Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Một tuần lang thang ở thiên đường tình dục Pattaya


Hồng Hạnh
























VNExp - Trong mắt đàn ông phương Tây, thành phố ở miền đông Thái Lan là thiên đường tình dục của thế giới, với 27.000 người hành nghề mại dâm.

Một người đàn ông châu Âu khoảng 70 tuổi đội mũ nâu, mặc áo da rắn, đi cùng một phụ nữ người Thái khoảng 30 tuổi, dường như là vợ ông ta, bắt chuyện cùng Luke Williams, phóng viên báo News của Australia trên chuyến xe khách tới Pattaya, Thái Lan vào tháng 8.

"Xin chào, tôi là người Hà Lan!" Ông ta mỉm cười, làm quen với Luke. 

"Vâng, chào ông. Tôi là người Australia", anh trả lời.

Có 27.000 người hành nghề mại dâm Pattaya. Tại đây, người ta có thể thoải mái hôn hít, nhảy múa, tán tỉnh, vui vẻ vài giờ với các cô gái điếm, thậm chí có thể tìm vợ ở đây. 

Ở trung tâm thành phố, các căn hộ màu trắng sang trọng, các cửa hàng làm trắng răng, biển quảng cáo làm trắng da đứng san sát nhau. Cảnh tượng một người đàn ông phương Tây da trắng lớn tuổi, thừa cân, cặp kè cùng một cô gái Thái trẻ đẹp rất phổ biến. 

"Ngài có muốn mát xa không?" các chàng trai giả gái người Thái mặt bự phấn uốn éo chào hỏi mỗi khi có một người đàn ông da trắng đi qua.

Luke bước vào một quán bar có tên Kangaroo Korner. Anh phỏng vấn một người đàn ông mắt xanh, tóc trắng, quê ở Melbourne.

"Tôi thích phụ nữ Thái", ông ta nói. 

"Có phải họ chỉ quan tâm đến tiền không?" Luke hỏi.

"Tôi biết là họ thích tiền, tôi cũng không tính chuyện yêu đương với họ", ông ta trợn tròn mắt, nhìn Luke. "Họ chỉ là bạn tình. Anh đang nghĩ quá xa rồi đấy, hãy thả lỏng và làm với tôi một ly nào".

Tìm vợ

Luke đi tới khu vực bãi biển ở Pattaya. Anh vào một quán bar, mượn bật lửa của một người đàn ông 50 tuổi. Ông là người Coffs Harbour, một thành phố duyên hải phía bắc bang New South Wales. Ông kể đã gặp người vợ Thái đầu tiên ở đây 12 năm trước. Họ có với nhau hai đứa con, đang sống ở Australia, và vừa ly hôn ba tuần trước. 

Ông cho biết vừa đính hôn với một cô gái Thái 23 tuổi mới gặp 10 ngày trước.

"Phụ nữ Thái rất dịu dàng. Họ biết nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc chồng con. Tôi thích cuộc sống như thế. Tôi biết là vợ con sẽ ghét tôi, thậm chí cả bạn bè cũng sẽ cho tôi là thằng khốn. Thế nhưng, đời tôi vẫn còn 20 năm nữa, tôi muốn tận hưởng cuộc sống", ông nói.


Đêm ngày thứ ba, khoảng 23h, Luke vào quán bar "Cối xay gió" nổi tiếng. Bên trong là các cô gái Thái ngực trần, mặc váy ngắn cũn, đi giày cao gót, nhảy múa trên sân khấu.

Những người đàn ông da trắng ngồi quanh sân khấu, cười nói, chạm cốc, lấy gậy khều vào người các cô gái. Luke bắt chuyện với một người đàn ông Australia, hỏi liệu ở Pattaya có nguy hiểm nào không. Ông ta trả lời:

"Chắc chắn rồi. Đàn ông phương Tây đến đây với vô vàn lý do. Nếu gặp phải một cô gái có tính hay ghen, hoặc bản thân cô ta có liên hệ với một băng đảng nào đó, hay cô ta muốn giết người cướp của, thì anh chớ có dây dưa. Còn nếu không, nơi đây chỉ là chỗ thư giãn, đặc biệt là với một người đã ly hôn như tôi".

Xin tiền

Đêm ngày thứ tư, việc tìm phỏng vấn thêm vài người đàn ông Australia của Luke bị gián đoạn bởi một gái mại dâm mà Luke cho rằng đã được đào tạo để xin tiền.

Một phần tư gương mặt cô gái tím bầm vì tụ máu. Bằng giọng tiếng Anh khó nghe, cô kể lể mình bị đánh nhưng không nói thủ phạm. Nước mắt liên tục chảy xuống từ đôi mắt sưng húp. 

Luke đề nghị cô báo cảnh sát, nhưng cô gái chỉ lắc đầu và nhìn ra chỗ khác, khóc lớn hơn. Luke bỗng nhớ tới câu khẩu hiệu in trên áo phông bày bán khắp Pattaya: "Người tốt lên thiên đàng, người xấu tới Pattaya".


22h đêm ngày thứ năm, Luke tới Boyz Town, khu vực chuyên hành nghề của mại dâm nam. Trong quán bar Cupid Boy Doll, các nam mại dâm bắt đầu đêm làm việc mới bằng cách cầu nguyện và thắp nến trước bức tượng Phật nhỏ bày sau quầy bar.

Họ cúng Phật thuốc lá Lord hay vài chén Vodka, cầu nguyện đêm nay sẽ may mắn.

Ngồi trước quầy bar, một người đàn ông Brisbane độc thân, 73 tuổi, giải thích với Luke rằng ông bị những chàng trai hành nghề mại dâm hấp dẫn vì họ chỉ quan hệ bằng tay.

"Ông không sợ họ nổi hứng lên quấy rối à?" Luke hỏi. 

"Họ có thứ tôi muốn, tôi có thứ họ muốn - tiền. Đơn giản thế thôi. Đây chỉ là một giao dịch", ông ta nói, nhấn mạnh đối với những người như mình, Thái Lan là một nơi tốt hơn Australia vì "họ thấu hiểu ông hơn".

Rỗng túi

Ngày thứ sáu ở Pattaya, Luke cảm thấy buồn, cô đơn và thất vọng. Anh quay lại Boyz Town với hy vọng không phải tất cả các chàng trai ở đó đều hành nghề mại dâm.

Một chàng trai 22 tuổi có làn da mịn màng, niềng răng, cơ bụng 6 múi và nói tiếng Anh rất giỏi tiến đến gần làm quen với Luke. Một lát sau, hai người cùng vào khách sạn (Luke là người đồng tính).

Xong việc, anh ta quay sang Luke hỏi: "Bây giờ đưa tôi tiền được chứ?"

Luke đưa anh ta 12 USD và bảo trong túi chỉ có ngần đó, vì không ngờ anh ta lại hành nghề mại dâm. 

"Đây là Pattaya, anh trông đợi điều gì chứ?" Anh ta nói giọng hờn dỗi rồi bỏ đi.


Ngày cuối cùng ở Pattaya, Luke gần như rỗng túi. Tuy nhiên, anh tự an ủi rằng cảm giác bỏ tiền mua dâm còn khá hơn là cảm giác cô đơn và thất vọng.

Chính quyền địa phương cho biết có rất nhiều đàn ông phương Tây vô gia cư ở Pattaya phải tìm đến các tổ chức từ thiện xin giúp đỡ, sau khi phá sản vì thất tình. Luke không hề ngạc nhiên khi biết điều này. Anh tự nhủ, nếu không phải mình đang đi đôi dép tông giá 70 xu, có lẽ anh sẽ bán giày đi để tìm ai đó chạm vào mình lần nữa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VIỆT NAM ĐÃ SỞ HỮU LOẠI TÊN LỬA CÁ NHÂN HIỆN ĐẠI NÀY

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài học xương máu từ PVC


Bình Minh (Một Thế Giới)

Nếu sự cố lún sụt ở công trình Kho cảng LPG Thị Vải năm 2004 là bài học cho các nhà thầu xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thì vụ Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (viết tắt là PVC, thuộc PVN) đang trên bờ vực phá sản lại chính là bài học xương máu cho các nhà quản lý khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Có những sự kiện ghi dấu ấn (có thể là dấu ấn thất bại) cho cả một thế hệ. Nếu có một dấu ấn thất bại là bài học sâu sắc cho các nhà quản lý thì đó chính là vụ việc PVC. Các nhà quản lý đã và đang có một "bi kịch PVC" với quá đủ thứ bài học kinh nghiêm xương máu được rút ra. Từ đây, chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ lại về cái gọi là "thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà chính chúng ta đã tạo ra, từ đó mới có thể hy vọng tổ chức lại việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 25.1.2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 49/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có nội dung: Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một nguồn tin cho biết khi văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi tới Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, vị bộ trưởng này đã bút phê tiếp cho Chánh thanh tra bộ. Tuy vậy, nó lại không phải theo hướng chủ động đề xuất để bộ trưởng xử lý nghiêm túc mà chỉ là "để Chánh thanh tra bộ nghiên cứu"...
Ngày 7.6.2014, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (mã CK: PVX) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2 sau khi cuộc họp lần 1 bất thành. Báo cáo tài chính kiểm toán của PVX cho biết tính đến ngày 31.12.2013, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 3.262 tỉ đồng. Quý 1/2014, PVX cũng tiếp tục lỗ hơn 167 tỉ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối quý 1/2014, lỗ lũy kế chưa phân phối của PVX là 3.360 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ tại cùng thời điểm là 4.000 tỉ đồng. Ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT đưa ra 2 kịch bản tương lai kết quả sản xuất kinh doanh của PVC như sau:
Kịch bản 1: Năm 2014 tiếp tục lỗ 1.000 tỉ, khiến cho PVC mất hết vốn chủ sở hữu 4.000 tỉ.
Kịch bản 2: Nhờ tập đoàn cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau, PVN chịu giảm lãi, thì lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC sẽ khoảng 3.600 tỉ.

Và kết quả là sau 3 năm bị lỗ liên tiếp, cổ phiếu PVX sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HNX…
Trước đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi họp xử lý các sai phạm của PVC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng yêu cầu PVN phải kiểm điểm lại một cách thực sự nghiêm túc các sai phạm đã xảy ra ở PVC, khẩn trương báo cáo lại cho Phó thủ tướng và Bộ Công Thương.
Vậy chuyện gì đã xảy ra, lý do tại sao, và bài học rút ra được là gì? Đặt sang một bên vấn đề về mô hình quản lý và kinh doanh, nguyên nhân đầu tiên lại là “vi phạm chuẩn mực đạo đức”.
Như vậy có nghĩa rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và xử lý rốt ráo mọi chỉ đạo của cấp trên. Bởi thế, lãnh đạo PVC dù sai phạm vẫn được Bộ tạo điều kiện đào thoát rất êm thấm, ngoạn mục...
Sự kém cỏi đi trước sự gian lận
Những điều luật quy định trong Luật Doanh nghiệp đã không đủ sức để ngăn chặn được sự thất bại của PVC. Vấn đề lớn ở PVC chính là sự kém cỏi chết người đi cùng với sự gian lận. Khen thưởng liên tục, bất chấp cả quy trình niên hạn mà Luật Thi đua khen thưởng đề ra, đó cũng là một cách để che giấu khuyết điểm và những vi phạm tệ hại của họ.
Trong các cuốn sách kinh điển nói về đạo đức, văn hóa doanh nghiệp và người lãnh đạo, người ta luôn khẳng định rằng nếu người lãnh đạo mong muốn có những giá trị lớn lao, nhưng lại không có khả năng thực hiện chúng thì hãy quên chúng đi. Người lãnh đạo cần cả ý chí và năng lực. Nếu người lãnh đạo đó không có khả năng, thì sẽ tự đưa mình đến những thất bại không tránh khỏi. Đúng như Lênin đã từng nói: “Sự nhiệt tình cách mạng cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”.
PVC chính là câu chuyện về việc đội ngũ lãnh đạo "có vấn đề". Họ đã xây dựng một thứ văn hóa chạy theo thành tích, dung túng hành động lầm đường lạc lối. Đội ngũ lãnh đạo PVC đã tạo ra một “thế giới ảo tưởng” mà chính họ cũng không hiểu. Vì thế mà họ đã không thể xử lý được khi đã lạc vào “trận đồ bát quái” này, và đã phải trả giá đắt cho những “ảo tưởng” viển vông đó.
Có một người bạn đã nhớ rất kỹ một câu chuyện ở PVC và kể lại với chúng tôi rằng: Khi PVC mới thành lập, trong buổi lễ ra mắt hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức cấp cao, ban lãnh đạo mới của PVC đã chỉ đạo dựng một kịch bản sinh động. Đó là hình ảnh một bức tường gạch cũ thấp lè tè, mong manh và xấu xí, tượng trưng cho PVECC - công ty tiền thân của PVC, đã bị đội công nhân nhanh chóng phá sập. Thay vào đó, họ xây lại một bức tường mới rất cao, vững chắc và đẹp đẽ để thể hiện cho tương lai tươi sáng của PVC. Trong các lời hứa với cấp trên, các tài liệu quảng cáo, trên website của PVC, ban lãnh đạo mới luôn tuyên bố hùng hồn sẽ xây dựng PVC trở thành “Nhà thầu tiên phong”, “Nhà thầu xây dựng số 1 của Việt Nam”…
Nhưng kết quả là ban lãnh đạo PVC lại xây dựng nên một “xã hội tội lỗi”. Đó sự thông đồng giữa ban lãnh đạo của PVC và các chủ thể khác. Nó đã được hình thành từ năm 2007 và được phát triển đến ngày hôm nay. Bởi vậy, trong các năm liên tiếp từ 2008 đến 2010, PVC đã liên tục được đón nhận những tấm huân chương và danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng nhì, hạng nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Lời thú tội trước bình minh
Trong báo cáo gửi lên PVN, ban lãnh đạo PVC đã phải thừa nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến PVC có nguy cơ bị phá sản như sau:
1.Sai lầm về chiến lược: Hoạt động theo mô hình mẹ-con, nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao, mà chỉ tập trung vào đầu tư tài chính, thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao. Vì vậy, không xây dựng được yếu tố phát triển bền vững, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết, công ty tài chính. Các công ty này không tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của công ty mẹ, không xây dựng bộ máy quản trị, chiến lược kinh doanh đặt trong tổng thể của toàn Tổng công ty PVC. Vì vậy, không những không đóng góp cho công ty mẹ (kể cả cổ tức) mà còn làm phát sinh thêm những nghĩa vụ pháp lý, tài chính làm ảnh hưởng đến công ty mẹ, gây thua lỗ về tài chính cho công ty mẹ;
2.Thua lỗ do không tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản trị rủi ro trong tất cả các khâu: Giao nhận thầu; tạm ứng thanh quyết toán; đầu tư tài chính; bảo lãnh; hỗ trợ vốn.
3.Bộ máy kiểm tra, giám sát, hậu giám sát từ công ty mẹ đến các ban điều hành, các công ty con/liên kết/đầu tư tài chính thiếu nghiêm túc, hoạt động kém.
4.Một số cán bộ điều hành, quản lý biến chất, thiếu đạo đức, có hiện tượng tham nhũng...
Hiện nay, kể từ khi có chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, mọi việc đang được cơ quan công an xác định và làm rõ (tại PVC-ME, PVC-SG, PVL, PVC-HN…) những sai phạm trước đó.
Nhưng vì lý do gì mà những người có trách nhiệm cao nhất ở PVC những năm trước lại có thể dễ dàng vô can đến thế?
Ngày 29.10.2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Kết luận số 50-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Trong kết luận đã chỉ rõ: “Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa đủ rõ; thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước đến gần 3.300 tỉ. Mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng còn hạn chế, nếu không nói là tê liệt...
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém nêu trên là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với doanh nghiệp nhà nước; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm và có nhiều thiếu sót. Nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật. Tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, kém hiệu quả”.
Bởi vậy, theo kết luận trên, sau khi xử lý nghiêm khắc các sai phạm của PVC theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tiến hành đồng thời việc xây dựng cơ chế/hệ thống kiểm soát quản trị hiện đại trong toàn Tập đoàn, kết hợp với việc tái cấu trúc PVN, PVC và các đơn vị thành viên khác. Chỉ có như vậy, PVN mới có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và kinh tế mà Đảng và Nhà nước giao phó là xây dựng ngành công nghiệp dầu khí phát triển toàn diện và bền vững: là ngành công nghiệp cung cấp các nguyên nhiên liệu đầu tiên cho các ngành công nghiệp khác, tăng thị phần đóng góp GDP cho nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp “vừa hồng vừa chuyên”…
Đã qua rồi cái thời ngành dầu khí là nguồn thu thống soái, vô biên cho nền kinh tế nước nhà và kiêu hãnh, tự hào về điều họ làm cho đất nước. Vì thế, cách chi, cách đầu tư ngoài ngành của ngành này (dù là đúng đắn đi nữa) nhiều lúc cũng dễ dãi được bỏ qua khuyết điểm cho ngành. Bây giờ, dầu khí đang có xu hướng xuống giá trầm trọng. Kinh tế nước nhà cũng vì thế có nhiều khó khăn đến độ nan giải mà chưa có nguồn khác bù đắp để giúp cân đối thu chi. Song, dù đó là nguồn thu lấy từ trong lòng đất mang lên thì cũng không nên dễ dãi mà vẫn phải tiết kiệm, chi dùng căn cơ để thứ tài nguyên đó cho con cháu chúng ta vẫn được tiếp tục thừa hưởng. Đó là trách nhiệm to lớn mà thế hệ trước phải làm cho thế hệ mai sau nếu không muốn bị oán trách.

Kho cảng LPG Thị Vải là công trình tồi tệ nhất của quốc gia 

Công trình xây dựng đường ống, kho cảng LPG Thị Vải là một phần trong dự án hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức được Chính phủ phê duyệt thiết kế với tổng trị giá 147.416.288 USD, được khởi công xây dựng tháng 10.1997, hoàn công vào tháng 5.2001.
Tháng 8.2004, do sự cố lún sụt công trình rất ngiêm trọng, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Kho cảng khí hóa lỏng LPG Thị Vải”, bắt tạm giam 37 người liên quan. Tổn thất về kinh tế cũng được xác định rất lớn, lên đến con số hàng chục triệu USD, trong đó lãng phí do kéo dài thời gian thi công chậm 24 tháng so với kế hoạch là 4,240 triệu USD và gần 53 tỉ đồng; chi phí cho Ban quản lý dự án gần 8,3 tỉ; chi phí thuê chuyên gia 8,272 triệu USD...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Nghèo gặp phải cái eo


Việc lực lượng chức năng liên ngành tỉnh Ninh Thuận hôm 1.9 bắt và phạt những người bán vé số dạo về “tội” dám bán vé số của tỉnh khác trên địa bàn tỉnh này khiến dư luận phàn nàn bức xúc. Nhà chức việc Ninh Thuận biện rằng chỉ làm theo quy định do Bộ Tài chính ban hành chứ không phải tự họ tùy tiện nghĩ ra. Cứ tạm cho là thế thì hành vi “bắt phạt” máy móc, vô cảm của họ cũng rất đáng trách.

Có thể nói thẳng, trong xã hội bây giờ, tầng lớp dưới đáy vẫn còn khá đông đảo, và đội ngũ bán vé số dạo được xếp vào hạng đáy của đáy. Thấp nhất, tận cùng, khó mà thấp hơn được nữa. Đó phần lớn là những người nghèo bế tắc sinh kế, không nhà cửa ruộng vườn, không nghề nghiệp vốn liếng, không học vấn kiến thức, mỗi người một vẻ bi kịch, đành nhắm mắt đưa chân vào một cuộc sống bấp bênh chả thua kém gì cuộc sống cũ: đi bán vé số dạo. Nhưng ấy là cách kiếm sống lương thiện của người nghèo, là lối sống không muốn lụy phiền ai, hai tay vày lỗ miệng của con người lao động.
Xổ số thực chất là hình thức cờ bạc, chỉ có điều thứ cờ bạc này được nhà nước chấp nhận, cho phép tồn tại, hoạt động, do chính những đơn vị nhà nước đứng ra tổ chức, điều hành. Người bán vé số dạo tham gia vào hoạt động này mặc nhiên được nhà nước chấp nhận, xem như một đội ngũ lao động trong xã hội
Đội quân bán vé số hình thành từ khi nào, khó xác định cụ thể. Điều mà ai cũng thấy rõ, họ chả có độ tuổi, giới tính gì đặc trưng bởi nam phụ lão ấu đủ cả, người khỏe mạnh lẫn người tàn tật. Hầu hết xuất thân từ những vùng khó khăn, thiếu đất đai, thiên tai khắc nghiệt, nhiều nhất là dân miền Trung và Nam Trung Bộ. Ai chả muốn gắn bó với quê hương, cực chẳng đã mới lưu lạc xứ người hành nghề bán vé số. Nghèo thì đành phải chấp nhận bị coi thường, bạc mặt với đời, tạm xếp lại nhân phẩm tự trọng vào một chỗ để mưu sinh nuôi thân và nuôi gia đình. Bị người đời khinh rẻ không đáng sợ bằng chết đói. Họ làm thứ việc bị coi là hạ đẳng nhưng lương thiện ấy để giữ được cái phẩm chất của mình chứ dứt khoát không ăn xin, không chịu sung vào đội quân vô lương trộm cắp, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Quý họ là quý ở chỗ đó. Vậy mà nỡ lòng nào quay lưng lại với họ, như hành vi bắt phạt của nhà chức việc tỉnh Ninh Thuận kia.

Không phải toàn bộ 63 tỉnh thành cả nước nơi nào cũng lập công ty xổ số. Chúng tôi không bàn lạc sang những bê bối của công ty xổ số, chỉ đề cập đến người bán vé số thôi. Chẳng nói ra ai cũng biết, nếu không có lực lượng chân đất bán dạo này, đố công ty xổ số nào tồn tại được. Dựa vào thứ quy định này nọ để bắt chẹt họ, ngăn cấm và phạt họ, nhà chức việc ở Ninh Thuận chỉ chăm chú vào mục đích kinh doanh, lợi nhuận, bất chấp cả sự thông cảm, xót thương với người cùng khổ.
Tôi không hiểu sao tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ, nhất là ở TP.HCM, vé số của bất kỳ công ty xổ số nào đều được kinh doanh tự do, không chịu bất cứ cấm cản, còn Ninh Thuận hoặc một số nơi ở Trung Bộ lại được quyền lập hàng rào, cho bán thứ này, không cho bán thứ khác. Kinh tế thị trường, ai làm giỏi, thu hút khách hàng thì người đó thắng, chứ hay ho chi giở cái trò xưa cũ rích ngăn sông cấm chợ. Hành vi độc quyền, oai sứ quân đâu thể tồn tại trong thời buổi cởi mở hội nhập này. Đặt trường hợp chính quyền và cơ quan chức năng, công ty xổ số tại TP.HCM cũng giở võ ngăn sông cấm chợ như Ninh Thuận, đảm bảo các công ty xổ số tỉnh thành khác chết như ngả rạ. Chỉ có điều TP.HCM đã không làm bởi không ai cho phép thực hiện điều vô lý ấy. Vả lại, ngày xưa sứ quân cát cứ thì sống được, chứ ngày nay cát cứ kiểu sứ quân lộng hành, thu mình vào vỏ ốc là tự sát. Dân chúng cảnh báo rằng Ninh Thuận không lập tức sửa đổi điều sai quấy trên, rất có thể lượng phát hành vé số của Ninh Thuận không những không tăng mà còn bị tẩy chay, khi ấy thì chả thấy lợi, chỉ hại ngay trước mắt thôi. Đối xử với người nghèo như thế, không bị ngăn sông cấm chợ ngược trở lại, gậy ông đập lưng ông mới là chuyện lạ.
Chỉ mong sao, những người nghèo, những người khốn khổ lương thiện trên khắp nước này không bị lặp lại tình cảnh trớ trêu, nghèo gặp phải cái eo như người bán vé số ở Ninh Thuận. Và cũng mong chính quyền từng địa phương đừng có “nông nổi” vô tâm như Ninh Thuận.
Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhận diện 10 hành vi của những người chân thật



Những người thành thật thấy mình giống như những người khác nếu họ là những người quan sát khách quan. Không có quá nhiều sự xử lý, mánh khóe hoặc kiểm soát diễn ra giữa những thứ có trong đầu họ và những gì mọi người thấy và nghe.
Tác giả: Steve TobakNhững người chân thật là những người có suy nghĩ đi đôi với hành động. Không may đây là một phẩm chất khó nhận thấy. Vấn đề là tất cả các mối tương tác của con người đều có sự liên quan. Chúng đều có chức năng giúp chúng ta nhìn nhận nhau thông qua lăng kính chủ quan của chúng ta.
Chân thật cũng là một phẩm chất hiếm thấy. Trong một thế giới đầy thú vui giả tạo, quảng cáo cường điệu trên truyền thông, những người thích ảo, những người suy nghĩ tích cực thái quá và các thương hiệu cá nhân, nơi mọi người đều muốn có những thứ họ không có, thì không ai hài lòng với những gì họ có, và quan trọng hơn là không ai sẵn lòng thừa nhận bất cứ điều nào trong những điều trên, thì phẩm chất này trở nên ngày càng hiếm hơn bao giờ hết.
Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn xác định được phẩm chất quý hiếm này ở bản thân và những người khác qua cách họ hành xử.
– Họ không tìm kiếm sự chú ý. Họ không cần củng cố cái tôi của chính họ. Những người tìm kiếm sự chú ý luôn thấy có những lỗ hổng cần lấp đầy, còn những người chân thật đã lấp đầy chúng bằng sự tự tin và tự ý thức.
– Họ không quan tâm tới việc được người khác ưa thích. Nhu cầu được yêu thích nảy sinh từ sự bất an và tự yêu bản thân. Nó tạo ra nhu cầu lôi kéo các cảm xúc của chính bạn và những người khác. Những người tự tin và thành thật chỉ đơn giản là chính họ. Nếu bạn thích họ, tốt thôi. Nếu bạn không thích thì cũng chẳng sao cả.
– Họ có thể biết khi nào ý kiến của mọi người là đủ. Có lẽ những người ngây thơ rất dễ bị lừa phỉnh, nhưng những người thành thật thì không ngây thơ. Họ thực tế và điều đó cho họ cơ sở có thể nói khi nào mọi thứ là đủ. Đó là một sự khác biệt lớn.
– Họ thoải mái trong vỏ bọc của chính họ. Khi ở độ tuổi 70, diễn viên Leonard Nimoy (biểu tượng của điện ảnh thế giới qua vai diễn Spock trong bộ phim Star Trek) đã nói rằng ông đã trở nên thoải mái với chính bản thân mình hơn, gần như nhân vật Spock thể hiện. Hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn với điều này. Henry David Thoreau từng quan sát thấy rằng: “Số đông mọi người sống một cuộc sống tuyệt vọng âm thầm”.
– Họ làm những điều họ nói và nói những điều họ nghĩ. Họ không đánh lừa hoặc phóng đại. Họ thực hiện các cam kết của họ. Và họ không phân tích từng lời nói của mình hoặc bọc đường sự thật. Nếu bạn cần nghe sự thật, họ sẽ nói với bạn… ngay cả khi nó khó nói với họ và khó nghe với bạn.
– Họ không cần quá nhiều thứ. Khi bạn thoải mái với chính mình, bạn không cần quá nhiều những thứ bên ngoài để cảm thấy hạnh phúc. Bạn biết phải tìm hạnh phúc ở đâu, chính là bên trong bản thân bạn, những người thân yêu và công việc của bạn. Bạn tìm thấy hạnh phúc trong những thứ đơn giản.
– Họ không phải là những người dễ bị tổn thương. Họ không quan trọng hóa bản thân quá đáng nên không cảm thấy bị xúc phạm với những hành vi không cố ý.
– Họ không quá khiêm tốn hoặc khoe khoang. Vì họ tự tin vào những điểm mạnh của họ nên họ không cần khoe khoang khoác lác về bản thân. Tương tự như vậy, họ không thể hiện sự khiêm tốn sai lầm. Khiêm tốn là một phẩm chất tích cực nhưng sự thẳng thắn còn tốt hơn.
– Họ kiên định. Bạn có thể miêu tả những người chân thật là có uy thế lớn, vững vàng hoặc thực tế. Vì họ biết rõ bản thân mình và có sự gắn kết với những cảm xúc chân thật của họ nên ít nhiều dễ đoán…theo cách tích cực.
– Họ thực hành những gì họ rao giảng. Họ không khuyên mọi người làm những việc bản thân họ sẽ không làm. Sau cùng thì những người chân thật họ không giỏi hơn bất cứ ai nên việc tự cho là mình đúng không phải bản chất của họ.
Tất cả những hành vi tưởng như khác biệt này đều tương đồng với điều thuộc về cốt lõi của họ: sự tự nhận thức phù hợp với thực tế. Những người thành thật thấy mình giống như những người khác nếu họ là những người quan sát khách quan. Không có quá nhiều sự xử lý, mánh khóe hoặc kiểm soát diễn ra giữa những thứ có trong đầu họ và những gì mọi người thấy và nghe.
Khi bạn đã biết họ, thì hóa ra những người chân thật ít nhiều lại không giống với cách họ thể hiện ban đầu. Bạn thấy sao thì sẽ hiểu như vậy. Thật buồn là trong thế giới hiện nay, phẩm chất tích cực này lại đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ thật khó để tìm thấy nó ở những người khác mà chính bản thân chúng ta cũng khó trở nên chân thật hơn.
Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mà Sa Phìn – Những chuyện kinh dị ở nơi nhìn đâu cũng thấy vàng

vang-ma-sa-phin-2-0820
(VTC News) - Bước chân đến đất Mà Sa Phìn, chỉ cần nhìn xuống dưới đất người ta sẽ thấy đâu đâu cũng có vàng.
Trên con đường gian nan đi vào bãi vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai), chúng tôi được người dân và phu vàng kể về những góc tối kinh hoàng của rốn vàng lớn nhất Lào Cai.
Ở nơi đó, người ta chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng, nơi mạng người bị coi rẻ, nơi nhiều cái chết bị chôn vùi trong im lặng vì đồng tiền đã bịt miệng người sống, nơi chỉ có làm việc hay là chết và luật pháp nằm trong tay các “tướng” mỏ vàng.  Và ở đó, người ta mê muội trong làn khói trắng - ma túy.
Hành trình vào rốn vàng Mà Sa Phìn, chúng tôi phải ngủ lại ở bản Phù Lá Ngài (cách trung tâm xã khoảng 8-10km) vì đường từ đó vào đến bãi vàng bị sạt lở nghiêm trọng và trời cũng đã nhập nhoạng tối.
Sau chuyến thực địa của đoàn công tác do Chủ tịch tỉnh – Đặng Xuân Phong dẫn đầu thống kê, có đến hơn 50 điểm sụt sạt trên toàn bộ đoạn đường dài khoảng 27 km từ trung tâm xã và đến mỏ vàng.
Từ Phù Lá Ngài vào đến bản Mà Sa Phìn còn khoảng 5 – 6 km nữa. PV buộc phải dừng chân tại quán tạp hóa ven đường của vợ chồng anh Triệu Tòn Nhất. Tại đây, bà con tập trung rất đông vì cả chục km quanh đây chỉ có duy nhất 1 quán bán hàng.
Dân bản nhìn chúng tôi như muốn hỏi: “Sao nhiều nhà báo vào Mà Sa Phìn thế?”. Nhưng chẳng ai dám lên tiếng cho đến khi chúng tôi ngỏ lời. Biết chúng tôi muốn vào mỏ vàng, dân bản bảo: “Vào đó phải đi bộ mất vài tiếng mới đến nơi, đến được bãi vàng thì trời cũng tối rồi.”
resized_img_7012-0813
Đường vào bãi vàng Mà Sa Phìn có những nơi sạt lở hoặc bị  nước cuốn trôi hoàn toàn.
Với người dân nơi đây, việc phu vàng bị chết do sập hầm, do sạt lở hay lũ cuốn trôi không quan trọng. Họ chỉ biết đó là chết, và dường như những cái chết ấy quá bình thường ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Nó thường đến độ người ta thấy lạ khi nhà báo tận Hà Nội cất công lội bộ vào đến đó để tìm hiểu.
Đêm đó, chúng tôi ngủ lại nhà của Nhất, ông chủ cửa hàng tạp hóa ‘oách’ nhất bản còn nấu cơm mời PV ăn cùng.
Sáng hôm sau, một mình tôi cuốc bộ vào bãi vàng Mà Sa Phìn. Nhất chở tôi bằng xe máy đi được thêm vài trăm mét nữa thì phải dừng lại, vì đoạn đường khoảng 6 km trước mắt đã bị đất vùi lấp hoàn toàn. Nói là đi vào nhưng có lẽ phải gọi là leo núi thì đúng hơn. Bởi Mà Sa Phìn là bản nằm cao nhất trên đỉnh Chứ Hù, nhìn lên đó ngoài mây mù thì chẳng thấy được gì khác.
Nhìn đâu cũng thấy vàng
Hành trình cuốc bộ vào Mà Sa Phìn, tôi mới hiểu được tại sao người ta lại gọi nơi đây là rốn vàng. Đó là bởi, ở xứ “khỉ ho cò gáy” này, chỉ cần cúi mặt xuống đất, nhìn đâu đâu cũng thấy có vàng.
Vàng lấp lánh trong những đống đất đá bị sạt lở vùi lấp con đường, vàng tạp chất nằm trong những viên đá lăn lóc dưới suối. Nhặt bất cứ viên đá nào ở nơi đây, đều thấy nó lấp lánh ánh vàng rất thích mắt.
Tuy nhiên, đây chỉ là vàng sa khoáng, lẫn trong đất đá của vùng sơn cước trù phú. Ngoài quặng vàng, Mà Sa Phìn còn có trữ lượng vonfram, titan… rất lớn.
Theo số liệu từ năm 2010, mỏ vàng Mà Sa Phìn là mỏ vàng gốc có công suất khai thác 30.000 tấn quặng nguyên khai/ năm.

Dù chỉ mới chớm nhìn thấy những nóc nhà của bản Mà Sa Phìn sau 2 giờ đồng hồ đi bộ, nhưng tôi đã cảm nhận được trữ lượng giàu có của các mỏ vàng. Tại đây, tôi được tận mắt thấy và cầm trên tay những viên đá có chứa vàng sa khoáng lấp lánh. Nó xuất hiện ở khắp nơi, từ chỗ ta luy dương bị sạt lở cho đến những viên đá dải đầy trên đường.
Thấy tôi cúi xuống nhặt nhặt, ngắm ngắm những viên đá lấp lánh, một nhóm phu vàng mặc hốc hác, trắng bệch vã mồ hôi, đi bộ từ trên núi xuống nhìn tôi nói: “Vàng đấy, cái này ở Sa Phìn có đầy, anh nhặt ở chỗ lở đất này làm gì cho bẩn. Đi lên thêm tý nữa, chỗ mấy khe nước chảy ra đường còn nhiều lắm, tha hồ mà lấy.”
Đúng như lời đám phu vàng nói, từ chân bản Mà Sa Phìn những khe nước róc rách chảy ra từ trong núi, nước chảy qua đường, có nhiều đoạn nước ngập đến đầu gối. Dưới khe nước, những viên đá óng ánh vàng nhiều không kể siết. Từ viên bé bằng 2 ngón tay cho đến nắm đấm, thậm chí là cả tảng to như cái chậu vàng óng nằm đầy trên đường, dưới suối.
vang-ma-sa-phin-0817
 Những quặng đá có chứa vàng như thế này nằm đầy trên đường đi, dưới lòng suối dẫn đến Mà Sa Phìn.
Em Dương Văn Thắng (SN 1997, quê ở Bảo Lâm, Cao Bằng) công nhân tháo chạy từ trong bãi vàng ra sau trận sạt lở bảo rằng, viên đá trên tay tôi cầm chỉ là vàng non lẫn trong đất đá.
“Ở trên mỏ, bọn em còn phải vào sâu trong hầm đào lấy quặng ra để nghiền vàng. Vàng ở đây nhiều lắm” – Thắng nói.
Sau khi quặng vàng được nghiền, người ta sẽ dùng hóa chất để tách vàng cũng như những kim loại quý khác. Nhưng phải công nhận, vàng ở đây nhiều thật, trên mỏ chẳng khó để nhặt được những viên quặng có chứa vàng lấp lánh, vàng óng.
vang-ma-sa-phin-2-0820
 Những mẩu quặng vàng óng ở Mà Sa Phìn, thứ mà đám trẻ con vẫn nhặt về ném trâu bò khi chăn thả.
Đêm trước ngủ lại nhà của Nhất, cậu ta cũng kể với tôi về sự giàu có tài nguyên mà ông trời ban cho Mà Sa Phìn. Nhất kể, nhiều năm trước, khi chưa được nhà nước quản lý, người dân còn tự do khai thác, có người trong bản còn đào được cả cân vàng. Từ nghèo đói, bỗng dưng trở nên giàu có.
Tiền không được trả, mạng sống mất như chơi
Nhưng cũng vì vàng, mà nơi đây chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện đau thương.
Những người trực tiếp cảm nhận nỗi đau từ vàng là đám công nhân hay còn được người dân gọi là phu vàng. Sau vụ sạt lở, nhiều lán trại bị vùi lấp, các tốp phu vàng thi nhau tháo chạy sau khi thoát chết. Họ bảo, có lán hơn 20 người bị đất đá trên núi sạt xuống vùi lấp cả.
Nhóm của Thắng có 3 người, cả 3 mặt non choẹt, cùng quê Cao Bằng. Chúng kể, hôm xảy ra mưa lũ, đất đá sạt xuống cuốn trôi lán, nhiều người bị đất cuốn đi lăn lông lốc, may mà bám được vào cây rồi nhanh chân chui vào hang đá nên thoát chết.
cam00033-0821
Nhóm của Thắng (ngoài cùng bên phải) tháo chạy khỏi bãi vàng mà không được chủ giả cho đồng tiền công nào.
Sáng hôm sau, nhiều người sợ hãi tháo chạy khỏi mỏ vàng để về quê. Nhóm của Thắng lên gặp tướng (cách gọi chủ của dân phu vàng) để xin về, đồng thời yêu cầu được trả lương. Không những không giả, tướng còn chửi mắng thậm tệ nhóm của Thắng. Sợ bị tướng đánh, cả 3 đành cuốc bộ đi ra ngoài huyện bắt xe về quê mà trong người không có một đồng xu dính túi.
Không chỉ nhóm của Thắng, mà rất nhiều nhóm phu vàng khác tôi gặp trên đường đều xác nhận việc không được chủ trả tiền. Hầu hết đều ra về với 2 bàn tay trắng sau giấc mộng đổi đời nơi bãi vàng ở thâm sơn cùng cốc.
“Chủ không cho tiền chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng phải về thôi, ở đó sợ quá. Không được trả tiền nhưng còn mạng để về còn may, nhiều người còn chết ở đó mà chẳng tìm thấy xác” – Giàng A Sú (Lai Châu) cho biết.
Nhiều phu vàng kể rằng, trên mỏ có những cái chết trong im lặng, nhiều vụ tai nạn bị “ém” đi. Ở đó, chỉ có luật ngầm do các tướng đặt ra và công nhân bị bóc lột sức lao động thậm tệ.
Đón đọc bài 2: Những cái chết oan nghiệt kinh hoàng nơi rừng sâu

ĐDức Thuận - Kim Thược
Phần nhận xét hiển thị trên trang

GS Harvard: “Cái Việt Nam thiếu là sự tự tin”



Lan Anh
VNN - “Chìa khóa thứ hai, như tôi đã đề cập là sự tự tin và bản lĩnh dám thử nghiệm. Chúng ta cần thoát khỏi tư tưởng sợ thất bại. Đó hẳn là một vấn đề ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước nhỏ khác”- GS John Quelch, Phó Hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard, thành viên sáng lập Diễn đoàn Toàn cầu Boston.

Trong nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đã nhấn mạnh, Việt Nam cần phát huy “sức mạnh mềm”, tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút nhân loại, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Tuần Việt Nam trò chuyện với Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard – GS John Quelch với chủ đề “định vị thương hiệu quốc gia thông qua doanh nghiệp, tập đoàn”.

Không chỉ dừng ở thương hiệu quốc gia

Sự hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những tập đoàn kinh tế mạnh. Vậy vai trò của các tập đoàn góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, định vị quốc gia như thế nào, thưa ông?

GS John Quelch: Trước hết, việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là cơ hội cho tất cả các quốc gia muốn xuất khẩu những mặt hàng là thế mạnh của quốc gia mình đồng thời nhập những loại hàng hóa, dịch vụ từ những nơi khác.

Mỗi quốc gia có chiến lược phát triển riêng, Việt Nam muốn sản xuất hàng hóa để xuất khẩu rõ ràng cần phải tạo ra những thứ mà người khác muốn mua, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng, được thế giới chấp nhận.

Chẳng hạn như tôi được biết, Tập đoàn Hoa Sen đã sản xuất những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, và họ có khả năng đưa được sản phẩm ra toàn cầu từ đó thế giới sẽ biết đến Việt Nam hơn.

Vì vậy, theo tôi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế đối với bản thân mỗi doanh nghiệp, tập đoàn mà còn giúp nâng cao thương hiệu quốc gia.

Có những quốc gia nhỏ với những tập đoàn không quá lớn nhưng tạo ra thương hiệu uy tín như Thụy Sĩ có thương hiệu đồng hồ Pantex Philip, Rolex…để khi nhắc đến Thụy Sĩ người ta nghĩ ngay đến đất nước với các thương hiệu đồng hồ. Estonia cũng là một đất nước nhỏ nhưng đã sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, có sản phẩm như skype được thế giới sử dụng nhiều...

GS John Quelch: Nếu để ý sẽ thấy với các thương hiệu mà bạn đưa ra thì không có hãng nào đề tên quốc gia trên thương hiệu của mình. Họ không đặt Rolex Thụy Sĩ mà chỉ là Rolex, không phải là Estonia Skype mà chỉ đơn giản là Skype.

Để có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, hãy quên đi việc sử dụng tên quốc gia vào thương hiệu của mình, bởi vì muốn trở thành thương hiệu toàn cầu thì không chỉ dừng lại ở thương hiệu quốc gia. Tôi cũng xin nói thêm, China Mobile là hãng di động lớn trên thế giới nhưng tôi nhấn mạnh đó không phải là thương hiệu toàn cầu. Một trong những lí do mà thương hiệu đó phát triển vì thị trường trong nước của họ đã quá lớn đến mức mà China Mobile chỉ cần tập trung phát triển thị trường trong nước thay vì vươn ra nước ngoài, nội điều đó đã đủ mang lại hiệu quả kinh doanh cho họ.

Ở Việt Nam cũng có Viettel, công ty với khoảng 10 chi nhánh hoạt động ở 10 quốc gia đang phát triển. Ở trong nước, Viettel cũng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ lĩnh vực viễn thông. Nhưng họ cũng không dùng tên Viettel khi đầu tư ra thị trường quốc tế. Họ lập một thương hiệu mới khác nhau ở mỗi nước mình mở chi nhánh, phù hợp với văn hóa nước sở tại. Điều đó cũng đúng đắn thôi nhưng khó có thể nói Viettel là một thương hiệu toàn cầu.

Vậy theo ông, Việt Nam có thể định vị thương hiệu quốc gia như thế nào? Việt Nam có thể xây dựng những tập đoàn tuy không lớn nhưng có thể cung cấp được dịch vụ, sản phẩm ra toàn cầu như skype của Estonia hay không bởi rõ ràng, Việt Nam cũng đã có bài học thành công nhanh như Nguyễn Hà Đông với game online Flappy Bird, những sản phầm thành công ở Sillicon Valley bán cho Google . Đó phải chăng là những tiềm năng để Việt Nam vượt lên trong việc xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nội dung số, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, thưa ông?

GS John Quelch: Tôi nhận thấy trong lĩnh vực nội dung số, Việt Nam phát triển tương đối cao nếu so với mức GDP bình quân đầu người. Đương nhiên, xét về mức độ phát triển của ngành viễn thông, Hàn Quốc có lẽ vẫn đứng hàng thứ nhất. Chắc chắn sẽ rất khó để Việt Nam có thể bắt kịp bởi vì thu nhập bình quân đầu người quyết định mức thu nhập tuyệt đối mà người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng chi tiêu vào các dịch vụ viễn thông mỗi tháng.

Theo như tôi nhìn nhận, trong lĩnh vực an ninh mạng hay trí tuệ nhân tạo, có thể Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển và khẳng định chỗ đứng của mình bởi vì hiện tại vẫn chưa có quốc gia nào thực sự thắng thế trong những lĩnh vực này.

Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng được các trường đại học mạnh, các chuyên ngành mạnh hơn tại các trường đại học để từ đó có những đóng góp nghiên cứu quan trọng. Dựa trên cơ sở nghiên cứu tốt mới có thể phát triển được những công ty mới, doanh nghiệp mới. Và đặc biệt, phải tạo sự khác biệt thì mỗi công ty mới thực sự thành công.

Cần chú ý, để có sự khác biệt trong lĩnh vực an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi sự đầu tư rất lớn.

Khác biệt trong ý tưởng và độc đáo trong sáng tạo

Ông có chia sẻ gì khi một trong những ngành mang lại tiềm năng kinh tế lớn cho Việt Nam là nông nghiệp và đặc biệt là du lịch. Nhưng dường như hai ngành này vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu ra thế giới?

GS John Quelch: Tôi cho rằng vẫn còn sớm và còn nhiều thời gian, cần khoảng 15 năm để các sản phẩm của Việt Nam trở thành thương hiệu có tiềm năng phát triển trên toàn cầu.

Yếu tố chính là tinh thần doanh nghiệp và cần những người tài để lãnh đạo, phát triển tầm nhìn cho công ty. Ngay như tôi thấy, Tập đoàn Hoa Sen có tiềm năng tham gia thị trường toàn cầu, nhưng để trở thành thương hiệu được thế giới biết đến, điều này vẫn còn khó bởi vì họ vẫn chủ yếu theo hình thức tiếp thị giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trên thị trường các sản phẩm công nghiệp.

Từ những nghiên cứu thực tiễn, ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu những gì trong giai đoạn hiện nay để tạo dựng thương hiệu có uy tín?

GS John Quelch: Cái thứ nhất mà tôi nghĩ Việt Nam còn thiếu là ý tưởng. Những ý tưởng chỉ thực sự khác biệt dựa trên hiểu biết về người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng bước ra sân chơi toàn cầu thì cần đặt câu hỏi liệu rằng thị trường quốc tế có cần mình hay không? Tại sao thị trường thế giới lại cần mình?

Nếu không có cơ sở để tạo nên sự khác biệt, độc đáo sáng tạo thì khó lòng đem đến điều gì vượt trội và có ý nghĩa với người tiêu dùng trên toàn cầu. Lúc đó, việc tham gia thị trường thế giới gần như vô nghĩa vì sẽ tiêu tốn rất nhiều vốn để định vị một sản phẩm mà không có điểm gì độc đáo để thế giới nhận diện.

Vì thế mà Việt Nam cần có ý tưởng thật sự độc đáo, bền vững và khác biệt.

Một vấn đề nữa mà Việt Nam đang thiếu, theo tôi là sự tự tin. Người Việt Nam rất hiếu khách, lịch thiệp nhưng đôi khi vẫn còn e dè, thiếu tự tin và sự quyết liệt. Chẳng hạn các bạn thấy ứng viên Tổng thống Donald Trump, xét về phương diện nào đó ông ấy không có gì lôi cuốn nhưng trên thực tế, Việt Nam cần có những doanh nhân với tham vọng táo bạo và phong cách cạnh tranh mãnh liệt như vậy để đưa doanh nghiệp đột phá phát triển.

Có nhận định Việt Nam là quốc gia của sự bỏ lỡ cơ hội trong khi thách thức ngày càng nhiều nhưng như ông biết đấy, cơ hội luôn luôn có?

GS John Quelch: Trước hết, chúng ta cần lạc quan về tương lai. Thành tựu kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng là tương đối tốt dù vẫn còn có những vấn đề tồn tại chưa được tháo gỡ như mức nợ tăng cao…

Nhưng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tương đối khỏe mạnh và đa dạng. Đó là nền tảng để chúng ta có thể lạc quan.

Chìa khóa thứ hai, như tôi đã đề cập, cũng liên quan đến vấn đề lạc quan là sự tự tin và bản lĩnh dám thử nghiệm. Chúng ta cần thoát khỏi tư tưởng sợ thất bại. Đó hẳn là một vấn đề ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước nhỏ khác.

Người ta cứ nghĩ thất bại thì sẽ khó tìm được cơ hội thứ hai. Mỹ là một đất nước rộng lớn, người ở Boston không biết người ở Houston đang làm gì. Ở Texas, có khi người ta còn đang làm điều gì đó khác hoàn toàn.

Điều kiện khởi nghiệp

Để khắc phục được những khiếm khuyết ấy, theo ông kinh tế Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực như thế nào để đáp ứng được việc hội nhập sâu rộng, từ đó định vị được thương hiệu quốc gia?

GS John Quelch: Như tôi được biết chính phủ Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích khởi nghiệp. Tôi có một số chia sẻ với các bạn khởi nghiệp.

Khởi nghiệp cũng cần có tầm nhìn và ý tưởng. Ý tưởng đó phải đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm hiện tại trên thị trường chưa đạt yêu cầu. Đó cũng là lí do để doanh nghiệp tồn tại.

Các bạn trẻ cũng cần có sự tự tin như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, để duy trì hoạt động, các bạn cũng cần có những đối tác tốt vì khi mới thành lập, chúng ta không thể tự mình làm hết mọi việc được.

Ở nước Mỹ có một số lợi thế nhất định cho các bạn trẻ khởi nghiệp như việc hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp, rồi có rất nhiều doanh nhân thành đạt sẵn sàng đưa ra hướng dẫn lời khuyên cho các bạn khởi nghiệp, tinh thần hỗ trợ trong kinh doanh cao. Tuy nhiên, tôi thấy điều này vẫn còn thiếu ở Việt Nam.

Về phía chính phủ có thể ban hành các quy định nhằm thuận lợi hóa các thủ tục cho doanh nghiệp khởi khiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải tốn quá nhiều thời gian và công sức để làm cả thủ tục hành chính.

Một rào cản nữa mà Việt Nam cần cải thiện đó là sự thiếu hụt tài năng, cần thêm những người có kinh nghiệm kinh doanh, bản lĩnh để đẩy mạnh sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Phần nhận xét hiển thị trên trang