vẫn thường xảy ra trong cuộc sống tình cảm ngang trái của con người. Rất tiếc, bản thảo truyệnThu Hương nay đã thất lạc, không biết sau này tôi có đủ thời gian và kiên nhẫn để viết lại hay không.

Những ngày cuối đời, bà Thụy An sống cô đơn trong gian nhà nhỏ thuê gần đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. ‘Bạn vong niên’, theo lời bà vẫn thường nói đùa, chỉ có tôi năng lui tới.

Khi có quà của con cháu gửi từ nước ngoài về bà không quên chia xẻ với gia đình tôi: một cục xà bông Dial bà cắt làm đôi, phần tôi một nửa. Tuần sau bà lại cắt cho tôi một nửa phần còn lại, “Tôi chỉ cần ¼ cũng đủ rồi, anh đem nốt về cho các cháu dùng”.

Mang tiếng là kèm cho bà tiếng Anh nhưng thực ra công việc quan trọng nhất của tôi là chuyện trò với bà và dịch một số thơ của bà sang tiếng Anh. Đa số là trường ca lục bát kể lại những chuyện xưa như Thiếu phụ Nam SươngTruyện trầu cau, Hòn vọng phu… Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để dịch những trường ca của bà sang thơ bằng tiếng Anh.

Tôi làm công việc này với tất cả trân trọng của một người cảm thấy trách nhiệm của mình trước những tâm huyết bà dành cho người phụ nữ Việt Nam. Bản dịch được bà chuyển sang Mỹ, sang Pháp cho con cháu để hiểu rõ hơn về thân phận người phụ nữ Việt Nam, một đề tài mà trong những năm cuối đời bà theo đuổi.

Trong những năm tháng cuối cùng tại Sài Gòn, bà Thụy An có tham vọng dùng văn thơ để diễn tả những nghịch cảnh người phụ nữ Việt Nam phải đương đầu trong suốt chiều dài lịch sử.Thiếu phụ Nam Sương với nỗi oan khiên khi đêm đêm dùng cái bóng của mình trên vách để dỗ dành con trong lúc chồng đi chinh chiến. Đứa con ngây thơ không chịu nhận cha thật của nó khi chinh chiến trở về, thậm chí còn thẳng thừng từ chối “không, không cha tôi đến tối mới về…”. 

Trong Sự tích trầu cau, sự hiểu lầm của cặp song sinh Tân-Lang giống nhau như hai giọt nước đã khiến người vợ phải tuẫn tiết để minh oan cho những ngộ nhận giữa cả ba người. Cuối cùng thì họ đã biến thành lá trầu, cây cau và cục vôi để vĩnh viễn hòa quyện với nhau.

Ở Hòn vọng phu, người ta tìm thấy tấm lòng chung thủy của người phụ nữ ôm con chờ chồng đi chinh chiến miền xa. Dù chờ cho đến hóa đá, một tình tiết mang tính cường điệu, nhưng vẫn biểu hiện tấm lòng của người phụ nữ trong cuộc sống bình thường. 

Suốt thời kỳ chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam lại phải đương đầu với những tang tóc của chồng con trong cuộc chiến. Dù đó là bà mẹ miền Bắc hay miền Nam nhưng vẫn chung một niềm đau mất chồng, mất con…. Đến lúc hòa bình họ cũng vẫn chưa được hưởng những phút giây thanh thản khi chồng con phải ly tán trong trại học tập cải tạo. Hình như số phận của người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng hẩm hiu và bế tắc.   

Nữ văn sĩ Thuỵ An mất tại Sài Gòn năm 1989 khi chưa kịp sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng con cái. Đám tang của bà chỉ có vài người họ hàng thân thuộc và chòm xóm. Tôi nghĩ bà mất trong niềm hy vọng đoàn tụ là một đoạn kết có hậu (happy ending) vì nếu còn sống, niềm hy vọng đó sẽ mỏi mòn đối với một bà cụ sau khi đã cống hiến quãng đời 15 năm và một con mắt tại trại cải tạo Lý Bá Sơ ngoài miền Bắc. 

Hình như chúng ta vẫn nợ Một Lời Kết về bà Thụy An. Những người trong cuộc đã minh oan cho bà, vấn đề còn lại là trả lại danh dự cho một người đã khuất.

***

Trích Hồi ức một đời người, Chương 6
Nguyễn N Chính

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tham khảo:

Việt Nam 2017: Họa nhiều hơn phúc
Nguyễn Quang Dy
 Năm 2017 sắp kết thúc. Vài tuần chỉ trong “chớp mắt”, thời gian nhanh tựa tên bay. Nhanh hay chậm chắc không phải do thời gian bị rút ngắn, mà do tâm thức con người. Tư duy truyền thống không thể theo kịp các sự kiện bất thường và hệ quả bất định. Có lẽ đã đến lúc điểm lại các sự kiện quan trọng trong một năm “họa nhiều hơn phúc”, để nhìn lại bức tranh toàn cảnh với nhiều gam màu hỗn độn, hy vọng nhìn thấy lối thoát cuối đường hầm.  
Kết quả hình ảnh cho việt nam “đổi mới hay là chết”
Bối cảnh chiến lược
Dù tính theo “năm nhuận” (thừa một tháng) hay tính theo năm tài khóa (thiếu hụt ngân sách trầm trọng), thì năm 2017 là một năm “họa nhiều hơn phúc”, theo nhiều nghĩa. Với thế giới, đó là năm thứ nhất của tổng thống Donald Trump. Hiện tượng Trumpism là bước ngoặt lớn đánh dấu cuộc khủng hoảng thể chế chính trị trầm trọng nhất của Mỹ (kể từ thời nội chiến), đồng thời báo hiệu quá trình đảo lộn trật tự thế giới (kể từ sau Đại chiến II).

Trong khi Brexitism và làn sóng tị nạn Hồi giáo làm Châu Âu giật mình hoảng loạn, khẩu hiệu “Nước Mỹ Trước” và “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump, hay “Giấc mộng Trung Hoa” và “Một vành đai Một con đường” của Tập Cận Bình, đang làm đảo lộn trật tự thế giới, gây bất an tại Châu Á và Biển Đông. Trong khi Duterte xoay trục sang Trung Quốc, làm ASEAN phân hóa,  thì Việt Nam bỗng nhiên trở thành đối tác chiến lược “trên thực tế” của Mỹ (thay Philippines) tuy Việt Nam chưa phải đồng minh hay đối tác chiến lược của Mỹ.
Trong khi Mỹ triệt thoái khỏi sân chơi toàn cầu hóa, bỏ rơi các cam kết truyền thống với đồng minh, để quay về với “chủ nghĩa biệt lập” và “chủ nghĩa dân tộc”, thì Trung Quốc tranh thủ cơ hội lấn sân trên toàn cầu, lôi kéo các đồng minh của Mỹ, thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ tại những khu vực có tầm quan trọng chiến lược (như Biển Đông). Trump làm cho uy tín của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Theo một khảo sát của “Pew Research Center” (trong 6 tháng 2017), tỷ lệ ủng hộ Mỹ đã giảm 15 điểm (từ 64% xuống 49%). (Year One: Trump’s Foreign Affairs, Jonathan Freedland, New York Review of Books, November 16, 2017).
Một năm qua, thế giới đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều, đảo lộn trật tự thế giới và các giá trị truyền thống, làm thật giả lẫn lộn. Bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung-Việt càng phức tạp, khi các quân cờ chuyển động bất thường, nhất là tại Biển Đông và ASEAN. Trong khi đó, luật chơi cũng đang thay đổi, làm cho nhiều người trong cuộc bị động và bất ngờ, chưa rõ bàn cờ mới là loại cờ gì (cờ vua hay cờ vây). Trong bối cảnh đó, Việt Nam năm 2017 đã sa vào thế “mắc kẹt” về chiến lược, nên phải “đối phó một cách tạm bợ” (hedging in limbo).  
Bức tranh chính trị
Về chính trị, đó là năm thứ hai kể từ Đại hội 12 của Đảng CSVN (20-28/1/2016), cho đến Đại hội 19 của Đảng CSTQ (18-24/10/2017). Đó là hai sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất tại hai nước láng giềng “môi hở răng lạnh”, ràng buộc bởi “mười sáu chữ vàng” (như cái vòng kim cô) nên “cùng chung vận mệnh” (lời Lưu Vân Sơn). Trong khi Đại hội 12 đầy kịch tính đã quyết định để ông Nguyễn Phú Trọng kéo dài thêm một nửa nhiệm kỳ tổng bí thư, đẩy mạnh chống tham nhũng và bắt đầu thời kỳ “Hậu Dũng”, thì Đại hội 19 đã khẳng định vị trí độc tôn của ông Tập Cận Bình (ngang với Mao), với “tư tưởng Tập Cận Bình” được ghi vào Điều lệ Đảng, và “CNXH với đặc sắc Trung Quốc” bước vào “kỷ nguyên mới”.
Tại Đại hội 12, trong khi phe đảng của ông Nguyễn Phú Trọng thắng thế thì phe chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại (phải về vườn làm “người tử tế”). Tuy Đại hội Đảng ủng hộ Việt Nam tham gia TPP (như một điểm sáng), hy vọng cứu cánh cho nền kinh tế (bằng ngoại lực) nhưng lại chưa ủng hộ đổi mới thể chế (bằng nội lực) như báo cáo “Việt Nam 2035”. Phát biểu của bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại Đại hội 12 về yêu cầu đổi mới (vòng hai) như “tiếng kêu cuối cùng của con thiên nga” (swan song) trước khi hạ cánh.
Vì chủ trương cải cách nửa vời, vẫn duy trì “định hướng XHCN” và vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nên “chính phủ kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ. Sau khi ông Trump quyết định rút khỏi TPP, Việt Nam mất cái phao cứu sinh, làm nguy cơ “sụp đổ tài khóa” (như ông Phúc cảnh báo) trở thành hiện hữu. Trong khi triển vọng TPP-11 (hay CPTPP) vẫn còn mù mịt, vì Canada dọa rút tại APEC Đà Nẵng, thì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin làm Đức nổi giận, triệt tiêu triển vọng về EVFTA. Cuối cùng, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không” vì “già néo đứt dây”.       
Tranh giành quyền lực và đấu tranh phe phái vẫn tiếp diễn từ sau Đại hội 12, như những đợt sóng ngầm lên xuống bất thường, nhưng chỉ để “bắt mèo dọa hổ”, chứ chưa đụng đến mãnh hổ (tuy mất chức nhưng vẫn còn nanh vuốt). Chiến dịch chống tham nhũng tuy bắt chước Trung Quốc, nhưng vẫn nửa vời nên kém hiệu quả, cả về quy mô và mức độ quyết liệt. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (7/2017) đánh dấu một cao trào có vẻ quyết liệt, nhưng lại đặt lợi ích tranh giành quyền lực và đấu tranh phe phái (trước mắt) cao hơn lợi ích quốc gia (lâu dài). Làm mất lòng Đức là đối tác chiến lược quan trọng nhất Châu Âu, phản ánh tư duy đơn giản (du kích), với tầm nhìn thiển cận và lỗi thời (như thời chiến tranh lạnh).   
Các sự kiện bất thường
Thứ nhất là vụ khủng hoảng con tin đầy kịch tính tại xã Đồng Tâm. Từ 15/4/2017, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người (chủ yếu là cảnh sát cơ động) làm con tin để trao đổi lấy những người của họ bị chính quyền bắt cóc. Tuy cuộc khủng hoảng này đã được tháo ngòi kịp thời, tránh được xung đột đẫm máu, nhưng hệ quả của việc chiếm đoạt đất đai thô bạo và thất tín với dân vẫn kéo dài, làm mất lòng tin của dân đối với chính quyền.
Thứ hai là vụ khủng hoảng dầu khí Repsol. Từ giữa tháng 6/2017, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với lực lượng “hải cảnh” quá mạnh của Trung Quốc tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank), khi Trung Quốc đòi Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) dừng khoan tại lô 136-03, thuộc chủ quyền của Việt Nam (bên rìa “đường chín đoạn”). Trước sức ép của Trung Quốc (đe dọa tấn công Trường Sa), Việt Nam đã phải yêu cầu Repsol dừng khoan lâu dài (24/7/2017) và chịu đền bù thiệt hại (ít nhất $27 triệu). Theo Bill Hayton (BBC), “Hà Nội đã đầu hàng vì Washington bỏ rơi Việt Nam, để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc” (Bill Hayton, The Week Donald Trump Lost the South China Sea”, Foreign Policy, July 31, 2017).
Thứ ba là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau khi phía Đức chính thức thông báo Trịnh Xuân Thanh đã bị phía Việt Nam bắt cóc tại Berlin (23/7/2017) để đưa về Việt Nam, quan hệ ngoại giao Việt-Đức đã bị khủng hoảng. Nếu Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức, không chỉ quan hệ Việt-Đức mà cả hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 22/9/2017, Bộ ngoại giao Đức thông báo “tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” và trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai. 
Thứ tư là thiên tai và nhân họa nghiêm trọng từ Bắc vào Nam, vừa do biến đổi khí hậu (thiên tai) vừa do tàn phá rừng đầu nguồn, làm thủy điện tràn lan, phải xả lũ (nhân họa). Riêng cơn bão số 12 có tên “Damrey” (nghĩa là “con voi”) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa (4/11/2017) đã làm 91 người chết, sụp đổ 1.500 ngôi nhà, đắm 1.300 tàu thuyền, thiệt hại lớn về người và của tại các tỉnh Nam Trung Bộ (theo VietnamNet, 9/11/2017). Trong khi đó, tai họa môi trường biển miền Trung do dự án Formosa gây ra, vẫn còn như một cơn ác mộng, không chỉ đe dọa hủy hoại môi trường biển, mà còn là hiểm họa lớn về an ninh quốc gia. Đó là một “quả bom nổ chậm” vẫn chưa được tháo ngòi, có thể gây ra đại họa bất cứ lúc nào.
Thứ năm là tổng thống Trump đến Việt Nam dự họp APEC (Đà Nẵng, 10/11/2017) và thăm chính thức (Hà Nội, 11-12/11/2017). Theo báo Diplomat, chuyến đi Châu Á của Trump có ba mục tiêu chính. Thứ nhất là răn đe và cô lập Bắc Triều Tiên, nhằm giảm thiểu đe dọa hạt nhân. Thứ hai là đặt nền tảng cho quan hệ thương mại song phương, nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại. Thứ ba là tuyên bố tầm nhìn mới về “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa” (The Policy Significance of Trump’s Asia Tour, Roncevert Ganan Almond, Diplomat, November 18, 2017). Trong diễn văn đọc tại APEC, Trump đã đề cập đến tầm nhìn “Indo-Pacific” tới 11 lần. Nhưng trong Tuyên bố Chung (14 điểm) Trump chỉ đề cập đến Biển Đông ở gần cuối (điểm 13) và chỉ nhắc qua đến vấn đề nhân quyền. Nhưng “lạ nhất” là Trump đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Trump Is Causing Conflict by Playing Peacemaker, Bill Hayton, Foreign Policy, November 14, 2017).    
Câu chuyện Cá Voi Xanh
Tiếp theo vụ Repsol, vụ Trịnh Xuân Thanh làm bức tranh kinh tế và chính trị của Việt Nam càng ảm đạm. Nhưng một sự kiện khác còn nghiêm trọng hơn, là dự án khí Cá voi Xanh (tại lô 118) với hợp đồng ExxonMobil trị giá $10 tỷ, dự kiến công bố triển khai vào dịp họp cấp cao APEC, cũng đã bị hoãn lại. Liam Mallon (chủ tịch Exxon Mobil Development) đã thông báo trong một cuộc họp tại APEC (7/11/2017) là họ “cần hoãn quyết định cuối cùng về đầu tư đến năm 2019 để đạt được các thỏa thuận cụ thể” (“Will China Scuttle ExxonMobil’s South China Sea Gas Project With Vietnam?” Gary Sands, Diplomat, November 16, 2017).
Đó là dự án lớn có ý nghĩa chiến lược, cả về kinh tế lẫn chủ quyền quốc gia. Nếu dự án này hoạt động thì ngân sách sẽ có thêm $20 tỷ, và nguồn khí đốt cho bốn nhà máy điện mới tại Quảng Nam (dự kiến đi vào hoạt động năm 2023). Alexander Vuving cho rằng ExxonMobil hoãn triển khai là “để tìm kiếm điều kiện đầu tư tốt hơn chứ không phải đầu hàng Trung Quốc” (to seek better investment terms than a kowtow to Beijing). Vuving lập luận, “nếu họ không muốn chọc giận Trung Quốc làm ảnh hưởng tới APEC, thì chỉ cần hoãn một thời gian ngắn, chứ không phải đến tận 2019”. (If they did not want to anger China and disrupt APEC, they would postpone it for a while, but not until 2019). (Diplomat, November 16, 2017).
Tuy nhiên, theo Vuving, chính sách của Mỹ đối với Châu Á có thể “quá yếu để đối phó với Trung Quốc” (too weak to counter China). Người ta cho rằng chính sách đối ngoại của Trump dựa trên “Nước Mỹ Trước” sẽ “quá ích kỷ về kinh tế để đối phó với bá quyền của Trung Quốc đang tăng lên” (too economically self-interested to counter growing Chinese hegemony). Dù sao, dự án Cá voi Xanh của ExxonMobil cũng an toàn hơn dự án Repsol (Tây Ban Nha) và OVL (Ấn Độ) vì chỉ cách bờ biển 88km và nằm ngoài “đường chín đoạn”. Quy mô và giá trị kinh tế/chiến lược của nó lớn hơn và thế lực của ExxonMobil trên thế giới cũng lớn hơn, nhất là hiện nay Rex Tillerson (nguyên chủ tịch ExxonMobil) đang làm ngoại trưởng Mỹ. Tương lai của dự án này phụ thuộc vào chiến lược mới về “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa”.  Trong khi tàu sân bay Mỹ sẽ đến Cam Ranh năm 2018, thì Cá voi Xanh lùi đến 2019. Trong bối cảnh đó, liệu Việt Nam và Ấn Độ có dám thách thức Trung Quốc (tại lô 118)?
Đúng lúc Việt Nam đang cần cả tàu sân bay (cái gậy) và Cá voi Xanh (củ cà rốt) để thoát hiểm, thì chiến lược “Indo-Pacific” còn đang là tầm nhìn và “giấc mơ”. Trong khi Việt Nam đang hy vọng có thể sớm khai thác dầu khí để bù đắp vào thiếu hụt ngân sách trầm trọng hiện nay, thì vụ khủng hoảng Repsol (và quyết định hoãn binh của Cá voi Xanh) làm hy vọng đó tắt ngấm. Hiện nay, bức tranh tài chính và ngân sách của Việt Nam rất nan giải, vì nguồn vay ODA ưu đãi (từ World Bank và các nhà tài trợ lớn khác) đã cạn kiệt, trong khi Việt Nam hàng năm phải thanh toán $10-12 tỷ nợ đến hạn, phải chi thường xuyên cho bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ, đầu tư công kém hiệu quả nhưng thất thoát và tham nhũng tràn lan.   
Tầm nhìn mới hay “trở về tương lai”
Sau khi Shinzo Abe thắng cử, Nhật có thể đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc chiến lược mới tại Châu Á, trong khi Ấn Độ (chính phủ Modi) và Úc (chính phủ Turnbull) cũng mạnh dạnh hơn, sẵn sàng tham gia. Ý tưởng về liên minh chiến lược bốn bên gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc có cơ hội  để hình thành (tuy là “bình mới rượu cũ”). Một lý do khiến các nước khu vực lo ngại, muốn thúc đẩy và tham gia sân chơi này, vì Trump bị ám ảnh bởi đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, và ảo tưởng vào sự hợp tác của Trung Quốc, có thể dẫn đến một thỏa thuận ngầm Trung-Mỹ (theo khuôn khổ “G2”), làm tăng thêm nguy cơ Trump sẽ nhân nhượng chứ không chống lại ý đồ bành trướng của Bắc Kinh, phương hại đến lợi ích an ninh của các nước Đông Á và ASEAN (trong đó có Việt Nam). Tại Tokyo, Abe đã cố thuyết phục Trump trở lại với TPP, nhưng Trump đã bác bỏ và chỉ muốn thương mại song phương với các nước trong khu vực (Indo-Pacific). Tuy nhiên các nước khu vực không hoan nghênh, vì lo ngại Mỹ vô hình trung (inadvertently) giúp Trung Quốc có cơ hội thực hiện ý đồ của họ (A post-American Asia looms larger on the horizon, Robert Manning, Nikkei Asian Review, November 17, 2017). 
Khi Donald Trump đọc diễn văn tuyên bố tầm nhìn mới về khu vực Indo-Pacific tại APEC (Đà Nẵng, 10/11/2017), chắc Shinzo Abe mỉm cười vì đó là ý tưởng của mình về “Đối thoại Chiến lược Bốn bên” (QSD) nay được Trump lấy làm tầm nhìn của Mỹ. Dù muốn hay không, Nhật đang “trở về tương lai” (back to the future) để phục hồi liên minh chiến lược bốn bên cũ, nhưng với một tầm nhìn mới về khu vực Indo-Pacific. Người ta mong đợi Nhật có vai trò lớn hơn trong liên minh chiến lược gồm bốn nước có cùng lợi ích và tầm nhìn, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ. Nhưng lúc này, chắc các nước đó cũng cần mềm mỏng, tránh khiêu khích làm Trung Quốc tức giận đối địch. Có lẽ vì vậy mà ông Abe đã tỏ ra mềm mỏng để hòa giải với ông Tập sau khi ông Trump tuyên bố tầm nhìn mới về Indo-Pacific tại Đà Nẵng.   
Theo Alexander Vuving, cơ sở cho một khuôn khổ hợp tác chiến lược tại Châu Á phải bao gồm ba yếu tố thiết yếu (three critical factors). Thứ nhất là phải có một hiệp định tự do thương mại (như TPP); Thứ hai là phải dựa trên pháp luật (như phán quyết của PCR về Biển Đông); Thứ ba là phải có đối tác chiến lược (làm nòng cốt cho “Asia Pivot” hay “Indo-Pacific” concept). Trong bối cảnh TPP đã bị Trump bỏ rơi, và nhân tố bất ổn định của Trump là một chuyện đã rồi (có thể kéo dài thêm 3-4 năm nữa), thì chiến lược “tham dự và phòng ngừa” (engage and hedge) cần chuyển hóa thành “tái cân bằng và chia sẻ” (rebalance and share).
Alexander Vuving cho rằng, tuy vừa rồi Tập cố gắng lấy lòng Trump, nhưng quan hệ Trung-Mỹ về cơ bản không có gì thay đổi. Quan hệ đó sẽ được thử thách tại Manila khi Trump gặp lãnh đạo bốn nước đồng minh trong “bộ tứ liên minh chiến lược” (Quadrilateral strategic alliance) với tầm nhìn “khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa”.  Tuy Nhà Trắng vẫn có thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng người ta hy vọng chính quyền Trump sẽ có một chiến lược nhất quán hơn cho khu vực Indo-Pacific. Trong đó, việc lôi kéo Ấn Độ tham gia chặt chẽ hơn với các đối tác chiến lược chính tại Asia-Pacific (như Mỹ, Nhật, Úc) dựa trên các giá trị dân chủ, là thiết yếu để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc. (Trump Lost Sight of His Promising Asia Vision, Hal Brands, Bloomberg, November 16, 2017).
Trong khi đó Ely Ratner tin rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn, do ba yếu tố. Thứ nhất, dù muộn nhưng chính quyền Trump đang bổ nhiệm nhân sự phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Thứ hai, chính sách về Trung Quốc đang hình thành, có hai tài liệu cơ bản đáng chú ý là “Chiến lược Quốc phòng” (National Defense Strategy) và “Chiến lược An ninh Quốc Gia” (National Security Strategy), đều coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược số một” (first and formost strategic competitor).  Thứ ba, chính trị nội bộ đòi hỏi chính quyền Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nhiều nhân vật trong Quốc hội chỉ trích Trump là “hổ giấy”, không làm gì được Trung Quốc. Xu hướng chung muốn chống lại chứ không chấp nhận Trung Quốc bành trướng. (Trump’s coming hard line on China, Ely Ratner, Lowy, November 21, 2017).   
Biển Đông và hơn thế nữa
Từ giữa năm 2014 đến nay, Biển Đông đã biến thành một điểm nóng như “thùng thuốc súng”, có thể dẫn đến đối đầu và xung đột. Người ta xếp Biển Đông chỉ sau Bán đảo Triều Tiên (trên  cả Đài Loan). Nguy cơ chiến tranh Biển Đông không chỉ là dự báo, mà có thể trở trở thành hiện thực bất kỳ lúc nào (sau năm 2017).  Chỉ nửa tháng sau vụ khủng hoảng Epsol tại Bãi Tư Chính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã vội vã đi thăm Mỹ để hội đàm với Bộ Trưởng quốc phòng James Mattis, và nhận được lời hứa của phía Mỹ sẽ cho một tàu sân bay đến thăm Việt Nam, dự kiến cập cảng Cam Ranh năm 2018, như một cách răn đe.
Việc chính quyền Trump tăng cường tuần tra Biển Đông (FONOP) tiếp tục các hoạt động tương tự của chính quyền Obama theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) chỉ là động tác chiến thuật, có giá trị trấn an về tâm lý (như uống thuốc an thần), chứ không có giá trị chiến lược để răn đe thực sự. Tuy Trung Quốc phản đối (chiếu lệ) nhưng các hoạt động FONOP của Mỹ tại Biển Đông không đủ răn đe làm Trung Quốc phải cân nhắc lại tham vọng và ý đồ của họ. Việc Mỹ cho tàu sân bay đến Việt Nam cũng có thể như vậy. Sau đại hội đảng 19, với quyền lực mới được củng cố, Tập Cận Bình có thể mạnh tay hơn tại Biển Đông, tiếp tục quân sự hóa các cứ điểm họ chiếm đóng tại Hoàng Sa, Trường Sa (và bãi cạn Scarborough của Philippines), đe dọa các cứ điểm của Việt Nam tại Trường Sa (và có thể cả Cam Ranh), nhằm làm vô hiệu hóa các hoạt động FONOP và tập trận của Mỹ và đồng minh tại Biển Đông.
Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, mặc dù có hơn một chục “đối tác chiến lược”, với chủ trương “làm bạn với tất cả” và “thêm bạn bớt thù”.  Thật là một nghịch lý khó hiểu và tai hại (như lấy súng tự bắn vào chân mình) khi người Việt đã làm cho người Đức nổi giận qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bất chấp chủ quyền quốc gia Đức và luật quốc tế. Hành động thô bạo đó, cũng như thái độ ứng xử vụng về và ngạo mạn sau đó, buộc Đức phải quyết định “tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”. 
Tại sao người Việt lại ứng xử vụng dại như vậy, tuy biết Đức là đối tác chiến lược quan trọng nhất Châu Âu, có vai trò quyết định đối với EVFTA? Càng khó giải thích tại sao người Việt sợ người Trung Quốc nổi giận trừng phạt nên phải quỵ lụy trước họ về đủ mọi thứ, từ dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai, đến dự án thép Formosa làm hủy hoại môi trường nghiêm trọng, cho đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, và gần đây phải nuốt nhục dừng khoan dầu khí tại bãi Tư Chính (lô 136-03), khi họ đe dọa tấn công Trường Sa. Tại sao người Việt mình lại coi thường người Đức, trong khi sợ người Trung Quốc đến như vậy?   
Thay lời kết
Người Đức cho rằng văn hóa ứng xử thiếu văn minh đó chỉ có thể thấy trong các bộ phim hành động thời chiến tranh lạnh. Người Việt không chỉ coi thường Đức mà còn coi thường cả Mỹ. Trước đây họ dám qua mặt Obama, nhưng nay lại sợ Trump. Phải chăng giữa Obama và Trump có sự khác biệt, không phải chỉ về phong cách cá nhân, mà còn về bản chất chính trị và chính sách. Dưới thời Obama, chắc người Việt cảm thấy “dễ chơi” nên coi thường, không tranh thủ cơ hội. Đến thời Trump, chắc người Việt cảm thấy “khó chơi” nên sợ (trừ vấn đề nhân quyền). Có lẽ đó là thói quen ứng xử “mềm nắn rắn buông” và “khôn nhà dại chợ”.  
Thế giới đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Nếu ta thay đổi quá chậm và quá ít (too little too late) thì cũng vô nghĩa và vô vọng. Nếu Việt Nam tiếp tục hành xử (cả đối nội và đối ngoại) bằng tư duy và hệ điều hành đã lỗi thời, thì sẽ bị lạc trong một thế giới mới bất an và bất định. Việt Nam đang bí cờ và bị động, vừa phải đối phó với Trung Quốc, vừa phải cầu cạnh Mỹ hỗ trợ, đành tiếp tục đu dây cho qua ngày (hedging in limbo). Chưa bao giờ khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” lại cấp bách như bây giờ. Những gì đang diễn ra tại Venezuyela và Zimbabwe là một hồi chuông cảnh báo (về quy luật “cùng tắc biến”). Nếu Trung Ương 6 vẫn cố trì hoãn để giữ nguyên hiện trạng, thì Trung Ương 7 là cơ hội cuối cùng trước khi quá muộn, để Đại hội Giữa kỳ (2018) trở thành cơ hội và bước ngoặt cho Việt Nam đổi mới “vòng hai”.
Nguyễn Quang Dy
22-11-17
Tham khảo
1. The Week Donald Trump Lost the South China SeaForeign Policy, July 31, 2017.
2. Trump Is Causing Conflict by Playing Peacemaker, By Bill Hayton, Foreign Policy, November 14, 2017
3. Year One: Trump’s Foreign Affairs, Jonathan Freedland, New York Review of Books, November 16, 2017
4. Will China Scuttle ExxonMobil’s South China Sea Gas Project With Vietnam?” Gary Sands, Diplomat, November 16, 2017
5. Trump Lost Sight of His Promising Asia Vision, Hal Brands, Bloomberg, November 16, 2017
6. A post American Asia looms larger on the horizon, Robert Manning, Nikkei Asian Review,  November 17, 2017
7. The Policy Significance of Trump’s Asia Tour, Roncevert Ganan Almond, Diplomat, November 18, 2017.
8. Trump’s coming hard line on China, Ely Ratner, Lowy, November 21, 2017

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-11-17
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VietNam2017.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

BẢN TIN THỨ 40/2017 TỪ 16 – 23/11/2017



1.- Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cách đây gần hai tuần, nhưng dư âm của chuyến đi này vẫn còn, nhất là từ một buổi thưởng trà của ông Tập và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bản tin truyền hình, lúc hai người thưởng trà, ông Trọng quay sang Tổng bí thư Tập và nói rằng: “không ngon bằng trà Trung Quốc”. Hiện chưa rõ vì sao ông Trọng lại nhận xét như vậy về trà của Việt Nam. Sau đó, nguyên thủ Trung Quốc cũng đáp lại bằng tiếng Hoa, nhưng không rõ là nói gì trong bản tin của VTV.
Bác Cả có thể nói : ”Trà ngon”. Thế thôi! Nhưng nói trà TQ ngon hơn, ông Tập sẽ rất vui và hài lòng về người em trung thành cùng ý thức hệ CS. Sẽ có nhiều khoản viện trợ đây? Bác Cả thật tài tình. Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tập Cận…! (Video đăng trên Thời sự VTV1 sáng 13/11/2017).
2.- “Báo cáo nợ công của Chính phủ cho thấy, nợ công Việt Nam đến cuối năm 2017 có thể lên đến 3,1 triệu tỷ đồng (136,5 tỷ USD), bằng 62,6%GDP, và dự kiến có thể ở mức 63,9%GDP vào cuối năm 2018. Bình quân mỗi người Việt đang ‘gánh’ 33 triệu đồng tiền nợ công, cao gấp 1,4 – 3 lần quốc gia khác.
Theo thống kê trong 5 năm qua, cứ mỗi năm khối nợ công lại phình to thêm 300.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2017, hơn 260.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi”. Khiếp!
Nhiều người lo Việt Nam sẽ vỡ nợ. Bài học Argentina trước đây và hiện tại là Venezuela đang làm các chuyên gia kinh tế kinh sợ. Nhưng Chính phủ và Bộ Tài chính: “Tình hình nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép” (!). Yên tâm đi.
3.- Cái gì làm cho ông Vũ Đức Đam đi từ một người coi “kết nối” con người trên toàn cầu là bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đến một con người cổ xuý cho việc xây dựng một mạng biệt lập như Trung Quốc và đề xuất kiểm soát để người dân ít dùng mạng xã hội hơn?
Không có gì khó hiểu cả. Ông Vũ Đức Đam đã ngả hẳn về Trung Quốc nếu không ông khó tồn tại. Ông nói như vậy nghĩa là Việt Nam rồi sẽ nhanh chóng tái hòa nhập với TQ thôi. Thời điểm 2020 sắp tới gần.
4,- Một thông tin rất đáng chú ý tuần trước là cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Sơn La đã khởi tố 17 người (bắt tạm giam 15 người), trong đó có 2 Phó giám đốc 2 sở, ngành của tỉnh này do những sai phạm nghiêm trọng trong dự án di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La. Tin mới nhất CA bắt thêm một người nữa thành 18 người. Theo cơ quan điều tra, những người liên quan bị khởi tố với tội danh:”Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, đây là một vụ việc nghiêm trọng trong việc triển khai dự án nhóm A của quốc gia nên dễ hiểu về sự cấp bách trong việc khởi tố, bắt giữ số đông người liên quan, một số người bị bắt có tính khẩn cấp.
Đã có 18 cán bộ bị khởi tố, nhưng bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La lại cho biết là “những cán bộ này bị khởi tố vì thương dân” (!). Hehehe…Thương dân quá cơ!
5.- “Trong chuyến thăm và làm việc tại TP. Hải Phòng, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn chặn tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị", ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau… thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Vấn đề này tôi tin rằng Cụ Cả Trọng đã nhìn ra và có mọi biện pháp ngăn chặn. Huy động cả bộ máy chính trị cùng hành động thì việc gì cũng giải quyết xong.
Cái mà tôi lo là chị em phụ nữ “Chán, Khô, Nhạt” mới đáng làm cho cánh mày râu phải lo sốt vó. Lo lắm luôn!.
6.- Ban Bí thư TW ra quyết định thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra các hoạt động của Chính phủ theo nội dung Nghị quyết trung ương 4 và Chỉ thị 05 về “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chuyến này Chính phủ gay go đây. Hãy chờ kết quả thanh tra và sự phản ứng của Chính phủ.
7.- Kết luận của đoàn thanh tra Chính phủ hôm 15 tháng 11 năm 2017, sau quyết định công bố của đoàn thanh tra ban bí thư một tuần. Kết luận này có đoạn.:''Chiều 15/11, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014. 38 trong tổng số 204 dự án trên địa bàn Hà Nội đã bị thanh tra”. (Vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su).
Trong bài báo cũng có nêu đoàn thanh tra chính phủ kết luận việc kết luận áp giá tiền đất của thành phố không phù hợp đã khiến ngân sách thất thu 6.000 tỷ đồng. Được biết giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đây là phản ứng của Chính phủ chăng?
8.- Khoảng 20h55’, ngày 18/11, tại buổi biểu diễn văn nghệ ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, bà PICC IONI, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Italy trong lúc ngồi xem văn nghệ tại hàng ghế đầu đã để 01 máy điện thoại di động iPhones 6S trên ghế thì bị kẻ gian “cuỗm” mất.
Quá trình xác minh, Công an quận Hoàn Kiếm làm rõ đối tượng có hành vi trộm điện thoại iPhone là bà Hoàng Thị Xuyến, 35 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội).
Thật là đẹp mặt. Ở Việt Nam cái gì cũng có thể xảy ra. Công an ta thật giỏi. Giống truyện của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin quá.
9.- Cô bé Lynn Nguyen, du học sinh ở Anh Quốc đã đăng “Tâm thư gửi lãnh đạo Đảng CSVN” trên Facebook. Trong thư cô nêu lên những câu hỏi mà cô và giới trẻ Việt Nam đang trăn trở, quan tâm. Cô đã yêu cầu lãnh đạo Đảng CSVN hay một ai đó dám đứng lên để giải thích những thắc mắc này cho lớp trẻ.
Tâm thư này Đăng ký xem tin mới nhất tại: https://goo.gl/A5Ap7q. Miễn bình luận.
10.- ĐB Lê Công Nhường dẫn lại việc trước kia gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô đã hiến hơn 5.000 cây vàng ủng hộ nhà nước và đề nghị NHNN có chính sách huy động khoảng 500 tấn vàng và hơn 10 tỷ USD trong dân hiện nay.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, giải pháp khả thi nhất để huy động được nguồn vàng và ngoại tệ trong dân là phải kiên định điều hành kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin cho người dân và doanh nghiệp vào đồng tiền Việt Nam, trực tiếp đầu tư bằng đồng nội tệ. Theo ông, việc này cần lộ trình chuyển hóa phù hợp.
Vấn đề này đã được nhiều đồng chí lãnh đạo đề cập nhưng làm thế nào thì chưa có giải pháp khả thi. Dân không còn tin vào chính sách của Nhà nước nữa. Thế mới gay.
11.- Sự kiện trong tuần: Nguyễn Khắc Thủy (Ảnh), sinh năm 1940, 51 tuổi đảng, phạm tội dâm ô với 4 trẻ em tại khu vực chung cư Lakeside, thuộc phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, đã tuyên bố trước Tòa: ”Nếu bị kết tội sẽ tự thiêu”. Sau phiên xử, trong sân Tòa, Thủy đã bật lửa đốt thẻ đảng.
Tòa tuyên Thủy 3 năm tù giam là giảm một phần do Thủy tuổi cao. Một mức án có phần ưu tiên cho đảng viên lão thành đã cống hiến nhiều cho Đảng. Tòa chúng ta thật nhân đạo. Đáng lẽ trên 50 tuổi đảng thì phải được miễn trừ. Ai lại đi xử một đảng viên nhỉ? Dân mạng đang hô hào góp xăng để giúp ông Thủy tự thiêu.
12.- Tham gia thảo luận nghị quyết "Về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM", ông Dương Trung Quốc nói: "Chúng ta dùng khái niệm 'chín muồi' để nói về đề án đặc thù cho TP.HCM nhưng thực ra là đã 'chín mõm' rồi. Không thể kéo dài được nữa, từ một thành phố 'sầm uất' đã trở nên 'trầm uất'".
Sài Gòn đã bứt phá từ những ngày đen tối. Đã từng là “Hòn ngọc Viễn đông” từ rất lâu rồi. Sau giải phóng 1975, do chính sách về chính trị, kinh tế-xã hội, kinh tế nên Sài Gòn mới thảm hại như vậy. XHCN đã đập tan TBCN tại Sài Gòn.
13.- “Việc kê khai tài sản bây giờ không chính xác, lại hình thức quá. Anh giấu được ai chứ làm sao giấu được người dân? Họ biết hết, cái chính là người ta có nói hay không”, ĐBQH, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ với Tiền Phong bên lề kỳ họp ngày 20/11.
Kỳ họp thứ 4, khóa XIV, ông Tướng này phát biểu rất thẳng thắn, mạnh dạn, không ngán ngại gì cả. Nếu đại biểu nào cũng như vậy, dân cũng được ấm lòng.
14.- Quốc hội vừa thông qua “Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi” theo đó các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để tái cơ cấu các TCTD trong hệ thống.
Đây là điều người gửi tiền lo lắng nhất. Ngân hàng phá sản, dù ai gửi bao nhiêu tỷ cũng mặc, bảo hiểm chỉ đền 75 triệu. Niềm tin vào Nhà nước sẽ xuống dốc thảm hại. Rất may, Thống đốc NNNN đã phát biểu:”Tôi có đủ công cụ để không đổ vỡ hệ thống ngân hàng”. Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý tổ chức tín dụng đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, lòng tin người dân, đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền…
Dân có thể tin lời Thống đốc NNNN được không? Chưa biết thế nào?
15.- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu:”Việc dẹp vỉa hè ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Có rất nhiều người mưu sinh trên vỉa hè, mỗi ngày chỉ 2 tiếng đồng hồ nhưng chừng đó có thể nuôi được cả gia đình họ. Bởi vậy mới cần cân nhắc và làm bài bản". "Việc dẹp vỉa hè phải có kế hoạch căn cơ, chứ đẩy đuổi là không nhân văn".
Ý kiến của ông Chủ tịch Phong đi ngược với chủ trương của thành phố về việc giải phòng lòng lề đường, xây dựng văn minh đô thị. Dư luận cho rằng ông đang đứng về phía những người lấn chiếm vỉa hè. Một cái tát đích đáng vào mặt ông Đoàn Ngọc Hải, PCT Quận 1, người tích cực trong việc giải phóng vỉa hè, lòng lề đường vừa qua. Khi ông Hải thôi ra quân, lòng lề đường lại trở lại tình trạng lấn chiếm như cũ. Lãnh đạo như vậy thì bố ai làm được gì. Thôi thì cứ để thành phố nhếch nhác như thế vài chục năm nữa. Dạo này lãnh đạo hay phát biểu hai lời. Trước khác, sau khác. Dân chẳng biết đâu mà lần.
16.- Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 5/12/2017 tới đây quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Nếu thực hiện theo Thông tư này, từ nay tranh chấp sẽ tăng lên, các gia đình bắt đầu LOẠN. Nhân dân đang phản đối ầm ầm.
17.- Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đăng Vinh và Vũ Đức Tuyến, là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công về tội "Tham ô tài sản". Bước đầu xác định ông Vinh và ông Tuyến đã bán 6 tấn gạo (với số tiền là 42 triệu đồng) của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú ở xã bản Công để chi tiêu cá nhân.
Tóm lại, ăn đủ thứ và thứ gì cũng ăn.
18.- Với việc rà soát, tính toán lại các chi phí, tổng mức đầu tư đoạn đường sắt 5,9km đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội giảm từ 34.743 tỷ đồng xuống còn 28.918 tỷ đồng, giảm hơn 5.800 tỷ đồng, tương đương mỗi km được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Không thể nói gì được nữa. Chỉ biết ngửa mặt kêu toáng lên: Trời ơi!
Trời nghe xong, phán: “Tao cũng chịu thua!”.
----

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐÃ NẶNG VIỆC LÀNG, LẠI QUÀNG VIỆC NƯỚC





Phòm phớn phở bước vào nhà cụ Tén.
Cụ đang ngồi thư thái thưởng trà. Phòm cất giọng:-“ Thưa cụ, con thay mặt dân làng cảm tạ cụ đã hiến trên 1000 mét vuông đất để dân làng làm sân sau của nhà đền ạ!”Cụ Tén xua tay: Chuyện có gì đâu bác Phòm. Đấy là đất tôi chớp thời cơ mua được, còn như bác hiến cả đất hương hỏa của các cụ để làm đường dân sinh mới đáng phục.
- Dạ, cháu là ….
- Vưỡn biết bác làm cán bộ. Cán bộ làm gương thế, dân ai dám không theo!
- Thưa cụ, chúng con đang tính xin ý kiến dân làng và Ủy ban Xã, đặt tên cái cầu sau đền, chỗ đất cụ hiến , là cầu cụ Tén ạ! -Cụ giãy nảy: - “Ấy chết, bác đừng làm tôi tổn thọ!”Rồi cụ nghiêm mặt: - Bác Phòm ạ, cái tên Tén là tên cha mẹ đặt cho tôi. Tôi không muốn lúc nào cũng có người réo tên cúng cơm của tôi. Bác hiểu không!?
- Dạ! Cháu xin lỗi vì sự ngu dốt ạ!
- Đó là các bác chưa nghĩ đến thôi. Chứ bác để ý mà xem. Cuối phố huyện mình có cái cầu cô Hương. Chẳng biết từ xa xưa dân ở đó quý trọng cô như thế nào. Nhưng nghe lũ trẻ nó nói: “ Cướp trên đầu cô Hương!”, rồi “ Có đái qua đầu cầu cô Hương mà đái!!!” Rồi chúng hẹn nhau lên cầu cô Hương hôn hít sờ mó nhau, ô uế cả cầu, hổ cả tên cô.
- Thế ý cụ thì đặt tên các cầu, các phố, các đường phố thì…
- Tôi chẳng dám Gái góa bàn chuyện triều đình. Nhưng cũng thế cả thôi!
Theo tôi thì đừng nên lấy tên cúng cơm đặt tên đường, chỉ lấy công tích hay địa danh phát tích của Người đó thôi. Ví như Đường Hai bà Trưng thì tên là Mê Linh, Đường Trần Hưng Đạo thì tên là Chí Linh, Đường Nguyễn Trãi thì tên là Côn Sơn, đường Lê Lợi thì là Lam Sơn…
Phòm gật gù. Tán thưởng. Rồi bỗng dưng đứng phắt dậy: Vậy thì đường Lê Lai tên là đường Cứu chúa, đường Phạm Ngũ Lão là đường Đan sọt, đường Yết Kiêu là đường Đục thuyền, đường Trịnh Văn Bô là đường 5000 lượng vàng…
Phòm bỗng lắc đầu: - Không ổn, không ổn cụ ạ! Nếu thế thì đường La Văn Cầu tên là đường Lựu đạn, Đường Bế văn Đàn là đường Giá súng, đường Phan Đình Giót là đường Lỗ Châu mai à? Ghê quá! Ghê quá! Rồi đường Nguyễn Bính là đường Lỡ bước sang ngang, đường Chế Lan Viên là đường Điêu tàn, Đường Trần Mai Ninh là đường Nhớ Máu à…Nghe sợ!
- Thế ý bác Phòm thì nên thế nào?
- Theo cháu thì Thủ đô và các thành phố lớn, ngoài các phố cổ Hàng Nón, hàng Đào, hàng Thùng… ra thì nên lấy tên các tỉnh thành cả nước. Có đường Lạng sơn, đường Phú Thọ, đường Trà vinh, đương Cà Mau…Rồi lấy đến cấp huyện, có đường Tam Quan, đường Củ Chi, đường Phù Ninh, đường Quảng xương, đường Thuận Thành… Có những con phố mang tên Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc, phố Tình yêu, Thân ái, Thương yêu… Rồi phố Sao Hỏa, phố Sao Kim, phố Sao Thổ… Còn các phố Hoa nữa, phố Hoa Cúc, Phố Hoa Hồng, Phố Hoa Lan…Chao ôi! Thành phố sẽ tràn ngập hoa!!! Còn ở thôn quê, cần ghi công đức ai thì lấy họ và tên đệm của người đó đặt cho công trình ạ.
Cụ Tén chưa hiểu, vẫn ờ ờ… thì Phòm nói luôn: “ – Ví như cụ họ Lê Hữu, chúng con xin đặt tên cầu là CẦU LÊ HỮU, vừa nhớ ơn cụ Lê Hữu Tén, vừa nhắc nhở cả dòng họ Lê Hữu luôn noi gương và phải làm gương như cụ ạ!
Cụ Tén cười móm mém: “ Bác giỏi, giỏi…”. Mũi Phòm cũng phập phồng theo hơi thở và tiếng cười khộc khộc cố nén trong họng!
Làm trưởng thôn phải thế đấy!
Tháng 11/2017
LAHAN
Ảnh của bạn bè trên facebook

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lý Quang Diệu viết về Bắc Triều Tiên



Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “North Korea: A Grand Hoax”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 137-146.
Biên dịch và Hiệu đính: Tống Thị Thanh Duyên
BẮC TRIỀU TIÊN: Một cú lừa ngoạn mục
Tôi chưa bao giờ đến Bắc Triều Tiên. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phải đến nơi ấy. Đó là một quốc gia bất thường bậc nhất. Ngay cả ở Trung Quốc, dân chúng cũng được sống với những quyền cơ bản nhất định. Ở Bắc Triều Tiên, người dân bị trấn áp hoàn toàn và cách ly triệt để khỏi thế giới bên ngoài. Nếu nói rằng nhà Kim đã xây nên nạn sùng bái cá nhân thì đó vẫn là một sự nói giảm trầm trọng. Để mê hoặc người dân Triều Tiên, gia tộc Kim đã trở thành những người bán thần thánh. Người dân kính sợ gia tộc đó, không nhận thấy rằng họ thực ra đang sống trong một trò lừa đảo. Tất cả những người đàn ông và phụ nữ trông nghiêm nghị diễu hành qua đều là một phần của một trò lừa lớn. Khác xa một thiên đàng xã hội chủ nghĩa trên trái đất, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia được cai trị tệ nhất thế giới, thất bại với cả những nghĩa vụ cơ bản nhất, ví dụ như đảm bảo cho người dân được đủ ăn.
Cách họ xoay sở để duy trì một cú lừa ngoạn mục như vậy trong thời đại giao tiếp tức thời ngày nay bản thân nó là một điều khá ấn tượng. Họ không có iPhone hay truyền hình vệ tinh. Nếu họ có, trò lừa đảo này sẽ không thành. Một vài người Bắc Triều Tiên cuối cùng đã đi khỏi đất nước và thấy được rằng thế giới – và, đặc biệt là Nam Hàn – đã phát triển đến đâu và đất nước của họ đã bị bỏ xa đến thế nào. Nhưng những người này chỉ là thiểu số. Họ là những người thấy rằng cuộc sống của họ đã quá mức chịu đựng đến mức họ sẵn sàng đặt mình vào một mối nguy hiểm lớn khi cố gắng trốn sang Trung Quốc hay Nam Hàn. Một vài người đã thành công. Nhiều người khác thất bại. Những người thành công biết rằng họ đã trốn thoát trong gang tấc. Họ đặt mạng sống của mình vào tình thế đương đầu với sóng to gió lớn trên những con thuyền gỗ hay đi đường bộ với nguy cơ bị lính biên phòng bắt được. Ngày mà phần lớn người dân Bắc Triều Tiên nhận ra điều tương tự – rằng đất nước của họ bị mắc lại trong những tháng năm đen tối bởi chế độ hiện tại – thì sẽ là sự bắt đầu cho ngày tàn của chế độ này.
Không may thay, có lẽ đã quá muộn để chế độ Bắc Triều Tiên cải tổ chính mình. Họ đã đến điểm không thể quay đầu lại nữa. Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục họ thay đổi từ từ – đưa lãnh đạo của họ đến những nơi như Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến để cố thuyết phục họ rằng có cách để giải quyết tận gốc vấn đề mà không làm mất đi quyền lực. Nhưng Bắc Triều Tiên là một chủ thể rất khác với Trung Quốc. Nó giữ được sự thống nhất bằng sự sùng bái, và nếu tượng đài sùng bái này sụp đổ – điều không thể tránh khỏi khi anh mở cửa với thế giới và tiến hành những cải cách thị tường tự do – đất nước sẽ sụp đổ theo. Người dân Bắc Triều Tiên sẽ thức tỉnh trước sự thật rằng họ đã bị lừa hàng thập kỷ. Họ sẽ thấy họ khờ dại biết bao khi bị gia tộc Kim mê hoặc, khi tin tưởng rằng như vậy sẽ khiến họ trở thành quốc gia tuyệt vời nhất thế giới. Họ sẽ thấy một Nam Hàn giàu có và thịnh vượng. Mở cửa đơn giản là sẽ không thành công.
Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi cuộc sống cá nhân và tự do của những lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng sẽ bị đe dọa, bởi vì trong quá khứ họ đã ra lệnh thực hiện những tội ác mang tính quốc tế, bao gồm ám sát các chính trị gia Nam Hàn, bắn hạ máy bay chở khách ở vịnh Andaman và bắt cóc công dân nước ngoài, gồm một số người Nhật. Một số những lãnh đạo này sẽ chết, nhưng số còn sống sẽ đối mặt với viễn cảnh phải trả giá bởi vì những hành động này chắc chắn được thực hiện với sự tán thành của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nếu như không phải là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của họ.
Trong tương lai gần, hiện trạng ở bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng được giữ nguyên. Không có một thế lực nào đủ mạnh để có thể chuyển thế cân bằng từ bên này sang bên kia. Gần như tất các các phe phái có quyền lợi tự thân trong vấn đề Triều Tiên, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, đều không muốn cả chiến tranh lẫn tái thống nhất hòa bình diễn ra – ít nhất là không phải trong ngắn hạn. Các rủi ro lợi ích đơn giản là quá cao.
Bắc Triều Tiên sẽ không muốn lặp lại những gì họ đã làm vào năm 1950 – tức là gây một cuộc chiến tranh để chiếm lấy Nam Hàn. Họ biết họ không thể nào hi vọng đánh thắng Mỹ, nước vì những lý do chiến lược sẽ huy động toàn bộ lực lượng quân sự cần thiết để bảo vệ Nam Hàn khỏi một cuộc tấn công như vậy. Nhưng thậm chí nếu không có Mỹ, Bắc Triều Tiên cũng sẽ không chiếm ưu thế trong một cuộc đối đầu tay đôi với Nam Hàn. Họ có thể theo đuổi một chính sách ưu tiên quân sự toàn diện, nhưng Nam Hàn có những lợi thế áp đảo về tài lực kinh tế cần thiết. Việc tin rằng vũ khí là tất cả những gì cần có trong chiến tranh là một sai lầm tương tự người Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Người Nhật đã nghĩ họ có thể phá hủy hạm đội của Mỹ và củng cố một lợi thế mang tính quyết định trong chiến tranh. Nhưng tiềm lực sản xuất công nghiệp của Mỹ mạnh đến nỗi họ có thể xây dựng lại hạm đội và còn hơn thế nữa. Họ không mất nhiều thời gian để quay lại và trừng phạt Nhật Bản. Rốt cuộc thì chính tiềm năng công nghiệp là thứ quyết định sức mạnh quốc gia của anh chứ không phải là số tàu thuyền và súng ống mà anh có. Nếu anh có vũ khí nhưng không được hỗ trợ bởi một nền tảng kinh tế vững chắc, anh có thể sẵn sàng hơn cho chiến tranh, nhưng đó sẽ là cuộc chiến mà anh không có khả năng duy trì. Bắc Triều Tiên sẽ hiểu rõ điều này. Họ không phải là những kẻ ngốc.
Trong những năm gần đây, Bắc Triều Tiên đã thực hiện những hoạt động quân sự hung hăng, bắn chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn và nã pháo vào đảo Yeonpyeong. Tổng cộng 48 người Nam Hàn đã bị giết trong hai vụ này. Những hành động khiêu khích này phản ánh kiểu chính sách “bên miệng hố chiến tranh” vốn thể hiện rõ ràng trong chính sách của họ về vũ khí hạt nhân. Nhưng tôi tin rằng Bắc Triều Tiên, trái ngược với tất cả những biểu hiện điên rồ bên ngoài của họ, nhận thức được rằng có một ranh giới mà họ không nên vượt qua. Có vẻ như họ đã điều chỉnh hành động của mình để chưa tới mức sẽ gây nên sự trả đũa gay gắt. Và họ làm thế nhằm giành được những lợi ích tối đa trong nước. Như vài nhà phân tích đã chỉ ra, đó có thể là một cách tiện lợi để nâng cao uy tín chính trị và quân sự của người thừa kế ngai vàng, Kim Jong-un.
Tương tự, Nam Hàn sẽ không muốn thấy bất kỳ một động thái kịch tính nào hướng đến việc tái thống nhất. Chiến tranh là quá rủi ro bởi thủ đô Seoul nằm trong tầm pháo của Bắc Triều Tiên. Nên cho dù Nam Hàn có thể thắng trận, thủ đô của nó có thể bị phá hủy trong quá trình giao tranh. Và xấp xỉ một phần năm người dân Nam Hàn sống ở Seoul. Nhưng tái thống nhất hòa bình có lẽ cũng không được Nam Hàn hưởng ứng. Trong khi tái thống nhất là khao khát dài lâu của họ và cũng là mục tiêu cuối cùng, Nam Hàn đã xác định rằng cái giá về mặt kinh tế cho một đất nước Triều Tiên được thống nhất nhanh chóng – ví dụ như qua một thỏa thuận chung – sẽ rất khủng khiếp đối với Nam Hàn đến mức họ muốn trì hoãn nó trong thời gian trước mắt. Vấn đề dành cho họ lớn hơn hai hoặc ba lần so với vấn đề của Đông Đức đối với Tây Đức, đơn giản là vì Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình trạng tệ hơn Đông Đức rất nhiều. Và cần phải chú ý rằng nước Đức hiện giờ vẫn tiếp tục chịu đựng ảnh hưởng của việc tái thống nhất. Nói rằng “Hãy thống nhất với nhau” là một chuyện. Nói rằng “Tôi sẽ tiếp tục nuôi anh qua hàng thập kỷ cho đến khi anh chạm tới được mức sống của tôi” là một chuyện khác. Nam Hàn sẽ thích Bắc Hàn mở cửa từ từ ra thế giới hơn, và độ trễ thời gian lâu hơn – có lẽ là hàng thập kỷ – từ khi bắt đầu những cải cách đó cho tới khi sự thống nhất thực tế với Nam Hàn diễn ra.
Cuối cùng, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc đã đánh nhau trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Triều Tiên vào thập kỷ 1950, cũng không phải không hài lòng với hiện trạng của bán đảo Triều Tiên. Mọi thứ có thể còn tệ hơn thế. Người Mỹ gần đây mới thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan và không ham muốn chiến tranh gì thêm nữa. Mặc dù không ai nghi ngờ cam kết của họ với việc bảo vệ Nam Hàn nhưng họ hi vọng tình thế sẽ vẫn yên ả trong nhiều năm nữa.
Trung Quốc cũng không muốn chứng kiến sự tái thống nhất bằng chiến tranh hay hòa bình. Trung Quốc coi Bắc Triều Tiên như một nước đệm. Một Triều Tiên thống nhất sẽ là một đất nước bị chi phối bởi Nam Hàn, với quân đội Mỹ có thể được phép đi chuyển lên tới tận sông Áp Lục ở biên giới Trung-Triều. Sự có mặt của quân đội Mỹ ở cửa nhà mình là một viễn cảnh khó chịu – và đây là điều đầu tiên đã kéo họ vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng ngay cả khi Mỹ đồng ý rời Triều Tiên sau tái thống nhất – và đây là một giả thiết khó xảy ra – thì người Trung Quốc cũng sẽ không xem việc tái thống nhất là một tin tốt lành. Tại sao họ lại muốn một Triều Tiên hùng mạnh ngay ở biên giới của họ chứ? Nhìn chung, anh ở một tình thế thoải mái hơn khi hàng xóm nhà anh vẫn còn bị phân mảnh.
Vì thế tình thế như hiện nay không phải là không ổn định. Tất cả các bên sẽ hành động rất, rất thận trọng. Vấn đề Triều Tiên có thể tồn tại mười hay hai mươi năm nữa tính từ bây giờ, với gần như không có gì thay đổi. Sớm hay muộn, chế độ Bắc Triều Tiên sẽ bục ra từ bên trong vì hệ thống của họ rốt cuộc không thể chống đỡ được nữa. Nhưng gia tộc Kim sẽ làm tất cả những gì có thể để chắc chắn việc này sẽ xảy ra muộn chứ không phải sớm. Và cái muộn này có thể tốn một thời gian dài. Một sự đột phá sẽ xảy ra khi giao tiếp với thế giới bên ngoài trở nên dễ dàng hơn đối với những người dân Bắc Triều Tiên bình thường.
Trong lúc chờ đến lúc đó, Bắc Triều Tiên đang tự biến mình thành một mối đe dọa quốc tế khi theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đối với việc này, Trung Quốc là bên duy nhất có ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc đã không thành công trong việc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí. Bắc Triều Tiên tin rằng có được vũ khí hạt nhân là yếu tố sống còn để chế độ sống sót. Họ không hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc bởi vì họ đã thấy Trung Quốc tiếp cận Nam Hàn nhanh thế nào khi Trung Quốc muốn công nghệ và đầu tư của Nam Hàn. Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng cất vũ khí hạt nhân của họ vào tủ kính và đập vỡ mặt kính để lấy nó ra chỉ trong trường hợp khẩn cấp – miễn là, chắc chắn rồi, họ tiếp tục nhanh chóng nhận được viện trợ quốc tế khi họ yêu cầu. Nhưng từ bỏ nó là điều không thể. Tôi đặt mình vào vị trí của Bắc Triều Tiên và sẽ có những tính toán sau: Trung Quốc sẽ gây áp lực lên tôi, nhưng nếu tôi thất bại thì họ cũng chẳng có lợi lộc gì. Vậy tại sao tôi phải nghe theo Trung Quốc? Kinh nghiệm ở Libya có thể đã thuyết phục họ rằng bám vào vũ khí là có lợi nhất. Muammar Gaddafi của Libya đã nhượng bộ những đòi hỏi của phương Tây và từ bỏ vũ khí hạt nhân, chỉ để thấy rằng khi nổi loạn trong nước diễn ra thì không có gì ngăn cản Pháp hay Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột để ủng hộ phe nổi dậy. Kết cục là Gaddafi đã bị quân nổi dậy xử tử chóng vánh vào tháng 10 năm 2011, một sự kiện hẳn là đã làm những thành viên của nhà họ Kim rùng mình.
Khi Bắc Triều Tiên lung lay thì Nam Hàn sẽ vẫn trên con đường phát triển. Nó đã rất phát triển và có thể tiếp tục như thế trong nhiều năm nữa. Nó mở cửa với thế giới và đặc biệt là với Trung Quốc, lợi dụng triệt để thị trường và nguồn lao động của người hàng xóm khổng lồ. Khi tôi thăm Nam Hàn cách đây vài năm, mọi thương gia mà tôi gặp đều có mối làm ăn ở Trung Quốc. Người Triều Tiên cũng chiếm số đông nhất trong số sinh viên nước ngoài, học ngôn ngữ và xây dựng những mối liên hệ quan trọng, hay còn họi là guanxi (quan hệ)cho tương lai. Việc họ sẵn lòng gắn mình vào câu chuyện tăng trưởng thành công nhất của thế kỷ này sẽ mang lại cho họ một lực đẩy mạnh mẽ.
Nam Hàn đã dẫn đầu thế giới trong một số ngành sản xuất, bao gồm màn hình LED. Những chaebol của họ – Samsung, LG và Hyundai, và những tên tuổi khác – có thể cạnh tranh được với các tập đoàn đa quốc gia thành công nhất thế giới, và họ rất mạnh trong lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Đối với một nền kinh tế đang nổi lên với dân số 50 triệu, những gì họ đạt được thực sự rất ấn tượng.
Người Triều Tiên là một trong những dân tộc kiên cường nhất trong khu vực của họ vì Triều Tiên là nơi các bộ lạc xâm lăng của Mông Cổ phải dừng chân. Họ gặp khó khăn khi vượt biển để xâm lược Nhật Bản và nhiều người phải định cư ở Triều Tiên. Và vì thế người Triều Tiên mang dòng máu của những chiến binh táo bạo nhất đến từ Trung Á. Họ rất bền bỉ. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta tiếp tục nhìn thấy tính cách đó ở họ. Hơn nữa, họ có một dân số được giáo dục tốt, những người siêng năng, chăm chỉ và có ý thức thi thố. Họ sẽ duy trì được những đức tính tốt của mình.
Nhưng những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho thành công ở tương lai. Nam Hàn cần phải vượt qua một vài rào cản trong xã hội của họ để tiếp tục tiến lên.
Đầu tiên, quốc gia này cần phải theo dõi sát sao khuynh hướng dân số tổng thể của họ. Mức sinh thấp nhưng Nam Hàn đang chấp nhận người nước ngoài hơn so với Nhật Bản, đó là một lợi thế rõ ràng. Họ phải tiếp tục tìm cách lấp đầy số trẻ bị thiếu hụt để đảm bảo đất nước đi lên về dài hạn.
Thứ hai, nếu có một sự đồng thuận lớn hơn về bước đường phía trước của đất nước thì sẽ hữu ích hơn nhiều, thay vì những đấu tranh nội bộ triền miên đã quấy đảo Nam Hàn nhiều hơn so với ở những xã hội khác. Ví dụ, tranh cãi giữa các đảng phái chính trị về vai trò của các chaebol – và liệu chính phủ có nên bòn rút chúng nhiều hơn để tái phân phối lại của cải hay không – đang khiến một vài tập đoàn xem xét việc dời nhiều hơn nữa những hoạt động của họ ra nước ngoài. Những cãi vã này làm tiêu hao năng lượng và tài nguyên của xã hội. Nam Hàn có thể còn mạnh hơn nữa nếu người dân của nó, thay vì thế, thống nhất với nhau và nói rằng, “Hãy cùng nhau tấn công vào thị trường toàn cầu”.
Hỏi – Đáp
….
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Ly Quang Dieu ve Bac Trieu Tien.pdf

Phần nhận xét hiển thị trên trang