Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Các con ông Trần Phương Bình là những tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán


(VTC News) - Các con gái ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank là những tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngày 10/12, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) thông báo Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công An (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của DongA Bank do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Dàn lãnh đạo cũ của DongA Bank bị bắt bao gồm ông Trần Phương Bình– nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan.
tran phuong binh gia dinh
 Gia đình ông Trần Phương Bình
Được biết, ông Bình bị bắt tạm giam vì liên quan đến cáo buộc các sai phạm, gây thất thoát 2.000 tỷ đồng cho Dong A Bank.
Ông Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại DongA Bank với tỷ lệ sở hữu lên tới 3%. Cả họ của ông Bình nắm giữ tới 8,25% vốn DongA Bank. Trong đó, đáng chú ý là các con gái ông nhờ là cổ đông DongA Bank nên thành những tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cả họ nắm giữ 8,44% vốn DongA Bank
Ở DongA Bank, công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ tới 10% vốn ngân hàng. Đứng sau là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%), Văn phòng Thành ủy T.P Hồ Chí Minh (6,87%), công ty cổ phần Vốn An Bình (5,42%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (3,78%).
Với việc nắm giữ 15 triệu cổ phiếu DAF, tương ứng 3% vốn DongA Bank, ông Trần Phương Bình là cổ đông lớn thứ 6 tại DongA Bank nhưng là cổ đông cá nhân lớn nhất. Tuy nhiên, sức mạnh của ông Bình còn nhiều hơn thế vì cổ đông lớn thứ 2 Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là công ty do vợ ông – bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Không chỉ có vậy, cả họ nhà ông Bình nắm giữ tới 8,44% DongA Bank. Tổng cộng có tới 12 thành viên liên quan tới ông Bình sở hữu cổ phiếu DAF của DongA Bank. Trong đó, bà Cao Thị Ngọc Dung sở hữu gần 9,7 triệu cổ phiếu DAF. Tính theo mệnh giá, lượng cổ phiếu này trị giá 97 tỷ đồng.
Không kể các thành viên trong gia đình ông Bình, ông Cao Ngọc Hải, em trai ông Bình là người nắm giữ nhiều cổ phiếu DAF nhất trong dòng họ. Ông Hải hiện đang sở hữu gần 1,4 triệu cổ phiếu DAF, tương ứng 14 tỷ đồng.
Con gái là những tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán
Trong gia đình ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ lượng cổ phiếu DAF khá lớn nhưng vẫn thua kém các con gái.
Cô con gái Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tới 10,3 triệu cổ phiếu DAF, tương ứng 2.06% vốn DongA Bank. Ngọc Hà là cổ đông lớn thứ 9 của DongA Bank. Theo mệnh giá, lượng cổ phiếu này trị giá 103 tỷ đồng. Với khối tài sản khổng lồ này, Trần Phương Ngọc Hà lọt vào Top các tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đứng ở vị trí số 1 trong danh sách này là Trần Phương Ngọc Giao, một cô con gái khác của ông Trần Phương Bình. Ngọc Giao nắm giữ 10 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 100 tỷ đồng theo mệnh giá). Tuy nhiên, DAF không phải cổ phiếu giúp Ngọc Giao “đăng quang”. Ngoài DAF, Ngọc Giao còn sở hữu cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
Nhờ nắm giữ hơn 3,6 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 250 tỷ đồng), Trần Phương Ngọc Giao đứng ở vị trí 83 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nếu DAF niêm yết trên sàn chứng khoán, con gái của ông Bình có thể vươn lên vị Top 70.
Một cô con gái khác của ông Bình cũng nằm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Đó là Trần Phương Ngọc Thảo. Ngọc Thảo sở hữu 3,6 triệu cổ phiếu PNJ và 3,4 triệu cổ phiếu DAF.
Sáng 11/12, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có thông tin về việc ông Trần Phương Bình bị bắt. Thông báo cho biết, tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DongA Bank.
Bảo Linh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chưa hiểu đừng phán bừa!

Khi sự thông tuệ lặng lẽ cúi đầu


FB Quang Phan
Rất cần một tầng lớp trí thức Việt - Điều đó không sai, nhưng làm thế nào để có tầng lớp ấy? Câu trả lời không hề đơn giản.

Trí thức được sinh thành bởi nền giáo dục khai phóng, được cung cấp động lực và lớn lên bởi khát vọng thay đổi của ít nhất một dân tộc. Trí thức không sinh thành từ bùa mê thuốc lú.

Xã hội nuôi dưỡng trí thức - dân tộc nuôi dưỡng trí thức chứ không phải là những người có học thức được chính quyền trả lương. Ở đây không có chuyện trí thức dấn thân hay trí thức "đi ngủ" mà trí thức bản thân đã là người nghiêm khắc với chính quyền là biểu trưng của khát vọng thay đổi.

Khi họng súng vươn cao!

Lấy riêng trong trường hợp Việt Nam khát vọng thay đổi lớn lao nhất mà người Việt có được trong suốt 150 năm qua đó là độc lập, là tư duy mới thoát ra khỏi không gian Á Đông.

Khát vọng ấy đã ươm mầm để người Việt có được một Phan Chu Trinh với Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh với câu tuyên ngôn bất hủ: "chi bằng học". Khát vọng và cả nền giáo dục của người Pháp đã làm nảy sinh một đội ngũ "Nhà văn hiện đại" những người đã dũng cảm cầm bút chì viết bằng ký tự la tinh (thay vì bút lông viết Hán tự) và thổi bạt đi nền văn học từ chương.

Là cuộc sống cá nhân, là khát vọng cá nhân phản ảnh trong từng hơi thở của câu văn, tứ thơ. Là nền văn học hiện đại do chính những người "mới" mở lối.

Nhưng những điều này đã chấm dứt, người Việt Nam lựa chọn họng súng chứ không phải là cây bút. Công nông trở thành lãnh đạo và tiền phong cách mệnh những chiến binh oai hùng còn Trí thức bắt đầu chịu những thảm họa.

Hệ tư tưởng mới đã phổ quát quyền lực của mình và không còn muốn cá nhân có thể "bay những chân trời chưa có người bay". "Bút chì" và ký tự la tinh vẫn được sử dụng nhưng là để tuyệt đối hóa hệ tư tưởng giúp nó thống trị não bộ và cả trái tim của người dân.

Mỹ từ là Trí thức xã hội chủ nghĩa - Kẻ ấy dứt khoát phải đoạn tuyệt, phải tiêu diệt trí thức tiểu tư sản. Thậm chí đau hơn nữa đó là việc: Công nông hóa trí thức. Sau chiến tranh, anh trí thức đã biết nuôi lợn hoặc được lợn nuôi.

Trong não bộ từng con người, bắt đầu hình thành những Tường tư duy, với những nhận thức tối giản về lòng trung thành và kiến thức được định hướng bởi những giá trị mặc định là tuyệt đối.

Đó là một nhà ngục thật sự bạo tàn.

Nhà ngục tư duy

Trí thức đời nào lại chịu sống trong nhà ngục tư duy? Trí thức là người không song hành cùng lý tưởng đã được quyền lực chính trị tuyệt đối hóa và dùng nó để khống chế xã hội. Họ "đánh thức" và kiến tạo một xã hội khai phóng; bằng sự thông tuệ của mình, Trí thức từng ngày từng giờ công kích vào sự bạo quyền, giả dối và những "chiến dịch kinh tởm để đánh lừa công chúng".

Nhưng tiếng nói và lương tri không thể chiến thắng được "công cụ" của cách mệnh. Năm 1956, thảm họa đã đến, khi chúng ta đã mất đi những nhà Trí thức thực sự và đến giờ trí thức vẫn không thể "tái sinh"!

Làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa khi mà nền giáo dục thực chất chỉ là thuốc mê tiêm dần vào con trẻ rằng: "Em là mầm non của Đảng" và em (cũng như cha mẹ em) đang thừa hưởng vinh quang mà Đảng đem lại.

Đến khi lớn chúng cũng giống như cha mẹ, bắt đầu ngủ li bì trong "mùa cách mạng". Không ngủ, cũng không sao, chỉ có điều nhà ngục thực tế sẽ đón chờ.

Với Việt Nam làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa khi mà chúng ta là một quốc gia luôn tự thỏa mãn bởi triết lý "sự ưu việt". Trí khôn lớn lao nhất nằm ở nhận thức - hãy chung một giấc ngủ để rồi cùng mê sảng: Đảng đã cho ta một mùa xuân tràn ánh sáng...

Mặc dù trong cơn mê ta nói những lời ngọng nghịu.

Với Việt Nam làm sao chúng ta có một tầng lớp trí thức thực sự khi mà quyền lực chính trị luôn nhận thức một cách rõ ràng rằng suy nghĩ khác với họ, hành động khác với họ là sự hủy hoại thể chế, là suy thoái đạo đức thậm chí là hành động chống lại dân tộc.

Bằng quyền lực do chính họ tự phó thác, họ sẵn sàng tiêu diệt một cách triệt nhất những kẻ được chỉ định là gây đe dọa tới "An ninh tư tưởng". Họ không bao giờ hối hận vì điều đó!

Người có học thức thậm chí chỉ còn là những kẻ ngấm thuốc mê nhiều nhất! Và thế hệ trẻ nhiều đứa thuốc mê đã phát thành chứng ngáo đá.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao nguyên tổng giám đốc DongA Bank bị bắt?



Theo Thanh Tuyền - Thanh niên
NDHO - Sau khi điều tra xác định quỹ của DongA Bank không chỉ bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng mà hơn 62.000 lượng vàng cũng “không cánh mà bay”, lý do nguyên Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt dần sáng tỏ.

Liên quan đến vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), chiều 11.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank về 2 tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trước đó, ngày 10.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trần Phương Bình (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank) về 2 tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay. 3 bị can được xác định là đồng phạm trong vụ án này cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc gồm: Nguyễn Đức Vinh (50 tuổi, nguyên Giám đốc ngân quỹ Hội sở, thuộc DongA Bank), Đỗ Thanh Hùng (38 tuổi, nguyên thủ quỹ Hội sở), Lê Kiên Giang (39 tuổi, nguyên phụ quỹ Hội sở), cả 3 bị can này bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

2.000 tỉ đồng và 62.000 lượng vàng đi đâu?

Tháng 8.2015, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận hồ sơ từ Ngân hàng Nhà nước để điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của các lãnh đạo và cán bộ DongA Bank thời kỳ 2006 - 2015. Sau đó, Công an TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an để tiếp tục điều tra vụ án. Tiếp đến, C46 đã ra quyết định điều tra và khởi tố các bị can liên quan.

Tháng 8.2015, DongA Bank tiến hành kiểm tra quỹ của ngân hàng mới tá hỏa, phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài số tiền trên, còn có hơn 62.000 lượng vàng “không cánh mà bay”. Ông Bình đã chỉ đạo bà Vân và một số cá nhân khác ở Sở giao dịch DongA Bank lập khống và duyệt các bộ hồ sơ tín dụng nhằm lấp đầy các khoản thiếu hụt mà ông Bình đã đề nghị rút trái quy định trước đó.

Ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank) bị bắt về 2 tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay.

Bán vàng để… trả nợ

Về số tiền trên, ông Bình thừa nhận dùng để kinh doanh bất động sản nhưng ngày càng thua lỗ. Năm 2007, Công ty T.T ký hợp đồng với Công ty E.L và Công ty H.L, DongA Bank đã bảo lãnh nhằm hợp tác đầu tư. Tổng trị giá hợp đồng này là 100 triệu USD. Nhưng đến năm 2008, dự án này đầu tư không hiệu quả nên Công ty E.L và H.L yêu cầu Công ty T.T trả lại 100 triệu USD. Sợ bị mất uy tín với các công ty cũng như uy tín của DongA Bank, nên ông Bình đã ra tay “cứu giúp”. Ông Bình nhờ người nhà của mình đứng ra vay tiền của DongA Bank để lấy tiền mua lại cổ phần, tài sản của Công ty T.T ở các công ty khác mà Công ty T.T đầu tư.

Do thân quen trước đó, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới của mình làm thủ tục cho Công ty T.T vay tiền của DongA Bank để công ty trả nợ cho Công ty E.L và H.L. Vì thế, DongA Bank bị thất thoát số tiền lớn nên ông Bình chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ bằng các khoản vay khống.

Lúc này, nợ nần chồng chất, quỹ của DongA Bank cạn kiệt, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất hơn 60.000 lượng vàng của khách hàng gửi tại DongA Bank mang đi bán, lấy tiền trả nợ các khoản vay và lãi trước đó.

Cơ quan điều tra nhận định, hành vi sai phạm của các nghi can nói trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 BLHS và tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 BLHS.
***

NHNN bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Trong thông báo phát đi ngày 11.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, sau khi Cơ quan CSĐT (C46 - Bộ Công an) đã tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam một số cán bộ nguyên là lãnh đạo DongA Bank. NHNN cho biết từ tháng 8.2015, cơ quan này đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank, chỉ ra ngân hàng này có nhiều vi phạm pháp luật, nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tình hình tài chính và kinh doanh. Ngoài ra, NHNN đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên HĐQT và chức danh Tổng giám đốc DongA Bank; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh phó tổng giám đốc.

NHNN cũng đã cử các cán bộ tiếp quản các vị trí chủ chốt để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank. Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan. Từ tháng 1 - 11.2016, nguồn vốn huy động của DongA Bank liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi tháng là 1,5% (tương đương 1.000 tỉ đồng/tháng). Cuối tháng 11.2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8.2016 đến nay. Số lượng khách hàng DongA Bank đang phục vụ là hơn 7 triệu. Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13.8.2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30.11.2016, Đông Á đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỉ đồng.

Anh Vũ - Thanh Xuân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuba thả tù nhân lương tâm cuối cùng


Thu Hằng

Danilo Maldonado, nổi tiếng với nghệ danh “ El Sexto ”, đã bị giam giữ trong vòng 10 tháng vì “ thiếu tôn trọng đối với các nhà lãnh đạo cách mạng ”. Nghệ sĩ trẻ 32 tuổi này đã vẽ hai nhân vật được đặt tên là “ Fidel ” và “ Raul ” trên lưng heo.

Sau khi được trả tự do, “ El Sexto ” phát biểu với báo giới rằng chính quyền “ không có óc hài hước ”. Sự kiện này được các nhà bất đồng chính kiến sử dụng thành công cụ đấu tranh trong bối cảnh Cuba và Mỹ đang trong quá trình “ xích lại gần nhau ”. Tháng trước, tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định nghệ sĩ gratiffi này là tù nhân chính kiến cuối cùng trên hòn đảo Cuba, đồng thời cũng khẳng định vẫn theo dõi những trường hợp khác.

La Habana luôn bác bỏ cáo buộc giam giữ tù nhân lương tâm và cho rằng những người bất đồng chính kiến là “ lính đánh thuê ” cho chính quyền Mỹ. Tháng 12/2014, Cuba chấp nhận thả 53 tù nhân chính trị sau khi quyết định tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, “ nhã ý ” của chính quyền Cuba bị nghi ngờ vì chỉ tám ngày sau đó, La Habana đã cho bắt giữ một nghệ sĩ khác.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nổ lớn trong trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk, 2 người chết



VNE
 Thứ hai, 12/12/2016 | 23:24 GMT+7 
 
Vụ nổ lớn phát ra từ phòng tạm lưu giữ vật chứng trong trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk, khiến nhiều nhà dân gần hiện trường bị hư hỏng, cửa kính vỡ tung. 
Sức ép vụ nổ khiến nhiều mảng tường văng xa. Ảnh: A.X

21h ngày 12/12, một tiếng nổ lớn phát ra trong trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk. Sức ép tiếng nổ khiến nhiều ngôi nhà trong hẻm 25 đường Trần Hưng Đạo (TP Buôn Ma Thuột), phía sau trụ sở công an, bị hư hỏng, đổ sập.

"Khi đó tối chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng nổ như trời giáng, nhà cửa rung lắc mạnh. Ít lâu sau nghe tiếng xe hú còi vào ra trụ sở công an tỉnh mới biết là nổ trong ấy", một người dân kể.

Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn sau vụ nổ lớn xảy ra tại cơ quan này.

"Thông tin ban đầu cho thấy, vụ nổ xảy ra tại phòng tạm lưu giữ vật chứng. Số liệu thương vong vẫn chưa xác minh", ông Rơi nói.

23h15, Bệnh viện đa khoa Đăk Lăk cho hay, bốn người bị thương trong vụ nổ được đưa đến cấp cứu, nhưng hai nạn nhân đã tử vong. Hai người bị thương đang được điều trị.

*Tiếp tục cập nhật
Phước Tuấn - Xuân Ngọc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phản đối Trung Quốc kỷ niệm cái gọi là '70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa'


VNE
Thứ hai, 12/12/2016 | 18:57 GMT+7 


Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi sở hữu hai quần đảo ở Biển Đông từ sau Thế chiến II.

 
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa. 
Ảnh: VA

"Hoạt động của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình chiều nay nhấn mạnh. 


Ông Bình nhắc đến việc Hải quân Trung Quốc hôm 8/12 tổ chức kỉ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa". Người phát ngôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của Việt Nam.

"Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này", ông Bình nói. 
Việt Anh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao Việt Nam tổ chức quốc tang lãnh tụ Cuba Fidel Castro,Từ bài phát ...

Phần nhận xét hiển thị trên trang