Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

GS HỒ NGỌC ĐẠI NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI VIẾT TRẺ (TRÍCH)


TN và You tube




TNc: Hôm nay 29-9, Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 9 bước sang ngày thứ 2. Có hai cuộc tọa đàm "Thơ truyền thống và cách tân", "Văn xuôi hôm nay". Nhìn chung chưa thật nhiều ý kiến phá cách của trẻ. Theo TN thì thơ và văn hôm nay còn né tránh và cầu an. Trách nhiệm người cầm bút trước thời cuộc là rất nhạt nhòa.
Tại tọa đàm văn xuôi, GS Hồ Ngọc Đại nói với các cây bút trẻ. Tôi ghi hình đoạn trích này để bạn đọc cùng nghe.  GS Hồ Ngọc Đại bảo tôi Hữu Thỉnh nó lẫn rồi, hôm qua hắn giới thiệu tớ nguyên thứ trưởng bộ Giáo dục-Đào tạo, bỏ mẹ chưa từng thứ trưởng nhé. Tôi đưa chi tiết này để đính chính cho GS Hồ Ngọc Đại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƯ NGỎ GỬI ÔNG BẰNG VIỆT, CHỦ TỊCH HỘI VHNT HÀ NỘI.


Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2016
Ông Bằng Việt thân mến!
Xin cùng nhau nhớ lại hơn 40 năm trước:
Đại hội thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú (lần I) diễn ra vào tháng 3 – 1975 sau hơn 3 năm Ban Vận động do nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi làm Thường trực Ban có những hoạt động nổi tiếng lẫy lừng nửa nước – đúng hơn là cả nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các vị Trưởng, Phó ban Vận động như Trần Quốc Phi, Nguyễn Chí Vượng mát mặt vì nhờ có ông Vợi, nên các văn nghệ sỹ TW và các tỉnh biết đến mình, đến Vĩnh Phú. Nhưng do thói GATO, các văn nghệ sỹ bất tài ghét ông Vợi, xúm nhau vạch lá tìm sâu, xắc mắc um lên ngay bên thềm đại hội ông Vợi là Nhân văn Giai phẩm, rồi việc bóp vú cô nọ cô kia.
Bằng cách ấy, ông Vợi bị gạt ra rìa.
Bằng cách ấy, người ta gạt hoạt động văn nghệ thứ thiệt ra rìa.
Hồi ấy tôi còn ngây thơ cay đắng lắm: Tại sao văn nghệ sỹ mà cư xử với nhau trắng trợn và thấp hèn đến thế.
Lại nhân vì gần suốt đêm ấy anh em từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…ngồi với nhau than vãn về việc trên hội trường ban ngày. Ông Huyền Kiêu xin kiếu đi nằm sớm, rồi lần lượt các ông Trịnh Hoài Giang, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương đi nằm. Ông và tôi là 2 người đi ngủ sau cùng. Trước khi đi ngủ, còn rủ nhau ra nhà vệ sinh công cộng (khá xa) ông vừa đái vừa nói với tôi:
- Thế đấy Văn Chinh ạ, Đảng không bao giờ tin anh em văn nghệ sỹ.
Sớm hôm sau, tôi làm bài tứ tuyệt, ngồi hý hoáy chép lại tặng ông:
“Anh nói đúng, chả bao giờ họ tin văn nghệ sỹ
Là nhà văn, ta chỉ nên sống chết với nghề
Tin yêu thế thì càng đau đớn thế
Bão mưa chiều ập đến. Bão mưa đi”
Ôi cái dấu chấm (giữa câu) tưởng dứt khoát đoạn tuyệt mà rồi ra, 41 năm qua, phải đến mấy mươi lần tôi ngậm ngùi với câu Kiều: “Tiếc thay nước lã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.” Là bởi vì cái phẩm tố nghệ sỹ là tin yêu!
Về sau, ông dùng câu thơ của tôi (có chú thích) trong bài “Bè bạn một vùng đồi” rất hay của mình. Ông làm chứng nhân của lịch sử bằng thơ, ghi lại cái quá khứ huy hoàng của Ban Vận động Thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú.
Ông không thể có được bài thứ hai về Hội VHNT Hà Nội, nơi đã hơn 30 năm ông gắn bó rồi lãnh đạo nó. Không, không thể. Vì hội của ông không thể có cái tinh thần của ban Vận động thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú, nơi có ông Vợi làm Ủy viên Thường trực Ban. Cổ nhân nói: “Văn dĩ hội hữu, hữu dĩ hựu nhân” – Văn khả dĩ dùng để kết bạn, bạn khả dĩ giúp nhau Người hơn – đó là cái TINH THẦN HỘI mà tôi muốn nói, là tứ bài thơ “Bè bạn một vùng đồi” của ông.
Cho đến nay, Hội VHNT có Tô Hoài, Vũ Quần Phương rồi có ông; cả ba ông với các cấp độ khác nhau, nhưng đều tài hơn ông Vợi. Chỉ có điều, ba ông đều không có một chút xíu cái mà ông Vợi có: Khát vọng vì một nền văn nghệ thứ thiệt. Chính vì vậy, VHNT Hà Nội không bằng TP HCM, Huế; chỉ là một thứ hội loàng xoàng văn nghệ quần chúng suốt từ ngày thành lập đến 2010.
Từ năm Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tôi thấy ông ta làm được nhiều việc hay: Trao Giải thưởng cho các cuốn sách quan trọng bậc nhất của nền văn hóa văn nghệ, đó là cuốn “Văn học cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” (Nguyễn Huệ Chi) và tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương.
Trao Giải cho ông Chi là Hà Nội thay mặt cả nước ghi nhận cả đời một con người khảo cứu văn học, chính trị, xã hội thời Lý Trần – là thời huy hoàng đệ nhất trong lịch sử nước Việt; trục vớt cái tinh thần sỹ khí quan trọng nhất của Hồn Việt đã bị chìm khuất sau cái thời khác làm náo hoạt quá mức và sau rất nhiều nhảm nhí của nền khoa học nhân văn mang tên “cut – paste.” Thời đại Hồ Chí Minh cũng đệ nhất huy hoàng, nhưng khác thời Lý Trần ở chỗ: Ta đánh thắng hai đế quốc to cùng với cả thế giới giúp vật chất và cổ vũ tinh thần; còn thời Lý Trần, nó đánh bại cả thế giới nhưng thua nhục nhã ở Đại Việt chỉ với dăm bảy triệu dân và lại chỉ tự lực cánh sinh..
Trao Giải cho ông Phương là một cách Hội Nhà văn Hà Nội làm sáng danh tinh thần cởi mở của Đảng, tinh thần ĐỔI MỚI của Đảng về mọi phương án tìm tòi sáng tạo văn chương của nhà văn trước quốc dân và bè bạn thế giới.
Tôi biết, có cách khác phụng sự Đảng. Nhưng kiểu những Nguyễn Văn Lưu chỉ là làm cho thế giới nhìn Đảng ta KHÔNG đổi mới mà thôi.
Anh em có các ý kiến khác nhau là bình thường. Đây là thời không thể nhất nhất “cả nước cùng đọc thơ Phạm Tiến Duật, cả nước cùng đọc “Hòn đất” của Anh Đức”. Nếu khư khư như thế, tức là duy ý chí trì trệ đấy.
Xin hỏi ông, lúc ông đứng đái cùng tôi, ông nói thật hay nói dối? Nếu thật, vậy tức là ông coi Đảng khác ông và anh em ta. Thế rồi, gần 40 năm qua, ông làm lãnh đạo Hội VHNT Hà Nội, ông có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG?
Phạm Xuân Nguyên khác một số người, cả cấp trên lẫn đồng cấp; nhưng 5 năm qua, Nguyên có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG? Còn ông nói dối tôi cái lúc đi đái đêm tháng 3 năm 1975 ấy, thì hóa ra ông hai nhân cách à? Nếu ông cũng hai nhân cách thì khác đếch gì ông Nguyên?
Là người khác, tôi kệ.
Là ông, Hà Nội (tức là Đảng) coi ông là Nhân sỹ. Tức như sỹ phu xưa. Là sỹ phu thì phải coi trọng lẽ phải và sự công bằng. Là sỹ phu, y phải có bổn phận nói với vua cái lẽ phải và sự công bằng.
Vả lại, ông là bạn tôi, nên tôi phải thưa cùng ông vài điều.
Chúc mọi sự tốt đẹp.

Văn Chinh Đinh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự thật ơi, mày ở đâu?


Phạm Quang Long
Cách đây độ hai chục năm, một vị GS đáng kính ngành Lịch sử đã viết về một chuyện có thật nhưng sau một hồi "sàng sảy", cái thật đã biến mất, chỉ còn lại cái giả. Cái giả lớn gấp 5 lần cái thật nhưng lại tạo ra một cái ảo khác, có ý nghĩa dọn đường cho một số vị đi lên.
Số là khi một đơn vị tổ chức tăng gia để tăng thêm chất lượng bữa ăn được 28 kg khoai lang. Đó là một thành tích có thật. Khi báo cáo thành tích lên cấp trên thì Hội Phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi bộ, Công đoàn, Dân quân, Chính quyền đều kê khai đó là thành tích tăng gia của tổ chức mình. Kết quả thực chỉ là 28 kg khoai, số "thực" báo cáo lên trên và được công nhận là 168 kg, thành tích ảo của 6 đơn vị được các cấp biểu dương và người đứng đầu đơn vị đều được khen thưởng "vì tích cực tham gia sản xuất, góp phần tạo ra của cải phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc".
Ông bảo tôi: Sản phẩm làm ra là có thật, 6 ông bà được khen là có thật, nhưng có một sự thật cốt lõi là có nhiều "sự thật ảo" do cách tính thành tích, cách ghi nhận đóng góp khiến các nhà sử học băn khoăn phải chép như thế nào. Sự thực chỉ có một, ngoài cái đó ra là giả dối. Ta đã thừa nhận cái ảo, nghĩa là cái giả dối thành thật, lâu rồi thành quen. Quen với cái giả dối dễ chịu thấy nhẹ nhàng hơn cái sự thật dễ mếch lòng. Khổ thế!
Khi còn đi làm, phải nghe một báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm, tôi giật mình. Báo cáo viên thông báo: tăng trưởng 6 tháng đạt 11,7%. Không đạt chỉ tiêu nhưng vẫn rất khá. Nhìn vào bảng phân tích cơ cấu tăng trưởng, tôi hoảng: xí nghiệp quốc doanh được đầu tư hơn 70% kinh phí đạt 1,9%, doanh nghiệp tư nhân đạt 25%, doanh nghiệp FDI đạt 28,3% (tất cả các con số này tôi ghi lại ngay trong cuộc họp, con số tuyệt đối có thể chưa chuẩn nhưng gần đúng); xuất khẩu chủ yếu là của tư nhân, xí nghiệp FDI, mặt hàng nhà nước xuất là nguyên liệu. Khi phải nói, tôi đề nghị cần xem lại cơ cấu đầu tư vì tăng trưởng của xí nghiệp quốc doanh có thể lỗ bởi đầu tư quá lớn mà hiệu quả thấp. Tôi bị phê cho lên bờ xuống ruộng vi không hiểu định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa là gì mà cứ nói theo quy luật của lũ tư bản chó chết, bi quan, không nhìn thấy xu thế phát triển, v.v. Tôi hỏi: Thế các con số này có phải là sự thực không? Các anh có tính toán hiệu quả đầu tư không? Trả lời: Chỉ cần nhìn con số chung, không cần phân tích cơ cấu như thế vì tính GDP cũng chỉ tính con số cuối cùng.
Tôi cãi, tôi là con nhà nông dân. Tôi quen thực tiễn. Nếu bỏ ra 10 đ cho chăn nuôi mà cuối năm tổng số gà lợn, bán đi không lớn hơn số tiền mua giống, thức ăn đã bỏ ra thì coi như lỗ. Người ta bảo sao không tính phân lợn thải ra để cải tạo đất, chăn nuôi đã tạo ra việc làm cho trẻ con, giáo dục ý thức lao động... là những thứ do chăn nuôi đưa lại? Đến lúc này thì tôi hiểu, tôi và họ khác nhau quá, không muốn nói thêm nữa.
Và, bây giờ, mỗi khi nhận được một thông tin gì đó, tôi lại lẩn thẩn tìm xem cái sự thực tôi cần, nó ở đâu, sau những con chữ? Nước mắm Masan, cứu trợ dân vùng lụt, chuyện bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, tái cơ cấu ngân hàng, Vinalines, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chỉ số hạnh phúc của dân mình... con số khác nhau quá. Mà đều các cơ quan chính thức thông báo cả. Tôi lại hỏi chính mình: Sự thực ơi, mày ở đâu? Sao tìm mày khó thế?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những điều ác nối tiếp nhau, bao giờ cho hết tháng Mười


>> Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất cao
>> Thời gian không ủng hộ TPP


Hà Quang Minh
(Dân Việt) Tôi sinh ra ở thập niên bảy mươi, thế nên với tôi, Trung Thu vẫn là cái dịp đáng nhớ của thuở thiếu thời, với những mặt nạ, đèn lồng, trông trăng phá cỗ lúc còn con trẻ và với những đêm nhong nhong “tuần” khắp phố cùng chúng bạn, hoặc cố hò hẹn một cô bạn nào đó mình để ý lúc đã bắt đầu “trẻ trâu”.

Rồi tôi bắt đầu nhiều tuổi hơn, nhàn nhạt hẳn với những dịp như thế, nhàn nhạt đứng ra bên ngoài để thấy, lớp trẻ bây giờ chơi Halloween cũng chẳng khác gì một dịp lễ truyền thống Á đông ngàn đời.

Halloween, cũng như Valentine, Giáng sinh…, những ngày ấy đã bắt đầu thấm vào lớp trẻ Việt Nam, thành một thứ văn hoá. Đó là cái thấm tôi cho là tích cực. Giới trẻ được mở cánh cửa ra với thế giới, nghe nhạc Mỹ, đọc sách Anh, uống rượu vang Pháp và mê phim Hollywood. Thế thì chẳng có lý do gì để chê bai họ vọng ngoại (như vài ý kiến yếu ớt nhiều năm nay) khi họ lao ra phố trong bộ đồ hoá trang như ma qủy hay bất kỳ hình tượng nào, trong đêm Halloween.

Tôi vẫn nhớ, khi còn độc thân, đã từng ngồi trong những quán bar Sài Gòn, hay những club thâu đêm, uống với bạn và thích thú ngắm những người trẻ hơn mình trong các phục trang Halloween. Ước gì, cuộc đời họ cứ trôi đi trong những hân hoan như thế, bình thản, không âu lo gì về những vấn nạn ngoài đời.

Và bây giờ, lại cuối tháng Mười, đêm trước ngày Lễ Các Thánh, hai đêm trước ngày Lễ Các đẳng linh hồn (ngày 02.11, cũng na ná như lễ xá tội vong nhân rằm tháng Bảy của mình), những người trẻ lại vui Halloween, với mặt nạ của qủy, của ma, vừa để dọa người ta, vừa để làm trò vui, y như chúng tôi lúc còn nhỏ, với mặt nạ, đầu lân, đèn lồng trung thu.

Và nghĩ về những mặt nạ ngày thơ, nhìn những mặt nạ của lớp trẻ bây giờ, tôi bỗng sực nghĩ đến một câu hỏi: “Có phải, khi nấp sau một cái mặt nạ, thì người ta là ẩn danh, và mọi thứ chỉ là giả tạo hay không, y như chúng ta vẫn nói ‘mặt nạ giả tạo’?”. Rồi tôi tự trả lời: “Khi đeo mặt nạ vào, có khi là khi ta thật hơn cả”.

Hôm trước, một cậu em nhỏ của tôi chia sẻ trên facebook rằng “Hé hé, ngày xưa mình là mình thích vài diễn đàn chỉ vì đám ất của những diễn đàn ấy tự tin, độc đoán, chính kiến rõ ràng, không xuê xoa hiền lành với đám lâu nhâu. Mà để được như thế những anh ất ấy đa phần đều kiến thức uyên thâm, kiến văn rộng rãi và lắm chiêu trò”. Điều đó làm tôi cũng suy nghĩ, những suy nghĩ y như cái mặt nạ hôm nay.

Thời diễn đàn, đa số là ẩn danh, chẳng biết mặt mũi ất giáp của cái “nickname” kia là ai và bởi thế, trước đám đông không biết mình, họ mới dám nói thẳng hết những gì muốn nói.  Còn thời facebook này, nếu cái ảnh đại diện là chính khuôn mặt mình, cái tên “giao lưu” là họ và tên mình, của mẹ cha cho, mình không dám thẳng và thật hết mức như thế giữa cái chợ facebook. Những người mạnh miệng nhất, số hiếm là những người có gan, dám nói dám chịu. Còn lại đa phần, toàn những người đặt một cái “nickname” mơ hồ, với ảnh đại diện không rõ là ai, cái gì, hàm ý chi nữa.

Cái chữ Avatar (hình đại diện) mà facebook dùng vốn dĩ là tiếng Phạn. Nó có nghĩa là sự hiện thân cao đẹp của đấng thánh linh, giống như sự hiện thân của Vishnu trong thân thể Krisna ở Chí Tôn Ca. Nhưng vào thế giới facebook, nó là cái mặt nạ. Đeo mặt nạ vào, người ta dám nói tất cả những gì người ta suy nghĩ, kể cả là điều ngu dốt hay những lời khảng khái. Còn khi bỏ mặt nạ ra, biên ‘tút’ nào cũng cân nhắc, sợ đám đông dòm ngó, săm soi, bỉ bai, thậm chí là rủa xả.

Thế thì phải chăng, có cái mặt nạ vào, con người ta nghĩ rằng mình an toàn vì sự ẩn thân, nên bởi thế mới có hành vi đúng bản chất nhất? Hình như là thế, nhất là ở thời đại mọi thứ đều trôi rất nhanh như thế này, ở thời đại mà thông tin thu hút cứ như sóng sau đè sóng trước, để sự quên cũng nhanh như sự lên đồng.

Bây giờ lại là Halloween, đêm của lễ, của hội, của tiệc tùng mặt nạ, và cũng là ngày kết thúc tháng Mười. Tự nhiên tôi rùng mình nhớ lại cả một tháng Mười vừa trôi qua. Người mất đất bắn chết ba người cưỡng chế đất; cô gái ở sân bay bị một thanh niên to khỏe kẹp cổ cho một thanh niên khác  đập vào đầu; những kẻ cấu kết nhau trục lợi chơi trò truyền thông bẩn vu vạ cho nước mắm truyền thống là nhiễm thạch tín; những video clip tung lên mạng tràn lan cảnh đám học sinh nữ ở quận 8 TPHCM đánh bạn, bắt bạn liếm chân mới tha; cán bộ Ngân hàng ở Nghệ An cầm cò xăng đập vỡ đầu cô bán xăng; cướp lao vào nhà kề dao vào cổ cô bé con gái và bắt cha mẹ cô trả tiền … Tất cả những sự ác ấy dồn vào tháng Mười, như thể trong xã hội bây giờ toàn ma qủy thật hết thảy.

Và thật buồn, nếu chúng ta quay ngược thời gian, kiểm đếm những gì xảy ra trong quãng thời gian tháng Bảy âm lịch vừa rồi, tháng người ta gọi là tháng cô hồn, với ngày rằm cúng xá tội vong nhân. Chắc cũng cả ngàn sự ác diễn ra nối nhau như vậy. Để rồi còn buồn hơn, nếu 1 tháng nữa, đúng vào ngày cuối tháng 11, chúng ta tự kiểm đếm lại xem những sự ác nào đã diễn ra kể từ sau ngày Halloween cho đến ngày đó, chúng ta sẽ giật mình, ma qủy cõi trần đâu cứ phải có thời điểm mới nảy sinh, mà hoá ra, ngày nào, tháng nào cũng có.

Đêm 27.10, theo đúng mùa phim Halloween, HBO tự nhiên chiếu lại phim Legion với tài tử Paul Bettany. Xem phim ấy, với cảnh Tổng lãnh thiên thần Michael đánh nhau với Tổng lãnh thiên thần Gabriel để bảo vệ một đứa bé sơ sinh, được coi là hi vọng sót lại của loài người trong cơn thịnh nộ của Chúa, tôi chợt nghĩ đến Khải huyền. Có lẽ nào, Khải huyền không phải là một cuộc binh đao kinh hoàng, không phải là Lucifer trỗi dậy, không phải nước biển dâng lên hung dữ hay những qủa cầu lửa rơi xuống từ trời, mà từ chính những con qủy trong lốt người, cái lốt không khác gì cái mặt nạ…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

MƯA LỚN, QUẢNG BÌNH LẠI CHÌM TRONG LŨ

Tin NÓNG: 



Quảng Bình: Hàng trăm hộ dân lại ngập trong lũ


VietNamnet
31/10/2016 17:17 GMT+7 

Mưa lớn tại Quảng Bình khiến hàng trăm hộ dân lại ngập sâu, một cầu phao dân sinh bị lũ cuốn trôi.

Tại xã Châu Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình), mưa lớn đã khiến ngập gần 100 hộ dân từ sáng sớm nay, trong đó có khoảng 70 hộ bị ngập từ 0,5-1m. Còn ở xã Quảng Trường (Quảng Trạch), lũ cuốn trôi cầu phao dân sinh khiến một thôn bị cô lập.
.

Nước dâng cao tại xã Sơn Thủy, Lệ Thủy sáng nay.


Nhiều nhà dân bị ngập từ 0,5-1m.

Theo ông Đinh Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), cho biết: “Mưa lớn từ hôm qua đến giờ đã làm nước sông dâng cao, tại xã Văn Hóa có ba điểm trường, trạm y tế và ủy ban xã bị ngập khoảng 1m.
.

Nước sông đang dâng cao.


Nước dâng cao tại xã Văn Hoá

Nước cũng ngập khoảng 300 ngôi nhà của người dân từ 30-50cm. Hiện mưa đã ngớt, nước đang có dấu hiệu rút chậm”.

Hiện chính quyền địa phương đã khẩn trương hỗ trợ người dân di tản đến những ngôi nhà cao hơn để đề phòng lũ tiếp tục dâng cao, còn gia súc và gia cầm cũng đã đưa đến nơi trú ẩn an toàn.


Một đoạn đường ở xã Sơn Thuỷ, Lệ Thuỷ bị sạt lở.

Còn ở xã Châu Hoá, theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã, mưa lớn đã khiến ngập gần 100 hộ dân từ sáng sớm nay, trong đó có khoảng 70 hộ bị ngập từ 0,5-1m.


Người dân thôn Xuân Hạ, xã Văn Hoá đang khó khăn chống đỡ với đợt lũ mới.

Tại huyện Quảng Trạch, ông Phan Xuân Linh – Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Trạch cho biết, nước lũ vừa cuốn trôi một chiếc cầu phao nối duy nhất nối vào thôn Thuận Hoá, xã Quảng Trường khiến thôn này bị cô lập hoàn toàn.

Theo ông Linh, do nước lũ đang còn cao nên tạm thời bà con thôn Thuận Hóa muốn đi lại sẽ phải dùng thuyền. Khi nước rút, lãnh đạo huyện sẽ đề xuất, xin ý kiến cấp trên và nghiên cứu về lâu về dài phải dựng một cây cầu mới để phục vụ việc đi lại cho người dân trong thôn Thuận Hoá.


Gia súc được sơ tán đến nơi cao ráo.


Nhiều nhà dân bị ngập 1m.


Nước dâng cao tại một thôn ở xã Văn Hoá chiều nay.


Hải Sâm
_______________

Cận cảnh người dân Quảng Bình ráo riết chạy lũ 

Tuổi trẻ
31/10/2016 16:29 GMT+7

TTO - Chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ vừa trải qua, sáng 31-10, người dân Quảng Bình ráo riết chạy lũ trước lo sợ nguy cơ lũ chồng lũ.  
.
80 học sinh 3 cấp học và 50 trẻ mẫu giáo của thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình không đến trường được do cầu phao bị gãy - Ảnh: Phạm Văn Thức 

Trường học vùng thấp trũng phải đóng cửa - Ảnh: Phạm Văn Thức

Lũ vẫn tiếp tục tràn về với cường độ mạnh nhưng chưa chạm mốc lũ lịch sử.
 Ảnh: Phạm Văn Thức

Mồ mả của người dân cũng chìm trong mưa lũ - Ảnh: Phạm Văn Thức

Người dân xã Châu Hóa dựng lều bạt che mưa cho xe máy và trâu bò tránh lũ.
Ảnh: Phạm Văn Thức

Chị Nguyễn Thị Huề, xã Châu Hóa cho biết đợt lũ trước, chị mất con lợn nái hơn 2 tạ, may mà còn hai con bò nhưng giờ thì gay go không biết lấy gì cho bò ăn - Ảnh: Phạm Văn Thức 

Vợ chồng anh Trương Văn Thế và chị Đậu Thị Thắm cũng ở xã Châu Hóa. Bữa trước lũ về nhanh quá nên vợ chồng chị không dọn kịp nên tài sản, nay dù lũ nhỏ hơn nhưng phải cho đồ đạc lên từ trước - Ảnh: Phạm Văn Thức 

Và mấy chuồng gà cũng đã sẵn sàng chạy lũ - Ảnh: Phạm Văn Thức

Các cô giáo trường tiểu học Mai Hóa có mặt tại trường để làm việc với phương châm: Nước rút đến đâu quét dọn bùn lũ đến đó - Ảnh: Phạm Văn Thức

Mặc dù đã sau lũ đã nửa tháng nhưng khúc đường Quốc lộ 12A đoạn chạy qua xã Mai Hóa vẫn chưa được xử lý và sửa chữa - Ảnh: Phạm Văn Thức

Ngập lụt ở xã Cảnh Hóa - Ảnh: Phạm Văn Thức

13h ngày 31-10 mưa đã ngớt nhưng những vùng cồn bãi dọc hai bờ sông Gianh vẫn đang bị cô lập và chia cắt - Ảnh: Phạm Văn Thức

Sông Gianh mùa lũ - Ảnh: Phạm Văn Thức.


Một đoạn đường ở thị trấn Lê Ninh - Lệ Thủy, Quảng Bình ngập trong lũ - Ảnh: Hoàng An

Một hộ dân huyện Lệ Thủy chìm trong nước lũ - Ảnh: Hoàng An


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khu vườn giả tưởng


HG
Trần trụi những thân tàn
Lắc lư linh hồn đất
Nhặt nhiệm niềm vui về đúc chuông đồng
Đổ vào khuôn kẻ khác !
Đỏ mắt chờ
Quả hạnh phúc xanh xao
Hồi hộp đi qua khu vườn giả tưởng
Nhện xoa lưng
Tu hú kêu đường
Ta nhìn mình qua tấm gương vừa vỡ
Thấy mảnh đắng cay thành hoa cảm xúc rưng rưng
Nỗi cô đơn thành hoan lạc tưng bừng
Trần trụi nhà giả kim
Anh được gì sau nhiều giả tưởng
Hư cấu dại khờ
qua những bức tranh ?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xuôi dòng

H.G
Tiếng chim lảnh lót
Trên cành cây cao
Nắng tươi óng ả
Đẹp như ngày nào ..
Sau mưa trời thật đáng yêu
Sạch tinh ngọn gió, non cao gửi về
Nóng nôi dường cũng qua đi
Sớm ra ai đã hẹn về bến sông ?
Có ai đi nhặt nắng hồng ?
Cho tôi gửi chút tình sông gió đùa
Thôi nào,
ngày cũ rời xa
Đỏ đêm thao thức,
sớm ra nắng cười
Dở hay cũng vậy mà thôi
Thuyền ai dưới bến đợi tôi xuôi cùng
Thôi thì.. dê béo , rượu nồng
Khúc say sưa
lại thỏa lòng một phen
Buồm nâu người hỡi kéo lên
Để ta tới bến bon chen cùng người
Thuyền xuôi dở khóc dở cười
Mặc ai đứng bến nhắn lời tri âm !
Dòng xuôi
là đúng hay nhầm ???

Phần nhận xét hiển thị trên trang