Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Phùng Tá Chu qua con mắt các nhà sử học



 (Tham luận về danh nhân Phùng Tá Chu do UBND huyện Ba Vì, Hội Khoa học Lịch sử và Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10 tháng 12 năm 2016 tại Đền Cao, Ba Vì, Hà Nội)

                                                                              Đặng Văn Sinh 





Phùng Tá Chu (馮佐朱) là nhân vật tên tuổi trong lịch sử trung đại, vừa là nhà chính trị lỗi lạc dưới hai triều Lý – Trần, đồng thời cũng là một kiến trúc sư tầm cỡ, từng thiết kế và xây dựng nhiều công trình cung điện nổi tiếng, nhưng lịch sử lại ghi chép về ông quá sơ lược. Chẳng những thế, một số nhà sử học qua các triều đại phong kiến còn có những nhận xét thiếu công bằng, thậm chí chê bai khiến cho hậu thế nhận thức sai lệch về ông.
Các bộ sử từng ghi chép về Phùng Tá Chu mà chúng tôi tìm được theo thứ tự thời gian có thể kể đến như sau:

1-     Đại Việt sử lược, quyển III (khuyết danh)
Năm Tân Mùi (năm 1211- ND) là năm Kiến gia thứ nhất

Mùa xuân, tháng giêng vua lại sai người đi đón người con gái thứ hai của họTrần về. Nhưng Trần Tự Khánh không cho. Ngày Ký Sửu tuyển chọn các quan văn để cho làm Đô hộ phủ Sĩ sư. Ngày Quí Dậu lại đi đón người con gái thứ hai họ Trần. Trần Tự Khánh sai quan túc trực ở nội điện là Phùng Tá Chu cùng với viên tỳ tướng của y là Phan Lân. Nguyễn Ngạnh đưa người con gái ấy về kinh sư. Gặp lúc Tô Trung Từ cùng với Đỗ Quảng đánh nhau ở cửa Triêu Đông nên bọn Phùng Tá Chu phải đậu thuyền ở bến Đại thông.

Năm Bính Tý (năm 1216- ND) là năm Kiến gia thứ 6
Ngày Canh Tuất, Trần Tự Khánh dựng điện cỏ ở Tây Phù Liệt, khuôn mẫu của điện nhất nhất đều bắt chước theo như ở trong đại nội. Hiển Tín Vương là Nguyễn Bát đầu hàng. Nhà vua hạ chiếu cho quan Minh tự Phùng Tá Chu làm Chiêu thảo sứ. (…)
Mùa đông, tháng chạp tiến phong cho Thái Tổ (Trần Thừa) ta tước Liệt hầu, Phùng Tá Chu và Lại Linh đều được phong tước Quan nội hầu. Dùng Trần Tự Khánh làm Thái úy, những lúc triều bái nhà vua thì không phải xưng tên.

Năm Giáp Thân (1224- ND) là năm Kiến Gia thứ 14
Mùa xuân, tháng giêng, ngày Đinh Tỵ an tang Kiến Quốc Vương ở Mỹ Lộc.
Mùa xuân, năm ấy cho Thái Tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành.

Năm Ất Dậu (năm 1225- ND) là năm Kiến Gia thứ15
Chiêu Thánh lên ngôi lấy thụy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông làm Thái Thượng Vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.
(…)
Mùa đông, tháng 11, Thái Thượng Vương thấy nữ Vương còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: "Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ, để kén chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ…người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cơ nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy Chiêu Vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy rõ".
(…)
Mùa thu, tháng chạp nhà vua sai quan Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, quan Nội hành khiển Tả ty Lang trung là Trần Chí Hoành, các tướng văn võ trong ngoài và các viên quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng, chuẩn bị pháp giá đến phủ Cương Tinh mà đón Thái Tổ ta (Trần Thừa).

2-     Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển IV)
                        Kỷ Nhà Lý
                  Huệ Tông Hoàng Đế

Tân Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 1 [1211], (Tống Gia Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.
Tháng 2, vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọnPhùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở [bến] Triều Đông, Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến Đại Thông. Đến khi Đỗ Quang bị thua, vua sai Bố và Trung Từ đón Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi; cho Trung Từ làm Thái uý phụ chính; phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu.
Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224], (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu cuả Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghêu là kẻ bất tiếu1, thì vua Nghêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không  xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.

Quyển V
Kỷ Nhà Trần
Thái Tông Hoàng Đế

Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ 2 [ 1226], (Tống Bảo Khánh năm thứ 2) (từ tháng 10 đến tháng 12)
Sai Phụ quốc Thái phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ban tước cho người là quyễn của thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi [4a]. Phùng Tá Chu là bề tôi cũ triều Lý, không có việc cần phải chuyên quyễn như ra ngoài cương giới, làm lợi cho quốc gia, vỗ yên trăm họ, mà lại cho phép chuyên quyền thì cả người cho phép đều sai cả.
Bễ tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương. Thánh Tông vì thấy ông có công lao to lớn, cho phép được tự tiện phong tước cho người, nhưng chưa bao giờ ông phong cho một ai cả. Giữa lúc giặc Hỗ vào cướp, cầm quân chuyên chế, lấy thóc của người giàu để cấp lương quân, nhưng cũng chỉ cho người đó làm giả Lang tướng mà không dám cho làm Lang tướng thực.

Quý Tỵ,Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 [1233], (Tống Thiệu Định năm thứ 6), sai Phùng Tá Chu duyệt định các ấp lớn phủ Nghệ An.

Giáp Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 3 [1234], (Tống Đoan Bình năm thứ 1) Gia phong thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân vương; Quan nội hầu Phạm Kính  Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu.

Ất Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 4 [1236], (Tống Đoan Bình năm thứ 2). [9b] Gia phong Hưng Nhân vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại vương.

Kỷ Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 8 [1239], (Tống Gia Hy năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai [Chu] về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện.

Canh Tý, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 9 [1240], (Tống Gia Hy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng 5 sở hành  cung ở phủ Thanh Hoá.

Tân Sửu, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10 [1241], (Tống Thuần Hựu năm thứ 1) Phùng Tá Chu mất.

Giáp Thìn, [Thiên Ưng Chính Bình] năm thứ 13 [1244], (Tống Thuần Hựu năm thứ 4).
 (…)
Tháng 3, cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.

3- Việt sử tiêu án của Ngô Thì sỹ
Kỷ Nhà Trần
Thái Tông hoàng đế

Vua phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân Vương, Phạm Kính Ân làm quan Nội hầu. Hai người này đều là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Trung Từ, Tự Khánh, cho nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm bao giờ?

4- Khâm định Việt sử thông giám – Quốc sử quán triều Nguyễn
(Chính biên quyển 6)
Quý Tỵ, năm thứ 2 (1233). (Tống, năm Thiệu Định thứ 6). Sai Phùng Tá Chu xét định các hạng danh sắc ở Nghệ An.

Giáp Ngọ, năm thứ 3 (1234). (Tống, năm Đoan Bình thứ 1). Tháng giêng, mùa xuân. Thượng hoàng mất.
(…)
Phong cho Phùng Tá Chu tước Hưng Nhân vương và bổ dụng Phạm Kính Ân làm Thái phó, phong tước là Bảo Trung hầu.

Triều nhà Lý, Tá Chu làm Thái phó, Kính Ân tước Quan nội hầu. Khi nhà vua được Chiêu hoàng truyền ngôi cho, hai người này có công suy tôn giúp đỡ, nên nay mới được phong tước. Sau này lại gia phong Tá Chu làm Đại vương, Kính Ân làm Thái uý và ban cho mũ áo Đại vương.

Kỷ Hợi, năm thứ 8 (1239). (Tống, năm Gia Hy thứ 3). Tháng giêng, mùa xuân. Dựng cung điện ở làng Tức Mặc.
Nhà vua nghĩ Tức Mặc là nơi làng cũ của mình, nên hạ lệnh cho Phùng Tá Chulàm quan Nhập  nội thái phó, dựng hành cung ở đấy để thời thường đến chơi thăm.

Canh Tý, năm thứ 9 (1240). (Tống, năm Gia Hy thứ 4). Tháng giêng, mùa xuân. Dựng hành cung1 ở Thanh Hóa. Việc này giao cho Phùng Tá Chu đứng làm. Xây dựng tất cả năm sở.

Về mặt sử liệu, cho đến nay, ngoài những ghi chép ít ỏi trong chính sử, các nhà nghiên cứu không có thêm bất cứ tư liệu nào về Phùng Tá Chu, bao gồm cả những ghi chép về ông của dòng họ Phùng ở ấp Mỹ Xá, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình hay phủ Phụng Thiên (nay là làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trước hết phải kể đến chủ trương tận diệt văn hóa Đại Việt của các triều đại phong kiến phương Bắc qua các cuộc xâm lược nước ta mà điển hình là Minh Thành tổ Chu Đệ hay còn gọi là Minh Vĩnh Lạc (1360-1424). Cách thức hủy diệt văn hóa của người Hán là cực kỳ dã man và thâm hiểm. Có thể nói, đối với chúng, từ những thư tịch quý hiếm trong văn khố triều đình cho đến tàng thư ở các đạo, thừa tuyên hay trấn, phủ, huyện đều được tận thu mang về chính quốc, những thứ không vận chuyển được như đình, chùa, đền, miếu, bia đá… thì chúng đập phá hoặc làm biến dạng. Chính vì thế, cho đến nay, chẳng những lịch sử mà ngay cả văn hóa người Việt vẫn còn những khoảng trống không gì có thể bù đắp bởi tội ác của chủ nghĩa Đại Hán.
Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là sự kỳ thị của các sử gia bị hệ ý thức nho giáo chi phối, họ không vượt qua được tư tưởng “trung thần bất sự nhị quân” (忠臣不事二君), nghĩa là trung thần không thờ hai vua, được xem như tiêu chuẩn quan trọng của kẻ sĩ quân tử trước vương triều phong kiến.
Hệ ý thức phong kiến cổ hủ, giáo điều, lạc hậu mà các nhà lập thuyết khởi xướng từ mấy ngàn năm trước như Khổng Tư, Mạnh Tử, Tăng Tử, được các thế hệ nho sĩ tiếp thu một cách thụ động, coi như “thiên kinh địa nghĩa” nhằm mục đích giáo dục con người, biến con người thành công cụ máy móc chỉ biết phục tùng mà triệt tiêu khả năng phản biện. Đó là một xã hội khép kín, lấy đạo Tam cương, Ngũ thường mà cốt lõi là mối quan hệ quân thần, phụ tử để cai trị thiên hạ. Trong các mối quan hệ bất bình đẳng ấy, vua được coi là con trời (thiên tử), tuyệt đối quyền uy (cho dù đó là loại “vua lợn” như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực), được Khổng Khâu cụ thể hóa bằng mệnh đề cực kỳ phản động mà bất cứ nhà nho nào cũng thuộc nằm lòng: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử từ vong, tử bất vong bất hiếu”  (君處臣死臣不死不忠,父處子亡子不亡不孝), nghĩa là, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung; cha bắt con chêt, con không chết là bất hiếu).
Khổng Tử còn đi xa hơn nữa khi ông đưa ra nguyên tắc bất biến đối với giới nho sĩ trong cách xuất xử: “Nguy bang bất nhập, loan bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn”(危邦不入亂邦不居. 天下有道則見,無道則隱), nghĩa là, nước đang gặp nguy hiểm không nên vào, nước đang có loạn không nên ở, thiên hạ có đạo thì ra (làm quan), thiên hạ vô đạo thì (về) ở ẩn. Nguyên tắc này, thậm chí còn chi phối đến cả thiền sư Đinh La Quý, vốn là một vị tổ của thiền phái Tỳ ni đa lưu chi khi ngài có lời kệ dặn lại đệ tử trước khi viên tịch: “Trị minh vương tắc xuất, ngộ ám chúa tắc tàng” (值明王則出遇暗主則藏藏), nghĩa là, gặp vua sáng thì ra, thấy chúa tối thì ở ẩn.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, học thuyết của Khổng Tử, ngoài tính giáo điều, tư biện, ông còn truyền cảm hứng cho đám hậu sinh thói lười biếng, ích kỷ, cơ hội và cầu toàn. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của xã hội với vô vàn khuyết tật mà hệ lụy của nó còn kéo dài đến tận ngày hôm nay, cho dù chúng ta đang sống dưới một thể thể chế chính trị được nhìn nhận là tiến bộ hơn hẳn.
Trở lại vấn đề sử liệu ghi chép về Phùng Tá Chu, trong 4 bộ sử mà chúng tôi trích dẫn thì cả Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và Ngô Thì Sỹ trong “Việt sử tiêu án” đều có lời bình. Cả hai lời bình đều mang nặng tính hủ nho, thiển cận mà không đánh giá đúng tầm quan trọng của Phùng Tá Chu và Tô Trung Từ trong cuộc chuyển giao quyền lực một cách êm thấm từ vương triều Lý suy tàn sang vương triều Trần đang lên với hào khí Đông A rực rỡ. Rõ ràng mang nặng sự kỳ thị với tư tưởng cấp tiến của Phùng Tá Chu, nhưng Ngô Sỹ Liên cũng không thể phủ nhận vai trò tham mưu của ông trong việc giúp nhà Trần đoạt được thiên hạ. Có lẽ là một sử gia, buộc phải đưa các nhân vật quan trọng vào quốc sử, nên họ Ngô đã ghi chép rất sơ lược, đồng thời lại kèm theo lời bình thiếu công tâm nhằm hạ thấp vai trò của ngài Thái phó tiền nhiệm triều Trần chăng? Còn Ngô Thì Sỹ thì hằn học gọi Phùng Tá Chu và Phạm Kính Ân là “nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất cả lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần…” liệu có đúng với sự chân thực lịch sử?
Biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên đã viết 172 lời bình, trong số đó có những lời bình xem ra rất phù hợp với chủ thuyết nho giáo nhưng lại vô cùng thiếu đạo lý, thiếu tình người, thậm chí bất lương như đoạn nói về cái chết của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong vụ thảm án Lệ Chi Viên. Hơn nữa, sau khi soạn sách xong, Ngô Sỹ Liên tuy là Triều liệt đại phu, Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn, nhưng vẫn phải làm biểu dâng lên để vua Lê Thánh Tông phê duyệt. Như vậy chính Lê Thánh Tông đã làm trái với quy định là vua đương thời không được xem quốc sử. Điều này, Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ, quyển XI, Thánh Tông Thuần hoàng đế, đã chép: “Vua muốn xem quốc sử, sai nội quan tới Hàn lâm viện dụ riêng sử quan Lê Nghĩa rằng: ‘Trứơc kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?’. Nghĩa trả lời: ‘Sự kiện ở cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không thẳng thắn ghi lại, Đường Thái Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa phải là hiền thần’. Nội quan nói: ‘Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm thứ 8’. Nghĩa trả lời: ‘Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!’. Nội quan nói: ‘Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước có lỗi gì còn có thể sửa được’. Nghĩa nói: ‘Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử’. Nội quan dụ bảo nhiều lần, Nghĩa nói: ‘Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc, [39a] thế dẫu không khuyên can mà cũng không là khuyên can’. Rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử viện”.(Trang 39 b, quyển XI). Đọc câu cuối cùng “Vua xem xong trả lại cho Sử viện”, không ít người sẽ đặt câu hỏi, Lê Thánh Tông có thái độ như thế nào khi đọc được những điều sử quan chỉ trích mình? Và liệu Lê Nghĩa có viết đúng sự thật về việc ông vua vi phạm quy chế?
Từ sự kiện trên, có thể nói, ngoài những chi tiết sao chép lại từ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu (hiện văn bản gốc đã thất lạc), người đời sau có quyền hoài nghi về độ tin cậy của những phần Ngô Sỹ Liên viết về nhà Lê. Hơn thế nữa, tư cách của vị sử quan này đã được chính Lê Thánh Tông nhận xét xem ra không có gì là tốt đẹp: “Vua dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo!. [8b] Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không  vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các  ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!” (Trang 8b, quyển XI).
(…)
“Mùa thu, tháng 7, ban cho Anh Vũ, con Nguyễn Đình Mỹ. Vua dụ rằng:
Đồ dùng thì chuộng thứ mới, dùng người thì nên dùng người cũ. Nho thần tuổi già như bọn các ngươi còn mấy nguời đâu, mà ngươi phạm tội cũng là sau vụ phạm tội củaNgô Sĩ Liên và Nguyễn Thiện thôi. Pháp ty giữ công bằng, theo luật, phải giáng bãi, nhưng ta thì tiếc tài ngươi, sai đổi thành lệnh biếm chức. Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải theo, ngươi nên nhớ lấy". (Trang 16b, quyển XI).
Như vậy, xét về mặt lịch sử, cho dù vẫn còn những sử gia khư khư giữ quan điểm chính thống, phê phán việc “sự nhị quân” của Phùng Tá Chu, nhưng họ vẫn phải ghi nhận công lao của ông trong chính sử như là một trọng thần góp phần chuyển giao chính quyền từ tay nhà Lý sang nhà Trần bằng biện pháp hòa bình, tránh cho bách tính Đại Việt một cuộc nội chiến. Ngoài tài năng chính trị, Phùng Tá Chu còn là công trình sư tài năng, để lại dấu ấn trong việc xây dựng nhiều cung điện nhà Lý và nhà Trần. Lúc ra làm quan địa phương, Phùng Tá Chu biết cách vỗ yên trăm họ, khoan sức dân, thưởng phạt phân minh, khi về triều, được vua Trần sủng ái, phong tước Đại vương, chức Nhập nội Thái phó.

      Chí Linh, 30.8.2016

Đ.V.S.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Góc khuất giảng đường đại học : tiết lộ hậu 20/11, của một nữ nhà văn


Chức vụ đầu tiên của bà giáo mình ngày trước, theo đúng như nói vui mà hóa thật của cô, là:Trưởng Ban Chống quấy rồi tình dục giảng đường (tiếng Nhật phát âm tắt một cụm từ có gốc tiếng Anh, "quấy rồi tính dục" thành "sếc-cư-ha-ra"). Sách "học sinh yếu lãm" (những điều cốt tủy về trường mà học sinh phải xem, phải biết) ghi rất rõ, mỗi năm cập nhật một bản mới.

Một thời gian khá dài, bà giáo "giữ" chức đó cùng với một cô nữa ở Khoa Lưu học sinh. Sau này, cô lên chức dần, giám đốc trung tâm, viện trưởng, rồi sắp hiệu trưởng (sắp lên hiệu trưởng, thì cô sợ chức quyền, đã tránh bằng cách chuyển sang một trường khác để chỉ còn được làm chuyên môn).

Lần gặp cô gần đây nhất, mình có nhắc lại chuyện cô từng làm Trưởng Ban ngày trước. Cô rất vui vẻ, rồi xác nhận thêm một lần nữa: quả thật, đó là chức vụ nhà nước đầu tiên đấy !

Nói sang giảng đường ở Việt Nam, sau ngày 20/11/2016, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang tiết lộ việc liên quan đến "sếc-cư-ha-ra". 

Đã từng đi một entry liên quan đến nữ nhà văn này (ở đây).

Bây giờ, mới vỡ lẽ, hóa ra Trang là đàn em "dân khoa văn" (hay "dân văn tổng hợp") của mình. Cho đến lúc viết entry này, hoàn toàn không biết điều ấy (vì có lẽ lúc Trang vào trường, thì mình đã ra trường từ lâu).

Chép nguyên xi về từ Fb NQT.




---



Nguyễn Quỳnh Trangさんのプロフィール写真

"
Mình mất đến 4 năm mới vào được khoa Văn Tổng hợp mơ ước, sau khi tốt nghiệp sư phạm. Chưa phải già nhất vì còn 2 ông anh 79 :)

Mình đã chảy nước mắt khi ngồi ở giảng đường trong tuần đầu nhập học do xúc động. Nhưng suốt 4 năm, thì rốt cuộc gặp rất nhiều vở bi hài kịch. Phải nói rằng mình sốc nặng vì đạo đức giáo viên. Những nham nhở lẫn sợ hãi và trốn tránh trách nhiệm. Mình từng rất căng thẳng mệt mỏi.

Khi mình quyết định kiện, thì người ta nói không nên gây ầm ĩ, nhất là đúng lúc mình chuẩn bị ra mắt tiểu thuyết "1981". Nhà văn thì nên gây chú ý vì tác phẩm chứ không nên bởi mấy chuyện dễ mất danh dự này.

Đó cũng là cách ng ta làm sai rồi bịt miệng mình về sau: nhà văn thì nên thế này thế nọ, đừng thế nọ thế kia...

Ra trường, được hứa từ Ban giám hiệu, Trưởng khoa Văn là ông thầy chuyên gạ tình dâm ngôn, quấy rối tình dục với sinh viên nữ văn khoa ấy (thậm chí cả với người yêu/ vợ đồng nghiệp) sẽ bị kỷ luật. Mình im lặng chờ. Nhưng khi quay về thì biết, ông ta chẳng thế nào, vẫn giảng dạy đạo đức, vẫn tỏ ra ta là này nọ, vẫn thi thoảng trèo lên báo chí "phê bình" văn học, và còn lên chức trong khoa.

Đến nay, mình chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện quay về!

"
https://www.facebook.com/nguyen.q.trang.581/posts/10154916239954683?pnref=story

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hết tiền, Cuba đề nghị « Trăm năm rượu Rhum » cho CH Sec




(AFP 16/12/2016) Do đã cạn tiền, La Habana muốn trả một phần nợ cho Cộng hòa Sec bằng thứ hàng hóa đặc biệt là rượu Rhum. Nếu toàn bộ số nợ của Cuba được trả bằng cách này, người dân CH Sec sẽ có được trữ lượng rượu Rhum để dùng trong 130 năm tới.



Chính quyền Cuba đã đề nghị Cộng hòa Sec cho trả một phần nợ cũ bằng hàng hóa, trong đó có rượu Rhum. Bộ Tài chính CH Sec hôm thứ Sáu 16/12 tiết lộ như trên. Theo thông cáo mà AFP nhận được, « Phía Cuba giới thiệu một danh sách nguyên vật liệu, trong đó có nhiều nhãn hiệu rượu Rhum ».

Báo chí CH Sec ước lượng số nợ Cuba còn thiếu là khoảng bảy tỉ cua-ron (260 triệu euro), nhưng theo bộ Tài chính thì tổng số tiền chưa được xác định, vì các cuộc thương lượng về con số cụ thể và phương thức hoàn trả chỉ mới được mở ra từ cuối năm ngoái.

Món nợ này phần lớn là do các trao đổi thương mại giữa Cuba với Tiệp Khắc – quốc gia từ năm 1993 đã tách làm hai Nhà nước là Cộng hòa Sec và Slovakia.

Một thế kỷ rượu Rhum cho người Tiệp

Nhật báo lớn nhất CH Sec là Dnes dẫn lời bà thứ trưởng Tài chính Lenka Dupáková, cho rằng khả năng trả nợ bằng rượu Rhum Cuba là « thú vị », tuy nhiên không thể thanh toán toàn bộ khoản nợ theo cách này. Bà nói : « Đó là những nhãn hiệu tương đối ít được biết đến, có thể là rượu ngon, nhưng chúng tôi phải làm cả công việc quảng bá và thường là phải tung ra thị trường ».

Tờ báo nhấn mạnh, CH Sec – một đất nước nổi bật nhờ tỉ lệ tiêu thụ bia trên đầu người cao nhất thế giới – năm ngoái đã nhập khẩu 892 tấn rượu Rhum Cuba với tổng giá trị hai triệu euro.

Nếu toàn bộ số nợ của Cuba được trả bằng rượu, người dân CH Sec sẽ có được trữ lượng rượu để dùng dài dài trong 130 năm tới.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư giãn cuối tuần: Bạn mình có lý!


Tôi có một thằng bạn, hầu như hắn chẳng quan tâm tới những trò bẩn của người đời chơi xấu nhau, với hắn, cố làm tình làm tội, làm khó hắn, bôi bác hắn hay hạ nhục hắn để hắn phải lâm vào cảnh khốn khổ, khốn nạn.
Trước tất cả những trò đó, hắn chỉ nhếch mép cười, nhìn bằng 1/4 con mắt rồi lầm bầm:
"Thượng đế lại sai thêm một thằng điên nữa tới để thử thách ta đây. Nhưng giá như ngài sai những thằng thông minh hơn thì còn may ra"...
Mỗi lần nghe vậy tôi lại nói: "Thượng đế đâu có ngu. Nếu ngài sai những thằng thông minh tới thì chúng thành bạn ông hết rồi còn gì!".
Hắn nhìn tôi, trầm ngâm một chút rồi gật gù: "Ừ nhỉ, bạn mình nói có lý!" :)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu giáo sư Nguyễn Lân còn sống


ĐỖ NGỌC THỐNG (PGS, tiến sĩ văn học)

Ba bốn năm gần đây, dư luận rất chú ý tới những bài viết của Hoàng Tuấn Công. Ở đó Công chỉ ra những ngô nghê, nhảm nhí trong trong việc sử dụng chữ Hán và hành vi đạo văn của một cây bút chuyên viết và chỉ viết được về thơ Hồ Chí Minh; phân tích sự cẩu thả, thiếu chính xác trong chữ nghĩa của một GS cao niên chuyên sản xuất câu đối; và hàng loạt bài phê bình, đối thoại, chú giải về những sai sót khi giải nghĩa từ ngữ tiếng Việt của nhiều người, trong đó có GS Nguyễn Lân. Gần đây Công tập hợp thành một cuốn lấy tên là “Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”

Bản thảo xong lâu rồi, rất nhiều người mến mộ, giới thiệu với dăm ba nhà xuất bản. Nhà nào ban đầu cũng hăm hở nhận lời, nhưng rồi cuối cùng lại từ chối, sách vẫn chưa ra được. Vừa rồi gặp tôi, Công bảo “không hiểu sao sắp ký hợp đồng rồi họ lại bảo thôi, thầy ạ”.

Nhiều người nói, lý do chính là các NXB ngại “va chạm” với tên tuổi GS Nguyễn Lân. Một bậc thầy đáng kính, một tên tuổi không thể không nhắc tới của khoa học giáo dục nước nhà. Lại nữa, thầy đã vào cõi thiên thu… 

Do dự, ngại ngùng về điều này cũng thường tình, dễ cảm thông. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, ông sẽ phản ứng thế nào khi đọc sách này? Liệu thầy có buồn và nổi nóng với kẻ hậu sinh? Không, tôi chắc thầy chẳng bao giờ xử sự thế, mà trái lại sẽ rất trân trọng những người như Công - người đã bỏ ra hàng năm trời chăm chú đọc kỹ những cuốn từ điển của thầy; tỉ mỉ ghi chép, đối chiếu, khảo cứu từng con chữ trong đó để chú giải, đính chính những gì chưa ổn, chưa đúng, đặng mang đến cho bạn đọc một cách hiểu vẹn toàn, chính xác. 

Kho tàng tri thức, chữ nghĩa của ông cha để lại là vô tận, bao la; ai mà có thể ôm hết và hiểu đúng mọi điều. Sai sót trong việc hiểu và giải thích kho tàng chữ nghĩa ấy là chuyện bình thường; góp ý để chỉnh sửa lại cho đúng là chuyện rất nên khích lệ và ủng hộ, biểu dương… Người thường như tôi còn nghĩ thế, huống chi là GS Nguyễn Lân, một người thầy, một nhà khoa học luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung. Tôi cứ nghĩ nếu GS Nguyễn Lân còn sống, khi gặp Công, thầy sẽ nở một nụ cười hiền và bảo: Cậu khá lắm, giỏi lắm! Tôi cũng nghĩ thầy sẽ rất mừng và tự hào về đám con cháu “hậu sinh khả úy”, chứ không buồn nản vì một đám sĩ tử, nhân danh trí thức, nhân danh đạo lý khiêm cung để chỉ biết cúi đầu cung cúc nghe theo, chép lại, nói lại y nguyên như sách của thầy, kể cả cái sai, điều sót.

Trong bối cảnh tiếng Việt đang bị mai một, bóp méo, hiểu sai, sử dụng cẩu thả… thì cuốn sách của Hoàng Tuấn Công là một đóng góp có ý nghĩa; một nỗ lực cá nhân đáng trân trọng trong việc giữ gìn tiếng nói của cha ông, góp phần làm cho nó ngày càng giàu có, tinh tế, chuẩn mực và sáng trong hơn.

Với bản thảo một cuốn sách như thế, tôi càng tin vào điều đã nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, hẳn thầy cũng chẳng bận lòng, phật ý, cho dù tác giả bàn về những sai sót của thầy. Nghĩ vậy nên càng không hiểu vì sao người ta lại từ chối một bản thảo thế này.

Đỗ Ngọc Thống 
(Theo Facebook Đỗ Ngọc Thống, https://www.facebook.com/thongdongoc/posts/10211539291827252)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐI QUA CÁI ÁC


Truyện vừa của HG
Tiến là con rể cô tôi. Anh hơn tôi hàng chục tuổi. Chuyện về cuộc đời anh là
một câu chuyện dài. Nhưng chuyện có liên quan tới tôi thì thật là câu chuyện hú vía.
Mãi sau này tôi mới biết.
Nếu ngay lúc ấy biết được, chắc nó cũng không xảy ra.
Người ta nói:"Hoạ vô đơn chí" có phần đúng, như câu: " Cơn ông chưa qua ,cơn bà đã tới" .
Tôi vừa thoát hiểm, như con chim sổ lồng, thì lại một tai ách mới. Khiến cho ý định an phận thủ thường của tôi phải bỏ sang một bên. Toàn những ngẫu nhiên khốn nạn như trời nhìn mình mà giáng xuống.
Nhiều lúc tôi băn khoăn:"Mầm mống không biết nó bắt nguồn từ đâu?", " Có phải nhân duyên từ kiếp trước?".
Một lần tình cờ có ông thầy mù xem tử vi cho tôi nói: "Tiền kiếpnhà anh là nhà sư. Nếu kiếp này theo căn tu hành thì đắc đạo. Bằng không sẽ vất vả". Khi ấy tôi chẳng tin.
Những năm bảy mươi thế kỷ trước, không cứ tôi, nhiều người cũng không tin như thế. Xuất gia tu hành đòi hỏi một tính cách và nghị lực phi thường. không phải ai cũng có thể làm được. Mà tôi trong đám chúng sinh cũng chỉ là một nhân mệnh tầm thường, đôi khi yếu đuối, còn hèn hạ nữa.
Như tôi đã nói, để tránh một ngẫu nhiên có hại cho mình, một lần nữa tôi lại khăn gói ra đi. Người ngoài cuộc thì bảo: "Nó là đứa ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng. Thích lông bông".
Nhưng nói sao mặc lòng. Tôi chẳng hơi đâu mà giải thích với họ.
Cái nết hay dòm vào đời tư của người khác có sẵn trong tiềm năng của người đời. Có thể lúc nào đó, tôi cũng có sở thích chẳng ra gì ấy. Vì thế mới cần đến sự tu luyện. Cuộc sống con người chẳng là một cuộc tự hoàn thiện đó sao?
Trong cái làng quê vừa nghèo vừa cũ ấy, anh Tiến là người có máu mặt. Việc của tôi lần này cần nhờ vả đến anh, biết đâu anh chẳng giúp tôi một việc gì đó kiếm ra tiền, độ thân lúc sa cơ?
Ngày trước anh làm giám thị một trại giam, mãi đâu trên Lào Cai sương mù, mà tôi chưa đặt chân tới.
Một lần phạm bỏ trốn, anh bắn chết một tên, nội vụ nghe ly kỳ lắm.. Tôi chỉ biết lõm bõm có vậy. Anh bị kỷ luật rồi về làng làm ăn. Nhưng anh làm ăn không giống ai. Có thể đi trước thiên hạ vài bước. Có thể đi sau thiên hạ vài bước.
Người nói anh cờ bạc bịp. Người bảo anh:" Buôn lậu" . Quanh năm thấy anh vác cưa lên rừng nói là đi xẻ. Nhưng không cho ai đi cùng,"Nghề thợ xẻ ít nhất phải có hai người" , nếu có ai trong làng nói vậy anh chỉ bảo:" Đến đâu tận dụng nhân công tại chỗ ở đấy. Đi nhiều làm gì cho tốn tiền tàu xe". Chẳng biết có đúng thế không?
Mấy năm trước anh còn lên Châu Hoá vài lần. Anh đến hẳn nhà lão Quý chủ nhiệm.
Xi măng bấy giờ đắt và khó mua lắm. Vậy mà anh biếu chủ nhà hẳn năm tạ xi. Trước đó anh đã thủ sẵn đồ thợ xây làm giúp nhà lão cái nền nhà. Nhà lão Quý ngay sát bến đò, cát sỏi sẵn lắm. Chỉ cần bỏ công kéo về. Có hoạ là lão Quý dở hơi mới từ chối lòng tốt của anh.
Nhưng lòng tốt của con người không phải bỗng dưng mà có. Không biết anh nói thế nào với lão Quý mà lão lại bằng lòng. Lão đồng ý cho anh gá bạc ít ngày. Chẳng cần giải thích, lão Quý cũng biết việc này không đơn giản. Nếu lộ ra lão mất toi cái thẻ Đảng cùng chân chủ nhiệm HTX. Có khi còn phải hầu toà. Người ta thường có tâm lý cho rằng có thể việc mình làm trót lọt , nếu nghĩ không trót lọt thì chẳng ai dám làm việc gì sai? Đấy là lỗ hổng tâm lý mà pháp luật chưa để ý tới.
Khi láng nền, anh Tiến đã kín đáo đặt xuống dưới nền nhà mấy cục nam châm. Thứ nam châm tháo từ đi na mô xe đạp. Dưới đế giày da cao cổ kiểu sĩ quan của anh, đã có sẵn bộ quân bài" Thửa" rất công phu. Nhìn bề ngoài nó chẳng khác quân bài thường chơi. Một mặt đen, một mặt trắng. Nhưng nó đã được nhiễm từ. Điều đó thì không thể nhìn bằng mắt. Sau mấy ngày, bằng cách chỉ mình anh biết, Tiến cuốn chiếu cả làng. Tiền anh ôm về quê không kịp đếm, tất cả lèn vào một cái xắc du lịch kiểu Tàu , đó là kiểu xắc có vẽ hình đôi trai gái bên nhau bắn máy bay. Biểu tượng của tình hữu nghị Trung- Việt thời đánh Mỹ
Gặp tôi anh Tiến bảo:" Chuyện của cậu nhiều người không hiểu. Dân mình không ra khỏi làng. Người ta không hiểu cũng là lẽ thường. Còn anh thì biết. Người như cậu, gian nan là cái chắc. Tao định chuyến này vào Sài Gòn. Trong đó tao có người nhà. Giải phóng gần mười năm rồi, chưa đi thăm được. Chẳng bù cho dân Hà Đông, hai bảy tháng tư đã có người theo đại quân vào đến Sài Gòn. Người ta đi buôn như thế mới là cực kỳ. Nếu cậu theo anh thì ngày mai đi. Vốn liếng anh lo. Bằng không cậu vào trong đó kiếm việc mà làm. Công cũng khá.." Anh ngừng một lát, đưa mắt thăm dò. Tôi chưa nói gì, nhưng lộ ý đồng tình. Tôi thầm nghĩ:" Đúng là mình đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Không chừng chiếu hoa".
Tôi còn trẻ , tuổi tre thì giàu mơ ước và dự định, kể cả lúc bi đát.
Tiến lại nói: " Tao có thằng cháu gọi bằng cậu. Nó hiện đang phụ trách công trình xây dựng trong Đa Kia. Hôm nọ nhắn về tìm thợ xây cho nó. Nghề thợ xây của chú mày chắc là được việc. Đi làm ăn kiếm ít lưng vốn mà về". Tôi chỉ còn biết: " Vâng"
Lại bảo: " Thời bây giờ người ta sống cụ thể. Không mấy ai hớn mưng như một dạo. Cũng phải thôi. Làm thằng người chí ít cũng phải biết lo cho mình. Nếu không còn nói chó gì nữa. Cậu mồ côi từ nhỏ, trải qua cái khổ đã nhiều, anh nói thế chắc cậu hiểu".
Lời anh Tiến nói vô tình chạm vào nỗi đau trong lòng tôi. Tôi chợt nhớ tới kẻ giết cha mình, khi tôi mới được bảy tháng tuổi , cuộc sống của kẻ mồ côi cay đắng, khốn nạn như thế nào . Có lẽ suốt cuộc đời tôi không sao quên được. Sau năm 1954 hắn di cư vào Nam. Nghe nói hắn lên đến hàm tướng trong quân đội Sài Gòn.
Trước ngày giải phóng một năm, hắn có người nhắn tin ra Bắc. Mụ vợ già và mấy đứa con ở lại quê làm ma cho hắn. Người ta lấy sọ dừa và hom dâu xếp vào tiểu sành, rồi tưới nước cam lồ làm phép, giả như hài cốt. Đám làm linh đình, huyên náo cả thôn. Nhưng người làng thì nói: "Gần ngày giải phóng hết đường chạy, nhà nó mới làm như vậy".
Tự dưng tôi có linh cảm là hắn còn sống. Biết đâu chuyến đi này tôi lại gặp hắn ?
Chuyện đời muôn nỗi éo le. Anh Tiến lại có họ hàng với nhà hắn. Nên chuyện này tôi để bụng, lúc này nói ra với anh không tiện.
Tối hôm ấy tôi ở nhà xem ti vi. Nhà anh có cái ti vi đen trắng dùng điện ắc quy.
Cả làng mới có hai chiếc ti vi như thế. Thành ra người xem rất đông. Phòng khách mỗi chiều năm mét mà sặc sụa khói thuốc lào. Người ta nói chuyện ồn ào nên chương trình tryền hình dứt đoạn. Xem kịch mà chẳng rõ nội dung vở kịch như thế nào? Nó như trò mua vui sau một ngày kiếm sống vất vả.
Quê tôi ruộng ít. Những người khoẻ mạnh đi làm thuê các tỉnh. Người có tiền đẩy xe thồ ra Hà Nội buôn bán rau quả. Toàn những việc nhì nhằng kiếm đồng bạc vụn, cốt kiếm cơm.
Đi đường mệt lại thêm bấn lo, tôi chả thiết xem. Chị tôi bảo: " Cậu lên gác mà nghỉ"
Gian gác nhà anh Tiến cũng thật là kỳ lạ. Nhà gần trăm mét vuông đổ mái bê tông. Gian xép bên cạnh có một lỗ vuông ăn thông lên tầng trên. Lên xuống không có cầu thang, tay vịn, mà là trèo thang dây. Khi lên thang rồi có thể lật tấm ván có gắn bản lề xuống lỗ hổng đó.
Thiết kế kiểu này chắc anh Tiến có dụng ý riêng. Chỉ anh và vợ con anh biết vì chưa bao giờ anh nói ra điều đó với ai. Tôi đoán đây là điều bí hiểm. Vì trên gian nhà tầng trên có một cửa sổ cũng khá đặc biệt. Cửa sổ có cánh dày chắc chắn nhưng lại không có chấn song, quay về phía sau vườn nhà. Có thể đây là lối thoát hiểm, nếu như có địch hoạ hoặc hoả hoạn. Môi trường sống tạo cho con người ta tính cách và thói quen riêng. Nhiều khi nó vô thức chẳng để làm gì. Anh Tiến là người hoạt năng. Chỉ trong nửa chiều và đêm hôm đó anh đã chuẩn bị đủ hàng họ để mai về Hà Nội đi tàu Thống Nhất.
Chúng tôi mặc quần áo bộ đội. Anh Tiến có thêm chiếc áo khoác dạ tá màu cứt ngựa. Trông anh ra dáng sĩ quan. Chỉ nhìn cách anh buộc dây giày đủ biết anh có tác phong quân nhân kỳ cựu. Nghề của anh trước đây tác phong na ná quân đội, có phần tỉ mỉ chặt chẽ hơn.
Tôi hỏi anh: " Giấy tờ như nào? Em nghe nói đi tàu vào Nam phải có giấy xác nhận của huyện trở lên".
Anh bảo: " Đứa con đầu của tao nó làm ở phòng thông tin tín hiệu. Việc này nó khắc lo".
Tôi lại hỏi: " Sao Nam - Bắcthống nhất rồi mà vẫn đi lại khó khăn như vậy". Anh gắt: " Cậu sống ngần ấy năm rồi mà vẫn không hiểu cách quản lý hộ tịch, hộ khẩu đằng mình sao? Hơn nữa lâu nay bọn phỉ trên cao nguyên thỉnh thoảng vẫn lén xuống phá hoại..."
Anh lại bảo: " Nói thế cậu có sợ không? " Tôi lắc đầu: " Không" .
Mà tôi không sợ thật. Tôi có gì mà phải sợ?
Địch hay phỉ đối với tôi cũng không có gì đáng sợ. Tôi có gì mà sợ chúng ám sát hay cướp bóc?
Có khi đáng sợ lại là người cùng phe gọi là đồng chí, bè bạn với mình. Mối nguy được che đạy kín đáo, hoa mỹ đến thật không ngờ. Phỉ thì rành ra đấy. Hơn nữa chúng vụng trộm như kẻ cắp có gì đáng ngại?
Ở Hà Nội mất hai ngày.
Sáng sớm hôm thứ ba hai anh em tôi đi tàu lúc ba giờ sáng.
Hôm sau Hà Nội khô khan không có mưa. Gió lạnh từ phương Bắc lùa từng cơn như muốn giật tung chiếc áo khoác ngoài. Đó là chiếc áo bạt quân nhu rộng thùng thình còn khét mùi nhựa.
Anh Tiến bảo: " Loại này tốt, hàng viện trợ đấy". Tôi không nói gì, đang mải xem nhân viên soát vé lên tàu.
Hành khách phần đông là bộ đội. Có thể họ đi công tác, cũng có thể đi trả phép, rất đông. Loáng thoáng vài bóng thường dân. Mấy người này hành lý kềnh càng, mồm năm miệng mười dặn dò người nhà ra tiễn hay đối đáp với nhân viên nhà tàu.
Đi qua cửa soát vé tôi hơi lo. Vì trong người chẳng có giấy tờ gì cả. Khi anh Tiến chìa chiếc vé ưu tiên tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đó là tấm vé to bằng bàn tay chỉ dành ưu tiên cho người nhà nghành đường sắt.
Một cô gái tay sách cái đèn tín hiệu bốn mặt chỉ cho chúng tôi lên một toa gần đầu máy.
Anh Tiến mua thêm một tông rượu của người bán hàng trên sân ga. Anh bảo: " Cậu làm tớp cho ấm bụng". Tôi nói: " em không uống" . Anh Tiến cẩn thận buộc hai chiếc ba lô làm một, để gọn trên xích tông của toa tàu.
Anh dăn tôi: " Mất hai đêm trên tàu đấy. Nếu lúc nào ngủ bảo anh. Hai anh em thay nhau mà thức, không nó cuỗm sạch đồ đi đấy". Lúc sau anh lại bảo: "Đi đường dài không như ngoài này đâu. Sơ sểnh có nước ăn xin dọc đường !". Tôi nghỉ:" Toa này là toa ưu tiên, chắc an ninh tốt hơn" .
Anh mắng:" Vớ vẩn!Cậu cứ duy hình thức như thế bao giờ mới ngộ ra được? Cậu chưa vào trong ấy, cậu chưa biết. Người Nam có câu cửa miệng như thế nào không? Đó là câu" Nói vậy, không phải vậy!". Nhận xét cái gì cũng căn cứ cái bề ngoài là hỏng toét cậu ạ!
Lâu nay tôi cũng ít nhiều ý thức về chuyện này. Nhưng quả thực lúc này tôi sơ ý.
Trước mắt tôi bao cảnh, bao người, bao toan tính làm ý thức này nhoè đi.
Có thể gọi đỉnh đèo Hải Vân là cái mốc phân kỳ của hai miền khí hậu.
Phía bắc lúc lên tàu gía buốt như thể có lưỡi dao lạnh cứa vào da thịt. Áo trong áo ngoài vẫn rét, hai bàn tay cóng đơ.
Vậy mà bên này phía nam, đang mùa nóng bức. Gió Lào nằm sâu trong bán đảo lùa về, cỏ tranh hai bên đường héo như hơ lửa. Tôi cởi hết áo khoác ngoài đánh trần chiếc mai ô ba lỗ, mồ hôi vẫn túa ra rơm rớp.
Qua ga Gà anh Tiến mua hẳn một con. Anh bày lên cái bàn nhỏ gắn dọc thành tầu bảo ăn chút cho lại sức.
Bụng đói nhưng nóng quá tôi không muốn ăn, uống một lúc hai cốc nước dừa . Anh bảo : "Cậu chịu nóng như thế là kém. Nóng này đã ăn thua gì? Càng vào sâu càng nóng hơn. Ở sài gòn có hôm nhiệt độ lên tới ba tám độ. Miền nam lúc nào cũng trội hơn miền bắc mười độ C".
Tôi đã hơi hoang mang, giá rét còn có thể chịu được. , nóng nực quả tôi rất sợ.
Tôi mệnh hoả, rất ngại nóng bức. Một dạo tôi làm gạch kiếm tiền rất khá. Nhưng sau phải bỏ. Nghề gạch là nghề gần củi lửa. Có khi lò đang cháy bừng bừng phải đi lên nóc lò che phên phòng lúc cơn mưa , đốt xong lò gạch đi đái dắt vài ngày.
Lại nghĩ: Cái gì rồi cũng quen.
Khả năng thích nghi với môi trường là tiềm năng của mỗi người từ khi mới chào đời. Tôi đang còn trẻ, không lẽ người khác chịu được, còn mình lại không?
Về sau tôi mới biết: Chuyến đi hôm đó vô tình tôi đã làm một chuyện dại dột.
Trong chiếc ba lô anh Tiến đưa tôi mang có hai cân thuốc phiện. Nếu chẳng may bị phát hiện, tôi ngồi tù là cái chắc.
Thời ấy người ta chưa trừng trị tội buôn ban ma tuý nghiêm khắc như bây giờ. Nhưng bị xử lý cũng không phải là nhẹ. Cũng có thể tôi lần đầu mang nó hoặc do ở toa ưu tiên nên suốt dọc đường không ai hỏi.
Khi nào đến Bình Dương, đứa cháu con anh họ tôi đòi ăn sữa, tôi mang một hộp ra khui. Còn đang loay hoay chưa mở được thì anh Tiến ngoài cầu nước chạy về.
Anh vội giằng lấy hộp sữa cất đi, gắt khẽ vào tai tôi: "Không được, tù đấy". Tôi không hiểu ra làm sao.
Anh kéo tôi ra vườn nói nhỏ: "Đến nước này anh không cần giấu cậu, kẻo cậu lúc khác vô tình thì chết cả nút. Không phải sữa , thuốc phiện đấy. Vào đến đây là êm rồi. Tuyệt đối cậu không được nói với ai. Việc này chỉ mình cậu biết. Nghe không".
Tôi lặng lẽ gật đầu.
Hẳn nào lúc lên tàu anh Tiến cứ dặn: "Nếu có ai hỏi cái ba lô cậu cứ mặc kệ họ. Coi như không phải của mình".
Tôi hỏi :"Hàng cấm à?" Anh bảo: "Cũng không hẳn thế, thuốc lá sợi thôi. Nhưng thuế nặng lắm. Đỡ đồng nào hay đồng ấy". Tôi nghĩ thế cũng phải! song chưa hết băn khoăn. Thuốc lá sợi sao nặng thế. Tôi đã từng đi mua thuốc sợi từ Lạng Sơn về Hà Nội bán. Nó nhẹ bồng bềnh cơ mà. Có thể anh mua bánh kẹo xếp trong ấy cho nên nó mới nặng thế, khi sờ qua lần vải thấy mấy hộp sữa cưng cứng, tôi tạm yên tâm.
Sau này tôi đã được biết thêm một điều bí ẩn về ông anh rể.
Anh đã khéo léo bóc tem dán ngoài, dùng mũi dao mỏng mở một bên nắp hộp lấy hết sữa ra rồi nhét thuốc phiện vào. Anh còn cẩn thận cân lại hộp sữa sao cho sau và trước khi thay đổi, trọng lượng không chênh lệch. Người vô tình khó nhận ra.
Chuyến đó chót lọt! Sự hồ đồ của tôi không phải trả giá.
**
Ban đầu dự định của tôi là vào quận mười một gần trường đua Phú Thọ. Tôi mừng có dịp tiếp cận đối tượng sát hại cha tôi. Hẵng biết chỗ ở của hắn đã. Trừng phạt như thế nào, sau sẽ tuỳ cơ ứng biến. Tôi chỉ có một mình, công việc không vội được. Trước hết phải tạm ổn định cuộc sống, mua chiếc xe đạp chủ động đi lại..
Nhưng sau anh Tiến nói phải lên Phú Giáo. Anh sẽ bàn với người anh họ của tôi để giúp tôi ổn định cuộc sống. Anh họ tôi tên là Bơ. Anh hiện đang làm giám đốc nông trường quân đội. Đơn vị này trước đây đánh chiếm sài gòn, sau giải phóng rút về Bình Dương làm kinh tế. Tôi biết lái xe, có thể anh Bơ sẽ xếp cho tôi một việc làm. Anh Tiến bảo: "Cảnh ngộ của cậu giờ hệt như toa tầu bỏ không ngoài sân ga, cần một đầu máy kéo đi, phải tận dụng mọi cơ hội".
Tôi còn biết làm gì với sự sắp xếp của anh? Anh là người bỏ tiền đưa tôi vào đây.. Tôi không có quyền làm trái ý anh được. Hơn thế nữa lại hết sức phiêu lưu. Tôi đã quá ngán cảnh bấp bênh của đời mình . Khoảnh khắc người ta hiện diện ở cuộc sống này có hạn, không thể đùa chơi, tôi nói: "Tuỳ anh". Anh bảo : "Thế thì được, nếu thằng Bơ không xếp nổi cho mày, mới phải lên Đa Kia, vùng ấy khan nước, sống khổ lắm chưa chắc đã chịu nổi".
Đi khỏi dốc Bò Đái là tới nhà anh Bơ. Gọi là dốc Bò Đái vì nó khá dài và cao, bò kéo tới đây đều phải dừng lại để thở và đái. Người đánh xe quất túi bụi vào mông, con bò ỉa đái tèm lem. Vì thế mới có tên gọi như vậy.
Khu nông trường bộ vài mươi ngôi nhà núp dưới lùm cây, bên cạnh đìa nước nhỏ chảy ra sông Bé. Vườn cà phê, vườn tiêu xanh ngắt. Khu trại nuôi trâu bò vài trăm con. Đây là vùng đất màu mỡ có thể làm ăn phất lên được. Nhưng phần đông đang làm tạm bợ, cán bộ chiến sĩ đang chờ chính sách ra quân để về miền Bắc. Thế mới biết quê hương, dù cuộc sống kham khổ đến mấy người ta không dễ dàng quên, vẫn muốn trở về dù có nơi nào khác mỡ màng, dễ sống hơn .
Anh họ tôi cũng đang trong tình trạng đó.
Chị Bơ vào đây gần một năm nay . Chị luôn thúc giục chồng ra Bắc. Chị nói: "Ông là con trưởng, tài sản của các cụ để lại chưa nói đến. Nhưng nghĩa vụ của ông với tổ tiên, cha mẹ, không đổ cho ai được, không thể không về".
Anh tôi bảo:"Bà lạc hậu bỏ mẹ. Đường đất nhà trời, ở đâu chẳng được? Muốn về, làm kinh tế vài năm đã chết ai?" Chị tôi nói:"Đợi lúc các cụ qua đời hết mới về có mà mặt mo. Tôi thì các vàng tôi không ở" Anh tôi bảo: "Nếu thế bà cứ đi về trước đi. Tôi thu xếp xong tôi về sau". Chị tôi hỏi: "Ông là còn nấn ná ở lại với con bé ở ngoài cầu Bình Lợi nên không dứt nổi chứ gì ?" Anh Bơ đỏ mặt tía tai: "Bà chỉ nói nhảm. Tôi đi làm cách mạng mà bà nói văng mạng thế à ?"
Chị tôi cười nhạt: "Tôi còn lạ gì ông nói một đường, làm một nẻo. Mười năm trời ông đi B , tôi ở nhà cơ khổ trăm đường nuôi bố mẹ, nuôi con cho ông. Bây giờ ông lên tướng, lên tá còn thiết gì đến quê hương bản quán. Còn thiết gì cái thân teo tóp như cái mo khô này..."
Rồi chị ôm mặt khóc. Anh tôi mặc vội cái áo đại cán, thắt bao súng, gắt: "Bà có im đi không. Để từ từ rồi tôi lo. Chết vì cái miệng đàn bà. Nói năng chẳng giữ gìn gì cả . Trên người ta trông xuống, dưới thằng lính trông lên. Bà có để tôi yên không?"
Anh dắt cái xe cúp phóng vào rừng cao su. Chị Bơ lại thản nhiên như không.
quay sang tôi chị bảo: "Hai chị em mình ra ngoài đìa. Chỗ ấy lắm cá, chặn lấy một đoạn tát cạn bắt cá, chiều ăn bánh tráng"
Thằng con lớn của anh gần bằng tôi cũng bảo: "Nhiều cù đinh lắm chú ạ , tát cũng nhanh, không có mấy nước. Cứ ngồi nhà nghe bố mẹ cháu dân ca thế này mệt lắm".
Trò mò cua bắt cá tôi không ngại, thấy cháu nói vậy tôi cũng đành theo nó ra đìa.
Chúng tôi xẻ một đường mương thoát nước. Hai đầu khúc đìa còn lại vun đất be bờ. Đất ngâm nước lâu ngày nhão nhoét những bùn. Phải lấy rơm cuộn lại, kè thêm cọc mới thành bờ.
Cứ đắp được chỗ này chỗ khác lại xổ , nước lại tràn vào.
Sau rồi tôi phải bảo thằng cháu lấy cái xảo to mọi khi dùng gánh phân dùng để xúc, cứ chỗ nào nước động vục vào.
Trưa chặt, hai chú cháu cũng xúc được lưng thùng cá. Thằng Dung cháu tôi toét miệng khoe với mẹ nó:" Công nhận chú Thành hay thật, không cần tát cạn, cứ xảo mà vục, vùa nhanh vừa đỡ mệt".
Chị tôi chép miệng: "Chuyện , chú ấy khổ từ bé. Đâu có như bố mày. Tính thì sĩ, mà làm việc gì cũng lóng nga lóng ngóng".
Tôi mệt bã bời, chẳng muốn tham gia câu chuyện của chị với cháu.
Chị dâu tôi quen lam lũ, lại thêm tham công tiếc việc. Công việc ở đây không biết đâu mà kể. Lại sẵn tôi, một công nhân miễn phí.
Việc chị bày ra không biết còn những gì?
Mãi đến gần tối, anh hai Bơ mới về. Cơm nước xong anh nói với tôi: " Bác Tiến dặn tôi, bác ra thành phố độ hai ngày sẽ trở lại đón chú. Nay đã cả tuần rồi. Không khéo ông ấy ra Bắc rồi cũng nên. Ông này vào đây mấy lần tôi biết. Ông ấy khiếp đấy, chú không theo được đâu. Thôi cứ yên trí đi. Có anh ở đây khỏi lo".
Tôi nghĩ bụng: "Nếu không yên trí, tôi còn biết làm gì nữa đây? Khi trong túi rỗng không chẳng có gì ngoài cái bằng đại học nhàu nát tôi còn giữ được?".
Tôi lặng lẽ đưa anh Cơ xem cái bằng, ngụ ý không dám nói ra, xem anh có cách nào giúp không?
Anh gạt đi:" Lúc này bằng cấp không bằng bằng lòng. Chú ăn ở cho khéo, thiếu gì việc".
Tôi sượng hết cả mặt, cất vội cái bằng vào trong túi áo. Có khi chẳng cần đến nó thật. Có thể là vào lúc này, ở vào hoàn cảnh như thế này nó chẳng có ý nghĩa gì .
Thấy tôi tần ngần có ý chán nản anh vỗ vai tôi bảo:"Chú không phải quân nhân nên hơi khó. Nếu chú là lính thì dễ ợt. Anh làm giám đốc nông trường, nhưng biên chế bên bộ quốc phòng quản. Biên chế của nó rích rắc lắm. Nhưng đừng lo, bên dân sự anh quen khá nhiều. Thế nào cũng tìm được việc cho chú. Cứ tạm quên cái việc học hành đấy. Lúc này người ta đang cải tạo công thương. Cả nước là một cuộc đại cách mạng. Lòi cái đuôi trí thức tiểu tư sản ra khó nói chuyện lắm. Chẳng thà nói mình là thợ, thợ gì cũng được. Công nhân là giai cấp vô sản mà...".
Anh tôi là cán bộ trung cấp, do thành tích chiến đấu mà nên. Lý luận của anh tôi thật là một mớ bòng bong. Nó không qua trường lớp nào cả. Tôi không hiểu hết những điều anh nói. Nhưng mang máng hiểu ra là: Tôi phải tỏ ra mình là con em người lao động. Bản thân cũng là người lao động trung thực. Cái đó nhất định rồi. Chẳng cần phải tỏ ra cái gì cả! Cha truyền con nối, tôi không là người lao động thì là gì? Nếu tôi lao động theo cách của tôi nghĩ, có gì là sai?
Nhưng tôi không nói với anh.
Giữa anh với tôi là hai thế hệ.
Anh em nhà nhưng hoàn cảnh khác nhau, vốn sống, suy nghĩ khác nhau. Tốt nhất là không tranh biện.
Chẳng có cuộc tranh luận nào kết thúc cả. Giữa các phạm trù, oái oăm thay cứ buộc vào nhau, lúc đẩy , lúc co, không tài nào tách bạch ra được.
Tạm thời công việc hàng ngày của tôi là cùng thằng cháu vào rừng. Hai chú cháu cắt những cây gỗ khô chỉ còn lõi về làm nọc tiêu.
Khu rừng này xưa là vùng trắng . Máy bay Mĩ giải chất độc hoá học và ném bom xăng nên cây to phần nhiều chết khô, cháy lem nhem chỉ còn sót lại những lõi gỗ của những cây đã mục nát . Lõi gỗ là loại rất cứng, chôn dưới đất hàng chục năm không sợ mối mọt, nó nặng kinh người.
Cứ được vài chục cây anh hai tôi cho xe vào chở . Phần giao cho nông trường, phần anh trồng ở vườn nhà . Vườn nọc tiêu ngay hàng thẳng lối trông xa như đoàn quân hàng ngũ chỉnh tề . Sau mấy tháng trời tôi thật không nhận ra mình nữa . Mặt tôi hốc hác, mắt trũng sâu, mái tóc cứng rậm trùm gáy. Cảm giác như ổ rơm úp trên đầu. Nước da càng tuyệt vời hơn, đúng là màu da của vùng cao nguyên, đen bóng thô dày như da thuộc.
Nhưng đổi lại anh Hai Bơ cho tôi cái xe Cúp 50, trông cũ kỹ nhưng đi còn tốt, trong túi có thêm chút ít tiền.
Thế là tôi có cơ may thực hiện ý định của mình.
***
Tất cả đi qua như một giấc mơ ..
Có giấc mơ đẹp, cũng có cơn ác mộng hãi hùng.
Còn bây giờ tôi ngồi đây, trong căn phòng nhỏ trên gác ba khu cư xá Thanh Đa. Khu này thiết kế dùng cho gia binh, theo kiểu bền và chắc.
Thành phố thời gian này hay mất điện. Căn phòng thiếu sáng, đồ đạc sơ sài.
Đối tượng của tôi đang lay hoay sửa cái bếp dầu cũ để đun nước châm trà.
Ông ta khoảng ngoài bảy mươi, tóc đã bạc trắng. Cái lưng lòng khòng, hai tay như khó điều khiển. Hồi trẻ chắc hẳn ông ta là người cao lớn, đường bệ.
Tôi tự giới thiệu mình là người bà con của ông ngoài bắc. Tuy vậy ông cũng không vồ vập. Có vẻ vừa nhạt nhẽo vừa rụt rè, y như thân cây khô không mảy may lay động trước gió. Tôi chịu không hình dung ra được đây là tên đồn trưởng ác ôn có nhiều nợ máu từ miền Bắc di cư vào Nam. Chính ông ta đã ra lệnh giết cha tôi và hơn mười người làng trong một trận càn. Ông ta đã làm cho cuộc đời tôi bao nhiều điều bất hạnh. Tôi không được biết mặt cha mình. Không được hưởng niềm hạnh phúc của đứa trẻ có cha, có mẹ. Thiếu tình thương, thiếu sự chăm nom dìu dắt của người cha, lại lâm cảnh nghèo đói. Tôi trở nên con người khốn khổ mấy mươi năm qua.
Tôi sẽ làm gì với ông ta đây? Lặng lẽ rút con dao nhọn đâm cho ông một nhát thật gọn, sau đó khép cửa lại? Hay lén bỏ chút bột trắng vào ly nước của ông ta? Hoặc đơn thuần dùng hai bàn tay thô nhám vì đi rừng chẹn cổ họng ông ta cho đến chết?
Làm những việc đó không khó. Có thể cũng không sợ ai phát hiện ra tôi. Khu nhà này vắng vẻ. Chủ yếu là binh lính nguỵ đi cải tạo về. Khi tôi đến người ta lấm lét nhìn, không ai dám nhìn thẳng mặt. Hơn nữa tôi đã hoá trang kỹ càng. Mắt đeo kính mát, bộ râu quai nón được dán rất cẩn thận. Một dạo tôi đi diễn kịch không chuyên, nên chuyện hoá trang với tôi là chuyện vặt.
Ý muốn trả thù khiến tôi mê đi. Không nghĩ đến việc gì khác nữa. Phải làm sao trừng trị ông ta xứng đáng với tội ác ông ta gây ra cho tôi và bao người khác. Nhân dân đã tha thứ cho ông ta, chỉ cải tạo một thời gian rồi cho về. Nhưng nhân dân là cái chung chung. Mối thù giai cấp, mối thù giặc cũng chỉ là cái chung chung. Còn tôi là một con người cụ thể. Có đau thương mất mát cụ thể. Có mối thù cụ thể. Tôi phải trừng trị ông ta!
Hình dung ra kẻ giết người man rợ tôi lại rùng mình. Chẳng nhẽ tôi lại là kẻ sát nhân, là tên giết người? Dù sao ông ta cũng là một con người. Con người tiều tuỵ yếu ớt kia không thể gây hại cho ai nữa.
Những việc ông ta làm cũng là theo mệnh lệnh của kẻ khác. Ông ta cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ tranh giành quyền lực của các giai cấp đối kháng, các thể chế khác nhau.
Nhưng không lẽ lại tha cho ông ta? Bỏ cả cuộc hành trình bao nhiêu trắc trở tới đây để rồi cho qua tất cả. "Không thế được". Tôi tự nói với mình như thế. Đầu óc đang bấn loạn. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.
Hoa bằng lăng tím ngắt rơi đầy trên khoảng sân giữa hai dãy nhà. Tất cả im lặng. Thành phố huyên náo như là ở đâu xa lắm, ngoài kia. Tôi lấy lại bình tĩnh. "Việc này không vội được, phải cân nhắc kỹ càng đã".
Có tiếng động ngoài hành lang. Rồi tiếng dép lẹt xẹt lại gần. Một cô gái gái cụt bên tay phải, tay trái xách cái làn đỏ bước vào, thấy tôi cô đứng sững, cúi chào:
-Con chào chú hai.
-Vâng chào cô!
Ông ta đứng dậy chỉ vào cô gái: "Tôi còn mỗi con nhỏ này ở lại. Tụi nó, di tản hết chú hai à".
Tôi nghĩ bụng: "Chúng mày trước di cư, giờ di tản. Sao lắm di thế không biết?"
Tôi nhìn kỹ cô, một bên mắt dán băng, không biết chột hay bị đau.
Ông ta bảo: "Con nhỏ này thiệt thòi quá. Nó đã hỏng một bên mắt mà mảnh pháo lại lấy đi của nó bên tay, chẳng biết có phải trời quả báo tôi không? Nhiều lúc rầu muốn chết. Vẫn mong có ngày mai về lại ngoài đó thăm mồ mả ông bà. Nhưng lại sợ việc tôi làm trước ngày, nên chưa dám. Hơn nữa tiền bạc cũng ngặt quá".
Tôi hỏi: "Bây giờ hai cha con sống bằng gì?"
Ông ta bảo: "Trông cả vào con nhỏ này. Ngày ngày nó bán vé số ngoài đầu ngõ với hộp thuốcc lá bán lẻ. Tần tiệm đắp đổi thôi mà chú".
Ông ta trỏ tôi, nói với con: "Đây là anh hai con bà cả Mẫn nhà mình. Anh vô công tác, tới thăm"
Bà cả Mẫn thì tôi biết. Họ hàng chánh tổng Sâm giàu có và gian ác có tiếng ở quê tôi.
Tôi hỏi sao hồi đó không di tản?. Ông ta bảo: "Tôi già sắp chết còn đi làm gì ? Tôi không muốn gửi xương xứ người. Chờ dăm năm về ngoài ấy, rồi ra sao thì ra".
Thì ra con người, dù có sống quỷ một đời vẫn còn nhớ đến quê..
Đứa con gái tật nguyền của ông ta xuất hiện làm tôi thay đổi ý định. Tôi thấy không nên ngồi lâu, rồi chào ông xuống đường. Tôi chạy xe trên đường, đầu óc mông lung không định đi về đâu.
Sài gòn với tôi quá rộng. Tôi như chim chích lạc rừng, cứ chạy hết phố này sang phố khác. Sau rồi mệt, tôi dừng ở Thảo cầm viên. Tôi gửi xe ở ngoài rồi nằm dài trên ghế đá trong vườn. Người đi lại lơ mơ tôi không để ý. Đầu óc căng thẳng chưa quyết bề nào, rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Có người đánh thức tôi dậy . Anh Hai tôi ngồi bên cạnh từ khi nào. Anh bảo: "Tao tìm mày muốn chết. Hồi sáng thấy chị nói mày có ý khác lắm, tao sinh nghi. Sợ mày làm bậy nên mới đi tìm. Thành phố cuồn cuộn người thế này biết tìm chỗ nào ? May mà gặp".
Tôi bảo: "Lâu ngày em đi chơi một hôm, có gì mà anh lo".
Anh Hai Bơ đưa con dao nhọn trong lúc tôi ngủ rơi ra, mặt anh nghiêm lại: " Mày đừng có dấu , mày định làm gì tao biết cả ! Tao cấm mày, làm gì bây giờ là khổ anh mày đấy. Đừng để tao kiếm củi bao nhiêu năm, thiêu trong một giờ vì mày".
Mặc tôi nói gì anh cũng không nghe, còn bảo: "Việc chú cứ hỏi dò thằng Chinh ở đâu là anh đoán ra rồi . Chú phải nhớ anh làm quân báo một thời nhé. Thế chú định làm gì nó?".
Tự dưng tôi buột miệng: "Đâm cho nó một nhát" Anh Hai Bơ nghiêm giọng: "Đơn giản thế thôi à".
"Vâng"
Anh hờm một tiếng: "Đúng là chú có lớn mà chưa có khôn. Đành rằng nó có nợ máu với nhà mình thật. Nhưng cũng bị trừng phạt rồi. Chú xem liệu nó sống được mấy năm mà phải làm vậy? Mà chú làm vậy tội ác lại chuyển qua phần chú đấy. Phải biết đi qua cái ác. Quên hận thù mới sống được em ạ. Con người ta cứ luẩn quẩn trong vòng ân oán thì bao giờ mới yên được? Thôi nghe anh, ta về. Tao tìm mày cũng còn việc khác nữa kia". Không muốn câu chuyện nặng nề thêm, tôi hỏi cho qua chuyện: "Việc gì hả anh" Anh Hai nói: "Tao vừa xin được cho chú một chân bảo vệ cơ quan ngoài Bình Dương. Hồ sơ tao lo cả rồi, đừng để lỡ. Không phải dễ mà được đâu. Người ta nể tao lắm mới nhận lời đấy".
Tôi lặng lẽ theo anh về Phú Giáo . Mỗi anh em chạy một xe, nên dọc đường không nói chuyện.
Tối hôm đó về Phú Giao tôi bị anh Hai tôi xạc cho một trận. Đến như chị Hai, người ít được ăn học như thế, còn nói: "Con người ta làm điều tử tế mới khó. Chú làm chuyện độc ác đâu có khó gì. Cũng vì chiến tranh người làng kẻ theo phe này, người ở phe kia bắn giết lẫn nhau. Nếu không dừng lại, oán thù trả bao giờ cho xong? Nhà mình mấy đời trồng cây phúc đức. Chú đừng dại dột".
Anh Hai Bơ lúc ấy mới nói: "Bác Tiến bị bắt tuần trước ở ga Hoà Hưng. Tôi có nói bác ấy không nghe. Đi chót lọt một chuyến, tham quá hoá liều. Chú ở lại đây là may cho chú. Gì chứ án ma tuý chẳng biết bao giờ ra. Người ta còn lên tận đây để điều tra. Chú không liên quan mới được yên thân đấy. Ngày mai đến cơ quan làm việc cho hẳn hoi. Chú muốn nói thế nào thì nói, hoàn cảnh của chú bây giờ cái chính vẫn là do chú làm ra, không thể đổ lỗi hết cho khách quan".
Tôi bàng hoàng cả người. Thế là anh Tiến bị bắt! Cuộc đời anh ấy rồi sẽ ra sao? Chị tôi và các cháu sẽ ra sao? Có thể chuyến đi với anh, người ta không biết, hoặc anh không khai ra. Dù sao tôi cũng rất lo lắng. Mặc dù mình vô tình, không biết gì về việc anh làm.
Tôi có bàn với anh Hai Bơ xuống trại giam thăm anh Tiến. Anh Hai Bơ bảo : "Tôi đã đến rồi. Người ta chỉ cho nhận quà, không cho gặp vì chưa xong hồ sơ. Cứ lo xong việc của chú trước đã".
Ngày hôm sau anh dẫn tôi tới cơ quan nhận công việc mới. Tôi chưa biết nên buồn hay nên vui trước những việc xảy ra thời gian qua. Số phận con người, những khúc quanh, những đẩy xô, rồi nâng đỡ khiến tôi chưa hết băn khoăn.
***
Công việc làm bảo vệ của tôi tuy không vất vả, nhưng lương hướng chẳng đáng là bao. Ngoài giờ làm việc không biết làm gì. Tôi theo một lớp tại chức để củng cố lại kiến thức. Nếu sau này không dùng vào việc gì, có thể tôi sẽ làm thêm nghề dịch sách kỹ thuật. Địa bàn này hiện rất ít người làm.
Vài lần tôi xuống trại thăm anh Tiến, anh gầy, đen và già đi rất nhiều. Hạnh phúc và khổ đau là hai cực nhưng lại rất gần nhau, gianh giới thật mong manh. Một người tài hoa tháo vát như anh Tiến không giữ được mình, kết cục lại rất thê thảm.
Gặp nhau anh anh ấy cứ ôm lấy tôi mà khóc. Anh bảo: "Tại số tôi nó thế". Nhưng tôi không tin. Anh đã trượt qua điểm dừng, bị cái ác níu lại.
Gần hết giờ thăm nuôi, anh dặn đi dặn lại: "Cậu chớ có làm việc ấy, cậu không nói, nhưng tôi biết cậu dự định từ lúc lên tầu vào đây. Đường đất xa xôi, vợ con anh chắc cũng không vào thăm anh được. Có cậu ở trong này thỉnh thoảng vào thăm anh, kể cả không có gì cho cũng được , anh đã như thế này , có người lâu lâu thăm hỏi là tốt rồi ".
Anh chị Hai tôi chuẩn bị ra miền Bắc. Tôi được nhắn qua điện thoại về ăn liên hoan chia tay. Tôi rất mừng là có dịp nhấn tin về nhà.
Anh Hai tôi còn nói thêm: "Lão Chinh bị tai nạn chết tuần trước rồi. Thôi thế là tôi khỏi lo cho chú. Nhớ về ngay nhé..."
Qua điện thoại không thể nói chuyện lâu. Tôi nôn nao cả người. Đấy là ngẫu nhiên, hay huyền cơ nào sắp đặt, hay là vong linh của cha tôi?
2004

Phần nhận xét hiển thị trên trang