Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

vô đề





nắng
mưa
sợi úa vai gầy
như tình nhân đã
theo ngày
dửng dưng

bước ta
phố lặng thinh đời
đành thôi
dành
cất
những hời hợt đau

Ba ta


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư gửi Việt Nam

 20inauguralbriefing2-superJumbo
Chúng ta đang sống những ngày rất lạ, và rất tiếc phải nói rằng mỗi ngày một xa lạ hơn và không còn cảm giác an toàn như trước. Vốn thường nghi ngờ những lời lẽ đao to búa lớn, nhưng lúc này tôi lại đồng ý với nhận định rằng thế giới đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II, riêng nước Mỹ thì rơi vào cơn khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ thời Nội chiến.
Đối với Việt Nam, nguy cơ bị tác động xấu là không thể coi nhẹ. Khác so với vài tháng trước, Việt Nam ngày nay không còn chỗ dựa ngoại giao “an toàn” nữa, ít nhất cho đến khi ẩn số Trump lộ diện. Trong không khí bất an đó, tôi xin chia xẻ vài ý kiến về thời cuộc với tư cách là một công dân Mỹ và là bạn của Việt Nam—một Việt Nam của cả dân lẫn người trong bộ máy, của cả những người nghi ngờ về từ diễn biến, tự chuyển hoá, tự này tự kia…
Về an ninh quốc phòng. Thứ nhất, về an ninh quốc phòng, các bạn hãy bình tĩnh. Dù Trump có vô số những động thái khác lạ, nhưng quan điểm an ninh ở Biển Đông khó mà có thay đổi lớn so với thới Obama. Riêng về quân sự và ngoại giao, “chế độ mới” hẳn sẽ mạnh bạo hơn. Tuy nhiên, liệu bộ sậu của Trump có hành động đủ cẩn trọng hay không là một câu hỏi lớn cho tương lai. Lúc này chỉ có một điều chắc chắn là không có chuyện Mỹ rút lui khỏi biển Đông và khoanh tay trước những đòi hỏi bất hợp pháp của Tập Cận Bình.
Điều đáng chờ đợi, thậm chí rất đáng chờ đợi, là một số nhân vật trong bộ sậu của Trump. Chẳng hạn tướng Mattis (nick Chó Điên) được đánh giá là có trí tuệ và được tôn trọng từ lính đến sĩ quan. Trong khi đó, ông Rex Tillerson, ngoại trưởng mới được đề cử, vẫn còn là một ẩn số trong vấn đề Đông Á. Tuần trước, phát biểu “cấm Bắc Kinh không được tiếp cận các đảo nhân tạo ở biển Đông” có lẽ là lời nói hơi thiếu thực tế, tuy nhiên nó là tín hiệu cho thấy ông không phải là người thuận theo Bắc Kinh. Hơn thế nữa, hợp đồng hợp tác dầu khí giữa Exxon Mobil và Việt Nam mới ký tuần trước là một tín hiệu đáng ghi nhận khác (nhân tiện, cũng hy vọng rằng hợp đồng này không biến thành một vài căn nhà ở Tam Đảo).
Câu hỏi ở đây là liệu Mattis và Tillerson (nếu được phê chuẩn) cùng với những nhân sự khác của “chế độ mới” Hoa Kỳ có đủ năng lực cáng đáng nhiệm vụ hay không, và không kém phần quan trọng là khi cần họ có đủ ý chí lẫn trí tuệ để chống lại một Tổng thống độc tài như Trump hay không. Còn Việt Nam thì sao?
Trong thời gian tới Việt Nam phải (và tôi tin sẽ) tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tắc trong khu vực. Tôi cũng khuyến nghị rằng dù kẻ lừa bịp đầu mầu cam nói gì đi nữa thì cũng hãy nhớ đại đa số các nước vẫn quyết tâm tìm kiếm một giải pháp an ninh bền vững cho Biển Đông.
Về kinh tế xã hội Thứ hai là kinh tế, vì chúng ta chưa rõ Việt Nam có cơ hội gì mới trong thời kỳ hậu Obama, nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt vẫn y như cũ. Tất nhiên khả năng lớn là sẽ không còn hiệp định thương mại đa phương nữa. Ngay sau thắng lợi bầu cử (được Putin góp tay dàn dựng) của Trump, ta đã thấy cả Tập lẫn Abe đều đua nhau lấp đầy không gian mà Mỹ đã chiếm.
Với tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 20% GĐP thì Mỹ là mối quan hệ kinh tế mà Việt Nam không thể bỏ qua.  Trong khi đó, hai nước (dù Trump hoặc ai cầm quyền) vẫn còn chia sẻ những quyền lợi kinh tế xã hội. Ví thế tôi khuyến nghị Việt Nam cứ tiếp tục nỗ lực tái cấu lại nền kinh tế, đầu tư vào giáo dục sao cho hiệu quả hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân càng nhiều càng tốt.
Muốn Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn, hãy chọn con đường chính đại. Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam. Hãy dứt khoát nói không với những dự án không đảm bảo môi trường. Hãy hiểu và biết quý trọng giá trị câu ‘“dân cần nước sạch”. Làm như thế thì Việt Nam mới có lực để ‘chịu phát triển’ bền vững, và có chất lượng hơn so với những năm gần đây.
Về giáo dục. Cải cách giáo dục cách khác so với trước— không chỉ nói suông mà không chỉ xem ngành là ngành hành chính: phải thực sự coi trọng, phát triển năng lực lẫn tinh thần sáng tạo của nhà giáo, nhà nghiên cứu, và toàn xã hội – và không chỉ những người mà đang ở đọ tưởi trẻ. Phải thực sự sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện, và thi nhiệm với những cách dạy hiện đại, phương pháp sư phạm mới. Mừng để thấy hiện nay đang có những nỗ lực về vấn đề này.
Quan trọng là những nỗ lực tiếp tục được để mạnh trong khi đó cách giới thiệu những ý tưởng, phương pháp được nghiên cứu, điều chỉnh và khuyến kích. Những cải cách này không thề màng tính ‘hành chính’ mà phải đưa sâu vào thình thần của giáo dục ở mọi bậc học và kể cả ngoài ngành.
Thị trường dĩ nhiên có vai trò của thị trường, nhưng không có nghĩa là phải hy sinh giáo dục phi lợi nhuận như chúng ta đang thấy. Đừng lạm dụng làm giầu bằng thương mại hoá mọi thể loại giáo dục. Việc những trường đại học phi lợi nhuận có tôn chỉ hoạt động dựa trên giá trị của những vĩ nhân như Phan Chu Trinh đang bị doạ đóng cửa, đang bị doạ bán là những sự kiện cực xấu.
Hãy đừng lấy PISA hoặc đào tạo ra vài nhà toán học thực giỏi làm thước đo. Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân) không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện khoa học. Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh. Trong thời gian bất trắc này thì tốt nhất Việt Nam phải tìm cách để khắc phục những trở ngại còn lại để thực sự cải cách và đẩy mạnh nỗ lực cải cách.
Về chính trị, xã hội, và tương lai. Nguyên nhân nước Mỹ có một kẻ lừa bịp mị dân lên nắm quyền bắt nguồn từ những sai lầm của chính quyền Mỹ suốt 40 năm qua: mức sống của người lao động không được cải thiện cộng với sự suy yếu của nền tảng dân chủ do…. quyền lực nhóm!!! Một nguyên nhân khác là chiến lược tranh cử của bà Hillary thiếu hấp dẫn, phản ánh bằng việc 1 tỷ đôla đã bỏ ra mà vẫn thua.
Dù nền dân chủ Mỹ có nhiều vấn đề từ lâu, nhưng Mỹ đến ngày hôm nay vẫn được coi là một nước tiêu biểu cho dân chủ và những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Tôi thừa nhận khoản khác giữa những nguyen tắc dân chủ ấy và tình hình thực tế ở bên Mỹ quá là báo động – cho đến mức tôi lo về tương lai về số phận của nước mình. Việc một nhân vật có nét độc tài như Trump thắng cử cộng với tình hình ở Châu âu, Nga v.v. dấy lên lo lắng về tương lai của dân chủ không chỉ là ở Mỹ mà còn cả trên thế giới.
Nhưng dù vậy, lý tưởng dân chủ vẫn luôn là nguồn cảm hứng. Vấn đề chỉ là bảo vệ và thúc đẩy như thế nào trong tình hình báo động của hôm nay. Ở đây vẫn phải lạc quan về Việt Nam.
Hiện nay người dân Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến số phận của đất nước mình. Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Dù không loại trừ khả năng Ngài/kẻ lừa bịp mị dân sắp vào Nhà Trắng có thể gián tiếp đem lại lợi ích cho Việt Nam, chúng ta có đủ lý do để lo ngại về những kịch bản trước mắt có thể xảy ra của khu vực cũng như trên thế giới.
Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự. Tôi nghĩ rằng dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hay bất cứ ở nơi nào trên trại đất, những nỗ lực phát triển xã hội thể theo nguyện vọng dân chủ và nhân vân vẫn là vấn đề cột lõi và cần được khuyến khích hơn bao giờ hết.
JL, Hà Nội
  1. Thật là tội nghiệp cho nước Mỹ, có một tân Tổng thống “độc tài”, người đã bị cả một giàn truyền thông lớn nhỏ xúm nhau “đánh”, chỉ còn biết cách chống đỡ bằng chính cái miệng cuả mình và Twitter. Hy vọng là ông ta sẽ không có bắt nhốt hay tra tấn những ai đã và sẽ chống đối ông ta. 😉
    Việc hợp đồng hợp tác dầu khí giữa Exxon Mobil và Việt Nam mới ký tuần trước đã cho thấy sự ngấm ngầm nhượng bộ cuả Bắc Kinh. Anh Jonathan nghĩ rằng Hà Nội tự ý quyết định mà không xin ý kiến ông Tập? Cũng sẽ chẳng có cái gọi là “quần chúng nổi dậy” hay “diễn biến hoà bình” gì sẽ xảy ra trong đất nước Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam có thể chia sẻ tài nguyên khai thác với Hoa Kỳ nhưng không bao giờ họ để cho ai động đến thể chế cuả họ. Mọi biểu hiện hay sự kiện đấu tranh nổi lên đây đó một đôi khi, nếu không bị đàn áp vùi dập, thì cũng chỉ là những “ngoại giao nhân dân”, hay diễn tập chống “thế lực thù địch” vưà tinh vi, vưà lộ liễu một cách khôi hài, ngu xuẩn. Nó sẽ làm thất vọng những người có thiện cảm với Việt Nam như anh, làm đau lòng những người Việt Nam nhiều mơ ước cho tương lai cuả đất nước mình, bởi vì trong “cái tinh thần” đó, không biết đến bao giờ người dân mới có quyền được bầu cử thật sự, thậm chí các đảng viên cũng không thể có quyền bầu lên ông đảng trưởng cuả mình.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

HAI NHÀ VĂN LÊN TIẾNG VỀ HAI NHẠC SĨ NGUYỄN LƯU - THỤY KHA



Lê Thiếu Nhơn

MÚA MÉP VI DIỆU!

Chuyện tạm ngưng lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975, có tạo ra những tranh luận khác nhau, cũng thật bình thường. Thế nhưng, nhờ báo điện tử VTC mở diễn đàn, mà công chúng thấy được tài múa mép của vài vị hồn nhiên ở tuổi gần đất xa trời, nổi bật nhất là Nguyễn Lưu và Nguyễn Thụy Kha!


1.
Nguyễn Lưu tuy là con của Nguyễn Xiển, nhưng xưa nay vốn bất tài. Nguyễn Lưu hùng hổ la hét: "Việc cho phép hay tạm dừng lưu hành các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các bài hát là việc làm bình thường và thường xuyên của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, kể cả nơi tự do như Mỹ. Tôi khẳng định, không chế độ nào trên thế giới này có thể cào bằng tất cả, từ nơi được coi là tự do nhất, họ cũng tỉnh táo trong việc cho lưu hành các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cho cộng đồng của họ. Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước. Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng". 

Không đáng ngạc nhiên, nhưng đầy bất ngờ. Vì Nguyễn Lưu quen viết những thứ lặt vặt, bỗng dưng trở thành bậc thầy uyên bác có tầm quan sát và tầm khái quát toàn thế giới. Bọn Mỹ, bọn Anh, bọn Nhật chỉ giống như chui ra từ tay áo của Nguyễn Lưu mà thôi. Kinh thật!

2.
Nguyễn Thụy Kha không phải hạng kém cõi, nhưng quen thói đãi bôi kiếm ăn. Cứ có tiền, có rượu là Nguyễn Thụy Kha nhảy xổ lên uốn lưỡi đong đưa ca ngợi tít mù. Cũng thông cảm được, khi Nguyễn Thụy Kha thánh thót lý luận: "Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành 5 tác phẩm trên là đúng và dễ hiểu. Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 - chế độ đã không còn hiện diện. Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình. Công chúng đôi khi không biết được những câu chuyện đằng sau các ca khúc đó, còn các ca sĩ, nhiều người có trình độ hạn chế, họ chỉ cần biết bài nào dễ hát, dễ thuộc, dễ nổi tiếng thì thể hiện thôi. Chính vì thế, mới cần đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền".

Cái tâm tư lớn nhất của Nguyễn Thụy Kha là công chúng và ca sĩ đều ngu lâu dốt bền. Ừ nhỉ, tại sao thiên hạ không biết Nguyễn Thụy Kha cũng có viết nhạc? Để tái cấu trúc nền âm nhạc vớ vẩn và tái giáo dục đám đông mê muội, đề nghị "các cơ quan có thẩm quyền" phải triển khai ngay "sự quản lý" để mọi người cùng hát, cùng nghe nhạc Nguyễn Thụy Kha cho văn hóa Việt đi lên theo tốc độ phi mã!

3.
Mồm mép của Nguyễn Lưu và Nguyễn Thụy Kha, nếu tham gia game show trên truyền hình, thì chắc chắn được MC Trấn Thành khen ngợi nhiệt liệt bằng hai chữ "vi diệu". Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà cả hai ông do mải mê bày tỏ tấm lòng cao cả của mình với non sông mà quên nhắc đến, đó là 5 ca khúc kia tại sao đã được hát một thời gian rồi lại đột ngột cấm?

Cái kiểu tiền hậu bất nhất đó, ở "nơi tự do nhất" có không, thưa ông Nguyễn Lưu?

Cái kiểu quản lý tùy hứng đó, có phải dựa trên cơ sở trình độ siêu đẳng không, thưa ông Nguyễn Thụy Kha?

Nói chung, phải kính nể hai ông, mồm mép vi diệu không thua gì MC Trấn Thành. Hai ông đang hành nghề nhầm địa chỉ chăng? Với sự ngưỡng mộ tột đỉnh, mong hai ông sớm bước vào show biz và lập tức thay thế MC Trấn Thành mà đem lại sung sướng rợn người cho trăm họ ngây ngô!
-----------

Phạm Ngọc Tiến

Ý KIẾN VỀ CẤM CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI

Nhẽ không nói gì về cái chuyện cấm mấy bài hát trong đó có bài "Con đường xưa em đi" nhưng hôm nay mạng lại dậy sóng khi ông nhạc sĩ Nguyễn Lưu trả lời phỏng vấn nói cụ thể con đường trong bài hát nên không thể không nói. Khá nhiều ý kiến phản ứng lại cách nghĩ của vị nhạc sĩ này. 
Tôi thấy mình cũng cần lên tiếng với tư cách một người lính tham gia chiến tranh. Xưa rồi các vị, cuộc chiến đã kết thúc 42 năm. Họ, những người lính Cộng hòa đã kết thúc sứ mạng và thân phận chiến cuộc của họ. Chúng tôi cũng thế. Chiến tranh đã lùi xa giờ chỉ còn là ký ức. Nếu có khơi gợi lại thì đó chỉ là những ký ức đủ mọi trạng thái nhưng tuyệt nhiên không còn thù hận. Thù hận gì nữa. Những người lính cộng hòa thua cuộc năm xưa giờ gia đình họ cũng đã dần lãng quên chính sự thua cuộc ấy. Họ nếu ở nước ngoài thì khi trở lại là những Việt kiều. Đừng khơi gợi thù hận nữa. Người Việt cần sự nắm tay nhau để dựng xây đất nước để chống ngoại bang xâm lược. Tôi thấy sự ấu trĩ tiểu khí của ông Nguyễn Lưu. Và cả sự cứng nhắc, tầm tư tưởng quá thấp của những vị ra lệnh cấm bài hát "con đường xưa em đi" này. 
Tôi chỉ thấy đây là một bản tình ca đẹp. Rất đẹp. Con đường nào ư, chính tôi là một người lính trong cuộc chiến cũng không bao giờ cần biết nó là con đường nào. Tin là bài hát sẽ sớm thoát khỏi bản án không đáng có này. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Nguyễn Viện: Văn chương, Chính trị & Tôi

Nguyễn Viện

LTS: 3.3.2017 – ngày Nhà văn thế giới vừa qua, Văn đoàn Độc Lập tổ chức lễ trao giải Văn Việt lần 2. Trong số những nhà văn đoạt giải kỳ này có Nguyễn Viện, với tác phẩm “Nhảy múa để chết”.
Trong văn Nguyễn Viện có những bóng ma, có dục tình, có chiến tranh, những cơn mộng mị và nhiều thứ khác… nhưng xuyên suốt các tác phẩm là những đau đáu về thân phận con người… Con người được tái hiện qua ngòi bút của một nhà văn có chính kiến.
Được sự cho phép của tác giả Nguyễn Viện, chúng tôi gởi đến quí độc giả bài phát biểu “Văn chương, Chính trị & Tôi” của nhà văn, đọc nhân dịp nhận giải.
——————————
Kính thưa quí vị,
Quả thực, đây là một vinh dự cũng khá bất ngờ, khi tôi được đứng đây để bày tỏ sự cảm ơn trân trọng với Văn đoàn Độc Lập trong việc quyết định trao giải văn chương cho một tác phẩm cách tân như tiểu thuyết “Nhảy Múa Để Chết” và một tác giả “ngoài luồng”, như tôi.
Trong một dịp hiếm hoi như thế này, tôi cũng xin được phép thưa cùng bạn đọc, những người đồng hành với văn chương.
Thưa quí vị,
Vào tuổi tôi, để nói về văn chương, có lẽ cũng không thể nào không nói về cuộc đời. Lẽ sống và cách sống.
Ở đây, tôi không hề có tham vọng khái quát một chân lý. Mà tôi chỉ muốn nói về tôi, cuộc đời tôi và con đường tôi tới với văn chương.
Tại sao tôi đã viết và viết như tôi viết?
Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, tôi sống ở Sài Gòn và tròn 26 tuổi. Lúc ấy, tôi cũng đã bắt đầu viết văn. Từ một Sài Gòn tự do đến một Sài Gòn được giải phóng, con đường văn chương của miền Nam nói chung, của tôi nói riêng bị chặt đứt bằng một án kết “đồi trụy phản động”. Đó cũng là cách một nền văn học bị chôn vùi.
Cuộc đời tôi cũng như những người dân miền Nam bước vào một cuộc sóng gió mới với những giá trị khác, xa lạ và phản văn minh. Tôi tưởng như sẽ vĩnh viễn rời bỏ trang giấy và chữ nghĩa, bởi tôi không phải là ngọn cỏ ngả theo chiều gió.
Nhưng cuộc đời hay mỗi con người dường như vẫn có cách đi riêng để hoàn thành cái số phận của mình.
Con đường vòng của tôi đi qua những ngày trốn tránh, sau khi một vài người bạn tôi bị bắt đầu năm 1979 bởi những ý hướng chính trị cho một xã hội nhân bản. Có những ngày, tôi không biết sẽ có gì bỏ vào bụng để sống, cũng như những đêm không biết có tìm được chỗ nào để ngủ. Rồi cũng đến lúc tôi bị bắt, cuối năm 1980. Khi ấy, tôi và một số người bạn khác đang nung nấu một giải pháp đấu tranh dân chủ mà tôi gọi là “đấu tranh trong điều kiện hợp pháp”.
Năm đầu tiên, tôi bị nhốt trong trại giam Đại Lợi (quận Tân Bình, Tp. HCM). Năm thứ hai, tôi bị đưa đi lao động cưỡng bức ở Củ Chi.
Cho đến khi tôi tự ý bỏ về năm 1982, tôi chưa bao giờ bị xét xử hay kết án. Vì thế, tôi cũng không biết chính xác tôi bị tù vì tội gì.
Đấy là một ngã rẽ quan trọng nhất trong đời tôi. Tuy thời gian không nhiều, nhưng những trải nghiệm nó mang lại thì vô giá. Tôi đã sống và hành động trực tiếp với suy nghĩ của mình về xã hội và lịch sử.
Có vẻ như rất buồn cười, nếu tôi bảo rằng, nằm trong tù (dù lớn hay nhỏ) sẽ thật sự bình an. Vâng, vì đấy là chỗ ta đã ở cuối đường.
Và cũng rất lâu sau khi ra tù, tôi mới dám về nhà. Vì tôi vẫn là một công dân không biết thuộc về đâu.
Như tôi đã nói, cuộc đời có cách thu xếp của nó. Tôi đi qua những khúc quanh mới của một anh thợ vẽ (tranh lụa), một tay đứng chợ trời, một người buôn bán, một người quản lý sản xuất, một nhà báo… và cuối cùng là một nhà văn, như tôi hôm nay.
Hiển nhiên, cuộc đời không chỉ là cơm áo gạo tiền. Cuộc sống cần phẩm giá, và tự do, với tôi là phẩm giá thiết yếu đầu tiên và cuối cùng cho một sinh mệnh con người.
Vì thế, bi kịch của tôi là không thể im lặng, dù biết mọi điều mình nói và làm, hay viết cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi vừa yêu văn chương và cũng rất ghét văn chương. Cũng như tôi cho rằng cho dù có sống như một loài cừu thì con người vẫn là một sinh vật chính trị, bởi thế tôi cũng ghê tởm chính trị. Nó làm con người ngộ nhận.
Nhưng tôi tự nghĩ, phải chăng ý nghĩa của cuộc sống là được nói và viết những điều mình nghĩ, làm những gì mình thích và cho là đúng?
Và như thế, ý nghĩa của cuộc sống phải chăng cũng chính là sự thể hiện một ý chí tự do? Tuy nhiên, sống trong bất cứ một chế độ cộng sản nào, như tất cả chúng ta đều biết, thì thể hiện một ý chí tự do dưới nhãn quan của độc tài toàn trị, một công dân có ý thức trách nhiệm và nhân phẩm sẽ luôn bị đồng hóa với kẻ bị coi là âm mưu “chống phá chính quyền”. Vì thế, cho tới hôm nay tôi vẫn bị quy chụp một cách phản động là “phản động”, bị an ninh mời làm việc và giám sát, bởi những phát biểu độc lập của mình về những oan trái của đời sống người dân, những bất công xã hội, sự thiếu vắng quyền con người và sự tồn vong của đất nước. Đó cũng là lý do tôi chưa bao giờ thoát được nỗi ám ảnh bị sỉ nhục của một người tù nô lệ.
Sau 30.4.1975, tôi đã tuyệt vọng về số phận mình. Và tôi đã mất rất nhiều năm sống trong sự cùng cực vô ích.
Đến bây giờ, cái cảm giác về sự vô ích vẫn chưa mất đi, mặc dù tôi không còn cùng cực nữa.
Tôi không có ảo tưởng gì về tác động của văn chương phản kháng của mình đối với chế độ, ngoài việc giữ liêm sỉ cho ngòi bút và lương tri một con người, cũng như bổn phận một công dân.
Đối với tôi, văn chương đơn giản là một cách thế ở đời. Và chính trị, cũng bình thường không kém, là cách để con người hướng đến một lương tâm công chính.
Xin cám ơn quí vị và bạn đọc.
Kính chúc Văn đoàn Độc Lập vững mạnh và tiếp tục xứng đáng như một diễn đàn tự do và có trách nhiệm.
3.3.2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn Việt Nam tuyên chiến với "nạn chảy máu" sắc phong



Đầu tiên là tin từ tờ TT&VH.

Nhưng muốn nhắn bác Thiều là: cần cẩn trọng, kẻo mua phải sắc rởm (đang được chế tạo) rồi trao lại cho người dân đồ rởm !

Về sắc phong rởm đang được chế tạo, tôi sẽ đưa tư liệu cụ thể của tôi sau.



---


Thứ Ba, 28/02/2017 10:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày cuối tháng 2, thay mặt nhóm "Nhân sĩ Hà Đông", nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã kêu gọi những người đang giữ các đạo sắc phong hãy chấm dứt việc bán  loại cổ vật này ra nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Thay vào đó, ông có nguyện vọng sắc phong sẽ được bán lại cho những người Việt Nam có tâm huyết và điều kiện để dâng trả cho các địa phương. Lý tưởng hơn, những người giữ sắc phong nên trực tiếp trả về các địa phương, bởi đây là một trong những di sản văn hóa và tâm linh của người Việt.
Sẵn sàng bỏ tiền chuộc
Thực tế, việc mất cắp sắc phong ở đình miếu, chùa chiền diễn ra dai dẳng nhiều năm nay, trong đó nhiều bản sắc phong mất cắp đã bị tẩu tán nước ngoài…Do vậy, từ 3 năm nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông, (gồm những văn nghệ sĩ, doanh nhân, công chức...) đã kêu gọi người giữ sắc phong tặng lại cho các làng quê Việt.
Ý tưởng này bắt đầu khi một thành viên trong nhóm sưu tập được khoảng hơn 200 đạo sắc phong. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mạn, trở thành hàng hóa, cả nhóm đã bàn nhau rồi quyết định thuê dịch, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ về địa phương bị mất.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (phải) cùng nhóm Nhân sỹ Hà Đông trao tặng 7 đạo sắc phong cho dân làng Gòi Thượng (Hà Nam)
Trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Sắc phong chính là hồn cốt của cộng đồng, của vùng đất, của di tích được sắc phong. Do vậy, cần phải tìm cách mang trả về đúng nơi được sắc phong ấy. Đó là sự gìn giữ, hồi phục lại tinh thần, giá trị văn hóa của địa phương".
"Chúng tôi cũng tự ý thức được mình không đủ sức làm một việc lớn như thế suốt quá trình lâu dài. Vì vậy, với những người đang lưu giữ, sưu tập sắc phong không phải của làng mình, chúng tôi đề nghị họ tặng lại cho dân làng, hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy" – ông chia sẻ thêm. "Nếu không có ý tặng thì chỉ cần báo lại, để chúng tôi chuộc và mang về địa phương".
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đến nay, đã có trường hợp một số người buôn bán, sưu tập trao trả lại các đạo sắc phong này. Nhiều nhà nghiên cứu cũng vào cuộc, sẵn sàng hỗ trợ dịch các đạo sắc phong để giúp vật cũ trở về "chính chủ". Nhóm Nhân sĩ Hà Đông có nghĩa vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả lại sắc phong cho làng bằng các nghi lễ trang trọng, chỉn chu.

Một phần số sắc phong đang được nhóm lưu giữa và tìm cách trao trả

Những thành quả đầu tiên
Tháng 6/2016, 4 đạo sắc phong đầu tiên đã được nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao tặng cho người dân làng Hậu Xá (xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội). Các cụ trong làng vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh lần “đạo chích” cuỗm sạch 10 đạo sắc phong đựng trong hộp gỗ duối cùng lư đồng, khí tự… tại đình làng trong quá khứ - cũng như những cuộc tìm kiếm vô vọng tiếp theo.
Do vậy, làng Hậu Xá đã vô cùng phấn khởi khi biết tin nhóm Nhân sĩ Hà Đông ngỏ ý tặng làng 4 đạo sắc phong đã mất, cộng cùng buổi lễ rước sắc được tổ chức long trọng, nghiêm trang. Tại đình làng, người dân Hậu Xá thiết tha, gửi gắm: “Nếu ai tìm thấy sáu đạo sắc liên quan đến làng Hậu Xá, hay là Bạch Xá Trang (tên xưa của làng) thì xin báo để chúng tôi tìm cách đi thỉnh về! Làng vẫn còn thiếu 6 đạo sắc nữa”
Hoặc, ngày 18/12/ 2016, 7 đạo sắc phong tiếp theo cũng đã được nhóm trao tặng cho dân làng Gòi Thượng, xã An Nội (Xuân Lôi cũ), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. 7 đạo sắc phong này đã bị lấy cắp từ hơn 10 năm trước, và chỉ được nhận diện nguồn gốc qua bản dịch của Tiến sỹ Trương Đức Quả, Viện Hán Nôm.
Đáng nói, khi người dân làng Gòi Thượng khăn áo chỉnh tề để đón 7 đạo sắc phong, những người đại diện của một số làng quanh đó cũng... nhờ nhóm Nhân sĩ Hà Đông giúp tìm lại những đạo sắc phong bị mất của làng mình. Bởi thế, công việc của nhóm vẫn còn tiếp tục.
Đến giờ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã mua thêm được 31 đạo sắc phong, nhận được 12 đạo sắc phong do một số người trao tặng và đang giám định và đang dịch 39 đạo sắc phong. Trong đó, nhóm đã xác định được 9 đạo sắc phong thuộc về thôn Na và thôn Đoài (xã Phương Ngải, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) và đang liên lạc với địa phương này để trao trả.
“Gần đây, chúng tôi được biết nhiều người Trung Quốc vẫn đang tìm mua các đạo sắc phong Việt"- nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. "Nghĩa là, nguy cơ thất thoát các đạo sắc phong ra nước ngoài vẫn  chưa hề dừng. Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức tọa đàm, bổ sung ngân sách, thành viên... cho công việc của mình, với hi vọng giảm thiểu nguy cơ ấy".
"Văn bản" đặc biệt của lịch sử

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15 và được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến. Về cơ bản, sắc phong gồm 2 loại: dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần và dùng để sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng). Loại sắc phong thứ 2 là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo



An Như
Thể thao & Văn hóa

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-van-nguyen-quang-thieu-tuyen-chien-voi-nan-chay-mau-sac-phong-n20170228074742803.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỪNG QUÊN KÝ ỨC BỊ NGUYỀN RỦA CỦA TUẦN BÁO “VĂN”!


Lại Nguyên Ân
Trong năm 2017 này, cụ thể là đến đầu tháng 4/2017, sẽ là tròn 60 năm kể từ hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam, diễn ra trong vài ba ngày đầu tháng 4/1957 tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, ngay cạnh sân Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong số những người cầm bút viết văn bằng tiếng Việt, hẳn đã và sẽ có không ít người hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên bày tỏ thái độ không thật sự kính trọng cái tổ chức mà suốt trên nửa thế kỷ tồn tại, tuy số thành viên ngày càng đông đảo, nhưng chưa bao giờ tỏ rõ ra được là một tổ chức độc lập, tự lập của nhà văn Việt Nam. Đây quả là một trong những vấn đề căn bản hiện tại và tương lai của tổ chức này. Song tại đây, xin tạm gác điều vừa nói để nêu một sự kiện thuộc lịch sử Hội nhà văn Việt Nam: vấn đề danh dự của tuần báo “Văn” (1957-1958).

Những thế hệ cầm bút mới bước vào văn đàn vài chục năm nay có thể thậm chí không có ý niệm gì về tờ báo này, hoặc thậm chí đã bị sang tai những lời giải thích nào đó ít nhiều bóp méo hình ảnh thật của nó.

Tuần báo “Văn”, được xuất bản tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, từ ngày 10/5/1957, hơn một tháng sau hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam; chủ nhiệm báo là Nguyễn Công Hoan (1903-1977), chủ tịch đầu tiên của Hội; thư ký tòa soạn là Nguyên Hồng (1918-1982), ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội. 


Có thể nói, tuần báo “Văn” đã hoạt động trong sự phấp phỏng của giới cầm bút khi đó đang sống và viết ở miền Bắc vĩ tuyến 17, là vì từ cuối năm 1956 đến Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai họp ở Hà Nội hồi đầu năm 1957, những gì liên can đến báo “Nhân văn” và các cuốn “Giai phẩm” trong năm 1956 đã bị giới lãnh đạo lên án rất quyết liệt và nặng nề, nhưng từng cá nhân những người cầm bút dính líu đến các hoạt động ấy thì vẫn còn tạm thời chưa bị xử lý, vẫn còn tạm thời được sống và viết giữa những người cầm bút khác. Người ta phấp phỏng về một động thái gì đó giống như giọt nước tràn ly, sẽ gây tai biến, đổ vỡ. Và rồi điều không mong muốn ấy đã đến.

Chỉ 2 tháng sau khi tuần báo VĂN xuất hiện, trên tạp chí “Học tập” của Trung ương Đảng (tháng 7/1957) đã có bài (của Thế Toàn tức Trịnh Xuân An) phê phán tuần báo “Văn”, cho rằng những sáng tác đăng trên tờ tuần báo này không thể hiện được “con người thời đại” (!) và nêu tên phê phán một loạt tác phẩm đã đăng trên 10 số đầu, từ các bút ký như Phở (Nguyễn Tuân), Xiếc khỉ (Quang Dũng), các truyện ngắn Nhật ký người mẹ (Lê Minh), Bóng tối (Nguyễn Châu Viên), Căn nhà hạnh phúc (Nguyễn Hồng Điện), Bích-xu-ra (Thụy An), đến các bài thơ: Gió (Xuân Diệu), Yêu nhau (Lê Đạt), … “Tờ báo “Văn” hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”! – Những lời phê bình nặng nề và quá đáng này khiến cho cả những nhà văn đang làm việc tại tòa soạn lẫn những cây bút cộng tác với tuần báo “Văn” đều cảm thấy bất bình.

Lên tiếng đầu tiên là thư ký tòa soạn Nguyên Hồng: ông không thể chịu đựng nổi kiểu phê bình đao to búa lớn, in đậm tác phong quan liêu, trịch thượng, mà nội dung phê bình lại hoàn toàn bộc lộ một tư duy giáo điều, công thức, sơ lược!

Nguyên Hồng và không ít nhà văn khác, đã không hiểu được rằng đấy chỉ là cái bẫy đã gài sẵn. Lập tức tạp chí “Học tập” (tháng 8/1957, bài của Hồng Chương và Trịnh Xuân An) đáp lại, tiếp tục quyết đoán rằng tuần báo “Văn” đã “đi trệch đường lối”, và cảnh cáo “thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ phạm khuyết điểm sai lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai lầm mà không chịu khiêm tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả kích và mạt sát báo chí Đảng”!

Giới nhà văn đứng sau tuần báo “Văn” cố nhiên không thể giữ được cái đầu lạnh, họ tiếp tục phản ứng, trong đó có tiếng nói của cả những người từng trải như Nguyễn Tuân (khi đó vẫn là một trong 8 phó chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật VN), lẫn của những cây bút khi đó vừa bước vào nghề như nữ nhà văn Lê Minh; cũng có đôi người như Nguyễn Văn Bổng tán đồng với phía phê phán, nhưng số người đồng tình với thái độ Nguyên Hồng vẫn nhiều hơn, trong số này có cả Nguyễn Tuân, thậm chí cả Nguyễn Đình Thi, khi đó là tổng thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật VN.

Sự kiện mà sau đó Bộ chính trị trung ương Đảng gọi là “cuộc tranh luận giữa tạp chí “Học tập” và tuần báo “Văn” (nghị quyết số 30 ngày 06/01/1958 do Nguyễn Duy Trinh ký), rốt cuộc đã bị xử ép một bề: tuần báo “Văn” bị xử thua, bị đóng cửa sau số 37 (ngày 17/01/1958), mặc dù nội dung số Tết 1958 đã được chuẩn bị và đưa tin chi tiết trên một vài tờ báo hàng ngày ở Hà Nội. Vả chăng, việc quy tội cho tuần báo “Văn” cũng chỉ là cái cớ để người ta ra tay trừng phạt những nhà văn nhà báo đã từng liên can ít nhiều đến báo “Nhân văn” và các cuốn “Giai phẩm”, kết cục là có gần một chục người bị án tù với tổng cộng trên 50 năm tù giam và hàng chục năm bị quản chế; vài người bị buộc ra khỏi Ban chấp hành Hội, ba người bị khai trừ hội tịch vĩnh viễn, một số khá đông bị cảnh cáo; tất cả họ đều bị treo bút vài ba năm song trên thực tế thời gian cấm đăng tải bị kéo dài dường như vô hạn nếu không có thời đổi mới (1986-88).

Đến 25/05/1958, cũng tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, báo “Văn học” ra đời với khẩu hiệu “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” gắn cùng tên báo. Đây cũng là tờ báo của Hội nhà văn VN, do Nguyễn Đình Thi là thư ký tòa soạn, nhưng ngay từ đầu “Văn học” đã nói rõ nó không phải là sự tiếp tục tuần báo “Văn”; trái lại, chính báo “Văn học” ngay tại số đầu này, đã tuyên bố chối bỏ tờ báo đi trước, hơn thế, còn cao giọng kết án tuần báo“Văn” trước đây “đã bị tư tưởng Nhân văn lũng đoạn”, “đã đăng một số bài lệch lạc, chịu ảnh hưởng những tư tưởng thù địch hoặc đề cao chủ nghĩa cá nhân suy đồi, rơi vào những quan điểm của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ”, “những trang báo“Văn” đã bị hoen ố vì những bài của nhóm “Nhân văn”,… “dùng mọi cách xảo trá để gieo rắc nọc độc phản lại tổ quốc, phản lại nhân dân, chống lại chủ nghĩa xã hội, chống chế độ và chống Đảng”…. Thái độ chối bỏ này, đặt vào thời điểm 1958 ở miền Bắc, cũng là điều dễ hiểu.

Từ đó trở đi, ký ức về tuần báo “Văn” phai mờ dần trong giới cầm bút; tệ hơn thế, mỗi khi được nhắc lại bởi một số quan chức văn nghệ hoặc nhà phê bình, tờ tuần báo đầu lòng kia của Hội nhà văn VN lại hằn lên vì những lời nguyền rủa, xem nó như một vết đen đáng xấu hổ của giới cầm bút trong buổi đầu tập hợp nhau thành một Hội!

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Nhiều điều tưởng đã là khuôn thước bất di bất dịch của một thời sáng thế mới, rốt cuộc đã không chịu đựng nổi thử thách của thời gian và sự thật. Những gì mà người ta từng phát ngôn như thể lời tuyên cáo đanh thép đối với các sáng tác thơ, luận, truyện, … trên một tờ tuần báo văn chương hiền lành thuở nào, giờ đây nếu ai có dịp đọc lại, sẽ thấy nó cứng quèo, khô xác và nực cười như lời của những vai hề; các tác giả của những phát ngôn ấy, nếu còn sống, chắc phải lấy làm ngượng, và nếu có lương thức lương tâm, họ sẽ phải ân hận khôn cùng.

Tuy thế, vẫn chưa có sự minh giải chính thức nào xung quanh những thiết án khi xưa đối với tuần báo “Văn”, – cái thực thể chỉ tồn tại trên giấy nhưng gói trong nó những kết quả sáng tạo tinh thần của rất nhiều người viết. Những người chịu trách nhiệm chính của tuần báo “Văn” là Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng, đều đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996). Trong số những người từng đăng bài trên tuần báo đó, khá nhiều người cũng đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Các cá nhân cầm bút đã được vinh danh. Chỉ có tuần báo “Văn” thuở nào là vẫn chưa được trả lại danh dự.

Đây không phải bài nghiên cứu để có thể đề cập chi tiết. Vượt qua những sự lên án đã tỏ ra là sai trái khi xưa, có thể nói tuần báo “Văn” tuy chỉ tồn tại trong 8 tháng, nhưng cũng đã chuyển tải được một phần đời sống văn nghệ đương thời trên miền Bắc hồi ấy. 
 
Đặt trong cái vòng kim cô kiểm soát văn hóa tư tưởng thuở ấy đang siết chặt dần, tuần báo“Văn” chẳng thua kém gì so với các tờ “Văn học”, “Văn nghệ” về sau. Tất nhiên đây là tờ tuần báo của những nhà văn nhà báo ở đầu thời đang bước vào văn chương minh họa nên nó mới chỉ làm tròn bổn phận này ở các bài mục “đánh địch” tức châm biếm, đả kích; còn lại, ở các phương diện khác, những người sáng tác vẫn chưa quên những chuẩn mực văn chương nhân bản thông thường, tuy rằng viết ra được tác phẩm hay bao giờ cũng là việc khó nhất. Trong số những tác phẩm đăng lần đầu ở đây, được nhắc nhở sau này là các tác phẩm như thơ: Hãy đi mãi (Trần Dần), Lời mẹ dặn (Phùng Quán), Bão (Tế Hanh), văn: Đống máy (Minh Hoàng), Ông Năm Chuột (Phan Khôi), Tiếng bạc cuối cùng (Hồ Dzếnh), là truyện dịch Phòng số 6 của Chékhov, là các tiểu luận Nguyễn Tuân về văn Thạch Lam, kịch Vi Huyền Đắc, hoặc, một số tranh trào lộng về tệ quan liêu của Trần Duy, v.v…

Tôi không nói tuần báo “Văn” (1957-1958) là tuyệt vời, tôi thấy chất lượng văn chương và báo chí của nó là thường thường bậc trung; đặt trong lịch sử loại báo chí văn chương ở Việt Nam từ xưa tới nay, nó không thể so sánh được với vai trò của rất nhiều tờ báo khác mà ở đây tạm không nên nhắc tên. Nhân nhớ tới lịch sử 55 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến tuần báo “Văn” (1957-1958) như một cơ quan đầu lòng của riêng Hội này, cái cơ quan chỉ tồn tại được 8 tháng, và tuy đã đóng vai trò tấm gương soi đời sống văn học, đời sống của Hội nhà văn Việt Nam những tháng ngày ấy, nhưng ký ức về nó vẫn là một ký ức bị làm nhục, bị nguyền rủa. Vậy mà với thời gian, những gì in lên diện tích các trang của 37 số báo “Văn” (1957-1958) lại tự chứng tỏ nó đáng được nhớ tới với sự tôn trọng, với sự trân trọng.

Thiết nghĩ, nếu lịch sử Hội nhà văn Việt Nam vẫn được tính từ đầu tháng 4/1957 thì giai đoạn Hội có tuần báo “Văn” (1957-1958) không thể bị loại trừ! Trong dịp kỷ niệm 55 thành lập Hội, thiết nghĩ nên có một vài nghi thức cần thiết để trả lại danh dự cho tờ tuần báo “Văn” (1957-1958). Những người cầm bút đứng trong Hội hôm nay nên biết đến toàn bộ các giai đoạn lịch sử Hội mình từng trải qua.
2012-2017
LẠI NGUYÊN ÂN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở TC


image
Chỉ trong vài năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trải qua những thay đổi nhanh chóng, để lại một di sản kỳ quặc trên khắp đất nước.

Trung Cộng là một quyền lực to lớn trong nền kinh tế thế giới. Trong ba thập niên qua, mức tăng trưởng của nước này qua mặt toàn bộ các nền kinh tế khác.

Toàn bộ các ngành công nghiệp vốn mất hàng thập niên để trưởng thành tại Phương Tây thì nở rộ tại đây chỉ trong vài năm. Hầu hết các hoạt động này diễn ra tại các khu công nghiệp được quy hoạch, nơi các thành phố mới được xây lên từ đầu nhằm gây dựng cơ sở cho lượng nhân công từ các vùng nông thôn đổ về.

image

Từ năm 1984 cho tới 2010, số diện tích xây mới tại Trung Cộng tăng lên gần gấp năm lần, từ 8.842 cây số vuông lên 41.768 cây số vuông. Để có được các khu đô thị mới, Trung Cộng chỉ trong ba năm 2011-2013 đã tiêu thụ lượng xi măng nhiều hơn toàn nước Mỹ dùng trong suốt thế kỷ 20.

image
Nhiều nhà máy quốc doanh đã phải đóng cửa, bỏ hoang

Thế nhưng ngay cả ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, tốc độ phát triển cũng đã vượt quá nhu cầu. Đối diện với tình trạng rớt giá và doanh số bán tụt giảm, một phần do tinh trạng sản xuất quá mức, chính phủ Trung Cộng đã phải can thiệp, giảm bớt hoạt động của một số ngành công nghiệp.

Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm việc làm hàng loạt. Tại các nơi như Hà Bắc, một tỉnh phía bắc gần Bắc Kinh, điều này gây tác động đặc biệt nặng nề.

Nơi này từng là một vùng phát triển thịnh vượng, trong suốt một thời gian dài được coi như vành đai thép của đất nước. 

Nhiều nhà máy quốc doanh tại tỉnh đến nay đã bị đóng cửa, bỏ hoang. Các nhà máy thép tư nhân phải chật vật lắm mới tồn tại được.

Các ngành công nghệ thấp cũng gặp phải số phận tương tự, tạo nên cái gọi là "các nhà máy xác sống (zombie)" trên toàn quốc.

image

Tại Trung Cộng, việc chuyển dịch từ các ngành công nghiệp như sản xuất thép sang làm đồ điện tử, viễn thông và công nghệ sinh học đã diễn ra vô cùng nhanh chóng.

Châu Âu và Hoa Kỳ từng có sự chuyển đổi như vậy, nhưng nó diễn ra trong vài thập niên, đủ thời gian để các ngành công nghiệp phát triển và đạt độ chín muồi. Cuộc cách mạng công nghệ cao của Trung Cộng xảy ra cấp tập trong vài năm.

Động lực dẫn đến sự thay đổi là do các nỗ lực của chính phủ Trung Cộng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, khiến các ngành truyền thống như khai mỏ, sản xuất thép và xi măng phải chịu gánh nặng mất công ăn việc làm.

image

Tại các thành phố như Trường Trị hay Lục Lương ở gần sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Sơn Tây ở miền bắc, các nhà máy xi măng không thể trụ nổi qua những thay đổi và nay bị bỏ hoang.

Tại những nơi khác, bị gánh nặng nợ nần và doanh số tụt giảm, hoạt động được duy trì ở mức cầm chừng, cốt chỉ nhằm cố trả những món nợ khổng lồ đã vay mượn lúc ban đầu để xây dựng nhà máy trong thời phát đạt. Những nhà máy từng có lúc dùng tới hơn 10 ngàn lao động nay chỉ còn lay lắt chừng hơn trăm nhân viên nòng cốt.

image
Các khu đô thị lớn bỏ hoang không ai đến ở

Dấu ấn của sự dịch chuyển ngành nghề hiện rõ tại những thành phố vốn được xây dựng cho lao động nhập cư. Các khu đô thị lớn đã trở thành "những thành phố ma", bị bỏ hoang do dự đoán về làn sóng nông dân tràn đến từ các vùng nông thôn đã không bao giờ trở thành hiện thực. Nhiều nhà phát triển các khu đô thị đã bị phá sản.

Một nghiên cứu do hãng Baidu khổng lồ của Trung Cộng thực hiện xác định được 50 khu vực rộng lớn trên toàn quốc nơi các khu nhà ở được xây mới hầu như bị bỏ hoang, trông như những vùng đất chết.

image

Trong số các thành phố mà Baidu nhận diện có Kangbashi, một khu quận mới thuộc thành phố Ordos, được xây dựng hồi năm 2006 nhằm phục vụ ngành công nghiệp than khi đó đang bắt đầu phát triển tốt đẹp. Kangbashi có thể phục vụ được 300 ngàn người, nhưng chỉ có chừng 10% các khu nhà được sử dụng.

Những nơi khác có thể kể đến gồm thành phố Tô Châu, đô thị Erdo thuộc huyện Đông Thắng và đô thị Thông Liêu ở huyện Khoa Nhĩ Thấm. Toàn bộ các khu nhà tập thể, các trung tâm mua sắm, các plaza và công viên đều trống không, chờ người dọn đến ở.

image
Tại các thành phố ma ở Trung Quốc, các khu căn hộ, khu mua sắm, plaza và công viên đều bỏ không

Nhiếp ảnh gia Kai Caemmerer đã ghi lại hình ảnh một số thành phố không người ở tại Trung Cộng trong thời gian hai năm qua. Ông cho rằng điều khiến những nơi này trở nên kỳ quặc chính là tốc độ chúng được xây dựng nên.

"Nhiều thành phố như thế được xây với quy mô có lẽ là rất xa lạ đối với những cách thức đô thị hóa được áp dụng ở Phương Tây," ông nói.

Nhưng ông cho rằng việc gọi đó là các "thành phố ma" là không chính xác. "Với tôi, từ này nhằm để nói rằng đó là những nơi từng rất đông vui tấp nập nhưng rồi bị bỏ hoang. Nhưng tôi không nhận thấy quá trình đó tại các thành phố mới mà tôi đã từng tới ở Trung Quốc," ông nói.

image
Chính phủ Trung Cộng có kế hoạch tới năm 2020 sẽ chuyển 100 triệu người từ các vùng nông thôn tới sống ở các thành phố mới

Thay vào đó, một số trong những nơi này đã được xây dựng nhằm đón đầu nhu cầu, nhưng nhu cầu đó lại không xuất hiện. Các tòa nhà đã xây xong, nhưng không có người vào ở trong suốt 15 năm. "Tôi coi chúng là những thành phố chưa ra đời," Caemmerer nói.

Trên thực tế, việc tái định cư quy mô lớn có thể sẽ sớm diễn ra. Chính phủ Trung Cộng nói dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa 100 triệu người từ các vùng nông thôn ra thành thị. Chương trình điều phối di dân này có thể giúp lấp đầy chỗ trống cho ít nhất cũng được một số thành phố hoang.

image

Chẳng hạn như Ordos đã tìm cách lấp đầy các tòa nhà vắng tanh của mình bằng việc áp dụng "giấy chứng nhận đổi nhà", được trao cho những người có bất động sản ở các nơi khác tại Trung Cộng nhưng bị giới chức trưng thu. Những người được cấp giấy này có thể dùng nó để đổi được một căn nhà tại Kangbashi.

Chính phủ Trung Cộng cũng đang đưa ra tới 100 tỷ nhân dân tệ (11,5 tỷ bảng Anh) giúp các hãng khai mỏ và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tái đào tạo và dịch chuyển nhân viên tới các địa điểm làm việc khác.

Hiện có những dấu hiệu cho thấy các chính sách trên có tác dụng. Dữ liệu mà Baidu thu được cũng cho thấy một thành phố ma khác, Trịnh Đông, một khu quận mới rộng lớn được xây dựng trên diện tích 150 cây số vuông tại thành phố Trịnh Châu, nay đang có người tới ở kín.



Richard Gray

Phần nhận xét hiển thị trên trang