Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1980--Hết


1980

Năm 1975, Mao có lần quát lũ cận thần chỉ biết láo khoét và cãi nhau, “Đéo mẹ, Bạch Cung của thằng Nixon có gì ông cũng biết hết mà chuyện nhà thì ông lại mù tịt.”  Tin này lộ ra làm giới tình báo Mỹ thắc mắc không hiểu.  Có thật vậy không?  Hay Mao lú lẫn nói cho sướng miêng mà không biết Nixon đã từ chức rồi?  Hay chính quyền Mỹ thực sự đã bị xâm nhập?  Làm gì có chuyện đó.  Nhưng không có lửa, sao có khói?  Ngay cả nếu lời Mao nói chỉ có một phần sự thật thì cũng có nghĩa là lũ Tàu Cộng đã len lỏi vào đường dây thông tin của Bạch Cung.  Thế là CIA bắt tất cả những nhân viên nào có dính líu tới tài liệu mật phải trả lời máy nói dối để coi xem có lòn ra gián điệp hay không.  Không còn cách nào khác, Gary phải làm theo các đồng nghiệp.  Sau cả chục năm, Gary đã trả lời nhiều lần, và lầ̀n này cũng qua được.  Vậy mà vẫn run.   Vừa tháo dây điện ra là mồ hôi anh toát dầ̀m dề, chỉ sợ bị phát hiện và đuổi sở.  

Từ khi moi được 70 ngàn của Trung Quốc, Gary lo không biết thượng cấp nghĩ gì.  Anh chỉ sợ họ hết tin anh.  Họ gởi tiền vì tưởng anh còn làm cho CIA nhiều năm nữa.  Nhận được tiền xong là anh nộp đơn xin về hưu sớm.  Chắc họ đâu có ngờ.  Có thể nghĩ họ sẽ anh đã bị hủ hóa bởi xã hội và lội sống tư bản, xem tiền hơn hết.  Có thể đó là lý do tại sao anh gởi đơn xin hồi hương đã lâu mà không nhận được trả lời.  

Trong khi đó bệnh tiểu đường của Gary mỗi ngày một tệ hơn.  Anh lúc nào cũng thấy khát, phải uống nước tối ngày.  Và cứ mỗi tiếng lại đi đái.  Ở sở làm anh chóng mặt và chậm chạp hẳn đi.  Lái xe đi làm về mà chỉ sợ ngủ gục.  Thế nhưng tối lại không ngủ được, mỗi tối chỉ chợp mắt được hai ba tiếng.  Bác sĩ viết toa cho insulin, nhờ đó đỡ nhiều--chích vài lần thì hết chứng nhức đầu, chân bớt ngứa, và ăn uống biết ngon hơn.  Kể từ đó đi đâu anh cũng mang theo kim chích và vài tuýp insulin.  Anh đề cập đến chuyện có thể sẽ về hưu cùng với Thomas và đồng nghiệp khác, và ai cũng để ý thấy vẻ mệt mỏi của anh.  Tuy cần người có khả năng ngôn ngữ nhưng với CIA thì chuyện ấy không thành vấn đề.  Thế nhưng anh lại không quyết định được bởi vì chích insulin có vẻ công hiệu và vẫn chưa nghe thấy tin tức gì từ phía Trung Quốc.

Anh cũng bàn với Suzie, nàng khuyến khích anh về đoàn tụ với gia đình vợ cả.  Nàng nghĩ anh nên bỏ nghề gián điệp càng sớm càng tốt để khỏi bị nguy hiểm.  Nàng còn nói có thể rồi sẽ nghỉ làm về Đài Loan ở, và nếu vậy, có thể thỉnh thoảng sang thăm anh vì bây giờ công dân Mỹ có thể sang tàu chơi không có trở ngại.  Lời nàng nói càng làm anh muốn nghỉ việc CIA.

Cuối cùng, cuối tháng Bảy 1980, Bắc Kinh trả lời, nói không được về hưu sớm.  Họ khuyên anh ở lại làm cho CIA càng lâu càng tốt.  Họ nói bên Hoa Kỳ phương tiện y khoa và nhà thương tốt nhất, và tiểu đường không phải bệnh nan y, cứ kiêng cữ ăn uống và dùng insulin là được.  Anh mới có năm mươi sáu, còn phải làm cho CIA lâu dài.  Đồng thời họ sẽ dàn xếp cho việc anh trở về luôn.  Họ cũng muốn anh về quê hưu trí, nhưng anh phải cho họ thời gian để tìm người thay thế, tốt nhất là chính  anh phải tìm người chiêu dụ trong CIA.  Giọng điệu họ có vẻ biết điều và chắc nịch.  Gary hối hận đã xin về hưu.  Để chuộc lỗi anh sẽ phải cố gắng chịu đựng thêm vài năm nữa.

Nhưng hồi này anh nhớ nhà nhiều hơn.  Anh cứ hay thơ thẩn nghĩ đến một nhà tắm công cộng ở tỉnh nhà, nơi mà ba chục năm trước đâu anh thường hay quấn chiếc khăn tắm ấm áp nằm chợp mắt sau khi tắm nước nóng.  Khi thức giấc anh sẽ uống ngụm nước trà hoa nhài do một thằng bé mang ra và nói chuyện tầm phào với một hai thân hữu.  Phải chi anh có thể nằm trong hồ bơi bốc khói rồi nằm dài trên băng ghế, chẳng phải lo lắng sự đời.  Anh biết những nhà tắm chắc không còn nữa nhưng vẫn không thôi mơ mộng.  Đồng thời hình ảnh quê nhà một ngày một thêm mờ mịt, không còn là làng cũ hay phố cũ mà là một nơi mơ hồ nào đó bên Trung Quốc.  

Anh hoàn toàn không hề hay biết là kể từ khi số tiền đáng kể được chuyển về từ Hồng Kông thì FBI đã bắt đầu theo dõi anh.  Họ bắt đầu một kế hoạch điều tra đầy đủ và những điều phát hiện đã giúp họ vỡ lẽ:  Giờ thì họ biết câu nói của Mao không phải chuyện tào lao.  Tên gián điệp trong bóng tối đã để lộ hình tích.  Họ chĩa mũi dùi vào Gary Thượng, họ theo dõi anh sát nút, thư từ điện thoại và biên lai đều bị kiểm soát.  Họ còn cho gắn máy ảnh lén ở nhà người hàng xóm đối diện, trên căn gác họ mướn.  Càng theo dõi lâu họ càng không ngờ phong cách của anh có thể giản dị và thoải mái như vậy.  Có nhiều cái anh làm như kẻ không chuyên nghiệp.  Mấy tên gián điệp dám đi sang Đông Á hàng năm và viết thơ bình thường cho người liên lạc.  Việc anh chẳng thèm dấu giếm cho thấy anh là một tay gián điệp siêu hạng, đã có thể qua mặt ra-đa cả hàng ba thập niên.  Họ đi đến kết luận phải chặt anh ngay lập tức; những thiệt hại anh đã gây ra thật không thể tưởng tượng được.  Nếu không làm ngay, Gary Thượng có giấy thông hành Hoa kỳ nên có thể chạy sang ngoại quốc ngay nếu biết mình bị lộ.  Anh cũng có thể chạy vào tòa đại sứ Trung Quốc.

Họ nhận được sự chấp thuận của Bộ tư Pháp để “phỏng vấn” nghi can mà không không phải trình báo CIA, mà họ sợ có thể gân cản trở vụ điều tra.  Một buổi chiều tháng Chín, ba nhân viên đến nhà họ Thượng, Gary ra mở cửa.  Vợ anh đang ở bên Seattle thăm bà chị vừa mổ mắt cườm, và con gái anh đang đi học chương trình cao học năm thứ nhất tại đại học Boston.  Gary có vẻ bình tĩnh, thản nhiên mời họ vào, như đã chờ sẵn.  Chắc anh phải biết họ đã có đủ bằng chứng, và đây là giờ phút cuối cùng phải đối diện, một cảnh tượng anh đã nghĩ đến không biết bao lần nên gần như quen thuộc.  Cũng may không có ai ở nhà.  Anh dẫn ba người vào phòng ăn, mời họ ngồi, còn anh ngồi đầu bàn.  Trông anh có vẻ hiền lành nhưng không chút sợ hãi.

Một người bắt đầu cuộc “phỏng vấn”, họ nói năng lịch sự như nói chuyện với thượng cấp.  Nhưng trước khi trả lời, Gary nói, “Tôi sẽ khai hết sự thật với một điều kiện.”  Đó không phải là một đòi hỏi hay yêu cầu, như anh đã biết chắc phải nói chuyện như vậy.

“Điều kiện gì?”  người đàn ông mặt đỏ hồng hỏi.  

“Gia đình tôi và Suzie Siêu, bạn gái tôi, hoàn toàn không biết gì về chuyện tôi làm.  Xin để họ yên.”

Họ nhìn nhau.  Người mặt đỏ, chắc hẳn là xếp, mỉm cười, những ngón tay mập mạp gõ cạnh cái máy thâu âm bỏ túi trên bàn.  Ông nói với Gary, “Miễn sao anh hợp tác thì chúng tôi sẽ để họ yên.”

Sự đồng ý của họ càng làm anh tin tưởng họ đã có đầy đủ bằng chứng, bởi họ tin là gia đình anh không biết gì, và Suzie không hề dính líu tới hoạt động gián điệp của anh.

Và thế là cuộc thẩm vấn bắt đầu và kéo dài bẩy tiếng đồng hồ, có nghỉ để ăn tối. (Sau khi hỏi Gary thích ăn gì, họ cho gọi thức ăn nhà hàng Tàu món gà rang mè, đậu hủ ma bà, và hai món đồ biển, cộng thêm một đĩa bát bửu.  Tuy là người mắc bệnh tiểu đường nhưng Gary muốn ăn một bữa cho thỏa thê, vì nghĩ sẽ không còn dịp ăn thức ăn Tàu nữa.)  Câu trả lời của anh rõ ràng và thẳng thắn đến độ mấy anh FBI cũng không ngờ.  Anh đâu biết họ chưa đủ bằng chứng để truy tố anh, một phần vì một nhân viên đã nói dối là họ đã theo dõi anh nhiều năm.  Mặt khác, Gary chưa bao giờ được huấn luyện làm gián điệp nên không biếc cách lợi dụng luật pháp bảo vệ.

Khoảng mười giờ tối thì cuộc thẩm vấn chấm dứt, và nghi phạm đưa tay cho còng.  Họ chất anh lên xe đưa về nhà tù Arlington.  Từ đó họ đi Baltimore để bắt cha Murray nhưng ông không có nhà.  Tất cả đồ đạc trong nhà cha đều ngăn nắp, ấm trà vẫn còn ấm, nên họ ngồi đợi ông trở lại.  Họ đợi hơn một tiếng rồi mới biết là ông đã tẩu thoát.

Luật sư  của Gary khuyên anh nên nhận tội, Nellie cũng khuyên anh làm vậy để có thể nhẹ tội, nhưng anh không chịu, một mực muốn ra tòa, bởi anh tin là anh đã phục vụ cho cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.  Cũng có thể anh đã hy vọng là bồi thẩm đoàn không tuyên án được, cho Trung Quốc có đủ thời gian để cứu anh.  Bồi thẩm đoàn, gồm bảy người đàn bà và năm người đàn ông được chọn, và Gary nhất định tranh cãi, không để tránh án chung thân mà để có được công lý mà anh tin anh xứng đáng được hưởng.  Ai cũng thấy là anh hoang tưởng nhưng không ai bảo anh được.

Vụ xử kết cục một cách thảm hại.  Anh bị buộc tội làm gián điệp cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, làm nghề bán tin lấy tiền.  Sự phản bội của anh đã gây ra nhiều tai hại cho nền an ninh quốc gia và đưa đến cái chết của nhiều người.  Không thể nào biết được anh đã chuyển bao nhiêu tin tức bí mật cho Tàu và ảnh hưởng lâu dài sẽ như thế nào.  Gary chối bay hết, anh nói anh là người ái quốc, yêu cả hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc.  “Cả hai như là cha mẹ của tôi,” anh nói.  “Là phận con, tôi không thể yêu nhiều yêu ít.  Đúng, tôi quả có đưa tin cho Trung Quốc, nhưng tôi làm vậy để giúp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.  Ngược lại tôi đã thu thập không biết bao nhiêu là tin tức từ Trung Quốc bằng cách đọc báo Tàu và phúc trình cho Hoa Kỳ.  Lắm khi tôi làm hơn sáu chục tiếng một tuần.  Tôi đã nhận được nhiều bằng tuyên dương.  Tôi là người Mỹ và tôi yêu đất nước này như tất cả quí vị.”

Khi tới phiên lên làm chứng, George Thomas nói, “Tôi thấy Gary Thượng quả có giúp Hoa Kỳ tái thiết lập quan hệ với Trung Quốc. “  Trong khi nói thì ông ta tránh nhìn về phía Gary.

David Shuman, khuôn mặt vẫn bụ bẫm tuy đã bốn mươi ba tuổi, nói anh nghĩ Gary là một người yêu nước.  Anh nói, “Tôi nhớ ngày Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Gary Thượng đã lăn đùng trong văn phòng khóc nức nở như một đứa bé.  Anh ấy còn buồn hơn chúng tôi.  Quí vị cứ đi hỏi bất cứ ai làm việc trong CIA, họ sẽ nói anh ấy là một người lịch sự, dễ thương và thân thiện.  Dĩ nhiên bây giờ nhìn lại, tôi nổi da gà khi nghĩ là có một tên cộng sản nằm ngay trong hàng ngũ chúng tôi.”

Bồi thẩm đoàn có vẻ không tin lời khai, có người lắc đầu, cau mặt, hay trợn mắt nhìn mấy ông nhân viên CIA.  Luật sư bên công tố, một người đàn ông trạc tuổi trung niên có lông mày thưa thớt và đôi mắt như mắt mèo, bắt đầu đứng lên chất vấn bị cáo.  “Ông Thượng, có đúng là ông đã cung cấp hơn một chục tên người tù binh chiến tranh Trung Quốc muốn quay về phe quốc gia năm 1953 không?”

“Cái đó tại vì---”

“Có hay không?”

“Có.”

“Thế họ trả ông bao nhiêu tiền?”

“Năm trăm đô la.”

“Vậy thì chỉ vì năm trăm đồng bạc mà ông đã bán hơn một tá mạng người cho Trung Cộng?”

“Chuyện không phải như vậy.  Tôi hoàn toàn không biết hệ quả của nó.  Tôi tưởng họ rồi cũng sẽ đi sang Đài Loan.  Đó là lần đầu tiên tôi chuyển tin cho Trung Quốc.  Có thể tôi mắc lỗi vì rủi ro.  Nhưng sau này khi biết số phận của những người ấy thì tôi không làm như vậy nữa.”

“Vậy thì ông có biết họ bị xử tử?”

“Có, sau này tôi có biết.”

“Ông Thượng, ông có cho Trung Cộng biết kế hoạch liên lạc và mật danh của các đặc vụ được gởi sang để phá hủy nhà máy chế tạo nguyên tử năm 1965 không?”

“Có, tôi có.  Tôi cố tình làm vậy để phá hủy công tác của họ vì tôi chỉ sợ sẽ đưa đến Thế Chiến thứ Ba.  Làm vậy chẳng được lợi lộc gì mà còn tổn thất nhân mạng và tiền bạc.  Tôi hoàn toàn không cảm thấy mình có tội chút nào trong vụ ấy.”

Trong phòng xử, kẻ cười, người vỗ tay.  Ông chánh án mặt đỏ, vểnh râu, nện búa chan chát để lấy lại trật tự.  Khi phòng xử yên lặng trở lại, người công tố viên bắt đầu hỏi về những dữ kiện về hỏa tiễn và máy bay mà bi cáo bị buộc tội đã ăn cắp.  Gary trả lời bằng một giọng ngạo mạn, “Tôi chỉ quan tâm đến những tin tức có giá trị chiến lược.  Tôi đâu phải là một thằng ăn cắp vặt.”

Cả phòng xử chợt im lặng một cách ngột ngạt.  Ngoài trời đang mưa nặng hột, những giọt mưa chảy dài xuống cửa sổ, xa xa hàng cây trắc bá oằn người trong gió.  Bồi thẩm đoàn nhất trí đạt đến bản án có tội một cách dễ dàng.  Quan tòa lên án Gary 121 năm tù ở và hơn ba triệu đồng tiền phạt.  Các bồi thẩm cũng cảm thấy phẫn uất vì đám đồng nghiệp làm ở CIA có vẻ bênh vực cho thằng gián điệp đỏ mà không đếm xỉa gì đến sự thật hay quyền lợi quốc gia.    Một người bồi thẩm, một bà da đen có lông mày nhướng cao, còn nghi ngờ có sự đồng lõa.

Bị cáo có vẻ điềm tĩnh, khuôn mặt lãnh đạm, mắc dù mí mắt sắp sụp xuống vì mệt mỏi và màng tang nhức như búa bổ.  Anh cố cắn môi để khỏi bật khóc.  Tất cả chung quanh bỗng mờ tít.  Anh cúi tới trước lấy hai tay ôm đầu.  

Một lát sau khi một nữ phóng viên hỏi Gary có muốn nói gì vớ chính quyền Trung Quốc hay không, anh la to, “Tôi xin Đặng Tiểu Bình lên tiếng can thiệp cho tôi.”

Những lời này được đăng trên nhiều tờ báo lớn ngày hôm sau.  Nhưng trong một cuộc họp báo, vị Đại Sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn chối bay liên hệ của Bắc Kinh với Gary Thượng, ông nói, “Tôi xin lập lại, tôi chưa bao giờ nghe đến tên của người này.  Trung Quốc không có gián điệp ở Hoa Kỳ.  Tất cả những gì người ta tố cáo chỉ là những lời đồn đại đầy ác ý của bọn người chống đối chính phủ chúng tôi.”

Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

“Thế dì có vào thăm ông ngoại trong nhà tù không?”  Ben hỏi tôi, tay đút trong túi quần jeans.  Chúng tôi đang thả bộ trên Bãi Wollaston Beach.  Những tòa nhà chọc trời hướng tây bắc bị sương mù che phủ.  Một chiếc máy bay đang từ từ hạ cánh xuống phi trường Logan.

Tôi nói, “Dì có vào thăm một lần, cuối tháng Mười Một năm ấy, nhưng đã phải đi vội trở về BU.  Lúc ấy dì đang dạy học.  Bố không nói gì nhiều vì có cảnh sát gác bên cạnh và hai bố con bị ngăn cách bởi lớp kiếng và kẽm sắt.  Ông cứ nói đi nói lại ‘bố xin lỗi con’ trong khi nước mắt chảy thành dòng.  Cả buổi viếng thăm, dì như người bị say thuốc, chẳng nói được lời nào.  Đó là lần đầu tiên dì thấy ông khóc, cuối buổi viếng thăm, ông hôn gió một cái rồi cố gượng nở nụ cười.  Mẹ của dì đến thăm thường xuyên để xem chừng xem ông có đầy đủ thuốc men hay không và yêu cầu họ chữa bệnh viêm nướu răng của ông.  Phải chi dì có thời gian để đến thăm ông lại.”

“Chắc ông ngoại chết thảm lắm.”

“Khi nghe tin ông tự vẫn, dì đau buồn không tả.  Dì bị suy sụp thần kinh và kể từ đó hễ thấy một người đàn ông có tuổi là dì lại chảy nước mắt ra.”

Ben đọc thấy là là Gary lấy bịch rác trùm lên đầu rồi dùng dây giầy cột chặt lại.  Ông không đi ăn sáng để khỏi vãi phân bẩn thỉu.  Ông nằm trên cái giường trong căn phòng biệt giam và chết mà không có một tiếng động.  Tôi nói cho Ben nghe về cái chết của ông ngoại nó tối hôm qua sau khi Ben thú nhận mình làm gián điệp cho Tàu, tuy chỉ là hạng tép riu.

Nước thủy triều xuống làm cả vùng vịnh phẳng phiu.  Ben nói tiếp,” Điều làm con xúc động nhất là câu ông nói với người thẩm phán công tố: ‘Tôi không phải là một tên ăn cắp vặt.’  khi đọc đến đó con đã bật khóc.  Con mới là một thằng ăn cắp vặt.  Gần đây con mua được một cặp kính nhìn ban đêm vừa phát cho lính thủy quân lục chiến, một tập chỉ dẫn F-18, một danh sách tần số ra đi ô, và vài thứ khác.  Con chỉ là một thằng ăn cắp vặt.”

“Ở một khía cạnh nào đó, Gary là một người kiêu ngạo.”

“Nếu không vậy làm sao sống nổi?  Một người gián điệp phải tự thuyết phục tầm quan trọng của công tác để còn có thể tiếp tục đối diện với hiểm nghèo.”

Lời Ben nói nhắc tôi nhớ lại một câu trong nhật ký của Gary mà đã làm tôi thắc mắc một thời gian lâu:  “Đối với tôi, không gì đẹp bằng lòng hy sinh.”  Bố tôi có vẻ tin vào sự cao cả của hành động ông làm.  Tuy rất mực thông minh, nhưng ông sống trong mây mù, chịu ảnh hưởng bởi một ý niệm lâu đời không thể lý giải được.  Thật vậy, một cái nhìn hay ảo tưởng cao cả có thể khiến cơn đau đớn có thể chịu đựng được.

Xa xa dưới bãi biển có tiếng một đứa bé gái kêu lên.  Nó cầm một cái thùng màu vàng rực rỡ trong có cái xẻng và đang đi chập chững về phía mẹ nó.  Mặt trời đã lộ diện làm bãi cát đổ sang một màu trắng xóa.  Ben nói tiếp, “Con nghĩ ông đầu hàng quá dễ dàng.  Thế nào mà Trung Quốc chẳng tìm cách xin cho ông được hồi hương.”

“Thế thì con ngây thơ quá,” Tôi nói.  “Ông Đại Sứ Trung Quốc chẳng chối bai bải là chúng tôi không có dính dáng gì tới hắn sao.”

“Nhưng đó không thể là quyết định tối hậu được.  Ông ngoại con chức không thua gì ông đại sứ, có còn hơn nữa không chừng.  Ông ta làm gì có quyền quyết định số phận của Gary.  To tiếng chối bai bải có thể chỉ là một phản ứng thư lại bình thường.  Một khi dư luận lắng xuống, không ai để ý, có thể có cách ra khỏi tù về Tàu.”

“Nhưng đại sứ là đại diện quốc gia.”

“Con nói dì nghe, một thằng tép riu như con còn có lối thoát khi cấp bách nữa là.  Trường hợp ông ngoại con không thể giản dị như vậy được.”

Tôi định hỏi Ben làm cách nào để thoát thân, nhưng lại thôi.  Một cặp hải âu lông đốm bay khỏi cạnh ngọn sóng nhỏ, tiếng kêu phát ra chí choé.  Chúng lượn lơ lửng trên không, cánh dang bất động.  Tôi nói, “Có thể vụ này bà Susie Siêu biết nhiều hơn.  Khi nói chuyện với bà mùa đông năm ngoái, bà nói ghét cộng sản vì đã bỏ rơi ông ngoại con.”

“Bà ấy là người con muốn gặp.  Bà có vẻ trung thành với ông cho đến lúc cuối.”

“Có thể dì sẽ phải đi gặp bà ta một lần nữa.  Con có muốn đi cùng không?”

“Chừng nào dì định đi?”

Khi nghĩ lại tôi tin FBI có thể đến túm thằng Ben không biết lúc nào, nên tôi nói,  “Càng sớm càng tốt.  Để dì gọi cho bà.”

Tôi móc cái điện thoại di động trong chiếc ví da lộn bé tí và bấm số bà Suzie.  Chuông kêu ba tiếng thì có tiếng bà, hơi ngập ngừng như vừa thức dậy.  Tôi nói, “Dì Suzie, con là Lilian đây.”

“Lilian nào nhỉ?”

“Con gái của Gary.”

“Ồ, thế mà tôi tưởng cô quên tôi rồi chứ.”

“Dì khoẻ không?”

“Thì cũng nhàng nhàng.  Còn đi lại là vui rồi.”

“Dì này, cháu của con là cháu ngoại của Gary, con với nó muốn gặp dì.  Tụi con đến Montreal gặp dì được không?”

“Được, lúc nào đến cũng được.  Cô nói có thằng cháu, nó người Tàu hả?’

“Dạ.  nó từ Trung Quốc sang.  Tối nay nói chuyện nhiều hơn nha?”

“Được rồi.   Độ chín giờ gọi.”

Tôi mừng là bà đã đồng ý.  Cất điện thoại đi, tôi quay lại Ben.  “Suzie có thể gặp mình lúc nào cũng được.  Hôm nay thứ Sáu.  Hay là mình đi Montreal ngày mai?  Con nghĩ sao?”

“Con không bay được.  Lên máy bay FBI biết ngay.  Mình nên lái xe.”

“Ý kiến hay, nhưng bộ không cần hộ chiếu khi qua biên giới sao?”

“Có thẻ xanh được rồi.”

“Vậy thì lái.”

“Nên mướn xe hay đi xe con?  Con vừa cho thay máy.  Chạy như xe mới.”

“Đi xe con cũng được.  Chắc sẽ an toàn.”

Trên đường đi bộ về chỗ ở, Ben nói nhiều hơn về việc nó vào nghề phản gián. Nó nói, “Đa số bạn học con ghi tên học trường phản gián ở tỉnh Lạc Dương vì cha mẹ ông bà từng có trong nghề.  Họ gọi chúng con là thành phần ưu tú của thế hệ, được Đảng tuyển chọn, tụi con thề trung thành với quốc gia và sự nghiệp cách mạng.  Giờ nhìn lại thì thật tình thấy hơi giả dối, làm như là  đứa nào cũng sẽ là vĩ nhân tới nơi không bằng.  Các lãnh đạo Đảng gọi chúng con là những “nòng cốt của quốc gia.”

“Họ chọn con vì ông ngoại là gián điệp hàng đầu, như thể con cũng phải giỏi lắm.  Nhưng con không học giỏi.  Con thuộc loại dưới mức trung bình.  Bắn súng đã không giỏi mà bơi lại không nổi hai dặm.  Đánh tay không thì bao giờ con cũng thua.  Nhưng con có khiếu về ngôn ngữ, tiếng Anh con nhất lớp.  Con có thể nói làu làu những gì học ngày hôm trước và có thể nhái giọng như một người nói bằng bụng.  Hơn thế nữa, con có tài cư xử.  Con có thể bắt chuyện được với người lạ.  Con có hỗn danh là Keo Siêu Dính vì có khả năng móc nối người khác.  Trong thời gian huấn luyện, mỗi khi tụi con được gởi đi truy tầm tin tức từ người dân tỉnh nhỏ, thế nào con cũng được nhiều tin tức có giá trị hơn các bạn.  Các thầy phục lăn.  Con cũng giỏi phân tích tin tức và thấy được ý nghĩa từ những chi tiết vụn vặt.  Đó là lý do tại sao họ tiếp tục huấn luyện con sau khi đã ra trường, để chuẩn bị gởi con ra ngoại quốc.  Họ cho con ghi danh chương trình cao học và con có bằng Thạc Sĩ khoa Kỹ Thuật.”

“Thế họ nói con gì về ông ngoại con?”  Tôi hỏi.

“Họ nó ông là một liệt sĩ đã bỏ mình trong khi thi hành công tác, nên con có nghĩa vụ phải đi theo bước chân ông.”

“Giờ biết rồi, nhìn lại, con có thấy oán giận không?”

“Một chút.  Nhưng họ cũng đã đào tạo con thành một người có khả năng hơn, và kể ra cũng khấm khá và có đặc quyền.”

“Thế con có biết con đang nguy hiểm không? Rằng FBI có thể chụp con bất cứ lúc nào không?”

“Con biết thừa, sẽ hành động sớm.”

“Nhưng con đã nằm yên lâu quá rồi.  Sonya có biết nghề thật của con không?”

“Có thể nó cũng đoán được, nhưng con không nói gì cho nó nghe.”

“Con sẽ phải quyết định nhiều thứ.  Dì nói thật đó, chẳng có con gái nào chịu nổi cái kiểu thụ động của con đâu.”

“Thật ra con đã xin phép cấp trên để lấy nàng, có con có cái và sống bên Mỹ một thời gian, nhưng họ không muốn con gắn liền với chỗ này.  Con cái đẻ ra sẽ thành công dân Mỹ, và cái đó có thể cột chân con vào nước Mỹ.  Cấp trên khiển trách con đã không chế ngự được dục tình và ra lệnh cho con bắt Sonya phá thai.  Con đang cố tìm ra một giải pháp.  Con đâu bắt nó làm được cái gì.”

Khi đến chỗ nó ở, Sonya đang nấu spaghetti, dùng cái thìa gỗ khuấy khuấy sốt thịt bò xay và ô liu đen.  Nó đang mặc một cái áo ngủ màu cà làm áo bầu, tuy bụng chưa thấy rõ.  Tuy nở nụ cười, làm nổi bật cái mụn trứng cá trên mũi, nhưng khuôn mặt tròn dình của nàng đầy vẻ lo lắng, mắt hơi có quầng thâm, nhưng trông nó vẫn xinh xắn, nhất khi nhìn nghiêng.   Nó đang ốm nghén và lỗ mũi nghẹt cứng. Tối hôm trước nó đã thú nhận với tôi, “Con không hiểu nổi anh ấy.  Anh ấy có vẻ chán chường.  Anh ấy hứa này hứa nọ, nhưng con không chắc có thể tin được.”

Nếm sốt xong, tôi nói Sonya, “Ngon tuyệt.”  rồi nói nhỏ sáng mai sẽ đi Montreal, đừng nói ai biết.

“Để làm gì?”  cô ả hỏi.

“Để gặp một người bạn cũ bố dì.  Chủ nhật sẽ về.”  Tôi vẫn nói nhỏ và nói cho nó yên lòng.  “Đừng cả lo.  Mọi chuyện rồi sẽ yên ổn.”

“Con cũng mong vậy.”  nó thở dài.  Một cái nồi khác bắt đầu sôi.  Sonya bẻ gãy bó spaghetti tóc tiên, ném vào nồi rồi bắt đầu ngoáy đều.  Tôi quay lại rửa chảo trong bồn rửa.

Có tiệm xăng kế bên, nên sau khi ăn tối tôi lấy chiếc Mustang màu đen của Ben ra đổ đầy bình.  Rồi nó tu bổ chiếc xe một hồi dưới bãi đậu xe tầng hầm.  Nó đổ một chai dầu lọc vào bình xăng, nói là mùa thu nào cũng làm vậy.  Nó cũng kiểm tra lại dầu nhớt.  Tôi bỏ hai cái áo khoác vào thùng xe vì nghe nói nhiệt độ có thể xuống thấp ngày hôm sau.  Khi trở lại apartment chúng tôi tránh không nói chuyện phản gián và chuyến đi, không phải vì Sonya mà là vì chỗ này đã bị gắn máy nghe lén.  Tôi cũng phục sự điềm tĩnh của Ben.  Nó có vẻ đã thừa hưởng khả năng chịu đựng áp lực và tình trạng không chắc chắn.  Mặc dù biết FBI đang theo dõi nhưng nó vẫn sáng suốt về mọi mặt.  Chắc nó đã được huấn luyện khá kỹ lưỡng.  Tuy phục thì phục thật nhưng tôi e nó có thể không thoát hiểm được.  Có lẽ tôi nên khuyến khích nó đào thoát xin tị nạn chính trị, như chúng tôi sẽ phải xét kỹ lợi hại của một nước đi táo bạo như vậy.  

Sau khi làm thủ tục nhập ở một khách sạn ở ngoài Montreal, tôi gọi điện cho Suzie để báo đã tới nơi.  Bà nói nhà cửa bê bối không tiện tiếp ở nhà.  Tôi mời bà đi ăn trưa ở Phố Tàu nơi bà ở.  Bà đề nghị tiệm Kim Phượng, một tiệm Quảng Đông đắt tiền, bàn phủ khăn trắng.  Chúng tôi hẹn nhau mười một giờ ngày hôm sau.  

Ở quày lễ tân, tôi tưởng Ben sẽ ngượng, không muốn ở cùng phòng với tôi, nhưng nó ngăn không cho tôi mướn hai phòng.  Nó nói, “Mướn một phòng có hai giường ngủ. Tự nhiên hơn.”  tôi mừng nó nghĩ như vậy.  Đến nửa đêm chúng tôi mới đi ngủ tuy chuyến đi kéo dài bảy tiếng có làm tôi mệt nhoài.  Chúng tôi chuyện trò về gia đình nó ở tỉnh Phúc Sơn và về bố tôi.  Tôi bắt đầu lái dần câu chuyện về tình trạng hiện thời của nó và nhắc cả đến chuyện có thể ra đầu thú với FBI.  Nó lắc đầu nói, “Dì ngây thơ quá, dì Lilian ạ.  Người Mỹ hay suy nghĩ thẳng thắn rõ ràng.  Nếu con đào tẩu thì còn gia đình con ra sao? Còn chị em con thì sao?  Chính phủ chắc chắn sẽ xiết họ, và họ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho con.”

“Ừ nhỉ.  Vậy mà dì không nghĩ ra.”  tôi nói.

“Dì đã gặp gia đì̀nh con thì chắc cũng đã thấy họ làm ăn khá giả ở chốn khỉ ho cò gáy ấy.  Bộ dì tưởng tự nhiên mà được vậy à?  Kể từ khi con vào nghề thì đã có quý nhân phù trợ.  Nếu con phản bội quê hương thì bàn tay quý nhân sẻ trở thành gông cùm bóp nát.”  

“Thế thì con phải làm gì?”

“Đó chính là câu hỏi con nghĩ nát óc chưa ra.  Kinh doanh thương mại của con trị giá một triệu rưỡi đô la.  Đó là tiền đầu tư của Trung quốc.  Nếu con ra tự thú với FBI thì tiệm con sẽ bị dẹp, họ sẽ đổ thừa tại con.  Tệ hơn nữa, con sẽ phải cung cấp cho FBI tin tức các hoạt động phản gián của Trung Quốc, nhất là tại Bắc Mỹ.  vậy là đối với Trung Quốc, con đã mắc tội phản quốc.”

“Tại sao con không lật ngược vai trò nguyên cáo, bị cáo? Tại sao tổ quốc phải lúc nào cũng đúng?  Chẳng phải Trung Quốc đã lợi dụng cả ông ngoại con lẫn con không ngừng nghỉ hay sao? Chẳng phải tổ quốc đã phản bội con sao?”

Nó có vẻ ngạc nhiên, chân mày nhăn tít lại.  Tôi tiếp tục, “Ben, Trung Quốc đã thay đổi, nhiều người không còn phải lệ thuộc vào nhà nước để sinh tồn.  Nếu kinh tế gia đình con có đi xuống thì dì có thể gởi tiền về đều đặn.  Bây giờ con chỉ nên lo chuyện của con và Sonya thôi.”    Tôi phải nhắc đến chuyện tiền bạc để thuyết phục nó là sự sinh tồn của gia đình nó không còn lệ thuộc vào nhà nước nữa.

“Cám ơn, dì Lilian.  Nếu có dì giúp thì con không phải lo chuyện nhà.  Con sẽ tìm ra cách.”

Tôi tắt đèn một lúc lâu mà nó vẫn chưa ngủ được.  Nó lăn qua lăn lại trên chiếc giường kê sát cửa sổ, thỉ thoảng lại thở dài.  Lời hứa của tôi đã làm đầu óc nó làm việc tăng ca.

Sáng hôm sau chúng tôi trả phòng rồi lái xe vào phố.  Đi tới Phố Tàu không đến mười lăm phút.  Tôi thích Montreal ở chỗ đường phố dễ lái.  Sau khi đậu trong bãi xe bên ngoài, chúng tôi đi về hướng đường Saint-Urbain, nơi có tiệm Kim Phượng.  Vừa ngồi xuống một cái bàn trong góc thì Suzie xuất hiện, chống một cây gậy có cột sợi dây da.  Bà trông có vẻ yếu đuối và lòm khòm  hơn cách đây mười tháng, chắc mắc chứng phong thấp và rỗng xương.  Ben và tôi đứng lên, Ben kéo cái ghế và dìu bà ngồi xuống.  Tôi móc cây gậy sau ghế.  Bà lấy ra miếng Kleenex xì mũi.  Bà cười gượng làm khuôn mặt càng thêm bệnh hoạn.  Mắt bà kẻm nhẻm và mí dưới trông hơi sưng.  

Tôi nói, “Dì ốm hả, dì Suzie?”

“Không, tại thiếu cà phê.  Tôi mới bỏ cà phê.”

“Tại sao vậy?”  Tôi thầm nghĩ sống được mấy năm mà kiêng với cữ làm gì.  “Bộ dì có bồ mới hả?”

“Cái con bé này chỉ nói chuyện nhảm nhí,”  Bà cười khanh khách.  “Tôi bỏ cái món ấy lâu rồi.  Hồi còn trẻ cứ nghĩ mình sống tới sáu chục thôi.  Miễn sao sống vui là được rồi.  Nhưng khi mình càng già thì càng muốn sống lâu.  Nghĩ cũng buồn cười.”

“Chuyện tự nhiên,” tôi nói.  “Cuộc đời trở nên quí giá hơn với dì.”

“Cô này thật là thông minh.  Bởi vậy tôi vẫn thích cô hơn mẹ cô nhiều.”

Ben rót một tách trà hoa nhài và nói, “Ngoại uống cái này vào là khoẻ liền.”

Thật vậy, uống xong vài ngụm là trông bà có vẻ trở lại bình thường, ngồi xếp bằng thoải mái.  Bà nhoẻn miệng cười, những nếp nhăn bên khoé mắt nổi cộm lên cho thấy một lớp phấn dày.  Bà liếc xiên qua Ben, chớp chớp mắt, đôi mắt bồ câu trước đây giờ gần như tam giác.  “Thằng này đẹp trai như cha cô,”  bà nói.

“Đúng thế,” Tôi đồng ý.  “Nó cũng thông minh không kém.”

Chúng gọi thức ăn.  Suzie chỉ muốn một tô hoằn thánh, nói không đói, gặp chúng tôi là vui rồi.  Quả vậy, nãy giờ bà lúc nào cũng cười toe toét.  Chúng tôi tiếp tục nói chuyện.

Khi thức ăn dọn ra, tôi nói với bà Suzie,  “Con có một thắc mắc muốn hỏi dì lâu rồi.  Tại sao bố con lại giao nhật ký cho dì giữ?”

“Gary có linh tính sẽ có chuyện không hay sẽ xảy ra.  Anh ấy bảo tôi đừng nói gì khi người ta thẩm vấn.  Cứ giả ngu, chối ráo.  Anh ấy muốn tôi giữ nhật ký và không cho ai biết.  Giác quan thứ sáu của anh ấy nhạy bén lắm.”

“Bố con muốn dì giao cho con?”

“Anh ấy không nói, nhưng dì chắc vậy.  Ḷai nữa, cuốn nhật ký có thể dùng làm tang chứng nên anh ấy không muốn bị FBI tịch thu.”

“Ngoại,”  Ben nhảy vào, “có điều con không hiểu, tại sao ông ngoại con tự vẫn?  Trung Quốc phải có cách cứu ông chứ.”

“Tầm bậy! Tụi Tàu đã bỏ rơi anh ấy cái rụp.” bà nói, cái miệng xếch lên.  “Sau khi Gary bị bắt, tôi nhận được một mẩu giấy anh ấy nhờ tôi sang Bắc Kinh năn nỉ Đặng Tiểu Bình trao đổi gián điệp Mỹ lấy anh ấy.”

“Dì nhận được thơ của bố con?”  Tôi ngạc nhiên đến độ phải đặt thìa súp xuống.

“Phải rồi.  Qua đường bưu điện bình thường.”

“Làm sao ông con có thể gởi thơ từ trong tù?”  Ben hỏi.

“Tôi cũng chả biết.  Chắc phải có người trung gian dấu mang ra rồi bỏ vào thùng thơ.  Thế là tôi đi Hồng Kông ngay lập tức để liên lạc với Sở Binh Văn.  Hắn giúp tôi vượt biên giới qua Tàu.  Đến Bắc Kinh tôi gặp vài viên chức, xin gặp Đặng Tiểu Bình.”

“Có gặp được không?”  tôi hết ngạc nhiên này sang tới ngạc nhiên khác.

“Dĩ nhiên là không.  Có một thằng cha họ Đinh, làm lớn trong bộ Công An, gặp tôi trong văn phòng, nhưng năn nỉ đến mấy họ cũng không cứu Gary.”

Ben nói chêm vào,  “Chắc là Đinh Hác rồi, bộ trưởng bộ công an.  Chả nắm đầu tình báo thời tám mươi.  Thế hắn nói gì với ngoại?”

“Hắn nói nhà nước chẳng còn dính dáng gì với Gary Thượng nữa.  Với họ, Gary là một kẻ phản bội, một thằng tống tiền.  Đinh nói tôi, ‘nó vừa ăn cắp bẩy chục ngàn của ngân quỹ quốc gia.  Bẩy chục ngàn! Chị có biết tôi làm nhiêu tiền không?  Hai trăm đồng một tháng!  Có làm ba chục năm cũng chưa được!’  Một thằng khác chõ mõm vào, ‘Gary Thượng sang Mỹ làm giàu.  Nó lái xe Buick, tiền bạc rủng rỉnh, bị bọn Mỹ làm hủ hóa mẹ nó rồi nên nó tham lam như trăn đòi nuốt voi.’  Hắn còn nói bệnh tiểu đường là bệnh của bọn tiểu tư sản.  Ăn cơm hẩm với dưa chua thì làm gì có bệnh.  Nghe chúng nó nói tôi biết không còn đường nói chuyện nên tôi đòi được gặp Đặng Tiểu Bình.  Chúng nó cười vào mặt tôi, bộ khùng hả?  Đặng Chủ Tịch đời nào thèm gặp cái hạng như nhà chị.  Thế là tôi nổi cơn tam bành chửi cho tụi nó một trận.

“Thấy tôi dữ quá, thằng Đinh nói với tôi, “Này, ta bảo thật cho nghe, Đặng Chủ Tịch đã biết cả rồi.  Chủ tịch nói: “Để cái thằng ích kỷ đó ở tù mọt gông.  Ai bảo ham trung thành với cả hai nước làm gì.”  Không có hy vọng đâu.  Vô phương.’ “

“Thế dì có về nói cho bố con không?”  Tôi hỏi.

“Không.  Tôi đâu phải người nhà nên không được vào thăm.  Chắc có người chuyển tin cho anh ấy.”

“Chuyện thật khó tin,”  Ben hậm hực nói.  “Bề gì ông ngoại cũng là thiếu tướng.”

“Thiếu tướng thì cũng là lính,” tôi bảo nó.  “Lính chết cũng chẳng sao.”

“Chẳng cứ phải lính.  Ai chết cũng mặc.”  Suzie nói.

“Con có câu hỏi nữa,”  tôi nói.

“Hỏi đi.”

“Cái này hơi riêng tư, nhưng cũng phải hỏi.  Tại sao bố con mê dì dữ vậy?  Có phải tại cùng chủng tộc và văn hóa không?  Hay tại dì rành thuật ái ân?  Hay có gì khác?  Nói thật dì nghe nha, con chẳng thấy dì hơn mẹ con ở chỗ nào cả.”

Suzie mỉm cười tự mãn.  “Dì thì chả có công dung ngôn hạnh gì cả.  Mà cũng không giỏi giữ chân đàn ông đâu.  Thoạt tiên là cả hai cảm thấy có gì quyến rũ, nhưng rồi dần dà tôi với Gary hợp tính nhau.  Khi tụi này gần nhau có thể nói không ngừng nghỉ về đủ đề tài, do đó sau nhiều năm tình yêu biến thành tình bạn, mặc dù lắm khi chúng tôi cãi nhau như chó với mèo.  Hơn nữa, so với Nellie thì tôi có lợi cho ảnh hơn.”

“Lợi chỗ nào?”  tôi hỏi tuy biết chuyến đi Hồng Kông bí mật của bà.

Suzie nói, “Chú tôi trước đây là sĩ quan cao cấp trong ngành tình báo Đài Loan.  Gary có thể làm việc cho Quốc Dân Đảng bất cứ lúc nào .  Tôi khuyên ảnh làm vậy, vì nhỡ có bị chính quyền Mỹ bắt thì còn có thể nhận mình là gián điệp cho Đài Bắc.  Tội nhẹ hơn nhiều vì Đài Loan không phải kẻ thù.  Nói chung, tôi là mạng lưới an toàn cho ảnh.”

“Thế bố con có làm cho Quốc Dân Đảng không?”

“Không, không bao giờ.  Anh ấy không phải là gián điệp tam trùng.  Anh ấy không phản bội lục địa vì không muốn liên lụy đến gia đình bên ấy, và cũng vì không muốn tôi dính dáng vào cái nghề này.  Tôi cũng cám ơn ảnh.  Anh ấy không bao giờ lợi dụng tôi, lúc nào cũng là một người bạn tốt.  Một bậc quân tử.”

“Thế dì có nói chú dì nghe về chân tướng của Gary không?”

“Dĩ nhiên là không.  Họ mà biết thì sẽ báo CIA liền.  Hai đứa tôi trung thành với nhau cho đến giờ chót.  Có phục không?”

Tôi gật đầu trong khi bà gục xuống khóc nức nở.  Quay qua tôi thấy Ben cũng đang khóc sụt sùi.  “Dì Suzie,”  tôi thủ thỉ, “Cám ơn dì đã yêu bố con, đã giúp đỡ bố con.  Nhờ dì mà chúng con hiểu thêm về bố con.  Tối thiểu là bố con là một người trung thành và đàng hoàng theo kiểu của ông.”

“Tôi vẫn nhớ ảnh,”  bà nói nhỏ và lau khuôn mặt đầy nếp nhăn với một cái khăn tay đỏ, phấn son loe loét trên gò má.

Ăn uống xong xuôi chúng tôi đưa Suzie về bin đinh của bà, một chỗ ở cho người cao niên.  Rồi chúng tôi lên xa lộ số 10, đi về hướng đông.  Ben có vẻ trầm ngâm ít nói trong khi tôi lái xe.  Khi chúng tôi bắt đầu chạy bon bon trên con đường vắng xe thì tôi hỏi nó,  “Con có nghĩ lão Đinh Hác nói có lý không?  Là ông ngoại con là một người tống tiền?”

“Không.  Chỉ lấy cớ vậy thôi.”

“Tại sao?  Bẩy chục ngàn là một số tiền đáng kể đối với Trung Quốc lúc bấy giờ.”

“Trong trường hợp ông ngoại thì số tiền đó chẳng có nghĩa gì.  Nhớ Mao nói gì không?  ‘Cái thằng đó bằng bốn sư đoàn thiết giáp.’  một sư đoàn thiết giáp có hơn hai trăm xe tăng.  Một chiếc xe tăng đáng giá hàng trăm ngàn đô la.”

“Nhưng cái đó là khi Gary còn có lợi cho họ.”

“Đúng thế, chúng vắt chanh cho đến khi không còn gì để vắt.  Trường hợp của ông là một trường hợp điển hình của sự ngu dốt và thiếu tính toán.  Nhưng cũng tại ông yêu mẹ của bà mới nên cớ sự.”

“Sao con nói vậy?”

“Thì không phải ông đòi tiền cho cái tiệm bánh là gì?  Làm vậy giống như cố tình để lộ chân tướng.  Không có tay gián điệp chuyên nghiệp nào đi làm một chuyện như vậy.  Sao ông có thể liều được như thế?”

“Dì không biết ông có yêu Nellie hay không, nhưng ông muốn đối xử tử tế với bà.  Sau hai mươi lăm năm chung sống thì cũng phải có thương chứ.  Ông muốn chuẩn bị để bà có thể sống độc lập sau khi ông rời nước Mỹ luôn.  Cái đó muốn gọi là tình yêu hay danh dự hay tinh thần trách nhiệm, hay gì gì đi nữa thì cũng không thành vấn đề.  Cái quan trọng là ông làm điều ông cho là phải, và sẵn sàng phải trả giá cho hành động của mình.”

Ben nhìn tôi sững sờ.  Tôi nói thêm,  “Bộ con không nghĩ mẹ bà cũng là một nạn nhân sao?”

“Đồng ý.  Nhưng đời ông ngoại bị tàn chỉ vì muốn làm chuyện tử tế.”

“Và cũng vì ông không hiểu cái bản chất nham hiểm của cái quyền lực đã lợi dụng và điều khiển ông.

“Dì muốn nói là Trung Quốc?”

“Đúng thế.  Lối họ đối xử với ông ngoại con quả là ác độc.  Nhưng cũng tại ông ngoại con đã để họ ra điều đạo đức giả bắt phải thế này thế kia.  Đó cũng chính là thảm kịch đời ông.”

“Không giản dị vậy đâu.  Làm sao ông có thể tách mình ra khỏi quê hương trong khi gia đình còn bên đó?”

“Đó là thảm kịch thứ hai.  Ông không thể sống một mình.”

Tôi tiếp tục lái xe trong yên lặng.  Ben trông như đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế xe kéo ngửa ra, nhưng tôi nghi nó chỉ đang suy nghĩ tìm cách thoát thân, bởi thế cho nên tôi giữ im lặng, không nói gì.

Trời bắt đầu mưa, những giọt nước mưa rơi lộ̣p độp trên mặt kính, tôi bật cần gạt nước cho nó quạt đi quạt lại một cách đơn điệu.  Tôi đang lái sáu chục dặm một giờ, chạy theo chiếc cam nhông chở xăng chạy trước độ năm trăm feet.  

Khi đến gần Magog, Ben ngồi bật dậy, rút cuốn sổ tay trong túi quần, và hí hoáy viết cái gì trên đó.  Nó xé một trang rồi đưa cho tôi.  “Dì Lilian, giữ lấy cái này.”  Nó nói.

“Cái gì vậy?”

“Đây là địa chỉ email và mật khẩu.  Kể từ nay mình chỉ liên lạc qua địa chỉ này.  Con đã thành lập rồi.  Dì chỉ việc để lời nhắn lại trong thư mục nháp khi nào cần liên lạc.  Đọc xong, con sẽ xóa hết.  Dì cũng phải làm vậy.  Đọc xong là phải xóa ngay.”

“Tại sao?”

“Đây là một cách liên lạc mà không để lại dấu vết.  Email thường không an toàn.  Mình có cùng trương mục, chỉ có dì cháu mình biết thôi.”

“Có phải đây là cách con gửi tin tức về Trung Quốc không?”

Nó cười khúc khích.  “Chỉ là một cách.  Còn nhiều cách khác phức tạp hơn nhiều.  Với dì cháu mình thì thế này đủ rồi.”

Thì ra nó đã dự bị sẵn cả rồi.  Làm gì thì cũng hơn ngồi không, nên tôi không bắt nó giải thích thêm.


Khi về đến College Park, tôi soát trương mục email mỗi ngày dăm lần nhưng chẳng thấy gì.  Tôi viết cho nó nói hy vọng mọi sự êm thắm cả.  Sáng hôm sau lời nhắn đã bị xóa, có nghĩa nó đã đọc.  Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Henry và tôi ra ngoài ăn tối thứ Tư, ngày 21 tháng Chín, để ăn mừng sinh nhật thứ sáu mươi hai của chàng.  Anh lại nhắc đến Ben, hy vọng nó tai qua nạn khỏi với FBI và từ bỏ công việc làm ăn bất chánh để về làm cho chúng tôi, và rồi tất cả sống chung như một gia đình.  Henry biết tôi muốn vậy.  Thật vậy, nếu vậy thì còn gì bằng nữa.  Tôi vẫn phục những gia đình tị nạn mà cha mẹ cháu chắt sống chung một nhà, tuy có thể thế hệ trẻ sẽ không chịu, cần có khoảng cách cho mình.  Nhưng tôi không nói cho Henry nghe tình trạng bấp bênh của Ben.  Chồng tôi muốn về hưu sớm, lãnh tiền an ninh xã hội ngay lập tức.  Anh ấy không sợ mất quyền lợi vì công việc làm trong trường đại học của tôi có thể che chở cho anh.  Tôi không nói gì nhưng thắc mắc không biết anh ấy có thể chịu nổi cảnh ăn không ngồi rồi hay không.  Công việc hiện nay của anh không đòi hỏi mấy và anh có nhiều thời gian nhàn rỗi.  Vậy mà anh vẫn nhất định mướn thợ sửa để anh rảnh chân rảnh tay.  Tôi cũng không sao nhưng nói anh nên làm việc bận bịu để sống lâu hơn.  Anh cười và nói, “Anh chẳng thà thoải mái hơn sống dai.  Đối với cuộc đời, chất lượng hơn số lượng.”

Khi trở về nhà tối hôm ấy, tôi bật computer lên và mở email thì thấy có điện thư:

Dì Lilian mến

Khi dì tọc tới hàng chữ này thì con và Sonya không còn ở Boston nữa.  Chúng con rất thích vùng Massachusetts nhưng không thể ở đó được nữa.  Con vừa bán đổ bán tháo tiệm computer để có một số tiền mặt trong tay.  Không biết tụi con sẽ lưu lạc đến đâu nhưng đi đâu thì cũng có nhau, khi buồn cũng như khi vui.  Miễn sao có nàng ở bên cạnh thì con ở đâu cũng được, chẳng sợ cô đơn.  Con sẽ trân quý nàng như người bạn đồng hành duy nhất và sẽ yêu nàng như người vợ của con và người mẹ của con của con.

Gia đình con bên Tàu thế nào cũng bị liên lụy, và con sẽ không giúp gì được cho gia đình trong một thời gian lâu, nhưng con tin với sự giúp đỡ của dì, họ có thể sống tạm.  Trong gia đình con lo nhất cho con Cự Ly, vì nó, như con, thuộc loại nổi loạn.  Con chỉ sợ nó lại bỏ nhà ra đi vì đời sống tỉnh lẻ có thể buốn tẻ, ngột ngạt.  Ngày nào nó còn ở với bố mẹ con thì còn không sao.  Dì làm ơn khuyên nhủ nó hộ con.  Dì đừng nói gì cho nhà biết vội.  

Con cảm thấy như người vừa vượt khỏi chốn giam cầm.  Lần đầu tiên trong đời con cảm thấy độc lập, và không có quê hương.  Con quyết định sẽ để râu rậm rạp để trông già và ngầu hơn.  Đời sống có thoải mái hay không con không chắc, nhưng chúng con sẵn sàng chấp nhận những vui buồn của cuộc sống.  Đó mới chính là tự do phải không dì?

Hai cháu của Dì

Ben

Tái Bút:  Lúc đầu con đinh mùa xuân sẽ ghé DC để thăm mộ bố mẹ dì, giờ thì không làm được rồi.  Nếu dì có đi thăm mộ, xin mang theo hai bó hoa, cúc trắng hay hoa hồng, thay cho con và Sonya.

Tôi nghĩ chuyện Ben đào tẩu là lẽ tự nhiên, nhưng bán tiệm vội vã như vậy quả có hơi hấp tấp.  Nhưng mặt khác, có thể đó là cách duy nhất để nó có tiền đi trốn.

Tôi thắc mắc về Ben và Sonya.  Liệu chúng nó có vượt biên giới trốn sang Canada hay không?  Chắc là không.  Có lần tôi nửa đùa nửa thật bảo nó di dân sang Quebec giống như mấy tay trốn quân dịch, nhưng Ben nói Tàu có quá nhiều ảnh hưởng ở Canada.  Nó và Sonya có thể vẫn còn bên Mỹ.  Chúng phải trốn cả FBI lẫn gián điệp Tàu.  Chắc phải trên đường đào tẩu còn lâu.  Nhưng tôi tin chắc đi đâu chúng cũng sống được.

Tôi đọc bức thư của Ben một lần nữa rồi xóa đi.  Tôi mỉm cười khi nghĩ tới quyết định để râu của nó, nghe có vẻ hơi lạ đời.  Cũng có thể đây là lối nó biểu lộ nam tính, tối thiểu là bên ngoài.  Ben không biết bố mẹ tôi chôn hai nghĩa trang khác nhau, nhưng tôi sẽ mang hoa theo lời nó yêu cầu.  Tôi để lại lời nhắn bảo hai đứa nó phải lo cho nhau và đừng có làm bạn mới trong lúc này.

Lời nhắn của tôi được xóa mất ngày hôm sau.  Tôi cũng mừng.

Tôi nhắn qua Cự Ly cho chị tôi và anh rể tôi biết Ben đang làm công tác đặc biệt không thể liên lạc bên ngoài được, nhưng nó khoẻ mạnh, không có gì phải lo cả.  Cự Ly hồi âm và thay mặt cha mẹ cám ơn tôi.  Nó nhắc kỳ hội ngộ gia đình mùa hè  năm tới, mà tôi lại hứa là thể nào cũng qua.

Nhiều tuần sau mà tôi không nghe thấy gì về Ben.  Tôi cố giữ bình tĩnh.  Yên lặng có thể nghĩa là tất cả đều okay.


HẾT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai


Tác giả: Nguyễn Quang Dy
.KD: Những ngày này, Biển Đông lại nổi sóng bởi những thông tin trái chiều. Tác giả Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho Blog bài viết nhan đề “Khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai”. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Blog KD/KD xin đăng bài viết, và sẵn sàng đăng những bài phản biện về chủ đề này, trên tinh thần công khai, minh bạch và có trách nhiệm XH.
———————
 “Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum).
Nếu sự kiện dàn khoan HD 981 (5/2014) tạo ra cú sốc và một bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Việt, đánh dấu “khủng hoảng Biển Đông lần thứ nhất”, thì đối đầu Trung-Việt đang diễn ra tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) từ giữa tháng 6/2017, có thể là “khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai”. Lần thứ nhất, Trung Quốc đã xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ, và thúc đẩy Mỹ phải xoay trục sang Châu Á. Lần thứ hai, Trung Quốc đang thúc đẩy Mỹ-Nhật-Ấn-Úc liên minh tại Biển Đông và xô đẩy Việt Nam trở thành đồng minh. Đó là “hệ quả không định trước”, và là cái giá cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Dấu hiệu bất thường
Trong cuộc khủng hoảng dàn khoan HD 981, không khí sôi sục, thậm chí bạo động chống Tàu nổ ra tại các khu công nghiệp Bình Dương và Vũng Áng. Nhưng những gì đang diễn ra liên quan đến khủng hoảng tại bãi Tư Chính lần này có vẻ bí ẩn và ngấm ngầm. Trong khi báo chí chính thống không đưa tin, chính phủ các nước liên quan cũng hầu như nín lặng (kể cả Việt Nam, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Mỹ, Ấn, Nhật).
Trong khi dư luận trên các trang mạng xã hội bức xúc đoán mò, báo chí quốc tế cũng đưa tin lấp lửng, thậm chí trái ngược nhau (như BBC và Reuters). Các chuyên gia về Biển Đông cũng đánh giá khác nhau. Trong khi Alexander Vuving và những người khác còn dè dặt, thì Bill Hayton khẳng định Hà Nội đã đầu hàng vì Washington bỏ rơi Việt Nam, để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc (Bill Hayton, The Week Donald Trump Lost the South China Sea”, Foreign Policy, July 31, 2017)
Có thể nói hiện tượng thiếu hụt thông tin (information deficit) là một dấu hiệu bất thường và bất ổn, do chính quyền và các bên liên quan không minh bạch thông tin. Nếu đúng là Việt Nam cam kết với Trung Quốc sẽ không bao giờ khoan nữa, thì việc yêu cầu Repsol dừng lại là một “chứng cứ thực tế” (de facto evidence) bất lợi cho Việt Nam trong tương lai khi phải đấu tranh pháp lý với Trung Quốc sau này. (Theo luật sư Hoàng ngọc Giao, viện PLD)
Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA rulings, July 12, 2016), Trung Quốc tuy bên ngoài tỏ ra hòa dịu hơn ở Biển Đông để phân hóa ASEAN và Mỹ, nhưng bên trong lại tỏ ra ngang ngược hơn, bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính. Trung Quốc cấm Việt Nam đánh cá và thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển và thềm lục địa của mình ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của PCA về “đường lưỡi bò” bất hợp pháp. Khi Việt Nam không chịu nghe theo lệnh cấm ngang ngược của họ, Trung Quốc dọa sử dụng vũ lực.   
Từ đầu năm nay, Hà Nội đã tự tin hơn, ký 2 hợp đồng lớn với ExxonMobil (Mỹ) để thăm dò và khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh (lô 118, cách Đà Nẵng 88km), và cho Talisman Vietnam (Repsol, Tây Ban Nha) tiếp tục khoan thăm dò tại mỏ Cá Kiếm Nâu & Cá Rồng Đỏ (lô 136/03 & 07/03, cách Vũng Tàu gần 400 km). Sau đó, Việt Nam còn gia hạn thêm 2 năm cho ONGC Videsh Ltd (OVL, Ấn Độ) thăm dò tại lô 128 (ngoài khơi Phan Thiết). Trong khi hợp tác với ExxonMobil gây ồn ào, thì thỏa thuận với Repsol lại im hơi lặng tiếng (có thể do “nhạy cảm”?). Trên bản đồ, lô 136/03 nằm trong Bãi Tư Chính, bên lề vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò không chỉ để khai thác dầu khí, mà còn nhằm khẳng định chủ quyền, trong khi hợp tác với Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược. 
Vị trí lô 136 và 07/03 (Cá Rồng Đỏ và Cá Kiếm Nâu)
Khác với BBC, Reuters đưa tin (24/7/2017), tầu khoan Deepsea Metro I vẫn đang ở nguyên vị trí mà nó đã khoan (tại lô 136/3) từ giữa tháng 6/2017. Một tàu chiến Indonesia đi ngang qua đó (22/7/2017) cho biết họ không thấy dấu hiệu gì đặc biệt, ngoài 3 tàu cảnh sát biển và 2 tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực đó. Cũng theo nguồn tin trên, Deepsea Metro I đã khoan thử vỉa (DST) và đo đạc (logging), về cơ bản đã hoàn thành công tác DST và logging, thu thập đủ số liệu cần thiêt, nên rút tàu Deepsea Metro I về lúc này không ảnh hưởng gì đến kế hoạch. Trước tin đồn về việc Repsol phải ngừng thăm dò, CEO của Repsol giải thích rằng liên doanh PVN-Repsol tạm ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03 vì bắt đầu mùa mưa bão ảnh hưởng lớn đến tiến độ và an toàn dự án, nên công việc sẽ tiếp tục vào 11/1017.   
Dù đây là quyết định của ai, Repsol hay Hà Nội, thì việc giải thích thế nào cũng không quan trọng lắm. Nhưng về lâu dài, trước sức ép của Trung Quốc, chiến lược tổng thể để khai thác các lô dầu khí của Repsol chắc phải tính toán lại, và điều chỉnh cho phù hợp với tình huống mới. Theo BBC, Deepsea Metro I đã ngừng khoan, nhưng chưa rời hiện trường, vì còn phải bơm xi măng lấp miệng giếng dầu để bảo đảm an toàn, ngừa dầu khí phun trào.
Deepsea Metro I: ngừng khoan lô 136-03 
Trò chơi vương quyền
Cách đây hơn một tháng, quan hệ Trung-Viêt bắt đầu căng thẳng sau khi tướng Phạm Trường Long đang thăm Hà Nội đã tức giận bỏ về (18/6/2017), trước thái độ cứng rắn của Hà Nội, không chịu nhân nhượng, tiếp tục cho khoan thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ, đòi đàm phán cấp cao, và đưa hàng trăm tàu đến khu vực bãi Tư Chính. Trước sức ép của Bắc Kinh, Hà Nội vẫn cho Repsol tiếp tục khoan thăm dò tại lô 136/03 do nhà thầu Odfjell Drilling Ltd (Na Uy) thực hiện. Theo BBC (24/7/2017) Repsol xác nhận là họ đã tìm được một mỏ khí lớn tại đây, tuy khoan chưa đủ độ sâu cần thiết thì phải dừng.  
Trong thời gian đó, Bắc Kinh đã cho tàu khoan HYSY-760 và hơn 40 tàu hộ tống tiến vào bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là nơi PVN và Repsol đang khoan thăm dò tại lô 136/03. Hành động đe dọa này của Bắc Kinh nhằm ép Repsol phải rút khỏi dự án. Repsol bắt đầu khoan 2 mũi đầu tiên vào ngày 18/6/2017, trùng hợp với ngày tướng Phạm Trường Long “đột ngột” bỏ về nước (có thể là do sự kiện này chăng?).
Ngày 22/7/2017, 15 tàu Cảnh sát biển thuộc Vùng III được lệnh rời Vũng Tàu tiến ra bãi Tư chính để tăng cường cho lực lượng Kiểm ngư và Chấp pháp (30 tàu) đang tuần tra tại khu vực đó, nhằm ngăn chặn không cho HYSY-760 và nhiều tàu hộ tống Trung Quốc đang lăm le vượt qua “làn ranh đỏ” để tiến sâu vào vùng thềm lục địa phía Nam. Theo Bill Hayton, (BBC, 24/7/2017) Hà Nội đã yêu cầu Talisman Vietnam (Rapsol) ngừng khoan thăm dò tại bãi Tư Chính (lô 136/03), với lý do Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Trường Sa. Tại sao Hà Nội trước đó tỏ ra cứng rắn trước sức ép của Bắc Kinh, nay lại vội vã lùi bước và nhân nhượng họ? Sự thay đổi thái độ của Hà Nội có ý nghĩa gì?
Gần đây, khi Hà Nội tỏ thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh, nhiều người suy đoán rằng Hà Nội chắc đã thỏa thuận ngầm với Washington về hợp tác chiến lược (trong chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc), bao gồm cả việc sử dụng quân cảng Cam Ranh. Nhiều người hy vọng Mỹ sẽ bênh vực Việt Nam nếu bị Trung Quốc bắt nạt. Nhưng đến nay Mỹ vẫn im lặng. Liệu Mỹ có ra tay bảo vệ Việt Nam không, khi hai bên chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược? Trong khi đó nội bộ Mỹ vẫn bất ổn, chiến lược bất nhất như “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, còn bất ổn hơn cả “tiếng kèn ngập ngừng” (thời Tổng thốngObama). Theo Bonnie Glaser (CSIS) Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc, vì Việt Nam không phải là đồng minh. (“What would the U.S. have done differently? I find it unlikely that the U.S. would militarily defend Vietnam against China. Vietnam isn’t an ally”).
Ngoài hợp tác với Repsol là tập đoàn dầu khí quốc gia Tây Ban Nha (có vốn hóa trên thị trường niêm yết là $ 21,5 tỷ), Việt Nam còn hợp tác với ExxonMobil (dự án Cá Voi Xanh), là một tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ (mà ngoại trưởng Rex Tillerson nguyên là CEO), và với OVL, là tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ, đã hợp tác dầu khí với Việt Nam từ năm 1988. Trong chuyến thăm Ấn Độ (3-5/7/2017) Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã kêu gọi Ấn Độ có vai trò lớn hơn tại Biển Đông, bao gồm hợp tác dầu khí. Quyết định cho OVL kéo dài hợp đồng thêm 2 năm là một điều chỉnh chiến lược (“180 độ”), vì cách đây vài tháng, OVL đã thông báo ý định chấm dứt thăm dò dầu khí tại lô 128. Hiện nay, OVL giữ 45% cổ phần lô 6.1 (thuộc bể Nam Côn Sơn) và 100% lô 128 (ngoài khơi Phan Thiết). OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại lô 128 và sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội khai thác trong thời gian tới.
Bàn cờ dầu khí Biển Đông
Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với Việt Nam vì hợp tác với ExxonMobil (lô 118), với OVL (lô 118), và Repsol (lô 136/03). Trung Quốc đã từng dọa các các công ty dầu khí đa quốc gia khác (như BP), phải bỏ ý định hợp tác với Việt Nam (trừ ExxonMobil). Tuy nhiên, Trung Quốc thường “mềm nắn rắn buông”, vì biết khó bắt nạt được ExxonMobil.
Tuy lô 118 và 128 giáp với “đường lưỡi bỏ” nhưng lại gần bờ (dễ bảo vệ) trong khi lô 136/03 cách xa bờ gần 400 km. Có thể nói, Trung Quốc cho rằng lô 136/03 của Repsol tại bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, dễ bắt nạt hơn các nơi khác. Nếu bắt nạt được Việt Nam và Repsol thì Trung Quốc mới có thể gây sức ép với ExxonMobil (Mỹ) và OVL (Ấn Độ), là hai cái gai nhọn cắm vào “lưỡi bò” của họ. Nếu hải quân Mỹ và Ấn Độ dám thách thức Trung Quốc, và nếu các cường quốc này liên minh với nhau để bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của họ tại Biển Đông, thì chắc Trung Quốc không dễ dàng bắt nạt được như hiện nay.  
Nói cách khác, các cường quốc có lợi ích lâu dài tại Biển Đông cần liên minh với nhau, không phải chỉ vì mục đích khai thác dầu khí, mà còn vì các lợi ích chiến lược khác. Không phải chỉ có Repsol (Tây Ban Nha) và PVN (Việt Nam) mà ExxonMobil (Mỹ) và OVL (Ấn Độ), cũng như các đối tác quốc tế khác, phải tính toán lại bàn cờ dầu khí Biển Đông. Họ cần lập ra một tổ hợp quốc tế (international consortium) bao gồm ExxonMobil và OVL… có đủ sức mạnh răn đe để đối phó với tham vọng Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.  
Một mình Việt Nam và một đối tác chiến lược yếu như Tây Ban Nha, không đủ sức thách thức Trung Quốc. Thật là ngây thơ nếu nghĩ rằng Bắc Kinh có thể bỏ qua chuyện Hà Nội dám thách thức họ tại Biển Đông. Nếu Việt Nam đơn thương độc mã, thì chắc chắn Bắc Kinh dễ bắt nạt. Nhưng còn chưa rõ là liệu lần này Việt Nam chỉ tạm ngừng khoan thăm dò để hoãn binh (chiến thuật) hay dừng hẳn về lâu dài (chiến lược). Lúc này, nếu Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình tại bãi Tư Chính (lô 136/03), thì có thể sẽ mất cả Trường Sa.   
Thật là ảo tưởng nếu nghĩ rằng Mỹ sẽ bênh vực và bảo vệ Việt Nam, trong khi chúng ta chưa phải là đồng minh chiến lược của họ. Nhưng nếu không có Mỹ (và Nhật) cùng các đối tác khác bênh vực, Việt Nam không thể một mình “đeo chuông vào cổ mèo” (belling the cat). Nói cách khác, tuy Viêt Nam “muốn làm bạn với tất cả”, nhưng khi bị Trung Quốc bắt nạt thì vẫn rất cô đơn tại Biển Đông (như câu thành ngữ “lắm mối tối nằm không”).
Thày bói sờ voi
Tuy hầu hết các chuyên gia về Biển Đông đều khẳng định Việt Nam đã cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03, nhưng họ lại đưa ra nhận định khác nhau. Theo Bill Haydon (BBC) Việt Nam quyết định ngừng vì sợ Trung Quốc tấn công Trường Sa, trong khi Reuters nhận xét là các tàu thăm dò dầu khí của Repsol vẫn đang hiện diện tại lô 136/03. Trong khi Bill Hayton cho rằng Việt Nam quyết định đầu hàng là thiếu khôn ngoan, thì Alexander Vuving lại cho là cần thiết, như một bước rút lui chiến lược vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, chứ không phải đầu hàng. Carl Thayer tán thành nhận định đó, cho rằng Việt Nam không muốn hành động vội vàng khi tình thế rõ rang đang bất lợi cho mình (vì “lực bất tòng tâm”).   
Theo Carl Thayer, Trung Quốc đã đe dọa thông qua Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh. Bộ Chính trị đã họp (14/07) và đồng ý ngừng khoan dầu khí. Theo Bill Hayton, 17/19 ủy viên BCT muốn tiếp tục khoan, nhưng có hai người không đồng ý (là TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch). Ngày 15/07, Hà Nội đã chính thức yêu cầu Repsol ngừng khoan tại Lô 136/03. Theo Bill Hayton, Hà Nội không tin Donald Trump có thể giúp trong tình hình hiện nay. Lập luận quan trọng nhất để thuyết phục lãnh đạo Hà Nội phải ngừng khoan lúc này là vì Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc một mình tại Biển Đông.
Theo BBC, Repsol đã khoan thăm dò và phát hiện được một mỏ khí tại lô 136/03 có trữ lượng khá lớn (trị giá hơn một tỷ USD). Phát hiện này chắc làm Việt Nam và Repsol vừa mừng vì giành được quyền khai thác, nhưng cũng vừa lo vì Trung Quốc càng có động cơ gây sức ép nhằm ngăn chặn khai thác (và tìm cách chiếm đoạt). Nếu Việt Nam đã cả gan thách thức Trung Quốc cho Repsol khoan thăm dò hơn một tháng qua, nhưng nay phải chấp nhận dừng lại, là do thế yếu và bị cô lập. Có thể Việt Nam đã tưởng rằng Mỹ và Nhật sẽ hỗ trợ kịp thời với những cam kết hợp tác an ninh có giá trị răn đe (sau chuyến thăm Mỹ và Nhật của ông Nguyễn Xuân Phúc). Nhưng đến nay vẫn chưa thấy Mỹ (hay Nhật) lên tiếng, mặc dù bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã gặp khẩn cấp đại sứ Mỹ tại Hà Nội (26/7/2017). 
Nếu Việt Nam buộc phải yêu cầu Repsol dừng lại, thì có thể là kế hoãn binh (để chờ tìm kiếm sự hỗ trợ). Để giữ thể diện, Repsol lấy lý do thời tiết xấu. Dù thế nào, Việt Nam không thể dễ dàng bỏ cuộc vì nhu cầu cấp thiết phải có nguồn thu từ dầu khí. Khả năng hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác chỉ là ảo tưởng, cũng như ảo tưởng về COC (bộ quy tắc ứng xử) cho Biển Đông. Trước mắt, Repsol và Việt Nam đang trong tình thế khó xử, bị mắc kẹt như cưỡi trên lưng hổ. Có lẽ vì vậy mà họ phải im lặng, dù biết dư luận đang rất bức xúc.
Nếu đúng là Repsol đã khoan xong hai mũi thăm dò và phát hiện được một mỏ khí đốt có quy mô khá lớn ở lô 136/03, trị giá hàng tỷ USD (như BBC đưa tin), thì chắc là họ không thể dễ dàng bỏ cuộc một cách đơn giản. Nếu họ buộc phải tạm dừng trước sức ép của Trung Quốc, thì họ cũng phải làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho mỏ khí và cho quyền lợi của mình, vì Repsol đã đầu tư $300 triệu vào 9 lô tại bãi Tư Chính. Nếu Repsol không đủ sức một mình khai thác, trước đe dọa của Trung Quốc, vì Việt Nam cũng bị cô độc, thì tại sao họ không  tìm kiếm sự liên kết và hộ trợ của các đối tác khác mạnh hơn, nếu không muốn bán lại dự án để thu hồi vốn. Đó không phải là chuyện lạ trong ngành dầu khí.
Theo Bill Hayton (Foreign Policy, July 31, 2017), Hà Nội muốn được Washington hỗ trợ để đối phó với sự đe doạ của Bắc Kinh, nhưng Washington không hiểu hoặc không quan tâm đến lợi ích của đối tác tiềm năng. Dưới thời Trump, Washington không sẵn sàng răn đe để bảo vệ đồng minh và đối tác. Tại sao như vậy? Tuy Rex Tillerson quá biết hệ quả của nó, nhưng người ta không rõ vì Nhà Trắng không muốn dính líu vào tranh chấp khu vực, hay Bộ Ngoại Giao thiếu năng lực vì bị cắt giảm nhân sự và ngân sách quá nhiều. Hay vì Tillerson muốn thấy Repsol (đối thủ cạnh tranh cũ) thất bại để Exxonobil giành được lợi thế tại thị trường Việt Nam. Nếu thế thì tệ quá, vì chẳng ai còn tin vào ông Tillerson (hay Washington) nữa.
Dù vì lý do gì đi nữa, thì Chính quyền Donald Trump đang để Biển Đông và khu vực quan trọng này rơi vào tay Bắc Kinh, như một “chuyện đã rồi” (fait accompli). Một khi Hà Nội đã phải đầu hàng Bắc Kinh, không dám khoan dầu trong vùng thềm lục địa của mình thì Trung Quốc sẽ làm chủ Biển Đông và làm lại luật chơi ở đây. Tầu khoan HYSY760 được bảo vệ dày đặc sẽ tiến vào khu vực đăc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí, như cái ao nhà mình. Nếu Việt Nam và Philippines bị khuất phục thì các nước khác sẽ ngả theo.  
Tứ giác chiến lược
Môi trường an ninh Biển Đông lúc này hẫng hụt, để Trung Quốc thao túng, là do chưa kịp hình thành “Tứ giác Chiến lược” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (AJIA) trong khuôn khổ “đối tác chiến lược” (strategic partnership) trên cơ sở “Tầm nhìn Biển Đông” (South China Sea Vision) vì “an ninh tập thể”. Nếu Việt Nam liên kết được với tứ giác chiến lược đó, như một sự răn đe hiệu quả, vì an ninh tập thể Biển Đông, thì Trung Quốc không dễ dàng bắt nạt. Trung Quốc biết “mềm nắn rắn buông”, nên chỉ bắt nạt kẻ yếu chứ không dám bắt nạt kẻ mạnh. 
Ngoài vị trí chiến lược có con đường hàng hải huyết mạch, Biển Đông còn là kho tài nguyên dầu khí (và hải sản) tương đương với trữ lượng tại vịnh Mexico. Để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên tiềm tàng của mình tại Biển Đông, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược (như với Nhật Bản và Ấn Độ). Nhật Bản là một cường quốc Đông Á, nhưng có sứ mệnh và lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Từ tháng 5/2017, tàu chở trực thăng Izumo (lớn nhất của Nhật) đã hộ tống một tàu tiếp liệu của Mỹ cập bến Cam Ranh, trong lộ trình hoạt động tại Biển Đông. Song song với cuộc tập trận chung của hải quân 3 nước Mỹ, Nhật, Ấn (Malabar 2017) tại vịnh Bangal (10-17/72017), hải quân Mỹ và Úc đã tập trận lớn (Talisman Saber 2017) kéo dài một tháng (từ 29/6/2017), huy động 21 tàu chiến, 200 máy bay, và 30.000 lính Mỹ và Úc. Hai cuộc tập trạn này làm Trung Quốc quan tâm và lo ngại.
USS Gerald Ford: Sẽ đến Cam Ranh?  
Việc hình thành “Tứ giác Chiến lược AJIA” tại Biển Đông là sống còn. Việt Nam cần liên kết với tứ giác chiến lượng đó không chỉ qua hợp tác dầu khí, mà còn qua hợp tác chiến lược để khai thác cảng quốc tế Cam Ranh (vì cả mục đích quân sự và thương mại). Lúc đó, nếu Trung Quốc đụng vào Việt Nam là đụng vào khối ẠJIA. Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải dựa vào một thế lực răn đe hiệu quả, thông qua an ninh tập thể. Khác với Philippines, bi kịch của Việt Nam là tuy muốn đương đầu với Trung Quốc, nhưng lúc này lại rất cô đơn về chiến lược, vì “lắm mối tối nằm không”, lúc nguy cấp không ai cứu. 
ASEAN khó có thể lên tiếng bênh vực Việt Nam khi một số thành viên đã bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, như bó đũa bị xé lẻ và bẻ gãy (bên trong) chỉ còn cái vỏ đồng thuận (bên ngoài). Chừng nào Cộng đồng ASEAN vẫn bám giữ nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ”, thì mong muốn có một “Bộ Quy tắc ứng xử” (COC) với Trung Quốc chỉ là ảo tưởng. Tuy một mình Việt Nam không thể thách thức Trung Quốc để “đeo chuông vào cổ mèo”, nhưng Trung Quốc vẫn lo ngại Mỹ có thể lập ra một liên minh để đối phó với họ.
Vì vậy, chỉ dựa vào ASEAN là không đủ, vì ASEAN consensus rất yếu do bị Trung Quốc phân hóa. Quan hệ Trung Quốc-ASEAN tại Biển Đông đã làm ASEAN nhiễm bệnh. Nếu chỉ dựa vào Mỹ cũng không đủ, vì Washington rất bấp bênh (như Trumpism). Trong khi Nhà Trắng bấp bênh và Bộ Ngoại Giao lu mờ (nhưFoggy Bottom), Hà Nội phải tăng cường quan hệ với Quốc Hội (như John McCain), giới quân sự (như James Mattis) và Hải quân.   
Giải pháp nào cho khủng hoảng
Nếu Việt Nam chọn giải pháp “mềm” (đầu hàng) thì Trung Quốc có thể lấn tới, đưa dàn khoan cắm sâu vào trong vùng EEZ của Việt Nam, và nếu có thể thì sẽ khoan thăm dò và khai thác. Nếu Viêt Nam chọn giải pháp “cứng” (đương đầu), thì có thể dẫn tới xung đột vũ trang với Trung Quốc tại Biển Đông. Bi kịch của Việt Nam lúc này là không thể đầu hàng (vì hết chỗ lùi) nhưng cũng không thể đương đầu (một mình) vì đúng lúc khẩn thiết thì lại thiếu hụt sự hỗ trợ (của Mỹ) khi so sánh lực lượng tại Biển Đông quá chênh lệch. 
Nhưng tại sao Trung Quốc tập trung lực lượng gây sức ép với Repsol tại bãi Tư Chính (lô 136/03) mà không gây sức ép với ExxonMobil tại mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) hay với OVL (lô 128)? Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, khó bảo vệ vì xa bờ (cách Vũng Tầu gần 400km), và đối tác Repsol (Tây Ban Nha) yếu hơn (phụ thuộc vào Việt Nam bảo vệ). Trong khi đó, mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) của ExxonMobil cách Đà Nẵng có 88km, và lô 128 của OVL cách Phan Thiết hơn 100km. Nếu Trung Quốc đụng vào ExoxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ và Rex Tillerson.  Nếu đụng vào OVL là đụng vào hải quân Ấn Độ. Vì Trung Quốc thường “mềm nắn rắn buông, nên muốn “rắn” thì Việt Nam phải liên kết với các đối tác Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, và các cường quốc khác có lợi ích chiến lược tại Biển Đông.   
Ngay từ tháng 4/2017, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã trình tổng thống Mỹ một kế hoạch đối phó với các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Mattis không muốn phê duyệt từng chiến dịch riêng lẻ (như thời Obama), mà muốn có một kế hoạch tổng thể. Dưới thời Obama, Lầu Năm Góc đã gửi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia yêu cầu tiến hành bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), nhưng các đề nghị này đã bị chặn lại, trong khi Trung Quốc rốt ráo bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Trong kế hoạch mới được tổng thống Donald Trunp chấp thuận, Hạm Đội 7 sẽ là nơi đề xuất chiến dịch tuần tra.
Ngày 22/7/2017, hải quân Mỹ được tăng cường thêm tàu sân bay mới “USS Gerald Ford” (trọng tải 100.000 tấn, trị giá $13 tỷ). Số tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng từ 30 chiếc lên 48 chiếc (60%). Không chỉ hải quân Mỹ, mà hải quân các nước khác (như Nhật, Ấn, Úc, Anh) cũng cam kết sẽ tăng cường có mặt tại Biển Đông. Hải quân Anh thông báo cuối năm nay sẽ nhận thêm 2 tàu sân bay mới “HMS Queen Elizabeth & HMS Prince of Wales” (trọng tải 65.000 tấn, lớn nhất của hải quân Anh). Theo báo Guardian (27/7/2017) Ngoại trưởng Boris Johnson cam kết năm 2018 sẽ đưa 2 tàu sân bay mới tới Biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải.
Nếu để Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông, bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính, cấm Việt Nam thăm dò dầu khí và đánh cá trên vùng biển của mình, được luật biển quốc tế thừa nhận, thì Việt Nam có thể mất 40% vùng Đặc quyền Kinh tế. Nếu Hà Nội mắc sai lầm này, sẽ càng bị cô lập, khó tìm được lối thoát, dẫn đến kết cục nguy hiểm hơn về lâu dài. Theo Carl Thayer, Việt Nam chỉ có ba sự lựa chọn: Thứ nhất, trong khi tạm ngừng thăm dò, Việt Nam cần kiên định trước sự đe dọa của Trung Quốc; Thứ hai, Việt Nam cần công khai sự việc để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ; Thứ ba, Việt Nam cần thảo luận các phương án với Mỹ, hy vọng những người nắm quyền lực ở Washington hiểu vấn đề và ủng hộ. 
Tầm nhìn Biển Đông
Có thể nói, nếu không có sự kiện dàn khoan HD 981 (5/2014), tạo ra cú sốc và bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung-Việt thì chưa chắc TBT Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Mỹ (7/2015) và được đón tiếp (tại phòng Bầu Dục) như nguyên thủ quốc gia. Trước đó, bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang đã thăm Mỹ gần một tháng. Quan hệ Mỹ-Việt đã có bước thay đổi về chất: Trong khi quan hệ Trung-Việt từ “Đồng sàng biến thành dị mộng” thì quan hệ Mỹ-Việt từ “dị mộng biến thành đồng sàng”. Alexander Vuving từng nhận xét rằng quan hệ Trung-Việt nay tách xa hơn “nhưng không quá xa”, còn quan hệ Mỹ-Việt nay gần hơn “nhưng không quá gần”. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Obama thăm Việt Nam (5/2016) và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, gặp Tổng thống Donald Trump (1/6/2017) thì hai nước hầu như đã trở thành đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto). Thế cân bằng tĩnh đang bị phá vỡ, biến tam giác cân “Mỹ-Trung-Việt” trở thành tam giác “bất cân xứng” đầy biến động.
Biển Đông đầy ẩn số và biến số khó lường. Khủng hoảng bãi Tư Chính hiện nay là một biến số đầy rủi ro tiềm ẩn. Nhưng sự kiện Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng 19 vào cuối năm nay, và Việt Nam chủ trù hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 này là cái phanh hãm, không để khủng hoảng biến thành xung đột vũ trang, vì cả hai bên chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, đây lại là lúc Trung Quốc cần diễu võ dương oai vì lý do chính trị và để bắt nạt Việt Nam. Nếu Trung Quôc bắt nạt được Việt Nam và Tây Ban Nha (tại lô 123/03), thì họ có thể tiến lên dằn mặt Ấn Độ (tại lô 128) và Mỹ (tại lô 118) để nhổ ba cái gai nhọn cắm vào “lưỡi bò” của họ. Nếu nhổ được mấy cái gai đó và khống chế được Trường Sa thì họ sẽ làm chủ Biển Đông. Cũng như Scarborough Shoal, bãi Tư Chính (Vangurd Bank) là “làn ranh đỏ” (red line), có ý nghĩa địa chiến lược. Nếu Mỹ và Việt Nám (cùng đồng minh) để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc như Scarborough (2012) thì sẽ là một sai lầm chiến lược mới, mà hệ quả chưa lường được.  
Vậy muốn giữ bãi Tư chính và Trường Sa thì phải làm thế nào, trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc? Trong cuộc khủng hoảng lần thứ nhất, Trung Quốc đã tập trung hơn 100 tàu hộ tống dàn khoan HD 981. Trong cuộc khủng hoảng lần này, họ tập trung gần 200 tàu (gần gấp đôi) cùng với HYSY 760. Tuy Trung Quốc có lợi thế về số đông áp đảo (như “dân quân biển”), và giành được thế thượng phong tại Biển Đông vì họ quân sự hóa được các đảo nhân tạo tại Trường Sa (cũng như Hoàng Sa) thành một thế trận liên hoàn, nhưng họ lại yếu về ba thứ khác, mà Mỹ (và đồng minh) có thể vượt trội. Đó là (1) lực lượng tàu ngầm, (2) tàu sân bay, và (3) Cam Ranh. Nếu Mỹ biết liên kết sẽ giành lại được thế thương phong.
HMS Queen Elizabet: Sẽ đến Biển Đông?
Khi tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC (11/2017), khủng hoảng Biển Đông có thể phủ bóng đen lên sự kiện quan trọng này. Đây chính là lúc và là nơi Mỹ và các đồng minh khu vực liên kết với nhau (như tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) vì an ninh Biển Đông. Đó là một dịp tốt để tàu sân bay Mỹ đến thăm Cam Ranh, thực hiện Tuyên bố chung Mỹ-Việt. Tiếp theo Mỹ và Nhật, là tàu sân bay của Ấn Độ và Anh (như họ vừa tuyên bố). Hợp tác hải quân của bốn cường quốc đó tại Biển Đông chắc sẽ tăng lên, cùng với kế hoạch phối hợp tuần tra và diễn tập trong khuôn khổ hợp tác chiến lược vì an ninh Biển Đông. 
Tuy nhiên, hai vấn đề cơ bản đang cản trở Việt Nam tham gia quá trình hội hập quốc tế vì chủ quyền quốc gia và an ninh Biển Đông là nhân quyền và tham nhũng. Tuy nhân quyền và tham nhũng là vấn đề của nhiều nước, và 25% hoa hồng cho mỗi hợp đồng mua bán vũ khí có thể là thông lệ của các nước tham nhũng và độc tài, nhưng với tình thế đang bị mắc kẹt và cô đơn về chiến lược như hiện nay, hai vấn đề trên là những cản trở (deal breaker) đối với an ninh quốc gia của Việt Nam và an ninh Biển Đông. Hay nói cách khác, nếu Việt Nam vẫn không khắc phục được hai vấn đề đó, thì chẳng khác gì lấy súng tự bắn què chân mình. Chỉ có cải cách thể chế toàn diện thì may ra Việt Nam mới tháo gỡ được hai vấn nạn đó.        
Thay lời kết
Muốn bảo vệ được lợi ích dầu khí cũng như các lợi ích chiến lược khác tại Biển Đông, các quốc gia liên quan phải gắn hợp tác kinh tế với hợp tác chiến lược, trong “Tầm nhìn Biển Đông”, theo ý tưởng “đối tác chiến lược AJIA”. Trước mắt, để tăng cường hợp tác theo hướng cộng tác cùng có lợi, ExxonMobil (Mỹ), OVL (Ấn Độ), Repsol (Tây Ban Nha) và PVN (Vietnam) nên gấp rút thương lượng, lập ra một tổ hợp quốc tế (internationmal consortium) để đầu tư thứ cấp (farming in) vào dự án Repsol (lô 136/03). Chỉ bằng cách đó thì các đối tác mới bảo vệ được lợi ích của họ, và Việt Nam mới bảo vệ được chủ quyền quốc gia của mình.
Về lâu dài, muốn có hòa bình, ổn định để hợp tác tại Biển Đông, trước hết phải có sức mạnh răn đe (của “tứ cường AJIA”). Đã đến lúc “Con Bò tót Tây Ban Nha” (Repsol) phải liên minh với “Con bò mộng Mỹ” (ExxonMobil) và “Con voi Ấn Độ” (OVL), nếu họ muốn khai thác năng lượng ở Biển Đông. Đối với Việt Nam, an ninh năng lượng là an ninh quốc gia, và an ninh Biển Đông cũng là an ninh khu vực, trước mối đe dọa của Trung Quốc.  
Tuy lúc này Việt Nam đang cô đơn về chiến lược, phải một mình đối phó với Trung Quốc, nhưng không thể đầu hàng, vì để mất bãi Tư Chính thì Việt Nam có thể mất cả Trường Sa. Đối với Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc, cũng như các nước khác có lợi ích lâu dài tại Biển Đông, thì để mất bãi Tư Chính là một sai lầm chiến lược (như mất Scarborough Shoal), đồng nghĩa với chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông như cái ao riêng của họ.  
Tham khảo:
  1. Bill Hayton, “South China Sea: Vietnam halts drilling after China threats”, BBC, July 24, 2017; “Việt Nam đang thân cô, thế cô”, BBC, July 29, 2017
  2. Bill Hayton, The Week Donald Trump Lost the South China Sea”, Foreign Policy, July 31, 2017
  3. Carl Thayer, “Alarming Escalation in the South China Sea: China Threatens Force if Vietnam Continues Oil Exploration in Spratlys”, Diplomat, July 24, 2017;
  4. Carl Thayer, “South China Sea: Did China Threaten Force? Why Did Vietnam Suspend Oil Drilling in Block 136-03?”, Thayer Consultancy, July 25, 2017
  5. 5. Carl Thayer, “Vietnam’s strategies in the South China Sea”, EastAsiaForum, July 28, 2017
  6. Michael Martina & Mathew Tostevin,“China urges halt to oil drilling in disputed South China Sea”,Reuters, July 25, 2017
  7. Helen Clark, “China-Vietnam: comrades until it comes to oil & gas”, Asia Times, July 27, 2017
  8. Phillip Orchard, “Taking China’s Maritime Threats Seriously”, GPF, July 27, 2017
NQD. 31/7/2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao Nicholás Maduro vẫn nắm quyền ở Venezuela? - Mỹ: Tổng thống Venezuela, một kẻ độc tài


Những cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn, một nền kinh tế hỗn loạn và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cũng không thể lay chuyển quyền lực của vị tổng thống. Nicolás Maduro, Tổng thống Venezuela, không được nhiều người ủng hộ. Bốn trong số năm người Venezuela nghĩ rằng chính phủ của ông làm việc không hiệu quả. Họ nói đúng.

Đất nước của họ, có trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là nhiều hơn Ả Rập Saudi, dân số chỉ 31 triệu người, và một vị trí địa lý đáng ghen tị, lại đang ở giữa cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất thế giới, với những hàng người xếp hàng mua bánh mỳ theo phong cách Liên Xô, sự thiếu hụt các loại thuốc cơ bản và sự gia tăng đáng chú ý các chỉ số tiêu cực như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và sốt rét. Lạm phát đang hướng đến mức 2.000% vào năm tới. Đồng nội tệ bolívar chỉ còn 0,8% giá trị so với đồng USD trong năm năm qua. 

Các chính phủ đang công khai mô tả rằng những động thái gần đây của Tổng thống Venezuela nhằm tiếm quyền của quốc hội dân cử là một mối đe dọa đối với dân chủ và khu vực. Ngay cả những người ủng hộ ông cũng đang vất vả để có thể mô tả về Maduro như là một người có chút sức hấp dẫn. Vậy tại sao ông ta vẫn đang nắm quyền?

Ông Maduro phải cảm ơn người tiền nhiệm về sự tồn tại này của mình. Trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của mình, Hugo Chávez đã làm suy yếu một cách có hệ thống tất cả các thể chế chính của quốc gia này, đặt tất cả mọi thứ vào lợi ích của đảng cầm quyền, và đảm bảo rằng bất cứ sự thay đổi nào do phe đối lập dẫn đầu sẽ hoặc bị thách thức hoặc là bất khả thi.Toà án tối cao, cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang của Venezuela, dù ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều nằm dưới ngón tay cái của tổng thống. Chỉ có một cơ quan vẫn duy trì độc lập, và đó là quốc hội.

Quốc hội Venezuela được chuyển sang phe đối lập nắm quyền kiểm soát sau một cuộc bỏ phiếu đảo chiều lớn vào tháng 12 năm 2015. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng với ông Maduro. Ông ta có thể chỉ đạo tòa án tối cao phục tùng mình để bãi bỏ các đạo luật của quốc hội khi được yêu cầu. Tương tự như vậy, khi cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Maduro dường như sẽ đảm bảo rút ngắn nhiệm kỳ của ông hồi năm ngoái, một tổ chức khác, hội đồng bầu cử, đã làm công việc bẩn thỉu cho vị tổng thống bằng cách trì hoãn và rốt cộc là ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.

Điều đó khiến cho một sự chuyển đổi quyền lực nhanh chóng là bất khả thi. Phe đối lập đã đi đến kết luận rằng lựa chọn khả thi duy nhất của họ là xuống đường. Đảng này hy vọng rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ chứng minh cho việc ai là người thực sự nắm giữ quyền lực chính ở Venezuela, từ đó thúc giục những nhượng bộ nghiêm túc từ phía chính phủ, hoặc thậm chí là một cuộc nổi dậy. 

Nhưng ông Maduro lại giữ con át chủ bài: quân đội.

Thể chế được được cho là trung lập nhưng lại bị chính trị hóa nặng nề này được gần như gắn liền với cấu trúc chính trị của Venezuela. Các sĩ quan hoặc cựu sĩ quan đang điều hành 11 trong số 32 bộ của chính phủ. Các quan chức chóp bu trong quân đội cũng điều hành các ngành kinh doanh trọng điểm, bao gồm cả ngành phân phối lương thực nhà nước. Điều đó, cùng với những cơ hội kiếm lời chênh lệch giá bằng cách khai thác tỷ giá hối đoái chính thức thấp một cách giả tạo của đất nước này, đã cho phép một tầng lớp tinh hoa trong quân đội thu được những khoản lợi nhuận hậu hĩnh từ sự cai trị hỗn loạn của ông Maduro. 

Đối với các tướng tá, và các quan chức cấp cao trong chính phủ (một số bị đe doạ truy tố nếu có sự thay đổi chế độ), những lợi ích của tình trạng hiện tại đồng nghĩa với việc họ sẽ làm hầu hết mọi thứ để duy trì quyền lực.

Tuy nhiên, áp lực nghiêm trọng đối với chính phủ vẫn tồn tại. Nền kinh tế tiếp tục sụt giảm; mang lại nguy cơ thực sự về vỡ nợ quốc gia. Giờ chính phủ có ít tiền hơn để vừa xoa dịu bất mãn vừa chia sẻ giữa những kẻ tham nhũng. Có những tin đồn dai dẳng về những vụ đào tẩu ở hàng ngũ cấp trung và cấp thấp trong quân đội. Tổng chưởng lý hiện nay rất không thoải mái về đường lối độc đoán của chính phủ mà bà đang phục vụ. Vị tổng thống có thể ngăn chặn cách rõ ràng nhất để đánh bại ông ta, đó là một cuộc bỏ phiếu công bằng. Nhưng ông ta không phải là không thể bị tấn công.

http://nghiencuuquocte.org/2017/06/18/nicholas-maduro-venezuela/
Nguồn: “Why is Venezuela’s Nicolás Maduro still in power”, The Economist, 11/5/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

-------------------------

Mỹ: Tổng thống Venezuela, một kẻ độc tài 

voatiengviet.com, Reuters - Tòa Bạch Ốc ngày 31/7 tuyên bố Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, giờ đây là một kẻ độc tài sau khi chiếm trọn quyền hành thông qua sự kiện mà Washington mô tả là một cuộc bầu cử giả hiệu của Nghịa hội Lập hiến Quốc gia hôm Chủ nhật.

“Ông Maduro không chỉ là một nhà lãnh đạo tồi. Ông ấy giờ đây là một tay độc tài,” cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Chính phủ Mỹ ngày 31/7 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Maduro. Đây là động thái mạnh tay nhất của chính quyền Trump đối với chính phủ Maduro để đáp lại cuộc bầu cử hôm qua.

Loan báo này chưa bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan đến ngành dầu mỏ nước này, nhưng chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét tới phương án đó.

Theo các biện pháp chế tài nhắm vào ông Maduro vừa được thông báo, tất cả tài sản của nhà lãnh đạo Venezuela nằm dưới quyền tài phán của Mỹ bị phong tỏa và công dân Mỹ không được phép làm ăn với Tổng thống Maduro.

“Bằng cách chế tài ông Maduro, Hoa Kỳ khẳng định quan điểm đối với các chính sách của chính quyền Maduro và ủng hộ người dân Venezuela muốn đưa đất nước trở lại nền dân chủ thịnh vượng toàn vẹn,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo.

Ông Mnuchin cho biết những ai tham gia vào cơ quan lập pháp mới của Venezuela có thể sẽ bị Hoa Kỳ chế tài vì gây phương hại cho nền dân chủ Venezuela.

Tại Caracas hôm nay, ông Maduro ăn mừng cuộc bầu cử của cơ quan lập pháp mới vốn dự kiến sẽ mang lại cho đảng xã hội cầm quyền những quyền hạn lấn lướt.

Nguồn tin của Reuters cho hay theo sau các biện pháp chế tài Tổng thống Maduro có thể sẽ là các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức cấp cao của nước này cũng như các biện pháp nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, tùy thuộc vào phạm vi chính phủ Maduro đưa Quốc hội mới đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử hôm 30/7.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Triều Tiên âm thầm khánh thành tòa nhà 105 tầng


01/08/2017 TP - Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ 2 của Triều Tiên hôm 28/7 thu hút sự chú ý của cả thế giới. Trước đó, đúng ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh Triều Tiên 27/7, việc khánh thành toà nhà Ryugyoung cao 105 tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng diễn ra âm thầm.

Tòa nhà Ryugyoung được khánh thành ngày 27/7. Ảnh: SCMP.
Ryugyoung có thể được coi là tòa nhà xây dựng lâu nhất thế giới và là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Triều Tiên đã mất 30 năm để xây dựng toà nhà này. Ban đầu, Triều Tiên dự kiến xây trong hai năm, khánh thành năm 1989 và đó sẽ là khách sạn cao nhất thế giới, vượt tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ tọa lạc ở Singapore (do Hàn Quốc xây dựng).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1998 và nạn đói hoành hành ở Triều Tiên vào những năm 1990 khiến nước này không thể bơm tiền xây dựng khách sạn. Nó gần như chỉ là khối bê tông bị bỏ hoang trong hơn 10 năm.

Đến năm 2011, tập đoàn Orascom của Ai Cập, đơn vị đầu tư vào hệ thống điện thoại di động của Triều Tiên, hỗ trợ tiền để hoàn thành ngoại thất sáng bóng của tòa nhà. Theo một số nguồn tin, một bức ảnh chụp vào năm 2012 cho thấy bên trong tòa nhà vẫn chỉ là những khối bê tông trơ trọi.

Vào năm 2012, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh nhanh chóng hoàn thiện khách sạn Ryugyoung cùng hàng chục tòa nhà cao tầng khác tại quận Ryomyong ở Bình Nhưỡng. Hình dáng của Ryugyoung được cho là giống hình Kim tự tháp, nhưng cũng có người cho rằng, nó giống hình tên lửa.

Thợ xây tòa nhà đều là binh sĩ. Nhìn từ xa, tòa nhà được ốp kính sáng loáng, màu xanh nhạt này có vẻ như sẵn sàng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, nó còn lâu mới hoàn thiện nội thất. Việc tòa nhà sẽ được sử dụng làm khách sạn hay văn phòng vẫn được giữ kín.

LAN ANH
Theo SCMP

http://www.tienphong.vn/the-gioi/trieu-tien-am-tham-khanh-thanh-toa-nha-105-tang-1172579.tpo

Phần nhận xét hiển thị trên trang