(GDVN) - Trong số những cán bộ bị kỷ luật có người đang giữ những chức vụ quan trọng như Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Thời gian gần đây dư luận cả nước rất ủng hộ quyết định của Trung ương Đảng. Nhiều Đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, nhân dân đã bày tỏ sự tán đồng về quyết định nghiêm khắc đối với những cán bộ vi phạm kỷ luật.
Nhiều ý kiến cho rằng việc kỷ luật một số cán bộ cán bộ cấp cao gần đây, trong số đó có cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng là những quyết định nghiêm khắc đối với cán bộ sai phạm, bất kể cán bộ đó là ai, kỷ luật Đảng là không có vùng cấm.
Mới đây, ngày 6/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh.
|
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ bị cảnh cáo và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Xuân Anh (bên phải) bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi chức Uỷ viên Trung ương Đảng. Ảnh: DC |
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định hết sức nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Xuân Anh là cần thiết đối với cán bộ sai phạm mà còn là quyết định khẳng định quyết tâm của Đảng đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực.
Theo đó, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng được cho là vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Trước đó, ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
|
Ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo đó, ông Đinh La Thăng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011 đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân, "gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng”.
Hiện, ông Đinh La Thăng đang làm Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương.
Ngày 25/5/2017, Ban bí thư trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định.
Trên cương vị là người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Thiện có trách nhiệm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề nghị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế làm việc của Tỉnh ủy.
Ban Bí thư đã bỏ phiếu kín 100% thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thiện.
Những quyết định nghiêm khắc không chỉ đối với Ủy viên Trung ương đương nhiệm, mà nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật. Điều này cho thấy không phải cán bộ nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”.
Vào ngày 8/12/2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương và ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 cũng bị cảnh cáo vì liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.
Ban Bí thư đã kết luận ông Trần Lưu Hải đã thiếu trách nhiệm khi ký ban hành công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc được tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 có nội dung trái với kết luật của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ông Trần Lưu Hải có khuyết điểm trong việc ký công văn trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 đối với Trịnh Xuân Thanh.
Còn ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng, nhà nước và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.
|
Ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng vì những khuyết điểm, vi phạm. Ảnh: Như Ý. |
Cũng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương).
Ngày 2/11/2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ban bí thư kết luận, các vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Cán sự đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, gây bức xúc trong xã hội.
Ban Bí thư thống nhất rất cao (100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016.
Ngay sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Từ ngày 24 đến 29/7/2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác đối với ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do vi phạm qui chế thi tuyển nghiên cứu sinh tại Học viện hành chính Quốc gia.
Theo đó, ngày 27/5/2006, ông Đào Ngọc Dung khi dự thi môn hành chính công kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh đã “sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị”.
Điều này vi phạm kỷ luật thi và hội đồng thi đưa ra hình thức xử lý “cảnh cáo, trừ 50% số điểm của môn thi hành chính công”. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung đã không ký vào biên bản này vì không đồng ý với mức xử lý cảnh cáo.
Ngay sau đó, Học viện Hành chính quốc gia đã có văn bản báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban bí thư Trung ương Đoàn, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện, ông Đào Ngọc Dung đang là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cũng trong thời gian này, ngày 21/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình, Ủy viên Trung ương Đảng bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Ông Đào Đình Bình thừa nhận đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) và Bộ Giao thông vận tải.
Vào năm 2004, Hội nghị trung ương 9 (họp từ ngày 5 đến 12/1/2004) đã biểu quyết kỷ luật cùng một lúc 4 Ủy viên Trung ương Đảng gồm:
Ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị kỷ luật cảnh cáo vì có phần trách nhiệm trong việc để Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp - phát triển nông thôn và Lã Thị Kim Oanh (vừa bị kết án tử hình) hoạt động vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Người thứ ba là ông Vũ Trọng Kim - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bị kỷ luật khiển trách vì có phần trách nhiệm trong việc để tình trạng mất đoàn kết nội bộ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kéo dài.Tiếp theo là ông Nguyễn Tuấn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị kỷ luật khiển trách vì trong thời kỳ làm giám đốc Sở Tài chính Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm trong việc xử lý không đúng số ôtô nhập lậu của công ty liên doanh Vicarrent (vụ án Phương Vicarrent vừa được đưa ra xét xử).
Cuối cùng là ông Ksor Phước - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bị kỷ luật khiển trách vì có phần trách nhiệm trong việc chưa ngăn chặn, xử lý tốt vụ việc gây mất trật tự an ninh tại tỉnh Gia Lai tháng 2/2001 khi đang ở cương vị Bí thư tỉnh ủy Gia Lai.
Vào tháng tháng 12/1999, ông Ngô Xuân Lộc – Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng bị Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng vì thiếu trách nhiệm về quản lý Nhà nước trong vụ “sốt giá xi măng năm 1995” và vụ “Thủy cung Thăng Long”.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đáng chú ý còn có trường hợp ông Vũ Ngọc Hải - Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Ủy viên Trung ương Đảng bị mất chức và chịu án tù 3 năm do liên quan đến vụ việc đường dây điện 500Kv.
Vũ Phương / GDVN