Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Lưu lại một bài của tôi đăng trên VIỆT VĂN MỚI NEWVIETART

Cửa Đá
Đã Được Viết Như Thế Nào?
(Một vài suy nghĩ nhân đọc tiểu thuyết Cửa Đá của Vũ Xuân Tửu)
HỒNG GIANG
Đã có nhiều bài viết về hai tiểu thuyết gần đây của nhà văn Vũ Xuân Tửu (Cửa Đá và Cõi mê). Gần đây nhất có bài Cửa Đá là gì? của nhà văn Trần Huy Vân, đăng trên trang mạng Trannhuong.com. Một bài viết khá tỉ mỉ, phân tích sâu sắc theo quan điểm mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tác giả đi sâu vào nội dung, kết cấu, bố cục của truyện theo lối truyền thống, với đôi chút băn khoăn về dụng ý của nhà văn?
Bài viết này, chỉ nên coi như một vài ý kiến góp thêm vào. Người viết không muốn nhắc lại những vấn đề người khác đã quan tâm, mổ xẻ. Như vậy là lặp lại, nhàm và không cần thiết. Phải nói ngay, Cửa Đá là một cuốn sách khó đọc đối với một số người, nhất là độc giả thông thường; người chưa quen với những đổi mới, cách tân trong văn học gần đây; người còn xa lạ với lý thuyết “hậu hiện đại”, “hiện tượng học”, hoặc còn lăn tăn rằng, “văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam” liệu đã có, đã hình thành hay không? Nó đã gây một cú sốc, băn khoăn cho không ít độc giả.
Đã có một nhà văn tương đối nổi tiếng, nói cảm nhận của mình: “Có lẽ thằng này điên, đọc nó, tao không hiểu nó viết cái gì nữa. Đang chuyện nọ xọ sang chuyện kia, nhảy cóc lung tung, đứt gãy và rời rạc. So với Chúa Bầu, Chuyện trong làng ngoài xã (tái bản Chuyện làng), cuốn này hỏng”. Một nhà văn đã từng ẵm mấy cái giải còn nói thế, mà chưa rõ “hỏng” như thế nào? Nhưng nói Cửa Đá là tiểu thuyết khó đọc là chuyện không ngoa. Một số người khác lại quá nhấn mạnh “yếu tố huyền ảo” trong những tác phẩm gần đây của Vũ Xuân Tửu. Điều này tất nhiên là đúng, không sai, nhưng không là tất cả. Yếu tố huyền ảo hay ám dụ, phúng dụ chỉ là cách thể hiện của nhà văn theo lối hậu hiện đại, một chuyện không còn phải bàn cãi trong văn học đương đại.
Vũ Xuân Tửu đã có một số tác phẩm viết theo “hiện thực xã hội chủ nghĩa” thành công. Anh từng đạt nhiều giải thưởng cao, cho những tác phẩm của mình. Vũ Xuân Tửu cẩn thận đến từng câu chữ, ý tứ, thận trọng từng chi tiết. Trên bàn viết của anh, luôn có các cuốn từ điển. Không thể nói nhà văn viết hồ đồ, vội vã, hoặc thiếu sót về mặt này mặt khác được. Chưa có nhà văn nào tỉ mỉ hơn Vũ Xuân Tửu. Khi anh viết “Chúa Bầu”, còn mang theo cả thước, cả máy ảnh đi theo, chụp ảnh đo đạc từng viên gạch xây thành. Xin lưu ý là những viên gạch ấy đã chìm xuống lòng sông Lô, hay dưới lớp đất bồi ven sông. Viết “Cõi mê” tác giả còn thuê thuyền đi trên hồ Thác Bà, rồi trèo lên núi Cao Biền, tìm dấu vết thời Nhà Bầu- Vũ Văn Mật”. Chu đáo và cẩn trọng với từng chi tiết như vậy, rất ít người viết làm được.
Sẽ có người nói, đúng mãi cũng có thể đến lúc sai, tài mãi phải đến lúc dở! Cũng có thể như thế với một số người tự cao tự đại, thỏa mãn với thành công của mình, sinh ra kiêu ngạo. Với Vũ Xuân Tửu, một nhà văn “dấn thân” cho cái hay, cái đẹp, cho tìm tòi, sáng tạo chưa và chắc chắn không xảy ra điều đó! Anh viết là do nhu cầu đổi mới chính mình phù hợp với xu thế chung của thời đại, với tâm thế và trách nhiệm của nhà văn đối với cuộc sống đang diễn ra bao điều khó nói hiện nay. Nói anh là nhà văn “dấn thân” là việc hiển nhiên. Đã có không ít lời bàn ra tán vào, thậm chí xì xào thế này thế khác về dụng ý sáng tác của nhà văn. Có người mang cả những quy phạm cũ kỹ, lỗi thời để áp vào khi đọc tác phẩm gần đây của Vũ Xuân Tửu. Rất may là trong xu hướng đổi mới và cởi mở hiện nay, những ác ý ấy không còn đất, không còn tác dụng nữa. Nó chỉ là lời ong tiếng ve, mập mờ, lấp lửng chỗ bàn trà, quán nước. Không còn khả năng “kích hoạt” biện pháp chính quyền, như đã từng xảy ra vài chục năm trước. Khi mà người ta nhầm vai trò và công việc nhà văn với người làm công tác tuyên truyền.
*
Thời thế nào thì văn chương nấy. Nhà văn bất kì thời đại nào cũng không thể né tránh bổn phận nhập thế của mình. Trước một thế giới đầy rẫy nguy cơ do khủng hoảng, lạm phát, đổ vỡ niềm tin, tha hóa và xuống cấp về đạo đức và nhiều vấn nạn như hiện nay, nhà văn buộc phải có cái nhìn khác, cách cảm, cách nghĩ và cách viết khác. Nếu như anh không muốn quay lưng lại với độc giả của mình. Người đọc ngày nay, nhất là tầng lớp trẻ không còn ấu trĩ, non kém như xưa. Người ta không dễ dàng chấp nhận những những tác phẩm hời hợt, nông cạn, xa rời những gay cấn của thời đại mình. Chưa bao giờ yêu cầu dấn thân của người viết lại gay gắt như lúc này.
Anh ta chỉ có hai cách lựa chọn: một là, cứ đi theo lối mòn cũ, đã có sẵn những tấm biển chỉ đường với những quy phạm cũ không còn hợp thời, và véo von những bài ca đi cùng năm tháng. Đây là lối thoát an toàn, không phải lo lắng gì. Cho dù nó không mang đến kết quả đáng kể nào trong lòng người đọc. Xa chút nữa là không đáp ứng được tinh thần và mong muốn thời đại;
hai là, chọn con đường mới bắt đầu khai mở, còn gồ ghề, còn lắm ý kiến bàn cãi và đáng chú ý nhất là còn nhiều thách thức, thậm chí nguy hiểm. Nó chưa có chuẩn mực hay bất cứ khuôn mẫu nào.
Éo le thay, điều đó lại luôn luôn là tính đặc thù, đặc biệt của văn chương. Văn chương không có khám phá, sáng tạo chỉ là những bản sao mờ của cuộc sống. Tệ hơn nữa nó tạo cho người ta thói quen cù lần, xa rời thực tế. Thậm chí ru ngủ đánh lừa người ta, chối bỏ thái độ cư xử cần thiết cho số phận mình, số phận dân tộc.
Khi mà “Những câu chuyện cuộc đời”, những “Đại trần thuật”, “Đại tự sự” không còn đáng tin cậy, những đổ vỡ khủng hoảng lòng tin, về những giá trị cần có câu hỏi và câu trả lời. Những huyền thoại một thời xem ra kém thuyết phục, văn chương cần có “câu chuyện của mình”.
Từ những suy nghĩ như vậy, ta sẽ không ngạc nhiên, không khó hiểu khi đọc Cửa Đá.
Tiểu thuyết không có tuyến nhân vật “ta”, “địch” rạch ròi. Không theo trình tự lớp lang, không “khắc họa tính cách nhân vật” theo lối thường. Chỉ có nỗi ám ảnh tâm trí, nỗi hoài nghi khắc khoải về thời thế. Nó giải thiêng huyền thoại lịch sử dân tộc mình. Là người Việt Nam, bình tâm một chút, hẳn không ai lại muốn lịch sử dân tộc mình chỉ là huyền thoại. Nói trắng ra là nó rất mơ hồ mung lung. Chỉ đáp ứng nhu cầu tình cảm theo lối ngây thơ hồn nhiên. Lịch sử phải là lịch sử có tính khoa học chính xác. Năm đó, ngày tháng đó, xảy ra chuyện gì? Người ta sống ra sao? Ăn mặc thế nào? Độ tin cậy và chính xác là bao nhiêu? Không thể nói mơ mơ đại khái “Chuyện con rồng cháu tiên” thế được. Và nguyên nhân thất sử của cả một giai đoạn dài của đất nước là vì đâu? Cửa Đá bằng lối viết phúng dụ, pha chút hài hước, châm biếm mang đến cho ta câu hỏi này. Nếu không để ý đến ý tứ này của nhà văn, người ta sẽ nghĩ tác giả viết ngồ ngộ, nôm na quá. Làm sao mẹ trái đất vĩ đại lại hao hao giống củ khoai tây móm méo được? Những câu chuyện của ếch nhái, sâu bọ nói lên điều gì? Và Cửa Đá là cái cửa gì vậy? Phải chăng đó là những hạn chế thời đại, hạn chế của cõi nhân sinh, đặt ra câu hỏi đằng sau nó có gì? Có cách nào để qua không, hay lại lẩn quẩn trở về chỗ “Thoạt kì thủy” ban đầu, với hình ảnh hàng bầy rồng tái xuất hiện hàng trăm năm sau?
Câu chuyện của ngài chuyên viên Mộc, ông ta đọc không biết bao nhiêu là sách theo lối chủ quan, phiến diện tưởng mình cái gì cũng biết hết rồi, mà kiến giải cuộc đời, trả lời những câu hỏi cụ thể lại không sâu sắc bằng anh chủ quán chuyên nghề mổ chó! Điều này nghe phi lí, nhưng lại có thật!
Rất nhiều câu hỏi về thời thế, về nhân sinh quan đặt ra trong tác phẩm này. Tôi chỉ lưu ý tâm thế của nhà văn, lựa chọn khám phá và quyết tâm dấn thân của tác giả.
Cái mới bao giờ cũng phải đối mặt với sự thách thức của nghi kị, ghen tức thậm chí cả với sự thờ ơ của một số người.
Tôi nghĩ, Vũ xuân Tửu trước khi bắt tay vào viết Cửa Đá, anh đã chuẩn bị tâm thế này.
Rất may, mọi chuyện xảy ra suôn sẻ. Tác phẩm của anh đã được công chúng chấp nhận và ủng hộ. Thành công của nó đến đâu hẳn mọi người đã biết.
Tôi rất tâm đắc với chi tiết trong một tác phẩm khác của anh: “Đến đây, đoạn đường sắt có hai thanh ray, một trái một phải kết thúc. Người ta phải đi trên những bánh xe tròn bơm hơi, tự chọn lối cho riêng mình.”
Nói Cửa Đá có phải theo khuynh hướng “Hậu hiện đại” hay không, còn là câu chuyện dài. Mong sao tác giả thành công trong lựa chọn dấn thân của anh!
Xóm Cây Vông, ngày đầu năm 2013
Nguồn: VIỆT VĂN MỚI NEWVIETART DO TỪ VŨ SÁNG LẬP NGÀY 18.8.2004 TẠI PHÁP
( newvietart@gmail.com hoặc newvietart@yahoo.com )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HÀO KHÍ THÀNH NAM


(Truyện ngắn của Đỗ Trường)
Đêm Thượng Nguyên, trăng tròn như cái vành thúng được ai đó treo lên bầu trời. Những cơn gió thôi lùa qua những vách nứa nơi đầu hồi. Đất trời dường như ấm trở lại. Khách khứa, bà con xóm làng đến chia vui, tiễn đưa tân cử nhân Doãn Khuê vào kinh thành thi Hội đã ra về. Làng Ngoại Lãng, tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương trở về với cái tĩnh lặng của miền đồng quê.
Đóng cổng, quay lại Khuê châm thêm nước vào ấm. Trà tỏa ra mùi hương thanh dịu. Nước đã ngấm, Khuê hai tay nâng tách trà đi về phía góc phản, nơi tân Tổng đốc Định- Yên, kiêm Tuần phủ Hưng Yên Doãn Uẩn còn ngồi đó. Khuê chưa kịp mời, Uẩn đã hỏi:
-Chú định khi nào vào Kinh?
Khuê đứng thẳng người:
-Thưa bác cả, ngày mốt em sang Nam Chân, chào thày Ngô Thế Vinh. Có lẽ, ở lại đó vài ngày, rồi cùng Phạm Văn Nghị xuôi Kinh ạ.
-Ừ, chú định vậy cũng phải. Đi sớm một chút có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị khoa thi sẽ tốt hơn.
Đỡ tách trà từ tay Khuê để xuống phản, Uẩn rút chiếc túi trong tay áo ra và bảo:
-Khoa thi này, tuy triều đình đã lo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử, nhưng đường xa, lạ nước lạ cái, cũng cần phải chi tiêu. Ta có chút ít lộ phí, mong chú nhận cho.
Tuy là anh em con chú bác, nhưng Uẩn lớn hơn Khuê đến gần hai con giáp. Khuê mồ côi cha mẹ từ tuổi lên mười, do vậy được Uẩn chăm sóc, bảo ban, thúc giục việc học hành. Từ ân tình ấy, lúc nào Khuê cũng coi trọng Uẩn như một người anh cả, một người cha đỡ đầu vậy.
Khựng lại, dằn cơn xúc động, Khuê mới ngập ngừng:
-Cảm ơn bác cả…nhưng…
-Còn nhưng gì nữa! Cả chục năm chinh chiến, ta may mắn được triều đình bổ nhiệm làm Tổng đốc Định- Yên, năm nay mới được ăn Tết ở nhà. Chú cũng vất vả về đại gia đình ta nhiều rồi. Hãy cầm lấy, lo cho tốt việc thi cử, có vậy ta mới được yên lòng. Gặp thày Ngô Thế Vinh, và Phạm Văn Nghị, nói cho ta gửi lời thăm hỏi…
Năm Mậu Tuất 1838, niên hiệu Minh Mạng thứ 19, cùng với người bạn Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê vượt qua hai khoa thi Hội, thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tròn 25 tuổi, Khuê là tiến sĩ trẻ nhất khoa thi ấy. Năm sau, Khuê được phong quan Hàn lâm viện biên tu, và sau đó được bổ nhiệm tri phủ Ứng Hòa…
Giải quyết xong những bê bối của phủ nha mà người tiền nhiệm để lại, Khuê đến ngay làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa thăm người bạn Dương Quang. Dù đã biết trước, nhưng Quang không ngờ Khuê đến nhà thăm sớm như vậy. Là bạn, nhưng hiện Khuê đã là quan ở phủ nhà, vợ lại vừa lâm bồn làm cho Quang một chút bối rối. Tuy nhiên, gặp nhau cái chất mộc mạc, tình nghĩa của Khuê đã xua tan suy nghĩ ấy trong Quang. Trong lúc khật khừ, Quang bảo:
-Nhà vừa sinh trưởng nam, mỗ tôi chưa đặt tên. Nhân Tri phủ đến chơi cho cháu cái tên, thì thật may mắn lắm.
Đặt cốc xuống mâm, Doãn Khuê cười:
-Tiểu đệ vừa lập gia thất, cũng còn bỡ ngỡ lắm. Tuy nhiên, việc học cũng lấy làm hanh thông, thôi thì cứ lấy tên tiểu đệ đặt cho cậu cả vậy. Hậu sinh khả úy, sau này Dương Khuê* đỗ Giải nguyên, Hoàng giáp không chừng.
Quang nhìn Khuê xem chừng cảm động lắm:
- Quan tri phủ làm thế này, thật là ban phúc đức cho gia đình vậy.
Quang với cút định châm thêm tửu, Khuê đã vội xua tay:
-Bác lượng thứ, tửu lượng có hạn, hôm nay tiểu đệ đến đây cũng có việc muốn nhờ vả đấy!
- Có chi, xin Tri phủ cứ nói. Làm được mỗ tôi xin dốc lòng.
-Tài trí của bác, trước sau triều đình cũng vời gọi. Tuy nhiên phủ nha hiện rất cần người. Nếu được, mời bác ra giúp tiểu đệ một thời gian.
Trầm ngâm một lúc, Quang bảo:
-Qủa thật, gánh nặng cha mẹ già, thêm thê tử còn dại, chưa thể ra giúp ngay, nhưng mỗ tôi sẽ tiến cử một người có trí dũng cho Tri phủ. Người này, tính tình khí khái, học hành khá, đặc biệt võ công rất thâm hậu, nhưng không muốn thi cử để tìm công danh. Nghe nói, hắn là hậu duệ của Ức Trai tiên sinh.
Nghe vậy, Khuê mừng lắm, hỏi:
-Tên gì, nhà ở đâu?
- Tên Nguyễn Bá, ở làng bên, nhưng Tri phủ phải thân hành đến đó tốt hơn.
-Được…được, sau đây chúng ta sẽ đến đó…
Với tính cương trực, liêm khiết, cùng với sự trợ giúp của Bá, trong một thời gian ngắn, Khuê đã ổn đời sống, sinh hoạt của người dân Ứng Hòa sung túc, và đi vào nề nếp một cách rõ rệt. Năm Thiệu Trị thứ nhất 1841, Khuê được bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử biên thùy phía Bắc, đạo Lạng- Bình.
Lúc này, dân Nam Kỳ liên tiếp nổi loạn. Ngoài biên, dân Chân Lạp nổi dậy chống đối quan lại Đại Nam cai trị. Tướng trấn thủ Trương Minh Giảng nhùng nhằng chưa thể dẹp yên. Vua Thiệu Trị nghe lời khuyên của Đô thống Tạ Quang Cự bỏ Trấn Tây Thành. Buộc tướng trấn thủ Trương Minh Giảng phải rút quân về An Giang. Hay tin Khuê cho rằng, đây là việc làm rất bất lợi, nên lập tức viết tấu biểu can ngăn Thiệu Trị: “…Nếu ta rút quân, chắc chắn giặc Xiêm sẽ không bỏ lỡ cơ hội, quay lại lấy Trấn Tây Thành làm bàn đạp tấn công Đại Nam. Nguy cơ chiến tranh bùng nổ, và chiến trường sẽ ở ngay trên đất Đại Nam ta. Do vậy, hạ thần xin bệ hạ cử ngay một tướng quân giỏi chiến trận cũng như cai trị, an dân sang giúp Trương Minh Giảng giữ vững Trấn Tây Thành. Đó là lá chắn vững chắc cho phía Tây Nam Đại Việt ta. Được như vậy, thì thật may mắn lắm thay. Xin bệ hạ soi xét kỹ.“
Là một Hoàng đế nhân từ, nổi tiếng thi ca, nhưng không có tầm nhìn, ít có tham vọng mở mang bờ cõi, do vậy khi nhận được tấu biểu của Khuê, Thiệu Trị đã gạt bỏ. Không những vậy, ông còn cho bỏ luôn cả phủ Quảng Biên và Khai Biên.
Một tin sét đánh. Hoàng đế đã tự chặt tay của mình, Khuê buồn rầu lẩm bẩm như vậy.
Chiều biên cương mây mù đã giăng kín lối. Mờ mờ bên kia sườn núi những vỉa đá nhọn hoắt đâm thẳng lên nền trời. Gió từ phía Bắc thổi về đập vào vách đá, kêu u oa như tiếng sáo diều bị nghẹt lỗ. Khuê trầm ngâm bên đống đơn từ kiện tụng. Chợt người lính vệ đi vào:
-Bà Nguyễn Thị Ngũ chủ thương điếm Ngũ Thị, tìm Giám sát ngự sử muốn có điều bẩm báo ạ.
- Cho bà ta vào.
Ngũ Thị là người đàn bà khoáng đạt, nhân từ. Thị có thương điếm hầu hết các tỉnh, từ Hà Nội lên Thái Nguyên và đến Lạng Bình. Thị đã hiến nhiều của cải, vật chất cho triều đình mỗi khi đất nước có thiên tai, hoặc chiến tranh, giặc giã. Đã nghe tên, tỏ lòng mến phục Ngũ Thị ngay từ khi còn ở trong Kinh đô, nên Khuê đứng dậy, ra cửa đón.
Khi Khuê kéo ghế mời, Thị xin phép được đứng. Có lẽ, cơn u uất trong người còn chưa tan hết, bởi Thị vừa từ nơi Trưởng quan ty bố chính đến. Khuê chưa kịp hỏi, Thị đã đi thẳng vào việc:
-Thưa quan, hạ dân là phận đàn bà, đến thưa gửi, kiện tụng thì thật không nên. Nhưng không thể không đến, bởi gần đây, Trưởng quan ty bố chính Đậu Thậpép các thương điếm phải vào bang hội. Và trưởng cái bang hội này là người Quảng Tây đội lốt dân Việt, do Trưởng quan ty bố chính sắp đặt. Giá cả, hàng hóa đều do người này ấn định. Có một vài thương điếm không chịu gia nhập đã bị bắt giữ, và tịch thu gia sản. Nguy hiểm, và dã man hơn nữa, họ còn dùng bọn thảo khấu, được gọi là một thứ âm binh mới để đánh, giết người, nếu chống đối. Theo hạ dân biết, cái bang hội này chỉ là cái vỏ bọc cho Trưởng quan ty bố chính cấu kết với quan Lãnh binh Lê Thất buôn bán thuốc phiện, hàng cấm qua biên giới mà thôi. Sự qua lại rất mờ ám với Trung Quốc của chúng là điều lo ngại cho an ninh Đại Nam ta. Mong quan lớn soi xét, điều tra, cứu lấy các thương điếm và dân chúng nơi đây.
Khuê lắng nghe, rồi hỏi Ngũ Thị:
-Các ngươi đã trình báo lên tuần phủ chưa?
-Dạ, thưa rồi, nhưng mỗi lần trình báo là một lần bị âm binh đánh đấm, đe dọa. Bây giờ bọn hạ dân có nhử kẹo kéo cũng không dám đến quan tuần phủ nữa đâu ạ.
-Thôi, ngươi cứ yên tâm về, ta sẽ điều tra, trình báo triều đình và xử lý thỏa đáng.
Trời đã khuya. Khuê ngồi bó gối lặng im trong bóng tối. Đĩa đèn dầu vẫn cháy, nhưng không thể xuyên thủng màu đen như ken trước mặt. Nguyễn Bá ướt sương đêm, từ trong bóng tối chui ra:
- Bác chưa đi nghỉ sao?
Khuê bảo:
-Ông chưa về sao ta ngủ được.
Cởi áo treo lên cột nhà, rồi Bá ngồi xuống cạnh Khuê:
-Qủa thực, tên Đậu Thập, Trưởng quan ty bố chính đã cấu kết với Lê Thất, Lãnh binh buôn bán thuốc phiện, hàng cấm qua biên giới. Điểm tập kết của chúng khi thì kho bang hội, lúc khu lãnh binh. Hai tên này là hung thần, nỗi khiếp đảm của lương dân khu vực biên giới phía Bắc này.
Người Khuê run lên, hai tay bóp chặt tay vào thành ghế:
-Như vậy đã rõ. Ta sẽ viết tấu biểu về triều đình ngay. Và chúng ta âm thầm điều tra tiếp. Về thân thế hai tên này, hồ sơ có trong văn khố, chắc ông đã đọc?
- Dạ, mỗ tôi đã biết.
Đậu Thập thực ra là họ Nguyễn, người tỉnh Hà Nội, xuất thân từ nghề hoạn lợn. Đầu năm 1830, Thập bỏ sang Trung Quốc theo Minh giáo (Mani giáo) và đổi thành họ Đậu. Năm 1833 Thập về nước, được một Lại mục ở phủ Tổng đốc Thái Nguyên nhận làm con nuôi. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) nhờ có chút công trong vụ dập tắt sự nổi dậy chống triều đình của Tri châu Bảo Lạc Nông Văn Vân, nên Thập đã được triều đình ban thưởng, cất nhắc. Khi được bổ nhiệm lên đạo Lạng Bình, Thập được giới thiệu làm quen với Lãnh binh Lê Thất. Thất người Thuận Hóa, xuất thân từ tên đốn củi, rồi làm cai mỏ cho triều đình nhà Thanh. Sau này không rõ, bằng cách nào, và từ đâu Thất được bổ nhiệm làm Lãnh binh thuộc phủ biên ải này. Bộ Lại nhiều lần đặt nghi vấn, điều tra, nhưng chưa thể kết luận.
Trong ba tháng, Khuê dâng liền ba biểu tấu, nhưng buồn thay, hoàn toàn không nhận được hồi âm từ phía triều đình. Thập và Thất buôn bán thuốc phiện, hàng quốc cấm, và đánh, giết người ngày càng công khai, trắng trợn. Sự lộng hành ấy, làm cho Khuê không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi, nên bèn gọi Bá vào bàn:
- Bọn Thập và Thất chắc chắn có đồng đảng đứng sau, không chỉ trong phủ, đạo này, mà còn trong triều đình nữa. Do vậy, đến hôm nay, ta vẫn chưa nhận được chiếu chỉ. Và dù có chiếu chỉ, chúng ta khó có thể xử tội chúng ở đây, bởi vây cánh đồng đảng, cũng như không ngoại trừ thế lực bên kia biên giới. Nên ta muốn ông chọn ra một số người can đảm, võ nghệ tinh anh trong đám lính vệ, cùng tập luyện, lựa thời cơ bắt hai tên này, rồi âm thầm đưa về phủ Thái Nguyên. Ta có thể liên lạc với người bạn Tô Trân hiện đang lãnh chức Án sát sứ ở đó. Làm việc này, tuy vừa lòng dân, nhưng trái với qui chế của triều đình. Chắc chắn ta sẽ mang trọng tội. Mấy năm làm quan, ta cũng tiết kiệm được khoản tiền, ông cầm lấy, xong việc đưa gia đình đến một nơi nào đó sinh sống. Ông không phải là người của triều đình, sẽ không bị truy cứu đến đường cùng đâu. Ta biết, đã làm khó cho ông, nhưng quả thật không còn cách nào khác.
Lời của Khuê đã làm cho Bá thực sự xúc động:
-Sao bác lại nói vậy. Mấy năm qua, không chỉ vì việc công mà mỗ tôi theo bác, nhục vinh cũng đã trải qua. Tình như thủ túc. Mỗ tôi sợ chết, tính toán thiệt hơn thì đâu có theo bác. Việc này, bác đừng để trong lòng. Chúng ta cùng làm, hậu quả cùng gánh. Tuy nhiên, bác không đáng phải làm như vậy. Nếu bác cho phép, ngay đêm nay, mỗ tôi cho mỗi thằng một dao. Chỉ có giời biết, đất biết. Đó như là một sự trừng phạt tội ác mà bấy lâu nay chúng đã gây ra cho nhân dân, và đất nước vậy…
-Không được… không được, chúng ta làm vậy, khác gì thảo khấu. Chết thằng Thập, Thất này, sẽ có thằng Thập, Thất khác lên thay. Bởi không vạch được tội, không xóa được tận gốc băng đảng của chúng. Do vậy, bằng bất kỳ hình thức nào, chúng ta đưa được chúng ra công đường xét xử, đó mới là sự trừng phạt thật sự. Cái giá phải trả, ta đã xác định trước rồi.
- Vâng! Đã hiểu, mỗ tôi sẽ có cách bắt hai thằng giặc già, và đồng đảng, mang về phủ Thái Nguyên cho bác…
Chờ khi Bá đã bắt được Thập và Thất đưa về Thái Nguyên an toàn, Khuê mới viết lời giải thích sự việc cho tri phủ và phó Lãnh binh Hoàng Văn Bình,,+*-. Quan tri phủ là người nhu nhược, nên lặng im chờ phán quyết của triều đình. Giai là kẻ cơ hội, với Thập và Thất chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Hơn nữa Giai là thuộc hạ cũ của Tướng quân Doãn Uẩn, anh của Khuê, do vậy cũng án binh bất động.
Và đúng như dự đoán của Bá, chỉ có bọn âm binh, bè đảng kéo xuống định giải cứu Thập và Thất. Nhưng Bá và lính vệ vây bắt sống hết. Bọn âm binh già dái non hột này, chỉ một trận đòn của Bá khai tuốt tuồn tuột những tội ác của Thập, Thất và băng đảng.
Được sự trợ giúp của Án sát sứ Thái Nguyên Tô Trân, Khuê mang Thập, Thất và đồng đảng ra xét xử, có đầy đủ vật chứng và nhân chứng. Không thể phủ nhận tội ác, nhưng vin cớ, Khuê chỉ có quyền giám sát, không được quyền xét xử, khi chưa có chiếu chỉ của triều đình, Thập và Thất chống lại phiên tòa. Khuê quát: Triều đình ở xa, chiếu chỉ chậm trễ là chuyện thường. Các ngươi ăn lộc của dân, nhưng cướp của, giết dân, buôn bán thuốc phiện, cấu kết với ngoại bang tàn phá đất nước. Ta thay mặt triều đình giám sát vùng biên ải này, không thể không bắt các ngươi trị tội. Chưa có chiếu của triều đình, nhưng ta có chiếu của dân, làm theo ý dân. Khuê lập tức tuyên phạt Thập, thất và những tên tay sai ngoại bang, trực tiếp giết người tội chém đầu.
Được canh phòng khá cẩn mật, nhưng âm binh của Tổng đốc Lưỡng Quảng nhiều lần vượt biên giới, giả dạng đột nhập nhà tù nhằm giải cứu Thập và Thất. Tuy thất bại, nhưng chúng giết chết một số lính vệ, làm Bá bị thương. Sợ có biến cố, do vậy, bất ngờ mùa thu năm 1842, Khuê cho chém ngay Thập và Thất, dù đã nhận được Thánh chỉ, chờ Bộ hình thẩm tra lại.
Tuy tấu biểu của Khuê trình bày, giải thích rõ ràng, Thiệu Trị vẫn nổi giận lệnh cho Bộ hình bắt Khuê về trị tội: Riêng tội kháng chỉ, đủ để ta lấy đầu nó. Thiệu Trị hất tung cả chiếc bàn trước mặt.
Bọn đại thần Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế xúm vào can ngăn. Lúc sau Thiệu Trị mới nguôi giận, bảo: Đầu cho gửi tạm ở đó, từ nay ta không muốn nhìn thấy mặt nó nữa. Nhưng đến cuối năm 1842 không hiểu thế nào, Thiệu Trị chỉ giáng Khuê xuống bốn cấp, bổ nhiệm làm giáo thụ ở phủ Xuân Trường. Và Tô Trân điều về Kinh làm Toản tu ở Quốc Sử Quán.
Dường như, những tháng cuối cùng của cuộc đời, Thiệu Trị càng có những việc làm, quyết sách kỳ cục. Bức màn đêm phủ kín cả triều đình. Khuê hoàn toàn chán nản, mất lòng tin. Vào mùa hè năm 1847, Khuê dâng biểu từ quan.
Nghe tin, Doãn Khuê mở trường, học trò khắp nơi đến xin học. Buộc Nguyễn Bá phải giúp Khuê dựng thêm nhà ở cho học trò. Trường Đại Tập Thành Nam do Bá đặt tên được Khuê gật gù khen hay.
Sau Tết Nguyên Đán 1854, đám học trò chưa trở lại, chỉ còn Khuê và Bá ngồi nhâm nhi bên mâm cơm cúng hóa vàng. Ngoài trời, cơn mưa phùn như đang rây bột trải lên con đường làng. Mới về chiều, nhưng bóng tối đã kéo đến rất gần. Bóp bép như có tiếng chân người đang vào ngõ. Bá đang định đứng dậy, một nam nhân đã bước vào cửa. Khuê chưa nhận ra, nam nhân ấy đã chắp tay:
-Thưa thày, con là Phạm Văn Hàm, thứ nam của Hoàng giáp Tam Đăng. Năm mới thầy con sai con sang chúc tết, và gửi cho thày phong thư ạ.
Nghe Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Khuê vội đứng dậy:
- Chà chà, mấy năm ta không gặp, con đã là một người đàn ông thực sự rồi. Đường xa…đường xa, ngồi xuống ăn uống chút gì cho ấm cái bụng đã.
Khuê với tay lấy đĩa đèn dầu, mở thư cắm cúi đọc, rồi ngẩng đầu lên bảo:
-Hoàng giáp tuy là đồng khoa thi, nhưng là bạn của thày ta. Một người có nhân cách lớn, ta kính trọng. Tết Thượng Nguyên này, Hoàng giáp mời ta xuống Trại Sỹ Lâm, mục sở thị nơi cửa biển Đại Nha đang được khai khẩn. Nếu muốn, ta có thể cùng Hoàng giáp lập ấp, mở mang cửa biển này. Đây cũng là ước nguyện của ta từ lâu. Con về nói lời đa tạ của ta đến Hoàng giáp. Tết Thượng Nguyên nhất định ta sẽ xuống.
Bọn học trò Nguyễn Quang Bích*, Phạm Huy Quang, Bùi Viện… muốn được tự khiêng võng đưa thày xuống trại Sỹ Lâm. Nhưng Khuê bảo, ta sẽ đi bộ, các con ở lại bảo ban nhau, chăm chỉ đèn sách. Ta sẽ quay về sớm thôi. Nói rồi, Khuê chỉ dẫn theo Bá và thứ nam Doãn Vị, cùng một số tráng đinh.
Nhìn trại Sỹ Lâm bước đầu Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đã khai phá xong, Khuê ưng lắm. Dẫn Khuê ra ấp Một của trại, Nghị bảo, ta đã viết khế ước tặng cho ông phần đất phía đông này. Có thể nói, đây là khu đất ít phèn, đẹp nhất của trại Sỹ Lâm. Khuê cảm động, vái tạ Nghị: Tiểu đệ thật may mắn, phước đức nhận được ân huệ từ Hoàng giáp.
Để Bá tạm thời ở lại giúp Doãn Vị, Khuê quay về chiêu mộ dân. Hay tin, điền chủ, gia đình học trò của Khuê cũng xuống tham gia khai hoang, mở đất, mở trường khá đông. Và từ một cái làng Thư Điền, Khuê khai phá, mở ra các làng Tây Thành, Chí Thiện khác, thuộc tổng Sĩ Lâm, huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng.
Năm 1861, Tự Đức thứ mười lăm, đất nước hai đầu giặc giã, chiến tranh. Miền Nam, Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Đông, ngoài Bắc giặc trong nước cấu kết với phỉ Thái Bình thiên quốc nhà Thanh đánh phá Tây Bắc, qua vùng ven biển Đông Bắc, xuống giáp gianh đồng bằng. Cùng đó, khoa thi Hương ở Sơn Tây thiếu người có khả năng làm quan chủ khảo, càng làm cho Tự Đức lo lắng hơn, nên hỏi Đại học sĩ Trương Đăng Quế:
-Ai có thể làm quan chủ khảo khoa thi Hương này?
Im lặng trong giây lát, rồi Quế bật nhớ ra:
-Thưa bệ hạ, còn một người tài năng, dũng trí không kém Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị.
-Ai? Tự Đức chộp lấy hỏi.
- Đó là Doãn Khuê. Hiện nay Khuê đang dạy học và cùng Nghị khai khẩn đất đai vùng cửa biển Đại Nha, phủ Nghĩa Hưng.
-Có phải Khuê đã từng làm Giám sát ngự sử thời Tiên đế và là em cố Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô ngự sử Doãn Uẩn.
- Dạ, thưa đúng vậy.
Như trút được gánh nặng, ngay trong ngày Tự Đức hạ chỉ, bổ Khuê làm Đốc học Sơn Tây, kiêm quan chủ khảo khoa thi Hương.
Nhận chiếu chỉ, Khuê buộc phải để thứ nam Doãn Vị lo công việc khai hoang, đèn sách giao cho bọn Nguyễn Quang Bích, Phạm Huy Quang, lên đường nhậm chức. Khoa thi Hương vừa hoàn tất, bọn phỉ nhà Thanh (giặc Thanh) đánh chiếm xuống tận các phủ Vĩnh Tường, Quốc Oai. Khuê liền dâng biểu lên triều đình cho tuyển mộ các cử nhân, tú tài, thủ dõng, thí sinh khoa thi Hương vừa qua cùng tham gia đánh giặc. Được sự đồng ý của triều đình, các sĩ phu, tráng đinh tham gia rất đông đảo. Khuê chia binh thành ba đạo. Đạo thứ nhất đích thân Khuê cùng Bá tiến đánh phủ Vĩnh Tường. Đạo thứ nhì do Doãn Chi con cả của ông đánh chiếm lại phủ Quốc Oai. Đạo thứ ba do thứ nam Doãn Giốc, và người cháu Doãn Trứ truy kích bọn tàn quân đang đóng chiếm Hạ Hòa. Cùng lúc cả ba đạo quân đánh tái chiếm, giặc Thanh chống cự không nổi, bỏ chạy. Khuê ra lệnh truy kích đến cùng. Lúc này, mặt trận Thái Nguyên cũng giao tranh ác liệt. Tri phủ Doãn Chính (con Doãn Uẩn) cháu của Khuê đang bị giặc Thanh vây hãm tại Phú Bình. Được tin, Khuê cấp báo cho Doãn Chi, và Doãn Giốc phải san binh thành ba đạo. Đạo thứ ba do Doãn Trứ chỉ huy, thay ông tiếp tục truy kích giặc. Còn đích thân Khuê và Bá lên Phú Bình giải cứu Doãn Chính. Đến nơi, giặc Thanh vừa chiếm được Phú Bình. Khuê cho phục binh ở ngoài. Chờ đến đêm giặc say sưa mừng vui chiến thắng, không đề phòng, Bá dẫn quân cảm tử đánh thẳng vào trung quân. Tên chủ tướng ngơ ngác, chưa kịp nhận biết quân nào, và từ đâu đến, đã bị Bá chém bay đầu. Bị bất ngờ, và chủ tướng đã chết, nhưng giặc chống cự quyết liệt. Bá múa đao vun vút lao vào. Lưỡi đao đi đến đâu đầu giặc rụng đến đó. Giặc kinh sợ, tìm đường tháo chạy, nhưng bị phục binh của Khuê ở ngoài giết và bắt sống hết. Nghe nói, sau trận này bọn phỉ nhà Thanh nghe tên Nguyễn Bá đều vãi linh hồn.
Vào thành, Khuê mới hay, do bị vây hãm hết lương thực nhiều ngày, không được tiếp tế, cứu binh, sức lực đã cạn kiệt Doãn Chính đã nhảy xuống sông tuẫn tiết. Ngay trong đêm, Khuê đốt đuốc chạy xuôi theo con nước tìm Chính. Tiếng khóc than, như lời tạ tội với Doãn Uẩn, khi không cứu được Chính của Khuê vẳng lên trong đêm làm cho các nghĩa sĩ ai cũng phải rơi lệ.
Lúc này, Tổng đốc Tam Tuyên Bùi Ái bị thương và mất, mọi sự việc đều do Khuê gánh vác. Tự Đức xuống chiếu cho Khuê thụ chức Tổng đốc Tam Tuyên và Bá lĩnh chức Lãnh binh. Nhưng Khuê và Bá dâng biểu, chỉ nhận tạm thụ phong, hết chiến tranh sẽ về dạy học. Tháng chín năm 1862 Khuê lần lượt đánh chiếm lại bốn phủ, huyện Thanh Ba, Lâm Thao, Yên Lập, Văn Chấn, và bắt sống, xử tử tại chỗ hai tướng giặc. Trong khi đó hai cánh quân của Doãn Giốc và Doãn Trứ bị quân tiếp viện của địch đánh chặn, cùng với bọn tàn binh quay lại vây hãm. Được tin, Doãn Chi quay lại ứng cứu. Trong trận kịch chiến cuối cùng ở Tam Tuyên ấy, tuy quân giặc bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng Doãn Giốc và Doãn Trứ đã tử trận. Được tin này, Khuê lặng người. Khi ấy, Khuê đang giúp Tổng thống Hải An quân vụ Nguyễn Tri Phương đưa quân từ Tây Bắc về dẹp giặc ở đạo Đông Bắc. Đó là vào cuối tháng mười cùng năm 1862. Vậy là, Tam Tuyên tạm ổn định, Khuê trả lại chức Tổng đốc, và Đốc học cho triều đình trở về quê dạy học.
Nhưng năm sau Tự Đức xuống chiếu một lần nữa, buộc Khuê phải trở lại chốn quan trường. Khi nhậm chức Chánh sứ vùng duyên hải Bắc Bộ, kiêm Đốc học Định An, việc đầu tiên của Khuê dâng sớ lên Tự Đức đòi chém đầu chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp, hai kẻ ký Hiệp ước Nhâm Tuất 1862. Với Khuê, chỉ có chém đầu hai người này, mới có thể phá bỏ hiệp ước bán nước ấy. Và giảm đi sự căm phẫn của sĩ phu, cũng như những cuộc chống đối biểu tình của các sĩ tử thi Hương ở Hà Nội và Nam Định.
Nhận được sớ đòi chém hai quan đại thần, và hay tin các sĩ tử thi Hương thành Nam của Khuê nổi loạn phản đối Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, Tự Đức nổi giận đòi bắt ngay khuê trị tội. Nhưng Đại học sĩ Trương Đăng Quế can ngăn:
-Khuê là người tài, bộc trực, được giới nho sĩ, sĩ tử kính trọng. Nếu bệ hạ bắt hắn trị tội, chẳng khác gì đổ dầu vào lửa lúc này. Theo hạ thần, nhân lúc này, Bệ hạ triệu Khuê về kinh, không những không trị tội mà còn thăng chức, giao cho hắn thêm công việc mở thương cảng sắp tới. Bởi, công việc này, trong triều hiện nay, không ai có thể làm tốt hơn Khuê. Có được như vậy, hắn chẳng tận tụy hết lòng, còn thời gian nào để liên doanh với các huyện, phủ, hoặc tụ tập đám sĩ tử đồng đơn kháng cáo nữa. Đó là, một công đôi việc chẳng tốt hơn sao, thưa Bệ hạ?
Tự Đức sực tỉnh, nén giận, gật gù:
-Ngươi hãy giúp ta soạn chiếu, vời Khuê cùng với Đào Trí, Tổng đốc Hà Nội, người có kinh nghiệm thủy thổ Nam Định, về kinh ngay.
Nhận được chiếu hồi Kinh, tuy hơi bất ngờ, nhưng Khuê rất bình thản. Bá lo lắng, sợ sau chiếu chỉ có điều gì đó khuất tất chăng, nên khuyên Khuê chưa nên về Kinh vội. Khuê bảo, việc ta làm là vì nước, vì dân có gì mà phải sợ. Hơn nữa, Tự Đức cũng là vị Vua thẳng thắn. Ngài muốn bắt tội ta thì thiếu gì cách, việc gì phải làm vậy, để mang tiếng với người đời ư. Hôm đi, một số học trò muốn đi cùng, nhưng Khuê chỉ cho một mình Bá theo…
Khi vào triều, Khuê thấy Nguyễn Tri Phương, Đào Trí, và bọn Trương Đăng Quế, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tề… đã ở đó. Khuê khấu đầu chào, Tự Đức vui vẻ nói: Việc thông thương bằng đường biển rất quan trọng và lâu dài. Do vậy, Đào Trí, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tề đã tấu trình, xác định rõ, việc mở thương cảng lớn tại vùng cửa Trà Lý, thuộc các huyện Chân Định, Tiền Hải, tỉnh Nam Định. Dứt câu, Tự Đức quay sang Khuê: Đại học sĩ Trương Đăng Quế và Tổng đốc Đào Trí đã tiến cử Doãn Khuê thụ chức Doanh điền sứ cai quản việc xây dựng thương cảng, ý ngươi thế nào? Khuê nói ngay: Thưa bệ hạ, vùng cửa Hạ Lý dòng chảy hẹp, luôn thay đổi, lượng phù sa bồi lắng rất lớn. Nếu xây dựng ở đó, hàng năm phải nạo vét lòng sông rất vất vả, thương cảng không thể phát triển. Do vậy, không nên xây dựng ở đó. Vậy, theo ngươi xây ở đâu thì thích hợp? Tự Đức cắt ngang lời Khuê. Theo hạ thần, ta nên xây dựng ở vùng cửa sông Cấm, Ninh Hải thuộc tỉnh Hải Dương. Nơi đây, lòng sông rộng, nước sâu, ít phù sa và gió bão. Nó cũng gần cửa sông Bạch Đằng thuận lợi đường thủy thông thương với Hà Nội và các tỉnh. Tự Đức trầm ngâm, lưỡng lự. Không khí nặng nề, các đại thần đều im lặng. Đột nhiên, Tổng đốc Hải An Nguyễn Tri Phương tâu bẩm: Thưa Bệ hạ, nhiều năm chinh chiến, và trông coi vùng Duyên hải, sông Cấm cho đến nay, hạ thần thấy lời Doãn Khuê rất chính xác. Sau Phương, có một số đại thần cùng đồng thuận ý kiến của Khuê. Tuy đồng ý chuyển sang xây thương cảng ở cửa sông Cấm, nhưng Tự Đức vẫn bảo Khuê, việc hệ trọng, xem xét lại, viết bản tấu trình chi tiết, cụ thể. Và hỏi Khuê còn có yêu cầu gì không? Khuê bảo, chỉ cần một người. Tự Đức cười, ngươi có thể chọn bất kỳ ai ở đây. Không, thưa Bệ hạ người đó không ở đây. Vậy là ai, ở đâu? Thưa, hắn là học trò cũ của thần. Một người đại tài, nhưng thi Hương, thi Hội nhiều lần chỉ đỗ đến Cử nhân. Về đo lường, tính toán, thực địa của người này, thần nghĩ, hiện nay Đại Nam ta chỉ có một. Hắn tên Bùi Viện, sinh năm1839, người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Tự Đức ngạc nhiên và vui mừng: Được, Bùi Viện từ nay sẽ phụ tá ngươi, xong việc sẽ phong tước, ban thưởng.
Khi đang cùng Bùi Viện vận lộn ở sông Cấm, Ninh Hải dựng xây thương cảng, Khuê được tin giặc Pháp từ Ninh Bình đánh sang Nam Định. Cả đời đã nhiều lần cầm binh đánh giặc, nhưng lần này chiến trường ngay trên quê hương, làm Khuê nóng rực trong người, dù tuổi cao, sức đã cạn. Bàn giao lại công việc cho Bùi Viện, Khuê cùng Bá đi suốt đêm về Cao Lộng. Sau khi báo tin cho con cả Doãn Chi đang là tri huyện Chân Định và thứ nam Doãn Vị ở Thư Điền, phủ Nghĩa Hưng mang quân tiếp ứng, Khê kéo binh về hợp với Phạm Văn Nghị cùng Lãnh binh Nguyễn Văn Lợi chặn đánh địch ở Độc Bộ. Rồi Khuê kéo binh về thủ thành Nam Định. Cuối năm 1873 giặc tấn công dữ dội, thành Nam Định bị phá vỡ. Khuê dẫn binh chạy về Đông Vinh, liên kết với Nguyễn Mậu Kiến ở Động Trung. Và từ đây mặt trận tả sông Hồng là nơi chống Thực dân Pháp quyết liệt nhất những năm cuối đời Khuê...
Và chuyện kể rằng, những ngày cuối năm 1878, người ta thường thấy hai ông già Doãn Khuê và Nguyễn Bá dìu nhau đi trên con đường làng Ngoại Lãng. Có điều kỳ lạ, hai cụ mất gần cùng ngày, chôn cất cùng nơi. Nhưng ngày nay, dường như không ai nhắc đến Nguyễn Bá, kể cả các nhà nghiên cứu sử học.
Leipzig ngày 30-9-2017
Đỗ Trường
*(Và quả thật như vậy, sau này Dương Khuê đỗ tiến sĩ, khoa thi 1868, làm quan đến chức Thượng thư. Dương Khuê là nhà thơ, tác giả của bài ca trù nổi tiếng: Gặp lại cô đầu cũ…hồng hồng, tuyết tuyết. Và cũng là người bạn, để Nguyễn khuyến viết bài thơ: Khóc Dương Khuê.)
*Nguyễn Quang Bích (tức Ngô Quang Bích) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp) năm 1868, làm quan tri phủ, nhà chống Pháp nổi tiếng thế kỷ 19.
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đi tìm long mạch hai ngọn núi Văn và Võ dưới chân dãy Tam Đảo:

Núi Văn và núi Võ nằm dưới chân dãy Tam Đảo, là 2 ngọn núi đá duy nhất trong vùng có liên quan đến vị anh hùng Lưu Nhân Chú, một trong 18 người dự Hội thề Lũng Nhai khi xưa. Nơi đây còn chứa bao điều kỳ lạ.

song toàn, núi văn núi võ, long mạch,
Toàn cảnh đền thờ Lưu Nhân Chú. (Ảnh: Dantri)
Long mạch ở mộ kết
Lịch sử đã ghi nhận Lưu Nhân Chú quê ở xã Thuận Thượng, tức xã Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên ngày nay). Vùng đất lạ dưới chân Tam Đảo này từng một thời được mệnh danh là vùng đất thiêng, căn cốt long mạch của dãy Tam Đảo, kéo dài về tận núi Tản Viên vùng Ba Vì (Hà Nội).
Theo lời kể của ông Lưu Sỹ Phiến, hậu duệ đời thứ 19 của anh hùng Lưu Nhân Chú, cụ thân sinh của tướng Lưu Nhân Chú là một người đầy bí ẩn ở địa phương. Cụ có 2 con chó săn nên thường cho chúng vào rừng săn bắt cùng. Trong một lần vào rừng, ông cụ ngủ cạnh hai tảng đá lớn ở khu Miễu, chỉ một lúc sau thì mối đùn lên cao trùm khắp cơ thể.
Người nhà chia nhau đi tìm khắp nơi và phát hiện ngôi mộ kết. Mọi người và các thầy địa lý đều cho rằng, đó là điềm lạ và khu vực đó là long mạch của dòng họ Lưu. Chỉ một thời gian sau, dòng họ Lưu xuất hiện người anh hùng Lưu Nhân Chú nổi danh khắp nước Nam.
Người Trung Quốc thấy vậy liền cho người sang khu Miễu tìm ngôi mộ kết ấy để phá long mạch. Họ đào một rãnh sâu giữa hai tảng đá và chôn than xuống dưới.
Sau này, hậu duệ dòng họ Lưu đã nhiều lần tìm đến khu Miễu với ý định hàn lại long mạch nhưng đào sâu bao nhiêu cũng không hết lớp than trấn yểm của người Tàu. Hiện tại, khu vực Miễu vẫn còn hai tảng đá hình ngai vàng và những rãnh sâu của lớp than trấn yểm năm xưa.
Lưu Nhân Chú bị ám sát vì long mạch?
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1416, Lưu Nhân Chú nghe danh tiếng của Lê Lợi đã tụ họp tại thánh địa Lam Sơn, Thanh Hoá và dự Hội thề Lũng Nhai ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa thề quyết cùng nhau đánh đuổi giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Nam.
Năm 1427, Lưu Nhân Chú và Lê Sát đã dũng cảm, mưu trí chém được đầu của Liễu Thăng tại ải Chi Lăng nổi tiếng trong lịch sử. Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong Lưu Nhân Chú chức Á Thượng Hầu để trông nom quản lý việc quân sự.
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 11 tuổi, Tư đồ Lê Sát ghen ghét nên ủ mưu sai người giết hại Lưu Nhân Chú. Đến khi vua Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của Lưu Nhân Chú bèn trị tội Lê Sát. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng Lưu Nhân Chú là Thái phó Vinh quốc công.
song toàn, núi văn núi võ, long mạch,
Đồi Quần Ngựa – nơi Lưu Nhân Chú và nghĩa quân luyện binh mãi mã. (Ảnh: Vietbao)
Theo ông Lưu Sỹ Phiến, thời kỳ long mạch ở mộ kết khu Miễu bị phá không lâu thì tướng Lưu Nhân Chú bị ám hại. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Lưu Nhân Chú, người dân hai xã Văn Yên, Ký Phú đã xây đền thờ ông dưới chân hai ngọn núi Văn, núi Võ và đều tổ chức lễ hội vào mùng 4 Tết âm lịch hằng năm.
Bí ẩn núi song toàn
Ông Lưu Sỹ Phiến cho hay, trước đây do nằm cách khá xa khu dân cư nên ít người lui tới núi Võ, ngay cả người dân xã Văn Yên chưa ai đi được tận cùng hệ thống hang động bên trong. Chính vì thế, hang động lưu giữ được hiện vật và nhiều dấu tích của tướng Lưu Nhân Chú. Những bí ẩn ấy càng trở nên thần bí khi tôn tạo lại đền thờ, một phần núi Võ đã sập xuống lấp đi cửa hang.
Đối diện với núi Võ là đồi Quần Ngựa với nhiều chứng tích là những hầm hào luyện tập, đánh trận của tướng Lưu Nhân Chú khi xưa, nhờ có rừng thông che chở nên ngọn núi được giữ lại nguyên vẹn. Bên cạnh đồi Quần Ngựa là hồ Tắm Ngựa, tương truyền khi xưa mỗi khi tập trận xong nghĩa quân của Lưu Nhân Chú thường cho ngựa xuống uống nước và tắm mát ở hồ nước này nên người dân đặt tên là hồ Tắm Ngựa. Không chỉ núi Võ, ngọn núi Văn thuộc xã Ký Phú còn sở hữu hệ thống hang động kỳ ảo hơn rất nhiều.
Ngọn núi Văn như một chiếc bút giữa vùng chảo của dãy Tam Đảo. Ông Lỗ Văn Đường, Phó Chủ tịch xã Ký Phú cho hay, giữa núi Văn có một hang động, người dân gọi là hang dơi, nhưng rất ít người dám lên đó. Mùng 4 Tết hàng năm diễn ra Lễ hội núi Văn, núi Võ để tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lưu Nhân Chú thì mới có người vào hang tham quan.
Tuy nhiên, mọi người cũng chỉ đến vòng ngoài cửa chứ không dám đi sâu vào trong. Một số cụ cao niên cho biết, bên trong đó có một ao nước ngọt không bao giờ cạn với hệ thống nhũ thạch rất đẹp. Trước đây có đàn khỉ sinh sống bên trong nhưng rồi chúng đã bỏ đi khi cây cối thưa dần.
TinhHoa tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần


Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn 
Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mùng tơi 
Mượn mưa phùn xỉa tăm chơi 
Nửa đêm gió bấc rít hơi thuốc lào 

"Trăm hoa" dễ được hoa nào 
Về xem bướm hoá thi hào vườn dâu 
Về xem cái kén mọc đầu 
Ruột gan rút hết từng câu nhân tình 

Tài cao đẩy thấp phận mình 
Vỉa nồi niêu vẫn còn kinh hề mồi 
Thơ không thể đổ vào nồi 
Ngắm mình trong "nước giếng thơi" hết hồn 

"Đêm sao sáng" cạn hoàng hôn 
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần 
Một đoàn bươm bướm đưa chân 
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ...

TR.M.Hảo
Nhân ngày giỗ thứ 40 của nhà thơ Nguyễn Bính - chết vì đói! 
(Chiều ba mươi tết đầu năm 1966 - Chiều ba mươi tết 2006)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có phải chúng ta đang tự đánh mất đi một quãng đời?





Có phải chúng ta đang tự đánh mất đi một quãng đời 
của những ngày tháng mà trái tim lừa dối rằng đó là cảm giác yên vui? 

Những điều thuộc về duyên số đã mang chúng ta đặt vào một ngôi nhà dưới bầu trời 
không ai đánh cắp của ai một lời hứa 
đi đến cuối con đường chỉ là niềm tin trong phút giây ta cần phải nói rõ 
khi đứng giữa bao người chúng ta cho mình cái quyền được làm đứa trẻ nhỏ 
không chút đắn đo những ước mơ 

Một ngôi nhà với nhiều cánh cửa mở ra đợi chúng ta trở về 
ngồi nhìn nhau với cái nhìn hạnh phúc 
một tiếng cười nhỏ nhoi cũng biết cách lan đi hết lồng ngực 
một tiếng ho cũng làm cho người kia đuối sức 
một câu dỗi hờn cũng đủ giúp ngày dài hơn 24 tiếng 
chúng ta biết chờ đợi để thương yêu... 

Nhưng rồi từng ngày dài, từng năm tháng, và từng vết đau... 
đã đắp bồi như lớp rêu mọc lên sau mỗi mùa mưa đến 
khép lại những cánh cửa bình yên và mở ra những cánh cửa mỏi mệt 
chúng ta giờ nhìn thấy nhau trong len lén nghi ngờ 

Chúng ta giờ nhìn thấy nhau qua khoảng trống của đôi đũa trong giờ cơm khuya 
nhìn thấy nhau khi một người đã ngủ và một người nằm thức 
nhìn thấy nhau khi rón rén kéo gần hơn tấm chăn để tìm hơi ấm 
nhìn thấy nhau khi tấm hình cưới vô tình lấm bụi bẩn 
mà không dám lau đi gương mặt mình... 

Chúng ta vẫn đứng yên ở đấy trong ký ức ngôi nhà lần đầu tiên 
sao lời hứa chẳng còn ai đến chứng kiến 
sao để cho niềm tin hóa kiếp thành ra một sự nuối tiếc 
sao lại nỡ rụt bàn tay này về lúc bàn tay kia cần được biết 
hạnh phúc có còn ở nơi đây? 

Ở trên thiên đường nào cũng có những đám mây 
chỉ đơn giản vì những thiên thần cũng cần bước chân vào bóng mát 
họ cũng có nỗi đau vì trao đi quá nhiều hạnh phúc 
và những niềm cô đơn đã tạc riêng cho họ một đôi cánh 
để suốt đời chỉ có thể khóc trong một cuộc đời bày sẵn những lấp lánh 
mà ai biết được đâu? 

Mà ai biết chúng ta có còn ràng buộc được gì trong đời nhau 
mỗi người tự trách mình đang lừa dối 
mỗi người tự lấy cắp trong tim mình một lần đau nhói 
để yêu thương cũng đến lúc buông tay vuột khỏi 
những điều giản dị ngày xưa... 

Trong một cuộc đời bình thường 
sao chúng ta chỉ bằng lòng trả giá cho những điều không thuộc về ước mơ?

NG.PH.V

Nguồn: Đi qua thương nhớ, NXB Văn học, 2012


Phần nhận xét hiển thị trên trang

6 loại ‘tài phú’ một người nhất định cần trân quý trong cuộc đời


Trong cuộc đời mỗi người luôn có những cuộc gặp gỡ khác nhau. Có người sẽ coi chúng ta chỉ là một cọng cỏ, nhưng có người sẽ xem chúng ta là bảo bối. Có lúc được người khác xem là hoa thơm bánh ngọt, nhưng có lúc lại bị người khác xem như thứ bỏ đi. Khi ấy, chúng ta đều nên dùng một tâm thái bình thản để đối đãi, trân quý hết thảy những gì bản thân mình có, nhất định không thể vì thế mà đánh mất bản thân mình.
cuộc đời
(Hình minh họa: Qua bookriot.com)
Đời người, có rất nhiều thứ mà vĩnh viễn chúng ta cũng không thể có được. Cho nên, càng phải quý trọng những thứ mà mình đã có. Vậy trong cuộc đời, có những loại “tài phú” nào một người cần trân quý giữ gìn?

Trân quý phẩm đức của bản thân mình

Khổng Tử nói: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hĩ; hữu tiện tích, hữu thiện nhu, hữu tiện nịnh, tổn hĩ.”  Ý nói rằng, có ba kiểu bạn bè có ích và ba kiểu bạn bè có hại. Kết giao với người chính trực không vụ lợi, kết giao với người khoan dung, kết giao với người hiểu biết sâu rộng, là đều có ích đối với đức hạnh của chúng ta.
Nếu như kết giao với người a dua, kết giao với người xu nịnh, kết giao với người xảo ngôn, thì đều sẽ tổn hại đức hạnh của chúng ta. Chúng ta có thể xem hết thảy mọi người đều là bạn bè, thế nhưng phải biết quý trọng sinh mệnh của mình, kết giao với những người có đức hạnh tốt, không thân cận với những người có đức hạnh xấu xa.
Thời cổ đại có câu chuyện nổi tiếng kể về Quản Ninh và Hoa Hâm rằng:
Quản Ninh và Hoa Hâm từng là bạn thân thiết của nhau. Lúc còn đi học, thường thường là vừa đọc sách vừa làm việc. Một hôm, hai người đang ở trong vườn cuốc đất trồng rau, thì cuốc được một thỏi vàng.
Tiền tài quả thực khuấy động lòng người! Quản Ninh nhìn thấy thỏi vàng liền coi nó cũng giống như hòn gạch hòn đá, cứ tiếp tục cuốc và đẩy thỏi vàng sang một bên. Hoa Hâm không đành lòng, nên cầm thỏi vàng lên xem một chút rồi mới ném xuống đất.
Mấy ngày sau, khi hai người đang ở trong phòng đọc sách, thì ngoài đường có tiếng tiền hô, hậu át vang dậy, tiếng chiêng trống quả thực náo nhiệt và tiếng người kháo nhau rằng: “Có vị quí nhân ngồi xe đi qua.”
Quản Ninh “mắt điếc tai ngơ”, tiếp tục chăm chú đọc sách. Nhưng Hoa Hâm lại ngồi không yên liền bỏ sách chạy ra xem. Khi xe ngựa đã đi qua, Hoa Hâm trở lại trong phòng, Quản Ninh cầm một con dao nhỏ cắt đôi chiếc chiếu mà hai người ngồi chung ra và nói: “Ngươi không phải là bạn của ta!”
Nhiều năm sau, Hoa Hâm trở thành nhân vật quan trọng trong triều đình, làm trọng thần nước Ngụy thời Tam Quốc. Quản Ninh vẫn là người đọc sách, trọn đời không ra làm quan với nhà Ngụy. Hậu duệ của ông chính là nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng nước Tề, thời Xuân Thu – Quản Trọng.
Mỗi người có một chí hướng, việc tuyệt giao bạn bè của Quản Ninh là nói rõ ra nguyên tắc làm người của ông, trân quý phẩm đức của bản thân mình. Điển cố này nói cho chúng ta biết rằng, con người khi còn sống trên đời thì không thể đánh mất bản thân, không thể để tâm động vì những điều hấp dẫn bên ngoài.

Trân quý cha mẹ mình

cuộc đời
(Hình minh họa: Qua cmoney.tw)
Hiếu là gốc rễ của mọi đức hạnh. Từ xưa đến nay, hiếu đạo luôn là mỹ đức tốt đẹp của con người.
Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chính là bầu trời của chúng ta. Cha mẹ cho chúng ta một gia đình ấm áp, dạy chúng ta những đạo lý làm người, những bài học vỡ lòng.
Mãi đến khi chúng ta trưởng thành, cha mẹ vẫn luôn ở bên, cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương của cha mẹ chính là tài phú của cuộc đời con cái.

Trân quý những người bạn mà chúng ta đang có

cuộc đời
(Hình minh họa: Qua artevent.eslite.com)
Con người sống cả đời đều không thể thiếu bạn bè, bạn bè không nhất định phải là người hoàn mỹ, chỉ cần có thể đồng cam cộng khổ, giúp nhau lúc hoạn nạn, đối xử chân thành thì đã là một người bạn thực sự. Nếu như có thể vinh nhục cùng nhau, cùng hội cùng thuyền thì đó đã thực sự là người bạn thân tình.
Chúng ta hiểu rằng, trong cuộc đời này, gặp được ai, ấy đều là vì duyên phận. Đặc biệt, những người có thể ở bên mình, chia ngọt xẻ bùi, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, thì ấy chẳng phải duyên phận đáng quý sao?

Trân quý con cái

cuộc đời
(Hình minh họa: Qua read01)
Trẻ con là nhân duyên, là tìm đến cha mẹ để có nơi nương tựa. Trong mắt trẻ, cha mẹ chính là ông trời.
Con cái luôn tuyệt đối tin tưởng ở cha mẹ. Vì thế, cha mẹ nên làm bạn với con, cho chúng cảm giác an toàn, cho chúng hoàn cảnh ban đầu tốt đẹp, trợ giúp chúng bước đi vững chắc trên con đường nhân sinh.

Trân quý người dạy dỗ mình

cuộc đời
(Hình minh họa: Qua thebrofessional.net)
Thân là học trò, như thế nào mới là có tinh thần học hỏi chân chính? Học trò đối với thầy của mình phải kính trọng, tôn sư là đạo đức cơ bản nhất mà người học trò phải có.
Thời cổ xưa, xã hội đã hình thành một hệ thống chuẩn tắc tôn sư. Học trò nhập học, trước tiên phải làm lễ bái sư. Sau đó, trò hướng về phía thầy giáo mà quỳ lạy, thầy đứng vái đáp lại. Hàng ngày cứ sáng sớm vào học, chiều tối ra về đều phải tới vái lạy thầy.
Đời người, có thể gặp được người dạy dỗ, hướng dẫn, chỉ bảo mình là điều vô cùng may mắn. Một người có thể thành thạo được một nghề là có thể có khả năng sinh tồn. Cho nên, nhất định phải trân quý người dạy dỗ mình, dìu dắt mình trong sự nghiệp.

Trân quý tín ngưỡng của bản thân

cuộc đời
(Hình minh họa: Qua dynamitenews.com)
Tín ngưỡng là phương pháp cho phép con người tìm kiếm được sự an tĩnh về tâm linh. Con người bởi vì có tín ngưỡng mới biết được ý nghĩa, tương lai và chốn trở về chân chính của sinh mệnh. Cổ nhân cho rằng, đó là con đường mà Thần Phật chỉ ra, để con người chúng ta không bị mê lạc mất.
An Hòa / Trithuctre

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đưa 1 triệu người lên “thống trị” sao Hỏa: Tỷ phú Elon Musk điên rồ, lập dị hay thiên tài?


Đưa 1 triệu người lên "thống trị" sao Hỏa: Tỷ phú Elon Musk điên rồ, lập dị hay thiên tài?
Tỷ phú người Nam Phi Elon Musk nuôi giấc mộng chinh phục sao hỏa từ năm 2011. Ảnh: LinkedIn
Liệu Elon Musk có "hiện thực hóa" được giấc mơ "thuộc địa hóa" sao Hỏa của mình hay không?
Nung nấu kế hoạch "thuộc địa hóa" sao Hỏa từ năm 2011, 6 năm trôi qua, tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk không ngừng đưa những ý tưởng và kế hoạch cụ thể để biến "giấc mơ đưa 1 triệu người lên hành tinh đỏ sinh sống" thành sự thật.
Chưa một ai, chưa một quốc gia nào từng làm được việc "đưa người lên sao Hỏa sinh sống" cho tới thời điểm này.
Vì vậy, việc ông chủ của SpaceX tuyên bố sẽ hé lộ kế hoạch chi tiết quá trình đưa con người Trái Đất vào lúc 2 giờ chiều giờ ACST ở thành phố Adelaide (Nam Australia) (tức 11:30 sáng ngày 29/9/2017 giờ Việt Nam) chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, người yêu thiên văn trên thế giới.
Đưa 1 triệu người lên thống trị sao Hỏa: Tỷ phú Elon Musk điên rồ, lập dị hay thiên tài? - Ảnh 1.
Elon Musk úp mở về buổi diễn thuyết quan trọng của mình tại Hội nghị Thiên văn học Quốc tế 2017.
Buổi diễn thuyết chính nói về kế hoạch "thuộc địa hóa" sao Hỏa được tỷ phú Elon Musk trình bày tại ngày cuối cùng của Hội nghị Thiên văn học Quốc tế (International Astronautical Congress) diễn ra từ 25 đến 29/9/2017 tại thành phố Adelaide (Australia).
Xem video livestream tại website của SpaceX, tại đây.
Năm 2011 Musk khẳng định mục đích cá nhân của ông là đưa người ra khai phá và định cư ở Sao Hỏa, trong khoảng 10-20 năm nữa.
Đưa 1 triệu người lên thống trị sao Hỏa: Tỷ phú Elon Musk điên rồ, lập dị hay thiên tài? - Ảnh 2.
Ảnh Elon Musk cung cấp về căn cứ trên Mặt Trăng Moon Base Alpha trước giờ G. Nguồn: Theverge.com
Đưa 1 triệu người lên thống trị sao Hỏa: Tỷ phú Elon Musk điên rồ, lập dị hay thiên tài? - Ảnh 3.
Thành phố sao Hỏa của Elon Musk. Nguồn: Theverge.com
Theo Elon Musk, Moon Base Alpha sẽ là trạm chung chuyển để các nhà du hành vũ trụ tiến tới chinh phục sao Hỏa về sau.
Bài viết sử dụng nguồn: NYTimes

Phần nhận xét hiển thị trên trang