Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

TỔNG HỢP TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ BIỂN ĐÔNG


Ngoại trưởng các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 50 ở Manila. 
Nguồn: Reuters/ Mohd Rasfan

Tin biển Đông

tổng hợp và bình luận
06 - 08 - 2017 

Báo New York Times có bàiViệt Nam nhượng bộ Bắc Kinh, rút lui khỏi dự án khoan dầu ở Biển Đông. Bài báo cho biết, Việt nam đã phải cho công ty Repsol rút lui khỏi một dự án khoan dầu ở Biển Đông, dự án mà họ đã chấp thuận, vì việc khoan dầu này đã làm cho Bắc Kinh nổi giận.

Bài viết dẫn lời Tiến sĩ Vuving, nói rằng, Việt Nam có thể đã ra lệnh cho công ty Repsol dừng khoan dầu trên Biển Đông bởi vì họ sợ rằng Cảnh Sát biển của Việt Nam có thể bị áp đảo bởi một sự trừng phạt có khả năng xảy ra từ Hải quân Trung Quốc. Báo Cali Today có bài tóm lược: New York Times: “Chiến thắng mới của Trung Quốc ở Biển Đông”.


Tin từ AFP: Tranh chấp Biển Đông: Việt Nam thách thức Trung Quốc tại các cuộc đàm phán về an ninh. Tại hội nghị ASEAN ở Manila, Việt Nam thúc giục các nước Đông Nam Á khác đứng lên chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Bài báo cũng nói rằng, Việt Nam đã có một cuộc chơi táo bạo chống lại Trung Quốc với một loạt đề nghị thay đổi cho bản thông cáo chung.

Reuters có bài: Thông cáo ASEAN ngưng lại do có sự bất đồng về lập trường Biển ĐôngCác Ngoại trưởng Đông Nam Á đã không đưa ra một bản thông cáo vào cuối cuộc họp cấp cao hôm thứ Bảy, vì họ nói rằng thiếu sự đồng thuận về việc làm thế nào để đề cập đến các tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Robespierre Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines không đưa ra lý do trì hoãn, mà chỉ nói rằng thông cáo sẽ được ban hành cùng với tất cả các tuyên bố của chủ tịch [ASEAN] sau khi tất cả các buổi họp kết thúc. Các nhà ngoại giao của 3 trong 4 nước ASEAN có tranh chấp với TQ nói, sự chậm trễ này là do Việt Nam muốn văn bản phải đề cập đến chuyện tránh đòi lại lãnh thổ và quân sự hóa.

Bài trên BBC: Các ngoại trưởng ASEAN không có thông cáo chung ‘do VN’. Một nhà ngoại giao tham gia viết dự thảo thông cáo, nói vớ Reuters: “Chỉ còn Việt Nam là còn chưa đồng ý. Có thể, vào ngày mai, mọi chuyện sẽ được dàn xếp ổn thỏa“.

RFI có bài: Biển Đông: Việt Nam muốn ASEAN có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Bài viết cho biết, “trước khi bước vào phiên khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, phía Việt Nam trong phiên họp trù bị tối qua, đã đưa ra một loạt đề nghị sửa đổi nội dung dự thảo tuyên bố chung nhằm tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông“.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Cô Phượng rồi sao?"


FB Truong Huy San 

THAM NHŨNG & THẾ GIỚI VĂN MINH
Khi Nguyễn Tấn Dũng bị loại tại Đại hội 12, một nhà ngoại giao phương Tây tại Sài Gòn hỏi tôi, "Cô Phượng rồi sao?". Tôi nói, "Bà nên hỏi cô ấy; nhưng tôi e nước Mỹ và Phương Tây sẽ có thêm nhiều công dân giàu có và tôi muốn lưu ý bà, tiền đấy là xương máu của nhân dân chúng tôi".

Nếu quả thật, Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc" thay vì bị dẫn độ, phản ứng của Đức là dễ hiểu. Việt Nam chắc chắn có khó xử dù bây giờ họ có thể gửi cho phía Đức những phủ nhận của TXT (bắt cóc thì điều quan trọng nhất là phải có nạn nhân). Tôi không đủ thông tin để bình luận thêm. Chỉ suy nghĩ rất nhiều về điều này. Mấy năm qua tôi tham gia nhiều dự án của các định chế quốc tế giúp VN phòng, chống tham nhũng, bây giờ chính những nơi mong muốn VN thực sự chống tham nhũng đó có khả năng trở thành nơi trú ẩn cho những tên trộm cướp tiền bạc của nhân dân tôi hung hãn nhất.

Tôi ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và mong muốn những kẻ bỏ trốn như TXT phải bị bắt. Chính trị nào cũng có phe phái vấn đề là chúng ta còn phải chờ các phiên tòa để thấy những kẻ hôm nay bị bắt là nạn nhân của phe phái hay là những kẻ đang ăn cướp của dân. Tối qua khi theo dõi phản ứng của Đức, tôi nói với một nhà báo lớn và một luật sư tên tuổi, "Chúng ta có thể còn nghi ngờ anh công an đứng bên kia đường vẫn làm mãi lộ, nhưng nếu có kẻ cướp giật bên nay ta vẫn cần ở anh ấy".

Việc để xảy ra sự phản ứng của Đức là đáng tiếc khi lần đầu tiên đảng CSVN thực sự có truy đuổi những tên tham nhũng (lúc đầu tôi cũng ngờ rằng với những dây nhợ của TXT, BCA sẽ không muốn bắt). Nhưng, "tái ông thất mã", tôi hy vọng là trước phản ứng của Đức trong vụ TXT, ông Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng và các đồng chí của ông nhận ra, cải cách là đòi hỏi cấp thiết của đất nước. Có dân chủ, có nhà nước pháp quyền chưa chắc đã chống được tham nhũng; nhưng nếu không có dân chủ, không có nhà nước pháp quyền thì các thành tựu chống tham nhũng nếu đạt được cũng chỉ là cục bộ.

Thể chế nào muốn chống tham nhũng cũng đều phải cần những bàn tay sạch. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào những bàn tay sạch thay vì một thể chế thì các thành tựu chống tham nhũng dù có đạt được cũng chỉ là tạm thời.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN NGỌC TƯ TỪ CHỐI NHÀ



06-08-2017

Năm 2005, trong chuyến về Cà Mau, ngồi uống cà phê với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư,tôi được biết cô sống chung với người chị chồng trong căn nhà gỗ chật hẹp cạnh bờ sông. Hôm sau tôi đem chuyện đó nhỏ to với anh Hai Bình, bí thư tỉnh ủy. Tôi nói thêm rằng nếu anh cảm thấy tự hào cho xứ mình có một tài năng như thế thì không lẽ mình không cấp cho cô ấy một căn nhà đàng hoàng. Anh Bình nói chú yên tâm, chuyện nhỏ mà. Sáng hôm sau, anh gọi tôi đến văn phòng tỉnh ủy và đưa cho tôi một phong thư, anh nói chú bảo Ngọc Tư cầm cái nầy qua công ty phát triển nhà để nhận căn nhà, tôi đã gọi điện nói với họ rồi. Tôi mang cái công văn ấy trao cho Ngọc Tư trước khi về SG. Mấy hôm sau tôi gọi điện hỏi Ngọc Tư nhận nhà chưa, cô nói tui cảm ơn anh, mặc dù tui rất cần nhà ở nhưng không phải bằng cách đó, tui có sỉ diện của tui chớ.
_____________
.
Theo Báo Tuổi trẻ: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc làm việc với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật chiều 4-8, khi trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị của giới văn nghệ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền'




Tuổi Trẻ
05/08/2017 16:00 GMT+7

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc làm việc với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật chiều 4-8, khi trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị của giới văn nghệ. 

.

Cuộc làm việc của Thủ tướng với tổ chức đại diện lớn nhất cho giới văn nghệ bắt đầu từ 14h cho đến tối muộn mới kết thúc.

Thủ tướng mời Chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, yêu cầu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và các thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cùng dự. 


Cần có chính sách 
đào tạo tài năng trẻ

Trước những người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các hội thành viên, Thủ tướng khẳng định: qua các thời kỳ cách mạng, phát triển của đất nước, văn học nghệ thuật (VHNT) đã thể hiện tinh thần đồng hành với quốc gia, dân tộc, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ cái đẹp, cái tiến bộ.

Hoạt động VHNT đạt nhiều kết quả, giới văn nghệ sĩ VN đã bám sát cuộc sống, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật với các tổ chức thành viên, gửi lời thăm hỏi ân cần tới 4 vạn nghệ sĩ là thành viên các hội VHNT trong toàn quốc.

Theo Thủ tướng, trong quá trình phát triển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, chúng ta cũng không thể biết hết, lường trước được các ngõ ngách, các vấn đề của phát triển VHNT, đặc biệt là các khó khăn.

Nhưng có thể khẳng định Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm phát triển VHNT. Đường lối, chính sách đã rõ ràng nhưng trong thực hiện thì có vấn đề cụ thể còn những bất cập.

Ông đề nghị Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật có chính sách, giải pháp đào tạo các mầm non, tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT; đổi mới công tác sáng tác, sưu tầm có chiều sâu, tránh dàn trải, hướng tới những tác phẩm có sức lan tỏa rộng rãi; có giải pháp cụ thể để phòng chống sản phẩm phi văn hóa, bạo lực, đồi trụy, đấu tranh chống diễn biến hòa bình trong VHNT...

“Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền”

Đại diện cho Liên hiệp hội, ông Hữu Thỉnh đã nêu tới 9 kiến nghị để giải quyết khó khăn trong hoạt động của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên, chủ yếu là về cơ sở vật chất, kinh phí và đời sống của văn nghệ sĩ.

Ông đề nghị được chuyển khoản kinh phí hỗ trợ hằng năm (khoảng 90 tỉ đồng) thành khoản được chi thường xuyên, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật không phải lập đề án đi xin trong từng giai đoạn.

Hay một việc khác là hiện nay nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu nhưng đời sống khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đề nghị Thủ tướng lập đề án xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để giải quyết vấn đề nhà ở cho các văn nghệ sĩ, để nghệ sĩ yên tâm cống hiến.

Ông Hữu Thỉnh cũng cho biết theo quy định thì chức danh của ông được hưởng chế độ xe như bộ trưởng, trưởng ban Đảng, nhưng 10 năm nay không có xe, phải mượn xe và xe đó đã quá rách nát.

“Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy” - ông Thỉnh giãi bày.

“Dưa thì giải cứu được, chứ tranh thì không”

Trong khi đó, ông Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - cũng bức xúc về kinh phí hỗ trợ sáng tác.

“Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua.

Dưa thì có thể giải cứu được chứ tranh thì không giải cứu được. Chúng tôi rất khổ. Giờ không ai muốn về đây làm. Tôi già rồi muốn có người thay thế nhưng đi mời chẳng ai chịu về” - ông Chương tâm sự.

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Liên hiệp hội giải quyết kinh phí hỗ trợ hằng năm để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên sớm nhận được tiền, thủ tục đơn giản, đúng pháp luật.

“Vấn đề nhà ở xã hội, tôi giao TP Hà Nội giải quyết đất, trung ương hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hạ tầng, có cơ chế hợp lý để xây dựng nhà ở cho các văn nghệ sĩ có đóng góp nhưng đang gặp khó khăn về nhà ở. Bước đầu có thể xây dựng 200 căn hộ dạng này” - Thủ tướng nói.

Về phương tiện đi lại, Thủ tướng đồng ý để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật được thanh lý 5/7 ôtô đã quá cũ, mua mới một ôtô và nhận chuyển giao từ Văn phòng Chính phủ một ôtô còn sử dụng tốt.

“Như tôi đã nói từ đầu, hôm nay tôi đến đây không phải là để bàn về đường lối, tư tưởng đối với hoạt động VHNT, bởi các nghị quyết của Đảng đã thể hiện rất rõ rồi.

Tôi đến đây để lắng nghe, bàn cách tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ Liên hiệp hội thực hiện tốt vai trò, sứ mạng của mình. Thủ tướng luôn lắng nghe mọi ý kiến của văn nghệ sĩ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.


LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Chém" trên mạng: Chữ nghĩa là gươm đao, đau đớn lắm


05/08/2017 VOV.VN - Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng trong sự tương tác thiếu trách nhiệm, không chính danh đang khiến những thành viên trở nên hồ đồ.
Image result for “Chém" trên mạng
Phùng Quán có bài thơ định mệnh "Lời mẹ dặn" với những câu:
"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu".

Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ số 21, ngày 27/9/1957 đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh khốn khổ vì bị cho là “mang biểu tượng hai mặt”, với ý đồ xấu... Ông bị chửi bới nhiếc móc thậm tệ. Trên văn đàn, trong hừng hực khí thế đấu Nhân văn - Giai phẩm, Phùng Quán bị "đập" cho tơi bời.

Trong bối cảnh đó thì bài thơ "Lời mẹ dặn- Thật hay không?" ký tên Trúc Chi xuất hiện để đả phá, chụp mũ Phùng Quán:

"Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu quân gái điếm cao bồi,

Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,
Yêu những người đáng ghét của muôn người.

Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó mái chim mồi".

Đọc "Bạn văn" của Nguyễn Quang Lập về sự việc này mới thấy cái buồn, cái đau và tức giận của thi sỹ Phùng Quán! Suốt từ đó (1957) Phùng Quán đi khắp nơi khắp chốn tìm cái bút danh Trúc Chi kia, anh Lập hỏi để làm gì, Phùng Quán buồn buồn nói để xem mặt mũi thế nào thôi.

Sau ba chục năm đằng đẵng tìm kiếm cái tên Trúc Chi, có lúc tưởng như không còn hy vọng, tình cờ năm 1989 Phùng Quán có được tập thơ "Một đôi vần", trong đó có bài "Lời mẹ dặn-Thật hay không?" của Hoàng Văn Hoan, bút danh Trúc Chi (lúc này ông Hoan đang cư trú ở Trung Quốc). Gặp Nguyễn Quang Lập, Phùng Quán vuốt chòm râu bạc như cước, thở ra nhẹ nhõm, khẽ ngâm nga: "Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi... "

Mình không rành văn thơ, cũng không bàn quan điểm nọ kia, thi thoảng đọc bài nào tâm đắc thì nhớ đại ý, hiếm khi nhớ trọn vẹn, nhưng vừa rồi xảy ra mấy vụ cãi cọ nảy lửa trên mạng xã hội, bỗng dưng nhớ chủ đề này, càng thấy CHỮ NGHĨA ĐÚNG LÀ GƯƠM ĐAO, đau đớn lắm, chỉ người trong cuộc mới thấm, mạng ảo giờ thực hơn đời thực, còm một chữ cũng phải nghĩ, chẳng phải chuyện đùa!

Bố của cậu bé – nhân vật chính của vụ ồn ào trên mạng mới đây - có chát với tôi rằng anh chỉ lo cho cháu bé vì nó đã biết vào mạng. Tôi khuyên anh đưa gia đình đi nghỉ đâu đó xa xa, khuyên xong mới thấy ngớ ngẩn. Tránh sao được, cả thế giới này ngập tràn Internet!


Lo âu khiến chúng ta bất chấp
VOV.VN -Nỗi sợ hãi và âu lo không được giải tỏa đã tích tụ lại, gặm nhấm tính hào sảng, khoan dung, đẩy con người ta xuống vực thẳm của sự lạnh lùng, vô cảm...

Ném đá là một từ cực đắt và không thể thay thế để diễn tả hành vi đánh hôi trên mạng. Ở các quốc gia Hồi giáo, ném đá là một hình phạt. Hãy thử tưởng tượng kẻ phạm tội bị chôn dưới đất, chỉ thò cái đầu lên khỏi mặt đất, xung quanh dân tình bu vào ném đá cho tới chết thì thôi.

Dù tử tội được trùm bao bố lên đầu thì người ném đã cũng không khỏi run tay vì hình ảnh và âm thanh ghê rợn phát ra. Nhưng ném đá trên mạng thì không ai nghe thấy và nhìn thấy, cũng chẳng biết người ném là ai. Chính sự vô danh và vô hình này khiến người ta cư xử độc địa và vô cảm.

Đọc Thiện ác và smartphone của Đặng Hoàng Giang ta bắt gặp nhưng câu như thế này: “Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống như người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không ai nhìn thấy. Khi ẩn danh người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài”.

Những người sử dụng mạng xã hội, hỏi rằng đã hiểu biết tường tận về nó chưa thì tin rằng không ái dám chắc. Ngay cả những nghiên cứu nghiêm túc, bài bản về mạng xã hội hiện vẫn còn hụt hơi so với tốc độ phát triển kinh hoàng của nó.

Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng sự tương tác thiếu (hoặc không chịu) trách nhiệm, không chính danh (không có tên thật) vô hình trung làm cho thành viên của nó trở nên hồ đồ, thậm chí nhiều thành viên ngộ nhận là Robinhood hay Lục Vân Tiên của thời đại.


Mở báo mạng và Facebook, biết người Việt nhàn rỗi như thế nào
VOV.VN -Nếu bạn muốn biết người Việt đang nhàn rỗi, biết quan tâm và lo lắng cho nhau như thế nào hãy mở báo mạng và Facebook…

Like, comment làm cho ai cũng có cảm giác được trao quyền lực khiến nhiều người hả hê, mãn nguyện, tưởng mình đã làm được một việc có ích. Nhưng đáng tiếc là thông tin trên mạng xã hội thường thiếu tính xác thực và ít thể hiện bản chất nên nếu như cứ hồn nhiên lao vào cơn cuồng nộ tập thể để phán xét và thóa mạ một cách vội vàng sẽ gây hậu quả nặng nề.

Trở lại câu chuyện của thi sỹ Phùng Quán. Dù sau này Phùng Quán thoát khỏi cảnh rượu chịu, cá trộm, văn chui, nhưng những tổn thương tinh thần thì dai dẳng hơn nhiều. Nó khiến ông hơn 30 năm chỉ làm mỗi việc là tìm cho bằng ra người ấy, người viết ra những câu chữ cay độc, chỉ để nói với người ấy một câu, một câu thôi…

Thời thi sỹ Phùng Quán chỉ có vài ba tờ báo, sự việc cũng chỉ lẩn khuất trong giới văn nghệ mà còn làm cho thi sỹ đau như thế, thời mạng mẽo này những lời lẽ thóa mạ, chụp mũ, đánh hội đồng, lăng nhục tập thể kiểu như thế, nếu xảy ra, không biết sẽ kinh khủng như thế nào!/.


Ngô Thiệu Phong
http://vov.vn/blog/chem-tren-mang-chu-nghia-la-guom-dao-dau-don-lam-655674.vov

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BÀI BÁO ĐÁNG NHỚ và ĐÁNG SỢ


Năm 1997, khi chuyển từ báo Quảng Bình sang báo Thanh Niên, ra làm việc tại Tòa soạn Hà Nội, mình được anh Nguyễn Quốc Phong, Phó tổng biên tập giao viết bài về chuyện nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô.

Trịnh Văn Bô là một thương nhân Việt Nam giàu có bậc nhất Hà Thành giữa thế kỷ 20. Ông là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ.

Nhà riêng của ông tại số 48 phố Hàng Ngang quận Hoàn Kiếm Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mọi hoạt động của Chính phủ lúc bấy giờ phần lớn dựa vào tài chính của gia đình ông. PPng cũng là người đưa vàng cho Bác Hồ mua lại kho vũ khí của Nhật. Sau này, nhiều ngôi nhà của ông ở quận Hoàn Kiếm đưa cho nhà nước sử dụng. 
*
Tháng 10/1987, cố vấn Trường Chinh mời ông Trịnh Văn Bô và vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.
Hai ông bà ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.
Năm 1986, tướng Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rất rộng rãi, khang trang. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.
Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Hồ (lúc đó ông Bô đã mất).

Việc trả nhà lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô được Báo Nhân Dân đăng rất trang trọng trên trang nhất.
Thế nhưng xà quần xà quần mãi người ta vẫn không trả nhà cho gia đình ông bà với vô số lý do vô lối.
*
Một tuần sau khi Thanh Niên đăng bài viết của mình, anh Nguyễn Công Thắng, Trưởng ban Bạn đọc Báo Thanh Niên điện thoại (bàn) cho mình nói rằng, trong thời gian làm bạn đọc khá lâu của anh, chưa có bài báo nào được bạn đọc quan tâm, ủng hộ như bài viết của Nguyễn Thế Thịnh. Tòa soạn đã nhận được 19,2 kg thư!
*
Lúc đó mình thấy lạ, không sao lý giải nỗi, một gia đình cống hiến cho cách mạng như thế mà đến một cái nhà cũng không trả lại cho người ta.
Lạ hơn nữa là sau bài viết đó, sếp mình, anh Quốc Phong nhận được điện thoại yêu cầu không được nói về vấn đề đó nữa.

Mãi sau đó nhiều năm, năm 2003, gia đình bà Bô mới lấy lại được nhà với tình tiết ly kỳ như… phim.
*
Nhân ngày Báo chí, đọc lại bài báo đó, mới nghĩ và phục các sếp mình, trực tiếp là anh Quốc Phong.
Sau nữa mình cũng…. phục mình. Thời còn trẻ, máu me nghề nghiệp. Dù nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người xưng danh này nọ nói rất rõ ràng: “Mày im cái mồm lại, tao cho chén rượu là xong!” nhưng có vẻ mình chẳng sợ.
Giờ mà thế, có lẽ mình phải tính. Già rồi thường lấy an toàn làm trọng nên mình không thích người già là vì thế. Hehe.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển Đông: VIỆT NAM MUỐN ASEAN CỨNG RẮN VỚI BẮC KINH


mediaBộ trưởng Ngoại Giao 10 nước ASEAN, cùng tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (P), chụp ảnh chung tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, Manila, ngày 05/08/2017. REUTERS/Erik De Castro

Biển Đông: Việt Nam muốn ASEAN có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh




Việt Nam cố gắng vận động các nước trong khối Đông Nam Á bày tỏ lập trường cứng rắn trước các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông nhân Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 khai mạc tại thủ đô Manila, Philippines, sáng nay 05/08/2017.


Theo ghi nhận của AFP, trước khi bước vào phiên khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, phía Việt Nam trong phiên họp trù bị tối qua, đã đưa ra một loạt đề nghị sửa đổi nội dung dự thảo tuyên bố chung nhằm tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông.

Theo dự thảo tuyên bố chung mà AFP có được, Việt Nam đã cố gắng gây sức ép để ASEAN bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước việc « xây dựng » trên Biển Đông, hàm ý nói đến việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo tại các khu vực có tranh chấp trên Biển Đông từ nhiều năm qua.

Việt Nam muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán với Trung Quốc, phải có giá trị « ràng buộc pháp lý ». Đây là điều mà Bắc Kinh vẫn phản đối.

AFP trích dẫn một nhà ngoại giao tham gia các cuộc thảo luận về tuyên bố chung hội nghị cho biết, « các cuộc thảo luận đã diễn ra rất khó khăn. Việt Nam là nước duy nhất muốn có những ngôn từ cứng rắn về Biển Đông. Cam Bốt và Philippines thì tỏ ra không muốn ». 

Theo một số nhà ngoại giao tham dự hội nghị tại Manila, các tranh chấp ở Biển Đông là một trong những trọng tâm của hội nghị lần này, tuy nhiên, nước chủ nhà Philippines muốn giảm nhẹ vấn đề, ngại gây căng thẳng với Trung Quốc.

Trong phiên khai mạc sáng nay, ngoại trưởng Philippines Cayetano khẳng định các đoàn đã tranh luận gay gắt về bản tuyên bố chung.

Một số nhà ngoại giao nhận định, Việt Nam có khả năng thất bại trong việc đưa vào tuyên bố chung những ngôn từ cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, vì Philippines là nước chủ nhà có ảnh hưởng nhiều hơn cả ở hội nghị.

Dự trù trong các cuộc họp lần này sẽ thông qua được bộ khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông, để thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc.

Hãng tin Pháp ghi nhận, trước đây, Philippines từng là nước đứng bên cạnh Việt Nam mạnh mẽ chỉ trích hành vi bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng từ khi tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, Manila đã cố gắng giảm thiểu vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc để đổi lại việc được Bắc Kinh viện trợ hoặc đầu tư hàng tỷ đô la. Trung Quốc cũng đã làm được điều tương tự với Cam Bốt.

Sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, ngày mai sẽ diễn ra Hội nghị ASEAN với các đối tác, cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương. Tiếp theo sẽ là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của nhiều nước trong đó đặc biệt có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố sẽ được đưa ra bàn luận.


Phần nhận xét hiển thị trên trang