Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Phong toả biệt thự triệu đô trên đỉnh Tam Đảo liên quan đến Trịnh Xuân Thanh


>> Áp giá sàn, dân nghèo hết mơ đi máy bay
>> Ăn hoa quả 'quý tộc': Nhà đại gia tráng miệng 70 triệu/tháng
>> Chính phủ cắt 100% việc khởi công, khánh thành để tiết kiệm


Tuấn Hợp – Mạnh Quân
Dân Trí - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT - Bộ Công an) đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phong tỏa biệt thự nằm trên đỉnh Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có liên quan đến bị can Trịnh Xuân Thanh, không để xảy ra giao dịch bất hợp pháp.

Phong toả biệt thự triệu đô liên quan đến Trịnh Xuân Thanh

Theo thông báo của cơ quan CSĐT (Bộ Công an), trong quá trình điều tra vụ án Trịnh Xuân Thanh về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, cơ quan điều tra xác định, Trịnh Xuân Thanh nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (Công ty CPVC) có liên quan đến biệt thự Mai Chi, chủ sở hữu là Cty Đầu tư TNHH Mai Phương (Công ty Mai Phương) do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch công ty.

Theo đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc khi phát hiện tổ chức, cá nhân nào có dấu hiện hoặc đề nghị xác nhận chuyển nhượng, giao dịch liên quan đến khu đất và biệt thự trên thì thông báo cho cơ quan công an thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hoặc cơ quan CSĐT Bộ Công an, phối hợp giải quyết; không để chuyển dịch bất hợp pháp biệt thự và khu đất nói trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, khu biệt thự Mai Chi có diệnt ích 3.400m2, được toạ lạc trên đỉnh cao nhất của thị trấn Tam Đảo. Vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng tại biệt thự này có thể nhìn thấy thủ đô Hà Nội.

Ngày 29/7/2016, Công ty Mai Phương đã đăng kí thế chấp khu biệt thự trên tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chi nhánh Vĩnh Phúc).

Ngày 15/9/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Ngày 20/10/2016, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc nhận được bộ hồ sơ đề nghị xoá đăng ký thế chấp của Công ty Mai Phương. Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an thị trấn Tam Đảo để xin ý kiến.

Theo ý kiến của Văn phòng Đăng kí đất đai, việc xoá thế chấp của Công ty Mai Phương không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của người sự dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.

Trịnh Xuân Thanh – Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch PVC – KB có quan hệ như nào?

Theo tài liệu của phóng viên Dân trí, thời điểm năm 2010, ông Đỗ Văn Hồng là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC – KB) và là Công ty con của PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Khi đó, ông Hồng đã làm thủ tục bán toàn bộ khu biệt thự 3.400m2 của Công ty PVC - KB cho Công ty Mai Phương, do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ của Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Công ty với giá “bèo” 23,8 tỉ đồng. Theo giới buôn bán bất động sản thì khu biệt thự này phải có giá đến vài triệu USD (tương đương với nhiều hơn giá giao dịch này theo cấp số nhân).

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Dân trí vào thời điểm tháng 10/2016, ông Đỗ Văn Hồng (lúc chưa bị khởi tố, bắt tạm giam) có thừa nhận đã bán khu biệt thự này cho Công ty Mai Phương nhưng với giá 28 tỉ đồng.

Điều này được chúng tôi đặt ra nghi vấnviệc ông Đỗ Văn Hồng vừa bị cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam, rất có thể liên quan đến trách nhiệm bán tài sản của PVC-Kinh Bắc cho gia đình của bố đẻ "sếp" Trịnh Xuân Thanh và làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, vụ án Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hơn 3.300 tỉ vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ. Tính đến nay, đã có 12 bị can bị khởi tố về các tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỖI CÒN LẠI MỚI NGUY

Bài đặc biệt: FORMOSA KHẮC PHỤC 52/53 LỖI, LỖI CÒN LẠI MỚI NGUY


FORMOSA ĐÃ KHẮC PHỤC 52/53 LỖI, 
NHƯNG LỖI CÒN LẠI MỚI LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY THẢM HỌA 
Nguyen Anh Tuan
Những ngày qua, báo chí đồng loạt dẫn lời các quan chức Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định rằng Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm bị phát hiện trước đó của họ. 

Con số này tạo cảm giác trong công chúng rằng Formosa đã tích cực sửa chữa sai lầm, từ đó ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối đề xuất của Bộ Tài nguyên Môi trường rằng: “Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành.” [1] Còn nhớ rằng tháng 11 năm ngoái khi trả lời Reuters, Phó Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trương Phục Ninh đã cho biết nhà máy dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong quý I năm 2017, nghĩa là không quá xa so với đề xuất trên đây của Bộ Tài nguyên Môi trường.[2]

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là, ngay cả khi Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi đúng như nhận định của Bộ Tài nguyên Môi trường, thì lỗi còn lại là gì? Tầm quan trọng của lỗi này ra sao? Vì sao tới nay vẫn chưa được khắc phục?

Các báo dẫn lời Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết hạng mục cần khắc phục còn lại là chuyển đổi từ công nghệ dập cốc ướt sang cốc khô - như cam kết ban đầu, sẽ chỉ được hoàn thành vào năm 2019. Không thấy Bộ Tài nguyên Môi trường hay các báo nói gì thêm về tầm quan trọng của lỗi này cũng như lý do nó chưa được khắc phục.

Không quá khó hiểu cho sự im lặng này, vì lẽ nếu Bộ Tài nguyên Môi trường nói ra sự thật rằng lỗi này là nguyên nhân chính gây ra thảm họa hồi năm ngoái dĩ nhiên công chúng sẽ phản đối đề xuất của Bộ cho Formosa hoạt động trở lại.

Báo cáo chính thức hồi tháng 7 năm ngoái của Bộ Tài nguyên Môi trường, tuy không được công khai nhưng không hiểu sao Reuters lại có trong tay, đã cho biết khi Formosa bị mất điện, xưởng xử lý nước thải đã ngưng hoạt động khiến nước thải có chứa chất độc từ quá trình luyện cốc ướt xả thẳng ra biển làm cá chết. Nếu Formosa luyện cốc khô như cam kết ban đầu, thảm họa đã không xảy ra vì công nghệ này không dùng đến nước. [3]

Reuters còn dẫn lời chuyên gia người Đức Friedhelm Schroeder được chính phủ Việt Nam mời lúc đó, nhận định rằng "Formosa lẽ ra phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất cốc ngay khi sự việc xảy ra” để ngăn chặn thảm họa. Đại diện của Formosa, theo Reuters, đã từ chối bình luận về nhận định này của chuyên gia Đức. [4]

Với câu hỏi còn lại là vì sao lỗi này chưa được khắc phục ngay mà phải chờ đến năm 2019, thì dù chưa có bên nào trả lời song cũng có thể đoán được ngay là bởi công nghệ cốc khô tốn chi phí cao hơn. Ngay từ đầu Formosa đã chủ động phá bỏ cam kết, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm hơn để tìm kiếm lợi nhuận từ việc tiết giảm chi phí xử lý chất thải, thì việc họ kéo dài thời gian chuyển đổi công nghệ lâu nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận là việc không có gì khó hiểu.

Điều khó hiểu duy nhất ở đây là dù kết luận Formosa sai phạm rành rành khi cố ý tráo công nghệ cốc khô (chi phí cao, ô nhiễm ít) sang cốc ướt (chi phí thấp, ô nhiễm nhiều) lúc xây dựng nhà máy, song không hiểu sao Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cho phép Formosa sử dụng công nghệ cốc ướt này đến hết năm 2019 mới phải thay đổi? Từ giờ tới lúc đó là 3 năm, sao lại chấp nhận một rủi ro lớn đến như vậy, trong khi kẻ làm sai là Formosa? Sao không yêu cầu Formosa làm đúng cam kết ban đầu mới được vận hành trong khi hoàn toàn có đủ lý lẽ để làm điều đó?

Tuy nhiên, nếu theo dõi toàn bộ quá trình ứng phó với thảm họa của chính quyền, điều khó hiểu trên cũng không còn khó hiểu nữa.


[1] http://baohatinh.vn/…/formosa-da-khac-phuc-52-53…/131525.htm

[2] [3] [4] http://www.reuters.com/…/us-vietnam-environment-formosa-pla…

Ảnh: Formosa Hà Tĩnh nhìn từ biển (Nguồn: Thanh Niên).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

NHỮNG BÀI THƠ VIẾT TRONG GIẤC NGỦ



Chưa chắc bạn đã tin?
Tôi thường làm thơ trong giấc ngủ
Những bài thơ khi thức dậy ngại ngần và e sợ
Trong đêm tối mênh mang
tôi chỉ có một mình..
Ban ngày lanh quanh
thơ bị nhốt trong chiếc lồng rất nhỏ
dấu dưới hầm sâu
để trong hộc tủ
khốn khổ như em gái vụng tình
Chỉ đêm khuya thơ mới thực tình thổ lộ
đi hết đoạn trường tình yêu..
Băng qua mắt diều, cú vọ,
băng qua lòng dạ hiểm sâu..
Chỉ tiếc khi tỉnh dậy
tôi không kịp ghi thơ viết gì?
nghĩ gì?
Lên não trạng đang bắt đầu sét gỉ của tôi..
lên trái tim đang dần hóa đá..
viết về thế giới này!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

KÍNH LẠY CỤ NGUYỄN VĂN HÙNG (VUA HÙNG) - thơ Nguyễn Danh Huế



LS Nguyễn Danh Huế

Kính lạy cụ Nguyễn Văn Hùng
Hôm nay giỗ cụ, tưng bừng khắp nơi
Ơn Đảng cháu được nghỉ ngơi :)
Nhân ngày giỗ cụ, khấn lời thành tâm
Cụ giờ đang ở cõi âm
Nhưng cháu biết cụ thâm tâm rất buồn
Nước ta có cội có nguồn
Thế mà đứa giỏi thích chuồn đi Tây


Dân đen lang bạt đó đây
Làm thuê, làm mướn biết ngày nào thôi?
Rừng vàng chúng phá tả tơi
Bao nhiêu gỗ quý bị xơi hết rồi



Biển bạc cũng cảnh ngậm ngùi
Cá tôm giờ chẳng biết chui chỗ nào
Nông nghiệp chẳng hiểu tại sao
Được mùa mất giá, giá cao mất mùa :(

Công nghiệp chắc cụ biết thừa
Đến con ốc vít cũng chưa thể làm
Giáo dục thì mãi làng nhàng
Thế còn y tế kinh hoàng cụ ơi


Cụ vào bệnh viện thử coi
Xem con cháu cụ nó chui gầm giường
Giao thông cũng rất thảm thương
Mỗi ngày nhiều mạng lên đường đi xa


Văn hoá của nước chúng ta
Vẫn đang lao xuống với đà rất nhanh
(Cụ xem clip học sinh
Chúng nó đánh đấm rùng mình cụ ơi)


Quan chức nhiều kẻ ăn chơi
Mặc cho dân chúng nhiều nơi bần hàn
Môi trường ô nhiễm tràn lan
Tham nhũng, lãng phí dân than quá rồi.


Giỗ cụ cháu gửi vài lời
Mong sao cụ ở trên trời thấu cho
Xin cụ giúp dân ấm no
Tự do, hạnh phúc đến cho mọi nhà


Bọn bán nước, bọn gian tà
Cụ hốt hết chúng về nhà cụ đi 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Các chuyên gia: Việt Nam ‘đề phòng’ về cuộc gặp Trump-Tập



Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp nhau hôm 6/4 ở Florida, Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/4 tại khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu cá nhân của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida.

Hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Trần Công Trục nhận định rằng khung cảnh không đặt nặng các thủ tục ngoại giao chính thức và trịnh trọng cho thấy đó sẽ là cuộc gặp để làm quen, thiết lập mối quan hệ trong không khí thân mật.

Mặc dù vậy, ông Hiệp và ông Trục tiên liệu lãnh đạo của hai cường quốc chủ chốt trên thế giới cũng sẽ vẫn bàn thảo một số vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Từ Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn 3 vấn đề chính là thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, thứ hai là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và thứ ba là vấn đề Biển Đông.

Đồng ý về dự báo của ông Hiệp, từ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, bổ sung thêm ông Trump và ông Tập còn có thể bàn thảo về nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.

Ngay sau khi đắc cử, đầu tháng 12 năm ngoái ông Trump đã làm Trung Quốc tức giận khi điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một động thái bị xem là phá vỡ chính sách đối ngoại Mỹ có từ năm 1979 chỉ công nhận một nước Trung Quốc.

Trong số các vấn đề đó, Biển Đông và kinh tế có liên quan với lợi ích thiết thân của Việt Nam.

  ... tôi nghĩ rằng hai nước lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào đó ...

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam
Nhìn vào cuộc thảo luận dự kiến về Biển Đông giữa hai ông Trump-Tập từ góc độ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục nói không phải là không có cơ sở để Việt Nam lo ngại về một thỏa thuận ngầm nào đó giữa hai nước lớn.

Ông điểm lại các sự kiện lịch sử như - theo lời ông - năm 1974 Mỹ “để cho” Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, hay năm 2012 Hoa Kỳ không có động thái gì sau khi Trung Quốc giành lấy bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, một đồng minh của Mỹ. Từ đó ông nêu ý kiến:

“Đã có những hiện tượng đó, và chắc chắn đối với người Việt Nam chúng tôi thì tôi nghĩ chắc rằng cũng đề phòng đến khả năng có những sự thỏa thuận vì cái lợi ích của họ. Những cái chuyện họ thỏa thuận là quyền của họ. Nhưng vấn đề là họ có làm được những điều đó không và ảnh hưởng lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực này không, đặc biệt là Việt Nam”.

So sánh mức độ quan tâm của Mỹ đến hai vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Tiến sĩ Trục, người có kinh nghiệm 30 năm làm việc ở Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá rằng Mỹ “lo lắng nhiều hơn” đến việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa so với tình hình Biển Đông. Trong khi ngược lại, Trung Quốc lại xem trọng Biển Đông. Đó có thể là lý do để Mỹ và Trung Quốc “bắt tay nhau” phân chia ảnh hưởng về hai vấn đề này. Tiến Trục phân tích:

“Biển Đông rõ ràng không phải là lợi ích, sự sát sườn đối với Hoa Kỳ. Mà họ chỉ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không. Mỹ mà có quan tâm, thì tôi cho rằng họ quan tâm đến cái khu vực Đông Bắc Á nhiều hơn là khu vực Biển Đông. Còn với Trung Quốc, họ muốn Biển Đông để vươn lên để mà tranh giành vị trí của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vươn lên trở thành ngang tầm hoặc thậm chí vượt Mỹ nữa. Nhưng vấn đề Triều Tiên cũng là vấn đề mà không phải là họ không gắn bó. Cho nên tôi nghĩ rằng hai nước lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào đó”.

  ... lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải, các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông ...

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng không có khả năng Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa thuận bí mật “có qua có lại” phân chia sự thao túng của họ đối với Biển Đông và Bắc Triều Tiên. Ông Hiệp nêu ra các lý do:

“Vấn đề Bắc Triều Tiên thì kể cả Trung Quốc có muốn nhường cho Mỹ thì Trung Quốc không dễ đạt được. Mặt khác, Biển Đông thì Mỹ có muốn nhường cho Trung Quốc cũng không thể thực hiện được, tại vì lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải, các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông, đấy là chưa kể tới sự cam kết hay lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có các quốc gia đồng minh của Mỹ”.

Trái với phỏng đoán của một số người rằng Mỹ, Trung sẽ có một thỏa hiệp nào đó, Tiến sĩ Hiệp dự báo căng thẳng Trung-Mỹ về Biển Đông “sẽ gia tăng” vì Mỹ không từ bỏ quyền lợi, trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi và không nhượng bộ trong vấn đề này.

Về Bắc Triều Tiên, vị tiến sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rõ thêm rằng Bắc Kinh “không có nhiều ảnh hưởng, không có nhiều sự kiểm soát” đối với Bình Nhưỡng như nhiều người vẫn nghĩ. Vì vậy, ông nói ngay cả khi Trung Quốc “có muốn giúp” Mỹ, Trung Quốc cũng “rất khó” có thể làm gì.

Chủ đề thương mại giữa nền kinh tế số 1 thế giới và đất nước đông dân nhất hành tinh cũng là mối quan tâm lớn của Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định tổng thống Trump sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập về giảm thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc và đem công ăn việc làm từ Trung Quốc về Mỹ, hai nội dung quan trọng ông Trump đã hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử.

Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá rằng ông Trump sẽ khó đạt được mục đích của mình:

“Tại vì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thì trong đấy có một phần đáng kể là của những công ty đa quốc gia, trong đấy có những công ty của Mỹ thiết lập nhà xưởng ở Trung Quốc. Cho nên, nếu hạn chế thương mại với Trung Quốc thì sẽ làm tổn thương, thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ là những đối tượng ông Trump đang muốn bảo vệ. Bây giờ có lẽ một biện pháp khả dĩ hơn là làm sao để xuất khẩu hàng của Mỹ sang Trung Quốc nhiều hơn để mà thu hẹp được thâm hụt thương mại đó. Tuy nhiên những lợi thế so sánh không cho phép Mỹ có thể xuất khẩu mạnh được sang Trung Quốc như là từ Trung Quốc sang Mỹ”.

Năm 2016, Mỹ chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 347 tỉ đôla. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là 116 tỉ đôla, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới 463 tỉ đôla.

Chỉ ít ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung, hôm 31/3 Tổng thống Mỹ đã ký hai lệnh hành pháp về điều tra gian lận thương mại và lý do làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ đôla mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm trong số 16 nước đó.

Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, song Washington nhấn mạnh hai sắc lệnh không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.

Thương mại Mỹ-Trump dự kiến sẽ là đề tài nóng trong cuộc gặp Trump-Tập

Trong trường hợp tổng thống Mỹ theo đuổi đường lối cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu Trần Công Trục và Lê Hồng Hiệp cảnh báo điều này sẽ có ảnh hưởng tiềm tàng đến Việt Nam. Tiến sĩ Trục nói:

“Mỹ mà thực hiện cái mà ông Donald Trump tuyên bố, rõ ràng nó có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đương nhiên với Trung Quốc là nước láng giềng sát với Việt Nam, với tất cả quan hệ kinh tế từ xưa đến nay, thì rõ ràng là Trung Quốc mà có những ảnh hưởng thì nó cũng có thể tác động đến Việt Nam. Với một nước như Trung Quốc, khi mà có khó khăn, có những khủng hoảng, thì chắc chắn điều đó nó cũng lôi kéo cả tình hình kinh tế khu vực và thế giới chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc”.

  ... nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ... họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt ...

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Về phần mình, Tiến sĩ Hiệp nói cụ thể hơn rằng Việt Nam sẽ khó có thể hưởng lợi được từ sự cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại:

“Một mặt, những mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ thì chưa chắc Việt Nam đã có đủ năng lực hoặc là có khả năng thay thế. Đấy là chưa kể những hàng hóa của Trung Quốc bị cấm là vì mục đích giảm nhập khẩu của Hoa Kỳ. Cho nên nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì họ sẽ thay vì là tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam, tôi nghĩ là họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt. Khả năng Việt Nam được hưởng lợi từ sự trừng phạt hay các hành động của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại thì tôi nghĩ là thấp, không đáng kể”.



Năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ hơn 29 tỉ đôla. Vị tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thận trọng cảnh báo rằng vào lúc Mỹ tìm cách giảm nhập siêu từ 16 nước trong đó có Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa khả năng để Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ thấp.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#1) - Nguồn gốc


tháng 4 05, 2017

       Việt Nam gốc cũ Hồng Bàng 
Vua là Lộc Tục, họ hàng Thần Nông 
       Lấy con gái của Thần Long 
Đẻ ra Sùng Lãm giống rồng hiển nhiên 
       Lớn lên cũng phải kết duyên 
Đế Lai liền gả gái hiền Âu Cơ 
       Chuyện tình tưởng đẹp như mơ 
Tự nhiên lại bắt Âu Cơ chịu đòn 
       Đẻ ra một bọc tròn tròn 
Một trăm quả trứng nở toàn con trai 
       Long Quân thấy thế thở dài 
Vò đầu bứt tóc, tính bài ly hôn 
       Năm mươi đứa phải lên non 
Còn năm mươi đứa mỏi mòn bể Đông 
       Con trưởng tức khắc được phong 
Nối ngôi lấy hiệu là Hùng mới hay 
       Dinh cơ đóng ở phía Tây 
Văn Lang quốc hiệu, đặt ngay tức thì 
       Kể ra cũng thật ly kỳ 
Sử gì mà lại lâm ly thế này 
       Kể ra còn lắm chuyện hay 
Tỷ như tuổi thọ toàn vài trăm năm 
       Hay chuyện chú bé bị câm 
Vươn vai đứng dậy, thành thần mới ghê 
       Vụ tranh công chúa càng phê 
Đánh nhau chí chóe, thắng về Sơn Tinh 
       Thủy Tinh đành mất vợ xinh 
Tản Viên từ đó rất linh mới tài 
       Kể ra chuyện rất là dài 
Tạm dừng để kiếm một vài cái viu. 

© 2013 Baron Trịnh 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet. 

Bài cùng chủ đề: 
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#1)- Nguồn gốc 
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#2)- Sơn Tinh Thủy Tinh 
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#3)- Phù Đổng Thiên Vương 
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#4)- Hùng Vương triều đại tổng kết


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai dám cả gan dùng quyền "phản ánh lên trên"?


31/03/2017  Các trường học đều luôn luôn nêu cao “quy chế dân chủ”, tuy nhiên hầu hết chỉ là “dân chủ hình thức”. Trong các phiếu đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm có một bản đánh giá mà trong đó giáo viên được phép không kí tên, tuy nhiên cũng chẳng ai dám nhận xét thật bởi vẫn còn có chữ viết của mình mà BGH hoàn toàn có thể lần ra. Và đa phần đều tìm cách để xác minh chủ của bản nhận xét là ai. Việc làm này thực sự không hề mang lại hiệu quả để đánh giá chính xác về BGH. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, hiện nay các văn bản quy định về dân chủ trường học là tương đối đầy đủ nhưng thực hiện dân chủ cơ sở trong các trường học chưa tốt đẹp như các báo cáo (Ảnh: Lê Văn)
Không ai phản đối


Trong tất cả các phiên họp, trong mọi công việc, ban giám hiệu (BGH) nhà trường luôn đưa ra trước hội đồng để bàn bạc rất “dân chủ”. Tuy nhiên vì cơ chế một thủ trưởng nên phần quyết định vẫn là hiệu trưởng, và điều đó là hiển nhiên.

Điều này không có gì phải bàn cãi, nhưng vấn đề cần nói ở đây là việc đóng góp ý kiến và việc tiếp thu ý kiến: Nếu ý kiến đưa ra hợp “lòng” thủ trưởng thì được tán thành, nhưng nếu ý kiến đưa ra trái chiều thủ trưởng thì gần như bị bác bỏ, thậm chí bị cho là ý kiến “phá đám”, “chống đối”… Từ đó sẽ bì trù dập, bị soi mói…

Có rất nhiều BGH có thể nói là có tính tình hẹp hòi, ích kỉ nên thường mang ra nói xấu sau lưng hay tìm cách trù dập, “bới lá tìm sâu”, quả đúng như câu “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau củ bồ hòn cũng méo”.

Chính vì trong công việc mà không phân minh, thiếu đi sự dân chủ cần thiết, làm việc bằng tình cảm cá nhân đã làm thui chột đi nhân tài, ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả công việc, gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ tình cảm đồng nghiệp… Tất cả đều do những BGH nhận thức, đạo đức kém mà ra.

Vì sợ trù dập, ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo, tới sự phấn đấu bao năm nên đa phần các chủ ý của BGH đều được giáo viên tán đồng 100% mà ít có ai phản đối.

Đóng góp hình thức

Hàng năm, cứ đến cuối mỗi học kì, mỗi năm, các nhà giáo lại đánh giá lẫn nhau trên tinh thần “đóng góp, góp ý cho nhau cùng tiến bộ”. Nhưng vì cái bản chất của người Việt “thương người như thể thương thân”, nên các đóng góp đều… tìm chỗ tốt để khen, chỗ xấu thì nói bớt lại, đóng góp cứ như cái kiểu “làm nhanh cho xong”, thiếu đi tính chuyên nghiệp trong công việc của những con người của thời đại mới, đóng góp mà như chưa từng đóng góp, hòa cả làng.

Hơn nữa đến khi đóng góp cho BGH thì ai cũng khen tốt, khen hay, không có bất kì ai dám đưa ra những hạn chế,yếu kém mà BGH cần phải sửa đổi nếu có cũng chỉ là những cái rất bình thường hay hiển nhiên.

Tôi cũng là một người trong số các nhà giáo tham gia đóng góp cho BGH hàng năm, cũng tự nhận thấy việc làm này hình thức hơn là một công việc nghiêm túc.


Đôi khi tôi thầm nghĩ: Có nên chăng hãy bỏ đi những việc làm vô nghĩa này cho tới khi sự tiến bộ xã hội đạt đến một mức nhất định nào đó? Bỏ cho đến khi mọi người có thể tiếp nhận sự đóng góp một cách chân thành trên tình thần tất cả vì công việc? Khi đó hãy bắt đầu, vì nó mới thực sự mang lại hiệu quả. Và việc làm này sẽ trở thành một phần không thể thiếu, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của mỗi người, của cơ quan, của xã hội.

Tại sao không thành lập website đóng góp riêng?

Nếu thực sự muốn đóng góp hiệu trưởng một cách thỏa đáng, thì với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tại sao các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT không thành lập một website riêng để có thể lấy ý kiến đóng góp trực tiếp trên này? Làm như vậy vừa công khai, vừa minh bạch, vừa khách quan, vừa có thể nhận được các ý kiến phản ánh trung thực nhất mà lại mang tính chuyên nghiệp và thời đại, hạn chế được việc làm hình thức, tốn kém tiền của, thời gian một cách vô bổ.

Hơn nữa các ý kiến lại được đóng góp hàng ngày, hàng giờ…, từ đó các nhà quản lý giáo dục nhanh chóng nắm bắt được tình hình của mỗi hiệu trưởng, của mỗi trường để có các giải pháp can thiệp, chấn chỉnh kịp thời.

Tôi nghĩ, chắc có lẽ vì các nhà quản lý giáo dục cũng không hề muốn các “đứa con” của mình bị “quăng gạch, ném đá”, ảnh hưởng tới mình nên không dám xây dựng một website như thế.

Trong các phiếu đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm có một bản đánh giá mà trong đó giáo viên được phép không kí tên, tuy nhiên cũng chẳng ai dám nhận xét thật bởi vẫn còn có chữ viết của mình mà BGH hoàn toàn có thể lần ra. Và đa phần đều tìm cách để xác minh chủ của bản nhận xét là ai. Việc làm này thực sự không hề mang lại hiệu quả để đánh giá chính xác về BGH.

Cũng như trao đổi trên, nên chăng, thay vì làm phiếu đánh giá thì có thể đổi sang đánh giá trực tuyến trên website của ngành chẳng hạn?

Chán chê rồi mới tới lượt giáo viên

Trong mỗi trường học đều có các ban ngành đoàn thể như Công đoàn, Hội đồng trường, Hội Cha mẹ học sinh… Các tổ chức này được thành lập để nâng cao tính dân chủ nhưng mặc dù là thế, nó vẫn tồn tại, nó vẫn hoạt động nhưng cũng đa phần là hình thức vì vẫn chỉ có “hiệu trưởng” là chủ, ý kiến của hiệu trưởng nêu ra có ai dám phản kháng?

Trong các phiên họp lấy ý kiến về một vấn đề nào đó chẳng hạn như chọn một tấm gương tốt, xoay qua xoay lại rồi cuối cùng cũng vẫn là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng. Có ai dám tốt hơn hiệu trưởng? Khi BGH được đề xuất hết rồi, chán chê rồi lúc đó may ra mới tới lượt giáo viên…

Hay như đề xuất dự nguồn các chức danh phó hiệu trưởng, hiệu trưởng… vẫn chỉ là do Hiệu trưởng đề xuất rồi mang ra lấy phiếu tín nhiệm, làm khống các biên bản, như một hình thức hoàn tất thủ tục cho đúng quy trình.

Về những người được đề xuất, tôi cũng không thể hiểu được họ dựa vào tiêu chí nào để chọn? Dựa vào tài, đức hay dựa vào độ thân cận?… Chắc nói tới đây, ai là giáo viên hẳn sẽ đều có cùng câu trả lời.


Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không phải cứ chăm chăm nói tới chữ dân chủ thì sẽ có dân chủ (Ảnh: Lê Văn)

Trước đây, tôi cũng công tác dưới quyền một vị hiệu trưởng, bà luôn mồm nói trường này là “trường của tôi”, “tôi là chủ”. Đúng, “tôi là chủ” vậy thì đâu còn “dân chủ”?

Qua đây cũng cho thấy được phần nào nhận thức, tư duy của đa số các vị hiệu trưởng, và cũng thể hiện rõ nét hiện thực việc thực hiện quy chế dân chủ trong các nhà trường hiện nay.

Tại sao không phản ánh lên trên?

Ngoài ra, có rất nhiều các việc làm đã tồn tại từ rất lâu, các việc làm này hiện nay đã lỗi thời hay thậm chí là bất cập, ví dụ như việc thao giảng, dự giờ, việc thực hiện hồ sơ sổ sách của giáo viên, giáo án…

Thế nhưng cũng chẳng ai dám ý kiến, hoặc nếu có ý kiến thì vẫn bị gạt ra vì nhiều lý do: Nó đã trở thành mặc nhiên hay nó đã được cấp trên xem như là quy chế “bất thành văn” bấy lâu rồi, nên không thể thay đổi.

Từ đó, giáo viên cứ nhắm mắt mà làm cho xong chuyện, cho hoàn thành nhiệm vụ, làm mà trong lòng ấm ức, làm mà không hề thoải mái.

Nói tóm lại, dân chủ trong trường học nói riêng hay trong tất cả các ban ngành nói chung gần như chưa thực hiện được, nếu không muốn nói là phần lớn không thực hiện được.

Bởi chế độ một thủ trưởng đã cho người đứng đầu nhà trường quyền hạn quá nhiều trong tay - quyền sinh quyền sát, quyền năng chèn ép, trù dập…, thì không ai dám lên tiếng, và dẫu có lên tiếng thì cũng gần như không có tác dụng. Và như thế không thể dân chủ được.

Theo lý thuyết, một vài nhà lãnh đạo có nói: Tại sao không phản ánh lên trên? Cán bộ, viên chức, nhân viên có quyền đó mà, tại sao không sử dụng cái quyền đó? Tại sao không lên tiếng?

Đúng! Hiến pháp, pháp luật, quy chế, quy định… có cho phép cái quyền này, rất nhiều quyền nhưng ai dám sử dụng cái quyền này? Ai dám cả gan sử dụng cái quyền đó rồi gần như biết trước kết quả rằng chỉ là “nước đổ đầu vịt” còn hậu quả thì sẽ khốn khổ về sau?

Nếu muốn dân chủ, trước hết phải quy định lại về chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu để có thể vận dụng trí tuệ tập thể hơn là trao toàn quyền cho họ.

Phải tuyển chọn được những người có đủ Tài và Đức để lãnh đạo, việc làm này nếu cần có thể tổ chức thi.

Tất cả các việc trong nhà trường, trong các cơ quan phải được thực hiện khách quan nhất, tôn trọng ý kiến tập thể.

Và hãy xây dựng website riêng để lấy ý kiến đóng góp, đánh giá, biểu quyết các công việc trực tuyến mỗi khi cần, để có được con số khách quan và đáng tin nhất.

Hoàng Thanh - Một giáo viên tại TP.HCM
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/dan-chu-trong-truong-hoc-toi-la-chu-363945.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang