Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Trung Quốc vẫn ăn nhiều thịt, nhưng vì sao không nhập lợn Việt Nam?


29/04/2017, Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Giải cứu ngành chăn nuôi lợn" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 28.4, đại diện các doanh nghiệp và các cục của Bộ NNPTNT đã có cuộc tranh luận nảy lửa về việc xuất khẩu thịt lợn đi Trung Quốc.

Một xe chở lợn xuất sang Trung Quốc (ảnh minh họa).
Lý giải về nguyên nhân lợn của chúng ta hiện không xuất được đi Trung Quốc, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện, Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch. Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam có tổng số 4,170 triệu con lợn, trong đó đàn lợn sữa chiếm hơn 3 triệu con, còn lại là lợn thương phẩm được xuất sang Trung Quốc. Số lượng lợn xuất sang Trung Quốc so với tổng đàn hơn hiện nay chiếm chưa đến 10% (tổng đàn hiện nay 51 triệu con) và số lợn xuất khẩu sang nước họ đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa.

"Có thể thấy rằng, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Để ký kết hợp đồng xuất khẩu lợn, giữa Việt Nam Trung Quốc xuất phải có lộ trình cụ thể"- ông Thể nói.

Lý giải về giá lợn hiện nay dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Thành - Tổng Giám đốc Công ty ABC Global thông tin: “Hiện tại nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc rất lớn, trung bình 1 tuần chúng tôi vẫn xuất đi vài chục container, đau lòng là những sản phẩm đó không phải chúng tôi mua ở Việt Nam, mà chúng tôi phải mua sản phẩm ở nước ngoài như Đức, Hà Lan để xuất đi. Vấn đề ở cơ chế trung gian, thủ tục hành chính ở Việt Nam rất phức tạp, cộng chi phí rất cao.

Khoảng 2 - 3 năm trước Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều lợn Việt Nam vì chăn nuôi của họ lâm vào đại dịch thiếu hụt nguồn cung lợn. Cuối năm vừa rồi, các nhà máy chăn nuôi của Trung Quốc đã bình ổn trở lại, nhu cầu nhập lợn hơi giảm đi nhiều.

Yếu tố thứ hai là giá thành lợn tại Trung Quốc không thay đổi, nhưng giá thành trung gian về xuất lợn ở Việt Nam đội lên quá nhiều. Ví dụ, vận tải có thể đội lên 3.000-5.000 đồng/kg, thêm giá qua biên cũng bị đội lớn. Trong khi đó, lợn Việt Nam hiện không phải là lựa chọn số 1, ở một số nước thuế suất nhập khẩu bằng 0. Hiện giờ, giá lợn Thái Lan, Hà Lan tại Trung Quốc vẫn ổn định, còn giá lợn Việt Nam đội lên quá cao vì khâu dịch vụ.
 
Ông Ngô Thành - Tổng Giám đốc Công ty ABC Global. Ảnh: Đàm Duy

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Lâm – Giám đốc miền Bắc hệ thống INCO SYSTEM (Đồng Nai) thắc mắc: Xin hỏi về những vướng mắc như giấy tờ, thủ tục của cơ quan nhà nước, hướng giải quyết của Bộ NNPTNT như thế nào, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc hiện nay như thế nào?

Ông Dương Tiến Thể trả lời: Theo chúng tôi, vướng mắc nhất trong vấn đề xuất khẩu hiện nay không phải sản phẩm mà là khâu thủ tục giấy tờ, từ cục thú ý cho đến giấy tờ hải quan để xuát khẩu.

Quay lại bài toán con lợn, khi con lợn đến tay người Trung Quốc có giá 1,75 USD, như vậy về giá chúng ta có cạnh tranh được không?.Vì sao giá của người ta lại thấp như thế?

Đối với người Trung Quốc, quan trọng nhất là cơ chế thị trường, hôm nay có thể giá 10 tệ, ngày hôm sau có thể 6 tệ, đến hôm khan hàng thì giá lại tăng cao.

Ông Ngô Thành -Đại diện Công ty ABC Global trả lời thêm: Đối với DN, tại sao chúng tôi phải sang nước ngoài mua hàng?. Nguyên do là vì không kiếm được một nhà máy có thể cấp đông đủ số lượng lợn mà chúng tôi cần. Thịt lợn cấp đông phải đảm bảo -18 độ C và phải được cắm điện 6-8 tiếng/ngày.

Hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy của mình như thế nào là những vấn đề hạn chế cần xem xét. Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu 100 container trong 1 tháng nhưng phải tìm được hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Đại diện Thương mại và Kỹ thuật Ayurvet (Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam) cho rằng, các nước khác, họ cũng chịu chi phí trên đường khi xuất lợn. Tôi muốn hỏi Công ty ABC Global xem đơn vị có cách nào giảm chi phí, giá thành khi xuất lợn để có cơ hội cạnh tranh với các nước khác?

Ông Ngô Thành- Tổng Giám đốc Công ty ABC Global cho biết: “Dưới góc nhìn doanh nghiệp, điều chúng tôi quan tâm không phải hàng này xuất xứ ở đâu, mà phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, như 1 tháng phải ổn định được 1 container, vòng quay 3 tháng.

T"ôi đã trực tiếp sang Thái Lan làm việc với một số công ty trực thuộc CP, thời điểm khi hàng của tôi từ châu Âu chưa về, tôi phải vận chuyển thịt lợn từ Thái Lan đi Trung Quốc. Mấu chốt ở đây là sản phẩm của chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Người ta cần thịt đông lạnh, chứ không cần con lợn hơi. Trong khi đó, tiêu chuẩn xuất lợn sống hà khắc hơn nhiều so với xuất đông lạnh"- ông Thành nói.

Trả lời tiếp về vấn đề này, ông Tông Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Thành: “Công ty anh có thị trường tại sao không xây dựng hệ thống chế biến thịt lợn đông lạnh trong nước?”.

Ông Ngô Thành nói tiếp: “Việc này rất hay, nhưng bài toán đó sẽ giải quyết sau, bởi bản thân công ty tôi cũng đang thiếu đầu vào. Vấn đề bây giờ là làm thế nào có hệ thống đồng bộ tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn Trung Quốc”.

Trung Quốc hứa gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia súc từ Việt Nam

Theo Cục Thú y: Bộ NNPTNT đã tổ chức 2 Đoàn công tác (tháng 9.2016 do Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn, và tháng 3.2017 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn) họp với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) để thảo luận một số vấn đề nhằm thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước trong đó có sản phẩm lợn sống và thịt lợn đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cụ thể, ngày 17.3.2017, Đoàn công tác Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã hội đàm với phía Trung Quốc: Kết thúc hội đàm, phía Trung Quốc sẽ xem xét: Gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gia súc từ Việt Nam, ký kết nghị định thư giữa Bộ NNPTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và AQSIQ của Trung Quốc, tổ chức trao đổi và thảo luận giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước; Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc: Sớm gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gia súc từ Việt Nam, hai Bộ cần ký kết bản ghi nhớ để đàm phán về Nghị định thư xuất khẩu lợn sống.

Hải Linh
http://m.danviet.vn/nha-nong/trung-quoc-van-an-nhieu-thit-nhung-vi-sao-khong-nhap-lon-viet-nam-765998.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Họp khẩn lo giấy tờ cho biệt thự xây chui của sếp



Mi An 

























Đất Việt - Vụ xây biệt thự trên đất không phép của ông Đặng Văn Ngọ, quan Cấp nước Sóc Trăng đã được địa phương giải quyết nhanh gọn.

Chuyện ngôi biệt thự xây không phép của ông Đặng Văn Ngọ- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng giống như một câu chuyện hài pha lẫn chút dư vị cay đắng.

Cách đây hai năm, ông Ngọ mua khu đất trên đường Thị Đội với diện tích 6.500 mét vuông. Đây là diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Đầu năm 2016, ông Ngọ khởi công xây dựng biệt thự với những hạng mục hoành tráng, vụ việc chỉ được phanh phui khi công trình sắp hoàn thành. Căn nhà đang xây dựng nằm trên đường Thị Đội, thuộc P.8, TP Sóc Trăng. Không chỉ độc đáo về thiết kế, biệt thự này còn thu hút bởi sự tráng lệ.

Nằm sát kênh Chông Chát, có cầu bán nguyệt bắc qua, xây tường rào kiên cố, được trồng nhiều cây xanh, hồ nuôi cá, nhiều gian nhà rộng, trong đó có gian nhà làm bằng gỗ quý... Và khi được hỏi tại sao xây ngôi biệt thự trên đất trái phép, ông Ngọ trả lời vì để hợp tuổi nên phải xây trước, giấy tờ xin chuyển đổi sẽ hoàn thiện sau.

Tiếp đó, khi báo chí vào cuộc, đại diện phường cho biết, vì nể nên không dám đập biệt thự xây chui của ông Ngọ đi, việc sẽ chờ cấp trên cho ý kiến chỉ đạo.

Việc lùm xùm xảy ra, Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng đã họp kiểm điểm ông Đặng Văn Ngọ - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty. Tại đó, ông Ngọ tự nhận hình thức kỷ luật với mức khiển trách và Đảng ủy công ty cũng bỏ phiếu thống nhất với hình thức này.

Và hành động tiếp theo của các cơ quan ban ngành địa phương này mới thực là đáng… ngưỡng mộ. Báo Tuổi Trẻ cho biết, việc đề xuất điều chỉnh kế hoạch sử dụng khu đất (trong đó có đất của ông Ngọ) của TP Sóc Trăng bị Sở TN&MT Sóc Trăng yêu cầu bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Sau khi bị báo chí phanh phui, việc thẩm định diễn ra thần tốc.

Tại cuộc họp chiều 24-4 giữa TP với các ngành chức năng tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Dân, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết, sau cuộc họp của tỉnh vào chiều thứ sáu 21-4, Sở yêu cầu các bộ phận liên quan làm cả thứ bảy và chủ nhật, đến sáng thứ hai 24-4 thì xong, gởi UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt.

Quý hóa quá, để hợp lý hóa thủ tục giấy tờ cho khu đất mà trên đó, ông sếp đã xây chui biệt thự, cơ quan TN&MT tỉnh đã không ngại đi làm cả thứ 7, chủ nhật để giải quyết cho xong, hợp thức hóa mọi thủ tục cho xong. Mẫn cán đến thế là cùng.

Thưa bạn đọc, chúng ta cùng giả sử nếu ông Ngọ mà là dân thường thì sao nhỉ? Hãy còn đó vụ công dân Hoàng Quảng Uyên ở Cao Bằng, xây một cái chuồng gà trên mảnh đất của mình, cũng bị hạch hỏi phải có bản vẽ thiết kế mang đến Phòng để phê duyệt, cấp phép.

Hãy còn đó vụ ông Nguyễn Văn Bỉ- chủ đất quán cà phê Xin Chào, cất một cái chòi vịt cũng bị khởi tố. Và còn biết bao vụ việc của nhiều công dân khác nữa. Vậy mà với trường hợp của ông Ngọ ở Sóc Trăng, đúng là có chức vụ cũng có khác.

Xây một tòa biệt thự bề thế không ai biết, đến lúc phát giác là xây chui thì phường nể không dám đập, Sở bắt cán bộ làm việc cả ngày nghỉ để hợp thức hóa giấy tờ, Đảng ủy cơ quan đồng tình bỏ phiếu mức kỷ luật “khiển trách”, thế là êm xuôi.

Vậy dân mới nói, có 2 thứ quy trình, 1 cho các vị cán bộ có chức vụ và 2 cho các công dân không có vị thế gì trong xã hội. .

Hành trình của ngôi biệt thự xây chui của ông Ngọ đã khép lại rồi, giấy tờ cũng đã xong xuôi, võ sĩ có tên “quy trình của các vị cán bộ” đã hạ đo ván võ sĩ có tên “quy trình dành cho các công dân bình thường”.

Hài đến thế thôi, mà cũng buồn đến thế thôi.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lo "thế lực thù địch" lợi dụng, Hải Phòng siết kiểm soát flycam


Bích Diệp 

Dân Trí - Theo nhận định của chính quyền thành phố Hải Phòng, hoạt động sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ (đặc biệt là thiết bị flycam) tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các "thế lực thù địch" lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị: thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép...

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo đó, chính quyền Hải Phòng cho biết, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ (đặc biệt là thiết bị flycam) phục vụ các mục đích vui chơi, thể thao, ghi hình, chụp ảnh từ trên không, nhất là trong các dịp tổ chức các sự kiện, lễ hội có tính tự phát.

Trong khi đó, theo đánh giá tại chỉ thị này thì nhận thức của một số sở, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân trong thực hiện Nghị định số 36 và Nghị định số 79 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ còn hạn chế. Đồng thời, lại xuất hiện các hoạt động tự phát của tổ chức, cá nhân trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh và sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ khi chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền.

"Các hoạt động này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị (thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép...)", UBND thành phố Hải Phòng lo ngại.

Từ thực tế trên, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các thiết bị không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Phòng không Quân khu III giám sát, kiểm tra khu vực hoạt động, việc chấp hành các quy định về tổ chức bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trên địa bàn.

Đồng thời, lãnh đạo địa phương này cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương phát hiện, yêu cầu đình chỉ ngay các hoạt động bay trái phép để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, các hoạt động bay và các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cần phải xin cấp phép.

Phía công an thành phố Hải Phòng cũng được giao nhiệm vụ chủ động nắm tình hình, phát hiện, phối hợp các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động tổ chức bay trái phép và các âm mưu, hoạt động sử dụng thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan này còn có trách nhiệm phối hợp với các ngành kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn đối với các thiết bị, phương tiện trên.

Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố phối hợp với Cục Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, xuất, nhập khẩu liên quan đến các thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Các đơn vị này kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại các thiết bị, phương tiện trên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“30-4, đừng làm người ta đau thêm nữa…”



Ảnh: Ngô Vương Anh
Đó là lời ông Nguyễn Dy Niên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nói với tôi vào một ngày tháng tư cách đây 7 năm, khi tôi là phóng viên báo Pháp luật TP.HCM.
Tôi rất nhớ bài báo này, rất nhớ năm 2010 (kỷ niệm nghìn năm Thăng Long), cũng như rất nhớ tòa soạn. Tôi nhớ quá trình liên hệ để cuộc phỏng vấn được diễn ra đã hết sức khó khăn, tuy nhiên mọi sự đau đầu nhức óc đã chấm dứt khi tôi ngồi xuống đối diện ông Nguyễn Dy Niên và ông bắt đầu chia sẻ. Vào lúc ấy, tôi đã biết chắc bài báo sẽ thành công.
Cách tòa soạn đối xử với bài phỏng vấn sau đó cũng làm tôi cảm động vì nó quá trọng thị… nhất là đối với một “thành phần phức tạp” như tôi.
Nói chung, năm 2010 và thời gian làm phóng viên ở Pháp luật TP.HCM là những năm tháng mà tôi không thể nào quên. “Tây Đô thành hoài cổ”, “Căng thẳng thời hậu chiến”, “Kết nối âm thầm”, “30/4, giá mà chúng ta khôn khéo hơn”, “Vĩnh biệt người viết Nhật ký thời bao cấp”… bao nhiêu bài viết của tôi đã ra đời vào cái thời ấy – một thời trẻ trung, trong sáng, tràn ngập nhiệt tình với nghề báo, nhưng cũng đầy bất trắc, lo âu…
* * *
ÔNG NGUYỄN DY NIÊN ĐÃ NÓI GÌ?
– Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta bước vào một thời kỳ hòa bình và xây dựng. Nhưng phải nói rằng khúc khải hoàn ngắn quá, bởi ngay sau đó, chúng ta lại vướng vào chiến tranh ở biên giới Tây Nam, Pol Pot bắt đầu quấy phá, rồi chiến tranh Campuchia. Đó là thời kỳ cực kỳ khó khăn, miền Bắc kiệt quệ, xơ xác sau những năm tháng dốc toàn lực cho chiến trường, miền Nam đổ vỡ vì chiến tranh, các vấn đề kinh tế – xã hội đặt ra rất lớn, công việc thì bề bộn. Đất nước hồi đó khó khăn lắm.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thời gian sau ngày 30-4-1975 là một cơ hội cực kỳ tốt mà chúng ta chậm khai thác. Hầu như tất cả các nước phương Tây khi ấy đều muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam. Mỹ cũng muốn bình thường hóa quan hệ với ta. Bởi vì vị thế của Việt Nam lúc đó là vị thế của người chiến thắng, ngời ngời vinh quang, các nước rất nể trọng, quý mến. Nhưng rất tiếc là chúng ta còn dè dặt – cũng một phần do những ràng buộc của lý luận – nên đã bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội ấy.
Đến lúc ta vướng vào vấn đề Campuchia thì tất cả những thuận lợi đó đều mất đi: Trước hết là những người ủng hộ ta bắt đầu hoang mang, không hiểu tại sao một dân tộc đã tự giải phóng mình nay lại đưa quân sang nước khác. Rồi tới những người trước đây đã lưỡng lự, chưa hoàn toàn ủng hộ Việt Nam, thì đến lúc này họ quay hẳn sang chống lại chúng ta. Họ đâu biết rằng Việt Nam đang làm một nghĩa vụ quốc tế cực kỳ quan trọng mà không dân tộc nào lúc đó làm được, đâu biết rằng vào Campuchia là Việt Nam phải hy sinh ghê gớm lắm, mất đi sự ủng hộ của thế giới, mất bao xương máu, mất cả nguồn lực kinh tế dồn vào để bảo vệ, giúp đỡ Campuchia. Đến bây giờ, khi đã hiểu ra tình hình rồi, người ta mới cảm ơn Việt Nam. Chúng ta luôn mong muốn hòa bình, nhưng vào giai đoạn ấy, chúng ta bắt buộc phải làm những việc khiến vị thế quốc tế của mình gặp khó khăn.
Lúc ấy, giá chúng ta khôn khéo hơn trong chính sách đối nội, thì đã trấn an được lòng người. Tôi muốn nói rằng, nếu ngày ấy chúng ta đẩy mạnh hòa hợp dân tộc, chúng ta có cái khoan dung của người chiến thắng, thì sẽ làm yên lòng người dân, nói chính xác là sẽ làm một bộ phận không nhỏ người dân miền Nam yên lòng với chế độ mới. Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được, người dân thì hoang mang.
… Từ năm 1976 ta bắt đầu đàm phán với Mỹ. Nhưng lúc ấy mình đưa ra, như trong nghề ngoại giao chúng tôi hay nói, đưa ra cả một “cục xương” mà họ không nuốt nổi (cười), đó là bồi thường chiến tranh. Chủ trương của chúng ta ngày ấy là dứt khoát đòi bồi thường. Trưởng đoàn Phan Hiền lên đường đàm phán, lãnh đạo căn dặn đại ý “hai triệu sinh mạng đã mất trong chiến tranh, anh nhớ lấy điều đó”. Với chủ trương ấy, trong tình hình ấy, người đàm phán không thể làm khác được, thế là chúng ta bỏ mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trong khi vào thời điểm đó, mình là người ra điều kiện để bình thường hóa. Sau này, tới những năm 90 thì Mỹ lại là bên ra điều kiện. Ta bỏ lỡ mất 20 năm. Nhưng nói vậy thôi, cũng phải hiểu rằng lúc đó, chúng ta chưa chuẩn bị được đâu. Miền Nam vừa giải phóng mà lại có một Đại sứ quán Mỹ mới ở TP.HCM… thì cũng khó chứ…
30-4 là một khúc khải hoàn vĩ đại của dân tộc, nhưng 35 năm đã trôi qua rồi. Tôi nghĩ giờ đây chúng ta cần một khúc khải hoàn mà mọi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu, cũng đều có thể hát được. Đó chính là hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng đất nước. Sau 35 năm, tình hình đã khác rồi. Nếu chúng ta làm được điều này thì vị thế của Việt Nam, những con mắt nhìn vào Việt Nam, sẽ thay đổi.
Những dịp 30-4 như thế này là dịp để làm gia tăng tinh thần đại đoàn kết. Phải làm sao để huy động tất cả các lực lượng, cho dù còn ý nọ ý kia. 30-4, đừng làm người ta đau thêm nữa. Người chiến thắng dẫu sung sướng, nhưng cũng phải nhìn thấy nỗi đau của những bà mẹ mất con. Cho nên, mình phải thấy phía bên kia nhiều đau đớn lắm.
Phải làm sao để thế hệ trẻ bên kia hướng về đất nước mà bảo rằng đây là Tổ quốc CHUNG của những người Việt Nam, bất luận ở đâu (ông Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh). Tổ quốc không của riêng ai. Lúc này là lúc phải đoàn kết lại tất cả để cùng nhau hát lên lời ca Vua Hùng dựng nước, chúng ta cùng xây dựng để đất nước phát triển. Không mộng tưởng trở thành cường quốc gì cả, nhưng chúng ta phải thể hiện ý chí của một dân tộc: vươn lên. Tôi nghĩ lúc này là lúc phải làm, đừng nói một chiều nữa. Tất nhiên phải trân trọng những người đã hy sinh, đã đổ xương máu, nhưng 35 năm qua rồi, phải nghĩ xa hơn, nghĩ tới tương lai.
Hòa hợp là lúc này đây, bây giờ là lúc cần hòa hợp. Mình phải nghĩ tới tương lai dân tộc. Đừng để chia rẽ nữa, chia rẽ đã gây bao đau thương cho dân tộc rồi. Người chiến thắng phải bao dung, độ lượng, kéo tất cả mọi người lại…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy thử ngủ cùng một con muỗi?



FB Pham Nhuận
1. "Hiểu rõ được quy tắc thì bạn có thể phá vỡ chúng hoàn toàn".

2. “Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần đền chùa. Không cần triết lý phức tạp. Tâm trí bạn chính là đền chùa. Và lòng tốt chính là triết lý”.

3. “Hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có. Nó đến từ những hành động của chính bạn”.

4. “Chúng ta không bao giờ có thể có được hòa bình (bình an) trên thế giới cho tới khi chúng ta có được hòa bình trong thâm tâm”. - Ta không thể cho người khác cái mà ta không có. Nếu trong ta có ganh ghét, thứ ta cho đi cũng là ganh ghét. Nếu trong ta có tình yêu, thứ ta cho đi cũng là tình yêu. Còn nếu trong ta là sự tổn thương hay dày vò, cái ta có thể trao cho người khác sẽ chỉ là tổn thương và dày vò mà thôi.

5. “Hãy nhìn những đứa trẻ. Khi chúng giận ai, chúng biểu lộ ra, xong rồi thôi. Chúng vẫn có thể chơi với người đó vào ngày mai”.

6. “Càng được thúc đẩy bởi tình yêu, hành động của bạn càng tự do và không sợ hãi”.

7. “Chúng ta có thể sống mà không có tôn giáo hay thiền định, nhưng chúng ta không thể sống mà không có tình người”.

8. “Mục đích của tất cả những truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới không phải là để xây dựng những ngôi đền to lớn bên ngoài, mà là để xây dựng những ngôi đền thiện lành và từ bi bên trong, trong trái tim chúng ta".

9. ''Cách duy nhất để thay đổi suy nghĩ của người khác là bằng cảm xúc và tình thương chứ không phải sự tức giận".

10. "Chỉ bằng cách phát triển tình thương và sự hiểu biết với những người khác bạn mới có thể mang lại cho mình hạnh phúc và sự thanh tịnh". "Tình yêu và tình thương là điều cần thiết. Nếu không có chúng, loài người không thể sống sót được".

11. "Tôi cho rằng, bản chất của sự rèn luyện về tinh thần nằm ở thái độ của bạn với người khác".

12. "Những người bạn cũ sẽ đi, bạn mới mới xuất hiện. Những ngày cũ sẽ qua và ngày mới lại đến. Điều quan trọng là tạo ra những điều thật ý nghĩa: Một người bạn ý nghĩa hay một ngày ý nghĩa".

13. "Hạnh phúc và sự hài lòng của loài người thực chất đến từ chính bản thân chúng ta chứ không phải chờ đợi vào tiền bạc hay một chiếc máy tính".

14. “Mục đích chính trong đời của chúng ta là giúp đỡ kẻ khác. Và nếu bạn không thể giúp họ, ít nhất đừng hại họ”.

15. "Nếu bạn nghĩ mình quá nhỏ để làm một điều khác biệt, hãy thử ngủ cùng một con muỗi".

(ST)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

SAU MỘT NGÀY



Thức nữa cũng chẳng làm gì
anh tắt đèn
đi ngủ
bên ngoài trời đất vẫn tối thui một màu đen cũ
có muốn nhìn cũng không thấy rừng
núi thấp núi, cao giờ này nhòa mờ không rõ..
đến cả tiếng chim lợn kêu đêm cũng thành xa mờ
róc rách suối reo
đã vào chuyện cổ
Liệu đây có phải đêm dài bình yên?
đêm dài nối bao bao thế hệ
đi ngu ngơ trên con đường làng
gặp những Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở..
những kẻ như có, như không
Có, không cũng thành vô nghĩa
một nhân quần não ngắn, tai dài
nhiệt tình vô bổ
cuộc chơi hụt hơi
bữa tiệc giả cầy..
Đèn tắt rồi
khó khăn giấc ngủ
Anh có thể tắt đèn
làm sao tắt đi ý nghĩ
những điều từ tâm can năm tháng giày vò?
kỷ niệm xưa cũ kỹ?
cứ đêm
như thác đổ về đây
trong căn phòng này
một mình anh dùng dằng khó xử
Ước chi mình trở nên người hiền ( hay kẻ hèn )
không tự trọng, tự do, tự ái hay tự.. gì nữa.. nữa..
lành như củ khoai
lăn lóc giữa đời
Và biết đâu giấc ngủ lại nồng say
sau cái động tác thường nhiên "tắt mở"
sau một ngày
khôn nguôi?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Chiến tranh không mang một khuôn mặt đàn bà”


Một đêm đầu tháng Ba năm 1971, người ta dúi vào tay nữ hộ lý Bùi Thị Đoán một đứa trẻ đỏ hỏn.
Đêm ấy, chị Đoán đang trực ở bệnh viện tỉnh Thái Bình. Người phụ nữ lớn tuổi trình bày rằng ai đó đã gửi đứa trẻ cho bà để đi vệ sinh, rất lâu rồi không thấy quay lại. Mọi người hoảng hốt đốt đèn bão đi các gốc cây xung quanh để tìm. Rồi họ nhận ra: người mẹ đã cố tình bỏ đứa con ở lại.
Đoán từng là thanh niên xung phong. Ở cái tuổi lỡ thì, cô mang trong mình mặc cảm của một phụ nữ không bao giờ dám sinh con. Nhiều người đến tìm hiểu, nhưng Đoán không muốn lấy chồng. Cô sợ phải sinh ra những đứa con tật nguyền - nhiều đồng đội từ chiến trường của cô đã như thế.
Đoán muốn nhận cháu bé làm con. Bệnh viện không cho. Đoán cố nài. Cô đặt tên em bé là Tuấn. Những ngày tháng đói khổ ấy không có gì cho con ăn, chỉ có nước cơm vắt bằng vải màn, cho thêm chút đường. Cô làm cả giấy khai sinh cho con.
Tờ giấy khai sinh ghi tháng 5 năm 1971, đến bây giờ người mẹ vẫn giữ kỹ dưới đáy tủ, chưa một vết rách nào. Phía dưới, còn dòng ghi chú: “Con bỏ ngoài bệnh viện tỉnh. Chị Đoán cam đoan nuôi cháu như con đẻ. Phần cha bỏ trống”.
Ước mong làm mẹ của người nữ thanh niên xung phong ấy không kéo dài được lâu. Chỉ hai tháng sau, đứa trẻ ốm, rồi qua đời.
Năm 1981, chị Đoán được cho nghỉ mất sức. Trở về quê, không có nơi nương tựa, chị tìm đến cửa Phật. Đã hơn 30 năm, bây giờ sư Đoán là trụ trì chùa Văn - ngôi chùa làng nhỏ nằm trong xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Thái Bình là mảnh đất đưa ra mặt trận nhiều thanh niên xung phong nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Và chắc chắn không phải sự vô tình, bây giờ ở mảnh đất ấy, có đến gần 20 ngôi chùa có những nhà sư, từng là nữ thanh niên xung phong. Số phận của những người như Bùi Thị Đoán, trở thành một dạng điển hình.
Họ trở về từ chiến trường, trên mình mang mảnh đạn còn sót lại, hay là chất độc hóa học. Họ đã để lại tuổi đôi mươi trên những cung đường huyền thoại. Cô độc, ốm yếu và thậm chí mang cả nỗi ám ảnh. Họ tìm đến nơi cửa Phật.
Đôi khi, là sau những ước mơ cuối cùng của người phụ nữ không thành

Trong bão lửa

Ga Gôi, Nam Định, 4 giờ chiều 20/8/1966.
Đoàn tàu quân sự vừa tập kết xong hàng hóa, chuẩn bị đi Thanh Hóa chi viện cho chiến trường. Máy bay Mỹ ập tới, bắn tên lửa và thả bom. Đoàn tàu bốc cháy.
Các chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc C895 và C894 xông vào cứu số hàng, trong đó có hai cô gái Bùi Thị Đoán và Nguyễn Thị Phương.
50 năm không khiến cho ký ức về ngày hôm đó phai nhạt. Họ kể cùng một câu chuyện. Những thùng hóa chất bén lửa, tỏa khói nồng nặc. Những thùng hàng trên vai mà các cô cố vác ra khỏi đoàn tàu, cũng đã vỡ, hóa chất chảy lên đầu, lên cổ. Da họ cháy. Nhiều người xỉu tại chỗ.
Đoán và Phương tỉnh dậy tại bệnh viện đường sắt ngoài Hà Nội. Hình ảnh cuối cùng họ còn nhớ là đồng đội nằm la liệt trên sân đình Gôi. 23 người chết, 256 người bị thương và nhiễm độc.
Bây giờ Ga Gôi vẫn còn bia tưởng niệm. Hằng năm, cứ đến ngày 20/8, nhiều đồng đội lại về đây thắp hương.
Cuộc đời người sống sau trận Ga Gôi rẽ theo nhiều hướng. Người vào chiến trường B, người thì chuyển ngành. Họ đều không thoát được dấu vết của trận đánh.
Sư Đoán trong sân chùa Văn
Đoán bị tâm thần. Bây giờ sư không thể nhớ được những ngày ấy nữa, chỉ biết đồng đội thỉnh thoảng về thăm vẫn kể là bị nặng, cứ lang thang, ra đồng mò cua bắt ốc ăn - đơn vị phải cử người chăm sóc.
Tỉnh táo được một chút, về quê làm hộ lý ở bệnh viện tỉnh, cô cũng nay ốm mai đau, ngất lên ngất xuống. Cô không lấy chồng. Nhiều đồng đội của cô không cưỡng được mong muốn làm mẹ và đã có hơn 20 đứa trẻ mang di chứng chất độc hóa học sinh ra từ buổi chiều Ga Gôi ấy.
Nguyễn Thị Phương ở đơn vị khác, cứu một toa tàu không bốc cháy, di chứng không nặng nề như Đoán, nhưng cũng đau yếu luôn luôn.
Sư thầy Thích Đàm Phương bây giờ là trụ trì chùa Cau Đẻ, ở huyện Vũ Thư. Bà không còn muốn nhắc lại chuyện xưa. Bốn mươi năm theo Phật, bà dường như đã tìm thấy tịnh độ. Sư chỉ than thở chuyện cơ thể đau nhức, không đi thăm được đồng đội nữa. “Nhưng sống được đến tuổi này, cũng là nhờ Phật rồi”.
Hỏi về ký ức, thầy bảo "ông Phạm Tiến Duật đã viết rồi". Hóa ra, cuộc đời bà đã thành một tứ thơ.
Sư thầy Thích Đàm Phương trong buổi tụng kinh chiều
"Chiến tranh Phương trở về quê mẹ
Năm năm rồi mười năm lặng lẽ
Ngày mưa ngày nắng, ngày ốm ngày khỏe
Phương thành cô giữ trẻ cho làng
Rồi một buổi mai chỉ còn váng nắng
Nghe tin Đạt hy sinh ngoài mặt trận
Nguyễn Thị Phương vào chùa, cắt tóc đi tu...
Phương thành sư thầy Đàm Phương là thế
Nửa đời trước hy sinh
Nửa đời sau nữa, lại hy sinh..."
Bản thân các thầy cũng không biết tại sao đất Thái Bình lại có nhiều nữ thanh niên xung phong xuất gia như thế. Chỉ biết, họ gặp lại nhau khi cùng xuống tóc.

Trong cửa thiền

Họ tìm thấy điều gì nơi cửa Phật?
Sư Dậu không thể diễn giải một cách mạch lạc câu hỏi ấy. Đầu bà có vết sẹo lớn và cả mảnh bom bên trong. Câu chuyện của bà không trôi chảy, chỉ có những mảnh ký ức vụn ghép lại. Sư hay đau đầu, và người ta kể, thỉnh thoảng vẫn bỏ đi lang thang.
Sư cũng chẳng trở thành trụ trì được. Bây giờ sư được giao trông một ngôi chùa cũ, thật ra là một cái miếu có thờ Phật ở huyện Đông Hưng. Làng nghèo, chùa cũng xác xơ. Đến bữa, sư nấu cơm trắng, hái rau trong vườn chấm muối ăn.
Nhưng sư thích kể chuyện. Sư đem ra mấy quả chuối cũ, mời phóng viên ăn, rồi nhẩn nha kể chuyện. Câu trước là chiến trường biên giới phía Bắc những năm 80, đến câu sau đã là sự đùm bọc của đồng bào Tây Nguyên những ngày chống Mỹ. Và sư kể nhiều về một thanh niên tên Trác - một con nghiện, sư nuôi trong chùa này mấy năm trước.
Trác là Chí Phèo của Đông Các. Vào tù ra tội, không nhà không cửa, lúc lên cơn nghiện, Trác đi quấy phá, dọa nạt, xin đểu trong chợ làng. Nhưng sư Dậu kể, lúc hết cơn, Trác rất ngoan: hắn xin vào chùa để quét tước, giúp việc. Rồi sư bảo Trác ở lại hẳn trong chùa.
Sư cho Trác một chỗ ngủ trong miếu, một cái nồi cơm và gạo riêng. “Ai cho cái gì sư cho nó cái nấy”. Sư dạy Trác, ra chợ muốn ăn cái gì thì chắp tay xin, đừng đi ăn cướp. Bà con cũng hiểu, coi hắn như người của nhà chùa đi khất thực. Cứ thế, Trác sống được nửa năm cùng sư Dậu.
Nhưng rồi Trác vẫn lên cơn, cầm dao dọa sư, phá phách trong chùa. Sư không bận lòng. “Tôi chết mà người làng được sống yên thì mới có ý nghĩa. Tôi sống mà người ta chết thì chẳng nghĩa lý gì”, bà nói với chính quyền. Mọi việc Trác làm, sư cứ lờ đi. Trác đi bậy trong chùa, sư theo dọn. Trác dùng loa đàn hát giữa đêm, sư lại nhờ người gỡ cái loa ấy xuống.
“Ở chiến trường tôi còn chẳng sợ”, sư cười.
Đêm nọ, Trác tưới xăng khắp chùa, cầm dao vào phòng sư. Hắn đòi một tỷ, nếu không sẽ giết sư và đốt chùa. Sư bảo, nếu giết, sư phải cảm ơn anh. Rồi bà ngồi trên giường niệm Phật.
Cái giường bây giờ vẫn để nơi góc chùa. Đã cháy đen. Trác châm lửa đốt chùa thật. Rạng sáng ấy trời mưa và người làng đến kịp.
Sư Dậu bên chiếc giường đã cháy đen
Cậu Chí Phèo chùa Đông Minh ấy đã đi tù. Nhưng sư kể chuyện vẫn hồn nhiên - và vẫn khen - là ngày thường thằng ấy ngoan lắm, vẫn quét sân ở kia. Bà chỉ tay vào gốc mít, nơi vẫn còn vết cháy đen.
“Hình như nó mãn hạn tù, ra mấy tháng rồi”, một người làng ngồi trong sân chùa chêm vào.
Sư vẫn cười.
Không đi học giới luật để trở thành trụ trì, cũng không thể diễn giải những khái niệm cao siêu của Phật pháp, nhưng sư có thể kể chuyện thằng Trác.
Sư Đoán không phải cô gái duy nhất ngày ấy khước từ quyền làm vợ, làm mẹ của mình.
Ở Thái Bình bây giờ, người ta còn kể cho nhau nghe chuyện sư Thân ở chùa Đông Am. Người cùng hẹn ước thời thiếu nữ, tưởng đã hy sinh nơi mặt trận, bỗng một ngày trở về.
Mừng vui gặp lại người xưa, nhưng không đoàn tụ, cô gái Lương Thị Thân đã xuống tóc. Cô biết mình nhiễm chất độc da cam, không thể làm mẹ.
Người làng kể rằng người đàn ông ấy nhiều năm sau vẫn lên chùa mong sư thầy quay lại, nhưng đều bị chối từ.
Gần 20 nữ thanh niên xung phong không trở về với cõi trần ấy, chỉ là một ẩn dụ chiếu nhỏ của những gì Thái Bình đã cho đi và không nhận lại. Hàng nghìn thiếu nữ đã đi và để lại thanh xuân nơi chiến trường như thế, hoặc không bao giờ về quê nữa.
Họ đều không muốn nhắc nhiều chuyện xưa. Hơn ba mươi năm trong cửa thiền, mọi nỗi đau trở thành quá vãng.
Cũng có lúc họ nghẹn lời. Như sư Đoán, khi nói về đứa con năm xưa và mong ước làm mẹ.
Tấm giấy khai sinh 46 năm không một vết ố. Tôi vô tình nhìn thấy nó khi sư Đoán lần giở chồng giấy tờ cũ. Đằng sau tờ giấy, vẫn còn dòng bút phê: “Duyệt cấp sữa bồi dưỡng cho cháu”.
Đứa trẻ ấy đã mất mà không kịp uống hớp sữa nào trong đời.
VietnamNet

Phần nhận xét hiển thị trên trang