Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Mùa rụng thẻ:

Thu hồi thẻ nhà báo của Phó Tổng biên tập và Tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên


LG


























Infonet - Ngày 5/12/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký 2 quyết định số 2184 và 2185/QĐ-BTTTT thu hồi thẻ nhà báo của ông Đặng Ngọc Hoa - Phó Tổng biên tập và ông Võ Văn Khối - Tổng thư ký toà soạn báo in báo Thanh niên.

Quyết định số 2184/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký nêu rõ: 

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999; Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí; 

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn, cơ cấu nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi Thẻ nhà báo.
Căn cứ Quyết định số 2917-QĐ/TWĐTN-BTC ngày 21/11/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc thi hành kỷ luật công chức. 

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Báo chí: Thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu IBT01621 thời hạn 2016-2020 của ông Đặng Ngọc Hoa - Phó Tổng biên tập báo Thanh niên vì ông Hoa đã bị xử lý kỷ luật Cảnh cáo.

Tại Quyết định số 2185/QĐ-BTTTT cũng yêu cầu thu hồi Thẻ nhà báo mang số hiệu IBT01627 thời hạn 2016-2020 của ông Võ Văn Khối vì ông Khối đã bị xử lý kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Biên tập, Tổng thư ký toà soạn báo in báo Thanh niên tiếng Việt. 

Cả hai quyết định số 2184 và 2185 đều yêu cầu Báo Thanh niên có trách nhiệm thu hồi thẻ nhà báo của ông Đặng Ngọc Hoa và ông Võ Văn Khối nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Báo chí) trước ngày 18/12/2016.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển Đông diễn biến bất lợi, Việt Nam tăng cường phòng thủ Trường Sa


Trọng Nghĩa Một loạt những diễn biến gần đây trong và ngoài khu vực có phần không có lợi cho Việt Nam trong quyết tâm chống lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Có lẽ vì đã dự phòng khả năng xấu đó mà Việt Nam đã kín đáo tăng cường phòng thủ các thực thể mình đang kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa, để tránh bị bất ngờ nếu Trung Quốc làm càn.

Ảnh vệ tinh ngày 07/11/2016 cho thấy hai nhà chứa máy bay lớn trên đảo Trường Sa Lớn, có khả năng chứa phi cơ giám sát biển PZL M28B hay vận tải cơ CASA C-295 của Không Quân Việt Nam. @csis/amti


Vấn đề nói trên đã được nêu bật với báo cáo ngày 15/11/2016 của trung tâm thông tin Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS của Mỹ, tiết lộ những hoạt động xây dựng mới của Việt Nam trong vùng đang bị tranh chấp. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng có một điều chắc chắn : Đó là vào lúc này, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vẫn kháng lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, trái với Philippines và Malaysia đã tỏ dấu hiệu khuất phục Bắc Kinh.
Gọng kềm từ hai phía của Bắc Kinh
Từ một nước đi đầu trong việc chống lại Trung Quốc, với tân tổng thống Duterte, Philippines đã rời xa Mỹ và ngả vào vòng tay Trung Quốc để tranh thủ những khoản đầu tư, tín dụng và lợi ích kinh tế hậu hĩnh. Theo chân ông Duterte, thủ tướng Malaysia cũng chạy theo Trung Quốc, để được tài trợ với những khoản đầu tư to lớn. Biển Đông đối với hai nước này đã trở thành thứ yếu.
Trung Quốc cũng đã chiêu dụ được Lào, chủ tịch ASEAN năm nay, và vung tiền nắm chắc Cam Bốt với kết quả là tránh được việc Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye cho dù đó là một văn kiện được cho là tối quan trọng cho an ninh Đông Nam Á.
Một cái nhìn bi quan sẽ phát hiện ra là Việt Nam như đã bị lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc, trên biển thì khó dựa vào Philippines hay Malaysia khi cần, trên bộ thì phải thận trọng, nhất là với Cam Bốt.
Trên trường quốc tế, sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam, nhất là khi nhân vật này đã dọa dẹp bỏ ngay lập tức hiệp định TPP, một thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn rất có lợi cho Việt Nam cho đến nay. Mối quan ngại hiện nay là với tâm lý " con buôn ", liệu ông Trump có sẽ chiều ý Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông nêu được Trung Quốc « đền bù » xứng đáng hay không ?
Từ phi đạo đến pháo phản lực
Chính trong toàn cảnh đó mà thông tin về việc Việt Nam kéo dài phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn và cho xây dựng một số nhà chứa máy bay tại chỗ được tiết lộ vào trung tuần tháng 11 vừa qua, kèm theo là một số ảnh vệ tinh chỉ rõ những gì mới được xây dựng.
Thông tin trên nối tiếp theo một thông tin khác không được kiểm chứng do hãng tin Anh Reuters đưa ra vào tháng 08/2016, theo đó Việt Nam đã kín đáo chuyển pháo phản lực EXTRA có độ chính xác cao - mua của Israel – ra 5 căn cứ ở Trường Sa, bố trí ở những nơi có thể tấn công các phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Trước các động thái của Việt Nam, một số nhà quan sát đã vội vàng cho rằng Việt Nam đang thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí còn tự hỏi là phải chăng Việt Nam đang châm lại mồi lửa ở Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Đề phòng Trung Quốc là chính
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), thì các động thái của Việt Nam mới đây của Việt Nam tại Trường Sa chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ. Trả lời Ban Việt Ngữ, giáo sư Long nhận định :
Ngô Vĩnh Long : Về việc Việt Nam kéo dài phi đạo và đang xây hai nhà chứa máy bay trên thực thể gọi là “đảo Trường Sa” thì tôi không nghĩ việc này có nghĩa là Việt Nam đang chuẩn bị đánh nhau với Trung Quốc.
Nếu báo cáo hôm 15 tháng 11 vừa qua của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Mỹ là đúng, thì Việt Nam đã nối dài đường bay từ khoảng dưới 750 mét đến khoảng 990 mét.
Báo cáo trên nói thêm là Việt Nam có thể sẽ xây đường bay này dài đến khoảng 1200 mét trong tương lai, nhưng đến lúc đó thì các máy bay phản lực của Việt Nam vẫn khó có thể sử dụng đường bay này vì vẫn chưa đủ dài và vẫn chật hẹp.
Ngược lại thì hiện nay tại 3 cái đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa có những phi đạo dài hơn cái phi đạo mà Việt Nam đang xây rất nhiều và có nhà chứa đủ cho khoảng 24 máy bay phản lực trên mỗi đảo nhân tạo đó.
Tôi cũng xin nói thêm về việc anh đã đề cập đến là Việt Nam đưa hỏa tiễn ra Trường Sa : Tháng 8/2016, tôi đã hỏi một số nhân vật rất cao cấp trong chính phủ Việt Nam, thì được trả lời rằng đó chỉ là vấn đề tập luyện, tức là đưa ra đưa vào, chứ Việt Nam không có ý định đưa hẳn các hỏa tiễn ra đảo, vì như vậy rất nguy hiểm. Nếu mà Trung Quốc biết được thì Trung Quốc có thể bắn phá. Cho nên vấn đề là tập luyện và đề phòng.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, động thái của Việt Nam không phải là thách thức Trung Quốc mà chính là để tạo thêm điều kiện tự vệ, qua đó cảnh báo các nước khác về khả năng Trung Quốc có thể làm càn tại Biển Đông nếu chính sách xoay trục của Mỹ gặp khó khăn do chính quyền mới của ông Donald Trump.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng Việt Nam không có ý định thách thức Trung Quốc. Theo báo cáo của AMTI, đối với phi đạo, sau khi hoàn thành thì Việt Nam sẽ có thể sử dụng đường bay và hai nhà chứa máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa.
Đây là một hành động để phòng vệ và để cảnh giác các nước khác là trước khả năng chính sách “tái cân bằng” về Châu Á của Obama sẽ bị hạn chế, nếu không nói là bị phá vỡ, thì an ninh trong khu vực Biển Đông có thể sẽ bị Trung Quốc đe doạ trầm trọng.
Xin nhắc sơ qua ở đây là chính sách “tái cân bằng” được đặt trên nền tảng xây dựng các hệ thống đa phương, trong đó có ASEAN và hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP không chỉ là một hiệp định thương mại giữa 12 nước mà đồng thời cũng là một hệ thống an ninh đa phương với ý định củng cố ASEAN và các hiệp định an ninh giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chính quyền Obama nghĩ rằng Mỹ không có thể đơn thương độc mã bảo vệ an ninh trong khu vực mà phải dựa vào sự ủng hộ của các nước khác.
Nhưng trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ vừa qua một số ứng cử viên đã chống TPP kịch liệt (như Donald Trump và Bernie Sanders) hoặc đòi phải đàm phán lại để cho Mỹ có lợi hơn (như Hillary Clinton). Với việc TPP không được phê chuẩn bởi Quốc Hội Mỹ, một số nước ASEAN (như Philippines, Malaysia và Indonesia) đã có thái độ mập mờ, nếu không nói là đã cho thấy đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Nếu không muốn ASEAN bị lung lay hay bị tê liệt, và qua đó tạo cơ hội cho Trung Quốc càng leo thang ở Biển Đông, thì Việt Nam không thể hững hờ trước sự đe doạ an ninh của Trung Quốc. Việt Nam không còn có cơ hội đu dây nữa nên phải có thái độ dứt khoát hầu có thể vận động các nước khác trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích chung.
Chấp nhận căng thẳng để đánh động quốc tế
Riêng về khả năng động thái của Việt Nam làm dấy lên căng thẳng, đặc biệt là với Trung Quốc, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng điều đó sẽ có tác dụng thức tỉnh đối với chính quyền Donald Trump về hiểm họa Trung Quốc, để đề phòng việc ông Trump" đi đêm " với Trung Quốc, điều không thể loại trừ.
Ngô Vĩnh Long : Nếu có bùng lên căng thẳng thì việc này có thể sẽ làm cho thế giới rõ thêm về hiểm hoạ của Trung Quốc. Hiện nay chưa rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nói riêng, và Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, là như thế nào trong tương lai gần hay xa.
Trong khi tranh cử tổng thống Trump đã doạ là sẽ tăng thuế quan trên các mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đến khoảng 45% để đem công ăn việc làm về cho lao động Mỹ. Trump cũng nói là sẽ đóng thêm mấy trăm chiến thuyền cho hải quân Mỹ. Nhưng có thể đây chỉ là một cách mị dân để lấy phiếu hay để đàm phán với Trung Quốc.
Trong trường hợp Trump chơi tay đôi với Trung Quốc theo chiến lược “cân bằng quyền lực” (balance of power) thì Trump sẽ sẵn sàng hi sinh lợi ích của các nước nhỏ. Thêm vào đó thì ê-kíp về an ninh và quốc phòng mà Trump đã chọn cho đến nay đều là các vị tướng bộ binh đã chỉ huy các chiến trường vùng Trung Đông và đã chống chính sách của Obama về việc rút quân ra khỏi vùng này để “xoay trục” về Châu Á Thái Bình Dương. Do đó sẽ có việc tranh giành ảnh hưởng giữa các binh chủng mà giới quân đội gọi là “turf wars” (chiến tranh dành sân chơi). Vậy chưa chắc gì những chiến thuyền mới, nếu có được đóng đi nữa, sẽ được điều động sang Tây Thái Bình Dương.
Nếu có nguy cơ bùng lên căng thẳng thì tôi nghĩ việc này có thể giúp nhắc nhở Trump và các vị tướng xung quanh ông rằng Biển Đông, nơi mà hơn 50% các hàng mậu dịch di chuyển trên biển của toàn cầu phải xuyên qua, thì không phải là nơi họ có thể bỏ rơi cho Trung Quốc được.
Các cử chỉ và hành động của Trump cho đến nay chứng tỏ là ông ta cần được nhắc nhở và cần được tự chứng tỏ.
Tóm lại, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long việc củng cố cơ sở tại Trường Sa cho phép Việt Nam chủ động tự bảo vệ, đồng thời cảnh báo các nước khác.
Ngô Vĩnh Long : Việt Nam phải năng động, và phải có những hành động nhắc nhở các nước ASEAN, nhắc nhở các nước lớn là nếu mà họ đi đêm với nhau về Biển Đông, thì Việt Nam cũng có phương cách để bảo vệ mình, cũng như bảo vệ an ninh trong khu vực, và nếu mà có rối ren trong khu vực Biển Đông, thì các nước nhỏ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng trước nhất.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161205-bien-dong-dien-bien-bat-loi-viet-nam-tang-cuong-phong-thu-truong-sa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt nam đem quân đánh trung quốc bao nhiêu lần trong lịch sử ?(số 88)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

7 vụ ám sát chấn động lịch sử Việt Nam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HOÀNG NGỌC HIẾN- TRIẾT HỌC ẨN DẬT TRONG VĂN HỌC


Chu Văn Sơn


 Tôi đọc ông sớm, biết ông cũng sớm. Nhưng phải đến lần cùng vào phương Nam trong mấy chuyến lưu giảng cho giáo viên đồng bằng sông Cửu Long các kì hè đầu những năm 2000, tôi mới có dịp được trò chuyện sâu cùng ông. CVS

Nhà văn, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến (nguồn Internet) >>>Kết quả hình ảnh cho Hoàng Ngọc Hiến

Đoàn chúng tôi gồm những nhà văn, nhà lý luận và giảng viên đại học, phần lớn vào từ Hà Nội. Tôi nhớ những ngày ở khách sạn Chương Dương Mỹ Tho, cứ dạy về, đoàn lại tản thành từng nhóm nhỏ, vừa tản bộ trong hoa viên trước sảnh, vừa nói đủ thứ chuyện trên giời dưới biển. Một chiều, khi chỉ còn hai chúng tôi, chuyện vãn thành tâm tình, tôi mới nói nhận xét của mình. Đại ý rằng tôi đã đọc ông hồi còn là học trò chuyên văn, từ cái Triết lý Truyện Kiều, có khi đó là cái đầu tay của ông cũng nên. Và sau đó, bất cứ cái gì ông viết tôi đều đọc hết. Rằng hồi ông còn dạy ở Nguyễn Du, tôi cũng đến nghe ké rất nhiều. Rằng tôi đã cố hết sức để định danh cho mình Hoàng Ngọc Hiến là ai. Rằng tôi thấy các danh xưng quen thuộc mà người ta vẫn dùng gọi ông: nhà lí luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học… đều không hợp, không ra. Riêng tôi, tôi thấy dù văn học là điểm nhấn, nhưng hoạt động của ông chả bó riêng gì trong văn học, mà ra nhiều lĩnh vực khác nhau của văn hoá, và tôi luôn thấy cảm hứng bao trùm mọi cái viết của ông là triết học. Cái tạng ấy dường như đã được phát lộ ngay từ cái đầu tay đó. Vì thế phải gọi ông là nhà triết luận mới đúng, mới đủ, chứ các danh xưng kiểu kia chả đâu vào đâu. Ông gật gù và chỉ nói “có lẽ thế”. Khi ấy tôi nghĩ: vẻ tán thưởng này chỉ là giao đãi để làm hài lòng người trò chuyện, chứ ông chả để tâm, chắc sẽ quên ngay thôi. Nào ngờ, mấy tuần sau, khi ra Hà Nội rồi, một hôm ông gọi điện rủ tôi ra chơi. Cách tiếp trịnh trọng khiến tôi ngỡ ngàng. Ông bảo: sau khi cậu nói, mình mới xem xét toàn bộ những gì mình viết và thấy cậu rất có lí, cậu đã giúp mình hiểu rõ mình hơn. Tôi quá bất ngờ. Làm sao ngờ được nhận xét của mình lại được một người như ông lưu tâm đến thế. Rồi ông rủ luôn đi ăn cháo vịt Vân Đình. Phải nói là tôi sướng rơn, cả hãnh diện nữa. Nhất là, chỉ ít lâu sau, ông cho xuất bản một cuốn sách, mà những khái niệm tôi trao đổi cùng ông đã được đặt làm nhan đề: Triết lí văn hoá và triết luận văn chương. Kể từ bấy, viết bài gì ông cũng chuyển cho tôi qua đường mail, in cuốn nào ông cũng dành cho tôi. Và tôi vẫn đọc ông chăm chỉ bằng tâm thế một học trò như thế. Sau cái lần làm xong Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh, tôi tỏ ý muốn làm Tuyển tập Hoàng Ngọc Hiến. Thế là ông liền cung cấp cho tôi tất cả những tài liệu tôi cần. Đến nay, công việc đã hòm hòm, dù chưa xong hẳn.
Người khởi đầu giới nghiên cứu Minh triết Việt
Tìm hiểu một tác giả nào đó, người ta thường ngược về quá khứ để tìm những mầm mống dự báo thiên hướng và tương lai của tác giả, đặng lí giải sự nghiệp ông ta. Khỏi phải nói là tôi cũng tuân theo lề lối ấy. Tôi tin hôm nay ông trở thành người khởi xướng và đứng đầu giới nghiên cứu Minh triết Việt là một tất yếu. Cái xu hướng này dường như đã nằm sẵn đâu đó trong tố chất của ông. Tôi đã được nghe kể về bệnh ham lí giải của cậu học trò Hiến. Gặp cái gì cũng muốn giải thích ngay, giải thích bằng được, dù chả phải lúc nào cũng thuyết phục, cứ lí giải cốt để tư duy được khởi động, vận hành. Mà lí sự thì rặt bằng những phạm trù nọ, phạm trù kia, do vận dụng nhanh cũng có, do vừa lóe ra cũng có. Tôi cũng được biết thuở còn học trung học phổ thông, cuốn sách mà cậu học trò này ôm cả vào trong giấc mộng chính là cuốn triết của trường dòng, mà trong đó triết học còn bao gồm cả mỹ học, lô gíc, đạo đức chứ chưa phân hoá chuyên ra như bây giờ. Và tất nhiên, cậu cũng chưa ý thức đầy đủ đó là triết. Tôi cũng biết sau này khi theo học đại học, không phải ngẫu nhiên mà trong các giáo sư thời bấy giờ, ông phục Trần Đức Thảo và Cao Xuân Huy hơn cả, dù có lúc chưa phải lắm với họ. Tư duy triết học của các bậc thầy này đã mê hoặc ông cũng như ảnh hưởng đến thiên hướng tư duy của ông không ít. Tiếc rằng, thời ấy, tư duy triết học ở ta không được khuyến khích lắm. Nếu khác đi, con đường học thuật của ông hẳn đã khác nhiều…
Nhưng, xem ra, cái mầm sau này mọc thành cây, chính là nếp nghĩ theo triết học, sống theo khoa học kiểu riêng của ông. Tôi rất ấn tượng về câu chuyện của ông Lâm, một bác sĩ kì cựu, từng được học Hoàng Ngọc Hiến những ngày tò te làm cậu giáo giữa đám trò quê. Chuyện rất vui. Thuở ấy tụi họ tuổi đều sêm sêm, cả học lẫn chơi đều chung chạ tất. Có lần cùng nhau tắm truồng, đang tồng ngồng từ dưới sông lên, thì gặp một toán phụ nữ. Đám học trò đứa nào đứa nấy cứ cuống cuồng lấy tay che phần dưới, dúi dụi vào nhau, bước không nổi. Chỉ riêng cậu giáo Hiến thì úp hai bàn tay che mặt và bước rất thản nhiên. Cả bọn ngơ ngác. Hỏi, thì cậu giáo trẻ bảo: cái dưới thì ai chả giống ai, nhìn nó làm sao nhận ra đứa nào, chỉ có cái mặt mới khác nhau thôi, có bị lộ mặt thì mới lộ mình… Ra thế, cả bọn lại ồ lên, ngớ ra. Cái pha ngộ nghĩnh thời cận thành niên ấy mách bảo tôi một điều nghiêm túc: biết đâu từ cái triết lí “truổng cời” đó Hoàng Ngọc Hiến đã là nhà minh triết rồi.
Ai đã tiếp xúc với ông chắc sẽ ấn tượng ngay về một thói quen kì kì. Đó là giới thiệu những trải nghiệm về sức khoẻ và thuốc thang của mình một cách rất khoa học và… li kì. Thường những cuộc như thế đều y như một bài thuyết trình công phu và tâm huyết. Tôi đã được biết về tính năng nhiều thứ thuốc từ ông. Cái lần ông quảng bá cho hoạt huyết dưỡng não là thế. Ông kể rất đinh ninh: có một dược sĩ cao cấp của ta nổi tiếng về các công trình nghiên cứu nhân sâm đã được hội những người nghiên cứu nhân sâm quốc tế mời tham gia một dự án lớn. Họ đã đem tất cả những loại sâm thượng thặng như nhân sâm Trung Quốc, Triều Tiên, nhân sâm Xibêri… đến để nghiên cứu. Còn nhà dược sĩ ta thì đem theo củ đinh lăng. Họ cùng nhau làm một thí nghiệm, đó là cho chuột bạch ăn, mỗi con ăn một thứ trong cùng một khoảng thời gian. Đến kì hạn, họ quẳng tất lũ chuột xuống bể nước và quan sát. Kết quả là: tất cả những con ăn các loại sâm khác cứ dần dần theo nhau chìm hết. Duy có một con vẫn chống chọi cầm cự, hàng tiếng đồng hồ sau nữa mới chịu chìm. Cậu biết con nào không, thật bất ngờ, đó là con ăn đinh lăng. Rồi hăng hái: hiện nay, đinh lăng là một bí mật, một dược liệu chiến lược của ta. Hoạt huyết dưỡng não được chế từ đinh lăng theo một công thức bí truyền. Vô cùng hiệu quả. Cậu nên dùng, nên dùng. Còn ông thì nghiện hẳn rồi. Tôi chắc, nếu chỉ đọc nhãn thuốc không thôi, ông chả mê thế đâu, dù nó hay ho đi nữa. Ông bị cám dỗ chỉ bởi cái thí nghiệm rất chi là khoa học kia thôi. Phần mình, tất nhiên là tôi bị đánh gục và bắt đầu xài luôn từ trưa hôm ấy.
Thế mà có lần, đang ở khách sạn Sóc Trăng, ông gọi lễ tân mang cho một chai nước. Cô phục vụ mang lên thì thấy một ông già trên giường, đầu cắm xuống gối, chân chổng ngược lên trần nhà, mặt đỏ gay, tay lẩy bẩy chống đỡ thân mình, cặp giò lúc nghiêng phải, lúc ngoẹo trái, cứ chực đổ. Cô ta hoảng quá, chẳng hiểu ra làm sao. Còn ông, cứ nguyên tư thế ấy mà ra hiệu đặt nước lên kệ, ra hiệu cám ơn, ra hiệu tạm biệt. Mặt rất căng thẳng. Té ra, ông trồng cây chuối. Một bài tập cho máu dốc lên não. Ô hay, đã có hoạt huyết rồi mà. Bài tập dồn huyết này muốn phủ định bài thuốc hoạt huyết kia chăng? Đâu có. Cái này đâu phủ định cái kia. Quan hệ của chúng là cộng sinh. Nhà triết luận của chúng ta hoàn toàn tin thế.
Người ta vẫn kháo rằng đằng sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Tôi cũng nghĩ thế. Và tin rằng: Hoàng Ngọc Hiến đi vào triết, chắc chắn là nhờ cả công… vợ. Bà Tố Nga là một phụ nữ thật đặc biệt. Bà có cái thú rất nổi tiếng là “nói xấu chồng”. Hễ có khách đến, bà thường ra tiếp trước. Và, trong lúc đợi ông xuống, thể nào bà cũng tố với khách đủ cái “ngu dại” của chồng, chì chiết say sưa, giọng thì đầy hứng khởi, lời lẽ thì đến là đáo để, gai góc. Thế nhưng, ai lại dại mồm vào hùa với bà để kể xấu ông thật, thì bà tống ra cửa ngay lập tức. Lần sau thì đừng có mà vác mặt đến. Thì ra, “tố Hiến” là một cái thú lạ, là tiết mục độc quyền của “tố Nga”. Ấy là cách yêu chồng độc nhất vô nhị của bà. Người hiểu thì thấy rất thú vị, và chả dại gì mà chêm vào hay xía vào. Vì thế, lần nào đến chơi, nghe chuyện bà, tôi cũng thầm nhớ đến cái câu chuyện cổ Hy Lạp ấy. Chuyện một cậu học trò định lấy vợ đã đến xin thầy mình là nhà hiền triết một lời khuyên. Nhà hiền triết đã khuyên rằng: con cứ kết hôn đi, đằng nào thì con cũng được, nếu được vợ hiền, con sẽ là người hạnh phúc; còn gặp phải vợ dữ thì con sẽ thành… một nhà triết học!
Triết lý sống độc đáo của một triết nhân
Một người có “máu” triết học thì tất phải có một thái độ triết học trong đời sống. Thiếu điều này, triết nhân sẽ chỉ là một thường nhân thôi. Là một học giả có cỡ được không ít nơi trên thế giới biết đến, nhưng đến nay nhiều người vẫn cứ băn khoăn vì sao ông Hiến không có những học hàm như Giáo sư, danh vị như Nhà giáo nhân dân giống bao nhiêu vị khác. Ông chỉ có một hàm vị duy nhất là Tiến sĩ. Thực ra là Phó tiến sĩ. Bảo vệ ở Nga hồi còn Liên Xô. Mà thấy ông chả có vẻ sốt ruột hay bất mãn gì. Lúc nào ông cũng thản nhiên. Dù quanh ông, người ta cứ nhao lên, nhộn nhạo lên với những danh này vị nọ. Lạ. Giữa cái thời chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, thói cầu danh áp đảo thế này, sống được thế, tất ông phải có một quan niệm, một triết lí sống độc đáo nào đó ? Đoán vậy, có lần tôi đã hỏi. Thì ông cũng chả giấu diếm gì: điều mình tâm đắc và lấy làm phương châm sống suốt đời là ý tưởng ở câu cuối cùng trong Đạo đức kinh của Lão Tử: Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh. Đạo của thánh nhân là làm mà không tranh giành với ai. Ngẫm ra, tôi thấy ông đã sống trong đời đúng như vậy, không riêng gì thái độ đối với danh vị.
Nhưng quả là cuộc đời này vẫn có những công bằng riêng của nó. Nó vẫn luôn biết ai là ai. Lần vị hiệu trưởng trường Nguyễn Du là Huỳnh Khái Vinh được phong học hàm giáo sư đã diễn ra một việc thú vị. Đám học viên Nguyễn Du hồi ấy toàn những cây bút, những nhà văn đã thành danh cả. Họ đã chuẩn bị sẵn hai bó hoa để chúc mừng. Khi lễ mừng tặng diễn ra, họ đã mời cả Huỳnh Khái Vinh và Hoàng Ngọc Hiến cùng lên sân khấu. Người đại diện tặng hoa cho thầy Vinh trước với lời chúc mừng “Đây là vị giáo sư do nhà nước phong”. Rồi quay sang tặng hoa và ôm hôn thầy Hiến thật hoan hỉ : “Đây là vị giáo sư do nhân dân phong”. Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ. Thầy Vinh ôm hôn thầy Hiến đầy phấn khích. Còn thầy Hiến sau một phút ngỡ ngàng, vẻ vẫn rất thản nhiên. Lạ hơn, bây giờ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi khi giới thiệu ông, bao giờ người ta cũng cứ kèm danh vị giáo sư. Công chúng chẳng ai ngạc nhiên. Còn ông thì vẫn thản nhiên.
Tôi cứ ngỡ ông là người thờ ơ, hoàn toàn không để ý gì đến những chuyện ồn ào vặt. Nhưng không hẳn. Một lần đang trò chuyện vui vẻ, mặt ông bỗng đỏ gay, lời lẽ hết sức bức xúc, chỉ vì nhớ ra hôm qua xem ti vi, bắt gặp Nguyễn Đình Thi trên hình. Tôi chắc, trong cảnh đó, Nguyễn Đình Thi đã nói một điều gì đó đại loại như cao giọng quá đà trước anh em hay hạ giọng quá mức trước bề trên chăng. Nghe ông kể, thì không phải. Té ra, chỉ bởi Nguyễn Đình Thi đã đi đi lại lại bên hồ Gươm, rồi làm bộ làm tịch đang suy tư xa xăm cho camera ghi hình, thế thôi. Vậy mà, ông thất vọng không thể chịu nổi: vì sao một người như Nguyễn Đình Thi mà lại đi diễn trò, một thứ trò vớ vẩn như thế. Tôi còn nhớ, không kiềm được phản ứng của mình, ông đã văng tục ra nữa. Cứ như vừa bị mất một cái gì rất lớn. Thoạt tiên, tôi rất buồn cười, vì thấy phản ứng của ông có vẻ thái quá. Trò diễn ấy cho qua được mà. Ngẫm lại, thì hiểu ông hơn. Là người chân thật đến … kì cục, ông ghét cay ghét đắng thói diễn. Bậc cao nhân lại càng không nên diễn. Thì ra, ông luôn có một nguyên tắc sống, một quan niệm về giá trị sống nào đó, chứ đâu phải ơ hờ.
Khi hình dung về một triết gia, ta có cái thói đòi hỏi người ấy phải là tác giả của một triết thuyết nào đấy; nếu không sản sinh được một hệ thống triết học nào, thì khó mà được thừa nhận là nhà triết học. Điều này xem chừng có thể trở thành một đòi hỏi vô lối ở thời đại chúng ta. Hãy nghe Foukault - một triết gia lớn của thế kỉ XX - nói: “Thời đại chúng ta chẳng thể sinh ra được một hệ thống triết học lớn nào cả” và chỉ nhất nhất hiểu theo cái nghĩa xa xưa của nó, thì xem chừng “triết học đã “chết” rồi”. Nhận xét của đại gia này khiến chúng ta phải xem lại cách hiểu về triết học và triết gia đương đại. Hình như, không phải lúc nào triết thuyết cũng hiện diện như một hệ thống kinh viện, không phải lúc nào nó cũng tồn tại lộ thiên. Và không phải cứ nói thẳng chuyện triết học và say sưa xây dựng các triết thuyết thì mới là triết gia thì phải.
Trong một lần sang hội thảo về triết học tại Hà Nội, Francoi Jullien có đưa ra một nhận xét rất tinh: ở Việt Nam, triết học lẩn vào văn học. Không hẳn là nhận định về tình trạng sơ khai của triết ở ta, mà có lẽ là về cách tồn tại đặc biệt (cũng là thân phận ?) của triết Việt. Điều này trước hết ứng với Hoàng Ngọc Hiến, nếu như không muốn nói rằng nó được rút ra từ chính ông.
Sự khốn đốn của một số triết gia là bậc thầy gần gũi hồi Nhân văn Giai phẩm và Xét lại đã khiến cho nhiều người ham mê triết học đã chùn bước. Trong khi tuyên truyền Mác Lê thành chuyên nghiệp và hùng hậu, thì tư duy triết học lại thưa thớt và nghiệp dư. Không ít mầm non triết học đã phải âm thầm nảy nở trong bóng đêm, thành một thứ triết học du kích, hoặc rẽ sang hướng khác, hoặc bứng trồng vào mảnh đất khác (ví như Trần Đình Hượu bỏ triết học sang nghiên cứu văn chương). Hoàng Ngọc Hiến cũng thế chăng? Nhưng, nếu hoàn cảnh hoàn toàn thuận lợi thì Hoàng Ngọc Hiến có thể trở thành một triết gia không nhỉ? Hình như cái tạng của ông cũng không phải là một triết gia thuần túy. Có lẽ ông thuộc “tạng hai trong một” - tạng “văn triết bất phân”. Nghĩa là một nhà nghiên cứu văn học, văn hoá trên tinh thần triết học, hoặc một nhà triết luận suốt đời bấn bíu với văn hóa, văn học. Điều này ở ông khiến triết lẩn vào văn vừa như một thân phận vừa như một định mệnh.
Tuy nhiên chính điều này đã làm nên đặc sắc Hoàng Ngọc Hiến. Ông sẽ đi vào các lĩnh vực văn hoá với cảm hứng triết học, sẽ nhìn nhận các vấn đề từ văn học đến văn hoá bằng con mắt triết nhân, ông sẽ đem những công cụ của tư duy triết học để tường giải những vấn đề của văn hoá, văn học. Đây chính là nét khác biệt của học thuật Hoàng Ngọc Hiến so với nhiều hiện tượng khác cùng thời. Có thể nói triết luận Hoàng Ngọc Hiến là một dạng triết học lui về ở ẩn trong văn học.
Đắc đạo sau những cuộc chơi triết học
Ai biết Hoàng Ngọc Hiến đều thấy ông say mê các triết thuyết và đã miệt mài suốt đời mình với triết Tây, triết Đông. Ông đã đọc và khảo hầu khắp các triết gia cổ kim đông tây. Mà đâu chỉ có triết theo nghĩa hẹp, ông còn đam mê triết theo nghĩa rộng nhất. Tức là say mê cả đạo đức học, tâm lí học, mỹ học nữa. Ông dịch “Đạo đức học” của Banzelatde, ông giảng “Phân tâm học” của Freud, ông nói về “các phạm trù mỹ học của Đông Á cổ”, ông dịch “Những phạm trù văn hóa trung cổ” của Gurêvich… Một thời ông rất say mê Mác. Từ năm 1949, ông đã trở thành hội viên trẻ của hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở khu IV mà đứng đầu là Nguyễn Chí Thanh rồi. Có lẽ người được ông trích nhiều hơn cả trong các công trình của mình là Mác. Mác thực sự đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhỡn quan của ông cho đến mãi sau này. Cái hồi ông viết bài “Phải đạo”, nhiều người không hiểu lòng ông đã qui kết ông là phi Mácxit. Nhưng chính trong cái buổi hội thảo nghiêng hẳn về qui kết ấy, sau một hồi lắng nghe ý kiến của ông và những người phản bác ông, chính Lê Đức Thọ đã tỏ ra rất tỉnh đời khi kết luận: “Anh Hiến là người Mácxit”. Và nhờ kết luận này mà các ý kiến công kích hăng tiết đã… ngãng dần ra.
Hoàng Ngọc Hiến rất tâm đắc với nhận xét này của Robert N. Bellah về một sử gia, đồng thời là chính trị gia và là nhà xã hội học người Pháp Alexis de Tocqueville (1805 -1859): Khoa học xã hội của Tocqueville là một loại triết học vị công (public philosophy). Nghĩa là nó quan tâm đến công ích, và coi trọng công luận khi nêu ra những vấn đề khoa học của mình. Có thể nói, triết luận của Hoàng Ngọc Hiến cũng là thứ triết học vị công như thế. Ai đã đọc ông đều không mấy khó khăn để nhận ra điều này. Xem xét từng bước đường, thấy đam mê triết của ông có những giai đoạn lớn. Hồi đầu ông say mê tìm hiểu tư tưởng Nga Xô, rồi lại say mê tìm hiểu tư tưởng Pháp, đến cuối những năm 80 ông lại say mê nghiên cứu tư tưởng và văn hóa Mỹ. Gần đây, tưởng chừng triết gia đương đại Pháp là F. Jullien đã hoàn toàn hớp hồn ông, khiến những năng lượng học thuật cuối cùng của ông sẽ bị hiện tượng triết học này vắt kiệt. Nào ngờ, lại thấy ông bày “cuộc chơi triết học” mới, đầy đam mê, là quay về nghiên cứu minh triết Việt. Không biết những người khác thế nào, còn tôi thấy trong đó một hành trình nhất quán, và thấy càng ngày ông càng “đắc đạo” hơn. Ông nghiên cứu cái gì cuối cùng cũng chỉ để tìm ở đó những bài học có ích cho nước nhà. Không phải ngẫu nhiên mà sau mỗi một hồi triết luận về vấn đề nào đó mình khơi ra, nêu lên, bao giờ ông cũng có ngay những đề xuất khá kịp thời. Có không ít những đề xuất ở tầm vĩ mô, ví như về chiến lược văn hóa trong phát triển, về giáo dục đào tạo, về việc nghiên cứu minh triết, về coi trọng việc dạy văn chương đối với bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hay chiến lược ngoại ngữ cho hiện tại và tương lai… Hồi Nga Xô đang hưng thịnh, việc tiến hóa bấy giờ được xem như Nga hóa, ông muốn biết thực chất nó thế nào. Rồi ngày nay, khi Mỹ đang là một siêu cường với tầm ảnh hưởng toàn cầu của nó, đến nỗi hình thành trào lưu Mỹ hóa ở nhiều nơi trên thế giới, ông cũng muốn xem nó thực chất ra sao… Ông muốn biết mỗi mô hình ấy về mặt tư tưởng có điều gì khả thủ. Và ông say mê nghiên cứu các triết thuyết không phải để truy tìm cho mình chỉ một triết thuyết độc tôn, rồi cứ thế mà dùng nó làm một thứ công cụ tư duy vạn năng đến mức làm nô tài cho nó như bao người khác. Trái lại, ông là người thủy chung với một tinh thần năng động triết học, chứ không phải giam mình trong một thói nô lệ triết học như những ai kia. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong các định nghĩa triết học, ông tâm đắc nhất với định nghĩa của Thomas Carlyle, khi triết gia lớn này phát biểu: “Triết học là gì, phải chăng là một cuộc chiến liên tục chống lại tập quán: một nỗ lực luôn luôn đổi mới nhằm vượt siêu cầu trường của tập quán mù quáng?”. Có thể, sau này ông mới gặp định nghĩa này. Nhưng toàn bộ hoạt động của đời ông đối với triết học đã thực sự là một minh chứng cho định nghĩa ấy. Nói khác đi, hành trình của ông dường như đã được dẫn dắt bởi định nghĩa kia một cách vô thức. Cả đời ông là một cuộc chiến không mệt mỏi để chống lại tập quán mù quáng, mỗi bài viết dù trực tiếp về triết học hay về văn hóa, văn học đều là một nỗ lực đổi mới mình trong nhận thức, tư tưởng nhằm vượt siêu cầu trường của những nhận thức hời hợt bị bóng đè bởi một đức tin mù quáng. Mà điển hình nhất chẳng phải là bài “Về một đặc điểm của văn học Việt Nam trong giai đoạn vừa qua”, vẫn được gọi nôm là bài “phải đạo” đó sao ? Một tinh thần năng động triết học đó là phẩm chất đáng kể của học thuật Hoàng Ngọc Hiến.
Sau những cuộc thám hiểm triết học, ông đã trở về bến quê, về lại mái nhà xưa để nâng niu gia tài minh triết của ông cha mình. Những cuộc phiêu lưu ấy đã đủ khiến ông tự tin hơn khi nhìn ngắm cái di sản minh triết độc đáo của tổ tiên. Nếu, sau những chuyến đi xa vào những xứ sở triết học khác để rồi trở về khinh rẻ vốn hương hỏa quí báu của tiên tổ, liệu có phải là người đã đạt đạo không ? Tôi nghĩ, điều đáng trân trọng ở hành trình triết học này của ông chính là ở chỗ: nó nâng ông lên một tầm mới để có thể thấy được vàng ngọc trong minh triết truyền thống và thấy cần thiết phải xây dựng một đội ngũ cho công cuộc khai thác minh triết tiềm ẩn trong nền văn hóa Việt. Cầu mong cho ông luôn đủ sức khỏe để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cao quí này và truyền cảm hứng cho những người đi sau.
Khi viết “Triết lý Truyện Kiều”, cái tạng triết luận ở ông mới khởi lên những nét đầu tiên thôi, còn chưa thật sắc nét. Nhưng càng về sau, thiên hướng triết luận càng ngày càng nắm vị thế chủ đạo trong các luận giải văn chương và văn hóa của ông. Đề cập bất cứ sự kiện văn học nào, dù đó là tác phẩm như Truyện Kiều, Ơ đip làm vua, Đăm San…hay đó là tác giả như Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Maiacôpxki, Eptusenkô, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Trọng Tạo, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà… nghĩa là cả những tác gia kinh điển lẫn những cái tên mới nổi, dù đó là một giai đoạn văn học như Văn học Việt Nam thời chống Mỹ, văn chương Việt ở Hải ngoại, hay đi sâu vào một bình diện nào đó của văn chương như thể loại, thể tài, giọng điệu nghệ thuật hay ảnh hưởng của vô thức trong sáng tạo v.v… bao giờ ông cũng muốn truy nguyên vào bản chất, vào bản thể, bao giờ ông cũng muốn tìm cho ra những qui luật của sáng tạo, nhất là lật lên những bình diện triết học của mỗi hiện tượng ấy. Truy tìm vào bản chất sâu xa, săn tìm những qui luật phổ biến, lật tìm những ý nghĩa triết học và luận giải cho kì nổi bật mới thôi, đó chẳng phải là cảm hứng triết học hay sao ! Ông viết bài “Phải đạo” luận về những bình diện mỹ học và triết học khiến sản sinh nên cái đặc điểm của văn học Việt Nam suốt ba mươi năm chiến tranh (viết về “cái hiện thực phải có” hơn là “cái hiện thực đang có”) là theo tinh thần ấy, ông viết bài “Âm Dương”, muốn dùng những phạm trù triết học cổ phương Đông để luận giải và tiên đoán về mạch vận động của văn học ta qua bước ngoặt hậu chiến là theo tinh thần ấy. Ông khảo về những thể loại văn học như bi kịch, trường ca, tiểu luận, trào phúng là theo tinh thần ấy. Ông tường giải sáng tạo chân chính bao giờ cũng là sự giao cắt giữa cái tuyệt đối và cái hiện tại là theo tinh thần ấy. Ông luận về nguyên tắc tính nữ (thường gọi là thiên tính nữ) trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp cũng theo một tinh thần như thế…
Một thủ lĩnh trận tiền trong đổi mới văn học
Những ai quan tâm đến việc sáng tạo văn học Việt Nam đều thấy Hoàng Ngọc Hiến có một tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với không ít cây bút đương đại. Đó không hẳn là kiểu ảnh hưởng của một tay viết bậc thầy lão luyện nghề chữ, cũng không hẳn kiểu ảnh hưởng của một học giả uyên bác uyên thâm. Mà có vẻ là kiểu ảnh hưởng khác: truyền niềm thiết tha với văn hóa, nhiệt hứng sáng tạo, nhiệt hứng tư tưởng, tinh thần trí thức, kích thích tư duy. Mà trùm lên tất cả vẫn là ảnh hưởng từ cái phẩm chất năng động triết học đó. Nếu Trần Dần được xem là thủ lĩnh trong bóng tối, thì cũng có thể xem Hoàng Ngọc Hiến là một thủ lĩnh ngoài trận tiền.
Ai đọc Hoàng Ngọc Hiến cũng thấy ở ông cái sở thích đối lập. Ông thường xây dựng hoặc sử dụng những phạm trù đối lập với tham vọng đạt đến tầm phổ quát nhất cho những những khái quát của mình: âm và dương, vi và vô vi, vị và vô vị, ý và vô ý, ngã và vô ngã, văn hóa và văn minh, minh triết phương Đông và triết học phương Tây, xây dựng Dự án và nương nhờ vào Thế, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa cổ điển mới, tính dân tộc và tính hiện đại, trí thức tinh hoa và trí thức bình dân, bi kịch và lạc quan, hiện thực và tuyệt đối, cái phải tồn tại và cái đang tồn tại, có đáy và không có đáy, viết cho bõ hờn và viết để thỏa chí, kể nội dung và viết nội dung, lý thuyết và nghiệm sinh, trí tuệ của trí tuệ và trí tuệ của trái tim, danh và thực, có và là… Sự phân lập kiểu này là sản phẩm rất đặc trưng của tư duy triết học. Lối đối lập này dần lâu dường đã thành một thứ thương hiệu Hoàng Ngọc Hiến. Ông còn đặc biệt tinh nhạy về những khía cạnh triết học của ngôn ngữ và giỏi mài rũa cái mặt triết tiềm ẩn nào đó để mỗi từ ngữ sáng lên vẻ đẹp triết học của mình. Ít ai không nhớ lần ông nói về các phương pháp khoa học bằng một chữ đích đáng, lần ông luận về quan niệm nhân cách của người Việt qua một chữ hẳn hoi, hay lần ông tranh luận với một cây bút hải ngoại xung quanh chữ moment trong tiếng Anh… Nhiều trường hợp, ông đưa ra những đối chọi chữ nghĩa khiến chúng cũng ánh lên những tia sáng triết luận triết lí bất ngờ nào đó. Ví như ông xem phê bình là làm sáng giá và sang giá cho những sáng tạo văn học, hay ông chọi chữ có và là như một cách đối lập giữa danh và thực, vốn là một mâu thuẫn phổ biến trong cõi người ta. “Một mâu thuẫn oái oăm trong “cõi người ta”- ông viết - là mâu thuẫn giữa “có” và “là”. Có thể có vợ, nhưng không là một người chồng, có thể có con nhưng không là một người cha, có thể có học hàm nhưng không là một người thầy, có thể có học vị, nhưng không là một trí thức,… có thể có tất cả nhưng không là gì cả”. Có thể nói năng lực ngôn ngữ của một nhà văn đã giúp ông diễn đạt sắc bén những suy tư triết lí của một nhà triết luận. Và có thể thấy lối phân lập ráo riết kia trong từ ngữ của ông là khá bén nhạy và nhuần nhuyễn, nó đã thực sự trở thành một nét thuộc phong cách triết luận của ông. Dù không khỏi có lúc cực đoan, nhưng bao giờ sự phân lập ấy cũng gây hứng thú và có khả năng truyền cảm hứng tư duy cho người đọc, thậm chí có lúc đã thực sự gây sốc. Không phải vô cớ mà người ta đã xem Hoàng Ngọc Hiến là người khơi mào, gây hứng thú tranh luận, đối thoại cho người khác hơn là người nói lời kết luận cho các vấn đề.
*
Hoàng Ngọc Hiến là một người uyên bác mà trẻ trung, là người nhất quán mà năng động, là người thâm thúy mà rất đỗi hồn nhiên… Hình như tuổi tác cứ biến ông thành người già, nhưng tinh thần và tư duy của ông không bao giờ chịu già. Ai gần ông đều thấy cái vẻ lão hóa trong cơ thể muốn biến ông thành người già nua. Nhưng cái tinh thần trẻ trung và tích cực trong ông luôn cưỡng lại. Cái run run của tay chân, cái rè rè của giọng nói cứ muốn phanh ông lại, nhưng tư duy đầy chất trẻ trong ông lại luôn dấn ga để tạo nên một chất sống băng về phía trước, muốn vượt siêu cầu trường của trì trệ. Có lẽ ít ai ở vào tuổi ấy vẫn còn say sưa với mọi công nghệ hiện đại, mọi phương tiện tối tân để cập nhật tri thức nhân loại một cách hiệu quả như vậy. Ít ai vào tuổi ấy vẫn say sưa với những dự án dài hơi về tri thức về nghiên cứu và đào tạo như vậy. Ít ai vào tuổi ấy vẫn còn chơi với những người trẻ thoải mái hồn nhiên như vậy. Hồn nhiên, luôn đổi mới mình, luôn muốn người khác cùng đổi mới, luôn muốn cuộc đời đổi mới, có phải đó là những phẩm chất hiển nhiên của một người thực sự có cốt cách triết nhân ?
Trong sự nghiệp của ông, người ta luôn thấy triết học ẩn dật trong văn học và văn học sóng sánh cùng triết học. Nó là sự nghiệp “hai trong một” của một văn nhân - triết nhân.
Dù cảm nhận của tôi được ông chia sẻ và tâm đắc, nhưng tôi luôn nghĩ ông vẫn là một giá trị lớn mà hôm nay chưa dễ gì hiểu hết được.
Hà Nội, 2010
Lời thêm:
Do một linh tính nào đó mà tôi đã ép mình kịp hoàn thành bài viết này để gửi ông trước khi đi một chuyến công tác đặc biệt phải cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Và, may thay, ông đã kịp đọc nó ba ngày trước khi lên bàn mổ. Nếu không, hẳn là tôi phải ân hận suốt đời. Theo nhà văn Văn Giá, thì có thể nó là bản thảo cuối cùng ông đọc được trước lúc vào viện. Đến ngày được ra khỏi chốn cách biệt đó, tôi đến viện thăm ông thì ông đã hôn mê sâu rồi. Thật oái oăm ! Trong bài viết, khi nói đến tâm huyết của ông đối với sự nghiệp nghiên cứu minh triết Việt, tôi có một lời: “Cầu mong cho ông luôn đủ sức khỏe để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cao quí này và truyền cảm hứng cho những người đi sau”. Khi viết thế, tôi vẫn đinh ninh tuổi ông tuy đã cao, nhưng sức ông cũng chưa đến nỗi nào. Đâu ngờ, trọng bệnh đã đem ông đi vĩnh viễn mất rồi !
Biết bao giờ cuộc đời mới lại có được một Hoàng Ngọc Hiến nữa đây !
Nguồn: vanvn.net

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỮNG MỐI ĐE DỌA CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG



Việt Nam vô cùng lo lắng vì Trung Hoa và Lào xây đập sông Mekong
(Vietnam sweats bullets as China and Laos dam the Mekong)
David Brown
Bình Yên Đông lược dịch
clip_image001
Đây là bài thứ hai trong loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt.  Những mối đe dọa này – dù có thể đã thấy hiển hiện trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ mới là những suy đoán còn khá “lờ mờ” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, sự sụt giảm nghiêm trọng của nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, cây trồng, mực nước biển dâng…), hoặc nữa xuất phát từ chính những hạn chế chủ quan (chính sách phát triển sai lầm và thiển cận của chế độ CS kể từ sau chiến thắng 1975) – thì đều là có thật và rất cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”. 
Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay – trong phạm vi vùng miền nhất là phạm vi quốc gia – suy ngẫm thật nghiêm túc, nhằm xây dựng sớm một chiến lược quy mô và sát thực để kịp thời đối phó với những nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài mà giới khoa học và cư dân bản địa đều hiểu là hiểm họa khôn lường cho một vùng đất quan trọng của Việt Nam.
Bài dịch do bạn Bình Yên Đông, thành viên BVN thực hiện.


Vài nét chấm phá
Lào mong muốn trở thành “bình điện của Châu Á”, những nhà xây đập Trung Hoa cũng có ý định như thế. Liệu Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL) sẽ trụ được trông cuộc đấu tranh sống còn?
  • Sông Mekong là mạch sống của Đông Nam Á. Nó chảy qua 6 quốc gia và ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 60 triệu người.
  • Trung Hoa và Lào đang xây đập ngang sông ở nhiều nơi. Và Thái Lan đang có kế hoạch chuyển nước với quy mô lớn có thể ảnh hưởng thêm đến dòng chảy của sông.
  • Vẫn chưa rõ các đập ở Lào có thể được tài trợ hay không. Liệu Bắc Kinh có nhảy vào?
Đây là bài thứ hai trong một loạt 4 bài chi tiết tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và nêu một số gợi ý về làm thế nào để đối phó.
clip_image003
Hình trái: Sông Mekong và lưu vực. Hình phải: Hạ lưu sông Mekong. Ảnh: Wikipedia and Penprapa Wut/Wikimedia Commons.
Không có ảnh hưởng đến tương lai của ĐBSCL nào tạo nên nhiều lo lắng nghiêm trọng hơn là những dự án thủy điện trên dòng chánh Mekong, thượng nguồn của châu thổ. Một số chuyên viên Việt Nam đã cảnh báo từ nhiều năm nay. Điều đó chưa được chánh quyền Hà Nội diễn dịch sang lãnh vực ngoại giao có hiệu quả, và có thể kết luận – có lẽ đúng – rằng sự chống đối là vô ích.
Bảy đập đang được vận hành trên sông Lan Thương (sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa) trong các hẻm núi dốc của tỉnh Vân Nam. Những đập khác sắp được hoàn thành ở thượng Lào, và việc xây cất sẽ bắt đầu cho một đập khác ở Don Sahong ngay phía bắc biên giới Lào-Cambodia, và 9 đập khác được dự trù – 7 ở Lào và 2 ở Cambodia.
Hãy tưởng tượng một tương lai mà nông dân ĐBSCL không còn dựa vào lũ hàng năm để đẩy mặn và nhận phân bón mới qua phù sa cuốn theo dòng nước từ núi non xa thẳm ở phía bắc. Tương lai đó đã đến. Nó được thể hiện bằng đỉnh lũ hàng năm thấp và muộn và một sự sụt giảm rõ rệt, có lẽ gần ½, lượng phù sa của sông. Khi những con đập nầy được xây trên thượng nguồn, ảnh hưởng của chúng đối với nông nghiệp ở hạ lưu và ngư trường sẽ tàn phá lũy tiến. Không một chút nghi ngờ về chuyện này.
Thử xem xét, chẳng hạn, ảnh hưởng của chuỗi đập đối với Biển Hồ, một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tượng ngập lụt theo mùa của nó là một kỳ quan thủy học. Hồ nằm trong một vùng trũng bao la ở miền trung Cambodia. Nó nối với sông chánh Mekong bằng sông Sap dài 120 km. Trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 6, sông Sap tháo nước ra khỏi hồ. Rồi, khi mưa mùa đến và sông Mekong dâng lên, sông Sap chảy ngược lại, và 20% nước lũ sông Mekong chảy vào Biển Hồ. Diện tích hồ mở rộng từ 2.700 km2 lên 16.000 km2 và dung tích của nó tăng 80 lần.
Bằng cách này, Biển Hồ đã điều hòa nguồn nước của ĐBSCL đủ lâu cho người dân canh tác ở đó (và chắc cho những thời đại trước đó), làm giảm và kéo dài đợt lũ. Nhưng khi đập được xây trên các nhánh trung lưu sông Mekong, Biển Hồ có thể sẽ không được làm đầy như trước trong mùa mưa hay không tháo nước đúng cách trong mùa khô. Nếu, và khi, điều đó xảy ra, nhịp điệu thủy học của ĐBSCL sẽ chấm dứt, và cùng với nó, là những nền móng kiến tạo cao độ của nền nông nghiệp.
clip_image005
Một con thuyền ở ĐBSCL. Photo by Mariusz Kluzniak/Flickr.
Nhân tai đang bộc lộ chậm rãi
Mặc dù Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam cam kết trong năm 1995 để “hợp tác trong việc duy trì dòng chảy trên sông chánh… và cho phép một lưu lượng chảy ngược tự nhiên vào Biển Hồ có thể chấp nhận được trong mùa mưa”, trên thực tế chánh trị quốc tế, Lào có tay roi: Thái mâu thuẫn; và các quốc gia hạ lưu, Việt Nam và Cambodia chỉ có thể phản đối chiếu lệ.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng trong năm 2011. Vào lúc đó, trong các phiên họp của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), các bộ trưởng và nhân viên ngoại giao cao cấp từ các quốc gia duyên hà cứu xét việc khởi công xây cất đập và nhà máy thủy điện có công suất 1.250 MW ở Xayaburi, một thị trấn ở bắc Lào. Được Cambodia ủng hộ, Việt Nam lập luận rằng việc xây cất phải được hoãn lại 10 năm để nghiên cứu ảnh hưởng của nó ở hạ lưu. Đại diện của Thái Lan tỏ ra lúng túng một cách khó chịu. Mặc dù biết rõ sự phản đối của những nhà hoạt động môi trường và các nhóm nông dân trong các tỉnh vùng đông bắc, các viên chức Thái cũng được vận động hành lang bởi Công ty Thái phụ trách dự án Xayaburi và khách hàng tương lai, Công ty điện lực quốc gia Thái. Các viên chức Lào lắng nghe, phản đối và cuối cùng tuyên bố rằng, hủy bỏ nghĩa vụ của Lào đối với tiến trình tham vấn trước của MRC, họ bật đèn xanh cho dự án.
Như thế Lào đã chứng tỏ mình không bị tác động bởi áp lực của Tây Phương, từ chánh quyền cho đến ngân hàng đa phương hay truyền thông quốc tế. Đằng sau các đại diện của chế độ Lào, rất dễ để thấy rõ cái bóng to lớn và vụng về của những ông chủ Trung Hoa của họ. Phần còn lại của thế giới đã quay lưng với những dự án đập khổng lồ, nhưng những nhà xây cất đập ở Trung Hoa là một thành phần kinh khủng của tổ hợp kỹ nghệ quốc doanh nhà nước. Việc truy lùng kinh doanh mới của họ ở trung lưu sông Mekong ăn khớp một cách tinh vi với mục tiêu theo đuổi sự thống trị ảnh hưởng ở Đông Nam Á của Chánh phủ. Lãnh đạo Lào bị quyến rũ bởi ý tưởng rằng quốc gia nghèo và không có bờ biển có thể trở thành “bình điện của Đông Nam Á”, và sử dụng lợi tức từ việc bán điện để phát triển kinh tế. Những nỗ lực vận động hành lang không ngại tốn kém của các công ty Trung Hoa khiến cho các viên chức Lào không nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng nông thôn và môi trường, ngay cả ở Lào.
clip_image007
Trang bìa cùa tờ National Geographic số tháng 5/2015. Ảnh: ManhHai/Flickr.
clip_image009
Một trang của National Geographic cho thấy đập Miaowei (Miêu Vĩ 苗 尾) đang được xây cất ở Trung Hoa năm 2012. Ảnh: ManhHai/Flickr.
Độc giả Tây Phương theo dõi vấn đề đập trên sông Mekong chỉ hiểu rằng đó là chuyện bảo tồn nền ngư nghiệp nước ngọt phong phú nhất thế giới. Điều đó không ngạc nhiên; truyền thông Tây Phương dựa vào tin tức của các tổ chức phi chánh phủ (NGOs) Tây Phương, chú trọng về cá, đặt trụ sở ở Cambodia. Thật vậy, ảnh hưởng của việc xây cất đập đối với di ngư là mối quan tâm lớn. Người dân Cambodia dùng số cá thu hoạch hàng năm cho 80% nhu cầu chất đạm của họ. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng có ít nhất ½ số thu hoạch đó đang gặp nguy cơ. Trong khi đó, liên can của đập Xayaburi với nông nghiệp của ĐBSCL ít được chú ý ở bên ngoài và quá trễ ở bên trong Việt Nam. Hà Nội đã quá tin tưởng vào cơ chế tham vấn của MRC và sự cam kết nhân từ của các chánh phủ Tây Phương. Phản ánh không khí về phiên họp MRC, một phóng viên Việt Nam viết trong năm 2012 rằng “vấn đề Xayaburi đã đến đường cùng… Nay Việt Nam cần gấp một kế hoạch hành động để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.
Tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh
Hiện nay, không có một tiến trình chính trị nào cho thấy hy vọng, nhưng kinh tế có thể ngăn chặn trường hợp xấu nhất cho các quốc gia hạ lưu. Đặc biệt, chuỗi đập ở trung lưu Mekong nay dường như khó được tài trợ hơn lúc trước. Viện dẫn chi phí xã hội và môi trường, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu quyết định trong năm 2014 rằng họ sẽ không tài trợ lâu dài những đập lớn trên sông Mekong và các nơi khác. Mới đây, các ngân hàng thương mại trong vùng, cân nhắc nhu cầu bấp bênh của điện cơ bản trong nhiều năm tới và các vấn đề chánh trị liên quan đến việc xây cất các đập khổng lồ, cũng cho thấy sự lưỡng lự trong việc tài trợ.
clip_image011
Đập Nuozhadu (Noa Trát Độ 糯扎渡) to tướng trong tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Đập được Nhóm China Huaneng, một công ty quốc doanh, xây cất. Ảnh: International Rivers/Flickr.
Các phân tích chính trị công cộng ở Trung tâm Stimson, một tổ chức quân sư đặt trụ sở ở Washington, kết luận sau khi nói chuyện với các ngân hàng và công ty xât cất Trung Hoa vào giữa năm 2015 rằng họ cũng càng ngày càng xem chừng những nguy cơ, và nghiêng về phía chống lại áp lực của Chánh phủ Trung Hoa trong việc tài trợ xây cất đập trên sông Mekong. Cuối cùng, Chánh phủ Lào không thể bảo đảm đầu tư mà họ kỳ vọng biến nước Lào thành “bình điện của Đông Nam Á”.
Sẽ có nhiều đập được xây hay không tùy thuộc vào việc Bắc Kinh có sẵn sàng hay không, trực tiếp hoặc gián tiếp qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB)) vừa mới thành lập, để tránh lỗ lã cho các công ty quốc doanh. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Hoa sẵn sàng bỏ cuộc. Họ có khả năng đáng kể trong việc xây đập và có thể tạo thế áp đảo ở Lào để để bóp chẹt Việt Nam trong khi lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á khác vào trong quỹ đạo kinh tế và chánh trị của một siêu cường đang lên.
Các dự án chuyển nước
Trong khi đó, như một đám mây ở chân trời, là siêu dự án Kong-Loei-Chi-Mun, một đề nghị của Nha Thủy nông Hoàng gia Thái (Thai Royal Irrigation Department (RID)) để chuyển một phần lưu lượng sông Mekong. Nước sẽ được bơm từ hợp lưu với sông Loei, một phụ lưu nhỏ trên đất Thái khoảng 125 km về phía thượng lưu thủ đô Vientiane của Lào. Số nước được chuyển sẽ vượt qua một rặng núi nhỏ để vào thượng nguồn của hệ thống sông Chi-Mun của Thái Lan. Báo chí loan tin là dự án có thể tốn $75 tỉ, và mất khoảng 16 năm để hoàn tất, và dẫn tưới 5 triệu ha. Nó trùng hợp với một diện tích rộng bằng vùng hạ châu thổ, bao gồm một phần Cambodia, và do đó có lẽ đáng chi phí xây cất.
Kế hoạch chuyển nước của RID xuất hiện cách đây vài năm và rồi được thu hồi, không biết để sửa đổi thêm hay vì Bangkok bị các phản ứng tiêu cực của các quốc gia láng giềng đe dọa. Tuy nhiên, nó không biến mất. Mùa xuân năm nay, hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở đông bắc Thái cũng như ở hạ lưu Mekong. Khi mọi việc trở nên tồi tệ trong tháng 3, các hãng thông tấn ấp úng với các bản tin rằng Chánh phù Thái đã cho phép chuyển 47 triệu m3 nước từ sông Mekong. Đó chỉ là một giọt trong chậu nước, hay nói khác hơn, tương đương với 18.000 hồ bơi Thế vận, vừa đủ để thử nghiệm cái khái niệm bơm nước qua núi và cơ hội của Bangkok trong việc đối phó với Hà Nội, Nam Vang và có thể cả Lào.
Một viên chức của RID xoa dịu vấn đề, nói rằng việc chuyển nước sẽ “không có ảnh hưởng đáng kể” ở hạ lưu và, “dù sao đi nữa, việc chuyển nước quy mô lớn ít nhất cũng mất 2 năm nữa”. Nếu được thực hiện trọn vẹn, siêu dự án sẽ chuyển hàng năm 4 tỉ m3 nước vào các tỉnh khô cằn ở đông bắc Thái Lan. Bốn tỉ m3 là 4 km3, 1% lưu lượng trung bình của sông Mekong chảy vào châu thổ.
Thái cam kết sẽ tham vấn. Họ hoàn toàn sai nếu nghĩ rằng Việt Nam sẽ không làm ồn ào.
Tiếp theo sau trận hạn hán không tiền khoáng hậu đã tàn phá vụ mùa đông xuân, nông dân ĐBSCL có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho việc chuyển nước và các đập ở thượng nguồn, thay vì thay đổi khí hậu, trong việc vật lộn với sự xâm nhập của nước mặn chưa từng thấy trong lịch sử. Họ biết rất rõ rằng nhịp điệu thông thường đã bị xáo trộn. Đây là thời điểm căng thẳng ở ĐBSCL.
Sơ lược về tác giả
clip_image013
David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên các báo Asia TimesAsia SentinelEast Asia ForumChina Economic QuarterlyAsianomicsForeign Affairs vàYale Global.
B.Y.Đ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đón năm mới với bộ máy liêm chính, trong sạch


Nói gì thì nói, dù còn những ý kiến, đánh giá khác nhau (bao giờ chẳng thế), sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyện biếu xén, chúc tết đã gây những chấn động, ấn tượng mạnh trong cộng đồng, dư luận. Hầu hết đều tán đồng với người đứng đầu chính phủ.

Điều đáng lưu ý, Thủ tướng Phúc phát ngôn vấn đề thời sự này không phải với tư cách cá nhân, không phải trong cuộc trò chuyện thường tình nào đó, mà là cương vị người đứng đầu bộ máy hành pháp của quốc gia, trong cuộc họp thường kỳ chính chức của Chính phủ (ngày 30.11) với sự tham gia đầy đủ các vị đứng đầu các bộ ban ngành trung ương. Vậy thì đó không phải là ý kiến chỉ đạo mang tính cá nhân nữa, mà là thông điệp, là mệnh lệnh của quốc gia.

Thủ tướng dứt khoát: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Dư luận đánh giá “thông điệp” của Thủ tướng được đưa ra rất kịp thời, đúng lúc. Hầu như ai cũng biết tầm thời gian này cả bộ máy xã hội từ trên xuống dưới đang rốt ráo chuẩn bị tết. Và đương nhiên không thể quên chuyện lập danh sách sẽ chúc tết ai, biếu xén cái gì. Lâu nay tục lệ như thế rồi, cả công khai lẫn ngấm ngầm, đố dám coi thường.

Tết là thời khắc đặc biệt trong một năm, là dịp để con người thể hiện, bày tỏ tình cảm của mình với người khác, cháu chắt với ông bà, con cái với cha mẹ, trò với thầy, cấp dưới với cấp trên, làng xóm láng giềng với nhau… Chúc tết, tự bao đời mang ý nghĩa tình cảm, đạo đức, như một thứ giá trị tinh thần, truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng trong những thay đổi dâu bể của cuộc sống, có những phong tục, tục lệ cao đẹp bị ai đó biến thành hủ tục, mang nội dung xấu, thực dụng, tầm thường, mất hết cả sự cao quý. Đáng buồn là điều ấy thường xảy ra trong đội ngũ lãnh đạo, có chức có quyền. Chức to thì muốn ban phát ơn huệ, thu lợi; chức vừa thì muốn to hơn; chức nhỏ thì muốn lên cao hơn… Không ít người đã biến chúc tết thành cơ hội lấy lòng cấp trên, để được để ý, được quan tâm thăng quan tiến chức. Bình thường phải chạy cửa sau, phải mưu mẹo, kín đáo, còn dịp tết cứ việc công khai, ngang nhiên, không cần giấu diếm. Những biếu xén, đút lót, mua quan bán chức, hối lộ, chia chác, dọn đường cho mình và con cháu, đệ tử đều có thể nhân cơ hội vàng trời cho này. Nếu người đứng đầu không nghiêm, không dứt khoát với tệ biếu xén, hối lộ dưới màu áo tết thì cấp dưới tha hồ làm bậy. “Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. To hư kiểu to, bé hư kiểu bé, cả một dây chuyền cứ thế lấy lòng nhau để tham nhũng, tiêu cực. Không chấm dứt được tình trạng này, bộ máy sẽ ngày càng hư hỏng, đừng nói gì đến việc xây dựng một chính phủ liêm chính.

Có lẽ nhìn ra thực tế đáng lo ngại ấy cứ kéo dài và tràn lan lâu nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết phải nêu gương. Ông không nói chung chung, không né tránh này nọ, ông tuyên bố “Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, Chính phủ cần làm gương”. Lấy chính mình ra để thực hiện, để đột phá xóa bỏ hủ tục, cụ thể là việc chúc tết, Thủ tướng quyết đi đầu trong việc xây dựng lại bộ máy cho thật liêm chính.

Thực ra thì đây không phải lần đầu Đảng và Nhà nước có thái độ về “tình trạng tiêu cực dịp tết”. Nhớ hồi tháng 1.2014, Ban Bí thư đã có chỉ thị số 21-CT/TW nghiêm cấm cán bộ đảng viên các cấp tặng quà tết dưới mọi hình thức cho cấp trên, nhưng dường như những ban bố mệnh lệnh chung chung ấy người ta chỉ đọc qua rồi quên ngay, với tâm lý “chắc tổ chức chừa mình ra”. Lần này, chính Thủ tướng đã nêu gương, đã kêu gọi cộng đồng giám sát việc thực hiện, những ai lợi dụng Tết để mưu lợi cá nhân chắc chắn phải chờn.

Nhân chuyện Thủ tướng “nói không với chúc tết”, lại nhớ tích xưa về sự liêm chính của ông cha ta. Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 5, kỷ nhà Trần) có chép: Thái sư Trần Thủ Độ là người cầm quyền thời Trần, uy lực còn hơn cả vua Thái Tông. Linh Từ quốc mẫu (vợ ông) một hôm ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu ngăn lại không cho đi. Về nhà, khóc bảo Trần Thủ Độ rằng mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế. Thủ Độ giận sai người đi bắt. Người quân hiệu ấy chắc phen này mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Người quân hiệu đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà biết giữ lễ phép như thế, ta còn trách gì nữa. Bèn lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về. Một lần khác, Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, Linh Từ quốc mẫu thấy vậy xin cho riêng một người làm chức câu đương (chức dịch nhỏ trong làng xã). Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên đó đâu. Người có tên mừng chạy ra. Thủ Độ nói: Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương, thì không thể ví như những người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người đó kêu van xin thảm thiết, hồi lâu mới tha cho. Từ đấy trở đi không ai dám đến thăm nhà riêng nữa.

Cũng chuyện biếu xén, người xưa thường nhắc nhở con cháu chuyện ông Dương Chấn là Thái thú quận Đông Lai. Lúc ông đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước nhờ ông được đề bạt, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya quay lại đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Lòng tôi thành, vả lại bây giờ đêm khuya, không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.

Nhân chuyện Thủ tướng làm gương, nhắc lại những chuyện xưa cũng để nói với “một bộ phận không nhỏ” rằng làm quan phải thanh liêm, trong sạch thì mới đúng là công bộc của dân. Phải luôn biết giữ cho lòng mình chữ “liêm”, đừng “yếu lòng” dịp tết hay bất cứ dịp nào khác (sinh nhật, lên chức, cưới xin…) mà vơ vét cho đầy. Cụ Hồ dạy “Cần kiệm liêm chính” là để cán bộ căn vào đó xây dựng phẩm chất cho mình. Chứ làm quan chỉ cốt vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Thói quen nhận biếu xén dịp tết thực ra là hành vi vô liêm sỉ. “Nhân bất khả vô sỉ”, người ta mà không biết xấu hổ thì không được, làm quan lại càng không được.

Ngày tết mà không có người đến chúc tết, biếu xén, đương nhiên sẽ buồn, cảm thấy thiệt thòi, mất mát này nọ. Nhưng các vị quan chức từ trên xuống dưới cứ làm đúng nghiêm lệnh của Thủ tướng đi, tôi tin là cái được lớn hơn nhiều, tốt hơn nhiều. Khi ấy niềm vui sẽ suốt năm chứ không phải chỉ mấy ngày tết.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang