Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

“Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”


>> “Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi?
>> 'Mấy chục năm qua chúng ta đã dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt'


Sơn Tùng
(TBKTSG) - Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả (Albert Einstein).

Không biết từ “mackeno” (mặc kệ nó) xuất hiện lần đầu tự bao giờ, nhưng năm 1986, báo chí ở TPHCM, đặc biệt là tờ Tuổi trẻ, phát động phong trào chống lại chủ nghĩa “mackeno” - một thái độ vô can, dửng dưng trước những gì đang diễn ra trước mắt dù chúng có xấu đến đâu đi chăng nữa, miễn là chúng không làm hại đến chính bản thân mình.

Ba mươi năm đã trôi qua, chữ “mackeno” gần như đã chìm vào quên lãng, nhưng tác hại của thái độ sống “mackeno” đối với xã hội vẫn không hề suy giảm và một cuộc vận động toàn xã hội chống lại lối sống vô cảm vẫn còn nguyên giá trị.

Còn nhớ cách đây không lâu cảnh anh tài xế xe tải gặp nạn đứng khóc van xin đám đông xông vào hôi của - không một ai lên tiếng can ngăn - làm nhiều người phẫn nộ. Thường xuyên hơn, người ta lẳng lặng làm ngơ trước nạn xin đểu, móc túi xảy ra trên các tuyến xe buýt, tại nơi đông người. Nhưng có lẽ một trong những đỉnh điểm của sự vô cảm là chuyện xảy ra năm năm trước trong một tai nạn giao thông liên hoàn làm hai người chết, 17 người bị thương. Những người đi ngang hiện trường không cứu giúp mà còn nhẫn tâm lấy hết tài sản của các nạn nhân. Bi kịch hơn, một phụ nữ tử vong, nhưng đến ba ngày sau gia đình mới biết hung tin vì toàn bộ giấy tờ tùy thân của bà đã bị cướp theo tài sản.

Cùng với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, có thể được xem là một nguồn cơn góp phần đưa đến thái độ “mackeno”. Mặt trái của chủ nghĩa cá nhân là sự vị kỷ đề cao quá mức bản thân mình không màng gì đến tha nhân dù họ làm điều phải hay trái.

Mặt khác, phải chăng con người chúng ta ngày nay đã chai lì tới mức vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại? Có lẽ không phải như thế. Bằng chứng là luôn có nhiều tấm lòng vàng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, tai nạn... Những Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” cũng không phải là hiếm. Vậy thì, ngoài thói vị kỷ, phía sau sự vô cảm đã trở thành một thái độ sống của đám đông đó là gì?

Có lẽ một trong những lý giải được nhiều người chấp nhận là sự yếu kém của thiết chế xã hội nhằm bảo vệ sự an toàn của những người lên tiếng chống lại cái ác. Đại đa số không vô cảm đến mức bàng quang trước điều xấu, nhưng tôi bảo vệ tha nhân, rồi ai sẽ bảo vệ tôi? Hơn ai hết, lực lượng an ninh phải bảo đảm sự an toàn cho những công dân bình thường đã dám đứng ra bảo vệ lẽ phải chống lại những chuyện bất bình trong cuộc sống.

Trường đoạn ấn tượng nhất trong phim Dinosaur (Khủng long) 16 năm trước là cảnh Aladair - nhân vật chính của phim - dũng cảm ở lại đương đầu và dẫn dắt cả đàn chống lại con Carnotaurus hung tợn. Cuối cùng khủng long Carnotaurus với những chiếc răng nhọn hoắt chuyên ăn thịt và luôn gieo rắc kinh hoàng đã phải lùi bước trước đàn khủng long ăn cỏ hiền lành nay đã biết đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thủ ác. Đây là một hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng. Con quái thú Carnotaurus hiện thân của cái ác được dung dưỡng bằng chủ nghĩa “mackeno” sẽ mãi lùi vào dĩ vãng nếu mọi người không làm ngơ trước những điều xấu trong xã hội và biết đoàn kết chống lại chúng.

Cuối tuần qua ở Hà Nội, nhiều người đi đường đuổi theo một chiếc xe hơi biển số xanh gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy với tốc độ cao, buộc tài xế cuối cùng phải nhận lỗi. Báo chí cũng đưa tin hàng chục người dân đội mưa cùng cảnh sát giao thông gom hàng hóa vung vãi sau vụ tai nạn lật xe tải khiến cả hai tài xế phải nhập viện. Họ đã nói không với chủ nghĩa “mackeno”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Chết bởi Trung Quốc”: cuốn sách làm Tổng thống Donald Trump thức tỉnh. Phần 1: Sát thủ tàn độc nhất hành tinh


Vừa đắc cử xong, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm ngay tác giả quyển sách "Chết bởi Trung Quốc" (Death By China), giáo sư Peter Navarro làm cố vấn kinh tế tối cao. Ông Trump cho biết bản thân ông đã nghiền ngẫm rất kỹ và rất thích quyển sách này. Chúng ta hãy cùng nghiên cứu từng phần quyển sách này để xem tại sao nó lại gây chấn động như thế.
Giáo sư Peter Navarro
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Đó không phải là sự chỉ trích Trung Quốc, đó là sự thật
Chết dưới tay Trung Quốc. Đây là hiểm nguy rất thực mà giờ đây tất cả chúng ta phải đối mặt khi quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới này đang nhanh chóng biến thành sát thủ tàn độc nhất hành tinh.
Về mặt an toàn của người tiêu dùng, các doanh nhân vô đạo đức Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường thế giới với một loạt sản phẩm, thực phẩm, dược phẩm không gây chết người thì cũng cực kỳ có hại, gây ung thư, dễ gây cháy, độc.
• Về đồ dùng cho trẻ em, những sản phẩm nguy hiểm này có từ vòng tay, dây chuyền và đồ chơi chứa chì đến đồ ngủ dễ cháy, áo quần độc hại.
• Ở tiệm thuốc gần nhà hay trên mạng, ta có thể tìm thấy tất cả cách thức "chữa trị" mà thực ra là giết người - từ viên aspirin nhiễm độc, Lipitor nhái, Viagra giả trộn với strychnine đến thuốc heparin phá thận và vitamin chứa đầy độc tố arsen.
• Nếu thích chết do nổ, hỏa hoạn hay điện giật, bạn có thể chọn trong một đống thứ từ ổ cắm nối dài, quạt, đèn bẫy người, điều khiển từ xa quá nhiệt, điện thoại di động dễ nổ và máy nghe nhạc công suất lớn tự bốc cháy.
• Dĩ nhiên, nếu vừa đói vừa muốn tự tử, ta luôn luôn có thể thưởng thức cá, trái cây, thịt hay rau nhập khẩu từ Trung Quốc ngấm ngon lành các kiểu kháng sinh bị cấm, vi khuẩn gây thối rữa, kim loại nặng, hay thuốc trừ sâu bất hợp pháp.
Ngay cả khi hàng nghìn người thực sự chết do sự tấn công dữ dội này của sản phẩm rác rưởi và chất độc của Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ và công nhân của nó đang chịu đựng "cái chết không kém phần đau thương hơn của nền tảng sản xuất của Mỹ."
Trên mặt trận kinh tế này, nhãn hiệu quái đản "Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước" theo kiểu cộng sản của Trung Quốc đã hoàn toàn xé bỏ những nguyên tắc của cả thị trường tự do và thương mại tự do. Thay vào đó, "các nhà vô địch quốc gia" được nhà nước chống lưng của
Trung Quốc đã triển khai một hỗn hợp vũ khí của chủ nghĩa con buôn và bảo hộ để lần lượt vặt hết việc làm này đến việc làm khác, từng bước một, khỏi những ngành công nghiệp của Mỹ.
"Vũ khí hủy diệt việc làm" của Trung Quốc bao gồm trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, giả mạo tràn lan sở hữu trí tuệ của Mỹ, bảo vệ môi trường lỏng lẻo một cách tệ hại, và sử dụng phổ biến lao động nô lệ. Tuy thế, trung tâm của chủ nghĩa con buôn Trung Quốc là tiền tệ bị thao túng một cách vô liêm sỉ đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà sản xuất Mỹ, kích thích điên cuồng xuất khẩu của Trung Quốc, và dẫn đến trái bom hẹn giờ thâm hụt thương mại Mỹ - Trung gần một tỉ đô-la một ngày.
Trong khi đó, "phí nhập cuộc" cho bất cứ công ty Mỹ nào muốn leo qua "Vạn Lý Trường Thành Bảo hộ" của Trung Quốc và bán hàng vào thị trường nước này không chỉ là giao nộp công nghệ của họ cho đối tác Trung Quốc. Các công ty Mỹ còn phải chuyển cơ sở nghiên cứu và phát triển sang Trung Quốc, theo cách đó đã xuất khẩu "nguồn sữa mẹ" tạo ra việc làm tương lai của Mỹ cho đối thủ thù địch.
Cho đến nay hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đã bị mất đi trong sự nhạo báng thương mại tự do của Trung Quốc, còn chính công nhân áo xanh Mỹ cũng đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hãy xem xét những điều sau đây:
• Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2001 và hứa hẹn giả dối chấm dứt thực hiện chủ nghĩa con buôn và chủ nghĩa bảo hộ, các ngành may mặc, dệt và đồ gỗ của Mỹ đã thu nhỏ lại chỉ còn một nửa - riêng việc làm trong ngành dệt đã giảm 70%.
• Những ngành quan trọng khác như hóa chất, giấy, thép và lốp xe cũng bị bao vây tương tự, trong khi đó việc làm trong ngành sản xuất máy tính và điện tử công nghệ cao của chúng ta đã giảm hơn 40%.
Khi chúng ta đã mất hết việc làm này đến việc làm khác, nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục nhầm lẫn gắn sản xuất Trung Quốc với những sản phẩm rẻ tiền, phẩm cấp thấp như giày dép và đồ chơi. Nhưng thực ra, Trung Quốc đang tiến lên trong "chuỗi giá trị" và thành công trong việc chiếm lấy thị phần của nhiều ngành thu nhập tốt nhất của Mỹ - từ ô tô và hàng không vũ trụ đến thiết bị y tế tiên tiến.
Với sự hỗ trợ to lớn của chính phủ, các công ty Trung Quốc đang ráo riết lũng đoạn các thị trường được gọi là ngành "xanh" như ô tô điện, năng lượng mặt trời, và năng lượng gió. Hiển nhiên, đó chính là những ngành các chính khách Mỹ rất thích rêu rao như là các nguồn mới tạo ra việc làm tốt nhất của Mỹ.
Chẳng hạn, trên mặt trận năng lượng gió, Trung Quốc hiện nay dẫn đầu thế giới về sản xuất tua-bin gió và thật mỉa mai trong cả chủ nghĩa bảo hộ. Vì ngay cả khi các công ty được nhà nước trợ cấp của Trung Quốc làm tràn ngập thị trường thế giới với tua-bin của họ, các nhà sản xuất nước ngoài như General Electric đóng tại Mỹ, Gamesa của Tây ban nha, và Suzlon của Ấn Độ bị cấm đấu thầu các dự án ở Trung Quốc do chính sách "Chỉ mua hàng Trung Quốc".
Một trong những hậu quả nguy hiểm nhất từ sự nổi lên của Trung Quốc như là "công xưởng" không thể tranh chấp của thế giới là sự phàm ăn ngày càng tham lam năng lượng và nguyên liệu của trái Đất. Để nuôi cỗ máy sản xuất của mình, Trung Quốc phải tiêu dùng một nửa xi-măng, gần một nửa lượng thép, một phần ba đồng, và một phần ba nhôm của thế giới.
Hơn nữa, vào năm 2035, nhu cầu dầu của chỉ riêng Trung Quốc sẽ vượt tổng sản lượng dầu hiện nay của toàn thế giới.
Đây là thói phàm ăn chết người. Vì để hỗ trợ cho thói phàm ăn này, các viên chức chính quyền Trung Quốc đã leo lên chiếc chiếu thực dân đẫm máu ngồi cùng các nhà độc tài sát nhân và các chế độ tàn bạo khắp thế giới. Để làm điều đó, các viên chức chính phủ và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành lạm dụng một cách thô bỉ nhất chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc mà thế giới từng thấy.
Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có thể phủ quyết bất cứ biện pháp trừng phạt nào họ muốn. Trong gần một thập kỷ nay, những nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết của Trung Quốc để mối lái một loạt các giao dịch "đổi máu lấy dầu" và "cưỡng đoạt lấy nguyên liệu". Hãy xem xét các thực tế sau:
• Để đổi lấy dầu của Sudan, những con buôn quyền phủ quyết Trung Quốc đã ngăn Liên Hiệp Quốc can thiệp vào nạn diệt chủng ở Darfur - thậm chí khi lực lượng quân sự Janjaweed tàn bạo sử dụng vũ khí Trung Quốc để cưỡng hiếp hàng ngàn phụ nữ và giết chết 300.000 người dân Sudan vô tội.
• Những con buôn quyền phủ quyết Trung Quốc cũng ngăn Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran và vị tổng thống bài Do Thái, trúng cử nhờ gian lận, để được tiếp cận các mỏ khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Hành vi này đã mở toang cánh cửa cho phổ biến hạt nhân ở Trung Đông. Nó cũng làm tăng cao khả năng tấn công hạt nhân vào Israel và làm tăng đáng kể nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay các phần tử thánh chiến chống Mỹ.
Sự lạm dụng của Trung Quốc đối với sứ mạng gìn giữ hòa bình của LHQ không còn là những sự cố riêng lẻ. Có thể nói rằng, chúng là một phần của chiến lược "tiến ra ngoài", biến Trung Quốc từ một quốc gia từng theo chủ nghĩa biệt lập thành một đế quốc thực dân bành trướng lớn nhất thế giới. Đây là sự mỉa mai không nhỏ cho một quốc gia ban đầu được xây dựng trên những nguyên tắc Mác-xít chống thực dân và từng là nạn nhân đau khổ của Đế quốc Anh và cuộc chiến tranh thuốc phiện trên đất Trung Quốc.
Khắp châu Phi, châu Á, và Mỹ Latin sân sau của Mỹ, nhãn hiệu chủ nghĩa thực dân thế kỷ 21 của riêng Trung Quốc luôn bắt đầu với sự mặc cả hiểm ác này: những khoản cho vay hậu hĩnh, lãi suất thấp để xây dựng hạ tầng đổi lấy nguyên liệu và sự xâm nhập thị trường nội địa.
Dĩ nhiên, một khi đất nước đó cắn phải miếng mồi thực dân này, thay vì dùng lao động tại chỗ, Trung Quốc sẽ mang đến đội quân kỹ sư và công nhân khổng lồ để xây dựng đường cao tốc, đường sắt, cảng và hệ thống viễn thông. Hạ tầng này cả về nghĩa đen và nghĩa bóng mở đường khai thác và vận chuyển nguyên vật liệu. Sau đó gỗ của Cameroon, ma-giê của Congo, thạch cao của Djibouti, mangan của Gabon, uran của Malawi, titan của Mozambique, mo-lyp-đen của Niger, thiếc của Rwanda, và bạc của Zambia quay trở lại các công xưởng của Trung Quốc ở các thành phố như Trùng Khánh, Đông Quan, và Thẩm Quyến. Tiếp theo, như cú đánh kết liễu cuối cùng của chủ nghĩa thực dân, Trung Quốc sẽ bán lại thành phẩm của họ vào thị trường các nước này - xóa bỏ các ngành tại chỗ, đẩy cao tỉ lệ thất nghiệp, và đẩy các thuộc địa mới lún sâu hơn nữa vào đói nghèo.
Tự vũ trang tận răng
Ngay khi Trung Quốc phát triển bằng cái giá mà tất cả các nước còn lại trên thế giới phải trả, họ cũng dùng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của mình tài trợ cho một trong những sự tăng cường quân sự nhanh và toàn diện nhất mà thế giới từng chứng kiến. Theo cách này, với tinh thần nhận xét của Lê-nin là nhà tư bản sẽ bán dây thừng dùng để treo cổ chính hắn, mỗi "đô-la Walmart" người Mỹ chúng ta hiện nay chi tiêu vào những thứ nhập khẩu rẻ tiền giả tạo của Trung Quốc vừa là khoản ứng trước cho tình trạng thất nghiệp của chúng ta vừa là khoản tài trợ bổ sung cho một Trung Quốc vũ trang nhanh chóng. Đây chỉ là một vài điểm mà cỗ máy chiến tranh khoa trương đó đang định hình:
• Hải quân và không quân mới được hiện đại hóa có tất cả mọi thứ từ tàu ngầm hạt nhân tàng hình và máy bay phản lực chiến đấu với thiết kế mới nhất của Nga đến tên lửa đạn đạo có thể nhắm chính xác các tàu sân bay Mỹ trên các đại dương.
• "Lầu năm góc" của Trung Quốc tự tin phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến - trong đó nhiều thứ do tin tặc và gián điệp ăn cắp của chúng ta - để bắn hạ vệ tinh và hệ thống GPS của chúng ta và tấn công bằng đầu đạn hạt nhân vào sâu trung tâm nước Mỹ.
• Không giống như quân đội Mỹ đã kiệt sức và giờ đây dàn mỏng do các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - quân đội lớn nhất thế giới - có cả lực lượng vượt trội và tính sẵn sàng chiến đấu để áp đảo lực lượng của Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, hay Việt Nam và vẫn còn quá đủ bộ binh để nghiền nát Taliban và giữ gìn hòa bình ở Baghdad nếu nó quan tâm đến.
• Cánh "diều hâu chiến tranh" của quân đội Trung Quốc thậm chí chuẩn bị khả năng ném bom hạt nhân từ vũ trụ mà hầu như không để lại dấu vết. Những vũ khí hạt nhân vũ trụ này đến đúng mục tiêu chỉ trong vài phút ngắn ngủi, quá nhanh và lặng lẽ để đối phó.
Dĩ nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất nên e ngại sự nổi lên của kẻ gây hấn châu Á mới và hùng mạnh này. Những láng giềng ngày càng lo lắng giờ đây đối mặt với nguy cơ tăng lên nhanh chóng từ một kẻ bá quyền châu Á đang lên với chính sách đe dọa chiến tranh và bắt nạt trong các vấn đề từ tiếp cận các tuyến vận tải biển đến tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài.
...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thắc mắc của giáo sư Mỹ và vòng luẩn quẩn ở Việt Nam: Nghèo nhưng giỏi, nhưng tại sao giỏi vẫn nghèo?


Người Việt có thể rất tự hào về thành tích học tập của mình, vượt cả các nước phát triển như Mỹ, Anh, tạo thành một thứ thách thức tranh cãi đối với thế giới. Nhưng cũng chính điều này lại khiến người ta tự vấn: Tại sao mình giỏi nhưng vẫn cứ nghèo?
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra...
Cách đây 2 hôm, tại một phiên thảo luận chuyên đề liên quan đến giáo dục và nguồn nhân lực, ông Paul Glewwe, giáo sư Đại học Minnesota đã thốt lên “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra...” khi nói về giáo dục Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam dù nghèo nhưng lại nền giáo dục chất lượng, học sinh Việt Nam học giỏi hơn học sinh Anh, Mỹ.
Điều này được chứng minh thông qua kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA) trong 2 năm 2012 và 2015.
Theo kết quả PISA 2015 vừa được công bố hôm 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu. Trước đó, năm 2012, vị thứ của Việt Nam đối với các môn này cũng khá cao lần lượt là 8, 17 và 19.
Giáo sư người Mỹ cho biết, xếp hạng PISA thường tỷ lệ thuận với GDP của mối quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều với mức độ sung túc. Với những điều “thông thường” đó, Việt Nam đang là một trường hợp ngoại lệ, vượt ra ngoài cuộc tranh cãi “chỉ có quốc gia có trình độ phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng”.
Để tìm câu trả lời cho bản thân, vị giáo sư này cho biết khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không dừng lại ở GDP mà còn xét đến cả những yếu tố khác như trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình,… Nhưng dù ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn các nước phát triển. Điều này đã khiến ông càng lúc càng không hiểu nổi.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thành tích học tập của học sinh Việt Nam gây tranh cãi. Hồi tháng 7 năm nay, tờ Business Insider đã có hẳn một bài phân tích về “hiện tượng Việt Nam” khi cho rằng đây là một đất nước kỳ lạ về giáo dục: “Về cơ bản, đây là nước thu nhập thấp duy nhất đạt kết quả tương đương những nước phát triển trong các bài kiểm tra học thuật quốc tế”.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét 2 kỳ thi quốc tế lớn nhằm lý giải cho “hiện tượng Việt nam”. Một trong số đó là TIMMS (các kỳ thi toán và khoa học quốc tế). Tại kỳ thi này, học sinh Việt Nam đã thể hiện vượt trội hơn so với các nước có mức GDP đầu người tương đương.
Năm 2014, khi công bố nghiên cứu về TIMMS, TS. Abhijeet Singh của Đại học College London cho biết ông nhận ra giáo dục Việt Nam tạo ra sự vượt trội từ sớm. Lúc 5 tuổi, trình độ của trẻ em Việt Nam chỉ tương đương trẻ em ở các nước đang phát triển khác, tuy nhiên, theo độ tuổi tăng dần, độ chênh lệch ngày càng lớn hơn.
Chuyên gia giáo dục Lee Crawfurd cũng nhận định, "một năm tiểu học ở Việt Nam hiệu quả hơn nhiều so với một năm tiểu học ở Peru hay Ấn Độ về mặt học tập kỹ năng".
Hiện tại, hai nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng tiến hành khảo sát kết quả PISA từ năm 2012 trở lại đây nhằm lý giải vấn đề này.
Trong số 8 nước đang phát triển tham gia chương trình, Việt Nam có GDP đầu người thấp nhất, 4.098 USD (tính theo PPP năm 2010), nhưng lại đạt kết quả cao nhất.
Điểm số của học sinh Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có thể so sánh với các nước có chất lượng giáo dục hàng đầu như Phần Lan, Thụy Sĩ và vượt trội hơn hẳn so với Colombia, Peru.
Vòng luẩn quẩn của nghèo nhưng giỏi, nhưng giỏi tại sao vẫn nghèo?
Chất lượng học sinh Việt Nam vẫn đang là “bí ẩn” đối với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới bởi lẽ, họ mới chỉ giải mã được 50% câu chuyện. Tuy nhiên, đối với chính người Việt Nam, cũng có một câu hỏi khác mà họ đang cần lý giải, tại sao “giỏi nhưng vẫn nghèo”, tại sao năng suất lao động Việt Nam – tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình giáo dục và đào tạo, vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, thậm chí, thua cả Lào.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm có năng suất lao động thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là một trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Mặt khác, hàng năm, lượng sinh viên Việt Nam ra trường vẫn thất nghiệp là khá lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, đang có khoảng 220.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Hay dù có tìm được việc thì những người này cũng phải học lại từ đầu, như cách mà doanh nghiệp than thở họ phải mất tầm 2 năm để “tẩy sạch những gì sinh viên đã học”.
Lý giải cho mâu thuẫn trên, nhiều chuyên gia cho rằng giáo dục phổ thông của Việt Nam đang quá dài trong khi khâu phân luồng, đào tạo cử nhân, lao động có chuyên môn kỹ thuận lại chưa bám sát thực tế.
GS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT khi nói chuyện với báo chí cho rằng không thể phủ nhận được mối liên hệ giữa quá trình đào tạo với năng suất lao động. Ông nhấn mạnh đào tạo ra lao động có tay nghề và làm việc hiệu quả quan trọng hơn việc xếp hạng cao về Toán hay Khoa học.
Trên thực tế, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị đơn vị tuyển dụng lao động từ chối vì thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm. Bởi những gì họ học được trên giảng đường vẫn rất xa lạ so với nhu cầu tuyển dụng.
Theo Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần



>> Tướng Khương: Hà Nội có tổ chức tội phạm cổ cồn núp bóng doanh nhân
>> Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an truy tìm kẻ tung tin "nhảm" về đổi tiền

Thúy Hạnh














VNN - Gần 14 triệu người Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến. Gần 1/5 trong số này mắc các rối loạn tâm thần nặng.

Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần tại Hà Nội sáng nay.

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.

Theo nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu - nghèo, ly hôn, thất nghiệp...

Tuy nhiên số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế, người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đánh đồng tất cả đều là "điên" mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử.

Để giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phấn đấu ban hành luật Sức khỏe tâm thần trước năm 2020 và đặt ra mục tiêu 50% bệnh nhân rối loạn tâm thần được điều trị vào năm 2025. Hàng năm, ngân sách y tế sẽ dành ít nhất 5% cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người dân miền Trung không chỉ mất Tết mà còn mất trắng






Người dân miền Trung không chỉ mất Tết mà còn mất trắng.
Thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm người chết, mất tích và bị thương vì lũ, hàng chục ngàn hộ gia đình điêu đứng, thiệt hại về kinh tế hiện chưa tính hết, thiệt hại niềm tin về một cuộc sống bình an là vô cùng.
Thuỷ điện gây ra chứ chẳng có "lũ dị thường" nào hết. Thiên nhiên trở nên "dị thường" cũng là do sự vô trách nhiệm, thói tham lam vô độ, tàn nhẫn với đồng loại của con người.
Thuỷ điện góp phần tàn phá rừng đầu nguồn, tích nước gây hạn hán mùa khô và xả lũ ngập hạ du khi mùa mưa bão. Cuối mùa mưa nên thủy điện nào cũng cố tích nước cho thật nhiều, vì lợi nhuận, không có dự phòng chống lũ. Nên khi mưa chỉ cần bất thường một chút là các hồ vượt ngưỡng, nguy cơ vỡ đập rất cao phải xả lũ khẩn cấp.
Hàng chục thủy điện trên dải đất miền Trung địa hình hẹp, dốc, mất rừng đồng loạt xã lũ thì sẽ như thế nào?
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự đau thương mất mát không thể bù đắp này của người dân miền Trung?
Những người có trách nhiệm giải trình mà vẫn im lặng đáng sợ sau tất cả những chuyện này thì thái độ đó chính là tội ác!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cơ hội cuối cùng để tống khứ Trump



(Libération19/12/2016) Các đại cử tri hôm nay chính thức bầu ra tân tổng thống. Liệu họ sẽ lắng nghe những lời kêu gọi của một bộ phận dư luận hay không ? Điều này khó thể xảy ra, nhưng cuộc tranh luận về tính đại diện của hệ thống bầu cử lại được đặt ra.

Có bao nhiêu đại cử tri sẽ rời bỏ hàng ngũ ? Chính trong hôm nay, thứ Hai 19/12, 538 đại cử tri đi bỏ phiếu tại 50 tiểu bang, để bầu tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính trị bất định, chiến tranh tin học với Nga và sự lo lắng cao độ trước một Donald Trump bốc đồng – người đã chối cãi việc nước ngoài can dự vào và việc thua phiếu bầu phổ thông.Bà Hillary Clinton đã thu được nhiều hơn Donald Trump 2,86 triệu phiếu. Tuy vậy cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri hầu như chắc chắn chỉ là hình thức, cho dù những người chống đối ông Trump mơ đến một cuộc nổi dậy vào phút chót.


Đã hẳn là cử tri đoàn, điểm đặc thù Mỹ, trên lý thuyết có thể bỏ ngũ và chặn đường vào Nhà Trắng của ông Trump. Hơn nữa các đại cử tri này phải bỏ phiếu trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt : các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng các tin tặc Nga đã tấn công những máy chủ của Ủy ban quốc gia đảng Dân Chủ, và hộp thư của John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. « Quá đủ rồi ! » - ông Barack Obama đã cảnh báo Vladimir Putin như thế hồi tháng Chín. Bà Hillary Clinton cũng tố cáo tổng thống Nga đứng sau các vụ tấn công này, với mục đích « làm cho nền dân chủ của chúng ta yếu đi ».

« Người hùng »

Từ nhiều ngày qua, Clay Pell, một trong các đại cử tri Dân Chủ, đã yêu cầu báo cáo từ các cơ quan tình báo về sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Mỹ, nhưng không được đáp ứng. Trong khi chờ đợi, Donald Trump nhắc nhở rằng ông đã thắng cử với 306 đại cử tri, một con số đáng kể so với yêu cầu tối thiểu 270 đại cử tri để trở thành tổng thống.

Để chống lại tổng thống thứ 45 tương lai của Hoa Kỳ, cần phải có 37 đại cử tri Cộng Hòa không bầu cho Trump. Thế nhưng chỉ có mỗi một người là đại cử tri Christopher Suprun của bang Texas loan báo công khai là sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump, « người không đủ năng lực để đảm nhiệm chức vụ tổng thống ». Một nhóm đại cử tri chủ yếu thuộc phe Dân Chủ cũng đã hình thành : nhóm Hamilton Electors – được đặt tên theo cha đẻ của Federalist Papers (1788), nhà lý luận đã cho rằng cử tri đoàn là biện pháp nhằm tránh bầu lên « một người không đáp ứng được yêu cầu năng lực cần thiết ».

Các cử tri đặc biệt này hiện đang chịu nhiều áp lực từ các công dân Mỹ và các ngôi sao Hollywood để « bầu theo đúng lương tâm ». Một kiến nghị trên mạng đã thu thập được gần 5 triệu chữ ký, và nhiều nhân vật nổi tiếng tuần này đã phổ biến một video kêu gọi sự tỉnh thức : « Các vị có quyền và có cơ hội để trở thành những người anh hùng Mỹ trong sử sách, vì đã thay đổi dòng chảy lịch sử ».

Các đại cử tri bị buộc phải tuân theo truyền thống, ý thức trách nhiệm ái quốc, trung thành với khuynh hướng chính trị; hay đơn giản hơn, tại một số tiểu bang, bị ràng buộc bởi một đạo luật buộc họ phải bỏ phiếu cho ứng cử viên đạt nhiều phiếu nhất tại bang mình, nếu không sẽ bị phạt.

Các cuộc thăm dò nội bộ do hãng thông tấn Associated Press và Ủy ban quốc gia đảng Cộng Hòa không cho thấy một đội quân đại cử tri nào sẵn sàng đào ngũ. Nhưng trong trường hợp không đạt đa số hôm nay, người Mỹ vẫn không phải quay lại với phòng phiếu : điều 12 Hiến pháp sửa đổi dự kiến trong trường hợp này, Hạ viện (hiện đa số là Cộng Hòa) sẽ phải chọn lựa tổng thống trong số ba ứng cử viên đạt được nhiều phiếu nhất của đại cử tri. Về phía Thượng viện, sẽ bầu lên phó tổng thống.

Kịch bản như trong bộ phim truyền hình nhiều tập Veep’s chỉ diễn ra có mỗi một lần vào năm 1836, gây sốt cho tổng thống đắc cử Martin Van Buren của đảng Dân Chủ. Khoảng hai chục đại cử tri Virginia đã từ chối bỏ phiếu cho phó tổng thống trong liên danh của ông là Richard Mentor Johnson, họ thiên về ông William Smith. Sau đó Thượng viện đã quyết cho ông Johnson lên làm phó tổng thống, đúng theo kết quả cuộc bầu cử toàn quốc. Theo Richard Berg-Andersson, giám đốc trang mạng phân tích chính trị The Green Paper« kể từ 1948 đã có 9 đại cử tri bỏ ngũ, nhưng không gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ».

Toan tính

Những xung đột lợi ích có thể xảy ra đối với Donald Trump cũng khiến các đại cử tri lo ngại. Tổng thống tân cử đã hủy bỏ cuộc họp báo đầu tiên, dự kiến vào ngày 15/12. Các luật sư của họ cũng đã dành thì giờ để hình dung ra tương lai của đế chế thương mại Trump Organisation, và các đại cử tri có thể bỏ phiếu với lương tâm ít cắn rứt hơn trước các vấn đề nhức nhối trên…

Nhưng nếu một số đại cử tri quyết định không bầu cho Donald Trump, thì cũng ít có cơ hội họ dành lá phiếu cho bà Hillary Clinton. Một số người có thể bầu cho các nhân vật Cộng Hòa ôn hòa hơn như John Kasich, Mitt Romney, hay bất kỳ ai họ cho là có năng lực.

Từ phía cánh tả cũng như cánh hữu, nhiều nhà quan sát coi xu hướng mất lòng tin này là một tiền lệ nguy hiểm cho tiến trình dân chủ. Và thế là cuộc tranh luận về Hiến pháp liên quan đến hiệu quả của chế độ đại cử tri lại dấy lên. Đây là lần thứ hai trong vòng 16 năm, nước Mỹ bầu lên một tổng thống đã thua trong cuộc bầu cử phổ thông.

Lần đầu tiên là năm 2000, khi ứng cử viên Dân Chủ Al Gore phải thua George W.Bush trong khi ông đạt được nhiều phiếu phổ thông hơn. Bốn năm sau, Al Gore nói đùa trong đại hội đảng Dân Chủ : « Các bạn đều biết câu tục ngữ về bầu cử : bạn thắng một số bang, thua ở một số bang, và lại có yếu tổ thứ ba nho nhỏ, mơ hồ ». Vào thời kỳ ấy, yếu tố thứ ba nho nhỏ mang tên Florida. Cuộc kiểm phiếu lại đầy hồi hộp diễn ra mất hơn một tháng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những cổ phiếu “giấy lộn”



Thành Nam

(TBKTSG) - Cầm 500 đồng trong tay, bạn có thể mua được gì? Trà đá, mớ rau cọng hành, gửi xe đạp (không phải xe gắn máy)... đều không. Vào siêu thị mua đồ, không có 500 đồng thối lại, cô nhân viên thu ngân trả cho bạn cái kẹo. Ấy vậy mà có nơi 500 đồng có giá lắm. Nếu bạn biết cách tiêu pha, nó có thể trở thành 50.000 đồng vào một ngày đẹp trời không biết chừng. Nơi ấy là sàn UpCom của thị trường chứng khoán.

Giới đầu tư giờ đây không còn xa lạ với khái niệm cổ phiếu dưới mệnh giá, thậm chí cổ phiếu có thị giá 3.000-5.000 đồng. Nhưng hẳn không nhiều nhà đầu tư nghe nói hoặc tận mắt thấy cổ phiếu giá 300-400 đồng.

Trên sàn UpCom hiện nay có 23 cổ phiếu thị giá dưới 1.000 đồng. Có thể kể ra vài loại cổ phiếu với giá đóng cửa ngày 9-12-2016 như Công ty cổ phần Việt An (AVF) giá 300 đồng; Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) 500 đồng; Công ty cổ phần Ô tô giải phóng (GGG) 500 đồng; Công ty cổ phần Thuận Thảo (GTT) 300 đồng; Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLA) 300 đồng; Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Trung (PXM) 400 đồng; Công ty Sông Đà 9.06 (S96) 400 đồng; Công ty Xây dựng số 15 (V15) giá 500 đồng; Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB) giá 400 đồng, Nhựa Tân Hóa 500 đồng...

Hầu hết các doanh nghiệp trên đều có một đặc điểm chung là đã từng niêm yết nhiều năm trên sàn Hose hoặc Hnx. Tuy nhiên sau thời gian dài thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, chúng bị hủy niêm yết bắt buộc và phải lùi về UpCom. Sự thua lỗ của chúng cũng muôn hình vạn trạng: vay ngân hàng lãi suất cao, mở rộng đầu tư không đúng thời điểm, “chết” vì giá nguyên vật liệu đột biến, hoặc sản phẩm làm ra không cạnh tranh được trên thị trường, chịu tác động của khủng hoảng trong lĩnh vực ngành nghề trên thế giới như vận tải biển...

Nay các doanh nghiệp này đều sống lay lắt, nợ đầm đìa song chưa hoặc không thể phá sản vì các lý do khác nhau. Một số trong đó vẫn sở hữu những tài sản có giá như tàu bè, đất đai ở các địa phương. Họ không thể thanh lý những tài sản còn lại đó vì thanh lý là hết, không còn gì hoạt động. Vả lại thanh lý được đồng nào, ngân hàng thu ngay đồng đó.

Đây là những cổ phiếu rẻ rúng nhất thị trường hiện nay, giá trị hiện hữu đúng nghĩa tờ giấy lộn. Thế mà chúng đã có thời từng là cổ phiếu đầu cơ, có giá cả chục ngàn đồng, thậm chí trăm ngàn đồng, như Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA); Vận tải Biển bắc (NOS); Khoáng sản Mangan (MMC); Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mêca Vneco (VES)...

Điều lạ là một số cổ phiếu dạng này có thanh khoản tương đối khá, chứng tỏ vẫn có nhà đầu tư quan tâm đến chúng. Một nhà đầu tư kể ông đã bỏ ra vài giờ mỗi ngày trong một tháng tìm hiểu thông tin, đọc báo cáo tài chính, soi dữ liệu giao dịch liệu có triển vọng nào đó đối với cổ phiếu giấy lộn hay không. Chẳng hạn doanh nghiệp khó khăn vì bị đối tác chiếm dụng vốn, các khoản nợ khó đòi từ khách hàng. Có công ty xây dựng công trình đã bàn giao, đã quyết toán nhưng chủ đầu tư không có tiền trả, nên lâm vào khốn khó. Có đơn vị tỷ lệ vốn nhà nước còn nhiều, còn hy vọng được giao việc để làm. Có doanh nghiệp sống dựa vào ngân hàng mẹ, biết đâu xuất hiện cơ hội hồi sinh.

Sàn UpCom vốn dĩ là nơi ít được chú ý cho tới gần đây khi một số đại gia được thúc ép phải đăng ký giao dịch như bia Hà Nội, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Viglacera, Gelex... Đầu tư vào doanh nghiệp ở UpCom giống như “đãi cát tìm vàng”, không những đòi hỏi nhà đầu tư sự kiên trì, dài hạn, mà cả khả năng thẩm thấu, chắt lọc thông tin cũng như lao động trí óc thực sự.

Đã có ý kiến nên loại bỏ những cổ phiếu giấy lộn ra khỏi sàn giao dịch vì sự hiện diện của chúng chỉ làm nặng UpCom. Hơn nữa, một số cổ phiếu đăng ký giao dịch là để có nơi cho nhà đầu tư mua bán, nhưng thanh khoản chúng rất yếu, có ngày không khớp lệnh.

Mới đây tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2016, Nhóm Công tác thị trường vốn đã kiến nghị cân nhắc loại bỏ sàn UpCom, OTC và yêu cầu doanh nghiệp niêm yết trên Hose hoặc Hnx. Có thể hiểu được vì sao nhóm đề nghị như vậy. Độ minh bạch trong công bố thông tin của Hose và Hnx cao hơn, nhà đầu tư có điều kiện để hiểu doanh nghiệp hơn. Còn ở UpCom, doanh nghiệp chỉ phải công bố báo cáo tài chính năm và không chịu những quy định khắt khe về công bố thông tin. Nói tóm lại, giải ngân vào cổ phiếu trên UpCom không hề dễ.

Nhưng dù thế nào, UpCom và những cổ phiếu thị giá trăm đồng vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu của thị trường. Cuộc đời của doanh nghiệp dài ngắn, thăng trầm phụ thuộc vào cả nội lực lẫn ngoại lực, cả khách quan và chủ quan. Qua cơn bĩ cực, doanh nghiệp có thể “sống” lại, và khi ấy giá cổ phiếu sẽ biến động hàng chục, hàng trăm lần. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ bị đào thải hoàn toàn ra khỏi sự quan tâm của nhà đầu tư. Từ “giấy lộn” đến “đào thải” khoảng cách không còn xa. Lúc đó giả dụ nhà đầu tư mua 1.000 cổ phiếu “giấy lộn”, sự thiệt hại về mặt vật chất sẽ không phải quá lớn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang