Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

"Thị trấn triệu đô" được doanh nhân Việt mua lại bây giờ ra sao?


AN PHONG 14/03/2017 Hirsch bắt đầu thuê lại thị trấn từ ông Nguyên năm 2015 với hy vọng sẽ khai thác được hết tiềm năng của Buford. Hợp đồng cho thuê sẽ kết thúc vào tháng 12 tới đây, và trừ khi mọi thứ thay đổi, có lẽ Hirsch sẽ không gia hạn. Hợp đồng này đòi hỏi ông phải điều hành thị trấn, hoàn thành mọi công việc sửa chữa và chi trả tất cả mọi chi phí từ nguồn lợi nhuận của cửa hàng tiện lợi và cây xăng. Chỉ riêng tiền thu gom rác thải đã làm Hirsch tiêu tốn 800 USD/tháng.

Thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ, được doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua lại cách đây 4 năm với giá 900.000 USD, hiện đang gặp rắc rối về tài chính.

Jason Hirsch từng nuôi một ước mơ lớn tại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - thị trấn Buford. Với tổng diện tích 4 ha đồng cỏ ở vùng cao nguyên Wyoming, Buford có một cửa hàng tiện lợi, một hộp thư, một ngôi nhà nhỏ, một ngôi trường cũ, một cây xăng be bé và duy nhất 1 cư dân. Hirsch đã nhìn thấy tiềm năng gì tại đây?

Tham vọng là điều mà Jason Hirsch không thiếu khi nghĩ về tương lai của Buford. Ông muốn nâng cấp trạm nghỉ cho các xe rơ-moóc (RV), xây dựng một sân chơi cho trẻ em, mở thêm chỗ đốt lửa cắm trại, lắp đặt các bàn ăn ngoài trời. Ông sẽ mở tiệm bán các hàng thủ công mỹ nghệ của Wyoming, hoặc xây thêm một nhà hàng nhỏ. Hirsch cho rằng thị trấn này sẽ là một điểm dừng chân mà khách du lịch phải ghé tới khi đi trên đường xa lộ số 80 tới công viên quốc gia Yellowstone.

Buford được sở hữu bởi một doanh nhân người Việt là ông Phạm Đình Nguyên kể từ năm 2013, sau khi ông Nguyên bỏ ra 900.000 USD. Thị trấn này là điểm đến của khá nhiều tài xế xe tải đường dài, khách du lịch và những cao bồi. Đây là nơi ẩn náu an toàn cho những người lái xe chờ đợi thời tiết xấu qua đi, và cũng là điểm dừng chân ven đường cho khách du lịch mùa hè. Các cảnh sát địa phương cũng hay ghé qua đây để mua cà phê tại cửa hàng tiện lợi. Các chủ trang trại địa phương thường đến đây mua thuốc lá hay tờ vé số, và đứng tán gẫu về thời tiết với nhau.

Tuy nhiên, Buford đang gặp nhiều rắc rối về tiền bạc.

Hirsch, người kiêm nhiệm việc quản lý thị trấn, quét dọn vệ sinh, quản lý cửa hàng và phát ngôn viên cho Buford, nói rằng: "Mọi chuyện bây giờ tùy thuộc vào việc tôi có thanh toán nổi các hóa đơn chi phí cho từng tuần một hay không".



Vị trí thị trấn Buford trên bản đồ nước Mỹ. Nguồn: Daily Mail

Vật lộn kiếm sống

Được xây dựng từ những năm 1860 như một căn cứ quân sự, Buford từng có thời có tới 2.000 cư dân. Tuy nhiên, khi quân đội chuyển căn cứ tại đây sang thành phố láng giềng Laramie, Buford cũng theo đó bắt đầu đà đi xuống. Đến năm 2006, thị trấn chỉ còn một cư dân duy nhất là Don Sammons.

Ông Sammons quyết định bán thị trấn vào năm 2012 sau hơn 20 năm kiêm nhiệm chức thị trưởng, chủ sở hữu và người quản lý. Chủ mới của Buford là doanh nhân Phạm Đình Nguyên, người giành được khá nhiều sự chú ý ở Việt Nam nhờ thắng cuộc đấu giá và mua lại thị trấn này với giá 900.000 USD. Mua được Buford, Phạm Đình Nguyên trở thành người sở hữu cây xăng, cửa hàng tiện lợi, một trường học xây năm 1905 nay được cải tạo thành văn phòng, một tháp phát sóng điện thoại, một nhà để xe, một nhà kho, một căn nhà ba phòng ngủ và mã bưu chính riêng của thị trấn.

Hiện đang sống ở TPHCM, ông Nguyên mua lại Buford với mục đích bán sản phẩm cà phê đặc sản (specialty coffee) cho người Mỹ. Ông thậm chí còn gọi thị trấn này là PhinDeli Town Buford nhằm tôn vinh thương hiệu cà phê PhinDeli của ông. Cửa hàng tiện lợi của Buford là một sự pha trộn văn hóa thú vị: những bức ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia địa phương đặt chung với những túi cà phê Việt Nam. Trên bức tường sau quầy tính tiền là một bức tranh đầy màu sắc về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trồng cà phê.

"Dù thị trấn có thể hơi nhỏ, nhưng nơi đây có thể tiếp cận được một lượng lớn người tiêu dùng, và tôi hy vọng họ sẽ được thưởng thức cà phê Việt Nam từ PhinDeli", ông Nguyên nói với tờ Star-Tribune hồi năm 2013.

Doanh nhân Việt Nam này được biết đến là người hay đội chiếc mũ cao bồi trên đường phố Sài Gòn, và nhiều người hay gọi ông là "thị trưởng". Hirsch cho biết ông Nguyên nổi tiếng như một ngôi sao nhạc rock tại Việt Nam nhờ sở hữu thị trấn Buford.


Ông Phạm Đình Nguyên và Don Sammons, cư dân duy nhất của thị trấn Buford. Ảnh chụp ngày 7/4/2012. Nguồn: Tuổi trẻ/AP/The Daily Beast

Hirsch bắt đầu thuê lại thị trấn từ ông Nguyên năm 2015 với hy vọng sẽ khai thác được hết tiềm năng của Buford. Hợp đồng cho thuê sẽ kết thúc vào tháng 12 tới đây, và trừ khi mọi thứ thay đổi, có lẽ Hirsch sẽ không gia hạn. Hợp đồng này đòi hỏi ông phải điều hành thị trấn, hoàn thành mọi công việc sửa chữa và chi trả tất cả mọi chi phí từ nguồn lợi nhuận của cửa hàng tiện lợi và cây xăng. Chỉ riêng tiền thu gom rác thải đã làm Hirsch tiêu tốn 800 USD/tháng.

Nói tóm lại, hợp đồng giữa đôi bên đã không đạt kết quả như mong muốn. Hirsch muốn thương lượng lại hợp đồng và ký lại cho 5 năm nữa, với yêu cầu là ông Nguyên phải chấp thuận việc cắt giảm một số nghĩa vụ về tài chính cho Hirsch và cho phép ông có thêm cơ hội để cải tạo Buford.

"Có rất nhiều thứ có thể làm để biến việc kinh doanh ở đây trở nên bền vững. Nhưng với điều kiện hiện tại thì không", Hirsch nói.

Mùa đông là giai đoạn khó khăn nhất của Buford. Có rất ít khách du lịch đến chi tiêu ở cây xăng, và việc bảo dưỡng cũng trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Các hàng rào bị gió xô ngã, còn nước giếng thì đóng băng. Những cơn gió thổi qua đồng cỏ đã xé toạc mái của các tòa nhà trong thị trấn. Một năm trước, sét đánh vào trạm phát sóng điện thoại của thị trấn đã khiến Hirsch phải tốn 8.000 USD để sửa chữa.

Một ngày thứ Ba, các kệ hàng đã thưa thớt hàng hóa, nhưng Hirsch cho biết ông không còn tiền để mua thêm hàng về bán. Những gì Buford thực sự cần là một nhà đầu tư, một ai đó có thể cho vay tiền để tu sửa thị trấn, Hirsch nói.

"Nếu tôi rời đi, ông ấy (ông Nguyên) sẽ gặp khó khăn khi tìm một người khác để điều hành nơi này. Việc sống một mình ở Buford, Wyoming, không phải là điều mà mọi người mong muốn", ông nói.


Jason Hirsch trong cửa hàng tiện lợi do ông điều hành tại Buford. Nguồn: Casper Star-Tribune

Gầy dựng cộng đồng

Nhưng Hirsch thực ra không phải là cư dân duy nhất của Buford, mà người đó lại là Brandon Hoover. Ông này được miễn tiền thuê một ngôi nhà nhỏ nằm cách cây xăng vài chục mét. Để đổi lấy chỗ ở và một khoản tiền nhỏ hàng tháng, Hoover chia sẻ trách nhiệm chăm sóc thị trấn và cửa hàng. Còn Hirsch thì lại sống ở một trang trại nhỏ cách khoảng 3 dặm phía Nam Buford.

Cuộc sống ở Buford khá yên tĩnh và có vẻ nhàm chán, nhưng nó không bao giờ cô đơn, ngay cả trong mùa đông. Lôi ra cuốn nhật ký được ghi chép cẩn thận từ lúc ông bắt đầu điều hành thị trấn, Hirsch lướt ngón tay dọc theo một danh sách dài những người từng ghé qua thị trấn. Đây là một danh sách cực kỳ đa dạng: có những người đến từ London, Pháp, California, Texas, thậm chí từ những nơi khác cũng mang tên Buford như Buford (Georgia), và bất ngờ thay là có cả Việt Nam.

"Có khách du lịch Việt Nam đến đây và chụp ảnh nhưng họ không bao giờ mua bất cứ thứ gì", Hirsch nói.

Một người lái xe tải đi vào cửa hàng để được "xài ké" mạng wifi, thứ mà ngay cả bản thân Hirsch cũng muốn có nhưng không đủ điều kiện. Sau khi mua một gói thuốc lá, người này cũng lái xe đi sau làn bụi mù.

"Giữ tiền trong túi anh thật kỹ đi nhé", Hirsch gọi với ra ngoài khi đóng cửa lại.

Hirsch thích lối sống của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này. Ông thích việc không phải dừng lại chờ đèn đỏ khi đi từ nhà tới Buford. Thỉnh thoảng, vào những ngày hè đầy nắng, ông cưỡi chú ngựa Sugar Pie của mình đi làm.


Cây xăng và cửa hàng tiện lợi của thị trấn Buford. Ảnh: Casper Star-Tribute

Hirsch hầu như không kiếm được tiền từ người dân địa phương, nhưng họ là một phần lý do khiến ông tiếp tục bám trụ tại đây. Hirsch đã biến Buford thành một trung tâm cộng đồng cho hơn 100 người dân sống trong khu vực rộng hơn 40.000 ha xung quanh thị trấn.

"Họ là chỗ dựa cho tôi, họ cố gắng hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể", Hirsch nói.

Buford đã tổ chức một bữa tiệc nhân ngày Quốc khánh Mỹ (4/7) năm ngoái với âm nhạc, tiệc nướng và bia. Vài trăm người dân địa phương đã đến, cùng với một vài du khách đến chung vui. Họ ngồi trên các kiện cỏ khô, nghe ban nhạc hát giữa tiếng gió thổi của thảo nguyên Wyoming, và gọi đó là "đại nhạc hội" Buford Windstock.

Các nhân viên cứu hỏa tình nguyện thường gặp nhau trong văn phòng của thị trấn Buford, và Hirsch cũng tổ chức các đêm chơi bài poker bất cứ khi nào thời tiết cho phép.

Những người mới dọn đến bắt đầu quen biết hàng xóm nhờ đến cửa hàng ở Buford. Victor Miller là một khách hàng thường xuyên. Ông đến cửa hàng gần như mỗi ngày để trò chuyện với Hirsch và kiểm tra hòm thư. Nhờ có những cuộc gặp gỡ như vậy, khi xe tải bị kẹt trong tuyết hoặc có sự cố khẩn cấp, hàng xóm trong khu vực này đã có số điện thoại của nhau để liên lạc.

Hirsch không biết mình sẽ làm gì nếu ông không còn là người quản lý thị trấn Buford này. Ông không biết mọi người sẽ nhận được bưu kiện của họ bằng cách nào nếu Buford đóng cửa. Ông cũng chẳng biết ai sẽ đứng ra tổ chức các buổi chơi poker ban đêm thay mình nữa.

"Cũng thật là buồn khi tôi chỉ mới bắt tay vào việc này, nhưng chưa gì đã thấy tương lai bất định rồi", Hirsch nói.

An Phong

Nguồn Casper Star-Tribune
http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/tin-tuc/thi-tran-trieu-do-duoc-doanh-nhan-viet-mua-lai-bay-gio-ra-sao-3318078/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?


Bài diễn văn của một nữ sinh 17 tuổi “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “giấc mơ Trung Hoa”.
Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?
Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:
Kính thưa các thầy cô,bạn bè thân mến: Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.
Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?
Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?
Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu.
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.
Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.
Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi  sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có  bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.
Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.
Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.
Theo NTDTV
http://tinhhoa.net/tu-su-viec-doan-thi-huong-ngam-ve-nhung-nguoi-khong-co-tu-su.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

kiểm soát tài nguyên Việt Nam?


HÀ NỘI, Việt Nam – Trong thập niên vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ, chính quyền vẫn làm ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương đến địa phương thi nhau cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp thi nhau khai thác cát. Sau khi thủ tướng Việt Nam yêu cầu, bộ trưởng Bộ Công An loan báo đã chỉ đạo Tổng Cục Cảnh Sátđiều tra vụ hàng chục viên chức tỉnh Bắc Ninh bị hăm dọa vì cản trở khai thác cát.

Dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia. (Hình: Zing.vn)
Chủ tịch tỉnh cũng chẳng là gì!
Cách nay vài ngày, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh công bố với báo chí văn bản đề nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Công An điều tra xem những ai trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đang đứng phía sau “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.”

Tuần trước, sau khi chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị tạm ngưng thực hiện dự án, vì việc tận thu cát khiến hữu ngạn sông Cầu bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục chuyên viên, lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi Trường, kể cả chủ tịch tỉnh, bị hăm dọa.

Trong văn bản vừa kể, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lập lại đề nghị: Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải thẩm định lại toàn bộ “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu,” xác định thiệt – hơn, lợi – hại.

Tháng Mười Một, 2015, theo đề nghị của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, chính phủ Việt Nam đã từng nêu yêu cầu đó nhưng Bộ Giao thông – Vận tải không thực hiện.

Câu chuyện vừa kể chỉ là một giọt thêm vào ly nước “khai khoáng” của Việt Nam. Chưa rõ giọt nước đó đủ làm tràn ly hay chưa?

Singapore vẫy, Việt Nam tan hoang

Trong thập niên vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ, chính quyền vẫn làm ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương đến địa phương thi nhau cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp thi nhau khai thác cát.

Ngoài việc móc cát từ lòng sông, suối, giới hữu trách tiến thêm một bước, cho phép móc cát ở khu vực ven biển để xuất cảng dưới chiêu bài “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn.”

Hậu quả đến ngay lập tức, sạt lở ở sông, suối, bờ biển xảy ra khắp nơi, không thể ngăn chặn. Trong vài năm gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở như hiên nay, sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.

Khai thác cát không chỉ khiến lãnh thổ bị thu hẹp mà còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế của dân chúng ở những khu vực bị giới hữu trách gật đầu cho một số doanh nghiệp móc cát. Đó cũng là lý do dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam.

Hồi đầu tháng này, tờ Tuổi Trẻ công bố loạt bài điều tra về “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore.

Từ năm 1960, Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để mở rộng lãnh thổ. Đến nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%. Phần lớn cát giúp Singapore mở rộng lãnh thổ là mua từ Việt Nam.

Theo các số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, từ 2007 đến 2016, Việt Nam xuất cảng 67 triệu mét khối cát.

Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối.

Do bị các chuyên gia và dân chúng phản ứng kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát. Đến năm 2013, Bộ Xây Dựng tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ Xây Dựng gọi con đường mới này là “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải!”

Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc Phòng với những dự án nạo vét luồng lạch tại các quân cảng. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc Phòng và chính quyền 11 tỉnh đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore.

Sau khi thủ tướng “yêu cầu chấn chỉnh” việc xuất cảng cát nhiễm mặn, trách nhiệm của Bộ Giao Thông – Vận Tải, Bộ Xây Dựng, Bộ Quốc Phòng, chính quyền các tỉnh trong việc moi nền của lãnh thổ mang đi bán coi như đã xong!

Hỗn loạn vì bị cả trên lẫn dưới, trong lẫn ngoài thao túng

Ngoài cát, hệ thống công quyền Việt Nam còn cho phép khai thác đủ thứ khoáng sản, như titan chẳng hạn. Trong vòng năm năm gần đây, riêng tại Bình Thuận có năm vụ hồ chứa nước tuyển quặng titan bị vỡ. Ngoài những thiệt hại như đã kể, khai thác titan tại các tỉnh phía Nam miền Trung Việt Nam (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định) đang kéo theo vô số hậu quả khôn lường. (G.Đ.)

Người Việt


Phần nhận xét hiển thị trên trang

‘Cách chơi’ thế nào mà cứ để Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ ?


Trong khi vẫn chưa hứa hẹn gì sẽ đổ viện trợ không hoàn lại số lượng lớn để “cứu chính thể Việt Nam”, cách chơi của Trung Quốc là tập trung khống chế những doanh nghiệp lớn ở những lĩnh vực quan trọng, thông qua đầu tư nước ngoài và tiến tới mua cổ phần chi phối.

Cùng với hiện tượng kinh tế Việt Nam phải nhập siêu trong 2 tháng đầu năm 2017 (cùng kỳ những năm trước thường xuất siêu), làn sóng đổ vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Việt cũng là một hiện tượng có vẻ logic với chuyến đi của Tổng bí thư Trọng đến Bắc Kinh vào tháng Giêng năm 2017.

Những số liệu từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành đối tác lớn thứ 2 về FDI của Việt Nam sau Singapore. Cũng trong thời gian này, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngày càng nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Nhưng một vị chuyên gia an ủi: Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi.

Thực ra, cách an ủi theo đường lối “cách chơi” trên đã được giới quan chức Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công thương thời Vũ Huy Hoàng, tung ra cứ mỗi khi công luận sôi trào về việc Việt Nam phải nhập siêu đến ba chục tỷ USD hàng năm từ Trung Quốc (chưa kể hai chục tỷ USD nhập lậu), thậm chí cả đến ớt và tăm cũng nhập từ Trung Quốc.

Chẳng lẽ đó lại là “cách chơi” của Việt Nam mà vẫn khiến kinh tế Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ dân ta?

Có quan chức công an vẫn cố động viên tinh thần Việt là trong 23 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt nam, ta đã chống quân Trung Quốc đến 21 lần và lần nào cũng thắng.

Nhưng đó chỉ là chuyện kháng chiến. Còn trên phương diện kinh tế, Việt Nam chỉ toàn từ thua đến thua. 90% tổng thầu chính của các công trình xây dựng là Trung Quốc. Từ năm 2008 cho đến tận gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cắm mặt nhập khẩu điện từ doanh nghiệp Trung Quốc, bất chấp giá bán điện của các doanh nghiệp trong nước chỉ bằng 1/3 giá Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Công thương đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng biến thành một cơ quan “thân Trung” với quá nhiều thành tích làm lợi cho “thiên triều”.

Vậy “cách chơi” là như thế nào? Hay cứ tự an ủi và ma mị nhau, để sau đó đâu vẫn vào đó?

Để “tội đồ” Vũ Huy Hoàng vẫn bằng an cho tới giờ này…

Còn bây giờ là thời của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh.

Công bằng mà xét, ông Trần Tuấn Anh và dường như có cả sự chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, đã có được vài động tác kềm bớt làn sóng can thiệp của kinh tế Trung Quốc vào kinh tế Việt Nam. Song tất cả vẫn chỉ là muối bỏ biển.

Trung Quốc đang trở nên tinh ranh hơn rất nhiều. Trong khi vẫn chưa hứa hẹn gì sẽ đổ viện trợ không hoàn lại số lượng lớn để “cứu chính thể Việt Nam”, cách chơi của Trung Quốc là tập trung khống chế những doanh nghiệp lớn ở những lĩnh vực quan trọng, thông qua đầu tư nước ngoài và tiến tới mua cổ phần chi phối.

Để từ những doanh nghiệp này, Trung Quốc sẽ phát triển những mũi thọc sâu vào cơ thể kinh tế Việt Nam, đặc biệt sẽ khuấy đảo dữ dội nếu tình hình “có biến”

Minh Quân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT CUỘC ĐUA

(Những triết lý hay!)

Nửa hiệp đầu chạy đua với bằng cấp, quyền lực, địa vị, thành tích, lương bổng. Nửa hiệp còn lại chạy đua với huyết áp, mỡ máu, đường huyết, acid uric, men gan.
Nửa hiệp đầu, nghe cấp trên mà phụng mệnh (mệnh lệnh). Nửa hiệp sau, vạn sự tuỳ duyên mà theo…số mệnh.

Chuyện không gây cười nhưng bổ ích.

Một đại gia kia, không may mất sớm, người vợ đem 19 tỷ thừa kế đi lấy anh lái xe của đại gia. Anh lái xe trong lúc hân hoan phát biểu: “Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết ông chủ mới chính là người làm thuê cho tôi”.
Sự thật nghiệt ngã chứng minh: “sống càng lâu, còn quan trọng hơn cả cao, to, đẹp trai, nhà giàu”.

VÌ THẾ, Mọi người hãy tăng cường luyện tập, chú ý chăm sóc sức khoẻ, cuộc đời này chưa chắc ai làm thuê cho ai.

Bạn có công nhận những điều dưới đây không??
Một chiếc máy smart phone cao cấp, 70% chức năng là dư thừa
Một chiếc xe sedan hạng sang, 70% tốc độ là dư thừa
Một căn biệt thự sang trọng, 70% diện tích là trống trải
Một đội ngũ nhân viên phục vụ, 70% là kiếm cơm
Một ngôi trường đại học, 70% giáo sư là chém gió
Một căn phòng chứa đầy quần áo thời trang mỹ phẩm, 70% là không mấy khi dùng đến
Một đời người, cho dù kiếm thêm nhiều tiền nữa, 70% là để lại cho người khác tiêu xài

Kết luận:
Cuộc sống vốn dĩ giản đơn, hưởng thụ cuộc sống trong khoảng 30% là ok
Đại lý, tổng đại lý, cuối cùng vẫn là một Đạo lý
Phó chủ tịch, chủ tịch, cuối cùng vẫn đều phải…“tịch”

Không ốm cũng cần trải nghiệm, không khát cũng cần uống nước, buồn mấy cũng phải nghĩ thông, mình đúng cũng phải nhường người.
Có quyền cũng nên khiêm tốn, không mệt cũng nên nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện rèn (thể lực)

Giá trị
Một chiếc áo giá 2 triệu, giá niêm yết có thể chứng minh
Một chiếc xe 1 tỷ, hoá đơn xuất kho có thể chứng minh
Một căn hộ 5 tỷ, bất động sản có thể chứng minh
Một con người, rốt cục đáng giá bao nhiêu tiền? Duy nhất chỉ có SỨC KHOẺ có thể chứng minh được điều đó
Khoẻ mạnh là sự bảo trợ tốt nhất của bạn
Do vậy, đừng lôi máy tính ra tính toán bạn tiêu bao nhiêu tiền cho SỨC KHOẺ

BỞI VÌ…bạn không tiêu cho trước đó cũng phải tiêu cho ..sau đó
Quyền lựa chọn là ở bạn, có SỨC KHOẺ gọi là TÀI SẢN, TƯ SẢN…
không có sức khoẻ, cũng thành…DI SẢN.
- Sưu tầm -

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Bí mật sau những cửa hàng 'chỉ bán cho người Trung Quốc'


Lao Động 15/03/2017 Gọi là bí ẩn bởi du khách Trung Quốc tấp nập nhưng người Việt không thể vào được. Doanh thu mỗi đoàn khách vào đạt hàng trăm triệu đồng, được chia cho các bên liên quan, nhưng rất khó để cơ quan thuế kiểm soát. Giới lữ hành cho rằng, những điểm bán hàng này là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi dưỡng toàn bộ hệ thống đón khách đường bộ Trung Quốc với giá tour... 0 đồng như báo Lao Động đã phản ánh.

Một điểm bán hàng chuyên phục vụ du khách 
Trung Quốc tại chợ Vườn Đào, Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Không thẻ, miễn vào!
Trong vai những du khách vãng lai, chúng tôi ghé vào một số điểm bán hàng dành cho khách Trung Quốc tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu…, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, tại điểm bán hàng nào, chúng tôi cũng đều bị ngăn cản do không phải là khách của đoàn, Cty quen biết đã đặt trước; trong khi đó, những vị khách Trung Quốc, sau khi được các HDV chứng thực, đã được phát thẻ ra vào. Theo quan sát, các loại thẻ đều có dấu hiệu nhận biết khách của Cty nào, để tiện cho trả hoa hồng sau này.

May mắn, tại một điểm bán hàng ở Hùng Thắng, chúng tôi đã lọt nhờ trà trộn được vào đám đông khách Trung Quốc. Tại đây, có khá nhiều phòng trưng bày, bán các loại sản phẩm từ caosu, được giới thiệu sản xuất tại Việt Nam, với đủ các loại giá, trong đó có những sản phẩm lên tới hơn 100 triệu đồng. Theo một phiên dịch đi cùng, qua chất giọng, trình độ ngôn ngữ có thể khẳng định người giới thiệu sản phẩm là người Trung Quốc.

Theo những người trong nghề, hiện, hầu như điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP. Hạ Long đều có người Trung Quốc hoặc HDV Trung Quốc làm việc, giới thiệu sản phẩm cho du khách. Có điều, tính pháp lý của những nhân sự này đang là một câu hỏi vì tiếp cận để mua hàng thôi cũng khó, chưa nói, nếu lập đoàn thanh tra thì sẽ bị lộ.

Ước tính, trên địa bàn TP. Hạ Long có khoảng 10 điểm bán hàng “bí ẩn” này. Đặc biệt, điểm Ngôi nhà Mơ ước, phường Hà Khẩu, sau khi bị phạt, nay mang tên khác với quy mô lớn hơn rất nhiều.

Ngôi nhà Mơ ước bị phạt 2 lần vì niêm yết, giao dịch đồng ngoại tệ trái phép, trong đó có một lần bị phạt 500 triệu đồng, nhưng cũng thoát được án phạt 800 triệu đồng một cách kỳ lạ. Và cho đến nay, các cơ quan chức năng cũng chỉ phạt được ở lỗi liên quan đến ngoại tệ, trong khi chưa thể động đến những khoản giao dịch mua bán với lượng tiền rất lớn.


Điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại cổng vào khu du lịch Tuần Châu.Ảnh: P.V

Siêu lợi nhuận, ai kiểm soát?

Chúng tôi có trong tay một số đơn thanh toán nội bộ của một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại Hạ Long, với những khoản thu và chia lợi nhuận khá lớn.

Cụ thể, đơn thanh toán gần đây nhất của một điểm bán hàng cho thấy: Chỉ một đoàn 26 khách đã mua tới 334 triệu đồng tiền hàng. Số tiền trên được chia như sau: Cty đưa khách đến: Trên 77 triệu đồng và gần 3,4 triệu đồng cho việc dẫn 26 khách đến dù khách có mua hàng hay không (gọi là tiền đầu khách); lái xe: Hơn 10 triệu đồng và 70.000 đồng/đầu khách; HDV hơn 53,5 triệu đồng. Số còn lại - khoảng 190 triệu đồng thuộc về điểm bán hàng.

Trong đơn thanh toán của một điểm khác, tháng 2.2017, doanh thu từ một đoàn 27 khách đạt trên 245 triệu đồng thì phải trả cho Cty cung cấp khách trên 46,7 triệu đồng cùng trên 3,5 triệu đồng tiền đầu khách; trên 49 triệu đồng cho hướng dẫn viên và trên 7,3 triệu đồng cho lái xe...Trong khi đó, tại hầu hết các cửa hàng, lượng xe ra - vào nườm nượp, với những điểm đón hàng chục đoàn khách/ngày.

Tất nhiên, những khoản tiền trên, cả HDV, lái xe… không được “ăn” cả, mà phải chia lại cho những người, đơn vị liên quan, nhưng rõ ràng mức thu cực lớn, trong khi chưa chắc đã thể hiện trên hóa đơn, chứng từ nộp thuế.

Một lãnh đạo ngành thuế khẳng định, các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc đều nộp thuế, nhưng từ chối tiết lộ các khoản thu - chi, nộp thuế của các điểm bán hàng này vì luật không cho phép.

Theo một số HDV du lịch, nguồn thu từ các điểm bán hàng là nguồn chính để bù lỗ và kiếm lời cho cả một hệ thống đón khách đường bộ Trung Quốc với giá lỗ, thậm chí bằng không. “Với mức ăn chia như thế, giá tour bằng không vẫn có lãi - một HDV chia sẻ - “Ở các nước, khâu nào trong chuỗi dịch vụ cũng có hoa hồng, nhưng họ kiểm soát được nguồn tiền giao dịch của các điểm bán hàng vừa thu thuế đầy đủ, vừa hạn chế được sự thao túng, lũng đoạn thị trường”.

Như báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh, từ nhiều năm qua, các Cty lữ hành Việt Nam đua nhau hạ giá tour để nhận khách, dưới sức ép của các đối tác Trung Quốc, để đến hiện nay, giá giảm tới không đồng hoặc âm/khách/tour 3 đêm, 4 ngày. Hiện, mức giá tối thiểu cho một tour/khách ít nhất là 700 NDT (khoảng 2,4 triệu VND). Như vậy, để đảm bảo ít nhất là không lỗ, các đối tác hai bên phải tìm cách thu về mức giá trên. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ riêng tại Quảng Ninh, giao dịch tối thiểu để đón khoảng 360.000 lượt khách đường bộ Trung Quốc ghé thăm/năm lên tới trên 252 triệu NDT, tương đương hơn 856 tỉ đồng/năm. Vấn đề đặt ra: Ai quản lý được doanh số khổng lồ trên để thu thuế?

Những người am hiểu nội tình khẳng định: Quản được doanh số thật của các điểm bán hàng này cũng đồng nghĩa với việc đưa giá tour trở về giá thực, lập lại trật tự thị trường.

MẠNH HÙNG


http://www.baomoi.com/bi-mat-sau-nhung-cua-hang-chi-ban-cho-nguoi-trung-quoc/c/21768461.epi

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tỷ phú VN từ đâu ra: Trường hợp tài chính dầu khí


Tài chính dầu khí và 'vũng lầy' PVN: Che giấu sai phạm khi mất vốn
18/03/2017 Thanh Niên - Đứng trước nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng vốn nhà nước, hai “mẹ con” PVFC Invest và PVFC cùng nhau thực hiện kế “kim thiền thoát xác”, tiến hành tái cấu trúc, thay tên đổi họ, nhằm xóa đi các dấu vết sai phạm.
Trụ sở Tập đoàn PVN, ẢNH: NGỌC THẮNG
Thua lỗ nặng nề, mất vốn Nhà nước Ngoài những khoản đầu tư khó hiểu, ném hàng nghìn tỉ qua cửa sổ, kể từ khi được thành lập, 2007, cho đến năm 2010, CTCP đầu tư và tài chính dầu khí (PVFC Invest) gần như không có bất cứ hoạt động đầu tư thực chất nào. PVFC Invest, chủ yếu, nhận vốn ủy thác từ Tổng công ty cổ phần tài chính dầu khí (PVFC), sau đó mua đi bán lại cổ phần, rót vốn đầu tư vào các dự án “trên giấy” gây thua lỗ, thất thoát vốn.

Theo biên bản cuộc họp liên tịch giữa Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát PVFC để tìm cách giải cứu PVFC Invest (5.2011), tính đến thời điểm 31.12.2010: doanh thu của PVFC Invest chỉ đạt 178 tỉ đồng, trong khi chi phí 470 tỉ đồng, lỗ lũy kế 559 tỉ. Như vậy, lỗ lũy kế (559 tỉ đồng) đã vượt quá vốn điều lệ (500 tỉ). Cuộc họp đánh giá, “PVFC Invest đang trong tình trạng đặc biệt khó khăn và hoàn toàn đủ điều kiện phá sản”. Theo biên bản này, cuộc họp cũng đã yêu cầu PVFC Invest (từ tháng 5.2011) phải lập tức đổi tên và không được mang họ “Dầu khí”.

Trong giai đoạn này, ông Nguyễn Xuân Sơn là “mắt xích” quan trọng khi có giai đoạn giữ chức Phó tổng giám đốc PVFC kiêm Chủ tịch HĐQT PVFC Land, một cầu nối bật tường trung chuyển vốn từ PVFC xuống PVFC Invest.

Hợp nhất, đổi tên xóa dấu vết

Để xóa dấu vết của thương vụ ủy thác đầu tư trả chậm của cán bộ nhân viên, PVFC Invest đã ký hợp đồng mua bán với CTCP đầu tư và xây dựng Sông Đà (SDCON), ngày 24.12.2010, bán toàn bộ 11.217.247 cổ phiếu của PVFC (mã PVF) cho SDCON với giá trên hợp đồng gần 420 tỉ đồng để che giấu khoản lỗ gần 150 tỉ đồng trên báo cáo tài chính. Trên thực tế, thương vụ này chỉ tức thời giúp PVFC làm đẹp sổ sách vì SDCON chỉ chuyển chưa đến 20 tỉ đồng, phần còn lại của "hợp đồng" chưa từng được thực hiện. SDCON lúc đó là cổ đông nắm giữ 6,65% vốn điều lệ OceanBank.

"Họ Dầu khí" của PVFC Invest sau đó được lần lượt đổi dần trong nửa đầu năm 2011: tháng 3.2011, đổi thành Petro Assets; tháng 6.2011 đổi thành VN Assets; rồi sau đó bị PVFC ngấm ngầm bán trao tay cho tư nhân là Công ty cổ phần dầu khí An Thịnh (ATC) với giá chuyển nhượng vỏn vẹn 20 triệu đồng, tức 1 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân của ATC là CTCP công nghiệp Thiên Quan, lại chính là con nợ phá sản bị PVFC xiết nợ bán hết tài sản máy móc thiết bị, gây thiệt hại tín dụng cho PVFC trên 110 tỉ đồng (tổng dư nợ gần 120 tỉ đồng, tiền bán thanh lý tài sản thu về 3,9 tỉ đồng). Lãnh đạo PVFC ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tài sản cho Thiên Quan vay vốn là ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Phó tổng giám đốc PVFC.

Ngay trong thương vụ ATC gây thiệt hại 110 tỉ đồng cho PVFC đã có nhiều dấu hiệu vi phạm. Năm 2007, ATC được PVFC cho vay 120 tỉ đồng để xây Nhà máy sản xuất xơ sợi Hưng Yên, trong đó có 40 tỉ đồng làm vốn lưu động. ATC đã dùng toàn bộ số tiền đó để nhập một dây chuyền cũ nát về. Nhà máy hoạt động được một năm rưỡi thì đóng cửa. Thay vì tìm cách thu hồi nợ, PVFC đã bày ra việc chuyển đổi 40 tỉ đồng vay làm vốn lưu động này thành vốn góp (do không thực hiện được nên đã phải trích lập 100% dự phòng). Tháng 6.2009 nhà máy ngưng hoạt động, tháng 7.2011, PVFC kêu bán thanh lý nhưng mãi tới tháng 2.2012 mới bán được với giá... 3,9 tỉ đồng.

Công ty ATC có vốn điều lệ thực tế chỉ 21 tỉ đồng, ngừng hoạt động từ tháng 6.2009 và đã phá sản từ tháng 7.2011. Vậy mà ông Lương Anh Cường “chủ tịch kiêm giám đốc” công ty này tự kê khai tài sản đảng viên năm 2013 là mình sở hữu trên 45 tỉ đồng mệnh giá cổ phiếu ATC, biến ATC thành của riêng trong khi ông Cường không hề có cổ phần nào, tự hợp thức hóa chức danh cho mình để rồi sử dụng pháp nhân ATC ký “Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần” mua lại 41% vốn điều lệ PVFC Invest (khi đó đã bị đổi tên thành VN Assets, giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính còn 707 tỉ đồng) với mức giá không tưởng chỉ có 20 triệu đồng, tức 1 đồng/cổ phần. 

Thiệt hại tài sản nhà nước từ việc “bán” Công ty VN Assets cho nhóm lợi ích thân hữu này là 291 tỉ đồng (41% vốn điều lệ), có dấu hiệu “tiếp tay” của một số cán bộ cơ quan chức năng trong việc thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp VN Assets trái phép sang tên để nhóm lợi ích này ngang nhiên chiếm đoạt công ty và “hỗ trợ” PVFC thu hồi các hồ sơ, tài liệu, chứng từ... hòng xóa dấu vết.

Từng được coi là "một cánh chim đầu đàn của Tập đoàn dầu khí", báo cáo nợ có vấn đề năm 2012 của PVFC cho thấy, có trên 8.500 tỉ đồng nợ xấu tập trung vào 5 nhóm: thép, tàu biển, thủy điện, bất động sản và nhóm ngành khác. Trong đó hầu hết là các khách hàng không có khả năng hoàn trả (Vinashin, Vinalines, một số khách hàng sắt thép, bất động sản, thủy điện...).

Trách nhiệm của PVN đến đâu ?

Theo báo cáo tài chính và biên bản các cuộc họp giữa PVFC và PVFC Invest, trong số 240 tỉ đồng ủy thác đầu tư dưới hình thức góp vốn lập nên PVFC Invest qua CBCNV mà NHNN xác định "cố ý làm trái", đến nay chỉ mới thu hồi được 10 tỉ đồng. Trong số 510 tỉ đồng ủy thác dưới dạng đưa tiền cho CBCNV mua cổ phần PVFC cổ phần hóa tới nay vẫn chưa thu hồi được 419 tỉ đồng gốc, 86 tỉ đồng tiền lãi.

Những sai phạm của PVFC, theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, là: “Sở hữu chéo, chuyển tiền xuống các công ty con qua hợp đồng ủy thác đầu tư. Điều hành các công ty con để kinh doanh mạo hiểm, trái luật: chứng khoán, bất động sản, mua bán vòng vèo thông đồng trốn thuế, chuyển tiền nhà nước vào túi tư nhân, móc ngoặc doanh nghiệp sân sau của PVFC rút ruột tài sản và tiền của công ty con, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cổ đông khác... Sau tất cả những sai phạm đó thì đổi tên các doanh nghiệp thua lỗ; giấu lỗ bằng thủ thuật ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản giả tạo. “Bán” công ty con thua lỗ cho doanh nghiệp sân sau, rút ruột hết tài sản rồi xóa sổ công ty con (PVFC Invest). Sáp nhập một số công ty con thua lỗ chưa thể phá sản (Mỹ Khê - VN) vào công ty con khác”.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, các khoản đầu tư bất chấp pháp luật của PVFC và PVFC Invest trong giai đoạn 2006 - 2011 có trách nhiệm từ lãnh đạo Tập đoàn PVN. Bởi PVN là công ty mẹ, sở hữu 78% vốn tại công ty con PVFC, PVFC lại sở hữu 59% vốn của công ty cháu PVFC Invest và 99% tại Mỹ Khê VN. “Những vi phạm này cần được các cơ quan chức năng làm rõ”, ông Long kiến nghị.

Anh Vũ

http://thanhnien.vn/thoi-su/tai-chinh-dau-khi-va-vung-lay-pvn-che-giau-sai-pham-khi-mat-von-816422.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang