Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

CÓ LẼ ANH PHẢI HỌC EM



Buông hay nắm ta chỉ là tên ngốc
Chẳng có gì trong tay!
Một mớ lý lẽ không khi nào tỏ.
Nửa chiếc bánh mơ
một nửa cuộc tình!
Một tên hèn bước qua rác rưởi
Ngửa mặt mênh mênh tìm kiếm sao trời
Hay đâu lá úa đầy mặt đất?
Biết đâu khói ám trong lòng người?
Buông hay nắm cũng đều thế cả
Không có gốc bồ đề nào để tìm về bình yên!
Thôi
học cách của em,
lặng cười
tươi tỉnh
Học cách vỗ tay..
cho nắng quái
chiều lên!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MẮT BUỒN


Anh không có cái ngày xưa để tiếc
và không luôn cả cái bây giờ
Vậy cái gì để anh buộc tay mình viết?
Có phải cái dỗi,
cái hờn,
hay cái bơ vơ?
Sẽ chẳng ai muốn nghe chuyện điên khùng
dù đó là điên khùng cần phải có.
Con người ta đâu phải lá cây ngọn cỏ?
Hay cơn bò thấy gió
cười ngơ ngơ..
Anh cứ viết cho dù em không đọc
Có hề chi chuyện đó có hề chi?
Nhảm nhí ái tình, dông dài ba chuyện khác..
Với riêng anh,
nó chẳng là gì!
Em giận đấy,
mà sao cũng được!
Hà cớ gì phải dối lòng nhau?
Anh không thích chỉ xanh ngoài vỏ
mà bên trong đỏ tía
cơ cầu!
Chẳng có gì
đời anh buồn nhỉ?
Trời còn có mây
Anh chỉ có nỗi buồn..
Anh chỉ có đôi mắt nhìn
ngơ ngác
Cuộc hồng trần
qua đăm đắm
người đi!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Các ‘nhà đầu tư’ bắt đầu cuộc tháo chạy khác khỏi Việt Nam


HÀ NỘI – Ðó là nhận định của một số chuyên gia và tờ báo. Cuộc tháo chạy lần này xảy ra trong lĩnh vực cầu đường, vốn từng rất sôi động với các dự án BOT (đầu tư-khai thác-chuyển giao). Ðây không phải là lần đầu tiên các “nhà đầu tư” tại Việt Nam đồng loạt tháo chạy khỏi một lĩnh vực sôi động. Ðầu thập niên 2000, Việt Nam xuất hiện hàng loạt “nhà đầu tư” vào lĩnh vực thủy điện. Hệ thống công quyền các cấp đã phát ra hàng ngàn giấy phép đầu tư.


Một trong số vô số trạm thu phí ở Việt Nam. Các “nhà đầu tư” bắt đầu tháo chạy khỏi lĩnh vực BOT cầu đường. (Hình: Vietnam Finance)

Nhiều chứ không phải một

TASCO – một trong những doanh nghiệp tiên phong, “nhà đầu tư” nổi tiếng trong hàng loạt dự án BOT cầu đường vừa chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi lĩnh vực này.

TASCO đã từng đầu tư vào hàng loạt dự án BOT cầu đường ở miền Bắc Việt Nam. Chẳng hạn: Nâng cấp quốc lộ 10 đoạn chạy ngang tỉnh Thái Bình. Tuyến tránh Ðông Hưng ở tỉnh Thái Bình. Tỉnh lộ 39B ở tỉnh Thái Bình. Tuyến tránh thành phố Nam Ðịnh từ quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc. Quốc lộ 21. Quốc lộ 1 đoạn chay ngang tỉnh Quảng Bình. Nâng cấp quốc lộ 10. Ðường Hồ Chí Minh đoạn từ quốc lộ 2 đến Hương Nộn. Nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà tỉnh Phú Thọ…

TASCO đã từng tạo ra cả thèm muốn lẫn nghi ngại khi chỉ trong quý 1 năm 2016 lãi 84 tỉ đồng, tăng gấp… 14 lần so với cùng kỳ năm 2015. Theo giải trình của TASCO với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong thời điểm vừa kể, chỉ riêng doanh thu từ các dự án BOT cầu đường của TASCO đã là 99 tỉ đồng.

Vậy tại sao TASCO thối lui? Theo một số chuyên gia và những tờ báo chuyên về đầu tư, tài chính thì vì các dự án BOT cầu đường không còn giống như bò sữa nữa.

Vietnam Finance – một tờ báo điện tử chuyên về đầu tư, tài chính, nhận định, đa số các dự án BOT cầu đường mà TASCO đầu tư là “nâng cấp” (chỉ sửa chữa rồi tổ chức thu phí) nên không cần vốn lớn, đã vậy lại được vay vốn theo hình thức ưu đãi (lãi thấp, mức lãi cố định) thành ra hiệu quả đầu tư luôn “hết sức khả quan.”

Thời gian vừa qua, tại Việt Nam mọc ra rất nhiều “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường như TASCO. Vốn của phần lớn những “nhà đầu tư” này chỉ tương đương 15% đến 20% giá trị công trình mà họ “đầu tư,” số còn lại được vay theo hình thức ưu đãi từ hệ thống ngân hàng rồi tổ chức thu phí.

Trong vòng mười năm gần đây, trạm thu phí do các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam. Sau hàng loạt vụ biểu tình, phản đối tình trạng phải trả quá nhiều phí khiến mọi giới điêu đứng khiến các loại chi phí tăng vọt, cả kinh tế lẫn đời sống dân chúng thêm khó khăn, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Kiểm Toán Việt Nam xem lại một số dự án BOT cầu đường.

Cuối tháng trước, sau khi kiểm tra 27 dự án BOT cầu đường, Kiểm Toán Việt Nam cho biết, dự án BOT cầu đường nào cũng được phép thu phí dài hơn mức cần thiết. Tổng thời gian mà cơ quan này tính toán và đề nghị cắt bỏ, không cho các “nhà đầu tư” thu phí cộng lại chừng… 100 năm. Thậm chí Kiểm Toán Việt Nam còn đề nghị chấm dứt việc cho phép thu phí ngay lập tức một số dự án BOT cầu đường.

Tại buổi báo cáo kết quả kiểm toán 27 công trình cầu đường được đầu tư trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 với Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, Kiểm Toán Việt Nam cho biết, 27 dự án BOT cầu đường đều là chỉ định “nhà đầu tư” chứ không tổ chức đấu thầu để lựa chọn. Do vậy, các yếu tố để quyết định thời gian mà “nhà đầu tư” được phép thu phí như: Tỉ lệ vốn của chủ đầu tư, tỉ lệ vốn đi vay, lãi suất đối với vốn đi vay, chi phí quản lý, lợi nhuận,… đều mập mờ và không hợp lý.

Sự mập mờ và không hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều trạm thu phí cầu đường được đặt bên ngoài dự án, thành ra không sử dụng cầu đường, các loại phương tiện vẫn bị buộc phải trả phí. Ða số dự án BOT cầu đường mà Kiểm Toán Việt Nam đã kiểm tra đều buộc các loại phương tiện trả chung một mức phí, bất kể những phương tiện đó di chuyển trên công trình cầu đường dài hay ngắn.

Kiểm Toán Việt Nam còn phát giác có sự nhập nhằng về bản chất của các dự án BOT cầu đường. Nhiều dự án trong số những dự án mà họ đã kiểm tra chỉ là “cải tạo, nâng cấp” chứ không phải “làm mới” theo đúng tinh thần BOT. Cũng vì vậy, dân chúng bị tước mất cơ hội lựa chọn, sử dụng hệ thống giao thông miễn phí.

Song song với Kiểm Toán Việt Nam, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam bắt đầu buộc hệ thống ngân hàng thương mại phải siết việc cho các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường vay tiền bởi “tiềm ẩn nhiều rủi ro.”

Giống như TASCO, các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường bắt đầu thiếu vốn. Vietnam Finance mới thử điểm lại năng lực tài chính của một số “nhà đầu tư” được xem là có máu mặt.

Chẳng hạn vì chỉ “huy động” được 550 tỉ đồng nên UIDC – “nhà đầu tư” dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, trị giá 11,765 tỉ đồng đã phải “nhượng” dự án cho Geleximco. Geleximco gom cả vốn tự có với vốn đi vay ba ngân hàng cũng chỉ có 5,800 tỷ đồng nên đang định buông. Trước đó một chút Geleximco đã buông dự án cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.

Nói cách khác, đã đến giai đoạn các “nhà đầu tư” những dự án BOT cầu đường không còn có thể muốn mượn bao nhiêu “đầu heo” để “nấu cháo,” tùy tiện ấn định mức phí là bao nhiêu và thu trong bao lâu cũng được, giống như trước nữa nên cuộc tháo chạy đang bắt đầu.

Tiểu lộ để thành đại gia

Ðây không phải là lần đầu tiên các “nhà đầu tư” tại Việt Nam đồng loạt tháo chạy khỏi một lĩnh vực sôi động.

Ðầu thập niên 2000, Việt Nam xuất hiện hàng loạt “nhà đầu tư” vào lĩnh vực thủy điện. Hệ thống công quyền các cấp đã phát ra hàng ngàn giấy phép đầu tư.

Do xây dựng cẩu thả, một số đập chắn nước của các hồ chứa bị vỡ làm nhiều người chết, nhà cửa, ruộng vườn liên tục bị hư hại. Do thiếu viễn kiến, các dự án thủy điện khiến hạn hán trong mùa khô, lũ lụt trong mùa mưa trầm trọng hơn. Chưa kể các dự án thủy điện góp phần hủy diệt rừng. Chỉ tính riêng Tây Nguyên đã mất 80,000 héc ta rừng, sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số bị đảo lộn.

Tình trạng nghiêm trọng đến mức, năm 2012, Ban Chỉ Ðạo Tây Nguyên (thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN) phải chính thức đề nghị “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội.” Những dự án thủy điện tại khu vực Tây Nguyên được xác nhận là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng.

Sau đề nghị vừa kể, hồi Tháng Tám năm 2013, Tập Ðoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đã bán xong sáu dự án thủy điện tại Tây Nguyên. Trong 6 dự án này có 4 đã vận hành và 2 đang xây dựng.

Tháng sau, Nam Trung – một tập đoàn tư nhân khác cũng thuộc loại tiên phong trong “đầu tư” vào các dự án thủy điện tại Việt Nam tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực thủy điện.

Lúc ấy, dù hai “nhà đầu tư” hàng đầu vào lĩnh vực thủy điện cùng giải thích, sở dĩ họ rút lui vì đầu tư vào thủy điện không mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, họ lại đang cần tiền để cơ cấu lại nguồn vốn và tiếp tục đầu tư vào các dự án khác nhưng một số chuyên gia về năng lượng và kinh tế khẳng định, các “nhà đầu tư” thoái lui vì đã đạt được mục đích chính: Dùng các giấy phép đầu tư vào thủy điện để phá rừng, tận thu gỗ.

Hiệu quả kinh tế của các dự án thủy điện nhỏ vốn không đáng kể nhưng các “nhà đầu tư” mặn mòi với loại dự án này vì diện tích rừng được phép “dọn dẹp” không hề nhỏ. Trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta rừng, một dự án 10 MW điện đồng nghĩa với được “dọn dẹp” 150 héc ta rừng.

Cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực thủy điện khởi đầu từ cuối năm 2013. Không biết tất cả các “nhà đầu tư” đã kịp rút hết hay chưa vì đến trung tuần tháng này, thủ tướng Việt Nam mới chính thức ra lệnh “tạm dừng cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thủy điện”!

Tuần trước, Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) công bố kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016” (PCI 2016). Theo đó có 72% đại diện các doanh nghiệp trong nhóm những tỉnh mà PCI 2016 không có thay đổi nào đáng kể so với PCI 2015, cùng cho rằng, các loại hợp đồng, đất đai và những nguồn lực khác tại Việt Nam vẫn chỉ rơi vào tay những doanh nghiệp “có liên kết chặt chẽ với chính quyền.”

Nhiều người vẫn thường tự hỏi, tại sao kinh tế lụn bại mà số đại gia, nắm trong tay nhiều triệu, thậm chí cả tỉ Mỹ kim tại Việt Nam vẫn tăng? Doanh giới Việt Nam đã trả lời thay: “Có liên kết chặt chẽ với chính quyền,” sắm vai “nhà đầu tư,” chọn những lĩnh vực còn sơ khai để thực hiện vô số dự án chính là tiểu lộ dẫn tới thành công. (G.Ð)

Người Việt


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

ĐÔI ĐIỀU CÙNG TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG



Thiếu tướng Trương Giang Long. Ảnh: internet



Nguyễn Đăng Quang
21-3-2017

Hơn một tuần qua, nhiều bạn bè xa gần khích lệ tôi tìm đọc bài nói của Giáo sư – Tiến sỹ Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND thuộc Bộ Công an. Tôi sức khỏe gần đây không được tốt, vào mạng chỉ khoảng 20-30 phút là mệt, phải đóng máy, không ngồi được lâu, nên không dám đọc kỹ một bài báo bình thường, chứ đừng nói đến việc nghiên cứu kỹ một luận văn tuyên giáo hay một bài thuyết giảng chính trị nào cả. Nhưng nhiều người thúc giục quá, nên cũng ráng sức tìm đọc bài mà mọi người đang bàn luận sôi nổi! Nghe qua bài nói của thiếu tướng Trương Giang Long, tôi muốn nêu đôi điều trao đổi cùng tướng Long như sau:

Trước hết, sau khi nghe phần đầu bài nói, tôi mừng vô cùng vì đây có lẽ là lần đầu tiên một sỹ quan cao cấp của ngành an ninh công khai tiết lộ điều bí mật lâu nay luôn được giữ kín, là Trung Quốc không chỉ tìm mọi cách làm suy yếu đất nước ta mà còn ra sức cài cắm, lôi kéo, móc ngoặc, xây dựng hàng trăm “ĐT” (gián điệp ngầm) trong nội bộ ta! Điều này đối với tôi không mới, vì khi còn công tác, tôi cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp đấu tranh với thực tế này. Nhưng cái mới là, điều bí mật này, nay được một sỹ quan cao cấp của ngành công an công khai nói rõ trong một bài giảng cho lớp đào tạo cán bộ nguồn, công khai tiết lộ cho công luận trong nước và thế giới biết, cho dù đó là vô tình hay hữu ý!

Nếu không được bật đèn xanh, tôi dám chắc tướng Long không dám tiết lộ điều trên. Con số hàng trăm ĐT như Thiếu tướng Long nói, xin trích nguyên văn: “Mà hàng trăm không phải chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm, mà trăm này có thể cộng với trăm kia, chứ không phải chỉ trăm” chắc chắn con số này là khiêm tốn! Theo đánh giá chủ quan của tôi, con số này có thể chỉ bằng 10% so với thực tế. Nay, nếu tính “sơ bộ” ít ra là phải lên đến cả ngàn.

Tôi nói vậy vì cách đây 14 năm, khi tôi chuẩn bị thủ tục nghỉ hưu, đồng chí lãnh đạo cao nhất của ngành nói với tôi về nguy cơ mà ông gọi là “hiểm họa mất nước” này! Thực vậy, cho đến nay, trong tất cả các cơ quan đầu não của ta, từ Trung ương xuống đến mọi địa phương, hỏi có nơi nào mà không có “ĐT” của Trung Quốc cài cắm vào? Nếu ai khẳng định và chỉ cho tôi Ban A, Bộ B hoặc Cơ quan C tuyệt đối không có “ĐT Trung Quốc”, tôi xin sẵn sàng cùng người đó đi đến tận cùng của sự thực! Xin cảm ơn tướng Long đã đánh động công khai cho công luận biết sự thật xưa nay vẫn luôn được giữ kín này.

Hai là, khi đề cập đến đường lối đối ngoại hiện nay của ĐCSVN, tướng Long thể hiện cung cách của một cán bộ tuyên giáo lão luyện đầy kinh nghiệm: “Bây giờ mừng vô cùng các đồng chí ạ! Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong Nghị quyết của mình là: ‘Mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc’! Bây giờ các bố – đây là nói trong nhà – mới té ngửa ra như thế là chết cha chúng mình mấy đời rồi!”.

Đọc đến đây tôi thực sự vô cùng mừng. Tôi mừng vì các sỹ quan cao cấp trong quân đội và công an đã bắt đầu ý thức được vấn đề cốt lõi là phải đặt lợi ích dân tộc và quyền lợi quốc gia lên trên hết. Nếu đây là sự thật, thì sự thay đổi này là vô cùng quan trọng, vì nó phù hợp với đòi hỏi của lịch sử, nó đáp ứng mong muốn của nhiều nhân sỹ trí thức và không ít cán bộ lãnh đạo tâm huyết lâu nay. Nhưng rất tiếc, tướng Long nói chệch, vì trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII không có câu, chữ nào như thế, kể cả trong Cương lĩnh Chính trị cũng như Điều lệ Đảng hiện hành cũng không ghi câu nào như vậy hết!

Tôi có tìm đọc cả bản Báo cáo Chính trị của BCHTW Đảng khóa XI trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong phần XI (Phần “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ”), tại Điểm 2 nói về Phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, Đảng chỉ đề cập chung chung là: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Như vậy có thể khẳng định câu trên không phải là câu trích từ Nghị quyết Đại hội Đảng XII, mà có lẽ tướng Long chỉ nói lên nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân và đảng viên mà thôi!? Song, dù sao những câu mà tướng Long thốt lên: “Đến Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh…”, “Bây giờ các bố mới té ngửa ra như thế là chết cha chúng mình mấy đời rồi!”, tôi cho đấy là những câu nói rất thật, rất hay, rất đúng và rất có giá trị! Song, thật rất tiếc là đến nay, có thể nói chưa có văn bản chính thức nào khẳng định ĐCSVN quyết định đặt lợi ích dân tộc, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích giai cấp và ý thức hệ cộng sản của mình!

Trên là 2 vấn đề cụ thể muốn trao đổi cùng tướng Long. Thực ra, có khá nhiều chủ đề muốn mổ xẻ, phân tích khi nghe bài nói này của tướng Long, song không có điều kiện thực hiện. Mong có dịp sẽ trao đổi thêm với tướng Long về những chủ đề liên quan khác một khi có dịp. Qua bài nói của tướng Long, cũng như việc tiết lộ bài nói này lên mạng xã hội, tôi hiểu được ẩn ý đằng sau thông điệp mà lãnh đạo Đảng hoặc ngành an ninh muốn chuyển tải đến những đối tượng liên quan.

Hiện nay, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều vừa là đối tác chiến lược vừa là đối tượng đấu tranh của nước ta. Càng ngày, chúng ta càng hiểu hơn về dã tâm của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng hiểu thấu tâm can của họ thì tôi cho là chưa. Tôi nói vậy vì nếu ta chỉ nghiên cứu Trung Quốc dưới lăng kính của chủ thuyết cộng sản, thì họ (TQ) dễ che mắt, ru ngủ và lừa bịp ta, còn ta thì không thể thấy hết dã tâm thực sự của họ đối với nhân dân và đất nước ta!

Đây là kinh nghiệm xương máu và cũng là thực tế phũ phàng mà ta đã rút ra từ năm 1949 đến nay sau khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền ở nước láng giềng đông dân nhất thế giới này. Nói về 2 trong 5 cường quốc là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ có nhiều duyên nợ với đất nước ta là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tôi chỉ xin góp ý với tướng Long điều sau đây: Nếu xét về ý thức hệ và lập trường giai cấp, ta và Hoa Kỳ chẳng có điểm nào chung cả! Nhưng đối với Trung Quốc thì giữa ta và họ có rất nhiều điểm chung, kể cả chung sứ mạng cùng “đào mồ chôn” chủ nghĩa đế quốc! Nhưng xét về lợi ích dân tộc và quyền lợi quốc gia, thì giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không hề có mâu thuẫn nào lớn đến độ nước Mỹ phải điều Hạm đội 7 hay Hạm đội 3 đến xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta, hoặc họ hạ đặt dàn khoan trái phép để thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên thiên nhiên dưới thềm lục địa hay ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, hoặc Hoa Kỳ cho tầu thuyền ngăn cản, bắn giết ngư dân ta khai thác hải sản trên Biển Đông! Và ta cũng có thể hoàn toàn loại bỏ khả năng Mỹ lại dại dột đưa bộ binh, lính thủy đánh bộ hay không quân đánh chiếm, xâm lược nước ta một lần nữa! Còn đối với Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại. Mặc dù cùng theo ý thức hệ cộng sản, cùng là anh em XHCN, nhưng họ đã âm thầm chuẩn bị hàng trăm kịch bản để thực hiện dã tâm đối với đất nước ta bất cứ khi nào họ thấy thuận lợi và thời cơ cho phép. Vấn đề có lẽ chỉ là thời gian khi nào mà thôi!

Suy nghĩ và lập luận nói trên của tôi không phải gần đây mới có, mà quan điểm này cách đây 26 năm, tôi đã công khai bầy tỏ trong một Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng Cục năm 1991. Và tôi suýt mang vạ vì công khai bày tỏ quan điểm này vào thời điểm nhạy cảm bởi một năm trước đấy, Trung Quốc đã dụ được lãnh đạo Đảng ta ký vào Thỏa thuận Thành Đô ngày 4/ 9/1990! Nhớ lại, tôi còn viện dẫn những cuộc xung đột đẫm máu như Chiến tranh biên giới Trung-Xô năm 1969, việc TQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1974, cuộc Chiến tranh tháng 2/1979 mà Trung Quốc huy động hơn nửa triệu quân tràn sang tàn phá, xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta hồi tháng 2/1979, và cả việc Trung Quốc đánh chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của VN hồi tháng 3/1988 để minh chứng luận điểm: Mặc dù là cùng ý thức hệ cộng sản, cùng anh em XHCN nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản Trung Quốc mang quân chém giết và gây chiến tranh xâm lược nước ta!

May cho tôi, như nhiều người nói, là có “quý nhân phù trợ” nên tôi thoát nạn! Cho đến nay đã 26 năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in sự việc trên và luôn kiên trì bảo lưu quan điểm này, cho dù tôi đã “giã từ vũ khí”, về nghỉ hưu đã 14 năm có lẻ! Nhân hôm nay nghe bài nói của tướng Long, đoạn tướng Long “tiết lộ”: “Bây giờ mừng vô cùng các đồng chí ạ! Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong Nghị quyết của mình là”, tôi xin kể lại đoạn hồi ức nói trên của tôi để khép lại đôi điều trao đổi cùng tướng Trương Giang Long, đồng thời chia xẻ với bạn hữu gần xa lâu nay chưa gặp lại!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BẢN CHẤT CỦA BIỂU TÌNH TẠI VIỆT NAM


Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc. Ảnh: internet
 
BẢN CHẤT CỦA BIỂU TÌNH TẠI VIỆT NAM 

FB Nguyễn Thị Bích Ngà
21-3-2017

Tất cả các cuộc biểu tình ở VN cho đến thời điểm hiện tại và trong tương lai gần về bản chất chỉ là CUỘC CHIẾN VỀ TRUYỀN THÔNG. Đã đến lúc đặt vấn đề để nhìn nhận đúng bản chất, đúng thực tế, nhằm hiểu rõ mục tiêu và mục đích, từ đó tìm ra giải pháp và phương thức đúng cho các cuộc biểu tình.

Để trình bày một cách cặn kẽ về vấn đề này, tôi sẽ viết khá dài. Bạn nào lười nên ngừng tại đây.

Biểu tình là gì? Có nhiều hình thức biểu tình và mỗi một hình thức mang một bản chất khác nhau tùy theo mục tiêu, mục đích mà nhóm biểu tình đề ra.

Lấy ví dụ về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong. Mục đích của cuộc biểu tình đó là: đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là được quyền đề cử Đặc khu trưởng mà không phải thông qua quyết định của ủy ban bầu cử. Mục tiêu đề ra là: Phải đạt được mục đích hoặc đạt được các thỏa thuận tương đối.



Và ta thấy, khi đã xác định rõ mục đích và mục tiêu cụ thể, sinh viên Hong Kong làm tất cả nhũng gì có thể: Truyền thông, gây thiện cảm, lôi cuốn nhiều người nhiều thành phần từ khắp nơi trên thế giới quan tâm, kiên trì ngày qua ngày đêm qua đêm, chiếm trung tâm, giữ ôn hòa… Tất cả mọi việc đều vì một mục đích duy nhất. Cuối cùng, tuy mục tiêu đề ra chưa đạt được nhưng các bạn ấy đã cố gắng hết sức và gây được tiếng vang rất lớn trên thế giới, làm cho giới lãnh đạo phải dè chừng.

Ba Lan: Công Đoàn Đoàn Kết ra đời từ tháng 8/1980 và tổ chức đình công. Mục đích: đòi tăng lương, phản đối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của nhà nước. Mục tiêu: CHo đến khi đạt được mục đích hoặc thỏa thuận tương đối. Và họ đã tổ chức đình công lan rông cả nước kiên trì với mục tiêu đề ra để đạt được mục đích. Ngày 31 tháng 08 năm 1980, chính phủ đã phải ký kết với Ủy ban Đình Công Toàn Quốc đồng ý tăng lương, thả những người bị bắt trong các cuộc đình công, v.v… Và phong trào lớn mạnh cho đến tháng 04 năm 1989, đảng cầm quyền buộc phải chấp nhận “Hội nghị bàn tròn” với Công Đoàn Đoàn kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào quốc hội và thượng viện. Tháng 06 năm 1989, trong cuộc bầu cử dân chủ, Công Đoàn Đoàn kết thắng lớn. Công Đoàn Đoàn kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nhân dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp.

Qua hai ví dụ trên, ta thấy, các cuộc biểu tình, đình công của Ba Lan, Hong Kong (và nhiều nơi khác) đề ra mục đích và mục tiêu cụ thể, rõ ràng và họ làm bằng được mới thôi.

Việt Nam: Đã có nhiều cuộc biểu tình của nhân dân diễn ra theo rất nhiều mục đích với từng sự vụ cụ thể: Năm 2007 một loạt các đợt biểu tình đã diễn ra chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, kêu gọi lòng yêu nước. Rất nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối chính sách đền bù đất đai của nhà nước. Phản đối giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Phản đối Trung Quốc tôn tạo xây cất trái phép trên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải ra biển làm ô nhiễm vùng biển bốn tỉnh miền Trung, đòi công ty Formosa phải đền bù thiệt hại, cải tạo biển và đòi chính phủ phải minh bạch thông tin, đòi chính phủ phải đuổi công ty Formosa ra khỏi Việt Nam do các vi phạm môi trường…Và mới đây là các cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của Cha Lý.

Điểm lại các cuộc biểu tình tại Việt Nam trong thời gian qua, ta thấy, các cuộc biểu tình có đặt ra mục đích. Nhưng không hề đặt ra mục tiêu.

Ví dụ: Dân oan phản đối chính sách đền bù đất đai của nhà nước. Mục đích là gì? Phải chăng là phải đạt được mức đền bù theo thỏa thuận với giá trị thực hiện hành? Vậy mục tiêu là gì? Phải chăng là cho đến khi nào đạt được mục đích? Nhưng, ta thấy, dân oan không hề kiên trì với mục tiêu nhằm đạt được mục đích. Dân oan sáng đi biểu tình, chiều về làm đồng. Ở miền Nam thì còn theo thời vụ, rảnh việc đồng mới đi biểu tình.

Ví dụ: Biểu tình phản đối giàn khoan 981, đòi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam. Chủ nhật cuối tuần, rảnh công việc thì người dân xuống đường biểu tình phản đối, đến trưa về nhà còn đón con, chăm gia đình hoặc đi đá bóng. Trung Quốc nó rút giàn khoan hay không thì…mình còn phải đi làm nuôi gia đình. Tuần sau chủ nhật biểu tình tiếp.

Biểu tình đòi chính phủ minh bạch về Formosa và đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. Cũng một hình thức: Cuối tuần xuống đường biểu tình hai, ba tiếng buổi sáng, về nghỉ, sang ngày đi làm, tuần sau biểu tình tiếp. Không hề kiên trì mục tiêu và làm mọi thứ để thực hiện mục tiêu.

Các cuộc biểu tình kể trên không đặt ra mục tiêu cụ thể là khi nào đạt được mục đích hoặc đạt được thỏa thuận thì mới thôi. Không có tính liên tục, không có tính áp lực, không đạt được mục đích đặt ra. Do đó, về bản chất, các cuộc biểu tình đó chỉ là hình thức tuần hành nêu lên tiếng nói của người dân đối với chính phủ.

Và khi đã là tuần hành nêu lên tiếng nói thì đó chỉ là CUỘC CHIẾN VỀ TRUYỀN THÔNG. Chính phủ chỉ gặp áp lực về truyền thông. Chính phủ dập tắt các cuộc biểu tình, đàn áp, bắt bớ, đánh đập…cũng chỉ là vì không muốn phe biểu tình thắng về truyền thông khi biểu tình tự do. Cho đến giờ, họ có gặp áp lực với một mục đích cụ thể nào để phải thỏa thuận nhằm đáp ứng mục đích của người dân biểu tình chưa? Chưa.

Trong bối cảnh phần lớn người dân Việt Nam còn chưa biết quyền hiến định của mình, còn nghe tuyên truyền biểu tình là xấu, là gây mất ổn định, là phản động, là bị xúi giục…thì chưa thể có được các cuộc biểu tình kiên trì với mục tiêu đề ra để đạt được mục đích cụ thể, bởi không có được số đông, không có sự đồng thuận, không có sự đồng lòng để tổ chức chặt chẽ.

Từ những phân tích trên, đã rõ, khi chưa thể có được điều kiện cần và đủ để có được các cuộc biểu tình với mục đích và mục tiêu cụ thể thì các cuộc biểu tình diễn ra theo sự vụ chỉ là cuộc chiến về truyền thông. Trong cuộc chiến đó, ai biết cách làm truyền thông sẽ thắng.

Đừng hô hào to tát, đừng đặt ra mục đích cao xa khi chưa đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu, thậm chí không dám đề ra mục tiêu và thực hiện cho kỳ được. Nhìn nhận đúng thực tế tình hình để suy nghĩ cách làm truyền thông cho tốt khi tổ chức biểu tình trong thời điểm hiện tại là bước đi nhỏ nhưng chắc và thực tế.

“Chiếm trung tâm?!” Vâng, rất kêu, nhưng trước hết hãy nhìn xung quanh mình đi đã ạ.

Bài này, tôi biết sẽ vấp phải những ý kiến tranh cãi rất dữ, và tôi sẽ nhận rất nhiều lời chụp mũ hoặc thái độ thù ghét từ cả ba bên bốn phía. Nhưng, đã đến lúc chúng ta hãy thôi ảo tưởng mà nhìn lại cho đúng để học. Có nóng lòng, có sốt ruột thì cũng phải chịu. Phải chấp nhận học đi trước khi chạy, không thể khác. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BIỂN THẦM



Ảnh đại diện của Lê Khánh Mai, Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Những con sóng
không nơi khởi đầu
không hồi kết thúc
dồn đuổi nhau đầy ắp biển ngoài kia
tự vỡ mình ra
tự thu về nguyên vẹn
ta biết lắm biển ơi, ngươi chẳng đau khổ bao giờ
Những gươm đá dựng bên ghềnh sắc lạnh
con sóng rơi đầu
con sóng lại chồm lên
chai lỳ những vết thương
chai lỳ muôn khát vọng
có phải vĩnh hằng kia làm biển vô tình
Giữa biển thầm mặt đất
ta con sóng buồn luôn tự vỡ mình ra
bao nhiêu khởi đầu bấy nhiêu kết thúc
những mảnh hồn chắp mãi chẳng vẹn nguyên
LKM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Viện Phan Châu Trinh, Nguyên Ngọc, tôi tin


Đọc bài này mình nhớ lại năm 1979 đầy sôi động. Sau chiến dịch đi xây dựng phòng tuyến sông Cầu ngăn quân Trung Quốc xâm lược, về lại thủ đô, giới trẻ bọn mình xôn xao truyền tay đọc các bài viết về đánh giá lại nền văn học Việt Nam. Khởi đầu là 1 tiểu luận của nhà văn Nguyễn Minh Châu nhan đề "Viết về chiến tranh" đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 11-1978 bác bỏ những tác phẩm trước của mình, trong đó bác bỏ cả tiểu thuyết "Dấu chân người lính", tiểu thuyết được Lê Đức Thọ (ông trùm về tổ chức của Đảng lúc đó) đánh giá là tác phẩm hay nhất của dòng văn học viết về đề tài chiến tranh. Tiếp đó là bài viết xuất sắc của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến trên báo Văn Nghệ, Hà Nội, số 23, thứ bảy, 9/6/1979, với nội dung chủ yếu là phê phán cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, tức là viết văn tô hồng, xuyên tác sự thật để chiều ý lãnh đạo (văn nghệ minh họa). Theo sau tiểu luận nổi tiếng này là các bài đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội và Văn nghệ. Hậu quả nhiều nhà văn bị kiểm điểm, phê phán, mất chức, hạ bậc lương... Trào lưu này lúc đó được coi là "Hậu Nhân văn giai phẩm". Bên cạnh những nhà văn nói trên, cũng lộ ra nhiều cây bút được giới trẻ lúc đó gọi là đại đại bồi bút của chế độ. Xem thêm bài "Đổi Mới Quyết Liệt" để hiểu về Nguyễn Minh Châu.
Viện Phan Châu Trinh, Nguyên Ngọc, tôi tin
Khi được giao nhiệm vụ bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Ngọc tổ chức hội nghị đảng viên trong Hội, họp ngày 13 tháng 06 năm 1979 ( xin lưu ý : năm 1979 chứ không phải năm 1987 như một vài nhà nghiên cứu tên tuổi đã nhầm lẫn tai hại) để cùng nhau bàn thảo việc đổi mới văn học góp phần đổi mới con người, đổi mới xã hội. Là người tham dự hội nghị này từ đầu đến cuối, tôi đã tận mắt chứng kiến Nguyên Ngọc chiến đấu kiên cường thế nào trước thế lực bảo thủ trong nội bộ Đảng (CSVN), lại là cấp trên rất cao của anh. Hội nghị mở đầu bằng phần bí thư Đảng đoàn Nguyên Ngọc trình bày bản Đề cương Đề dẫn (gọi tắt là Đề dẫn) để mọi người thảo luận.
Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại lễ ra mắt Viện Phan Chu Trinh. Ảnh: VOA
Ngày 07 tháng 02/2017, tại thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), ra đời VIỆN PHAN CHÂU TRINH với chủ tịch Hội đồng Viện là nhà văn Nguyên Ngọc. Sự kiện này được loan tải trên một số cơ quan truyền thông nhà nước và khá đầy đủ và trang trọng trên các trang báo mạng Văn Việt, Dân Quyền, Bauxitevn…


Đối với tôi, đây là một sự kiện văn hoá xã hội có tầm quan trọng mang tính đột phá lớn tiếp sau sự ra đời của Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam với nhà văn Nguyên Ngọc làm trưởng ban.

Trong diễn từ tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội đồng Viện Nguyên Ngọc nêu rõ:

“Viện Phan Châu Trinh ra đời, đúng như tên gọi của nó, nhằm góp phần phát huy di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong phát triển của đất nước ngày nay. Hơn một trăm năm trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu nước, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc hậu nặng nề về văn hóa và văn minh so với đối thủ mới của mình và với thế giới, bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng nô lệ thảm khốc.Từ đó, ông thống thiết nói : “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là ‘CHI BẰNG HỌC!’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên nhận ra. Nhà nghiên cứu Lê Thị Hiền Minh chỉ ra rằng đó chính là chương trình nhằm “trang bị cho những người yếu thế [tức cho nhân dân ta] các phương tiện để bước vào một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc ViệtNam lên con đường hiện đại hóa”. Có như vậy thì độc lập được giành lại, dù bằng cách nào, mới thật sự có ý nghĩa và mới có thể bền vững. Chúng tôi nghĩ cần hiểu, dù chỉ vắn tắt nhất, về điều được gọi là “Triết học Phan Châu Trinh” như vậy, để thấy rằng ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh minh của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng sáng suốt phát hiện và báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí theo cách nào đó càng nóng bỏng cấp thiết hơn. Chúng tôi muốn được thưa rằng Viện Phan Châu Trinh được thành lập hôm nay chính là trên và vì ý hướng đó.

Viện Phan Châu Trinh mong muốn phấn đấu thành một viện nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa; ra sức thu hút tinh hoa thế giới và phát huy tinh hoa Việt; ngay từ đầu tự xây dựng cho mình một tinh thần nghiêm túc khoa học trong mọi hoạt động lớn nhỏ của mình”.(hết trích).

Về mặt hành chính và pháp lý, Viện Phan Châu Trinh thành lập theo luật khoa học & công nghệ với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở khoa học & công nghệ tỉnh Quảng Nam cấp. Nhưng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa mà Viện tự nguyện gánh vác thì mang tầm vóc quốc gia với những chuẩn mực quốc tế đối với bất cứ viện nghiên cứu khoa học nào.

Mọi người đều biết, trong chế độ chuyên chính vô sản độc tài toàn trị không có khoa học xã  hội đích thực, chỉ có cái gọi là khoa học xã hội phục vụ chính trị. Sự thật thê thảm này đã được thẳng thắn phơi bày từ chính ủy viên trung ương Đảng (CSVN) chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội lúc đương nhiệm Nguyễn Khánh Toàn (tên ông hiện được đặt cho một đường phố lớn ở Hà Nội); ông nói, đại ý  : Khoa học xã hội của chúng ta bấy lâu chỉ làm nhiệm vụ chứng minh cho đường lối và chính sách đã có là đúng chứ không làm được công việc mà đáng lẽ nó phải làm là xác lập căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối và chính sách.

Vì vậy, những ai muốn làm khoa học xã hội đích thực  tất phải đương đầu với những trở lực ghê ghớm, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy.

Nhưng tôi tin, dù trở lực to lớn nhường nào, gian nan nguy hiểm nhường nào, Nguyên Ngọc với sự dũng cảm và khôn khéo mà tôi biết, cùng với các đồng sự của anh sẽ từng bước vững vàng thực hiện ngoạn mục nhiệm vụ ấy.

Vì sao tôi tin ?

Vì tôi đã thấy Nguyên Ngọc là người luôn có mặt ở tuyến đầu của tuyến đầu, mũi nhọn của mũi nhọn trong cuộc chiến đấu để làm người.

Vâng,  “Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu để làm người” ! – đó là tuyên ngôn của Nguyên Ngọc trong một bài tùy bút. anh viết mùa xuân năm 1968 giữa khói lửa chiến trường khi cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Cuộc chiến đấu để làm người không dừng lại sau ngày 30/4/1075 mà chuyển sang một chặng mới, một hình thái mới, phức tạp hơn, trầy trật hơn, gay go hơn và cũng lâu dài hơn. Bởi vì đây là cuộc chiến đấu để làm con người tự do, tự chủ, mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và việc làm đều phải tự do, tự chủ, quyết không để bị dắt tựa trâu bò.Và ở chặng đường mới này, Nguyên Ngọc lại tiếp tục đứng ở hàng đầu của hàng đầu.Khi được giao nhiệm vụ bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Ngọc tổ chức hội nghị đảng viên trong Hội, họp ngày 13 tháng 06 năm 1979 ( xin lưu ý  : năm 1979 chứ không phải năm 1987 như một vài nhà nghiên cứu tên tuổi đã nhầm lẫn tai hại) để cùng nhau bàn thảo việc đổi mới văn học góp phần đổi mới con người, đổi mới xã hội. Là người tham dự hội nghị này từ đầu đến cuối, tôi đã tận mắt chứng kiến Nguyên Ngọc chiến đấu kiên cường thế nào trước thế lực bảo thủ trong nội bộ Đảng (CSVN), lại là cấp trên rất cao của anh. Hội nghị mở đầu bằng phần bí thư Đảng đoàn Nguyên Ngọc trình bày bản Đề cương Đề dẫn (gọi tắt là Đề dẫn) để mọi người thảo luận. Tư tưởng trung tâm của Đề dẫn là cần phải có một cuộc giải phóng cá nhân mà phương Tây đã bắt đầu từ thời Phục Hưng nhưng tại Việt Nam ngày nay cần mang một chất lượng mới cao hơn, không phải cá nhân được khẳng định được giải phóng để đưa đến cái tôi vị kỷ chỉ cốt thỏa mãn tham vọng cá nhân cho dù xã hội có cùng khốn ra sao cũng bất chấp, mà là một cái tôi được phát huy mọi năng lực sáng tạo vừa phục vụ lợi ích của bản thân nó vừa góp phần phục vụ xã hội. Đề dẫn viết : “Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất, để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xóa bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó, yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ.”

Đúng thế, phải khẳng định, phải giải phóng cá nhân để đưa nó thoát ra khỏi cái tập thể bầy đàn và rồi tiếp đó nó sẽ tự giác tập hợp lại thành một tập thể tinh nhuệ.

Theo nhận xét của riêng tôi, đây là một đột phá về tư tưởng rất táo bạo giữa khi lý luận mù mờ về “Làm chủ tập thể” của Tổng bí thư Lê Duẩn đang áp đặt như một “chân lý” không được phép tranh cãi vào tư duy của toàn đảng cầm quyền và toàn xã hội.

Sự đột phá đó được sự hưởng ứng hồ hởi nồng nhiệt ngay lập tức của các đại thụ trong làng văn đồng thời là ủy viên gạo cội trong Đảng đoàn như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, và các ủy viên mới Nguyễn Khải, Giang Nam. Qua hai ngày thảo luận, sáng ngày thứ ba, ủy viên Bộ chính trị trưởng ban tuyên huấn trung ương Tố Hữu đến phát biểu với hội nghị. Đề dẫn bị Tố Hữu đập tơi bời. Cả hội nghị tái mặt, bơ phờ trong hoang mang và hồi hộp chờ đợi Nguyên Ngọc sẽ nói gì khi phát biểu kết luận vào cuối buổi chiều.

Nguyên Ngọc kết luận:

“Hội nghị chúng ta cơ bản nhất trí với Đề dẫn”
Nguyên Ngọc chỉ đơn giản nói lên một sự thật hiển nhiên, nhưng sau đòn sấm sét của Tố Hữu thì đó là một kết luận dũng cảm, can trường.

Và cũng thật khôn khéo, chặt chẽ khi Nguyên Ngọc tiếp :

“ đồng thời chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến đồng chí Tố Hữu”.     

Sau hội nghị, Nguyên Ngọc bị vô hiệu hoá và một thời gian nữa thì mất chức bí thư đảng đoàn.

Đến thời đổi mới, khi triển khai nghị quyết 05 của Bộ chính trị (tháng 11 năm 1987) mà người có công chuẩn bị là trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trần Độ, với sự dàn xếp khéo léo của Trần Độ, Nguyên Ngọc về làm tổng biên tập báo Văn Nghệ.Tờ báo lập tức khởi sắc và trở thành tờ báo đi đầu trong đổi mới, đặc biệt là với việc cho đăng bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc thẳng tay xé toang cái màn đêm ngột ngạt bao năm ròng phủ dày nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Rồi Nguyên Ngọc lại bị mất chức bởi tiếp tục cho đăng những trang viết “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật” (nghị quyết Đại hội 6 Đảng CSVN) như thế.

Đầu tháng 3 năm 2014, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam được thành lập với gần 60 thành viên gồm  các nhà văn đang sống và viết tại Việt Nam và nước ngoài do nhà văn Nguyên Ngọc làm trưởng ban. Văn đoàn ra tờ báo mạng Văn Việt được điều hành bởi các bậc cao thủ văn chương báo chí với sự chỉ đạo của nhà văn Nguyên Ngọc. Theo đánh giá của riêng tôi, Văn Việt là tờ báo văn học nghệ thuật chất lượng và hoành tráng nhất Việt Nam hiện nay. Đọc Văn Việt, công chúng được tiếp nhận một nền văn học Việt Nam thống nhất với những tác giả tác phẩm tiêu biểu thuộc vô số trường phái khác nhau với những lý tưởng chính trị xã hội và thẩm mỹ rất khác nhau, thậm chí xung đột nhau.Chỉ với mảng Văn học Miền Nam 1954 – 1975, bằng việc làm rất công phu của mình, Văn Việt đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc hoà giải hoà hợp dân tộc, một cách thiết thực, hữu ích gấp nghìn lần những lời bàn suông về hoà giải hoà hợp. Giải Văn Việt lần thứ hai vừa được trao là một bằng chứng hùng hồn về một bước nhích tới của tiến trình hoà giải hoà hợp dân tộc.

Có ý kiến bảo rằng nhà văn Nguyên Ngọc thiếu dũng khí khi đã 3 năm rồi mà vẫn không dám cắt cái đuôi “Ban Vận động” để đưa Văn đoàn trở thành hội. Văn Việt đã cho thấy dũng khí không nằm ở cái tên Ban Vận động Văn đoàn độc lập hay Hội (…) độc lập.

Từ các sản phẩm của Văn Việt, tôi mạnh mẽ tin rằng Viện Phan Châu Trinh cũng sẽ đóng góp cho xã hội những sản phẩm thể hiện đúng tinh thần nghiêm túc khoa học như nhà văn Nguyên Ngọc đã tuyên bố, trước hết là bộ “Toàn chí Quảng Nam”, phải làm trong 5 năm, mà tỉnh ủy Quảng Nam đã “đặt hàng” cho Viện. Có ý kiến dựa vào sự đặt hàng ấy mà bảo rằng Viện Phan Châu Trinh không thể giữ được tính độc lập khi nhận tiền nhà nước. Thiết nghĩ, nhìn sự việc như vậy thì không khỏi rơi vào hời hợt, giản đơn. Độc lập hay không, cần nhìn vào chất lượng sản phẩm mà xét. Nếu đó là sản phẩm khoa học đích thực thì chẳng có gì phải thắc mắc về sự độc lập hay không độc lập. Tôi tin rằng, Viện Phan Châu Trinh, với chủ tịch danh dự là nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bà là cháu ngoại cụ Phan) và chủ tịch Hội đồng Viện là nhà văn Nguyên Ngọc, bằng mối quan hệ rộng rãi đã có và sẽ không ngừng phát triển, chắc chắn có thể thu hút được sự cộng tác của những chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khắp trong nước và cả ngoài nước để cho ra những sản phẩm khoa học đích thực.

Và điều này nữa, tôi cũng tin rằng, với phương châm nghiên cứu kết hợp đào tạo, sau 5 năm, cùng với công trình “Toàn chí Quảng Nam”, một lực lượng nghiên cứu viên đáng tin cậy thuộc thế hệ trẻ sẽ xuất hiện từ Viện Phan Châu Trinh.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bùi Minh Quốc

Phần nhận xét hiển thị trên trang