Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Tổng thống Venezuela bênh vực tướng tình báo đàn áp biểu tình



Chưởng lý Luisa Ortega, trong một buổi họp báo tại Caracas, Venezuela, ngày 28/06/2017.


Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 30/06/2017 đã thăng cấp giám đốc tình báo Gustavo Gonzales Lopez lên cấp cao nhất là tướng bốn sao. Đây là hành động thách thức chưởng lý Ortega - vừa cáo buộc ông Lopez vi phạm nhân quyền do đàn áp người biểu tình.

Cơ quan công tố do bà Luisa Ortega lãnh đạo, tiếng nói chỉ trích duy nhất trong chính quyền, trước đó vài giờ đã tuyên bố nghi ngờ ông Lopez « vi phạm mặc nhiên và trầm trọng các quyền con người », trong các cuộc biểu tình phản đối ông Maduro đã diễn ra liên tục trên toàn quốc từ ba tháng qua, làm 85 người thiệt mạng.

Theo Viện Công tố, có ít nhất 23 người bị cảnh sát và binh lính sát hại. Từng là bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp cho đến tháng 8/2016, tướng Gonzales Lopez bị tòa án triệu tập hôm thứ Ba 27/6.

Cùng ngày thứ Ba, bà Luisa Ortega lại phải ra trước Tối cao Pháp viện vì bị chính quyền cáo buộc « phản quốc ». Hôm thứ Tư 28/6, bà Ortega tố cáo tổng thống Nicolas Maduro đã áp đặt « chính sách khủng bố Nhà nước ». Đến thứ Năm 29/6, bà cáo buộc tướng Antonio Benavides Torres, người thân cận với tổng thống nguyên là lãnh đạo Vệ binh Quốc gia đã « khám xét và bắt người tùy tiện ».

Viện Công tố đã tiến hành 450 cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống tổng thống Maduro, đồng thời khẳng định nắm được các bằng chứng cho thấy « việc sử dụng vũ lực quá đáng, dùng súng không giấy phép, xử sự thô bạo và tra tấn tù nhân ».

Phần nhận xét hiển thị trên trang

« Nếu ông Tập Cận Bình công khai khẳng định Trung Quốc là một Nhà nước pháp quyền, thì tại sao một bi kịch như thế lại có thể xảy ra ? »

Phía sau Lưu Hiểu Ba, là số phận mịt mùng của các nhà đối lập Trung Quốc

Đêm thắp nến cầu nguyện cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba tại Hồng Kông, 29/06/2017.


Việc giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được ra khỏi trại giam và nhập viện do bị ung thư gan giai đoạn cuối, đặt ra câu hỏi về số phận phía sau song sắt nhà tù của nhiều nhà ly khai Trung Quốc khác.

Năm nay 61 tuổi, ông Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù giam năm 2009 vì tội « nổi dậy ».Là khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Trung Quốc, ông là đồng tác giả của bản Hiến chương 08, đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và tổ chức bầu cử tự do.

Lưu Hiểu Ba nay đang được chữa trị tại một bệnh viện sau khi được trả tự do có điều kiện vì lý do sức khỏe – luật sư của ông cho biết hôm thứ Hai 26/06/2017. Chính quyền Trung Quốc còn khẳng định một đội ngũ gồm « tám bác sĩ chuyên khoa ung thư nổi tiếng » chăm sóc cho ông tại một bệnh viện ở Thẩm Dương (Shenyang).

Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền nhấn mạnh, việc quyết định thả Lưu Hiểu Ba không hề là một hành động nhân đạo, mà chỉ nhằm tránh mang lại một hình ảnh tệ hại cho Bắc Kinh, khi một tù nhân nổi tiếng như thế lại bị chết sau chấn song nhà tù.

Luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) ở Bắc Kinh nhận định : « Cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ là Trung Quốc chẳng tôn trọng nhân quyền một chút nào, khi mà một giải Nobel hòa bình còn bị đối xử như thế ».

Đã từ lâu Trung Quốc vẫn bị chỉ trích vì xử sự tệ hại với các nhà đấu tranh, nhà đối lập chính trị. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012, áp lực đè lên xã hội dân sự lại càng thêm nặng nề.

Tháng 7/2015, trên 200 luật sư bảo vệ nhân quyền đã bị công an câu lưu. Hầu hết sau đó được thả ra, nhưng sáu luật sư năm ngoái đã bị lãnh các bản án lên đến bảy năm tù. Các tòa án Trung Quốc có tỉ lệ kết án chóng mặt là 99,92%, và trong các cuộc điều tra thường xảy ra nạn tra tấn để bức cung. 

Các điều kiện cụ thể để trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba vẫn chưa rõ, nhưng ông vẫn tiếp tục bị công an theo dõi chặt chẽ. Luật gia khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) nhận xét : « Ông Lưu Hiểu Ba sẽ chẳng bao giờ được tự do. Ông luôn bị đảng Cộng Sản Trung Quốc nghiêm ngặt giám sát, như vợ ông vẫn bị theo dõi từ nhiều năm qua ». Bản thân ông Trần Quang Thành cũng từng bị quản thúc tại gia, cho đến khi ông vượt thoát ngoạn mục năm 2012 và tị nạn tại Hoa Kỳ.

Các nhà đấu tranh nhân quyền còn đòi được biết ông Lưu Hiểu Ba có được chữa trị trong tù hay không, và tại sao ông không được trả tự do sớm hơn. Nhà nghiên cứu Patrick Poon của Amnesty International chuyên về Trung Quốc cho biết : « Rất khó thể hiểu được vì sao phải chờ đến lúc căn bệnh ung thư phát triển đến giai đoạn cuối, ông Lưu Hiểu Ba mới được chạy chữa »

Nhưng theo bà Sophie Richardson của Human Rights Watch, trường hợp « các nhà đối lập ôn hòa lâm bệnh nặng và chết trong tù » không phải là hiếm. 

Trong số đó có thể kể nhà sư Tây Tạng Tenzin Delek Rinpoche, qua đời trong trại giam năm 2015 sau 13 năm bị giam cầm vì bản án « khủng bố và ly khai ». Hay nhà đối lập Tào Thuận Lợi (Cao Shunli), được loan báo đã chết trong tù vào đầu năm 2014, mà theo Bắc Kinh là do bị « bệnh lao và viêm phổi cấp tính ».

Đối với bà Sophie Richardson, chủ tịch Trung Quốc phải chịu trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện nay của ông Lưu Hiểu Ba. Bà đặt câu hỏi : « Nếu ông Tập Cận Bình công khai khẳng định Trung Quốc là một Nhà nước pháp quyền, thì tại sao một bi kịch như thế lại có thể xảy ra ? »



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc


Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên. 
Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định ».

Bắc Kinh nhấn mạnh « kiên quyết chống lại » các biện pháp trừng phạt của bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng « cực lực phản đối » việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : « Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên ».

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu « vô trách nhiệm » của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : « Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa ».

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, « nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí ». 

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin loan báo việc trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc, 29/06/2017.
Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên. 

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : « Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả ».

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae In tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : « Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ ».

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố « thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc », khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được « một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh ». Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THẾ CHẤP CHỊ GÁI….



Trả lời báo chí về những thông tin liên quan đến khu biệt phủ và nhiều tài sản khác của gia đình mình, ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái (em trai Bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà) cho hay: Ông đã phải làm đủ nghề từ chạy xe ôm, làm rá đỗ, làm bánh, bán chổi đót, nấu rượu đến chắt chiu, tằn tiện từng xu nên mới có gia tài kếch xù như vậy (bao gồm 3 nhà, 1 căn hộ chung cư ở Hà Nội, một biệt phủ siêu khủng và trang trại 13.000 m2, 1 xe ô tô Camry trị giá hơn 1 tỷ….) . Ngoài ra, ông này còn phải vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng để xây được quần thể siêu khủng, trong đó có khu vui chơi, rèn luyện thể dục, thể thao, vườn hoa, cây cảnh để phục vụ bà con các dân tộc ở trên núi tràn xuống vì Yên Bái chưa có chỗ nào cho bà con chơi và giải trí….Trong bản kê khai tài sản của mình, ông Quý cộng tất tần tật chỉ khoảng 8 tỷ đồng……
Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi vay tiền ngân hàng, giá trị tài sản thế chấp bao giờ cũng phải cao hơn so với khoản tiền ngân hàng cho vay. Thông thường, ngân hàng sẽ chỉ cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp. Trường hợp ông Quý được ngân hàng cho vay 20 tỷ đồng thì tài sản thế chấp phải là gần 30 tỷ đồng, chưa kể hàng tháng, lãi phải trả khoảng 150 triệu đồng…. Ông Quý không là chủ doanh nghiệp mà chỉ là công chức thì lãi thôi cũng lấy đâu ra trả ?.
Hơn thế, khi Ngân hàng cho vay cũng "chết" vì tại sao lại cho vay khoản tiền lớn vậy chỉ để làm nhà trong khi người khác muốn vay rất khó. Họ phải trình mục đích vay, tính khả thi của đầu tư kinh doanh, rồi thế chấp tài sản, xét chán mới cho vay 50% nhu cầu.
Đem băn khoăn, thắc mắc này trao đổi với bạn tôi đang làm việc tại Yên Bái, bạn tôi bảo: "Mày làm báo mà ngây ngô, thật thà thế. Chị gái ông ấy làm to nhất tỉnh, ngồi trên muôn dân, ông ấy vay 20 tỷ chứ 100 tỷ cũng được, việc gì phải thế chấp tài sản. Thế chấp chị gái là xong …."
Ừ nhỉ, thế chấp chị gái. Có thế mà mình không nghĩ ra .....?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Không thể đổ chất thải xuống biển'


CHÂN LUẬN 

(PLO)- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói: "Không thể đổ chất thải xuống biển". 

Liên quan đến việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải tại vùng biển Tuy Phong sau khi nạo vét luồng lạch hàng hải, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có thái độ dứt khoát như trên. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi đã nghe thông tin này nhưng quyết định như thế nào thì cần phải nắm rõ hơn, nghiên cứu, đánh giá cẩn thận. Khi nhận được báo cáo, đề xuất Bộ TN&MT sẽ xem xét”.

Mặc dù không bình luận cụ thể về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải ra biển nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển như đề xuất của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. “Không thể làm thế được!” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trước đó, ngày 2-11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay: "Sau một loạt sự cố môi trường chúng ta cũng nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”.

Bộ trưởng cho rằng: Trước đây, môi trường thường đi sau phát triển thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch. Sau những sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều công việc, giải quyết những vấn đề cụ thể, rà soát lại toàn bộ các nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây. 

Cũng tại Quốc hội, Bộ trưởng cho biết: Đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt, nhuộm..  “Chúng tôi đã có những con số rất rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần phải có những biện pháp rất quyết liệt, rất nghiêm túc trong vấn đề thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
***

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 2-11, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) xin phép “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét.

Dù thừa nhận việc đổ thải này trên đất liền sẽ ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường, song Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 lại xin “nhấn chìm” xuống biển (?!). Theo ước tính, diện tích biển chứa lượng chất thải này khoảng 30 ha, cách đất liền khoảng ba hải lý và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam). “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển” - Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận nêu quan điểm.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, Hòn Cau là một đảo nhỏ, cách đất liền chưa đầy 10 km. Toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau rộng khoảng 12.500 ha.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khảo cổ học Nga: Crimea là dấu tích của đế chế Atlantis?


Duyên Linh 






























Đất Việt - Lục địa Atlantis có tồn tại hay không và nó nằm ở đâu trên Trái Đất là câu đố mà các nhà khoa học luôn mải mê tìm kiếm đáp án.

Ngày 30/6, hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, các nhà khảo cổ ở Viện khảo cổ học St. Petersburg đã khởi hành một chuyến thám hiểm để khám phá về thành phố bí ẩn Atlantis (còn được gọi là lục địa hay đế chế Atlantis).

Sergei Solovyov, người đứng đầu của cuộc thám hiểm tiết lộ, kế hoạch của họ là định hình được thành phố này. Nhóm khảo cổ gia sẽ sử dụng hệ thống sonar hiện đại giúp định vị tìm kiếm dưới vùng nước sâu.

Các nhà khảo cổ Nga cho rằng, bán đảo Crimea có thể là phần sót lại của lục địa Atlantis, hay dấu tích của đế chế này có thể nằm phía Đông Crimea, hoặc đang chìm sâu một cách bí ẩn dưới đáy biển Đen.

Bắt đầu từ Crimea, các khảo cổ gia của Nga sẽ đi lần tìm dấu vết của thành trì huyền thoại này.


Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh được sự tồn tại của lục địa Atlantis. Không ai biết được, Atlantis có thực sự từng tồn tại hay không và nó nằm ở đâu.

Dù vậy, những câu chuyện, những lời đồn về thành phố bí ẩn này vẫn tồn tại cùng với thời gian và các nhà nghiên cứu vẫn mải miết đi tìm dấu tích của nó.

Theo giả thuyết được nhiều người tin tưởng, Atlantis là miền đất hứa với thời tiết quanh năm thuận lợi, là kinh đô cổ xưa bậc nhất, phát triển thịnh vượng.

Vùng đất này được cho là hình thành từ hơn 11 nghìn năm trước, tuy nhiên, mãi đến những năm 359-347 (trước Công Nguyên - tức cách đây hơn 2.300 năm), mới có tài liệu ghi chép về nó.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato chính là người đầu tiên cho bật mí về miền đất này. Ông cho hay, bản thân đã tận mắt nhìn thấy sự hoa lệ của nó.

Song, không ai chứng thực được việc thành trì này từng tồn tại, khi mà ngoài những ghi chép và lời truyền miệng từ xa xưa, thì không có bất cứ chứng cứ, dấu vết nào của nó.

Cả một lục địa hưng thịnh cổ xưa được cho là bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn. Nhiều giả thuyết đưa ra về sự mất tích của nó để phù hợp với các ghi chép về sự tồn tại của nó.

Trong đó, thành phố Atlantis cơ bản được cho là bị nhấn chìm bởi một trận đại hồng thủy ở Đại Tây Dương, vì vậy mà nó vĩnh viễn không còn trông thấy bóng dáng.

Bấy lâu nay, nhiều nhà khảo cổ Nga vẫn hồ nghi rằng, thành đô này nằm đâu đó thuộc biển Đen hoặc Địa Trung Hải.

Theo các nhà nghiên cứu, vào khoảng hơn 5.600 (trước công nguyên), eo biển Bosporus bị chia tách vì trận lụt xảy ra ở khu vực biển Địa Trung Hải và biển Đen.

Sau trận lụt này, bên bờ biển Đen cũng hình thành nhiều nền văn minh phát triển rực rỡ. Các nhà khảo cổ Nga cũng đã từng tìm thấy những chứng tích dưới nước, cho thấy khả năng lớn đó là dấu vết của những tòa lâu đài, tòa tháp cổ xưa.


Những tìm kiếm văn hóa vật chất này khá tương đồng với những ghi chép của Plato về một thành phố Atlantis thịnh vượng, về trận đại hồng thủy kinh hoàng có thể nhấn chìm cả một miền đất...

Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết lại cho rằng thành cổ này nằm ở Nam Cực, ở Ấn Độ Dương hay ở Đông Nam Á... Thậm chí, một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ lại cho rằng tổ tiên của người Hy Lạp cổ đại chính là cư dân của thành phố Atlantis.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mô hình ‘một đất nước, hai chế độ’ thất bại ở Hồng Kông


Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng/nghiencuuquocte.org
TTVN - Ngày mùng 1 tháng 7 này đánh dấu 20 năm Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, dưới một mô hình được gọi là “một đất nước, hai chế độ.” Nhưng một câu hỏi không thể tránh khỏi sẽ phủ bóng lên các lễ kỷ niệm chính thức: Có thật là có gì để kỷ niệm hay không?

Nếu chúng ta hỏi Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của mô hình “một đất nước, hai chế độ,” rằng lễ kỷ niệm 20 năm cuộc trao trả sẽ như thế nào, có lẽ ông sẽ nói rằng các cư dân Hồng Kông sẽ nâng ly chúc mừng sự thịnh vượng và tự do của mình. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thể hiện sự đáng tin cậy và khả năng quản trị của mình, qua đó cuối cùng cũng xoa dịu được “dàn đồng ca” của những người bi quan đã nghi ngờ Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự chân thành trong những lời hứa hẹn của Đảng đối với Hồng Kông.

Nhưng thực tế thì rất khác. Ngày nay, những cảnh tượng vốn không thể hình dung được ở Hồng Kông năm 1997 – các cuộc biểu tình quần chúng chống Trung Quốc, các phần tử cấp tiến chống Đảng Cộng sản Trung Quốc đắc cử vào hội đồng lập pháp của thành phố, những lời kêu gọi độc lập công khai – đã trở thành thường lệ.

Chắc chắn, các lực lượng kinh tế mạnh mẽ – bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc, toàn cầu hoá, bất bình đẳng trầm trọng, và giá bất động sản tăng cao – đã vùi dập Hong Kong từ năm 1997, phá hoại khả năng cạnh tranh của thành phố và góp phần tạo nên bất mãn xã hội. Nhưng dù các yếu tố kinh tế xã hội bất lợi đã làm trầm trọng thêm sự thất vọng của dân chúng, các cuộc biểu tình quần chúng đã trở thành một thực tế trong đời sống của thành phố về cơ bản lại là các cuộc biểu tình chính trị tập trung vào quyền của người dân Hồng Kông.

Trong bối cảnh này, rất ít người sẽ cho rằng mô hình “một đất nước, hai chế độ” là một thành công. Trên thực tế, mô hình này có lẽ đã thất bại từ trong trứng nước, do một số sai sót chết người vốn nằm sâu trong cấu trúc của nó.

Thứ nhất, văn bản cam kết Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền dân chủ của người dân Hồng Kông đã cố tình bị thể hiện một cách mơ hồ. Ngay cả tuyên bố chung mà chính phủ Anh và chính phủ Trung Quốc ký năm 1984, mở màn cho cuộc trao trả năm 1997, cũng đưa ra một hứa hẹn có phần không rõ ràng rằng Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được Trung Quốc bổ nhiệm “trên cơ sở kết quả bầu cử hoặc tham vấn tổ chức ở địa phương.”

Hơn nữa, bên duy nhất có quyền thi hành các điều khoản của tuyên bố chung, chưa nói đến Luật Cơ bản, tức “tiểu hiến pháp” của Hồng Kông, là chính quyền trung ương Bắc Kinh. Kết quả là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không tôn trọng tinh thần hoặc thậm chí các điều khoản rõ ràng về cam kết của mình mà không bị trừng phạt. Sự cực đoan hóa của người Hồng Kông hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, phản ánh mong muốn thay đổi điều đó và bắt Trung Quốc trả giá vì đã từ bỏ lời hứa về “quyền tự trị” và đáp trả bất đồng bằng đàn áp.

Còn một đặc điểm nữa trong mô hình “một đất nước, hai chế độ” khiến nó thất bại: quyết định có chủ ý của Trung Quốc nhằm cai trị Hồng Kông thông qua các nhà tư bản thân hữu. Dù có vẻ trớ trêu, cái gọi là các nhà cộng sản của Trung Quốc lại có vẻ tin tưởng các nhà tài phiệt của Hồng Kông hơn là tin người dân của mình (có lẽ vì mua chuộc các nhà tài phiệt thì ít tốn kém hơn nhiều).

Nhưng vì lòng trung thành của họ nằm ở những người chống lưng ở Bắc Kinh mà không phải là ở người dân của thành phố mà họ quản lý nên các nhà tư bản thân hữu của Hồng Kông lại là các chính trị gia tồi. Dưới trướng của Đảng Cộng sản, họ có được quyền lực và những đặc quyền mà dưới chế độ Anh họ không thể có. Nhưng điều đó khiến họ không đáp ứng được cử tri của mình khi cử tri ngày càng trở nên xa lánh họ. Kết quả là các đại diện ủy nhiệm của Trung Quốc đã không đảm bảo được tính chính danh đối với dân chúng.

Hãy xem xét số phận của các đặc khu trưởng của Hồng Kông, do các nhà cai trị Trung Quốc tự tay lựa chọn để điều hành thành phố. Người đầu tiên, Đổng Kiến Hoa, phải đối mặt với nửa triệu người biểu tình vào năm 2003; năm 2005, mới được nửa nhiệm kỳ thứ hai, sự mất lòng dân ngày càng lớn đã buộc ông phải từ chức. Người kế nhiệm ông Đổng, Tăng Âm Quyền, đã hoàn tất hai nhiệm kỳ, không hơn, và phải vào tù vì tham nhũng (cùng đặc khu phó của mình) sau khi rời nhiệm sở. Lương Chấn Anh, người đến sau đó, cũng thảm hại đến mức các nhà cai trị Trung Quốc đã phải loại bỏ ông chỉ sau một nhiệm kỳ.

Dĩ nhiên, cách tiếp cận “một đất nước, hai chế độ” không hẳn là một thảm họa tuyệt đối. Với những khoảng cách văn hóa, kinh tế, và thể chế rộng lớn giữa Hồng Kông và đại lục, tình hình có thể đã trầm trọng hơn nhiều. Nhưng điều đó cũng không khiến nó trở thành một mô hình bền vững. Trên thực tế, rất có thể nó đã chết rồi.

Trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn tìm cách hướng tới một mô hình “một đất nước, một chế độ” cho Hồng Kông. Đặng cho rằng quá trình chuyển đổi này phải mất 50 năm, nhưng những người kế nhiệm ông chỉ mất 20 năm, và họ thậm chí còn không nhận thức được đầy đủ rằng nó đang diễn ra. Bất kể chính quyền Trung Quốc theo đuổi chính sách gì ở Hồng Kông từ nay đến năm 2047 đi chăng nữa thì mục tiêu cũng sẽ là khiến hiện tại – đặc biệt là sự thiếu vắng các quyền chính trị – trở thành một thực tế của tương lai.

Nguồn: Minxin Pei, “One Country, One System,” Project Syndicate, 29/06/2017.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States. Ông là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

Phần nhận xét hiển thị trên trang