Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

THƠ VỚI ĐỀ TÀI VẬT LÝ VŨ TRỤ


Trần Văn Nam

 

I/ VẬT LÝ KỲ DIỆU CHƯA PHẢI LÀ THƠ (Tránh những thuật ngữ chuyên môn)
Xem ra trong văn học, cái dễ gây tranh luận là về văn thể, về hình thức văn chương, về ngôn từ (cổ điển, tân kỳ, mới một cách táo bạo). Thành công cũng do ở đó (như bài Tình Già của Phan Khôi, thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền). Và ít có tranh luận về nội dung văn chương nếu tư tưởng trong văn thơ không đá động đến chính trị hoặc niềm tin tôn giáo. Nội dung đi lừng lững vào văn chương mà không có gì cản trở, chẳng hạn nội dung lãng mạn cá nhân trong văn chương Việt Nam thập niên 1930 - 1940, nội dung đổi mới phong tục tập quán trong tiểu thuyết nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nội dung triết lý hiện sinh ở miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh trước năm 1975, nội dung lưu vong và hải ngoại trong văn chương người Việt ở nước ngoài sau năm 1975. Các nội dung trên đến với văn chương một cách tự nhiên, vì đó là lẽ tất yếu của một thời kỳ.Những năm cuối thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, có vài vấn đề trọng đại đến đức tin tôn giáo, như khám phá vũ trụ đang giãn nở do trận nổ Big Bang, liên hệ đến niềm tin Sáng Thế Ký (GENESIS); như việc đúc sinh vật thành nhiều phó bản giống hệt nhau (CLONING), liên hệ đến quyền thiêng liêng của tạo hóa. Đây là những vấn đề đang được tranh luận giữa các nhà bác học và tôn giáo, hơn là giữa đại chúng. Thuyết Big Bang và những khám phá thiên văn vật lý khác, mặc dù là những khám phá do vệ tinh quan sát từ dụng cụ thăm dò thu nhận được tia hồng ngoại hay tia cực tím, nhưng vẫn còn ở ngoài tầm kiểm chứng ở phạm vi toàn diện vũ trụ, một vũ trụ vô bờ. Văn chương chỉ nên trình bày những khám phá mà không ý kiến, vì các nhà bác học còn không dám quả quyết, huống gì phải có ý kiến cho nội dung văn thơ.
Kỳ diệu của vật lý hạch tâm, kỳ diệu của vật lý vũ trụ, kỳ diệu của cái nhìn y khoa về cơ thể con người, đó chưa phải là thơ. Nếu đồng hóa, chính là vì tác giả quá cảm kích, tưởng kỳ diệu khoa học đã là thơ. Ví dụ kỳ diệu của trọng lực khủng khiếp nơi vực trời Black Hole, có người đồng hóa điều đó với thơ. Xin nói rõ: Đối với sức hút còn tương đối nhẹ như sức hút của Trái Đất thì khoảng cách từ đầu đến chân ta không có gì đáng kể, cả thân ta đều rớt xuống cùng một lúc khi ta nhảy lên bị mặt đất hút xuống. Nhưng với sức hút mạnh gấp trăm triệu lần nơi một Black Hole thì khoảng cách đó đã đủ ghê gớm làm cho thân ta bị kéo dài nhằng ra và tơi tả thành hơi bụi ngay tức khắc. Điều này được nói đến qua đoạn văn xuôi của nhà vật lý học danh tiếng Stephen Hawking, trong cuốn "A brief history of Time", trang 88:
"Trọng lực càng yếu khi anh càng ở xa một ngôi sao, cho nên sức hút vào đôi chân một phi hành gia táo bạo (giả dụ dám đến ngôi sao đó) luôn luôn mạnh hơn sức hút đối với đầu của anh ta trước khi ngôi sao (đến giai đoạn) co rút vào mức nghiêm trọng (bị sụp vào bởi trọng lực quá lớn), từ đó biên-bờ-Black Hole được tạo thành (Biên bờ Black Holetức The Event Horizon - thuật ngữ khoa học là Chân-trời-sự-cố, Chân-trời-biến-cố). Cũng với kỳ diệu vật lý này, một nhà khoa học khác dạy ở đại học Princeton đã diễn thành thơ có vần điệu như sau đây:
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI TA RỚT XUỐNG VỰC TRỜIKhi bạn nhảy, chân xuống trước
Vào vực thẳm vũ trụ
Bạn sẽ không thể sống sót
Bởi vì bạn sẽ không bị lỡ dịp đâu.

Sức hút tràn trề của trọng lực
Sẽ tạo ra một hoàn cảnh nguy biến
Khi mà bạn bị căng dài ra từ đầu đến chân
Bạn có chắc còn muốn đi đến không?

Các nguyên tử thân thể bạn, bạn sẽ thấy
Lần lượt rơi tuột vào
Biên vực của rún trời sẽ nuốt chúng
Bạn không có gì để vui đâu.

(In your feet-first dive
To this cosmic abyss
You will not survive
Because you will not miss.

The tidal forces of gravity
Will create quite a calamity
When you are stretched head-to-toe
Are you sure you want to go?

Your body's atoms-you will see them
Will enter one-by-one
The Event Horizon will eat them
You won't be having fun.)

NEIL DE GREASE TYSON
Nhan đề bài thơ: 
What would happen to me
if I fell into a Black Hole
Bài thơ trên diễn tả quá sát với khoa học, kỳ diệu mà không huyền ảo. Bí ẩn tự nó đã là thơ, còn những khám phá khoa học dù kỳ diệu vẫn là sự thật. Vật lý hạch tâm thì quá thông thái, nhưng vật lý vũ trụ có thể vớt vát chất thơ vì từ lâu con người đã thêu dệt về vòm trời tinh tú từ cái nhìn dưới trần thế. Muốn đưa vào thơ phải tận dụng ngôn ngữ văn chương mà ẩn dụ mỹ cảm đóng vai trò chính, và bất đắc dĩ mới nhờ đến từ ngữ khoa học, có như vậy mới phục hồi thi tính cho thơ.
II/ SỰ GIẢI THÍCH TRONG THƠ (Chỉ nên giải thích vừa đủ hiểu khám phá khoa học)
Giải thích cho rõ nghĩa trong thơ, một điều rất tối kỵ. Nhưng xét cho cùng, bài thơ nào cũng có ít nhiều dấu vết của biện biệt. Bởi vì thơ cần ở sự thông cảm của trái tim, của tâm hồn, mà cũng cần sự thông qua của trí hiểu. Tuy nhiên, sự giải thích nếu có ở trong thơ phải diễn ra một cách tiềm ẩn, càng dấu mặt càng hay, càng lược bỏ đi những giới từ biện giải, thường có trong văn xuôi như bởi vì, do đó, cho nên...Thơ Haiku của Nhật là thể thơ cô đọng nhất, rất ít lời. Tác giả tạo ra những khoảng trống giữa các câu thơ, giữa các sự kiện mô tả, để ta bắt gặp những ẩn chứa. Vậy mà, nếu xét kỹ, ta vẫn thấy có dấu vết của sự giải thích. Như sự sáng rõ dưới đây thể hiện dưới dạng một so sánh:
Vỏ trai tách rời
Chia tay cùng bạn
Mùa thu ra đi
Ta biết thơ Haiku qua bản dịch từ Nhật Ngữ, và ta tưởng rằng càng ít lời và thu gọn trong ba câu là cấu trúc của thơ Haiku. Thực ra, thu gọn trong ba câu mà còn quy định chỉ gồm có 17 âm vận. Mười bảy âm vận đối với tiếng độc âm của Việt Ngữ là 17 lời, nhưng đối với Nhật Ngữ là tiếng đa âm nên số lời lại càng ít ỏi. Ít lời như vậy, nên tinh thần của thơ Haiku không cốt ở mô tả, mà chính là vận động thể nghiệm trong tâm linh của độc giả:
Khi nhìn kỹ
Tôi thấy nazuna nở hoa
Bên hàng dậu
Sự thể nghiệm ở tâm linh này có thể kinh qua được khi ta ngồi tịnh tâm trong khu vườn cổ trên 500 năm thường thấy ở Nhật. Nơi đó chỉ có vài tảng đá nằm rải rác trong một sân vuông phẳng phiu, chung quanh là những dãy nhà trệt mái ngói rêu phong. Phía ngoài nữa là ngàn cây im vắng. Ngồi đó, ta lắng nghe mối tương quan giữa những cái đơn giản mà khai lộ về huyền diệu của siêu hình.Tạo ra khoảng trống giữa các câu thơ để dành cho sự thể nghiệm trong tâm linh của độc giả. Tuy vậy, đọc các bài thơ tuyệt tác của Basho như bài "Ao Cũ" hay "Con Quạ", ta vẫn thấy sự giải thích qua mối tương quan nhân quả giữa những sự kiện được nói đến trong bài thơ. Huống chi là ở các thể thơ khác. Ví dụ trong bài thơ "Thề Non Nước" của Tản Đà:
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn...
Đây là một kiến thức phổ thông về sự vận chuyển nguồn nước cứ muôn đời tiếp diễn giữa núi non và biển cả. Thời hòa bình, đó là một ẩn dụ về tình gắn bó của phu thê. Thời chiến tranh, đó là ẩn dụ về tình non sông đất nước. Sự giải thích ở trong thơ mang đến niềm hân hoan hội ngộ, lạc quan trong lẽ tuần hoàn:
Sông kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui...
Thi sĩ Tản Đà hướng về quần chúng, hướng về độc giả, nên có sự giải thích ở trong thơ. Tuy nhiên, có những người làm thơ chỉ cho mình hiểu, hoặc chỉ dành cho một nhóm nào đó, ví dụ riêng cho nhóm nhà nghiên cứu khoa-học qua bài thơ dưới đây của nữ thiên-văn-gia Nancy Abrams:
Trong thành phố Santa Cruz,
Những nhà thiên văn tìm kiếm trên bầu trời
Và họ nói với tôi điều gì họ thấy được
Trong ba trăm đêm miệt mài quan sát
Chúng ta sống trong một vũ trụ đang giãn nở
Vũ trụ đang giãn nở, vũ trụ đang giãn nở.
...
Vật chất tối lạnh trong vũ trụ không đầy đủ
Chúng ta sống trong vũ trụ đang giãn nở
Vũ trụ đang giãn nở, vũ trụ đang giãn nở.
(In the town of Santa Cruz
Worked astronomers who searched the sky
And they told me what they found
In three hundred nights of observing time
We all live in an expanding universe
Expanding universe, expanding universe.
...
Cold dark matter is not enough
We all live in an expanding universe
Expanding universe, expanding universe).
Tác giả không giải thích thế nào là vũ-trụ-giãn-nở và vật-chất-tối-lạnh (cold dark matters). Không phải ai cũng đã đọc qua những khám phá mới đây về môn thiên văn vật lý. Thật khó khăn cho Thơ khi phải giải thích, và đã là văn chương thì phải tránh dùng từ ngữ khoa học (bất đắc dĩ phải nhờ đến nó). Lấy ví dụ thông thường như khi ta ăn một ổ bánh mì: trong đó có những miếng thịt thái mỏng, và dưa cà hành ớt được cắt xẻ gọn gàng. Thái và cắt, ví như những giải thích ở trong thơ. Tự chúng, không làm thành miếng ngon, không làm thành cái hay cho bài thơ, nhưng chúng là những cần thiết để đưa tới một thưởng thức trọn vẹn, khỏi bị gián đoạn tìm đọc chú thích dưới bài thơ.
III/ VAI TRÒ CỦA ẨN DỤ MỸ CẢM (Cần biểu tượng có chất thơ cho đề-tài khoa học)
Đã khá lâu, từ thời mới vào trường trung học, ta đã học văn phạm. Và vì đã khá lâu nên đến nay ta ngờ ngợ giữa liên từ và giới từ, giữa từ và chữ... Ta thử ôn lại ẩn dụ và hoán dụ. Ví dụ khi ta viết: "Chiến tranh giáng xuống một cơn giông bão thời cuộc". Ta đã so sánh chiến tranh với cơn giông bão, sự so sánh không cần liên từ "như" làm trung gian đứng ở giữa. Đó là một ẩn dụ, một so sánh tương đương. Còn như khi ta viết "chiến tranh, cơn khói lửa" hay "cơn đao binh", thì khói lửa hay đao binh chỉ là một phần của chiến tranh, một sự so sánh không phải tương đồng. Đó là một hoán dụ.Vậy hoán dụ là sự so sánh do tương quan kết hợp. (Xin xem phần mỹ từ pháp trong cuốn "Việt Nam Văn Phạm" của Trần Trọng Kim, và phần tu từ pháp trong cuốn "Cấu Trúc Thơ" của Thụy Khuê). Ẩn dụ hay hoán dụ có thể chỉ ở vài từ, mà có khi gồm trọn bài thơ hay cả một tập truyện. Trọn bài thơ "Thề Non Nước" của Tản Đà, truyện "Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời" của Mai Thảo, đều là những ẩn dụ. Ta cần lưu ý ẩn dụ và nhân cách hóa, vì cả hai thường đứng cận kề nhau. Ví dụ "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" (Nguyễn Du). Hoa đào là ẩn dụ, so sánh với người đẹp. Nhưng "hoa đào cười" là nhân cách hóa, coi sự vật sinh hoạt như con người.Ta cũng nên phân biệt ẩn dụ thường và ẩn dụ mỹ cảm. "Ẩn dụ thường" chỉ dùng để tránh điệp ngữ, nghĩa là dùng một sự so sánh để tránh lặp lại những từ đã dùng nhiều lần. "Ẩn dụ mỹ cảm" cần thiết cho thơ. Ẩn dụ mỹ cảm cần phải sáng tạo riêng, đừng lặp lại của người khác để tránh khuôn sáo. Khi đặt vấn đề thơ phải tận dụng ngôn ngữ văn chương (vì cảm hứng về đề tài khoa học) thì ẩn dụ mỹ cảm sẽ đóng vai trò chính. Ví dụ khi ta viết về đề tài những thiên thể vĩ đại có trọng-lực hút lẫn nhau. Thiên thể vĩ đại hơn hết trong vũ trụ là các Thiên-hà. Ngân-hà cũng là một Thiên-hà, có tên riêng như vậy vì chi-chít sao của nó trông xa giống như một con sông bạc màu sữa ngà. Các Thiên-hà khác cũng chi-chít tinh tú, nhưng ở quá xa nên ta không thể thấy được bằng mắt thường. Các Thiên-hà tụ thành do hàng tỉ tinh tú, và những khối hàng tỉ tinh tú ấy quay quần như từng hòn đảo riêng và phân bố rải rác trong vũ trụ rất xa nhau, nhưng đôi khi có hai khối lại tao ngộ chỉ cách nhau một hay hai triệu năm-ánh-sáng. Khoảng cách ấy kể như rất gần đối với vũ trụ bao la vô tận. Gần kề, nên trọng-lực hai Thiên hà hút nhau, nhưng đồng thời lại bị sức giãn nở sau trận Big Bang làm cho tất cả đều bị trôi giạt ra ngoài rìa vũ trụ. Ta so sánh điều này như một đôi-lứa keo-sơn, gắn bó cùng đi trên chuyến-tàu-thời-gian, cứ đi mãi cho đến tàn cuộc đời. Thiển nghĩ đây là một ẩn dụ mỹ cảm do diễn tả bằng biểu tượng có chất thơ. Cố công thi-hóa những khám phá vật lý vũ trụ, người viết bài này đã đôi lần thử-nghiệm sáng tác, xin giới thiệu bài thơ dưới đây (những bài thơ khác cùng loại, đã tuyển chọn lại, trong http://www.tranvannam.com):
Đỉnh núi xanh với Viễn-vọng-đài
Khiến trời bí ẩn đã cung khai
Ngân-hà không phải nơi cùng tận
Còn rải rác trời dấu nhạt phai.
Những đốm mờ mờ như bụi hơi
Bấy lâu tưởng ở cùng bầu trời
Mà bao nhiêu triệu quang-niên cách
Những đảo Thiên-hà tụ lẻ loi.

Từng đốm Thiên-hà một cõi nơi
Có khi tao ngộ, hút song đôi
Mỗi giây vạn dặm gần nhau lại
Vài tỉ năm là xáp nhập thôi.

Hấp-lực quần nhau riêng biệt phương
Khi vòng ngoài, vũ trụ phình trương
Khởi từ Trận Nổ rồi lan rộng
Những đảo-trời trôi giạt thảm thương!

Cục-bộ giao-tình hút-kéo-lôi
Mà miên-trường, tất cả cùng trôi
Như hai hệ-lụy đời chung kiếp
Trên chuyến-thời-gian bất phục hồi.

(Bài thơ: Ghì Nhau Khi Trôi Giạt - Tạp chí VĂN, bộ mới, số 2, năm 1997 - California)
Rất may mắn (vì thật hiếm hoi) khi tìm được một bài thơ ẩn dụ mỹ cảm rất sát với vấn đề đang bàn tới: bài thơ của thi sĩ John Updike cảm hứng về những tia vật chất tàng hình trong vũ trụ. Khoa học gọi là Dark Matter (chất tối), đó là loại vật chất (có thể là những hạt vô cùng nhỏ, có thể là những thiên thể vô cùng vĩ đại) mà khoa học chưa thể dùng viễn-vọng-kính mặt gương để thâu nhận hình ảnh vì nó không phát ra ánh sáng. Nó cũng không phát ra những tia vũ trụ khác để thâu nhận hình ảnh qua vô tuyến viễn vọng (Radio-telescope), hồng-ngoại-viễn-vọng (Infrared-telescope), cực-tím-viễn-vọng (Ultraviolet-telescope), quang-tuyến-viễn-vọng (X-Ray-telescope). Vì vậy nó là vật chất tàng hình. Tàng hình nhưng nó lại chi phối sự vận hành trong vũ trụ, có tới 90% vật chất trong vũ trụ là tàng hình. Nếu không có 90% vật chất đó thì vũ trụ (bao gồm những-thấy-được bằng viễn vọng kính mặt gương nắm bắt ánh sáng; và những-thấy-được bằng các loại viễn vọng nắm bắt tia vũ trụ); tất cả gọi là vũ trụ đó vẫn không đủ trọng lực để hãm bớt đà bành trướng giãn nở sau trận Big Bang. Một trong những thứ vật chất tàng hình là trùng trùng lớp lớp hạt Neutrinos. Chúng đang đi xuyên qua thân thể con người, xuyên qua cả Trái Đất, chỉ có thể đặt các máy dò tìm chúng ở dưới đáy biển sâu, hoặc dưới các hầm mỏ thăm thẳm trong lòng đất. Một đoạn trong bài thơ như dưới đây:
Những hạt Neutrinos vô cùng nhỏ
Chúng không có điện tính,
cũng không có sức nặng
Và không kết hợp với bất cứ chất gì khác
Trái Đất đối với chúng
chỉ là một khối cầu mềm
Giản dị, bởi vì chúng đi xuyên qua
...
Từ không gian đến,
chúng là những máy chém không đau
Đi xuyên qua đầu ta xuống đến đồng cỏ
Ban đêm, chúng đến xứ Nepal
Đâm sâu qua thân thể hai kẻ đang yêu
Xuyên lên từ phía dưới giường của họ
(Vì chúng qua từ hướng bên kia Trái Đất)
Bạn gọi đó là một điều kỳ diệu
Còn tôi cho là một sự xâm nhập thô lỗ
(Neutrinos, they are very small
And do not interact at all
The earth is just a silly ball
To them, through which they simply pass
...
And painless guillotines, they fall
Down through our heads into the grass
At night, they enter at Nepal
And pierce the lover and his lass
From underneath the bed - you call
it wonderful; I call it crass.
(Trích trong bài thơ Cosmic Gall của John Updike)
Một vấn đề khoa học, một khám phá kỳ diệu về vật chất, lại được diễn tả bằng hình ảnh rất gần với nhân sinh, gần với thế gian phàm tục, khác với khoa học viễn tưởng của ngành vật lý lý thuyết. Vật lý lý thuyết gần kề với truyện khoa học giả tưởng, nhưng tưởng tượng của nhà bác học dựa vào các phương trình toán học cao cấp; không phải hoàn toàn giả tưởng. Thuyết tương đối của Einstein, Baby Universes được hình thành sau khi các Black Holes tiêu thụ vật chất của vũ trụ này (do Stephen Hawking nghĩ ra); wormholes (lỗ con sâu) tức là những đường hầm thông qua các vũ trụ thuộc kích thước thứ tư thứ năm... đều là những vấn đề của Vật Lý Lý Thuyết (Theoretical Physics). Đây là một bài thơ viễn tưởng cảm hứng từ vật lý lý thuyết:
Có một cô nàng tên là Hào Quang
Nàng đi mau hơn tốc độ ánh sáng
Nàng đi trong một ngày, đi vào lẽ Tương Đối
Trở về khởi điểm trước lúc khởi hành.
(Xin dịch thoát câu cuối cho dễ hiểu điều nghịch-lý thời-gian trong Thuyết Tương Đối)
(There was a lady named Bright
Who traveled much faster than light.
She departed one day in a Relative Way
And returned in the previous night)
(Tác giả: A.H.R. Buller)
Dựa vào vật lý lý thuyết hay dựa vào những khám phá vật lý vũ trụ mà viết thành truyện hoang đường thì đó là văn chương khoa học giả tưởng. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với tập truyện "Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn" (xuất bản 1960 tại Sài Gòn) dựa vào thuyết tương đối của Einstein. Truyện con người đi với tốc độ ánh sáng làm thời gian chậm lại mà trở về thế kỷ 18, trở lại Thăng Long vào năm vua Quang Trung lâm bệnh nặng, cứu sống nhà vua để hoàn tất phần lịch sử đã bỏ dở do cái chết lúc còn quá trẻ của ngài: "Một lít huyết thanh khô đóng bánh ở ngân hàng máu thành phố Nữu Ước, được Khang cho pha loãng trở lại và chảy dần dần vào huyết quản vị anh hùng Tây Sơn" (trang 222, sách đã dẫn). Cũng như loạt phim khoa học giả tưởng "Star Trek" đã dựa vào những khám phá mới đây của vật lý vũ trụ, qua phân tích của giáo sư thiên văn Lawrence Krauss của trường đại học "Case Western Reserve University", rất rõ ràng dễ hiểu trong chương 9 của cuốn "The Physics of Star Trek", xuất bản năm 1995 tại Hoa Kỳ (New York).
TRẦN VĂN NAM
(Kèm theo dưới đây là 9 bài thơ với đề-tài vật-lý vũ-trụ)

VIỄN KHÁCH NGÀN NGÀN NĂMTừng mảng bay ngoài Hệ Thái Dương
Những băng đá tảng thoát từ trường
Nương theo quỹ đạo thiên hà lớn
Rồi cũng trong vòng lực hỗ tương.

Cả trời Trọng-lực đang tranh đua
Vũ trụ giằng co sức giạt lùa
Có tảng rơi dần vào sức hút
Xuống vùng thiêu đốt Mặt-Trời-Vua.

Gió mặt trời làm nước bốc hơi
Thành đuôi sao chổi sáng xanh ngời
Dài mươi triệu dặm bay lừng lững
Quét lửa dạ hành, đuôi tả tơi.

Có cái ngàn năm một giáp vòng
Cái trăm năm, quỹ đạo đi xong
Bầu trời cũ, những chòm sao bạn
Viễn khách ngàn năm, ai ngóng trông?

Chợt nhớ năm nào sáng thủy tinh
Góc trời Khánh Hội chớm bình minh
Ta xem sao chổi bên kia bến
Sau đó, đường ai quỹ đạo mình.

Quỹ đạo trời, vòng khép lạc quan
Hẹn nhau thiên kỷ năm hai ngàn
Đường bay tái ngộ, đường sao chổi
Dù mất hay còn cõi thế gian.
LỐC XOÁYTần số chu kỳ ánh sáng xa
Đến từ thăm thẳm những thiên hà
Mỗi đêm thưa bớt vòng truyền sóng
Vì vũ trụ này giãn nở ra.

Vang động Ngân Hà trên cõi cao
Đang vào cơn trốt chuyển, lao đao
Lực gì khiến thiên hà xoáy lốc
Lực của Rún Trời mạnh xiết bao.

Ta lắng tai nghe vô bến bờ
Bên thềm khuya khoắt đêm xanh lơ
Đem lòng phơi trải vào cao rộng
Khi phố buồn yên lặng ngủ mơ.

Hình như có hạt bụi chơi vơi
Có giọt sương khuya xuống rạc rời
Sinh vật hành trình vào số kiếp
Đến rồi đi, một cuộc rong chơi.

Ếch ngồi đáy giếng đoán trời mưa
Con kiến truyền tin gió đổi mùa
Nhân thế phóng tâm dò vũ trụ
Biết mà chơi, biết mấy cho vừa.

Trăng sáng đầu giường vọng cố hương
Bên kia giờ ngọ, đây đêm trường
Vòm sao còn ở tầm trông thấy
Thì bán cầu nào phải viễn phương.
THÁNG TÁM NHIỀU SAO BĂNGTháng tám trời khuya quẹt lửa diêm
Sao băng từng chập rọi vô biên
Có đêm liên tục rồi thưa hẳn
Như một định ngày tự cõi thiên.

Bởi Địa Cầu xoay tới điểm giao
Gặp dòng thiên thạch vút lao đao
Đá trời, vụn mảnh, bay rầm rập
Sức mạnh vận hành, vũ trụ chao.

Những tảng dị hình muôn cổ sơ
Tuân theo quỹ đạo tự bao giờ
Vụn từ tan rã hành tinh đụng
Trên cõi ngàn năm như nhởn nhơ.

Trái Đất hút, nguồn lực chứa chan
Đá vào khí quyển, cháy tro than
Cả đêm, sao xẹt rừng thông lớn
Những đốm tàn hơi xuống bãi ngàn.

Cổ đại nghìn thu đá trước thềm
Còn là quá trẻ với tầng trên
Đá này đá nọ bao nhiêu tuổi
Ở với đời người mấy kiếp thêm.
SỬ GHI TỪ ĐỜI TỐNGMột đêm Trung cổ trên hoàng cung
Chợt lóe vì sao lúc nổ bùng
Rực sáng vài đêm rồi lại tắt
Suy ra triều đại sắp lâm chung.

Nhà thiên văn đã lỡ thông tri
Dư luận xôn xao lẽ trị vì
Hình phạt phao đồn là trảm thủ
Chuyện xưa đời Tống, sử còn ghi.

Tính đã ngàn năm biến đổi đời
Bao nhiêu triều đại đã thay ngôi
Mà tàn dư của vì sao nổ
Còn tụ mờ mờ đám bụi hơi.

Xa lắm, con người không thấy đâu
Chỉ luồng tín hiệu đến địa cầu
Bụi hơi quần tụ hình cua biển
Điện toán họa từ viễn vọng thâu.

Năm ngàn năm cách biệt quang niên
Tro bụi còn trên một cõi miền
Trụ bóng loài cua nằm biển lặng
So đời dưới thế, nắng qua hiên.
HỐ ĐEN BLACK HOLE CÓ THẬTViễn-vọng-kính phóng lên thượng tầng
Hướng về chi chít giải sao giăng
Giữa Thiên Hà, Vực Trời xoay chuyển
Vòng xoáy ngoài, ngàn tia phát quang

Trước khi hút xuống vũng-càn-khôn
Vẩn thạch, hành tinh, chạy dập dồn
Tia cực tím khó vào Trái Đất
Chính từ vực thẳm bắn ra luôn.

Đo tia cực tím xuyên qua trời
Gần miệng vực, càng rải khắp nơi
Quả có Vực Trời đang hiện diện
Lực vào sức hút biệt tăm hơi.

Nhìn trời tự hỏi ta nơi đâu
Dù ở Đông hay Tây bán cầu
Dù nắng quê là đêm viễn xứ
Địa Cầu xanh nhỏ biển năm châu.

Trăng lặn phương nào ở chốn xa
Cuối đêm mọc sáng giải Ngân Hà
Nhìn Thiên Hà giữa lòng cao thẳm
Mà thấy thế gian chỉ một nhà.

Vạn niên ánh sáng, muôn trời sâu
So với cuộc đời khoảnh khắc mau
Trái Đất ta đang vòng quỹ đạo
Xứ người, quê cũ, khác gì nhau.

Tàu vũ trụ về Trái Đất quen
Báo tin tìm thấy Vực Trời đen
Nghe như bốn biển vòng quanh nhỏ
Và nghĩ quê mình chỉ kế bên.
LỬA TẬP TRUNGPhòng thí nghiệm dài trong đất sâu
Chạy vòng dưới núi bên trời Âu
Tăng cường nhiệt độ lên hàng tỉ
Tái diễn càn khôn buổi khởi đầu.

Vật chất siêu vi chạy nổ tung
Trong lò phản ứng đường vòng cung
Nhanh bằng ánh sáng, hạt đụng hạt
Nhân tạo làm nên lửa tập trung.

Họ đang tái tạo hạt căn nguyên
Vật chất sinh ra tự ảo huyền
Vũ trụ do từ nguồn hạt nhỏ
Hình thành qua lớp lớp cơ duyên.

Thí nghiệm càn khôn, lúc nổ tan
Bầu trời, một đám cháy miên man
Cái lò nung nấu sinh muôn vật
Đất đá nguội dần đón thế gian.

Trận nổ Khai-Thiên có thật không?
Trời sao nay vẫn lửa đang hồng
Thiên hà, tinh tú, còn bay miết
Sóng nhiệt đầy trời chẳng viển vông.

Người tốn hao, tìm lẽ nhiệm mầu
Hơp nhau nhiều nước ở trời Âu
Bình thường, mình cũng mê huyền ảo
Thử hỏi ngàn sao tự bởi đâu?
VÔ TUYẾN TỪ GIẢI NGÂN HÀLàn sóng khó thâu qua điện đài
Hướng trời, giàn Viễn Vọng căng tai
Ngóng nghe từ giải Ngân Hà đến
Tín hiệu trùng trùng xuống vãng lai.

Các thiên thể chính là nam châm
Gây triền miên những chuyển động ngầm
Từng luồng sóng-hạt siêu tốc độ
Tạo cuồng lưu vô tuyến vi âm.

Không hệ thống do từ trí khôn
Sóng âm, mớ hỗn tạp vô hồn
Tín-hiệu-đồ truy ra vô nghĩa
Sinh vật nào đâu, cõi trống trơn!

Đan chéo dọc ngang, xoáy cực mau
Siêu-vi-hạt cháy lửa thiên thâu
Đụng nhau, hủy thể, rồi tân tạo
Vật chất ngàn tia vút địa cầu.

Đêm đêm Viễn Vọng quay thăm dò
Mong sứ điệp nào xuống nhỏ to
Vẫn biệt tăm hơi ngoài Trái Đất
Lẽ nào không, khắp cõi vô bờ.

Hãy nghĩ không gian còn chúng sinh
Những đời sống tít tắp hành tinh
Hãy chờ làn vô-tuyến hệ-thống
Từ trí khôn ngoài Trái Đất mình.
QUÁI VẬT VŨ TRỤ
Các viễn-vọng-kính từ Trái Đất đều chụp được hình
ảnh Thiên Hà M.87. Trung tâm của nó phóng xuất
ra một luồng năng lượng dài sáu ngàn quang-niên.
Thiên Hà M.87 cách Ngân Hà 50 triệu năm ánh sáng.
Phía chòm sao Xử Nữ Đồng Trinh
Nhưng thật sâu trong trời lặng thinh
Nơi ẩn một Thiên Hà cực lớn
Quang niên vời vợi triệu hành trình.
Năm chục triệu năm tới cõi trần
Đường đi ánh sáng xé tinh vân
Từ xa ta thấy như toàn cảnh
Sức mạnh quần cư sao chuyển vần.

Tâm điểm Thiên Hà lửa hỗn mang
Vọt ra xanh biếc vòi hào quang
Giăng dài sáu ngàn năm ánh sáng
Xa thẳm nhìn như sợi chỉ ngang.

Nếu biết trăng soi chỉ một giây
Ánh dương tám phút lại về đây
Vòi hào quang quả là ghê gớm
Năng lực nào trong khoảng tối đầy.

Quái vật kia là sức vạn năng
Hỗn mang lập lại thế cân bằng?
Vực Trời tác động hay sao nổ?
Vòi sáng nhìn như lửa giá băng.

So thấy mong manh trái đất này
Chỉ là thiên thể vật vờ bay
Huống chi mình, phận hèn cây cỏ
Hang dế nhìn ra vũ trụ bày.

QUẦN TỤ RẢI RÁCViễn vọng cõi trời bằng mặt gương
Nhãn quan cực mạnh vào miên trường
Thấy xa hàng triệu năm ánh sáng
Vạn Thiên-hà, vạn bãi kim cương.
     
Mỗi một Thiên-hà hàng tỉ sao
Quay tròn thành bãi như cù lao
Do từ Trận Nổ thời mù mịt
Tinh tú quần cư tự thuở nào.
        
Tinh tú rải trời tốc độ mau
Tụ quần từng cõi, biệt xa nhau
Thời gian khởi sự là khi đó
Mười ba tỉ năm, thuở bắt đầu.
      
Rồi triệu bãi sao giãn nở hoài
Làm không gian rộng mãi ra thôi
Tiêu hoài năng lượng thành băng giá
Thiên thể sẽ ngừng, dứt chuyển trôi?
      
Nghĩ xa nghĩ lại cái ta gần
Với phận người mang một tấm thân
Bảy tám mươi năm làm giới hạn
Trách sao người chẳng khóc phù vân.
      
Nghĩ xa nghĩ lại không gian mình
Trái Đất, trời quê, ta quẩn quanh
Tre mọc bìa làng, dừa thẳng tắp
Hồn từ viễn xứ nhớ quê xanh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một ngày sau cơn mê..


HG
Đang buồn, chẳng định đi đâu. Lại nhớ hôm ở Hà nội nghe đọc thơ Đồng Đức Bốn, mà kinh:
"Buồn buồn chẳng biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu qua cầu Chương Dương.."
Nhà thơ viết những câu thơ này chỉ ít lâu sau là mất. Như vệt sao băng rơi vội ở cuối chân trời.
Nghiệp viết, tự nhiên nổi đình nổi đám là chuyện thật đáng sợ. Lâu rồi như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao .. Gần đây : Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Lãng Thanh .. Toàn những tài năng mới mẻ đi qua thế giới khi tuổi còn rất trẻ. Để lại tiếc thương cho không biết bao bạn bè, người đọc trong đó có mình.
Có lẽ, như các cụ bảo chết trẻ, khoẻ ma, linh hồn họ còn vấn vít, đuà bỡn cõi đời khá là lâu . .
Hắn chẳng có tài năng và mông ước như thế. Hắn chỉ là tên viết quèn, lẫn lộn trong đám vô danh, chỉ có ít người biết. Nhưng cũng tự thấy mừng, mình không đột ngột sáng lóe lên để rồi ngỏm vội như những tài năng nọ !
Thôi thì cứ cố gắng thử, trời chả phụ công ai, miễn là đừng có vội vàng bỏ cuộc. Nay một chút, mai một chút, dần dần sáng lên từ từ.. Tự an ủi mình chậm mà chắc.
Nhưng không phải lúc nào cũng viết được. Có lúc chữ nghĩa sắc nhọn như mảnh chai vỡ cứa vào tâm vào não, buốt nhói mà không sắp xếp được thành câu, viết ra thành lời. Lại có lúc nó khô khốc như mớ rơm mớ cỏ chẳng đáng nuôi bò. Sợ nhất nó nhạt nhẽo vô duyên vì cũ kỹ, vì giả dối.. Hắn nhớ đến cái giọng cười mỉa mai của ông bạn già mà muốn khóc :
" Văn chương chữ nghĩa bề bề
Bị lờ ám ảnh là mê mẩn đời " !
Nhiều lúc muốn bỏ mà không bỏ được. Y như con nghiện, vật vã hàng tuần vì không viết được cái gì ra hồn.
Việc gì muốn cố, có thể cố được, chứ viết lách biết cố làm sao?
Hôm qua sếp bảo:
- Tết nhất đến nơi rồi, năm mới là năm có nhiều sự kiện trọng đại.. ( Hắn nghĩ ngay trong bụng : Năm nào mà không trọng đại ? Một đời người mấy mươi năm, chả có năm nào đáng bỏ đi cả, cho dù năm đó toàn chuyện không vui, thậm chí đau lòng.. Làm cái thằng người học đòi viết lách hắn biết lắm chứ, cái gì cũng cần, không lúc này thì lúc khác. Có năm tháng nào đáng bỏ đi đâu? )
Sếp tiếp:
- Ông về viết cho tôi cái ký, nếu viết được tuỳ bút thì tốt nhất. Truyện ngắn, thơ thì có đầy ra đấy rồi. Số tết này bí nhất là không có cái ký cho báo nhà .. Ông là chúa lười, chả chịu viết mấy thể loại này. Lần này cố gắng lên, không cần dài, có nội dung hay, có phát hiện mới là được rồi. Thêm vài bức ảnh càng hay ..
Hắn thưa:
- Nhà em đã gưỉ mấy bài ở chỗ anh rồi ạ?
Sếp nhăn mặt :
- Không được, không được! Ông viết thế quá bằng giết tôi. Báo tết mà mấy cái tít ông đặt tên như thế quá bằng chơi xỏ nhau. Ông định để người ta chan tương đổ mẻ lên đầu tôi à? Nói thật nhá, mấy lần in bài của ông tôi đều lo thấp thỏm như gái mới về nhà chồng làm vỡ vại dưa.. Qua vài ba ngày không có chuyện gì, đêm mới chợp mắt được đấy. Lúc nào cũng nơm nớp lo một cú điện thoại ..
Hắn nghĩ bài vở mình viết với ý thức trách nhiệm, có gì sai về nội dung đâu? Này nhé : Không kích động bạo lực, kích dục, khiêu dâm, không tiết lộ bí mật, không chống bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.. Chỉ cảnh báo cái ác, phản biện cái sai, cái xấu ..vv nói chung là lành mạnh, đúng với tiêu chí là" chân, thiện, mỹ". Vậy thì không được, hỏng ở chỗ nào?
Hắn hoang mang quá, nhưng lại không dám tranh luận với sếp.
Kinh nghiệm ấy hắn rút ra được sau nhiều năm làm việc với sếp rồi. Cãi lại sếp bao giờ mình chẳng thua?
Ông ấy có trăm ngàn lý lẽ để chiến thắng mình. Đằng sau ông ấy cả một “thành trì tư tưởng” chống lưng. Ông ấy thắng một cách lẫy lừng, quang minh, chính đại nữa ấy cơ chứ!
Hắn chỉ dám hỏi lại :
- Nhưng nội dung mấy bài nhà em viết có gì không phải ạ?
Sếp cười :
- Nội dung không có gì sai. Nói hay, chưa phải hay qúa, nhưng đọc được. Chết nỗi mấy cái tít không ổn. Ai lại "…” với "…” như thế bao giờ. Người ta không gõ vào đầu tôi ấy à?
Hắn không nói gì nữa, chờ nghe ông nói nốt câu rồi đi. Không khí lúc ấy trong phòng như lắng lại.
Hôm ấm trời, vậy mà trong phòng như đóng băng.
Sếp rót cho hắn ly trà nóng, mùi rất thơm rồi như để tâm sự, sếp xuống giọng :
- Ông còn nhớ vụ mấy bài thơ tết năm ngoái của tay K, tay H không? Có mấy câu mà tôi xoay mãi mới đỡ được.
Quả tình thơ phú mừng xuân năm ngoái hắn quên tiệt, không nhớ bài nào, kể cả thơ của mình. Thơ in báo chẳng mấy khi hay, làm sao nhớ được lâu như vậy?
Nhưng sếp nhớ vanh vách, đọc dẫn chứng luôn:
- Hãi nhất là cái câu: " Gió đồng vẫn thổi dọc sông
Người đi, đi mãi .. Sao không thấy về .."
Tôi cứ bị người ta vặn hỏi mãi:" Người không về, thì người đi đâu?" . Các ông không phải chịu trách nhiệm, các ông đâu biết cái khổ của thằng cầm bút ký duyệt bài đâu ..
Đang buồn vì bài của mình bị sếp chê mà hắn suýt chết sặc vì cười, ly nước trà đang cầm trên tay sánh cả ra ngoài, đổ ướt mặt bàn.
Sếp nghiêm mặt:
- Có gì mà cười, sự tình là thế đấy, các bố đừng tưởng ngon. Người ta đâu có thì giờ đọc kỹ hết nội dung, chỉ lướt cái tít thôi chứ. Nội cái tít như của ông, tôi đã chết bỏ mẹ rồi!
Hắn định nói: "Vậy nhờ anh thay hộ cho cái tít” nhưng lại thôi. Nếu quả thực ông ấy muốn giúp, ông ấy thiếu gì cách, thêm hoặc bớt là việc và cũng là nghề của ông ấy, được người ta cho phép và khuyến khích để gác đền cơ mà?
Vấn đề là bài của hắn chưa cần với tiêu chí đặc biệt của số báo này. Cũng có khi còn vì những lý do quỷ quái nào đấy, ai mà biết được?
Hắn luôn giữ chủ trương của mình. Ấy là bài gửi không bao giờ hỏi lý do tại sao không được in?
Người có chút tự trọng đều làm như vậy. Hỏi nữa sẽ bị đốp vào mặt: " Viết như cứt như thế cũng in được sao?" thì còn mặt mũi nào?
Nói gì thì nói, sếp hắn xưa nay là người chính trực, làm việc không vụ lợi, vơ vào cho riêng mình bao giờ. Ông không như người khác, phụ trách các tờ báo khác, toàn in bài vở của anh em, gia đình, thân thích của mình. Thậm chí có ông còn chủ trương “Nhuận bút ngược” khi tác giả cần in bài để thành danh. Ôi là giờ đây, cái gì cũng có thể xảy ra, như người ta nói.
Chợt nghĩ đến mà buồn hết cả chân tay!
Hắn lặng lẽ xin phép ra ngoài. Tết này coi như mình yên trí không phải ký tên vào sổ lĩnh tiền nhuận bút, tha hồ nhàn nhã để nghĩ đông, nghĩ tây, đỡ rách việc!
**
Hắn còn nhớ như in, đêm hôm trước ngoài vườn có tiếng cú kêu trên ngọn cây nhãn. Cây này thuộc giống nhãn lồng, mọi năm rất sai quả lại quả to và ngọt.
Riêng một cây đến vụ cũng thu được vài ba tạ. Không hiểu sao từ độ năm ngoái đến giờ cây cứ dần khô đi, gần đây thì chết hẳn. Có thể do trời hạn luôn mấy năm liền cây mất dần sức sống. Cũng có thể do ô nhiễm công nghiệp trong vùng mỗi ngày một nặng vì nhãn là giống cây nhạy cảm với xung quanh .. Nhiều lý do lắm, nhưng vì nhãn không còn là cây có giá trị kinh tế cao như ngày nào, nên hắn chẳng bận tâm tìm hiểu lý do vì sao cây chết? Có khi trồng bưởi, trồng cam sành lại hay hơn ..
Giống cú hay tìm cây khô để đậu, như quạ tìm xác chết động vật, chuyện này hắn biết nên lúc đó không để ý lắm.
Nhưng đêm hôm đó hắn gặp cơn ác mộng, lâu lắm hắn không gặp như thế lần nào.
Trong giấc mơ không phải gặp: “Mặt trời thức dậy..” Như thơ Lưu Quang Vũ viết trong một bài thơ cho đến giờ còn rất ít người biết, chỉ bạn bè chuyền tay nhau. Mà là đường hầm tối đen, không có lối ra. Hắn đi mãi, đi mãi.. Đến gần kiệt sức, thấy phía cuối le lói ánh đèn. Hắn mừng khấp khởi. Hại thay đó là lối thoát được đan dày bằng dây kẽm gai.. Hắn tủi thân muốn khóc! Nhưng thằng đàn ông luôn kiêu hãnh trong hắn nhắc hắn không được ngã lòng!
Hắn tự an ủi thế nào cũng có một lối ra ở chỗ nào đấy.. Chẳng qua trong đêm tối mình không nhận ra mà thôi..
Đằng nào cũng mắc kẹt ở đây rồi, cứ tạm nghỉ một chút, lấy lại sức.. mai sẽ hay.. Hắn bồng bềnh trong cơn mộng mị. Chợt hắn nhận ra, trên nền hầm chật chội đang nằm, có một mũi sắt nhọn như từ dưới lòng đất, do một kẻ nào đó tai quái thuốn lên. Hắn tránh bên này, mũi thuốn sang bên này. Hắn né bên kia mũi nhọn cũng chuyển sang bên kia, như vừa doạ lại vừa đùa hắn vậy.. Thật là kinh hãi!
Hắn choàng tỉnh dậy, nhận ra chỉ là một giấc mơ ..
Trạng thái tinh thần ấy ám ảnh hắn đến tận ngày hôm sau, qua cả đêm mất ngủ ..
Cho đến cuộc gặp vừa rồi .
Hắn không tin lắm ở những giấc mơ. Nhưng sau cuộc trao đổi, chả hiểu sao, hắn lại nghĩ ngày hôm nay là ngày chẳng ra gì.
Thôi về ngủ một giấc cho lại sức, vớ vẩn kéo dài tình trạng này , dễ bị tâm thần như không..
Vừa lúc đó có tín hiệu di động, gì thế nhỉ, ai gọi cho mình? Hắn dừng lại ..
Thì ra, một người bạn gọi cho hắn. Anh chàng này hắn phải mang ơn về một việc mà giờ chưa tiện nói. Bạn hắn còn bảo:
-Anh ra ngay đi, có mấy anh em thôi đang chờ anh ở đây!
Hắn hỏi :
- Có chuyện gì à?
Bạn hắn cười :
- Truyện vui, anh em gặp nhau thôi mà.. Quán bờ hồ chỗ .. Nhé !
Hắn lẩm bẩm ( Dạo này không hiểu sao hắn hay lẩm bẩm như “ tiền tâm thần” vậy)
" Chuyện vui, hoá ra ngày hôm nay có chuyện vui sao?”
Hắn phóng xe ra chỗ hẹn.
Không phải ngày nghỉ , đường vắng tanh vắng ngắt. Nhìn ra ngoài mặt hồ có cảm giác cái giá lạnh từ đáy hồ đang tràn lên mặt phố. Hàng cây ban đỏ lúc lắc đung đưa chùm quả khô thâm xịt, nom thật xấu xí. Những quán giải khát ven hồ cũng vắng teo, đám cây cảnh trước nhà hàng trông xanh xao gầy guộc . Mùa này chả thấy loài hoa nào quanh đây. Có chút gì buồn buồn tê tê, tái tái của ngày năm cùng, tháng hết. Đúng là " Người buồn ..” Như cụ Nguyễn ngày xưa từng viết .
Nhưng mà chẳng sao , hắn đâu có ra đây để ngắm cảnh?
Nằm khuất vào phía trong một quãng sau lùm cây phượng có hàng thịt chó, bạn hắn đang chờ. Chẳng biết mấy ông quản lý đô thị nghĩ sao lại để cả một dãy nhà hàng ăn uống, nhất là các quán thịt chó ở một nơi trung tâm thành phố đang xây dựng cơ sở văn hoá như thế này?
Hắn chỉ chợt nghĩ thế thôi, chứ việc chả bận gì đến hắn. Với lại nôm na, mách qué ở một góc cạnh nào đó, lâu ngày đã thành quen, thành biểu hiện trong đời sống hàng ngày .
Bận tâm đến làm gì?
Hắn bước vào quán, phía bên trong vắng ngắt, chưa biết các bạn đang ngồi chỗ nào?
Chợt nghe có tiếng loảng xoảng kim khí, hắn định thần nhìn lại.
Ám ảnh từ giấc mơ đêm qua thoáng hiện lên mũi thuốn thép sắc nhọn, làm hắn chợt rùng mình. Lẽ nào giấc mơ ấy lại là điềm báo trước? Theo bản năng, hắn tự nhiên lùi lại ..
Té ra không phải.. Trong chỗ khuất gần cửa có một quý bà đang hầu rượu một quý ông. Dưới đất, một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, lông mày đậm, lỗ mũi to, miệng rộng, môi dày, đang ngồi trước một bó dao đủ loại còn mới, xanh ánh thép!
Quý ông tóc xuăn, dáng người cao lớn, sống mũi thẳng, nom vẻ hảo hán, ra điều sành điệu, tay chơi. Bên ngoài, quý ông khoác cái áo da rung rúc, phong trần, vẻ mặt vừa như thản nhiên, bất cần, vừa tinh quái. Quý bà khó đoán hơn, chẳng hiểu là tiểu thương hay là trí thức? Mặt tròn, đầy đặn khuôn trăng nhưng cặp lông mày rất mờ che phủ qua loa trên cặp mắt sắc như dao. Thôi cứ xếp vào loại tiểu thị dân là ổn nhất, hắn nghĩ và sắp xếp trong bụng thế !
Từ lâu công việc tạo cho hắn cái thói quen quan sát, nghĩ ngợi linh tinh, ngay cả những chuyện chẳng liên quan quái gì đến mình.
Nhưng họ đang có chuyện gì nhỉ, hắn chưa thấy cảnh ngộ này bao giờ? Ai lại uống rượu bên một đống dao nhọn hoắt như thế kia chứ?
Hắn bỏ qua ý nghĩ tìm hiểu sự việc vừa rồi, đi sâu vào trong. Thì ra mấy ông bạn thích ngồi phản hơn ngồi bàn, nên ngồi khuất mãi trong đây. Toàn nhân sĩ non trẻ của thành phố cả, hai nhà thơ trẻ, một cây đại thụ về văn xuôi. Các vị chọn quán này vì thịt chó ngon, rẻ lại nhiều chất đạm rất cần để bồi bổ sức khoẻ cho công việc khổ ải là sáng tác văn chương!
Thôi thì gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hắn không ngờ ngày hôm nay lại là ngày có ý nghĩa như thế. Gặp nhau chỉ cười cười, cái cười đầy ý vị, chả cần nói năng gì nhiều vì toàn quen biết nhau lâu rồi. Không nói còn có khi biết cả những điều trong đầu của nhau đang nghĩ gì?
Nghề nghiệp nó thế, hay ít dở nhiều. Sự đời cứ kín kín, hở hở có khi còn thú vị, chứ huỵch toẹt, biết tuốt cả rồi lại mất hứng .
May mà món kịp bưng lên, rượu vào câu chuyện có phần rôm lên một chút ..
Đúng lúc đó nghe tiếng loảng xoảng, thảy đều quay lại. Chỗ hắn vừa đi qua chàng thanh niên ban nãy vừa tung mấy con dao trước mặt quý ông và quý bà kia. Mặt chàng đằng đằng sát khí.. Hình như chàng đang uy hiếp hai người về một chuyện gì đó. Nghe ra câu chuyện là do quý bà kia vừa giới thiệu cho chàng trai bán dao cho nhà hàng thịt chó. Không rõ trao đổi thế nào, hàng thịt chó không mua, chàng ta đang nổi cơn thịnh nộ ..
Hắn đoán thế nào quý bà kia cũng lựa lời xin lỗi vì làm lỡ việc, mất thì giờ của anh chàng nọ ..
Không ngờ quý bà vùng lên, phụ nữ VN thế kỷ 21 có khác!
Một bước bà ta nhảy qua dãy bàn, vồ lấy một con dao nhọn hoắt, mặt đen lại, nom dữ dội:
- À thằng ranh, mày muốn gì nào? Mày tưởng doạ được bà chắc, mày biết bà là ai không ?
Trong khi đó quý ông cao to kia cũng thong thả nhặt lấy một con, nhìn kỹ một lượt lưỡi dao như chuẩn bị chặt một khúc thép.
Chàng trai nhìn nhìn hai người như để đo đạc lại, nét mặt đang đỏ tía lên chuyển dần sang màu xanh xám, miệng lắp bắp:
- Dạ cháu xin cô chú, cháu không biết, cháu xin lỗi, chỉ là cháu vô ý đánh rơi chứ không có ý gì ..
Quý bà vẫn nhảy lên chồm chồm, tay cầm dao nhưng không chém, chân đá túi bụi vào chòm của quý của chàng trai. Tay này nhanh, tránh được, quý bà mất đà ngã lăn một vòng, nhưng chồm nhanh dậy được. Mụ vớ ngay chiếc ghế phang thẳng vào đầu gã trai kia, may mà ghế nhựa, không thì anh chàng có cơ vỡ đầu.
Tiệc rượu đang vui, mất hứng. Ăn uống làm sao được trước nguy cơ máu có thể chảy, đầu có thể rơi ngay trước mắt mình? Nhà thơ rỉ tai hắn " Mụ này bán thịt lợn ở chợ đầu cầu” Ra thế, nếu là trí thức làm sao có thể hung hãn như vậy?
Cuộc cãi lộn giằng co cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng mụ hàng thịt ôm cả bó dao thảy xuống hồ.
Trước khi đi mụ còn nói: " Danh dự của tao là lớn, tao đang ngồi với bạn tao chứ không phải chồng tao, dám làm mất mặt tao à ? May cho mày không chống cự, nếu không tao gọi con trai tao ra, nó chẳng ném luôn mày xuống hồ. Bay khôn ở đất nhà bay, tưởng dân Cao Bằng là to hả, biến mẹ mày đi, đừng có trêu tức bà” Nói xong mụ lại ỏn ẻn chui vào nách quý ông kia:
- Thôi, ta đi anh !
Quý ông xem chừng có vẻ ngượng vì sự thái quá của bạn gái mình lúc vừa rồi, nhìn chúng tôi có vẻ sượng sùng. Ông ta không nói gì, chỉ khẽ gật đầu như để xin lỗi.
Mọi việc chẳng liên quan gì đến hắn và mấy ông bạn, nhưng bữa rượu tự nhiên mất ngon.
Cây đại thụ bảo hắn :
- Cậu thế nào cũng viết được một truyện hay!
Hắn chỉ cười không nói gì. Những chuyện như thế này ngày nào không gặp? Có khi còn dữ dội điên khùng hơn. Không ở chỗ này thì cũng chỗ khác. Hình như trong mỗi con người đều bức xúc một điều gì đấy, khẽ chạm vào là nổ tung ra. Cả thế giới như đang bị đầu độc bởi không khí tranh đoạt, lừa dối, đầy dẫy âm mưu và thủ đoạn.
Chỗ nào cũng nóng. Nóng lên từng ngày..
Việc nhỏ này đâu đã là cái gì? Đâu phải đề tài, đề dại gì hở bác? Chuyện như vậy viết ai người ta đăng? Và có đăng phỏng có ý nghĩa gì?
Chỉ những kẻ vô lại mới say sưa chuyện cướp, hiếp, giết, chuyện hở hang, hàng họ, chuyện vụ án câu khách.. Nhà em nói thật là đầu óc chưa được ổn sau cơn mê đêm vừa rồi.
Kính bác đừng xui dại!
======================

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những cuốn sách ưa thích của ông Tập Cận Bình tiết lộ về tương lai chính trị Trung Quốc



Ông Tập Cận Bình và các cuốn sách ưa thích.
Ông Tập Cận Bình và các cuốn sách ưa thích.

Các cuốn sách ưa thích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiết lộ nhiều điều về cuộc đời, tư tưởng của ông và tương lai chính trị của đất nước này.
Các cuốn sách trở lên rất quan trọng khi được truyền thông đăng tải, đặc biệt trong xã hội Trung Quốc nơi chính phủ chỉ đạo báo chí. Giữa tháng 10 vừa qua, tờ Nhân dân nhật báo của chính quyền Trung Quốc đã liệt kê hàng chục cuốn sách ưa thích của ông Tập Cận Bình, chủ tịch đất nước. Việc này có ý nghĩa gì?
Bộ sưu tập sách ưa thích đó bao gồm các kiệt tác Trung Hoa cổ xưa, các tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp và Nga, cùng một số tác phẩm từ Đông sang Tây. Danh mục này cho thấy ông Tập có nền tảng tư tưởng truyền thống. Đồng thời, các cuốn sách cũng phản ánh những gian truân mà ông Tập phải gánh chịu khi lớn lên trong một gia đình bị thất thế chính trị, tại đúng thời kỳ biến động nhất ở Trung Quốc.
Trong giai đoạn ‘Cách mạng Văn hóa’ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, lúc đó ông Tập Cận Bình ở tuổi thiếu niên phải chịu đựng nhiều gian khổ, bị mất chị gái (tự sát do áp lực chính trị), bị đưa về nông thôn trong chiến dịch “về với núi đồi và làng quê”, nơi hàng chục triệu dân thành thị phải hy sinh tuổi trẻ và giáo dục để lao động ở nông thôn.
Theo Nhân dân nhật báo, ông Tập Cận Bình đã đọc các cuốn sách này trong lúc tuổi thanh thiếu niên. Ông đánh giá cao tầm vóc của nhà văn Tolstoy (Nga), nói rằng ông thích nhất tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình”, đồng thời mô tả tác phẩm “Phục Sinh” là cuốn sách “phản án đầy đủ về tâm linh”.
Đứng đầu trong danh sách ưa thích của ông Tập Cận Bình là cuốn sách viết về cuộc đời của danh tướng Nhạc Phi ở thời Nam Tống (1127-1279), người có công chống lại quân Kim, sau đó ông bị tể tướng Tần Cối sát hại. Giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: “Xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu?” Tần Cối trả lời: “Không có, nhưng cũng không cần có”.


Tướng quân Nhạc Phi đời Tống là biểu tượng cho lòng trung thành. Ảnh: Shizhao/CC BY-SA 3.0
Tướng quân Nhạc Phi đời Tống là biểu tượng cho lòng trung thành. Ảnh: Shizhao/CC BY-SA 3.0

Đây quả là bức tranh thú vị về nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay. Nhưng điều đó dường như trái ngược lại với thực trạng chính quyền Trung Quốc vẫn đang bóp nghẹt tự do ngôn luận và các giá trị phương Tây. Vụ đàn áp những người dân làng phía nam Trung Quốc đấu tranh cho quyền bầu cử lại không thích hợp với các tác phẩm của Victor Hugo. Thậm chí, ông Tập được mô tả là “đặc biệt xúc động” với lời thú tội của Jean Valjean trước Giám mục Myriel, trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo.

Núi đồi và Làng quê

Bộ sưu tập sách có thể nói nhiều điều về ông Tập như một con người – về những biến động và đau thương trong cuộc đời, về cuộc đấu tranh phe phái hiện nay với những đối thủ chính trị – hơn là nói về ông Tập như một đại diện cho chính quyền Trung Quốc hiện nay.
Ông Tập nói với Thời báo New York năm 2000: “Những người có ít trải nghiệm về quyền lực, những người cách xa quyền lực, thường có xu hướng coi quyền lực là huyền bí và lạ thường”.
Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập yêu thích những cuốn sách dầy như“Chiến tranh và Hòa bình”.
Báo Thời đại số Trung Quốc (China Digital Times) trích dẫn một cư dân mạng nói: “Tôi thực sự tin rằng ông Tập đã đọc các cuốn sách đó. Trước khi Internet phổ biến, rất nhiều người đã đọc các cuốn sách này…Nhưng cũng thật đặc biệt khi ông Tập vẫn dành thời gian cho văn học trong khi ông bị đưa về nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa”.
Ông Tập nói ông đọc cuốn sách “Những nỗi buồn của Werther trẻ tuổi”vào năm 14 tuổi. Hồi còn ở nông thôn, ông từng đi bộ hơn 10km để mượn cuốn sách viết về đạo đức có tên “Faust” của tác giả người Đức thời thế kỷ 18.
Theo Wikipedia, tác giả Goethe đã đưa vào cuốn sách “Faust” nội dung triết lý sâu sắc: “Con người không phải là một sinh vật độc ác; con người có bản tính nhân đạo và luôn có nỗ lực vươn lên không ngừng trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, chinh phục mọi thế lực hắc ám trong xã hội, làm chủ vận mệnh của mình nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tiến sỹ Li Tianxiao, một nhà bình luận chính trị của đài Truyền hình Tân Đường Nhân nói: “Ông Tập nhấn mạnh mối liên hệ của ông với văn hóa thế giới, với văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ông đang phác họa mối liên hệ với những người Trung Quốc bình thường, những người đang sinh sống trên đường phố, và những người cùng quá khứ đau thương như chính ông”.
Ở cuối danh mục của ông Tập là cuốn sách nói về nghệ thuật opera thời xã hội chủ nghĩa. Vào giai đoạn ‘Cách mạng Văn hóa’, đây là cuốn sách hiếm hoi bàn về nghệ thuật trong xã hội.
Như vậy, bộ sưu tập sách của ông Tập Cận Bình bao gồm phần lớn là các tác phẩm cổ điển và chỉ có một ít về nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt đứng đầu danh mục yêu thích của ông Tập là cuộc đời của một người anh hùng dân tộc cổ xưa. Vì vậy Tiến sỹ Li tin rằng ông Tập không đánh bóng bản thân thành một người yêu văn học.
Xem lại chuyện cổ, mẹ của tướng quân Nhạc Phi đã khắc dòng chữ sau lên lưng của con trai: “Tận Trung Báo Quốc”. Tương tự, chính ông Tập cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông là một nỗ lực để khiến đất nước tránh khỏi bị phá hủy.
Theo Tiến sỹ Li, bằng cách gắn kết mình với câu chuyện anh hùng Nhạc Phi mà không phải các tác phẩm của Karl Marx, Lenin và Mao, ông Tập đang đặt mình như một lãnh đạo độc lập ở Trung Quốc. Đồng thời, cái kết bi tráng của câu chuyện Nhạc Phi cũng là lời nhắc nhở về các thách thức chính trị trong chính quyền mà ông đang cố gắng kiểm soát.
Ông Tập Cận Bình từng trích dẫn lời nói của tướng quân Nhạc Phi: “Cả đời tôi là để Tận Trung Báo Quốc” (ý là: phục sự quốc gia).
Theo Larry Ong – Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Dương Lương biên dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Donald Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ?



Nguồn: Steven Levitsky & Daniel Ziblatt, “Is Donald Trump a Threat to Democracy?” The New York Times, Dec. 16, 2016.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Việc Donald Trump đắc cử đã đặt ra một câu hỏi mà rất ít người Mỹ từng hình dung là phải hỏi đến: Có phải nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm? Với ngoại lệ khả dĩ là cuộc Nội chiến, nền dân chủ Mỹ chưa bao giờ sụp đổ; quả thật, không nền dân chủ nào phong phú hay lâu đời như nền dân chủ Mỹ. Nhưng sự ổn định trong quá khứ không đảm bảo sự tồn tại trong tương lai của nền dân chủ.
Chúng tôi đã dành hai thập niên để nghiên cứu sự xuất hiện và sụp đổ của nền dân chủ ở châu Âu và châu Mỹ Latinh. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo.
Dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất là sự nổi lên của các chính trị gia phản dân chủ trong nền chính trị chủ lưu. Dựa vào một nghiên cứu sâu sắc về sự sụp đổ của nền dân chủ ở châu Âu trong những năm 1930, nhà khoa học chính trị lỗi lạc Juan J. Linz đã thiết kế một “phép thử” nhằm xác định các chính trị gia phản dân chủ. Các chỉ số của ông bao gồm việc không phản đối bạo lực một cách rõ ràng, sẵn sàng ngăn chặn các quyền tự do dân chủ của các đối thủ, và phủ nhận tính chính danh của các chính phủ dân cử.
Trump mang kết quả dương tính. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã khuyến khích bạo lực trong những người ủng hộ; cam kết sẽ truy tố Hillary Clinton; đe dọa dùng hành động pháp lý đối với truyền thông không thân thiện; và gợi ý rằng có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.
Các hành vi phản dân chủ này vẫn tiếp diễn sau cuộc bầu cử. Với cáo buộc vô căn cứ rằng ông thua phiếu phổ thông vì “hàng triệu người bỏ phiếu một cách bất hợp pháp,” Trump đã công khai thách thức tính chính danh của quá trình bầu cử. Đồng thời, ông cũng cực lực bác bỏ báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về việc tin tặc Nga tấn công nhằm đưa cuộc bầu cử sang hướng có lợi cho mình.
Trump không phải là chính trị gia người Mỹ đầu tiên có khuynh hướng chuyên chế. (Các nhà chuyên chế đáng chú ý khác bao gồm Thống đốc Huey Long của Louisiana và Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy của Wisconsin.) Nhưng ông là người đầu tiên (như vậy) trong lịch sử hiện đại của Mỹ được bầu làm tổng thống. Điều này không nhất thiết là do người Mỹ đã trở nên chuyên chế hơn (cử tri Mỹ lúc nào cũng có một nét chuyên chế). Mà đúng hơn là do các bộ lọc thể chế mà chúng ta giả định là sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những người cực đoan, như hệ thống đề cử trong đảng và truyền thông tin tức, đã thất bại.
Nhiều người Mỹ không quá lo ngại về những khuynh hướng chuyên chế của Trump vì họ tin các hệ thống kiểm soát và cân bằng được quy định trong hiến pháp sẽ kiềm chế ông.
Nhưng các thể chế bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có thể không hiệu quả như chúng ta nghĩ. Một bản hiến pháp được thiết kế tốt chưa đủ để đảm bảo một nền dân chủ ổn định – một bài học của nhiều lãnh đạo độc lập ở châu Mỹ Latinh khi họ vay mượn mô hình hiến pháp Mỹ vào đầu thế kỷ 19, chỉ để chứng kiến đất nước mình rơi vào hỗn loạn.
Các thể chế dân chủ phải được củng cố bằng các chuẩn mực phi chính thức mạnh mẽ. Giống như một trận bóng rổ tự phát không có trọng tài, các nền dân chủ hoạt động tốt nhất khi các quy tắc bất thành văn của trò chơi được toàn bộ người chơi nắm rõ và tuân thủ, đảm bảo sự văn minh và hợp tác tối thiểu. Các chuẩn mực này đóng vai trò như những thanh lan can mềm của nền dân chủ, ngăn chặn cạnh tranh chính trị leo thang thành một cuộc xung đột hỗn loạn, không giới hạn.
Trong số các quy tắc bất thành văn vốn duy trì nền dân chủ Mỹ là sự tự kiềm chế và chơi đẹp của hai đảng. Trong phần lớn lịch sử của chúng ta, lãnh đạo hai đảng đều kiềm chế sử dụng quyền kiểm soát tạm thời của mình đối với các thể chế nhằm tối đa hóa lợi thế của đảng, về cơ bản là không sử dụng tối đa quyền lực được trao bởi các thể chế đó. Rồi còn có một sự nhận thức chung rằng, ví dụ, các thực tiễn phản đa số như thủ tục filibuster ở Thượng viện nên được dùng một cách hạn chế, Thượng viện nên nhường quyền (một cách hợp lý) cho tổng thống trong việc đề cử các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, và các cuộc bỏ phiếu có tầm quan trọng đặc biệt – như luận tội tổng thống – đòi hỏi sự đồng thuận của lưỡng đảng. Những thực tiễn như vậy đã giúp tránh sự xuống dốc thành kiểu cạnh tranh đảng phái một mất một còn đã phá hủy nhiều nền dân chủ châu Âu trong những năm 1930.
Nhưng các chuẩn mực kiềm chế đảng phái đã xói mòn trong những thập niên gần đây. Việc Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát luận tội Bill Clinton năm 1998 đã xóa bỏ ý tưởng về sự đồng thuận lưỡng đảng trong luận tội. Thủ tục filibuster, từng là một điều hiếm hoi, đã trở thành một công cụ thường xuyên nhằm cản trở lập pháp. Như các nhà khoa học chính trị Thomas Mann và Norman Ornstein cho thấy, sự suy giảm của kiềm chế đảng phái đã khiến các thể chế dân chủ của chúng ta ngày càng rối loạn chức năng. Việc Đảng Cộng hòa từ chối nâng trần nợ công hồi năm 2011, khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ rơi vào nguy hiểm vì lợi ích đảng phái, và việc Thượng viện từ chối xem xét đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện của Tổng thống Obama vào năm nay – về cơ bản là cho phép Đảng Cộng hòa chiếm được một ghế Tối cao Pháp viện – cung cấp một cái nhìn đáng báo động vào đời sống chính trị khi thiếu vắng sự kiềm chế đảng phái.
Các chuẩn mực kiềm chế tổng thống cũng đang gặp nguy hiểm. Sự mơ hồ của hiến pháp về giới hạn của thẩm quyền hành pháp có thể khiến tổng thống cố gắng thúc đẩy những giới hạn này. Mặc dù quyền lực hành pháp đã được mở rộng trong những thập niên gần đây, nó suy cho cùng đã được kiềm chế bởi sự thận trọng và tự kiềm chế của các vị tổng thống trước đây của chúng ta.
Không giống như những người tiền nhiệm, Trump là một người phá bỏ chuẩn mực hàng loạt. Có những dấu hiệu cho thấy Trump đang tìm cách làm giảm vai trò truyền thống của truyền thông tin tức bằng cách sử dụng Twitter, tin nhắn video, và các cuộc gặp gỡ công chúng nhằm tránh né giới báo chí Nhà Trắng và trực tiếp giao tiếp với cử tri – lấy một trang từ sổ tay các mánh lới của các nhà lãnh đạo dân túy như Silvio Berlusconi ở Ý, Hugo Chavez ở Venezuela, và Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chuẩn mực cơ bản hơn đang bị đe dọa là ý tưởng về phe đối lập hợp pháp. Trong một nền dân chủ, các đối thủ đảng phái phải hoàn toàn chấp nhận quyền được tồn tại, được cạnh tranh, và được quản trị của nhau. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể bất đồng một cách dữ dội, nhưng họ phải xem nhau đều là những người Mỹ trung thành và chấp nhận rằng thỉnh thoảng đảng kia sẽ thắng cử và lãnh đạo đất nước. Không có sự chấp nhận lẫn nhau như vậy, nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm. Trong lịch sử, các chính phủ đã sử dụng tuyên bố rằng đối thủ của họ thiếu trung thành, hoặc mang tội ác, hoặc là đe dọa lối sống của đất nước để biện minh cho những hành động chuyên chế.
Ý tưởng về phe đối lập hợp pháp đã được bảo vệ ở Mỹ từ đầu thế kỷ 19, chỉ bị phá vỡ bởi cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, điều đó có thể đang thay đổi, khi những người cực đoan cách hữu ngày càng nghi ngờ tính chính danh của các đối thủ tự do chủ nghĩa của mình. Trong thập niên qua, Ann Coulter đã viết những cuốn sách bán chạy mô tả những người theo chủ nghĩa tự do là những kẻ phản bội, và phong trào “birther” đã chất vấn địa vị người Mỹ của Tổng thống Obama.
Chủ nghĩa cực đoan như vậy, từng bị giới hạn ở bên lề chính trị, giờ đã đi vào chủ lưu. Năm 2008, ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin của Đảng Cộng hòa đã gắn Obama với chủ nghĩa khủng bố. Năm nay, Đảng Cộng hòa đề cử một người ủng hộ phong trào “birther” làm ứng cử viên tổng thống của mình. Chiến dịch của Trump tập trung vào tuyên bố Hillary Clinton là một tên tội phạm cần phải ở tù; và câu “Lock her up!” (Giam bà ta lại!) đã được hô vang tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa. Nói cách khác, các đảng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa – bao gồm cả vị tổng thống mới đắc cử – đã tán thành quan điểm cho rằng ứng cử viên của Đảng Dân chủ không phải là một đối thủ hợp pháp.
Như vậy, nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt không chỉ là một vị tổng thống mang những khuynh hướng phi tự do – nó còn là việc một vị tổng thống như vậy đắc cử khi những thanh lan can bảo vệ nền dân chủ Mỹ đã không còn an toàn.
Nền dân chủ Mỹ chưa có nguy cơ sụp đổ trước mắt. Nếu chỉ có những hoàn cảnh bình thường, rất có thể các thể chế của chúng ta sẽ loay hoay vượt qua được một nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Tuy nhiên, điều ít rõ ràng hơn là nền dân chủ sẽ như thế nào trong một cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, một cuộc tấn công khủng bố lớn hoặc các cuộc bạo động hoặc biểu tình trên diện rộng – tất cả đều hoàn toàn có thể – một vị tổng thống mang những khuynh hướng chuyên chế và các thể chế đã trở nên mất ổn định có thể sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ Mỹ. Chúng ta phải cảnh giác. Các dấu hiệu cảnh báo là có thật.
Steven Levitsky và Daniel Ziblatt là giáo sư ngành quản trị tại Đại học Harvard.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/19/donald-trump-la-moi-de-doa-doi-voi-nen-dan-chu/#sthash.GPJP6prk.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Vỡ vụn”, cấu trúc của những mảng khối và hiệu ứng tương phản




Đặng Văn Sinh

Giống như tiểu thuyết tâm lý xã hội, nhưng “Vỡ vụn”* lại có hình thức bố cục như là công nghệ lắp ghép những mảng. khối trong nghệ thuật hội họa nhằm tạo hiệu ứng bùng nổ qua sự tương phản. Tuy nhiên, ngay cả ở dạng cấu trúc lạ mắt này, xem ra cũng chỉ được giới hạn trong phạm vi ước lệ, điều đáng quan tâm chính là vấn đề tác giả đặt ra và cách giải quyết những vấn đề ấy trong các mối tương quan xã hội như một triết lý sống.
Cấu trúc “mảng” trong “Vỡ vụn” được hiển thị khá rõ qua ba lĩnh vực đặc trưng: tình yêu, gia đình và chính trị, trong đó, mảng gia đình truyền thống, vốn là đề tài muôn thuở từng tốn không ít giấy mực của nhiều thế hệ cầm bút, lại được tác giả sử dụng phương pháp “ký họa” phác thảo đôi ba nét chấm phá. Trong khi ấy, đề tài chính trị tuy chỉ được nhấn nhá bằng những diễn ngôn khá chừng mực nhưng lại có sức cuốn hút lớp bạn đọc mẫn cảm với thời cuộc bằng bút pháp lý tưởng hóa. Đó là sự kỳ vọng về một bộ máy quản lý nhà nước “liêm chính”, nhưng lại phải đối diện với một thực trạng cay đắng, khi mà tệ nạn chạy chức chạy quyền, được cụ thể hóa bằng những cuộc “đi đêm” ly kỳ, chẳng khác gì thám tử Sherlock Holmes trước mỗi mùa bầu cử.
 Lẽ đương nhiên, tình yêu giống như một “đại khối tự sự” chiếm phần lớn dung lượng tiểu thuyết “Vỡ vụn”. Tình yêu của cặp trai gái khá chênh lệch về tuổi tác này được tác giả nâng niu, chăm sóc, miêu tả dưới nhiều sắc thái khác nhau. Có thể nói người viết rất am tường về ngôn ngữ trái tim, chẳng biết đã từng trải nghiệm hay chưa, nhưng cái cách ông miêu tả diễn biến tâm lý của cả cô gái trẻ giầu cá tính lẫn người đàn ông giảng viên đại học trong quá trình họ tìm đến với nhau thật đáng nể. Bỏ qua những định kiến xã hội hẹp hòi, đặt sang bên thứ quy phạm giả tạo trong một xã hội mà mọi giá trị đang bị tha hóa, mối tình của Chính và Thảo cần được ghi nhận như là sự cố gắng bứt phá khỏi những nghĩa vụ đạo đức, luôn ràng buộc con người, đến với khát vọng tự do nhưng lại có kết cục không mấy suôn sẻ.
Xét đến cùng, chính trị và tình yêu, gia đình thuộc các lĩnh vực khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tuy nhiên nếu nhìn nhận dưới khía cạnh thẩm mỹ do sự tương phản tạo ra của nghệ thuật tạo hình di thực sang địa hạt văn chương, thì đây được xem như một kiểu đổi mới hình thức. Bởi lẽ từ lâu, người đọc đã quá “nhờn” với cách thức bố cục cổ điển theo trình tự thời gian tuyến tính, với hệ thống nhân vật được chia làm hai phe “tích cực”, “tiêu cực” xuất hiện trong không gian hai chiều cũng như những đoạn trần thuật khô khan mòn sáo bằng ngôn ngữ thông tấn. Phương pháp dàn dựng bố cục “phản truyền thống”, không chú trọng vào một chủ đề nào, mà lại có xu hướng lấn ra vùng ngoại biên của những tiểu tự sự, “Vỡ vụn” dường như đã tiệm cận về mặt hình thức với phương pháp sáng tác Hậu hiện đại. Mặt khác, nó cũng phần nào thoát khỏi sự ràng buộc cứng nhắc của lối tư duy giáo điều cứ muốn lên giọng tuyên huấn dạy dỗ thiên hạ, mà trượt sang lối tư duy trực cảm phi lý tính, cho dù phương thức diễn ngôn vẫn trung thành với phong cách cổ điển.
Thủ pháp đồng hiện cắt cảnh, nén thời gian, không gian mà tác giả thường sử dụng trong “Vỡ vụn” không mới, song, nó lại có tác dụng hỗ trợ rất đắc lực cho ý tưởng bố cục mảng miếng làm điểm tựa để tác giả khai triển nội dung cuốn sách một cách bài bản mà không bị rối. Như vậy, xét về mặt hình thức, “Vỡ vụn” có xu hướng đổi mới rõ rệt. Bằng chứng là, khi cầm cuốn sách trong tay, chúng ta có đủ sự “dũng cảm” đọc liền một mạch từ trang đầu cho đến trang cuối mà không rơi vào tình trạng “liếc mắt một cái đọc thoáng mươi dòng”. Một điều đáng nói nữa là, khi gấp cuốn sách lại, tôi dám chắc, cảm xúc của mỗi người không hề giống nhau như trước đây từng đọc loại tiểu thuyết “quốc doanh”, mặc dù bất cứ ai cũng có một mẫu số chung là ngậm ngùi, tiếc nuối cho một gia đình trí thức “vỡ vụn”, một tình yêu đẹp như mơ cũng có nguy cơ “vỡ vụn”, cũng như ông bí thư kiêm chủ tịch tỉnh kia, tuy có bằng tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng, lại sinh ra trong một gia đình quan chức gạo cội, những chắc gì hoạn lộ đã hanh thông khi mà chốn quan trường đầy cạm bẫy, lắm mưu mô, lúc nào cũng sẵn sàng hạ gục nhau bằng những chiêu trò không mấy quân tử, tuy vẫn gọi nhau là đồng chí.
Như phần trên đã nói, hiệu ứng của “Vỡ vụn” không nằm trong bản thân những sự kiện được tác giả trần thuật bằng lớp ngôn từ hấp dẫn, mà giá trị của nó là ở sự tương phản. Sự tương phản này quy chiếu từ lịch sử, văn hóa, đạo đức đến hành vi ứng xử và diễn biến tâm lý của mỗi công dân trong mọi hoạt động xã hội, bao hàm cả hoạt động chính trị. Có thể thấy, cấu trúc xã hội truyền thống đang đang “vỡ vụn” từng mảng theo quy luật không thể đảo ngược mà một trong những nhân vật chính tạo nên hội chứng dở khóc dở cười này là phó giáo sư tiến sĩ Phạm Hồ Thu.
Bản chất của “vỡ vụn” đi từ cái đơn nhất đến cái phổ quát, giống như hiệu ứng domino, bắt đầu là tình yêu, quan hệ vợ chồng rồi cuối cùng là xã hội. Tuy nhiên, dù nhìn nhận dưới quan điểm nào thì, trình độ học vấn, học vị, học hàm chỉ như một loại nghề nghiệp để con người kiếm sống. Điều quan trọng hơn cả là tầm văn hóa và cách ứng xử với cộng đồng qua những giá trị bền vững vốn là truyền thống của dân tộc và lịch sử văn minh nhân loại. Những thứ đó Phạm Hồ Thu không hề có nhưng lại tự huyễn hoặc mình bằng thứ niềm tin cuồng tín đến mức bệnh hoạn. Vì thế, ta có thể hình dung, “Vỡ vụn” là tiểu thuyết của những chuỗi tương phản, và rõ nét nhất là cặp vợ chồng Chính, Thu. Đây cũng chính là ý tưởng nghệ thuật của tác giả nhằm kiến giải những điều bất cập trong xã hội đương thời, khi mà mọi giá trị đang bị đảo lộn khiến con người mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin, phải cầu viện thánh thần để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Hiện tượng Phạm Hồ Thu có vẻ như không còn là cá biệt mà đã trở thành “một bộ phận không nhỏ” trong guồng máy quan chức công quyền được đào tạo và bổ nhiệm “đúng quy trình” đang từng bước hóa thân thành lũ sâu mọt đục khoét mục ruống nền kinh tế èo uột, phá nát kỷ cương, rường mối xã hội vốn đã quá nhiều khuyết tật.
Nguy hại hơn nữa, Thu còn là người thầy ở cấp độ học viện, hàng ngày rao giảng thứ học thuyết mà nhân loại tiến bộ đã vứt vào sọt rác lịch sử cho lớp cán bộ rất có khả năng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi tương lai đất nước sẽ ra sao một khi bộ máy quản trị xã hội là những con anh vũ màu sắc sặc sỡ nhưng chỉ hót cùng một giọng với một số lượng từ vựng giới hạn?
Với Thu, tuy là quan hệ vợ chồng nhưng Chính lại ở một thái cực khác. Chính chỉ có bằng cử nhân ngữ văn, không học vị, học hàm, chức danh xủng xoảng như bà vợ hãnh tiến nhưng ông là một nhân cách đáng nể cả ở trình độ học vấn chuyên sâu, bề dày văn hóa và phong thái lịch lãm của một trí thức tự đào tạo mình. Giữa Chính và Thu, nếu có sự tương đồng nào đó, nhiều nhất cũng chỉ là cô con gái tóc dài nhưng lại thừa hưởng trí tuệ của bố đến nỗi nhiều lúc Chuyên phải cãi mẹ “mọi người đều biết, chỉ có mình mẹ là không biết”. Bức tranh toàn cảnh của gia đình Chính, Thu, có thể nói, còn hơn cả sự “vỡ vụn” mà là một bi kịch mang tinh thần thời đại. Và, nếu xét trên bình diện tiểu thuyết cổ điển thì cặp nhân vật này tuyệt đối mang tính hiện thực đầy đủ với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi lẽ, cuộc ly thân của hai người hầu như không phát tác từ những sinh hoạt vụn vặt trong đời sống thường nhật, mà từ sự xung đột ý thức hệ, quan điểm sống, hay cụ thể hơn là từ cái phông văn hóa. Thế nhưng, một điều ít người ngộ ra là, bi kịch này có nguyên nhân sâu xa từ khủng hoảng xã hội kéo theo hội chứng lạm phát các giá trị, con người bị/được phân nhiệm vào những vị trí không tương thích với sở trường của họ. Từ đó nảy sinh vô vàn hệ lụy, là điều kiện lý tưởng cho sự tha hóa nhân cách, đạo đức, kéo theo sự xuống dốc không phanh của một xã hội vốn được xây dựng trên cơ sở học thuyết không tưởng.
Sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình Chính, Thu ngoài phần cốt lõi là hệ ý thức vênh lệch còn có yếu tố chính trị tham gia, tuy cả hai đều là những nhà chuyên môn thuần túy. Nói cụ thể hơn, chính trị đã làm méo mó nhân cách của Thu bằng những tác động ở vùng ngoại biên nhưng có sức công phá đáng kể như một phản ứng dây chuyền. Ngược lại, Chính đứng ngoài chính trị những chính trị lại cố tình lôi anh vào cuộc bằng những kế sách có giá trị thực tiễn cho Thành khi anh ta được bầu làm chủ tịch tỉnh. Xét trên mọi mặt, Chính luôn là người thầy của Thu một cách đúng nghĩa. Ông là hình ảnh của một trí thức lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ học trò nhưng lại bị lép vế trước bà vợ “thiểu năng trí tuệ” và sẵn thói đố kỵ. Thu là đệ tử trung thành của triết lý đám đông, biết tất cả nhưng thực chất không biết một thứ gì cho dù bà ta có nhãn mác phó giáo sư tiến sỹ. Thế nên trong trào lưu “xã hội hóa” giáo sư, tiến sỹ không tiền khoáng hậu này, tự nhiên hình thành vô số “chợ giời” bằng cấp để thỏa mãn tham vọng “hội chứng nhất”, hầu ghi danh vào sách Guiness về một nhà nước có trình độ học vấn cao ngất ngưởng thế giới, nhưng mọi giá trị nhân văn phổ quát lại xếp ở tốp cuối cùng của thế giới. Tệ tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực và thói háo danh của những kẻ cơ hội ở các nấc thang quyền lực đã phá nát kỷ cương xã hội, xổ toẹt vào các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên một môi trường sống quái gở, trong đó, lòng tốt và tinh thần vị tha bị chối bỏ, thay vào đó là sự vận hành theo kiểu chụp giật của các tổ chức băng đảng sặc mùi bạo lực.
Mối tình của Chính và Thảo là mối tình đẹp với đầy đủ các cung bậc tình cảm của thời hiện đại nhưng có vẻ lãng mạn bởi khuynh hướng lý tưởng hóa khá đậm đặc. Thế nhưng, nhân vật “Sáu Ngờ”, về mặt tính cách lại được ghi nhận như là sự sáng tạo nghệ thuật. Trong mối tương quan giữa các nhân vật Chính, Thu, Thảo, Thành, thì những trang miêu tả về tình yêu đôi khi hoàn toàn ngẫu hứng tựa làn gió mát, góp phần điều hòa sự bức bối đang tiệm cận thảm kịch của gia đình Chính, Thu hay những thủ đoạn đấu đá căng thẳng với những biến thái khôn lường giữa Thành và tay phó chủ tịch văn xã nơi chính trường đầy cạm bẫy để giành chiếc ghế chủ tịch tỉnh.
Thảo là cô gái đẹp, trí tuệ mẫn tiệp nên không muốn trao thân gửi phận cho một gã đàn ông tầm thường. Cô gái nhà quê với câu đố tai quái, từng làm thất vọng không biết bao nhiêu “khách đông sàng rắp ranh bắn sẻ” rất có thể mang tiếng “ế chồng” nếu không gặp người đàn ông trên chuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng. Cuối cùng Thảo cũng tìm được tình yêu đích thực, sinh được bé trai kháu khỉnh nhưng phải trả giá đắt khi mà bố cu Đại đã có gia đình và chỉ kém bố mình năm, sáu tuổi.
Cốt truyện diễn ra đến đây khá gay cấn và hầu như không có lời giải thỏa đáng cho cuộc tình tay ba. Tình yêu, hôn nhân và gia đình luôn là đề tài muôn thuở, thời nào cũng có, nhưng điều quan trọng là cái cách xã hội nhìn nhận nó theo chiều hướng chấp nhận hay phản ứng, bởi lẽ nó là một giá trị sống nếu không nói là giá trị thiêng liêng nhất. Điều cần bàn ở đây là, trong khi cả xã hội, nhất là những nhà quản lý ngoảnh mặt làm ngơ, coi đó chỉ là chuyện sinh hoạt, không mấy quan trọng, thì tác giả lại tiếp cận, phân tích sâu bằng hình tượng văn học, đồng thời tỏ thái độ thông cảm nhưng không khuyến khích. Bởi nếu khuyến khích, cổ vũ cho hình thái tình cảm tay ba đầy kịch tính như kiểu Chính, Thu  và Thảo, cuối cùng hẳn sẽ có kết cục “vỡ vụn”…
Hầu hết các trường đoạn viết về mối tình ngang trái giữa Thảo và Chính tác giả đều sử dụng lối văn kể giầu sắc thái biểu cảm, thậm chí còn miêu tả rất cuồng nhiệt những cái ôm riết, những nụ hôn nóng bỏng hay những cuộc làm tình nghiêng ngả đất trời bất chấp thiên hạ sự. Về phong cách văn chương, ngòi bút Nguyễn Bắc Sơn khá linh hoạt khi ông thường xuyên hoán vị các ngôi đại từ nhân xưng cũng như đặc trưng ngôn ngữ của từng nhân vật. Ngôn ngữ giao tiếp cũng như lời độc thoại của Chính thì chuẩn mực, thận trọng luôn lấp lánh một trí tuệ sắc sảo nhưng lại giầu lòng vị tha. Trong khi ấy, ngôn ngữ của Thu thường hàm chứa tính gia trưởng, cay cú, nảy sinh từ thói kiêu ngạo vốn là sản phẩm độc hại của thứ tư duy quyết định luận. Với Thu, chân lý không thuộc về khách quan mà thuộc về kẻ mạnh, tuy nhiên, một khi thứ ngụy chân lý ấy bị ông chồng bóc mẽ thì bà phó giáo sư tiến sỹ giở bài cùn.
Sự kiện Thu bị đột quỵ phải phẫu thuật lấy cục máu đông trong đại não và Chính về quê Thảo trình diện gia đình là những chi tiết rất tiểu thuyết, hoàn toàn phù hợp với diễn biến cốt truyện. Tuy nhiên đấy lại là dấu hiệu cho thấy cả Chính và Thảo đã sử dụng hết tài nguyên trong kho dự trữ của cuộc tình lãng mạn, giờ phải trở lại với hiện thực trần trụi trong một môi trường sống trì trệ luôn dị ứng với tư tưởng “nổi loạn”. Chính chín chắn hơn Thảo nhưng luôn ở thế bị động trước những cuộc “tấn công” rất có “nghệ thuật” của cô gái trẻ đầy bản lĩnh. Chính đã lường trước được một tương lai không mấy sáng sủa khi mà bản thân vừa phải chăm sóc người vợ bán thân bất toại vừa phải tìm mọi cách để giữ thể diện cho Thu cũng như hợp lý hóa mối quan hệ “ngoài luồng” với gia đình Thảo. Đây là bài toán không lời giải nào thỏa mãn cả hai điều kiện trên. Còn Thảo, dù đã chủ động trước những tình huống bất khả kháng, cuối cùng, bị hoàn cảnh xã hội xô đẩy, cô cũng phải thốt lên những lời cay đắng về việc Chính bắt cá hai tay.
Bi kịch của bộ ba Chính, Thu, Thảo cũng là bi kịch của cuộc đời, khi mà trong đó, những giá trị sống vốn bền vững bỗng nhiên bị đánh tráo hoặc thay đổi thang bậc bắt nguồn từ những ngộ nhận ở tầm vĩ mô về chính trị, văn hóa và kinh tế. Chính, Thu, Thảo, xét đến cùng cũng là sản phẩm của một xã hội đang bị phân hóa sâu sắc thành những giai tầng dựa trên căn bản lợi ích nhóm, tạo nên chuỗi mâu thuẫn không thể điều hòa. Sự “vỡ vụn” là không thể tránh khỏi một khi hành vi và thói quen ứng xử của kiểu “trí thức ăn đong” như Thu chỉ càng làm cho hiệu ứng “vỡ vụn” tăng gia tốc. Cũng như Chính, Thảo là nạn nhân trực tiếp của một hệ điều hành lỗi thời, đầy khuyết tật, bảo thủ, trì trệ và không có khả năng sửa chữa. Hành động “nổi loạn” của Thảo chẳng những không cải tạo được hoàn cảnh mà dường như còn làm cho bi kịch tình yêu, gia đình mỗi lúc thêm trầm trọng.
Về mặt cấu trúc tác phẩm, “Vỡ vụn”, ngoài việc sắp xếp các mảng, khối không cùng thuộc tính cạnh nhau nhằm tạo sự tương phản, tác giả còn sử dụng thủ pháp đồng hiện và “nén” thời gian, không gian, xóa nhòa ranh giới quá khứ, hiện tại, giống như kỹ xảo chồng mờ trong điện ảnh để làm gia tăng hiệu quả thẩm mỹ.

Chí Linh, 10/10/2016
       Đ.V.S.

* Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang