Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Ngược thành phố Cao Bằng lên mạn bắc 80 cây số, Hạ Lang gần mà xa (kí sự của Mai Thanh Hải)


Đường lên Hạ Lang đến bây giờ, năm 2017, nhìn chung vẫn là khó hơn so với một số tuyến, như thấy trong kí sự đầu năm nay của Mai Thanh Hải (xem toàn văn ở dưới đây). Huống chi là mấy trăm năm trước, khi nhà Mạc còn thực quyền cai quản Cao Bằng từ khoảng năm 1600 đến khoảng năm 1680, gần một thế kỉ.

Mình thì thường đóng đô ở Quảng Uyên, và tranh thủ đi các huyện khác. Có khi đi rong ruổi, xuyên huyện nọ sang huyện kia. Nên với mình, Hạ Lang chỉ có một chút khó đi mà thôi. Cảm giác của mình khác với cảm giác của cánh nhà báo.

Dưới là của nguyên Mai Thanh Hải, từ Thanh Niên.







---


Ngang qua Hạ Lang


Đường từ TT. Thanh Nhật (Hạ Lang) lên xã biên giới Quang Long /// Ảnh: Mai Thanh Hải
Đường từ TT. Thanh Nhật (Hạ Lang) lên xã biên giới Quang LongẢNH: MAI THANH HẢ

Vùng đất cách TP.Cao Bằng gần 80 km vẫn hoang sơ, tinh khiết hoa tam giác mạch trắng, trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ vàng tươi... không ai tìm đến, mà có đến rồi, cũng chỉ dám chạy ngang qua.
“Trong 33 huyện, thị của 7 tỉnh biên giới phía bắc, duy nhất H.Hạ Lang (Cao Bằng) có hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng cơ bản và được xem là khó khăn nhất cả nước”, Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang Hoàng Văn Hải nói.
Thị trấn lòng suối
Bằng là lái xe của Tỉnh đoàn Cao Bằng có thâm niên vài chục năm chạy mòn các tuyến đường trong và ngoài tỉnh, thế nhưng khi nhắc đến Hạ Lang là so vai, lè lưỡi: “Đi đường ấy là ngại nhất” và diễn giải: Con đường chính từ TP.Cao Bằng lên Hạ Lang là tỉnh lộ 207 dài gần 80 km, nhưng đường này lâu lắm rồi ít ai dám đi vì đoạn 50 km từ Quảng Uyên đến Hạ Lang không khác gì đường Trường Sơn ngày xưa. Người ta thường đi vòng lên Trùng Khánh - Đàm Thủy theo tỉnh lộ 206 rồi xuống Hạ Lang cho dễ đi, mặc dù xa gấp đôi, gần 160 km. Tôi bảo: “Trâu bò đi được thì người đi được”, khiến Bằng cười: “Để em đổi xe gầm cao. Mấy năm rồi cũng không quay lại con đường này”.
Từ Quảng Uyên, con đường 207 bắt đầu lên Hạ Lang rất dễ nhận ra bởi khớp nối bê tông nham nhở nối với mặt đường 206 mặt nhựa phẳng lì, nhìn như thể đường vào một thôn bản như hàng vạn thôn bản nằm dọc biên giới. Quăng quật, gầm gào vượt qua hết thảy ổ voi, vũng lầy, đường đất trơn tuột, vòng cua lởm chởm đá cục và hiếm hoi lắm mới thấy xe máy hì hục đồng hành... Gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng vượt qua quãng đường gần 50 km, ngẩn ngơ trước cổng chào làm bằng ống sắt, phía trên treo pano màu đỏ bạc phếch bụi đất, nhìn theo tay chỉ của Bằng về dãy nhà cấp 4 lúp xúp gỗ cũ: “Trung tâm H.Hạ Lang đấy. TT.Thanh Nhật”.
Ngang qua Hạ Lang 1

Chợ trung tâm H.Hạ Lang họp ven đường ngay giữa TT.Thanh Nhật
Ông Hoàng Văn Hải, Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang lý giải: “Nằm trong số 62 huyện nghèo trong cả nước bởi địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới có 3 mặt giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Duy nhất phía tây giáp với 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa của tỉnh” và tỉ mẩn: Diện tích tự nhiên cả huyện khoảng 463,35 km2 chia cho số dân của huyện hơn 25.000 người, thì 1 người dân trong huyện có khoảng 18.000 m2 đất...
Ngang qua Hạ Lang - ảnh 2
Vùng đất cách TP.Cao Bằng gần 80 km nhưng vẫn hoang sơ, tinh khiết hoa tam giác mạch trắng, trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ vàng tươi trên các triền đồi, dọc đường đi... cũng chỉ vì không ai tìm đến, mà có đến rồi, cũng chỉ dám chạy ngang qua
Ngang qua Hạ Lang - ảnh 3

Đất rộng, người thưa nên số lượng học sinh đến lớp lèo tèo. Thiếu tá Phạm Văn Hoan, chính trị viên phó của Đồn biên phòng (BP) Quang Long kể: Dự khai giảng đầu năm học mới của cả xã, đến phần đón các cháu lớp 1 chỉ thấy lèo tèo hơn chục học sinh. Hai xã Quang Long, Việt Chu tiếng là đông dân nhất huyện nhưng số học sinh mầm non, tiểu học mỗi xã cũng chỉ vừa tròn 200 em, không đủ để lập trường bán trú... Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Bằng bật cười: “Đường sá xuống cấp, hạ tầng tối thiểu không đảm bảo, ai mà dám sinh” và dẫn tôi đi tham quan khắp thị trấn, bảo: “Tụi em gọi là thị trấn lòng suối vì cứ sau mưa, đá tảng nhô lên lổn nhổn khắp mặt đường, như dưới suối”.
Cả thị trấn không có một cột đèn đường, tối đến ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà thấp lè tè, từ nhà xây cấp 4 đến nhà tranh tre nứa lá, khiến mặt đường tối sầm lại. Gần trưa, vào làm việc với Huyện đoàn, Bí thư Triệu Thị Hồng Hạnh, 30 tuổi, vừa nói chuyện vừa liên tục gọi điện, hỏi ra mới biết: Phải tìm chỗ đặt cơm trưa cho khách. Ở Hạ Lang, nếu không gọi điện thông báo trước, khách xa đến thăm chỉ có nước nhịn đói vì lèo tèo vài quán ăn bán theo cảm hứng. Hôm nào có hội nghị hoặc khách tỉnh nhiều, khách vãng lai đi qua huyện không có cơ hội ăn uống trong quán vì... hết chỗ, hết cơm.
“Trường Sa trên cạn”
Đồn BP Quang Long, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội BP Cao Bằng nằm lưng chừng núi Sa Lê của xã Quang Long, nằm giữa ngờm ngợp hoa trạng nguyên đỏ bừng và dã quỳ vàng rực. Lãng mạn và nên thơ là thế, nhưng ít ai biết Quang Long được ví như “Trường Sa trên cạn” trong các đồn BP của tỉnh bởi đóng quân trên khu vực núi đá, thiếu thốn từ nắm đất cho đến giọt nước. Đại úy Nguyễn Đình Tự, đồn phó quân sự chỉ vườn tăng gia mướt mát rau xanh, kể: Bộ đội phải đi bộ gần chục ki lô mét xin từng bao đất ruộng của dân để trải thành vườn trồng rau. Được mấy vụ, bướm rừng kéo nhau ra đẻ trứng sinh sâu khiến vườn rau bị phá nát, lại phải trích tiền lương mua lưới bảo vệ cả vườn rau. “Anh nào lười lấy đất, đến bữa cho ăn cơm với thịt, vài ngày là kêu oai oái, tự động vác đất như thường”, Tự nói vui.
Ngang qua Hạ Lang 2

Người dân xã Quang Long (Hạ Lang) chở gạo sang Trung Quốc bán lấy tiền mua về các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu - vật liệu xây dựng, ngang qua mốc 890 (bìa phải)
Khổ nhất là tình trạng thiếu nước. Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, chế độ tiết kiệm nước được thực hiện toàn đơn vị. Liên tục 24/7 anh em thay nhau trực bơm, kiểm tra đường nước y như trực chiến. Thiếu tá Phạm Văn Hoan tiết lộ: Có khi cả chục ngày đường cấp nước nhường hết cho dân, bộ đội chỉ dám sử dụng nước ngọt cho việc nấu ăn và đánh răng rửa mặt tối thiểu.
Vất vả từ cuộc sống thường nhật cho đến sự cô độc xa dân, nhưng Quang Long luôn được đánh giá là đơn vị kiên cường trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới. Ông Nông Quang Lập, nguyên Đồn phó BP Quang Long kể: Ngày 20.11.1986, Đồn BP Quang Long được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền suốt chiều dài 15,5 km thuộc địa bàn 2 xã Quang Long, Việt Chu. Thời điểm ấy, phía Trung Quốc tiến hành các thủ đoạn nhằm móc nối vào nội bộ ta, tổ chức cho dân các xóm sát biên mở rộng khu vực xâm canh, khi ta đấu tranh phản đối thì họ đe dọa, khiêu khích... Nhiều chiến sĩ BP tiếng là công tác ở đồn nhưng cả năm mới về doanh trại 1 - 2 lần bởi phải ăn ngủ ở từng góc rừng, bờ suối để chống lấn chiếm, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt ở những điểm Trung Quốc xâm canh sâu vào đất ta (Lũng Vin, Bản Kiểng, Lũng Phặc...), bộ đội BP cùng người dân ăn ngủ bên bờ ruộng và đấu lý, đấu trí, đấu tình, kịp thời phản đối, ngăn chặn những hành động vi phạm của phía Trung Quốc...
Đầu tháng 12.2008, nhóm phân giới cắm mốc số 9 VN - Trung Quốc đã tiến hành cắm xong mốc 882 tại khu vực Lũng Phặc. Đây là mốc được cắm cuối cùng trên tuyến biên giới VN - Trung Quốc đoạn biên giới Đồn Quang Long quản lý nên công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến hết sức phức tạp.
Ở Hạ Lang tôi nghe chuyện kỳ họp mới đây của tỉnh, các huyện đồng loạt kêu “đừng bỏ quên Hạ Lang” nhưng tỉnh cũng không dám hứa vì chưa tìm ra nguồn đầu tư, mới thấm thía: Vùng đất cách TP.Cao Bằng gần 80 km nhưng vẫn hoang sơ, tinh khiết hoa tam giác mạch trắng, trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ vàng tươi trên các triền đồi, dọc đường đi... cũng chỉ vì không ai tìm đến, mà có đến rồi, cũng chỉ dám chạy ngang qua.
Nỗi buồn bị lãng quên
Việc xây dựng cơ bản ở các xã trong huyện nhiều năm nay đội giá gấp nhiều lần so với các huyện thị trong tỉnh do việc vận chuyển vật liệu xây dựng quá tốn kém. Hiện tại, giá 1 m3 cát xây dựng lên đến 1,5 triệu đồng và đa số cát được đưa từ Trung Quốc với đơn vị tính là... bao tải. Giá thành xây dựng cao nên đa số người dân xay đá trộn với xi măng làm chất gắn kết, dựng những ngôi nhà thấp lè tè, rất nguy hiểm. Phó bí thư Huyện ủy Hạ Lang Hoàng Văn Hải thở dài: Đường sá ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Bao năm dân Hạ Lang chịu khổ, chịu nhịn bảo vệ đường biên mốc giới, nhưng cứ tụt hậu vì đường sá thế này, lãnh đạo chúng tôi có về nghỉ cũng chẳng yên...
Mai Thanh Hải
http://thanhnien.vn/thoi-su/ngang-qua-ha-lang-779477.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dân chủ ở phương Đông và phương Tây


Sự khác nhau trong thái độ và quan niệm về dân chủ đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Khái niệm dân chủ, như nhiều người quan niệm, dường như là một sản phẩm của văn minh phương Tây, đúng hơn là văn minh Hy Lạp. Khi nói về những thể chế chính trị, khái niệm này được đặt đối lập với khái niệm quân chủ, tức là sự đối lập một hình thức quyền lực nhà nước, trong đó quyền lực thuộc về tất cả mọi công dân và một hình thức khác, trong đó quyền lực thuộc về một cá nhân.
Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội, khái niệm dân chủ đường như đều được hiểu như là một phương thức quan hệ giữa các cá nhân, trong đó các quyền và nghĩa vụ của các cá nhân được tôn trọng tuyệt đối.

Các nước phương Tây có xu hướng tuyệt đối hoá các tiêu chuẩn của dân chủ do họ đưa ra, còn các nước phương Đông thì có xu hướng đưa ra một quan niệm khác.

Nói về nhà nước tư sản, Lenin nhận định rằng đó là nhà nước của số ít, nhằm bảo vệ lợi ích của số ít những kẻ bóc lột. Lenin cũng nói rằng nhà nước chuyên chính vô sản là nhà nước của nhân dân lao động, tức là của số đông, bảo vệ quyền lợi của số đông. Ông khẳng định rằng chính vì thế mà “dân chủ vô sản một triệu lần dân chủ hơn dân chủ tư sản”.

Nhận định của Lenin dựa trên những phân tích của ông đối với chủ nghĩa tư bản đương thời.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là nếu như quả thật bản chất của nhà nước vô sản thuộc về số đông, phản ánh những nguyện vọng của số đông, nó đồng thời cũng là loại nhà nước dễ bị đánh cắp quyền lực nhất. Đó là kiểu nhà nước thiếu những nguyên lý kiểm soát chặt chẽ cần thiết.

Tuy nhiên, tất cả các hình thức dân chủ đó, cho dù có những hình thức chống đối nhau, lại đều dựa trên những quan niệm và tiêu chuẩn rõ ràng. Những đặc điểm và tiêu chuẩn đó có thể quy về những điểm mấu chốt sau đây:

– Tiêu chuẩn chính trị: Bầu cử tự do và công bằng, quản lý nhà nước bằng ý chí của mọi công dân.

– Tiêu chuẩn văn hoá – xã hội: Sự ý thức và khả năng thực tế của các công dân về quyền hạn và nghĩa vụ của mình.

Còn ở phương Đông có dân chủ không? Và nếu có, thì có hay không cái gọi là hình thức đặc thù của dân chủ phương Đông?

Theo chúng tôi, do tính chất nửa vời về quan niệm sở hữu, sự phân hoá giai cấp trong xã hội phương Đông không sâu sắc như ở phương Tây. Chính vì thế, hình thức dân chủ sơ khai xuất hiện ở phương Đông sớm hơn, nhưng lại tồn tại được dạng sơ khai lâu hơn. Những đặc điểm đó của xã hội phương Đông khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi về một hình thức riêng biệt của dân chủ ở phương Đông.

Dân chủ phương Đông có phải là dân chủ không? Câu trả lời khẳng định có vẻ như là tất yếu.

Thế nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Vấn đề là sẽ rất không thích hợp nếu đem những thước đo của phương Tây vào áp đụng với những điều kiện của châu Á hiện nay. Có một thực tế rất hài hước là trong khi các nước phương Tây ra sức đấu tranh để “bảo vệ” những quyền lợi của dân chúng Trung Quốc hay ở Malaysia thì trên thực tế dân chúng ở đó lại không hề cảm thấy cần thiết những quyền đó, hay thậm chí còn khó chịu. Một ví dụ là vấn đề quyền trẻ em. Có thể ở Hoa Kỳ trẻ em có thể kiện bố ra toà nhưng có lẽ ở châu Á đó chỉ có thể là một hành độngphi đạo đức.

Có một thực tế là trong mấy thập kỷ qua, những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á (và cũng là của thế giới) phần lớn đều là những nước bị phương Tây chỉ trích là độc tài, phi dân chủ. Ngay ở trong mỗi nước, nhiều khi cũng thấy rằng các chính phủ “độc tài” dường như lại có ích cho đất nước hơn là những chính phủ dân chủ.

Một ví dụ là chính phủ độc tài Pak Chong Hui đã đem đến cho Hàn Quốc nhiều lợi ích hơn hẳn so với những chính phủ dân chủ trước ông, đặc biệt chính phủ của Syngman Rhee. Kết luận này có thể được hỗ trợ bởi Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, và Pinochet ở Chile. Đưa ra những nhận xét trên đây không phải chúng tôi nhằm mục đích bào chữa cho các chế độ độc tài, mà để thấy rằng không nên vội vã quy kết một chế độ hoặc một xã hội, cũng không thể hoàn những quá trình kinh tế với chế độ chính trị một cách giản đơn. Trái lại, cần phải nhìn nhận dân chủ như một khái niệm hết sức tương đối có tính chất lịch sử và gắn liền với truyền thống văn hoá.

Trên thực tế, nói đến phương Đông là nói đến một thế giới cực kỳ đa dạng cả về văn hoá, chế độ chính trị, tôn giáo, đến dân tộc và trình độ phát triển kinh tế. Ba tỷ dân đang sống ở khu vực này. Ở đây có những quốc gia lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia rất trẻ như Singapore; những nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, những nước quân phiệt như Miến Điện; những nước giàu như Nhật Bản và những nước nghèo như Việt Nam, Campuchia và Miến Điện; những nước cực lớn như Trung Quốc với hơn một tỷ dân với những nước bé nhỏ như Bruney chi vẻn vẹn 300 000 dân; cả đạo Phật, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa đều có mặt tại đây.

Sự khác nhau lớn đến nỗi thật khó mà có thể tìm ra một sự đồng nhất cho cái gọi là “Cộng đồng châu Á”. Sự khác nhau còn được tăng thêm bởi những mâu thuẫn và cả những đụng độ về tôn giáo, sắc tộc, kinh tế, lãnh thổ và ý thức hệ. Tuy thế, theo chúng tôi, có thể tìm ra những điểm chúng, nhưng hoàn toàn không phải là trong những lĩnh vực mà chúng ta vừa mới điểm qua. Đó là:

1, Trình độ dân trí: Mặc dù châu Á từng là nơi có nền văn minh phát triển cao nhất thế giới trong phần lớn lịch sử nhân loại, nó đã bị thụt lùi nghiêm trọng trong vòng vài thế kỷ gần đây. Khi nói đến dân trí, chúng tôi không chỉ đề cập, đúng hơn là không nhấn mạnh đến trình độ học vấn của dân chúng, mà chủ yếu là nói đến trình độ giác ngộ của dân chúng về những quyền của họ. Thực vậy, do sự bưng bít của các nhà nước, do sự dốt nát của quần chúng và nhất là do những khó khăn triền miên về kinh tế khiến cho người dân luôn luôn luẩn quẩn qua nhiều thế hệ với những mục đích kiếm sống nhỏ nhặt của mình, đến nỗi chưa bao giờ họ có điều kiện để ý thức về những quyền lợi của mình. Trong khi đó, tôn giáo đã góp phần củng cố tình trạng tối tăm này. Đó là chưa nói đến một số nhà cầm quyền trong lịch sử đã cố tình kẻo đài tình trạng ngu dân để giữ vững địa vị của mình.

2, Truyền thông sở hữu: ở trên chúng tôi đã nói đến vấn đề sở hữu và cái gọi là “phương thức sản xuất châu Á”. Cho đến gần đây, tại các quốc gia nông nghiệp này, ruộng đất vẫn thuộc về sở hữu của nhà nước. Chính cơ sở kinh tế này đã đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của chủ nghĩa phong kiến châu Á. Đó cũng chính là lý do khiến cho Chủ nghĩa Cộng sản được tiếp nhận tương đối dễ dàng.

3, Chủ nghĩa gia trưởng: Truyền thống gia trưởng ăn sâu vào tâm thức xã hội đến mức nó trở thành quy tắc ứng xử được chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Chính chủ nghĩa gia trưởng hỗ trợ cho nguyên tắc đề cao những người đứng đầu cộng đồng. Vì thế, dân chúng ở châu Á có thể chấp nhận tương đối dễ dàng những chế độ độc quyền. Cuộc khủng hoảng tiền tệ làm điêu đứng những nền kinh tế mạnh nhất khu vực châu Á cuối năm 1997 buộc người ta phải nhìn nhận lại cái gọi là “những giá trị châu Á”.

Nhiều năm qua, sự thành công cũng như sự đổ vỡ của các nước châu Á đều dựa trên một cơ sở xã hội quan trọng: Quyền kiểm soát hoàn toàn đời sống kinh tế và xã hội của các lãnh tụ chính trị được sự chấp nhận của dân chúng, những người hài lòng với những tiến bộ kinh tế và để đàng bỏ qua khía cạnh dân chủ của đời trong xã hội. Thực chất của sự quản lý xã hội kiều này là sự liên kết giữa các doanh nghiệp và chính phủ, điều có thể được chấp nhận gần như vô điều kiện đó những truyền thống của một xã hội gia trưởng và ở vài nước có cả vai trò của Khổng Giáo với tư cách là nền tảng tư tưởng. Ở một vài nước như Đài Loan và Hàn Quốc, ngay trong thời kỳ họ làm nên sự thần kỳ kinh tế, đã từng nội trị chế độ gia đình trị. Ở Indonesia và Malaysia, quyền lực của tổng thống Suharto và thủ tướng Mahathir Mohammad gần như là bất khả xâm phạm và đảm bảo cho những mối liên hệ của kinh tế với chính trị trở nên bền vững. Ở Trung Quốc và Việt Nam, mọi chính sách quản lý kinh tế, chính trị, xã hội đều do Đảng Cộng Sản quyết định.

Thế nhưng thực tế đã có vẻ có những đổi thay. Nhật Bản từ lâu đã trở thành một xã hội kiểu phương Tây và cái gọi là “truyền thống tin cậy” vẫn đóng vai trò nền tảng của công ty Nhật đang dần dần có xu hướng bị thay thế bởi các nguyên tắc trách nhiệm và phục tùng theo kiểu phương Tây. Hàn Quốc và Đài Loan mới đây đã tiến những bước dài cũng theo hướng đó. Ở Thái Lan, lndonesia và Malaysia đang diễn ra những tình hình mới. Những Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở hàng loạt nước châu Á có nguyên nhân trực tiếp là sự mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế, tình trạng nợ nần, sự lãng phí và tham nhũng, nhưng nguyên nhân sâu xa là sự bành trướng và lũng loạn của quyền lực chính trị vào các hoạt động kinh tế. Sự lũng loạn này tạo điều kiện cho tệ bè phái, gia đình trị phát triển, vô hiệu hoá hoạt động của ngân hàng và của công tác hoạch định chiến lược kinh tế.

Chúng ta có thể nói một điều chắc chắn: châu Á có nhiều điều phải thay đổi. Và phương hướng không thể khác hơn là tách riêng quyền lực nhà nước khỏi các hoạt động kinh tế, xoá bỏ chủ nghĩa bè phái trong điều hành xã hội và chống tham nhũng. Và điều này không hề làm giảm quyền lực nhà nước mà trái lại, càng làm cho nhà nước độc lập hơn, thoát khỏi sự chi phối của đồng tiền.

Chúng ta cũng có thể khẳng định: bất chấp những khác biệt về trình độ phát triển và những khác biệt về văn hoá, dân chủ có những tiêu chuẩn và giá trị mang tính phổ quát. Bản chất của dân chủ dù ở phương Đông hay phương Tây đều là sự tôn trọng các quyền của cá nhân, là sự nhận thức được các quyền ấy của cá nhân và cấu trúc nó thành ra các quyền pháp định.

Nguyễn Trần Bạt
Nguồn: diendankienthuc.net
(Nghiên Cứu Lịch Sử)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cậu là ai nhỉ?


Nguyễn Quang Vinh 

- Ngày trước, bạn mình làm thư ký cho giám đốc Sở. Có một vụ việc vở lỡ, sếp dính nặng, xin bạn mình gánh hộ hết sai phạm. Bạn mình vào tù. Sếp bị khiển trách rồi ổn. Ba năm sau, bạn mình hết án, hí hửng đưa vợ đến ra mắt sếp để nối việc, vì nghĩ, chuyện này với sếp là chuyện vặt, dù sao cũng là cái nghĩa, cái ơn sâu, “Lê Lai cứu Chúa”. Vừa tới cửa, bạn mình vừa ngoạc mồm ra cười, chưa chào thì sếp hỏi:
-Cậu là ai nhỉ? Mình có khách nhé.
Sếp đóng cửa.
Bạn mình hận. Nhưng im lặng.
Tức chí bấm chí. Người ta nói, quân tử trả thù 10 năm chưa muộn. Nhưng bạn mình đến 15 năm sau, với biết bao gian khó, từ hai bàn tay trắng, vươn lên thành một đại gia có tên tuổi trong kinh doanh, một nhà thầu lớn.

Nhờ trúng được một dự án cấp Quốc gia, hôm khởi công, có các Cụ to ngất về dự. Bất ngờ, bạn mình nhận ra ông sếp ngày xưa, giờ đã lên tới lãnh đạo cấp Cục. Hình như thấy bạn mình trở thành Đại gia, lại anh anh em em với các Cụ, ông sếp kia mò tới, giả lả với bạn mình, kêu tên, kêu tuổi, nói, ôi trời ơi, hóa ra anh à, anh khỏe không, làm ăn phát đạt quá nhỉ, lại chủ cả công trình cấp quốc gia thế này vinh dự cho địa phương ta có người con như anh. Trước mặt bá quan văn võ, bạn mình hỏi lạnh tanh:

-Cậu là ai nhỉ?

Ông sếp cũ miệng đang há ra chợt méo xệch về một bên, rồi lủi thẳng.

Là đại gia xây dựng, mặc nhiên muốn trúng thầu thì phải quan hệ, chung chi, quân xanh quân đỏ, lách luật, hợp tác, dựa vía, dựa thế, ngọt bùi cay đắng có cả.

Phải đến 29 tết, may ra bạn mình mới ngớt việc. Hai thằng kiểu gì cũng gặp nhau, chén chú chén anh, tổng kết nhiệm kỳ năm. Năm vừa rồi cũng thế. Cũng đã chiều 29 tết. Hai thằng đang ngồi thì bạn mình nghe cú điện thoại. Vâng vâng dạ dạ xong, mình thấy bạn mình không được vui. Hỏi, có chuyện gì. Bạn mình cười mếu, nói, bỏ mẹ ông ạ, các sếp đi hết lượt quà tết, thăm hết lượt, chúc tết hết lượt, tưởng xong, ai ngờ sót mất một ông. Thì sao? Sao nữa, ông ấy vừa gọi, nói, bác chúc chú năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn tấn tới, hạnh phúc và thành đạt. Mình nói, hay quá nhỉ. Bạn mình nói hay gì, ông ấy nói tiếp, mấy năm rồi anh em sát cánh bên nhau, bác bên chú, năm tới có lẽ chú đã khỏe, mạnh chân mạnh tay, chắc không cần bác giúp nữa nhỉ, thế là bác cũng vui nhé. Chúc chú thành công. Mình lại nói, thì đúng quá, ông đang làm ăn tấn tới mà. Bạn mình nói, ý văn học đấy ông ạ, ông là trưởng thôn sao ngu thế, nói vậy là ý văn học, rằng, tại sao tết này mày không thăm tao, không chúc tết tao, thì từ giờ, tao cạch mặt mày, không dự án dự iếc, công trình công triếc, trúng thầu trúng thiếc, vay nợ vay niếc… ông hiểu không? Mình vẫn ngớ ra. Bạn mình đứng dậy. Tôi phải đi ông ạ, phải bằng mọi cách có mặt tại nhà bác ấy trước giao thừa.

Hai ngày sau, mồng 2 tết, mình gặp lại, hỏi hôm đó ra nhà ông ấy chúc tết trước giao thừa chứ. Bạn mình gật đầu, nói, tới cổng, ông ấy ra nhìn qua cánh cổng sắt rồi hỏi: Cậu là ai nhỉ. Rồi quay vào. Bạn mình cố gọi mà không được. Bạn mình đứng trong mưa, phát khóc, may có vợ ông ấy ra, bạn mình nói, em lạy chị, chị nhận quà tết giúp em, anh chị mà không nhận quà, em thà đứng đây suốt đêm. Bà ấy hỏi: Cậu là ai nhỉ? Mình nói, dạ ai cũng được hết, mong chị… May bà ấy cầm quà.

Mình hỏi, giờ làm sao? Bạn mình nói, năm tới sẽ là năm khó khăn chứ sao nữa.

Mình lại hỏi, cầm quà rồi, coi như vẫn chúc tết rồi, có gì khó khăn nữa.

Bạn mình nói, quà tết có thì có rồi, nhưng chậm cũng chết ông ạ. Họ nói, a ha, thằng này coi nhà mình loại vứt đi mới đến muộn vậy mà. Nhưng đi tết sớm quá, họ cũng nói, a ha, thằng này coi mình là khách đối tác vòng ngoài nên đi sớm cho xong việc đấy mà. Cực ông ạ.

Mình chia tay bạn, tần ngần bước, ước, giá như bạn bè mình chúng nó cố lên, làm thật to, thật to, to như Vua, rồi có hôm nó nhớ đến mình về thăm nhỉ? Chà chà, Vua về thăm trưởng thôn Khoai Lang là hơi bị oách.

Mình sẽ bước ra, nhìn thằng bạn Vua của mình, hỏi:

-Cậu là ai nhỉ?

Đã. Sướng như ăn khoai lang luộc chấm mật mía thời bao cấp.

He he

Nguyễn Quang Vinh
(FB Nguyễn Quang Vinh)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Như thế đã đau chưa?


ĐI THĂM BỒ ! – Truyện ngắn
Ngồi yên ổn trên máy bay, ông mãn nguyện.
… Xung quanh chuyện “bồ” của ông, từ một nhân viên hợp đồng lên trưởng phòng rồi phó giám đốc, có gia tài khủng…trong một thời gian rất ngắn làm “dậy sóng” dư luận, tất cả mọi người trong Tổng công ty đều bất bình. Con vợ già của ông ghen lồng lộn, định “ tung tóe” mọi chuyện ra ngoài xã hội. Cực chẳng đã, ông cho thằng “đệ’ là phó Tổng giám đốc, thay ông, đứng ra “chịu trận”. Nó tự nhận kỷ luật do ông ký : “ Còn quan liêu trong công tác tổ chức, khoán trắng cho cấp dưới, cả nể, không thực tế kiểm tra…”. Bù lại, đứa con của thằng phó tổng này, vừa ra trường, ông ký cho lên chức Trưởng phòng…Thằng phó tổng giám đốc sau khi nhận án kỷ luật : “ cảnh cáo, khiển trách, cần rút kinh nghiệm” cũng vừa đến tuổi về hưu.
Thuận cả hai bên, ông giữ được uy tín, còn Phó tổng có con thay thế chức vụ mình, trong tương lai.
Đấy là mới một nửa niềm vui của ông. Niềm vui trọn vẹn là em, được ông lo, lẳng lặng ra nước ngoài mà đến chính gia đình em cũng không biết, chứ chưa nói người bên ngoài. Đến giờ, mọi người trong Tổng công ty cũng không biết “ Em đi lúc nào?” bàn tán râm ran, không ai chịu nghe ai!!!. Ngoài số tiền bán cái vi la trên Hà Nội, Ông chuẩn bị sẵn cho em một số tiền lớn, để em sống yên ổn ở nước ngoài. Mừng nữa ,em mua nhà, mua xe có việc làm ổn định. Em nói với ông trong điện thoại: “ Công ơn anh giúp em, có lẽ cả đời em không trả nổi.Thương anh lắm!”.
Cứ nghĩ làn da trắng, má hồng ,dáng cao, đôi tay nuột nà, đôi chân thẳng tắp của em là máu trong người ông hình như “tăng độ” chạy rần rật, nhất là lúc ông và em làm tình trong khách sạn…
Hồi em còn ở nhà, không tuần nào ông và em không”bí mật” lên Hà Nội…Sau cuộc vui, bao giờ em cũng cười ríu rít…
Giờ em ở nước ngoài gần hai năm, nhưng cứ nghĩ đến những kỷ niệm đó, ông thẫn thờ, nhớ đến quay quắt, nhất là tiếng cười, tiếng nói ríu rít của em…
Em điện : “ Em sắp có thẻ xanh, chuẩn bị định cư, nhập quốc tịch. Nếu thu xếp, anh sang được, sẽ rất vui”. Ông ngạc nhiên, sao lại nhanh thế! Không biết em " chạy" bằng cách nào? Ông vội bí mật thu xếp, nhờ một doanh nghiệp lo vé máy bay, rồi đánh tiếng : “ Đi ký hợp đồng kết hợp tìm hiểu cách quản lý của một Tổng công ty lớn “ ở nước H…rồi từ nước H… ông bay qua nước N…thăm em.
Đón ông ở sân bay,vẫn nụ cười đẹp rực rỡ, dáng em đẫy đà hơn trong bộ váy bó sát tôn hết những đường cong mà bất cứ thằng đàn ông nào nhìn cũng phải trầm trồ. Làn da em ở nước ngoài hình như trắng hơn, mịn hơn, má phớt hồng, nhìn đã muốn hôn. Em thấy ông nhìn đắm đuối, vội tránh ánh mắt, nói ríu rít:
- Sao anh nhìn em ghê thế! Em khác lắm phải không?
Rồi em tự lái xe đưa ông về nhà.
Trên đường đi, em kể ríu rít, đủ thứ chuyện. Từ chuyện buổi ban đầu qua đây như thế nào? Rồi cả chuyện học ngoại ngữ, nhiều lúc nói sai cười ra nước mắt. Chuyện đi siêu thị, không biết thanh toán, cứ như người ngớ ngẩn… Em kể như thế nhưng ông không chú ý lắm. Chuyện ông muốn hỏi là làm sao trong thời gian rất ngắn em làm được thẻ xanh. Em nói:
- Chuyện ấy về nhà anh sẽ rõ. Vui lắm – Giọng em vẫn ríu rít, vô tư.
Ô tô dừng trước một ngôi nhà có kiến trúc đẹp, xung quanh nhiều cây xanh. Em và ông bước xuống xe. Em nhìn ngôi nhà, nói tự hào:
- Đẹp phải không anh . Em mua ngôi nhà này chỉ bằng một phần ba số tiền bán cái vila trên Hà Nội mà anh tặng em đó… - Rồi em cười, nụ cười ríu rít.
- Số tiền còn lại em dùng vào việc gì?
Cũng vừa lúc đó một thằng đàn ông Tây ,trông trẻ hơn ông rất nhiều, xuất hiện ở cửa ra vào, chào ông. Em nói luôn:
- Số tiền còn lại em thuê anh này làm chồng rồi tổ chức đám cưới giả, chỉ có vậy mới nhanh có thẻ xanh…
Ông lắc đầu, không hiểu, em vội kéo ông vào nhà, giọng không thay đổi vẫn ríu rít như tiếng chim:
- Anh ngạc nhiên phải không? Vào đây em cho anh rõ hơn…
Ông vào nhà, quả thật ngạc nhiên hơn, có một thằng “tây” con đang ngậm vú nhựa nằm trong nôi. Thằng bé thấy ông , khoái chí, chân tay đạp lung tung. Em chỉ thằng bé, giọng lại ríu rít:
- Con em đấy! Anh thấy nó đẹp không?
- Thế bố nó là thằng…Tây kia!
Em ríu rít:
- Anh tinh thế. Đúng rồi!
- Trời ơi! Sao em lại có con với nó mà nói là “đám cưới giả”! – Ông hỏi mà không tin đây là sự thật.
Em ríu rít, giải thích:
- Thì “đám cưới giả” cũng là có chồng, mà có chồng không lẽ không có con!!! Em có con với anh ấy Sở di trú ở đây mới tin, cấp nhanh thẻ xanh cho em. Anh hiểu chưa?
- Vậy anh?
- Em nói với anh ấy, anh là bác của em, sang chơi. Anh ấy rất vui. Để anh thỏa mái, anh ấy thuê cho anh ở khách sạn… - Giọng em lại ríu rít.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có một Bí thư tỉnh ủy đi xe đạp, ngủ giường công, ăn cơm hộp


NGUYỄN MAI (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Ông để lại ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người cán bộ liêm khiết, hết lòng vì quốc gia đại sự trong thời gian là Bí thư tỉnh Nghệ An.

Ông Trương Đình Tuyển (sinh năm 1942, tại Diễn Châu, Nghệ An) là một trong những cán bộ hình mẫu về một vị Bí thư tỉnh ủy liêm khiết, giản dị và cương trực.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII, IX, quan trường của ông trải qua nhiều giai đoạn và ở giai đoạn nào ông cũng để lại dấu ấn riêng như một cán bộ hết lòng lo cho quốc gia đại sự.

Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại vào tháng 7/1997, ông từng làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex.

Tháng 8/2002, Trương Đình Tuyển lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại thay cho ông Vũ Khoan được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và ông đã đóng vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về cuộc sống đời thường dung dị của một cán bộ, một Đảng viên chính là khoảng thời gian ông về làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, từ 2/2000 đến 8/2002. Nhiều người nói rằng, chính quãng thời gian này, giữa đời thường đã tái hiện chân dung của một Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, cha đẻ khoan hộ) chứ không phải qua phim ảnh.

Trong 3 năm là cán bộ cấp cao nhất của một địa phương có địa giới hành chính rộng nhất cả nước, “tư dinh” của Bí thư Trương Đình Tuyển chỉ là một căn phòng tập thể nằm trên tầng 2, trong khuôn viên trụ sở tỉnh ủy. Căn phòng nhỏ ấy lúc nào cũng bộn bề sách vở, tài liệu và đặc biệt là luôn sực nức mùi cá khô, thứ thực phẩm mà ông vẫn ưa thích trong những ngày xa vợ con vì tiện dụng.

Sáng dậy vo gạo, cắm phích, cơm chín, cho thêm mấy con cá khô vào thành bữa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng, thế là thành bữa trưa, bữa tối. Suốt 3 năm, lịch trình của những bữa ăn không tiệc tùng, khách khứa của ông chỉ đơn giản là thế.

Nhắc lại chuyện ăn ở của vị Bí thư tỉnh ủy này, quan chức Nghệ An qua các thời kỳ vẫn truyền nhau giai thoại có thật.

Rằng, khi ông Tuyển nhận quyết định về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đã có ý định phân đất và xây nhà cho đồng chí Bí thư nhưng ông kiên quyết từ chối: “Ở Hà Nội tôi đã có nhà rồi!” và chỉ đề nghị tỉnh bố trí cho một phòng vừa ở vừa làm việc ngay trong cơ quan.

Ở Nghệ An, mùa hè thời tiết khá nóng nực nên văn phòng Tỉnh uỷ có trang bị cho ông một cái tủ lạnh nhưng ông cũng không nhận mà chỉ đề nghị mua cho ông 1 bình ga, 2 cái xoong nhỏ. Sau khi sắm đủ những vật dụng này, ông cũng không cho dùng tiền công quỹ mà trừ cả vào tiền lương tháng của ông.

Cũng trong thời gian này, người dân TP Vinh và đặc biệt là bà con tiểu thương tại chợ Quán Lau (nơi gần cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An) đã rất quen thuộc với hình ảnh một vị Bí thư quần xắn ngang bắp, chân đi dép tông tự đạp xe đạp Thống Nhất cũ kỹ đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn, mọi cái đều tự biên tự diễn. Nấu một bữa, ăn cả ngày. Ngày nghỉ cuối tuần, nếu không họp hành gì, ông nhảy tàu hoả ra Hà Nội với vợ con.

Trên cương vị là Bí thư tỉnh Nghệ An, có thể nói ông đã làm một cuộc “cải tổ” có một không hai trong lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh này. Chỉ cần những lãnh đạo cũ yếu kém, làm sai trái hoặc thiếu bản lĩnh là ông ra quyết định thay ngay.

3 năm, ông cương quyết cho 9 Bí thư huyện ủy thôi chức, trong đó có cả ông Bí thư huyện ủy huyện Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân tình, nhưng vì việc chung, ông vẫn kiên quyết không có ngoại lệ.

Kiên quyết nhưng Trương Đình Tuyển cũng là người rộng lượng, vị tha. Còn nhớ vụ giám đốc một công ty thương mại nổi tiếng có mối quan hệ rất rộng ở Vinh, khi vị này treo một khoản nợ “khó đòi” 47 tỷ đồng với đối tác, trong khi không ai dám cách chức ông ta thì Bí thư tỉnh ủy Trương Đình Tuyển đã đình chỉ công tác ông giám đốc này để thu hồi công nợ.

Hàng loạt sức ép từ Trung ương đến địa phương giáng xuống, ông vẫn giữ nguyên quyết định và hứa thu hồi công nợ xong, ông cho vị Giám đốc này phục chức. Xong việc, ông Tuyển đã giữ đúng lời hứa của mình.

Dịp Đại hội Đảng bộ các huyện miền núi, văn phòng tỉnh uỷ bố trí xe riêng cho Bí thư, còn anh em chuyên viên thì đi chung. Đến giờ, thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông biết chuyện liền bắt các xe con về, còn tất cả lên xe chung loại 16 chỗ.

Dự Đại hội xong là ông “chuồn” thẳng, vì ngại cơ sở phải mời cơm. Dọc đường về, ông rủ anh em vào quán ăn trưa. Khi ăn xong, bao giờ ông cũng giành “quyền” trả tiền vì: “Lương tôi cao hơn các cậu”.

Đó là những câu chuyện thật đã thành giai thoại về Trương Đình Tuyển mà các lão thành Cách mạng Nghệ An rất hay kể và có được dân tin yêu thế nào, phải là “chất quan” thế nào mới có nhiều giai thoại đọng lại trong lòng dân như thế.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cử tri Đồng Nai đòi bãi nhiệm đại biểu quốc hội



Dù đã bị kết luận là vi phạm Luật tham nhũng nhưng bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn là trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng NaiBản quyền hình ảnhTUOI TRE
Image captionDù đã bị kết luận là vi phạm Luật tham nhũng nhưng bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn là trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai
Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh, đang phải đối mặt với sức ép từ cử tri, khi nhiều người lên tiếng đòi bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà, theo báo Tuổi Trẻ.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận bà Thanh đã vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và các quy định đảng viên không được làm.
Theo báo Tuổi Trẻ, khi còn đương chức giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện Nhơn Trạch, bà Thanh vẫn tham gia điều hành công ty của chồng là Công ty Cường Hưng. Bà Thanh đã ký kết chấp thuận công ty này đầu tư dự án khu dân cư thương mại.
Ngoài ra, bà còn ký kết các văn bản không thuộc lĩnh vực phụ trách và không minh bạch trong kê khai tài sản.

'Không xứng đáng làm đại biểu của dân'

"Sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo, sao vẫn để bà Thanh là trưởng đoàn ĐBQH và cho đi tiếp xúc cử tri?" báo này dẫn lời một cử tri tên Hồ Ngọc Khản tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 6/10.
Một cử tri khác tên Hoàng Mai thì nói bà Thanh "tiếp xức cho chồng, không xứng đáng làm đại biểu của dân."
"Đại biểu do cử tri bầu ra nhưng khi bà Thanh không đủ phẩm chất của một đại biểu thì Quốc hội phải xử lý càng sớm càng tốt. Đừng để cử tri mất lòng tin và làm ảnh hưởng đến đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai," báo Tuổi Trẻ dẫn lời cử tri Đậu Văn Tạo.
Trả lời cử tri, Phó trưởng đoàn đại biểu, Bùi Xuân Thống nói: "Chị Thanh với tư cách trưởng đoàn sẽ do Ủy ban Thường vụ QH quyết định, còn ở tư cách đại biểu thì do QH quyết định. Chị Thanh còn là người của Ban Bí thư quản lý nên trường hợp của chị Thanh sẽ do Ban Bí thư và QH quyết định trong kỳ họp sắp đến".

Lấy ngân sách hỗ trợ dự án BOT của chồng

Năm 2013, bà Thanh ký giao cho Hợp tác xã An Phát, do ông Đỗ Tịnh, chồng bà thanh quản lý để làm dự án BOT, làm đường, lập trạm thu phí.
Bà Thanh ký văn bản dùng ngân sách để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án BOT.
Các doanh nghiệp khai thác đá ở khu vực này nói với bảo Tuổi Trẻ rằng đây là tuyến đường không nhất thiết phải làm BOT vì đầu tư không nhiều tiền, gây tăng chi phí đầu ra cho các đơn vị.
"Thấy bà Thanh ký giao cho Hợp tác xã An Phát của chồng bà làm BOT để thu phí là bất hợp lý nhưng không ai dám nói," báo này dẫn lời một doanh nghiệp đá.
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 6/10, bà Thanh vẫn tham gia với tư cách phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội nên có nhiều cử tri bức xúc lên tiếng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phải để bà Thu Nga khai việc ‘chạy’ đại biểu Quốc hội!


07/10/2017 - Theo các chuyên gia, TAND TP Hà Nội không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” là xử cắt khúc, là vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án.Như đã đưa tin, tại phiên xử cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt 350 tỉ đồng ngày 5.10, HĐXX TAND TP Hà Nội đã không cho bị cáo Thu Nga khai về việc chi 30 tỉ đồng để “chạy” ĐBQH. Tòa cho rằng nội dung này không thuộc phạm vi của vụ án, CQĐT đã tách hành vi này để điều tra, xử lý sau.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga sau giờ xét xử. Ảnh: Tuyến Phan
Xin giới thiệu ý kiến của hai luật sư (LS) về tình huống tố tụng hiếm có này.
LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa:
Tòa tự giới hạn quyền tư pháp của mình
Tôi cho rằng tòa án đã tự giới hạn quyền tư pháp của mình khi xét xử trong vụ án đặc biệt quan trọng này. Việc không cho bị cáo khai như thế sẽ dẫn tới khả năng bỏ lọt người, lọt tội về hành vi tham nhũng (đưa và nhận hối lộ). Vì chính cáo trạng thể hiện nội dung bà Thu Nga đã có lời khai tại CQĐT là bà đã chi 47,5 tỉ đồng để “chạy” dự án và ứng cử ĐBQH.

Kết luận điều tra thì quy kết bà đã chi 1,5 triệu USD (tương đương khoảng 30 tỉ đồng) để “chạy” làm ĐBQH. Như vậy, trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án này đã phát hiện ra dấu hiệu về tội phạm tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng và chưa có quyết định khởi tố vụ án. Ấy vậy nhưng các cơ quan tố tụng lại cho rằng “thời hạn điều tra đã hết, CQĐT đã ra quyết định tách hành vi này để điều tra và xử lý ở giai đoạn 2 của vụ án” là không đúng. Bởi luật tố tụng không có quy định tách hành vi xử lý sau, luật chỉ quy định tách hoặc nhập vụ án đã khởi tố.

Việc không cho LS hỏi, không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” là xử cắt khúc, tước bỏ quyền khai báo, mất cơ hội làm sáng tỏ sự thật vụ án. Nói cách khác, HĐXX đã vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, vi phạm nguyên tắc tranh tụng khi xét xử.

Nếu công khai, dân chủ, minh bạch trong xét xử, HĐXX phải để bị cáo khai báo, cung cấp tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi đang bị truy tố, xét xử hoặc tạo điều kiện để bị cáo tự thú, đầu thú về hành vi phạm tội khác chưa bị phát hiện, khởi tố.

Nếu có căn cứ, HĐXX hoàn toàn có thẩm quyền quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc quyết định khởi tố vụ án về hành vi tham nhũng để xử lý nghiêm minh. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho bị cáo khi họ ăn năn hối cải, tự nguyện khai báo.

Việc xử cắt khúc như vậy cho thấy tòa án chưa thực hiện hết quyền tư pháp, quyền bảo vệ công lý mà hiến pháp và BLTTHS đã trao cho.

LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP Cần Thơ:

Không đúng tinh thần cải cách tư pháp

Theo tôi, việc chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo Châu Thị Thu Nga để không được khai hoặc hạn chế nội dung khai báo có liên quan đến số tiền 1,5 triệu USD “chạy” vào ĐBQH tại phiên tòa xét xử công khai là chưa ổn. Bởi vì số tiền này là một phần tiền nằm trong tổng giá trị 348 tỉ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, cơ quan tố tụng đã có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD, thì việc tòa án hạn chế nội dung khai báo tại tòa là phù hợp. Vì nếu khai báo tại phiên tòa xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến bí mật điều tra và sẽ gây khó khăn cho CQĐT được quy định tại Điều 214 BLTTHS (quy định không được tiết lộ bí mật điều tra).

Thứ hai, cơ quan tố tụng chưa có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD mà thẩm phán hạn chế hoặc không cho bị cáo khai báo là chưa đúng. Trong khi tôi được biết hiện nay chưa có quyết định khởi tố.

Tòa án cần làm rõ số tiền bị cáo đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì để khắc phục, trả cho bị hại là cần thiết; trên cơ sở lời khai này, tòa có thể triệu tập thêm người tham gia tố tụng (nhận 1,5 triệu USD từ việc phạm tội mà có) để làm rõ.

Lẽ ra tòa cần phải làm rõ số tiền 1,5 triệu USD, nếu có đủ căn cứ việc đưa và nhận hối lộ thì tòa án có quyền khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2003.

Việc HĐXX hạn chế nội dung hỏi của LS và nội dung trả lời của bị cáo là vi phạm tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 đã minh định, ảnh hưởng không tốt đến dư luận đối với vấn đề có tính thời sự.

Số tiền “chạy” ĐBQH có liên quan đến vụ án

Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bà Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt 385 tỉ đồng (trong đó có 157 tỉ đồng chi không có chứng từ). Bà Nga lý giải trong 157 tỉ đồng này bà đã dùng 30 tỉ để “chạy” vào ĐBQH, 17,5 tỉ để “chạy” dự án. HĐXX cho rằng do hết thời hạn điều tra nên CQĐT đã tách khoản này để điều tra (giai đoạn 2). Từ đó HĐXX “cắt” không cho bị cáo trả lời câu hỏi của LS về khoản tiền này vì cho rằng khoản này không liên quan vụ án.

Nếu đã không liên quan vụ án thì cáo trạng phải tách khoản 47,5 tỉ ra khỏi tổng số 385 tỉ đồng đã cáo buộc bị cáo chiếm đoạt. Còn nếu đã quy kết bị cáo chiếm đoạt 385 tỉ đồng thì phải để bị cáo trả lời, làm rõ khoản chi 157 tỉ không có chứng từ, trong đó có 47,5 tỉ chi "chạy" dự án và "chạy" ĐBQH. HĐXX không xét hỏi làm rõ số tiền này, không cho bị cáo trả lời LS về khoản này là không minh bạch.

Ngãi Cứu (minhtam250…@gmail.com)
Thanh Tùng ghi
http://nguoidothi.net.vn/phai-de-ba-thu-nga-khai-viec-chay-dai-bieu-quoc-hoi-10405.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang