Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc


Nếu có một thứ mà giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự vượt trội thì đó chính là việc sử dụng công cụ kinh tế để gia tăng lợi ích địa chính trị của đất nước mình. Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đang hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường là bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dĩ nhiên là không xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang hỗ trợ thường không nhằm hướng đến hỗ trợ nền kinh tế địa phương, mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của mình đến làm việc, dẫn tới thu hẹp lượng công ăn việc làm được tạo ra cho người bản địa.

Một số các dự án đã hoàn thành hiện vẫn đang thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn như sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka, vốn mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, hiện được mệnh danh là sân bay vắng khách nhất thế giới. Tương tự, Cảng Magampura Mahinda Rajapaska tại Hambantota vẫn rất vắng vẻ, giống như cảng Gwadar của Pakistan với chi phí đầu tư nhiều tỷ USD. Nhưng với Trung Quốc, các dự án này đang hoạt động đúng như mục tiêu xây dựng: Các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần neo đậu ở các cảng của Srilanka, và gần đây hai tàu chiến của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động giúp đảm bảo an ninh cho cảng Gwadar.

Theo một nghĩa nào đó, việc các dự án đó hoạt động kém lại tốt hơn cho Trung Quốc. Rốt cuộc, gánh nặng nợ nần đè lên vai các nước nhỏ càng lớn thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng tăng. Trung Quốc hiện đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc theo đuổi một cách hung hăng các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.

Hơn nữa, một số nước ngập trong các món nợ từ Trung Quốc đang bị ép phải bán cổ phần trong các dự án do Trung Quốc hỗ trợ tài chính hoặc trao quyền quản lý chúng cho các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Ở các quốc gia có rủi ro về tài chính, Trung Quốc hiện đang yêu cầu được sở hữu cổ phần đa số ngay từ đầu. Chẳng hạn, vào tháng 1/2017, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Nepal nhằm xây dựng một con đập khác phần lớn do Trung Quốc sở hữu ở đây, trong đó Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc do nhà nước sở hữu nắm 75% cổ phần.

Như thể chừng đó là chưa đủ, Trung Quốc hiện đang đi thêm các bước để đảm bảo các nước này sẽ không thể thoát khỏi các món nợ của mình. Để đổi lấy việc điều chỉnh thời hạn trả nợ, Trung Quốc yêu cầu các nước giao cho mình hợp đồng xây dựng các dự án bổ sung, qua đó biến khủng hoảng nợ của họ kéo dài mãi. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Campuchia, chỉ nhằm giành thêm các hợp đồng lớn mới.

Một số nền kinh tế đang phát triển đang rất hối tiếc về quyết định nhận các khoản vay của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã bùng phát do tình trạng thất nghiệp tràn lan, được cho là do việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc, giết chết ngành sản xuất trong nước. Các cuộc biểu tình càng trở nên trầm trọng hơn do việc Trung Quốc đưa lao động Trung Quốc đến làm việc tại các dự án của mình.

Các chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã đề nghị điều tra các nghi án hối lộ của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Tháng trước, quyền Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, Zhao Lijian, đã tham gia một vụ tranh cãi trên Twitter với các nhà báo Pakistan về các cáo buộc tham nhũng ở các dự án và việc sử dụng phạm nhân Trung Quốc làm công nhân ở Pakistan (không phải là điều gì mới ở Trung Quốc). Zhao gọi các cáo buộc đó là “vớ vẩn”.

Nhìn lại, chiêu bài của Trung Quốc dường như khá rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc là có thể hiểu được. Không được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm, họ không tìm được nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thế nên khi Trung Quốc xuất hiện, hứa hẹn các khoản đầu tư rộng lượng với tín dụng dễ dàng, tất cả họ đều nhận lời. Chỉ sau này thì mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn rằng mục đích thực sự của Trung Quốc chính là thâm nhập thương mại và gây ảnh hưởng chiến lược, nhưng khi đó thì mọi chuyện đã quá trễ, và các nước này bị dính vào một vòng luẩn quẩn với các món nợ từ Trung Quốc.

Sri Lanka là một trường hợp điển hình nhất. Mặc dù là một nước nhỏ, Sri Lanka lại nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng miền Đông của Trung Quốc và Địa Trung Hải. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Sri Lanka là một nhân tố sống còn trong việc hoàn thành Con đường Tơ lụa trên Biển.

Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào Sri Lanka trong suốt 9 năm cai trị gần như độc tài của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Quốc đã bảo vệ cho Rajapaksa tại Liên Hiệp Quốc khỏi các cáo buộc về tội phạm chiến tranh. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là chủ nợ hàng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai, qua đó có được ảnh hưởng ngoại giao lớn.

Đó là một hành trình thuận lợi cho Trung Quốc cho đến khi Rajapaksa bất ngờ bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Đúng như lời hứa, ông đã đình chỉ các dự án lớn của Trung Quốc.

Nhưng mọi chuyện đã quá trễ. Chính phủ Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thế nên, như một tờ báo quốc doanh của Trung Quốc đã nói, Sri Lanka không còn cách nào khác phải “quay lại và ôm lấy Trung Quốc lần nữa”. Sirisena, vốn cần thêm thời gian để trả các khoản nợ cũ cũng như cần thêm các khoản tín dụng mới, đã chấp thuận hàng loạt các yêu cầu của Trung Quốc, tái khởi động các dự án đã bị đình chỉ, như dự án Thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỷ USD, và trao cho Trung Quốc các dự án mới.

Gần đây, Sirisena cũng đồng ý bán 80% cổ phần ở cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá khoảng 1,1 tỷ USD. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần tại các dự án khác cũng đang được thảo luận, nhằm giúp Sri Lanka “giải quyết các vấn đề tài chính của mình”. Hiện tại, Rajapaksa đang cáo buộc Sirisena đã trao cho Trung Quốc các nhượng bộ quá đáng.

Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại, Trung Quốc đang thúc đẩy mục tiêu tạo nên các liên kết của một phạm vi bá quyền về thương mại, viễn thông, giao thông và an ninh. Nếu các nước vì vậy mà ngập đầu trong các món nợ thì các vấn đề tài chính của họ chỉ càng hỗ trợ thêm cho mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước hiện vẫn chưa rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý và làm bất cứ điều gì có thể để tránh rơi vào vòng xoáy đó.

Brahma Chellaney, giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

Copyright: Project Syndicate 2017 – China’s Debt Trap Diplomacy

 http://nghiencuuquocte.org/2017/03/09/chien-luoc-ngoai-giao-bay-no-cua-trung-quoc/#sthash.JreDLAXA.dpuf


Nguồn: Brahma Chellaney, “China’s Debt Trap Diplomacy”, Project Syndicate, 23/01/2017.

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÀI LIỆU MẬT CỦA CIA QUANH HẢI CHIẾN GẠC MA



Về “tài liệu mật của CIA”
trong biến cố Gạc ma 14-3-1988




FB Trương Nhân Tuấn
15-3-2017

Trên VOA có bài báo giật tít lớn: “CIA: Việt Nam nổ súng trước trong trận Gạc Ma”. Ý kiến của một số chuyên gia “gạo cội” cũng được VOA “chèn” vào bài báo này.

Đây là một “bài báo” thuần túy “thông tin” hay là một bài “nghiên cứu” với những “bằng chứng” đính kèm?


Bài báo có đính kèm hình ảnh “báo cáo của CIA”, cũng như dẫn ý kiến của các chuyên gia. Vì vậy bài báo thiên về “nghiên cứu chuyên môn” hơn là một bài báo thông thường.

Vấn đề là các “báo cáo” của CIA về chiến tranh VN (với TQ), cho thấy không hẵn lúc nào cũng “trung thực”, luôn luôn đúng.

Cuộc chiến biên giới tháng hai năm 1979, hai bên VN và TQ đối đầu trong vòng một tháng, chiến trường là các tỉnh của VN cận biên giới. Trung tuần tháng ba 1979, Đặng Tiểu Bình đơn phương tuyên bố rút quân về. Lý do mục tiêu “dạy VN một bài học” đã đạt được. Nhưng cuộc chiến không vì vậy mà kết thúc.

Một cuộc chiến biên giới khác, cũng đẫm máu không kém, kéo dài từ năm 1984 cho tới 1989, địa bàn là khu vực biên giới thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà giang. Phía VN gọi đây là “chiến trường Vị Xuyên”. Còn TQ thì gọi đây là cuộc chiến “phản công tự vệ” nhằm lấy lại khoảng 50 cây số vuông lãnh thổ đã bị VN chiếm đóng. Cuộc chiến “biên giới nối dài” này ít được giới quan sát quốc tế chú ý đến.

Biến cố Gạc ma tháng 3 năm 1988 nằm trong bối cảnh cuộc chiến biên giới nối dài, từ năm 1984 đến năm 1989, trên chiến trường Vị Xuyên.

Một tài liệu của CIA về “cuộc chiến biên giới nối dài” giữa VN và TQ giải mật vài năm gần đây cho thấy nguyên nhân nối dài cuộc chiến là do VN lấn chiếm TQ khoảng 60 km² đất.

Sau nhiều năm dò dẫm tìm tòi, với những bằng chứng lấy từ Văn khố Hải ngoại Pháp (CAOM – Centre des Archives d’Outres Mer, tại Aix-En-Provence), tôi có kết luận rằng báo cáo của CIA (về việc VN lấn 60km² đất của TQ) là không đúng. Xem bài viết tại đây: Giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên.

Nguyên nhân không đúng là do sự “lầm lẫn”, hay thiếu sót, (của các tác giả) khi tham khảo đường biên giới “qui ước” giữa VN và TQ, được Pháp và nhà Thanh ký kết vào các năm 1887 và 1895.

TQ cũng không đạt được mục tiêu trong cuộc chiến “biên giới nối dài”. Bởi vì VN vẫn giữ được đường biên giới qui ước “là đường phân thủy” (tức đường sống núi), phía bắc sông Thanh Thủy vài cây số. (Thay vì sông Thanh Thủy như đòi hỏi của TQ).

Dầu vậy TQ cũng chiếm được của VN một số cao điểm, như núiLão SơnGiải Âm Sơn…. (xem thêm Giải mã chiến trường Vị Xuyên). Nhưng rõ ràng mục đích của TQ trong cuộc chiến “phản công tự vệ” là thất bại.

TQ thua cả hai mặt, về lý lẽ và áp đặt quân sự. Về lý lẽ, VN có bằng chứng về đường biên giới qui ước còn hiệu lực pháp lý. Về áp lực quân sự, TQ không thắng được quân lính của VN.

Vì vậy Đặng Tiểu Bình, lý do phải giữ thể diện, nên mở cuộc chiến “phản công tự vệ” ra mặt biển, khu vực các bãi cạn chưa có ai chiếm đóng ở Trường Sa.

Trong cuộc xâm lăng Hoàng Sa tháng giêng 1974, phía TQ cũng vịn vào lý do “phản công tự vệ”, “giải phóng phần lãnh thổ đang bị địch chiếm đóng trở về đất mẹ”.

Vụ chiếm các bãi cạn ở Trường Sa TQ cũng gặp khó khăn trên danh nghĩa. Bởi vì Pháp tuyên bố chủ quyền các “cụm đảo” ở TS, (sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa của VN). Tức gồm đảo chính và các đảo nhỏ, bãi cạn… phụ thuộc ở chung quanh.

TQ cho xuồng cặp vào chiếm các bãi Gạc ma, Cô lin… là hành vi xâm lăng. Vì các bãi này phụ thuộc đảo chính là đảo Sinh Tồn (VN có chủ quyền và do VN kiểm soát).

Tài liệu “mật” của CIA mà VOA dẫn ra, nói rằng phía VN nổ súng trước.

Nếu xem các video clip do phía TQ đưa ra, ta thấy lính công binh của VN không vũ khí, đang đứng vòng quanh Gạc ma, làm “bia đỡ đạn” cho đại liên trên tàu chiến TQ.

Nếu ta xem “hồi ký” của Lê Đức Anh, thì chủ trương “không được bắn trả” đã được áp dụng đồng thời trên chiến trường biên giới.

Nếu ta nghe ý kiến của những nhân chứng, như tướng Lê Mã Lương, lệnh “không nổ súng” đến từ Lê Đức Anh.

Bấy nhiêu “bằng chứng”, nhứt là các video clip do TQ công bố, dầu thiên vị cách mấy ta cũng không thể nói rằng phía VN “nổ súng trước”.

Tài liệu “mật” của CIA vì vậy, trong hai trường hợp, là “có vấn đề”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách Mỹ có thể giành quyền kiểm soát ở Biển Đông


Posted on 16/03/2017 by The Observer
Nguồn: Alexander L. Vuving, “How America Can Take Control in the South China Sea”, Foreign Policy, 13/02/2017.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Rex Tillerson, tân Ngoại trưởng Mỹ kiêm cựu Tổng giám đốc ExxonMobil, có thể không gây sóng toàn cầu bằng của sếp ông, Tổng thống Donald Trump. Nhưng trong phiên điều trần phê chuẩn vị trí của ông ở Thượng viện vào ngày 11/01/2017, ông đã gây chấn động cộng đồng theo dõi Trung Quốc khi hứa rằng: “Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước tiên, việc bồi đắp đảo phải ngừng lại, và thứ hai, họ không được tiếp cận các hòn đảo này”.
Những phát ngôn này ngay lập tức tạo nên một sự đồng thuận toàn cầu bao gồm những nhân vật diều hâu ở Trung Quốc đến những người ủng hộ giải pháp hòa bình ở phương Tây. Một bài xã luận trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu, một tờ báo quan trọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, cảnh báo rằng: “Trừ khi Washington lên kế hoạch cho một cuộc chiến quy mô lớn ở Biển Đông, thì bất kỳ cách tiếp cận nào khác nhằm cản trở Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo này sẽ là điều ngu xuẩn.”
Cựu thủ tướng Úc Paul Keating cũng phản ứng một cách giận dữ, nói rằng: “Khi Ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ đe dọa sẽ lôi Úc vào một cuộc chiến với Trung Quốc, người dân Úc cần phải chú ý. Đó là cách duy nhất để diễn giải phát biểu của Rex Tillerson rằng một ‘tín hiệu’ phải được gửi đến Trung Quốc là ‘việc tiếp cận những hòn đảo đó sẽ không được cho phép’ và rằng các đồng minh của Mỹ nên có mặt ‘để hỗ trợ’ Hoa Kỳ.” Từ Bắc Kinh đến Sydney, một sự nhất trí đã được xác định – rằng quan điểm của Tillerson không có cơ sở về luật quốc tế, là tương đương với một hành động chiến tranh, và không có lý trên phương diện chiến lược. Nói ngắn gọn hơn, những người phản đối lập luận rằng, góc nhìn mà tân Ngoại trưởng Mỹ đề xuất không có cơ sở luật pháp, nguy hiểm về mặt chính trị, và vô ích trên thực tế.
Sự đồng thuận này dựa trên niềm tin rằng Trung Quốc sẵn sàng và có thể tiến hành chiến tranh chống lại những khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng điều này đã diễn giải sai đề nghị của Tillerson và không hiểu được thực tế phức tạp ở Biển Đông. Một cuộc phong tỏa bằng hải quân không phải là cách duy nhất đề đạt được những mục tiêu của Tillerson, và Trung Quốc có quyền lợi lớn trong việc tránh chiến tranh với Mỹ ở khu vực.
Để thấy được điều này, chúng ta phải sử dụng góc nhìn “năng lực tổng hợp” mà không phải hoàn toàn tập trung vào Mỹ. Từ góc nhìn này, đề xuất của Tillerson sẽ không tập trung vào một cuộc phong tỏa quân sự như các nhà bình luận nghĩ. Ngược lại, Mỹ và các đối tác có khả năng sử dụng một loạt những hành động bao gồm đàm phán ngoại giao và trừng phạt kinh tế cùng những ràng buộc hành động có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn cản việc xây dựng thêm và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo đó.
Một trong những hành động như vậy là những trừng phạt có chọn lọc mục tiêu nhắm đến những cá nhân và công ty đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hay là tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dự luật được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio vào tháng 12 năm 2016 là điển hình của hướng đi này. Nó sẽ bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với những cá nhân và tổ chức đã “tham gia các dự án xây dựng và phát triển” trong những khu vực tranh chấp và những ai đã “đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nó cũng sẽ cấm những hành động hàm ý rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp trong những vùng biển này và làm hạn chế hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho những quốc gia công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực. Những biện pháp trừng phạt chính này có thể được bổ sung bởi những lệnh trừng phạt phụ chống lại những ai làm ăn với những đối tượng vi phạm. Dự luật của Rubio có thể được hoặc sẽ không được thông qua, nhưng trừng phạt có mục tiêu vẫn là một công cụ quan trọng nhằm thay đổi gián tiếp hành vi của Trung Quốc.
Một biện pháp trực tiếp hơn là việc Mỹ và đồng minh mượn cách Trung Quốc sử dụng chiến thuật “cải bắp” nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo ở Biển Đông. Chiến thuật cải bắp là cách bao bọc những hòn đảo tranh chấp trong nhiều lớp bảo vệ quân sự và bán quân sự của Trung Quốc. Như cải bắp của Trung Quốc, cải bắp chống Trung Quốc cũng sẽ có ba lớp, vây quanh những hòn đảo mục tiêu bằng tàu dân sự ở lớp phía trong, các tàu hành pháp ở lớp ngoài, và tất cả đều được bảo vệ từ xa bởi tàu chiến ở lớp ngoài cùng.
Liên quân chống Trung Quốc không thể sánh được bằng Trung Quốc trong việc sử dụng dân quân biển trong những chiến dịch như vậy, nhưng họ có thể mời các tình nguyện viên dân sự tham gia vào hàng phòng ngự đầu tiên. Liên minh không cần bắn hạ máy bay hay là đặt ngư lôi phong tỏa cảng của Trung Quốc, mà họ có thể sử dụng phương tiện không người lái, gồm những phương tiện trên không và dưới mặt nước, được gửi đi từ những tàu dân sự và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn chặn việc tiếp cận các đường băng và cảng biển trên các đảo nhân tạo.
Trái ngược với những gì mọi người thường nghĩ, những hành động này có thể hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế. Nếu Trung Quốc không công nhận quyền tự do hàng hải của đất nước nào, thì đất nước đó có quyền đáp lại bằng cách hạn chế quyền tự do đi lại của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào tháng 7 năm ngoái, vốn đã trở thành một phần quan trọng của luật quốc tế mặc cho sự phản đối của Trung Quốc, đưa ra phán quyết rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, việc chiếm đóng Đá Vành Khăn, từ chối không cho Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và việc quấy nhiễu tàu thuyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đều là bất hợp pháp.
Nhưng tòa án không có công cụ để thực thi phán quyết, và vì thế phán quyết này dựa vào việc các thành viên của cộng đồng quốc tế hành động đại diện quyền lợi chung và nhằm thúc đẩy Trung Quốc tuân theo những nghĩa vụ của họ. May mắn là luật quốc tế cho phép các nước chống lại những hành động sai trái. Như James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, đã lập luận, việc thách thức quyền của Trung Quốc trong việc tiếp cận các đảo nhân tạo phù hợp với luật quốc tế. Dù gì thì cũng công bằng khi gây cho Trung Quốc những điều mà Trung Quốc đã gây ra cho những nước khác.
Nhiều người lo lắng rằng mặc cho sự hợp pháp của biện pháp này, việc ngăn cản Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo bị chiếm đóng sẽ đồng nghĩa với một hành vi gây chiến và gây nên rủi ro xung đột vũ trang. Nhưng nỗi lo này bị thổi phồng quá mức. Khi Trung Quốc ngăn cản việc tiếp cận bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây, không ai gọi nó là một hành vi chiến tranh và xung đột vũ trang không nổ ra. Bằng việc mượn cách Trung Quốc làm, chiến thuật “cải bắp” nhằm ngăn quyền tiếp cận sẽ vô hiệu hóa lý do gây chiến của Trung Quốc và làm cho Bắc Kinh e ngại trong việc tham chiến.
Mặc dù vậy, vẫn có những lo lắng rằng sức ép của dư luận mang nặng màu sắc chủ nghĩa dân tộc và trong một nỗ lực nhằm bảo toàn hình ảnh quốc gia và tính chính danh của chính quyền, lãnh đạo Trung Quốc có thể leo thang mức độ xung đột và tham chiến chống Mỹ. Nhưng như bà Jessica Weiss, một chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, phân tích trong bài nghiên cứu về những cuộc biểu tình mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, dư luận dân tộc chủ nghĩa chủ yếu đóng vai trò là một công cụ trong tay nhà nước nhằm thể hiện ý chí, hơn là một động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh. Một phân tích gần đây hơn của Alastair Iain Johnson, giáo sư chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Harvard, cũng đi đến một kết luận tương tự, cho thấy một sự suy giảm tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân thường Trung Quốc kể từ năm 2009.
Là bên yếu hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào giao thông trên Biển Đông, Trung Quốc thực ra có nhiều quyền lợi hơn nhiều trong việc tránh xung đột ở trong khu vực hơn so với Mỹ. Thực sự, việc tránh xung đột quy mô lớn là một trong những điều quan trọng nhất trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong những năm gần đây bởi vì thiếu sự răn đe của Mỹ ở những vùng xám phân cách chiến tranh và hòa bình. Việc Bắc Kinh chuyên sử dụng những hoạt động nằm trong vùng xám cũng là minh chứng cho sự hữu dụng của những biện pháp răn đe hạt nhân và răn đe thông thường. Cách thức để tránh chiến tranh với Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải tuân theo luật quốc tế nằm ở cách tiếp cận song song hai hướng, bao gồm việc kết hợp khéo léo sức mạnh của những cây gậy với sức mạnh của các củ cà rốt, đồng thời vô hiệu hóa những điểm yếu của chúng.
Khi nghĩ đến các xung đột liên quan đến những hòn đảo này, chúng ta không thể chỉ tưởng tượng rằng Trung Quốc và Mỹ là những phe duy nhất có liên quan, một loạt những hành động và nhân tố khác cũng hiện diện, bao gồm trừng phạt, đàm phán, các nước trong khu vực, và xã hội dân sự quốc tế. Tình huống tốt nhất, tuy rằng tính khả thi của nó không cao trong tình hình ngoại giao hiện tại, là việc kết hợp tất cả những hành động nêu trên, vì nó sẽ có khả năng cao trong việc thuyết phục Trung Quốc tuân theo luật quốc tế, đặc biệt nếu nó được thực hiện thông qua một nỗ lực có phối hợp giữa Mỹ, các nước lớn khác như Nhật và Ấn Độ, và những nước trong khu vực như Philippines và Việt Nam.
Bình luận về những phát ngôn của Tillerson, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng: “Nếu Mỹ muốn làm như vậy, họ có lực lượng để làm như thế, vậy để họ làm đi.” Một cách tiếp cận “cải bắp” nhầm ngăn sự tiếp cận của Trung Quốc đến bãi cạn Scarborough hay bãi Vành Khăn sẽ hợp pháp và hiệu quả hơn nếu nó bao gồm cả lực lượng tuần duyên Philippines và những tình nguyện viên là dân thường đến từ Philippines và những nước khác. Những quốc gia Đông Nam Á thường phòng bị nước đôi giữa Trung Quốc và Mỹ và thường nghiêng về phe nào mạnh hơn và có quan tâm đến họ hơn. Nếu chính phủ Trump tăng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, cam kết bảo vệ Philippines ở mức độ tương tự như với Nhật và Hàn Quốc, và dừng việc chỉ trích chính sách đối nội của Manila, Mỹ có thể xoay chuyển được vị tổng thống có đầu óc thực dụng Rodrigo Duterte quay sang ủng hộ Mỹ.
Những trừng phạt có lựa chọn mục tiêu chống lại những công dân và công ty Trung Quốc có liên quan đến những dự án ở Biển Đông sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng được hỗ trợ không chỉ bởi Mỹ mà còn bởi những nền kinh tế khác và các quốc gia khác. Với thành phần quốc doanh lớn, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi những biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Những dự án xây dựng và phát triển ở Biển Đông đã được nhiều công ty quốc doanh tham gia, và những công ty này cũng mong muốn được làm ăn ở nước ngoài. Nếu những lệnh trừng phạt được thiết kế một cách khôn ngoan, nó sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến những công ty như là CNOOC, công ty đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014; hãng hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines, những hãng có đường bay đến các hòn đảo nhân tạo; China Mobile, China Telecom, và China United Telecom, những công ty vận hành hệ thống viễn thông trên những hòn đảo tranh chấp, và Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc, công ty đã nạo vét cát để xây các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, qua đó tạo nên một động lực lớn từ bên trong Trung Quốc nhằm khuyến khích họ từ bỏ những yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ra tín hiệu sẵn sàng ngăn cản việc xây dựng đảo và hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo giả này là phản ứng hợp lý nhất nếu Mỹ thực sự muốn khôi phục khả năng răn đe ở Biển Đông. Một phần của thất bại trong việc hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc xuất phát từ sự nhầm tưởng về một cuộc chiến sắp xảy đến chống lại Trung Quốc, điều làm cho việc sử dụng những biện pháp răn đe hữu lý trở nên bất khả thi. Điều này tạo nên một sự tự hạn chế không những không cần thiết mà còn là sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược.
Alexander L. Vuving là giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye châu Á – Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh. Quan điểm trong bài thể hiện ý kiến riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của chính phủ và các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ.

Có Thể Bạn Quan Tâm:
#23 – Biển Đông: Dầu mỏ, những yêu sách trên biển, và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung
#24 – Yếu tố địa lý của quyền lực Trung Quốc
Thách thức đại chiến lược Trung Quốc: Xây đảo trên Biển Đông
Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc đang dần đổ vỡ
Triển vọng chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình
Cuộc gặp Obama-Tập và tác động tới tình hình Biển Đông
#31 – Tại sao chiến tranh vẫn có thể xảy ra ở Châu Á?
Việt Nam theo đuổi liên minh đối phó Trung Quốc: Tại sao và nên như thế nào?
Trung Quốc: Chiến lược trở thành cường quốc biển
Tại sao Việt Nam triển khai bệ phóng rocket ở Trường Sa?
- See more at:
Nguồn: Alexander L. Vuving, “How America Can Take Control in the South China Sea”, Foreign Policy, 13/02/2017. Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập:…
NGHIENCUUQUOCTE.ORG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THIÊN ĐƯỜNG ?


Hồ Bá Thược

Một đoạn đường không mấy xa xôi
Một công viên – một thiên đường mới mọc.
Sau tiếng cười biết đâu còn tiếng khóc
Đất ruộng ngàn năm xóa sạch rồi.
Sau lễ hội hoa đăng, không còn hoa đăng,
Thiên đường về đêm nhớ ngày chói sáng
Lồng đèn phơi sương nhạt nhòa bên lối
Vương vãi chân ai khi lễ hội qua rồi.
Vườn thú khủng long, một lũ con côi
Mấy triệu năm hành trình chạy trốn
Không nơi sinh ra, không nhớ về nguồn cội
Sống ngáo ngơ như thân xác không hồn.
Thế giới vườn đâu phải trẻ con chơi
(dành cho ai lắm tiền, nhiều của)
Trẻ em nghèo ngẩn ngơ buồn bên lối
Chỉ lén nhìn khi mẹ dắt đi qua.
Nhạc nước lung linh khoe sắc, chuyển màu
Sẽ hết thiêng khi trời vừa mới rạng
Sàn diễn hắt hiu đèn không chói sáng
Bbieets về đâu khi son phấn phai tàn.
La Hán ngồi đây thao thức canh thâu
Nghĩ suy gì với bao điều không thật
Cuộc đấu này ai còn ai mất
Tiền bạc trong tay, quyền lực sang giàu.
Phố cổ đây chỉ là một bức tranh
Làm đau một con người thiên cổ
Vài mái nhấp nhô cũng là thành phố
Khát vinh hoa, đâu cũng muốn Hà Thành.
Biệt thự phân lô trong mảng màu xanh
Dành cho ai khi giàu nghèo tách bạch?
Cuộc sống bây giờ, đâu còn đói rách
Nhưng còn lâu mới đến phận dân lành.
Tôi với em đi dưới vầng trăng khuyết
Đôi vai gầy đã thấm ướt đầy sương
Chợt nhận ra chẳng thiên đường nào hết
Bờ vai em mới là một Thiên Đường…

HỒ BÁ THƯỢC/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng cào thêm vết thương dân tộc


Kiều Mai Sơn
1/ Đất nước thống nhất còn hơn tháng nữa là vừa đủ 42 năm. Cứ tưởng "nước non liền một dải" thì sẽ "vẹn tròn như chiếc nón bài thơ" như lời ca từ của nhà văn Sơn Tùng được nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ nhạc... Nào ngờ...
Một ngày lạ thói, bỗng có quyết định dừng biểu diễn 5 ca khúc. Và trong số đó có Con đường xưa em đi. Chợt nhớ câu cửa miệng vỉa hè vẫn giễu nhau: Đi đầu không biết đi đâu? Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi. Thì đi xếp hàng. Xếp hàng cả ngày!
Lý do, giải thích, vì sao và vì sao cứ vòng vèo, úp mở. Tôi xin nói thẳng, quý vị cứ mở tờ Hồn Việt, số 112, tháng 3/2017, trang 16 và 17 có bài của tác giả Đặng Khả Minh viết: "Ly rượu mừng" hay "ly rượu đắng"? Tác giả cho biết, người lính trong bài hát Ly rượu mừng không phải là lính chống Pháp, mà là lính của Quân đội Quốc gia (chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại) cầm súng chống lại người lính Cụ Hồ (quân đội Việt Nam dân chủ cộng hoà).
Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được đăng trên số Tết báo Đời Mới năm 1953. Chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo này là ông Trần Văn Ân - Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền Chính phủ Quốc gia (1947) thời Quốc trưởng Bảo Đại; Tổng trưởng Bộ Chiêu hồi (1965)....
2/ Ca khúc có đời sống vượt khỏi khung cảnh lịch sử. Bởi vì nghệ thuật là bất tử. Nếu không bới chuyện cũ làm án mới thì sẽ không ai biết người lính đó là người lính nào. Từ hình ảnh người lính Vệ binh cộng hoà hay Quân đội quốc gia cụ thể, qua thời gian, nó sẽ mang tính ước lệ, chỉ còn là người lính thôi.
Đọc bài viết mà tôi bỗng nổi da gà nhớ lại năm nào nhà thơ Yên Thao viết: anh bạn pháo binh ơi, anh bắn cho trúng nhé, kẻo nhầm vào nhà tôi. Thế là Đại tướng - Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh phê là mất lập trường, là ba que xỏ lá, dám bảo pháo binh quân đội nhân dân Việt Nam - binh chủng chân đồng vai sắt, ngắm giỏi bắn trúng lại... bắn nhầm. Tàn phế một đời thơ.
Cái lối phê bình chụp mũ ấy hơn nửa thế kỷ sau đội mồ sống dậy để quy chụp một bài hát đã đi vào đời sống như một lẽ thường tình!
3/ Ở đây, trách mấy cây bút phê bình đào mồ cuốc mả một thì tôi nghĩ rằng trách người làm quản lý văn hoá mười. Làm gì mà vội vã run rẩy trước mấy câu châm chọc của các bậc cố lão thủ cựu ấy? Liệu những bài hát ấy có gây được nguy hiểm gì cho xã hội hôm nay không nếu như những người làm quản lý cứ để mặc cho nó muốn làm người lính nào thì làm và muốn đi đâu thì đi?
Còn việc vài vị Hội đồng giám khảo có trót chém gió quen mồm mà tán nhầm rằng đã được giải oan abc, thì cũng chỉ cần có bài viết vạch ra, chỉ đích danh tên vị chuyên gia đó, công chúng cũng biết thêm hoàn cảnh ra đời của bài hát là như thế. Vừa đủ. Không cần phải cấm đoán hay lụi hụi ngồi lọc lại xem còn bao nhiêu bài để gom lại dán bùa niêm phong.
Thời đại toàn cầu hoá, thế giới phẳng rồi. Mấy chục năm trước cấm nghe đài địch mà còn chả cấm nổi nữa là.
Vết thương phân li tình cảm sắp nửa thế kỷ rồi. Đảng và Nhà nước vẫn hô hào: Hoà hợp dân tộc. Khẩu hiệu chăng khắp nơi. Cửa miệng ai cũng nói câu này. Thế mà việc làm thì cứ cào xước vết thương cho thêm đau tấy, không thể mọc được da non...
Hãy mở rộng vòng tay trong thư thế Bên thắng cuộc; đừng hẹp hòi như lòng cái đĩa, rồi lụi hụi khua gậy đi bới lông tìm vết các nhà quản lý văn hoá ơi.
Tôi mong rằng các vị sẽ sáng suốt hơn, đừng ôm thêm các ống bương đựng châu chấu của Trạng Quỳnh nữa. Còn muốn biết điển tích ống bương châu chấu của Trạng Quỳnh thơm lừng thế nào, xin cứ lấy sách Trạng Quỳnh ra mà đọc./.
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Nguồn: FB Son Kieu Mai

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trường Sa 1988: Lính TQ thú nhận được lệnh "giết sạch" bộ đội VN


Hải Võ | 

Trường Sa 1988: Lính TQ thú nhận được lệnh "giết sạch" bộ đội VN
Những bức ảnh này được đăng trên Hoàn Cầu thời báo và một số báo Trung Quốc, cho thấy lính và vũ khí Trung Quốc đã được triển khai đến Trường Sa năm 1988 để thực hiện việc cưỡng chiếm trái phép đảo của Việt Nam.

Nói về Hải chiến Trường Sa 1988, các tướng lĩnh TQ đã cố đổi trắng thay đen. Tuy nhiên, lời kể của họ đã làm lộ ra một sự thật: Họ có dã tâm và quyết thực hiện đến cùng dã tâm đó.

Năm 1988, Trung Quốc cố ý gây hấn từ trước
Ngày 14/3 năm nay đánh dấu 27 năm cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam ở Trường Sa (1988).
Trên thực tế, những căng thẳng ở khu vực quần đảo Trường Sa đã diễn ra từ trước khi Trung Quốc có hành động ngang ngược xâm chiếm một số đảo, đá của Việt Nam.
Theo một bài báo đăng trên Chinanews (Trung Quốc), Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải nước này hồi năm 1988 là Lý Thụ Văn đã vu khống "Quân đội Việt Nam liên tục mở rộng hoạt động cướp đảo, đá ở quần đảo Trường Sa.
Trước động thái ngăn cản Trung Quốc lập trạm ở Trường Sa của Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã chỉnh đốn lực lượng, triển khai hành động đáp trả."
Lý Thụ Văn tuyên bố rằng - "Ngày 31/1/1988, tàu vận chuyển 661 của Hải quân Việt Nam, tàu cá vũ trang 712 chở vật liệu xây dựng cùng hơn 40 công binh, từ Đá Tây tiến về Đá Chữ Thập hòng xây dựng 'nhà chân cao'".
Lý Thụ Văn đã chỉ huy biên đội tàu hộ vệ ngăn cản và huênh hoang rằng dưới "sự cảnh cáo nghiêm khắc và uy hiếp mạnh mẽ" bằng vũ lực của Trung Quốc, hải quân Việt Nam "buộc phải từ bỏ hành động quấy rối".
Lý Thụ Văn sau đó hạ lệnh tàu hộ vệ 508 cử 6 binh sĩ ngồi thuyền lên Đá Chữ Thập. 16h, binh lính Trung Quốc đã cắm cờ nước này trên Đá Chữ Thập.
"Đây là lá cờ Trung Quốc đầu tiên cắm trên quần đảo Trường Sa" - Lý Thụ Văn nói.
Con tàu mang số hiệu 929 này đóng vai trò soái hạm và hậu cần của Hạm đội Nam Hải tham gia Hải chiến Trường Sa
Con tàu mang số hiệu 929 này đóng vai trò soái hạm và hậu cần của Hạm đội Nam Hải tham gia
Hải chiến Trường Sa
Bằng hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam này, Bắc Kinh đã biến Đá Chữ Thập trở thành Trung tâm chỉ huy quân sự và Trung tâm hành chính để thực hiện cái gọi là "chủ quyền ở quần đảo Trường Sa" của nước này.
Lý Thụ Văn không phải là nhân vật duy nhất trong giới quân sự Trung Quốc huênh hoang, xuyên tạc về Hải chiến Trường Sa 1988.
Trang quân sự của Sina (Trung Quốc) đã thực hiện bài phỏng vấn Từ Hữu Pháp - Chính ủy tàu 531 - người được báo chí Trung Quốc gọi là “nhân vật chính” của sự kiện này.
Nhận lệnh cướp Đá Gạc Ma
Từ Hữu Pháp nói với Sina rằng, trước khi "ra trận", Thư ký Quân ủy Hồng Học Trí đã truyền đạt các “nguyên tắc” với Từ, bao gồm “Nhằm vào Việt Nam, chế ngự Philippines & Malaysia”.
Đồng thời, Từ được giao 2 nhiệm vụ chính – nhổ cờ và đuổi người – tức nhổ quốc kỳ mà Việt Nam cắm trên Đá Gạc Ma và đánh đuổi các chiến sĩ của chúng ta tại đây.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Từ Hữu Pháp bắt đầu hành trình khoảng 26-27 tiếng từ Trạm Giang tiến vào khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày thứ hai sau khi tàu 531 của Từ tới Trường Sa, đúng 23h34 đêm 13/3, Từ nhận được điện báo ra lệnh cho tàu 531 tiến vào “chấp hành công vụ” tại vùng biển gần Đá Gạc Ma.
“Nhận được mệnh lệnh này, tôi hiểu rằng ngày mai sẽ có giao tranh” - Từ Hữu Pháp kể lại.
Theo Từ, thời điểm tàu 531 tới “hiện trường” thì trời còn chưa sáng, nhưng sở chỉ huy báo cho Từ rằng radar phát hiện 2 mục tiêu.
“Tàu của quân đội Việt Nam có màu sắc giống hệt tàu Trung Quốc. Theo quán lệ, trước khi mặt trời mọc, các tàu đều không treo cờ, không có quân kỳ hay quốc kỳ. Nhưng khi trời vừa sáng, chúng tôi nhận ra con tàu chỉ cách 2-3km chính là tàu 502 của Hải quân Trung Quốc”.
Trong cuộc phỏng vấn với Sina, Từ Hữu Pháp cũng không quên vu khống hành động bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam là “xâm chiếm trái phép”.
Lính Trung Quốc nhận chỉ thị "giết toàn bộ, không để lại mạng nào"
Từ Hữu Pháp kể, trong 2 “mục tiêu” mà radar Trung Quốc phát hiện, có 1 chiếc là tàu 502 của họ, chiếc tàu còn lại theo Từ chính là tàu vận tải HQ604 của Việt Nam.
“Sau khi trời sáng, chúng tôi nhìn thấy rõ tàu HQ604, mặc dù tàu Việt Nam không treo cờ, trên tàu có khoảng 30 người”.
Từ cũng khăng khăng về việc “đánh chìm tàu 604” của các chiến sĩ Việt Nam.
“Tàu 531 của chúng tôi là tàu vũ trang hiện đại nhất và là tàu quân sự tốt nhất Trung Quốc vào thời điểm đó.
Trong trận chiến này, ai phát huy tác dụng lớn nhất, vũ khí nào đánh chìm (HQ604) thì tôi là người biết rõ”.
“Khi tới hiện trường, tôi nghĩ tàu chúng tôi (531) và tàu 502 có thể tạo thế gọng kìm ‘kẹp’ tàu HQ604. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một tàu khác là HQ605 ở cự ly cách chúng tôi khoảng 1.5km. Lúc này, tàu 531 ở vị trí kẹp giữa 2 tàu của quân đội Việt Nam” – Từ Hữu Pháp nói.
Đặc biệt, với mỗi tốp lính Trung Quốc chuẩn bị đổ bộ lên Đá Gạc Ma, Từ Hữu Pháp đều đưa ra chỉ thị: Một khi đã nổ súng thì phải đánh thật quyết liệt, giết chết toàn bộ, không để lại một mạng nào.”
Từ thú nhận “đó là nguyên văn những gì tôi truyền đạt cho binh lính”. Đồng thời, lính Trung Quốc khi đổ bộ còn mang theo lương khô, nước ngọt, thuốc men, chăn đệm, dây thừng… để chuẩn bị “cố thủ” sau khi đánh cướp Đá Gạc Ma.
Lính Trung Quốc chuẩn bị sẵn đạn dược trên tàu 929
Lính Trung Quốc chuẩn bị sẵn đạn dược trên tàu 929
“Lính TQ vũ trang từ đầu đến chân, đầu súng gắn lưỡi lê”
Dù truyền thông Trung Quốc không ngừng tố Việt Nam “điều động quân đội cướp đảo”, nhưng chính Từ Hữu Pháp lại “tự tay vả miệng” khi thừa nhận sự thực ngược lại.
“Tại vị trí mà Việt Nam cắm quốc kỳ có 42 lính (các chiến sĩ công binh Việt Nam) vây xung quanh. Bọn họ mặc trang phục làm việc bình thường, quần áo có phần không chỉnh tề.
Ngược lại, quân đội của chúng ta đều mặc trang phục huấn luyện, đội mũ gang, có súng tiểu liên gắn lưỡi lê. Nói cách khác, Trung Quốc có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng”.
Theo Từ, chính Trung Quốc đã có những sự chuẩn bị “kỹ càng, đầy đủ” để tiến hành đánh cướp Đá Gạc Ma của Việt Nam.
Từ Hữu Pháp cũng buông những phát ngôn xuyên tạc tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Việt Nam bảo vệ lãnh thổ trên Đá Gạc Ma.
“Binh sĩ Việt Nam trông thấy đội hình của chúng tôi thì lập tức sợ hãi. Những người đứng trước quốc kỳ Việt Nam có vẻ yếu bóng vía, bởi cự ly giữa 2 bên rất gần và chúng tôi có thể quét sạch bọn họ trong một loạt đạn.
Binh lính Việt Nam cũng nhanh chóng thay đổi đội hình và ‘trốn’ ra sau quốc kỳ của họ”.
“Lập tức nhổ cờ”
Từ Hữu Pháp kể rằng, do khoảng cách chỉ 1-2km nên Từ quan sát rõ tình thế trên Đá Gạc Ma và sử dụng loa phóng thanh hạ lệnh cho các binh lính từ tàu 531 “nhổ quốc kỳ Việt Nam”.
Dù trước đó xuyên tạc rằng “quân Việt Nam nhát gan”, nhưng khi thuật lại việc Trung Quốc tấn công lên đảo, Từ đã giấu đầu hở đuôi khi vô tình lộ ra những chi tiết cho thấy tinh thần anh dũng, kiên cường của những người lính Việt.
Từ kể: “Lúc đó, Đỗ Tường Hậu là người đầu tiên xông lên giật đổ quốc kỳ Việt Nam.
Trong số binh lính Việt Nam có một người có vẻ là lãnh đạo lập tức xông lên nắm lấy cán cờ. Lúc này, 2 bên mặt đối mặt, một đầu quốc kỳ Việt Nam là chúng tôi, đầu kia là quân Việt Nam”.
“Bọn họ (chiến sĩ Việt Nam) vừa kéo thì quốc kỳ đã tuột khỏi cán. Cán cờ nằm trong tay họ, còn quốc kỳ bị chúng tôi cướp được” - Từ Hữu Pháp đắc ý khoe việc “cướp cờ”.
“Việt Nam thấy mất cờ thì liền xông lên tấn công. Đỗ Tường Hậu bèn tóm lấy một lính Việt dìm xuống nước, chuẩn bị dìm chết quân nhân Việt Nam đó”.
“Nhổ lá cờ thứ 2”
Từ Hữu Pháp khẳng định, thời điểm lá quốc kỳ đầu tiên bị nhổ, tiếng súng vẫn chưa vang lên và nói rằng, trên Đá Gạc Ma vẫn còn một lá quốc kỳ khác của Việt Nam.
“Dương Chí Lượng của tàu 502 trông thấy chúng tôi nhổ cờ Việt Nam và 5-6 lính Việt Nam ở trên tàu cầm sẵn súng. Dương bèn tóm lấy súng của binh lính Việt.
Lúc này, tiếng súng vang lên.
Như tôi đã nói, một khi nổ súng, chúng tôi phải triệt để hạ gục bọn họ”.
“531 khai hỏa, đánh chìm tàu HQ604”
"Đạn đã lên nòng. Quân Việt Nam ở phía mạn trái tàu 531. Tôi cầm bộ đàm ra lệnh, nhưng chưa nói đến chữ “(khai) hỏa” thì những tiếng súng (từ tàu TQ) đã nổ”, Từ kể.
Chính ủy tàu 531 nói, thời điểm đó, tàu 502 khai hỏa gần như cùng lúc với tàu 531.
Theo cách tuyên truyền giả dối của Từ Hữu Pháp, Từ đã không ra lệnh tấn công vào các chiến sĩ Việt Nam mà chỉ… bắn tàu của chúng ta.
“Khi đó, tàu 531 không hề nổ súng vào lính Việt Nam trên Đá Gạc Ma mà chỉ bắn tàu chiến của họ, bởi sau khi tàu HQ604 chìm thì bọn họ cũng không khác nào ‘chim đã vào lồng’.
Thời điểm HQ604 chìm xuống mặt nước, có người và đồ vật trôi nổi lên giống như cảnh tượng đại hồng thủy vậy. Tàu tạo thành bọt nước trên phạm vi 40-50 mét vuông, sau đó thì chìm hẳn”.
Nổ súng quyết “hạ sát” HQ505
Từ Hữu Pháp nói, sau khi 531 đánh chìm HQ604, y nhận thấy tàu HQ505 của Việt Nam “ở ngoài tầm bắn - khoảng 28km - của tàu 531, cách khoảng 32-33km và đang ‘bốc khói’.”
“Tôi cho chỉnh mục tiêu, tiếp cận tàu HQ505 và khai hỏa. Sau khi khai hỏa khoảng 3 phút thì chúng tôi tiến vào tầm bắn.
Loạt pháo đầu tiên tiếp cận được tàu địch, còn loạt thứ 2 đã phá hủy được pháo chính của bọn họ. Sau khi hạ được pháo này, chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều và tiếp tục tiến lên khai hỏa.”
Theo Sina, 6h00 ngày 14/3/1988, thuyền trưởng tàu HQ505 là Vũ Huy Lễ đã cử một số chiến sĩ đi thuyền lên Đá Cô Lin và cắm cờ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại đây.
Sina cố tình mô tả sai sự thật tình thế lúc đó bằng giọng điệu ngạo mạn: "Ông Vũ Huy Lễ không đắc ý được lâu khi tàu HQ604 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn chìm và bắt đầu chuyển hướng sang tàu của ông Lễ.
Ông Lễ nhận thấy tình hình bất ổn bèn lựa chọn phương án... bỏ chạy. Tuy nhiên, chưa kịp cập bờ Đá Cô Lin thì HQ505 đã hứng đạn pháo 100mm từ tàu hộ vệ Trung Quốc.
Trước sự tấn công dồn dập, tàu vận tải HQ505 bốc cháy 2/3, gần như trở thành một đống lửa lớn.
Vũ Huy Lễ bất đắc dĩ phải phất cờ trắng và tấp lên Đá Cô Lin, huy động công binh cứu hỏa. Bọn họ không còn tinh thần chiến đấu nữa".
Trong trận hải chiến Trường Sa, Trung Quốc dùng pháo 100mm tấn công tàu HQ-505 của Việt Nam. Đây là vũ khí mới của Trung Quốc lúc bấy giờ, với tốc độ bắn 104 phát/phút.
Trong trận hải chiến Trường Sa, Trung Quốc dùng pháo 100mm tấn công tàu HQ-505 của Việt Nam. Đây là vũ khí mới của Trung Quốc lúc bấy giờ, với tốc độ bắn 104 phát/phút.
“Mắc cạn cũng phải tiếp tục đánh” – Từ Hữu Pháp khẳng định – “Nếu không đánh tôi sợ sẽ có vấn đề về sau nếu như tàu Việt Nam vẫn còn khả năng di chuyển”.
“Chúng tôi tiếp tục bắn, hỏa lực rất mạnh, cuối cùng tàu Việt Nam bị đánh chìm.
Không một bóng người nào được nhìn thấy bởi khi HQ505 trúng đạn, những vật liệu dễ cháy cũng như trang bị quân sự phát nổ".
Trong một bài báo khác, Sina đã huênh hoang rằng "cuộc chiến 14/3 là thất bại đau đớn nhất của Việt Nam".
Sina mô tả, chiều 14/3, tại hải vực gần Đá Cô Lin, "khi tàu vận tải HQ505 bốc cháy, mắc cạn trên Đá Cô Lin thì thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ biết đứng nhìn, nước mắt lưng tròng".
Truyền thông Trung Quốc luôn khăng khăng rằng tàu vận tải HQ505 của Việt Nam là "tàu đổ bộ cỡ lớn" và là "niềm tự hào của hải quân Việt Nam", qua đó tỏ thái độ đắc ý khi "tàu chiến 'quốc bảo' của Việt Nam lại bại trận chỉ sau vài hiệp đấu".
Trận đánh HQ604 và HQ505 kéo dài 3 tiếng 20 phút, sau đó chúng tôi trở về Đá Gạc Ma vì tại đây còn 32 lính Trung Quốc” – Từ Hữu Pháp nói với Sina.
Nói về 32 lính Trung Quốc này, Từ đã đổi trắng thay đen, vu khống: “Tôi nghĩ bọn họ đã chết cả rồi, bởi tàu Việt Nam nổ súng về phía người của chúng tôi, trong khi chúng tôi không bắn người Việt Nam”.
Từ cũng nói rằng, sau khi bắn tàu của Việt Nam, tàu 531 trở về Đá Gạc Ma “đón người và bắt tù binh”.
(Còn nữa)
Chúng tôi sẽ tiếp tục vạch trần sự dối trá, bôi nhọ, bịa đặt trắng trợn của lính và báo chí Trung Quốc trong những bài sau. Kính mời Quý độc giả đón xem.
theo Đại L

Phần nhận xét hiển thị trên trang