Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

BÚT KÝ CỦA NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI VỀ FORMOSA


Nhà văn Hoàng Quốc Hải (áo trắng) trong một lần đi điền dã.

CHÚNG TÔI ĐI ĐIỀN DÃ - HÀ TĨNH – FORMOSA 

Hoàng Quốc Hải 
Bút ký

"… Không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số chạy dọc bờ biển Việt Nam.”(Lâm Nhân Huệ- Tổng thư kí Hội thẩm phán môi trường quốc đảo Đài Loan) 
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chuẩn bị cho đoàn nhà văn chúng tôi đi thâm nhập thực tế rất chu đáo.

Chúng tôi chọn Hà Tĩnh, nơi có điểm nóng Formosa. Đoàn chúng tôi gồm nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Trần Nhương, nhà văn Văn Chinh, nhà phê bình kiêm nhà giáo Bùi Việt Thắng, nhà báo Kiều Mai Sơn trẻ nhất đoàn, khoảng ba chục tuổi. Số còn lại tuổi trên 60 đến dưới 80.

Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội lúc 9 giờ sáng ngày 18 tháng 7 năm 2016, trên một chiếc xe tốt nhất và lớn nhất mà Hội Nhà văn đang sở hữu, cùng một lái xe trẻ tuổi, đẹp trai, ngoan nết, giỏi nghề đó là Nguyễn Đăng Khôi.

Như đã hẹn trước, qua Thành phố Vinh, chúng tôi đón nhà văn Đức Ban, nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tĩnh, hiện là Chi hội trưởng chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh. Cùng đi còn có nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, phó Chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ An.

Chúng tôi đi với tinh thần tự túc từ ăn ở đến đi lại, không làm phiền địa phương. Thế nhưng các bạn nhà văn, nhà báo , thậm chí học trò và cả phụ huynh của học trò thầy giáo Bùi Việt Thắng, cứ nối nhau chiêu đãi … Nhân đây, chúng tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn đối với các bạn đã tiếp sức cho chúng tôi.

Nhờ sự sắp xếp của nhà văn Đức Ban và sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, 8 giờ sáng ngày 19, chúng tôi khởi hành tới Formosa. Bữa nay nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tĩnh cùng đi với đoàn.

Nhà báo Ngọc Vượng, phóng viên thường trú báo Gia đình- Xã hội lái chiếc ô tô riêng của anh dẫn đường. Tới khách sạn Mường Thanh, tiếp giáp với cổng phía Tây của Formosa, tất cả đều dừng lại. Chờ chúng tôi vào trong cổng của Formosa, Ngọc Vượng mới quay về.

Người hướng dẫn chúng tôi thăm khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một cô gái thuộc bộ phận đối ngoại, từng làm việc dưới quyền ông Chu Xuân Phàm, người phát ngôn khá ấn tượng trong cuộc họp báo đầu tiên sau vụ cá chết. Cô đi cùng xe với chúng tôi. Cô có khuôn mặt và mái tóc nom hao hao như các cô gái Trung Hoa, tôi hỏi:

- Xin lỗi, cháu là người Việt hay người Hoa?

- Dạ, cháu là người Việt ạ, cô gái đáp.

- Cháu tên chi, quê ở đâu?

- Dạ cháu tên Dung, quê ở Đà Nẵng.

- Cháu học ngoại ngữ tiếng Trung, và làm phiên dịch?

- Dạ đúng.

Nhà văn Trần Nhương hỏi:

- Các bác có được chụp ảnh không?

- Dạ được, nhưng chụp ít thôi ạ.

Xe vừa khởi động chầm chậm, tôi giơ máy ảnh chụp qua cửa kính. Lập tức người bảo vệ xộc ra đập tay vào cửa la:

- Không được chụp ảnh! Nom gương mặt anh có vẻ hậm hực, tức tối. Cảm thấy tội nghiệp, chỉ vì miếng cơm manh áo!

Tội nghiệp cho cả nền kinh tế nước nhà sau 30 năm đổi mới, vẫn thân phận kẻ làm thuê. Cao hơn nữa thì đua nhau làm gia công như dệt may, giầy dép, đồ gỗ… và bà thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn hí hửng khoe trước: “Năm nay nước ta có số lao động xuất khẩu cao nhất so với các năm trước.” Hình như những người lãnh đạo chưa nuôi được ý chí tự cường, giúp dân thoát cảnh làm mướn. Nhà nước chưa một lần khuyến khích người đi lao động nước ngoài phải chú ý học lấy nghề, để về nước tham gia vào các ngành sản xuất mà chỉ thuần túy giúp họ đi bán sức lao động.

Xe chúng tôi đi chầm chậm trong khu vực có đường băng chuyền đặt trên cao, nom như một đoàn tầu điện dài hun hút . Đường băng chuyền chạy từ phía bờ cảng Sơn Dương len lỏi vào khu vực các nhà máy.

- Cháu giới thiệu qua về Khu liên hợp này đi.- trong đoàn có người nói.

- Dạ, thưa các bác, xe chúng ta đang chạy trong khu vực nhà máy của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Formosa làm chủ đầu tư có 3 hạng mục: Nhà máy luyện gang thép công suất 7, 5 triệu tấn/ năm; nhà máy điện công suất 650 MW và cảng nước sâu Sơn Dương. Tổng diện tích của dự án là 3.318,12 ha, trong đó diện tích mặt đất 2.025, 37 ha, diện tích mặt biển 1. 293, 35 ha.

- Cảng đón được tàu trọng tải bao nhiêu tấn và độ sâu bao nhiêu mét, tôi hỏi.

- Dạ, cháu thấy tầu lớn vẫn vào đây bốc hàng, còn trọng tải bao nhiêu cháu không rõ, độ sâu cháu cũng không biết.

Theo tìm hiểu, Sơn Dương thuộc loại cảng biển sâu nhất Việt Nam, độ sâu ổn định tới 20 mét, độ chênh thủy triều không ảnh hưởng tới việc tàu ra vào. Cảng này, tàu 300. 000 tấn có thể bốc xếp hàng thoải mái. Nghĩa là cả một Hạm đội lớn như Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cũng có thể cập cảng Sơn Dương và trú tránh an toàn.Với độ sâu ấy, tầu ngầm cũng có thể ra vào dễ dàng. Hơn nữa trên bờ cảng, còn diện tích mặt đất khá rộng, vừa làm bến bốc, dỡ hàng hóa, khi cần có thể dẹp lại làm sân bay dã chiến. Nghĩa là Sơn Dương có khả năng vừa là cảng thương mại lớn vừa là căn cứ quân sự tuyệt hảo. Không thể hiểu, bằng cách nào mà Formosa lại chui được vào tử huyệt này của nước ta? Lại nữa nó được xây dựng nhanh với tốc độ chóng mặt, do 8 nhà thầu của Trung Hoa đại lục với cả vạn người họ ồ ạt kéo sang làm việc hối hả một cách đáng ngờ!

Khu kinh tế Vũng Áng ở chân núi phía bắc dẫy Hoành Sơn gồm các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trình, Kỳ Hòa, Kỳ Ninh thuộc huyện Kỳ Anh. Tổng diện tích hơn 30 km2. Nghĩa là nó chiếm hơn 1/10 diện tích của cả huyện này.

Xe của chúng tôi vẫn lăn bánh trên những nẻo đường mà cô Dung chỉ dẫn. Không hiểu sao trong tôi lại nhen lên từ ký ức, rằng lúc này tôi có cảm giác y hệt hồi những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ 20, như tôi đang đi trong vùng địch tạm chiếm, mặc dù tôi đang đi trên đất nước của tôi, và người chủ tạm này theo hợp đồng, họ chỉ làm chủ có 70 năm thôi.Thực ra, theo luật pháp nước tôi, họ chỉ được phép thuê 50 năm, còn 20 năm gian dối kia là do có kẻ tiếp tay. Cũng như Hồng Kông Trung Quốc chỉ thuộc về người Anh có 99 năm. Nhưng Hồng Kông là nhượng địa.

Ngoài kia cảng Sơn Dương mênh mang nước, biển xanh rờn. Trong khu liên hợp này, các nhà máy dường như chưa khởi động. Tôi hình dung khi các nhà máy luyện gang thép và nhà máy điện khổng lồ kia hoạt động đồng bộ, khí thải phun khói bụi lên trời thì từ Vinh và Đồng Hới chắc nhận ra vị trí của Hà Tĩnh thật dễ dàng. Khu công nghiệp này khi vận hành, nó sẽ phát thải lên trời, thải qua các nguồn nước , thải trong lòng đất, trong đó có bụi than, có khí độc hóa chất, có chất rắn không hòa tan… Vậy là từ bầu trời, mặt đất, nguồn nước ngầm, dưới đáy biển sẽ đồng bộ nhận chất thải độc của khu công nghiệp Formosa. Tuy nó mới chỉ súc rửa đường ống thôi, đã hủy diệt môi sinh hơn 200 km biển chạy suốt bốn tỉnh, và không một sinh vật biển nào từ tầng mặt đến tầng đáy có thể sống sót, từ các loài tôm cua cá nghêu sò đến san hô rong tảo đều chết. Cá chết nổi trắng các bờ biển, một vụ đầu độc kinh hoàng. Một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với qui mô lớn như thế này, chưa từng một lần xảy ra trên Trái đất.

Tại sao nói có dự mưu? Có dự mưu là bởi thủ phạm có chuẩn bị, có tính toán cho hành vi và biết trước hậu quả. Điều này đã được Chu Xuân Phàm, người phụ trách đối ngoại của Formosa phát ngôn trước báo chí và lãnh đạo địa phương sau mấy ngày cá chết. Vẻ mặt giận dữ, thái độ ngông ngạo, lời nói xấc xược, y lớn tiếng quát hỏi: “Muốn cá hay muốn thép? Chọn tôm cá hay chọn thép? Muốn cả hai thì đến Thủ tướng cũng không làm được”.

Như vậy là cả Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh, đều biết rõ tác hại của hóa chất mà họ dùng để súc rửa đường ống.Thật là một tội ác đã được sắp đặt.Vậy mà còn có kẻ bênh che.

Sau đó Formosa chối tội, đuổi Chu Xuân Phàm về Đài Loan. Chúng tôi thường bảo Chu Xuân Phàm thuộc trường phái hiện thực trần trụi.Và chính những lời thú tội của Phàm cũng là một bằng chứng phạm tội quả tang.

Vậy là kẻ thủ ác đã công khai thách thức và công khai thú tội. Đây là loại tội phạm môi trường, nhân chứng vật chứng có đủ. Vấn đề còn lại là luật pháp Việt Nam phải khởi tố và Tòa án phải xét xử, phải truy tố chứ không thể chỉ xin lỗi rồi cho qua. Hai đứa trẻ vì đói mà cướp mẩu bánh mì và vài thứ trị giá có 45.000đ còn phải ngồi tù,vì Tòa tuyên đó là hành động gây nguy hại cho xã hội.Thế thì kẻ đầu độc môi trường, tàn sát vô vàn sinh vật biển suốt một dải dài hơn 200 cây số , làm tê liệt nhiều ngành kinh tế và ảnh hưởng xấu tới đời sống hàng mấy chục vạn người. Và nửa thế kỷ sau chắc gì môi trường đã có thể hồi sinh.Thử hỏi tội ác ấy có nguy hiểm cho xã hội không? Có xứng đáng để truy tố không, hay nó không nguy hại bằng hai đứa trẻ cướp mẩu bánh mì? Đây còn chưa kể đến cú sốc tâm lý cực lớn đối với mọi người, đặc biệt là đối với trẻ em thì việc sang chấn thần kinh, sang chấn tâm lí sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời. Liệu Formosa và những kẻ rước Formosa vào có thể đền bù được tội ác này không?

Đi 16 km, được một góc khu công nghiệp Formosa, cũng tức là chúng tôi chỉ được phép cỡi ô tô xem nhà xưởng và sắt thép trong phạm vi đó.

Tiếp theo chúng tôi vào thăm bà con ngư dân tái định cư ở Đồng Yên thuộc xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh. Một con đường chạy giữa hai dẫy nhà thưa thớt. Đây là khu vực của các gia đình ngư dân tái định cư. Trời nắng nóng như thiêu, nhiệt độ ngoài trời đến 40 độ C, bốn bề không một bóng cây. Các nhà cất còn tạm bợ, nhiều nhà chưa hoàn thiện. Chúng tôi ghé một ngôi nhà nhỏ ven đường. Ngôi nhà vừa cất xong, chỉ có tường vách, không thấy một thứ đồ đạc gì đáng giá ngoài đống lưới cuốn gọn trong góc nhà cỡ chừng một mét khối. Một người phụ nữ bế con bên nách nhìn ra đường vẻ ngơ ngác. Chúng tôi bước vào nhà hỏi chuyện. Được biết dẫy nhà lơ xơ đây thuần dân tái định cư của xã Kỳ Lợi, tất cả đều là ngư dân bám biển sống từ nhiều đời. Nơi tái định cư có tên là xóm hoặc làng Đồng Yên. Gọi là Đồng Yên, nhưng lòng người lại không yên. Chị chủ nhà tên Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1982, tuổi Nhâm tuất. Nhà văn Trần Nhương trêu: “Nhâm tuất - con chó vàng, giàu rồi, lo gì”.

Như đụng vào nỗi lòng đang lo lắng buồn đau, chị Vinh than thở:

- Ông ơi, con đang lo không biết sống sao đây. Mấy tháng nay thuyền úp bến, lưới chồng đống khô rang, thèm con tôm con cá đến xót cả ruột. Chị Vinh có hai con nhỏ, bốn tuổi và hai tuổi. Chồng, anh Nguyễn Văn Tâm sinh năm 1975.

Thấy tôi ghi tên tuổi của vợ chồng chị Vinh, bà con xóm giềng kéo đến rất đông. Họ không cần biết chúng tôi là ai. Tất cả đòi ghi tên và số người trong nhà. Nguyễn Thị Thơ 55 tuổi, chồng là Hoàng Văn Từ 55 tuổi, nhà có 10 khẩu. Thôi thế nhà em xong rồi. Bà Thơ vừa quay ra, người khác đã len vào xướng danh.

Nhà văn Trần Nhương giải thích:

- Bà con ơi, chúng tôi là khách qua đây chứ không phải cơ quan công quyền gì đâu. Bà con không để ý, vẫn cứ đòi ghi tên - Hoàng Kham, bác ghi đi. Nhà em 10 khẩu, 4 lao động biển.

Tôi hỏi xen: - Thế bây giờ bà con đã đi biển được chưa?

- Chưa! Nước vẫn còn ngứa lắm. Trong lộng chưa thấy có cá tôm gì.

- Thế ra khơi được chứ ạ?

- Khơi thì được nhưng phải có thuyền lớn. Mới lại đánh bắt về bán cho ai. Dù cá sạch, dân vẫn không dám ăn. Nhà nước chưa hướng dẫn chỉ số an toàn, chưa có chỉ dẫn gì hết, ai dám mạo hiểm.

- Bác ơi, em Nguyễn Văn Thành 57 tuổi, nhà 8 khẩu.

- Em Nguyễn Bá Thạch 62 tuổi, nhà 6 khẩu.

- Em Phạm Minh 54 tuổi, nhà 8 khẩu v.v…

Tất cả bà con đều là ngư dân thuộc xã Kỳ Lợi.

Chúng tôi hỏi:

- Từ ngày phải ngừng đi biển, bà con có được Nhà nước hỗ trợ gì không?

- Dạ có, mỗi khẩu một tháng được 15 kí gạo. Nhưng bác bảo chỉ có hạt gạo không sống sao nổi. Còn trăm thứ khác phải tiêu pha chứ. Trước, mọi thứ chi tiêu đều lấy từ biển. Không biết rồi đây sẽ sống ra sao.

- Các bác có làm gì thêm để kiếm tiền không?

- Trước Formosa thuê lặn 18 triệu, nay họ gọi thuê 50 triệu, chẳng ai đi.

- Sao lại không đi?

- Đi cho mà chết à. Tôm cá còn chẳng sống được. San hô, hoa đá còn chết. Chết tiệt, chẳng còn gì cả. Mình lặn xuống cho toi mạng à. Đã có người chết vì lặn thuê cho họ rồi đấy.

Tôi gợi chuyện bà con:

- Vậy chớ bây giờ Nhà nước hỗ trợ cho bà con chuyển nghề. Rồi trong nhà có thanh niên mạnh khỏe, Nhà nước đào tạo nghề rồi cho sang Đài Loan lao động, bà con có ưng không?

- Không! Chúng em suốt đời bám biển. Nay làm rừng, làm ruộng không làm được, không sống được. Con cái dốt nát, chữ nghĩa ít. Các ông cho học vớ vẩn rồi cho sang Đài Loan. Họ nhận vào làm việc tay chân vài tháng rồi kêu hết việc. Họ hỏi có biết vận hành máy móc không. Không biết, họ tống về. Thế là ôm nhau chết đói cả lũ.

- Vậy nguyện vọng bà con thế nào?

- Chúng tôi muốn biển. Muốn Nhà nước bắt Formosa làm sạch biển cho chúng tôi sinh sống. Muốn Nhà nước tống cổ Formosa đi thì chúng tôi mới yên tâm làm ăn.

- Tôi nói, nếu Nhà nước đền bù thỏa đáng, bà con nghĩ sao?

- Không! Đã bảo không là không. Không đền bù. Tiền ấy đem làm sạch biển cho ngư dân. Chúng tôi cần sinh sống lâu dài trên đất của tổ tiên đã tạo lập từ ngàn đời. Dân chài 4 tỉnh miền Trung này tới cả mấy chục vạn chứ ít đâu. Lại còn bao nhiêu, bao nhiêu là người sống theo con cá nữa chứ, nó không đơn giản như các ông nghĩ. Các ông hay nghĩ quẩn lắm, định đem vài tờ giấy bạc làm mờ mắt chúng tôi sao?

Được bà con dạy cho một bài học,tôi chưa kịp đáp lời. Một ông già nom có vẻ đàng hoàng chững chạc, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông hỏi:

- Có thật các ông muốn ngư dân chúng tôi chuyển nghề, để trao biển cho Trung Quốc không? Đời đời dân tôi bám biển là để giữ biển. Giữ biển là giữ nước đấy.

Câu hỏi vỗ mặt của người dân chài khiến tôi bàng hoàng. Chưa kịp nói lời xin lỗi, ông đã bỏ đi.

Đúng là dân biển ăn sóng nói gió, chém to kho mặn, đã nói một là một, hai là hai.

Chia tay bà con, chúng tôi ra bãi biển Vũng Áng. Trời nắng chang chang, biển đầy ắp nước. Nước xanh ngăn ngắt, sóng vỗ lăn tăn như mời gọi mà không ai dám nhúng tay xuống nước. Bãi cát trắng phau. Những con thuyền thúng úp sấp nom như những nấm mồ. Những con thuyền dài bọc phủ ni lông trắng toát, nom như những ngôi mộ mới vừa chôn cất. Mép nước san sát những con thuyền bỏ biển neo đậu, bập bềnh theo nhịp sóng vỗ, như một điệu ru buồn.

Nhìn cảnh tượng đau lòng, lại nhớ đọc mạng, thấy các đại biểu Quốc hội đang làm nóng hội trường về chuyện Formosa.

Ông Trương Trọng Nghĩa đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội phải thảo luận vấn đề Formosa.

Rõ ràng Formosa tàn sát môi trường biển miền Trung là một sự kiện động trời.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, phó Chủ tịch Quốc hội: “Câu hỏi đặt ra là môi trường khi nào được khắc phục, nghề cá của ngư dân đến khi nào khôi phục được? Nếu không trả lời được những câu hỏi, không có dự kiến, giải pháp đủ mạnh sẽ rất khó lường, không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác… Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là kinh tế mà còn gắn với quốc phòng, an ninh.” 

Có đại biểu đòi lập Ủy ban giám sát đặc biệt Formosa.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nêu vấn đề:

“Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định dự án này. Bởi vì theo thông tin, đây là dự án nước ngoài rất lớn nhưng được phê duyệt rất nhanh. Đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh. Rồi họ đòi hỏi ưu đãi nọ, ưu đãi kia cũng được phê duyệt rất nhanh. Và cuối cùng hậu quả tai hại cũng rất nhanh”. 

Có đại biểu Quốc hội còn đề nghị đem vấn đề Formosa ra trưng cầu dân ý.

Ông Trần Hoàng Ngân đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Khi giải quyết vấn đề Formosa phải xem đây là dự án quốc gia. Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát đã trả lời thỏa đáng cho cử tri dự án này có xứng đáng tồn tại không, theo quan điểm của cá nhân tôi là không”. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đoàn Tp Hồ Chí Minh nói về Formosa có đề cập đến ý kiến của cử tri: “Cử tri cũng đặt câu hỏi là cho đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh miền Trung và các Ủy ban của Quốc hội có ý kiến gì cả, chí ít là cũng có thông tin, chí ít là dự kiến sẽ làm gì”. 

Vậy là các đại biểu Quốc hội đã phản ánh trung thực nguyện vọng của dân. Dân muốn được thông tin minh bạch. Dân muốn truy cứu trách nhiệm người lập và người phê duyệt ưu đãi dự án Formosa nhanh đến chóng mặt. Dân không muốn có Formosa.

Rời Vũng Áng, đoàn chúng tôi vào Thiên Cầm. Biển đẹp như mơ, bãi cát thoải, đây đó có một vài chiếc dù xòe to, dăm chiếc ghế nhựa xanh đỏ để chụm, chờ khách. Bãi tắm Thiên Cầm bình thường ai đã ghé thăm vào mùa nóng, khó có thể cầm lòng đi nơi khác. Phải nói vẻ đẹp của bãi Thiên Cầm có sức gợi cảm đến mê hồn. Vậy mà mùa hè này nó trở nên đìu hiu, cô quạnh. Các quán hàng trên bến vắng teo. Chủ quán nọ nhìn sang chủ quán kia chuyện vãn.

Tôi hỏi cô Tám Hạnh - một chủ quán, việc kinh doanh hàng họ thế nào.

Cô ngáp dài uể oải đáp:

- Chán lắm bác ơi, ế lắm. Từ đầu tháng tư, sau vụ cá chết trắng biển, khách qua đây đi vội như đi qua vùng có bệnh dịch chứ không ghé nghỉ như mọi năm. Mọi năm vào cữ này, chúng cháu bận túi bụi từ sáng sớm đến nửa đêm.

- Quán nhà ta có mấy người phục vụ.

- Nhà cháu có 12 người, nhận thêm 8 người giúp việc.

- Năm nay vắng khách, cô cho người giúp việc nghỉ hết à.

- Thôi thì cầm cự nuôi nhau tạm bác ạ, đuổi họ đi đâu. Ở đây nó định hình công việc rồi. Rời biển là chết đói.

- Nếu Nhà nước hỗ trợ cho cô chuyển nghề, cô có ưng không.

- Không. Nhà nước để tiền ấy với tiền Formosa đền bù, làm sạch biển cho dân chúng cháu làm ăn thôi. Không lấy đền bù, cũng không đi đâu cả, dân chúng cháu đã có kiến nghị cả rồi.

Sáng sớm, chúng tôi ra cảng cá Cẩm Nhượng. Thuyền về bến, tôm cá lèo tèo. Thấy một tốp gần chục phụ nữ ngồi bới đống rong rêu nhặt ốc, sò và cá lẹp. Lại một tốp đang phân loại tôm đóng vào thùng xốp.

Tôi hỏi ông chủ có tên Trần Kỳ khoảng ngoài 50 tuổi.Ông Kỳ chỉ tay về phía những con thuyền bên mép nước nói:- 15 thuyền về bến mà chỉ có bằng này sản phẩm, chừng năm, sáu chục cân. Ông cho biết biển Thiên Cầm nằm về phía cực bắc của Hà Tĩnh, nên ít chịu ảnh hưởng. Nhưng sản lượng đánh bắt tụt hẳn, chỉ bằng một phần tư, một phần năm các vụ trước. Giá cả cũng tụt quá nửa. Có đánh bắt về cũng không bán được cho ai.

- Vậy ông đóng các thùng tôm kia chở đi bán ở đâu?

Ông Trần Kỳ cười như mếu:

- Chở ra Vinh, ra Thanh Hóa, ra Hà Nội bán cho các bác chứ chở đi đâu. Bây giờ làm ăn chán lắm. Tôi có hai thuyền đánh cá, phải cho ra đánh bắt tận Quảng Ninh. Mong sao biển sạch trở về làm ăn như cũ.

Chúng tôi gặp nhiều người khác nhau, từ ngư dân trực tiếp đi biển, đến người thu gom phân phối; người chế biến các sản phẩm như làm nước mắm, buôn bán cá, tôm, mực khô, người chở xe thồ, xe điện, người kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tất cả họ đều mong muốn biển sạch để được làm ăn như cũ. Trước khi biển bị Formosa đầu độc chẳng nói làm gì, nay là ước mơ của dân biển sao cho trở về được cái ngày xưa ấy.

Trở lại các vấn đề của dự án Formosa. Cái gì cần nói, các đại biểu Quốc hội đã nói cả rồi. Chỉ tiếc các cơ quan quản lý Nhà nước ta, nghiệp vụ mỏng quá. Ngay như Bộ Tài nguyên- Môi trường, cuối năm 2015 vào kiểm tra các chỉ số môi trường của Formosa vẫn cảm thấy bình yên.

Các cấp lập và phê duyệt dự án cũng không hình dung được khu công nghiệp sẽ hoạt động như thế nào, do đó không đặt ra các tiêu chí đảm bảo môi trường như một điều kiện tiên quyết để phê duyệt dự án.

Đọc một đoạn sau đây, sẽ hình dung ra tất cả: “Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quyết định số 72/2006 QĐ-TTg ngày 3.4.2006 có diện tích 2.278,1 ha là khu kinh tế đa ngành đa lĩnh vực với trung tâm:

- Phát triển các ngành luyện kim với lợi thế tài nguyên, nguồn nguyên liệu, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, khu công nghiệp trung tâm nhiệt điện và lọc dầu.

- Phát triển đồng bộ khu liên hiệp Vũng Áng – Sơn Duơng bao gồm đầu tư khai thác có hiệu quả khu liện hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của bắc Trung Bộ.

- Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng đồng thời ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, khu du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển bắc Trung Bộ.

Đúng là các nhà lập kế họach phát triển kinh tế không tưởng, và lãng mạn hơn nhiều các nhà thơ lãng mạn.

Truớc hết, không bao giờ chủ nhân Formosa lại đầu tư khai thác mỏ quặng nằm sâu trong lòng đất hàng trăm mét. Lại còn muốn biến nơi đây thành “ thành phố sinh thái du lịch nghỉ duỡng quan trọng trong tuyến du lịch ven biển miền Trung.”

Rõ ràng họ không hiểu luyện thép, lọc hóa dầu, nhiệt điện là những ngành công

nghiệp bẩn, độc hại hàng đầu, làm sao lại có thành phố du lịch sinh thái song hành được. Bởi vậy rất khó tìm được nước nào chịu hy sinh môi truờng cho nhà đầu tư loại công nghiệp này.

Chẳng thấy, nó mới súc rửa đường ống đã làm cho nhiều ngành kinh tế miền Trung lao đao, cả mấy trăm ngàn người bị ảnh hưởng xấu. Tôm cá không đánh bắt được, biển chết, kinh doanh du lịch và nhiều ngành phụ trợ khác tê liệt. Nếu còn dung dưỡng Formosa, chắc chắn họ sẽ biến không chỉ Hà Tĩnh thành bãi chứa rác thải nguy hiểm ,và nó không chỉ đe dọa về môi trường sinh thái, mà nó còn nguy hiểm tới cả an ninh quốc phòng như tướng Đỗ Bá Tỵ cảnh báo.

Khi ông Hồng Phú Nguyên (Hong Fu Yan) Chủ tịch tập đoàn nhựa và sợi Formosa Đài Loan phủ nhận Formosa Hà Tĩnh tàn sát môi truờng biển, bà Lâm Nhân Huệ ( Lin Jen Hui) Tổng thư kí Hội thẩm phán môi truờng Đài Loan nói: “Nếu Tập đoàn tin rằng họ bị kết tội oan uổng, tại sao họ lại xin lỗi và bồi thường 500 triệu USD?” Và điều này mới thực sự quan trọng. Bà Lâm Nhân Huệ nói tiếp: “Nếu Formosa chính thức họat động và xả tới 45.000 m3 nước thải /ngày, đúng như mức Bộ Tài nguyên – Môi truờng của Việt Nam cho phép thì tầm vóc của thảm họa kế tiếp sẽ lớn gấp nhiều lần. Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam” (Nguồn: Người Việt 15.7.2016).

Chớ coi thường lời cảnh báo nghiêm khắc mang tính khoa học và xây dựng của một người có trách nhiệm và có lương tri. Hơn nữa bà Lâm Nhân Huệ còn là đồng bào gần gũi của Tập đoàn công nghiệp Formosa.

Hãy nghe thêm một ý kiến nữa của ngài nghị sĩ Su Chih Feng, cựu thị trưởng Văn Lâm (Đài Loan) cho rằng: “Formosa là con quái vật khổng lồ, do đó phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với tập đoàn này” ( Nguồn ZingVN).

Nhân đây xin nói thêm về giá trị của biển Việt Nam. Trước hết phải nói, nước ta không phải là một nước nhỏ. Xin mọi người đừng có tự ti.

Nước ta có gần một trăm triệu dân,về dân số đứng thứ 14 trên thế giới. Nếu biết khai thác có hiệu quả tiềm năng trí tuệ và sức lao động, khối người này có thể làm cho bất cứ một quốc gia nào giàu mạnh. Ấy là chưa nói đến truyền thống lịch sử, văn hóa và tố chất của nguời Việt Nam. Diện tích đất đai chỉ có hơn 320.000km2 cũng không phải là quá chật. Song ta có thế mạnh về biển, bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam tới 3.260km, và không gian biển của ta tới trên một triệu km2 , gấp gần bốn lần diện tích đất liền. Nhiều tài nguyên khoáng sản trong lòng biển. Một phần rất nhỏ tài nguyên đó ta đang khai thác: dầu và khí đốt. Tài nguyên về hải sản cũng không nhỏ. Ta chưa có thống kê, nhưng các nước bạn như Thái Lan, riêng nguồn lợi về hải sản đã chiếm 2% GDP, còn Indonesia, nguồn lợi này chiếm tới 5% GDP. Do đó biển là không gian sinh tồn, có tiềm năng dồi dào để nuôi sống con người và phát triển đất nước trong hiện tại và cả tương lai. Trái lại trên mặt đất, các tài nguyên thiên nhiên như rừng và than đá, ta khai thác gần như cạn kiệt. Các loại khoáng sản khác đều có nhưng trữ lượng không đáng kể, không đủ khai thác công nghiệp. Về đất đai nông nghiệp, chủ yếu dựa vào vựa lúa đồng bằng Nam Bộ, thì đang bị đe dọa nghiêm trọng vì nguồn nước do Trung Quốc khống chế từ thượng nguồn. Nếu quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc sẽ đóng nước mùa khô và xả nước mùa lũ, vựa lúa Nam Bộ trở nên úng lụt và khô mặn. Nghĩa là đồng bằng Nam Bộ chẳng còn lợi thế gì nữa. Và an ninh lương thực quốc gia trở nên bấp bênh, khó lường.

Nên nhớ giới thống trị Trung Hoa từ cổ xưa tới nay, trừ những điều nhân nghĩa thì không việc tàn bạo nào họ không dám làm. Ngay cả giết hàng loạt dân họ chỉ vì nghi kị vu vơ, họ cũng không ngần ngại, huống chi đối với láng giềng mà họ đang mưu toan thôn tính.

Trung Quốc không hề có bạn bè. Họ luôn đặt các nước vào hàng tôi tớ, phụ thuộc, hoặc thù địch.

Cho nên bằng mọi giá phải giữ cho môi trường sinh thái biển lành mạnh, phải tác động trở lại cho môi trường biển miền Trung sớm phục hồi. Ngư dân không chỉ đánh bắt hải sản mà còn là đội quân giữ biển, giữ tài nguyên, và giữ chủ quyền quốc gia. Vắng họ, lập tức có kẻ khác thế chân ngay. Và kẻ thù không mong gì hơn ngư dân nước ta bỏ biển. Vì vậy phải tăng cuờng phương tiện cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, thay vì hỗ trợ cho họ đổi nghề. Và nên nhớ, biển mới là cứu cánh cho sự sống còn, và sự bứt phá của cả dân tộc trong thế kỷ 21 này.

Mệnh nước đang nằm trong tay Quốc hội, trong tay bộ máy quyền lực Nhà nuớc. Hãy thuận theo ý dân mà chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua khúc quanh lịch sử hiểm nguy này.

Nếu muốn giữ cho mệnh nước trường tồn, phải giữ cho bằng được môi trường sinh thái biển trong lành và bình yên. Như vậy, chấp nhận Formosa tồn tại là điều không thích hợp. Vẫn chưa muộn, nếu ta phạt Formosa hành vi đầu độc môi trường, khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường ,và cuối cùng là mời họ ra khỏi nước ta.

Nếu không, thì như lời bà Lâm Nhân Huệ, Tổng thư kí Hội thẩm phán môi trường quốc đảo Đài Loan đã cảnh báo: “… Không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.” 

“Formosa là con quái vật khổng lồ, phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với Tập đoàn này!”. Đó là lời cảnh báo, cũng của một người Đài Loan.

Hà Nội ngày 26.7.2016 
H.Q.H
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật ký văn nghệ 1969 (VIII)


VTN

THỦ TƯỚNG GẶP CÁC NHÀ VĂN NGHỆ TRẺ
Vừa thấy tổ chức một buổi để  Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp một số anh em làm văn nghệ trẻ. Chu, Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt được đưa vào ban trù bị. Ra những lần gặp trước của TVP là để chuẩn bị  cho buổi họp này.

Tất cả những người đi dự đều nói rằng thật là một buổi họp khổ sở, không ra làm sao. Ông Đồng cũng chán vì một bên lãnh đạo thì quân phiệt, ngu dốt, và anh em cấp dưới thì cũng vô học chả ra thế nào cả. Chỉ có Xuân Trình nói rất ngắn là nghe được, khi đề nghị cần phải mở rộng dân chủ.  Nhà viết kịch này bảo bây giờ kiểm duyệt ngặt nghèo quá, duyệt chặt hơn cả thằng Pháp ngày xưa. Tất Đạt thì bảo có anh Hà (Huy Giáp) ngồi đây, anh chỉ gật hay lắc một cái là hỏng hết cả vở kịch của chúng tôi. Ông Giáp phản ứng ngay.
- Nhưng mà kịch của anh đưa ra quần chúng người ta kêu ầm ầm chứ còn sao nữa.
- Anh đã cho diễn được bao nhiêu lần? Quần chúng lắc đầu lại toàn ông to cả, chứ có phải đúng quần chúng ngoài đời không?
- Với lại kịch của anh thiếu thực tế. Không đúng thực tế.
- Lạ thật, tôi lăn lộn vào đất lửa Khu 4, tôi ăn uống khổ sở thì không có thực tế, còn anh ở Hà Nội, sơ tán cũng chả phải đi, thì lại có thực tế hay sao?
Cứ thế mà đôi co, khốn khổ! Dĩ nhiên, tay Đạt kia cũng dở, nhưng nhiều người nói với tôi rằng ông Hà Huy Giáp ấy thì cũng phải thế mới được. Trưởng giả, gia trưởng lắm! Nhiều lúc, trong các buổi họp người ta đang báo cáo thì ông ngoảnh lại, nhe răng ra cười: "Ê... này, này hoãn lại đã. Chỗ ấy không được đâu." Thật là mất hết cả tính chất nghiêm túc. Nghe đâu, ông ấy rất lười, mọi thứ bài viết trên báo hiện nay đều do một tay thư ký viết, kể cả luận điểm nổi tiếng: đã hết thời của bi kịch, nay tất cả phải là anh hùng ca. Người ta rất phản đối chủ trương đó, nhưng đành im, mãi đại hội Văn Nghệ toàn quốc lần thứ 4, đến tai ông Đồng, mới bị dẹp. Giới quan chức không thiếu những ông cốp tự mình viết, tự mình xem lại bản cuối cùng, nhưng lại càng nhiều những ông nói gì viết gì do sự giật dây của thư ký. Hoá ra nhiều tay thư ký đứng ra lãnh đạo văn nghệ.
Lại nói tiếp trong cuộc họp, sau khi Tất Đạt nói thế đến lượt Tào Mạt đứng lên xoa xoa tay, xin Thủ tướng đừng bận tâm, chuyện này chúng tôi giải quyết được cả. Trọng Bằng thì nằn nèo rằng mình chưa có đàn pianô, nên khó sáng tác.
Sau này ông Khải bảo các tướng kia dại quá. Không mấy khi được gặp các ông to, phải tính trước đi, tính trước để mà nói cái gì vừa phải thôi, các ông ấy nghe được, mà lại nhất thiết không được thêm tí cá nhân nào cơ, thì mới ăn tiền.
Khải kể cái lần gặp ông Song Hào gần đây, thằng Nguyễn Đức Toàn cũng xin đàn, lúc ra nó mới hối.
-- Các ông khôn thật.
-- Các ông không biết cái lõi đời của ông Song Hào đấy thôi! Gặp mà cứ kêu rên xin xỏ là thả nào ông ấy cũng cho một câu mát mẻ: “Các đồng chí kêu Tổng cục nhưng Tổng cục còn có cấp trên của Tổng cục nữa chứ!”
Khổ cho ông Đồng, toàn phải nghe những chuyện lặt vặt ấy. Chỉ định gặp một tiếng rưỡi thì kéo dài gần 3 - 4 tiếng đồng hồ. Chắc là trở về,  ông Thủ tướng mất ngủ. Tình hình  chính trị  dạo này nghe có vẻ ổn nhưng kinh tế với văn hoá thì căng thật.

VŨ &NHỮNG NGUY CƠ  RÌNH RẬP  
Nhớ lại buổi họp ở báo Văn Nghệthấy giữa đám anh emVũ vẫn nổi hơn cả. Hôm ấy Bằng Việt than phiền, ở các nước khác, những người tài người ta làm vẻ vang cho nước người ta bao nhiêu. Ở nước mình, càng tài hình như càng khổ. Tôi nhìn vào anh em  chung quanh đã thấy đúng như thế.
 Những người hôm ấy ngồi trong buổi họp phải nói là may chứ. Vì chúng tôi đều được thời buổi dựng lên, cả kẻ có tài lẫn kẻ bất tài chung một đám. Người trung bình đã hả hê lắm. Còn những tài năng như Vũ thì thiếu bệ phóng. Vũ đau buồn mà nói rằng từ bốn năm nay,  chỉ loanh quanh đây lên Vĩnh Phúc. Vũ hay bảo, tao cứ rút ruột tao ra mà viết mãi thôi. Trong khi đó, mấy thằng viết làng nhàng kia thì đi đây đi đó, vào cả bên đồn địch, sang cả bên kia sông Bến Hải. Cho nên đứng giữa cuộc họp, Vũ chỉ T.  mà nói với Chu:
- Thằng ấy nó ngồi đây làm gì?
Chu nhắc lại với tôi câu ấy, rồi tỏ ý đồng tình.
- Vũ nó có quyền nói thế lắm chứ.
Tôi nghĩ nhưng không tiện nói ra:
- Nhưng dám nói cái lời  khinh bạc ấy thì cũng chỉ có Vũ.
Thường thì thái độ cả bọn chúng tôi đối với Vũ có hai mặt.  Vừa yêu, lại vừa giận nó, lo cho nó. Quỳnh bảo lúc nào nó cũng buồn, chả còn tin được ai.  Cả cái Uyên là người mà nó yêu nhất, nó cũng không tin.  Chu lo rằng Vũ quá chán như thế, làm cả bọn bị chán lây...Ở chỗ này tôi nhớ một  ý của NgMChâu. 
-- Mình không nói về mặt chủ đề văn học, ngay về mặt viết, cái bi quan người ta cũng nói chán ra rồi. Chủ yếu bây giờ văn học phải nói được cái lạc quan, dù cái lạc quan ấy bé bỏng đến đâu. 
Nghe tôi nhắc lại, Quỳnh bảo cũng thấy thế. Cái buồn nó là cái bản năng, cái vui và tin mới là cái trí tuệ mình cần phấn đấu tới. Quỳnh nói thêm:
--Tôi sợ cho Vũ lắm, có những chỗ thiêng liêng, bọn mình phải dừng lại nghe ngóng mà nó cũng dám vượt qua. Tôi xem thế này thì tôi biết. Đọc một tập thơ của hai tay miền Bắc hàng địch vào miền Nam chẳng hạn,  thì thấy ngay là mình không thể tầm thường như bọn nó rồi. Tức là mình hãy còn yêu chế độ lắm.  
Tuy thế, tất cả bạn bè lại giữ một thái độ ru rín, nâng giấc Vũ đến mức như một người anh hùng. Ai có tài liệu gì lạ sẵn lòng cho Vũ mượn, tất cả những gì Vũ yêu cầu đều có thể có, chỗ nào có Vũ là rộn rịp, "những chuyến tiễn đưa là những yêu thương"... 
Quỳnh lại còn có lúc bốc lên tự hào “Khi một người bạn mình có nói quá lên một tí, chẳng qua cũng là họ nói thêm cho mình những điều mình định nói ra thôi.”
Vũ đón nhận những quý mến này với vẻ thản nhiên. Trước đây hai tháng, thỉnh thoảng Vũ vẫn trộ rằng được đơn vị quý lắm. Và khi nghe tôi  kể về một số  khó khăn trong quan hệ của Chu, Duật với đơn vị thì Vũ lại đinh ninh rằng mọi người cũng chỉ như mình.Vũ bảo, như vậy là những thằng ấy nó cũng đéo được quý gì cả, nó cũng khổ lắm, nó cứ làm ra vẻ ngoan ngoãn đấy thôi. Cuối cùng, Vũ bình luận về cách đơn vị trị mình. Bây giờ hành tao thì chán rồi, chỉ có cách cấm tao viết nữa thôi, lại đéo dám cấm.
Lúc chia tay, Vũ vẫn hẹn là năm nay sẽ viết nhiều, sẽ viết một cái trường ca, lấy tên là  Trời xanh của người ra trận gửi về đăng tạp chí.
Vũ của chúng tôi rắc rối thế đấy.
Không những nói rằng Vũ vô kỷ luật ( Nguyễn Lâm bảo chung quy nó cũng chỉ là cái tội lười) anh em còn muốn nói  từ trước đến nay, Vũ đã sống già quá, chán chường quá. Ông Vũ Cao  chỉ vào trán “Hôm tôi nghe ông ấy đọc thơ,  những gì mà tôi già nua như trái đất này, tôi thấy buồn quá...”
Về cách  đối xử của Vũ với cấp trên, Quỳnh kể:
- Ông Trần Việt Phương đến đây nhiều, ông ấy cũng rủ chúng tôi đến chơi, nhưng chúng tôi có đến đâu. Người ta còn có  việc của người ta. Đằng này Vũ tiện là đi thôi.
Cái hôm họp với ông Đồng nữa, nó còn bắt ông Phương đánh xe xuống dưới Bạch Mai đón, để lấy thế với đơn vị. Xưa nay, lúc nào nó cũng chửi người nọ người kia cầu cạnh cậy nhờ, rốt cuộc nó lại cầu cạnh bằng mấy.
Làm thế đơn vị thì nó ghét, mà ông Việt Phương biết, ông ấy cũng khinh cho.
 Phát biểu trong cuộc họp, Vũ nó cũng liều lắm cơ, Quỳnh kể tiếp. Các anh không tin chúng tôi, cấp trên không tin chúng tôi. Ông Thi phải ngắt lời, không phải là không tin, mà là phải nghĩ thêm sau khi nghe. Và Thủ tướng cũng chỉnh, muốn được tin, phải xem lại xem mình  ra sao đã!
...Vũ gửi đăng ở báo  Hà Nội bài Phà đen. Cũng như xưa nay, mỗi khi  thấy bài yếu, Vũ lại kể đấy là do biên tập viên đòi bài. Vũ phân trần Phan Thị Thanh Nhàn nó cứ lấy nó đăng đây chứ, Vũ có gửi đâu.  Bao giờ ở Vũ cũng có hai trạng thái ấy, tôi nghĩ. Chiều đời. Và chửi đời. Khi thì chiều quá, khi thì chửi văng mạng.
Bằng Việt  nói theo kiểu của mình:
- Mình cho rằng như thế tức là chưa có sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung. Tự mình chưa chịu vươn mình lên. Còn nặng nợ lắm.

PHẠM TIẾN DUẬT
Phạm Tiến Duật học với tôi từ văn III 1963-64, bây giờ lại gặp nhau trong sinh hoạt của bọn trẻ. Ngày xưa đi học là một ông tướng chúa luộm thuộm và bẩn, nhưng mà ngày nào cũng làm thơ, tháng nào cũng có một tập thơ. Mỗi tập có tên, có bìa, có mục lục, làm xong là ào một cái ra tận Hà Nội gửi. Say lắm, thỉnh thoảng lại õng ẹo gọi bọn con gái: “Có nghe thơ Duật không? Duật đọc nhé.” Đọc thật uốn éo, cười, cái cười rất say mà rất bốc.
Hai thằng, đứa giường trên đứa giường dưới, cùng có âm mưu về văn nghệ cả mà không bao giờ nói với nhau. Cuối 1964, cùng ở Na Sản tôi đi từ chỗ  đai đội SKZ của E.148 lên doanh trại cao xạ chỗ Duật, anh chàng chỉ kể làm thơ rất nhiều. Rồi mãi đến cuối 1965, mới gặp lại nhau, anh về pháo binh, anh về vận tải và thỉnh thoảng cụng đầu ở các buổi họp của giới văn nghệ. Tôi chưa thể nhớ được ở Duật một cái gì, một câu gì cho thật rõ ràng cả, có lẽ vì thấy nó cứ thế nào ấy. Chỉ thấy đấy là một người rất tự tin và quý bạn. Đỗ Chu bảo: “Nó bảo mỗi lần đi chơi với mình về, nó lại khôn hơn lên một chút”. Được như thế thì thật hay. Duật quý bạn lắm, thằng nào cần gì nói nửa lời hỏi xin là Duật cho liền, khi cân gạo, khi ít tiền. Thỉnh thoảng lại trốn đơn vị, trốn từng buổi, ra nhà Nguyễn Lâm ngồi viết. Rồi cuối cùng là cái vụ cuối năm 1967. Giữ kho vật tư văn nghệ mà lại đi phát nhầm đài cho đơn vị, hụt vài trăm bạc. Định bán cái xe đạp để giả, thì sang thăm người yêu bên Gia Lâm,  chiếc xe bị một thằng vớ vẩn nó giật mất. Thế là tay trắng. Gần đến ngày kiểm điểm cuối năm rồi, trốn về nhà chị. Đêm nằm cứ ngẫm nghĩ định xin tiền, sáng ra trông thấy các cháu nheo nhóc quá, lại thôi. Đơn vị tìm nháo nhác cả lên. Khi  Hồ Phương  thay mặt tạp chí đến xin Duật về VNQĐ, người ta bảo:
- Đấy, người đào ngũ thế đấy, anh có xin thì xin.
         Hồ Phương bảo với tôi, đến nổi tiếng như Nguyễn Khải mà đi đâu một ngày cũng phải báo cho cơ quan nữa là...Đằng này.
Ngẫm cái đời Duật mấy năm nay thật vất. Năm 1965, đánh mạnh khu 4 thì vào khu 4. Năm 1967, nó tập trung vào Hà Nội, thì lại ra Hà Nội. Năm 1968, vào khu 4 trở lại, hứng lấy chiến tranh hạn chế, cuộc chiến  ác liệt nhất từ trước đến giờ. Và bây giờ chuyển vào 500, lại vượt cửa khẩu, ở với những đơn vị Cha lo, Cổng trời, nơi nhiều tay cán bộ tiểu đoàn vào là nằm bẹp, không dám ra mặt đường.
 Tôi đã đi với Duật vào những đơn vị vận tải (gồm từ xe đến giao liên binh trạm) hai lần. Đến đơn vị xin đi với anh em một tuần. Tuần sau ở nhà viết. Viết xong đọc cho mọi người nghe. Thơ Duật là một thứ thơ dễ dàng, đọc cho ai nghe cũng được. Lại có một kiểu trở thành người nhà rất tự nhiên với chung quanh. Các ông cán bộ phụ trách đơn vị thú lắm: “Ở với chúng tôi một tuần, một tháng chúng tôi cũng nuôi. Chỉ cần làm thơ thôi”. Và Duật đã làm thơ To là Zin 3 cầu, khoẻ là Zin 3 cầu, đại đội có mình nó, nên quý như con đầu. Làm xong thì chép vào những mảnh giấy, đứng ra phát cho anh em trước khi qua cửa khẩu. Thơ đã có mặt với người  lính lái xe đúng theo kiểu Phạm Tiến Duật.
 Nhưng mà đó cũng là điểm lo nhất của Duật hiện nay. Bởi vì cứ như thế mà kéo thôi, người ta sẽ hoá một thứ nghệ nhân, xẩm, không biết mình ra sao. Hình như so với người đời, mình đã giỏi quá rồi! Hình như luôn luôn được hoan nghênh, và ai mà lại không sẵn sàng làm đúng như người ta đã hoan nghênh được?  Sự thỏa mãn sớm sủa của Duật thấy rõ nhất là qua một bài thơ có cái tên khá dài Chào những đoàn quân tuyên truyền Chào những đoàn quân nghệ thuật. Sau khi ca ngợi một hồi về cách làm nghệ thuật dễ dãi của các đơn vị phong trào  nhà thơ nâng lên khái quát:
Cứ thế cũng đã là nghệ thuật.
Chu nghe tôi kể bảo:
-- Thế thì không chơi với thằng này được nữa rồi.
-  Đừng tưởng thơ của những thằng hay chơi với nhau là giống nhau đâu, tôi nói thêm. Từ trong con người đã khác, khác nhiều. Những thằng như thằng Bằng Việt nói chuyện với nó lại thấy mình sáng láng lên một chút, đúng là một thứ thông minh kiểu trí tuệ.
Lối làm thơ của mỗi người khi mới viết hình như còn theo mãi người ta  về sau. Duật làm thơ, cũng như người đồng hương Nguyễn Đình Ảnh, lạ lắm. Duật kể, ngày xưa đi học, đọc sách Thư viện tỉnh Phú Thọ theo danh sách từ 1, 2... đến hết, lại đọc từ đầu. Trước khi làm thơ về nông nghiệp lo tìm các sách khoa học phổ biến như  sách về cây khoai lang, cây đỗ và cả  cây  lúa nữa, đọc kỹ các phần chi tiết và cả kỹ thuật gieo trồng. Đọc thêm sách về những vùng xa và cây cỏ các vùng ấy, như đọc báo Thống Nhất thì  chỉ cốt tìm bài nói về tỉnh Bà Rịa, cây Vú Sữa... Năm ấy, khi  Bài thơ cuộc đời được in ra, tôi nhớ Duật đọc rất kỹ, đọc xong chỉ khen Huy Cận làm thể thơ gì cũng giỏi, chỗ này trong bài này là học ca dao, chỗ kia là học thơ Đường v.v...( lúc ấy chúng tôi vừa học một chuyên đề thơ Đường với thầy Trương Chính). Duật hay lam nham mỗi thứ một tí. Còn học một chương trình cho đến đầu đến đũa thì rất lười, không bao giờ theo đề tài nào cho trọn vẹn.
Con người Duật nhẹ nhõm hóm hỉnh, thơ Duật rất hóm hỉnh.Cái cầu Vệt, Chú Lư phố khách – các bài ấy cùng một thứ tiểu xảo ngôn ngữ cốt gây ấn tượng.  Đúng hơn là nó biểu hiện một lý tưởng thẩm mỹ tầm thường, thích thú với những chi tiết ngồ ngộ. Ví dụ bài Chuyện lạ gặp trên đường hành quân. Mỗi dịp nhắc lại bài đó với các bạn, Duật đều khoe cái câu: “Dấu vết voi xưa vừa đi vừa đóng"
 – Các cậu thấy không, chữ đóng thì hay thật, hay quá còn gì nữa!
Duật yêu người, dễ tin người, giao việc gì cũng nhận và nghĩ mình làm được, cứ liều là xong. Hỏng việc thì bỏ đi và quên ngay.  Đi đến đâu  cũng gây ấn tượng ngọt ngào dễ chịu. Đi đến đâu cũng không chịu ngồi yên một chỗ mà mò đi chơi đủ hàng xóm chung quanh. Chiều người, chịu nghe người ta nói, lại còn làm thơ tặng người ta. Cái câu tiêu biểu sau đây là do một cô bé ở Đoàn Chèo kể với tôi. Vừa đón họ đến với Đoàn bộ 500, Duật đã õng ẹo:
- Tiếc quá, các cô mà vào đây sớm thì hôm qua  đã được gặp một đoàn bướm vàng rất lớn mấy năm nay đi sơ tán mới lại trở về.
  Duật cũng là ví dụ cho kiểu nghệ sĩ dễ dãi và hay quên. Có một cái bằng đại học cũng mang đi theo rồi vứt trên đường. Ở Cục vận tải, Duật có một cô yêu hờ là cô Liên. Cô ấy nhiều lần đến thăm Duật.  Một anh ở tuyên huấn vận tải kể, đúng là họ cũng khéo tìm nhau, cô kia chân đi đất, quần thủng buộc túm ống rơm v.v..
Tôi tự nhiên ngứa mồm bảo với các anh cơ quan: 
-- Thằng Chu nó về đây sau cũng được, nó đủ bản lĩnh để sống ở đơn vị mà không thành tỉnh lẻ. Thằng Duật, thằng Hoàng thì phải gọi ngay nó về, mới khá lên được. Không sợ Duật viết không ra. Chỉ lo Duật không viết được hay hơn nữa.

*** Đến đây tạm dừng phần nhật ký văn nghệ nửa đầu 1969. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ tướng 'được tư vấn sai' khi nói khó lấy bồi thường nếu khởi tố Formosa?



An Tôn
VOA - Các trang tin lớn của Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ cử tri Hải Phòng hôm 3/8. Tin cho hay nhiều cử tri “bày tỏ bức xúc” về việc một nhà máy của tập đoàn Formosa, Đài Loan, chưa chính thức vận hành đã xả chất thải độc hại ra biển ở Hà Tĩnh.

Một cử tri là Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, đưa ra lời cảnh báo rùng rợn rằng nếu nhà chức trách Việt Nam “không quan tâm đến môi trường”, sau 10 năm có thể sẽ “thấy quái thai hàng loạt ở các tỉnh ven biển”.

Cựu chiến binh Cải đề nghị thủ tướng cho biết việc cấp đất cho Formosa xây dựng nhà máy trong 70 năm là đúng hay sai. Ông Cải kiến nghị phải sửa luật nếu cần thiết và “phải xử lý người làm sai”.

Theo báo chí Việt Nam, Thủ tướng Phúc “khẳng định ý kiến của thiếu tướng Cải rất đúng, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp thu ý kiến này”.

Thủ tướng trả lời các cử tri rằng việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm ở Hà Tĩnh là đúng. Ông giải thích là luật hiện hành của Việt Nam “quy định nếu dự án có đầu tư lớn, ở vùng đặc biệt khó khăn với tổng vốn gần 11 tỉ đôla thì được ưu đãi”.

Riêng về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phúc khẳng định sai phạm của Formosa đã rõ. Ông tỏ ra kiên quyết khi nói rằng họ phải bị “xử lý nghiêm” và “nếu tái diễn thì đóng cửa”.

Báo chí cũng ghi nhận thủ tướng Việt Nam nói với các cử tri Hải Phòng rằng nhà chức trách không khởi tố vụ Formosa vì “nếu khởi tố thì 30 năm sau chưa đền bù được, lấy được tiền đền bù của họ rất phức tạp”.

Về lời phát biểu nêu trên của Thủ tướng Phúc, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho rằng trên thế giới có những vụ kiện về môi trường khác nhau, thời gian giải quyết khác nhau, song trong trường hợp cụ thể ở Hà Tĩnh, có thể không mất rất nhiều năm. Ông Hải nói với VOA:

“Tôi cho rằng là ông Phúc có thể đã nhận được sự tư vấn sai. Tôi nghĩ là có sự tư vấn sai của cái nhóm chuyên gia về pháp lý nào đấy đối với ông Phúc. Trong trường hợp này chính quyền Việt Nam có thể sử dụng tất cả các khả năng pháp luật của mình để yêu cầu Formosa bồi thường. Còn hiện nay vấn đề khởi tố vụ án hay không, thì tôi nghĩ rằng nếu đủ điều kiện thì phải khởi tố vụ án”.

Tuy nhiên, Luật sư Hải cũng chỉ ra rằng do Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam đang tạm hoãn áp dụng, nên hiện nay nhà chức trách không thể khởi tố vụ án đối với pháp nhân – tức là một công ty hay một tổ chức, mà chỉ có thể khởi tố đối với cá nhân, nhưng kể cả việc truy trách nhiệm cá nhân cũng không đơn giản. Ông Hải phân tích:

“Cá nhân là ai? Đây là một sự thật là xác định không dễ. Xác định người trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu hay là ông chủ gây ra? Nhưng ông chủ thì chịu trách nhiệm về dân sự. Nhưng nhà thầu thì chịu trách nhiệm trực tiếp về hình sự nếu là người gây ra [ô nhiễm]. Theo tôi hiểu, cũng là một mớ bòng bong cũng không dễ chấm dứt, cũng mất mấy năm ở Việt Nam”.

Mặc dù khó, vị luật sư vẫn cho rằng có thể khởi tố hình sự vụ án được vì vụ Formosa “có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, ngoài ra ông Hải cũng chỉ ra rằng theo luật Việt Nam, các tội liên quan đến môi trường có thể khởi tố mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Cuối tháng 6, chính phủ Việt Nam họp báo tuyên bố Formosa đã gây thảm họa ô nhiễm biển ở miền trung. Hãng này đã nhận trách nhiệm, đồng thời chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục.

Tuy nhiên, mới đây ngư dân Mai Thạnh ở Hà Tĩnh, một trong những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc, nói với VOA rằng ông chưa nhận được “bất kỳ khoản nào” từ số tiền vừa kể.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Hội chứng Bất ngờ & lỗi hệ thống


Nguyễn Quang Dy

Hình như nhiều người mắc phải “hội chứng bất ngờ”. Không biết họ bất ngờ thật hay giả, nhưng chuyện gì cũng “bất ngờ” và “ngạc nhiên”. Không biết vì họ vô cảm hay muốn vô can, nhưng hầu như đều vô tội nếu biết đổ lỗi cho người khác (hay cho hệ thống). Công chúng bức xúc tranh cãi ồn ào, nhưng bất lực nên rồi đâu lại vào đấy. Người ta chỉ để ý đến hiện tượng, chứ ít quan tâm đến bản chất và nguyên nhân thực sự (“lỗi hệ thống”).
Ví dụ: người ta “ngạc nhiên” vì bội chi ngân sách và nợ quá nhiều, vì các quan tham “ăn không chừa cái gì”, vì Formosa gây ra thảm họa môi trường làm cá chết, vì người dân biểu tình đòi minh bạch, vì dòng người và dòng tiền lũ lượt ra đi, vì máy bay Su 30MK và CASA 212 bị rơi tại Biển Đông, vì hackers tấn công mạng sân bay, v.v. Nhưng cũng “ngạc nhiên” khi có người khuyên “không nên khiêu khích, thách thức hacker nước ngoài”!
Vậy đâu là nguyên nhân? Phải chăng do ta khiêu khích, thách thức hacker nước ngoài? Hay do ta ủng hộ phán quyết của PCA nên “hacker lạ” tấn công? Muốn biết thủ phạm là ai không khó (không cần đến 3 tháng mới tìm ra Formosa). Đấy không phải là “suy diễn” mà là nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng ai muốn “đeo chuông vào cổ mèo”? Nếu nhầm lẫn (do vô tình hay cố ý) thì không biết hoặc không muốn thừa nhận thực tế (tức vô minh hoặc bất minh). Vì vậy, “hội chứng bất ngờ” là do “lỗi hệ thống”, hay do cái “bẫy ý thức hệ” (là nguyên nhân của mọi nguyên nhân) làm người ta lẫn lộn (hoặc sợ hãi) nên “ngạc nhiên” (hay giả bộ). Vô cảm thường do cực đoan, và cực đoan làm người ta vô cảm (và vô minh).
Huawei & ZTE: Con ngựa thành Troy?
Thực ra, các sự kiện trên không thực sự bất ngờ. Đằng sau các sự kiện đó đều có bóng dáng ông bạn vàng bốn tốt. “Hội chứng bất ngờ” là do “lỗi hệ thống”, làm người ta lẫn lộn nên chủ quan mất cảnh giác (do vô tình hay cố ý). Lỗ hổng an ninh là do hệ tư tưởng. Tại sao người ta để nhà thầu Trung Quốc xây trụ sở mới của Bộ Công An rồi không dám sử dụng (vì sợ rủi ro)? Tại sao người ta để nhà thầu Trung Quốc xây đường sắt trên cao Hà Nội-Hà Đông rồi bỏ dở? (vì không đảm bảo an toàn chất lượng, tuy giá tăng gấp đôi). 
Vấn đề là biết hay không biết. Nếu không biết là vô minh (khó lý giải). Nếu biết mà vẫn để xảy ra là bất minh (càng khó lý giải). Hãy lấy sự kiện hackers tấn công mạng sân bay vừa rồi làm  “case study” để minh họa “hội chứng bất ngờ” vì lỗ hổng an ninh là do “cái bẫy ý thức hệ”. “Thoát Trung” không phải một khẩu hiệu. “Con ngựa thành Troy” không phải là huyền thoại hay thuyết âm mưu, mà là sự thật hiện hữu tại Việt Nam. 
Người Việt không lạ gì tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE). Hai tập đoàn này đã được chính quyền Mỹ và nhiều nước khác cảnh báo vì các hoạt động gián điệp công nghệ cao. Ngày 8/12/2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ đã công bố một báo cáo đưa ra bằng chứng “Huawei và ZTE là hiểm họa an ninh” đối với Mỹ. Hạ nghị sỹ Mike Rogers (Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo) đã kêu gọi các công ty Mỹ tẩy chay hai tập đoàn này. Mỹ cho rằng Huawei là công cụ của Bắc Kinh trong cuộc chiến tình báo. Người sáng lập Huawei (ông Nhậm Chính Phi) là một cựu sĩ quan của quân đội Trung Quốc (PLA).
Năm 2010, khi Sprint Nextel nâng cấp hệ thống, Huawei đề nghị tham gia, sử dụng thiết bị SingleRAN để xử lý cùng lúc các tín hiệu 2G, 3G, WiMax, CDMA, GSM bằng một chiếc hộp (tiết kiệm được 800 triệu USD/năm). Nhưng Bộ trưởng Thương mại Gary Locke và Thượng nghĩ sỹ Jon Kyl đã trực tiếp can thiệp với với CEO của Sprint Nextel vì lý do an ninh quốc gia, nên cuối cùng họ đã chia gói thầu (5 tỷ USD) cho Ericsson, Alcatel và Samsung. Năm 2012, Chính phủ Úc không cho Huawei tham gia đấu thầu dự án mạng băng thông trị giá 37 tỷ USD, vì lý do an ninh quốc gia. Tháng 6/2016, Mỹ tiếp tục điều tra Huawei bị cáo buộc xuất khẩu thiết bị cho Syria, Iran, Sudan, Cuba, North Korea (vi phạm cấm vận). 
Nhưng tại Việt Nam, Huawei và ZTE rất thành công (như Formosa). Theo báo Nhịp cầu Đầu tư (29/4/2013) Huawei đã đánh bại Ericsson, Alcatel, Nokia, Siemens, France Telecom, Motorola để trở thành nhà thầu cung cấp hệ thống tổng đài, mạng lõi, các trạm thu phát sóng cho Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile, SFone, G-Tel. Họ cạnh tranh bằng phá giá, với “mức giá rẻ chưa từng có” (kèm theo quà cáp). Theo báo Thanh Niên (4/2013) có 6/7 hãng viễn thông Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, có 30.000 trạm phát sóng (BTS) của các nhà mạng sử dụng thiết bị của hai tập đoàn này.
Một phó Chủ tịch VNISA nhận xét “đây là mối lo về an ninh, an toàn cho hệ thống viễn thông trong cả nước”.  Nhưng ta đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng như thế nào? Có lẽ cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, hệ thống ngân hàng, chủ quyền biển đảo, và an ninh quốc gia. Chưa có một cơ chế liên ngành nào được lập ra để kiểm soát rủi ro về an ninh (như Huawei và ZTE). Chính phủ không hành động, Quốc Hội cũng không lên tiếng. Mạng thông tin của Quốc Hội và Chính phủ chưa chắn an toàn. Trong thế giới phẳng này, chẳng nơi nào an toàn (kể cả Mỹ). Nhưng nếu không làm gì để kiểm soát rủi ro và ngăn chặn tai họa, thì không phải chỉ sân bay mới có “Virus thành Troy”.  
Nhóm 1937CN: Thủ phạm hacking?
Chiều tối 29/7/2016, mạng thông tin của hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị hackers tấn công và tê liệt trong vài giờ. Hệ thống màn hình hiển thị thông tin và phát thanh tại sân bay, và mạng chính thức của Vietnam Airlianes đã bị chiếm quyền kiểm soát, với hình ảnh và ngôn ngữ có nội dung kích động chống Việt Nam và Philippines. Hơn 100 chuyến bay đã bị chậm, và hơn 400.000 dữ liệu của hành khách đã bị hackers thu thập và tung lên mạng, với hơn 90Mb dữ liệu trong file excel (theo một Facebooker).
Các chuyên gia bảo mật đã phát hiện dấu vết của nhóm 1937CN, và website 1937cn.net là một trang mạng hacker của Trung Quốc. 1937CN là nhóm hacker nổi tiếng và mạnh nhất Trung Quốc, xếp thứ nhất với 36.820 cuộc tấn công đã thực hiện. Website này đã thống kê 32.484 cuộc tấn công tại các nước láng giềng của TQ (trong đó có VN). Theo trang SecurityDaily, tháng 8/2013, nhóm 1937CN đã tấn công vào hệ thống máy chủ DNS của Facebook.com.vn và thegioididong.com. Tháng 5/2014, nhóm 1937CN đã tấn công hơn 200 websites của Việt Nam và để lại những lời nhắn và hình ảnh khiêu khích.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống mạng của Vietnam Airlines bị tấn công. Ngày16/6/2016, đài không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm sóng 18 phút. Trang chủ của Vietnam Airlines đã phải thay đổi giao diện, và thông tin trên mạng ghi rõ trang này đã bị 1937CN tấn công. Nếu hackers có thể xâm nhập vào hệ thống thông tin ở sân bay thì chúng cũng có thể xâm nhập hệ thống đảm bảo an toàn bay (như đã xảy ra trước đó). Theo báo Lao Động, “Hàng không Việt Nam đã chủ động đánh sập hệ thống điều hành liên quan đến an toàn bay để không bị hacker tấn công”. Đó là một cách giải thích vụng về, chứng tỏ Vietnam Airlines bất lực, không bảo vệ được mạng điều hành trước tin tặc tấn công.

Trong dịp tiếp xúc với cử tri sau kỳ họp Quốc Hội vừa qua, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tấn công mạng là “hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường … Chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa”. Theo nhận định của các chuyên gia mạng, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng, “nhưng ý thức phòng ngừa của chúng ta chưa đầy đủ”.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn thừa nhận trước khi tin tặc tấn công 2 giờ, VNCERT đã phát đi cảnh báo số 1 yêu cầu kiểm tra và xử lý sự cố mã độc khẩn cấp. Ông Tuấn nói các nhà mạng lớn ở Việt Nam đều sử dụng thiết bị Trung Quốc, và các thiết bị đó có thể có vấn đề (nhưng không nên suy diễn). Cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng tin tặc tấn công làm Việt Nam “giật mình” và phải lường trước những vụ còn nghiêm trọng hơn. Ông Thuyết cũng nói việc các cơ quan nhà nước và người dân sử dụng quá nhiều phần mềm, thiết bị máy tính và hệ thống mạng do Trung Quốc sản xuất là một nguy cơ lớn. 
Nếu nhóm 1037CN thực sự là thủ phạm thì đó vẫn chưa phải là nguy cơ lớn nhất (the worst is yet to come). Có lẽ nhóm này chỉ là hackers “dân quân”, trong khi “Nhóm Thượng Hải” (đơn vị 61398) mới là lực lượng hackers “chủ lực”. Vậy đằng sau 1037CN là ai? Có liên quan đến đơn vị 61398 không? Có liên quan gì đến các thiết bị của Huawei và ZTE không? Tuy 1037CN đã lên tiếng phủ nhận, nhưng có nhiều dấu hiệu nhóm này từ lâu đã xâm nhập vào hệ thống mạng của Việt Nam, tuy chưa biết ai đứng sau nhóm này.  

Đó là một số vấn đề có liên quan mà chắc các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục An ninh Mạng cần quan tâm làm rõ, để có biện pháp đối phó kịp thời. Trong bối cảnh xung đột lợi ích quốc gia tại Biển Đông, bảo vệ an toàn không gian mạng quan trọng không kém bảo vệ không phận và hải phận. Sự kiện hackers tấn công mạng tại các sân bay có thể là một đòn cảnh cáo và đe dọa (sau phán quyết của PCA). Trước Đại Hội Đảng, không gian mạng và không phận Việt Nam cũng đã từng bị “máy bay lạ” và “tin tặc lạ” xâm nhập. 

Tấn công mạng là dấu hiệu của chiến tranh mạng, như một phần của thế trận “cờ vây” và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông. Trong chiến tranh hiện đại, chiến tranh mạng ngày càng quan trọng. Nó có thể diễn ra âm thầm hay ồ ạt, bất cứ lúc nào, thậm chí trước khi xảy ra xung đột. Nó có thể gây ra những tổn thất không thể lường trước, cả về tâm lý và phương tiện vật chất.

Chiến tranh mạng có thể được định nghĩa một cách đơn giản là “một hành động thù địch trong không gian mạng (cyberspace) có thể gây tổn thất lớn hơn hoặc tương đương với hậu quả của một hành động vũ lực lớn”. Thường có 4 loại nguy cơ tấn công mạng có thể đe dọa an ninh quốc gia: Chiến tranh mạng (cyber war) và tình báo kinh tế (economic espionage) mà chủ thể là nhà nước; Tội ác mạng (cyber crimes) và khủng bố mạng (cyber terrorism) mà chủ thể thường là các tổ chức phi nhà nước (non-states).

Theo giáo sư Joe Nye (“Cyber War and Peace”, Project Syndicate, April 10, 2012), việc phân tán quyền lực khỏi vai trò chính phủ là một trong những biến đổi về chính trị lớn nhất trong thế kỷ này, và không gian mạng là một ví dụ rõ nhất. Việc phụ thuộc vào các hệ thống mạng phức tạp để hỗ trợ các hoạt động quân sự và kinh tế đã tạo ra tình trạng dễ bị tổn thương của các nước lớn mà các nước nhỏ hay tổ chức phi nhà nước có thể lợi dụng. Chiến tranh mạng có vai trò ngày càng quan trọng trong xung đột lợi ích Trung-Mỹ. Các chuyên gia quân sự thường lo ngại về một trận tấn công “Trân Châu Cảng trên mạng”. 

Đơn vị 61398: Bất ổn Trung-Mỹ?

Theo báo New York Times (19/2/2013), công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đã công bố một báo cáo chứng minh đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc (PLA) đã điều hành nhóm hackers mang tên Nhóm Thượng Hải. Trong 6 năm qua, nhóm này đã tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu của 141 tổ chức và công ty, thuộc 20 lĩnh vực trong đó có các nhà thầu quân sự, công ty khai khoáng, viễn thông, hóa chất, chủ yếu ở Mỹ và một số nước. Chính phủ Mỹ đã khởi động một chương trình phòng chống tin tặc mạnh mẽ.  
Báo cáo cho biết trụ sở của đơn vị 61398 là một tòa nhà 12 tầng ở ngoại ô Thượng Hải (trên đường Datong ở Pudong). Đây là một phần của “nhóm APT1”, một trong hơn 20 nhóm APT xuất xứ từ Trung Quốc. Đơn vị 61398 trực thuộc Cục 3 và Cục 4 chuyên về chiến tranh mạng của PLA, hoạt động theo lệnh của chính phủ Trung Quốc, có tên gọi chính thức là Văn phòng 2 của Cục 3, thuộc Bộ Tổng tham mưu PLA.
Các chuyên gia tình báo Mỹ cho biết đơn vị 61398 là lực lượng nòng cốt của bộ máy gián điệp mạng của Bắc Kinh. Các nhóm hackers tinh vi nhất làm việc tại 61398. Theo báo New York Times, sự tồn tại của đơn vị 61398 trong quân đội TQ được xem là một bí mật quốc gia. Đơn vị 61398 không hề tồn tại trong các văn bản chính thức.
Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Mike Rogers (Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện) khẳng định những phát hiện của Mandiant “hoàn toàn nhất quán với các hoạt động mà Ủy ban đã theo dõi trong thời gian qua”. Ông cảnh báo nếu Mỹ không phản ứng mạnh, các tin tặc Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công. Nhóm này thường sử dụng cùng mã độc, tên miền web, địa chỉ IP và các công cụ kỹ thuật hacking để tấn công. Điểm xuất phát của các vụ tấn công là khu vực gần Phố Đông, Thượng Hải, ngay chính tại trụ sở của đơn vị 61398.
Năm 2011, nhóm này đã tấn công hãng RSA đang cung cấp dịch vụ bảo vệ dữ liệu mật cho nhiều doanh nghiệp và chính phủ Mỹ. Từ dữ liệu lấy cắp được của RSA, nhóm này đã xâm nhập vào mạng máy tính của Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin. Theo Mandiant, các nhân viên của 61398 có khả năng sử dụng tiếng Anh rất tốt vì các mục tiêu của họ đa số ở Mỹ. Nạn nhân mới đây gồm các công ty Westinghouse Electric, US Steel, Alcoa, Allegheny Technologies, SolarWorld và Công đoàn ngành thép Mỹ.
Trong Thông điệp Liên bang (12/2/2013), Tổng thống Obama đã đề cập đến mối lo ngại bị tin tặc TQ tấn công, “Chúng ta biết các quốc gia và các công ty nước ngoài ăn cắp các bí mật doanh nghiệp của chúng ta. Giờ đây, kẻ thù của chúng ta đang tìm cách phá hoại mạng lưới điện, các tổ chức tài chính và các hệ thống kiểm soát không lưu của chúng ta. Chúng ta không thể nhìn lại những năm qua và tự hỏi tại sao chúng ta đã không làm gì cả”.
Mandiant ước tính rằng đơn vị 61398 sở hữu hơn 1.000 máy chủ, sử dụng vài trăm đến hàng ngàn nhân viên. Đơn vị được sử dụng hạ tầng cáp quang đặc biệt do doanh nghiệp nhà nước China Telecom cung cấp cho các đơn vị quốc phòng. Mandiant tin rằng đơn vị 61398 chỉ là một trong hơn 20 nhóm hackers có nguồn gốc từ Trung Quốc.  
Hãng an ninh Dell SecureWorks cho rằng đơn vị 61398 đã thực hiện chiến dịch gián điệp máy tính mở rộng Operation Shady RAT (bị phát hiện năm 2011). Trong suốt 5 năm, các tin tặc khoác áo lính Trung Quốc này đã xâm nhập hơn 70 tổ chức, bao gồm Liên Hiệp Quốc, các cơ quan chính quyền Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan...

Theo báo South China Morning Post (20/7/2015), thành viên của Đại học Jiaotong (Thượng Hải) bị phát hiện có liên hệ với đơn vị 61398. Chưa có chứng cứ là trường đại học này tham gia các hoạt động hacking của 61398, nhưng các thành viên của Khoa Kỹ sư An ninh Thông tin (SISE) thuộc trường này đã làm việc với các hackers của PLA.

Thay lời kết

Chiến tranh mạng (cyber warfare) là một cuộc chiến tranh phi truyền thống (unconventional), mà chủ thể là quốc gia (states) hoặc phi quốc gia (non-states). Phương tiện chiến tranh có thể là những con chip do thám nhỏ bé nhưng tinh vi, ngày đêm âm thầm ăn cắp, thay đổi các dữ liệu. Tuy nhỏ bé, nhưng nó có thể gây ra những thảm họa khủng khiếp, mà sự tàn phá của nó có thể còn lớn hơn bất cứ loại vũ khí thông thường nào khác.

Trong chiến tranh mạng, nước lớn hay bé không quan trọng, mà yếu tố quyết định là công nghệ cao và quản trị giỏi. Nếu quốc gia nhỏ yếu không muốn bị cường quốc lớn hơn bắt nạt, thì phải liên minh với cường quốc mạnh hơn để làm đối trọng, và để hợp tác toàn diện, trong đó có công nghệ cao và an ninh mạng. Lẽ ra Việt Nam không thua kém Trung quốc về công nghệ cao và an ninh mạng. Lỗ hổng về an ninh mạng là do lỗi hệ thống về hệ tư tưởng và tầm nhìn chiến lược, nên làm cho “hội chứng bất ngờ” càng thêm trầm trọng.  

NQD. 3/8/2016


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHUỘT



Loài chuột có tự bao giờ
Mà màu lông phủ bụi bờ mùa đông
Gan thì có mật thì không
Mực Tàu chấm mắt đuôi trông rõ dài
Đào hang khoét ổ kỳ tài
Sinh con đẻ cái đúng bài trời ban
Chuột là chúa tể trần gian
Chỉ đôi hàm gặm mà tan đất trời
Máu tham dồn chặt mấy đời
Cháy nhà phơi mặt bõ thời đỏ đen
̃

Phần nhận xét hiển thị trên trang