Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986


Cách đây hơn 30 năm, 60 tỉnh, thành cả nước được sáp nhập lại còn 29 với kỳ vọng trở thành những "pháo đài kinh tế". GS Đào Xuân Sâm (nguyên giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), từng là thành viên tổ tư vấn của Tổng bí thư Trường Chinh, mô tả nền kinh tế Việt Nam trước năm 1986 như một ngôi nhà xây theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. "Đây là bản thiết kế được thi công ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ; miền Bắc nước ta từ thập niên 60 và sau đó áp dụng trên cả nước từ sau năm 1975", ông nhớ lại.
Máy tuốt lúa được phân phối cho xã viên hợp tác xã ở Hà Bắc (cũ). Ảnh: TTXVN.
Theo GS Sâm, khi đất nước thống nhất, đã có những tiếng nói cân nhắc việc áp dụng "bản thiết kế" cho miền Nam do những đặc điểm riêng nơi đây - nơi những mầm mống của kinh tế thị trường đã được gieo cấy nhiều năm trước đó. Nhưng lúc này, niềm tin "chiến thắng trong chiến tranh ác liệt thì có thể thắng lợi trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa" đã trở thành dòng chủ lưu.

Trong ngôi nhà trên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu được hoạch định, được chỉ tiêu hóa ở cấp Trung ương và địa phương, thông qua hệ thống Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Và cánh cửa duy nhất của ngôi nhà gần như chỉ mở ra với Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV), một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam gia nhập năm 1978.

Sắp xếp lại giang sơn

Nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong từng dành 15 năm cuộc đời để tìm kiếm tư liệu và khảo sát về "ngôi nhà" kế hoạch hóa tập trung. Theo ông, quan điểm cơ bản được xác định vào năm 1976 là "sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa".

Điều này đồng nghĩa với việc phải cải tạo tất cả những thành phần phi xã hội chủ nghĩa, quy tụ vào quốc doanh và tập thể, đồng thời tiến hành cải tạo tư sản công thương nghiệp và cải tạo nông nghiệp cá thể của nông dân. Trong công nghiệp và thương nghiệp, quốc doanh sẽ là chủ đạo. Trong nông nghiệp thì nông trường quốc doanh và hợp tác xã cấp cao là cốt lõi.



Phiếu mua thực phẩm gồm nhiều loại khác nhau. Theo quy định, phiếu B này dành cho cấp thứ trưởng. Ảnh: Tiến Dũng.

Đặc biệt, để xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không phải chỉ cải tạo các thành phần kinh tế, mà phải sắp xếp lại giang sơn. Huyện sẽ là cấp cơ bản, như những đơn vị kinh tế cơ sở, mà như vậy thì tỉnh cũ trở nên quá nhỏ bé, phải sáp nhập lại. Lúc này, hơn 60 tỉnh, thành cả nước được sáp nhập còn 29 với kỳ vọng trở thành những "pháo đài kinh tế" có quy mô sản xuất lớn.

Ở Nghệ Tĩnh, huyện Quỳnh Lưu xóa bỏ mọi làng xóm cũ, đốn bỏ vườn cây ăn trái trăm năm, nông dân di dời lên đồi cao dành đất thổ cư nhập làm ruộng lúa, hình thành những cánh đồng rộng hàng nghìn hecta cho máy cày hoạt động. Hà Nội mở rộng phía Tây lên tận Ba Vì để nuôi bò sữa, cung cấp sữa cho người già, trẻ em Thủ đô...

Theo Văn kiện Đại hội VI, cách làm cải tạo xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ "thường theo kiểu chiến dịch". Trong chiến dịch cải tạo công thương nghiệp miền Nam, nhiều thương nhân được đưa từ thành phố về vùng kinh tế mới để khai hoang, tổ chức sản xuất. Các xí nghiệp tư nhân chuyển thành công tư hợp doanh, thương nghiệp bán buôn của tư nhân bị xoá bỏ triệt để... Chỉ những người buôn thúng bán bưng và dịch vụ lặt vặt như sửa xe, cắt tóc thì còn tồn tại.

Trong cải tạo nông nghiệp, nhiều tỉnh phía Nam tiến hành tập thể hóa theo kiểu mệnh lệnh, gò ép nông dân vào các tập đoàn sản xuất hoặc hợp tác xã, dù trước đó họ đã quen với nếp sản xuất lẫn sinh hoạt theo cơ chế thị trường. 


Hà Nội thập niên 1980, phương tiện lưu thông chủ yếu là xe đạp và tàu điện. Ảnh: Michel Blanchard.

Khủng hoảng

Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thuật lại trong hồi ký của mình: Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khó khăn gay gắt. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970, do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm, và càng gay gắt hơn khi xảy ra sự cố đổi tiền năm 1985.

Cảnh cấm chợ ngăn sông khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề. Ông Vũ Oanh thường được cán bộ đi công tác cơ sở, bà con ở quê ra chơi kể nhiều chuyện phiền lòng. Mẹ già mang 5-10 kg gạo đi thăm con ở tỉnh khác, khi đến ranh giới tỉnh bị tịch thu, khóc lóc, van xin cũng không được.

Những phiên chợ quê, khi đội quản lý thị trường đeo băng đỏ đến tịch thu thịt lợn do tư nhân mổ chui bán, chính những người dân quanh đó lại bảo vệ người bán thịt lợn, không ủng hộ đội quản lý thị trường của nhà nước. Thật trớ trêu, bởi tư nhân mổ lợn bán thì giá thịt rẻ hợp túi tiền người dân, thịt bị tịch thu giá lại tăng vọt, người dân bình thường không thể mua nổi. Trong khi, nhà nước chỉ phân phối tem phiếu thịt giá thấp riêng cho cán bộ, công nhân viên (số lượng thật ra rất ít, khoảng 0,3-0,5 kg/người/tháng) và người dân ở thành phố (mỗi người 0,1 kg/tháng).

Nạn đói hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, thiếu cả cây kim sợi chỉ, thiếu từng hạt muối thiếu đi, vật giá tăng mạnh.

Nhiều người ki cóp tiền gửi tiết kiệm lâm vào cảnh bi đát do đồng tiền mất giá nặng so với trước khi đổi tiền. Có người bán một con bò lấy tiền gửi tiết kiệm, sau khi đổi tiền chỉ mua được vài con gà.

Cả nước chạy ăn từng bữa

Năm 1980, thay vì dự kiến dư thừa lương thực với kế hoạch 21 triệu tấn thì Việt Nam phải nhập khẩu lương thực nhiều nhất trong lịch sử: 1,57 triệu tấn. Giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam chỉ đạt 1,4%, thậm chí năm 1980 còn -1, tăng thu nhập quốc dân chỉ đạt 0,4%.


Bơm mực bút bi - nghề chỉ có trong thời bao cấp. Ảnh tư liệu.

Tất cả khó khăn, ách tắc ấy dội vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. "Trăm thứ thứ gì cũng phân", "mặt buồn như mất sổ gạo" là những câu cửa miệng một thời. Cuốn sổ gạo trở thành tài sản quý hơn vàng, nhà nào làm mất coi như đói cả tháng.

"Tiêu chuẩn 13 kg gạo mỗi tháng sụt xuống còn chưa đầy 5 kg. Có đợt hết gạo, cửa hàng mậu dịch phát bánh mì hoặc bột mì để dân mang về luộc, hấp. Gạo viện trợ đa số về tới Hà Nội là mốc vàng, vón cục", bà Phạm Thị Minh Tâm (Hoàn Kiếm) từng là mậu dịch viên lương thực kể.

Vật lộn với khó khăn của thời bao cấp, người dân nghĩ ra mọi cách cải thiện cuộc sống: Công chức nuôi lợn trong các khu tập thể, nhà cao tầng; thầy cô giáo sáng tạo ra những nghề phụ như rút lốp xe đạp, bơm mực bút bi, lộn cổ áo sơ mi...

Những người lính trở về sau chiến tranh cũng lao vào vòng xoáy mưu sinh, đi vào trong câu ca một thời: Đầu đường đại tá bơm xe/ Giữa đường thượng tá bán chè đậu đen/ Trung tá đi bán cà-rem/ Thiếu tá thì bận thổi kèn đám ma...

Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng "phá rào" trong nông nghiệp, trong mậu dịch, trong quyết định giá cả lương thực và hoạt động của doanh nghiệp đã giúp cải thiện tình hình ở một số địa phương, phá dần "vòng kim cô" của sản xuất.

Mùa đông năm 1986, cách đây đúng 30 năm, Đại hội VI diễn ra tại Hà Nội với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", quyết định chuyển hướng chiến lược: Đổi mới!

Hoàng Phương
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-cuoc-sap-xep-lai-giang-son-truoc-dai-hoi-doi-moi-1986-3510505.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Động đất ở Philippines làm lộ mặt một "kẻ giết người": Thép Trung Quốc

>> Ai là kẻ chủ mưu và việc cố ý lộ tin đổi tiền nhằm mục đích gì?



Thi Anh














SOHA - Philippines "tá hỏa" phát hiện ra thép không đạt chuẩn của TQ trong các công trình sau khi điều tra động đất.

Philippines đã ngừng nhập 20.000 tấn thép Trung Quốc dạng thanh, sau khi phát hiện số thép này "không đạt chuẩn".

Theo tài liệu Rappler thu thập được, ngày 8/12, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã thông báo cho tập đoàn Kinh doanh Tài nguyên Mannage (MRTC) về việc thu hồi chứng chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa (ICC) đã được cấp cho công ty này trước đó đối với 20.000 tấn thép dạng thanh của Trung Quốc.

Judith Angeles, một lãnh đạo của DTI và Phó Giám đốc cơ quan Kiểm định Chất lượng của Philippines Marimel Porciuncula đã giải thích với MRTC rằng đây là quyết định nhằm "đảm bảo hàng hóa tuân thủ đúng luật, quy định và tiêu chuẩn cần có về minh bạch thông tin, chất lượng và mức độ an toàn".

Viện Sắt - Thép Philippines (PISI), cơ quan bảo trợ cho ngành công nghiệp thép trong nước đã hoan nghênh quyết định của DTI. Trong một thông cáo ngày 13/12, Chủ tịch PISI Roberto Cola cho rằng quyết định ấy là "quan tâm tới sự an toàn của cộng đồng" và tuân thủ đúng "chính sách áp dụng chặt chẽ tiêu chuẩn cho các sản phẩm thép của Chính phủ".

PISI nhấn mạnh: Kết quả điều tra trận động đất vào tháng 10/2013 tại Cebu và Bohol đã cho thấy "nhiều thanh thép không đủ tiêu chuẩn và chưa qua kiểm duyệt" được sử dụng trong các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng ở đó.


"Philippines nằm ở khu vực hay xảy ra động đất và mưa bão, vì thế, cách tốt nhất để phòng tránh thiên tai là không sử dụng các sản phẩm thép kém chất lượng đang được bán trên thị trường", ông Cola nói.

Theo PISI, khoảng 80% sản phẩm thép được tiêu thụ ở Philippines trong năm 2015 được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đàm Vĩnh Hưng...khóc


Khi bà mẹ đẻ nghiện ngập đỏ đen,bà đã vay hết nơi này nơi nọ để thỏa mãn cơn khát đỏ đen Ca sỹ 10 năm xin lỗi tình yêu đã còng lưng trả nợ cho mẹ đến nay đã 20 tỷ với hàng ngày đầy rẫy những thành phần bặm trợn đến đòi nợ.Nỗi khổ đến thế là cùng


Hãy đừng trách vội ca sỹ sỹ tài ba này mà tôi nghiệp 

***
Nguyên nhân bất ngờ mẹ ruột Mr. Đàm mắc nợ 20 tỷ đồng khiến anh bật khóc nức nở, do máu cờ bạc?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

ANH SEN RỖ


Truyện ngắn của HG
Làng Vân là một làng nghèo, từng có thâm niên hàng trăm năm bên bờ sông Cái. Một làng tồn tại lâu như thế mà chả có danh tiếng gì. Đền thờ miếu mạo cũng có gọi là, nhưng hết sức sơ sài.
Về sau này có chủ trương bảo tồn bảo tàng, xét về quy mô chả có cái nào đủ tiêu chuẩn để tôn tạo, để cấp “bằng chứng nhận di sản lịch sử” hay “văn hóa”.
Danh nhân, danh tướng không có đã đành, mà dân trí nói chung lại dưới tầm cây na, cây ổi.
Lanh quanh chỉ có một hai ông giáo làng, gõ đầu trẻ, gọi là lớp trí thức của làng thời bấy giờ.
Phần đông chân chì, hạt bột, cổ cày vai bừa..
Một nơi không xa kinh kỳ Hà Nội là mấy, mà tăm tối bao nhiêu năm, kể cũng cực kỳ vô lý.
Nhưng hình như điều đó dân làng cũng chẳng ai bận tâm. Người ta lo cái ăn cái mặc hàng ngày còn chưa xong, lấy đâu ra thời giờ, công sức để ý đến chuyện sang hèn, đua tranh với thiên hạ?
Thời đó trong làng chưa có nhiều đồ nhựa, bền và tốt như bây giờ. Tất cả đồ dùng cho sinh hoạt mọi nhà hầu hết đều bằng tre. Từ cái rá đãi gạo, cái nong cái nia phơi thóc, đến cái quạt mát cầm tay, toàn làm bằng tre cả.
Ngay cả đến cái giường nằm, cái chõng ngồi xơi nước cũng bằng tre nốt. Chưa kể đến cặp gậy đôi, cái néo đập lúa, cái bắp cày, cái chổi bừa ..Không thứ nào không cần có tre góp mặt.
Mà làng Vân tre lại rất sẵn. Bốn bề làng, trừ một phía giáp cánh đồng là lũy tre dày đan kín. Ngay cả lối đi trong làng họa hoằn mới có một cây gạo, cây bàng xen kẽ, còn ngoài ra những tre là tre.
Người bấy giờ chưa đông, chưa nhiều như bây giờ nên phần đa vườn nhà ai cũng rộng. Cây trái chưa biết thâm canh, chưa nhiều chủng loại, lèo tèo vài thứ rông rài. Vườn nhiều nhà gần như bỏ hoang, lạp tạp những thứ cây không mấy giá trị. Cũng có nhà cày bừa trông ngô trồng đậu trong vườn. Nhưng bóng tre cớm nắng, cây lên èo uột chả mấy năng suất. Chủ yếu trồng dăm ba cây mít. Thứ cây tán nó rộng, có khi choán cả nửa sào đất, chủ yếu lấy quả ăn chơi, chứ bán hơi bị khó vì chợ thì xa, dân làng thì nghèo. Chả có mấy người sẵn tiền trong bọc. Một loại cây khác nữa cũng hay được trồng hồi đó là cây chuối. Quả của nó chín thì ăn quả, xanh thì xào nấu làm canh, thay rau. Những năm mất mùa hoặc đê vỡ còn thay cả cơm, đến là tiện dụng.
Bây giờ nếu ai có dịp qua lại vùng này, có những thứ cây không còn nữa. Thậm chí người ta không thể hình dung ra nó đã từng có mặt và tồn tại hàng trăm năm trước. Cây mít, cây tre là một ví dụ. Chỉ còn cây chuối là vẫn còn, được trồng hẳn từng vùng trong các trang trại cùng với nhiều giống cây khác. Nhưng đó là chuyện của sau này..
Thời cô Tân đang thời con gái, tre ở làng Vân vẫn còn nhiều. Vẫn còn là nguồn thu đáng kể của nhiều nhà trong làng. Ngay nhà cô cũng có hơn hai chục khóm. Mỗi khóm có đến hàng trăm cây. Những cây tre óng ả, chen chúc nhau thẳng như có người uốn. Đó là nguồn lợi bố cô được thừa kế từ đời các cụ, ông bà để lại. Cứ năm năm một lần lại có người đến mua hết cả vườn tre. Họ thuê người vác ra sông, kết thành bè mang về tận Hà Nội Hải Phòng.
Bấy giờ làm gì có xe ô tô để chở? Đến xe bò xe cải tiến cũng không! Toàn là nhờ vào sức người.
Những ngày này, người ta đến chặt tre, khuân chuyển đi trong xóm cứ ồn ã, náo nhiệt như ngày hội. Cây tre đánh võng đu đưa trên vai. Vai trái, vai phải bên nào cũng đỏ bầm, chai đi, nhưng người ta vẫn rất vui. Vô tư lắm, không hay quạu cọ, nổi khùng như những người buôn bán thời bây giờ.
Rồi anh rồi ả, hát đối hát đáp, chòng ghẹo nhau như tất cả đang được sống ở thiên đường.
Những ngày khác, năm khác tre vườn nhà cô Tân được mang ra chợ. Có một bãi hàng tre cho kẻ bán người mua chọn lựa, mặc cả, trả tiền cho nhau.
Đó là chợ Cầu. Một cái chợ bên kia con sông đào đổ ra sông cái ( không rõ có từ bao giờ, hình như là có từ thời thực dân, phong kiến ). Muốn vào chợ phải qua một cái cầu cũng làm bằng tre bắc qua con sông này. Vì thế chợ có tên là chợ Cầu.
Từ nhà cô Tân xuống chợ non chục cây số. Phải qua hai cánh đồng, một khúc đê, lên xuống hai cái dốc. Chỉ đi bộ thôi từ nhà đến chợ đã mệt, đằng này vắt vưởng ít nhất là hai cây tre bó lại thì biết vất vả như thể nào rồi?
Nhưng cô không thấy mệt, cũng chẳng thấy cực, thấy buồn, lại thấy phấn khích, hăng hái là đằng khác.“Con gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu” Cô Tân chỉ thấy thinh thích. Thoát ra khỏi cái không khí u u, ang ang của làng quê nghèo, ra chợ cô thấy cái gì cũng mới, cũng đáng yêu.
Cô đặt vác tre xuống bãi ở góc chợ, để mẹ cô bán sao thì bán. Nhoăn nhoắt, cô đi về hàng bún ốc, dù trong túi chưa có đồng nào.
Mẹ cô bảo: “Con gái không nên giữ tiền trong người, nhiều sự nguy lắm. Chỉ tổ làm sự chú ý của bọn ma cô, móc túi”.
Ôi dào nói đến bọn đấy, cô không muốn nghĩ nhiều. Chỉ tổ nhức đầu, hơn nữa cô chẳng thấy có gì phải sợ. Cô đến chỗ này theo thói quen mọi khi. Nơi có anh chàng không đẹp trai lắm, nhưng không đến nỗi xấu. Anh này mồm lôi công, kiểu mồm nói có người nghe, làm nghề hoạn lợn. Một nghề mà sau này người ta cho là nghề mọn, xâu xấu, nhưng thời bấy giờ lại có nhiều người trọng vọng vì kiếm ra được đồng tiền.
Ở cái xứ mà nghề ngỗng hiếm hoi, có bất cứ nghề gì cũng là tốt rồi. Chê làm gì? Chê làm sao khi mà tất cả chỉ có mỗi một nghề “chổng mông”, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Suốt từ lúc sinh ra, cho đến khi nhắm mắt, không chừa một ai thoát ra khỏi cảnh chân lấm, tay bùn.
Người ấy có đôi mắt rất lạ. mắt to đàng hoàng, nhưng chỉ nhìn he hé, cách nhìn sâu vào bên trong, giấu kín cảm xúc riêng của chính mình. Kiểu mắt của người đa mưu, túc trí. Đúng ra kiểu người này phải làm việc bàn giấy, hay ông thầy dạy học. Không hiểu vì sao lại làm nghề này?
Lòng trắc ẩn của cô gái mới lớn khiến cô chú ý, dù chẳng biết anh ta là ai, quê quán nơi nao?
Nhưng cái làm cô chú ý nhất là cái xe đạp của anh thợ hoạn. Đó là cái xe độc nhất vô nhị ở vùng quê nghèo này. Khung và vành xe làm bằng đuya ra, lốp xe hai mầu đen trắng có xuất xứ từ bên Pháp. Nó bằng tài sản của một gia đình trung lưu thời bấy giờ.
Hai người quen nhau bởi cái giây phút gặp gỡ trên cầu vào chợ. Suýt nữa thì cái ngọn tre cô vác trên vai đâm thẳng vào cái vành xe của anh. (may mà chuyện đó không xảy ra, nếu không đã xảy ra nạn lớn rồi ).
“Đi đứng thế nào thế?” Anh quát to. Cô gái hoảng hồn né sang một bên. Chút nữa thì cả cô lẫn vác tre rơi xuống con sông đào!
Vẻ hoảng hốt của cô làm anh chàng ái ngại. Anh dịu giọng: “ Cô không sao thì tốt rồi..Tôi mạn phép đi trước”.
Tới lúc vào chợ cô lại bất ngờ gặp lại con người ấy. Cô đã định tránh mặt. Người kia tiến lại gần: “Tôi ban nãy có hơi nóng, cô cảm phiền cho nha!”. Khác với giọng khê khê nồng nồng của dân vùng đất bãi, giọng anh chàng trầm vang như tiếng chuông chiều, làm cô cảm động. Anh hỏi han quê quán, rồi hai người quen nhau. Anh theo cô về làng.
Về cái làng Vân có lũy tre xõa tóc, ao hồ liên chi hồ điệp, anh không khỏi sửng sốt. Anh đi nhiều nơi gặp gỡ nhiều người vì cái nghề thợ hoạn của anh vốn là nghề “thân cư thiên di”, phải đi nhiều nơi mới kiếm được tiền.
Rồi cái gì phải đến đã đến. Cô phải lòng anh lúc nào không hay. Ông bố nghiện rượu của cô hễ thấy anh đến là rung râu, sáng mắt như được gặp quý nhân. Ngày ngày anh đạp xe đi thiến lợn rong trong vùng, chiều tối mới về. Hôm thì mang về xâu thịt, hôm mớ cá tươi. Hàng xóm phát ghen với nhà cô vớ được “ông khách sộp”.
Chuyện đời xưa nay, ngày vui thường không dài..
Nửa năm sau, anh thợ hoạn mất dạng không có tăm hơi. Người ta đồn anh dính dáng đến một “hội kín” gì đó, bị nhà chức trách đưa biệt tích lên vùng rừng xanh núi đỏ.
Cũng là lúc cô Tân mang một mầm mống, sinh linh bé nhỏ trong lòng. Cô cực kỳ hoang mang.
Thời đó “khắc phục hậu quả” không đơn giản như thời sau này. Cô đã tính đến chuyện bỏ làng ra đi, muốn đến đâu thì đến. May mà phút lưỡng lự bên bờ sông Cái đã cứu cô thoát nước làm liều.
Tháng sáu nước lên, sông cái cuồn cuộn, mênh mang nhìn không tới bờ bên kia. Nhảy xuống đấy rồi chỉ còn nước xuôi ra cửa bể, không thể lên bờ..
Con người ta bất luận hoàn cảnh thế nào, sinh mệnh cũng đều quý giá. Người ta chỉ có một lần duy nhất nơi thế gian này. Nếu cô dại dột nhảy xuống dòng sông năm ấy, sinh mệnh quý báu đã không còn. Dù có đầu thai kiếp khác chắc gì đã được làm người, khi không biết quý trọng sinh mạng tạo hóa đã ban cho?
Cũng còn may, nhờ tục ngữ có câu:“Ở ống thì dài..” Cha mẹ cô nhận lời sắp xếp cho cô một đám khác. Đám này ước ao theo đuổi cô từ lâu, bị cô năm lần bảy lượt chối từ. Nhà anh ta đã nghèo, người lại xấu. Cô từng chê anh ta “Mười phần thì bảy phần khỉ, chỉ có ba phần người”. Đã thấp lùn thì chớ, lại lưng gù, mặt rỗ, răng vẩu. Đứng gần mồm hôi đến buồn nôn.
Trăm sự tại giời, “ghét của nào trời trao của đó”, ở hoàn cảnh này cô Tân đành phải chấp thuận, chứ biết tính làm sao?
Anh “Sen rỗ”, tên cúng cơm của vị hôn thê còn thêm một điều kiện: Hai người sẽ chả có cưới treo gì. Cả hai sẽ xuống thuyền, từ nay làm nghề chài lưới dưới sông, cách xa miệng tiếng người đời.
Cô dần quên bóng hình anh thợ hoạn. Sát cánh cùng anh Sen rỗ, nay đây mai đó trôi nổi sông nước cho đến ngày lên tới đầu nguồn..
**
Anh Sen rỗ tỉnh giấc đúng cữ. Tầm hai giờ một lần. Vớ cái tích đựng nước, anh xúc miệng òng ọc rồi nhổ xuống sông. Cảnh tượng trước mắt làm anh thoáng chút ân hận. Ai lại nhổ xuống một dòng sông đẹp đến thế này cơ chứ? Trăng thì cứ sáng vằng vặc trên đầu. Sóng nước ở đoạn gềnh phía trên réo ào ào. Nhưng vụng nước ở chỗ này tĩnh, thỉnh thoảng mới thấy tiếng cá đớp bóng trăng, từng quầng sáng lan tỏa lấp lánh. Cảnh tượng thật mê li. Nhìn dọc hai bên bờ sông ánh trăng bàng bạc, khói sương lơ mơ hư ảo.
Cuộc đời thật nhẹ nhõm. Như thể người ta sinh ra để sống những ngày thanh bình.
Chỗ này đầu của một con ngòi chảy từ suối ra sông, nước rộng rãi tỏa ra thành một cái vụng nhỏ. Cái bè câu của anh nép hẳn về một phía bờ, vươn những chiếc gọng vó dài, khum khum thả giữa vụng nước. Anh từ từ kéo đoạn dây chão. Đầu gọng vó có buộc thêm mấy cục đá to bắt đầu hạ xuống. Nó là thứ để cân bằng sức nặng của tấm lưới to bằng bốn cái chiếu cộng lại. Nếu thiếu nó có mà sức ba bốn người kéo lên cũng vất vả, chứ đừng nói làm một mình.
Người nọ học người kia, không biết bắt đầu từ đâu, dân vó bè đều làm như vậy như một thói quen.
Khi vó cất lên khỏi mặt nước, rõ ràng thấy có cá quẫy bành bạch trong vó, nhưng anh không kéo hẳn nó lên để tóm lấy.
Chả cần thiết phải làm như vậy. Ở rốn vó đã có cái giỏ đan đan bằng tre, có hom sẵn. Cá rơi vào giỏ thì cứ việc nằm đấy, vướng cái hom có tài thánh cũng không thể thoát được ra ngoài. Đằng nào thì đến sáng hẳn, cái giỏ mới được nhấc lên khỏi mặt nước. Một đêm, vó cất lên mấy lần như thế.
Anh Sen làm như chơi, như đùa. Muốn chục ký cá chỉ là chuyện nhỏ. Sớm hôm sau lại có thuyền từ xuôi lên, có bao nhiêu cá họ cũng “đong” hết.
Cái nghề nhẹ nhàng xem như đùa này kiếm ăn dễ khiến anh gắn bó với nơi này hết muốn đi đâu nữa.
Anh quên dần những tháng năm u ám, buồn tẻ ở quê nhà.
Câu chuyện anh Sen lấy cô Tân ở làng cũ một dạo xôn xao. Anh Sen ê hết cả mặt mày. Người ta bảo anh chỉ là người tráng men, chứ thực ra đứa con trong bụng cô Tân là con lão thợ hoạn, không phải con anh. Anh cũng biết thế chứ không phải là không. Chuyện con hoang con hủy ở đời này có gì là lạ?
Đến vua chúa còn có kẻ xuất thân như thế thì thằng dân đen như mình có gì là không được, không nên xảy ra? Biết thì vẫn biết thế, nhưng khi nó ám chỉ thực sự vào mình thì ai mà không bứt dứt?
Đám cưới qua loa, anh Sen bán miếng đất hình cái muống hót rác, sắm cái thuyền to hơn, ngược lên miền rừng. Và cuối cùng anh chọn chỗ này.
Có lão thầy địa lý ngang qua sông vào chơi nhà bè, khen phong cảnh nơi này đẹp, lại tốt về phong thủy. lão ý bảo vùng đất này được hai dãy núi vòng qua, ôm lấy như một cái ngai. Khí hậu bốn mùa quanh năm ôn hòa. Nắng không nắng gắt quá, lại chả có mưa to, bão lớn bao giờ. Nếu nơi khác thiên tai độ mười phần thì đây chỉ chịu một hai phần. Anh Sen để ý thấy có đúng như vậy thật.
Dân trên bờ là một xóm người Thanh Y. Không hiểu sao lại có độc nhất một gia đình người Kinh. Bà này phiêu bạt từ dưới xuôi lên sau nạn đói năm Ất Dậu.
Anh Sen quen bà một bận tình cờ ngang qua đây. Hôm ấy anh vác bó nứa to từ trên khe mang xuống sông làm mảng. Không nhớ sơ ý thế nào bị một gốc cây sắc nhọn xẻ ngang bắp chân. Cũng là lúc bà cụ đi ngang qua. Như có duyên tiền định từ kiếp trước, bà dìu anh về nhà. Hai mẹ con lau rửa vết thương, lại lấy lá cây cầm máu cho anh. Vết thương khỏi dần, cũng là khi người con gái bà cụ bén hơi anh. Cô không đẹp, nhưng ngoan hiền, thùy mị.
Người ta bảo: “lửa gần rơm..” thật không có sai. Mà ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, hai người đang tuổi cập kê, tối ngày gặp nhau, làm sao tránh được cái cầm tay ấm áp? Chuyện xảy ra vài lần. Khi anh Sen xuống mảng về xuôi, cũng là lúc cô Duyên bắt đầu ăn dở.
Chán cảnh ở quê nhà lắm điều xì xèo, anh Sen đưa cô Tân lên đất này. Anh hoàn toàn không biết chuyện cô Duyên đã sang tháng thứ hai.
Ngày ấy “giải quyết hậu quả” chưa tiện và dễ như bây giờ. Cô âm thầm dùng hết món lá nọ đến món lá kia đều không có kết quả. Đành tặc lưỡi, muốn ra sao thì ra.
Được cái bà mẹ thương và chiều con. Bà bảo: “Âu cũng là lòng giời, chót rồi, đẻ thì nuôi”.
***
Năm tháng qua đi, “chỉ tình yêu ở lại”, cho dù tình yêu đó có đôi khi, đôi nét bẽ bàng.
Người như anh Sen tưởng mang trầu cau đi hỏi vợ đến đứt quai bị, không lấy được. Không ai ngờ, định một mà thành hai.
Ông Sen sau này có hai bà, chuyện nguyên do là như vậy.
Khi tôi đến đất này, bà Duyên và ông Sen đã mất. Mộ của họ an táng ngay gần lối rẽ vào gốc cây sung lối xuống bến Con Cò.
Chả hiểu sao, mùa nào cũng vậy, đều có bướm vàng bay chấp chới quanh khu này, không như mọi nơi, bướm ra phải có mùa.
Bà Tân thọ đến ngoài trăm tuổi. Cháu chắt có hàng chục người. Cả một vùng đất đai rộng rãi, quần cư toàn con cháu bà, mang họ Lỗ, một cái họ nghe đã thấy rất hiếm người.
Không có một tấm ảnh để lại, tôi chịu không thể hình dung ông Sen là người trông như thế nào?
Mẹ tôi thì bảo: “quý nhân đãi kẻ khù khờ”. Có nhẽ đúng. Hẳn là kiếp trước ông ấy tu tỉnh thế nào đấy mới có cái kết có hậu như sau này.
Tôi ra vụng vó, chỗ ngày xưa ông Sen đặt vó bè, định học ông làm một cái, kiếm cá đỡ gia đình.
Mẹ tôi cười nhăn nhúm khuôn mặt già nua, bà bảo:
- Con người ta mỗi người một số, có muốn học, muốn làm theo cũng chẳng được đâu. Với lại sông nước thời nay khác ngày xưa rồi, có còn cá tôm nữa đâu mà bè với chả vó?
Tôi nghĩ, có lẽ mẹ tôi nói đúng. Bằng chứng là từ ngày có đập thủy điện trên thượng nguồn, đêm đêm trên dòng sông không còn thấy ánh đèn soi lấp lóe vào lúc đêm gần sáng.
Tôm cá bây giờ đâu còn mấy, người ta lặn lội đêm hôm để làm gì?
Thôi thì trời chả triệt đường sống của ai. Còn đầy công, đầy việc. Chả vó bè nữa, thì đi làm việc khác, có sao đâu?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những bức ảnh Việt Nam 2016

Những bức ảnh Việt Nam được tạp chí nhiếp ảnh hàng đầu thế giới lựa chọn đăng tải trong năm nay đã để lại cho người xem ấn tượng sâu sắc về thiên nhiên và con người nơi đây.
 Hạ Long trong ống kính CNN: Trong chương trình 'Anthony Bourdain: Parts Unknown' phần 8, đầu bếp Anthony Bourdain đã đưa người xem đến với Việt Nam qua thiên nhiên và cuộc sống ở Hạ Long. 
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 1
Tạp chí National Geographic của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ ra mắt gần 130 năm trước và nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu với những bức ảnh có tính nghệ thuật cao. Trong ảnh, một người leo núi đứng trong hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Hang động này dài hơn 3 km, một số nơi cao hơn 180 m. Ở những nơi nóc hang bị sập, ánh sáng mặt trời có thể tràn vào giúp thảm thực vật phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Matthias Hauser.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 2
Nước ngập mang lại một bức tranh đầy màu sắc trên cánh đồng lúa ở Ý Tý, Bát Xát, Lào Cai. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6 ở ngôi làng miền núi này. Ảnh đăng ngày 14/8. Ảnh: Phero Art.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 3
Những chùm cói bàng được phơi khô ở làng Phù Mỹ, tỉnh Kiên Giang. Dân làng ở đây thu hoạch cói bàng từ hàng trăm năm nay để làm giỏ, chiếu, túi xách và các đồ thủ công mỹ nghệ khác. Đây là bức ảnh đẹp nhất ngày 25/9 trên mục Your Shot. Ảnh: Hoàng Thái.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 4
Bức ảnh "Cánh đồng hương" được bình chọn là ảnh đẹp nhất ngày 3/12 trên mục Your Shot. Những người thợ làm hương truyền thống ngồi giữa hàng chục bó hương đầy màu sắc được xếp lại cẩn thận. Độc giả nhận xét bức ảnh có màu sắc và bố cục đẹp, đồng thời kể được câu chuyện ý nghĩa về nghề làm hương truyền thống ở Việt Nam. Ảnh: Tran Tuan Viet.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 5
Người dân chuyển các tấm cá phơi khô dưới ánh nắng. Kiên Giang cùng một số tỉnh thành khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong ngành đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Nhiều độc giả bày tỏ ấn tượng về sự độc đáo của bức ảnh và sự cần cù của người lao động Việt Nam qua tác phẩm được bình chọn ngày 19/11 trên Your Shot. Ảnh: Nguyen Lam
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 6
Ở thành phố Mỹ Tho, lưới đánh cá được ngư dân kiểm tra cẩn thận sau mỗi chuyến ra khơi. Họ kiểm tra và sửa lại tấm lưới bị hư hại nhanh nhất có thể cho chuyến đi biển tiếp theo. Công việc này đôi khi phải mất nửa ngày để hoàn thành. Ảnh: Phạm Tỵ.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 7
Một người phụ nữ thu hoạch hoa súng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tác giả bức ảnh cho biết mỗi buổi sáng, người chủ sở hữu chiếc ao rộng 1 km này thu lượm hoa và bán cho các tiểu thương với giá 10.000 đồng/bó. Ảnh: Nhan Le
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 8
Hai phụ nữ ngồi tán gẫu trong một cửa hàng đèn lồng ở Hội An. Thành phố cổ này từng là thương cảng phồn thịnh ở Đông Nam Á từ thế kỷ 15 và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Theo tác giả của bức ảnh ngày 18/5 trên mục Your Shot, các đèn lồng đầy màu sắc có rất nhiều ở Khu Phố cổ, tạo thành cảnh đêm tuyệt đẹp khi đi dạo quanh đây. Ảnh: Martin Bagg
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 9
Bức ảnh mang tên "Đối kháng" thể hiện góc nhìn của tác giả về truyền thống văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Trong khi thế hệ trẻ dường như bỏ quên truyền thốnng để theo đuổi lối sống phương Tây, khung cảnh này giống như một biểu tượng cho sự kháng cự của văn hóa bản địa. Hai người đàn ông chơi cờ dưới ánh nến ở một con phố yên ả tại Hội An. Họ không hề bận tâm tới những ồn ào của thành phố du lịch nổi tiếng này. Ảnh: Pedro Cattony
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 10
Bức ảnh chụp lại một quán bar ở tầng cao của TP.HCM, thành phố sôi động dường như không bao giờ ngủ. Ảnh tham dự cuộc thi Nhiếp ảnh gia du lịch của năm do National Geographic tổ chức. Ảnh: Caroline Micaela Hauger
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 11
Bức ảnh được chụp từ tầng 12 của một nhà nghỉ ở TP.HCM. Tác giả rất ấn tượng trước vẻ đẹp rực rỡ và sự sôi động của thành phố, cả ban đêm lẫn ban ngày. Tác giả gọi TP.HCM là "Thành phố sắc màu" trong bức ảnh này. Ảnh: King Fung Wong.
Tuyết Mai (Theo: Zing - Ảnh: National Geographic)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?


Đến cuối buổi, Mikhail Gorbachev và phóng viên Steve Rosenberg ngồi lại trước đàn piano của ông. Phóng viên BBC chơi đàn, còn Gorbachev hát những bài ca Liên Xô ông ưa thích. Việc đàn hát này đã trở thành truyền thống mỗi khi Gorbachev được phỏng vấn. Phóng viên BBC Steve Rosenberg nói rằng theo anh, không công bằng khi đổ lỗi cho Gorbachev - hay cả các nước cộng hòa ly khai - vì phá hoại đế chế Liên Xô. Anh nói: "Liên Xô có lẽ đã có khuyết điểm ngay từ đầu, về kinh tế, chính trị và ý thức hệ. Có lẽ đây đã luôn là một siêu cường có tuổi thọ ngắn."

Mikhail Gorbachev
Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev trả lời phỏng vấn của BBC nhân dịp đánh dấu 25 năm ngày Liên Xô sụp đổ. Phóng viên BBC Steve Rosenberg ở Moscow đã được gặp ông Gorbachev, 85 tuổi, người không khỏe thời gian này.

"Những gì xảy ra cho Liên Xô là tấn kịch đời tôi. Và là tấn kịch cho mọi người sống ở Liên Xô."


Ngày 21/12/1991, bản tin chiều của truyền hình Nga bắt đầu: "Liên Xô không còn nữa…"

Vài ngày trước đó, các lãnh đạo Nga, Belorussia và Ukraine đã gặp nhau để giải thể Liên Xô, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nay, tám nước cộng hòa trong Liên Xô quyết định gia nhập.

Họ chống lại Mikhail Gorbachev, người cố gắng duy trì các nước trong cùng một quốc gia.

"Phản bội ngay sau lưng tôi," Gorbachev nói với phóng viên BBC.

"Họ đốt cả ngôi nhà chỉ để châm điếu thuốc. Chỉ để có quyền lực."

"Họ không thể làm thông qua biện pháp dân chủ. Thế là họ phạm tội. Đó là đảo chính."


Tháng Tám 1991: Boris Yeltsin dẫn đầu đoàn người phản đối phe bảo thủ Liên Xô làm đảo chính


25/12/1991: Mikhail Gorbachev từ chức và Liên Xô không còn nữa

Ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô. Tại điện Kremlin, lá cờ Liên Xô hạ xuống lần cuối cùng.

"Chúng tôi đang đi tới nội chiến và tôi muốn tránh nó."

"Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Đi xuống là thắng lợi của tôi."

Trong diễn văn từ chức, Gorbachev nói nhờ chương trình cải tổ của ông, xã hội "đã có tự do".

25 năm sau, BBC hỏi ông liệu tự do có bị đe dọa ở Nga.

"Quá trình chưa hoàn tất. Chúng ta cần nói thật về điều này."

"Có một số người thấy tự do là điều khó chịu."

"Ông ám chỉ Vladimir Putin không?"

"Anh phải đoán được tôi muốn nói ai. Đây là câu hỏi tôi nhường anh trả lời."


Tổng thống Putin xem Igor Sechin là người thân tín

Trong cuộc nói chuyện với BBC, Mikhail Gorbachev tránh phê phán trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng ông cũng ám chỉ hai người có khác biệt.

"Putin có bao giờ hỏi lời khuyên của ông?"

"Ông ấy biết hết mà. Mọi người thích làm theo ý mình. Đời là thế."

Nhà cựu lãnh đạo Liên Xô chỉ trích nước Nga hiện đại.

"Bọn quan lại ăn cắp của cải đất nước, tạo ra các công ty."

Ông chỉ trích một người thân tín của Putin, Igor Sechin, đứng đầu công ty dầu khí Rosneft, nói ông này tìm cách tác động chính phủ.

Ông cũng công kích cả phương Tây, nói rằng phương Tây "khiêu khích Nga".

"Báo chí phương Tây, kể cả anh, được chỉ thị đặc biệt là phải làm mất uy tín Putin, loại ông ta đi. Không phải là giết, mà là buộc ông ta từ chức. Nhưng kết quả tỉ lệ ưa thích ông ta lên tới 86%. Sắp tới còn là 120%."

Gorbachev nghĩ gì về Donald Trump?

"Tôi đã thấy những tòa nhà cao tầng của ông ta, nhưng chưa có dịp gặp ông, nên không thể đánh giá quan điểm, chính sách."

"Nhưng thú vị đấy. Tại Nga, tất cả, gồm cả tôi, đều nghĩ đảng Dân chủ sẽ thắng, tuy là tôi không nói ra."

"Ông có nhận trách nhiệm làm Liên Xô sụp đổ?"

"Điều làm tôi thất vọng là ở Nga, người ta không hiểu những gì tôi muốn làm và những gì tôi đã làm."

"Perestroika đã mở đường cho hợp tác và hòa bình. Tôi chỉ tiếc là tôi không thể tiến hành nó đến cùng."

Đến cuối buổi, Mikhail Gorbachev và phóng viên Steve Rosenberg ngồi lại trước đàn piano của ông. Phóng viên BBC chơi đàn, còn Gorbachev hát những bài ca Liên Xô ông ưa thích.

Việc đàn hát này đã trở thành truyền thống mỗi khi Gorbachev được phỏng vấn.

Phóng viên BBC Steve Rosenberg nói rằng theo anh, không công bằng khi đổ lỗi cho Gorbachev - hay cả các nước cộng hòa ly khai - vì phá hoại đế chế Liên Xô.

Anh nói: "Liên Xô có lẽ đã có khuyết điểm ngay từ đầu, về kinh tế, chính trị và ý thức hệ. Có lẽ đây đã luôn là một siêu cường có tuổi thọ ngắn."

(BBC)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ANH BƠM CHO EM một phát đi


Ngôn ngữ "Hà Lội" giờ "nạ" thay
Nghe qua thôi đã run lẩy bẩy,
Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây:

Cô gái trẻ dắt chiếc xe máy... đến đầu đường bảo anh sửa xe:
- Anh bơm em một phát ngay đi!
Anh sửa xe thò tay rờ, nắn:
-"Lon" thế "lày" thì bơm cái gì, vá thôi!
Cô gái gân cổ cãi:
- Tối hôm qua, đã thử sờ tay. V
ẫn cứng lắm. Chưa thủng đâu! Cứ bơm cho em một phát!
- Thôi được rồi. Quay đít vào đây. Anh bơm cho em vài phát vậy!


Quà sinh nhật của bạn trai
Sắp tới ngày sinh nhật của cô gái, bạn trai cô hỏi:
– Em yêu, sinh nhật em sắp tới rồi đấy. Em muốn anh tặng gì nào?
Cô gái bẽn lẽn:
– Em vẫn chưa nghĩ ra anh yêu à!
Chàng trai vui mừng nói tiếp:
– Tốt quá! Thế anh sẽ tặng em thời gian một năm để suy nghĩ nhé!

Sao biết
Cô gái hỏi người yêu của mình:
– Hôm qua anh đọc trộm nhật ký của em phải không?
Chàng trai rất bất ngờ, hỏi người yêu của mình:
– Ủa, sao em biết hay vậy?
– Em vừa xem nhật ký của anh thấy có ghi vụ đó.

Các em đã hiểu
Thầy giáo hỏi cả lớp:
Các em đã hiểu việc kinh nguyệt quan trọng thế nào đối với phụ nữ chưa ?
Trò Mike đáp:
Thưa hiểu. Khi chị con nói tháng này không có thấy kinh nguyệt thì mẹ con ngất xỉu, bố con bị đột quỵ tim, còn anh tài xế thì vùng chạy ra ngoài.



Phụ nữ
Phụ nữ cũng như phần mềm máy tính. Giao diện đẹp chưa chắc đã chạy ổn định.
Chạy ổn định chưa chắc đã xử lý thông minh.
Xử lý thông minh chưa chắc dễ bảo trì. Mà nếu một phần mềm có đủ hết các yêu cầu trên thì chắc gì mua được, mà dù có mua được đi nữa thì chưa chắc gì chúng ta có đủ trình độ quản lý, nếu có đủ trình độ quản lý... thì cũng luôn phập phồng lo sợ mấy thằng hacker nó... hack mất !

Phần nhận xét hiển thị trên trang