Truyện ký của Hồng
Giang
Thoáng cái, đã mười lăm năm. Tôi
và Giàng A Lù chơi thân với nhau.
Hồi còn làm công nhân lâm nghiệp trên Khuổi Mu
chả tuần nào tôi không có mặt ở nhà A Lù. Khi thì anh bẫy được con gà rừng, lấy
được tổ khoái quan, thứ mật ong rừng đặc quánh, vàng óng, thơm điếc mũi, khi có
đám bắp non vàng bẹ, được nướng, anh nhắn tôi lên. Hay chỉ đơn giản vào rừng
kiếm được đám mộc nhĩ, nấm hương, anh cũng nhớ đến, bảo tôi mang về dành ăn tết.
“ Cái này quý lắm ớ! Dưới mày cái gì cũng có, nhưng cái này chắc là không.. hầy
dà không cần nghĩ nhiều đâu mà!”
Chả phải tự nhiên chúng tôi quen
biết nhau. Cơ duyên cứ như trời định vậy.
Cái buổi tối đầu tiên tôi
biết A Lù là một đêm vắng trăng, nhưng sao dày chi chít trên trời.
Đêm miền cao, sao sáng rất
đặc biệt, trời như gần mặt đất hơn, ánh sáng mờ ảo như sáng trăng suông.
Tôi phải về nhà gấp cho kịp sáng mai nhà có việc.
Hồi đấy chưa có xe máy nhiều
như bây giờ và nếu có đường từ đội lâm nghiệp của tôi về đến nhà, xe máy cũng
không đi được.
Qua một mùa mưa, con đường
đất gọi là đường “dân sinh” bị mưa lũ xẻ ngang, xẻ dọc thành trăm đoạn. Chạy xe
máy chỉ có nước ngồi khóc giữa đường, chờ ông bụt hiện ra, hay may mắn có người
đi qua đẩy hộ mỗi lần xe tụt xuống các khe rãnh ấy.. Với chàng công nhân lâm
trường như tôi, xe máy lúc bấy giờ gần như thứ gì xa xỉ, vốn biết “có nó cũng
như không”, thật tình tôi chả nghĩ đến bao giờ.
Tôi mang cái xe đạp địa hình,
không chắn bùn, tồng ngồng như xe cởi truồng để về trong đêm vắng.
Chỗ nào đi được thì đi, chỗ
khó thì dắt bộ. Qua suối thì xe vác lên vai.. Cứ nghĩ vất vả một tí, mãi rồi
cũng về đến nhà. Chiếc đèn ba pin bỗng vụt tắt. Có nhẽ cái an pun của nó lâu
ngày đã đến lúc phải đứt. Tôi dừng lại băn khoăn chưa biết tính thế nào. Không
về thì không được. Đi tiếp chỉ có thể đi bộ chứ không thể chạy xe đạp. Trời
không đến nỗi tối, nhưng ánh sáng của những vì sao cũng chỉ mờ mờ đủ nhận ra
con đường trước mặt, không thể nhận rõ đâu là đường bằng, đâu là khe sâu?
Tôi ngần ngừ một lúc rồi vẫn
quyết định đi, dù đã trù định trước cái xe khốn khổ của tôi vẫn rơi vào một khe
mới lở, cắt ngang mặt đường. Cả người tôi tê dại không biết đau ở những chỗ
nào?
Tôi cố gắng gượng đứng dậy
nhưng không thể, đành ngồi bệt xuống cỏ bên vệ đường, sau khi khó nhọc rút được
bên chân bị cái xe đạp đè lên.
Tôi thử co bên chân ấy, nhưng
nó ì ra như không phải chân của mình. Thật sự hoang mang, tôi ngó xung quanh
bốn bề lặng ngắt như chỗ không người.
Đêm tối không làm tôi sợ hãi
vì đã có nhiều năm sống biệt lập trong rừng xa khu dân cư. Từng quen với bóng
đêm thăm thẳm, chỉ có một mình.. Nhưng tôi sợ đôi chân của mình đã không còn
như trước. Tôi sẽ làm ăn sinh sống sao đây nếu nó không được vẹn toàn? Tôi sẽ
trở nên tật nguyền từ giây phút này ư? Ý nghĩ ấy làm tôi toát mồ hôi dù trời
đang rất lạnh.
Không cẩn thận tết này phải
ngồi một chỗ, khỏi đi chơi đâu! Sẽ kết thúc mãi mãi những ngày rong ruổi với
đôi chân vững chãi từng qua vạn dặm của mình, kể cả những ngày máu lửa thời
chiến tranh giữ gìn cõi bờ tổ quốc!
Đầu óc đang bấn loạn lên như
thế, bất chợt tôi nhận ra ánh đèn pin loang loáng phía chiều ngược lại.
Ai đi đâu vào giờ này, điều
ấy cũng không quan trọng, miễn là có gặp người. Tôi vội kêu lên. Không phải đợi
lâu từ phía ánh sánh có bóng người chạy lại. Đó là hai người đàn ông mặc tà
phủ, đầu đội mũ vải mềm có lưỡi trai. Chắn chắn là người Mông, những người
thường ăn mặc như thế mỗi khi qua đội của chúng tôi. Họ trao đổi gì đó tôi
không nghe rõ lắm. Người cao gầy kéo cái xe của tôi vác lên vai, trong lúc
người đậm sức hơn ghé vai vào sát tôi bảo bám thật chặt. Cả hai thoăn thoắt rẽ
vào một lối nhỏ cách đường lâm sinh một quãng. Tôi nhận ra trước mắt có vài ba
ngôi nhà nhỏ bé, lợp cỏ gianh kề bên bờ suối cạn. Cánh cửa sơ sài đan bằng nan
nứa được mở ra. Người đàn ông cõng tôi đặt tôi nằm lên sàn nứa, có mấy cái chăn
mỏng và cũ. Bếp lửa được nhóm lên. Tôi nhận ra anh, khuôn mặt bầu bầu hình bánh
dày và đôi mắt sáng. Đôi lông mày dậm, cặp mắt to, chỉ thoáng nhìn thế đã biết
ngay đây là người đàn ông trung thực, đáng tin. Chính là Vàng A Lù, bạn của
tôi, trong câu chuyện này. Trong khi ấy, người kia, chàng cao gầy cầm đèn pin
chạy ra sau nhà, một lúc sau cầm vào nắm lá trông rất lạ. Nắm lá có màu huyết dụ, lấp loáng phản chiếu
ánh lửa, tôi chưa từng thấy bao giờ. Sau này mới biết đấy là cây lá thuốc chữa
đòn đau, chữa vết thương. Người Mông trong quá trình du cư học được nó từ lũ
khỉ lấy ở cây rừng khi chúng đắp vết thương cho đồng loại. Nhà A Lù đem về
trồng một đám kín đáo ở sau nhà..
A Lù bảo người kia nướng lên trên bếp lửa.
- Chịu khó một tí è! Cái chân
của cán bộ bị xước nhẹ bên ngoài, nhưng có khi dập cơ bên trong.. Chịu khó nằm
im một lúc, tôi bó lá thuốc, mai lại đi bình thường mà!
Tôi cắn răng để A Lù và người bạn của anh rửa nước muối, rồi xé mảnh vải cũ bọc
thuốc cho bên chân đau của mình. Tôi nói tôi không phải cán bộ, chỉ là công
nhân lâm trường. A Lù cười vẻ bẽn lẽn: “Thì cũng là cán bộ mà. Ai làm cho nhà
nước người Mông đều gọi bằng cán bộ mà!”. Cái lý ấy quả thật tôi khó cãi. Mà
cãi làm gì trong hoàn cảnh này chứ?
Bấy giờ tôi mới kịp hỏi hai
người đi đâu về trong đêm? A Lù bảo:
- Định đi lên hang đá gần đấy
lấy ong rừng. Giống này ban ngày bắt khó vì nó dữ, không như khoái nhà. Với lại
gần tết rồi bận nhiều việc, ban ngày còn bận lấy tre về làm giấy chuẩn bị cho
cúng Xừ cang ( thần nhà ). Rồi còn phải dọn chỗ rộng rộng một tí cho bọn
trẻ chơi tầu tù lu (chơi cù )..
Mớ thuốc lá của người Mông thật là hiệu nghiệm. Đến gần sáng tôi đã có thể nhúc
nhắc men sàn nằm đi được vài bước. Tôi nảy ra ý định cố đi về nhà. Trưa mai là
ngày giỗ mẹ tôi, là con trưởng trong gia đình tôi không thể vắng mặt.
A Lù chần chừ một lúc rồi bảo:
- Cán bộ có việc phải đi, tôi cho mượn con ngựa mốc của tôi. Con này hiền, đừng
làm nó hoảng sợ. Nó chạy có khi còn hơn đi xe đạp. Nhưng nhớ trả cho tôi trước
ngày cúng Xừ cang. Qua ngày đấy, muốn trả hay muốn mượn cũng không được đâu á!..
Tôi gửi lại cái xe đạp, A Lù
giúp tôi lên ngựa..
Từ đấy chúng tôi quen nhau như chỗ anh em trong nhà. Việc lớn việc nhỏ gì của
hai bên đều có mặt nhau.
Người Mông chỉ ăn tết Nguyên đán, cái tết duy nhất trong năm, không như người
Tày, người Kinh còn có những tết nhỏ: Mồng ba tháng ba, mồng năm tháng năm hay
rằm tháng bảy. Dù vây, lần nào tôi mời, bận đến mấy A Lù cũng đều đi. Và anh
chả đi không bao giờ. Không có phong bao như người ta cũng có cái lồng gà, can
rượu chuối mang theo.
Năm nào tết tôi cũng lên Pà
Ca, vừa để xem tết của người Mông, vừa là đến nơi mình có ân nhân, từng cứu
giúp mình qua cơn hoạn nạn.
Đột nhiên nghe tin A Lù cùng
mấy hộ nữa đã vào Đắc Nông. Nghe người ta nói đất trong ấy rộng rãi, dễ làm ăn.
Tôi lên Pà Ca thấy có đúng
thế thật. Ngôi nhà gỗ mới cất của A Lù buộc dây ngoài cánh cửa., đám sân hẹp đã
có chỗ cỏ mọc. Nhà mới làm rồi, A lù còn đi đâu chứ? Tôi buồn, hẫng hụt như
mình vừa mất đi một cái gì đó rất quan trọng đối với mình..
Nhà nước đóng cửa rừng, đội
chúng tôi chuyển về vườn ươm trung tâm ngoại vi thành phố. Công việc của tôi
chuyển sang chiết ghép, nhân giống cây lâm nghiệp. Tuy cuộc sống có dễ chịu hơn
về sinh hoạt không phải kham khổ như trước, nhưng bận luôn chân luôn tay. Nghề
làm cây giống không như các nghề khác, không thể cứ dập khuôn máy móc “ngày làm
tám tiếng”. Có khi đang bữa ăn có xe đến lấy cây phải bỏ đũa đứng dậy.
Có lúc nào rảnh tranh thủ
việc gia đình.
Thực tình mà nói, phần nhiều
chúng ta mắc chứng hay quên những gì xưa cũ đã qua, chỉ hay chú trọng những gì
trước mắt. Tôi cũng không ngoại lệ.
Nhưng với tôi những ngày ở
Khuổi Mu, gần gụi với anh em Vàng A Lù không thể nào quên. Chỉ trách ông trời
hay éo le.
Người ta mến phục, người tử
tế, nhiều khi ta chẳng được lâu gần, ông ấy thường bắt phải có cuộc chia ly nho
nhỏ.
**
Cũng chừng ấy năm, con đường
lên Pà Ca, một bản người Mông của A Lù dưới chân Đỉnh Mười đã có quá nhiều thay
đổi. Con đường đất nhỏ hẹp năm nào chỉ có thể đi bằng chân hay cưỡi ngựa đã
nhường chỗ cho con đường trải nhựa rộng rãi, xe ô tô hai chiều chạy chạy thong
dong. Thoạt đầu là đường tỉnh lộ, rồi quốc lộ 2C.. Nhà cửa hai bên đường mới
xây mọc lên san sát. Dấu hiệu phố phường “như nấm như măng” không còn xa lạ.
Từ nhà tôi lên tới nhà Vàng A
Lù, bây giờ nếu chạy xe máy chỉ hơn tiếng đồng hồ. Những đỉnh dốc cao chon von
đã được hạ dốc, nhiều con suối giờ đã có cầu cứng. Kể cả mùa lũ nếu muốn lên Pà
Ca cũng chẳng phải lo lắng nhiều.
Ấy vậy mà lâu nay, biết tin A
Lù đã về, vì bận công việc tôi chưa lên được, A Lù cứ trách mãi. Hắn bảo:
- Giờ chắc mải buôn bán đường
xuôi, mày chả thích lên với bọn tao nữa rồi. Tao chỉ cần cái tình, chứ đâu cần
mày phải giúp, phải cho cái gì?
A Lù chỉ nói thế chứ không kể lể công ơn, như nhiều người thường hay nghĩ đến
trong trường hợp này.
Biết mình có lỗi, tôi chi
biết lặng im vì mình sai quá rồi. Cười trừ lại càng không dám. Người Mông bản
tính hiền lành, chất phác nhưng đặc biệt nhạy cảm. Ai giả dối đưa đẩy là biết
ngay và cực ghét kiểu giả lả mà người ta nói: “Nói vậy không phải vậy”.
***
Tráng Thị Sai là em gái đằng
ngoại của A Lù. Một cô gái Mông xinh xắn dịu dàng. Người mà một thời tôi đã rắp
tâm theo đuổi. A lù cũng đồng tình và có ý muốn giúp tôi. Ngặt nỗi, bố cô ấy
bảo hai tuổi không hợp nhau.
Tôi tuổi Ngọ, cô ấy tuổi Dậu,
hai tuổi này lấy nhau không hợp, sẽ khổ về sau.. Con gái người Mông thương cha,
quý mẹ, hiếm khi cãi lời. Sai chỉ còn biết gạt nước mắt, chúng tôi đành chia
tay, nhận “anh em kết nghĩa”.
Mỗi dịp cô về thành phố đều
ghé nhà tôi chơi. Tôi cũng coi cô như em út trong nhà.
Hôm ở chợ Tam Cờ cô ấy gặp tôi, trách sao mua xe con lâu rồi, có phương tiện
sao không lên thăm nhà anh A Lù?
Tôi bảo cuối năm công việc rất bận, họp hành lu bu. Nhưng nhất định năm nay anh
sẽ lên thăm A Lù và thăm cả nhà em nữa, có sợ chồng nó ghen không?
Sai bảo: “ Người Mông không có tính ghen bậy đâu. Anh nào có vợ đẹp được nhiều
con trai thích còn cảm thấy hãnh diện nữa mà”. “Là anh nói đùa vậy thôi. Bao
nhiêu năm sống trên Đỉnh Mười, tập quán người Mông anh cũng biết chút mà”.
Em bảo đường lên Pà Ca bây
giờ đường đi êm như ru. Từ ngoài quốc lộ
vào Pà Ca đường đã là đường bê tông rộng hơn ba mét. Mới có sau “Chương trình
đường nông thôn mới, nhà nước và nhân dân cùng làm”. Anh có lên cũng không sợ
xước sơn, cây quyệt hỏng xe đâu. Mà có lên thì lên trước tết vài ngày xem hội
bánh dày, vui lắm!
Cuộc gặp Sai ngày cuối năm
như thêm phần khích lệ tôi. Dù thế nào tết năm nay tôi sẽ lên Pà Ca ở chơi vài
ngày.
Tôi sẽ chạy xe máy chứ không
dùng đến “xế hộp” lên Pà Ca.
Người ta bảo “Đáo giang tùy
khúc, đáo gia tùy tục”. Lên với những bạn bè quanh năm còn vất vả, thiếu thốn
chưa phải đã hết, mình nghênh ngang vác cả cái “xế hộp” lên đấy làm gì?
Đành rằng bây giờ xe con, xe
đẹp có đầy, nhiều như lợn con bán ngoài chợ, chả còn được người ta ao ước, chú
ý mấy như ngày xưa.
Chạy xe máy như đi về nhà,
lại cơ động muốn ghé chỗ nào cũng được. Có ở chơi vài ngày không phải lo chỗ để
xe, quay ra quay vào đều tiện.
Cả đêm trằn trọc không ngủ,
chỉ mong cho trời sáng. Ngày mai là tết Xừ cang ở nhà A Lù rồi, nếu tôi lên,
anh sẽ mừng lắm. Cả nhà sẽ xúm xít quanh tôi, mời ăn, mời uống thứ này thứ
khác..Ăn uống bây giờ chả ai mong mỏi, quan trọng như ngày đói khổ, nhưng nó là
cái tình chân thật, theo kiểu “Có thực mới vực được đạo” giữa con người với
nhau. Chỉ hình dung thế thôi tôi đã thấy trong dạ phập phồng, vui khó tả/
Thấy tôi trở mình hết bên này
sang bên khác. Vợ tôi bảo:
- Anh lại tương tư cô nào phải không?
- Làm gì có. Anh đang hình dung ngày mai lên nhà A Lù sẽ thế nào..
- Các ông cứ như phải lòng mặt nhau không bằng. Nhưng nhớ khi về phải kiếm con “sọc
dưa” để nhà mình ăn tết đấy. Không có cứ ở luôn trên ấy..
Tôi biết vợ tôi nói thế nhưng rất mực thương chồng. Cả chuyện tôi với Sai, thế
nào đó cô cũng biêt, nhưng chẳng hề ghen.
Cô ấy nói cứ như hiền triết:
“Đời người ta không dài. Tử tế còn chả ăn ai. Cứ liệu liệu mà sống”.
Tôi muốn thêm: “Sống sao thì
sống, phải có trước sau, đừng quên chuyện cũ, người có ơn có nghĩa đối với
mình”.
Nhưng đêm đã khuya, tranh
luận với vợ lúc này rất chi là không phải lúc, không phải kiểu.
Tôi cần ngủ để lấy sức, ngày
mai lên Pà Ca..
12/ 2016
HG
Phần nhận xét hiển thị trên trang