Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Đừng dạy học sinh "nói dối" nữa


TTO - Viết về nhân vật A phải “cao cả”, tả về cô giáo nhất định phải dáng thon, tóc dài…Học sinh không dám đánh cược cảm xúc thật sự với điểm số trong kì thi quan trọng.
Đừng dạy học sinh "nói dối" nữa
Phổ điểm môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015
Kì thi THPT quốc gia 2015 tiếp tục cho ra đời nhiều bài văn lạ của học sinh.
Nhiều người bật cười vì lời văn ngô nghê, hoặc thở dài trước những câu văn công nghiệp, rập khuôn, mười bài như một. Bên cạnh đó là cách thể hiện cảm xúc của học sinh trong những câu nghị luận xã hội na ná nhau, không có chính kiến và tính phản biện.
Nhiều ý kiến đề nghị: "Đừng biến môn Văn thành môn tập chép. văn mẫu làm học sinh nói dối, khiến các em "tự nhiên" với những lời "nói dối" trong tương lai".
Cảm xúc đánh cược với điểm số, ai dám?
“Nhiều khi cũng muốn viết theo những gì bản thân nghĩ nhưng mà viết kiểu đó thì điểm không cao nên thành ra phải viết theo dàn ý có sẵn. Nhất là đi thi tốt nghiệp, nhỡ viết sai so với đáp án bị điểm liệt thì ai chịu trách nhiệm?”, bạn Ngọc Hân (17 tuổi, Nha Trang) nói.
Phụ huynh Thu Hương kể: Con tôi học lớp 12, cô giáo môn văn bắt buộc trong bài luận phải mang ý tưởng của cô thì mới có điểm, con tôi  phát biểu "văn là cảm xúc mà cô" liền bị cho điểm 3 không thương tiếc (dù cháu là học sinh giỏi văn 11 năm).
Bạn Bảo Bình (Đồng Nai) chia sẻ một câu chuyện mà bạn nhớ mãi về môn văn lớp 7 của mình: Cô giáo ra đề: “Theo em, điều gì là quý giá nhất trong cuộc sống, hãy chứng minh”. Sau đó cô hỏi ý kiến cả lớp, nhiều ý kiến đưa ra như sức khỏe, lúa gạo, tiền bạc, hạnh phúc, tự do…Nhưng cuối cùng cô giáo chốt lại “theo cô, sức lao động là quý nhất”. Sau đó cả lớp 42 học sinh đều làm bài “sức lao động là quý nhất” theo ý cô giáo.
Thầy Nguyễn Thanh Huy, dạy văn tại trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng trước áp lực thi cử phải có điểm số, nhất là kì thi quan trọng như tốt nghiệp, không học sinh nào dám đem những xúc cảm cá nhân thật sự vào bài thi nếu điều đó làm ảnh hưởng đến điểm số của mình.
“Đối với những bài viết trong lớp, học sinh có thể sáng tạo thoải mái, nhưng trước những kì thi quan trọng, giáo viên đều phải hướng dẫn học sinh những cách thức cơ bản nhất để bài làm đúng đáp án và đạt được điểm số cao”, thầy Huy chia sẻ.
Học văn hay học photocopy?
Nhiều học sinh thừa nhận, sau 12 năm học, đa số các em được học theo văn mẫu là chính.
Thầy Nguyễn Thanh Huy cho rằng thực trạng học sinh dần xa lánh, đôi khi sợ hãi môn văn xuất phát từ việc các em không được bày tỏ cảm xúc thật sự của mình. Việc phải thể hiện quan điểm theo cách nhìn có sẵn làm cho các em chán ngán, từ đó biến mình thành những cỗ máy tập chép và photo cảm xúc cho an toàn.
Cô Hồ Khánh Vân, giảng viên ngành Văn học ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng, lỗi một phần thuộc về giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên dạy văn vẫn theo tư duy mình được học phổ thông đem dạy lại cho học sinh, đi theo lối mòn và lười sáng tạo.Thậm chí nhiều đồng nghiệp của cô Vân cũng ít cho học sinh bày tỏ quan điểm riêng mà vẫn chủ yếu theo ý kiến có sẵn trong sách hướng dẫn và giáo viên xem đó là căn cứ đánh giá, chấm điểm.
Học sinh cũng theo đó mà thụ động, không tư duy, ít chịu bày tỏ ý kiến của mình về tác phẩm hay vấn đề xã hội mà phần nhiều chọn cách làm theo hướng dẫn của thầy cô để hoàn thành bổn phận.
Cô Hồ Khánh Vân đánh giá hệ thống giáo dục đang gặp nhiều vấn đề nhưng chưa có những giải pháp triệt để.
Chương trình giảng dạy còn nặng nề, giáo viên và học sinh phải tải mấy chục tác phẩm trong một năm với thời lượng ít ỏi, không đủ để các em tìm hiểu và yêu thích tác phẩm.
Học sinh ít có sự lựa chọn tác phẩm văn học mình yêu thích để phân tích và tìm hiểu mà phải theo những tác phẩm có sẵn trong sách giáo khoa.
Cô Khánh Vân cho rằng trong những năm qua dù cách ra đề và chấm thi đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa triệt để và đạt được những hiệu quả như mong muốn. Mọi thứ vẫn còn đang lẩn quẩn trong chuyện đọc - chép và cách tư duy sáo mòn của việc cảm thụ môn văn.
Đừng dạy học sinh "nói dối" nữa
Sĩ tử Nghệ An ra về sau khi làm xong phần thi môn văn tại điểm thi Trường ĐH Vinh, Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa
Tương lai nào cho môn văn?
Một cô giáo dạy văn hơn 20 năm (giấu tên) chia sẻ rằng những năm qua, đề thi có đổi mới theo hướng mở nhưng cách chấm vẫn theo những barem gợi ý có sẵn, thậm chí với cả nghị luận xã hội.
Học sinh không thể nào làm khác đi. Có thể các em có những suy nghĩ khác nhưng cuối cùng vẫn chọn phương án an toàn.
Bản thân giáo viên, đôi khi rất muốn hướng học sinh tư duy sáng tạo, nhưng họ không thể vượt ra khuôn khổ. "Mình dạy học trò làm khác đi, đến khi thi, các em bị điểm thấp thì giáo viên làm sao gánh trách nhiệm", cô giáo này chia sẻ
Thầy Nguyễn Thanh Huy đề xuất hãy để cho giáo viên và học sinh được tự do lựa chọn tác phẩm văn học yêu thích và cùng tìm hiểu về nó. Bộ GDĐT chỉ cần ra định hướng, phân chia từng mốc thời gian trong năm giáo viên sẽ giảng dạy những đề tài nào (ví dụ văn học lãng mạn, yêu nước…), việc còn lại hãy để giáo viên và học sinh thoải mái trong việc bày tỏ cảm xúc, nhìn nhận, đánh giá tác phẩm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết những đổi mới trong giáo dục đối với môn văn chủ yếu là bồi dưỡng khả năng ngữ văn sẵn có của học sinh và thứ hai là đào tạo nhân cách.
Chúng ta đang hướng cho học sinh thể hiện tư duy văn chương theo cảm nhận có chiều sâu và sáng tạo, khuyến khích tính trung thực trong nhìn nhận và đánh giá vấn đề.
Tuy nhiên qua quá trình chấm thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, PGS.TS Đoàn Lê Giang vẫn nhìn nhận, thực trạng chưa được cải thiện nhiều. 
Học trò là sản phẩm của giáo dục, của nhà trường, thế nên trách nhiệm phải thuộc về giáo dục, giáo viên, những người làm công tác quản lý.
Ông Giang nhấn mạnh hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi toàn diện và sâu sắc hơn nữa, cần những đổi mới mang tính thực chất để thay đổi thật sự chất lượng giáo dục. 
Và riêng với môn văn, phải làm sao để các em yêu văn và cảm nhận văn học sâu sắc, tự nguyện chứ không phải thái độ học đối phó và sợ môn Văn như hiện nay.
Mời bạn đọc nghe các ý kiến phát biểu:
>> PGS.TS Đoàn Lê Giang
 
>> Cô Hồ Khánh Vân
 
>> Cô giáo dạy văn
 
>> Thầy Nguyễn Thanh Huy
 
 
VÕ HƯƠNG - MINH MẪN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tội phạm chữ nghĩa và tiếng nói của hội đoàn dân sự


Vụ cơ sở in lậu Huy Thi thắng kiện First News - Trí Việt ở tòa dân sự khiến giới làm sách hoang mang.
   Tranh luận xung quanh chuyện hình sự hóa các hoạt động kinh doanh liên quan luật Hình sự 2015 tiếp tục nóng lên. Lần này là quan ngại của giới xuất bản liên quan đến Điều 344 về các hành vi trong hoạt động xuất bản được quy định là tội danh hình sự.
Tôi không đi sâu vào khía cạnh pháp lý, nhưng một điểm trong phát biểu của ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, lại cho thấy rất nhiều vấn đề về chuyện tham vấn, góp ý trong quá trình làm luật hiện nay. 
Ông Hoàng nói rằng ông đã ở Hội xuất bản được hai năm, cũng là khoảng thời gian luật được soạn thảo. Nhưng trong khoảng thời gian đó, Hội của ông và những người làm nghề xuất bản không ai được hỏi ý kiến về các quy định này. Chỉ đến khi luật ra rồi, tất cả mới hốt hoảng khi thấy quyền và lợi ích trực tiếp của mình bị đụng chạm. 
Nhiều năm theo dõi chuyện làm luật của Quốc hội, tôi hoàn toàn chia sẻ với câu chuyện của ông Hoàng; bởi giai đoạn lấy ý kiến các bên bị tác động bởi luật – một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quy trình xây dựng luật, trước nay vẫn được thực hiện rất kém. Có cả những nguyên nhân do quy trình kỹ thuật, và có cả những nguyên nhân do tính thiếu trách nhiệm của bên soạn thảo; lẫn có trách nhiệm đến từ tính thụ động của chính các nhóm tổ chức xã hội, hội đoàn. 
Thứ nhất, xưa nay các bộ ngành soạn thảo thường đưa văn bản dự thảo để góp ý khi nội dung chính sách đã được viết thành quy phạm luật, dưới ngôn ngữ của các điều luật. Phải nói thật, để góp ý được cho văn bản hàng trăm trang, ngôn ngữ thuần túy là chuyên môn pháp lý, các luật sư, các chuyên gia cũng còn toát mồ hôi nói gì đến người dân bình thường. 
Thứ hai, ngay cả đối với các chuyên gia, việc theo dõi góp ý cũng không hề dễ dàng, do ban soạn thảo, trong quá trình làm việc phải thường xuyên cập nhật các bản dự thảo, nhưng họ lại hiếm khi thông tin rộng rãi những thay đổi này. Trang dự thảo online của quốc hội và website của bộ ngành, nơi được yêu cầu đăng tải dự thảo luật, thường chỉ đưa lên một, hai bản dự thảo đầu tiên. Còn các dự thảo đã được cập nhật, sửa đổi tiếp theo thì hầu như không được đưa lên web. Thế nên chuyện chuyên gia, luật sự bị việt vị vì góp ý trên bản cũ, rồi bị ban soạn thảo "giễu" là chuyện thường. 
Thứ 3, các hội đoàn (như Hội xuất bản chẳng hạn), các tổ chức xã hội dân sự đáng lẽ ra là các tổ chức đóng vai trò đại diện cho quyền lợi các nhóm người dân. Họ hiểu rõ quyền và lợi ích, tình hình thực tế và các vấn đề của hội viên. Họ có nguồn lực kỹ thuật, am hiểu chuyên môn để có thể góp ý trong quá trình làm luật. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, vai trò các hội đoàn vẫn bị xem nhẹ, ít khi được các cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin hoặc được mời tham gia vào các cuộc họp lấy kiến. 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính ngay bản thân các hội đoàn, các tổ chức cũng không vô can trong chuyện này; bởi họ nhiều lúc cũng rất bị động trong câu chuyện tham gia góp ý. Nếu cánh cửa bên phía Nhà nước có đóng, đáng ra, họ cần phải chủ động đến gõ cửa và đòi vào, vì quyền được vào là quyền lợi đã ghi vào luật. Đằng này nhiều tổ chức, thấy bên phía Nhà nước khép cửa, họ cũng lẳng lặng lờ đi trách nhiệm đại diện của mình. Sự thụ động đó cho thấy nhiều hội đoàn, hiệp hội hoạt động vẫn còn dáng dấp của một cơ quan hành chính nhà nước chứ chưa phải là một tổ chức thực sự bắt rễ từ nhu cầu của các nhóm người dân. 
Tuy nhiên, điều lạc quan là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã mở ra một cánh cửa quan trọng để các bên tham gia dễ dàng hơn vào quá trình làm luật. Luật mới phân tách giai đoạn xây dựng chính sách thành giai đoạn riêng – tách khỏi giai đoạn làm quy phạm (viết các điều luật dưới ngôn ngữ pháp lý). Nghĩa là các cơ quan soạn thảo phải đưa ra vấn đề chính sách và giải pháp chính sách trước, tham vấn và giải quyết xong việc soạn chính sách, lúc đó mới chuyển sang giai đoạn quy phạm hóa. Về mặt kỹ thuật, đọc, hiểu và góp ý các nội dung chính sách sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với góp ý khi chính sách đã được viết dưới ngôn ngữ quy phạm. 
Một cánh cửa nữa, rất cần phải được mở tiếp, đó là Luật về hội - món nợ nhiều năm mà Quốc hội vẫn chưa trả được cho người dân. Một đạo luật thông thoáng và cởi mở về hội cần gấp rút ban hành để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội dân sự.
Tuy nhiên cũng không thể chờ cửa mở hết, các hiệp hội, các tổ chức – những người đại diện cho quyền và lợi ích của các nhóm người dân đừng nên ngồi chờ phía Nhà nước mời mới đến. Chính bản thân họ phải chủ động tìm đến, gõ cửa và đòi vào. Nếu không, cảnh luật ra rồi mới bổ ngửa la làng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. 
Nguyễn Quang Đồng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quốc hội nên giành lại 'quyền lập pháp' từ Chính phủ


   Khi các bộ luật có vai trò hướng dẫn và tạo không gian cho nền kinh tế vận hành không thực sự hiệu quả và rõ ràng, nó có thể khiến cho các nỗ lực cải cách kinh tế gặp nhiều lực cản và khó có thể đạt được hiệu quả
Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua dường như đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán, khi chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 3 tháng) nó đã động đến một trong những vấn đề cốt lõi nhất đối với mọi cuộc cải cách: nền tảng pháp luật và chính sách. Đã xuất hiện khá nhiều động thái mang ý nghĩa đặt lại vấn đề về sự cần thiết, hiệu quả và phù hợp của các quy định, điều luật và thậm chí là cả một số bộ luật nữa. Khi các bộ luật có vai trò hướng dẫn và tạo không gian cho nền kinh tế vận hành không thực sự hiệu quả và rõ ràng, nó có thể khiến cho các nỗ lực cải cách kinh tế gặp nhiều lực cản và khó có thể đạt được hiệu quả. Thủ tướng đã tuyên bố mục tiêu của Chính phủ là hướng tới một chính phủ kiến tạo và phục vụ thay vì chú tâm vào quản lý như trước. Nhưng, Chính phủ chỉ có thể được giữ vai trò kiến tạo và phục vụ chỉ khi nào có một Quốc hội kiến tạo và phục vụ trước đã.
Không phải là một sự ngẫu nhiên, khi trong thời gian qua các nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ và các cơ quan quản lý có xu hướng chuyển dần sang các vấn đề về hiệu quả chính sách và pháp luật trong nền kinh tế, lại diễn ra cùng lúc với việc xuất hiện những tiếng nói phản biện về chất lượng và hiệu quả ban hành luật của Quốc hội. Ngoài một số sự cố như dự thảo Luật Hình sự 2015 được một số vị đại biểu Quốc hội gọi là một thảm họa lập pháp khi có tới gần 100 lỗi sai trong một bộ luật có phạm vi ảnh hưởng lên toàn bộ người dân Việt Nam; thì chất lượng các quy định, điều luật và thậm chí cả một số bộ luật trong lĩnh vực kinh tế cũng đang bị đặt một dấu hỏi lớn về chất lượng và hiệu quả trong thực tế. Những sự kiện như hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả thi hành Luật mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Văn phòng chính phủ tổ chức đã có tới 50 trong số 150 quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh cần sửa đổi theo phản ánh của các doanh nghiệp; hoặc những tiếng nói đề xuất hủy bỏ Luật Đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua, là những dấu hiệu khá rõ rệt cho thấy một thực tế, đó là chất lượng và hiệu quả làm luật đang tác động trực tiếp và rất lớn đối với những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ.
Một thực tế đáng lưu ý đối với chương trình cải cách kinh tế của Việt Nam hiện nay, đó là chất lượng và hiệu quả lập pháp đang không theo kịp với chương trình cải cách kinh tế diễn ra trong thực tế. Các quy định, điều luật và thậm chí là một số bộ luật ra đời với chất lượng chưa thực sự hiệu quả đối với các bộ phận kinh tế mà nó quy định, trong khi lại thiếu một cơ chế đánh giá hiệu quả thi hành khi một bộ luật ra đời trung bình phải mất tới 4-5 năm mới có báo cáo đánh giá hiệu quả trên thực tế và khi đó mới bắt tay vào sửa chữa. Ngoài ra, những yêu cầu liên quan đến việc hủy bỏ một số bộ luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng đang có dấu hiệu diễn ra chậm trễ và không thực sự hiệu quả. Điển hình cho tình trạng này là đề xuất hủy bỏ Luật Đầu tư hiện đang được khá nhiều chuyên gia và nhà phân tích ủng hộ.
Luật Đầu tư khi ra đời năm 2005 được xem là công cụ cần thiết để các cơ quan quản lý sử dụng để gây sức ép với các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO, nên những điểm bất hợp lý và gây rắc rối trong môi trường đầu tư của nó được xem là điều cần thiết. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết các cam kết với WTO đã được Việt Nam thực hiện hết, thì về lý thuyết Luật Đầu tư đã không còn chức năng và hiệu quả trên thực tế nữa. Thay vì được hủy bỏ như một bộ Luật đã hết hạn sử dụng, thì những quy định rối rắm vốn ban đầu để quản lý các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình của nó lại đang bị một số cơ quan quản lý sử dụng để chèn ép, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.
Sự liên quan và tác động trực tiếp của quá trình lập pháp đến các nỗ lực cải cách nền kinh tế vì thế đang đặt ra một yêu cầu lớn đối với Quốc hội Việt Nam, đó là làm cách nào để tốc độ và hiệu quả của quá trình lập pháp theo kịp được với những nỗ lực cải cách về kinh tế. Rõ ràng, quy trình lập pháp hiện nay về bản chất đang tỏ ra không còn phù hợp với các yêu cầu thực tế nữa, nhất là yêu cầu ban hành các bộ luật có thể tạo ra không gian mở cần thiết cho các cải cách trong lĩnh vực kinh tế của Chính phủ.
Trước hết, dù là cơ quan lập pháp nhưng Quốc hội hiện nay lại không giữ vai trò cơ quan soạn thảo dự luật, mà lại do Chính phủ mà cụ thể là các bộ thực hiện. Điều này dẫn tới rất nhiều hệ lụy, trước hết là các dự thảo luật do các bộ thực hiện thường ít chi tiết và thiếu rõ ràng để có thể điều chỉnh hành vi kinh doanh và đầu tư ngay trong luật, khiến cho xuất hiện tình trạng cần phải có thông tư và nghị định hướng dẫn. Đây lại là khoảng trống để nhiều bộ ngành cài cắm các lợi ích riêng của mình, mà điển hình là khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh trái phép do các thông tư của nhiều bộ ban hành trong nhiều năm qua và chỉ mới được gỡ bỏ cách đây một tháng, gây ra những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do Quốc hội hiện đang thiếu hụt số lượng các đại biểu chuyên trách cũng như các nhóm chuyên gia có thể phản biện độc lập các dự luật. Nói cách khác, quá trình lập pháp của chúng ta hiện nay đang có nhiều kẽ hở, cả trong bước soạn thảo dự luật lẫn bước đánh giá, kiểm định và thông qua luật.

Không chỉ thiếu các đại biểu có thể soạn thảo luật, cũng như các đại biểu chuyên trách và nhóm chuyên gia phản biện các dự luật, mà quy trình lập pháp hiện nay cũng đang hạn chế khá nhiều quyền tham gia và phát biểu ý kiến của các đại biểu quốc hội đối với việc đánh giá và thông qua các bộ luật. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì các đại biểu quốc hội nếu không phải là Ủy viên UBTVQH thì rất ít có cơ hội để tham gia ý kiến, nhiều hoạt động có liên quan thẩm tra thì không được tham dự. Ngay cả đại biểu chuyên trách ở Trung ương cũng hiếm khi được mời tham dự những hoạt động này. Trong khi đó nhiều đại biểu tâm huyết có ý kiến tham gia thì cũng không có cơ hội, nhiều khi xin tài liệu cũng không có.
Rõ ràng là đã đến lúc Quốc hội cần thực hiện thực sự vai trò và chức năng của mình là soạn thảo dự luật và đánh giá thông qua luật, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào các bộ của Chính phủ. Nền kinh tế chỉ có thể cải cách và tăng tốc, và chính phủ chỉ có thể giữ vai trò kiến tạo và phục vụ khi nhiệm vụ soạn thảo luật không còn được giao cho các bộ trong Chính phủ nữa, mà thuộc về Quốc hội. Chỉ khi nào quá trình lập pháp và hành pháp ít nhất phải độc lập và tách rời nhau, thì khi đó tốc độ và hiệu quả ban hành luật mới có thể theo kịp được các nỗ lực cải cách về kinh tế. 
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bô-xít Nhân Cơ: Từ sự cố vỡ đường ống hóa chất, cần đề phòng 'quả bom' môi trường


Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa. Ảnh: Đoàn Yến.
   Sáng 23/7, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao.
Chính quyền chưa báo cáo?
Sáng 23/7, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Khi thấy cá trên suối Đắk Dao chết, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn.
Ông Phan Diệu Anh, một trong những người phát hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với bình thường, nước đục, có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ… Tiếp xúc thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước, chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng ra; Những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp lên như bỏng nước sôi”.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, đến ngày 31.7, đã có hàng chục người dân ở dọc suối Đắk Dao bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện vẫn chưa nhận được báo cáo sự việc của chính quyền huyện Đắk R’lấp.
“Hiện, vẫn đang rà soát lại toàn bộ vụ việc để có phương án cụ thể. Còn đền bù hay không thì hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và ảnh hưởng như thế nào. Thời gian khắc phục sự cố cũng chưa xác định là bao lâu", ông Tùng cho hay. Vị Phó chủ tịch tỉnh cũng khẳng định: Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã được đánh giá tác động môi trường một các đầy đủ. Ngoài ra, việc giám sát đều được thực hiện cẩn trọng.
Về hướng khắc phục sự cố, Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, Công ty Nhôm Đắk Nông đã cho máy móc, công nhân thu gom lượng hóa chất bị thoát ra bên ngoài; Đào xúc phần đất bị kiềm tràn ra ngoài để đổ vào hồ chứa bùn đỏ, đồng thời dùng hóa chất pha loãng trung hòa lượng kiềm. Được biết, công ty cũng đã yêu cầu nhà thầu Chalieco kiểm tra lại toàn bộ thiết kế, thiết bị và quá trình thi công lắp đặt Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo đó, Chalieco buộc phải lập báo cáo đánh giá chi tiết về sự cố để đưa ra giải pháp khắc phục, không để xảy ra sự cố tương tự ở các điểm bơm kiềm tại các phân khu khác.
Skip in 5...
Ad finishes in 12 seconds

Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi biết thông tin vụ việc. “Một khi người dân bị bỏng và cá chết thì rõ ràng nồng độ phải lớn mới gây ra hậu quả như vậy. Cách xử lý là đổ axit để trung hòa chất xút. Xút là một chất cực độc hòa vào nguồn nước là một điều rất đáng sợ. Theo tôi, đây là một cảnh báo cho việc khai thác boxit”, ông Bái nhấn mạnh.
Không cẩn trọng sẽ có Formosa thứ hai
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên.
PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ bày tỏ lo lắng khi mới đây Nhà máy Alumin Nhân Cơ vỡ ống xút và tràn ra ngoài. “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ. Về nguy hại lâu dài sẽ vô cùng khủng khiếp”.
Được biết, năm 1984 PGS. Phổ đã bảo vệ luận án liên quan đến boxit ở Việt Nam. “Hiện nay, trên thế giới người ta sợ nhất là bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit. Bùn đỏ này có độ kiềm rất cao lên đến 12 PH (nước ở mức trung tính độ PH= 7-PV). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ. Xút này xả ra ngoài thì mức độ phá hủy quá kinh khủng, mọi thứ nó đi qua đều bị tiêu diệt hết”, vị chuyên gia phân tích.
Theo PGS. Phổ, ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn 100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng boxit. “Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Công nghệ xử lý bùn đỏ trên thế giới chưa nước nào chế ngự được xút. Nếu mà vỡ ra thì nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các dòng sông, con suối trong khu vực… Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.
Tương tự, ông Đỗ Thanh Bái cho biết, xử lý được vấn đề bùn đỏ phải tốn chi phí rất cao nên người ta chủ yếu sử dụng các hồ chứa để trữ lại lượng bùn này nhằm vào một số việc khác. “Tuy nhiên, hiện nay thời tiết tiêu cực, diễn biến thất thường do biến đổi khí hậu, thế nên trong trường hợp xấu, lượng bùn đỏ này có thể tràn xuống lưu vực các con sông. Khi đó, nó thực sự như một “quả bom” môi trường ở thượng nguồn”, ông Bái đặt vấn đề.
Theo Tạ Vĩnh Yên/Báo Giao Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang