Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Cốt lõi của tự do là tự do kinh tế

Deirdre Nansen McCloskey


Phạm Nguyên Trường dịch

Từ cuối những năm 1800, khi Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Tân Tự do, và Tư tưởng Tiến bộ vươn lên, thì người ta thường có thái độ coi thường tự do kinh tế, cho rằng đấy là quan niệm thô lậu, không quan trọng – chỉ có những kẻ giàu có mới thực sự quan tâm mà thôi.

Nhưng chủ nghĩa tự do nguyên thủy, trong những năm 1700, đã được Voltaire, Adam Smith, Tom Paine, và Mary Wollstonecraft cổ vũ là tự do kinh tế cho cả người giàu lẫn người nghèo, và được hiểu là không can thiệp vào công việc của người khác.

Từ cuối những năm 1800, sau sự vươn lên của Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Tân Tự do, Tư tưởng Tiến bộ, người ta thường có thái độ coi thường tự do kinh tế, cho rằng đấy là quan niệm thô lậu, không quan trọng – chỉ có những kẻ giàu có mới thực sự quan tâm mà thôi. Nhưng chủ nghĩa tự do nguyên thủy, trong những năm 1700, được Voltaire, Adam Smith, Tom Paine, và Mary Wollstonecraft cổ vũ là tự do kinh tế cho cả người giàu lẫn người nghèo và được hiểu là không can thiệp vào công việc của người khác.

Năm 1776, đấy là một ý tưởng hay và mới. Và trong hai thế kỷ tiếp theo, tư tưởng tự do đã chứng tỏ là nó có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc tạo ra người giàu có và tốt, từ những người từng tuyệt vọng và nghèo đói. Đừng bao giờ quên điều đó.

Trong những năm 1800, hầu hết những người có tư tưởng, ví dụ như Henry David Thoreau, là những người theo phái tự do kinh tế.

Khoảng năm 1840, Thoreau đã phát minh ra quy trình sản xuất cho nhà máy làm bút chì nhỏ của cha mình, giúp đưa công ty Thoreau và Con lên vị trí nhà sản xuất bút chì hàng đầu ở Mỹ trong suốt mười năm liền.

Ông vừa là doanh nhân, đồng thời là nhà bảo vệ môi trường và là một người bất đồng chính kiến. Khi việc nhập khẩu các loại bút chì chất lượng cao giành được thế thượng phong, công ty Thoreau và Con thôi không sản xuất bút chì nữa, và chuyển sang sản xuất than chì dùng cho nghề in khắc.

Đấy chính là tự do kinh tế.

Hành động đầu tiên của bạn là đề nghị cải thiện điều kiện sống của khách hàng, nhưng bạn không được có động thái ngăn chặn khách hàng tiếp cận với đối thủ cạnh tranh của bạn. Sau khi bạn đã làm một loạt hành động trong vòng đầu tiên, thì ở vòng thứ hai bạn sẽ bị người khác cạnh tranh. Khổ thế đấy.

Trong tác phẩm Bàn về tự do (On Liberty – 1859), nhà kinh tế học và triết gia John Stuart Mill tuyên bố:

“Xã hội thừa nhận không có quyền, về pháp lý hay đạo đức, giúp cho những người thua cuộc tránh khỏi những đau khổ kiểu như thế; và chỉ thấy cần can thiệp khi những phương cách được sử dụng để đạt lấy thành công, là trái với những gì mà quyền lợi chung cho phép – tức là dùng cách lừa đảo phản trắc hay cưỡng bức” (Bản dịch của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2006).

Không có chủ nghĩa bảo hộ. Không có chủ nghĩa quốc gia về kinh tế. Người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, được quyền mua những cái bút chì tốt hơn và rẻ hơn.

Nghĩa là, tự do kinh tế là một phần của quyền tự do.

Trong thực tế, tự do kinh kế là quyền tự do mà đa số người dân bình thường quan tâm.

Đúng thế, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kiến nghị với chính phủ, và bầu chính phủ mới, trong dài hạn, là những biện pháp cực kì cần thiết nhằm bảo vệ tất cả các quyền tự do. Trong đó có quyền tự do kinh tế là mua và bán.

Nhưng chỉ có một số ít người có học vấn mới coi trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kiến nghị với chính phủ và quyền bầu chính phủ mới mà thôi. Đa số người dân thường không quan tâm tới tự do ngôn luận, miễn là họ, nếu muốn, có thể mở cửa hàng, và đến được nơi có công việc với đồng lương xứng đáng.

Phần lớn người Thổ Nhĩ Kỳ, sau năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Erdoğan, đã ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ trượt nhanh vào chủ nghĩa tân phát xít. Mussolini và Hitler đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và được lòng dân, trong khi họ đang tước đoạt một các quyết liệt các quyền tự do. Thậm chí một vài chính phủ cộng sản còn được nhân dân bầu lên – bằng chứng là trường hợp Venezuela dưới thời Hugo Chavez.

Nhân vật chính trong tác phẩm Forever Flowing của Vasily Grossman (1905-1964) – chỉ là một ví dụ về việc một nhà văn theo đường lối của Stalin đã chuyển hóa hoàn toàn sang phía chống cộng – tuyên bố:

“Tôi đã từng nghĩ tự do là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lương tâm. Nhưng thực ra là: Bạn phải có quyền gieo cấy những thứ mà bạn muốn, bạn có quyền khâu giày hay may áo khoác, nướng bánh mì bằng bột làm từ những hạt lúa mì mà bạn đã trồng cấy được, và bán hay không bán … có quyền tự do làm việc theo ý bạn chứ không phải theo lệnh của họ”.

Trong những năm 1870, con người thánh thiện như Adam Smith đã rất tức giận trước những vụ can thiệp nhằm ngăn chặn, và không cho người lao động ở Anh được tự do đi lại để tìm kiếm việc làm có lợi nhuận cao.

“Tài sản mà mỗi người đều nằm trong sức lao động của người đó, vì nó là nền tảng đầu tiên của tất cả các tài sản khác, vì thế, sức lao động là thiêng liêng nhất và bất khả xâm phạm. Ngăn cản người ta sử dụng sức lao động… theo cách mà người đó nghĩ là thích hợp mà không làm hại người láng giềng, là vi phạm trắng trợn thứ tài sản rất mực thiêng liêng này”.

Một cách đáng ngạc nhiên, tự do kinh tế đã làm cho cả thế giới giàu lên về về hàng hoá và dịch vụ một cách nhanh chóng.

Đến mức nào?

Năm 1800, thu nhập bình quân đầu người ở những nước như Thụy Điển hay Nhật Bản, tính bằng mức giá cho năm 2018, là khoảng 3 USD/ngày. Hiện nay là hơn 100USD/ngày, tức là tăng 3.200%. Không phải 100% hay thậm chí 200%, mà là 3.200%.

Của cải tăng lên không phải gấp hai lần, như thường xảy ra trong những giai đoạn bùng nổ trước kia – ví dụ như ở Hy Lạp cổ đại hay thời nhà Tống ở Trung Quốc, để có thể quay về mức 3 USD/ngày. Nó đã tăng lên những ba mươi ba lần.

Không còn nạn đói. Con người phát triển cao lớn hơn. Tuổi thọ tăng gấp đôi. Nhà ở rộng hơn. Đi lại nhanh hơn. Học vấn cao hơn. Nếu bạn còn nghi ngờ, xin hãy xem những đoạn băng video của Hans Rosling (đã quá cố) tại Gapminder.

Những lời giải thích thường thấy của các nhà kinh tế học và sử học về Khối Tài sản Khổng lồ (The Great Enrichment), vì thế là không chính xác.

Quá trình tích lũy vốn hoặc khai thác thuộc địa không phải là nguyên nhân.

Tính khéo léo (ingenuity) mới là nguyên nhân. Mà chính cái tính khéo léo ấy, sở dĩ có thể được tạo ra, là bởi vì từ sau năm 1800, con người đã được hưởng những quyền tự do mới.

Viễn kiến của chủ nghĩa tự do về bình đẳng, tự do và công bằng đã khiến cho rất nhiều người trở thành dũng cảm. Trước hết là những người tự do và giàu có, rồi đến những người nghèo, rồi tới những người từng là nô lệ, rồi tới phụ nữ, những người đồng tính, rồi đến người tàn tật, v.v.

Khiến cho mọi người trở thành tự do đã trở thành hiện thực (mà đây vốn là một thí nghiệm chưa bao giờ được thực hiện ở quy mô lớn như vậy), với ngày càng có nhiều người dân được truyền cảm hứng và có thể tự thử sức.

“Tôi chứa nổi vô số thứ”, nhà thơ của chủ nghĩa tự do mới từng cất tiếng ca lên như thế. Và ông đã làm đúng với điều đó. Ông và bạn bè của ông đã thử động cơ hơi nước và các viện nghiên cứu, với đường sắt, trường công lập, đèn điện, các tập đoàn, kỹ thuật mã nguồn mở, chở hàng bằng container và Internet.

Chúng ta trở nên giàu có bằng cách để cho những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế.

Và bây giờ, chúng ta đã vươn ra bên ngoài vùng trung tâm của Tây Bắc Âu.

Trung Quốc sau năm 1978, cũng như Ấn Độ sau năm 1991, bắt đầu từ bỏ lý thuyết xã hội chủ nghĩa phi tự do của châu Âu – vốn được hình thành vào giữa những năm 1800 và đã được “xuất khẩu” đến gần 1/3 diện tích địa cầu vào trước năm 1970.

Kết quả của việc chuyển sang chủ nghĩa tự do về kinh tế, là sức tăng trưởng hằng năm của hàng hóa và dịch vụ dành cho người nghèo ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã tăng từ mức 1%/năm (đôi khi còn âm) thời xã hội chủ nghĩa lên đến mức 7-12%/năm.

Với tốc độ tăng trưởng như thế, chỉ cần hai hoặc ba thế hệ là cả hai nước sẽ có mức sống của Châu Âu. Đối với 40% dân số hiện nay, đấy không còn là mơ ước viễn vông nữa.

Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan cũng làm ra nhiều của cải như thế trong giai đoạn tương tự. Chủ nghĩa tự do mới và chính phủ trung thực ở Ireland và Botswana cũng tạo ra những câu chuyện thành công đáng ngạc nhiên khác.

Đương nhiên là, một chính phủ phi tự do về kinh tế có thể vay vốn từ các nước tôn trọng tự do. Ví dụ từ năm 1917 đến năm 1989, Liên Xô đã làm như thế. Và trong một thời gian dài, thậm chí nhiều nhà kinh tế học ở phương Tây cũng tin vào câu chuyện cổ tích của nước này, rằng kế hoạch hóa tập trung đạt được hiệu quả. Năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, chúng ta đã tìm ra câu trả lời khẳng định rằng, kế hoạch hóa không có hiệu quả, không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn đối với môi trường và các quyền tự do khác.

Singapore đôi khi được nêu lên như một ví dụ về một nền độc tài thông minh. Trung Quốc cũng thế, nước này vẫn do thành phần ưu tú của các đảng viên cộng sản cao cấp cai trị. Tuy nhiên, người dân cả hai nước đều được hưởng khá nhiều quyền tự do kinh tế, mặc dù các chính phủ tại đó vẫn bỏ tù những người có tư tưởng chính trị đối lập.

Giàu có sẽ dẫn đến những đòi hỏi về tất cả các quyền tự do, tự do chính trị, cũng như tự do kinh tế.

Đó là những gì mà người dân đã làm ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Người giàu sẽ không tiếp tục chịu đựng cảnh nô lệ nữa. Và dù nói thế nào thì thành tích trung bình của các chế độ độc tài là thảm hại về kinh tế, ví dụ như Zimbabwe, sát nách nước Botswana thịnh vượng. Hay ta có thể thấy điều đó trong lịch sử lâu dài và ảm đạm của chủ nghĩa phi tự do trên toàn thế giới, kể từ khi con người phát minh ra ngành nông nghiệp cho đến năm 1800.

Phúc âm của Kitô giáo đã hoàn toàn chính xác khi cho rằng, “Nếu một người chiếm được cả thế giới, nhưng mất đi linh hồn thì lại có ích gì?”.

Những tuyên bố chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế luôn luôn theo cùng một kiểu. Đó là, ngay cả khi nếu khi chúng ta được hưởng lợi từ thế giới vật chất, thì chúng ta đánh mất linh hồn.

Cánh cực tả nói với chúng ta rằng, tự do trao đổi về bản chất là xấu. Bất cứ sự khuếch trương nào cũng chỉ là khuếch trương cái ác mà thôi.

Cánh cực hữu thì lại nói với chúng ta, trao đổi tự do chẳng là gì so với niềm vinh quang của cấp bậc và chiến tranh.

Nhưng tất cả những gì mà cánh cực tả lẫn cực hữu, cũng như phái trung dung phàn nàn về “chủ nghĩa tiêu thụ”, là đều sai.

Bằng chứng là, chủ nghĩa tự do kinh tế không làm chúng ta hư hỏng, Mà ngược lại, đã làm cho chúng ta có đạo đức hơn, cũng như giàu có hơn hẳn. Nó làm cho chúng ta giàu lên theo cả hai nghĩa, vật chất và tinh thần.

Vì lí do là, việc trao đổi mà hai bên cùng có lợi không phải là trường dạy đạo đức tệ hại nhất. Nó hoàn hảo hơn thái độ tự cao tự đại của các nhà quý tộc hay thái độ xấc xược của các quan chức.

Trong chủ nghĩa tự do về kinh tế, có hàng triệu con đường đầy vinh quang, có thể đưa ước muốn thành công của con người tới đích, từ xây dựng mô hình đường sắt tới lĩnh vực giải trí. Khác hẳn với những xã hội phi tự do, mà trong đó chỉ có một con đường hẹp, với các tòa án, bộ chính trị hoặc quân đội.

Chúng ta không đánh mất linh hồn trong thương mại mà đang nuôi dưỡng nó.

Hiện nay, ngay cả trong những xã hội tự do, quân đội vẫn được ngưỡng mộ, người ta ca ngợi quân đội vì “tinh thần phục vụ” của nó.

Thế nhưng, tất cả các hành vi kinh tế giữa những người trưởng thành đều mang tinh thần phục vụ cả.

Những thói quen mang tính đạo đức của thương mại được thể hiện mỗi ngày, theo cách mà một chủ cửa hàng ở Mỹ chào hỏi khách hàng: “Tôi có thể giúp được bạn điều gì không?”

Kết quả là gì? Các khán phòng hòa nhạc và viện bảo tàng ở các nước giàu có lúc nào cũng đầy khách tham quan. Các trường đại học phát triển liên tục, và những kẻ tìm kiếm phương pháp khiến cho tâm hồn được thăng hoa – nếu không phải thuộc về các nhà thờ tôn giáo truyền thống – cũng đang gia tăng.

Người ta không thể dành nhiều thời gian cho sự thăng hoa trong nghệ thuật, trong khoa học, trong bóng chày, hay trong gia đình hoặc Thiên Chúa, khi phải đầu tắt mặt tối làm việc từ rạng sáng tới tối mịt.

Chủ nghĩa bảo hộ mới là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ trên toàn cầu gia tăng, và khiến cho con người trở nên nghèo đói, hủ bại.

Cách tốt nhất để làm cho người ta trở nên xấu xa và nghèo đói là các xã hội phi tự do của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, và thậm chí là cả chủ nghĩa xã hội đầy hấp dẫn nhưng với quá nhiều quy định.

Phụ nữ trong chế độ độc tài thần quyền của Saudi Arabia chỉ được luẩn quẩn trong xó nhà, không được làm cả những việc như lái xe ô tô. Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của phái cực hữu có tên là Alt-Right đang bần cùng hóa mọi người, vì nói gì thì nói, họ cũng ngăn chặn và không cho chúng ta tiếp xúc với những ý tưởng từ thế giới rộng lớn bên ngoài.

Nếu quá trình cải thiện điều kiện sống ở Mỹ đang chậm lại – một khẳng định đáng ngờ, nhưng được nhiều người chia sẻ – thì chúng ta cần các nước mới giàu có như Trung Quốc hoặc Ấn Độ giúp đỡ, chứ không phải đóng cửa để “bảo vệ việc làm” ở trong nước.

Logic của phái bảo hộ sẽ khiến cho chúng ta phải sản xuất tất cả mọi thứ ở Illinois hay Chicago, hoặc trong những đường phố ở địa phương của chúng ta – bất kể là sản xuất bột ăn sáng, chế tác đàn Accordions, chế tạo máy vi tính. Xét về kinh tế học, logic này là ngớ ngẩn, nhưng chủ nghĩa dân tộc thì đang khuấy động nó lên.

Cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và cả cái bản năng thích áp đặt của các chính phủ mang tính cưỡng bức nằm ở giữa phổ chính trị, là can thiệp quá nhiều vào công việc của người khác.

Ở Mỹ, hơn một nghìn ngành nghề cần có giấy môn bài của chính phủ. Muốn mở một bệnh viện mới, thì lại phải cần các bệnh viện hiện hành cung cấp giấy chứng nhận là có nhu cầu. Ở Tennessee, nếu bạn muốn mở một công ty vận chuyển đồ gia dụng – với hai người đàn ông và một chiếc xe tải – luật pháp buộc bạn phải được các công ty đang làm việc này đồng ý.

Những biện pháp bảo vệ những công việc hiện có người đang làm, gây ra nạn thất nghiệp hàng loạt, cũng như dễ dẫn đến bùng nổ về chính trị trong giới trẻ trên khắp thế giới. Một phần tư người Pháp dưới 25 tuổi và đã thôi học hiện đang thất nghiệp. Ở Nam Phi, tình hình còn tồi tệ hơn nữa.

Tuy nhiên, những người theo phái tự do chân chính và nhân văn không phải là những người vô chính phủ (xuất phát từ tiếng Hy Lạp-archos, không có người cai trị).

Người ta có thể thừa nhận rằng, giảm một chút quyền tự do kinh tế bằng cách đánh thuế người giàu nhằm giúp đỡ người nghèo, ví dụ như giáo dục công lập, là tốt. Không có ai phản đối – Smith và Mill và thậm chí Thoreau cũng đồng ý như thế.

(Đúng là chính phủ to lớn thường giúp đỡ những người giàu có và quyền lực, ví dụ như bảo hộ nông dân ở Mỹ và Thị trường Chung [Common Market]. Các chính phủ to lớn thường tuân theo phiên bản đáng ghê tởm của Luật Vàng [Golden Rule], mà cụ thể là, người có vàng thì cai trị).

Và có thể công nhận rằng, thí dụ như người Canada xâm lược Mỹ, thì để phục vụ quốc phòng, việc phải giảm bớt tự do kinh tế trong một thời gian, có thể là có ích. Chả có ai phản đối gì ở đây cả. (Tuy nhiên, các chính phủ lớn thường phá vỡ hoà bình để tiến hành những cuộc chinh phục mà họ cho là vinh quang. Họ thậm chí sẵn sàng lấy người Canada ra để làm cớ dọa nạt).

Tốt nhất là phải “nhốt” chính phủ trong cái lồng cơ chế.

Những người theo phái tự do tin rằng giải pháp là hạn chế quyền lực của chính phủ, ngay cả khi đấy là một chính phủ được lòng dân.

Vì rất đáng tiếc là, chủ nghĩa phát xít thường được lòng dân, còn chủ nghĩa cộng sản thì đôi khi cũng được lòng dân. Các phiên bản ôn hòa của hai chủ nghĩa này, tức là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã rất được lòng dân – trước khi những chế độ này mắc sai lầm nghiêm trọng.

Người dân từng ủng hộ việc đàn áp người nước ngoài (Châu Âu, tháng 8 năm 1914), và bữa ăn miễn phí khi chính phủ kiểm soát nền kinh tế (Venezuela, tháng 8 năm 2017).

Vậy nên, chính phủ cần phải bị kiềm chế. Trong số 190 chính phủ trên thế giới được xếp hạng về trung thực, thì New Zealand đứng đầu còn Bắc Triều Tiên đứng cuối bảng.

Chúng ta có thể xem 30 chính phủ trên cùng, là những chính phủ đủ trung thực để hoàn thành nhiệm vụ. Tây Ban Nha là nằm ở cận biên. Anh và Mỹ hội đủ điều kiện. Italy, xếp thứ 75 và ngay bên trên Việt Nam, thì không.

Nhưng 30 chính phủ tương đối trung thực đứng đầu bảng chỉ phục vụ có 13% dân số thế giới.

Các phép toán đã cho thấy, vì sao thái độ lạc quan của những người dễ thương bên cánh tả và những người không dễ thương như thế bên cánh hữu, về việc khuếch trương quyền lực phi tự do của chính phủ, là ngây thơ.

Thoreau từng viết, đúng theo phong cách của phái tự do, “Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: ‘Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất’ và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống hơn và càng nhanh càng tốt”.

Đúng là như thế, với một vài ngoại lệ khiêm tốn.


Tác giả, Giáo sư Deirdre Nansen McCloskey đã dạy kinh tế, lịch sử, tiếng Anh và truyền thông ở Đại học Chicago, Illinois từ năm 2000 đến năm 2015. Bà là nhà kinh tế học, sử gia và nhà hùng biện nổi tiếng, đã viết 17 cuốn sách và khoảng 400 bài báo về các chủ đề từ kinh tế kỹ thuật và lý thuyết thống kê, đến ủng hộ người chuyển giới và đạo đức của giai cấp tư sản.

Cuốn sách mới nhất của bà, xuất bản tháng 1 năm 2016 ở University of Chicago Press có nhan đề Bourgeois Equality: How Ideas, Not Capital or Institutions, Enriched the World.

Đã đăng trên Luật Khoa

Nguồn https://fee.org/articles/the-core-of-liberty-is-economic-liberty/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt bao giờ mới thôi giết nhau?


Bạch Hoàn - Thật khủng khiếp, một lò mổ heo quy mô lớn sử dụng thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ vừa bị Cục cảnh sát Môi trường (C49, Bộ Công an) và các lực lượng chức năng ở TP.HCM bắt quả tang.


Tiêm thuốc an thần cho heo ngay trước khi giết mổ
Tại hiện trường, chỉ có 600 con heo còn khoẻ mạnh. Trong khi có tới 5.000 con đã nằm la liệt tại các dãy chuồng heo đang chờ giết mổ, nghi đã bị tiêm thuốc an thần. Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên việc tiêm thuốc an thần vào heo ngay trước khi giết mổ bị phát hiện.

Cần thiết phải nhấn mạnh hơn rằng, tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ sẽ để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ của con người. Tồn dư thuốc an thần trong thịt heo sẽ làm người ăn lừ đừ, trầm cảm, tụt huyết áp và đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh tim, gan. Thậm chí, nếu sử dụng thường xuyên sẽ có nguy cơ mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu…

Người dân đã nhiều lần rơi vào tình huống phải hoang mang tột độ, sợ hãi tột cùng, khi nghĩ đến thịt heo. Chỉ một miếng thịt mà có quá nhiều bê bối, nào là tiêm thuốc an thần, nào là sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc…

Nếu như toàn bộ 5.000 con heo kia thực sự đều đã bị tiêm tiêm thuốc an thần, thì điều gì sẽ xảy ra?

5.000 con heo, nếu mỗi con sau khi giết mổ cho 50 kg thịt, nếu mỗi người ăn 200g thịt, thì sẽ có tới 200.000 người có thể bị bào mòn sức khoẻ và có nguy cơ phải đối diện với những bệnh tật khủng khiếp.

Đáng sợ hơn, tội ác này không biết đã được thực hiện từ bao giờ? Không biết đã có bao nhiêu con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ trong suốt thời gian qua? Không biết đã có biết bao nhiêu người dân vô tội bị đầu độc bởi sự vô cảm của những con người vô lương, những kẻ đã bị đồng tiền làm mất cả nhân tính?

Đây rõ ràng là hành vi huỷ diệt sức khoẻ người Việt trên quy mô lớn.

Bao giờ người Việt mới thôi giết nhau? Bao giờ mới chấm dứt những hành vi độc ác này? Bao giờ mới ngừng cuộc tàn sát hàng loạt này?

Mới hai tuần trước, ở Gia Lai, lại một vựa sầu riêng ngâm hoá chất làm chín bị phát hiện và dư luận đến giờ vẫn chưa nguôi nỗi sợ hãi. Chúng ta đã nói quá nhiều về an toàn thực phẩm như một quốc nạn. Nhưng, tại sao những hành vi này vẫn không dừng lại? Cứ hết vụ việc này đến vụ việc khác, người dân bị đầu độc, mà kẻ bất lương thì chỉ bị phạt nhẹ như phủi bụi.

Tại sao những kẻ cố tình thực hiện những hành vi có thể cướp đi sức khoẻ, tính mạng của người dân, lại được xử phạt hành chính? Rõ ràng, đó không phải một vi phạm hành chính, đó chính xác phải gọi là tội ác. Nó đúng hơn là những hành động có thể dẫn đến một sự huỷ diệt giống nòi, đẩy dân tộc đến bờ vực suy tàn.

FB Bạch Hoàn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuốn tiểu thuyết vĩ đại về Chiến tranh Việt Nam không được viết bởi người Mỹ

Biên dịch: Phan Thiên Lý | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng


Năm 1967, Le Ly Hayslip, khi đó mang tên Phùng Thị Lệ Lý, còn là một thiếu nữ sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Là một cô gái nông thôn đã sống sót qua chiến tranh và nạn cưỡng hiếp ở làng quê của mình, bà chuyển tới Đà Nẵng để trốn chạy sự áp bức của cả phía Cộng sản lẫn phía người Việt chống Cộng. Năm 1972, bà kết hôn với một người Mỹ và chuyển tới Hoa Kỳ, và năm 1989 bà xuất bản cuốn tự truyện chấn động về tình trạng bị mắc kẹt giữa hai phía, When Heaven and Earth Changed Places (“Khi đất trời đảo lộn”). Tới năm 2017, đây có lẽ vẫn là cuốn tự sự ngôi thứ nhất duy nhất bằng tiếng Anh về trải nghiệm của những người dân quê Việt Nam mắc kẹt giữa hai chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc đời và tác phẩm của mình, bà Hayslip là hiện thân cho định nghĩa rộng của tôi về ý nghĩa của việc là người Việt Nam, một bản sắc bao trùm cả những người Việt ở Việt Nam lẫn ở hải ngoại, cũng như cả những người viết bằng tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác, mà trong trường hợp này là tiếng Anh.

Tôi tình cờ đọc cuốn sách của bà hồi còn là sinh viên trường Berkeley đầu những năm 1990. Cuốn sách khiến tôi vô cùng xúc động, không chỉ bởi đây là một cuốn hồi ký đầy lôi cuốn, mà còn bởi nó là một trong số ít sách của tác giả người Việt viết bằng tiếng Anh. (Bà viết cuốn sách cùng với Jay Wurts.) Khi tìm kiếm lịch sử của chính mình, một người Việt tị nạn được đưa tới Mỹ bởi một cuộc chiến của Mỹ ngay tại quê hương mình, tôi không tìm thấy nhiều thông tin bằng tiếng Anh, dù là bản gốc hay bản dịch. Số lượng tràn ngập các tác phẩm ở Mỹ về cuộc chiến ấy đều là do người Mỹ viết, và không ngạc nhiên khi chúng đều viết về người Mỹ.

Có một vài ngoại lệ. Trần Văn Dĩnh là một cựu viên chức ngoại giao của miền Nam, Việt Nam Cộng hòa, người ở lại Mỹ và viết hai cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam, No Passenger on the River (“Sông không lữ khách,” 1965) và Blue Dragon, White Tiger (“Lam long, bạch hổ,” 1983). Là một đứa trẻ biết nhận thức sớm và đọc mọi thứ có thể về cuộc chiến, tôi gặp cuốn thứ hai trong thư viện cộng đồng ở quê nhà San Jose, California, và cảm thấy bối rối trước sự dị thường của cuốn sách. Từ khi đó tôi đã biết thật hiếm mà tìm thấy được các cây bút Việt Nam ở Hoa Kỳ nói về cuộc chiến này, hay nghe thấy tiếng nói của người Việt trong dòng chính ở Mỹ.

Đắm chìm trong các câu chuyện, cảm xúc, và ký ức của cộng đồng tị nạn người Việt nơi tôi lớn lên, tôi đã quyết tâm kể lại một vài câu chuyện, bởi tôi biết người Mỹ nhìn chung biết rất ít về những câu chuyện này. Chỉ có một nhóm nhỏ người Mỹ tin rằng việc hiểu thêm về tiếng nói và trải nghiệm của người Việt là cần thiết và cấp bách, mà nếu không có chúng thì người Mỹ sẽ không bao giờ có hiểu biết trọn vẹn về Chiến tranh Việt Nam. Sự thiếu hiểu biết của người Mỹ về lịch sử, văn hóa, và chính trị Việt Nam đã góp phần kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến và một đất nước mà họ không hiểu. Sự thiếu hiểu biết này có lẽ còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, xét cả về những điều người Mỹ tiếp tục thờ ơ về Việt Nam và những điều người Mỹ từ chối tìm hiểu về Trung Đông. Văn chương đóng vai trò quan trọng như một cách sửa chữa sự thiếu hiểu biết này.

Nghĩ lại về Trần Văn Dĩnh, tôi tự hỏi ông có cô đơn không khi là tiểu thuyết gia người Việt duy nhất ở Mỹ vào thời của ông. Ngày nay chúng ta không thiếu người Mỹ gốc Việt viết bằng tiếng Anh, cũng như các bản dịch tiếng Anh của văn chương tiếng Việt. Nhưng nhận thức về sự tồn tại của nền văn chương này vẫn còn hạn chế. Đối với phần lớn người Mỹ và thế giới, “Việt Nam” có nghĩa là “Chiến tranh Việt Nam,” và Chiến tranh Việt Nam có nghĩa là chiến tranh của Mỹ, với những cuốn tiểu thuyết của đàn ông Mỹ viết về lính Mỹ. Mặc dù trải nghiệm của họ cũng quan trọng, họ khó mà đại diện được cho Chiến tranh Việt Nam, chứ chưa nói đến Việt Nam.

Như nhà văn Lê Thị Diễm Thúy và nhiều người khác đã nhắc đi nhắc lại, Việt Nam là một đất nước, chứ không phải là một cuộc chiến. Chỉ cần đọc tập truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn bậc thầy Nguyễn Huy Thiệp là hiểu được điều này. Các truyện ngắn của ông đã hé lộ những điều phức tạp trong cuộc sống thời hậu chiến ở một đất nước Việt Nam vỡ mộng, vốn đang đấu tranh để tái thiết chính mình và điều hòa giữa một bên là những thói đạo đức giả và thất bại của người Việt Nam cũng như nhà nước Việt Nam, với một bên là những lời ca ngợi thời chiến hào hùng của Đảng Cộng sản. Đồng thời, chiến tranh cũng định hình nên một thế hệ, và những hệ quả của nó lại định hình thế hệ tiếp theo, như bà Thúy đã thể hiện trong cuốn The Gangster We are All Looking For (“Gã du đãng mà chúng ta đều đang tìm kiếm”).

Cuốn tiểu thuyết trữ tình này kể về câu chuyện của một cô gái trẻ tị nạn ở San Diego, người có gia đình phải chịu nỗi ám ảnh bởi chấn thương tâm lý của người cha từng đi lính và cái chết của người anh trai, vốn bị lạc trong chuyến đi tị nạn. Giống như đa số tác phẩm văn chương của người Việt và người Mỹ gốc Việt viết về cuộc chiến, tiểu thuyết của bà cho thấy chiến tranh tác động đến nhiều người hơn chứ không chỉ những người lính hay những người đàn ông. Chiến tranh Việt Nam đã không được chú ý nhiều ở khía cạnh số lượng dân thường bị sát hại nhiều hơn binh lính, và ở khía cạnh hàng triệu người dân bị biến thành người tị nạn mà trải nghiệm của họ còn đau thương hơn nhiều so với trải nghiệm của nhiều lính Mỹ chưa bao giờ thực sự thấy cảnh chiến trường. Văn chương của người Mỹ gốc Việt buộc độc giả phải thừa nhận rằng định nghĩa hẹp về chiến tranh chỉ phác họa người lính là thiếu chính xác.

Hết lần này đến lần khác, văn chương của người Mỹ gốc Việt cho thấy tác động tổn thương tâm lý của chiến tranh lên dân thường và người tị nạn (như cuốn tiểu thuyết thể loại noir về băng đảng của Vu Tran, Dragonfish (“Cá rồng”); hay tập truyện We Should Never Meet (“Chúng ta không nên gặp nhau”) của Aimee Phan, viết về những đứa trẻ mồ côi người Việt và con lai Mỹ Á; hay cuốn The Lotus and the Storm (“Hoa sen và bão tố”) của Lan Cao, kết nối giữa Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Iraq; hay cuốn Where the Ashes Are (“Ở nơi tro tàn”) của Nguyen Qui Duc, viết về việc người cha của chính tác giả, một quan chức của chính quyền Nam Việt Nam, bị bỏ tù); sự tái định hình đầy tàn khốc của chiến tranh lên cuộc sống người Việt thời hậu chiến (như hồi ký của Andrew X. Pham về chuyến đạp xe xuyên Việt, Catfish and Mandala(“Cá da trơn và Mạn đà la”); hay tác phẩm châm biếm thô ráp về nạn tham nhũng kinh tế ở Sài Gòn của Linh Dinh, Love Like Hate (“Yêu như ghét”); hay cuốn She Weeps Each Time You’re Born (“Bà khóc mỗi lần bạn sinh ra”) của Quan Barry, viết về tài năng đáng chú ý của một nhà ngoại cảm cảm nhận được nỗi đau của những người sống sót); sự hiện diện ám ảnh của cuộc chiến trong thế hệ thứ hai của những người tha hương (như cuốn hồi ký bằng tranh đầy mạnh mẽ của Thi BuI, The Best We Could Do (“Điều tốt nhất chúng ta làm được”); hay cuốn tiểu thuyết Grass Roof, Tin Roof (“Mái cỏ, mái tôn”) của Dao Strom, viết về một người phụ nữ Việt Nam kết hôn với một người Mỹ và ảnh hưởng của cuộc hôn nhân lên những đứa con của họ; hay cuốn hồi ký của Bich Minh Nguyen về việc lớn lên ở vùng Midwest, Stealing Buddha’s Dinner(“Trộm đồ cúng Phật”); hay cuốn Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (“Những giấc mơ hương: Chiêm niệm về người Việt tha hương”) của Andrew Lam); hay dấu hiệu của cuộc chiến trong quá khứ người Việt (như cuốn The Book of Salt (“Sách muối”) của Monique Truong, viết về đầu bếp người Việt của Gertrude Stein và cuộc gặp của anh ta với Hồ Chí Minh; hay cuốn The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family(“Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống của một gia đình Việt”) của Duong Van Mai Elliott).

Danh sách vẫn còn dài. Văn chương của người Việt và người Mỹ gốc Việt đang ở ngoài kia chờ đón bất cứ ai biết sử dụng Google. Thế nhưng rất nhiều người ở Mỹ và các nước khác thà không muốn biết đến, hay khi một tác giả người Việt mới được xuất bản, họ sẽ nói “Cuối cùng cũng có một tiếng nói cho người Việt Nam!” Trên thực tế, đã có rất nhiều tiếng nói, vì người Việt thì rất ồn ào. Chỉ là tiếng nói của họ thường không được lắng nghe bởi những người không hiểu người Việt, hay những người chỉ muốn nghĩ đến người Mỹ khi nghe thấy từ “Việt Nam,” hay những người chỉ dành chỗ cho một cuốn sách duy nhất của người Việt trong đề cương khóa học mà họ dạy, như một thực tế trong vô cùng nhiều lớp đại học về Chiến tranh Việt Nam, cho dù cuốn sách đó có đáng đọc như cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cuốn sách này không chỉ là một tác phẩm kinh điển về chiến tranh của Bắc Việt – nó còn là cuốn tiểu thuyết kinh điển về chiến tranh của bất cứ thời đại nào và ở bất cứ đâu.

Về phần Đảng Cộng sản Việt Nam, họ cũng thà không nghe thấy những tiếng nói nhất định. Ngay cả Bảo Ninh giờ cũng bị bắt im lặng, cũng giống như người đồng hương của ông, Dương Thu Hương, một cựu thanh niên xung phong miền Bắc vỡ mộng bị lưu đày vì những tiểu thuyết chống Cộng gây lo ngại thời hậu chiến, những cuốn như Tiểu thuyết vô đề và Những thiên đường mù. Về phần những tiếng nói người Mỹ gốc Việt, dù đôi khi chúng tôi vẫn được lắng nghe ở đây – và rồi thường bị quên lãng – chúng tôi hiếm khi được lắng nghe ở Việt Nam. Chúng tôi là những kẻ thua cuộc, những kẻ phản bội, những kẻ bất đồng chính kiến, hay chỉ đơn giản là những kẻ ngoài cuộc thấy được cái hư không đằng sau một đảng ca ngợi chủ nghĩa cộng sản trong khi đang điều hành đất nước như một chế độ độc tài tư bản chủ nghĩa.

Giống như Le Ly Hayslip, chúng tôi bị mắc kẹt giữa hai bên, Việt Nam và Mỹ, tiếng Việt và tiếng Anh, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Một tình cảnh khó khăn như vậy lại có ích cho các nhà văn. Sự bất an khiến chúng tôi viết ra những câu chuyện của mình, lặp đi lặp lại, với hy vọng có thể thay đổi những điều mà người ta vẫn nghĩ đến khi nghe thấy hai chữ “Việt Nam.”

Viet Thanh Nguyen 
( là tác giả của cuốn Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War và gần đây nhất là tập truyện ngắn mang tên The Refugees).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc



Một màu trắng rợn người dân tộc tôi chưa biết
Đang đối chọi gắt gao với màu than đêm
Nỗi nhớ tôi xin nhập vào bão tuyết
Bay qua nước Nga, vượt Trung Hoa gió bấc
Mưa phùn đêm nay có thổi rát mặt Người
Tổ quốc ơị
Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ
Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình Dương
Tiếng mọt nghiến đêm kèo nhà đói võng
Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường
Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận người neo vào bóng Trường Sơn
Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn
Ngoài một lối vượt đá ngầm dông bão
Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo
Tổ quốc tôi nằm ở nơi đâu
Trên mùa gặt địa cầu ?
Người cày xới bằng xương sườn lấy máu mình gieo hạt
Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu
Loa thành ơi, ai lường gạt Mỵ Châu ?
Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc
Tổ quốc tôi đau mà không dám khóc
Hoa cau cười nhòe nhoẹt áo nàng Bân.
Đâu nỗi nhớ nhà đứt ruột Huyền Trân
Đâu Tổ quốc của nàng Kiều Kim Trọng ?
Thế giới này quá rộng
Nhưng nỗi nhớ thương chỉ một chỗ đi về
Chỉ nơi mẹ mò cua bùn lạnh cóng
Lửa đói lòng dìm bóng mẹ vào đêm
Chỉ một chỗ em qua đò vịn sóng
Trăng xòa tay dừa ngóng móng chân thềm.
Đêm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất
Đêm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu
Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất
Tổ quốc, xin Người đánh thức cả niềm đaụ
Matxcơva mùa đông 12-1988
Trần Mạnh Hảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TẬP THƠ LỤC BÁT CỦA NHÀ THƠ KHIẾM THỊ NGUYỄN VIỆT ANH LẠI LÀM TÔI NGẠC NHIÊN.





MỘT LẦN NỮA – “ EM LÀ ĐÔI MẮT” 
Phê bình thơ của Trần Mạnh Hảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trên sân khấu


Năm 2014, khi nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh in tập thơ lục bát ( mỗi bài chỉ 4 câu), chúng tôi ( TMH) đã viết bài khen nhan đề : “ Mặt trời khiếm thị vào thơ” ( các bạn muốn đọc xin vào : google.com, đánh tên bài viết của TMH trên, sẽ đọc được)
Nay, Nguyễn Việt Anh lại gửi tặng tôi tập thơ lục bát 4 câu có nhan đề : “ Em là đôi mắt” ( NXB Hội Nhà văn 2016). Tôi đọc và rất thích tập thơ này.
Xin trích bài : “Lưu lạc”
“Nào đâu cứ phải bôn ba
Chỉ cần ở tại ngôi nhà thân yêu
Vào ra sớm sớm chiều chiều
Đủ lưu lạc giữa bao nhiêu nẻo đường”
( trang 51)
Nên nhớ tác giả bài thơ trên là một người mù. Anh đi đâu cũng cần phải có cây gậy hay người khác dẫn đường. Nhà thơ nhìn cuộc đời bằng tâm nhãn. Ba câu đầu của bài thơ mới là kể; câu thứ bốn mới vỡ òa ý tưởng, lênh láng cảm xúc. Hóa ra nhà thơ mù lưu lạc trong ngôi nhà mình, lưu lạc trong chính tâm hồn mình. Bóng tối cô anh đặc lại như thạch.
Anh ngồi trong chính mình mà còn lạc, còn thấy vô biên, thấy hư vô, hư ảnh, hư hình…Tưởng là tĩnh mà động, tưởng mà ngồi mà bay, tưởng rằng một mà muôn; cái vi mô đã thành vĩ mô và ngược lại. Nguyễn Việt Anh không viết bằng mắt. Anh viết bằng hồn. Chừng như người đọc anh cũng cần phải có tâm nhãn mới nhìn ra trong bóng tối lục bát của anh cái lục căn, lục bình, lục lạc, lục tung, lục lọi của hư vô và nỗi chết.
Tôi yêu câu thơ thứ tư trong các bài lục bát bốn câu của Nguyễn Việt Anh. Trong bài “ Mấy khi”, nhà thơ mù kể ra chuyện anh được về quê, ra bờ sông hóng gió :
“ Mấy khi có dịp về quê
Ra sông hóng gió thỏa thuê cả ngày
Ta ngồi như một gốc cây
Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ”
( trang 37)
Hóa ra, khi chúng ta ngồi lặng trên mặt đất, chúng ta cũng chỉ là một gốc cây. Nhưng là một gốc cây của Phật, của Chúa, của linh cảm thi sĩ tuyệt vời. “Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ” là một câu thơ có dấu hiệu thiên bẩm, người sáng mắt làm sao viết nổi ?
Bạn ơi, bạn muốn thành một thi sĩ lớn, bạn hãy biến mình thành một cái cây của Nguyễn Việt Anh, cái cây trổ đầy tuổi thơ, tuổi của thiên đường xưa bé. Chao ôi là những cây người, xum xuê những thiên thần tí hon chồi biếc. Ai bảo nhà thơ mù không nhìn thấy gì ? Anh nhìn thấy cái sâu vô cùng của bản thể vũ trụ bằng cái nhìn thiên sứ !
Trong nhóm những bài thơ lục bát hai câu cuối sách, chúng tôi như mê đi khi tìm thấy câu này của thi sĩ Nguyễn Việt Anh :
“ Thức mà đơn độc xanh tươi
Chẳng thà mê sảng cùng người tàn phai”
( trang 68)
Có những “đơn độc xanh tươi” trên đời này đấy, thưa các bạn. Nhà thơ mù đã nhìn thấy những cô đơn xanh biếc. Trái đất chúng ta là một tinh cầu cô đơn xanh biếc trong vũ trụ xa xanh thăm thẳm khôn cùng. Về bản thể, tâm hồn chúng ta dù đang có tình yêu, có gia đình, hình như cũng chỉ là một tinh cầu “đơn độc xanh tươi” ?
Nguyễn Việt Anh từng có tuổi thơ và tuổi học trò sáng mắt. Năm anh mười lăm tuổi, nhà thơ bị căn bệnh lạ mang đi đôi mắt. Tuy vậy, đến tuổi trưởng thành, anh vẫn có vợ có con. Nhưng rồi cô vợ đã từ bỏ cha con anh mà đi mất vào cõi đời mù tăm, bỏ anh lại cho cây gậy dẫn đường. Nhà thơ rơi vào hai lần cô đơn. Con người càng cô đơn càng tỉnh táo.Cho nên thi sĩ mới mơ được mê sảng, được tàn phai cho thoát nỗi cô đơn. Hóa ra còn có những “tàn phai” hạnh phúc ? Xin được chia sẻ cảm giác tươi xanh trong héo úa của thi sĩ trong bài “ Không đề 2” :
“Đột nhiên phố xá lặng im
Lòng ta cũng bất giác chìm lắng theo
Gió lơ đãng thổi qua chiều
Một vài héo úa ít nhiều tươi xanh”
( trang 27)
Chúng ta có thể sống thiếu cơm, thiếu nước trong nhiều ngày. Nhưng chúng ta không thể thiếu dưỡng khí và hi vọng trong năm phút.Trong tuyệt vọng, thi sĩ tìm thấy hi vọng. Trong héo úa, nhà thơ khiếm thị tìm thấy tươi xanh. Anh thanh lọc lá vàng tìm ra chồi non. Câu thơ hay làm ta thẫn thờ buồn vui lẫn lộn mãi trong vu vơ, trong thông cảm và trong bối rối : “Một vài héo úa ít nhiều tươi xanh”
Hãy xem Nguyễn Việt Anh nhìn mưa trong tâm hồn mình khi nghe tiếng mưa đêm ngoài song cửa :
“Mưa đêm chợt đến chợt đi
Khoảng sân trước cửa nghĩ gì mà rêu
Ánh trăng hắt xuống đìu hiu
Tự nhiên sờ sợ những điều chưa qua”
( Mưa đêm trang 6)
Đêm với ngày với người thi sĩ mù cũng chỉ là bóng tối. Và mưa và ánh trăng cũng tối như vệt rêu trước sân, chỉ bàn chân anh cảm thấy. Câu thơ bâng khuâng lạ, cắc cớ lạ, sao mà lòng trai cũng tưởng đã xanh rêu : “Khoảng sân trước cửa nghĩ gì mà rêu” …
Cảm thương cái sân trước cửa buồn quá, cả nghĩ quá mà hóa rêu cho anh làm thơ. Mưa và rêu có nghĩ gì đâu. Chỉ hồn thơ anh cô đơn quá mà nghĩ ra cái điều trơn trượt ấy. Một thế giới tĩnh lặng và bất an với một người không còn đôi mắt, phải nhìn bằng tay, nhìn bằng chân và nhìn bằng thính giác của thời gian đang đến vây bủa anh trong buồn thương hũ nút : “ Tự nhiên sờ sợ những điều chưa qua”…
Anh, người thi sĩ mù nghi ngờ chính sự tồn tại của mình. Anh viết hay là cái bóng viết ? Cõi mung lung có có không không này đang ú tim anh hay anh đang chơi trò bịt mắt bắt dê chính mình :
“Đôi lần thoáng hiện trong ta
Thân hình buốt giá như là mùa đông
Bồn chồn tay gối mung lung
Đang còn mình đấy mà không thấy mình”
( Mung lung, trang 7)
Chàng thi sĩ như con ếch số phận đào bóng tối ra để trú đông hay bóng tối đang đào anh ra từng hố hầm ảo ảnh để neo vào thời gian, đặng nghi hoặc chính mình ? Ta có thực không ? Ánh sáng có thực không ? Tất cả chúng ta, hầu như vẫn thường tự hỏi mình như chàng thi sĩ chung thân bóng tối này tự hỏi : “Đang còn mình đấy mà không thấy mình” ! Chao ôi là cái chàng Hamlet của Shakespeare mắt nhìn sáng rực mà vẫn mang một tâm hồn mù, đã liên tực tự hỏi mình : “ To be or not to be” ( tồn tại hay không tồn tại)…
Khi chơi thuyền trên Hồ Tây, Nguyễn Việt Anh viết :
“Đền đài lầu gác nguy nga
Chìm trong giấc mộng xa hoa đáy hồ
Hãy nhè nhẹ mái chèo khuya
Kẻo làm sống dậy ngôi vua một thời”
( Chơi thuyền ở Hồ Tây, trang 11)
Chèo nhẹ thôi bạn ơi, để các triều vua dưới đáy hồ yên ngủ. Thi sĩ thương giấc nghìn năm lịch sử bị đánh thức. Đi nhẹ chân thôi các bạn ơi, kẻo ông cha nằm dưới đất mất ngủ ! Chừng như các triều vua, chừng như linh hồn ông cha không ngủ dưới hồ, không ngủ trong đất mà đang yên giấc trong hồn ta ?
Trùm lên những dòng thơ Nguyễn Việt Anh là nỗi cô đơn kiếp người; như thể chàng thi sĩ đi một mình, ngồi một mình trên bờ biển :
“Trăng lên biển đã vào khuya
Cánh buồm khuất nẻo bên kia chân trời
Sóng giờ cũng ngược ra khơi
Bơ vơ hạt cát lặng ngồi hóa anh…”
( Viết ở Bãi Cháy, trang 24)
Không phải anh hóa hạt cát mà ngược lại. Hạt cát ấy buồn vì biển đã lùi xa, đêm tĩnh lặng như biến mất. Hạt cát ấy cứ đùn dần, lớn dần thành một ngôi mộ, không, thành một con người bơ bơ giữa thế giới bơ vơ. “Rồi cát bụi sẽ trở về cát bụi” . Lời Kinh thánh như tiếng gió đang ro ro trong vỏ ốc biển. Con người, thương thay chính là một hạt cát ngồi ngóng biển cả mang mình đi. Đi đâu ? Đi vào thơ Nguyễn Việt Anh chứ biết còn đi đâu !
Chính vì vậy, thi sĩ mù cám ơn hạt cát hư vô xô dạt ta về cõi hữu hình :
“Bấy lâu ngọn sóng hư vô
Rắp tâm tẩy xóa cuốn xô kiếp người
Không ngờ hạt cát nhỏ nhoi
Lại đưa con sóng về nơi hữu hình”
( Viết ở Đồ Sơn, trang 25)
Khoa học bảo rằng : sự sống mấy tỉ năm trước đã xuất hiện trong biển khơi. Hình như hạt cát lẻ loi này đã tha sự sống lên mặt đất ? Nhà thơ, cũng như hạt cát xíu xiu kia hình như đã theo sóng tấp vào bờ hồn ta một thi hứng, một xúc động trong ngẩn ngơ lục bát vô bờ.
Hãy chia sẻ nỗi đau của chàng thi sĩ trong đêm sâu như bình rượu :
“Đêm đau đêm tối âm thầm
Bóng đau bóng thức trầm ngâm với hình
Thơ đau thơ trút cạn tình
Gió đau gió thổi rỗng bình rượu tăm”
( Đau, trang 48)
Tôi yêu câu thơ thứ tư này quá. Hóa ra khi đau, gió cũng giải sầu bằng rượu ? Thực ra, người đau đã uống hết bình rượu nhưng lại ngờ gió uống. Tại gió cả thôi ! Lại nhớ Trịnh Công Sơn : “ Để làm gì em biết không ? – Để gió cuốn đi”. Nhờ gió ấy, rượu ấy, mà có thi ca, có bài hát, có cơn say của gió thổi rỗng những bình đời, những bình rượu sủi tăm thi sĩ !
Hồi chàng thi sĩ mù bị vợ bỏ đi, nỗi buồn đã bày tiệc trên hồn anh, một nỗi cô đơn cụ thể, cô đơn đến tê tái cả câu lục bát rất thật này :
“Dây phơi chẳng chiếc áo nào
Mỗi khi gió động vẫn chao hai tà
Em mang ấm cúng đi xa
Hiu hiu hắt hắt ở nhà với tôi”
( Trống vắng, trang 49)
Chúng ta, hầu như rất ít ai bị vợ hoặc chồng bỏ đi giữa tuổi thanh xuân như Nguyễn Việt Anh; sao có khi giữa một gia đình tưởng hạnh phúc lắm, tưởng đông vui lắm, ta vẫn có cảm tưởng cái vĩnh hằng, cái may mắn, cái thiên đường trong mộng xưa đã bỏ ta mà đi; khiến ta thấy câu thơ thi sĩ mù không chỉ viết cho riêng anh, mà còn viết cho chúng ta câu thơ thật hay này nữa :
“ Em mang ấm cúng đi xa
Hiu hiu hắt hắt ở nhà với tôi”…
Thưa các bạn yêu thơ, thế nào rồi cái “hiu hiu hắt hắt” trong thơ Nguyễn Việt Anh cũng sẽ tìm đến chúng ta, để xin ở chung nhà mãi mãi cùng ta dưới mái cỏ xanh mai hậu…Thơ ơi, hiu hiu hắt hắt ơi, chờ ta với .,.
Sài Gòn ngày 29-9-2017
T.M.H.
( ghi chú : điện thoại của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh : 0973 820 249)
Ảnh : nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế giới ngày nay:

Venezuela : Dân đói khổ, lãnh đạo kiên định «xã hội chủ nghĩa»

Người dân Venezuela xếp hàng mua giấy vệ sinh và tã trẻ em tại Caracas.

L’Obs tuần này nhìn sang Venezuela tại châu Mỹ La-tinh, viết về « Maduro, nhà độc tài vùng Caribê ». Lũng đoạn tư pháp, vô hiệu hóa Quốc hội, tra tấn những người đối lập trong lúc dân tình đói khổ…Trong ba năm qua, người kế nhiệm Hugo Chavez đã dập tắt những ngọn lửa leo lét cuối cùng của cuộc cách mạng Bolivar.
Thiếu đói, ba phần tư dân số sụt mất 9 kí lô

Tờ báo cho biết, theo nghiên cứu của một trường đại học, chỉ trong một năm qua, gần ba phần tư người dân Venenezuela đã bị sụt mất trung bình 9 kí lô. Sữa, mì, dầu ăn, trứng…tất cả đều thiếu thốn. Giáo viên bỏ lớp, bác sĩ rời bệnh viện để đi xếp hàng mua thực phẩm, xà bông…Họ phải chọn lựa, hoặc xếp hàng 5 đến 10 tiếng đồng hồ một ngày, hoặc phải trả cái giá gấp năm lần khi mua ngoài chợ đen. Có thể làm gì khác hơn, khi một giảng viên đại học đầy kinh nghiệm lương chỉ có 40 đô la mỗi tháng ?
Tại các khu lao động cũng như những khu phố sang trọng của thủ đô Caracas, người dân phải đi lục thùng rác. Mùa hè vừa qua, có những con thú biến mất khỏi sở thú, cảnh sát cho rằng những người bắt cóc chúng là để ăn thịt. Có đến 9/10 hộ gia đình khẳng định không có đủ thức ăn, và 10 triệu người mỗi ngày chỉ ăn một bữa, hầu hết là để nhường phần cho con. Ông Pedro José Garcia Sanchez, nhà xã hội học Venezuela nay sống ở Paris thổ lộ với tuần báo L’Obs : « Tôi nhận được những email đầy tuyệt vọng của bạn bè cũ, các giảng viên, cán bộ, van nài tôi giúp đỡ. Trước đây khi về Caracas, tôi mang theo gan béo, rượu vang ngon làm quà, thì bây giờ các va li của tôi nhét đầy những mặt hàng thiết yếu ».

Ngày lại ngày, đất nước chìm dần vào khủng hoảng, còn tổng thống Nicolas Maduro lại chối bỏ thực tế, từ chối viện trợ lương thực. Từ năm 2014, khi các siêu thị bắt đầu trống rỗng, ông kêu gọi « Đừng tiêu thụ quá trớn ». Maduro tố cáo « những kẻ tư bản lợi dụng » đã đầu cơ, tạo ra nạn khan hiếm giả tạo ; và các « đế quốc », đứng đầu là Mỹ, đã « bức hại Venezuela về tài chính ». Ông mặc kệ hai triệu người dân Venezuela phải tị nạn ở Brazil, Ecuador hay Colombia – những nước láng giềng nghèo mà trước đây Venezuela nhìn bằng nửa con mắt. « Ai không yêu nước mình thì cứ việc ra đi, chúng ta không cần họ ».

Một bé gái Venezuela bới rác tìm thức ăn thừa.
Cực tả châu Âu vẫn bênh vực đất nước của «chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21»

Bạo lực của lực lượng an ninh đã làm ít nhất 115 người chết từ tháng Tư đến tháng Bảy ? Đó là do lỗi của người biểu tình. Bắt bớ các lãnh đạo đối lập ? Đó là những kẻ muốn đảo chính. Giựt dây tư pháp, gây áp lực lên báo chí, hủy trưng cầu dân ý vì biết sẽ thua, vô hiệu hóa Quốc hội từ khi đối lập chiếm đa số năm 2016…Trong ba năm, ông Maduro đã phá sập từng thành lũy một của dân chủ, và mới nhất là việc dựng lên Quốc hội lập hiến, thâu tóm mọi quyền lực.

Nhà xã hội học Garcia Sanchez khẳng định : « Rõ ràng đó là một chế độ kiểu Stalin áp đặt một cách tuần tự, khiến nó trở nên hết sức hiệu quả ». Cũng như nhiều nhà ly khai khác, ông ngạc nhiên trước sự im lặng của cộng đồng quốc tế. 

Theo L’Obs, đó là vì phe cực tả khắp châu Âu vẫn dành cảm tình cho « chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 » mà Hugo Chavez hứa hẹn. Ngay tại Pháp, thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất là ông Jean-Luc Mélenchon chưa bao giờ có một lời nào phê phán. Khi gọi Nicolas Maduro là « nhà độc tài », tổng thống Emmanuel Macron đã bị phe này chỉ trích dữ dội. Nhưng liệu có cách gọi nào khác cho một chế độ đang giam giữ ít nhất 600 tù nhân chính trị, trong những điều kiện tồi tệ ? Những bằng chứng do Human Rights Watch thu thập được cho thấy những người tù bị bỏ đói, không cho ngủ, tra tấn, bị buộc phải ăn phân…

Nicolas Maduro và Raul Castro tại La Habana ngày 22/09/2017.
Chiếc bóng của Cuba

Ông Hector Navarro, cựu bộ trưởng thời Chavez cho biết, Hugo Chavez trước đây biết lắng nghe, còn Nicolas Maduro chỉ thích bao quanh mình là những kẻ phỉnh nịnh. Xuất thân là tài xế xe buýt, Maduro là nhà hoạt động nghiệp đoàn đầy tham vọng, quen điều hành những cuộc biểu tình, « một kẻ quấy rối chuyên nghiệp ». Maduro nhanh chóng leo lên những bậc thang của Liên đoàn Xã hội, một phong trào nhỏ có liên hệ chặt chẽ với Cuba, sau đó trở thành đệ tử trung thành của Chavez. Vài năm sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, Maduro theo hẳn chính sách của La Habana.

Nhà xã hội học Margarita Lopez Maya nhấn mạnh : « Ông ta toàn sang đảo quốc nhờ cố vấn. Nhiều nhà ngoại giao Venezuela đã từ chức, Maduro bèn thay thế bằng người của mình, những quân nhân chẳng biết gì về đối ngoại. Ông ta hoàn toàn bị Cuba khống chế ». Năm 2012 khi Chavez lâm bệnh nặng, việc chọn người kế vị rất đơn giản, tuy Nicolas Maduro không hề có được sự thu hút của Hugo Chavez lần tầm nhìn của Fidel Castro. Bà Maya nói : « Maduro chỉ là một người thừa hành, luốn thực hiện chính xác những gì Chavez yêu cầu ».
 
Castro đã áp đặt sự chọn lựa này chăng ? Cha Luis Ugalde, giảng viên đại học Dòng Tên vốn hiểu rất rõ chế độ cho biết : « Đây là chủ đề thảo luận giữa Chavez đang hấp hối và lãnh đạo Cuba ». Điều duy nhất có thể khẳng định là La Habana đã vớ bở. Hiện nay G2, cơ quan tình báo đầy quyền lực của Cuba, vẫn đang chiếm trọn một tầng lầu trong tòa nhà của cơ quan tình báo Venezuela !

Lục tìm thức ăn trong thùng rác, một cảnh tượng thường thấy ở Caracas.
Thuyền trưởng bất lực trước giông bão

Nhưng Nicolas Maduro không có được tầm vóc của một vị thuyền trưởng, đặc biệt là trong phong ba bão tố. Chiếc tàu mà ông được thừa kế có nguy cơ bị chìm đắm. Trước đây, nhờ nguồn lợi trời cho là dầu lửa, người hùng Chavez đã vung tiền không cần đếm, như một người trúng số độc đắc. Chavez chiếm được cảm tình của các nước láng giềng, các đảng anh em, và của nhân dân, với những chương trình xã hội hào phóng. Nhưng ông không hề chuẩn bị cho tương lai : không đầu tư vào sản xuất, không dự trữ ngoại hối, không có quỹ đầu tư. Khi Chavez qua đời, ngân sách quốc gia trống rỗng.

Không may cho Maduro : giá dầu thô thời Chavez từ 8 đô la tăng vọt lên 120 đô la một thùng, nhưng đến khi Maduro lên kế vị lại rơi xuống chỉ còn 20 đô la. Làm thế nào bây giờ ? « Con trai của Chavez » - như người ta mệnh danh – chỉ còn giải pháp tình thế. Quân đội tha hồ buôn lậu, tham nhũng. Dù có trữ lượng vàng đen thuộc loại lớn nhất thế giới, từ hai năm qua, Venezuela bắt đầu phải nhập dầu lửa. 

93,3% dân Venezuela khẳng định thu nhập không đủ để mua thực phẩm, 72,7% cho biết đã sụt mất 8,7 kí lô trong vòng một năm.
Tình hình y tế rất thê thảm : không còn insuline hay vắc-xin, không có thuốc cho người bị SIDA lẫn bệnh nhân ung thư cần hóa chất để trị liệu…Cũng như Liên Xô trong cuộc khủng hoảng thập niên 80, người bệnh phải cung cấp găng y tế và gạc cho bác sĩ nếu muốn được giải phẫu. Chính phủ không còn công bố những con số thống kê về tỉ lệ tử vong trẻ em, sự tái xuất hiện của một số bệnh như bại liệt…

Tổng sản phẩm nội địa sụt 30% trong ba năm liên tiếp – một kỷ lục thế giới – lạm phát trên 50% hàng tháng đối với thực phẩm, và trong nửa đầu năm 2017, giá cả đã tăng 366%. Hậu quả là trên ¾ người dân sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nếu năm 2001, Venezuela là nước giàu nhất châu Mỹ la-tinh, thì nay vừa nằm trong số nước nghèo nhất, lại vừa nguy hiểm nhất : tỉ lệ các vụ giết người lên đến 91,8 trên 100.000 dân, cao gấp 20 lần so với Bắc Mỹ. Bị nghẹt thở vì món nợ khổng lồ, Venezuela nay đành phải bán mình cho Trung Quốc.
Ông Maduro sẽ còn đi đến đâu ? Nhà phân tích Mauricio Hernandez cho rằng : « Sẽ đi càng xa càng tốt nếu có thể, để duy trì quyền lực. Những người thân cận đều biết họ đang lao thẳng vào băng sơn, nhưng cũng hiểu rằng nếu mất quyền, họ có nguy cơ vào tù ».

Một người bán hàng rong ở La Habana mời mọc du khách Mỹ, 29/09/2017.
Cuba mở hé cửa thị trường, nhưng vẫn chống tư bản !

Cũng về châu Mỹ La-tinh, Le Monde Diplomatique nhận định « Cuba thích kinh tế thị trường nhưng lại không muốn tư bản chủ nghĩa ». Chủ tịch Raul Castro loan báo sẽ rời chức vụ vào năm 2018, người kế vị có thể là Miguel Diaz-Canel, sinh sau khi Fidel lên ngôi ở La Habana. Đây là một cuộc cách mạng nho nhỏ, sau khi ông Raul cố gắng đưa mô hình kinh tế Cuba thích ứng với thời thế.

Các nhà quan sát ghi nhận, chủ tịch 86 tuổi Raul Castro đã bỏ qua nhiều dịp kỷ niệm : 55 năm cách mạng chiến thắng, 161 năm ngày sinh người hùng José Marti…Từ khi lên thay người anh Fidel, ông Raul đã mở cửa cho những người làm ăn cá thể, với 201 nghề nghiệp được cho phép, chủ yếu là nghề thủ công. Các tiểu chủ còn được mời tham dự cuộc diễu hành trang trọng nhân ngày lễ Lao Động 1/5. Năm ngoái, đảo quốc đã tiếp đón đến 4 triệu khách du lịch.

Nhưng năm 2016, lần đầu tiên Cuba bị suy thoái (-0,9%), dầu thô được Venezuela bán với giá hữu nghị đã giảm 40%. Người dân phải tự xoay sở bằng mọi cách để sinh tồn, nhưng phe cứng rắn trong chính quyền vẫn coi lãnh vực tư nhân là kẻ thù của cách mạng. Nhà kinh tế Pedro Monreal nhận xét, trong khi hầu hết các nước cố gắng xóa đói giảm nghèo, thì Cuba lại đấu tranh chống giàu có !

Biểu tình trước đại sứ quán Miến Điện tại Jakarta ngày 08/09/2017 lên án việc bức hại người Rohingya.
Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ

Thảm trạng của người Rohingya tại Miến Điện, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chiến thắng mang dư vị đắng của thủ tướng Đức Angela Merkel, Catalunya đấu tranh đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha… là những vấn đề thời sự quốc tế được các tuần báo Pháp kỳ này quan tâm. 

Về châu Á, Le Courrier International có hồ sơ « Miến Điện : Tất cả đều chống lại người Rohingya ». Điều trớ trêu là quân đội vốn bị ghét bỏ sau 50 năm độc tài quyền lực, nay lại giành được tính chính danh khi tấn công lực lượng ARSA mới thành lập của người Rohingya mới thành lập, khiến trên 400.000 thường dân phải di tản. Nhưng chính sự im lặng của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi mới gây sốc cho phương Tây.

Trong bài « Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ », tờ Mekong Review ở Sydney tỏ ý tiếc là Lady của Răngun đã rơi xuống khỏi chiếc bục mà phương Tây đã dựng lên. Từ khi lên nắm quyền, bà luôn từ chối đề cập cụ thể đến vấn đề người Rohingya. Năm 2015, bà cấm các thành viên theo đạo Hồi của đảng LND ra ứng cử Quốc hội, và đến 2016 còn yêu cầu các viên chức và ngoại giao đoàn không dùng từ « Rohingya », thay vào đó là « những người Hồi Giáo bang Arakan ».
 
Bán nguyệt san Mỹ The New Republic nêu lên thắc mắc của nhiều người : « Liệu đó có phải là bà Aung San Suu Kyi thực sự hay không ? ». Lá thư ngỏ của hơn một chục giải Nobel hòa bình gởi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 12/2016 về nạn đàn áp người Rohingya đã khiến tên tuổi bà bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuyên gia về Miến Điện gọi bà Suu Kyi là « nhà dân chủ độc tài ». Sử sách sẽ ghi lại cái tên Aung San Suu Kyi như một ngôi sao rơi rụng, một thần tượng có đôi chân bằng đất sét.

Các áp-phích "Hồng Kông độc lập" tại City University, Hồng Kông ngày 08/09/2017.
Hồng Kông : Cuộc chiến biểu ngữ của sinh viên đòi độc lập

Cũng về châu Á, Le Monde cuối tuần cho biết « Tại Hồng Kông, những người đòi độc lập đấu tranh bằng biểu ngữ ». Nếu mùa tựu trường 2016 được đánh dấu bằng việc phát các tờ rơi vận động cho độc lập trước các trường trung học và đại học ở Hồng Kông, thì mùa khai trường năm nay ý tưởng này lại xuất hiện tại giảng đường, các diễn đàn đại học.

Tại sáu trường đại học Hồng Kông uy tín nhất, những bức tường để dán những mẩu rao vặt bỗng đầy những áp-phích kêu gọi độc lập cho Hồng Kông. Phe thân Bắc Kinh bèn thức suốt đêm để gỡ bỏ, dán chồng lên những áp-phích tuyên truyền cho chế độ, và trong nhiều trường hợp, bảo vệ nhà trường phải can thiệp để tránh xô xát giữa hai bên. 

Nhưng cuộc đấu khẩu bộc phát dữ dội vào giữa tháng Chín, do trong một cuộc tập hợp những người thân Bắc Kinh, dân biểu Hà Quân Nghiêu (Junius Ho) và cán bộ quận Tăng Thụ Hòa (Tsang Shu Wo), tuyên bố rằng các lãnh đạo phong trào dân chủ xứng đáng « bị giết chết không thương tiếc ». Báo chí Hồng Kông so sánh với thời Cách mạng Văn hóa, 22 dân biểu đối lập ra thông cáo chung lên án. Còn về các biểu ngữ, nghiệp đoàn trường đại học danh giá Hong Kong U đòi hỏi phải có quy định rõ ràng về những gì được và không được dán, nếu không thì phải để sinh viên tự do biểu đạt.

Trụ sở ngân hàng Société Générale ở khu tài chính La Défense gần Paris.
Tổng thống Pháp biếu không 4,5 tỉ euro cho những người giàu nhất ?

Về thời sự nước Pháp, tuần san L’Obs đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang nhất và đặt câu hỏi « Canh bạc 4,5 tỉ euro : Tại sao ông đem cho người giàu ? ». Kể từ năm 2018, tổng thống Pháp giảm đến 4,5 tỉ euro tiền thuế cho những người giàu có nhất, với hy vọng số tiền này sẽ được tái đầu tư vào nền kinh tế. Nhưng theo tờ báo, đây là một canh bạc đầy rủi ro.

Những người được lợi nhiều nhất trong việc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản (ISF) chỉ chiếm 1% dân số Pháp. Đó là khoảng 280.000 gia đình rất giàu : có thu nhập trên 30.000 euro/tháng, hoặc có tài sản trị giá trên 2 triệu euro. Một đại biểu hội đồng quận 15 Paris than thở : « Làm thế nào giải thích cho những người tuổi 60 sở hữu một căn hộ cũ, là họ sẽ bị đánh thuế nhiều hơn các nhân viên giao dịch chứng khoán trẻ tuổi đi xe Ferrari ? »

Ngủ đủ giấc tránh được béo phì, đau tim, tiểu đường…

Trên lãnh vực xã hội, Le Point dành hồ sơ cho giấc ngủ. Theo những phát hiện mới nhất của khoa học, thì giấc ngủ ngon vô cùng quan trọng cho sức khỏe, khả năng tập trung tư tưởng, trí nhớ và cả sự thành công. 

Không phải là ngẫu nhiên khi con người phải dành đến một phần ba cuộc đời để ngủ. Theo Viện nghiên cứu về giấc ngủ (INSV), những phụ nữ ngủ dưới 6 giờ/ngày, có 34% nguy cơ bị béo phì, còn đối với nam giới thì lên đến 50%. Nguy cơ bị đau tim và cao huyết áp tăng 48%, đột quỵ 15%, bên cạnh đó là tiểu đường, ung thư.

Đối với các nhà lãnh đạo, ngủ ít không có nghĩa là làm việc được hiệu quả hơn. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng thú nhận : « Tất cả những sai lầm lớn mà tôi phạm phải trong cuộc đời đều là do mệt mỏi ». Đức giáo hoàng Phanxicô mỗi ngày đều dành ra 40 phút cho giấc ngủ trưa.

Tất nhiên là luôn có những người không thích theo quy luật tự nhiên, mà người nổi tiếng nhất đang ngự trong Nhà Trắng. Ông Donald Trump khoe rằng chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, nên có nhiều thì giờ hơn các đối thủ. Trong thời gian tranh cử, đôi khi ông chỉ ngủ có 90 phút mà thôi. Thế nên mới có chuyện ông viết Twitter mắng cô hoa hậu hoàn vũ Alicia Machado vào lúc ba giờ rưỡi sáng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang