Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Mỹ lên lịch tuần tra thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Wall Street Journal, động thái mới của Mỹ là hướng tiếp cận đáng chú ý đối với các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.

tuần tra, Trung Quốc, Mỹ, biển đông,
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tờ Wall Street Journal ngày 1/9 dẫn lời giới chức Mỹ tiết lộ kế hoạch tuần tra mới được cho là nhằm tăng cường sự thách thức của Mỹ đối với tình trạng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với một số thực thể ở Biển Đông và vùng biển xung quanh những thực thể này. Các cuộc tuần tra này sẽ không chỉ bao gồm tàu chiến mà còn có sự tham gia của cả máy bay.
Thể theo chính sách không công bố các hoạt động quân sự trước khi chúng diễn ra, giới chức Mỹ không tiết lộ thời gian và địa điểm của những đợt tuần tra đã được lên kế hoạch, theo Wall Street Journal.
Việc lên lịch hoạt động tuần tra được cho là nhằm loại bỏ các yếu tố chính trị vốn thường chi phối thời gian và địa điểm diễn ra các cuộc tuần tra dưới thời chính quyền trước của Tổng thống Barack Obama, trả các hoạt động này về với cách tiếp cận quân sự đơn thuần.
Hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải (FONOP) lần đầu tiên của hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump diễn ra vào ngày 24/5, khi khu trục hạm USS Dewey đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc từng gọi các hoạt động FONOP mà Mỹ thực hiện trước đây là gây hấn. Tính đến thời điểm này, Washington đã thực hiện 3 chuyến FONOP dưới thời ông Trump và 4 chuyến dưới thời ông Obama.
Ngày 2/7 vừa qua, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt đối với hoạt động tuần tra của Mỹ khi tàu khu trục USS Stethem đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói rằng, tàu khu trục Mỹ đã“đi qua vùng biển chủ quyền của Trung Quốc” và cho hay, “Trung Quốc đã triển khai tàu quân sự và máy bay chiến đấu để cảnh báo Mỹ”.
Đợt tuần tra gần nhất diễn ra vào ngày 10/8, khi tàu khu trục USS John S. McCain áp sát đá Vành Khăn. Chiến hạm này ngày 21/8 đã va chạm với một tàu hàng ngoài khơi bờ biển Singapore, khiến 10 thủy thủ thiệt mạng.
Giới chức Mỹ tiết lộ rằng trong lúc tàu USS John S. McCain tuần tra gần Vành Khăn có 2 chiếc máy bay trinh sát P-8 Poseidon bay trên chiến hạm này.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ và xung quanh một số đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
TinhHoa tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giá xăng sẽ tăng mạnh ngay sau nghỉ lễ 2/9



Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể tăng mạnh bởi giá thế giới đang trên đà tăng cao.
Tại Mỹ, giá xăng đang đạt “đỉnh”. Vào ngày 1/9, giá xăng bán lẻ ở Mỹ tăng đột biến lên 2,519 USD/gallon, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015. Nguyên nhân giá xăng tăng mạnh là do ảnh hưởng của siêu bão Harvey phá vỡ các nguồn cung cấp từ bang Texas.
Cơn bão Harvey càn quét khắp bờ vịnh Texas hồi cuối tuần trước đã khiến các đường ống dẫn nhiên liệu chính cho khu vực Đông Bắc và Trung Tây của Mỹ đã phải đóng cửa hoặc hoạt động bị hạn chế nghiêm trọng. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đẩy giá xăng bán lẻ trong nước tăng đột biến.
Ngược lại với giá xăng, giá dầu thô ở Mỹ tiếp tục đi xuống do nhu cầu giảm sút. Siêu bão Harvey gây ra khiến gần 1/4 số cơ sở lọc dầu của Mỹ phải ngừng hoạt động, khiến công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm khoảng 4,4 triệu thùng/ngày.
Gia xang se tang manh ngay sau nghi le 2/9 hinh anh 1
Sau kỳ nghỉ lễ, giá xăng có thể tăng cao do giá thế giới đang có chiều hướng tăng. Ảnh minh hoạ: Lê Hiếu.
Trong khi đó, do ảnh hưởng từ thị trường Mỹ, giá xăng tại thị trường Singapore đang được điều chỉnh theo chiều hướng tăng trong vài phiên giao dịch gần đây.
Trong phiên giao dịch ngày 31/8 tại Singapore, giá cơ sở của xăng RON 92 là 67,27 USD/thùng, giá dầu hỏa là 64,37 USD/thùng, giá dầu diesel là 64,23 USD/thùng và giá dầu mazut là 305,28 USD/tấn.
Trong 15 ngày gần đây, giá xăng trung bình luôn ở ngưỡng trên 64 USD/thùng và tăng đột biết lên ngưỡng 67 USD/thùng trong 3 ngày trở lại đây. Tính từ thời điểm tăng giá trước (19/8), giá xăng tại Singapore đã tăng gần 4 USD/thùng.
Singapore là thị trường nhập khẩu chính xăng dầu của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu giá nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục theo đà tăng của giá thế giới thì nhiều khả năng trong đợt điều chỉnh sắp tới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ tăng mạnh.
Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (19/8), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, xăng RON 92 tăng 461 đồng/lít; xăng E5 tăng 431 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa lần này được giữ nguyên. Dầu mazut tăng rất nhẹ 8 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng RON 92 không cao hơn 17.486 đồng/lít; Giá xăng E5: không cao hơn 17.254 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.795 đồng/lít.
Đồng thời, trước áp lực giá xăng dầu thế giới, Liên Bộ cũng quyết định xả quỹ bình ổn giá để kiểm soát mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể xăng khoáng 110 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 110 đồng/lít); Xăng E5: 90 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 90 đồng/lít); Dầu diesel: 27 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 70 đồng/lít); Dầu hỏa: 185 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 110 đồng/lít).
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 16 kỳ điều chỉnh. Trong đó giá xăng tăng 6 lần, giảm 7 lần, còn lại là giữ nguyên.
 http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/sau-nghi-le-quoc-khanh-gia-xang-tang-manh-396710.html
Theo Hạnh Nguyên/ Vietnamnet


Khinh khí, nhiệt hạch



Hôm nay twitter tràn ngập tin Bắc Hàn thử thành công bom H.
Hôm nay Nhật Bản, Trung Quốc phát hiện (detect) được 2 cơn địa chấn nhân tạo (artificial earthquake) ở Bắc Hàn. Hai đợt động đất này cách nhau 8 phút. Cơn địa chấn thứ nhất có độ mạnh cấp độ 6.3 (6.3 magnitude).
Thế giới đã bỏ đơn vị đo (thứ nguyên) động đất cũ là Richter (đặt theo tên Charles F. Richter, người phát triển hệ đo sức mạnh của động đất này vào năm 1934). Hệ đo Richter (Richter Scale) không thể hiện chính xác độ mạnh của các cơn động đất lớn nên người ta nghĩ ra hệ đo động đất mà hiện nay thế giới đang sử dụng: Moment Magnitude Scale. Chữ cấp độ (magnitude) một thuật ngữ đã được dùng trong thiên văn học.
Cấp độ được tính theo logarith cơ số 10. Nghĩa là cứ tăng 1 cấp độ của thang đo, thì cường độ rung chấn mặt đất cao lên 10 lần. Tờ Wall Street Journal nói cơn địa chấn (động đất) nhân tạo ở Bắc Hàn hôm nay là Cấp độ 6.3, mạnh gấp 10 lần cơn địa chấn năm ngoái có Cấp độ 5.3 cũng do Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân.
Hạt Nhân, hay trước đây còn dịch là Hạch Tâm (Hạch = hạt, Tâm = nhân), là từ chữ Nuclear.
Vũ khí hạt nhân sử dụng năng lượng do các phản ứng liên quan đến hạt nhân của nguyên tử.
Lúc đầu công nghệ kém, người ta dùng năng lượng phân hạch (nuclear fission), tức là một hạt nhân nặng (nucleus of an atom ) phân chia (split) ra thành các hạt nhân nhẹ hơn, quá trình phân hạch này tạo ra năng lượng rất lớn. Quả bom ném xuống Nhật là bom phân hạch, vì thế gọi là bom A (A-bomb). A là viết tắt chữ Atom, tức là nguyên tử.
Sau đó công nghệ phát triển, người ta sử dụng năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear), hoặc còn gọi là hợp hạch (nuclear fusion), tức là hai hoặc nhiều hơn hạt nhân nguyên tử (atomic nuclei) nhe hợp nhất với nhau để thành một hoặc vài hạt nhân nguyên tử (và hạt hạ nguyên tử: subatomic particle) nặng hơn; quá trình này giải phóng rất nhiều năng lượng. Bom Hydro (H-Bomb), còn được dịch là bom khinh khí (khinh=nhẹ, như khinh khí cầu), là vì bom này sử dụng công nghệ nhiệt hạch và sử dụng đồng vị nguyên tử hydro.
Điều thú vị là phân hạch và hợp hạch (nhiệt hạch) là các phản ứng hạt nhân trái ngược nhau, nhưng trong bom khinh khí lại có cả hai phản ứng này.
Trong một quả bom nhiệt hạch  (H-bomb) thường phải có một quả “bom” phân hạch (A-bomb) để tạo ra một vụ nổ sơ cấp. Năng lượng của vụ nổ sơ cấp sẽ kích hoạt vụ nổ thứ cấp sinh ra nhiều năng lượng hơn nữa. (Lý do là phản ứng hợp hạch – tổng hợp hạt nhân –  chỉ xảy ra ở điều kiện nhiệt độ cực kỳ cao trong khoảng thời gian đủ lâu, chỉ có năng lượng tạo ra từ một vụ nổ nguyên tử mới tạo ra được điều kiện như vậy).
Lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch, tiếng Anh là thermonuclear reactor, lớn nhất mà chúng ta từng biết, chính là Mặt trời. Năng lượng mà mặt trời, cũng như các ngôi sao cấp độ cao (high magnitude star), đang phát ra chính là năng lượng của phản ứng hạt nhân nhiệt hạch.
Quả bom nguyên tử (A bomb, phân hạch, nuclear fission) Mỹ ném xuống Nhật năm 1945. Khoảng 7 năm sau, năm 1952, Mỹ mới thử nghiệm thành công phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear). Trung Quốc cũng làm được bom khinh khí (H-bomb, nuclear fusion) năm 1967. Nhưng để thu nhỏ phản ứng nhiệt hạch đủ để gắn làm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo thì rất khó.
Vụ thử của Bắc Hàn hôm nay được coi là một bất ngờ, năm ngoái New York Times còn có bài rất dài phân tích Bắc Hàn không thể làm được việc này. Có khả năng đây sẽ là biến cố ngoại giao lớn đối với nước Mỹ nói chung và tổng thống Trump nói riêng. Ta hãy đợi xem Trump sẽ làm gì. Với những gì đang xảy ra ở Myanmar, Thái Lan, Bắc Hàn, và có thể sắp tới là trong lòng Trung Quốc nữa, rất có thể Việt Nam, nói đúng hơn là miền nam Việt Nam sẽ trở thành một nơi náo nhiệt trên bến dưới thuyền. Nhưng trước mắt, cần phải rút được cái gai ra khỏi mắt nước Đức.
 blog 5 xu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Năm Cam nhiều lần tính “xơi” tôi


Tác giả: theo FB Nguyễn Công Khế- title bài bạn Phạm Khanh Tiến đặt 










Tôi gặp Năm Cam khoảng năm lần. Lần đầu tiên là tại quán Cánh Buồm trên đường Pasteur vào trước năm 2000, do buổi sáng đi đánh vũ cầu về anh em mời ăn sáng. Hôm đó có cả anh Bảy Khởi, lúc đó là trưởng công an Quận 3. Nhìn anh Bảy, người từ tóc tai, khuôn mặt, đều hao hao giống TT Mỹ Bill Clinton. Anh BC, bạn tôi có mặt hôm đó giới thiệu: đây là anh Năm.
Tôi chợt nhớ lại: nhân vật này, báo mình đã viết rất nhiều, khi bị bắt đi cải tạo từ năm 1995, mà nhiều nhân vật có máu mặt đứng ra bênh vực, chạy chọt, cho rằng bắt đi giam giữ cải tạo không đúng luật. Và sau đó âm thầm được thả về mở nhà hàng, vũ trường, sòng bài, cực kỳ hưng thịnh, khai trương ồn ào hết chỗ này đến nơi khác.
Cái tên: Anh Năm, được nhắc đến trịnh trọng không chỉ trong giới giang hồ.
Cái hay, là ngay một số người bạn rất đứng đắn của mình cũng tỏ ra rất nể nang, vì cho đó là một tay giang hồ rất có tâm, đủ sức ngăn chặn dân giang hồ anh chị đất Bắc.
Thời gian sau không lâu, chú Sáu Dân vô tình chợt hỏi mình: Cái thằng Năm Cam đó bây giờ sao rồi mày? Mình buộc miệng nói, hình như bây giờ ra tù rồi, làm ăn dữ dằn hơn trước. Ông đưa tay vỗ vào đùi cái đét và ngạc nhiên hỏi tiếp: nó ra tù rồi à?
Mình biết chắc việc thả Năm Cam ra tù, ông cựu Thủ tướng lúc đó đang là cố vấn BCH TW không biết và ngạc nhiên.
Lần thứ hai mình gặp Năm Cam là đi dự sinh nhật ca sĩ Hương Lan. Mình vốn ít khi dự sinh nhật của ai trong giới nghệ thuật vì do công việc phải quen biết rất nhiều anh chị em trong giới. Thành ra đi người này, không đi người kia, nó chướng. Vả lại mình cũng rất tôn trọng người đàn bà hát này.
Hương Lan về hát cho mình, bên kia có người không hiểu chửi mắng cô ta, mình thương nên đi.
Hôm đó dự sinh nhật rất ít người. Có vài người trong gia đình HL, cùng chồng là anh Toản, Đoàn Thạch Hãn và mình.
Ăn uống vui vẻ xong xuôi. ĐTH và anh Toản rủ mình xuống Maxim dưới đường Đồng Khởi uống ly cafê trước khi về. Mình uống cafê một lát, thì băng của anh Năm ngồi bên bàn bên cạnh đến chúc rượu cụng vào ly cafê mình rất trân trọng bằng hai tay. ĐTH và anh Toản nói hôm nay anh Năm muốn chào anh.
Lần thứ ba, mình gặp Năm Cam ở Vườn Tao Đàn trong một buổi sáng tập thể dục. Mình đang chạy bộ thì Năm Cam chạy lại chào. Mình nói như là người anh em chân tình. Hoàn lương đi không người ta bắt đó Anh Năm nghe. Năm Cam trả lời: anh yên tâm, cái tiếng tăm em nó lớn thành ra họ nghĩ như vậy chứ em có hoạt động gì nữa đâu.
Không ngờ từ câu nói khuyên lơn đó, mà Năm Cam thù mình cộng thêm mấy loạt bài đánh anh ta năm 1995 trên báo TN.
Lần thứ tư là cuộc gặp không sắp đặt trước. Tối mình đi làm về, gần tới nhà gặp Năm Cam ngay trước nhà mình, đi xe Honda, ngồi sau lưng một người khác chở, Năm Cam xuống xe để vào một khách sạn cận kề nhà mình. Hai bên gật đầu chào. Rồi tôi vội vào nhà.
Có thể tôi còn gặp một lần nữa, ở quán 3 Miền của anh Tịnh em anh Trịnh Công Sơn, tôi cũng khuyên răn là không nên hoạt động nữa, nguy hiểm cho chính anh và đặc biệt là bất an cho xã hội. Và có điều tôi biết chắc là Nhà nước đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vụ này để bàn việc đi đến bắt Năm Cam. Cuộc họp này với sự có mặt của nhiều nhân vật quan trọng của ngành nội chính của TƯ và TP HCM. Hôm đó có Giám đốc CA TP, có trưởng ban nội chính Thành ủy Trần Hoàng Thám, có cả Trung tướng Phan Trung Kiên, tư lệnh quân khu 7. Chú Sáu Dân còn hỏi TT Phan Trung Kiên về biện pháp dùng đặc công để giải quyết vụ án, nếu vụ này cứ xảy ra như những lần trước. Bắt đầu hành động thì có một lực lượng Cảnh sát báo tin cho Năm Cam để hòng tạo chứng cứ ngoại phạm, hoặc tạm ngừng hoạt động để tránh sự truy lùng.
Sau này, nghe anh Đoàn Thạch Hãn nói lại mình mới rùng mình. Lần gặp bất ngờ ở Tao Đàn và buổi tối gặp trước nhà mình . Hai lần đó Năm Cam đều tính “xơi” mình nhưng số mình còn to, nó nói hành động không kịp. Trước hương hồn anh Hãn, trong mỗi lần, vì quá thân tình, Năm Cam kể lại việc ám hại tôi, anh đều can ngăn phân bua rằng: NCK là người tốt, không nên hành xử như vậy. Tất nhiên anh Hãn vì rất thân với Năm Cam nên giữ kín chuyện này. Đến khi Năm Cam bị bắt anh mới thuật lại. Tôi bán tín, bán nghi về câu chuyện này, tại sao Năm Cam có ý định “thịt” mình, lại đi tâm sự với anh Hãn. Không sợ lộ à? Nhưng sau này cảnh sát lấy tin từ đặc tình ở chung phòng với Năm Cam, bên công an họ cho biết chính thức luôn rằng Năm Cam tiếc rằng y bị bắt vì không mua chuộc được Nguyễn Công Khế và Tướng Nguyễn Việt Thành. Và họ công bố luôn kế hoạch Năm Cam định “thịt” mình bằng cách đón lõng mình ở đường từ sân bay Nội Bài về Hà nội. Nhưng hắn đang tìm cách chứng tỏ hắn phải ở trong tình trạng ngoại phạm. Và loay hoay tìm những kẻ thù của NCK để mà đổ tội, tập trung nghi ngờ của cơ quan điều tra vào những mối khác khi mà đã xảy ra chuyện.
Đoàn Thạch Hãn là ai? Trong cuốn sách “Bên Thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức xuất bản ở Mỹ, có dành một số đoạn nói về ĐTH, và đánh giá Hãn là người sống giữa hai làn đạn. Trước anh Hãn là phóng viên chiến trường của quân đội Sài Gòn cũ. Và sau này, làm phóng viên báo Công an TP HCM một thời gian, sau khi đã học tập cải tạo dưới chế độ cách mạng. Anh Hãn và một số bạn bè chơi với Năm Cam như một thứ giang hồ hảo hớn, một thứ quan niệm anh chị, không dính dáng gì tới các hoạt động xã hội đen của Năm Cam.
Có một lần khác, ông chú tôi có một người con tên là H. H chơi như thế nào đó trong các vũ trường, gặp các tay giang hồ Hải Phòng, qua lại như thế nào đó không rõ, các tay anh chị HP đem cậu ấy nhốt vào một căn nhà trống ở đường Nguyễn Cư Trinh đòi ký mắc nợ họ đâu vài tỷ bạc theo luật giang hồ. Đám anh chị HP nhốt cậu ấy vào nhà trống, tịch thu mọi thứ kể cả điện thoại, nhưng còn một cái đt trong cốp xe, chúng không để ý. H bèn lấy đt gọi cho tôi tường thuật lại vụ việc . Tôi nói với cậu ta để tôi gọi công an. H dứt khoát không chịu và bảo: anh phải nói với bác Năm thôi. Mình hỏi bác Năm nào vậy .H nói rất nhỏ trong đt: bác Năm Cam.
Thế là mình lâm vào thế kẹt. Sao lại gọi xã hội đen giải quyết chuyện này? Mình bí quá, bèn nhờ a Tịnh Phó TBT báo Thanh niên gọi cho một anh bạn của mình là một nhà báo có quen biết Năm Cam nói sự việc. Một tiếng đồng hồ sau Năm Cam gọi đám HP lên để nói lời xin lỗi H. H hoảng quá cảm ơn và nói “Bác Năm làm thế giết con, cho con thoát thân lần này là phúc đức lắm rồi”.
Uy thế của Năm Cam lúc đó, không ai mà không sợ. Mà sợ là phải, nắm toàn bộ xã hội đen từ Nam chí Bắc. Lại vào được xã hội đỏ cao cấp cỡ đó ai mà không khiếp. Đụng vào mất mạng như chơi. Anh Tư Tạo phó giám đốc Công an TP lúc đó nói với tôi: Các ông đụng vào xã hội đỏ thì còn dễ. Chứ vào xã hội đen, thì quá phức tạp phải không. Nhưng tôi, thì lại nghĩ khác một chút. Vì “đen” trộn với “quyền lực đỏ” biến chất rồi thì sức mạnh nó ghê gớm lắm. Thử tưởng tượng hàng nghìn sòng bài và cơ sở bảo kê trong thành phố này, một ngày nó thu được bao nhiêu tỷ. Ngồi tính rồi sẽ biết. 
Với sức mạnh tiền bạc thu được. Không có nhà tư bản nào trên thế giới mà thu tiền vào dễ dàng và tiền nhiều như quân Nguyên đến như thế. Tiền bạc, quyền lực sẽ đẻ ra sự tàn bạo khiếp đảm. Đâu có nhân dân nào chịu nổi. Cũng may mà chúng ta đã chung sức ngăn được Năm Cam và đồng bọn trong thời điểm nhất định nào đó, để xã hội được trong lành, bớt đi những nỗi sợ hãi thường trực trong dân chúng.
Mấy hôm nay, anh Hoàng Hải Vân viết lại về vụ án Năm Cam, nói về những nỗi khó khăn và sự tử sinh của nghề, nhiều người chia sẻ và hiểu được những vất vả của nghề báo, làm chúng tôi xúc động nên viết những dòng này.
Tôi có ý định viết một cuốn sách về nghề báo và cuộc đời làm báo nhiều thăng trầm và rủi ro của mình, để người đọc hiểu chúng tôi sống và viết như thế nào trong điều kiện và bối cảnh chính trị của Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Triều Tiên thử bom H: Ông Tập mất mặt tại BRICS, cố vấn Mỹ điện khẩn cam kết bảo vệ Nhật

Triều Tiên thử bom H: Ông Tập mất mặt tại BRICS, cố vấn Mỹ điện khẩn cam kết bảo vệ Nhật
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị BRICS. (Ảnh: Stephen McDonell/BBC)
Có nhiều phản ứng trái chiều giữa các quốc gia sau vụ thử bom H (hay còn gọi là bom Hydro, bom nhiệt hạch) của Triều Tiên.
Ảnh hưởng chính trị của vụ thử bom
Theo giới chuyên gia nhận định, vụ thử bom hạt nhân đã khiến Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình "cực kì mất mặt".
Tại thời điểm vụ việc diễn ra, ông Tập chỉ còn vài giờ trước khi phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS – cuộc họp của 5 nền kinh tế lớn gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Phóng viên Eva Dou, tờ Wall Street Journal, cho biết buổi khai mạc đã xáo trộn vì hành động của Triều Tiên.
Tuy nhiên, phóng viên Stephen McDonell từ BBC, cho biết ông Tập không đề cập tới vụ thử bom của Triều Tiên.
Ủy ban An toàn Hạt nhân Trung Quốc (CNSA) cho biết đã triển khai việc kiểm tra mức độ phóng xạ dọc biên giới với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này.
Theo báo cáo và lời tường thuật trên mạng xã hội, người dân vùng đông bắc Trung Quốc đều cảm nhận được trận động đất "nhân tạo" này, nhiều thành phố chịu rung chấn nhẹ trong khoảng 8 giây.
Theo CCTV, người dân tại tỉnh Trường Xuân, Trung Quốc, cách khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên gần 400km, cũng có thể cảm nhận được rung chấn.
Mỹ cam kết "chắc chắn" sẽ bảo vệ Nhật Bản, Guam
Tại Guam, chính quyền tại đảo trấn an người dân và cho biết mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của những lực lượng an ninh nòng cốt. Hiện tại, không có mối đe dọa trực tiếp nào đến Guam. Mức độ cảnh báo nguy hiểm được giữ nguyên.
Triều Tiên thử bom H: Ông Tập mất mặt tại BRICS, cố vấn Mỹ điện khẩn cam kết bảo vệ Nhật - Ảnh 1.
Ông Kim Jong-Un tuyên bố thu nhỏ thành công bom H vào đầu đạn tên lửa ICBM. Ảnh: KCNA
Trong cuộc gọi khẩn cấp giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster và người đồng cấp Nhật Bản, ông McMaster cho biết sẽ đảm bảo an toàn cho Nhật Bản trước mối lo ngại hạt nhân sau vụ thử bom của Triều Tiên.
Theo nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotarou Taniuchi đã nghe điện, và xác nhận cam kết nói trên.
Nếu Nhật Bản bị tấn công, Washington có thể phản ứng bằng mọi loại vũ khí, trong đó có cả vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Nga và Tổng thống Pháp cũng phản hồi, cho rằng các bên liên quan, đặc biệt cộng đồng quốc tế, cần giữ bình tĩnh và không được có hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng. Bằng mọi giá, phải đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt, cấm vận lên Triều Tiên nhằm "hoàn toàn cô lập" quốc gia này.
Shoha

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÚNG TA SẼ ĐỊNH SỐNG THẾ NÀO NẾU TỔ QUỐC TAN HOANG?



Luân Lê

CHÚNG TA SẼ ĐỊNH SỐNG THẾ NÀO 
NẾU TỔ QUỐC TAN HOANG

“Một con người hay chính phủ mà không bao giờ phải nhận chỉ trích hoặc bị phê phán thì chắc chắn rằng đó là một con người hay chính phủ tồi, bởi nó sẽ luôn đứng yên và giữ nguyên như thế, dù xã hội và thế giới này có biến đổi thế nào đi chăng nữa”.

Chúng ta có ý thức, tư duy và ngôn ngữ để giao tiếp và truyền đạt thông tin tới thế giới bên ngoài mà ta gọi là xã hội, nên chúng ta phải biết sử dụng một cách hữu ích chúng cho những việc có ý nghĩa, là để kiến tạo nên giá trị mới, để trao đổi và học hỏi, và quan trọng hơn là biết lên tiếng khi cần thiết để ngăn cản những điều xấu xảy ra hoặc là bảo vệ những chuẩn mực chung của xã hội, của lẽ phải và tình người. Nếu không thể làm được điều đó thì người câm cũng có giá trị hơn những kẻ có cái miệng linh hoạt mà chỉ để nói lời ba hoa hoặc a dua, xu nịnh dù biết đó là những thứ đáng bị lên án và thải bỏ.

Mỗi chúng ta cần biết lên tiếng bảo vệ cái đúng đắn, xây dựng mang tính tích cực và nghiêm túc, trước mọi vấn đề trọng đại với tình yêu thiêng liêng và cao quý nhất đối với tổ quốc, chúng ta không thể có thái độ hời hợt hay cợt nhả, châm biếm để góp ý hay kiến nghị tới chính phủ để hòng đòi lại quyền lợi hoặc mong muốn được thiết lập nên một chính sách cũng như sự thay đổi nào đó tích cực.

Nếu bạn là một công dân một đất nước, mà không quan tâm gì đến những tình hình biến động của xã hội mình đang hiện diện thì tôi tự hỏi, bạn quan tâm đến những gì trong nhận thức của mình? Vì đất nước là nơi để sinh ra, lớn lên và bao bọc, bảo vệ chúng ta, vậy tại sao lại có thể thờ ơ và phó mặc nó để cho những kẻ xấu muốn hoành hành hay tàn phá nó ra sao thì ra?

Vậy chúng ta sẽ định sống thế nào khi không còn gỗ để làm giấy, kể cả cho việc học tập đến vệ sinh; chúng ta sẽ định sống thế nào nếu không khí mỗi ngày hít vào lại chứa nồng độ các loại khí độc ở mức báo động mà có thể gây hại cho hô hấp mà nguy hiểm hơn là tính mạng của chúng ta và cả những thế hệ đứa trẻ đang cùng tồn tại?

Chúng ta sẽ sống thế nào nếu rừng bị tàn phá và cứ thường xuyên lũ lụt càn quét làm nhà cửa tan hoang, trường lớp của con em chúng ta bị cuốn trôi và không cả còn nơi cư trú để mưu sinh? Chúng ta sẽ sống thế nào nếu nguồn nước bị đầu độc và ngày càng cạn kiệt, trong khi nước ngọt là tài nguyên hữu hạn và cũng khó lòng tái tạo nhưng lại là thứ thiết yếu cho con người trong sự duy trì sự sống mỗi ngày. Biển cả mênh mông, nhưng chỉ là muối mặn, lênh đênh trên biển thì cũng không thể dùng chúng mà cho vào miệng để uống được.

Nên bởi vậy, không quan tâm đến xã hội xung quanh, được vận hành ra sao bởi nhà quản lý, bởi các sự kiện cả thiên tai và do con người gây nên, thì chúng ta sẽ quan tâm đến cái gì trên đất nước mình?

Ai ai trong chúng ta cũng đều đi kiếm tiền và mưu sinh để sinh tồn cả, nhưng cuộc sống không phải là một thế lưỡng nan như thế lưỡng nan của người tù mà Von Neuman đặt ra, tức lợi ích của người này bắt buộc phải là triệt tiêu của người khác. Chúng ta cùng nhau liên kết và sinh tồn trong một mục đích chung là bền vững và gây dựng nên tương lai an toàn, chứ không phải bằng những hành động chà đạp con người, tự nhiên, sẵn sàng tước bỏ các giá trị nhân bản, quyền và danh dự, phẩm giá của người khác.

Xã hội là một sự phân công và sắp xếp nguồn lực, người làm ra cái này thì cung cấp cho người khác cái mà họ thiếu và rồi nhận lại những thứ mà mình không làm ra mà đang thuộc về người khác, đó là trao đổi hay giao dịch, từ đó dẫn đến thương mại. Mà nếu chúng ta cứ giành giật bằng được lợi ích của người khác mà không để lại chút gì cho họ, không tạo nên những thứ tốt đẹp mà còn gây nên những bất công, phân hóa thì chính chúng ta rồi sẽ trở thành nạn nhân của những bất công ấy vào một ngày nào đó, khi sự mâu thuẫn đã đủ mức để làm nảy lên một sự phản kháng của số đông. Nào có thể khác được, khi dồn đến những đường cùng quẫn thì con người ta sẽ hành động theo bản năng hơn là kiểm soát bằng lý trí và nhận thức.

Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÍNH QUYỀN VN ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO?


Lược đồ vị trí tập trận của Trung Quốc từ 29.8 – 4.9. Ảnh: Báo Thanh Niên

Chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

LS. TS Hoàng Ngọc Giao
2-9-2017 

Quốc khánh 2/9/2017 – Trung Quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý. 

Năm 2014 – Dàn khoan 981 

Ngày 1/5/2014 TQ đưa dàn khoan 981 vào vùng Đặc quyền kinh tế/ thềm lục địa của Việt Nam. 

Nhân dân phẫn nộ. Nhiều người dân xuống đường phản đối. Nhiều cuộc xuống đường đã bị ngăn chặn, Một số người đã bị hành hung. Nhiều người đã bị bắt lên xe bus đưa về đồn công an. 

Năm 2014, chính quyền Việt Nam đã làm gì? 

Việt Nam đã triệu Đại biện sứ quán Trung Quốc lên trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ. 

Ngày 12 tháng 5, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng lãnh sự Trung Quốc Sài Văn Duệ đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự và nhiều lượt máy bay trinh sát, quân sự hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Ngày 11 tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. 

Ngày 13 đến 15 tháng 5, thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh để “trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước”. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước…. 

Ngày 15 tháng 5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc 

Ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”. 

Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. 

Năm 2017 – Quốc khánh Việt Nam – Trung quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật (28/8 – 4/9/2017) tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý, cấm tầu bè của ta trong một vùng biển hơn 11000 Km2. 

Năm 2017, chính quyền Việt Nam đã làm gì? 

31/8/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”. 

Như vậy, sau 03 ngày Trung quốc mang quân vào nổ súng trong Vùng Biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng Việt Nam mới chỉ tuyên bố là ‘hết sức quan ngại’, là ‘mọi hoạt động của nước ngoài… cần phải tuân thủ LPQT’, và ‘đề nghị TQ chấm dứt và không lặp lại hành động này'(!) 

Tuyên bố như vậy, quá yếu ớt, nếu như không nói là với tâm thức sợ hãi ! Giặc vào nhà, nhưng vẫn đề nghị giặc đừng làm thế, nên tôn trọng pháp luật! 

Đành rằng Việt Nam phải nỗ lực để không để xẩy ra chiến tranh. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, không thể giữ hòa bình bằng cách chấp nhận cho ngoại bang xâm lăng bờ cõi, biển đảo mà cha ông chúng ta đã bảo toàn bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ ! Chưa đủ sức đối đầu với kẻ xâm lược bằng vũ lực, Việt Nam vẫn có thể đối đầu với Trung Quốc bằng pháp lý, bằng đấu tranh ngoại giao để bảo vệ bờ cõi biển đảo! 

Nếu như trong những ngày tới Chính quyền Việt Nam không có những hành động đấu tranh ngoại giao trực diện với Trung Quốc, cũng như trên các diễn đàn quốc tế, và đặc biệt là tại Liên Hợp quốc – thì có thể thấy rõ sự yếu đuối, sợ hãi của Chính quyền lần này được thể hiện rõ nét hơn rất nhiều so với sự kiện Dàn khoan 981 năm 2014. 

Đánh giá hành vi của Trung Quốc từ năm 2014 

Theo dòng sự kiện từ năm 2014 đến nay, không khó khăn để thấy rằng hành động của Trung Quốc ngày càng lấn tới cả về mặt không gian trên biển (xâm chiếm trọn Biển Đông và các đảo Hoàng Sa và Trường Sa) cũng như cường độ và tính chất hành vi xâm lấn (tuyên bố cấm đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, đưa dàn khoan ở các vùng biển Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam; quân sự hóa các đảo/bãi đá thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; dùng các loại tầu săn đuổi, đánh chìm tầu cá của ngư dân Việt nam; ngăn cấm, buộc Chính quyền Việt Nam chấm dứt hợp tác với các nước khác thăm dò khai thác dầu khí trên Thềm lục địa Việt Nam; và lần này, tập trận bắn đạn thật ngay trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam). Đặc biệt nghiêm trọng, trong tháng 8/2017, Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật, diễn tập đổ bộ tại vùng biển quần đảo Lôi Châu, phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, theo hướng về phía Tây, sát với biện giới Việt Nam, với sự tham gia của đầy đủ hải, lục, không quân. Trên mặt trận truyền thông, không ít những phát biểu của tướng lĩnh/chính khách Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng đánh thắng Việt Nam trong thời gian ngắn, hù dọa/răn đe cho rằng Việt Nam lôi kéo Hoa Kỳ và các nước khác để chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Ngay từ năm 2014 – dư luận công chúng đã mong muốn Chính quyền Việt Nam phải có hành động pháp lý chống lại những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam cũng đã từng tuyên bố để ngỏ khả năng khởi kiện Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines đã đi trước Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Các kết luận trong Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế – là rất có lợi cho Việt Nam để tham chiếu nếu khởi kiện Trung quốc. Không hiểu vì lý do gì, Chính quyền Việt Nam cho đến nay dường như bỏ qua việc khởi kiện Trung Quốc! 

Phải chăng, vì thế mà Chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhún nhường, không dám đối đầu trực diện về mặt pháp lý và ngoại giao với Trung Quốc? 

Mong sao, Chính quyền Việt Nam ngộ ra một thực tế là: Việt Nam càng lùi bước, Trung Quốc càng lấn tới ! Nếu Việt Nam tiếp tục nhượng bộ, Trung Quốc sẽ chiếm trọn Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa ! Dân tộc Việt Nam sẽ không còn cơ hội mưu sinh trên các vùng biển, đảo mà bao thế hệ kể từ Chính quyền Triều đình Nhà Nguyễn đã gây dựng và bảo vệ! 

Năm 2017, chính quyền Việt Nam nên làm gì? 

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc KHÔNG DÙNG VŨ LỰC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ theo quy định của Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm nghiêm trong các quy định về Vùng ĐQKT Việt Nam theo Công Ước LHQ năm 1982 về Luật Biển. 

Chính quyền Việt Nam cần tiến hành ngay một số hành động như sau: 

– Công hàm gửi cho phía Trung Quốc, phản đối hành động tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam; 

– Công hàm gửi cho ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, tố cáo hành vi Trung Quốc dùng vũ lực tại Vùng ĐQKT của Việt Nam; 

– Công hàm gửi Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, phản đối và yêu cầu ban hành Nghị quyết lên án hành vi của Trung Quốc dùng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực chống lại CHXHCN Việt Nam. Cho dù Trung Quốc, thành viên thường trực của HĐBA LHQ sẽ dùng quyền phủ quyết (veto), Nghị quyết có thể không ban hành được, nhưng công luận quốc tế sẽ lên án hành vi này của Trung Quốc. 

– Công hàm gửi tới ASEAN, EU chính thức thông báo quan điểm của Việt Nam phản đối hành vi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam. 

Đồng thời, Chính quyền Việt Nam cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế thích hợp. 

Cuối cùng, xin đặc biệt lưu ý Chính quyền Việt Nam về nhận định có tính lịch sử của cố Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill: “Một dân tộc mà né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì rồi dân tộc ấy sẽ phải lãnh đủ cả hai thứ, cả chiến tranh và sự nhục nhã”!
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang