Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

( Bài tư liệu ):Trao đổi với Nguyễn Trung


Nguyễn Đình Cống
Vừa qua ông Nguyễn Trung đã công bố bài viết “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới”. Bài viết được nhiều người quan tâm, đánh giá cao. Đó là những kiến nghị tâm huyết và có giá trị của một trí thức, một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, còn nặng lòng với đất nước. Đối với tôi, Nguyễn Trung thuộc bậc đàn anh. Tôi yêu mến, kính trọng ông, đồng ý với ông về cơ bản và trong phần lớn đề xuất cụ thể. Tuy vậy có một vài tiểu tiết tôi chưa nhất trí được, xin nêu ra để ông và những ai quan tâm trao đổi thêm.
A- Một số điều tôi nhất trí và rất tâm đắc
Đó là các nhận xét sau: đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng… Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng tụt hậu xa hơn và yếu đi.
Thất bại đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa chà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ – quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc.
ĐCSVN hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử.
…ĐCSVN như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của ĐCSVN hôm nayđối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến,
Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc ĐCSVN như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.
Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử … Muốn tiến hành cải cách chính trị, đảng phải chủ động loại bỏ “chủ nghĩa Mác – Lênin” và ý thức hệ đi kèm…
Những điều tâm đắc còn nhiều nhưng xin tạm dừng.
B- Một số điều xin trao đổi vì chưa nhất trí
1- Nhận định “Cục diện thế giới hiện nay đặt nước ta vào tình thế nguy hiểm chưa từng có”,làm tiền đề cho đòi hỏi sinh tử của cải cách. Tôi nghĩ tình hình thế giới ảnh hưởng lớn đến chúng ta, nhưng đòi hỏi cải cách chính phải bắt nguồn từ tình hình trong nước, mà chủ yếu bởi các điều nêu trong mục A ở trên. Thảm trạng của đất nước như hiện nay do “Người trong nước tự gây ra” là chủ yếu. Thiên tai cũng có phần nặng nề, nhưng NHÂN TAI của NỘI XÂM đóng vai trò quyết định. Để cho đất nước rơi vào những thảm cảnh như hiện tại, những người, thế lực lãnh đạo và quản lý không thế chối bỏ trách nhiệm và tội trạng.
2- Sự học tập của toàn dân. Nguyễn Trung đề ra một biện pháp quan trọng để cải cách là “Đề cao việc học tập của toàn dân”. Điều này nhằm NÂNG CAO DÂN TRÍ. Đó là việc đúng cho thời gian lâu dài. Trước mắt để làm việc này có hiệu quả là rất khó. Học cái gì, tự học hay có ai tổ chức dạy? Có vài luật sư tổ chức lớp học về dân chủ và dân quyền đã bị bắt và kết án tù. Bản thân tôi, chỉ dạy môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và sáng tạo cũng bị ngăn cấm. Ngoài vấn đề DÂN TRÍ còn cần CHẤN HƯNG DÂN KHÍ. Tôi thấy một việc làm có hiệu quả hơn là TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI. Qua đối thoại giữa những người đang cầm quyền và những người phản biện, muốn cải cách sẽ đồng thời đạt một số mục tiêu, trong đó có nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí. Ngoài ra thì phải có được tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trước đây Nguyễn Trung rất hăng hái cổ vũ đối thoại, nhưng trong bài lại bị lu mờ. Vẫn biết rằng để có được đối thoại là rất khó, ông Võ Văn Thưởng nêu ra việc đối thoại chỉ nhằm xoa dịu chứ không thật lòng. Tuy vậy khi tổ chức được đối thoại rộng rãi thì tác dụng nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí sẽ tăng lên.
3- Ai làm cải cách? Viết hoặc nói rằng đảng phải làm việc nọ việc kia tưởng thế là rõ ràng nhưng thực ra rất mơ hồ. Làm việc này việc kia phải là những con người cụ thể. Trong toàn bài Nguyễn Trung chỉ viết chung chung là Đảng phải làm. Cuối bài ông có viết: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ… và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này”. Và ông viết tiếp: “tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!”.
Đảng được đại diện bằng Tổng bí thư và Bộ Chính trị. Khi có được một TBT và BCT có trí tuệ, tránh được sự vô minh, chủ động làm cải cách thì đó là điều tốt đẹp cho dân cho nước. Nhưng hãy nhìn kỹ vào nhân sự hiện tại xem có hy vọng gì không. Tôi thấy xác suất để ông Trọng và đa số trong BCT có được trí tuệ như mong muốn là rất thấp, chỉ dưới 1%. Vậy trong đảng chỉ có thể trông chờ vào một số đảng viên nào đó còn có lương tri, muốn làm và làm được người tử tế, có trí tuệ, có dũng khí, có lòng yêu nước chân chính. Những nhà hoạt động dân chủ nên hướng sự vận động vào những đảng viên như vậy, và các đảng viên đó nên tìm cách liên kết nhau lại, thành một lực lượng trong đảng để cứu đảng và cứu nước. Phải làm sao để trong đảng xuất hiện những Trần Xuân Bách, những Trần Độ, những Hoàng Minh Chính mới, họ không những tránh được vô minh mà còn biết làm tổ chức, biết tạo nên lực lượng để rồi nếu không cải cách được đảng này thì họ đứng ra lập đảng mới, đối lập.
4- Đảng của dân tộc. Đảng CS được định nghĩa là của giai cấp vô sản. Từ 1956 Khơrutsep đưa ra khái niệm ĐCS Liên xô là của toàn dân. Điều đó bị lên án mạnh mẽ, cho là xét lại. Nhưng rồi thực tế đã buộc ĐCS VN viết một điều đầy mâu thuẩn như sau: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc VN”. Bây giờ Nguyễn Trung muốn biến ĐCS thành đảng của dân tộc. Tôi cho như vậy không thể chấp nhận.
Một số lần tôi có viết ĐCS VN từ vai trò là đảng cách mạng, chuyển thành đảng cầm quyền. Để làm tốt nhiệm vụ mới này đảng phải có thay đổi từ gốc, vì giữa đảng cách mạng và đảng cầm quyền có mục đích và nhiệm vụ khác xa nhau. Đảng cầm quyền là một đảng chính trị.
Nếu xem rằng có một đảng chính trị nào đó là đảng của dân tộc thì dễ đề cao vai trò của nó, lại dễ đặt nó cao hơn mọi tố chức khác. Nếu có đảng đối lập với nó thì đảng đối lập đó dễ bị quy kết là phản dân tộc. Không, tôi không đồng ý khái niệm đảng chính trị của dân tộc. Đảng chính trị là tổ chức của những người có cùng chính kiến, cùng mục tiêu.
C- Vài lời cuối
Tôi vừa đọc xong một số quyển sách như Thất bại Lớn (Brzezínski), Trật tự thế giới (Kissinger), bộ sách về Phương pháp (Edgar Morin), Chết dưới tay Trung quốc (Peter Navarro), Giai cấp mới (Milovan Djilas)… xem xong 10 tập phim The Vietnam war… và ngẫm nghĩ, và tự hỏi: “Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân - Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. Vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng. Những câu như: Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên, Chẳng hay muôn sự tại Trời. Có Trời mà cũng có Ta, v.v. liệu đúng được bao nhiêu phần trăm? Có tìm thật đúng nguyên nhân gốc gác thì may ra mới tìm được biện pháp hữu hiệu cho những cải cách trước mắt và đường lối lâu dài.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắt nhầm!


Ông chủ tịch Quận quá hoảng sợ.
Bỏ cả cuộc họp bàn cách giải quyết bờ sông đang bị sụt lở, trôi hơn mười nhà dân.
Bỏ cả cuộc họp tìm cách di chuyển bãi rác khẩn cấp vì dân đang kiện bãi rác quá thối, gây ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa
Bỏ cả cuộc họp "khẩn" tìm ngay nguyên nhân trần nhà một công trình đang thi công, đổ sụp làm chết hai công nhân…
Ông vội triệu tập cuộc họp đột xuất, đầy đủ các ban ngành.
Trên địa bàn Quận vừa xảy ra một vụ việc mà theo ông, là quá nghiêm trọng.


… Thằng con ông chủ tịch thành phố vào quán cà phê ngồi, bị công an và dân phòng của Quận bắt. Sau một hồi căn vặn, không chịu nói tên, địa chỉ… thằng này bị “tẩn” một trận ra trò, rồi đưa lên “trung tâm hỗ trợ xã hội”… Mãi tối qua nó mới chịu nói…

Nó nói tên bố, mẹ, địa chỉ… Ban lãnh đạo “trung tâm hỗ trợ xã hội” vội báo cho ông Chủ tịch Quận biết.

Cuộc họp diễn ra rất khẩn trương.

Ông Chủ tịch Quận chỉ thẳng ông lãnh đạo công an Quận:

- Anh xem, lính nhà anh bắt người thế đấy! không bắt thằng nghiện, thằng ăn cắp … lại đi bắt ông con của ông Chủ tịch thành phố. Mà nó ngồi uống cà phê, có việc gì đâu mà bắt? ngu thế!

Ông lãnh đạo công an Quận vội thanh minh:

- Lính tôi hỏi, chứng minh thư đâu? Nó không thèm nói, lắc đầu, nhìn cười khinh khỉnh. Nhìn thế ai mà không tức chứ! Phải bắt và đánh thôi.

- Công an đánh người tự tiện vô luật pháp, quá nguy. Giờ anh đã thấy hậu quả chưa? Lính anh đánh nó thế nào ?– Giọng ông Chủ tịch Quận có vẻ quan tâm.

- Dạ… gần chục đấm vào ngực… đá hai phát vào đùi… một phát trúng chỗ hiểm… quá đau… nó mới chịu nói…

Ông Chủ tịch Quận, nghe vậy, ôm mặt than trời:

- Thế thì … nó kêu, rồi giãy mạnh lắm …đúng không?

Ông Phụ trách dân phòng Quận vội nói:

- Nó giãy và kêu thế nào được. Tôi cho mấy thằng dân phòng trói chặt cứng cả chân và tay của nó vào thành ghế rồi nhét giẻ vào miệng… cứ thế …lính tôi và bên công an…

Ông chủ tịch Quận không cho ông phụ trách dân phòng nói hết, đập bàn:

- Đánh ai thì được, đánh con ông Chủ tịch thành phố như thế thì chết tôi. May mà…Thế hiện tình của nó ra sao? Thả ra chưa!

Ông giám đốc “ Trung tâm hỗ trợ xã hội” vội thưa:

- Khi được điện của anh, bọn em vội thả nó ra. Trước khi thả bọn em đã xoa bóp những vết bầm do bị đánh, tắm rửa cho nó đàng hoàng, sạch sẽ. Hơn rất nhiều, so với trước lúc nó bị bị bắt. Đã vậy, bọn em trích trong quỹ “ phòng chống tệ nạn của trại” đưa cho nó mười triệu đồng. Ngoài ra – Ông này liệt kê cho ông Chủ tịch Quận thấy – Ban lãnh đạo yêu cầu mỗi cán bộ công nhân viên trong trại đóng góp một ngày lương, tổng cộng được hơn ba triệu, một trăm mươi lăm ngàn cho thêm thằng bé…

- Thái độ của nó thế nào ? – Ông Chủ tịch Quận hỏi.

Ông giám đốc “Trung tâm hỗ trợ xã hội” trả lời, giọng hồi hởi:

- Nó rất vui, cầm tiền ánh mắt lộ vẻ sung sướng, không một chút oán hận. Nó còn nói: “ Các ông cứ yên tâm, chuyện này tôi sẽ không nói cho bố tôi biết. Các ông còn yên tâm nữa, số tiền này đủ cho tôi “sướng” đến ông nội của bố tôi tìm tôi cũng không ra…”. Nó cầm tiền, thuê tắc xi đi rồi

Nghe vậy ông Chủ tịch Quận thở ra có vẻ mãn nguyện:

- Tôi nghe anh nói thế cũng yên tâm, nhưng chúng ta cũng phải tuyệt đối rút kinh nghiệm chuyện này. Không phải cái gì “hớ” một tý cũng bắt, cũng đánh. Chết có ngày! Giờ thì …

Vừa lúc đó, điện thoại của ông Chủ tịch Quận có chuông reo.

Ông vội cầm máy lên.

Trong máy điện thoại vang lên giọng của ông Chủ tịch thành phố:

- Quận của anh đang giữ thằng con trai của tôi phải không?

- Dạ! Đúng…! – Giọng của ông Chủ tịch Quận xoắn xít – Nhưng…!

- Các anh giữ nguyên nó đấy cho tôi! Nó bỏ học, cả nhà tìm nó mấy hôm nay rồi. Nó đang bị bọn xấu lôi kéo. Các anh giữ nguyên nó đấy, không cho đi đâu. Nếu thả nó ra, là các anh không xong với tôi đâu!

Ông Chủ tịch thành phố cúp máy cái “ Rụp”.

Trần Kỳ Trung
(FB Trần Kỳ Trung)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Michelle Võ nạn nhân vụ xả súng Las Vegas


https://baomai.blogspot.com/
Bà Michelle Võ, một cư dân thành phố Los Angeles là một trong 59 nạn nhân vụ xả súng tại Las Vegas 1/10/2017.

Bà Michelle Võ, 32 tuổi, một cư dân thành phố Los Angeles là một trong 59 nạn nhân vụ xả súng tại Las Vegas vào tối ngày 1/10, theo đài truyền hình Fox và NBC.

Theo trang Columbus Dispatch, ông Kody Robertson có quen với Michelle và đã cùng bà dự buổi ca nhạc vào đêm Chủ Nhật định mệnh.

Ông nói khi tiếng súng nổ ông ngã lên người Michelle, trong khi bà quỵ xuống vì đã trúng thương.

https://baomai.blogspot.com/

Ông Kody và nhiều người khác đưa Michelle ra khỏi địa điểm hỗn loạn và thực hiện hô hấp nhân tạo CPR. Sau đó đưa bà lên xe chở đến bệnh viện.

Kody Robertson nói ông chỉ mới quen với Michelle. Họ đã cùng nhau đi dạo, nhảy múa, và vui cười.

https://baomai.blogspot.com/

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Columbus khi còn ở Bệnh viện Sunrise ở Vegas sáng thứ Hai 2/10, Kody cho biết ông đang chờ tin tức về tình trạng của Michelle.

Vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, Kody nhận được tin rằng Michelle không qua khỏi. Bà là một trong số ít nhất 59 người chết trong vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.

Nhà chức trách cho biết có ít nhất 527 người khác bị thương trong vụ xả súng.

https://baomai.blogspot.com/

Ông Rody nán lại bệnh viện thêm một đêm để chờ gia đình Michelle Võ.

Theo trang Linkedin, Michelle là người Mỹ gốc Việt, nói tiếng Việt thông thạo. Bà là nhân viên của công ty bảo hiểm NYLife Securities.

Trước đó bà học trung học ở trường Indepence, thành phố San Jose, California, và trường đại học California Davis.

https://baomai.blogspot.com/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những người thầm lặng giải cứu Apollo 13


https://baomai.blogspot.com/ 

Hai ngày sau khi hành trình đi tới Mặt Trăng bắt đầu, thảm họa giáng xuống tàu không gian Apollo 13. Một bộ phim đã tìm hiểu về câu chuyện đầy kịch tính này, và nhà du hành vũ trụ Jim Lovell nhớ lại những nỗ lực phi thường nhằm đưa phi hành đoàn trở về.

https://baomai.blogspot.com/

Ngày 14/4/1970, phi hành đoàn trên chiếc phi thuyền Apollo 13, gồm Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise, đang trong ngày thứ hai của hành trình tới Mặt Trăng. Mọi thứ có vẻ suôn sẻ.

Vào đầu ngày, tại trạm kiểm soát đặt ở Houston, chuyên viên giữ liên lạc với khoang phi hành (capsule communicator - Capcom) là Joe Kerwin báo rằng phi thuyền "hoàn toàn ổn", và nói đùa với phi hành đoàn rằng "chúng tôi buồn muốn khóc ở đây."

Thật ra, lần thứ ba đáp xuống Mặt Trăng của Nasa đã hoàn toàn không dự đoán trúng tâm lý công chúng.

https://baomai.blogspot.com/

"Mọi người không mấy quan tâm," Lovell (năm nay đã 89 tuổi) nói. "Trên mặt báo, người ta chỉ thấy thông tin về hành trình của Apollo 13 đăng trên mỗi trang tin thời tiết, chỉ có vậy thôi."

Sau khi đã bay được 55 giờ 46 phút, phi hành đoàn kết thúc phần nói chuyện trực tiếp qua truyền hình với Trái Đất. Họ vừa cho khán giả tham quan một vòng buồng điều khiển và bộ phận đáp xuống Mặt Trăng. Thế nhưng không một kênh truyền hình lớn nào tiếp sóng và phát đi đoạn video đó.

https://baomai.blogspot.com/
Jim Lovell (trái) nói rằng công chúng khi đó đã bắt đầu coi chương trình chinh phục không gian của Hoa Kỳ là nhàm chán

"Giới truyền thông không có ai ngồi tại trung tâm kiểm soát cả," Sy Liebergot, người có nhiệm vụ ngồi đằng sau thiết bị điều khiển Eecom nói. "Họ thấy là công chúng không quan tâm tới việc đang có hành trình bay vào không gian rồi đáp xuống Mặt Trăng."

Khi đó chỉ vừa mới học xong đại học, Liebergot là một trong số hàng chục chàng trai trẻ, đa phần ở độ tuổi ngoài 20, được tuyển vào vị trí ngồi theo dõi, kiểm soát sứ mệnh chinh phục vũ trụ. Là người chịu trách nhiệm theo dõi các hệ thống hỗ trợ khẩn cấp cho tàu Apollo, ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu Mission Control: The Unsung Heroes of Apollo.

Chris Kraft là người phát triển ra nguyên tắc cần theo dõi các chuyến bay có chở theo phi hành đoàn từ một phòng đơn lẻ bằng một chuỗi những mệnh lệnh rõ ràng. Ông là người đã mài giũa ý tưởng về việc phải có thử nghiệm hàng không. Kraft coi việc điều khiển hành trình bay như một dàn nhạc giao hưởng, trong đó các bộ phận riêng rẽ được kết nối với nhau bởi một nhạc trưởng, mà trong trường hợp này thì nhạc trưởng chính là Giám đốc Chuyến bay (Flight Director).

https://baomai.blogspot.com/

Mọi mệnh lệnh được đưa thông qua 'Chuyến bay' và được nối với các phi hành gia thông qua một Capcom đơn lẻ - thường là một phi hành gia. "Chúng tôi ngồi ở Trái Đất nhưng biết về tàu vũ trụ và cách hoạt động của nó nhiều hơn là phi hành đoàn trên tàu," Liebergot nói.

Những gì có thể làm đều đã được làm nhằm loại bỏ những bối rối nhầm lẫn hoặc chồng chéo lộn xộn trong quá trình ra quyết định. Trên thực tế thì kịch tính là thứ cuối cùng mọi người muốn phải chứng kiến.

"Mười ba," người phụ trách liên lạc với Capcom là Jack Lousma nói trước khi phi hành đoàn tới lúc nghỉ đêm. "Chúng tôi có thêm một thứ cần các anh làm ngay khi có thể: Chúng tôi muốn các anh khuấy các bể chứa cryo lên."

https://baomai.blogspot.com/
Hành trình của Apollo 13 lẽ ra sẽ là chuyến đáp xuống Mặt Trăng lần thứ ba của con người

Những bể chứa này, được đặt trong khoang dịch vụ của chiếc phi thuyền, là phần thuộc trách nhiệm theo dõi của Liebergot. Chúng lưu giữ oxy và hydro, là các thành phần sẽ được chuyển hóa thành điện và nước trong ba bộ pin, qua đó cung cấp điện cho khoang phi hành và nước uống cho các phi hành gia.

Việc chỉ dẫn bật theo định kỳ các chân vịt để khuấy bể chứa là nhằm đảm bảo chất lỏng trong bể nhiên liệu được trộn đúng cách, qua đó đảm bảo các thiết bị đo sẽ đọc được chính xác các chỉ số.

https://baomai.blogspot.com/

Swigert bật công tắc các chân vịt. Hai phút sau, có một tiếng nổ và chuông báo động chính vang lên.

Ở mặt đất, Liebergot đang trong tiếng đồng hồ cuối cùng của phiên trực tám tiếng, và là người đầu tiên phát hiện ra trục trặc. "Dữ liệu nhảy điên loạn, có rất nhiều xáo trộn diễn ra liên tục trong phòng," ông nói. "Chúng tôi không biết là mình đang nhìn thấy cái gì nữa."

Phiên làm việc tám tiếng đó rốt cuộc đã chỉ kết thúc sau đó ba ngày.

"Houston, chúng tôi gặp trục trặc ở đây," Lovell nói với trung tâm kiểm soát. "Tôi thấy có vẻ như nhìn ra chỗ cửa hầm thì chúng tôi đang xả ra cái gì đó. Chúng tôi đang xả ra không trung thứ gì đó."

https://baomai.blogspot.com/
Phần hư hại của chiếc tàu vũ trụ được nhìn rõ khi phi hành đoàn trôi ra xa, trên phần module được thiết kế để đáp xuống Mặt Trăng

Sự việc trở nên rõ ràng, rằng đó không phải là lỗi của thiết bị đo đạc từ xa.

"Khi vụ nổ lần đầu tiên xảy ra, chúng tôi không biết là điều gì đã xảy ra," Lovell nói. "Cho mãi tới khi tôi thấy khí oxy thoát ra và nhìn thấy trên bảng điều khiển là chúng tôi đã mất toàn bộ khí oxy ở một bể chứa trong lúc đang tiếp tục mất nhanh ở bể chứa thứ hai, thì tôi nhận ra rằng chúng tôi gặp chuyện tồi tệ nghiêm trọng rồi."

Các kênh truyền hình đổ xô tới tìm kiếm thông tin, các chương trình phát sóng bị gián đoạn để đưa tin về trung tâm kiểm soát, Giám đốc Chuyến bay Gene Kranz đã chỉ đạo đội ngũ của mình "giải quyết vấn đề". Tất cả mọi người trong phòng điều khiển được lệnh chỉ nói chuyện qua bộ tai nghe gắn microphone, gọi cho các nhân viên hỗ trợ của mình để tìm hiểu xem trục trặc phát sinh ở chỗ nào.

"Chúng tôi chưa bao giờ vấp phải tình huống là không thể đưa được phi hành đoàn còn sống trở về," Liebergot nói. "Đó không phải là cách làm việc của những người kiểm soát chuyến bay."

https://baomai.blogspot.com/
Nhóm kỹ thuật làm việc từ trạm kiểm soát đã làm việc liên tục không nghỉ để tìm phương án đưa phần module mong manh trở về Trái Đất

Nhưng ở cách xa 322 ngàn km và vẫn trên đường bay ra xa Trái Đất hơn nữa, Lovell không chắc lắm về điều này. "Chúng tôi không có bất kỳ giải pháp nào để đưa tàu trở về, hay chính xác là cần phải làm gì," ông nói. "Đó có lẽ là điểm tinh thần mọi người xuống rất thấp trong chuyến bay, khi mà chúng tôi không rõ là liệu mình có thể quay trở về Trái Đất được hay không."

Là người chịu trách nhiệm về những hệ thống đang có vấn đề, vai trò của Liebergot lúc này là phải nỗ lực giữ lại được càng nhiều oxy càng tốt để có thể cấp năng lượng cho chiếc phi thuyền bị hư hại được lâu nhất. Chiến lược của ông, theo đó sử dụng các bước khẩn cấp trong trường hợp pin cấp nhiên liệu bị hỏng, là bắt đầu giảm bớt năng lượng cấp cho phi thuyền bằng cách giảm bớt mức tiêu hao đối với bộ pin nhiên liệu còn lại.

https://baomai.blogspot.com/

"Nhiệm vụ là tìm cách giữ cho bộ pin nhiên liệu tại module điều khiển hoạt động được đủ lâu để các phi hành gia có thể chuyển sang khoang đáp xuống Mặt Trăng và làm cho các hệ thống đó hoạt động," ông nói. "Và đó là điều chúng tôi đã thực hiện thật đúng tuần tự, đúng trình tự xử lý trục trặc để giúp cho bộ pin đó hoạt động được lâu hơn."

Trong vũ trụ, phi hành đoàn không khoanh tay ngồi chờ chỉ dẫn. Họ đã bắt đầu dịch chuyển để kết nối đầy đủ với khoang đáp xuống Mặt Trăng, tuy Lovell nhanh chóng nhận ra rằng mọi sự sẽ không mấy dễ chịu.

https://baomai.blogspot.com/
Bất chấp những lo lắng về chuyện dù có thể không bung ra, phần module đã trở về Trái Đất được an toàn

"Khoang đáp xuống Mặt Trăng rất mỏng manh," ông nói. "Nó chỉ được thiết kế để phục vụ cho hai người trong vòng hai ngày, trong lúc tôi nhận thấy chúng tôi gồm ba người và cần bốn ngày để quay về."

"Chúng tôi cuối cùng nhận ra rằng chúng tôi sẽ không thể đáp xuống Mặt Trăng được, sứ mệnh thế là đã hỏng," Liebergot nói. "Quyết định được đưa ra là phi hành đoàn sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng để tìm cach trở về Trái Đất."

Trong những ngày tiếp theo, những người kiểm soát chuyến bay làm việc liên tục - chỉ tranh thủ chợp mắt ít phút ngay tại bàn mỗi khi có thể - để tìm cách đưa phi hành đoàn Apollo 13 trở về.

https://baomai.blogspot.com/

Có đủ thứ vấn đề cần phải xử lý. Họ lên kế hoạch là cứ để cho thiết bị đẩy cháy liên tục, và tìm ra cách để duy trì sự sống cho các phi hành gia - dùng một vỏ nhựa, một chiếc tất cũ và băng keo để gắn cố định chiếc máy lọc carbon dioxide hình vuông từ module điều khiển vào các hốc tròn đặt máy lọc ở bộ phận đáp xuống Mặt Trăng.

"Đó là sự phối hợp kỳ diệu giữa hai nhóm," Lovell nói. Không nhóm nào có được một khoảnh khắc dễ thở.

"Một nhóm ngồi trong phòng kiểm soát tiện nghi, uống cà phê nóng và hút thuốc lá, nhưng có nhiệm vụ phải tìm ra các phương án đưa chúng tôi trở về... và nhóm thứ hai trong một chiếc phi thuyền lạnh lẽo, bị hư hại, có nhiệm vụ thực thi thật chính xác các quyết định mà nhóm kia đưa ra."

https://baomai.blogspot.com/
Sự trở về thành công của module khiến cả trạm kiểm soát bùng lên vui sướng

Ngay cả khi nhóm Eecom của Liebergot tìm được cách để cấp lại năng lượng để khoang chứa phi hành đoàn có thể quay trở về Trái Đất an toàn thì cũng không có gì đảm bảo là các phi hành gia sẽ sống sót.

Trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, nhóm kiểm soát hành trình buộc phải hy sinh nguồn điện nhằm giữ ấm cho các hệ thống dù. "Nếu như các pháo phóng dù bị hỏng," Lovell nói, "chúng tôi có thể sẽ bay quá nhanh, không thể sống sót được nếu đáp xuống mặt nước."

Chỉ cho tới khi vào ngày 17/4, khi khán giả xem truyền hình trên toàn thế giới nhìn thấy buồng capsule của Apollo 13 treo dưới ba chiếc dù rơi xuyên qua những tầng mây rồi rớt xuống Thái Bình Dương thì những người làm việc tại trạm kiểm soát mới chắc rằng họ đã thành công. Phi hành đoàn trở thành những anh hùng quốc tế. Sau khi những điếu xì gà ăn mừng thắng lợi được chuyền tay nhau trong phòng kiểm soát, Liebergot và nhóm Eecom của ông về nhà đi ngủ. Vào ngày sau, họ trở lại làm việc, lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo.

https://baomai.blogspot.com/
Cuộc giải cứu thành công ba phi hành gia khiến cho chương trình chinh phục không gian của Hoa Kỳ lại xuất hiện trên trang nhất các báo

Ngày nay, chúng ta hầu như sẽ luôn nhìn thấy cả phụ nữ chứ không chỉ có nam giới ngồi sau các thiết bị điều khiển, kiểm soát các chuyến bay, nhưng những nguyên tắc mà Chris Kraft đặt ra ban đầu từ thời thập niên 1960 thì vẫn được giữ nguyên. Mỗi sứ mệnh chinh phục không gian là một nỗ lực của cả nhóm. Đằng sau mỗi phi hành gia có hàng trăm người làm việc hết mình để đảm bảo phi hành đoàn còn sống trở về Trái Đất.

https://baomai.blogspot.com/

Và, nói như Lovell thì sứ mệnh của Apollo 13 vẫn hiện diện trong những giờ đồng hồ đẹp nhất của nó. "Nhìn lại sau nhiều năm suy nghĩ về sự kiện này," ông nói, "thì vụ nổ trên Apollo 13 có lẽ là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra đối với chương trình chinh phục không gian."




Richard Hollingham

https://baomai.blogspot.com/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tác giả trẻ gốc Việt thắng giải thơ Anh quốc


https://baomai.blogspot.com/ 
Ocean Vương - tác giả 28 tuổi, người Mỹ gốc Việt - giành giải Felix Dennis, một giải thưởng thơ quan trọng nhất Anh quốc.

Mới đây, Ocean Vương nhận giải Felix Dennis - một giải thưởng thường niên được mệnh danh là “Oscars trong lĩnh vực thi ca”. Phần thưởng trị giá 5.000 bảng Anh (khoảng 131 triệu đồng). Giải thưởng này được trao để tôn vinh tập thơ đầu tay của Ocean Vương - tập Night Sky with exit wounds.

https://baomai.blogspot.com/

Andrew Marr - trưởng ban giám khảo - ca ngợi Ocean Vương thực sự là một “giọng nói đáng kinh ngạc”. Ông nói: “Táo bạo và phong phú về hình ảnh, Night sky with exit wounds là một tập thơ đầu tay vô cùng hoàn hảo bởi một tài năng phi thường’.

Trước khi đoạt giải Felix Dennis, tập thơ Night Sky with exit wounds tạo một dấu ấn nhỏ ở Mỹ, khi bán chạy bất ngờ so với cách một tập thơ được đưa ra thị trường. Báo chí Mỹ cũng dành nhiều lời ngợi ca tập thơ này.Theguardian viết về Night Sky with exit wounds: “Mãnh liệt, tinh tế, hình ảnh vượt thời gian… tập thơ cho thấy bóng dáng một bậc thầy về sự liên tưởng”

https://baomai.blogspot.com/

Ocean Vương sinh năm 1988 tại ngoại ô Sài Gòn. Năm hai tuổi anh cùng gia đình tới Connecticut, Mỹ sống. Anh trải qua một thời gian dài vật lộn với tiếng Anh trước khi có thể sử dụng thuần thục ngôn ngữ này.

https://baomai.blogspot.com/ 

Tuổi thơ của anh sống trong cảnh khó khăn, trong một gia đình chỉ toàn phụ nữ gồm bà, mẹ và các dì. Bởi vậy,  gia đình, truyền thống và văn hóa Việt có ảnh hưởng nhất định tới Ocean Vương.

https://baomai.blogspot.com/

Anh từng nói: "Giọng nói của gia đình tôi vang lên trong đầu mỗi khi tôi nói, tôi viết..." 

https://baomai.blogspot.com/

Vương theo học Đại học Brooklyn với bằng Cử nhân Văn học Anh thế kỷ 19.  Lúc còn ngồi ghế giảng đường, anh thường viết thơ trên các tấm bưu thiếp và tặng cho bạn bè. Cho tới khi gặp nhà văn Ben Lerner, anh được biết viết lách có thể là một nghề chuyên nghiệp.

https://baomai.blogspot.com/

Ocean Vương được đánh giá như một cây bút triển vọng, nhận nhiều giải thưởng và khen tặng của các quỹ nghệ thuật, Hiệp hội nhà văn Mỹ. Năm 2016, Vương nhận giải Whiting Award trị giá 50.000 USD cho thể loại thơ.

Trước đó, anh nhận giải thi sĩ trẻ Stanley Kunitz Memorial cho nhà thơ trẻ năm 2012, giải thưởng Pushcart Prize năm 2013…

https://baomai.blogspot.com/

Thơ của Ocean Vương xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí Mỹ như The New York Times, Kenyon Review, The Nation, New Republic, The New Yoker…

https://baomai.blogspot.com/

Tới nay có ba cuốn sách của Ocean Vương đã xuất bản: Burning (2010), No (2013),  Night sky with exit wounds (2016).




Tần Tần

image



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự nghèo nàn của văn hóa sách ở Việt Nam



       VIẾT VỀ TÌNH TRẠNG CỦA NHỮNG CON ĐƯỜNG BẢO ĐẢM GIAO THÔNG ĐI LẠI Ở NƯỚC VIỆT NAM TRUNG THẾ KỶ, MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU NƯỚC NGOÀI ĐÃ DÙNG ĐẾN HAI CHỮ ẤU TRÙNG.

       Tôi nghĩ rằng cũng có thể  dùng hai chữ ấy để mô tả tình trạng của sách vở ở ta từ xưa tới nay 
       Gần như dân ta chưa biết làm sách, lại càng không tạo ra được một không gian có ý nghĩa tinh thần cho sách tồn tại và phát triển.   
        Sự nghèo nàn của văn hóa sách Việt Nam là một căn bệnh kéo dài kinh niên trong lịch sử.
1. Văn hóa Việt Nam thường được miêu tả qua các phương diện như tín ngưỡng tôn giáo lễ tiết, thi cử, các ngành nghệ thuật, rồi phong tục tập quán, các nghề thủ công, nhà ở, đồ ăn thức uống.
     Giở những cuốn lịch sử văn hóa quen thuộc từ Việt Nam văn hoá sử cương (1938) của Đào Duy Anh, qua Văn minh Việt Nam (1943) của Nguyễn Văn Huyên, Hiểu biết về Việt Nam (1954) của P.Huard và M.Durand, không đâu người ta thấy nói tới nghề làm sách và vai trò của sách trong xã hội.

   Bắt đầu từ quan niệm  Đọc lướt qua các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, thấy những chữ lên ngôi, thiết triều, hạ chiếu, chinh phạt, khởi loạn, rồi ban thưởng, xướng họa,... đầy rẫy và lặp đi lặp lại dày đặc bao nhiêu thì chữ sách, đọc sách, soạn sách, dịch sách hiếm hoi bấy nhiêu. Chưa một triều đại nào trong quá khứ có thời giờ nghĩ nhiều đến sách và coi sách là việc lớn của vương triều mình.

    Phải công nhận trong khi ghi chép và phân loại thành tựu văn hóa trong quá khứ, Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đi xa hơn cả. Tác giả đã dành cả một chương mang tên văn tịch chí ghi lại sách vở các đời.

    Thế nhưng đó vẫn không phải là lịch sử sách, càng không phải là sự trình bày quan niệm về sách, vai trò của sách vở trong đời sống của người Việt. Mà lý do chính là vì trong xã hội bấy giờ, những ý niệm này chưa xuất hiện, tác giả có muốn cũng không làm được.

    Trong khi đó chỉ cần đọc lướt qua những cuốn lịch sử những nước có nền văn hóa phát triển người ta thấy ở xứ người, sách đã được quan niệm đầy đủ ra sao và  được dành cho một vị trí như thế nào. Sự ra đời của những cuốn sách lớn được ghi nhận như những cái mốc lớn lao đánh dấu thành tựu của cộng đồng trong việc chinh phục thiên nhiên và tự nhận thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình.

    2. Đi vào cụ thể một số mặt trong văn hóa sách.
   Về kiểu loại sách: Nếu trên phương diện kinh tế, hàng hóa chúng ta sản xuất ra đã  quá nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại thì ở sách cũng có tình trạng tương tự. Sách được hiểu chủ yếu là các tập thơ tập văn. 
    Trong khi đó, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, xuất bản phẩm có nghĩa rộng hơn nhiều, sách thường tổ chức theo một hệ thống thể loại chặt chẽ, bao gồm đủ loại từ các biên khảo, các sách biên niên sử, rồi từ điển và bách khoa thư. Việc làm một cuốn sách một bộ sách có khi được người ta dành cho cả một đời người.

   Về nội dung sách: Trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam đã chỉ rõ trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm mà lại bị làm cho tầm thường đi. 
     Tức theo Phan Ngọc, đây chỉ là một nền xuất bản phục vụ cho việc học để làm quan! 
       Trong số 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn lại là nói về các thổ sản. Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử các ông thành hoàng các nghề...

 Bảo quản giữ gìn sách: Sau khi được sao chép ra với số lượng ít ỏi, sách chỉ có cuộc sống ngắn ngủi.
    Ta hay đổ cho nước ngoài - rõ nhất là thời kỳ quan quân nhà Minh sang đô hộ - tịch thu và tiêu hủy nhiều sách của ta. Song theo Phan Huy Chú, trước đó sách từng là nạn nhân của những cuộc khởi nghĩa, khi Thăng Long bị cướp phá, sách vở đã bị đốt rất nhiều.
   Về sau này, trong các thế kỷ XVII- XVIII, cho tới XIX , tình hình cũng chẳng khá hơn đến mức hai nhà nghiên cứu người Pháp là L. Cadiere và P.Pelliot đã khái quát “ không ở đâu mà cái gia tài kiến thức của một dân tộc  lại tan biến nhanh như vậy”( dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, lời mở đầu của sách  Lịch sử nội chiến ở VN từ 1771 đến 1802 – SG  1973)

  Giao lưu với nước ngoài  Một phương diện nữa đánh dấu sự phát triển của văn hóa sách một quốc gia là khả năng quốc gia đó trao đổi sách vở cùng các tài liệu in ấn  nói chung với quốc gia khác, tức là vấn đề xuất nhập khẩu sách (từ đây mở đường cho những cuốn sách lớn trở thành tài sản chung của nhân loại).

    Trong một tài liệu viết về thư tịch chữ Hán ở Nhật Bản (in trên tạp chíNghiên cứu văn học ra ở Hà Nội số 4-2008), tôi thấy người ta cho biết triều đình Nhật có cả một Thư viện gọi là Văn khố hoàng gia, sau gọi làSảnh thư, chuyên cất giữ sách Trung Quốc. Một văn khố khác mang tênVăn khố Hồng diệp sơn hoặc Văn khố nội các, hoặc Quốc lập công văn thư quán, đến nay còn lưu giữ 185.000 quyển. Đại khái có thể ước tính 50% điển tịch đời Tùy, 51,25 % điển tịch đời Đường đã được nhập vào xứ sở Phù Tang.

    Tài liệu trên còn đưa ra một con số: tới đầu thế kỷ XIX từ 70 đến 80% sách in ở Trung Quốc đã được chuyển sang Nhật. Mà ở Trung Quốc sách in ra lúc đó đã tới 100.000 loại (loại chứ không phải cuốn ).

    Còn ở Việt Nam thì sao? Trên tôi đã nói là sử ta không mấy khi nhắc tới việc buôn bán trao đổi sách.
     Chỉ đọc cuốn Lịch sử Đông Nam Á của D.G.E.Hall, một  giả người Anh ( lần đầu in ở SG trước 1975, 1994 được in lại ở HN)  tôi mới thấy ghi thời thế kỷ XVII, chúa Trịnh từng có lệnh cấm truyền tay sách Trung Quốc (sách này do những người Tàu nhập cư mang vào).
     Sang đến đời Nguyễn vua quan có chú ý hơn tới việc học hỏi Trung Hoa qua sách vở, nhưng chưa thể nói là đã có một chủ trương, đừng nói là có một cách tổ chức hợp lý, cho việc du nhập sách ở nước ngoài . Đây cũng là tình trạng giao lưu văn hóa bị hạn chế ở ta suốt thời trung đại.

    Có lần tôi được nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngày xưa các vị quan đi sứ, khi về hàng hóa bị kiểm tra rất ngặt nghèo, chỉ có hai thứ được khuyến khích là thuốc quý và sách.
     Nhập hàng theo lối tiểu ngạch như vậy, mà lại nhỏ giọt, nên khi mang về sách trở thành quá ư là quý hóa, thường người mang về chỉ giữ cho riêng mình.
     Tệ nhất là trường hợp nhiều vị trong số các sứ giả ấy  –  vốn không hề có ý thức rằng mình là sứ giả văn hóa – có được sách  mang về liền giấu giấu diếm diếm  rồi thuổng luôn của người ta, lấy của người làm của mình hoặc coi đó làm mẫu, mô phỏng theo. Một đôi khi người có sách lại  kín kín hở hở mang ra khoe nhưng chỉ là để trộ thiên hạ và làm giá cho bản thân.
     Sách ngoại như vậy là chết luôn sau khi vào xã hội Việt, hỏi còn đâu vai trò kích thích việc làm sách trong nước.

VTN

Phần nhận xét hiển thị trên trang