Sỹ Khỏe
(Dân Việt) Tình trạng đổ bỏ đã xảy ra với các loại rau, củ, quả khác như cà chua, hồng Đà Lạt, hành tây, hành tím, dừa, khoai lang và một số nông sản khác.
Những hình ảnh hàng đoàn xe tải lớn nhỏ chở dưa hấu xếp hàng dài dằng dặc ở Lạng Sơn để chờ làm thủ tục xuất khẩu qua Trung Quốc hầu như năm nào cũng diễn ra. Trong số đó có hàng trăm xe với cả ngàn tấn dưa cuối cùng không xuất được, phải quay về tìm nơi đổ bỏ hoặc vứt vung vãi ra đường trông quá xót xa.
Tình trạng này xảy ra phần vì bạn hàng không mua nữa do cung đã vượt cầu, phần vì chờ đợi lâu, chất lượng dưa xuống cấp, phần vì bài toán thương mại của họ. Thực tế cũng cho thấy, tại những vùng trồng dưa hấu đại trà như Tiền Giang, Long An đã không ít lần người dân phải đổ cho bò ăn vì không bán hết.
Tình trạng này cũng đã xảy ra với các loại rau, củ, quả khác như cà chua, hồng Đà Lạt, hành tây, hành tím, dừa, khoai lang và một số loại nông sản khác. Tần suất xảy ra ứ thừa, người sản xuất không bán được dẫn đến mất cả vốn lẫn lãi nhiều tỷ đồng hầu như vụ nào, năm nào cũng tái hiện, lặp đi lặp lại dường như không có hồi kết.
Ngay thời điểm này, giá chuối hàng hóa ở 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đang rớt giá thảm. Năm ngoái chuối bán được vào khoảng 13.000 đồng/kg, nhưng năm nay bà con chỉ còn bán với giá từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Với giá này, người dân phải bán ít nhất 1,5 kg chuối trở lên mới có đủ tiền uống một cốc trà đá.
Đáng tiếc là điều vô lý khó tin như vậy lại là sự thật. Mà sự thật nguyên do lại bởi thương lái Trung Quốc ngưng mua đột ngột. Hay như với quả su su ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, mùa trước giá su su từ 5-7.000 đồng/kg, nay bán 300 đồng mà ế vẫn hoàn ế, vẫn điệp khúc người sản xuất than: “Họ không mua nữa, không biết bán cho ai”. Nhưng hỏi họ là ai thì chẳng ai biết ai là họ cả! Có nghĩa là thương lái không ổn định, đầu ra mơ hồ… Các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng chịu cảnh tương tự vậy.
Năm ngoái giá lợn hơi bà con còn bán được khoảng 45-47.000 đồng/kg thì năm nay có thời điểm chỉ còn bán với giá dưới 30.000 đồng. Với giá thành sản xuất ít nhất cũng phải từ 35-39.000 đồng/kg thì nhiều người nuôi lỗ nặng. Nếu xót của, càng giữ, càng nuôi càng lỗ vì vẫn phải cho lợn ăn, vẫn phải chạy điện, vẫn phải công thợ. Mà càng để to vượt mức cân nặng lại càng lỗ. Có trang trại chăn nuôi lớn mất hàng tỷ đồng vì giá lợn rớt sâu.
Còn về con tôm xuất khẩu. Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng đã từng đến một số tỉnh vựa tôm phía Nam. Đã có lần tận mắt chứng kiến người ta dùng kim chích vào đầu con tôm để bơm vào đó một chất mới. Tò mò, tôi hỏi một người, bà ấy thản nhiên nói “cho nó nặng hơn một chút, để tôm nó thành loại có giá cao, vì một ký tôm 20 con có giá khác hẳn với loại 1 ký 25-30 con”.
Trời đất ạ. Tôi cũng đã từng làm phóng sự truyền hình về vấn đề này. Lúc bấy giờ có một lãnh đạo Bộ NNPTNT làm trưởng đoàn công tác họp với các địa phương về thực trạng đáng báo động đó. Vậy mà bao năm qua, tới tận bây giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng như các cơ quan chức năng vẫn phải liên tục cảnh báo về vấn nạn này. Đáng buồn thay!
Việt Nam là nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời. Nông nghiệp được coi là bệ đỡ cho nền kinh tế ở những giai đoạn dường như là khó khăn nhất. Nhưng hàng năm, bà con nông dân vẫn phải đổi mặt với thiên tai, dịch bệnh và cả nhân tai. Chỉ riêng năm ngoái thiệt hại do thiên tai như hạn hán, ngập mặn, sâu bệnh đã vào khoảng 2 tỷ USD. Ở đây, tôi chỉ bàn về vấn đề sản xuất hàng hóa nông sản của bà con ta cũng như các địa phương.
Về quy hoạch, Bộ NNPTNT đã có quy hoạch phát triển nông nghiệp theo vùng, tùy thuộc vào thế mạnh của từng địa phương. Nhưng đó là tầm chiến lược vĩ mô. Còn về vấn đề định hướng sản xuất trên địa bàn, sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như ý thức thay đổi lối làm ăn thì còn nhiều điều đáng bàn.
Với lối sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, một phần không ít bà con ta thường chạy theo phong trào, chạy theo tin đồn, chạy theo cái lợi trước mắt. Được coi là vùng cà phê lớn của thế giới, nhưng ngay tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, chuyện trộn lẫn các loại bột khác vào cà phê để bán thu thêm phần lợi nhuận vẫn cứ diễn ra.
Dưa hấu, khoai lang, sắn, tiêu, điều, thanh long, chuối thừa mứa, hầu như vụ nào cũng như vụ nào, nhưng bà con vẫn không rút kinh nghiệm, mà vẫn trồng ồ ạt. Chỉ bởi ai cũng nghĩ năm ngoái nhà ông A, bà B bán được, lãi nhiều, thì mình cũng trồng. Tới khi không bán được, giá rớt thảm do dư thừa thì lại rơi vào tình cảnh khốn khó. Và vì chạy theo phong trào, chạy theo tin đồn mà dễ “mắc bẫy” của thương lái nước ngoài xâm nhập sâu vào nội địa.
Cũng vì sản xuất manh mún, tự phát, thiếu suy xét, chạy theo cái lợi trước mắt mà nhiều đã chặt bỏ cả vườn điều, vườn tiêu đang xanh tốt để trồng cây khác theo tin đồn. Và cũng vì cái lợi trước mắt mà nhiều hộ đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, chất cấm vào trồng trọt, chăn nuôi. Hậu quả là sản phẩm thì nhiều nhưng không tiêu thụ được. Thiệt hại không biết ngần nào.
Và một điểm rất đáng nói ở đây là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý ở nhiều địa phương trước việc tham mưu, định hướng, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn. Các cán bộ khuyến nông không đeo bám địa bàn một cách bền bỉ, thiếu sâu sát, dẫn đến tình trạng “người trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.
Khi sự việc xảy ra, bà con đã sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, thua lỗ nặng, các cơ quan báo chí vào cuộc rồi mà hỏi đến chính quyền địa phương, hỏi đến cơ quan liên quan, chúng tôi đều được trả lời rất chung chung.
Một điều rất đáng suy ngẫm nữa là chỉ một, hai thương lái nước ngoài xúi người này, mách “đểu” thôn kia sản xuất hay sử dụng các loại chất cấm, hóa chất tăng trọng, tăng trưởng, phá hoại nông sản của bà con ở ngay tại địa phương mà như vào chốn không người. Tôi tự hỏi, ngoài Hội nông dân, chính quyền địa phương, đoàn thể ở đâu để bảo vệ nông dân?