Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Mỹ: Sẽ có hậu quả nếu Trung Quốc vi phạm luật lệ quốc tế


Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 5 tháng 9 năm 2016. Ảnh: Reuters.
Hoa Kỳ cảnh báo sẽ có hậu quả nếu Trung Quốc vi phạm các luật lệ và quy tắc của quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với CNN phát sóng hôm 4/9, Tổng thống Barack Obama khẳng định: ‘Nói tới các vấn đề liên quan đến an ninh, khi anh đã ký một hiệp ước kêu gọi sự phân xử trọng tài quốc tế xung quanh các vấn đề hàng hải thì chuyện anh lớn hơn các nước như Philippines hay Việt Nam không phải là lý do để anh thoái thác và giương oai diễu võ.’ ‘Anh phải tuân thủ luật quốc tế,’ ông Obama nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói trước việc Trung Quốc vi phạm luật lệ và quy tắc quốc tế, như trong các trường hợp ở Biển Đông, hoặc trong cách hành xử của Trung Quốc về chính sách kinh tế, Hoa Kỳ đã tỏ lập trường cứng rắn. Ông Obama nói ‘Chúng tôi đã chỉ rõ cho họ thấy rằng sẽ có hậu quả.’
Tổng thống Obama nói thêm rằng ông đã cố gắng truyền tải thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc rằng một phần trong sức mạnh Hoa Kỳ chính là sự tự chế.
Đáp câu hỏi về số phận của thỏa thuận Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa bối cảnh cả hai ứng viên Tổng thống thuộc lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa là Hillary Clinton và Donald Trump lẫn Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đều chống đối, ông Obama nói các yếu tố chính trị xung quanh vấn đề thương mại luôn luôn phức tạp, và theo ông, một số chỉ trích về TPP là sai trái.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN trước chuyến công du cuối cùng của ông Obama tới châu Á, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nói rằng Washington muốn Bắc Kinh đảm trách trách nhiệm lớn hơn ‘không chỉ đối với người dân của họ, mà còn đối với các vấn đề và các xung đột quốc tế, cho dù đó là vấn đề biến đổi khí hậu hay cứu trợ thảm họa hoặc đối phó với các vấn đề như Ebola.’
______

Khó tránh chiến tranh trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc?

Người dân ở Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc ngày 14 tháng 3, 2016, nhân dịp kỷ niệm trận đánh ở bãi đá ngầm Gạc Ma đã làm 64 lính Việt Nam thiệt mạng. (Hình: Getty Images)
WASHINGTON (NV) – Sẽ khó tránh một cuộc chiến tranh trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc vì tham vọng đế quốc và bá quyền bành trướng của Bắc Kinh?
Một bài phân tích của tác giả Seth Cropsey trên trang mạng “realclearpolitics.com” nêu ra những chỉ đấu dẫn đến những phân tích của ông mà nếu Mỹ không thay đổi chính sách trong khi Bắc Kinh tiếp tục lấn tới, nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai nước có thể khó tránh.
Ông Seth Cropsey, một sĩ quan Hải Quân nghỉ hưu, từng là phụ tá thứ trưởng Bộ Hải Quân trong hai thời Tổng Thống Ronald Reagan và George H. W. Bush. Hiện ông đang là một chuyên viên nghiên cứu tại viện nghiên cứu sách lược Hudson và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Mạnh Hải Quân Hoa kỳ của viện này.
Những ý kiến của ông nêu trong bài viết phổ biến trên trang mạng “realclearpolitics.com” được rút ra từ một quyển sách mà ông đang viết và sắp cho xuất bản về các hệ quả của khả năng hải quân Hoa Kỳ trong chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ.
Theo ông, bất cứ ai sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ từ cuộc bầu cử diễn ra cuối năm nay, chính sách đối ngoại nên là, phải ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu không, nước Mỹ sẽ phải đối diện với một cuộc xung đột trên biển ngày một rõ hơn vào thời điểm lực lượng Hải Quân của Mỹ thu nhỏ dần.
Ngày 12 tháng 7, 2016, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague bác bỏ lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc “có từ cổ xưa” đối với đường “Lưỡi Bò” trên Biển Đông, Bắc Kinh liền cho hai chiếc máy bay dân sự đáp xuống hai đảo nhân tạo Su Bi và Vành Khăn mà họ xây dựng ở Trường Sa. Các phi đạo này cách đất liền tới 600 dặm cho Bắc Kinh khả năng vươn xa xuống phía Nam.
Một năm trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ở thủ đô Washington rằng Trung Quốc sẽ không biến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Nhưng những không ảnh mới nhất cho thấy các nhà để máy bay xây dựng kiên cố đặc biệt trên đó, có thể chứa các phi cơ quân sự lớn nhất của họ, cho thấy họ nói dối. Họ dự tính đưa máy bay quân sự đến đây.
Từ thời Tổng Thống Reagan, chính sách của Mỹ là lôi kéo Trung Quốc vào trật tự tự do thế giới. Trung Quốc gia nhập các tổ chức thế giới và tuân thủ theo các luật lệ thế giới mà họ đặt bút ký kết, tôn trọng tự do hải hành trong các vùng biển quốc tế, cũng như tôn trọng chủ quyền của các nước khác.
Mỹ đã hậu thuẫn cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2001. Năm 2016 được mời, lần thứ hai, tham dự tập trận hải quân với Hải Quân Mỹ và nhiều nước khác thuộc khu vực Thái Bình Dương, tổ chức tại Hawaii. Danh sách những đề nghị của Mỹ với Trung Quốc rất dài trong chính sách thúc đẩy Bắc Kinh đi vào một trật tự thế giới kiểu Tây phương.
Kết quả người ta thấy hoàn toàn ngược lại với những gì Hoa Kỳ mong muốn. Chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu hơn đi kèm với khả năng quân sự ăn trùm ở khu vực. Các nước nhỏ nhìn thấy rõ áp lực của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Khi đến tham dự một hội nghị tổ chức ở Hà Nội giữa ASEAN và các đối tác hồi năm 2010, Dương Khiết Trì, khi đó là ngoại trưởng, phản ứng khi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông được nêu ra, rằng “Trung Quốc là đại cường và các nước khác là những nước nhỏ mà đó là thực tế.”
Dương Khiết Trì ám chỉ rằng sức mạnh quân sự đem đến quyền lực. Đây là cách Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông. Luật lệ quốc tế khi nào họ muốn theo thì theo, khi khác thì giải thích theo ý của họ.
Theo bài viết nói trên, Mỹ thất bại trong chính sách đối với Trung Quốc khi muốn đưa họ vào quỹ đạo bảo vệ ổn định an ninh, kinh tế thế giới. Khối lượng hàng hóa thương mại khổng lồ của họ xâm nhập thị trường Mỹ hàng năm hy vọng uốn nắn cách suy nghĩ của các kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh để họ “quan sát, nghĩ và hành động như chúng ta.” Tuy nhiên “Các bằng chứng không hậu thuẫn cho hy vọng màu hồng đậm này.”
Theo ông Cropsey, chính quyền kế tiếp của nước Mỹ cần phải hiểu là định mệnh của nước Mỹ siêu cường không thể tách rời khỏi vai trò tiếp tục là siêu cường ở Thái Bình Dương. Điều này không nghĩa là một chính sách hung hăng hay đối đầu quân sự.
Hoa Kỳ phải hành động ngoại giao tích cực với các nước chung quanh Trung Quốc vốn sợ tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Hoa Kỳ phải có sức mạnh tác chiến đáng tin cậy để cản các hành đi ngang ngược cũng như tham vọng quân sự của họ, bằng cách hoạt động tự do hải hành thường xuyên, đáng tin cậy, ở các vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Cũng không kém quan trọng là phải tăng cường lợi thế của Hải Quân đối với Trung Quốc bằng cách đóng thêm nhiều tàu ngầm tấn công hơn nữa, cũng như lợi dụng lợi thế không cân xứng này bằng cách điều động chúng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Mới đây, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết cảnh sát biển nước này phát hiện nhiều sà lan Trung Quốc có mặt tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch bồi đắp bãi cạn này.
Khả năng này từng được đề cập những tuần lễ gần đây mà một số nhà phân tích thời sự cho là Bắc Kinh sẽ đợi tới sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu qua đi. (TN)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hội nghị G20 tại Trung Quốc đã trở thành ‘đại hội đấu tố’


Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu này được xem là một cơ hội hoàn hảo để cùng vạch ra một hướng đi cho nền kinh tế thế giới vốn đang rơi vào trì trệ và ảm đạm. Nhưng thay vì đoàn kết và hợp tác, các quốc gia tại hội nghị G20 lại đang có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau.
Sự kiện quan trọng nhất và được chú ý nhất trong nền kinh tế thế giới những ngày này là hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh này không chỉ quy tụ các nhà lãnh đạo cao nhất của 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), mà nó còn có sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức chính trị và kinh tế hàng đầu thế giới khác như chủ tịch ASEAN, chủ tịch liên đoàn châu Phi, Ngân hàng thế giới (WB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF),…
Nói cách khác, hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu này được xem là một cơ hội hoàn hảo để các nền kinh tế đoàn kết, cùng vạch ra một hướng đi cho nền kinh tế thế giới vốn đang rơi vào trì trệ và ảm đạm. Nhưng, tất cả đã đảo lộn hoàn toàn, khi thay vì đoàn kết và hợp tác, các quốc gia tại hội nghị G20 lại đang có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau.
Chủ đề chính thức của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là “Xây dựng kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, liên kết và bao dung”, nhưng có vẻ như tinh thần chung đó lại không được thể hiện trong những gì diễn ra tại hội nghị ở Hàng Châu lần này. Những sự cố và rắc rối của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này thậm chí diễn ra từ trước khi phiên khai mạc chính thức bắt đầu, khi một sự cố đã xảy ra với phái đoàn của tổng thống Mỹ Barack Obama ở sân bay Hàng Châu.
Một số quan chức Trung Quốc đã có hành vi khiếm nhã và hách dịch với những nhân viên Nhà Trắng tháp tùng ông Obama ở sân bay, thậm chí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng là nạn nhân của sự cố này, và phải đến khi mật vụ Mỹ can thiệp thì mọi chuyện mới được giải quyết. Việc các quan chức Trung Quốc tỏ ra hách dịch ngay cả với những nhân vật cấp cao của phái đoàn Mỹ được cho là xuất phát từ việc tổng thống Obama giờ đây đã không còn có vị thế như trước, khi chỉ vài tháng nữa là ông sẽ hết nhiệm kỳ.
Nói cách khác, Trung Quốc cảm thấy không cần e ngại trước một vị tổng thống vịt què (thuật ngữ để chỉ các tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ). Điều tương tự có lẽ cũng xảy ra đối với các nền kinh tế lớn khác sẽ bước vào cuộc bầu cử vào năm sau như Đức hay Pháp. Sự sút giảm vị thế của các nhà lãnh đạo hàng đầu do bầu cử như Mỹ, Đức, Pháp, hoặc vì mới lên nhậm chức như Anh là lý do khiến nhiều nhà phân tích nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh G20 lần này sẽ không đạt được nhiều hiệu quả trên thực tế. Sẽ không ai bàn bạc những vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng lâu dài với những nhà lãnh đạo có thể sắp phải rời nhiệm sở.
Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Thay vì tập trung thảo luận vào các vấn đề kinh tế toàn cầu, thì các quốc gia tham dự hội nghị G20 lần này lại có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau. Là nước chủ nhà, thậm chí gây ra sự cố đối với phái đoàn Mỹ tại sân bay, Trung Quốc không có gì phải e ngại khi chỉ trích các nền kinh tế lớn khác đang có xích mích với nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai phê phán Úc vì nước này đã từ chối bán cổ phần mạng lưới điện Ausgrid trị giá 7,7 tỉ USD cho một công ty Trung Quốc cách đây ít tuần, đồng thời cũng chỉ trích chính phủ Anh vì đã ngưng dự án điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 24 tỉ USD (trong đó Trung Quốc góp 1/3 số vốn) một cách vô cớ. Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc tại hội nghị, thì các hành động trên được xem như những động thái mang tính bảo hộ thương mại và cần bị lên án.
Ở chiều hướng ngược lại, những lời chỉ trích Trung Quốc cũng không phải là ít. Chủ tịch ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố Trung Quốc nên tìm cách giải quyết vấn đề dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp của mình thay vì đẩy sản phẩm dư thừa sang thị trường châu Âu mà các mặt hàng thép là điển hình. Nhật Bản và Mỹ thì công kích việc Trung Quốc can thiệp vào tỷ giá đồng nhân dân tệ, gây ra những tác động không nhỏ đối với lĩnh vực xuất khẩu trên toàn cầu, và nhất là việc Trung Quốc chưa có những động thái đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu tương xứng với vị trí nền kinh tế số hai thế giới của mình.
Nhật Bản và Anh cũng là hai nền kinh tế nhận được nhiều sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, liên quan đến cuộc chiến chống giảm phát và Brexit. Một mặt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của các chính sách nới lỏng tiền tệ đối với sự tăng trưởng kinh tế nước này, mặt khác lại chỉ trích Anh về những hệ quả mà Brexit gây ra đối với những tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Âu.
Hiện các tập đoàn và công ty Nhật tại châu Âu phần lớn có trụ sở ở London, và đang tạo ra khoảng 400.000 việc làm; Brexit đang khiến cho các công ty Nhật phân vân về nơi đặt trụ sở mới và cơ hội tiếp cận thị trường của cả châu Âu lục địa lẫn của Anh. Trong khi đó, thủ tướng Anh Theresa May có lẽ là người phải chịu nhiều sức ép lớn nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, khi vị tân thủ tướng Anh không chỉ phải tìm cách xoa dịu Trung Quốc vì sự cố nhà máy điện hạt nhân Hinkley, nối lại các kênh đàm phán về kinh tế-thương mại với các nhà lãnh đạo EU, mà còn phải trấn an lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác về những hậu quả kinh tế-thương mại do Brexit gây ra.
Dù đạt được một số kết quả nhất định với thông cáo chung vào cuối hội nghị, trong đó các nước đồng thuận rằng có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết (bao gồm cải cách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu kinh tế) để đạt được tăng trưởng bền vững, thì một thực tế là hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu lần này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung đáng kể nào.
Đã không có một thỏa thuận chung có ý nghĩa nào trong việc vực dậy nền kinh tế thế giới mang tính đột phá, thay vào đó hội nghị G20 lần này lại có xu hướng trở thành nơi để các nền kinh tế lớn cãi vã với nhau nhiều hơn, vì những vấn đề mang tính cá nhân của mình hơn là vì các vấn đề mang tính toàn cầu.
Nhàn Đàm (theo Reuters) /Motthegioi

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam sẽ “phủ sóng” xe buýt tới 100% tỉnh thành vào năm 2020


Xe buýt đã được phát triển tại 57/63 tỉnh thành. Ảnh VGP
Xe buýt đã được phát triển tại 57/63 tỉnh thành. Ảnh VGP
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó cho biết đến năm 2020 toàn bộ các tỉnh, thành sẽ có xe buýt.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc phát triển xe buýt tại tất cả các tỉnh, thành là nhằm mục đích nâng cao thị phần của loại hình vận tải này, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, đề án trên xác định: Đến năm 2020 đảm bảo 100% các tỉnh, thành trên cả nước có hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xây dựng quy hoạch liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bên cạnh đó, những tỉnh, thành đã có hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì phải tăng tỷ lệ đảm nhận của loại hình này.
Cụ thể, thủ đô Hà Nội phải nâng tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lên 10-15% tổng nhu cầu đi lại đến năm 2020; TP.HCM phải nâng tỷ lệ này lên 9-12%; Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ phải nâng lên 5-10%; các tỉnh, thành phố khác là 1-3%.
Hiện tại, Việt Nam có 57 trong tổng số 63 tỉnh, thành có hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó Hà Nội và TP.HCM có mạng lưới lớn nhất.
Các tỉnh không có xe buýt hiện là Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái và Bình Phước.
Hạo Nhân tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc nằm rất gần Việt Nam


Cả loạt lò phản ứng hạt nhân của nhiều nhà máy điện hạt nhân của TQ nằm rất gần, thậm chí gần sát với biên giới phía Bắc của Việt Nam.  
Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc nằm rất gần Việt Nam
Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam “trên giấy”.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam ra đời. Bản dự án đã trở thành một bộ phận trong Quy hoạch Điện VII của ngành điện lực, rồi được hoàn chỉnh trong Quy hoạch ĐiệnVII – điều chỉnh. Quy hoạch này cùng với dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta cũng đã được đưa lên Chính phủ vàQuốc hội phê chuẩn.
Về địa điểm, dự án được lựa chọn đặt tại vùng cát trắng ven biển, thưa dân thuộc tỉnh Ninh Thuận cách xa Thủ đô Hà Nội những 1.500 kmvà cách xa TP. Hồ Chí Minh cũng đến 500 km. Nhiều đoàn chuyên gia địa chất, thổ nhưỡng, khí tượng thủy văn cũng như một số đoàn chuyên gia khác nhau từ Nga, Nhật v.v… đã đến đo đạc khảo sát.
Sự lựa chọn địa điểm như vậy hẳn là khá cẩn thận, đáng an tâm khi so sánh với địa điểm của hàng trăm nhà máy điện hạt nhân, hàng ngàn lò phản ứng hạt nhân năng lượng đang hoạt động trên toàn thế giới.
Những tưởng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống một khu đất trên truông cát trống trải cách bờ biển Ninh Thuận khoảng vài ba cây số đã diễn ra trong năm 2016. Nhưng, trong thực tế mọi việc, mọi động thái ở Ninh Thuận vẫn im lìm không chỉ trong mấy tháng nay mà thậm chí mấy năm nay.
Mọi người đang chờ một công bố chính thức, một mệnh lệnh từ cấp cao, mệnh lệnh “xóa sổ” dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước Việt Nam.
Hàng loạt nhà máy điện hạt nhân TQ cận kề biên giới
Không ngờ rằng, đồng thời với sự chờ đợi lệnh “xóa sổ” một nhà điện hạt nhân dù chỉ mới “trên giấy” của nước ta cách xa Hà Nội đến 1.500 km, là sự bùng phát trong thực tế cả loạt lò phản ứng hạt nhân của nhiều nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Chúng nằm rất gần; thậm chí gần sát với biên giới phía Bắc của Việt Nam với khoảng cách đến đồng bằng Bắc Bộ; bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, chỉ vài trăm kilomet.
Trong đó, một loạt lò phản ứng năng lượng công suất lớn khoảng 500 – 1000 MW; chủ yếu loại “made in China”, đã và đang tới tấp đi vào vận hành. Ba nhà máy cách xa Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 300 km – 500 km, tức khoảng 1/5 – 1/3 khoảng cách Hà Nội – Ninh Thuận; một khoảng cách mà nhiều người và nhiều cấp, trước đây, ngồi ở Hà Nội vẫn rất lo ngại.
Điện hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, ô nhiễm phóng xạ, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Bản đồ với các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động (màu xanh), đang xây dựng (màu hồng) và trong quá trình xem xét cho phép xây dựng (màu trắng). Nguồn: Bộ Bảo vệ Môi trường + Trung tâm An toàn Hạt nhân và Phóng xạ TQ.
Số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã và đang xây dựng ngày càng tăng và tràn xuống phía nam. Trong năm 2016 này, các tổ máy đầu tiên gần nước ta nhất, có công suất 1.000 MW của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Fangcheng – Quảng Tây) đã đi vào hoạt động thương mại, các tổ máy 650 MW của nhà máy Xương Giang (Chanjiang – đảo Hải Nam) và tổ máy 600 MW của nhà máy Trường Giang (Yangjiang – Quảng Đông) đã được kết nối lưới điện quốc gia của Trung Quốc.
Quan trắc và cảnh báo
Rõ ràng, Việt Nam chưa “được có” nhà máy điện hạt nhân, nhưng làm sao có thể tránh được sự cận kề với nhiều nhà máy điện lớn “made in China” trên đất liền, ngoài hải đảo và thậm chí trên mặt nước (nhà máy điện nổi) tại quốc gia láng giềng Trung Quốc. Ngoài ra, các nước láng giềng hoặc lân cận khác như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… cũng“rục rịch” đưa ra tínhiệu về kế hoạch phát triển và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Trong tình hình đó, sự lo lắng, sự suy ngẫm về một quốc sách mới về điện hạt nhân của Việt Nam liệu có xuất hiện hay không? Hãy dành câu trả lời cho tương lai.
Nhưng dù “có lệnh” nói “không” với nhà máy điện hạt nhân trên đất mình, Việt Nam vẫn không thể nói “không”, thậm chí cần phải sớm nói “có” một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Bởi ở biên giới phía Bắc, mạng lưới nhà máy điện hạt nhân của nước láng giềng ngày càng dày thêm.
Chẳng có hàng rào nào ngăn được môi trường phóng xạ độc hại ít nhiều đều lan tỏa từ các nhà máy điện hạt nhân nói trên của Trung Quốc qua bầu không khí của Việt Nam, bắt đầu từ biên giới và sau đó vào sâu trong lãnh thổ. Việc phát hiện và theo dõi sự phát tán các đồng vị phóng xạ sẽ giúp tìm ra vị trí xảy ra sự cố hay địa điểm của các lò phản ứng và con đường lan truyền phóng xạ (kể cả di chuyển qua biên giới).
Một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sẽ giúp các nhà chuyên môn nước ta phát hiện từ xa những sự cố bất thường xảy ra trong loạt nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc để sớm có giải pháp đối phó và giảm nhẹ thiệt hại.
TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã nhìn nhận: một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia đang thiết lập với một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người.
(Theo Vietnamnet)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ÔNG TRỊNH XUÂN THANH TỪ BỎ ĐẢNG CỘNG SẢN VN





Ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng 

Một Thế Giới
07/09/2016 12:30
 
Chiều 6.9, ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên Báo Thanh Niên khẳng định lại việc đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng. 

Trước đó, vào chiều 4.9, trong cuộc gọi bất ngờ lần đầu tiên, sau khi trình bày nhiều nội dung có tính chất “giải trình” những vấn đề liên quan đến mình như báo chí thông tin thời gian qua, ông Thanh cho biết đã làm đơn xin ra khỏi Đảng và đã gửi đến các cơ quan chức năng ở T.Ư cũng như Tỉnh ủy Hậu Giang.

Cụ thể, ông Thanh khẳng định giữa tháng 7.2016 ông đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 do bản thân không còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh nữa “nên giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là không cần thiết”. Đến ngày 29.8 ông cũng đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Đảng.

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết đến thời điểm này Thường trực Tỉnh ủy vẫn chưa nhận được bất cứ đơn nào của cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc ông Thanh, các cơ quan ở T.Ư đang xử lý theo quy định. Ông Bùi Văn Sáu, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, cũng xác nhận đến thời điểm này chưa nhận bất cứ thông tin gì liên quan đến việc ông Thanh xin ra khỏi Đảng.

Trong khi đó, ông Thanh xin phép nghỉ 1 tháng để điều trị bệnh và đã hết phép vào ngày 3.9 nhưng vẫn chưa trở lại làm việc. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã có báo cáo gửi T.Ư về việc không thể liên lạc được với ông Thanh. Chủ động gọi phóng viên Báo Thanh Niên nhưng khi được hỏi đang ở đâu ông Thanh cũng không tiết lộ, mà chỉ cho biết là đang tập trung chữa bệnh gout. 
 
Theo Quang Minh Nhật/Thanh Niên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIN CỰC HOT: BÀ CHÂU THỊ THU NGA CHI ĐẾN 30 TỶ ĐỂ ỨNG CỬ ĐBQH


Bà Châu Thị Thu Nga
Điều tra giai đoạn 2 vụ lừa đảo chấn động 
ở Housing Group


* Bà Châu Thị Thu Nga khai chi 30 tỉ đồng để ứng cử ĐBQH

Trả lời Thanh Niên ngày 6.9, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng nhà đất (Housing Group) và dự án B5 Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.

Trước đó vào cuối tháng 4.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này bị can Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch HĐQT Housing Group được xác định là chủ mưu. 
 
Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Nga đã cấu kết với một số cán bộ trong công ty tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỉ đồng của nhà đầu tư, đến nay không có khả năng chi trả. 
 
Sau khi có kết luận điều tra trên, Viện KSND tối cao đã có văn bản yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ 6 nội dung trong vụ án. Đến ngày 25.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất các nội dung điều tra bổ sung, đồng thời vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị truy tố 7 bị can đã nêu trong kết luận lần trước. Một trong những nội dung đáng chú ý là khoản tiền hơn 157 tỉ đồng mà bà Nga khai dùng để “chạy” dự án, chi tiền mặt cho các cá nhân và đối tác nhưng không có tài liệu gì chứng minh, không ký nhận chứng từ, những người nhận tiền theo lời khai của bà Nga đã phủ nhận. Cơ quan cảnh sát điều tra đã cho đối chất nhưng chưa đủ cơ sở làm rõ.
 
Theo kết luận điều tra, trong khoản tiền 377 tỉ đồng đã thu của nhà đầu tư, bà Nga và đồng phạm đã dùng hơn 28 tỉ đồng trả lại cho một số nhà đầu tư rút vốn, số còn lại là gần 349 tỉ đồng. Bà Nga khai nhận đã sử dụng 85 tỉ đồng trả cho các đơn vị ký hợp đồng một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn như thuê đo đạc bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình...; Chi 54 tỉ đồng cho ông Nguyễn Xuân Quý (đã chết), chi 12 tỉ đồng cho Lê Hồng Cương, là 2 nguyên phó tổng giám đốc của Housing Group; chi 30 tỉ đồng cho ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Giám đốc Công ty HAIC; chi 300.000 USD (tương đương hơn 6 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp bất động sản nhằm mục đích xin được điều chỉnh quy hoạch tại khu đất B5 Cầu Diễn... 
 
Đáng chú ý, bà Nga còn khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại TP.Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng vị doanh nghiệp này cũng phủ nhận.
 
Thái Sơn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao Putin lại 'bênh Trung Quốc'?

 Một đòn mới của anh bạn Vàng giáng xuống Đối tác chiến lược Việt Nam !

Thế giới bình luận: "Putin dường như đã bước hẳn sang phía Trung Quốc".
Và "...
có thể nói đây là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc"

Hôm 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.
“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa [PCA].”
Phát biểu tại cuộc họp báo 5/9 sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, ông Putin cũng nói can thiệp của các nước ngoài khu vực Biển Đông chỉ gây hại cho tình hình.
Đây là lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề liên quan tới tòa trọng tài quốc tế.
Ông Putin giải thích rằng lập trường của ông "hoàn toàn mang tính chất pháp lý, chứ không phải chính trị".
"Mọi thủ tục trọng tài cần do các bên liên quan tranh chấp đề xuất, và tòa trọng tài nên nghe luận điểm và lập trường các bên liên quan tranh chấp. Trung Quốc đã không ra Tòa Trọng tài The Hague và không ai ở đó nghe lập trường của họ."
BBC đã hỏi một số chuyên gia về Biển Đông về phát ngôn bất ngờ và gây tranh cãi của Tổng thống Putin.
Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.
Vasily Kashin, Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow
Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow:
"Phần đầu trong tuyên bố của Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) can thiệp vào vấn đề này.
Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.
Phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bắc Kinh cũng vận động Moscow một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.
Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.
Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea.
 
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay có thể nước này sẽ kiện Nga ra tòa về các vùng biển quanh bán đảo Crimea
Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó.
Bởi vậy, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của tòa theo UNCLOS đâm ra lại trở nên có lợi cho Nga."
TS Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) ở Singapore:
"Trước đây Nga luôn kiềm chế không giữ lập trường mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vì muốn duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai đối tác chính của Nga ở Á châu. Thế nhưng nay Putin dường như đã bước hẳn sang phía Trung Quốc với tuyên bố không thừa nhận phán quyết của Tòa PCA.
Trong khi tinh thần của phán quyết này là có lợi cho Việt Nam, chắc chắn Hà Nội sẽ rất tức giận.
Tuy nhiên phát biểu của Putin cho thấy ông ta không hiểu biết lắm về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết.

Ông ta nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm."

------------------------
Theo BBC Việt ngữ

Phần nhận xét hiển thị trên trang