Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Ngôi sao xa xôi, thuở ấy


Blog Lê Thiếu Nhân
Nhà thơ Vũ Từ Trang viết về nhà văn Lê Minh Khuê: “Tôi còn nhớ căn phòng  chị ở sát chiếu nghỉ cầu thang trong tòa nhà  phố Trương Hán Siêu, Hà Nội. Căn phòng nhỏ,  có khuôn cửa sổ  rộng. Tôi hình dung bên ô cửa sổ ấy, đêm đêm, chị đứng  ngắm bầu trời bao la huyền diệu. Phải chăng chị nhớ về những cánh rừng và bầu trời chi chít những ngôi sao trong chiến tranh, nó đã khơi gợi cảm hứng chị viết truyện ngắn “Những ngôi xao xa xôi” mơ mộng thửơ nào? Khuôn cửa sổ ấy, để cách ly cuộc sống ồn ào và đa tạp,  đôi khi, chị khép lại, chong đèn đọc sách hoặc viết lên trang giấy những cảm xúc nóng hổi của mình. Hình như quá nửa đêm, có tiếng vòi nước chảy tong tong vào cái bể nước tập thể luôn cạn nước ở tầng dưới. Ngày đó, nước máy sinh hoạt như một thứ xa xỉ, khan hiếm. Tiếng vòi nước chảy tong tong vào bể nước, khơi gợi một niềm vui riêng…”


NGÔI SAO XA XÔI,  THUỞ ẤY...

VŨ TỪ TRANG
                 
                 Tôi biết chị vào những năm đầu của thập niên bảy mươi thế kỷ trước. Một lần Lưu Quang Vũ đưa tôi đến nhà Lâm râu ở phố Triệu Việt Vương, thì gặp chị cũng ngồi chơi ở đó. Căn phòng nhỏ  tầng hai ngôi nhà xây từ thời Pháp, ấm cúng và  mơ mộng. Nó như một sa-lông nghệ thuật nhỏ, tập hợp khá đông đủ khuôn mặt anh em làm văn làm báo, làm nghệ thuật ở Hà Nội. Tôi còn nhớ, bữa ấy Khuê đang mải nghe bản nhạc của Su-be bên chiếc máy quay đĩa chạy kim cổ lỗ. Chị ăn vận giản đơn, nhưng gọn gàng, mái tóc đen nhánh tết làm hai bím thật dầy, cặp mắt  mở to và rực sáng. Chiếc máy hát có đầu kim quá mòn mà Lâm có sáng kiến treo chiếc côn xe đạp đè lên chiếc cần để đầu kim bám vào đĩa. Chiếc đĩa than cũ xước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng lạo xạo của đầu kim bị vấc. Nhưng âm thanh từ chiếc máy hát cũ càng đó, làm mê hoặc chúng tôi lạ kỳ. Bây giờ, đời sống thay đổi, có nhiều dịp được nghe nhạc từ những giàn âm thanh ba chiều bốn chiều với những bộ âm ly, những cặp loa cực kỳ hiện đại và đắt tiền, ấy vậy, vẫn không sao có được cái cảm giác xôn xao khó tả khi ngồi bên cái máy hát cổ lỗ ở nhà Lâm dạo ấy.
                 Trước khi gặp Khuê, tôi dã đọc và mê văn của chị. Dạo đó, chị mới xuất hiện trên báo chí. Một vài tùy bút, một vài truyện ngắn, khi ký tên Vũ Thị Miền, khi ký tên Lê Minh Khuê, vậy mà văn chị ám ảnh tôi làm sao. Không phải riêng tôi, mà nhiều anh em viết dạo đó đều mê văn của Khuê. Những câu chuyện chị viết ở chiến trường, về những ngôi sao xa xôi trên cao điểm mùa hạ, về những cô thanh niên xung phong đằm mình trong khói lửa, toát lên vẻ đẹp trong sáng và thanh cao. Đọc văn chị, thấy có gì thao thức, quẫy đạp, vang vọng và kéo bao người đọc thoát khỏi những ý nghĩ tủn mủn trong đời sống thường nhật. Không biết có phải thật thế không, nhưng ngày đó, đọc những  trang viết của chị, tôi  nghĩ suy như thế.
                                                             *

             Tôi còn nhớ căn phòng  chị ở sát chiếu nghỉ cầu thang trong tòa nhà  phố Trương Hán Siêu, Hà Nội. Căn phòng nhỏ,  có khuôn cửa sổ  rộng. Tôi hình dung bên ô cửa sổ ấy, đêm đêm, chị đứng  ngắm bầu trời bao la huyền diệu. Phải chăng chị nhớ về những cánh rừng và bầu trời chi chít những ngôi sao trong chiến tranh, nó đã khơi gợi cảm hứng chị viết truyện ngắn “Những ngôi xao xa xôi” mơ mộng thửơ nào? Khuôn cửa sổ ấy, để cách ly cuộc sống ồn ào và đa tạp,  đôi khi, chị khép lại, chong đèn đọc sách hoặc viết lên trang giấy những cảm xúc nóng hổi của mình. Hình như quá nửa đêm, có tiếng vòi nước chảy tong tong vào cái bể nước tập thể luôn cạn nước ở tầng dưới. Ngày đó, nước máy sinh hoạt như một thứ xa xỉ, khan hiếm. Tiếng vòi nước chảy tong tong vào bể nước, khơi gợi một niềm vui riêng.
            Tôi nhớ không nhầm, trên những mảng tường quét vôi màu vàng trống trơn của căn phòng chật hẹp của Khuê, có treo duy nhất bức ảnh chân dung Đôtx-tôi-ép ki, nhà văn Nga vĩ đại, mà thời bấy giờ ở nước ta chưa được đề cao. Bức ảnh chân dung đen trắng, nổi bật khuôn mặt võ vàng đau khổ của một bậc kiệt xuất, với những tác phẩm bất hủ, như “Chàng ngốc”, “Năm đêm trắng”, “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà  Ca-ra-ma-dôp” mà  chúng tôi từng chuyền tay nhau ngấu nghiến đọc. Cặp mắt u buồn của người trong ảnh, đối lập với cặp mắt mở to và rực sáng của người chủ nhân căn phòng. Lê Minh Khuê ngày ấy có thú vui sưu tập rất nhiều ảnh các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, triết gia nổi danh thế giới mà chị yêu quý. Bây giờ, công nghệ thông tin, truyền thông quá phát triển, việc kiếm tìm tư liệu đễ dàng, thuận tiện; chứ như  hơn bốn chục năm về trước, để có được hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh chân dung tiêu biểu của nhân loại, đủ kích cỡ to nhỏ, phải nói là công lao lớn của Khuê. Cao hơn cả công lao sưu tập, là tấm lòng say mê và tôn thờ các bậc kiệt liệt của văn hóa, văn chương nghệ thuật thế giới. Lê Minh Khuê sưu tập, cắt dán vào mấy cuốn an-bum khổ to. Đã mấy lần tôi dược Khuê cho xem tập an-bum các nhân vật kiệt xuất  như thế. Đấy là các tấm ảnh nghệ thuật đủ hình vóc các bậc vĩ nhân, như Sếch-xpia, Lep Tôn-xtôi, Đôx-tôi-épxki, Pu-skin, rồi Mai-a, Ê-xê-nhin… Có người râu tóc xùm xòa già nua như thi sỹ Ấn-độ R.Ta-go, lại có những tấm hình tiểu thư, mơ mộng của nữ văn sĩ Pháp F.Sa-gan. Có khuôn mặt nghiêm nghị của nhà triết học J.Paul Sartre, lại có vẻ mặt tếu nhộn của danh hài Sac-lơ. Có khuôn mặt đau khổ của danh họa Pi-cat-xô bên bức tranh “Gec-ni-ca”, lại có vẻ đẹp mơ màng, bình yên của họa sỹ Lê-vi-tan bên bức tranh “Mùa thu vàng”... Mỗi bận Lê Minh Khuê  cho tôi xem bộ an-bum về các danh nhân nổi tiếng, lại một lần lòng đam mê nghệ thuật của tôi được khơi gợi và khích lệ.
           Không riêng gì tôi, mà Lưu Quang Vũ và Lâm râu mỗi bận xem các tập an-bum của Khuê sưu tập, như cùng có cảm giác giống tôi. Tôi nhớ một lần  xem tập an-bum này ở căn buồng nhỏ  nhà Lâm râu. Lưu Quang Vũ thì bồn chồn đi lại quanh căn phòng. Còn Lâm râu ngồi bó gối, tay chống cằm, tư lự. Lê Minh Khuê khi ấy đứng khiêm nhường góc phòng, bím tóc tết sam vắt trước ngực, cặp mắt mở to, nhìn xa xăm. Chiếc máy hát chạy đĩa than vẫn chậm chãi quay. Những bức tranh như quằn quại trên tường do Vũ chép tranh của Pi-cat-xô. Có cả tranh của Nguyễn Thị Hiền với vẻ đẹp bứt dứt không bình yên. Bản nhạc không lời, phát ra từ cái máy quay đĩa cổ lỗ có treo chiếc côn xe đạp tì lên cần đĩa, tạo ra một không gian kỳ ảo.
          Ngày đi học khóa 6 trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội nhà văn tổ chức ở Quảng Bá (1974), có lần Khuê đem tập an-bum đến lớp, cho một số anh em  cùng xem. Ai cũng xuýt xoa về vẻ đẹp sang trọng các danh nhân choáng ngợp đó. Có nhiều người trong lớp, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chân dung của các bậc kiệt xuất, mà tác phẩm họ đã từng đọc. Tôi càng  nể sự  đam mê âm thầm sưu tập của Khuê.
             Về học ngày đó, hầu hết là các cây bút ít nhiều đã có đóng góp với văn học, sống với nhau rất thoáng. Ấy nhưng  có một cây bút tư duy cứng nhắc, phản ảnh lên ban giám hiệu của trường là Khuê mang chân dung nhiều nhà văn phương Tây đối lập đến lớp tuyên truyền. Nhà văn Nguyên Hồng khi ấy là hiệu phó trường, biết chuyện, ông liền xem và phải kêu lên, trời ơi, đây là những  đấng bậc kiệt xuất về văn hóa, văn chương nghệ thuật của nhân loại. Tốt quá, các em hãy lấy gương các đấng bậc trong tập an-bum này làm đích phấn đấu. Nhờ nhà văn Nguyên Hồng có ý kiến kịp thời, Lê Minh Khuê cũng hết bị vướng mắc vì tập an-bum các danh nhân yêu quý của mình.
             Tinh thần học tập năm ấy, ai nấy đều nghiêm túc. Những ngày nghỉ, anh em thường rủ nhau đi chơi các vùng lân cận. Dịp đó là mùa xuân. Vùng quê Kinh Bắc của tôi vốn là tháng hội hè la đà làng này sang làng kia. Mê quan họ, tôi rủ Khuê cùng Chử Văn Long và Chu Hồng Hải đạp xe về Lim xem hội. Mải nghe quan họ, chúng tôi về muộn học. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, hiệu trưởng, biết chuyện, gọi chúng tôi lên, không phê bình,  mà chỉ nhắc nhở. Khuê và  Hải bảo, anh Long phải sáng tác bài thơ về quan họ, để xin lỗi thầy Sanh. Ấy rồi Chử Văn Long có viết được bài thơ hay về quan họ, đem đọc thầy Nguyễn Xuân Sanh nghe, được thầy khen. Bài thơ ấy rồi gửi in trên báo Văn Nghệ.
            Khóa học  đa phần nội trú. Hà Nội ngày ấy còn nghèo, chưa phát triển. Việc từ Quảng Bá về trung tâm thành  phố, là cả quãng đường cách trở. Ấy vậy, hễ ăn cơm chiều xong, thường thường anh em lại nhổng vào  phố chơi. Hầu hết là đến gặp gỡ anh em viết cùng lứa, hoặc đến thăm các nhà văn lớp trên. Tình cảm người viết ngày ấy rất đẹp, rất quý nhau. Từng nhóm, từng nhóm một. Có nhóm đến chơi nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Vũ Quần Phương. Có nhóm đến thăm nhà văn Kim Lân, nhà văn Quang Dũng. Có nhóm lại cuốc bộ tới chòi ngắm sóng của nhà thơ Phùng Quán ven Hồ Tây, vừa xem nhà thơ câu cá trộm, vừa ngâm thơ và uống rượu. Đạp xe loanh quanh phố cổ, bánh xe lăn lạo xạo trên lớp lá khô. Phố xá vào thu đậm đặc mùi hoa sữa. Tạt ngang khu chợ Đồng Xuân, ngồi ăn một bắp ngô nướng, nghe  lao xao chuyện chợ búa. Rồi chúng tôi ghé vào thăm nhà thơ Tạ Vũ. Ngày ấy, Tạ Vũ còn khỏe,  đang là một mẫu “nhà thơ công nhân”, dấn thân vào đời sống lao động. Gặp Khuê,  nhà thơ Tạ Vũ reo lên “A, chào con sáo nhỏ của tôi!”. Chả là độ ấy, Khuê vừa có truyện ngắn “Con sáo nhỏ của tôi” in trên báo ký tên Vũ Thị Miền. Ngôi nhà ba tầng đầu phố Hàng Chiếu, sát ô Quan Chưởng của Tạ Vũ đã  phơi ra cái dấu vết của đời sống đang nghèo dần. Vượt qua chiếc cầu thang xoắn dốc bằng gỗ lim đã xộc xệch, thiếu ánh sáng, là khoảng trời khoãng đãng của sân thượng luôn có cành cây lớn ngoài phố vươn lên xòe vào che mát. Ô Quan Chưởng trầm tĩnh và u mặc. Lê Minh Khuê như rất thích cái không gian này. Ở đấy, như luôn ồn ào bởi anh em viết lách tụ bạ. Họ tranh cãi về một cuốn sách mới ra. Họ đọc cho nhau những bài thơ, trang văn mới viết. Đấy là Trúc Thông, Nghiêm Đa  Văn, Trúc Cương, Định Nguyễn… Có lần thấy cả nhà thơ Hoàng Cầm tay run run nâng chén rượu bé như hạt mít, để  ngang mày, ngâm thơ rất hay. Có bận, thấy Thọ Vân, Đào Cảng từ Hải Phòng lên, quần áo như còn vị mặn của gió biển. Lại có lần thấy Đào Ngọc Vĩnh từ Quảng Ninh về, vừa leo cầu thang vừa ôm ngực vì đau tim, miệng lẩm nhẩm những câu thơ đắm say và trúc trắc. Đã có lần, ở giữa chừng cầu thang tối om ấy, tôi cầm tay Khuê và dừng lại, để nghe cái âm thanh ồn ào từ trên căn gác vọng xuống. Cái âm thanh hỗn tạp mà rất chân tình của đám viết lách đang say sưa cãi vã, tranh luận nghệ thuật, ngỡ như họ làm thay đổi cả thế giới bởi tuổi trẻ sôi nổi và bốc đồng của họ.  
                
               Một bận, tôi cùng Khuê đi Hải Phòng, thăm bạn bè văn chương vùng đất Cảng. Hải Phòng, những năm bảy mươi, là một miền đất sôi động. Đấy là thời của các nhà thơ tiêu biểu  đất Cảng, như Thi Hoàng, Thanh Tùng, Hoàng Hưng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Vũ Châu Phối... đang sung sức. Khuê viết văn, nhưng  mê nghe đọc thơ. Buổi gặp gỡ chân tình, ai cũng muốn đọc những bài thơ mới nhất của mình, để tặng Khuê. Những vần thơ hào sảng, hầm hập nhịp sống và đắm say. Anh em viết ở Hải Phòng độ ấy, như ai cũng ngưỡng mộ Khuê. Văn chương ngày ấy có sức ám ảnh kỳ lạ. Rồi Nguyễn Tùng Linh và tôi đưa Lê Minh Khuê thăm bến cảng. Cửa sông, những con tàu kéo cờ nước ngoài nổi còi rền rĩ xin cập bến. Khuê thích thú khi tôi phát hiện con tàu trắng mang tên một nhà văn Nga đang rẽ sóng ra khơi. Chúng tôi đưa Khuê tới thăm một công trường xây dựng, mà người bạn đương phụ trách. Công trường ngổn ngang sắt thép. Chiếc cần cẩu cao lênh khênh  quay những vòng quay gấp gáp, đưa những mảng tường bê tông vào khu nhà lắp ghép. Đấy là những năm đầu  của công cuộc xây dựng đất nước thời  hòa bình, thống nhất. Khuê được người bạn phụ trách công trường mời lên ngồi thử trên ca-bin cần cẩu tháp cao lưng trời. Tôi thấy đuôi tóc tết sam và cặp mắt mở to, rực sáng của Khuê cứ lung linh trên nền trời đầy nắng gió. Đêm ấy, Khuê về nghỉ ở căn gác gỗ nhà Nguyễn Tùng Linh. Mẹ của Linh chu đáo đưa chiếc màn tuyn trắng để chúng tôi mắc cho Khuê ngủ. Sau một ngày đi lại, gặp gỡ mệt nhoài, Khuê nằm ngủ ngon lành trên chiếc giường giữa phòng gác lửng. Lê Minh Khuê không thể hình dung ở hai chân giường, hai kẻ làm thơ là Nguyễn Tùng Linh và tôi chong đèn ngồi đọc báo suốt đêm để canh giấc ngủ bình yên cho Khuê. Đấy là tình cảm tinh khiết,  quý mến của người viết dành cho người viết, như chỉ có được ở những năm tháng ấy. Chuyện xảy ra đã hơn bốn mươi năm rồi, mà cái cảm giác trong sáng và tôn thờ ấy, như vẫn còn nguyên vẹn. 

                                                          *
              
               Nông Cống là quê ngoại, Tĩnh Gia là  quê  nội. Tuy cùng đất tỉnh Thanh, nhưng ngày ấy là cách trở. Ông nội ông ngoại đều là đồ nho. Tuổi thơ của Lê Minh Khuê như gắn cả vào quê ngoại. Sống trong gia cảnh không được thuận với thời cuộc, nhưng Khuê ít khi nói về  mình. Cũng không ca thán, oán trách gì về cái thời cuộc ấy. Bố mẹ mất sớm, năm 1965, mười sáu tuổi, Khuê tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chiến tranh đập vào số phận dân tộc. Lớp trẻ ngày ấy, háo hức lên đường ra trận. Những cánh rừng, những con đường  nát nhừ  bom đạn. Bốn năm lăn lộn trên bao tuyến đường, năm 1969, từ khu Bốn, Khuê về làm phóng viên báo Tiền Phong. Thời còn sống, nhà thơ Phan Xuân Hạt từng kể về lớp bồi dưỡng các cây bút trẻ do Trung ương Đoàn tổ chức. Vì đương là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Thanh niên, ông có được cử về theo dõi lớp tập huấn ngắn ngày đó. Nhà thơ  bất ngờ khi đọc những trang viết đầu tay của cây bút nữ ít nói trong lớp. Ông  mừng, thốt lên, rồi em này sẽ thành nhà văn xuất sắc. Nữ tác giả trẻ đó, chính là Lê Minh Khuê sau này. Cũng từ đó, Khuê làm phóng viên chiến trường cho đến 1975. Từng làm việc ở Đài phát thanh giải phóng. Rồi Đài truyền hình Việt Nam. Năm 1978, về làm việc ở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Năm 1969, bắt đầu sáng tác văn học. Truyện ngắn “Bức tranh” in trên báo Văn Nghệ, với bút danh Vũ Thị Miền. Và sau đấy, cái tên Lê Minh Khuê đã sớm đi vào ấn tượng của văn đàn. Chị là người bền bỉ, chung thủy và thành danh từ thể loại truyện ngắn. Lê Minh Khuê đã xuất bản trên mười đầu sách. Đó là “Những ngôi sao xa xôi”, 1973. “Cao điểm mùa hạ”,1978. “Đoạn kết”,1982. “Một chiều xa thành phố”,1986.. “Bi kịch nhỏ”,1993. “Tôi đã không quên”,2000. “Trong làn gió heo may”, 2000. “Màu xanh man trá”, 2003. “Những dòng sông, buổi chiều, cơn mưa”, 2003. “Một mình qua đường”, 2006. “Nhiệt đới gió mùa”, 2012. “Làn gió chảy qua”, 2016…Ngoài ra, đã được dịch và in các tập truyện ngắn ở Mỹ, Đức, Thụy Điển, Italia, Hàn Quốc. Lê Minh Khuê được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1987 và 2001. Giải thưởng mang tên nhà văn Byeong-Ju Lee của Hàn Quốc, năm 2008. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2012.

                                                       *


             Truyện của Lê Minh Khuê luôn hướng về cái đẹp nội tâm của con người. Có thể  phân định thời gian trong các tác phẩm của chị. Đó là hai giai đoạn: con người trong chiến tranh và con người sau chiến tranh. Ở thời đoạn trong chiến tranh, các nhân vật của Lê Minh Khuê luôn toát lên vẻ đẹp trong trẻo, khoáng đãng, cao cả của lớp người dám dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Đó là các cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội trẻ, hồn nhiên và dũng cảm. Một lớp người  lý tưởng. Đất nước tao loạn, họ sẵn sàng ra trận,  chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Các truyện ngắn tiêu biểu của chị trong thời gian này, là  “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ”… Viết về con người sau chiến tranh, thời hậu chiến, ngòi bút  Lê Minh Khuê  càng da diết, tỉnh táo, gọi tên  những xấu xa, ti tiện, hèn hạ trong mỗi con người. Đương nhiên, chiến tranh dội lên đầu mỗi con người, tính tư hữu, ti tiện, tính toán cá nhân như bị lướt qua, không có cơ hội bộc lộ. Nhưng hòa bình, sự tranh giành quyền lợi, phân hóa giầu nghèo, lòng tham, tật xấu  trần trụi  phơi lộ. Nếu viết về con người trong chiến tranh, Lê Minh Khuê  có phần nhuận sắc nhân vật lý tưởng, cao hơn thực tế; thì với con người sau chiến tranh, chị đã mổ xẻ, lên án  cái xấu, cái ác đang lộng hành với thái độ cương quyết. Đồng tiền, quyền lực  quay cuồng, đảo điên. Bi kịch con người, bi kịch xã hội chồng chéo trên mảnh đất triền miên trận mạc. Lê Minh Khuê  lý giải bằng tấm lòng bao dung và trách nhiệm của nhà văn.
             Trong một truyện ngắn, cái thị trấn miền núi nhỏ bé, cơ chế thị trường đang  xâu xé. Hình ảnh ông thợ may phố núi chuyên may áo quần vải chàm, bất bình với dự án xây khách sạn ven hồ,  nhìn ra bao  hiểm họa đang tấn công thị trấn. Ông giận dữ bảo rằng “Đứa nào làm bẩn nước hồ, ông sẽ dìm xuống hồ cho chơi với cá” Khốn nỗi, cái mặt trái của cơ chế thị trường, làm sao ông chống trả được? Nó không những chỉ làm bẩn, mà còn quấy nát bét  cuộc sống vốn thanh bình nơi đây. Ông thợ may cực đoan tuyên bố “Dân phố cứt trâu, dân trong bản thỉnh thoảng xuống hồ tắm có đánh rắm có ỉa vào hồ thì cũng vẫn là chất thải lành”. Chứ cái lũ văn minh kia, nó xả rác thải xuống hồ, là “giang mai, si đa”, là  “chết hết cá đấy!”. Phản kháng thế, nhưng tai họa vẫn ồ ạt tấn công. Kết quả là chính con gái ông, cái con ngỗng non ngây ngô và ngơ ngác của ông đã  chịu trận. Ngôn ngữ  văn học giai đoạn này của Lê Minh Khuê chát chúa, thô bạo, trần trụi. Đọc xong, lại nhận cảm nỗi buồn ngậm ngùi.
                 Lê Minh Khuê là người biết tiên lượng con chữ,  phát huy  thế mạnh của truyện ngắn. Trong lời tựa cho tập truyện ngắn gần đây của Lê Minh Khuê, nhà văn Hồ Anh Thái có viết “Một tiểu thuyết gia Mỹ nói ông viết tiểu thuyết vì không có thời gian để viết truyện ngắn”. Tôi thấy điều này như đúng với Lê Minh Khuê. Với dung lượng  truyện “Bi kịch nhỏ”, “Nhiệt đới gió mùa”, ở người khác, có thể kéo dài ra thành một tiểu thuyết vài trăm trang. Nhưng Lê Minh Khuê  tiết chế, dồn nén thành truyện ngắn cô đọng. Truyện của Lê Minh Khuê, không có nhân vật điển hình. Nhưng tâm lý điển hình, lớp người điển hình, trong văn Lê Minh Khuê rất rõ, không lẫn được. Nhà văn là người có trách nhiệm cao nhất với  nhân vật mình đẻ ra. Lê Minh Khuê như  luôn đẩy số phận nhân vật của mình tới tình huống kịch cùng, với lòng yêu ghét kịch cùng. Lê Minh Khuê  là người lý tưởng, cực đoan trong ý nghĩ. Mặc dù bên ngoài, chị  giữ vẻ ôn hòa, dịu dàng. Cá tính, tạo ra thái độ trên trang viết của nhà văn.
              Cô đơn vốn là thuộc tính của  sáng tạo. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo “Người lao động”, (ngày 8-7-2005) chị từng thốt lên “Đôi khi con người như phận cỏ”. Người cầm bút, như ai cũng có giây phút mong manh, bất an. Chán chường và thất vọng. Một xã hội khi vật chất lên ngôi, nhà văn như càng bị cô độc trước trang viết. Có lúc Lê Minh Khuê phải tự trấn an mình, viết ra cái gì có chục người đọc, là thích rồi. Nhưng chị luôn tin vào việc mình làm. Hay đó là cái nghiệp  đã vận vào đời chị, với đầy vinh quang và đầy cay đắng. Chị  thốt  lên “Không còn ai đọc, tôi vẫn viết!” Và cuối cùng, truyện Lê Minh Khuê, vẫn  ánh lên niềm tin yêu thiết tha vào con người. Con đường văn nghiệp của Lê Minh Khuê tưởng như suôn sẻ, thuận tiện, nhưng thực ra không phải thế. Văn của chị, không  riêng độc giả, mà ngay trong giới viết lách, có người ca ngợi hết mực, lại có người quay mặt, không chấp nhận. Có nhiều truyện, trầy trật mấy năm,  mới công bố được. Ngay tập truyện “Màu xanh man trá” của Lê Minh Khuê, từng qua mấy nhà xuất bản, không in. Mãi tới năm 2003, Nhà xuất bản Phụ nữ in ra, lập tức lại được giới phê bình ca ngợi và đông đảo độc giả đón nhận.                
               Trong tập “Truyện ngắn chọn lọc” của Lê Minh Khuê, in 2013, ám ảnh tôi, truyện “Một mình qua đường”. Chuyện về đời thường, nhưng lại như một tuyên ngôn về nghệ thuật. “Chả cần quan sát như người ta dặn. Có quan sát có tránh cũng chả ai tránh mình. Anh cứ học em đây này. Em cứ đi chả nhìn ai sất. Không ai dám lao vào mình đâu.” Đấy là lời nói của cô bé trong truyện, quả quyết một mình sang đường theo lối của mình. Cô bé chấp nhận trả giá.
              Là người cầm bút, nếu không có lòng tin, không có thái độ, không dám đi theo lối của mình, thì sao viết được những trang sách thật mình nhất? Bao năm nay, Lê Minh Khuê  bền bỉ, quyết liệt, đi theo lối của mình. Vì thế, sáng tác của Lê Minh Khuê có phong cách riêng, có chỗ đứng xứng đáng trong bạn đọc.

                                                              *

              Câu chuyện về tập an-bum các danh nhân kiệt xuất của thế giới làm Lưu Quang Vũ, Lâm râu và tôi nao nức, đã lùi xa mấy chục năm. Tôi chả hỏi Lê Minh Khuê còn nhớ không, chứ tôi thì vẫn nhớ cái âm thanh cao cả, sang trọng cất lên từ chiếc máy hát cổ lỗ nhà Lâm râu. Vẫn nhớ tiếng nước chảy tong tong từ chiếc vòi nước dưới cửa sổ mở rộng căn phòng một thời Khuê ở. Và nhớ cả cái luống cỏ hoa tóc tiên cứ bừng lên sau trận mưa ở sân trường Quảng Bá năm nào…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân một năm vụ cá chết và biển chết tại 4 tỉnh miền Trung..

KÌ ANH - FORMOSA NHÌN MỘT GÓC

TN thực hiện


TNc: Chuyến đi Kỳ Anh - Formosa của các nhà văn chúng tôi, gồm Hoàng Quốc Hải, 78 tuổi, Trần Nhương, 76 tuổi và Văn Chinh, Bùi Việt Thắng cỡ 70 tuổi. Đến Nghệ An thêm Đàm Quỳnh Ngọc U 60, Hà Tĩnh thêm Nguyễn Ngọc Phú cũng vậy, ngoài ra có nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Nhà văn VN, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Chi hội Nhà văn tại Hà Tĩnh nên chuyến đi thành công tốt đẹp. Dưới nắng 40 độ, Kỳ Anh như chiếc bánh cu đơ cong vênh vì nóng. Chúng tôi đã vào khu Formosa, chủ yếu theo cửa phía Tây, ngồi trên ô tô chạy qua nhiều hạng mục đã có đoạn đường 16 km. Một khu mênh mông chiếm đến 9 xã của Thị xã Kỳ Anh, rộng tới hơn 20 km vuông đất liền và hơn 10 km mặt biển, vị chi trên 30 km vuông chốt ngay thị xã Kỳ Anh. BQL khu công nghiệp cho phép chúng tôi ngồi ô tô ngắm nhìn, những chỗ hiểm địa thì không được tiếp cận. Với chiếc máy ảnh tôi quay những clip này chất lượng không cao, nhiều lúc lập cập hình đổ ngổn ngang. Xin các bạn xem và hình dung ra một khu nhượng địa chiếm hơn 10% thì xã Kỳ Anh. Toàn bộ diện tích thị xã Kỳ Anh có 28.000 ha,thì Formosa chiếm hơn 3000 ha. Chưa viết xong bài cho chuyến đi nên chúng tôi đưa dần các clip trước để các bạn có thể hình dung phần nào...
Nhân một năm vụ cá chết và biển chết tại 4 tỉnh miền Trung, trang nhà đưa lại clip quay vội trong khu Formosa 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làm nhục công cộng: Lịch sử một nghìn năm


ĐẶNG HOÀNG GIANG
VHNA - "Tôi luôn luôn cảm thấy bí ẩn là tại sao người ta lại có thể cảm thấy vinh dự khi làm nhục những người đồng loại của mình." -Mahatma Gandhi

"Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện"-

Nam Cao, "Tư cách mõ"

Trước Facebook, YouTube và báo mạng, các cộng đồng đã làm nhục công cộng những thành viên phạm chuẩn của mình như thế nào? Nhục nhã là một cảm giác phổ quát, có lẽ chính vì thế mà dường như các xã hội khác nhau, trải qua các thời kỳ khác nhau, đều nghĩ ra những cách làm nhục tương tự nhau, kể cả khi giữa chúng không có giao lưu văn hóa. Các nhà nghiên cứu Joerg Wettlaufer và Yasuhiro Nishimura so sánh các thực hành trừng phạt mang tính làm nhục của Tây Âu và Đông Á từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 19, và rút ra ba loại hình thức chính: 1) diễu hành nơi công cộng, nạn nhân có thể trong trạng thái khỏa thân hoặc bị bắt mang một biểu tượng nào đó, một hòn đá, hay một bảng ghi tội lỗi và hình phạt của mình; 2) phơi mặt trước công chúng, ví dụ qua hình thức gông cổ và tay vào một cái giàn gông đặt ở nơi công cộng, và 3) để lại vết tích trên người qua các can thiệp cơ thể như nhúng nạn nhân xuống bùn, đánh roi, cạo đầu hay xăm lên mặt.Các loại hình phạt này ít khi được vận dụng riêng lẻ mà hay đi cùng nhau, như ta sẽ thấy ở dưới.

Lịch sử làm nhục: Từ ta…

"Khói lam chiều", một tác phẩm được nhà văn Lưu Trọng Lư viết năm 1941, cho chúng ta một cái nhìn tốt về làm nhục công cộng ở thời kỳ phong kiến suy tàn. Trong truyện, cái Vịnh, con ông Bá Ngưỡng ở làng Phú Mỹ, chửa hoang.

Vào thời điểm này, xã hội đã văn minh hơn, cái Vịnh không còn bị voi chà ngựa xé hay cạo đầu bôi vôi nữa, nhưng nó vẫn phải đối mặt với một buổi làm nhục công cộng. Hôm cái Vịnh bị một đoàn các "ông Lý, ông Phó, ông trùm và ba bốn thằng xeo bịt khăn tai chó" đột ngột áp giải từ nhà ra chợ thì bố nó thực hiện một cuộc điều đình phút chót với thằng Mõ của làng, thuyết phục nó nhận đã ăn ngủ với cái Vịnh, để cứu thể diện của gia đình mình, với giá ba chục bạc.

Thằng Mõ nhận lời. Không để phí một phút, nó chạy một mạch ra chợ. Lúc này, buổi làm nhục công cộng đang ở cao trào.

Thiên hạ vòng trong, vòng ngoài, đứng xem chặt ních... Nó chen lấn hết hơi mới vàođược. Nó thấy con Vịnh đương nằm dài trên mặt đất. Trong chợ, các hương chức đanggật gù cùng nhau uống rượu. Dãy bên này thì ông Lý, ông Phó, ông Trùm, ông hươngKiểm, ông hương Bộ... dãy bên kia là các ông hào mục.

Đã ngà ngà hơi men, ông Lý bắt đầu lấy cung: - Hỡi con kia! Mi không biết làng taxưa nay là một làng có tiếng thuần phong mỹ tục, sao mi dám làm điều xấu xa, trái phép thế kia? Mi ăn nằm với ai thì khai ra đi!

Cái Vịnh bị đe dọa lột hết quần áo và đánh năm chục roi nếu không khai ra ai đã làm nó có mang. May mắn cho nó, thằng Mõ đứng ra nhận là đã ăn ngủ với nó. Cái Vịnh được tha với điều kiện thằng Mõ phải nộp sáu quan tiền phạt để được lĩnh nó về.

"Năm chục roi", "sáu quan tiền" có lẽ là những mức phạt được quy định trong hương ước của làng Phú Mỹ. Hương ước là những văn bản ghi lại điều lệ, quy ước liên quan đến tổ chức và đời sống sản xuất và xã hội trong làng. Hương ước của làng Thiện Kỵ, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, lập năm 1844, quy định: "Nếu con gái chưa chồng hoang dâm thì phạt tiền 20 quan và cạo đầu, cha mẹ cũng bị phạt 3 quan. Sau khi đẻ con được 100 ngày người con gái hoang dâm đó còn bị phạt 30 roi. Người đàn ông thông dâm cũng bị phạt 3 quan tiền và 50 roi (…) Tiền dâm hậu thú thì phải phạt 4 quan. Trường hợp loạn luân, hay tái phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn."

Xã Mỹ Phong, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, được lập năm 1901, thì đưa ra những hình phạt nhẹ hơn về mặt tài chính và thể xác, chỉ 12 quan tiền và 10 roi cho "phụ nữ gian dâm" cùng 3 quan tiền phạt người nhà. Tuy nhiên, sự trừng phạt tinh thần thì ở mức cao hơn nhiều: người phụ nữ sẽ bị "trói giải đi bêu các ngõ" và "không được cùng ngồi, cùng đi, cùng chuyện trò với người khác."

Đó là các quy ước của làng xã, còn luật của nhà nước phong kiến thì sao? Bộ Luật Hồng Đức, được ban bố lần đầu trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đưa ra năm hình phạt (ngũ hình).

Hình phạt nhẹ nhất là xuy, tức là đánh roi, từ 10 tới 50 cái, có thể kèm phạt tiền, áp dụng cho cả nam và nữ. Nặng hơn một bậc là trượng, hay đánh bằng gậy, từ 60 tới 100 trượng, chỉ dành cho nam.

Mức tiếp theo là đồ, tức là làm nghĩa vụ phục dịch, nhẹ thì ở nơi nuôi tằm, nặng thì ở đồn điền nhà nước. Đi kèm là các mức đánh trượng khác nhau. Cũng ở mức này, lần đầu tiên hình phạt thích xuất hiện. Thích là xăm. Nam bị thích từ hai tới bốn chữ vào mặt, nữ bị thích vào cổ.

Trên đồ là lưu, tức là đày đi xa, tới châu gần (Nghệ An), châu ngoại (Quảng Bình), hay châu xa (Cao Bằng), kèm với đánh trượng và đeo xiềng. Bị đày đi châu gần thì bị thích vào mặt 6 chữ, châu ngoại là 8 chữ và viễn châu là 10 chữ.Cuối cùng, hình phạt cao nhất là tử, xử tử, qua các hình thức như chém đầu (trảm), thắt cổ (giảo), hay tùng xẻo (lăng trì).

Thíchđược duy trì cho tới tận 1815, khi bộ Luật Gia Long của thời nhà Nguyễn ra đời và được áp dụng thay cho bộ Luật Hồng Đức. Luật Gia Long cũng bỏ lăng trì (tùng xẻo), hình thức trừng phạt dã man nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam.

Người ta thích những chữ gì lên mặt hay cổ của người phạm tội? Quê quán của phạm nhân, loại tội, mức độ phạm tội của anh ta? Tám tới mười chữ sẽ thành một hồ sơ pháp lý ở trên mặt? Nhưng bất kể chữ gì, người bị thích không khi nào có thể che giấu quá khứ của mình. Trong trường hợp này, cái nhục là vĩnh viễn.

Lịch sử làm nhục: … sang Tây

Vào thế kỷ thứ 8, Nhật Bản tiếp thu luật hình sự Trung Quốc với năm loại hình phạt mà Việt Nam phong kiến cũng sử dụng: phạt roi, phạt gậy, lao động khổ sai, đi đày và xử tử. Sau này, các hình phạt làm nhục thuần túy như bắt diễu ngoài đường hay phơi mặt trước công chúng cũng hay được sử dụng. Năm 1796, trong một vụ đi tuần ở khu đèn đỏ ở Tokyo, người ta bắt hơn 70 tu sĩ và phơi mặt họ trước công chúng trong ba ngày, sau đó đuổi họ khỏi thànhphố.

Những cuộc diễu hành làm nhục ở Triều Tiên vào thế kỷ 17 được một du khách châu Âu thuật lại như sau: "Nếu một người đàn ông độc thân bị phát hiện trên giường của một phụ nữ đã có gia đình, anh ta bị lột trần chỉ còn quần đùi, mặt bôi đầy chanh, mỗi tai bị đóng một mũi tên, lưng buộc một cái trống nhỏ, và người ta đánh trống trong lúc giải anh ta trên đường phố. Sự trừng phạt kết thúc khi anh ta bị đánh 40 hay 50 gậy trên mông trần, nhưng người phụ nữ thì được phép mặc quần lót khi bị đánh."

Một "sáng kiến" phổ quát của các xã hội là cái gông. Ở châu Âu từ thời Trung cổ cho tới giữa thế kỷ 19, tội phạm bị gông và bêu giữa chợ. Thoạt tiên dụng cụ này được sử dụng cho những tội nhỏ như bán thịt thiu, hay làm bánh mì nhỏ hơn cỡ quy định, rồi vào thế kỷ 15 và 16 cho các tội lớn hơn liên quan tới đạo đức như ngoại tình và báng bổ thánh thần. Người bị gông có thể trong tư thế đứng, cổ và tay đóng trong gông, để công chúng ném táo thối và xác mèo; hoặc anh ta bị xích cổ rồi nối với còng chân, xích ngắn khiến người bị xích luôn phải ở trong tư thế lom khom. Đã bị gông nơi công cộng là bị mất danh dự và làm nhục khôn tả, tới mức "không ai muốn mời người đã từng bị gông ngồi vào bàn ăn cùng." Những người này không những bị coi như vô đạo đức và đồi bại, mà còn mắc tội làm mất thanh danh của cả một khu phố và giáo xứ.

Ở Trung Quốc, từ thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, và các nước Đông Á và Đông Nam Á khác (trong đó có cả Việt Nam), gông di động (tức là không được đóng xuống đất) hay được sử dụng. Trên mặt gông có thể có dán giấy cung cấp thông tin về tội ác và phạm nhân. Sự khốc liệt của loại gông này nằm ở chỗ tuy hai tay của nạn nhân có thể tự do, nhưng cái gông cồng kềnh như mặt một cái bàn nhỏ khiến họ không tự đưa thức ăn lên miệng được, và vì thế dần dần chết đói nếu không có người qua đường hay người nhà cho ăn.

Đóng một vết nhơ lên mặt người phạm tội cũng không phải "phát minh" của riêng các vua chúa Việt Nam; ở châu Âu, nó là một hình phạt phổ biến, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại.Trong tiếng Anh, động từ stigmatize, kỳ thị, bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ, stigma, và có nghĩa là dấu bỏng bởi sắt nung. Theo nhà triết học Marta Nussbaum, người ta chọn khuôn mặt của phạm nhân để đóng sắt nung lên, không những vì đó là chỗ dễ nhìn thấy nhất, mà còn vì đó là nơi chứa đựng nhân tính và tính cá nhân của người đó.

Không chỉ những người phạm luật bị đóng dấu, mà còn là những người nô lệ, những kẻ lang thang hay thuộc về một thiểu số tính dục hay tôn giáo nào đó. Ở thế kỷ 16, những người Đức không chịu gia nhập Công giáo bị đóng sắt đỏ một chữ thập vào trán. Ở Pháp, người ta không đóng dấu loại tội, mà hình phạt, ví dụ TFP (travaux forcés à perpetuité - lao động khổ sai cả đời). Hình thức nay kéo dài tới tận 1832. Ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, những người bị buộc tội ngoại tình bị đóng chữ A vào ngực. Chữ D được dùng cho tội say rượu và chữ B cho tội báng bổ Chúa.Những người nô lệ thường bị đóng sắt nung đỏ vào bàn tay, vai, mông hay má.Chủ nô lệ truy tìm nô lệ chạy trốn bằng những dấu nung này như người ta tìm gia súc bị mất. "Tôi đốt chữ M vào má trái của cô ta," một chủ nô lệ mô tả kẻ tẩu thoát như vậy.Một chủ nô lệ khác, vào năm 1848, mô tả nô lệ chạy trốn của mình "cô ta có một vết sắt nung trên ngực, trông giống như chữ L."

Ở Anh, theo luật quản lý những người lang thang của năm 1547, những người lang thang và người Digan bị đóng chữ V lên ngực. Nô lệ chạy trốn bị đóng chữ S lên trán hoặc má. Tác giả Alexander Smith mô tả một vụ đóng sắt nung:

"Một đạo luật có hiệu lực tới năm 1822 yêu cầu kẻ cắp bị đóng dấu bằng sắt nung đỏ ởchỗ "nhìn thấy rõ nhất ở má trái, gần mũi nhất"… Hình phạt được tiến hành dưới sự trông coi của một quan tòa, và sau khi xong việc, người được giao việc ấn cái sắt vào má tội phạm để tạo ra một chữ T lớn ("thief" - kẻ cắp), sẽ xướng lên "Một cái dấu ra trò,thưa ngài,"mặc dù ấn mạnh hay nhẹ là phụ thuộc vào nắm tiền mà thủ phạm đã nhét vào tay anh ta trước đó."

Làm nhục thời hiện đại

Làm nhục, ở nơi công cộng hay trước tập thể cơ quan, tiếp tục được thực hành thường xuyên trong nửa sau của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trong Cát bụi chân ai, hồi ký in năm 1993 của nhà văn Tô Hoài, tác giả hồi tưởng lại chuyện xảy ra với nhà thơ Xuân Diệu. Trong một thời gian dài, Tô Hoài và Xuân Diệu sống với nhau, đi công tác với nhau, nói chuyện thơ văn với người dân cùng nhau. Xuân Diệu mê con trai. Trong truyện, Tô Hoài mô tả những đêm Xuân Diệu tìm đến mình một cách say mê, khi hai người ở Tam Đảo.

Cuối cùng, các hành vi của Xuân Diệu bị chính thức đưa ra cơ quan. Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối. "Cả cơ quan họp đến khuya," với sự tham gia của tất cả mọi người, trừ nhà văn Phan Khôi "vẫn đi ngủ từ chặp tối, bỏ ngoài tai mọi việc."

"Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Không biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, những thằng Đại, thằng Đắc, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà, chứ có phải một mình Xuân Diệu đâu. Không nói cụ thể việc ấy nhưng ai cũng to tiếng, to tiếng gay gắt nghiêm trang phê phán tư tưởng tư sản, tư tưởng tư sản xấu xa phải chừa đi. Xuân Diệu nức nở nói đấy là tình trai của tôi... tình trai...! rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì cả."

Xuân Diệu nhận một vết "thích" vô hình trên mặt. Cuộc làm nhục công cộng biến ông thành một người khác. Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ.

"Từ đấy không ai nhắc nhở đến những việc chủ chốt ở ban thường vụ trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người có thì giờ chỉ chuyên đi vàviết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác."

Giáo dục đạo đức thông qua làm nhục công cộng vẫn là một triết lý được chính quyền thực hiện sau 1975 cho tới thời kỳ Đổi Mới. Đầu thập kỷ 1980, nhạc vàng, "nhảy đầm", tóc dài, quần loe, áo đuôi tôm bị cấm vì không phù hợp với "nếp sống văn minh". Nhiều người bị các đoàn viên hay công an giữ lại và cắt quần, cắt tóc giữa đường.Trong một bức ảnh không rõ nguồn, người ta thấy một thanh niên tóc dài trùm tai, đầu cúi gằm, hai tay để sau lưng, dường như là bị trói, bị áp giải diễu phố. Trước ngực, anh ta đeo một cái biển lớn đề tên mình và ở dưới là "MÊ NHẢY ĐẦM". Đi sau một đoạn ngắn là bốn người bộ đội mặc quân phục, vây xung quanh là một lũ thiếu niên và trẻ con.

Cũng với cách thức tương tự như vậy, ở Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, những người phụ nữ bị buộc tội giao du, ăn nằm với lính Đức Quốc xã trong thời gian Pháp bị chiếm đóng (người ta gọi họ là những "cộng tác viên nằm ngửa"), bị cạo trọc đầu, vẽ dấu chữ thập lên trán và má, rồi diễu qua các phố. Đám đông đàn ông, phụ nữ, trẻ em thích thú rùng rùng kéo theo. Ước chừng có gần 20 nghìn người phụ nữ đã bị đối xử như vậy.

Cắt tóc là một biện pháp kinh điển để tước đi tính cá nhân của một bản thể, nó được thực hành với tù nhân, với những người ngoại tình ở Việt Nam thời phong kiến, với những thanh niên thích nhạc punk ở bang Aceh ở Indonesia hiện nay. Ở Trung Quốc người ta dùng hình phạt này từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Ở Nhật Bản, người phạm tội ngoại tình hay hiếp dâm bị cạo nửa đầu, để tránh bị nhầm với nhà sư.

"Bôi nhựa và dính lông" là một biện pháp họ hàng với cạo đầu bôi vôi nhưng kinh khủng hơn nhiều lần. Biện pháp làm nhục và tra tấn này được nhắc tới lần đầu ở Anh vào thế kỷ 12, và được sử dụng ở châu Âu và Bắc Mỹ cho tới tận đầu thế kỷ 19.Người ta đổ hắc ín hay nhựa thông nóng lên người nạn nhân trần truồng rồi bắt lăn qua lông chim để trở thành một con gà khổng lồ trước khi bắt đi diễu phố trong đau đớn.

Ngày nay, làm nhục công cộng vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia. Công an Trung Quốc thường xuyên bắt các cô gái bán dâm diễu hành trên phố. Họ đồng loạt mặc áo khoác vàng, tay đeo còng số tám giằng vào nhau, đầu cúi gằm. Hai bên đường là hàng nghìn người dân ồ à, các phóng viên chạy đằng trước bấm máy ảnh tanh tách.

Hơn một thập kỷ trước, ông Alfredo Lim, thị trưởng Manila, Phillipines, cho xịt sơn đỏ lên 200 căn nhà của những người bị buộc tội buôn bán chất cấm nhưng chưa bị kết án. Nhiều địa phương khác noi theo.

Phạt bằng roi vẫn thường xuyên được tổ chức ở bang Aceh, Indonesia để trừng phạt những người mắc tội chơi bài, ngoại tình, hay độc thân mà ngồi với người khác giới. Trong những bức ảnh trên báo, người ta có thể thấy trẻ em chen chúc trong đám đông, mọi người lăm lăm smartphone trên tay. Trước kia, luật không cho phép người quật roi vung tay quá vai, nhưng đã được đổi vào năm 2013, nhằm để có những cú quật đau hơn. Trước mỗi roi, đám đông reo hò cổ vũ người cầm roi như cổ vũ một võ sĩ quyền Anh, và tỏ ra thất vọng khi thấy số roi "không thích đáng".Nhiều nạn nhân bất tỉnh và phải được cáng tới xe cứu thương, không rõ vì đau đớn thể xác hay áp lực tinh thần.

Gần đây nhất, ở Việt Nam, một nữ học sinh bị bắt đeo biển "Tôi là người ăn trộm" đứng trước cửa hiệu sách. Một người đàn ông ăn trộm gà quần áo tả tơi bị trói giật cánh khuỷu, ngồi bệt, mồm ngậm một cái chân gà. Trải qua các thế kỷ, dường như phản xạ chà đạp lên nhân phẩm của người phạm chuẩn và niềm tin vào tính chính danh của các hình thức trừng phạt mang tính lăng nhục vẫn dai dẳng tồn tại. Chỉ có hình thức làm nhục công cộng đã thay đổi, những trận đòn giữa chợ không mất đi, chúng được bổ sung bằng những trận ném đá trên mạng. Vết xăm trên mặt được thay thế bởi vết nhơ online. Nhưng có một điểm không thay đổi, chúng tồn tại như một lời mời cho kỳ thị và định kiến.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Óc thực tế giúp người Việt thành công xứ người?


Tôi rất thích đầu óc thực tế của anh. Có lẽ, người Việt, bằng đầu óc thực tế như thế mà đã dần dần thành công, và trụ lại được ở xứ người.
Nhớ ngày 30-4-1975, sáng sớm tôi đang ngủ vùi trong ký túc xá sinh viên Żwirki i Wigury ở Warsaw, bỗng bạn bè Ba Lan và các nước kéo đến đập cửa ầm ầm, hòa bình cho Việt Nam rồi. Chúng tôi ôm nhau trong nước mắt. Trong niềm vui vô bờ đó, có lẽ chưa ai hình dung được con đường hòa giải sau chiến tranh còn phải đi tiếp.
Kể từ ngày ấy, một đứa trẻ sinh ra, nay đã ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc – tuổi 40 hiểu mọi sự lý trong thiên hạ", phân biệt được phải trái, hiểu được ai là người tốt hay xấu, biết việc nên làm hay không.
Đầu óc, thực tế, người Việt, thành công, xứ người, Hiệu Minh, Lê Vũ, Nguyễn Thái Bình
Anh Lê Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: Hiệu Minh
Năm nay kỷ niệm 30/4 có ý nghĩa đặc biệt. 40 năm tròn, những thành quả kinh tế, GDP tăng ổn định và hướng đi hội nhập là rất rõ ràng. Nhưng nỗi lo cho một đất nước phát triển, kinh tế- văn hóa- xã hội cần chấn hưng để đi lên cũng lại rất ngổn ngang.
Mấy tháng trước, nhà tôi tiếp anh Lê Vũ, phu quân của chị Hoàng Thanh Hà, người “trong mộng một thời” của anh Nguyễn Thái Bình. Anh kể vui, 07 tuổi theo cha mẹ di cư vào Nam. Năm 1975, VNCH thua trận, số phận lênh đênh đưa anh sang Mỹ. Trước đó, hai người cưới nhau được đúng một tuần trước ngày 30/4, ngày mà chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lâp.
Anh trai của anh Vũ là tướng Lê Nguyên Khang từng chỉ huy QLVNCH và Lê Anh Tuấn đã tử thủ khi Sài Gòn sụp đổ. Ba của chị Thanh Hà là nghị sỹ quốc hội Sài Gòn.
Cả hai gia đình ra khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Anh chị thỉnh thoảng trở lại thăm đất nước, về thăm  phố cũ, nhà xưa, dù nay đã có người khác ở. Giờ đây, Sài Gòn xưa của anh chị, t/p Hồ Chí Minh hôm nay, có nhiều đổi thay quá. Và như một lẽ thường tình, cây có cội nước có nguồn, anh chị vẫn thường xuyên về Việt Nam, giúp đỡ bà con thân thuộc bằng khả năng của mình.
Từng là giám đốc bưu điện Sài Gòn trước đây, rất thạo về công nghệ thông tin, anh Lê Vũ từng giúp Tổng cục Bưu Điện (TCBĐ - Bộ Thông tin & Truyền thông bây giờ) về những xu hướng công nghệ mới, gặp Thứ trưởng Mai Liêm Trực bàn về chính sách mở cửa internet.
Cổng internet đầu tiên 24/7 mở với thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng do anh Lê Vũ chỉ đạo tôi lắp đặt, mất rất nhiều công sức làm việc với anh Lê Nam Thắng ở bên VTI để kết nối qua bao cổng tại nhiều quốc gia trước khi đến Hoa Kỳ. Sau này WB có dự án đào tạo từ xa, chính anh tác động giúp tiền bạc hàng triệu đô la cho trung tâm Thông tin tại Hà Nội và Sài Gòn. Hiện hai trung tâm vẫn đang hoạt động.
Đầu óc, thực tế, người Việt, thành công, xứ người, Hiệu Minh, Lê Vũ, Nguyễn Thái Bình
Anh chị Lê Vũ - Thanh Hà và cộng đồng người Việt bên Mỹ. Ảnh: Hiệu Minh
Hồi đó (1998) anh Triệu bên Tổng cục Bưu điện nhờ anh Lê Vũ giúp cho cô gái rượu sang Mỹ du học từ lớp 11 trước khi vào đại học. Với tư cách công dân Mỹ, anh chị Lê Vũ đã bảo lãnh, dù chẳng quen thân gia đình anh Triệu. Anh bảo, trông cháu gái thông minh, nhanh nhẹn, thế nào cũng nên người.
Hồi mới sang, chân ướt chân ráo, anh chị lo cho cháu cả năm trời. Khi cháu vào đại học mới thôi. Tôi sang Mỹ cũng do anh Lê Vũ giúp, từ đường đi nước bước. Thời gian 11 năm công tác bên Mỹ, nếu tôi có đôi chút thành đạt xứ người là do anh thân tình chỉ bảo. Có lần tôi định về Việt Nam, anh cười, thời toàn cầu hóa rồi, cứ đi xa sẽ học được nhiều.  
Anh tâm sự, khi chưa làm được việc lớn, hãy làm những việc nhỏ trước. Tôi rất thích đầu óc thực tế của anh. Có lẽ, người Việt, bằng đầu óc thực tế như thế mà đã dần dần thành công, và trụ lại được ở xứ người. Nhưng đôi khi nỗi nhớ nước, hiện tình đất nước có gì đó khiến lòng những người Việt như anh Lê Vũ day dứt.
Điều anh Lê Vũ băn khoăn là khi nhìn vào thế hệ người Việt thứ 02, thứ 03 sống ở nước ngoài, lớn lên nói tiếng Mỹ hoàn toàn, và dường như không biết nói tiếng Việt. Thế hệ đó và những thế hệ sau có tri thức toàn cầu, có trình độ và tầm nhìn liệu sẽ giúp đất nước Việt Nam, giúp quê hướng xứ sở của họ nếu họ còn cảm thấy mảnh đất này luôn gắn bó.
Nếu họ coi Việt Nam là một đất nước nào đó xa xôi như Senagal, Algeria hay Đông Timor như bất kỳ đứa trẻ nào bên Mỹ thì chẳng có lý do để các cháu quay về nơi cha mẹ, ông bà, từng sinh ra và lớn lên.
Thấy gia đình tôi hay đưa các cháu về hè tại Việt Nam, anh chị vui lắm. Anh bảo, đó là cầu nối tương lai của các cháu, dù không hề đơn giản khi bay qua nửa bán cầu về thăm bà ốm trước khi mất, bởi phải sắp xếp từ chuyện học hành của các cháu, đến công việc của bố mẹ và cả kinh tế cũng khá nặng bởi giá vé đâu có rẻ.
Nhớ chuyên vui về họa sỹ Picasso và bức tranh có con chim trong bể nước và con cá trong lồng. Có người hỏi tại sao ngược đời như thế, ông bảo, trong sự hòa hợp, tất cả đều có thể xảy ra.  
Khi nghĩ về ngày 30-4, nếu ai còn day dứt, băn khoăn, hãy bắt đầu như anh Lê Vũ đã làm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng ở World Bank rằng, hôm qua không thể thay đổi, ngày mai chưa biết thế nào, nhưng hãy sống thật tốt đẹp cho ngày hôm nay.
Không làm được điều đơn giản đó, thì dù ở tuổi 40 hay cao hơn, cũng chỉ là đứa trẻ lơ mơ về khái niệm "tứ thập nhi bất hoặc”, không biết việc gì cần làm, lúng túng tới mức không phân biệt nổi phải trái, mà người xưa từng nói đến từ mấy ngàn năm trước.
Hiệu Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho 27 nhà giáo Công an


Sau khi clip tướng Trương Giang Long nói chuyện tại “Lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn năm 2016”, bị rò rĩ trên mạng, có quá nhiều tin vịt được tung ra  trên mạng xã hội, như: “Công an hỗn chiến quân đội vì vụ bắt tướng Trương Giang Long?“; “Thiếu tướng Trương Giang Long đột ngột biến mất sau khi bị lộ clip tuyệt mật?“; “Sự Kiện Mất Tích [của] Thiếu Tướng CA Trương Giang Long“; “Vì Sao Thiếu Tướng CA Trương Giang Long Mất Tích“; “Thiếu tướng Trương Giang Long bị Tổng cục 2 triệu tập thẩm vấn do có dấu hiệu tự chuyển hoá“…
Đáng tiếc là những tin vịt này được tung ra từ các blogger “lề trái”, lại được rất nhiều độc giả đón nhận. Thế nhưng, vài ngày trước, báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, ông Trương Giang Long là một trong năm người, được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân!
Nhưng tin vịt về tướng Trương Giang Long vẫn được một số blogger tiếp tục phổ biến. Các blogger này còn ngụy tạo ra hình ảnh tướng Trương Giang Long đang ở phía sau song sắt nhà tù! Thiết nghĩ, trang Ba Sàm cần đăng lại thông tin dưới đây, để quý độc giả nhận ra, những thông kia chỉ là tin vịt.

Đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho 27 nhà giáo Công an

Hà Phương
3-4-2017
Tướng Trương Giang Long, một trong năm người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ảnh: internet
ANTD.VN -Danh sách 27 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục CAND đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2017.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 28/3/2017, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã đăng tải danh sách các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) năm 2017 để lấy ý kiến nhân dân.
Danh sách các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT Bộ Công an năm 2017 như sau:
Đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân: 05 nhà giáo
1/ Thiếu tướng GS.TS Trương Giang Long, sinh năm 1955, quê quán Nga Sơn, Thanh Hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND.
2/ Thiếu tướng GS.TS Bùi Trung Thành, sinh năm 1956, quê quán Lâm Thao, Phú Thọ, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân.
3/ Thiếu tướng GS.TS Lê Minh Hùng, sinh năm 1959, quê quán Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân.
4/ Đại tá Tiến sĩ Lê Bá Thịnh, sinh năm 1958, quê quán Đông Sơn, Thanh Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I.
5/ Đại tá Tiến sĩ Vũ Văn Thiết, sinh năm 1957, quê quán Gia Bình, Bắc Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân III.
Đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú: 22 nhà giáo
1/ Thượng tá PGS.TS Nguyễn Trường Thọ, sinh năm 1975, quê quán Đồng Hới, Quảng Bình, chức vụ Trưởng khoa, Học viện An ninh Nhân dân.
2/ Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1963, quê quán Vụ Bản, Nam Định, chức vụ Trưởng bộ môn, Học viện An ninh Nhân dân.
3/ Đại tá PGS.TS Vũ Trung Quý, sinh năm 1958, quê quán Quỳnh Phụ, Thái Bình, chức vụ Phó Trưởng bộ môn, Học viện An ninh Nhân dân.
4/ Đại tá PGS.TS Mai Quang Hiện, sinh năm 1959, quê quán Hải Hậu, Nam Định, chức vụ Phó Trưởng bộ môn, Học viện An ninh Nhân dân.
5/ Đại tá PGS.TS Phạm Thành Hương, sinh năm 1961, quê quán Ý Yên, Nam Định, chức vụ Trưởng khoa, Học viện An ninh Nhân dân.
6/ Đại tá PGS.TS Ngô Trọng Thanh, sinh năm 1959, quê quán Duy Tiên, Hà Nam, chức vụ Trưởng khoa, Học viện An ninh Nhân dân.
7/ Đại tá GS.TS Nguyễn Minh Đức, sinh năm 1969, quê quán Vũ Bản, Nam Định, chức vụ Viện trưởng, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
8/ Thiếu tướng PGS.TS Đặng Văn Đoài, sinh năm 1960, quê quán Tứ Kỳ, Hải Dương, chức vụ Hiệu trưởng, Trường Đại học An ninh Nhân dân.
9/ Đại tá PGS.TS Võ Hồng Công, sinh năm 1962, quê quán Nghi Lộc, Nghệ An, chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học An ninh Nhân dân.
10/ Đại tá PGS.TS Trần Văn Tỵ, sinh năm 1959, quê quán Vụ Bản, Nam Định, chức vụ Trưởng khoa, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân.
11/ Đại tá PGS.TS Vũ Đức Trung, sinh năm 1959, quê quán Thanh Hà, Hải Dương, chức vụ Trưởng phòng, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân.
12/ Đại tá PGS.TS Vũ Văn Bình, sinh năm 1958, quê quán Đông Sơn, Thanh Hóa, chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.
13/ Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Xã Hội, sinh năm 1959, quê quán Quảng Trạch, Quảng Bình, chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.
14/ Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Văn Căn, sinh năm 1969, quê quán Hoằng Hóa, Thanh Hóa, chức vụ Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND.
15/ Thiếu tướng PGS.TS Ngô Cao Khải, sinh năm 1953, quê quán Hà Trung, Thanh Hóa, chức vụ Sỹ quan kéo dài tuổi phục vụ, Học viện Quốc tế.
16/ Đại tá Tiến sĩ Trần Văn Toanh, sinh năm 1956, quê quán Duy Tiên, Hà Nam, chức vụ chức vụ Sỹ quan kéo dài tuổi phục vụ, Học viện Quốc tế.
17/ Trung tá Tiến sĩ Lê Xuân Thủy, sinh năm 1977, quê quán Thanh Ba, Phú Thọ, chức vụ Trưởng khoa, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I
18/ Thượng tá Tiến sĩ Trần Nam Thắng, sinh năm 1976, quê quán Từ Sơn, Bắc Ninh, chức vụ Trưởng phòng, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I.
19/ Trung tá Thạc sĩ Nguyễn Văn Chuẩn, sinh năm 1978, quê quán Ý Yên, Nam Định, chức vụ Trưởng bộ môn, Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân I.
20/ Trung tá Tiến sĩ Nguyễn Như Đương, sinh năm 1977, quê quán TP Nam Định, Nam Định, chức vụ Trưởng bộ môn, Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân I.
21/ Đại tá Thạc sĩ Võ Hữu Canh, sinh năm 1960, quê quán Đô Lương, Nghệ An, chức vụ Hiệu trưởng, Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang.
22/ Đại tá Tiến sĩ Cao Đăng Nuôi, sinh năm 1958, quê quán Thạch Hà, Hà Tĩnh, chức vụ Hiệu trưởng,  Trường Trung cấp CSND V.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thỏ, Rắn Độc và lòng nhân đạo ngu dốt



Một ngày đẹp trời Ku Búa va Ngọc Nhi vì quá nóng nên quyết định đi tắm ao. Khi tới thì thấy mọi người đang sồn sồn không hiểu vì sao. Hóa ra là có người đang chết đuối: một con Thỏ và một con Rắn Độc. Giờ làm sao đây? Cứu ai đây? Thế là Ku Búa và Ngọc Nhi lại cãi lộn.
 
Em Ngọc Nhi nói mình phải cứu con thỏ và con Rắn Độc vì 2 con đều bình đẳng như nhau, không được phân biệt đối xử. Nghe xong anh Ku Búa liền nói: “Nói vậy đâu được, lúc đó con Rắn Độc đang làm gì? Nó đang tìm cách ăn con Thỏ. Nếu cứu con Thỏ và Rắn Độc thì con Rắn Độc sẽ giết con Thỏ, kết quả là mình hại cả 2. Mình chỉ nên cứu con Thỏ thôi còn con Rắn Độc thì mặc kệ. Đã là Rắn Độc thì mãi là Rắn Độc, bản chất không thay đổi.”
 
Em Ngọc Nhi nghe xong phán: “Thằng Ku Búa này phân biệt đối xử, đồ kỳ thị chủng tộc.” Sau đó em Ngọc Nhi bơi xuống ao cứu con Rắn Độc. Anh Ku Búa thì bơi xuống cứu con Thỏ. Sau khi hô hấp nhân tạo cho con Thỏ và Rắn Độc thì 2 con bắt đầu thức tỉnh.
 
Con Thỏ tỉnh dậy thấy Ku Búa nó nói: “Anh Ku Búa ơi, hồi nãy em đang đi chơi thì con Rắn Độc nó chạy xe ăn thịt em. Em sợ quá nên bơi xuống ao. Ai dè nó bơi theo rồi cả 2 chết đuối. Cứu em với anh yêu ơi.” Nói xong con Thỏ khóc không ngừng. Nó nhìn sang bên cạnh thấy con Rắn Độc nó hoảng sợ rồi ôm chặt Ku Búa. Anh Ku Búa nói: “Không sao đâu em, đừng lo, đã có anh Búa.”
 
Còn con Rắn Độc sau khi tỉnh dậy thấy em Ngọc Nhi thì ngay lập tức cắn em Nhi một cái. Em Ngọc Nhi bị nhiễm độc và đau đớn liền chửi: “Nè, sao em lại cắn chị? Chị đã cứu em mà?” Con Rắn Độc Nghe xong cười và nói: “Đồ ngu. Bà biết tôi là Rắn Độc mà vẫn cứu thì kệ bà chứ.” Nói xong nó cắn Ngọc Nhi cái nữa.
 
Em Ngọc Nhi hoảng sợ liền chạy tới ôm anh Ku Búa và hét: “Anh Ku Búa yêu ơi, đáng lẽ hồi nãy em nên nghe lời anh. Con Rắn Độc kia nó ác quá. Anh lấy cây chết mẹ nó đi anh.”
Anh Ku Búa làm vậy ngay lập tức. Sau khi đánh chết con rắn em Ngọc Nhi liền tặng anh Ku Búa một nụ hôn trên môi và nói: “Cảm ơn anh Ku Búa, từ nay về sau em sẽ coi Fox News và đọc Cafe Ku Búa. Em thề là sẽ tẩy chay tụi CNN và BBC. Giờ em đã hiểu ra chân lý rồi. Em yêu anh.”
 
Anh Ku Búa nghe xong liền mắc cỡ và im lặng……..
 
Đó là bài học về Thỏ, Rắn Độc và lòng nhân đạo ngu dốt. Giờ thay thế chứ Thỏ bằng người Việt tỵ nạn hay người Thiên Chúa Giáo, Rắn Độc thành người Hồi Giáo thì bạn sẽ hiểu vấn đề.
 
Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cặp đôi “siêu” đào tẩu!

>> Không được đụng vào vị trí xung yếu như Sơn Trà

>> Tôi bị điên rồi chăng?
>> 'Hot girl xứ Thanh' Quỳnh Anh đang ở đâu?
>> Mỹ sẽ hành động đơn phương đối với Bình Nhưỡng

Thế Lữ



























(Thanh tra)- Những ngày này dư luận râm ran về cặp đôi “trai tài, gái sắc” siêu đào tẩu. Đó là ông cựu “hội đồng” tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và “hot girl” xứ Thanh Trần Vũ Quỳnh Anh.

Giờ ông Thanh đang ở đâu vẫn chưa có lời đáp, mặc dầu các cơ quan chức năng của Việt Nam kiên quyết truy bắt bằng được. Việc cựu “hội đồng” “cao chạy xa bay” đang là vấn đề tiếp tục được làm rõ ai là kẻ tiếp tay. Những sai phạm có liên quan đến ông Thanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thi hành kỷ luật hai Thứ trưởng Bộ Công thương; Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm và Bí thư Tỉnh ủy tiền nhiệm của tỉnh Hậu Giang cùng “chịu án".

Trên lộ trình thăng quan tiến chức, bà Quỳnh Anh được bổ sung quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa. Thời điểm đó, ông Ngô Văn Tuấn là Giám đốc Sở Xây dựng, còn bây giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Vậy, đứng đằng sau ông Ngô Văn Tuấn là ai khi “hot girl” không thuộc diện “con, cháu của đồng chí nào”. Trí tuệ thì cũng chỉ là “học tại chức, tốt nghiệp loại trung bình”. 

Có điều, Quỳnh Anh là người phụ nữ nhan sắc! Đối với “trai tài” Trịnh Xuân Thanh thì người chống lưng đã lộ diện. Ông Vũ Huy Hoàng đã “đặt” ông Thanh lên ghế Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp. Từ “ghế nóng” này để rồi lên được bệ phóng tới đích xa hơn.

“Gái sắc” Quỳnh Anh cũng thoắt hiện thoắt ẩn trên đường quan lộ thần tốc: Sau một thời gian ngắn công tác tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng, được bổ sung quy hoạch Phó Giám đốc Sở. Khi vụ việc bị bại lộ thì hồ sơ gốc của “hot girl” cũng được xóa dấu vết một cách mau lẹ. Việc trả hồ sơ công chức cho bà Quỳnh Anh là sai về quy định tại Thông tư số 11 năm 2012 của Bộ Nội vụ. Tất cả các nước cờ tiến, lùi của người đẹp đều đã được những ai đó tính toán kỹ lưỡng, để rồi đẩy việc khó về phía cơ quan chức năng khi xác minh làm rõ tài sản khủng của người này. Nhiều người dân xứ Thanh đã chỉ ra một bờ vai - “đường đường một đấng anh hào” mà “hot girl” đã tựa vào bấy lâu nay. Lại có ý kiến cho rằng, “hot girl” là vợ bé nhưng lại là bồ lớn!

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận về những sai phạm ở Sở Xây dựng nhưng nhiều câu hỏi nóng vẫn chưa được làm rõ, đó là: Tài sản khủng của người đẹp được hình thành như thế nào? Bờ vai nương tựa ấy là ai? Có đúng là người mà dư luận đang đặt dấu hỏi? Sự thật có đúng là cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa không đủ tầm để giải quyết tất cả các vấn đề? Nếu đúng sự thật như vậy thì Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Một số cán bộ ở Thanh Hóa nói rằng, Thanh tra tỉnh biết rõ mười mươi, nhưng họ có đủ can đảm để làm không, đó lại là vấn đề khác. Bởi họ ngại đụng chạm, ngại “rút dây động rừng”…

Hiện giờ người đẹp ở đâu? Nhiều phóng viên vẫn đang săn tìm. Nếu con người có nhân thân đàng hoàng thì sao lại ẩn tung tích, lo ngại đối mặt với dư luận? Cổ nhân có câu “cây ngay không sợ chết đứng” cơ mà!

Câu chuyện của người đẹp xứ Thanh không dừng lại ở nội bộ xứ Thanh, khi nhiều vấn đề như nêu trên cần được làm rõ bởi có hiệu ứng lớn trong xã hội. Sẽ có nhiều tổ chức, cơ quan khác hỗ trợ giúp xứ Thanh trả lời đầy đủ, trả lời đúng những vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm. 

Chúng ta mừng vì cuộc chống tham nhũng của toàn dân đang bắt đầu quyết liệt và sẽ có hiệu quả.

Phần nhận xét hiển thị trên trang