Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Mỹ không còn dân chủ hay cộng hòa

Lữ Giang
Trong khi một số người Việt đấu tranh buồn ngủ nằm mơ thấy Donald Trump sắp đánh Trung Quốc, một cuộc chiến đang xảy ra giữa hai nhóm tài phiệt vốn thường thay nhau lãnh đạo chính quyền Mỹ trong nhiều thập niên qua, mỗi nhóm khoảng 8 năm, tức hai đời tổng thống, đó là nhóm tài phiệt vũ khí và nhóm tài phiệt dầu mỏ.
Thông thường hai nhóm tài phiệt này hỗ trợ nhau làm ăn, chẳng hạn như năm 2003 khi Tổng Thống George W. Bush đánh chiếm Iraq thì nhóm tài phiệt vũ khí đi tiên phong, nuốt hàng chục hàng trăm tấn bom đạn với cái bụng căng phồng, còn nhóm tài phiệt dầu mỏ đi sau nhậu dầu lửa say bò lăn bò càng… Cả hai nhóm đều béo trục béo tròn và rất thư thái hân hoan, nhưng nay hai nhóm lại đang đánh nhau tơi bời hoa lá, một đàng Barack Obama ra chiêu, còn đàng kia Donald Trump múa rối. Tại sao?
Trước khi nói về lý do đưa đến cuộc chiến giữa hai nhóm tài phiệt nói trên, chúng tôi xin xác định lại một lần nữa vai trò lãnh đạo chính quyền Mỹ của các nhóm tài phiệt.
NƯỚC MỸ LÀ MỘT CHẾ ĐỘ TÀI PHIỆT
America is an oligarchy, not a democracy or republic” (Nước Mỹ là một chế độ tài phiệt, không phải là dân chủ hay công hòa), đó là đầu đề của một bản nghiên cứu được hai trường đại học Princeton và Northwestern phối hợp thực hiện năm 2014. Bản nghiên cứu đi đến kết luận:
Mỹ không còn là một nền dân chủ - không bao giờ quan tâm đến cộng hòa dân chủ như các Tổ Phụ Sáng Lập đã hình dung. Thay vào đó, nó chuyển qua con dường của giới thượng lưu và trở thành một quốc gia được dẫn đầu bởi một giai cấp thống trị nhỏ gồm các thành viên có quyền lực thực hiện quyền kiểm soát toàn dân - một chế độ tài phiệt (oligarchy)”.
[The Washington Times - Monday, April 21, 2014]
Tổ chức United Press International (UPI) cũng cho biết: “Một phát hiện trong nghiên cứu: Chính phủ Mỹ hiện đang đại diện cho những người giàu có và những kẻ có quyền lực chứ không phải là giới công dân trung bình.”
1.- Chế độ tài phiệt và nhà tài phiệt
Trước khi trình bày thêm, chúng tôi thấy cần phải nói rõ tài phiệt là gì vì có nhiều người đang lẫn lộn giữa tỷ phú và tài phiệt.
Tự điển Hán Việt Từ Nguyên của Bửu Kế định nghĩa tài phiệt: "Những kẻ giàu có trải đời này qua đời kia, dùng thế lực đồng tiền để gây thành sức mạnh cho mình và làm thiệt hại kẻ khác." Trong tiếng Anh có hai danh từ để chỉ về  tài phiệt là Oligarchy và Oligarch. OLIGARCHYthường được dịch là chế độ, dịnh chế hay tập đoàn tài phiệt và OLIGARCH là nhà tài phiệt.
Oxford Dictionaries định nghĩa “chế độ tài phiệt (oligarchy) là một nhóm nhỏ người kiểm soát một đất nước hay tổ chức”. Còn tự điển Merriam Webster nói rõ hơn: “Chế độ tài phiệt là một chính quyền trong đó một nhóm nhỏ thực hiện quyền kiểm soát đặc biệt là để tham nhũng hay vì các mục tiêu ích kỷ” (a government in which a small group exercises control especially for corrupt and selfish purposes).
Còn nhà tài phiệt (oligarch) được định nghĩ là một thành viên hay một người yểm trợ một định chế tài phiệt (a member or supporter of an oligarchy).
2.- Tiếng nói của các nhân vật có thẩm quyền
Sách báo viết về tài phiệt Mỹ rất nhiều, chúng tôi chỉ tóm lược lại một vài nhận xét của các nhân vật đã từng lãnh đạo đất nước này.
Trong cuộc phỏng vấn của bà Oprah Winfrey vào đầu tháng 9/2015 trên Oprah Winfrey Show ở Chicago, Illinois, cựu Tổng Thống Jimmy Carter nói rằng Hoa Kỳ không còn là một chế độ dân chủ nữa mà là một chế độ tài phiệt. Ông nói:
Bây giờ chúng ta đã trở thành một chế độ tài phiệt thay vì một chế độ dân chủ. Và tôi nghĩ rằng đó là một sự thiệt hại tồi tệ nhất đối với những tiêu chuẩn luân lý và đạo đức căn bản của hệ thống chính trị Hoa Kỳ mà tôi chưa từng thấy trong cuộc đời của tôi.
Ông Jimmy Carter là tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ từ 1977 đến 1981.
Vào tháng 11/2014, trong cuộc phỏng vấn của Paul Jay trên Real News Network ở Baltimore, Đại Tá Lawrence Wilkerson, Chánh Văn Phòng của cựu Ngoại Trưởng Colin Powell, cho rằng các tài phiệt đã điều khiển chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông nói:
Chính trị của Hoa Kỳ được điều khiển bởi khoảng 400 người có tài sản vượt quá con số nghìn tỷ USD, những người này kiểm soát việc đưa ra quyết định của chính phủ từ sau hậu trường. Chính quyền nằm trong tay của nhóm người chiếm khoảng 0,001% dân số này."
Ông đi đến kết luận:
Người Mỹ bắt đầu hiểu rằng Hoa Kỳ là một chế độ tài phiệt, hơn là một chế độ dân chủ hay cộng hòa. Quả thật họ hoạch định cả chiến tranh cũng như chính sác đối ngoại.
Dĩ nhiên, những nhà tài phiệt có tài sản vượt trên một ngàn tỷ nói trên thường coi những người như Barack Obama hay Donald Trump chỉ là công cụ, là tay sai, hành động theo sự chỉ đạo của họ. Nhà khoa học chính trị Vladimir Lepekhin nói rằng Obama cũng loay hoay, bởi vì ông ta không phải là người đứng đầu nhà nước theo đúng nghĩa của từ này, mà chỉ là một tay vận động hành lang cho lợi ích của các tập đoàn đã cấp tiền cho chiến dịch tranh cử của ông ta. Đó là lý do tại sao Mỹ không phải là một đối thủ cạnh tranh với Nga trong lĩnh vực Syria.
NHỮNG LỜI CẢNH CÁO NGHIÊM KHẮC
Hôm 30.12.2016, thông tín viên Michael Bowman thuộc đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ đã viết trên trang mạng của đài này một bài dưới đầu đề “Doanh nhân tỉ phú và tướng lãnh ngự trị nội các Tổng thống Trump” và nói rõ “Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử một con số kỷ lục các tướng lãnh và tỉ phú lãnh đạo doanh nghiệp vào nội các của ông” và “thành phần nội các của tân chính phủ Mỹ đang đặt ra những nghi vấn cả bên trong lẫn bên ngoài Quốc hội”.
Ông Trump còn đề cử năm nhà quản trị doanh nghiệp và tỉ phủ vào các vị trí hàng đầu, trong đó có lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil, ông Rex Tillerson làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Trump đánh giá cao năng lực của ông Tillerson: "Ông Tillerson sẽ kiên quyết tranh đấu cho lợi ích của nước Mỹ trên toàn thế giới."
Nhưng tranh đấu cho lợi ích quốc gia là nhiệm vụ mà ông Tillerson đã né tránh thời còn lãnh đạo ngành dầu khí. Ông tuyên bố như sau vào tháng 2 năm 2016:
"Bất kể là Nga hay Yemen, Trung Ðông hay bất cứ nơi nào, tôi đến đây không phải để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đến đây không phải để bảo vệ, hay để chỉ trích các lợi ích đó. Đó không phải là việc của tôi. Tôi là một nhà kinh doanh."
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons có mặt trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện bày tỏ lo ngại: "Tôi thực sự lo ngại về số tướng lãnh và tỉ phủ mà ông Trump chọn và đề cử vào nội các." Ông nhận định tiếp: "Ông Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong suốt lịch sử đất nước chúng ta chưa từng phục vụ lĩnh vực công, dù là trong một chức vụ công cử, hay một chức vụ trong quân đội. Ông ấy cần phải có quanh ông những phụ tá thân cận am tường về sức mạnh của hệ thống công vụ Mỹ."
Ông John Hudak là một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings đã nói: "Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước."
Tại sao ông Donald Trump đưa nhiều nhà kinh doanh vào nội các, trong đó có cả ông Tillerson một nhà kinh doanh dầu mỏ nổi tiếng? Tại vì mục tiêu chính của chính phủ này là phục hồi lại công nghệ dầu mỏ của Mỹ đã bị suy thoái trong nhiều năm qua. Nói cách khác, mục tiêu của chính phủ mới này là phục vụ các tài phiệt dầu mỏ chứ không phải phục vụ đất nước và dân chúng như nhiều người tưởng.
CUỘC CHIẾN ĐANG BÙNG NỔ
Hôm 26.12.2016, ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện và là thành viên của đảng Cộng Hòa, đã phát biểu trên kênh truyền hình Fox rằng tổng thống đắc cử Donald Trump có ý định hủy khoảng 70% các sắc lệnh của ông Barack Obama. Ông nói: "Khoảng 60 hoặc 70% sắc lệnh của ông (Obama), hầu như tất cả sẽ bị ông Trump hủy bỏ". Ông cho rằng những hành động gần đây của ông Obama là "điên cuồng tuyệt vọng", khi so sánh chúng với di sản của "con búp bê bơm hơi, không khí từ nó xì ra, và nó sẽ xẹp xuống và co rút lại".
Newt Gingrich
Sáng 1.1.2017, khi mọi người đang đón mừng năm mới, hãng thông tấn AP cho biết các dân biểu thuộc đảng Cộng Hóa dự tính mở phiên họp thứ 115 của Quốc Hội và bắt đầu ngay việc hủy bỏ đạo luật Obamacare, các luật tăng thuế và đảo ngược các quy định về môi trường và những ưu tiên bảo thủ khác.
Ông Paul Ryan, Chủ Tịch Hạ Viện, còn tuyên bố sẽ xem xét lại luật về Medicare và bắt những người cao niên phải mua bảo hiểm y tế trên thị trường thay vì được Medicare chi trả như trước đây. Những dân biểu bảo thủ khác cũng đòi xem xét lại trợ cấp về an sinh xã hội để làm giảm bớt sự gia tăng về chi phí.
Thật ra, đây chỉ là một trận hỏa mù. Khi tạo ra trận hỏa mù đó, nhóm tài phiệt dầu mỏ chỉ nhắm vào hai mục tiêu chính:
1.- Hủy bỏ tất cả các văn kiện bảo vệ môi trường để các công ty dầu mỏ có thể trở lại khai thác thác than đá và dầu lửa, nhất là dầu đá phiếm, ở bất cứ nơi nào.
2.- Bãi bỏ cấm vận cho Nga và bình thường quan hệ thương mại với Nga nhằm mục tiêu liên kết với Nga trong việc khai thác dầu mỏ ở Siberia để có thể đối đầu với OPEC và các tập đoàn dầu mỏ Trung Đông, thu về lợi nhuận tối đa.
Những thứ khác như luật Obamacare, luật Medicare, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, xây tường ngăn giữa Mexico và Mỹ... chỉ là phần phụ diễn để đánh lạc hướng.
CON BÀI CHỦ: TÀI PHIỆT TILLERSON
Nhiều người tin rằng trong chế độ sắp đến, người lãnh đạo chính phủ là nhà tài phiệt Tillerson chứ không phải Donald Trump. Rex Wayne Tillerson sinh ngày 23.3.1952, tốt nghiệp bằng kỹ sư tại University of Texas ở Austin. Ông gia nhập ExxonMobil năm 1975, trở thành người quản lý đơn vị sản xuất của Exxon Mỹ năm 1989 và năm 1995 là Chủ tịch Exxon Yemen. Năm 2006 ông được bầu làm Chủ Tịch và Giám Đốc Điều Hành của Exxon khi công ty này được xếp hàng thứ 6 trong các công ty dầu mỏ lớn nhất của thế giới. Từ đó ông làm mưa làm gió.
Năm 2007 ExxonMobil bắt đầu đến khai thác dầu mỏ ở Venezuela, Nam Mỹ, mặc dầu bị phản đối, vì dưới chế độ của Tổng Thống Hugo Chavez, kinh tế Venezula bắt dầu suy thoái và có nhiều thay đổi, nhưng công ty Exxon đã đánh đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng “họ sẽ sử dụng tất cả các quyền lợi hợp pháp và họ sẽ đối đầu được." Nhưng sau đó Venezuela đã quốc hữu hóa tài sản của Exxon. Tập đoàn này đã kiện Venezuela ra tòa án trọng tài với hậu quả đáng thất vọng. Bảy năm sau tòa án trọng tài quốc tế của Ngân hàng Thế giới buộc Venezuela phải bồi thường 1,6 tỉ USD cho ExxonMobil, tức chỉ bằng 1/10 mức bồi thường 12 tỉ USD mà công ty đòi. Exxon không hoạt động tại Venezuela nữa.
Khi đến Iraq, Rex W.Tillerson không thèm đếm xỉa đến các qui định của chính quyền Baghdad và Washington, đã ký kết riêng một hiệp ước khai thác dầu mỏ với người Kurd ở phía bắc Iraq. Ông Jean-Francois Seznec, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, đã phải thốt lên: “Họ có quyền lực rất lớn trong khu vực, và họ không hề quan tâm đến những gì Bộ Ngoại giao Mỹ mong muốn."  Khi cuộc chiến xảy ra, ExxonMobil phải bán 25% cổ phần giếng dầu West Qurna-1 (Iraq) cho hãng PetroChina của Trung Quốc, 10% nữa cho Pertamina của Indonesia, v.v.
Những câu chuyện làm ăn “theo kiểu ông cố nội” như thế còn rất nhiều, nhưng bài báo có hạn. Tuy nhiên, một vài thí dụ điển hình này cũng có thể cho thấy tài phiệt là một tổ chức quyền lực, có thể hành động bất chấp luật pháp của mọi quốc gia, kể cả Mỹ. Họ được mệnh danh là Siêu Quốc Gia (Metanationals).
MỤC TIÊU TRƯỚC MẮT
Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, nhất là khi tổ chức ISIS được dựng lên và đánh chiếm phía bắc Iraq, công ty ExxonMobil cũng như công ty Eni của Ý gặp nhiều khó khan. Rex Tillerson rất bất bình với nhóm tài phiệt vũ khí, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay, quay về kinh doanh ở Mỹ và mở rộng về phía Nga.
Ngày 30.8.2011, tập đoàn ExxonMobil ký hợp đồng khai thác dầu khí với Nga ở khu vực Bắc Băng Dương sau khi tranh giành với công ty dầu khí khổng lồ BP của Anh. Trước đó ExxonMobil cũng đã có hợp đồng khai thác trên đảo Sakhalin ở vịnh phía đông của Nga.
Ngày 16.6.1012 tập đoàn ExxonMobil và tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thêm hiệp định khai thác "vàng đen" ở khu vực Tây Siberia. Vladimir Putin mô tả  đây là “Một chân trời mới đang mở ra…” Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, Exxon đã mang giàn khoan từ Na Uy tới khai thác giếng dầu đầu tiên ở biển Kara. Tổng thống Putin nói: “Tất nhiên chúng tôi rất hoan nghênh sự hợp tác này và sẵn sàng mở rộng hợp tác.”
Rex Tillerson và Tổng Thống Putin
Với những thành tích như trên, nếu được chấp thuận làm Ngoại Trưởng, Rex Tillerson sẽ đứng ra lèo lại chính quyền Donald Trump. Ngay cả khi phải đứng sau hậu trường, ông ta cũng sẽ làm chuyện này, bất chấp các đường lối và chính sách căn bản của nước Mỹ. Nhưng một số người đã đặt câu hỏi: Nếu Donald Trump cứ tiếp ngổ ngáo, lên twitter mua vui cho thiên hạ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chúng tôi xin lặp lại một lần nữa, Rex Tillerson đã từng nói: "Bất kể là Nga hay Yemen, Trung Ðông hay bất cứ nơi nào, tôi đến đây không phải để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đến đây không phải để bảo vệ, hay để chỉ trích các lợi ích đó. Đó không phải là việc của tôi. Tôi là một nhà kinh doanh". Như vậy Donald Trump chẳng là cái thá gì.
Nhưng ngày nay nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ, than đá) đã hết thời rồi và không dễ gì áp đảo được các công ty dầu mỏ của các nước A-rập. Trong tiến trình lịch sử, chưa bao giờ tài phiệt dầu mỏ lấn áp được tài phiệt võ khí, nên mọi chuyện sẽ không dễ dàng. Ngoài hệ thống tam quyền phân lập, các phong trào quần chúng, các cơ quan truyền thông... không để cho Donald Trump và Tillerson muốn làm gì thì làm. Riêng ông Obama, sau 8 năm làm tổng thống, đã trở thành một nhà chính trị lão luyện, khi tháo lui đã để lại rất nhiều mìn bẩy, đụng tới đâu cũng gặp "ổ kiến lửa", khó có thể vượt qua được. Newt Gingrich đừng tưởng bở.
Ngày 4.1.2017
Lữ Giang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không biết ông ấy sẽ nghĩ gì khi đọc bài này?


Sự cố Formosa gây ô nhiễm biển miền trung, khiến hàng chục ngàn ngư dân mất việc, không có trong danh sách 10 sự kiện Bộ Tài nguyên Môi trường công bố. Nguồn: internet

Thành tích của quan, nước mắt của dân

Bạch Hoàn
6-1-2017 

Cá nhân tôi vô cùng bất ngờ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 10 sự kiện nổi bật nhất ngành tài nguyên môi trường năm 2016, tuyệt nhiên không nhắc đến Formosa. Rõ ràng, những gì Formosa gây ra là một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Vậy tại sao họ lại trơ trẽn gạt đi? 


Hãy xem những thứ mà ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quyết định lựa chọn nổi bật nhất là gì? Đó là Ban hành chương trình hành động của ban cán sự đảng. Đó là hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường. Đó là lập quy hoạch mạng lưới các sự nghiệp công lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đó là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Đó là thực hiện chữ ký số…

Những thứ này dành cho ai? Người dân có quan tâm chữ ký số đồng bộ trong quản lý văn bản không? Người dân không quan tâm, chắc chắn là như vậy. Người dân cần được uống nước sạch, được hít thở không khí trong lành, ngư dân được ra khơi, người tiêu dùng cần được ăn cá, du khách cần được tắm biển… Đó mới là lý do bộ máy nhà nước phải nuôi những người làm công tác quản lý môi trường. Vậy mà, những kẻ ăn cơm của dân ấy đã làm cái gì để miền Trung ra nông nỗi hôm nay?

Ông Trần Hồng Hà làm quan rất to. Nhưng chắc là ông chưa được dạy rằng, làm quan là lo trước cái lo của thiện hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Thế nên, trong con mắt của ông Trần Hồng Hà, hàng trăm ngàn người dân miền Trung khốn khổ phải tha hương cầu thực, chẳng thể nào có sức nặng bằng vài hoạt động của cán bộ của ngành này.

Thế nên, trong con mắt ông Trần Hồng Hà, hàng ngàn lá đơn của ngư dân miền Trung kiện Formosa cũng chẳng thể nào có sức nặng bằng những thứ mang lại thành tích cho ngành này.

Ngày 30-6, khi vừa công bố Formosa là thủ phảm gây ra thảm hoạ cá chết ở miền Trung, ông Trần Hồng Hà đã lập tức xây dựng hình ảnh cho mình bằng sự kể lể công sức, “Tôi vừa trải qua 84 ngày nặng trĩu”. Tôi tin có thể khi ấy ông nẵng trĩu thật. Chỉ có điều, người dân không chỉ nặng trĩu như ông, mà có khi nước mắt của họ đã cạn rồi.

Một nhà lãnh đạo vội than mệt, vội kể công, trong khi người dân vẫn đang khốn cùng, liệu đất nước này có thể hi vọng gì?

Lẽ nào, bây giờ ra triều đình làm quan lớn, ông Trần Hồng Hà quên mất vùng đất nghèo khổ Hà Tĩnh ấy là quê hương mình? Lẽ nào, bây giờ bổng lộc nhiều, ông Hà đã quên xóm giềng lam lũ?

Với người dân thì không trọn nhân, với quê hương thì không trọn nghĩa, làm người còn chưa xứng chứ đừng nói làm quan. Tôi nghĩ vậy.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

06/01/1838: Morse công bố hệ thống điện báo đầu tiên

Nguồn: Morse demonstrates telegraphHistory.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1838, hệ thống điện báo của Samuel Morse được công bố lần đầu tiên ở Xưởng Cơ khí Speedwell tại Morristown, New Jersey. Máy Morse là một thiết bị sử dụng xung điện để truyền tải qua dây cáp những thông điệp đã được mã hóa. Chiếc máy đã cách mạng hóa thông tin liên lạc đường dài, và được sử dụng rất phổ biến trong những năm 1920 và 1930.
Samuel Finley Breese Morse sinh ngày 27/04/1791, tại Charlestown, Massachusetts. Ông theo học Đại học Yale, nơi mà ông đã dành sự quan tâm của mình cho nghệ thuật và kỹ thuật điện. Sau khi tốt nghiệp, Morse trở thành một họa sĩ. Năm 1832, trên con tàu trở về châu Âu, ông được nghe về một phát minh mới là nam châm điện, và từ đó nảy sinh ý tưởng về máy điện báo mà hoàn toàn không biết rằng đã có nhiều nhà khoa học khác cũng có ý tưởng tương tự.
Trong những năm tiếp theo, Morse cố gắng phát triển một nguyên mẫu máy điện báo, với sự giúp đỡ của hai trợ tá là Leonard Gale và Alfred Vail. Năm 1838, Morse lần đầu công bố phát minh của mình – máy điện báo sử dụng mã Morse, gồm các dấu chấm và dấu gạch ngang đại diện cho chữ và số. Năm 1843, Morse cuối cùng đã thuyết phục được Quốc Hội Mỹ tài trợ xây dựng đường dây điện báo đầu tiên tại Mỹ, chạy từ Washington, D.C. đến Baltimore. Tháng 05/1844, Morse gửi đi bức điện tín đầu tiên, rằng: “Những gì con có đều do Chúa ban!” (What hath God wrought!)[1]
Những năm sau đó, các công ty tư nhân đã mua lại sáng chế của Morse và xây dựng hệ thống đường dây điện báo xung quanh vùng Đông Bắc nước Mỹ. Năm 1851, New York and Mississippi Valley Printing Telegraph Company được thành lập, mà sau này đổi tên thành Western Union. Năm 1861, Western Union đã hoàn thành hệ thống đường dây điện báo liên lục địa đầu tiên trên khắp nước Mỹ. Năm năm sau, đường dây điện báo đầu tiên qua Đại Tây Dương được xây dựng, và đến cuối thế kỷ 19, điện báo đã có mặt ở châu Phi, châu Á và Úc.
Do các công ty điện báo tính phí dựa trên số từ nên các bức điện tín đều cực kỳ vắn tắt, bất kể chúng báo tin vui hay tin buồn. Chữ stop (dừng lại) được tính miễn phí, nên nó thường được dùng thay cho dấu chấm, vốn bị tính phí. Sang năm 1933, Western Union chính thức giới thiệu điện báo âm nhạc (singing telegram – điện báo dưới hình thức một bài hát, thường dùng làm quà tặng – NBT). Còn trong suốt Thế chiến II, người dân Mỹ luôn sợ hãi mỗi khi nhìn thấy người đưa tin của Western Union, vì quân đội Mỹ bấy giờ dùng điện tín để thông báo về cái chết của binh lính cho người thân.
Trong suốt thế kỷ 20, điện báo đã dần được thay thế bởi các dịch vụ liên lạc đường dài giá rẻ khác, như điện thoại, fax và email. Western Union đã chuyển bức điện tín cuối cùng vào tháng 01/2006.
Samuel Morse qua đời trong sự giàu có và nổi tiếng tại New York City vào ngày 02/04/1872, ở tuổi 80.
——————————
[1] Đây là đoạn trích từ một câu trong Kinh Thánh: “For there is no enchantment against Jacob, no divination against Israel; now it shall be said of Jacob and Israel, ‘What has God wrought!’” (Vì nơi Jacob không có phù chú, không có bói quẻ trong Israel; Đến thời đến buổi sẽ được báo cho Jacob và Israel, điều Thiên Chúa muốn làm. – Dân Số 23,23)
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/06/morse-cong-bo-dien-bao-dau-tien/#sthash.f5FJJBIk.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trích: Gió bay về trời"

H.G
25.
Mưa lúc mười giờ
Không hy vọng gì những cơn mưa trên phố
không hy vọng gì người gặp trên đường.
Mưa lạnh mái tôn
mưa nhàu nát cỏ
Người gặp trên đường,
ngại
câu nói chân phương..
Thời chúng tôi
nhà mới cao vòi vọi
Những vũ trường như nấm ngoi lên.
Không phải giàu sang gì
chỉ là cố gượng
trưởng giả bỏ làng
vừa ra phố
đổi tên!
Thời chúng tôi những cô nàng nhí nhảnh
quần cộc ra đường rất khéo làm duyên.
Thời chúng tôi
những chàng máu lạnh
mấy chục năm trời bỗng chốc
không quen!
Hình như có điều gì không ổn?
ở phần mềm?
Hay ở trong xương?
Tôi chếnh choáng một ngày mưa trên phố
lúc mười giờ..
mưa đục
mông lung?

26.
Gãy khúc và đứt đoạn
những bức tường
những câu cầu
hơi thở..
Sự bền vững xem chừng khó thể
tình yêu
tình bạn
cha con
và nghĩa vợ chồng.
Nhịp cuộc sống vòng quay chóng mặt.
Ta theo kịp chăng ?
Để tỉnh táo mỗi giờ.
Có kịp thấy những hố đen trên bề dày đại lộ.
Thấy lòng người ẩn sau mỗi khúc cua?
Mù mịt bụi, tiếng ồn đồng loã
bưng tai
nhắm mắt
như loà..
Có cách nào để ta ra khỏi?
Như em từng mong
mỗi khi nóng giận
Có cách nào:“Ra khỏi giấc mơ..”?
27.
Mịt mù giữa biển khơi
cô đơn cảm xúc
con sóng cuồng điên.
Lập loè bóng giặc
anh thấy gì?
Hỡi các nhà thơ đi tìm thi tứ cho thơ ?
Cánh rừng nào các anh đi qua
níu tay nhau đứng nhìn miệng vực?
Càng lên cao
chúng ta càng đuối sức
càng thấy mình bé nhỏ làm sao
càng thấy mình bất lực..
Thơ chưa là gì
trước nỗi khổ niềm đau
trước trái ngang
mất mát!
Sáng nay ở mỏ Mông Dương nằm sâu trong lòng đất,
Anh gọi về :
Đang thị sát tầng than
ngày xuống lò mang bảo hộ công nhân
tối về có thể than theo vào khách sạn.
Bụi than là thứ bụi tài tình
có thể chui vào mắt, vào tai, vào phổi,
mà điều muốn tìm chưa hẳn đã tìm ra..
Lanh quanh lên rừng
xuống bể..
Tưởng đâu dày vốn ân tình
thực ra là tất cả vẫn mong manh
chúng ta mới chỉ thấy cái vỏ bên ngoài cuộc sống!
Còn bao điều sống động,
nằm sâu trong tâm trí con người..
Hời hợt thì..
Đi thêm mỏi mà thôi !

Phần nhận xét hiển thị trên trang