(trích bản nháp giáo trình Đối mặt với bóng tối)
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị qui định bởi các hình mẫu. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy rằng làm con thì phải học giỏi, đỗ đạt và ngoan ngoãn vâng lời, tức tuyệt đối tuân lệnh và cung kính với bề trên, bất kể bề trên sai hay đúng. Lớn hơn một chút, chúng ta được dạy rằng thanh niên thì phải có cộng việc ổn định và lấy vợ, đẻ con, như thể ta là một con thú mà đến mùa động dục là chẳng còn mục đích gì khác, ngoài cho sữa đều, giao phối và sinh sản để nông trại nhanh hồi vốn. Trong các mối quan hệ, chúng ta mặc định rằng người yêu phải tặng quà cho nhau vào ti tỉ ngày lễ sến sẩm mà hầu hết mọi người không biết nguồn gốc, nhân viên phải pha trà hằng ngày và phải tặng quà vào những ngày lễ còn lại cho cấp trên, không được phản bác người có cấp bậc cao hơn mình, và giá trị của chúng ta phụ thuộc vào những thứ mà chúng ta đẻ ra, ngủ cùng, ăn, ở, đi mặc… Ai dối người dối mình, đóng kịch để bắt chước hoàn hảo những hình mẫu mà xã hội áp đặt, kẻ ấy sẽ được xã hội thừa nhận. Còn ai không chấp nhận lừa dối, khước từ bắt chước hình mẫu để không đánh mất bản thân, sự tồn tại của người đó sẽ bị phủ nhận, ngay cả trong mắt những người mà họ tưởng là thân yêu nhất. Đây là xã hội của con người, hay là xã hội của những hình mẫu? Mỗi ngày, ta đang chạm mặt những con người có tình cảm và suy nghĩ, hay chỉ chạm mặt những áo quần, địa vị, tước hiệu đã nuốt chửng kẻ mặc chúng để lớn dần lên? Rồi một ngày nào đó, ta tự hỏi: họ sinh ra ta để ta được tồn tại, hay để đem ta làm thức ăn nuôi lớn những vỏ bọc này?
Ai đặt những câu hỏi trên, hẳn kẻ đó từng nghĩ rằng những hình mẫu này phải ra đời từ một nền toàn trị ghê gớm lắm. Họ nhầm: những trùm áp đặt hình mẫu, để trục lợi từ hình mẫu vẫn đang sống quanh ta. Thường thì họ tỏ ra hòa nhã, mềm mỏng, không áp đặt mọi người. Thường thì họ ca ngợi và khuyến khích tự do, thay vì cấm đoán nó. Nhưng chính họ làm chủ những guồng máy lợi ích lớn, chuyên kiểm soát tâm trí con người bằng cách định đoạt hình mẫu – từ một đường dây showbiz và từ thiện, một mạng lưới trí thức cấp tiến gắn liền với nhóm lợi ích chính trị, cho đến một chính đảng cầm quyền. Trong những đường dây này, để không bị gạt bỏ, con người tranh nhau bắt chước các hình mẫu thời thượng xem ai giống hơn, trong một trò chơi cung đấu bất tận để lấy lòng kẻ thao túng.
Trong vài dòng dưới đây, ta sẽ tìm hiểu cách dùng hình mẫu để thao túng con người, nguyên lí hoạt động của các đường dây trục lợi bằng hình mẫu, cách nhận diện những người bị thao túng bằng hình mẫu, và cách nhận diện những kẻ dùng hình mẫu để thao túng một mối quan hệ, cộng đồng hoặc lĩnh vực chuyên môn.
I. Thế nào là một hình mẫu có thể lợi dụng?
Hình mẫu không xấu. Nó là công cụ bắt buộc phải có để vận hành mọi xã hội văn minh. Nó qui định rõ trong một guồng máy, mỗi cá nhân nên đóng vai trò gì, và ở vai đó, họ được làm gì và không được làm gì. Nơi nào thiếu một hệ thống hình mẫu lành mạnh, nơi đó sẽ không có một ý niệm lành mạnh về quyền lợi chung, sự phân công, tính riêng tư, thưởng phạt và luật pháp.
Như vậy, một hệ thống hình mẫu tốt phải cân bằng giữa hai quyền lợi. Một bên là quyền lợi chung của tập thể, bên kia là quyền lợi và không gian riêng tư của cá nhân. Để tối ưu hóa cả hai bên quyền lợi, thì hệ thống hình mẫu phải tối giản, không rườm rà. Vì mỗi sự rườm rà đều làm lãng phí nguồn lực của cá nhân và tập thể, mà không đem lại chút lợi ích nào hoặc cho cá nhân, hoặc cho tập thể. Tất nhiên, lợi ích bị lãng phí này không thể tự dưng biến mất. Nó sẽ rơi vào tay những kẻ trục lợi, mà trước tiên là những chuyên gia điều khiển tâm trí bằng hình mẫu.
Nhưng thế nào là một hệ thống hình mẫu tối giản? Để điều chỉnh lợi ích giữa các bên, thì hình mẫu mà guồng máy áp đặt lên một cá nhân chỉ nên tập trung vào bốn vấn đề: vai trò của cá nhân này trong guồng máy, cùng quyền, nghĩa vụ và hiệu suất công việc gắn với vai trò đó. Ngay cả phần lễ nghi trong một hệ thống hình mẫu chuẩn, như cách ăn không phát ra tiếng, cách ở cho hợp vệ sinh, hay cách ăn mặc, đứng ngồi, giao tiếp cho ý nhị, cũng chỉ nhằm đảm bảo rằng khi chung sống, mỗi người không bị xâm phạm không gian riêng tư.
Trong khi đó, một hệ thống hình mẫu dở và dễ bị lợi dụng thì hoàn toàn khác. Thứ nhất, nó phải lơ là những nội dung thực tiễn – như vai trò, quyền, nghĩa vụ và hiệu suất công việc – để gia tăng lượng tài nguyên lãng phí trong quan hệ giữa tập thể mà mỗi cá nhân, tức những tài nguyên sẽ rơi vào tay kẻ trục lợi. Thứ hai, nó phải gia tăng những nội dung phù phiếm, rườm rà của hình mẫu, và liên tục thay đổi những nội dung này theo mốt thời trang, để những cá nhân và tập thể chạy theo mốt liên tục tìm thấy động lực mới để lãng phí. Giờ đây, như những ví dụ thực tế đã nêu ở đầu bài, tập thể không còn đòi hỏi cá nhân đáp ứng những quyền lợi cốt lõi, mà chỉ đòi hỏi cá nhân trưng ra một lớp vỏ bề ngoài. Ngược lại, để được công nhận và thăng tiến trong tập thể, cá nhân cũng không còn cố làm việc hiệu quả hơn, tôn trọng không gian riêng tư của người khác hơn, mà chỉ cố dối người và dối mình, khi cố từ bỏ bản thân để bắt chước theo những lớp vỏ bề ngoài – vừa không bao giờ là đủ, vừa liên tục thay đổi theo mốt. Trong khi đó, kẻ thao túng bằng hình mẫu thì đứng ở giữa tập thể và cá nhân, để nuốt trọn phần tài nguyên bị hai bên phí phạm, cả từ công việc bị bỏ bê lẫn từ khoản chi cho các vỏ bọc phù phiếm.
Ngoài việc tập thể và cá nhân bị bòn rút để nuôi kẻ nắm giữ hình mẫu trung gian giữa hai bên, những hệ thống hình mẫu dở, bỏ gỗ lấy nước sơn còn có ba cái hại.
Thứ nhất, chúng tước đoạt mọi không gian riêng tư của cá nhân, khi khiến cá nhân sống và làm việc không phải để phục vụ ý muốn riêng của mình, mà chỉ để làm dày thêm lớp vỏ giả tạo mà mình đang khoác. Như thế, cá nhân làm ra thứ gì, thì thứ đó lập tức bị cướp đoạt. Càng nỗ lực, thành đạt, và sở hữu nhiều vật chất, danh hiệu, cá nhân sẽ càng bị tước đoạt nhiều hơn, nên trong thâm tâm sẽ càng bất đắc chí. Nhưng càng bất đắc chí, người này lại càng nỗ lực. Anh ta tưởng cách duy nhất để chấm dứt cảm giác khó chịu trong tâm khảm là thành công hơn, tức lấy nhiều vật chất và danh hiệu phù phiếm hơn. Trong khi đó, nếu chịu dừng lại quan sát, anh ta sẽ hiểu rằng hầu hết những thứ mình đạt được chỉ có công dụng làm thích mắt người ngoài, chứ không hề phục vụ nhu cầu thiết thực của riêng bản thân mình.
Thứ hai, vì lúc này, tập thể không còn công nhận những người có đóng góp thiết thực, mà chỉ công nhận những kẻ trưng được lớp vỏ bề ngoài hào nhoáng và hợp mốt hơn, chắc chắn sẽ nảy sinh những mâu thuẫn nội bộ làm tập thể tan vỡ. Trước hết, bởi kẻ làm lợi cho tập thể thì bị phủ nhận và lãng quên, còn kẻ bòn rút của tập thể thì lại được lợi. Sau đó, bởi việc chạy đua bắt chước hình mẫu, nhằm được công nhận và thăng tiến trong tập thể, chắc chắn sẽ khiến các thành viên ngừng hợp tác lành mạnh, khi lôi nhau vào một cuộc đua bắt chước hình mẫu phù phiếm để tranh giành sự sủng ái của tập thể và những người xung quanh. Đây là hiện tượng quen thuộc cả trong các phim cung đấu tranh sủng của Trung Quốc, trong các cuộc đấu tố thời Cải cách Ruộng đất, lẫn trong các “sinh hoạt học thuật” ở Việt Nạm vào thời điểm này.
Thứ ba, chúng phá hỏng hệ giá trị, chuẩn mực của cả tập thể lẫn cá nhân, gây ra tình trạng dép mũ đảo lộn. Mọi con người và văn hóa phẩm có giá trị thực chất sẽ bị hắt hủi và lãng quên. Trong khi đó, những con người và văn hóa phẩm tốt vỏ nhưng rỗng ruột lại có chỗ đứng và tiếng nói, nhất là nếu chúng đủ rỗng để không mệt và ngượng khi liên tục đổi vỏ theo mốt thời trang, nhân danh “cách tân”, “đổi mới”, “cách mạng”… Mà cần nhớ rằng khi đã rỗng tuếch bên trong, thì lớp vỏ nào cũng là ăn căp, mạo danh, giả nhái và chắp vá.
Trong tiếng Hán, âm “Bì” vừa được hiểu là lớp da, vỏ bọc (皮), vừa có thể hiểu là thêm thắt (裨), nhầm lẫn (悂), sai lỗi (紕), so bì (比). Âm này biểu đạt đầy đủ các điểm chung của những tập thể bị thao túng và lợi dụng bằng hình mẫu.
Thực ra, “ghen tị” là dạng năng lượng căn bản mà bằng nó, toàn bộ guồng máy hình mẫu phù phiếm được vận hành. Vì ghen tị, người ta không đặt mục tiêu giành lấy những thứ mà mình thực sự cần, mà đặt mục tiêu làm dày lớp vỏ bọc lên, thông qua việc tranh giành thứ người khác có mà mình không có. Vì ghen tị, khi nhìn vào người khác, thay vì nhận ra bản chất, người ta chỉ thấy lớp vỏ bề ngoài – là thứ có thể so sánh, ganh đua. Vì ghen tị, người ta giết bản thân mình để nuôi lớp vỏ – là thứ họ đem ganh đua với người ngoài. Nhưng cũng vì ghen tị, mà khi lớp vỏ của ai đó dày lên, những người khác cũng cảm thấy cần làm lớp vỏ của mình dày theo, và cuộc đua là vòng luẩn quẩn vĩnh viễn.
II. Cách thao túng và trục lợi từ một tập thể bằng việc áp đặt hình mẫu
Để buộc người khác tự theo đuổi một hình mẫu, rồi trục lợi từ việc đó, kẻ thao túng cần thực hiện những bước sau:
_ Giới thiệu hình mẫu cần áp, thông qua các gói thông tin có cài hình mẫu này. Gói thông tin ở đây có thể là người, văn hóa phẩm, định chế hoặc thói quen sống…
Nếu muốn áp hình mẫu vào một mối quan hệ cá nhân, kẻ thao túng chỉ việc tỉ tê giới thiệu, hay tỏ thái độ ca ngợi, thèm muốn những gói thông tin đó với nạn nhân. Một cách khác là dần đưa nạn nhân vào một cộng đồng, hoặc môi trường sống và làm việc bị chi phối hoàn toàn bởi những gói thông tin đó.
Tuy nhiên, nếu muốn áp hình mẫu vào một tập thể, kẻ thao túng cần phải ở một trong ba nhóm vị trí thuận lợi. Một, là kẻ phát động một xu hướng – như phong trào chính trị, học thuật, nghệ thuật, tiêu dùng, lối sống, hoặc mốt thẩm mĩ, thời trang. Hai, là kẻ làm công tác review, trao giải, phong thần, thông qua việc viết lách, kiểm soát truyền thông, tổ chức sự kiện, viết thư giới thiệu, xuất bản, hoặc làm giám khảo các giải thưởng đình đám. Ba, là kẻ kiểm duyệt nhân sự, thông qua thi cử, đề cử, cấp vốn, hoặc đỡ đầu.
_ Đưa các nạn nhân (bắt buộc phải có nhiều hơn một người) vào một trò chơi, trong đó ai bắt chước hình mẫu giỏi hơn, người đó thắng cuộc và có tất cả mọi thứ. Trong khi đó, ai không tuân thủ hình mẫu, người đó không có gì, thậm chí không được thế giới biết đến sự tồn tại.
_ Trục lợi từ trò chơi. Để trục lợi, nên cùng lúc làm người viết luật, người đá bóng, người thổi còi, người tổ chức cá độ và người đặt cửa. Chẳng hạn, trong trò chơi tặng chocolate ngày Valentine và Valentine Trắng, các công ty sản xuất bánh kẹo vừa viết luật, vừa thổi còi. Trong trò chơi chạy đua chiến tranh trong phim Sherlock Holmes, giáo sư Moriarty vừa viết luật (kích động hận thù và điều khiển nhịp độ dồn dập của các hội nghị), vừa thổi còi (làm quân sư), vừa đá bóng (xây dựng tiềm lực quân sự, tài chính riêng), vừa tổ chức cá độ (bán vũ khí cho tất cả các bên) và đặt cửa (ám sát để phân phe phái). Trong phim Lang Nha Bảng, Lương đế vừa viết luật, vừa thổi còi, vừa tổ chức cá độ và đặt cửa trong cuộc đua cung đấu, lấy lòng cha để tranh ngôi vị Thái tử, hòng lợi dụng các hoàng tử để triệt hạ hoặc kiềm chế mọi sự cạnh tranh chính trị nhắm đến ông ta. Trong toàn bộ cuộc cờ, kẻ thao túng bằng hình mẫu vừa định đoạt ai được ai mất, vừa thu mọi mối lợi quan trọng về tay, vừa được coi là người tốt hoặc người phải dựa dẫm.
Ở Việt Nam, mô hình trục lợi này hiện diện tràn lan trong mọi phương diện của đời sống. Ít người biết rằng ngay cả các sinh hoạt học thuật và chính trị nhân danh tiến bộ, cùng với giới trí thức cấp tiến tham gia nó, cũng đã bị một thế lực chính trị nội bộ ngầm thao túng từ lâu. Công cụ để thao túng là hình mẫu “trí thức lên tiếng”, “trí thức hội thảo”, hoặc gọi cho giản đơn là trí thức chém gió. Việc thao túng được chia thành các bước như sau:
_ Dùng quyền lực và quan hệ chính trị để đỡ đầu cho một số nhóm trí thức hoặc công chức nhàn hạ kém chuyên môn, để họ dắt dư luận vào một số mốt thời trang, như “triết học khai sáng”, “minh triết phương Đông”, “trí thức phản biện”, hoặc mốt dùng tôn giáo, tâm linh để lí giải khoa học và không cần những thực nghiệm đúng phương pháp.
Dưới tác động của đám đông công chúng hùa theo những xu hướng hạ cấp này, trong sinh hoạt học thuật, hình mẫu trí thức chém gió bắt đầu hồi sinh. Theo đó, thành công của một trí thức được đánh giá bằng tiếng vang của vị này khi phát biểu trên báo chí, trong hội thảo và sự kiện, thậm chí trong các cuộc biểu tình cùng đám đông công chúng, thay vì bằng thành tựu sáng tác hoặc nghiên cứu chuyên môn – những việc phải đóng cửa tự làm một mình.
_ Dùng chỗ đứng và các quan hệ chính trị để chi phối hầu hết các hoạt động review, trao giải, cấp vốn đầu tư và phong thần cho giới trí thức. Đồng thời đứng đầu một hệ thống bảo trợ uy tín, truyền thông và tài chính cho các nhóm trí thức trẻ mới nhóm họp. Thậm chí phát triển một hệ thống trường đại học riêng.
Thông qua các hoạt động đó, họ buộc giới trí thức, nhất là thế hệ trẻ, phải tự ép mình theo đuổi hình mẫu trí thức chém gió nêu trên, nếu muốn được thăng tiến về đường công việc, địa vị, danh tiếng, tiền tài…
_ Dùng chính giới trí thức đã bị kiểm soát bởi hình mẫu này để tác động ngược trở lại chính trị, nhằm củng cố và gia tăng địa vị chính trị của phe phái. Việc này rất dễ làm, vì bây giờ giới trí thức đã dành hầu hết thời gian cho việc chém gió ở hội thảo, báo chí và các cuộc biểu tình, thay vì cho công việc chuyên môn mà mình đảm nhận. Mà trong các loại chém gió, chém gió chính trị đặc biệt dễ lấy lòng đám đông, nên kẻ bị thao túng sẽ không từ chối. Tiếc thay, càng bỏ bê chuyên môn để đăng đàn chính trị, vị này sẽ càng lệ thuộc vào phe phái đang kiểm soát mình, và sẽ không còn đường lui.
III. Cách nhận diện người bị thao túng bằng hình mẫu
Người bị thao túng thường có các biểu hiện sau:
1. Mất định hướng. Không biết mình đang làm gì. Không có kế hoạch (bao gồm mục tiêu sau chót, từng bước để đạt được các mục tiêu giai đoạn, phân công cụ thể cho các bước, các qui định về chế tài và khen thưởng cho nhân công).
Thay vào đó, họ chỉ làm việc theo:
_ kiểu đều đặn hoàn thành công việc hằng ngày
_ kiểu ứng phó với các tình huống, phản ứng lại các kích thích từ môi trường
_ hoặc kiểu “vì lương tâm”/”vì đam mê” – mà bản chất là tùy hứng, bất chấp hậu quả.
Về mặt nguyên tắc, ai làm việc theo một trong ba kiểu nêu trên, thì trong thâm tâm, người đó không hề cho rằng mình có trách nhiệm phải đạt được mục đích sau cùng của công việc. Thực ra họ ngầm cho rằng mình và tập thể không đạt được mục đích sau cùng cũng không sao, bởi hằng ngày họ không hề dành thời gian để nghĩ lộ trình nhằm đạt được nó. Trong thực tế, họ chỉ muốn một điều, là dù có đạt được mục đích sau cùng hay không, thì họ cũng được người khác và được chính bản thân công nhận rằng đã có cố gắng, nỗ lực. Để được công nhận, họ làm đều đặn công việc hằng ngày, thể hiện sự khẩn trương khi ứng phó với các tình huống, và thể hiện sự nhiệt tình cống hiến cho “lương tâm” hoặc “đam mê”.
2. Luôn có gì đó bất đắc chí. Không muốn mình muốn gì, và đang ở đâu trên chặng đường tìm đến đích thì đương nhiên sẽ thành ra bất đắc chí.
3. Tự đặt lên mình áp lực theo đuổi một hình mẫu lí tưởng nào đó. Năng lượng của họ tiêu tốn vào việc giữ cho mình sống giống hình mẫu, thay vì vào việc xác định mục tiêu và các bước để đạt được mục tiêu.
4. Hoặc không tiếp cận được, hoặc không biết, không muốn tiếp nhận một trong những thứ sau:
_ Dữ liệu định lượng chuẩn xác, không thể chối cãi
_ Kiến thức nền tảng – được lưu trữ đầy đủ, phân loại rõ ràng và sắp xếp theo tiến trình – trong lĩnh vực hoạt động mà việc thao túng diễn ra
_ Thông tin về tiến trình lịch sử của cộng đồng hoặc lĩnh vực
_ Sự chất vấn của người khác về hiệu quả và ý nghĩa của công việc mà mình đang làm.
5.Thường xuyên ở dưới áp lực bị công kích hoặc cạnh tranh gay gắt
IV. Cách nhận diện kẻ thao túng bằng hình mẫu
1. Trước tiên, dùng phương pháp khoanh vùng để giới hạn phạm vi tìm kiếm đối tượng.
a. Khoanh vùng các nạn nhân
Xác định danh tính các nạn nhân điển hình của hình mẫu mình cần điều tra, dựa trên năm biểu hiện nêu trong mục V. Lập hồ sơ của từng nạn nhân (các mẫu hồ sơ sẽ được đề cập đến trong phần sau của tiểu luận).
b. Khoanh vùng gói thông tin chứa hình mẫu
Tra ngược quá khứ của từng nạn nhân, hoặc phỏng đoán dựa trên thông tin trong hồ sơ, xem mỗi người trong số họ đã tiêm nhiễm hình mẫu này từ những gói thông tin nào. Nhắc lại, gói thông tin có thể là người, văn hóa phẩm, định chế, hoặc thói quen sống…
c. Khoanh vùng các đối tượng làm cổng lây bệnh
Tiếp tục điều tra, xem trong các mối quan hệ của nạn nhân, có những cá nhân nào cùng họ chia sẻ những gói thông tin nêu trên. Đồng thời liệt kê các cổng không phải là người – như giáo dục, giải trí, truyền thông – và tìm hiểu xem trong các lĩnh vực này, có những cá nhân nào từng giới thiệu gói thông tin đó, và trục lợi từ hình mẫu trong nó.
d. Khoanh vùng những kẻ trục lợi
Trong danh sách những cổng lây nhiễm và kẻ trục lợi nêu trên, tiếp tục khoanh vùng những kẻ có các đặc điểm sau:
_ Trong các vai diễn trong trò chơi bắt chước hình mẫu – người viết luật, người đá bóng, người thổi còi, người tổ chức cá độ và người đặt cửa – họ diễn nhiều hơn một vai. Diễn càng nhiều vai, và chiếm đóng vị trí càng chắc chắn, thì càng được chấm nhiều điểm trong bảng khoanh vùng.
_ Là đối tượng để một nhóm nạn nhân của hình mẫu này bu vào, cố lấy lòng hoặc cạnh tranh chi tiêu, hòng tranh giành sự sủng ái.
_ Hệ chuẩn mực không rõ ràng, hoặc thường xuyên thay đổi theo mốt.
_ Không ưu tiên chất lượng thực tế của sản phẩm, hoặc năng lực chuyên môn của con người khi tiến hành công tác thẩm định.
_ Thường xuyên ỡm ờ, không dứt khoát lựa chọn xem trong số các nạn nhân, ai bị loại, còn ai được cho qua cửa.
_ Không thể có được địa vị, tiền tài hoặc tiện nghi như hiện nay nếu các nạn nhân không thèm tìm đến, hoặc nếu các nạn nhân bỏ đi hết. Nói cách khác, là đang được đánh giá cao hơn giá trị riêng của bản thân, do nhu cầu lấy lòng của các nạn nhân đang tranh chấp nhau.
_ Hứng thú với việc tổ chức những sinh hoạt tập trung nhiều người – như hội thảo, biểu tình, trường học, cuộc thi, truyền thông, ăn chơi, hội nhóm…
_ Thường phát biểu một cách chung chung, không kèm theo những dữ liệu cụ thể, chi tiết, không thể phản bác.
2. Tiếp đó, dùng phương pháp thử để xem phản ứng của các đối tượng đã được giới hạn:
_ Thử dùng dữ liệu chi tiết, hoặc thông tin về tiến trình lịch sử để phản bác, theo hướng xét lại hình mẫu hoặc đặt câu hỏi về sự cần thiết và hữu dụng của hình mẫu. Sau đó quan sát xem những đòn đáp trả đến từ bộ phận công chúng nào, có thể có chỉ đạo từ thế lực nào.
_ Thử tổ chức những sinh hoạt tập trung đông người tương tự, ẩn chứa nguy cơ làm đảo lộn trật tự trong cộng đồng hoặc lĩnh vực chuyên môn, xem có những ai trông như được cử đến để cộng tác/tham gia, và dò đoán xem họ được ai cử đến.
_ Thử liên lạc để đề xuất thêm một hình mẫu thời thượng mới, mà nếu đẩy lên thành xu hướng thì cũng không quá ảnh hưởng đến quyền lợi hiện nay của các đối tượng. Sau đó, quan sát xem trước cơ hội mới mà mình đem đến, họ chơi trò chơi như thế nào.
Sau toàn bộ quá trình thử này (mà hầu hết nên ném đá giấu tay), tổng hợp thông tin thu được để rút ra kết luận.
V. Cách hạ bệ một kẻ thao túng hình mẫu
Thay đổi quan điểm của một nạn nhân là điều vô nghĩa, và hạ bệ một hình mẫu nhất định cũng là điều vô nghĩa, chừng nào đường dây trục lợi từ hình mẫu còn tồn tại. Bởi chừng nào còn đường dây, không có nạn nhân này thì có nạn nhân khác, hình mẫu này bị lãng quên thì sinh ra hình mẫu khác. Những kẻ thao túng đường dây sẽ vẫn an nhàn hưởng lợi, thậm chí còn lợi dụng cuộc lật đổ hình mẫu, cùng những cố gắng thuyết phục nạn nhân từ bỏ vỏ bọc để dựng lên một vài hình mẫu mới, mà trục lợi từ đó thậm chí còn dễ hơn. Chẳng hạn, thoát khỏi hình mẫu “con ngoan trò giỏi”, “công chức thành đạt” chưa lâu, nhiều người đã sa ngay vào hình mẫu “con người tâm linh”, và trở thành bò sữa nuôi cùng một hệ thống cũ. Mặt khác, trước nguy cơ bị hắt hủi bởi người thân và cộng đồng, hầu hết các nạn nhân sẽ không dám khước từ hệ thống hình mẫu, và nhờ đó đường dây trục lợi từ nó vẫn tồn tại. Vì vậy, để xử lí tận gốc vấn đề, cần hạ bệ kẻ thao túng hình mẫu để trục lợi, rồi tìm cách thay đổi môi trường, sao cho những mưu đồ trục lợi trong tương lai sẽ bị cản trở.
Để làm điều đó, có thể thử những bước sau:
1. Thiết kế một trật tự thông tin không dung thứ các hình mẫu phù phiếm
Bản thiết kế này là vừa là nền tảng cần thiết, vừa là mục đích sau cùng cho mọi nước cờ mà ta sẽ đi. Ta phải căn cứ vào trật tự thông tin này để tung các đòn đánh dư luận trong từng nước cờ, rồi lan dần nó ra, cho tới khi nó trở thành trật tự chi phối môi trường thông tin sau trận chiến. Bởi nếu không đặt nền tảng trên một trật tự thông tin kháng được mọi hình mẫu phù phiếm, thì mỗi đòn truyền thông mà ta tung ra đều có nguy cơ giành chiến thắng cho một hình mẫu mới trái ngược lại, cùng một đường dây trục lợi từ nó, thứ mà ta phải dọn dẹp sau này. Như vậy, càng đánh, ta sẽ càng làm môi trường phức tạp hơn, các mánh trục lợi đa dạng và tinh vi hơn, và cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc.
Trật tự thông tin cần thiết trong trường hợp này bao gồm bốn phần:
_ Dữ liệu cụ thể, chi tiết, chính xác, không thể chối bỏ. Dữ liệu định lượng được dành ưu tiên.
_ Kiến thức nền tảng về các lĩnh vực – được sắp xếp gọn gàng theo trình tự lịch sử, công dụng và trường phái.
_ Dữ liệu lịch sử trung thực về các cá nhân và cộng đồng.
_ Đòi hỏi sự rõ ràng về vai trò, quyền, nghĩa vụ và hiệu suất của mỗi cá nhân trong mọi mối quan hệ và cộng đồng, dù là tình cảm hay vật chất.
2. Nuôi dưỡng trật tự thông tin chuẩn mực bằng nguồn lực của hệ thống hình mẫu phù phiếm
Nếu lập tức tỏ thái độ khước từ hệ thống hình mẫu phù phiếm, ta sẽ bị hệ thống tiêu diệt. Vì vậy, trước tiên, cần chấp nhận đóng một vai phù phiếm, rồi mượn lực từ trò chơi phù phiếm để nuôi dưỡng trật tự thông tin sẽ chấm dứt nó trong tương lai. Vì trong mọi tập thể bị thao túng bởi hình mẫu, người ta luôn cạnh tranh dữ dội với nhau vì ghen tị, sinh tồn và thăng tiến, cơ hội để ta tham nhũng từ đó rất nhiều. Cách đơn giản nhất là vừa đóng vai một nạn nhân ngoan ngoãn chịu sự điều khiển của các trùm thao túng đường dây, vừa giữ vai trò một kẻ thao túng hình mẫu khi tương tác với những nạn nhân đang tranh chấp. Rồi qua những tương tác này, ta từng bước thiết lập lại hệ thống hình mẫu chuẩn mực và trật tự thông tin lành mạnh, thứ ngăn chặn sự trở lại của các đường dây trục lợi. Chẳng hạn, ta có thể chọn một vài nạn nhân có năng lực chuyên môn và phẩm cách đàng hoàng nhất trong mỗi hình mẫu, rồi ủng hộ họ đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Trong cùng một hình mẫu, ta giúp những nạn nhân tốt đánh bại những nạn nhân dở. Về sau, ta giúp những hình mẫu lành mạnh hơn, mà mình phần nào tác động được nhờ cùng chiến tuyến với các cá nhân đứng đầu, đánh bại những hình mẫu tệ lậu nhất. Trong mỗi cuộc chiến truyền thông đó, mọi đòn thông tin mà ta tung ra đều phải tuân thủ trật tự thông tin chuẩn mực mà ta lấy làm nền tảng. Nhờ đó, sau mỗi lần chiến thắng, trật tự thông tin đó sẽ phần nào được thiết lập nên cả cộng đồng theo dõi, lẫn lên kẻ thắng, người thua. Dần dần, một trật tự thông tin nhiều lần chiến thắng sẽ được cộng đồng tin tưởng, qui thuận và chọn làm chuẩn mực chung mới, không phải bởi nó được chứng minh là đúng thông qua chiến trận, mà bởi kẻ thắng là kẻ dân chúng có thể dựa dẫm vào. Ngoài ra, nhờ nguồn lực thu được từ những trận chiến này, ta cũng có thể âm thầm nuôi dưỡng các gói thông tin (người, văn hóa phẩm, định chế, thói quen sống…) phù hợp với trật tự lành mạnh, cho đến khi chúng đủ lông đủ cánh.
3. Hạ bệ các trùm thao túng hình mẫu
Việc này chỉ có thể bắt đầu khi các gói thông tin chuẩn mực đã đủ trưởng thành để có thể lấp vào chỗ trống tạo ra bởi ông trùm sắp rớt. Nếu không, không có gì chắc chắn rằng ta thắng trận, nhưng chắc chắn sẽ có một kẻ trục lợi khác thế chỗ ông ta. Khi đó, trật tự thông tin chuẩn mực đang hình thành, thứ vừa đóng vai trò quan trọng trong cuộc đổi ngôi, sẽ bị xem là mối đe dọa số một, và bị tiêu diệt ngay từ đầu.
Thực ra, cách tốt nhất để hạ một trùm thao túng hình mẫu là tận dụng thói ghen tị của hắn. Vì hệ thống hình mẫu phù phiếm vận hành dựa trên sự ghen tị, mà chúng ta chỉ có thể cho môi trường một thứ có sẵn trong chúng ta, những kẻ đứng đầu của hệ thống này đương nhiên là những kẻ ghen tị số một. Khi trật tự thông tin chuẩn mực đã được thiết lập trên một phần cộng đồng hoặc lĩnh vực, đủ để thay thế trò chơi phù phiếm cũ, đương nhiên ta sẽ có cơ hội để sắp xếp vài tình huống, trong đó ông trùm cũ bị đẩy ra ngoài môi trường mờ ám quen thuộc, môi trường duy nhất mà ông có thể thích nghi. Khi mất đi lợi thế của kẻ cầm cân nảy mực trong trò chơi phù phiếm, ông trùm sẽ trở lại thành một kẻ ghen tị bình thường. Nếu đủ nhanh nhạy, ta sẽ bắt được cơ hội để buộc ghen tị, rồi gây thù chuốc oán với những nạn nhân cũ của ông, những người mà do tương tác nhiều, đã thừa hiểu rằng ông có điểm yếu về năng lực chuyên môn và đạo đức.
4. Thiết lập trật tự thông tin chuẩn mực
Đưa trật tự thông tin chuẩn mực thành trật tự chính thức của cộng đồng hoặc lĩnh vực chuyên môn mà ta muốn thay đổi. Trước tiên, cần thiết lập lại mảng thống kê, nghiên cứu lịch sử, thư viện, luật, an ninh, thẩm định và truyền thông trong cộng đồng hoặc lĩnh vực chuyên môn đó. Kế đến, công bố những ghi chép trung thực về từng diễn biến của cuộc hạ bệ, thúc đẩy các sáng tác và nghiên cứu xoay quanh căn bệnh hình mẫu của giai đoạn trước, để chuyện đã qua, nhưng có thể trở lại, từ giờ sẽ hiện diện trong kinh nghiệm của cộng đồng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang