Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Bí thư, chủ tịch tỉnh có cảnh vệ khác gì “đề phòng” người dân


Phạm Hoàng Lan 07/06/2017 (Dân Việt) Rất nhiều phóng viên nghị trường, trong đó có tôi tại thời điểm đó giật mình trước việc Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng muốn là đối tượng được cảnh vệ như những “yếu nhân”.
Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu ý kiến về Luật Cảnh vệ. Ảnh: Motthegioi
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt mủm mỉm cười khi nhấn nhá “sau vụ việc xảy ra tại một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”. Bên dưới hội trường, gần 500 đại biểu Quốc hội bất chợt có phút im lặng hiếm hoi.

Không khí có phần khó hiểu đó xuất hiện vào cuối phiên thảo luận Dự án Luật cảnh vệ chiều 6/6 khi ông Võ Trọng Việt đăng đàn giải trình trước Quốc hội về đề xuất bổ sung đối tượng được cảnh vệ trong Luật.

Rất nhiều phóng viên nghị trường, trong đó có tôi tại thời điểm đó giật mình trước thông tin: Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng muốn là đối tượng được cảnh vệ như những “yếu nhân” của đất nước.

Nụ cười của ông Võ Trọng Việt - một trong những vị tướng nổi tiếng gần gũi với dân như một thông điệp rõ ràng về cái sự “nực cười” trước đề nghị ngô nghê của ai đó.


Vâng, tại sao Bí thư, Chủ tịch tỉnh lại cần cảnh vệ, thưa các vị quan đầu tỉnh - những người vẫn được coi là “công bộc” của dân?

Ở đây chưa vội bàn đến vấn đề tăng biên chế khi lãnh đạo tỉnh có thêm cảnh vệ vốn là một trong những thứ đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Điều đó hẳn nhiên không đáng lo ngại bằng việc mối quan hệ quan chức - người dân sẽ càng xa cách hơn, cánh cửa công quyền sẽ càng vời vợi hơn khi Chủ tịch, Bí thư có cảnh vệ oai nghiêm, trang bị súng ống, dùi cui điện tháp tùng.

Liệu rồi những chính sách an sinh có được thực thi? Liệu những vấn đề khiếu kiện vượt cấp kéo dài có vì thế mà tăng lên như thực tế đáng báo động trong một xã hội đang được nhìn nhận “nhiều tiến bộ, hòa bình và ổn định”?

Trong lần tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn - TP. Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện “lớp lý trưởng mới” ở nông thôn như một mối nguy đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, chính quyền các cấp phải gắn bó với nhân dân hơn, coi nhiệm vụ phục vụ nhân dân là quan trọng nhất.

Mong muốn đó chính ông đã và đang thực thi bằng những cuộc thị sát lúc nửa đêm tại khu chợ đầu mối Long Biên, bằng những chuyến đi về với công nhân, đặc biệt là nông dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Gần dân, lắng nghe dân, vì nhân dân phục vụ là mục tiêu chính mà người đứng đầu Chính phủ đang hướng tới trong nỗ lực xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo.

Cũng nhớ lại khi xưa, cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng “một mình một ngựa”, len lỏi vào những điểm nóng về giải tỏa, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để đưa ra chính sách đền bù tốt nhất, hợp lòng dân nhất, làm dịu đi xung đột, mâu thuẫn, kịp cho việc giải tỏa mặt bằng, tạo ra những con đường thênh thang, sạch đẹp chỉ Đà Nẵng mới có.

Gần dân như ông Nuyễn Bá Thanh, hay mới đây là sự tin tưởng dân, lắng nghe dân như trường hợp của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức, hẳn nhiên chỉ có “được”, không bao giờ sợ mất.

Đặt giả thiết, nếu như ông Thanh, ông Chung cũng có cảnh vệ kè kè súng ống, dùi cui điện tháp tùng, liệu những cuộc gặp gỡ, đối thoại với dân có thành công? Nhân dân sao có đủ niềm tin để gặp gỡ, giãi bày, lắng nghe quan chức?

Thế mới thấy, mong muốn gần dân, sống trong dân, được dân tin yêu còn khó, Bí thư, chủ tịch tỉnh cần cảnh vệ để làm gì cho thêm phần xa cách?

Liệu có phải chỉ vì để cho “oai”, cho bằng với “người ta” hay các vị đang thực sự đang lo sợ, đang cảnh giác và đề phòng trước nhân dân vốn chính là cha, mẹ, anh, em, là xóm giềng thân thuộc của mình?

Từ cổ chí kim, đã bao giờ các vị thấy nhân dân hung hãn, quay lưng lại với điều tốt đẹp. Hay ngược lại, vào bất cứ thời điểm nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của lịch sử, sự bảo vệ, bao bọc của nhân dân vẫn là tốt nhất, an toàn nhất cho những “công bộc” của dân.

Chỉ ít ngày nữa, dự án Luật cảnh vệ sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua. Tất nhiên, sau cái “lắc đầu” cương quyết của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, sẽ không chuyện “Bí thư, Chủ tịch tỉnh được bổ sung vào đối tượng cảnh vệ”. Tuy nhiên, chỉ cần nghe đến một đề xuất như thế, đã là điều khiến nhiều người dân phải suy nghĩ thậm chí là buồn.

Thế nên, xin đừng đưa ra những đề xuất ngô nghê kiểu như thế, thưa các vị “quan” đầu tỉnh. Bởi điều đó chỉ chứng tỏ sự yếu thế, cũng là dấu hỏi lớn về sự minh bạch, liêm chính của chính các vị mà thôi.

http://danviet.vn/kinh-da-trong/bi-thu-chu-tich-tinh-co-canh-ve-khac-gi-de-phong-nguoi-dan-777037.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Chính trị Việt Nam đang có sóng ngầm’


7 tháng 6 2017 - Một học giả nói vai trò Tổng Bí thư Trọng ‘ngày càng được củng cố’ và có tình trạng ‘cạnh tranh nội bộ’. Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói với BBC về điều ông gọi là một số diễn biến mà chúng ta nên xem xét và lưu tâm trong tình hình chính trị Việt Nam hậu Đại hội Đảng 12.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp hiện đang làm việc và nghiên cứu tại Singapore
Tiến sỹ Hiệp cho rằng vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được củng cố rất nhiều. “Trong Đại hội thì vai trò đó còn chưa được rõ nét và còn bị thách thức. Tuy nhiên sau khi kết thúc Đại hội và ông Trọng tiếp tục cương vị tổng bí thư thì kể từ đó tới nay có những dấu hiệu cho thấy ông càng ngày càng củng cố vai trò của mình." Có nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại tới cuối nhiệm kỳ tức là tới 2021. Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ.

“Chẳng hạn ông tham gia vào Đảng ủy Công an. Ngoài vai trò Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng."

“Trong các hoạt động sắp tới chúng ta thấy có vẻ như xu hướng này nó sẽ tiếp diễn. Trước đây người ta cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ nghỉ ở giữa nhiệm kỳ và nhường ghế của mình cho một nhân vật khác."

“Tuy nhiên cho tới nay tôi thấy rất ít khả năng là điều đó sẽ xảy ra và có nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại tới cuối nhiệm kỳ tức là tới 2021. Điều đấy rõ ràng cho thấy là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng được củng cố và có nhà quan sát bình luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư nhiều quyền lực nhất kể từ sau thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chẳng hạn”.

Cải cách sau Đại hội 12

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp mô tả kể từ sau Đại hội Đảng 12 bộ máy của Việt Nam về mặt Đảng và chính quyền đã có một số cải cách để giúp nâng cao hiệu quả về mặt quản lý cũng như giúp thúc đẩy về mặt kinh tế.

“Phải kể tới vai trò của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng khẳng định vai trò nổi bật

“Bản thân tôi cảm thấy tương đối ấn tượng với các biện pháp cải cách và các hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy cải cách và phát triển trong nước.”

Nhà nghiên cứu và quan sát chính trị Việt Nam nói những biện pháp cải cách này đang giúp củng cố niềm tin của các nhà kinh doanh cũng như một số bộ phận người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sóng ngầm

Tuy nhiên ông Lê Hồng Hiệp cho rằng bên cạnh những mặt mà ông gọi là tích cực đấy thì đã có dấu hiệu cho thấy là không gian chính trị trong nước ít nhiều có những cái mà ông gọi là “sóng ngầm” hay vẫn có tình trạng vẫn có những “cạnh tranh nội bộ”.

Bản thân tôi cảm thấy tương đối ấn tượng với các biện pháp cải cách và các hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy cải cách và phát triển trong nước.Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ

“Tôi nghĩ chuyện này cũng là bình thường nhưng chúng ta thấy rằng đằng sau chiến dịch chống tham nhũng cũng có ý kiến cho rằng nó cũng giúp các nhà lãnh đạo hiện tại loại bỏ một số đối thủ chính trị, đặc biệt là những nhân vật gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn."

“Rồi cũng có việc các nhà hoạt động vì môi trường hay nhân quyền cũng gặp phải một số biện pháp kiểm soát khá mạnh tay của chính quyền thì đấy cũng là điểm chúng ta nên lưu ý."

“Tức là song song những cải cách tích cực thì bản thân các nhà lãnh đạo Việt Nam họ cũng có thể tìm cách củng cố kiểm soát của Đảng Cộng sản mạnh tay hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói với BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40188614


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ăn tàn phá hại!

HÀNG NGHÌN TẤN BÍ XANH BỊ BỎ THỐI VÌ DÂN BỊ LỪA TRỒNG


Gia Lai: Hàng nghìn tấn bí xanh bị bỏ thối vì nông dân bị lừa trồng 

Dân Việt

Thứ Tư, ngày 07/06/2017, 15:58 

Cung cấp hạt giống, bán vật tư và hứa bao tiêu sản phẩm, nhưng đến lúc thu hoạch công ty lại bặt vô âm tín, khiến nhiều hộ nông dân ở Gia Lai khóc ròng với hàng trăm tấn bí xanh giống Đài Loan không biết bán cho ai. 

Người trồng nhãn sạch nhìn vải thiều sạch bị ế mà... run
Hà Tĩnh: Doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng bí đỏ
Đắk Lắk: Bí đỏ còn 500 đ/kg, kêu gọi doanh nghiệp giải cứu giúp dân
Clip: Bí còn 500 đ/kg, Phó Chủ tịch xã xuống đồng kêu gọi giải cứu 

Bán phân, bán thuốc rồi… mất hút 

Gần tháng nay, nhiều nông dân ở xã Ia Glai (huyện Chư Sê) phải mang từng quả bí ra quốc lộ 14 bày bán, số tiền thu lại không bao nhiêu. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Hương Phú, xã Ia Glai) cho biết, gia đình chị trồng 2,5ha bí đao xanh giống Đài Loan và bí đỏ, mùa thu hoạch đã qua hơn tháng vẫn không bán được cho ai. Chị đem một ít bí đỏ ra quốc lộ 14 ngồi bán cho khách đi đường, còn lại cả vườn bí đao bỏ mặc ngoài đồng đang hư thối. 
 
 
Không có người mua, bí đao bắt đầu thối rữa.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến các lô, vườn trồng bí của người dân mới thấy cảnh xót xa. Hàng nghìn quả bí đao xanh từ 10 -15kg nằm lúc nhúc, la liệt trên ruộng không được thu hái, nhiều quả bắt đầu mọng nước, hư hỏng. 

Nguồn cơn bắt đầu từ việc Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên (có địa chỉ tại TP Pleiku, Gia Lai) ký hợp đồng “hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua mua quả bí xanh giống Đài Loan) với các hộ dân nơi đây. Theo hợp đồng, công ty này bán hạt giống với định mức 7 triệu đồng/ha, cho nợ 50% tiền phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg bí bò dưới đất, 5.500 đồng/kg bí leo giàn. Tuy nhiên, khi quả bí vào mùa thu hoạch, công ty bặt vô âm tín khiến nông dân điêu đứng nhìn hàng trăm tấn bí đao thối rữa ngoài đồng. 

Một khổ chủ khác là anh Nguyễn Văn Hào (ở thôn Nông trường, xã Ia Glai) cho biết, sau khi ký hợp đồng với Công ty Phú An Khang, gia đình anh đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, mua vật tư, chi phí sản xuất lên tới 300 triệu đồng cho 6ha bí đao xanh. Giờ đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước tính 360 tấn, tính theo giá hợp đồng thu được gần 2 tỷ đồng. 

Anh Hào chua chát nói: “Tôi gọi điện cho công ty vào thu mua, họ hẹn 2 - 3 ngày rồi không thấy đâu, những lần sau họ bảo đang bận đi mua hàng, lúc bảo đi Trung Quốc… Cuối cùng họ cắt đứt liên lạc, tôi đành bỏ mặc bí hư thối”. 
 
  
Bí đao được chất thành đống cao cạnh quốc lộ 14

Những hợp đồng kỳ lạ 

Trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Phi – Chủ tịch UBND xã Ia Glai - cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ trồng bí, bước đầu cử cán bộ xuống kiểm tra đã xác định có 8 hộ trồng số lượng lớn, 18,5 ha bí. Do đây là hợp đồng người dân ký với doanh nghiệp không qua xã, một số khác ký hợp đồng miệng nên khó giải quyết, huyện cũng chưa có chỉ đạo gì. Nếu theo hợp đồng, 1 ha người dân có thế lời cả 100 triệu đồng. 

Điều đáng nói là trong các hợp đồng, có nhiều điều khoản bất lợi hoàn toàn cho nông dân. Ông Trần Khắc Liêm (thôn Nông Trường) bức xúc: “Tin tưởng công ty nên chúng tôi không nghi ngờ gì cả, đến khi xem lại mới thấy hợp đồng bất lợi cho dân. Nếu nông dân tự ý bán ra thị trường thì phải bồi thường gấp 10 lần giá trị, tức bán một ký phải bồi thường 50.000 nghìn đồng. Còn nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì lại không thấy đề cập đến”. 
 
  
Bí đao nằm la liệt, chờ thối trên vườn

Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho biết: Phòng có liên hệ mời công ty xuống làm việc để giải quyết cho dân nhưng họ không xuống. Về số lượng cụ thể bao nhiêu hộ trồng, diện tích ra sao thì rất khó xác định do dân tự ý trồng không có báo cáo xã, phòng chuyên môn biết. 

Trước sự việc bất thường trên, phóng viên Dân Việt đã đến số nhà 127 Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku (địa chỉ Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên ghi trong hợp đồng) để tìm hiểu. Nhưng không thấy Công ty Cổ phần Phú An Khang tại địa chỉ này, phía ngoài căn nhà chỉ treo tấm biển “Nhà phân phối dầu nhờn Long Bình”. Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0982006*** (là số điện thoại của công ty ghi trong hợp đồng) nhưng cũng không nghe đổ chuông. 

Lê Kiến

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bàn chông dã man chưa từng thấy khiến giới tài xế lạnh sống lưng





Auto-Express
Thứ tư, 07/06/2017 | 14:03

Rải đinh trên quốc lộ vốn không còn xa lạ với nhiều lái xe ở Việt Nam, nhưng bàn chông tự chế nguy hiểm và dã man như thế này tại Tuyên Quang thực sự chưa từng thấy.

Sáng nay, một tài xế có nick Nguyễn Hùng – thành viên Hội lái xe – đã khiến cộng đồng người sử dụng ô tô tại Việt Nam phải dậy sóng khi anh đăng tải những hình ảnh chiếc xe của mình bị rách lốp do cán phải một bàn chông tự chế tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Bàn chông tự chế có chiều dài khoảng 40cm, rộng khoảng 20cm, với 5 cây chông thép cao gần một gang tay nhọn hoắt được hàn chắc chắn và gia cố rất công phu. Người lái xe cho biết anh đã không thể phát hiện ra dàn chông này do được ngụy trang dưới lớp rơm phơi trên đường. Hậu quả là hai chiếc lốp xe tải của nạn nhân bị rách.

Trước đó, ngày 16/3, lái xe Nguyễn Văn Mạnh đến từ Hội xe tải Tây Bắc cũng trở thành nạn nhân của một vụ tương tự. Xe của anh bị thủng cả dàn lốp 6 bánh với số lượng lên đến hàng chục chiếc đinh vít khi chẹt phải các miếng xốp nằm trên Quốc lộ 37 hướng từ Bắc Yên đến TP. Sơn La. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và các thủ phạm khai do mâu thuẫn trong làm ăn nên hãm hại nhau.

Đề nghị các cơ quan chức năng tại Tuyên Quang khẩn trương vào cuộc, điều tra kẻ đã dã tâm thực hiện hành vi trên. Đây chắc chắn là hành vi phá hoại tài sản có chủ ý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người tham gia giao thông.
AutoExpress.vn - Theo Topcarvn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những thay đổi mới về cách nhìn nhận lịch sử VN!



Bài viết này giới thiệu một số thay đổi đáng ghi nhận của giới sử học Việt Nam (quốc nội) sẽ được thấy trong bộ Sử Việt Nam mới, như: Ghi nhận công lao nhà Nguyễn, lấp những khoảng trống lịch sử như lịch sử miền Trung và Nam Bộ trước khi thuộc về người Việt, lịch sử Việt Nam Cộng hoà…
Bước chuyển khiêm tốn và quá muộn màng sau 42 năm “bên thắng cuộc” giành được chính quyền trên toàn quốc, chỉ vì não trạng cố thủ của đảng CS toàn trị quyết “chính trị hoá” sử học cũng như toàn bộ các ngành khoa học xã hội, mà hậu quả khôn lường là tâm lý nghi ngờ dẫn đến chán ghét sử nước nhà của bao thế hệ học sinh, cũng như những lúng túng ngay trong chính trị hiện thời như việc xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Dứt khoát, triệt để trả khoa học về cho khoa học, cũng như trả văn nghệ về cho văn nghệ, yêu cầu chính đáng cất lên từ thời “Nhân Văn-Giai Phẩm” hơn 60 năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự. Không thể chậm trễ hơn, trước khi những hệ lụy của tư duy toàn trị triệt bỏ chức năng truy tìm chân lý của giới trí thức và triệt phá hết sự lương thiện trong từng con người trí thức, văn nghệ sĩ.
Văn Việt
clip_image002
GS.NGND. Phan Huy Lê trình bày tham luận tại buổi công bố. GS cho biết một bộ sử Việt mới gồm 25 tập sẽ được công bố nay mai !(Ảnh của báo Tiền Phong)
Ngày 22/2/2017 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do GS.NGND Phan Huy Lê - chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trình bày.
GS Phan Huy Lê đã công bố những thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất trong buổi lễ này là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Hội khoa học lịch sử và Ban tuyên giáo trung ương – là hai cơ quan cao nhất của nhà nước về Khoa học Lịch sử và Tuyên giáo đã chính thức công bố “Ghi nhận công lao nhà Nguyễn”, xác nhận đã có “ Những khoảng trống lịch sử” trong việc dạy và học môn lịch sử bấy lâu nay tại nước ta.
Đồng thời tại buổi lễ này Hội Khoa học Lịch sử và cơ quan Tuyên giáo của Đảng cũng đã “Xác lập một quan điểm lịch sử mới”.
clip_image004
Với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, GS.NGND Phan Huy Lê - chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – ông đồng thời là diễn giả chính, công bố những thông tin mới về khoa học lịch sử - “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam”. Đã có nhiều thành tựu mới được công bố, nhiều quan điểm và chủ đề khác nhau được giới thiệu trong dịp này, nhưng trong giới hạn của bài viết tôi chỉ xin giới thiệu 03 chủ đề chính được nêu ra trong lần công bố này, đây cũng là 03 chủ đề được công luận và giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm nhất :
clip_image006
Di tích Ngọ môn tại Hoàng thành huế
1. Chính thức ghi nhận công trạng của nhà Nguyễn
Theo đó, GS Phan Huy Lê đã tuyên bố: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1757 chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ Việt Nam mà về cơ bản gần giống như lãnh thổ Việt Nam hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ - không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.
“Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được. Còn cái gì mà trong một tình thế thời sự nào đó ta phải tôn vinh hoặc hạ thấp thì nó chỉ tồn tại trong một điều kiện nhất định nào đó. Sử học đành rằng phải làm tròn trách nhiệm công dân nhưng sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.
Tuy nhiên, GS Lê cũng nhắc lại hai tội lớn của nhà Nguyễn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, từ chối tất cả các đề nghị canh tân đất nước của nhiều nhà trí thức tiến bộ.
Về cái gọi là “tội” của Nhà Nguyễn như vị giáo sư này kết luận, cá nhân tôi cảm thấy khá băn khoăn ; vì điều này là quá cũ và mỗi người dân Việt hầu như ai cũng biết. Nếu tôi nhớ không sai thì ngay từ thuở cắp sách đến trường, tuy nhận thức chưa đầy đủ nhưng trong mỗi chúng ta mấy ai không quặn lòng khi đọc đến những trang đen tối trong sử Việt cuối thế kỷ XIX : “chế độ phong kiến lỗi thời với những ông vua bảo thủ và quần thần mê muội khiến đất nước suy yếu, dễ dàng rơi vào tay thực dân Pháp” !
Nhưng cũng không mấy ai biết được rằng cái thua của nhà Nguyễn là tất yếu. Vì đó là sự chiến thắng của khoa học kỹ thuật phương Tây trước nền văn minh phương Đông đã bước vào giai đoạn suy tàn. Trước làn sóng chiếm đất làm thuộc địa của các nước tư bản phương Tây tràn vào châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, đã khiến hầu hết các nước đều chịu chung số phận : Indonesia ( thuộc địa của Bỉ và Hòa Lan), Ấn Độ, Mã Lai, Miến Điện (Anh), Philippine (Tây Ban Nha), Macao (Bổ Đào Nha), Việt Nam, Lào, Cambodia (Pháp)…Chỉ duy nhất trong khu vực là nước Xiêm La (Thái Lan) may mắn thoát khỏi sự chiếm đóng và giữ được độc lập tương đối nhờ vị trí địa lý, làm trái độn giữa hai đế quốc thực dân (Anh – Pháp). Nhưng cũng phải trả giá bằng hơn một nữa lãnh thổ rộng lớn của người Xiêm La trước đó đã bị hai tên thực dân này cắt mất và nhập vào nước khác mà cho đến nay đã không thể đòi lại được .
Hầu như không một nước nào tại châu Á lúc ấy có thể chống lại được sức mạnh quân sự của phương Tây, do sự chênh lệch về hiệu năng vũ khí quá lớn. Điển hình là Trung Hoa, một nước lớn từng làm “mẫu mực” hàng ngàn năm cho các tiểu quốc trong vùng, đã bị liên minh 8 nước đế quốc đánh cho tơi tả. Cái gọi là nền độc lập của Nhà Thanh suốt thế kỷ 19 và những thập kỷ đầu thế kỷ 20 chỉ là độc lập giả hiệu, hữu danh vô thực – hay nói đúng hơn là chỉ còn cái vương quyền; còn đất nước thì bị các nước phương Tây xâu xé và chiếm đóng. Đất nước Trung Hoa rộng lớn vào những năm cuối thế kỷ 19 đã bị chia thành những khu nhượng địa do người phương Tây cai quản !
Dĩ nhiên không thể lấy đó để biện minh cho trách nhiệm của nhà Nguyễn trước lịch sử. Nhưng cũng không thể vì thành kiến mà đổ vấy hết tội cho triều Nguyễn, mà phải xét thấu đáo đến những yếu tố khách quan, chủ quan lúc đó ?
Trước khi phê phán trách nhiệm để mất nước vào tay thực dân Pháp, chúng ta hãy thử đặt mình vào vị thế của nhà Nguyễn lúc đó, với những hạn chế khách quan về tương quan quân sự Đông –Tây lúc đó. Vì chính những hạn chế đó đã tác động đến đại cục.
Có nên không khi đứng ở thế kỷ 21 nhìn về hơn trăm năm trước, dùng thế giới quan hiện đại mà phê phán nặng lời tiền nhân thì dễ, nhưng nếu tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, hoặc nhìn lại mình hôm nay, có thấy khá hơn chăng ?
Rất may là cuối cùng cũng có người nhìn nhận ra được vấn đề !
2. Những khoảng trống lịch sử
Chủ đề thứ hai được dư luận đặc biệt qua tâm là “đã có những khoảng trống trong sự hiều biết của người dân, học giả và giới nghiên cứu về lịch sử dân tộc”. Trong bài thuyết trình của mình, GS Phan Huy Lê thẳng thắn chỉ ra nhiều khoảng trống lịch sử nguy hiểm trong tư duy, nhận thức về lịch sử Việt Nam hiện nay.
clip_image008
clip_image010
clip_image012
Ba dân tộc Khmer - Chăm - Mường có nền văn hóa rất rực rỡ
Theo GS Lê đã có những câu hỏi cho tới nay chưa được trả lời, ví dụ:
“Vì sao nước ta có 54 dân tộc mà chỉ có tôn vinh lịch sử của người Việt, gạt bỏ các dân tộc khác ra ngoài ?”.
Vì sao lịch sử Trung bộ trước năm 1471 không có ? Vì sao lịch sử Nam bộ trước thế kỷ 17 không thấy đề cập trong các bộ chính sử VN. Vì sao lịch sử miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hoà không có đề cập trong sử sách . v.v…?
Với rất nhiều các câu hỏi này cho tới nay “ Thì câu hỏi vẫn chỉ là câu hỏi ?”. Vì chỉ một việc nhìn nhận ra được vấn đề đã là quá khó . Và sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, nhưng cho tới nay chúng ta mới nhìn nhận ra được vấn đề, mới xác lập được những quan điểm lịch sử cốt yếu cho lịch sử dân tộc thì có quá trễ không ?
clip_image014
Một ngôi chùa của người Khmer
GS Phan Huy Lê cho rằng : “nhận thức về lịch sử Việt Nam hiện nay vẫn xuất phát từ truyền thống thời quân chủ, đó chủ yếu là lịch sử của các vương triều, của nhà vua, các triều thần, còn lịch sử nhân dân rất mờ nhạt. Lịch sử của các dân tộc thiểu số không được nhắc đến. Sử học hiện đại Việt Nam trong một thời gian dài cũng chỉ trình bày nặng về lịch sử người Việt."
“Vì vậy, trên cả nước thì chỉ có lịch sử miền Bắc là được trình bày có ngọn nguồn từ thời nguyên thủy đến thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời Bắc thuộc đến thời phong kiến, cận đại, hiện đại. Còn lịch sử của Nam Trung bộ chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 16, lịch sử Nam bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17.
Trước đó lịch sử ở hai vùng đất này ra sao thì chúng ta bỏ trống. Đó là một khoảng trống lịch sử cực kỳ nguy hiểm. Vì từ khoảng trống này đã làm nảy sinh nhiều nhận thức tùy tiện, bất lợi cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay.”
Đây cũng có thể hiểu như là một hành vi thiếu trách nhiệm của chính những người có trách nhiệm về lĩnh vực văn hoá, tuyên giáo. Đúng ra là ngay từ khi ta nắm chính quyền các cơ quan phụ trách về lĩnh vực văn hoá, tuyên giáo phải có những nhìn nhận thật đầy đủ và chính xác về thực tế lịch sử; cũng như phải xác lập những quan điểm lịch sử chính thức công bố cho toàn dân biết . Vì nếu có những nhìn nhận đúng thật tế lịch sử mới đề ra được những đối sách thích hợp trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước. Với việc làm chậm trễ này đã khiến cho những nhà nghiên cứu sử, những người dạy sử và học sử phải mày mò tìm kiếm quan điểm, nhận thức trong một thời gian dài. Ngoài ra nó cũng đã khiến cho không ít những người làm công tác chính trị, ngoại giao khá lúng túng trong từng đối sách của mình. Và thật tế này cũng đã gây ra không ít hậu quả và những câu chuyện cười ra nước mắt cho những nhà nghiên cứu sử, những người dạy sử .
Cho tới nay đa số người dân khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ hoàn toàn không biết được lịch sử vùng đất mình đang sống trước năm 1302 (Trung Trung bộ) và năm 1471 (Nam Trung bộ), vì họ không được học và không có bộ sách sử phổ thông nào đề cập. Thậm chí những người làm công tác văn hoá, bảo tồn bảo tàng cũng chỉ được trang bị những kiến thức rất giới hạn, nên họ hiểu khá mập mờ công việc mình đang làm. Chỉ những nhà nghiên cứu chuyên sâu mới có thể biết được cụ thể lịch sử vùng đất này với những mốc lịch sử như trên – nhưng những nhà nghiên cứu này không nhiều !
clip_image016
Một khu di tích Chăm tại Ninh Thuận
Người dân Nam Bộ cho tới nay cũng chỉ biết lịch sử vùng đất mình đang sống từ thế kỷ 17 khi người Việt bắt đầu vào khai phá. Nếu đặt một câu hỏi về lịch sử Nam bộ, hay của Sài Gòn trước thế kỷ 17 với họ, thì hầu như không ai trả lời được. Nhiều trí thức Nam Bộ đã rất băn khoăn khi nhân dân hỏi thì không biết trả lời thế nào cho đúng về lịch sử Nam bộ trước khi người Việt vào khai phá. Không lẽ bảo rằng vùng đất này tới thế kỷ 17 là từ trên trời rơi xuống ?
Một chủ đề khác đã được một số học giả tham gia buổi lễ nêu ra nhưng không có được câu trả lời. Đó là lịch sử miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hoà đã hoàn toàn không được đề cập đến trong mọi sử sách từ năm 1975 cho tới nay.
Một chính thể đã từng tồn tại nhiều thập kỷ, có những tác động lớn đến chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội VN trong một thời gian dài. Chính thể này đã được đa số quốc tế thừa nhận, đã từng tham gia nhiều tổ chức khu vực và quốc tế lớn. Đã từng đại diện cho Việt Nam tham gia nhiều hội nghị quốc tế lớn như hội nghị San Francisco, California (Mỹ) năm 1951 giữa lực lượng Đồng minh và Nhật Bản, có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự; nhằm phân chia lại những vùng đất bị Nhật chiếm đóng (Hội nghị này có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ VN nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), đã là một bên tham gia hội nghị Giơnever, hội nghị Paris…. Cũng như đã từng đại diện VN tham gia nhiều tổ chức văn hoá, giáo dục, thể thao khác của khu vực và của thế giới !
Rõ ràng với những nhận thức phiến diện của những người có trách nhiệm trong một thời gia dài đã vô tình tạo thành một khoảng trống trong lịch sử đất nước. Đã khiến cho những người học sử, yêu sử Việt cảm thấy khá hụt hẩng nếu không có kiến thức chuyên môn sâu.
3. Xác lập quan điểm lịch sử mới
Lời giải mà GS Phan Huy Lê đưa ra để san lấp các khoảng trống lịch sử đó là cần phải xác lập một quan điểm, nhận thức mới về lịch sử Việt Nam. “Một quan điểm tuy không được đưa vào các văn kiện của Liên Hiệp Quốc nhưng gần như tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều thừa nhận, đó là lịch sử của bất cứ một quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử.
Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý, lãnh thổ đó đều thuộc về chủ quyền khai thác, bảo quản và nghiên cứu của chính quốc gia đang làm chủ đó, dù trước đó có những dân tộc đã từng có nhà nước riêng.
Tất cả các tầng lớp cư dân, cộng đồng, tộc người hay các vương quốc từng tồn tại trên các không gian lãnh thổ đó đều thuộc về lịch sử và văn hóa của nhà nước hiện nay đang quản lý lãnh thổ đó”.
GS Lê lấy ví dụ Trung Quốc trước đây cũng viết lịch sử đất nước chủ yếu là của người Hán, nhưng bước sang đầu thế kỷ 21 thì quan điểm đó đã thay đổi, bây giờ họ trình bày lịch sử của Trung Hoa bao gồm nhiều tộc người như người Hán, người Mãn Thanh, người Mông và cả các vương triều phi Hán như nhà Nguyên, nhà Thanh...
Nếu xác lập quan điểm lịch sử mới này, chúng ta sẽ tìm được giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề Nam bộ.
“Lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã được nhiều tổ chức quốc tế công nhận - tức là một lãnh thổ hợp pháp, nên tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này, kể cả đất liền, hải đảo và hải phận đều là một bộ phận của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Như vậy, lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của một bộ phận người Việt mà là lịch sử của tất cả các dân tộc nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm cả các dân tộc trước đây đã từng có nhà nước riêng như người Chăm, người Khmer... Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam” - GS Lê nêu quan điểm mới về nhận thức lịch sử Việt Nam.
Cũng từ nguyên tắc này, “với cuộc kháng chiến chống Pháp thì cần nghiên cứu trình bày cả vùng chiếm đóng của Pháp, trong đó bao gồm cả Hà Nội thời kỳ Pháp chiếm đóng, cả quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại.
clip_image018
clip_image020
Tương tự, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) cũng cần nghiên cứu sâu hơn về những vùng tạm chiếm ở miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, và cả lịch sử của Việt Nam cộng hòa. GS nói rõ hơn: “Trước đây ta vạch ra ranh giới của địch và ta và chỉ trình bày phía ta đã làm mất đi căn cứ pháp lý trọng yếu để khẳng định chủ quyền với lãnh thổ Việt Nam. Quan điểm lịch sử mới này vừa là thực tế lịch sử vừa là bộ phận có tính chất khách quan trung thực và là căn cứ pháp lý trọng yếu để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên bộ, đặc biệt là trên biển, hải đảo”.
Theo tôi các nhà viết sử VN khi trình bày lịch sử một giai đoạn lịch sử, một vùng miền hay một triều đại rất khó không thể không trình bày theo nhãn quan chính trị và góc nhìn mà mình đang thụ hưởng. Nhưng có nên chăng khi nhất thiết cứ phải dựa trên mối quan hệ là sự đoàn kết hiện tại trong khi chính những sự mâu thuẫn, đối lập, xung đột thậm chí là chiến tranh trong từng giai đoạn lịch sử cũng là mối quan hệ cần trình bày một cách khách quan .
Một số nhà khoa học lịch sử, ngay trong cuộc lễ này cũng đã có những phát biểu phản biện mới, đáng được công luận quan tâm. Khi nói về tính chính xác của sử Việt, GSTS sử học Nguyễn Quang Ngọc cho rằng “ Nói về VN mà lại không có các vương triều phía Nam thì không bảo đảm tính toàn vẹn … Vua Gia long với sự cố gắng hết sức của mình đã đem lại sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho chúng ta như ngày hôm nay thì tại sao không đưa ông ấy vào lịch sử ?”
Cũng theo PGS.TS Trần đức Cường - nguyên Viện trưởng Viện sử học; trước câu hỏi nêu ra là - có nên viết ra những câu chuyện chẳng hay ho gì trong lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước. Ông đã thẳng thắn đặt vấn đề là đã đến lúc đưa vào sử sách những câu chuyện ngay trong thời hiện đại như “Câu chuyện về cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Phong trào hợp tác hoá… chứ không phải là cái gì tốt thì khoe các gì xấu thì cứ che như cách viết sử hiện nay ! ”
Giáo sư Cường khẳng định “Chúng ta viết khách quan trung thực về những sự kiện lịch sử đã xảy ra nhưng xuyên suốt vẫn vì lợi ích của dân tộc, của đất nước ?”
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được trung ương phân công chỉ đạo việc biên soạn bộ sách lịch sử do Ủy ban Khoa học Xã hội VN chủ trì. Đây là giai đoạn cao trào của việc " đả thực bài phong ", đả phá quyết liệt các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, nhưng ông cũng đã nhắc nhở những người tham gia biên soạn bộ sử lúc ấy rằng, rồi “đến lúc nào đó” phải xem xét lại chính những gì mà các nhà viết sử thời ấy đã viết !
Phải chăng cái “đến lúc nào đó” đã đến lúc ?
Đinh Khắc Thiện

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Thủ tướng Phúc trả lời báo Nhật về Biển Đông


VOA - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nói rằng hành động mở rộng đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình.

Fiji Press của Nhật Bản dẫn lời người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói như vậy hôm 2/6 với báo chí "xứ sở mặt trời mọc".

Cơ quan báo chí này dẫn lời ông Phúc nói rằng chính quyền Hà Nội hoan nghênh các đóng góp tích cực của các nước, trong đó có Nhật Bản, để đạt được mục tiêu trên.

Thủ tướng Việt Nam đặt chân tới Tokyo hôm 4/6, bắt đầu chuyến công du "xứ sở phù tang", ít lâu sau khi trở về nước từ Mỹ, nơi vấn đề Biển Đông cũng nổi lên.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc hôm 31/5 đã khẳng định rằng Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế.

Theo tuyên bố chung công bố sau cuộc họp của hai quan chức tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác.

Đôi bên cũng “bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương”.

Tin cho hay, quan chức hai nước “nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp”.

Tuyên bố chung có đoạn: “Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Nhật Bản hiện cũng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc nhưng là tại biển Hoa Đông.

Ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, Fiji News dẫn lời ông Phúc nói rằng thương mại cũng nằm cao trong nghị trình chuyến thăm của ông tới Nhật.

Nhật Hoàng và phu nhân tới thăm Việt Nam hồi tháng Ba, và ông Phúc được trích lời nói rằng sự kiện đó “mở ra chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lòng tốt dọc đường

>> Chữ tâm và chữ tín của người nghệ sĩ

>> 7 bài học kinh doanh của người giàu nhất lịch sử nhân loại
>> Vì sao thuế phí Việt Nam cao nhất trong khu vực?
>> 33 tỷ USD chảy ra nước ngoài: Đe dọa an ninh tiền tệ
>> Vì sao Việt Nam không phát biểu ở Đối thoại Shangri-La 2017?


Bình Vương
(TBKTSG) - Con gái đi học về, vừa gạt xong chân chống xe máy liền chạy vô khoe: “Hồi nãy dừng ở ngã tư đèn đỏ, con gặp được hai người tốt ghê!”. Với giọng nói hào hển đầy phấn khích, con kể: Một chiếc xe bên cạnh ép lấn làm cho xe của con bị ngã nghiêng. Lập tức có hai anh chị đến ân cần đỡ con dậy, rờ hỏi có đau chỗ nào không, lại giúp con dựng xe lên nữa. Vừa lúc có đèn xanh họ chạy đi luôn, con chưa kịp nói một lời cảm ơn chi cả! Kể xong, con gái cứ mãi xuýt xoa ân hận. Cho đến khi con tính gọi hỏi thăm nhỏ bạn cùng lớp có bị mắc mưa, rờ túi thì chiếc điện thoại di động đã không còn. “Lúc mới dừng đèn đỏ còn nghe nó gọi, xong con cất kỹ rồi mà...”. Con mếu máo nhận ra, chính những “người tốt” kia đã dàn cảnh đóng kịch để móc mất chiếc điện thoại mà cha mẹ mới mua cho con mấy bữa.

Chuyện của nhiều năm trước, bỗng sực nhớ khi đọc lời tâm sự của một đồng nghiệp hôm nay. Hơn mười giờ tối qua anh rời cơ quan về nhà. Gặp đường mưa ngập nặng, xe bị chết máy mà không còn ai để sửa. Bỗng có người thanh niên lạ từ sau chạy đến bảo anh ngồi lên xe để đẩy giùm cho. “Không quen biết sao lại giúp nhau đêm hôm thế này? Một chút cảnh giác, nghi ngại. Nhưng lại nghĩ nếu không nhờ anh ta thì dắt bộ xe về nhà chắc chết”. Kết quả là cậu thanh niên ấy đã đẩy giúp chiếc xe anh chạy về đến tận nhà trong hẻm. Và bạn đồng nghiệp cũng chưa kịp nói lời cảm ơn. Anh viết trên Facebook: “Như thể là giấc mơ chăng? Không, chuyện có thật. Một chút thẹn với lòng. Giả dụ là mình, mình dám làm như anh thanh niên kia không? Nghĩa là đêm hôm giúp người lạ hoắc đưa xe hỏng máy về đến tận nhà. Tự vấn rồi tự an ủi. Rằng xã hội bây giờ phức tạp lắm. Ra đường luôn phải cảnh giác, đề phòng... Nhưng người thanh niên lạ đã cho mình một bài học vô cùng quý giá: Tin ở con người”.

Mừng cho anh bạn đã gặp được người tốt thật sự. Tốt như ông bà ta từ xa xưa đã dạy. Rằng “Thương người như thể thương thân”. Rằng “Thi ân bất cầu báo”. Rằng “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết con người có nhân”... Lòng nhân ái thường trực sẽ nhắc nhở, thúc giục người ta làm điều tốt giúp đồng bào, đồng loại trong mọi hoàn cảnh. Tốt không cần báo đáp. Tốt vô điều kiện. Tốt như một bản tính tự nhiên. Song, từ bao giờ, và vì đâu, mà lòng nhân ái bị mai một, thậm chí bị biến thành... của hiếm? Đến nỗi người đồng nghiệp già phải ngẩn ngơ, gặp người tốt việc tốt trong đời mà như gặp một giấc mơ vậy?

“Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người với người sống để yêu nhau”. Từ thập niên 1960, một ông nhà thơ hạng tiền bối đã từng viết vô số những dòng có cánh. Giấc mơ của ông chắc đẹp hơn anh mơ nhiều lắm. Nhưng ông (và có lẽ cả các đồng chí cùng thế hệ ông) chưa kịp đặt thêm cho cõi đời thực, một câu hỏi này: Làm sao con người sống để yêu nhau, khi họ không thể hay không còn tin nhau?

Con gái bây giờ sống ở nơi xa. Một nơi mà nó đinh ninh mỗi đồng tiền thuế sẽ thực sự góp phần cho các ngả đường sau mưa không bị ngập nước làm xe cộ chết máy. Một nơi mà nó không sợ ai dàn cảnh đóng vai người tốt giả vờ. Và không phải nhờ đến luật nhân quả siêu nhiên siêu hình. Chính pháp luật trong đời sống thường ngày, do thể chế quy định, sẽ soi rọi và điều chỉnh hành vi con người nơi đó một cách nghiêm minh, khiến cho ai ai cũng tự giác dừng lại nơi lằn ranh giới hạn nếu không muốn sa chân trở thành kẻ xấu. Lâu dần sẽ hình thành tập quán tốt, giống như ở bầu thì tròn, ở ống thì dài vậy thôi.

Bài học “Tin ở con người” đúng là vô cùng quý giá, như bạn mình vừa mới ngộ ra. Nhưng sẽ quý hơn nhiều, nếu chẳng ai cần học lại nó nữa. Một khi lòng tin con người đã thành hiển nhiên phổ biến trong xã hội, thì không cầu mong chi ra ngõ gặp anh hùng hay gặp một đấng bậc nào. Chỉ cần ra ngõ gặp người tốt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang