Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Chuyện thông tin (kỳ 2, tiếp)


Trong bài trước, tôi có kể rằng suốt bao nhiêu năm (thập niên 60 - 70) ở miền Bắc thế hệ chúng tôi muốn biết thế giới xung quanh diễn ra làm sao chỉ có kênh thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước. Dân chúng nghe đài, mỗi ngày họ phát 3 buổi: đầu sáng, giữa trưa, chiều muộn và tối. Ngoài tin thời sự “ta thắng địch thua” thì được nghe ca nhạc, hát chèo, nghe các chương trình đọc truyện đêm khuya, kể chuyện cảnh giác, buổi trưa thường có dạy hát kiểu “rế móc đơn, si móc kép, dấu nặng đen, gạch nhịp”… Nhu cầu thông tin của dân chúng nói chung cũng đơn giản, chả cần biết nhiều làm gì cho mệt đầu. Hôm nào có sự gì đặc biệt thì tập trung ở sân ủy ban hoặc sân kho hợp tác xã để nghe đọc báo, nghe cán bộ huyện về phổ biến nội dung này nọ. Cũng chủ yếu đám thanh niên tới nghe, còn trẻ con thì đến vui đùa bởi thường đốt đèn măng xông sáng lắm, chứ nông dân lớn tuổi như thày bu tôi chả mấy khi dự bởi buổi tối vẫn đầy việc, xay thóc giã gạo, nấu cám lợn, vò lúa, rửa khoai…

Tôi lại nhớ tối 3.9.1969 ông Quảng chủ nhiệm HTX nông nghiệp (là bố của ông Thiếu chủ tịch xã Thụy Hương quê tôi bây giờ) nhắc các đội trưởng sản xuất tập trung hết cả dân chúng tới sân hợp tác nghe phổ biến thời sự. Nhà tôi ngay sát sân kho nên tôi cũng ra nghe. Ông cán bộ huyện thông báo rằng Bác Hồ đang bị ốm nặng, bà con nên bình tĩnh, bác đang chữa ở bệnh viện Việt Xô có nhiều bác sĩ Liên Xô tài giỏi sang chữa, thế nào cũng khỏi. Ông còn nhắc đi nhắc lại Bác chỉ ốm thôi, trung ương đã khẳng định như vậy. Ai dè, sáng hôm sau, ngày 4.9, mới sáng sớm cái loa kim trên tường đã đọc bản tin đặc biệt thông báo vị lãnh tụ kính yêu từ trần lúc 9 giờ 47 phút ngày 3.9. Nhiều người khóc rưng rức. Hóa ra ông cán bộ huyện kia cũng không biết cụ đã mất, hay là ông ấy nói dối mình. Về sau thì lại tá hỏa, có tin xì xào rằng cụ mất từ hôm 2.9 kia, ngay ngày quốc khánh. Vậy ông cán bộ huyện cũng bị lừa chứ không phải chỉ đám dân cổ cày vai bừa. Sự thực ấy phải mấy chục năm sau chính quyền mới thừa nhận. Họ thông tin, họ nói dối như thật, nhưng dám dối cả ngày mất của cụ Hồ thì không thể nào hiểu nổi.

Hồi đó, đi đâu cũng thấy người ta kẻ lên tường những câu khẩu hiệu nhắc nhở dân chúng rèn luyện lập trường cách mạng, cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Tôi nhớ trên ngay bức tường chính nhà HTX mua bán, anh Hạ (anh họ tôi, bị gù lưng nhưng rất khéo tay, viết chữ rất đẹp, vẽ giỏi) đã nắn nót câu khẩu hiệu thơ rõ to: “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/Tin đài tin báo của ta/Đừng nghe tin địch ba hoa nói càn”. Tôi đứng xem anh kẻ chữ, hỏi anh thôn Trà Phương mình có ai nghe đài địch đâu, làm gì nhà nào có đài mà nghe, anh Hạ cười bảo thì cứ viết thế.

Thực ra cũng vài người sắm được đài (radio hồi ấy gọi là đài), là mấy vị đi thoát ly làm ăn ngoài Phòng (Hải Phòng) hoặc cán bộ xã. Ông Ngân cán bộ Ban Tổ chức chính quyền thành phố có hẳn cái đài Orionton của Hungary to bằng nửa vỏ thùng bia bây giờ, còn ông Tế anh họ tôi làm Phó chủ nhiệm HTX có cái đài Xianmao Trung Quốc, mấy nhà xóm trong làm ăn khá giả về sau cũng sắm được đài. Chủ yếu cho nó oách chứ có nghe mấy. Thấy bảo ở trên huyện có những ông đi làm đeo hẳn chiếc Orionton nặng xệch cả người. Nhiều khi sắm được đài nhưng không có pin nên chỉ làm cảnh. Pin là thứ hàng phân phối cho cán bộ, còn dân chúng muốn mua pin để lắp đèn pin chiếu sáng phải mua ngoài chợ đen, giá tới 3 đồng/cặp (giá phân phối chỉ có 5 hào/cục). Hồi ấy rặt pin đại loại nhãn hiệu Con thỏ của nhà máy pin Văn Điển, vỏ giấy, mau hết pin; pin của Trung Quốc hiếm lắm, vỏ kim loại, xài rất bền, chỉ cán bộ to mới mua được. Ông bà nào chẳng may mua phải cái đài dùng pin trung thì coi như cấm khẩu bởi gần như không có loại pin đó. Công nhận thời ấy hàng Trung Quốc cực kỳ tốt, bền, đẹp, chẳng hạn xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu, bút máy Kim Tinh, bát tráng men, đồng hồ con gà mái mổ thóc, phích nước Trường Giang, vải ka ki Tô Châu. Tôi hồi sinh viên có cái bát sắt tráng men Thượng Hải dùng suốt mấy năm mà chả sứt mẻ gì, có lần sẩy tay rơi từ tầng 3 nhà C2 ký túc xá Mễ Trì xuống đất, vội chạy xuống nhặt lên thấy vẫn y nguyên, khiếp thật. Còn cái quần bộ đội vải ka ki Tô Châu ông anh tôi đi bộ đội, lúc vào Nam năm 1970 để lại cho thằng em, tôi mặc mãi tới cuối năm 1973 mới rách, màu chưa phai.

Đài địch mà nhà nước cấm nghe là đài BBC, đài Gươm thiêng ái quốc, đài Hoa Kỳ. Ông nào nghe đài địch mà bị phát hiện thì kể như toi đời. Chỉ có quân phản động mới nghe đài địch. Nhiều ông nghiện quá chịu không nổi, tới giờ đài BBC tiếng Việt phát phải chui vào chăn nghe, chỉ dám mở lí nhí, nhờ con cháu trông chừng nếu có ai tới thì dặng hắng vài tiếng làm hiệu. Chính quyền cấm gắt gao lắm bởi mấy đài đó thường phát tin tức về đánh nhau ở miền Nam, bộ đội bị chết bị thương ra sao, chiến trường khốc liệt thế nào. Đài Gươm thiêng ái quốc tối nào cũng phát chương trình “Sinh Bắc tử Nam” liệt kê tên tuổi, quê quán bộ đội miền Bắc bị chết trận, chết ngày nào, trận nào, chôn ở đâu… Dân chúng mà nghe mấy đài ấy dễ mất tinh thần, mất lập trường cách mạng, rồi lấy ai vào Nam chiến đấu. Phải cấm tiệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện thông tin


Chiều 21.7 tôi đọc cái tin công an đang “truy lùng” ai là người đã đưa tin “thất thiệt” máy bay rơi ở sân bay Nội Bài. Nếu tin này xảy ra cách nay vài chục năm thì cộng đồng xã hội sẽ tin sái cổ, nhưng bây giờ thì không thế. Chả ai tin, bởi đó là tin thất thiệt. Tại sao? Đơn giản là bây giờ những vụ việc nghiêm trọng như vậy chả thể nào giấu được. Xã hội lúc này trăm tay nghìn mắt, chuyện nhỏ như con kiến vừa xảy ra nơi thôn cùng xóm vắng cũng được lan truyền tức thì, huống hồ cái máy bay rơi ngay địa phận thủ đô. Loại tin như trên người ta gọi là tin đồn nhảm, tin vịt. Chỉ những kẻ khờ khạo mới tin. Công an mà bắt được đương sự, cứ buộc nó ngồi trong phòng kín vẽ 1 tỉ con vịt rồi hẵng thả, cho chừa.

Nhưng con người sống trên đời cần có thông tin. Tuyên ngôn độc lập của những nước văn minh như nước Mỹ, nước Pháp (hai đế quốc to mà nhà cai trị xứ ta đã nói rằng ta có vinh dự đánh cho cả hai bị bại) cũng như tuyên ngôn độc lập xứ này đều khẳng định “con người ta sinh ra có quyền tự do và bình đẳng”, trong các quyền ấy có quyền được thông tin và bình đẳng về thông tin. Nói lý luận vậy thôi chứ “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam” thì nó lại khác, thậm chí ngược hoàn toàn. Viết đến đây, tôi thấy cần phải điểm lại một vài chuyện đã và đang xảy ra ở xứ này, liên quan đến thông tin.


Tôi cả đời chỉ có 2 việc chính là dạy học và làm báo. Dạy học mãi đến khi không sống nổi với đồng lương chết đói thì bung ra tìm cách thoát khỏi sống mòn, rồi đi làm báo. Mỗi chặng đời cũng đều ngót nghét 20 năm. Trong suốt gần 40 năm ấy tôi có dịp tiếp xúc với bản tin chính thống của nhà nước, bản tin Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Đây là hãng thông tấn quốc gia, số 1, chính thức của chính thức. Có những vụ việc, các báo đều nhận được chỉ đạo của cấp trên (Ban Tuyên giáo (Ban Văn hóa - Tư tưởng), Vụ Báo chí.. là chỉ được đưa tin theo bản tin của TTX. Nếu TTX không đưa thì tịt, còn đưa sao thì phải thông tin vậy, không được khác biệt. Hồi làm ở tòa soạn báo TN, bộ phận chuyên về tin tức, tôi biết rõ TTXVN chia bản tin ra làm nhiều loại, có loại mật, loại lưu hành nội bộ, hạn chế phổ biến, rồi mới tới những bản tin thường (trong giới gọi là tin xanh tin đỏ tin vàng, theo màu của bản tin). Có loại chỉ dành cho cán bộ cấp cao, loại thì cán bộ cấp vừa, loại cho báo chí, loại phổ biến cho dân chúng. Ngày ấy có những vị quan chức thích ra vẻ ta đây, chứng minh mình thuộc đẳng cấp cao, thỉnh thoảng “vô tình” hé lộ ra những bản tin mật, lưu hành nội bộ. Những bản tin quý hiếm, bí mật ấy thời đó đúng là thứ ghê gớm, nhưng bây giờ thì nó phải gọi những thông tin trên Facebook bằng cụ.

Bộ máy cai trị hiểu rất rõ về sự lợi hai của thông tin nên họ chủ trương bưng bít thông tin, hạn chế thông tin, phân cấp thông tin. Cái gọi là quyền bình đẳng chẳng qua chỉ là thứ bánh vẽ, trưng ra cho đẹp thế thôi, chứ làm gì có bình đẳng. Mấy ông trung ương, những ông bà cán bộ to to được TTXVN cung cấp hằng ngày những thông tin đủ kiểu, nhưng đại đa số dân chúng chỉ được ăn thứ thông tin thải, thông tin thừa, thông tin bị bóp méo hoặc vo tròn theo chủ ý, bởi bàn tay nhà cai trị. Vô lý nhất là chính dân chúng phải lao động, đóng thuế để nuôi cái bộ máy, cái cơ quan đối xử phân biệt quyền thông tin ấy, nuôi những kẻ tự cho mình cái quyền hưởng thụ thông tin bậc cao ấy.

Với dân chúng, suốt bao nhiêu năm, nguồn thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước (Đài tiếng nói Việt Nam) bởi báo cũng chủ yếu chỉ dành cho cán bộ, cơ quan nhà nước. Báo Nhân Dân, báo Quân đội, báo của đảng bộ các địa phương được phát đến từng cơ quan, từng cán bộ to, họ không phải bỏ tiền mua bởi tiền chi phí cũng lấy từ ngân sách. Dân chỉ có quyền đóng tiền mua báo cho cán bộ chứ không có quyền đọc. Mà cũng may cho đám dân đen, đọc lắm thứ báo chí ấy vào lại không mụ mị cả người, biết bao giờ mới tỉnh.

Vậy thì chỉ còn cách nghe đài. Không nghe đài thì mù tịt, mà nghe đài lại chỉ biết thông tin một chiều, kiểu ta thắng địch thua, xuân đã đến rồi hối hả tương lai, đời vui đó tiếng ca đoàn kết… Nghe mãi phát chán, lòng tin cạn dần. Hồi bé tôi có nghe chuyện cụ Thấn ở làng tôi, cụ thái mấy thúng khoai lang để sáng mai phơi vì buổi tối nghe đài dự báo thời tiết rằng sáng hôm sau sẽ nắng to, nhưng hóa ra mưa rào, mưa suốt ngày, khoai đã thái không phơi được bị ủng, thối. Cụ ra giữa sân chửi cái đài ngày nào cũng bắt cụ nghe những tin một chiều, cả cái bản tin thời tiết cũng sai, cụ mắng “cha bố mày, từ nay ông không thèm nghe, thèm tin mày nữa, ông chỉ còn tin mỗi cái tút tút thôi” (tút tút là tín hiệu báo giờ lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ tối, khi báo giờ thì phát ra 5 âm tút, 1 âm tít kéo dài).

Nhưng không tin đài, không tin vào thông tin nhà nước dạng như vậy chỉ là những cớ nhẹ. Thực tế thì nghiêm trọng hơn nhiều. (còn tiếp) 

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú?


>> Cần có câu trả lời công khai, minh bạch
>> Phạm Công Danh tiếp tục bị đề nghị truy tố
>> BĐS du lịch Việt Nam và xu hướng "du khách bạc"


Bùi Hoàng Tám


















(Dân trí) - Với việc tự nguyện đầu thú, Thanh hi vọng sẽ được “hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật” như lời Thanh nói. Tất nhiên, để có điều đó, Thanh cần khai báo trung thực toàn bộ sự việc, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra đồng thời bồi hoàn và khắc phục những hậu quả đã gây ra.

Không thể nói khác, việc tự nguyện đầu thú là một suy nghĩ đúng đắn, dũng cảm và sáng suốt của Trịnh Xuân Thanh trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong đơn đầu thú và trả lời trên VTV, Trịnh Xuân Thanh nói: “Trong quá trình trốn chạy mình cứ nghĩ về việc mình làm, thời điểm đó rất nông nổi, suy nghĩ không chín chắn, quyết định đi trốn. Trong quá trình như thế, mình thấy rằng mình cần phải về để đối diện với sự thật. Cái thứ hai nữa là mình về mình ngẫm lại, nhận thức được, báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình đã động viên mình xin tự thú tại công an…

Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".

Để đi đến quyết định này, chắc chắn Trịnh Xuân Thanh đã phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều.

Vậy vì sao Trịnh Xuân Thanh lại ra đầu thú? Đây là câu hỏi không ít người quan tâm.

Nhớ lại cách đây tròn 9 tháng (6/11/2016), trong bài “Về thôi, chú Trịnh Xuân Thanh ơi!”, người viết bài này đã khuyên Trịnh Xuân Thanh nên về đầu thú bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, là đấng nam nhi, dám làm, dám chịu. Trốn tránh là hèn nhát. Là đổ hết lỗi cho anh em bạn bè cùng phe cánh, họ ở lại phải gánh chịu thay.

Thứ hai, Thanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống đáng quý. Ông cụ thân sinh từng là cán bộ cao cấp và nghe nói khi còn công tác, ông cụ được đánh giá là người liêm chính. Tất nhiên là khi đó thôi, còn khi ông cụ về làm chủ cái công ty gì gì do chú lập ra có ngôi biệt thự khủng ở Tam Đảo thì…

Thứ ba, nếu chỉ do sai sót thì về để tranh đấu. Tôi sai cái này, tôi đúng cái này. Cái này do nhận thức, cái này do cơ chế, cái này do ông A, bà B… Trốn tránh, mọi tội lỗi đổ cả lên đầu.

Thứ tư, “lưới giời tuy thưa nhưng khó lọt”, trốn làm sao được mà trốn. Hãy xem các bậc đàn anh là Dương Chí Dũng rồi gần đây nhất, là “cậu em” Giang Kim Đạt cũng bị điệu về…

Thứ năm, nên về nước để hưởng sự khoan hồng, đến như ông Vũ Huy Hoàng với những khuyết điểm “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công thương và cá nhân đồng chí Vũ Huy Hoàng, gây bức xúc trong xã hội”, song lúc đầu cũng chỉ bị đề nghị mức kỉ luật “cảnh cáo”, sau đó Ban Bí thư mới cách chức Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Về phía Thanh, do “chưa phạm tội lần nào”, lại “có nhiều đóng góp” và “nhân thân tốt”, biết đâu…

Giờ thì Trịnh Xuân Thanh đã về và đầu thú. Nhìn gương mặt hốc hác mới thấy sự khốc liệt của cuộc sống chui lủi, “bấp bênh luôn lo sợ” khủng khiếp như thế nào.

Với việc tự nguyện đầu thú, Thanh hi vọng sẽ được “hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật” như lời Thanh nói. Tất nhiên, để có điều đó, Thanh cần khai báo trung thực toàn bộ sự việc, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra đồng thời bồi hoàn và khắc phục những hậu quả đã gây ra.

Nếu làm được điều này, với chính sách hiện nay và truyền thống “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, tin rằng Thanh sẽ được hưởng sự khoan hồng xứng đáng. Còn không thì, tất nhiên là ngược lại!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quan hệ ngoại giao Đức- Việt sẽ ra sao sau vụ Trịnh Xuân Thanh?





Tác giả: Hồ Ngọc Thắng


.
Quanh vụ việc TXT, mấy ngày qua nhiều bạn hỏi tôi chủ yếu tập trung vào 3 chủ đề: Kết quả cụ thể của việc xin tị nạn của TXT như thế nào? Thực hư chuyện „bắt cóc“? Quan hệ Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc?
Đây là câu trả lời của tôi:


1. Tờ Báo Miền nam Đức (Süddeutsche Zeitung) ngày 2-8-2017 cho biết, ông TXT sang Đức năm 2016 và ngày 24.07.2017 là lịch hẹn sẽ phỏng vấn tại Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nan. Như vậy có nghĩa là, ông TXT trước đó đã đến bộ phận tiếp nhận đơn. Ở đó ông đã được chụp ảnh, lấy vân tay, ký vào trang 1 của hồ sơ. Các trang tiếp theo ghi họ tên tuổi của người nộp đơn và của bố mẹ, vợ con, địa chỉ ở VN và ở Đức, tên tuổi luật sư. Lúc đó ông nhận giấy mời phỏng vấn. Có thể có một phiên dịch của văn phòng dịch thuật tư nhân hỗ trợ ông khai báo và đọc các tờ hướng dẫn về quyền lợi và nghĩa vụ của người xin tị nạn. Chỉ đến lúc phỏng vấn, cán bộ phỏng vấn mới hỏi về lai lịch, đường đi từ VN sang Đức, lý do xin tịn nạn, muốn nộp giấy tờ gì…


Theo khoản 3, Điều 33 của Bộ luật về thủ tục xét tị nạn, đơn xin được coi là đã rút, nếu người nộp đơn rời lãnh thổ Đức và trở về đất nước mình, do bất cứ lý do nào. Theo Điều 32, thủ tục xét tị nạn sẽ được đình chỉ (Einstellung). Thông thường, sau 4 tuần mọi chuyện được kết thúc. Hồ sơ thủ tục xin tị nạn được lưu trữ 10 năm và sau đó được hủy. Như vậy ông TXT chưa được hưởng quy chế tị nạn chính trị hay được ở lại vì lý do nhân đạo. Liên quan đến câu hỏi, liệu TXT đã cung cấp thông tin tình báo, tôi xin trích dẫn bài báo của tờ Thế giới (Welt) phiên bản điện tử đăng hôm 04.07.17 „Tình báo cùng nghe“. Bài báo trích dẫn lời Giám đốc Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nạn: Từ vài tháng nay, khi phỏng vấn xin tị nạn, trong một số trường hợp, cán bộ cơ quan tình báo ngồi cùng bàn để nghe và nếu cần sẽ đặt câu hỏi. Như vậy có thể đoán, TXT chưa gặp TB Đức.


2. Cho đến nay, các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông TXT „bị bắt cóc“. Ngày 02.08.2017, hãng thông tấn xã Đức dpa đưa tin, „nhân viên điều tra ở Berlin phỏng đoán… bị bắt cóc“. Từ nguyên gốc tiếng Đức trong bài viết là „vermuten“. Lời phát biểu của ông Winfrid Wenzel, phát ngôn viên của công an Berlin: „Đây là một trường hợp nghi ngờ“ (tiếng Đức „Das ist ein Verdacht“). Trường hợp nghi ngờ cao hơn là nghi ngờ khẩn cấp (dringender Verdacht). Một điều phi lý trong quả quyết „bắt cóc“ là chi tiết „có người thấy ông TXT bị lôi vào xe ô tô“. Tại sao cảnh sát không cho giải cứu ngay lúc đó bằng cách báo động truy lùng khẩn cấp vòng quanh khu vực với phạm vi rộng, từ chuyên môn của cảnh sát Đức cho biện pháp này là Ringfahndung.Tuyên bố của Bộ NG Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà LS đại diện cho TXT trong thủ tục xét tị nạn. Bà ta không phải là nhân chứng, bà chỉ nghe người khác kể lại. Danh tính người đó cũng không được công bố. Các cơ quan sau chịu sự lãnh đạo của ông Bộ trưởng Bộ nội vụ Liên bang: cảnh sát LB (tức CA biên phòng), tình báo đối ngoại, tình báo đối nội, Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nạn, cục kỹ thuật hình sự Liên bang, đơn vị đặc nhiệm GSG 9. Cho đến nay, trên trang mạng của mình cũng như trên báo, Bộ nội vụ Liên bang không đưa ra bất kỳ phát biểu nào liên quan đến vụ việc TXT.


3. Khi nhận định về quan hệ ngoại giao Đức-Việt trong thời gian tới phải chú ý đến các yếu tố sau: trong con mắt của người Đức ông TXT là một người như thế nào? Báo chí Đức gọi ông ta là một „Geschaeftsmann“, người kinh doanh, trong quá khứ ông là Phó chủ tịch một tỉnh nhỏ, như vậy ông ta chỉ là cựu chính trị gia cấp địa phương, ông nổi tiếng vì tham nhũng, ham chơi, thí dụ xe tư nhân tiền tỉ gắn biển KS chỉ dùng cho xe công vụ. Lãnh đạo Bộ nội vụ Liên bang hiện nay là người của đảng CDU, Lãnh đạo Bộ NG là người của đảng SPD. Ngày 27.09.17 Đức bầu cử QH và tháng 10.2017 có CP mới. CP mới sẽ quyết định về đường lối NG mới. Chưa biết đảng nào sẽ thắng cử, nhưng chắc chắn, không vì TXT mà nước Đức làm xấu đi quan hệ toàn diện với Việt Nam. Tôi tin rằng, vài ngày nữa, chậm nhất vài tuần, sự kiện TXT sẽ chìm trong sự lãng quên. Cũng chẳng hay ho gì cho Nhà nước Đức, nếu ai đó nhắc lại vụ việc này. Hiện nay người Đức đang quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác. Người được lợi nhiều nhất có lẽ là bà LS đại diện cho TXT. Tên bà được nhắc trên báo và truyền hình và đó là quảng cáo rộng rãi mà không tốn tiền, chỉ tốn nước bọt. Nhưng bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NỔ TUNG KHO QUÂN KHÍ CÔNG AN TỈNH HÀ GIANG


Cột khói bốc lên từ vụ nổ. (Ảnh cắt từ clip).
.
Nổ kho quân khí Công an tỉnh Hà Giang 

Dân trí  
Thứ bảy, 05/08/2017 - 16:59 


Dân trí Theo Công an tỉnh Hà Giang, bước đầu, cơ quan công an chưa ghi nhận thiệt hại về người trong vụ nổ kho quân khí của công an tỉnh này. 

Chiều 5/8, trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Hà Giang) - xác nhận có vụ nổ kho quân khí của Công an tỉnh Hà Giang. Theo thông tin từ Thiếu tá Trần Anh Tuấn, vụ nổ xảy ra khoảng 11h30 hôm nay, 5/8, tại kho quân khí của Công an tỉnh (địa chỉ tổ 1 phường Minh Khai, TP Hà Giang). 


“Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, lực lượng công an tỉnh đã đến hiện trường và tiến hành điều tra ban đầu. Trước mắt, cơ quan công an chưa ghi nhận thiêt hại về người.” - Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Hà Giang) thông tin.

Hiện Công an tỉnh Hà Giang đang phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND TP Hà Giang thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả và tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Tiến Nguyên
____________________

​Nổ kho tang vật vũ khí tại Hà Giang

05/08/2017 15:46 GMT+7 

TTO - Một vụ nổ lớn, rất may không có thương vong về người, đã xảy ra tại khu vực cất giữ tang vật vũ khí, vật liệu nổ của Công tỉnh Hà Giang trưa 5-8.

Theo thông tin từ người dân chứng kiến, vụ nổ xảy ra khoảng 11g trưa 5-8 tại kho cất giữ tang vật vũ khí, vật liệu nổ của Công an tỉnh Hà Giang.

Vị trí của kho cất giữ tang vật này nằm giáp ranh giữa phường Minh Khai, TP Hà Giang với xã Phù Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND xã Phù Linh cho biết ông nghe thấy tiếng nổ rất lớn, người dân ở vị trí cách khu cất giữ tang vật vũ khí khoảng 10km vẫn có thể nghe thấy.

Sau tiếng nổ, người dân thấy cả một cột khói trắng bốc lên từ kho cất giữ tang vật vũ khí của Công an tỉnh.

“Tiếng nổ rung chuyển cả một khu vực khiến nhiều người dân hoảng hốt, một lúc sau thì tôi nghe thấy tiếng xe công an, xe chữa cháy kéo còi hụ chạy vào khu vực cất giữ tang vật vũ khí”, vị lãnh đạo này nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, chủ tịch UBND TP Hà Giang, cũng xác nhận trên địa bàn xảy ra một vụ nổ lớn, vị trí nổ được xác định tại kho chứa tang vật vũ khí, vật liệu nổ của Công an tỉnh.

Bà Lan cho biết ngay sau khi xảy ra nổ, công an tỉnh đã triển khai các phương án bảo vệ hiện trường. Theo thông tin ban đầu, rất may không có thương vong về người trong vụ nổ.

“Hiện tại Công an tỉnh đang họp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ nổ”, bà Lan nói.
Hiện trường vụ nổ kho tang vật vũ khí tại Hà Giang. Ảnh: H. Thu

THÂN HOÀNG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỜI CÁM ƠN



Cám ơn người họa thơ em
Ngọt ngào câu chữ dịu êm tiếng lòng
Hoàng hôn ủ mặt trời hồng
Để cho nhân thế say nồng giấc khuya
Cám ơn người đến sẻ chia
Cho bình minh rực những tia nắng vàng
Đường đời rộng mở thênh thang
Đường thơ kín nẻo mơ màng thoáng bay
Không men không rượu mà say
Chưa tường nét mặt bàn tay mà gần
Cầm ca xướng họa thi ngân
Lòng riêng như đã bao lần gặp nhau
Cánh hoa muôn sắc muôn màu
Hiểu lòng mến bạn họa câu ân tình
Cám ơn người cảm thơ Quỳnh
Mặn mà như thể lòng mình dạ em.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

SỐNG CHẾT MẶC BAY

2017

Trần Hồng Hà (1963 - ?)

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

SỐNG CHẾT MẶC BAY

Bộ TN-MT tổ chức giải golf nhân kỷ niệm ngày thành lập bộ này. 

Chơi golf xa xỉ và tốn kém là điều không có gì đáng bàn với các cá nhân có điều kiện dù bất kỳ đó là ai. Nhưng giải golf này liệu có bình thường khi chính bộ này đang gây dư luận bằng sự việc xả thải biển Vĩnh Tân. Càng là tàn nhẫn khi thảm hoạ thiên nhiên đang bao trùm các tỉnh miền núi. Nhiều xác người bị nạn đang được xã hội nỗ lực tìm kiếm. Không ít lãnh đạo chính phủ đang trực tiếp chỉ đạo. Và nữa chủ thể giải là bộ TN-MT thì kinh phí tổ chức giải dù là nguồn nào cũng phản cảm chưa nói là bất minh nếu sử dụng ngân sách. 

Có đúng là Sống chết mặc bay hay không những quan lớn của bộ giàu có nhất đất nước này. Sân golf cũng là một dạng tài nguyên và liên quan đến môi trường đang bị nhà nước hạn chế đấy. 

Ông bộ trưởng Trần Hồng Hà thật không còn coi ai ra gì nữa.



NẾU CỤ PHẠM DUY TỐN SỐNG LẠI
(Sống chết mặc bay 2017) 

 
1/ Đang ở một huyện miền núi đông bắc tỉnh Quảng Ninh. Mưa suốt 2 đêm đến nay chưa dứt. Lướt Fb thấy trên nhà cụThao Dan Nguyen những hình ảnh tang thương của lũ quét Mù Cang Chải (Yên Bái); thấy bên nhà bác Thuy Quynh Nguyenđăng bài phản ánh về nỗi đau mưa lũ...

Lại vừa đọc trên Fb của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu (báo Công an nhân dân) thì được biết: 14h chiều nay, 5/8/2017, tại sân golf Legend Hill, Sóc Sơn, Hà Nội diễn ra giải golf kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các nguyên lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm, văn phòng Bộ, lãnh đạo Tổng cục của Bộ này. 

Thật đúng là cụ Phạm Duy Tốn sống lại cũng chỉ viết được SỐNG CHẾT MẶC BAY 2017. 

Bài của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu dưới đây: 

2/ Giải golf của Bộ Tài nguyên - Môi trường và cơn lũ ở Mù Cang Chải!

Hôm nay (5-8-2017), tại sân golf Legend Hill, Sóc Sơn, Hà Nội diễn ra giải golf kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các nguyên lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm, văn phòng Bộ, lãnh đạo Tổng cục của Bộ này. Tôi vừa trao đổi với nhân viên của sân golf và nhân viên xác nhận thông tin trên là chính xác.

Chơi golf là một bộ môn quý tộc với mỗi bộ đồ nghề đánh golf chơi được có giá hơn nửa tỷ tiền Việt. Đó là chưa kể tiền thẻ, tiền sân… Để từ một người chưa biết gì đến chơi được, golf ngốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Hẳn nhiên, quan chức Việt Nam chơi gofl cũng không có gì là ghê gớm lắm, họ giàu vốn sẵn. Nhưng khi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục tạo ra nhiều kẻ hở trong giám sát, cấp phép xả thải mà lãnh đạo Bộ vẫn ung dung lướt chân trên sân golf là điều không chấp nhận được.

Hôm qua ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với giày cao su, đội mưa thị sát tình hình thiệt hại do lũ ống lũ quét.

Bà con Mù Căng Chải vẫn đang trân mình chịu đựng cơn thảm họa của thiên nhiên, những nhân viên cứu hộ cứu nạn vẫn thức suốt đêm để phá đá tìm người dân bị nạn, những gia đình đang khóc than…. 

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường vẫn cười nói mừng nhau từng lần vung gậy, vẫn khen nhau một cú đánh đẹp, rồi sau đó là tiệc tùng trao giải thì đấy không còn là một môn thể thao, không còn là một ngày kỷ niệm nữa.

Đó là sự vô cảm, đó là sự thoái hóa biến chất nghiêm trọng. Đó cũng là góp phần đắc lực khiến hình ảnh cán bộ lãnh đạo trở nên xấu xí trong mắt người dân hơn bao giờ hết.

Có lẽ sau quá nhiều scandal của Bộ này, ông Bộ trường Trần Hồng Hà nên còn chút lương tri mà từ chức!

Dẫu muốn dẫu không tôi vẫn phải liên tưởng đến truyện ngắn SỐNG CHẾT MẶC BAY của cụ Phạm Duy Tốn, khi lũ quan huyện vẫn chơi tổ tôm bất chấp đê vỡ, nhân dân lầm than.
  





Phần nhận xét hiển thị trên trang