Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Chết trong “cơn lốc tiền” Formosa



Đại dự án Formosa có những chuyện giờ mới thấy thấm, không chỉ việc gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy khác. Chuyện về đồng tiền là chiêm nghiệm sâu sắc nhất cho cả “quan” và dân không chỉ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.



Một khu tái định cư dự án Formosa.

Bia miệng
Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, nguyên Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng Formosa, nguyên Trưởng ban Giải quyết tồn đọng, vừa bị khởi tố bị can, cho tại ngoại, chờ ngày ra tòa vì gây thất thoát tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Formosa. Ông gần như mất hết ở tuổi 58.
Ông Bổng được coi là “anh hùng giải phóng mặt bằng” cho đại dự án Formosa. Nếu chọn hai cái tên nổi tiếng nhất gắn với đại dự án này để kể ra thì đó là ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nay là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và ông Nguyễn Văn Bổng.
Về Kỳ Anh hỏi dân, ai cũng có thể kể vài chuyện về ông Bổng.
Đây là những mẩu chuyện “lưu truyền” trong dân. Ngày 20/10/2015, ông Bổng bị khởi tố. Khi công an khám xét nơi ở, người dân đến nhà ông reo hò. Trên mạng YouTube còn lưu lại clip cảnh sát dẫn giải ông ra khỏi nhà, đám đông hô lớn: “Bắn lão Bổng đi. Bắn lão Bổng đi”.
Mấy ngày sau khi ông Bổng bị khởi tố bị can, con trai ông làm lễ về nhà mới. Một số người kéo đến nhà la ó, đợi đến khuya họ viết mấy dòng bày tỏ bức xúc cao độ lên tường nhà con trai ông. Có người còn viết lên giấy những dòng mỉa mai, đeo vào cổ chó, dắt qua dắt lại cổng nhà ông.
Vợ ông, nghe người dân nói là hiền lành, ăn ở với hàng xóm láng giềng có trước sau, cũng bị vạ lây. Bà đi chợ phải đeo khẩu trang. Có lần bị người ta phát hiện, lột khẩu trang chửi rủa giữa chợ. Người ta còn ném cả chất bẩn vào bà. Từ ngày chồng bị khởi tố, bà ít ra đường, sống thu mình...
Con trai ông cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của dư luận. Anh này đang công tác ở UBND huyện Kỳ Anh, cưới vợ nhiều năm chưa sinh được con. Người ta bảo, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Khu trung tâm xã Kỳ Phương được xây dựng trên khu đồi hoang năm xưa.
Khu trung tâm xã Kỳ Phương được xây dựng trên khu đồi hoang năm xưa.

Còn đây là những mẩu chuyện “lưu truyền” trong cán bộ. Họ nói, ông Bổng độc đoán, ngông cuồng... “Khi công an tỉnh về làm việc, lúc đó ông ấy không còn là chủ tịch nữa (chuyển sang làm Trưởng ban giải quyết tồn đọng) nhưng xuất hiện ở cuộc họp như chủ toạ, bảo người này người kia báo cáo, phát biểu”, một người đang công tác ở UBND thị xã Kỳ Anh kể.
“Khi làm Trưởng ban giải quyết tồn đọng (ban này được lập ra để giải quyết những sai phạm liên quan đến ông) làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Bổng cũng nói như chuyên gia. Một phó chủ tịch tỉnh hồi đó chủ trì cuộc họp nổi cáu: “Anh Bổng không phải chuyên gia, anh phải xắn tay vào giải quyết”, một cán bộ kể lại. “Khi công an bắt đầu điều tra, mời ông ấy, khi đó là chủ tịch huyện, ra tỉnh làm việc. Ông trả lời “làm chủ tịch huyện nhiều việc, không ra được”.
Công an phải quyết liệt “chúng tôi làm việc với công dân Bổng, chứ không phải chủ tịch Bổng. Anh không hợp tác, chúng tôi sẽ có biện pháp…”, một cán bộ liên quan việc này chia sẻ. “Ông Bổng yêu ai thì cẩu lên, chứ không phải cất nhắc nữa. Ghét ai thì dìm xuống chín tầng địa ngục”, một vị đang công tác ở UBND thị xã Kỳ Anh nói về việc ông Bổng bổ nhiệm cán bộ.
Nhiều chuyện về ông Bổng, cứ vừa thật vừa ảo, kể ra cứ dài mãi. Giữa lúc Formosa xả thải gây ô nhiễm, đâu cũng nóng chuyện ông này. “Băng dày ba thước đâu phải rét một ngày”, một cán bộ hưu trí đúc kết khi trò chuyện với chúng tôi quanh câu chuyện “ngã ngựa” của vị cựu chủ tịch huyện này.
Trong cơn lốc
Giữa tháng 8, chúng tôi gặp ông Bổng ở nhà riêng, tại thị xã Kỳ Anh. Hiện ông là nhân viên ủy ban thị xã nhưng cũng chẳng có việc gì làm. Nhàn nhã đợi ngày ra tòa.
Chúng tôi kể lại với ông những chuyện nghe được trong dân. Ông nói, chuyện dân quay clip hô “Bắn lão Bổng đi” là có, vợ ra đường, ra chợ bị đối xử tệ cũng có…, nhưng không phải dân oán giận vì những gì ông làm tại dự án Formosa. “Khi tôi bị khởi tố, đúng lúc việc chuyển chợ truyền thống sang trung tâm thương mại nóng nhất. Các tiểu thương vốn không muốn về trung tâm thương mại, trước đó đã tụ tập đông người phản đối quyết liệt, họ nghĩ tôi là là người gây ảnh hưởng việc làm ăn nên khi tôi bị khởi tố mới hả hê như thế. Vợ tôi ra chợ bị ném chất bẩn vào người cũng từ chuyện cái chợ mà ra…”, ông giải thích.
Ông bảo: “Những gì tôi làm ở Formosa công có, tội có, nhưng lòng dân không oán giận như vậy. Tội thì tôi sắp bị xét xử, khung hình phạt có thể 12 - 20 năm”.
Nói về Formosa, ông chỉ lên bức ảnh lớn treo ở phòng khách bảo, ngày đó lãnh đạo về đều khen Kỳ Anh làm nên kỳ tích trong giải phóng mặt bằng. “Thế đấy, chuyện đời không ai nói trước được, nay khen mai chê, lúc anh hùng, khi tội đồ, ranh giới mong manh như sợi chỉ. Nghĩ lại thấy nhiều chuyện không tưởng tượng được”, vị cựu chủ tịch huyện từng là giáo viên dạy Toán thở dài.
Nhớ lại một thời oanh liệt, ít ai ngờ ông lại có ngày này. Những kỷ lục về đại dự án được thiết lập ở Kỳ Anh dưới thời ông làm chủ tịch. Kỷ lục đầu tiên nằm ngay cái tên: Dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á do Tập đoàn Formosa đầu tư với số vốn 10 tỷ USD (giai đoạn 1), được khởi công xây dựng năm 2008 tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Để triển khai dự án này, Hà Tĩnh phải di dời hơn 2.200 hộ, 10.000 nhân khẩu, 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ... tại 5 xã, bàn giao hơn 3.000 ha đất và mặt nước cho nhà đầu tư.
Hà Tĩnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn tuyên truyền vận động, chia nhỏ từng nhóm đối tượng đến từng nhà, gặp từng người. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ vận động thanh niên, phụ nữ; Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, vận động cựu chiến binh, nông dân... Thời điểm căng thẳng, tỉnh huy động cả giáo viên, công chức, viên chức về vận động gia đình, bà con, dòng họ... Kiên trì và quyết liệt. Mềm mỏng có, cứng rắn có. Trung bình, mỗi gia đình, các đoàn công tác gặp 25- 30 lần, cá biệt có hộ gần 90 lần.
Vận động bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù đã khó, đưa bà con lên khu tái định cư ổn định cuộc sống càng khó hơn. Hà Tĩnh những ngày đó còn tổ chức các ngày hội đưa dân lên khu tái định cư. Tỉnh huy động các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên... đến Kỳ Anh phối hợp các địa phương giúp bà con tháo dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc, vật liệu, đào móng nhà... trong nhiều tháng liền.
Riêng chuyện phát tiền cho dân cũng bở hơi tai. Các xe chở tiền đến từng thôn, vào từng nhà phát tiền. Ào ào như lũ. “Đến bố mất, tôi cũng không về kịp”, ông Bổng ngậm ngùi. “Nói dăm ba câu không thể hết được. Tôi đã bị đánh trong lúc cùng dân di dời mồ mả. Đây là việc khó nhất. Có những chuyện kiểu như thế này: Có công nhân lái máy cẩu tiến đến gần ngôi miếu thì dừng lại, nhảy xuống, nhất quyết không làm. Tôi nói, “chú chỉ cho anh, chỗ nào cẩu, chỗ nào xúc…”.
Nói xong, tôi nhảy lên điều khiển máy cẩu, phá đền. Có thời gian mà chần chừ! Sau này, có người nói tôi là ra nông nỗi này là do phá chùa, phá đền. Tốc độ như thế, sức ép bàn giao mặt bằng lớn như thế, kịp nghĩ gì nữa đâu”, ông kể. “Có gia đình không chịu chuyển mộ người thân, thuyết phục mãi không được, chúng tôi đặt phong bì lên bàn thờ, xin keo (gieo âm dương). Người âm chấp nhận, chuyển luôn. Khốc liệt thế đấy”, ông Bổng nhớ lại và hình như vẫn trong tâm trạng những ngày ào ào giải phóng mặt bằng.
Cuộc đền bù giải tỏa quyết liệt đến khủng khiếp. “Khi chúng tôi giải tỏa xong, đưa đại diện Formosa đi kiểm tra mặt bằng. Họ đến từng mô đất yêu cầu đào kiểm tra xem có phải mộ không. Họ đứng từ xa xem. Họ sợ nhất đụng đến mồ mả. Nhìn mặt bằng sạch thẳng cánh cò bay, họ rất bất ngờ và chúng tôi không nghĩ là đã làm được”, ông Bổng nói.
Gục ngã
Ông Bổng gục ngã vì tiền, điều này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Giải phóng mặt bằng đang về đích băng băng thì chững lại bởi 90ha đất nông nghiệp vô chủ. Đất này để hoang hóa bao năm nhưng khi kiểm kê đền bù thì dân đến nhận. Có nhiều người xa quê cả chục năm cũng trở về nhận đất. Đất vô chủ nhưng tiền thì đã có (tỉnh chi 33 tỷ đồng). “Khi đó mình giao cho 5 xã có 90 ha đất ấy triển khai các thủ tục. Các xã lập hồ sơ, mình ký, chi trả đền bù. Sau này mới biết các xã làm sai”, ông Bổng nói.
Sai ở đâu? Đáng ra 90 ha này Nhà nước thu hồi và không chi tiền đền bù. Nhưng xã hợp thức đất vô chủ thành có chủ bằng cách gọi dân ghi danh nhận tiền.
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ thanh tra các dự án ở Hà Tĩnh, trong đó có Formosa. “Trong 90ha, có đất được đền bù 50%, có đất 30%..., có đất không được đền bù, nhưng các xã lập hồ sơ cùng dân nhận tiền, gây thất thoát hơn 9 tỷ đồng”, ông Bổng giải thích. “Mình bị khởi tố theo điều 165 Bộ luật Hình sự “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Khởi tố thì mình chịu, cố ý hay không thì cũng đã sai. Hai ông chủ tịch xã Kỳ Long và Kỳ Phương cũng bị khởi tố bắt giam”, ông Bổng nói.

Ông Nguyễn Văn Bổng và PV Tiền Phong tại nhà riêng. Ảnh: Lê Anh
Ông Nguyễn Văn Bổng và PV Tiền Phong tại nhà riêng. Ảnh: Lê Anh
Có chuyện ông Bổng không nói, nhưng nhiều người Kỳ Anh cùng suy nghĩ. Đó là trong số tiền đền bù chỗ đất vô chủ ấy có sự ăn chia giữa chính quyền và người dân. Chằng chéo bao nhiêu thứ lợi ích ở đây, rất khó nói, khó bóc tách. Ông Bổng nói rằng, 9 tỷ đồng ấy vào túi dân (đền bù hết cho dân), chứ ông không đút túi đồng nào, cán bộ xã cũng không lấy đồng nào (?).
Việc này kết luận điều tra cũng đã chỉ rõ. “Khi đó làm cho kịp tiến độ, chứ không nghĩ gì nhiều. Tiền tỉnh chi rồi, mặt bằng khác cũng xong rồi, kẹt mỗi chỗ này nên phải xử lý nhanh. Trả tiền trước cho dân sau này mới ký phiếu thu…”, ông nói. Ông nhấn mạnh tốc độ giải phóng mặt bằng của dự án: “Anh tin nổi không, ngày 6/7/2008, Formosa khởi công. Sau đó chưa đến một tháng, chúng tôi bắt đầu kiểm kê đất đai.
Có gì trong tay đâu mà kiểm kê. Khi đó bắt đầu đo vẽ, xác định các loại đất. Cả núi việc. Bốn tháng sau (ngày 28/12/2008) đã bắt đầu chi trả tiền cho dân. Chưa đến một tháng sau (tháng 1/2009), dân nhận hết tiền. Xe chở tiền chạy ầm ầm, hàng ngàn tỷ cơ mà. Ví như đền bù đất nông nghiệp là 538 tỷ đồng cũng chỉ trả trong một tuần.
Ngày 1/10/2010, bàn giao mặt bằng sạch cho Formosa. Song song với đền bù là xây 4 khu tái định cư cho dân. Tôi nói nôm na như thế để anh thấy, với khối lượng công việc không lồ mà làm tất cả chưa đầy 2 năm thì là kỳ tích. Người ta nói vừa làm vừa chạy, đây có lẽ vừa làm vừa bay. Như thế không mắc sai sót mới lạ”, ông Bổng nói.
Nếu Formosa dừng hoạt động…
“Ông đánh giá thế nào việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường?”. “Tôi không biết gì về xả thải cả. Cái này hỏi Bộ TN&MT. Tôi chỉ biết giải phóng mặt bằng. Hồi đó mọi người đều đi Đài Loan, kể cả lái xe Formosa cũng được đi tìm hiểu công nghệ này nọ, nhưng tôi chưa được đi lần nào. Tôi đi, ai giải phóng mặt bằng cho”.
“Ông thấy lòng dân Kỳ Anh trong lúc này thế nào?”. “Lòng dân chênh vênh lắm! Tôi nghĩ, chúng ta phải làm tất cả những gì tốt nhất giám sát Formosa để họ không xả thải gây ảnh hưởng môi trường nữa. Phải quản lý tốt để nó hoạt động trở lại. Nếu nó không hoạt động thì dân Kỳ Anh rất gay go. Biển giờ không đánh bắt được, ruộng không còn nữa, lấy gì mà ăn đây. Hiện nay, Formosa cơ bản dừng các hoạt động lớn, công nhân làm việc không nhiều.
Trước đây có khoảng 5 vạn lao động thuộc nhiều quốc tịch (Việt Nam chiếm 15%). Nếu hoạt động đến năm 2020, Formosa có 10 vạn lao động. Thử tính xem, thời gian qua, 5 vạn miệng ăn, chỉ ăn rau thôi mỗi ngày cũng hàng tấn. Người dân kinh doanh rau cũng sống khỏe. Trước đây, người dân kinh doanh nhà trọ, ăn uống, giải trí…, kinh tế rất khá giả. Giờ đìu hiu lắm”.
Tiền không phải tất cả
Không chỉ ông Bổng gục ngã trước đồng tiền mà nhiều người dân Kỳ Anh cũng choáng váng trước cơn “cơn lốc tiền” đền bù. Người dân kể, Tết năm 2009 (cơ bản dân nhận hết tiền đền bù, tiền đền bù và xây dựng tái định cư là 2.000 tỷ đồng), có nhà mua một lúc chục chiếc xe máy cho con cháu; điện thoại thì mua cả nắm...
Thế nhưng, miệng ăn núi lở. Giờ mới là lúc khó khăn thực sự. Nạn trộm cắp đã bắt đầu hoành hành, tệ nạn mại dâm, nghiện hút không còn xa lạ trong một bộ phận người trẻ.
Một nhà văn ở Hà Tĩnh từng nói: Chung quy tại vì nghèo. Nghèo lâu quá nên khi có tiền đâm ra mất bình tĩnh. Có câu “Nắng chang chang dây bầu không héo/Mưa sụt sùi, bầu lại héo dây” là vậy. Người ta chiêm nghiệm rằng, không ít người sau khi trúng số độc đắc một thời gian (đa số người nghèo) thường rơi vào nghèo khó hơn, tan nát hạnh phúc, con cái hư hỏng... Nguyên nhân chủ yếu là thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh.
Sau cơn bão tiền, ông Bổng sẽ đối mặt tù đày. Còn người dân Kỳ Anh thì đang cạn khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” và nhận ra cần phải tìm việc làm ổn định.
Một số cựu lãnh đạo Hà Tĩnh cho rằng, Formosa đang khiến chúng ta phải trả giá nhiều, để lại nhiều bài học xương máu. Trên đường phát triển, trong quá trình mời gọi đầu tư, đừng quên bài học môi trường, bài học đền bù giải phóng mặt bằng và đặc biệt là tái định cư, chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống cho dân. Dân là gốc, cái gốc ổn thì giải quyết những vấn đề khác sẽ dễ, nhẹ hơn nhiều.

Theo Lê Anh Đạt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

SỰ IM LẶNG CỦA NHÀ VĂN.



Phạm Ngọc Tiến

(Tôi viết bài này và cho đăng báo khi vấn đề Tôn Hoa Sen còn manh nha. Giờ thì rõ ràng là biển Ninh Thuận đang được tiến hành để đặt nhà máy thép. Post bài lên fb được coi là một ý kiến của tôi phản đối việc có thêm nhà máy thép. Biển sẽ còn lại gì? Chúng ta cần cá hay cần thép? Có cần phải đánh đổi với giá quá đắt như vậy không? Và các nhà văn yêu quý, khi chúng ta viết những gì phản biện với các vấn đề xã hội mà chúng ta quan tâm theo cảm nhận cũng như quan điểm của mình chính là khi chúng ta đang thực thi nghĩa vụ công dân của một nhà văn đối với đất nước.)


Kính gửi các nhà văn yêu quý.
Không hiểu sao cứ những lúc cuộc sống có biến cố xảy ra, bao giờ tôi cũng nghĩ đến các nhà văn trước tiên. Chẳng hạn một đám cháy lớn. Một đám cháy, lẽ ra cần phải huy động cứu hỏa và họ chính là người tất cả cần nhất trong tình huống đó. Nhưng không, cứu hỏa đến với đám cháy là việc tất nhiên. Họ sẽ sử dụng chuyên môn của họ dập tắt đám cháy. Một việc quá đỗi bình thường. Còn các nhà văn thì tôi nghĩ nếu họ gặp đám cháy ấy họ sẽ làm gì?
Vâng, nếu gặp một đám cháy thì các nhà văn sẽ làm gì? Câu hỏi ấy cứ xoay đi trở lại nhiều lần trong tôi. Sứ mạng của họ không phải để dập lửa. Luận theo lô zích thông thường, họ sẽ quan sát đám cháy, suy nghĩ rồi miêu tả nó. Những hậu quả. Bài học rút ra từ rất nhiều góc độ. Thậm chí là họ diễn giải tâm lý đám cháy trong nhiều chiều. Tất nhiên điều này có ích cho không chỉ nhà văn. Nhưng tôi biết sẽ có không ít nhà văn bình thản đứng nhìn đám cháy và lặng lẽ bước đi. Cái đám cháy ấy hoặc không đủ để tác động đến cảm xúc của họ hoặc nó chẳng liên quan gì. Tóm lại là họ bước qua đám cháy bằng sự im lặng. Một sự im lặng được gọi theo cách rất cũ kỹ ấy là vô cảm. Sự vô cảm cố hữu của đám đông trước những gì bất thường xảy ra của đời sống vốn đã không còn là sự lạ ở ngày hôm nay.
Lần ngược lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, các nhà văn của chúng ta luôn bám sát đời sống cùng những biến cố của đất nước. Đó là những cuộc chiến tranh giữ nước trường kỳ và khốc liệt. Những tác phẩm được viết ra bằng chính máu của nhà văn. Đó cũng là những sai lầm khó tránh ở mỗi thời kỳ và chính nhà văn lên tiếng. Không ít người đã phải trả giá bằng sinh mạng chính trị thậm chí bằng cả sự nghiệp của mình nhưng sự dấn thân của họ thật sự là những điều xã hội cần. Nó có ích. Tôi có may mắn quen biết một số nhà văn của những thời kỳ này. Họ thực sự là những nhân cách lớn. Thế hệ những nhà văn tham gia chiến tranh, họ là những người lính thực thụ và tác phẩm của họ xuất hiện trong tâm thế của người trong cuộc. Đọc tác phẩm viết về chiến tranh nếu của một ai đó không trong cuộc sẽ thấy sự hời hợt giả tạo. Ở chiều ngược lại, những trang viết khét lẹt khói súng, ta sẽ nhận được sự thuyết phục, chia sẻ và cảm nhận nhiều điều của chiến tranh mang tới để thấy được cái giá của hòa bình lớn lao mức nào và chiến tranh tàn khốc ra sao. Để rồi nhận chân giá trị sự sống và vì thế thêm yêu cuộc đời mà ta may mắn có mặt.
Tôi nói những điều trên từ đúc kết của chính mình. Những trang văn của các thế hệ đàn anh đã giúp cho tôi những hiểu biết về đời sống về chiến cuộc về chân lý và lớn hơn là một tình yêu cuộc sống. Có lẽ tôi trở thành nhà văn phần nhiều cũng là nhờ ở điều này. Và tôi nhận thức được rằng, chẳng có sứ mạng to tát nào dành cho nhà văn cả. Giản đơn chỉ là anh hãy sống và viết từ chính thu nhận đời sống. Vậy thôi. Hãy là người trong cuộc.
Thưa các nhà văn kính mến.
Xã hội của chúng ta hiện nay đang ở trong một giai đoạn có quá nhiều biến động và khó khăn. Công cuộc đổi mới 30 năm đã có không ít thành tựu làm thay đổi diện mạo xã hội và đời sống người dân. Nhưng hơn bao giờ chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Tình hình chính trị cũng như kinh tế của thế giới luôn trong tình trạng khủng hoảng có những tác động nhiều mặt đến đất nước chúng ta. Trong khu vực luôn căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tạo ra sự khó lường với những quốc gia có chung biển Đông. Hiểm họa ngoại xâm luôn hiển hiện thường trực đối với biển đảo của đất nước. Kinh tế trong nước gặp vô vàn khó khăn. Bộ máy quản lý bộc lộ những khiếm khuyết hệ thống. Phải thẳng thắn thừa nhận một bộ phận không nhỏ đội ngũ lãnh đạo yếu kém, tham nhũng gây sự trì trệ trên nhiều lĩnh vực. Môi trường sau những sai lầm từ những quyết sách của những cán bộ có thẩm quyền đã kéo theo bao hệ lụy, thậm chí là hủy diệt môi trường mà Formosa là điển hình. Niềm tin của nhân dân sút giảm. Mâu thuẫn giầu nghèo phân chia các giai tầng xã hội…Nhiều lắm, có thể nói đất nước chúng ta đang đứng trước những nguy cơ tiềm tàng thù trong, giặc ngoài. Văn học có những gì trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này và nhà văn chúng ta đang đứng ở đâu?
Thừa nhận có rất nhiều tác phẩm đề cập đến những vấn đề của đất nước hôm nay. Không ít nhà văn miệt mài theo đuổi những giá trị của quá khứ thông qua những trang viết tái hiện các cuộc chiến. Nhiều nhà văn viết về những mảng nóng xã hội. Nhưng tại sao lại hiếm hoi những tác phẩm được công chúng đón nhận? Vì sao?
Mới đây một phóng viên nữ hỏi tôi, tại sao trong những biến cố của đất nước hiếm thấy nhà văn các anh lên tiếng. Có phải nhà văn cần sự lắng đọng của thời gian để nghiền ngẫm mới phát biểu được bằng tác phẩm. Tôi chưa kịp trả lời thì nữ phóng viên cũng là một nhà thơ này kết luận. Ngụy biện thôi, khi anh không dám mở miệng trước lâm nguy dân tộc thì mặc nhiên anh đã đứng ngoài cuộc, đứng ngoài số phận nhân dân. Tháng trước khi đi qua Hà Tĩnh, tôi ghé vào Kỳ Phương là một phường của thị xã Kỳ Anh chịu trực tiếp hậu quả biển nhiễm độc từ thảm họa Formosa. Khi biết tôi là biên kịch của một vài phim chính luận có chút ít sự chú ý, người dân đã hỏi thẳng. Tại sao không làm phim về biển độc. Phải có những bộ phim nói về chúng tôi chứ, đời sống của chúng tôi nếu các anh không nói ra thì ai nói. Chúng tôi cần những phim như vậy. Trong cả hai trường hợp vừa nêu tôi đều im lặng. Một sự im lặng xấu hổ đến mức tủi nhục.
Hãy khoan bàn đến tác phẩm bởi rõ ràng câu hỏi nhà văn chúng ta đang đứng ở đâu lại là điều tiên quyết. Tôi làm việc trong những căn phòng máy lạnh. Di chuyển bằng những phương tiện đầy đủ tiện nghi, thu nhập khá và dứt khoát không nằm trong số đông nghèo khó. Các nhà văn khác cũng vậy. Nếu có ai đó bần hàn thì đó chỉ là cá biệt của sự lười biếng và bất tài. Nhà văn sống sung túc và được xã hội chiều chuộng. Danh xưng nhà văn giúp chúng ta dễ dàng có vị thế. Khi có chủ trương dự án bauxite Tây Nguyên, đứng trước những bất cập của dự án nhiều nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức…đã phân tích lên tiếng kêu gọi sự thận trọng của dự án. Lúc đó có bao nhiêu nhà văn lên tiếng. Thậm chí đến cả ký vào bản kiến nghị cho dừng dự án ngay chính tôi cũng không ký. Khi cá chết vì biển độc ở các tỉnh miền Trung có được mấy nhà văn đăng đàn hoặc viết bài về thảm họa này. Ngay trên mạng xã hội khi có những bài viết dũng cảm vạch tội Formosa thì cũng có rất ít nhà văn trong số những người sử dụng mạng dám bày tỏ sự đồng tình dù chỉ là một nút bấm like. Điều gì vậy? Biển đảo Tổ quốc bị xâm phạm, có bao nhiêu nhà văn bày tỏ chính kiến của mình?
Tôi gọi thẳng ra chúng ta im lặng bởi chúng ta sợ hãi. Nữ nhà báo nói rất trúng căn bệnh sợ hãi của nhà văn. Khi anh không dám mở miệng, anh im lặng vì sợ liên lụy, sợ mất đi bổng lộc thì đừng nói đến tác phẩm làm gì. Nhà văn đang đứng bên lề cuộc sống. Câu trả lời là vậy. Đã đứng bên lề cuộc sống thì sao phản ánh được những gì của cuộc sống diễn ra. Tất nhiên không phải tất cả nhà văn như thế. Vẫn có những nhà văn dũng cảm xông xáo bất chấp mọi hiểm nguy để bám sát hiện thực đời sống đưa vào tác phẩm. Đến đây chắc chắn sẽ có không ít nhà văn phản đối thậm chí dè bỉu lên án tôi. Vâng, tôi biết mình chỉ là một nhà văn bình thường là loại nhà văn số đông chứ không phải số ít nhà văn tài năng đặt được dấu ấn vào văn học. Nhưng chả nhẽ vì thế mà tôi không có quyền nói ra. Tôi nói những điều này nhưng thực chất cũng như tâm sự với chính mình. Sự sợ hãi đã khiến nhà văn chúng ta im lặng. Đúng là thế.
Trở lại với đám cháy. Sự im lặng của nhà văn nghĩa là cái đám cháy ấy sẽ không được nhà văn khả dĩ tìm ra được phương cách ngăn chặn để nó đừng xảy đến tương tự trong tương lai, điều mà công chúng cần ở văn học. Khi nhà văn im lặng trước an nguy đất nước thì cái trách nhiệm công dân nhà văn sẽ chẳng còn tác dụng nếu không muốn nói một cách cực đoan là nó đã bị chối bỏ bằng sự vô dụng. Sự vô cảm của nhà văn suy cho cùng cũng là hệ lụy chung của xã hội nhưng nó gây ra di chứng nhiều hơn. Dĩ nhiên đó cũng chính là nguyên nhân thiếu vắng những tác phẩm để đời như đã từng trong quá khứ. Tôi nghĩ đã đến lúc nhà văn cần lên tiếng mạnh mẽ để bước đi cùng nhịp với đời sống. Để những đám cháy đừng xảy ra. Hy vọng là thế./.

Đà Nẵng 12/8/2016
PNT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Những sự thật sai bét về cuộc sống xung quanh mà bấy lâu nay chúng ta vẫn tin sái cổ


Có những điều "sai lè" ra mà chúng ta không hay biết và cứ nghĩ đó là sự thật. Nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải vậy đâu nhé.
Tất cả thụ thể cảm nhận mùi vị trên lưỡi đều có thể cảm nhận các mùi vị khác nhau. Chỉ là một số vùng của lưỡi nhạy cảm hơn với một số vị thức ăn nhất định mà thôi. Theo sơ đồ vị giác cổ điển, người ta cho rằng cuống lưỡi cảm nhận vị đắng, hai rìa lưỡi ở phía cuống lưỡi cảm nhận vị chua, hai rìa lưỡi ở phía đầu cảm nhận vị mặn và đầu lưỡi cảm nhận vị ngọt. Tuy lý thuyết này từng được biết đến và thậm chí đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở mẫu giáo nhưng hiện nay lý thuyết này đã bị bác bỏ.
Thực ra, mỗi một phần của lưỡi đều cảm thụ các vị cơ bản.
Trong thực tế, mỗi một phần của lưỡi đều cảm thụ các vị cơ bản, và số vị cơ bản không phải 4 vị đó mà là 5 vị. Một vị nữa người ta vừa xác đinh được là vị Umami, thường được gọi là vị ngọt thịt, một trong năm vị cơ bản cùng với vị ngọt, chua, đắng và mặn.
2. Tắc kè hoa đổi màu không phải để ngụy trang
Tắc kè hoa không thay đổi màu sắc trên cơ thể nó để hòa nhập với môi trường xung quanh nhằm ngụy trang mà chúng thay đổi màu sắc để giao tiếp nhanh chóng với đồng loại.
Tắc kè đổi màu là để giao tiếp nhanh chóng với đồng loài chứ không phải ngụy trang.   Thay vì cất tiếng hay sử dụng tính hương, tắc kè giao tiếp một cách thị giác hơn bằng việc đổi màu và hoa văn của da. Những màu sắc và hoa văn khác nhau có nhiều ý nghĩa. Chính vì vậy, những con đực có thể thu hút bạn tình hoặc bảo vệ lãnh thổ bằng cách “tỏa sáng” màu sắc của mình cho những con khác thấy. Để tỏ rõ sự phục tùng hoặc quy hàng, một con đực sẽ mang màu nâu xám hoặc xám.
3. Đầu ngón tay nhăn nheo khi giặt đồ không phải do ngấm nước
Khi giặt đồ hoặc ngâm tay quá lâu trong nước, da ở đầu các ngón tay thường bị nhăn lại. Chúng ta vẫn thường  nghĩ rằng da ở các các đầu ngón tay nhăn nheo là vì nó hấp thụ nước. Nhưng sự thực lại không hoàn toàn như vậy.
Những ngón tay nhăn nheo hoàn toàn không phải do ngấm nước.
Những ngón tay nhăn nheo chỉ vì não chúng ta điều khiển các vị trí đầu ngón tay nhăn lại, chứ không phải do hấp thụ nước. Thực chất, đây là phản xạ của cơ thể giúp con người có thể cầm nắm và giữ ma sát tốt hơn ở trong môi trường nước trơn.
4. Con người không chỉ có 5 giác quan
Trước nay, người ta đều thừa nhận con người chỉ có 5 giác quan, đó là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận định con người có đến 21 giác quan, ngoài 5 giác quan đó ra còn có cảm giác ngứa, cảm giác nóng, lạnh, cảm giác về vị trí các bộ phận trên cơ thể, cảm giác căng thẳng hay áp lực, cảm giác đau, cảm giác đói và khát, cảm giác về thời gian…
5. Everest không phải là đỉnh núi cao nhất thế giới
Đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất phía trên mực nước biển, nhưng nếu tính chiều cao của ngọn núi từ chân đến đỉnh thì ngọn núi cao nhất là Mauna Kea trên đảo Hawaii. Theo các số liệu được công bố, đỉnh Everest cao 8.848 mét phía trên mực nước biển. Trong khi đó, dù chỉ trồi lên 4.205 mét so với mặt nước biển, nhưng Mauna Kea ăn sâu thêm khoảng 6.004 mét xuống Thái Bình Dương, tức là hơn một nửa ngọn núi bị ngập chìm dưới nước. Tính tổng cộng, chiều cao của Mauna Kea là 10.209 mét, cao hơn 1.361 mét so với Everest.
6. Chim cánh cụt không phải là loài "chung thuỷ" nhất trong giới động vật
Chim cánh cụt được xem là một trong những loài chung thủy nhất trong giới động vật. Điều này chỉ đúng trong một mùa giao phối mà thôi, những con chim cánh cụt sẽ tìm tới và “chung thủy" với một bạn tình khác vào mùa sau.
Thông thường, đối với các loài chim cánh cụt, chúng chỉ chung thủy trong một mùa sinh sản mà thôi.
Tuy nhiên, bạn cũng khoan vội mất đi lòng tin nhé. Đối với loài chim cánh cụt Magellanic thì lại khác đấy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một đôi chim cánh cụt Magellanic sống với nhau 16 năm, không hề “ngoại tình”, dù mỗi năm có đến 6 tháng chúng sống hoàn toàn tự do.
Đáng nói là loài Magellanic chỉ cặp đôi với nhau trong mùa sinh sản. Còn lại trong 6 tháng sống di trú, chúng sống độc lập như từng cá thể riêng lẻ. Tuy nhiên khi trở về vùng đất sinh sản, chúng sẽ lại tìm đúng bạn tình và nơi xây tổ trước đó.
Theo lý thuyết, nếu không xảy ra sự cố (một trong hai con chết trước, chim mái không thể đẻ trứng…) thì một cặp chim Magellanic sẽ sống với nhau suốt đời. Thật đáng ngưỡng mộ phải không nào?
7. Dơi không bị mù
Bạn nghĩ rằng dơi bị mù? Rất nhiều sách đã nói đến điều này. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đại cho biết thị lực của dơi rất tốt và nó phát huy vào ban ngày. Còn ban đêm, chúng dùng tiếng vang và sóng siêu âm để định vị con mồi.
8. Trái đất không xoay quanh Mặt Trời
Trái Đất không phải quay quanh Mặt Trời mà nó quay quanh một vùng trung tâm khối lượng của hệ Mặt Trời gọi là tâm tỉ cự (Barycenter). Thường thì trọng tâm này sẽ rơi vào trùng vào vị trí của Mặt Trời. Tuy nhiên, khi điểm tâm này không trùng với Mặt Trời thì Trái Đất chỉ xoay quanh một vùng không gian chứ không phải Mặt Trời.
9. Con người không chỉ sử dụng được 10% bộ não
Có phải con người chỉ sử dụng được 10 % não bộ?   Nhiều người tin rằng chúng ta chỉ sử dụng 10% trí não của mình trong hoạt động, tuy nhiên ý nghĩ này không hề đúng. Não là một tập hợp của nhiều loại tế bào, thường xuyên được sử dụng. Chúng ta có thể bị bại liệt nếu có bất kỳ một tổn thương nào với não, dù nó nằm ở bất kỳ vị trí nào, và nó luôn hoạt động, cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa.
10. Napoleon không phải là vị hoàng đế có c hiều cao “khiêm tốn” như nhiều người nghĩ?
Napoleon hoàn toàn không lùn như lời đồn đại.
Nhà quân sự và chính trị gia xuất sắc người Pháp Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) thực chất không phải là người có chiều cao khiêm tốn như nhiều người vẫn nghĩ. Ông cao 1,7 mét và chiều cao này là trung bình thời bấy giờ. Đến thời nay, chiều cao của ông thậm chí còn nhỉnh hơn chiều cao của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (cao 1,65 mét).
11. Nhiệt độ thoát ra trên cơ thể đều như nhau
Có nhiều người nghĩ rằng nhiệt độ ở một số nơi trên cơ thể sẽ thoát ra nhiệt nhiều hơn nhưng vùng khác. Tuy vậy, điều này bị các nhà khoa học phủ nhận và cho rằng cánh tay, chân, toàn thân, và những nơi khác thì nhiệt độ đều thoát ra như nhau.
2. Trái Đất không phải là một hình tròn hoàn hảo
Trái đất xoay tròn với vận tốc khoảng 1.673,7km/h (tương đương gần 60% tốc độ của một viên đạn được bắn ra khỏi nòng súng), tạo ra quán tính khiến hai cực của hành tinh hơi phẳng dẹt nhưng làm xích đạo phình ra. Do hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu và sự tan chảy của các sông băng (đồng nghĩa với việc ít sức nặng đè nén lên lớp vỏ Trái đất hơn), các nhà khoa học cho rằng, chỗ phình ở xích đạo hiện đang ngày càng tăng lên.
13. Máu người làm gì có màu xanh
Màu xanh lục mà bạn nhìn thấy ở tĩnh mạch không chứng minh máu chúng ta ở một số đoạn có màu xanh. Vì vậy hãy cứ yên tâm là máu chúng ta chỉ có màu đỏ thôi nhé.
14. Sét gây ra sấm
Sét chỉ là một luồng electron bắn ra từ đám mây tới đám mây hoặc từ mặt đất tới đám mây. Điều này sau đó đốt nóng không khí thành một ống plasma nóng gấp 3 lần bề mặt của mặt trời. Ống plasma đó làm giãn nở và co rút dữ dội không khí lân cận, tạo ra tiếng nổ đì đùng hoặc ầm ầm (sấm), chứ không phải bản thân luồng electron.
15. Chim mẹ bỏ chim non khi có tay người chạm vào
Thực ra chim có khứu giác rất kém nên tất nhiên sẽ không phát hiện được mùi của con người trên non non.   Nhiều người cho rằng, chim mẹ có chiếc mũi rất thính, chúng có thể “ngửi” thấy hơi người trước khi bạn có ý định “đụng” vào đàn con bé bỏng. Tuy nhiên, phản xạ của chim mẹ trước các đối tượng lạ là đúng, song, khứu giác của chim khá kém, vì vậy chim mẹ sẽ không ngửi đươc mùi “hơi tay” của con người.
16. Hoa hướng dương không hẳn là lúc nào cũng hướng về phía ánh sáng Mặt Trời
Thực ra hoa hướng dương hoạt động trên đồng hồ sinh học nội tại của nó chứ không hẳn hướng về phía ánh sáng Mặt Trời.
Lâu nay, giới khoa học cho rằng ánh sáng mặt trời ắt hẳn đã kích hoạt một số cơ chế nào đó ở hoa hướng dương, cho phép loài hoa này dõi theo mặt trời từ lúc mọc đến khi lặn. Tuy nhiên, hoa hướng dương dõi theo Mặt Trời nhờ vào cơ chế đồng hồ sinh học chứ không hoàn toàn xoay theo ánh sáng như dự đoán trước đây. Các nghiên cứu mới đất phát hiện ra rằng hoa hướng dương không chỉ phản ứng với ánh sáng mà còn hoạt động dựa trên đồng hồ sinh học nội tại của nó.
17. Các chiến binh Viking không đội mũ có sừng
Hình tượng các chiến binh Viking đội mũ có sừng là hình ảnh đã được các họa sỹ sáng tác.
Trên thực tế, các họa sĩ dường như đã phóng tác vẽ thêm chiếc sừng trên mũ của những chiến binh dũng mãnh này. Chi tiết sừng trên mũ dường như được sáng tác theo xu hướng của thế kỷ XIX. Nó có thể được lấy cảm hứng từ sự sáng tác của các sử gia Hy Lạp và La Mã cổ đại ở Bắc Âu.
18. Bẻ khớp tay, chân gây viêm khớp, rạn xương
Rất nhiều người cho rằng, việc bẻ các khớp tay, chân, cổ, lưng gây viêm khớp hay rạn xương. Tuy nhiên, điều này chưa có cơ sở khoa học chính xác. Một nghiên cứu thực hiện trên 200 người có thói quen bẻ các khớp này trong nhiều năm liền đều cho ra kết quả không bị rạn xương hay viêm khớp như nhiều người vẫn lo nghĩ. Mặc dù vậy, các bạn cũng không nên lạm dụng việc bẻ các khớp này nhiều quá, vừa khiến mất thẩm mỹ (làm to bè phần khớp nối hay bị bẻ) lại có thể gây đau đớn nếu chúng ta làm quá mạnh
19. Ăn cao su không mất nhiều năm để tiêu hoá như ta nghĩ
Nuốt phải kẹo cao su có phải nó sẽ "đóng đô" ở trong dạ dày đên 7 năm?
Khi còn nhỏ bạn đã bao giờ bị ai “dọa” rằng nuốt kẹo cao su sẽ bị dính trong bụng tới… 7 năm chưa? Thực chất, kẹo cao su cũng sẽ bị tiêu hóa cùng với thức ăn và sẽ “được tống khứ” trong vài ngày mà thôi!
(Nguồn: Tổng hợp)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bản Tin Mới 5/9/2016 Tin Tức Mới Nhất Về Biển Đông Phần 1

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BỘ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG MỘT NGÀY TƯỚC THẺ 4 NHÀ BÁO



Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi 4 thẻ nhà báo 

Pháp luật Tp HCM
Thứ Ba, ngày 6/9/2016 - 18:58 



(PLO)- Bộ TT&TT đã ban hành hai quyết định về việc thu hồi thẻ nhà báo của bốn nhà báo công tác tại báo điện tử Infonet và báo điện tử Dân Trí. 
Chiều 6-9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành hai quyết định về việc thu hồi thẻ nhà báo của bốn nhà báo đang công tác tại báo điện tử Infonet và báo điện tử Dân Trí.



Theo đó, Quyết định số 1551/QĐ-BTTTT do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký, quyết định thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu ĐT00323 thời hạn 2016-2020 của ông Lương Tân Hương được cấp tại báo điện tử Infonet, vì ông Lương Tân Hương đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Quyết định số 1552/QĐ-BTTTT do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký, quyết định thu hồi thẻ nhà báo thời hạn 2016-2020 được cấp tại báo điện tử Dân Trí của những người có tên sau đây: ông Phạm Phúc Hưng, thẻ mang số hiệu ĐT00005, vì đã bị xử lý kỷ luật cách chức từ Tổng Thư ký toà soạn xuống phó tổng thư ký tòa soạn; ông Lê Trịnh Trường, thẻ mang số hiệu ĐT00041, vì đã bị xử lý luật cảnh cáo, hạ bậc lương; ông Nguyễn Đình Hưng, thẻ mang số hiệu ĐT00078, vì đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Quyết định cũng nêu rõ, báo điện tử Infonet và báo điện tử Dân Trí có trách nhiệm thu hồi thẻ nhà báo của những người có tên nêu trên nộp về Bộ TT&TT (qua Cục Báo chí) trước ngày 15- 9-2016. 

Chánh văn phòng, cục trưởng Cục Báo chí, báo điện tử Infonet, báo điện tử Dân Trí và các ông Lương Tân Hương, Phạm Phúc Hưng, Lê Trịnh Trường và Nguyễn Đình Hưng chịu trách nhiệm thi hành quyết định các quyết định nêu trên.

VIỆT LINH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Tĩnh miễn toàn bộ khoản đóng góp để học sinh trở lại trường



VNE
Thứ ba, 6/9/2016 | 21:04 GMT+7

Chính quyền thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp khác cho gần 1.000 học sinh. Số học sinh này không được đi khai giảng do gia đình khó khăn sau sự cố môi trường biển, muốn chính quyền hỗ trợ.



Chiều 6/9, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kỳ Anh cho biết, trước việc gần 1.000 học sinh ở thôn Bắc Hà (xã Kỳ Hà) không đến trường gần 1 tuần nay, chính quyền đã đưa ra nhiều hướng giải quyết, trong đó có miễn học phí cho các gia đình này.

Theo ông Sum, sáng 4/9 khi thấy nhiều học sinh thôn Bắc Hà chưa tới tập trung trước thềm khai giảng, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đã thông báo tới xã phương án trước mắt là miễn toàn bộ học phí. Về tiền xây dựng trường, ban đầu xã Kỳ Hà chủ trương giảm 1/3, tuy nhiên sau đó thị xã yêu cầu miễn toàn bộ, mục đích ưu tiên để con em đi học.

"Về phương án học phí, xét theo xu thế hiện nay, những người dân có con em nằm trong vùng ảnh hưởng sự cố môi trường biển chắc chắn sẽ được miễn học phí. Vấn đề này đang trình Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết định. Riêng với thị xã Kỳ Anh thì đi trước một bước, ưu tiên cho bà con xã Kỳ Hà", ông Sum nói.

ha-tinh-mien-toan-bo-khoan-dong-gop-de-hoc-sinh-tro-lai-truong
Lớp 6C trường THCS Hà Hải sáng 6/9 chỉ có 7 học sinh. Ảnh: Đức Hùng

Ông Sum cho hay, sáng nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã làm việc với phòng, Giám đốc Sở Trần Trung Dũng quán triệt hiện tại học sinh dù đi ít bao nhiêu cũng phải dạy hiệu quả, đồng thời phân công giáo viên đi vận động gia đình những em chưa đến trường.


Trước việc phụ huynh không cho con em đến trường, nhiều giáo viên tâm sự "thấy thương học sinh, bởi đây là việc của người lớn, nhưng các em lại bị kéo vào cuộc".

Cô Nguyễn Thị Nhàn (Giáo viên dạy văn lớp 9, trường THCS Hà Hải) cho biết, mấy ngày qua cô tới vận động các em đi học, nhưng không hiệu quả, nhiều phụ huynh cương quyết cho con ở nhà.

"Các cô thầy không phải đến đây nữa, con tôi chưa đi học, chờ khi nào đền bù thỏa đáng sự cố môi trường mới cho trở lại lớp", cô Nhàn thuật lại phúc đáp của một số phụ huynh. "Khó khăn với các giáo viên là một buổi lên lớp và buổi còn lại đi vận động, thời gian bị chi phối nhiều".

"Khi tiếp xúc, nhiều học sinh ngoan, học giỏi tâm sự rằng em mua sách vở cả rồi, nhưng đi một buổi thì buổi sau bố mẹ không cho đi nữa", cô Nhàn nói.

ha-tinh-mien-toan-bo-khoan-dong-gop-de-hoc-sinh-tro-lai-truong-1
Cô Nhàn chia sẻ cảm thấy buồn vì sự tận tình của giáo viên không được phụ huynh đáp lại. Ảnh: Đức Hùng.
54 cán bộ, giáo viên trường THCS Hà Hải đã quyên góp mỗi người một ngày lương, được 7,8 triệu đồng để mua tặng hơn 500 học sinh mỗi em 3 quyển vở nằm khích lệ, động viên, song tình hình không khả quan.

"Việc nhiều học sinh nghỉ học tạo tâm lý dây chuyền với các em hiện tại. Bởi ngày nào tới lớp mà cũng thấy ít người, các em sẽ nảy sinh tâm lý chán nản", một giáo viên cho hay.

Chung quan điểm với các cô thầy khối THCS, cô Lê Thị Hợi, Hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Hà thông tin, khi đi vận động thì phụ huynh nói rằng con cái đến trường là niềm vinh hạnh, "các cô thầy đừng lo không có học sinh, chỉ khi có chế độ đầy đủ mới đi".

Vấn đề hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường, theo Phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: "Chính quyền đang nỗ lực hoàn tất công tác này để đền bù cho 54 thôn, tổ dân phố bị ảnh hưởng. Riêng phụ huynh ở thôn Bắc Hà (xã Kỳ Hà) yêu cầu đền bù đầy đủ mới cho con em đến trường, nhưng lại không hợp tác kê khai, ngăn cản con em để gây sức ép".

"Việc này là có lỗi với chính con em mình. Dù khó khăn đến mấy cũng phải tạo điều kiện tốt nhất để các cháu đến trường", ông Vĩnh cho hay.

ha-tinh-mien-toan-bo-khoan-dong-gop-de-hoc-sinh-tro-lai-truong-2
Học sinh tại xã Kỳ Hà ra chơi đùa ở bến thuyền khi không đến trường. Ảnh: Đức Hùng.

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm tất cả học sinh phải được đến trường, ai ngăn cản việc học của các em là vi phạm. "Tỉnh đang giao cho thị xã và ngành Giáo dục tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để không một em nào bỏ học", ông Vinh nói.

Từ ngày 25/8 tới nay, thời điểm các trường tập trung để chuẩn bị cho năm học mới thì nhiều học sinh ở xã Kỳ Hà được bố mẹ cho nghỉ ở nhà. Trong sáng 5/9, gần 1.000 em không tới dự lễ khai giảng.

Nhiều phụ huynh cho biết từ ngày xảy ra sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt thì ruộng muối bỏ hoang, thuyền gác mái chèo không ra khơi, do vậy kế sinh nhai bị ảnh hưởng, không có thu nhập. Mong muốn của đa số phụ huynh là kiến nghị địa phương miễn tất cả các khoản đóng góp thì mới yên tâm để con trở lại trường.

Không đến lớp học, nhiều học sinh quanh quẩn ở nhà, có em ra đồng bắt cua, chơi đùa bên những con thuyền đang neo đậu chờ "biển sạch" để ra khơi.

Theo số liệu thống kê từ phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh, trong ngày 5/9, trường Tiểu học Kỳ Hà có 139 trong tổng số 694 em tới lớp, ở trường THCS Hà Hải (điểm trường đóng tại xã Kỳ Hà) là 94/530 em, riêng đối với khối mầm non thì sáng nay đang họp phụ huynh nên con số vẫn như ngày khai giảng.
 Đức Hùng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HÃY BỎ NGAY NHỮNG BÀI HỌC NHỒI NHÉT VÀ NHÀM CHÁN!



TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO PHỤ NỮ VIỆT NAM
VỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

GS Nguyễn Đăng Hưng



Nhà báo: Thưa GS, thời gian qua, ngành giáo dục có nhiều cải tiến giáo dục (từ cải tiến bỏ chấm điểm cho HS tiểu học, cải tiến xây dựng mô hình trường học mới, cải tiến thi vào đại học…). Nhưng, những cải tiến này thay vì làm yên lòng dư luận, lại đang thổi bùng lên những luồng tranh luận lớn hơn về tính hợp lý đúng đắn của các quyết sách. Riêng với GS, ông đánh giá như thế nào về những cải tiến giáo dục thời gian gần đây?


Gs Nguyễn Đăng Hưng: Tôi không lấy làm lạ là mỗi biện pháp đề đạt từ Bộ GD&ĐT đều gây tranh luận có khi khá gay gắt.

Lý do chung là những cải cách đưa ra chưa đồng bộ, chưa thấu tình đạt lý, chưa được tham khảo kỹ lưởng nhất là chưa dứt khoát mà còn vươn vấn nếp cũ, chưa chịu buông hẳn vì những quyền lợi cục bộ đã tồn tại quá lâu, nay ăn sâu vào não trạng như những căn bệnh kinh niên…

Dư luận chung về giáo dục chưa được đồng thuận, quan điểm đổi mới thực thụ và quan điểm bảo thủ trì trệ còn đan xen phức tạp…

Theo tôi thì vì sau 40 năm hòa bình, 70 năm dựng nước, nền giáo dục Việt đã đi lạc đường nay rớt tụt ở tận đáy. Vì sức ép của xã hội ngay cả các từng lớp được chính quyền ưu đãi, nay đã có những bước đi bắt đầu đúng hướng, những cải tổ có ít nhiều thực chất… Tuy vậy, nhìn chung tôi đánh giá là vẫn chưa thấm vào đâu, chưa thay đổi được cục diện, chưa tạo được động tác đột phá cần thiết. Khi căn bệnh đã nhập vào xương, vào tủy mà chỉ chửa trị ngoài da, hay cho uống thuốc cầm chừng thì sẽ không hy vọng có hiệu quả, ít ra trong ngắn hạn.

Nhà báo: Theo ông, vì sao giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay tìm đường, sau rất nhiều cải tiến, rồi hủy bỏ, rồi lại cải tiến, rồi lai sửa chữa? Do tư duy giáo dục, hay do thiếu kinh phí, hay do chúng ta kết luận và chê trách Bộ GD-ĐT quá sớm khi mà cải cách giáo dục chỉ mới bắt đầu?

Gs Nguyễn Đăng Hưng: Đừng nghỉ cải tổ giáo dục cần nhiều kinh phí. Nghĩ như thế là sập bẫy các thế lực lợi ích muốn chiếm lĩnh giáo dục để trục lợi cho phe nhóm. Trong cải tổ giáo dục, kinh phì chỉ là điều kiện phụ. Điều kiện chính là có hay không tư duy giáo dục chân chính, tư duy nhân văn khoa học đa chiều?

Những người không có tư duy giáo dục chân chính không thể đứng ra chủ trương cải tổ được! Tại sao từ hơn 40 năm hòa bình có biết bao thời gian cho suy ngẫm, tìm hiểu, tham khảo, thảo luận mà cứ loay hoay tìm đường không có lối ra?

Tại vì bấy lâu nay cái mà nhà chức trách muốn làm là cái sai lạc, còn cái đúng, cái phù hợp lại là cái mà họ cố tình bác bỏ, chối từ…

Thật vậy, chương trình giáo dục đúng đắn, khoa học, nhân văn đã được GS Hoàng Xuân Hãn (bạn rất thân của TT Phạm Văn Đồng), thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim đã đề đạt nghiên cứu và thực thi chỉ trong 4 tháng (Chính xác là Từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 20 tháng 6 năm 1945). Sau này chính quyền Việt Nam Công Hòa (1955-1975) đã xử dụng hệ thống giáo dục này và đã đạt được những thành quả rất khả quan.

Tôi rất vui nhân ngày Quốc Khánh nhắc đến việc này.

Suốt quá trình trên 70 năm chính quyền mới đã đánh đổ hệ thống này, đánh giá chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền, bác bỏ và miệt thị thẳng thừng chương trình giáo dục này, một chương trình đầy tính nhân văn, khai sáng, đa chiều, được học hỏi nghiêm túc từ các nước phát triển Âu Mỹ…

Rồi tốn bao công sức tìm tòi, gởi bao phái đoàn tham quan, rồi bao lần cải tổ, bao lần thay đổi rút cục đâu lại vào đấy.

Phải bước ra ngoài tư duy giáo điều sáo rỗng, duy ý chí, trọng hình thức, đề cao thành tích, duy trì lợi ích phe nhóm… mới mong có cải tổ thực sự với hiệu quả thực chất lâu dài…

Tôi có thể đề nghị một số biện pháp, một vài quyết định, chẳng tốn kinh phí nào mà sẽ đem lại ngay những sự thay đổi hiệu nghiệm!

Thí dụ trong tư duy giáo dục có sai lầm căn bản lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục. Hãy bãi bỏ những bài học nhồi nhét tuyên truyền vô tội vạ nhàm chán không có thực chất trong chương trình trung học và đại học đại chúng. Hãy chỉ giảng dạy chính trị tại các trường chính trị của đảng mà thôi…

Tôi đề dạt chấm dứt ngay các hệ chuyên tu và tại chức. Các hệ này chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích không muốn học mà muốn làm quanl

Các hệ này tự nó phá hoại hệ chính qui, nền giáo dục nghiêm túc, làm nhụt chí con em trên con đường học thực để xây dựng hiệu quả xã hội, kinh tế, công nghệ…

Nhà báo: Theo GS, đâu là điểm yếu nhất của GD Việt Nam?

Gs Nguyễn Đăng Hưng: Chính là cái mà tôi vừa nói. Không có tư duy triết lý giáo dục nghiêm túc khoa học và nhân văn.

Nhà báo: Đã có nhiều năm làm việc tại nước ngoài, ông có thể so sánh một vài điểm giữa cách làm giáo dục ở nước bạn và nước ta? Cũng như ông thấy sự khác nhau nào giữa HS Việt Nam và HS ở nước bạn? Tại sao, những sản phẩm của giáo dục Việt Nam vẫn đang gặp khó khi hội nhập quốc tế?

Gs Nguyễn Đăng Hưng: Đã sống hơn 50 năm tại Châu Âu, đi thỉnh giảng và thường trú nghiên cứu khoa học trên 20 nước tôi thấy rõ lý do của sự tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam.

Nền giáo các nước phát triển luôn luôn lấy người đi học, học sinh, sinh viên làm chủ thể. Họ tạo điều kiện để người dân có thể hấp thụ một chương trình giáo dục nhân văn, đa chiều, các tri thức đề cao tính dân chủ tự do, không kỳ thị chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến. Họ đề cao học thực, ngăn cấm chạy theo bằng cấp, thành tích ảo…

Nền giáo dục như vậy sẽ giúp người học có tinh thần phản biện, phê phán cái cũ, loại bỏ cái lạc hậu để tìm ra chân lý, lẽ phải. Phải như vậy mới là khoa học, mới là học thuật..

Chính vì vậy mà đầu ra sẽ khác hẳn. Ai đã có bằng tốt nghiệp thì ngưới ấy có trình độ thực chất tham gia đóng góp điều hành và phát triển xã hội một cách có hiệu quả.

Qua hai Trung Tâm cao học Bỉ-Việt mà tôi đã tổ chức và điều hành tại các ĐH Bách Khoa TP HCM và Hà Nội (1995-2007) tôi đã mời vể Việt Nam giảng dạy trên 100 giáo sư, nhà khoa học Âu-Mỹ… Hầu hết các đồng nghiệp này đã bày tỏ cùng tôi sự khác biệt mà họ thấy ở sinh viên Việt Nam: Năng khiếu rất tốt nhưng không có đầu óc phê phán và tinh thần sáng tạo…

Sinh viên Việt Nam được đào tạo lại ở Âu Mỹ sẽ phất lên cao vì năng khiếu bẩm sinh và thoát được cảnh nhồi nhét bị động. Họ được trở lại với tình trạng bình thường của con người tự do: biết phê phán và biết sáng tạo…

Nhà báo: Nếu đề xuất một vài giải pháp để “gỡ khó” cho giáo dục Việt Nam, GS sẽ đề xuất những điều gì?
Gs Nguyễn Đăng Hưng: Tôi có cả một chương trình cứu giải có thể đề xuất. Nhưng dài quá, ở đây không nói hết được. Tôi chỉ xin nhấn mạnh ở hai đề xuất quan trọng nhất không cần kinh phí đã nói ở trên:

Hãy bãi bỏ những bài học nhồi nhét tuyên truyền.
Hãy chấm dứt ngay các hệ chuyên tu và tại chức.

Nhà báo: Câu hỏi cuối cùng, nhân dịp đầu năm học mới, GS mong muốn điều gì ở ngành GD trên cương vị một giáo sư? Và mong muốn điều gì trên tư cách một phụ huynh học sinh.

Gs Nguyễn Đăng Hưng: Với tư cách nhà giáo dục, người Việt nam, tôi mong mỏi cải cách giáo nhanh chóng được thực thi có hiệu quả.

Muốn vậy chính phủ nên giao công tác trọng hệ này cho một công trình sư có đủ kinh nghiệm, tư duy, hiểu biết, tầm nhìn và đảm lược, đứng ra ban hành qui chế và điều động tổ chức khâu thực hiện. Công trình sư này phải có toàn quyền chọn lựa nhân sự cộng tác viên. Tôi cho rằng nếu chọn người chính xác, tạo điều kiện đầy đủ thì chỉ trong 3 năm thôi sẽ có đổi thay thực chất.

Với tư cách phụ huynh tôi sẽ phàn nàn là tuy phải đóng thuế cao, nhưng tôi lại không có được một hệ thống giáo dục cần thiết cho con cháu. Là phụ huynh, đã từ lâu tôi đã mất lòng tin ở nền giáo dục nước nhà đến nỗi có chút tiền là tôi phải gửi con ra nước ngoài du học, ngay cả những lĩnh vực không có gì gọi là tiên tiến…

Tôi khó chấp nhận tình trạng này kéo dài thêm nữa…

Gs Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn ngày 3/9/2016.

Phần nhận xét hiển thị trên trang