Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Đổi Mới Quyết Liệt Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) là một trong số ít nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới.

Đỗ Ngọc Thạch Nhà văn phải đứng hai chân giữa mặt đất đầy hiểm họa, giữa thập loại chúng sinh – (Nguyễn Minh Châu)
Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng văn học vừa độc đáo vừa lớn lao của văn học Việt Nam hiện đại vào cuối Thế kỷ 20. Nguyễn Minh Châu bước vào nghề văn hơi muộn nhưng Sự nghiệp Đổi mới trong văn học đã chọn ông để trao cho ông “Ấn Tiên Phong” lãnh chức Đại Tướng quân của Tập đoàn quân Chữ! Vì sao lại có sự “Chọn mặt gửi Vàng” độc nhất vô nhị đó của Lịch sử? Và Nguyễn Minh Châu đã “điều binh khiển tướng” Tập đoàn quân Chữ của mình như thế nào? Trả lời những câu hỏi này sẽ làm sáng rõ bức chân dung còn rất “huyền ảo” của Nhà văn “Đất nghèo Xứ Nghệ” Nguyễn Minh Châu…

Bài viết này gồm ba phần: 1/Thời kỳ đầu: Nhà văn với cảm hứng sử thi-anh hùng ca ; 2/Thời kỳ đổi mới: Nhà văn với nỗi khắc khoải nhân sinh; 3/Những luận điểm cơ bản của“Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”.

*
1/Thời kỳ đầu: Nhà văn với cảm hứng sử thi-anh hùng ca
Ngoài 30 tuổi, Nguyễn Minh Châu (1) mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1962). Bốn năm sau, 1966, tiểu thuyết đầu tay Cửa sông mới ra đời. Có nghĩa là 36 tuổi, Nguyễn Minh Châu mới chính thức theo Nghiệp Văn. Như thế là quá muộn so với những người mới ở độ tuổi Mười Tám, đôi mươi đã trình Làng những tác phẩm chấn động  như đa phần các nhà thơ tài hoa của phong trào “Thơ Mới”.

Đã vào nghề văn muộn, lại viết chậm và ít: bốn năm sau tiểu thuyết đầu tay Cửa sông, mới có tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau (1970) và sáu năm sau Cửa sông, tiểu thuyết thứ hai Dấu chân người lính mới ra đời (1972), cũng có nghĩa là sau 10 làm nghề viết văn (42 tuổi đời) Nguyễn Minh Châu mới được công chúng văn học biết đến với tư cách nhà Tiểu thuyết.

Tuy nhiên, từ truyện ngắn đầu tay Mảnh trăng cuối rừng (1975), Nguyễn Minh Châu đã để lại một ấn tượng không phai mờ: Mảnh trăng cuốirừng được đánh giá là truyện ngắn hay nhất viết về “Tình yêu thời bom đạn”. (Về cuối đời, Nguyễn Minh Châu đã làm sôi động văn đàn cũng bằng thể loại Truyện ngắn). Cho đến hôm nay, đọc lại truyện ngắn này, ta vẫn thấy cảm xúc trữ tình của Nguyễn Minh Châu thật mãnh liệt mà sâu lắng: Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng...”. Điều này giải thích vì sao đã có gần chục tiểu thuyết mà tác phẩm cuối cùng - truyện ngắn Chợ Tết - (truyện in ra lần đầu trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 2-1988, gần một năm sau, Nguyễn Minh Châu qua đời, ngày 27-1-1989) thiên truyện ngắn lại chất chứa bao nỗi niềm, suy tư của cả đời viết văn của Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới bạn đọc. Đây là một thiên truyện mà Nguyễn Minh Châu “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất bởi nó như là bản di chúc Nguyễn Minh Châu  để lại hậu thế …

Là nhà văn mặc áo lính, Nguyễn Minh Châu ý thức sâu sắc về sứ mệnh cao cả, nhiệm vụ thiêng liêng của người cầm bút trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tâm niệm sáng tác duy nhất trong ông lúc này là hướng đến cuộc “chiến đấu vì sự sống còn của cả dân tộc, đất nước”, do vậy nhà văn đã dành gần hai chục năm sung sức của cuộc đời để tìm tòi, khám phá, thành tâm và say sưa ngợi ca vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo của cuộc sống và tâm hồn con người trong chiến tranh. Đó chính là những tác phẩm được viết bởi cảm hứng sử thi-anh hùng ca - một cảm hứng chủ đạo của văn học thời kỳ chống Mỹ mà Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn thể hiện xuất sắc nhất với Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính…(Sau này, ông có ân hận là tại sao lúc sung sức nhất lại ít viết về quê hương với những con người nghèo khổ, lam lũ của mình).

Sau Dấu chân người lính, là sự tiếp tục ra đời của những sáng tác mang cảm hứng sử thi được chắt lọc từ hiện thực đời sống như Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra, Lửa từ những ngôi nhà.
Miền cháy (tiểu thuyết, 1977) là tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của Nguyễn Minh Châu từ chủ nghĩa hiện thực bay bổng chất lãng mạn cách mạng và cảm hứng sử thi bước sang chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo. Gương mặt những người anh hùng hiện lên trong những trang viết này đầy “tâm trạng”: khắc khổ, dằn vặt, bất an. Người đọc như ngộ ra một sự thật khắc nghiệt: người Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh cũng cần phải có bản lĩnh và sẽ phải đối mặt với những thách thức không kém sự khốc liệt như khi còn chiến tranh. Miền cháy là mảnh đất miền Trung xác xơ trong lửa đạn - sau khói lửa đạn bom phải bắt đầu từ cái gì để nhanh chóng hồi sinh trước ngổn ngang đổ nát, bộn bề lo toan!

Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977) là những suy nghĩ sâu sắc về vai trò của gia đình đối với cuộc sống của người chiến sỹ. Đó là cuốn sách ông viết lâu nhất, những 7 năm, cũng là cuốn sách mà ông rất thích thú. Lửa từ những ngôi nhà là bộ mặt khắc khổ của những người lính từng là anh hùng nơi chiến trường nhưng xa lạ với lo toan đời thường sau chiến tranh, sống bất an trong hòa bình. Trong trang viết của Nguyễn Minh Châu, cuộc sống hiện lên đa chiều, đầy những vết nham nhở, góc cạnh, ở đó có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, sự vật vã, bức bối phức tạp và bất an. Nhà văn đã đi sâu vào những “góc che khuất” của chiến tranh, của tâm hồn con người, điều mà trước đây, do nhiều nguyên nhân buộc ông phải “ngoảnh mặt làm ngơ” hoặc nhìn nhận khác. Những vấn đề của Miền cháy và Lửa từ những ngôi nhà sẽ được đề cập sâu hơn, triệt để hơn trong những tác phẩm cuối đời của Nguyễn Minh Châu…

Vấn đề trách nhiệm đạo đức trước những người lính của cuộc chiến tranh vừa qua được Nguyễn Minh Châu viết “rất kỹ” trong truyện ngắn Bức tranh (được viết từ 1976 nhưng đến1982 mới công bố được) rất đặc sắc…Bức tranh chưa phải là kiệt tác của Nguyễn Minh Châu nhưng đó là truyện ngắn bản lề báo hiệu một bước chuyển mới trong sáng tạo văn học, dự báo một quan niệm, một bút pháp hoàn toàn mới. Trong Bức tranh, không có con người “lý tưởng hóa” mà đó là con người đa nhân cách: có cả cao đẹp lẫn thấp hèn. Từ những dằn vặt, đối chứng của nhân vật người họa sỹ, câu hỏi lớn - nhức nhối đặt ra cần được trả lời ngay trong tác phẩm là: chúng ta không  thể vì cái danh hiệu vinh quang của cộng đồng dân tộc mà bỏ qua số phận cá nhân. Cái nhìn của nhà văn đã thay đổi theo hướng nhìn thẳng vào bản chất của hiện thực: Chiến tranh không chỉ  là ánh hào quang của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng mà còn có cả mất mát, đớn đau, giả dối; Chiến tranh còn làm “cho người ta hư đi hơn là làm người ta tốt hơn”; con người cũng không còn lấp lánh vẻ đẹp thiên thần mà hội tụ cả những ham muốn tầm thường, thấp hèn. Kế liền sau Bức tranh là  Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) - những vấn đề của “hậu chiến” được Nguyễn Minh Châu suy nghĩ nghiêm túc. Hoặc có thể nói, sau âm hưởng sử thi-anh hùng ca là  thứ âm hưởng khác dữ dội hơn, khốc liệt hơn trong các truyện ngắn như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành... Đó là âm hưởng của một nỗi đau không thể nói thành lời trước những mất mát mà chiến tranh gây ra cho dân tộc nói chung, cho mỗi con người cụ thể nói riêng ...

Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là câu chuyện về người đàn bà tên Quỳ, với những kỷ niệm thời chiến tranh, với người yêu của cô là anh trung đoàn trưởng Hòa - một con người đáng mặt nam nhi quân tử, tập trung “tất cả tinh hoa của nam giới”. Yêu Hòa nhưng Quỳ lại đòi hỏi nơi anh phải như một “thánh nhân”. Hòa hy sinh, Quỳ luôn dằn dặt, khổ đau, … và rồi cô lấy Ph (bạn cũ của Hòa) làm chồng. Rồi tai họa rơi xuống, Ph bị đi tù. Quỳ luôn sống trong những mộng tưởng. Người ta đưa cô vào bệnh viện tâm thần. Câu chuyện được Quỳ kể lại với người bạn cùng bệnh viện Tâm thần …

Hình tượng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã tạo nhiều ám ảnh ở người đọc. Qùy là con người cô đơn, suốt đời “lang thang đi tìm cái chân trời của những giá trị tuyệt đối hoàn mỹ”. Nơi cánh rừng Trường Sơn trong những cuộc chiến khốc liệt nhất Qùy đã từng là “nàng công chúa” nhưng lúc quay về đời thường người đàn bà này lại mang căn bệnh mộng du. Những suy tư, trăn trở bao lâu mà Qùy ấp ủ bằng trái tim rỉ máu, bằng khát vọng mãnh liệt đã trở thành hài hước và cứng nhắc giữa cuộc đời thường nhật …. Qùy tự hiểu mình, hiểu người, hiểu đời, hiểu tất các những nỗi đau riêng chung tê dại. Hòa bình đã không thể làm lành hết những vết thương ở trong cô. Có lẽ vì thế Qùy luôn phải sống cô đơn, phiêu du cùng hoài niệm. Đó chính là sự khắc nghiệt của chiến tranh! Sự khắc nghiệt đó đã in dấu lên cuộc đời của mỗi thân phận con người bé nhỏ. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành viết về một đề tài không dễ, đề tài mà văn học Việt Nam hiện đại phải “quên đi” (Hữu Loan vì nói đến trong Màu tím hoa sim mà “thân bại danh liệt”) - đề tài về người phụ nữ trong chiến tranh và số phận của họ sau chiến tranh, một số phận không giản đơn, không ngọt ngào, bởi những bi kịch của chiến tranh không hề mất đi mà bám dai dẳng vào từng số phận con người. Về đề tài này, tám năm sau Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, tiểu thuyết Bến không chồng (Giải thưởng năm 1991 của Hội Nhà văn VN) của Dương Hướng là một thành công rất đáng chú ý của thời kỳ đầu những năm 1990, tức vẫn trong 10 năm đầu của Sự nghiệp Đổi mới.

2/Thời kỳ đổi mới: Nhà văn với khắc khoải nhân sinh
Viết chậm, lại rất nhút nhát, ngơ ngác trong cuộc sống đời thường: Nguyễn  Minh Châu rất e ngại khi phải đối mặt với... đám đông. Trong những ghi chép cuối cùng (có tên gọi “Ngồi buồn viết mà chơi”) được thực hiện trong những ngày nằm điều trị tại Viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ”.

Thế nhưng Nguyễn Minh Châu lại là người được Sự nghiệp Đổi mới chọn mặt gửi vàng để trở thành nhà văn - chiến sĩ đi tiên phong trong sự  nghiệp Đổi mới của Văn học Việt Nam nửa cuối TK 20. Ấy là khi Nguyễn Minh Châu cho đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987). Nếu nhìn vào cái mốc năm 1986 là năm khởi đầu của sự nghiệp Đổi mới ở mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc (mà sau này được tính là năm đầu của Thời kỳ Đổi mới), thì có vẻ như nhà văn của chúng ta đi sau thời đại. Nhưng nhìn vào thời gian khoảng 1979-1980, nổi lên một cuộc tranh luận khá gay gắt chung quanh bài viết của Hoàng Ngọc Hiến nhan đề Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước ta trong giai đoạn vừa qua, mà nội dung chủ yếu là phê phán cái gọi là chủ nghĩa hiện thực phải đạo do Hoàng Ngọc Hiến khái quát. Song thực ra thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” (văn chương phải đạo) trong bài viết của Hoàng Ngọc Hiến thoát thai từ bài tiểu luận Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 11-1978. Như vậy để thấy rằng bên trong cái vẻ nhút nhát, chậm chạp là một “cái đầu đang bốc lửa” để tìm con đường Đổi mới cho văn chương của Nguyễn Minh Châu: Trong khi suy nghĩ chung quanh việc viết về chiến tranh, ông lờ mờ cảm thấy “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng đang mơ ước”, bởi vậy các nhân vật trong các tác phẩm viết về chiến tranh “thường khi có khuynh hướng được mô tả một chiều thường là quá tốt, chưa thực”. Nguyễn Minh Châu muốn có một sự thay đổi và ông đã thể hiện suy nghĩ đó trong những sáng tác của mình: một loạt tác phẩm mới ra đời khác hẳn cái cảm hứng chủ đạo Anh hùng ca ở Dấu chân người línhBến quê (tập truyện ngắn, 1985); Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987); Chiếc thuyền ngoài xa (1987), PhiênChợ Giát (1988), Cỏ lau (truyện vừa, 1989)…

Trong Chiếc thuyền ngoài xa là cuộc sống của những người dân chài lam lũ: “Cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”. Trong cuộc sống của những người dân chài lam lũ đó, luôn tiềm ẩn những bi kịch không thể lường hết. Có thể nói, với Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn đã nói về những nghịch lý tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người. Bằng thái độ cảm thông và sự hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã cung cấp cho ta cái nhìn toàn diện về cái đẹp cuộc sống, hiểu cả bề mặt lẫn chiều sâu.

Thì ra, sau khi viết Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã suy nghĩ nhiều về những thân phận của con người và sứ mệnh của nhà văn. Phải trở thành lương tri của xã hội - cái điều nhiều cây bút thời nay trong thâm tâm cũng thấy đúng, nhưng lại cho là xa vời cao siêu quá - chính là điều Nguyễn Minh Châu cảm thấy một cách máu thịt và muốn lấy cả đời văn của mình ra để thực hiện: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ), “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” (Ngồi buồn viết mà chơi).

Nhà văn Nguyên Ngọc đã rất đúng khi cho rằng Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất” ở chặng đầu đổi mới của văn học nước nhà. Trong cơn trở dạ nhiều đau đớn ấy Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cả bản lĩnh và tài năng của mình cho một khát vọng khẩn thiết và mãnh liệt: văn chương cần phải khác. Nơi đó cái đẹp phải là cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó.

Hàng loạt tác phẩm được viết dưới ý tưởng “văn chương cần phải khác” đó là các truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hànhChiếc thuyền ngoài xaMột lần đối chứngKhách ở quê raPhiên chợ Giát. Và đến Cỏ lau đã khẳng định chắn chắc thêm về cách tiếp cận hiện thực nhìn từ góc độ con người ở Nguyễn Minh Châu, “nhờ quan tâm đến con người mà ông nhìn đâu cũng ra truyện ngắn, … đã tạo dựng được một phong cách trần thuật có chiều sâu”. Hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trong thời gian này đã được tập hợp in trong 3 tập: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985) và Cỏ lau (1989). Nếu ở giai đoạn văn học trước, con người là phương tiện biểu đạt hiện thực lịch sử thì lúc này hiện thực lịch sử lại trở thành phương tiện để biểu đạt con người. Trên cơ sở đổi mới quan niệm nghệ thuật ấy, Nguyễn Minh Châu đã nhìn sâu vào tâm thức con người để phát hiện những khao khát riêng tư, sự xung đột kỳ vọng giữa họ và thực tế khách quan.

Ở Cỏ lau, sự ám ảnh của chiến tranh là hình ảnh núi Đợi với những người đàn bà ôm con chờ chồng mỏi mòn hóa đá, là bãi cỏ lau hoang sơ có sức sống man rợ, là sự thất vọng chua chát, là cảm giác cô đơn của người lính quay lại quê hương sau cuộc chiến. Bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh: Anh ta “đã bị chặt lìa ra khỏi cuộc đời mình” và cuối cùng trở thành người khách lạ ở ngay chính gia đình của mình.

Trong Phiên Chợ Giát, lão Khúng - “anh nông dân suốt đời đi sau con bò vạch những luống cày trong đêm tối” - hình ảnh điển hình của người nông dân Việt Nam làm ăn cá thể lạc hậu là một khái quát nghệ thuật độc đáo, như là nơi hội tụ sự đổi mới, cách tân của Nguyễn Minh Châu. Dường như nỗi lòng ưu thời mẫn thế của Nguyễn Minh Châu về cuộc đời, về thân phận con người cùng hàng loạt những dự cảm sâu sắc và bất an về hiện thực cuộc đời đều được nhà văn dồn nén ở thiên truyện ngắn cuối cùng này.

Người ta chờ đợi cuộc đời lão Khúng trong Phiên chợ Giát sẽ “khá hơn” so với hồi lão là Khách ở quê ra (Nhân vật  chính trong Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát đều lấy từ một nguyên mẫu có thật: người cháu của Nguyễn Minh Châu). Song chính tại thời điểm lão ý thức rõ ràng nhất về thân phận của mình thì xảy ra bi kịch: thì ra bò Khoang và lão chỉ là một. Bò Khoang là biểu tượng của sự cần cù, nhẫn nại và sức chịu đựng bền bỉ trong “kiếp trâu bò” vô thức. Còn lão Khúng tuy là “chủ nhân” nhưng trong cuộc vật vã với miếng cơm manh áo lão cũng không khác gì “kiếp trâu bò” và cuối cùng người - bò gặp nhau trong tận cùng bế tắc, trong những ước muốn nhỏ bé, giản đơn nhưng không bao giờ thực hiện được. Sự trở về của bò Khoang ở cuối truyện đã xóa tan ước mơ “tự giải thoát” của lão Khúng: sự nô lệ truyền kiếp đã trở thành thói quen đến mức có thể làm cho người ta đánh mất cả bản năng tự giải thoát, tìm đến với tự do...Với lão Khúng, kiếp người - bò cứ đeo bám, quẩn quanh không bao giờ được giải thoát. Khi lão quyết định thả nó về rừng cũng chính là khi nó đã quá quen với cái ách nô lệ trên cổ, không thể thay đổi.  Sự trở về của con bò Khoang ở cuối truyện là sự trở về của bi kịch con người - thời gian đi qua mà sao nỗi cay cực của những kiếp người vẫn cứ chất chồng thêm: “Ngay lập tức lão giật nẩy mình sực nhận ra đích thị là nó, con khoang đen của nhà lão, cái con khoang đen mà trong đêm khuya khắt lão đã đích thân dắt vào tận trong rừng thật sâu, rồi lại còn phải dùng roi vọt đánh đập vô cùng tàn nhẫn để xua nó đi với cuộc sống tự do. Con vật ngước cặp mắt đầy nhẫn nhục và sầu não lên nhìn lão Khúng. Đó là cái nhìn của một sinh vật tự nguyện chấp nhận số phận. Đứng lặng thinh bên chiếc xe chất đầy củi mà lão đã thay nó toát mồ hôi một mình kéo về được đến đây, lão Khúng cũng chả biết nói gì với con vật, lại càng không thể trách móc, lão chỉ đưa mắt nhìn người bạn đời làm ăn thân thiết bằng cái nhìn cũng đầy sầu não và phiền muộn”.

 Phiên chợ Giát đã gây xôn xao văn đàn một dạo và có rất nhiều “Cách đọc Phiên chợ Giát”. Cách đọc sau của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là khá thuyết phục: “Truyện không khép kín ở một ý nghĩa nào, nó mở cho mỗi nhóm người đọc một chân trời … Sự hóa thân người / bò của ông lão Khúng/ Khoang đen, sự phân đôi nhân cách ấy, sự kết hợp hai ý thức con người/ con vật ấy, là bi kịch của nhân vật, của thời đại. Sự quan sát xã hội di chuyển vào sự quan sát nội tâm, tạo nên một tâm lý vận động, đó là nghệ thuật của truyện ngắn Phiên chợ Giát. Văn bản di động trên nhiều bình diện: ngôn ngữ, hình tượng, xã hội, tâm lý, quá vãng và hiện tại, lịch sử và tưởng tượng” (Đỗ Đức Hiểu: Đổi mới đọc và bình văn, NXB Hội Nhà văn, H.1999).

Dự cảm âu lo của nhà văn về thân phận con người, về cuộc đời đã thôi thúc Nguyễn Minh Châu hướng đến thông điệp: sự ngu dốt tối tăm cùng với cuộc sống lao động cực nhọc có thể dẫn đến số phận bi đát của người nông dân, họ vừa là nạn nhân cũng vừa là tội nhân trong cuộc sống của chính mình.

Đáng chú ý trong Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng thủ pháp “dòng ý thức”, dùng lối viết đi sâu vào cõi vô thức của nhân vật với những giấc mơ kiểu “Phân tâm học”, Phiên chợ Giát như muốn “nói cùng một ngôn ngữ” với các khuynh hướng sáng tác tiểu thuyết hiện đại (lối viết này đã phần nào có ở truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và các nhà làm phim đã khai thác “cõi vô thức” của nhân vật để làm thành phim Người đàn bà mộng du). Như vậy, có thể nói, sự đổi mới, cách tân của Nguyễn Minh Châu là ở cả phương pháp sáng tác: Phiên chợ Giát là kiểu văn bản đa thanh và dân chủ. Nói về phương pháp nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong Phiên chợ Giát, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu - một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Phương Tây - đã khẳng định:

Phiên chợ Giát  là khái quát nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu về tính cách và số phận người nông dân, là “một chấn thương nhức nhối, một bức tranh với bao cảnh hoang vu với nhiều mảng tối và những chấm đỏ màu máu… nhiều nét nhòe, nét này thâm nhập nét kia gây nhiều ảo ảnh, một sự thẩm thấu giữa hiện tại và quá khứ, giữa giấc mơ và sự thật, cái cụ thể và cái trừu tượngnhững cấu trúc đan chéo, chồng chất lên nhau biểu đạt những cuộc chia ly nhọc nhằn…” (Đỗ Đức Hiểu: Đọc Phiên Chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, trong Nguyễn Minh Châu về tác gia - tác phẩm, NXB Giáo dục, H.2004, tr 178).
*
Có những lần, đúng vào dịp gần Tết, Nguyễn Minh Châu về quê. Cái làng chài quê ông là thuộc huyện Quỳnh Lưu, cách Hà Nội hơn hai trăm cây số. Hồi ấy, bà cụ sinh ra ông còn sống và càng thương mẹ, ông lại càng thương quê, thương cái làng nó còn “thiên nhiên thiên bẩm”, nghĩa là còn hoang dã lắm. Từ quê trở ra, hầu như bao giờ Nguyễn Minh Châu cũng buồn. Những ngày thường cái buồn đã nặng trĩu tâm hồn ông, huống chi những ngày giáp Tết. Nói vậy để thấy rằng những gì Nguyễn Minh Châu viết về quê nghèo Quỳnh Lưu đều rất tâm huyết và có ý nghĩa đặc biệt, như lời Nguyễn Minh Châu tâm sự với một người bạn rằng: “Mình là người con của Quỳnh Lưu, song mình viết về quê hương chưa nhiều. Tuổi trẻ mình đã dành trọn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những ngày cuối đời, mình phải viết cái gì đó về nơi mình sinh ra và nuôi lớn mình những năm tháng tuổi thơ, đồng thời cũng là một miền quê có nhiều điều để nói...”. Và quả nhiên, một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Nguyễn Minh Châu trong những năm cuối đời là Khách ở quê ra viết về một người họ hàng ở quê nghèo (Và tiếp sau nữa là Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu dự định phát triển Khách ở quê ra thành một tiểu thuyết lớn về Nông dân - Nông thôn, nhưng viết được vài chục trang thì bệnh phát nặng, phải ngừng lại…Trong thời gian nằm viện, thỉnh thoảng ông lấy bản thảo mấy chục trang đó ra viết tiếp và thành Phiên chợ Giát- viết xong tháng 10-1988 -, như ta đã thấy)Để tránh những sự công kích vô lối, có lần nhà văn hay lo xa đã phải tìm cách mang lại cho tác phẩm một nội dung thời sự bằng cách chua thêm vào bên cạnh đầu đề dòng chữ “Vài nét cốt cách của một người sản xuất nhỏ cổ sơ còn lại ở nông thôn phản ứng trước tập quán công nghiệp và đô thị”. Tuy nhiên, ai cũng thấy cảm hứng chi phối Khách ở quê ra là cái phần bóng tối còn nặng nề, cái phần lạc hậu một thời gian dài còn bao trùm lên con người và cuộc sống nông thôn. Lớn lên trên mảnh đất đã quá cằn cỗi, con người ta phải như cây rau dền gai thô tháp, chen cạnh, bám chặt vào cuộc sống thì mới sống nổi.

Một ấn tượng nặng nề, bế tắc, luẩn quẩn đầy sức ám ảnh về nông thôn cũng được Nguyễn Minh Châu thể hiện trong Chợ tết  : nhếch nhác, bẩn thỉu, cái làng biển được miêu tả ở đây tanh nồng mùi cá, còn con người thì quẩn quanh, ngột ngạt, bức bối, lúc nào cũng quần quật với miếng cơm manh áo, không sao ngẩng mặt lên được. Đến một chiếc cầu qua con lạch nhỏ, “khéo lắm chỉ dài gấp đôi thân con bò” người ta cũng không làm nổi, và muốn lên chợ, người ở xã bên cạnh chỉ có cách chen chúc trên một chiếc đò cũ nát, để sang xã bên này. Và điều đáng chú ý là chỗ nào cũng đầy chật người, mảnh đất lầy lội vào những ngày phiên chợ càng nhung nhúc những người là người, đám đông vữa ra như một con sứa bầy nhầy nhũn nhẽo khiến cho lão Đất (một thứ cai chợ) muốn lập lại trật tự chỉ có cách dùng đến roi vọt. Cuộc sống ở đây sao mà man dại, hoang dã như vậy?

Cái làng chài được miêu tả trong Chợ tết là sự trì trệ cũ kỹ của nó: “Mặc dù mặt đất bị xáo trộn, nhưng cuộc sống con người lại ngưng đọng, như một sự lặp lại”. Còn con người thì luân hồi truyền kiếp: Một thiếu nữ mới lớn, giống y như người mẹ, ba mươi năm về trước; Một người kéo đò hơn năm mươi tuổi, cũng giống y như người cha kéo đò năm xưa - con nối nghiệp bố. Cho đến cả câu đối tết nữa, “câu đối tết năm nào chẳng viết những câu như mọi năm trước”…Thể hiện sự trì trệ, tù túng, quẩn quanh thành nỗi ám ảnh nghệ thuật là ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Vì thế, có thể nói: Sự đổi mới của tác phẩm Nguyễn Minh Châu là phản ánh một hiện thực không hề đổi mới: trì trệ, ngưng đọng và luẩn quẩn!

Từ Nguyễn Minh Châu trở về sau, vấn đề con người, đặc biệt là nông dân với số phận riêng cùng vô vàn trăn trở âu lo đã được văn học quan tâm khai thác ở cách nhìn mới mà nổi bật hơn cả là Nguyễn Khắc Trường (2). Tuy nhiên, Nguyễn Minh Châu cho đến lúc vĩnh viễn ra đi vẫn còn chưa yên tâm. Trên giường bệnh, Nguyễn Minh Châu còn “di chúc” cho đồng nghiệp về những việc phải làm cho cả nền văn học cũng như cho xã hội. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh từng ghi lại những lời tâm huyết Nguyễn Minh Châu nói trên giường bệnh: “Tư tưởng bảo thủ từ đất đùn lên, nó chủ yếu là nội sinh chứ không phải là ngoại nhập. Nó chi phối cả chính trị, triết học, khoa học văn hóa văn nghệ... Nghĩa là lắt nhắt, thiển cận, không nhìn xa, nước đến đâu thuyền dâng đến đấy. Nông dân rất tình nghĩa nhưng cũng có lúc rất tàn bạo đấy. Nông dân rất thích vua, thích trời và thích cát cứ. To làm vua nhiều nước, cả thế giới. Bé, làm vua một tỉnh, một huyện, một xã, một phường, một nhà (...). Nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì lại phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình. Nhưng phải rất tỉnh không được sướt mướt. Tôi ghét cái lối tình cảm làng xóm không biết gì đến thiên hạ, chỉ tâng bốc lẫn nhau, con hát mẹ khen hay. Marquez rất thời đại, rất lớn mà Colombia rất nhỏ...” .

*
Nói về sự đổi mới trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu từ sau Dấu chân người lính, đã có rất nhiều bài viết ca ngợi ông hết lời, có thể nói như là một sự kiện chưa từng có trong đời sống văn học. Tuy nhiên, đọc kỹ lại những bài viết về Nguyễn Minh Châu, ta cũng chỉ thấy lặp đi lặp lại những nhận xét chung chung (có thể đúng cả với không ít nhà văn khác) với nhiều mỹ từ như: Sự sâu sắc, thâm thúy, đầy lòng trắc ẩn của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Châu từ rất lâu đã quan tâm xây dựng mối hòa hợp dân tộc, hòa hợp cộng đồng sau những năm tháng dài xung đột dữ dội,  Chiếc thuyền ngoài xa như một minh chứng cho tấm lòng hướng về con người, khả năng giải mã những mặt phức tạp của cuộc đời, Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện một quan niệm văn chương trước hết phải là câu chuyện của con người, với muôn mặt phức tạp phong phú với tất cả chiều sâu; Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đem đến cái nhìn đa diện về số phận con người… Chiếc thuyền ngoài xa là một biểu hiện của xu hướng tìm tòi khám phá trong văn của Nguyễn Minh Châu, trở về với đời thường, với mảnh đất miền Trung cằn cỗi và cơ cực, đau đáu đi tìm câu hỏi cho những phận người trong cuộc sống đời thường trăm đắng ngàn cay… Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện một quan niệm văn chương trước hết phải là câu chuyện của con người, với muôn mặt phức tạp phong phú với tất cả chiều sâu, v.v…Hoặc như nhận định của một vị giáo sư, nhà nghiên cứu, phê bình văn học lâu năm trong nghề cũng không tránh khỏi bệnh chung chung đó: “Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng một vai trò nào đáng kể. Nhà văn tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật và đã huy động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống, bút pháp chân thực và một giọng văn trữ tình trầm lắng ấp áp” (Nguyễn Văn Hạnh: Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới cách nhìn về con người, T.C Văn học, số 3/1993; và trong Nguyễn Minh Châu, về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục 2003).

Những nhận định về Nguyễn Minh Châu vừa dẫn trên không hề sai nhưng quá trùng lặp, lại dùng quá nhiều mỹ từ và hầu như không nói được gì về bài viết quan trọng “Hãy đọc lời ai điếu…” của Nguyễn Minh Châu. Như thế, cũng có nghĩa là sẽ làm lu mờ đi cái hạt nhân cơ bản của sự Đổi mới của Nguyễn Minh Châu, hay còn gọi là điểm Đặc sáng Nguyễn Minh Châu. Vậy điểm Đặc sáng Nguyễn Minh Châu là gì? Chính là bài tiểu luận “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (3) - tác phẩm văn học độc nhất vô nhị thể hiện tinh hoa trí tuệ của Nguyễn Minh Châu. Nếu có thể so sánh với tác phẩm nào đó tương đồng thì chỉ có thể tìm thấy một tác phẩm từ xa xưa của Chu Văn An: Thất trảm sớ! (4) Nếu Chu Văn An sống lại, hẳn ông sẽ nói với Nguyễn Minh Châu rằng: Sao không viết ngắn gọn là “Trảm Văn nghệ minh họa sớ”? Vì thế, phần tiếp theo dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu vào điểm Đặc sáng Nguyễn Minh Châu là tác phẩm - tiểu luận Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa.

3/Những luận điểm cơ bản của “Hãy đọc lời ai điếu…”

Trước hết, hãy trả lời câu hỏi: Vì sao Nguyễn Minh Châu lại chọn con đường đổi mới nhọc nhằn, trong khi có một con đường khác đang  trải thảm đỏ đón ông sau khi ông có tác phẩm nổi danh Dấu chân người lính? Có thể trả lời ngay: Vì Nguyễn Minh Châu là một nhà văn chân chính(trung thực và tâm huyết với nghề văn). 

Tiếp đó, phải trả lời được câu hỏi kế tiếp: Vì sao chọn con đường đổi mới đầy hiểm nguy, Nguyễn Minh Châu lại không bị “ngã ngựa”, hoặc “tai nạn nghề nghiệp” như không ít nhà văn khác? Cũng có thể trả lời ngay: Tư tưởng Đổi mới của Nguyễn Minh Châu xuất hiện đúng vào lúc sự nghiệp Đổi mới đang là lẽ sống còn của đất nước, cũng giống như ở thời kỳ trước 1975, sự nghiệp chống Mỹ Bảo vệ Tổ quốc là hành động duy nhất, là lẽ sống còn của dân tộc. 

Sau cùng, câu hỏi thứ ba: tác động và hiệu quả của Đổi mới Nguyễn Minh Châu như thế nào? Câu hỏi thứ ba này xin trả lại cho các nhà nghiên cứu văn học, viết văn học sử. Cho tới nay, sự nghiệp Đổi mới đã qua hơn 20 năm (tính từ 1986), đã có đủ “độ lùi thời gian” cần thiết. Hi vọng chúng ta sẽ có được những giải đáp thỏa đáng.

Điểm “đặc sáng” của Nguyễn Minh Châu: Lời ai điếu…: những hình ảnh mà Nguyễn Minh Châu sử dụng rất sinh động, cụ thể: nhà văn của chúng ta đã sống và viết như thế nào và chúng ta phải làm gì…đã được Nguyễn Minh Châu nói rất rõ ràng và sâu sắc cho nên không cần bình luận gì thêm. Những đoạn trích dẫn dưới đây như là sự nhấn mạnh của bài viết:

…Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.

… Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này - buồn thay - các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!

…Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng,- nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi củi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: “Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?

Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững.

…Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!
Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!

Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!

… Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.

… Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.

Sài Gòn, tháng 11-2010
----
Chú thích:
(1) Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989): Quê ở Quỳnh Lưu,  Nghệ An. Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Năm 1950, gia nhập quân đội, học ở trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lư văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông là Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.

Các tác phẩm chính: Cửa sông (tiểu thuyết, 1966; Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970); Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972); Miền cháy; Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983); Bến quê (truyện ngắn, 1985); Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987); Chiếc thuyền ngoài xa (NXB Tác phẩm mới, 1987); Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987); Cỏ lau (truyện vừa, 1989); Nguyễn Minh Châu - con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1991); Nguyễn Minh Châu toàn tập (gồm 5 tập, 5.000 trang-NXB Văn Học, 2001)...Truyện Ngắn Nguyễn Minh Châu - Tác Phẩm Và Lời Bình (NXB văn học, 2007); Di cảo Nguyễn Minh Châu (NXB Hà Nội, 2009, gần 500 trang)…

Giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000; Tác phẩm Cỏ lau đạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1990; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1984 - 1989 cho toàn bộ sáng tác của Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh và người lính.

(2) Nguyễn Khắc Trường là người đầu tiên thực sự đổi mới theo tinh thần của người Tiên phong Nguyễn Minh Châu: ông cũng từ bỏ dứt khoát lối viết cũ đã “thành danh” là Thao Trường và “làm lại từ đầu” với tên thật là Nguyễn Khắc Trường và tiểu thuyết “đầu tay” Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường ra đời chỉ sau bài “Hãy đọc lời ai điếu…” của Nguyễn Minh Châu có ba năm… Nguyễn Khắc Trường sinh ngày 06/07/1946 tại Đồng Hỷ - Thái Nguyên. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhập ngũ năm 1965 ở quân chủng phòng không. Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, ông chuyển về làm biên tập viên văn xuôi tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1993 ông chuyển về công tác tại tổ văn xuôi của báo Văn nghệ, sau đó về Nhà xuất bản Hội Nhà văn...Là một nhà văn viết về thể loại các tác phẩm Tiểu thuyết và Truyện ngắn, trong đó tác phẩm được xem là tiêu biểu nhất của ông Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990) đã được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dựng thành phim truyền hình Đất và Người ra mắt công chúng năm 2002.

(3) Nguyên văn bài viết:

 “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”

 Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn  theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.

Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên những cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.

Có lúc - nói ra thật lẩm cẩm - tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!

Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này - buồn thay - các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!

Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.

Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng - nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn - không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho ðấy ðã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.

Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những người “lính gác” lại có dịp “khép lại” và không rời mắt khỏi từng người, đặc biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu. Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình.

Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật, nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và cái đẹp.

Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng,- nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi củi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: “Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?

Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.

Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!

Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!

Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hõi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!

Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.
Và tác phẩm lớn là gì?

40 triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại.

Và gần một tỷ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q.

Cả Don Quichotte lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.

Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.

Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lồng ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.

Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?

Tôi nghĩ rằng trước hay sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, - trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.

Vừa qua chúng ta có in lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai, tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.

Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.

Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.
Nguồn: Văn Nghệ, số 49 & 50 (5-12-1987)

(4) Chu Văn An (1292-1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan thời nhà Trần trong lịch sử VN, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Câu đối thờ Chu An:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?

Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân
 (hết)

Đỗ Ngọc Thạch
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=14361

Phần nhận xét hiển thị trên trang