Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

"..Đâu rồi tiếng quê hương thủa trước? Đâu rồi tiếng hát rừng xanh?.."

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát


(GDVN) - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
Lời tòa soạn: PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức,... còn với GS Nguyễn Lân Dũng thì: "Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) - Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. 
Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS.Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề này.
Tự biến mình thành hèn hạ
-  Là một Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân rất gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có  tính xấu nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không có tính xấu nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với giới trẻ là thông qua internet, điện thoại trực tuyến...
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.
"Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế..." - GS. Nguyễn Lân Dũng nói về tính xấu của người Việt. 
  
Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày này, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 thì: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng
viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí  chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.
Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng.
- GS Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào trong quan hệ cộng đồng và thế giới?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với  những người cán bộ,  nhẽ ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lòng tham khiến láng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận các vùng quê.
Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ hoặc những tên Đông Gioăng (Don Juan) chuyên hại đời các cô gái mới lớn...
Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng. Hãy để mắt đến các trang mạng xã hội, trong đó có không ít những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, chứ đâu phải toàn là những điều bị chụp mũ là "diễn biến hòa bình" hay bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
Gần đây vang lên bài thơ thật buồn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị phụ tách văn hóa- tư tưởng của Đảng ta:
"Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …"
Ai có thể suy diễn nhà thơ - chiến sĩ này đang bị suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức?
"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể"
- Thói tham danh, bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn bảo đó là căn bệnh nan y khó chữa. Theo ông, thói háo danh của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm, nhưng số đó quả không nhiều.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết nhưng có lẽ không có cách gì khắc phục nổi.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện, vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền ấy mà không lấy biên bản (!).

Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc hội nhiều lần mà hầu như chả có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!
Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại cùng chỗ đó...
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!). May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân đội, công an... như ở nước ta?
Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện, Trường phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới là Viện sĩ!
Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước. Quốc hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến chung là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong khi không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát từ việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?). Có lẽ ai cũng nên tìm xem trên YouTube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1 giờ liền của một học sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng".
Tôi cảm thấy nó có tính thuyết phục hơn nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn tại kéo dài của nền giáo dục nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này dưới dạng văn bản để nhiều người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều kiện tham khảo. Trong các tồn tại được cậu học sinh này thẳng thắn nêu lên thì chính là bệnh thành tích và một chương trình học tập vừa nặng, vừa thấp (!) so với thế giới, hơn nữa khá xa lạ với nhu cầu của đời sống (!).
Coi nặng tiền tài hơn giáo dục
- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra 5 điều thì tôi chọn là:
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"
- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu mà ông kể trên là gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, tôi cho là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải thốt lên là: một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng.
Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả những trang xấu của một số ít người có ác ý).
Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.
Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, những người coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là cần câu vàng bạc, ngoại tệ).
Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu dân số).
- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất nhiều sách về tính xấu của người Việt, và trao đổi với báo GDVN, vị này cũng nói: Người Việt chẳng có tính tốt nào. Với GS.Nguyễn Lân Dũng thì sao? Người Việt có thể tự hào về điều gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ chẳng có ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy! Chúng ta cần tự hào về những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về Tổng thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày càng được tôn trọng trên thế giới....
Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh  hết mình dành cho việc học hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước (kể cả những quy định tuy tôi đã chất vấn nhiều lần tại Quốc hội mà đến nay nay tôi và rất nhiều người vẫn chưa thông được - chẳng hạn như chuyện phải bắt buộc trích đóng góp từ quỹ lương cho Công đoàn , chứ không phải cho Hội Nông dân, trong khi chưa chắc nơi nào cần hơn?).
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự sụp đổ của trật tự thế giới tự do Posted on 04/07/2016 by The Observer Print Friendly

libdeath

Nguồn: Stephen M. Walt, “The Collapse of the Liberal World Order,” Foreign Policy, 26/06/2016.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Có một thời gian – trong những năm 1990 – rất nhiều người khôn ngoan và nghiêm túc tin rằng các trật tự chính trị tự do là làn sóng của tương lai và chắc chắn sẽ bao trùm lên phần lớn địa cầu. Mỹ và các đồng minh dân chủ của nó đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và sau đó là chủ nghĩa cộng sản, được cho là đưa nhân loại đến “điểm tận cùng của lịch sử.” Liên minh châu Âu có vẻ là một thử nghiệm táo bạo về chủ quyền chung, điều đã giúp chấm dứt chiến tranh tại phần lớn châu Âu. Quả thật, nhiều người châu Âu tin rằng sự kết hợp độc đáo các thể chế dân chủ, hội nhập thị trường, pháp quyền, và các đường biên giới mở của họ đã khiến “quyền lực dân sự” của châu Âu trở thành đối trọng tương xứng, nếu không muốn nói là ưu việt hơn, thứ “quyền lực cứng” thô của Mỹ. Về phần mình, Mỹ cam kết “mở rộng phạm vi của chế độ dân chủ,” loại bỏ những kẻ chuyên quyền phiền phức, củng cố “nền hòa bình nhờ dân chủ,” và từ đó mở ra một trật tự thế giới nhân từ và bền vững.
Như bạn có thể nhận thấy, sự lạc quan cuồng nhiệt của những năm 1990 đã nhường đường cho cảm giác bi quan ngày càng lớn – thậm chí sự báo động – về trật tự tự do hiện tại. Roger Cohen của tờ The New York Times, một nhà tự do chủ nghĩa sâu sắc và tận tâm, tin rằng “các lực lượng của sự tan rã đang trên đà tiến tới” và “những nền tảng của thế giới hậu chiến… đang lung lay.” Một bản sách trắng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 4 cảnh báo rằng trật tự thế giới tự do “đang bị thách thức bởi nhiều thế lực – các chính phủ chuyên thế mạnh và các phong trào bảo căn chủ nghĩa phản tự do.” Và trên tạp chí New York, Andrew Sullivan cảnh báo rằng chính nước Mỹ cũng có thể bị đe dọa bởi vì nó đã trở nên “quá dân chủ.”
Những nỗi sợ như vậy là điều dễ hiểu. Ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập – và thậm chí ở ngay tại Mỹ – người ta đang chứng kiến hoặc chủ nghĩa chuyên chế hồi sinh hoặc một khát khao có một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” với những hành động táo bạo để quét sạch những bất mãn hiện nay. Theo chuyên gia về dân chủ Larry Diamond, “từ năm 2000 đến năm 2015, các nền dân chủ đã đổ vỡ tại 27 quốc gia,” trong khi “nhiều chế độ chuyên chế hiện tại đã trở nên ít cởi mở, thiếu minh bạch, và ít đáp ứng các công dân của họ hơn.” Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời EU; Ba Lan, Hungary, và Israel đang đi theo các phương hướng phi tự do; và một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ sắp đề cử một ứng cử viên tổng thống công khai miệt thị sự khoan dung vốn là trung tâm của một xã hội tự do, liên tục bày tỏ những niềm tin phân biệt chủng tộc và những lý thuyết âm mưu vô căn cứ, và thậm chí còn nghi ngờ ý tưởng về một nền tư pháp độc lập. Với những người trung thành với những lý tưởng tự do cốt lõi, đây không phải là khoảng thời gian hạnh phúc.
Có thể tôi có quan điểm hiện thực chủ nghĩa về chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại, nhưng tôi không hề có bất cứ niềm vui nào trước những diễn biến ấy. Như Robert Gilpin, “nếu bị ép buộc thì tôi sẽ mô tả mình là một nhà tự do chủ nghĩa trong một thế giới hiện thực chủ nghĩa,” tức là tôi đánh giá cao những phẩm chất của một xã hội tự do, biết ơn vì được sống trong một xã hội như thế, và cho rằng thế giới trên thực tế sẽ là một nơi tốt hơn nếu các thể chế và các giá trị tự do được áp dụng rộng rãi hơn – thậm chí phổ quát. (Tôi nghi ngờ sâu sắc về khả năng tăng tốc tiến trình ấy của chúng ta, đặc biệt là bằng lực lượng quân sự, nhưng đó là một vấn đề khác.) Do đó mọi chuyện sẽ hoàn toàn tốt đẹp với tôi nếu những hy vọng trước đây của các nhà tự do chủ nghĩa đã trở thành hiện thực. Nhưng chúng chưa hề, và điều quan trọng là phải xem xét tại sao.
Vấn đề đầu tiên là các nhà bảo vệ chủ nghĩa tự do đã quá đề cao sản phẩm của họ. Chúng ta được bảo rằng nếu các nhà độc tài tiếp tục ngã ngựa và nhiều nhà nước tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bảo vệ tự do ngôn luận, thực thi pháp quyền, chấp nhận các thị trường cạnh tranh, và tham gia EU và/hoặc NATO, thì một “vùng hòa bình” rộng lớn sẽ được tạo ra, thịnh vượng sẽ lan rộng, và bất kỳ bất đồng chính trị kéo dài nào cũng sẽ dễ dàng được giải quyết trong khuôn khổ của một trật tự tự do.
Khi mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như thế, và khi một số nhóm trong các xã hội tự do ấy trên thực tế lại bị tổn hại trước những diễn tiến này, một mức độ phản ứng nhất định là không thể tránh khỏi. Thậm chí giới tinh hoa ở nhiều nước tự do còn mắc một số sai lầm nghiêm trọng, bao gồm việc tạo ra đồng euro, xâm lược Iraq, nỗ lực sai lầm trong việc kiến thiết đất nước ở Afghanistan, và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng cùng những sai lầm khác đã góp phần làm suy yếu tính chính danh của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, mở cửa cho các thế lực phi tự do, và khiến một số nhóm xã hội dễ bị những lời kêu gọi của chủ nghĩa bản địa “tấn công”.
Những nỗ lực truyền bá một trật tự thế giới tự do cũng phải đối mặt với sự phản đối như được dự đoán từ các nhà lãnh đạo và các nhóm người bị đe dọa trực tiếp bởi những nỗ lực của chúng ta. Ví dụ, khó mà ngạc nhiên được khi Iran và Syria đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ ở Iraq, bởi chính quyền George W. Bush đã nêu rõ những chế độ ấy cũng nằm trong danh sách tấn công của họ. Tương tự, tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cho rằng những nỗ lực truyền bá các giá trị “tự do” của phương Tây là mối đe dọa, hay tại sao họ đã thực hiện nhiều bước khác nhau để ngăn chặn chúng, có khó hiểu hay không?
Các nhà tự do chủ nghĩa cũng quên rằng các xã hội tự do thành công đòi hỏi không chỉ các thể chế dân chủ hình thức. Chúng cũng phụ thuộc vào một cam kết sâu rộng với các giá trị nền tảng của một xã hội tự do, đáng chú ý nhất là sự khoan dung. Tuy nhiên, như những sự kiện ở Iraq, Afghanistan, và một số nơi khác đã chứng minh, viết một bản hiến pháp, thành lập các đảng chính trị, và tổ chức các cuộc bầu cử “tự do và công bằng” sẽ không tạo ra một trật tự tự do đích thực trừ khi cá nhân và các nhóm trong xã hội cũng theo đuổi các quy chuẩn tự do chủ chốt. Dạng cam kết văn hóa và chuẩn tắc này không thể được xây dựng qua một đêm hay áp đặt từ bên ngoài, và chắc chắn không phải bằng những máy bay không người lái, các lực lượng đặc nhiệm, và những công cụ bạo lực khác.
Một điều rất rõ ràng khác là các nhà tự do chủ nghĩa hậu Chiến tranh lạnh đã đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa dân tộc và các hình thức bản sắc địa phương khác, bao gồm chủ nghĩa bè phái, sắc tộc, các liên kết bộ lạc, v.v… Họ cho rằng những niềm tin nguyên thủy như vậy sẽ chết dần, bị giới hạn trong các biểu đạt phi chính trị, văn hóa, hoặc được cân bằng và quản lý một cách khéo léo trong các thể chế chính trị được thiết kế tốt.
Nhưng hóa ra nhiều người ở nhiều nơi vẫn quan tâm đến bản sắc dân tộc, thù hằn lịch sử, biểu tượng lãnh thổ, và các giá trị văn hóa truyền thống nhiều hơn quan tâm đến “tự do” như định nghĩa của các nhà tự do chủ nghĩa. Và nếu Brexit có nói với chúng ta điều gì, thì đó là một số cử tri (đa phần là người lớn tuổi) dễ dàng lay động trước những sức hút như vậy hơn là trước những cân nhắc mang tính duy lý kinh tế thuần túy (ít nhất là cho đến khi họ cảm nhận được những hệ quả). Chúng ta có thể cho rằng những giá trị tự do của mình có giá trị phổ quát, nhưng đôi lúc những giá trị khác sẽ đánh bại chúng. Những tình cảm truyền thống như vậy sẽ xuất hiện đặc biệt lớn khi sự thay đổi xã hội diễn ra nhanh chóng và khó đoán, và nhất là khi các xã hội từng thuần nhất buộc phải thu nạp và đồng hóa những người có nền tảng khác và phải làm điều đó trong thời gian ngắn. Các nhà tự do chủ nghĩa có thể nói tất cả những gì họ muốn về tầm quan trọng của sự khoan dung và những phẩm chất của chủ nghĩa đa văn hóa (và tôi đồng tình với họ), nhưng thực tế là pha trộn các nền văn hóa trong một chính thể duy nhất chưa bao giờ là trơn tru hay đơn giản. Những căng thẳng kéo theo sẽ có lợi cho các nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn bảo vệ các giá trị “truyền thống” (hoặc “làm đất nước vĩ đại trở lại.”) Hoài niệm không còn như trước đây, nhưng vẫn có thể là một ẩn dụ chính trị đáng gờm.
Quan trọng nhất, các xã hội tự do ngày nay gặp rắc rối là do chúng dễ bị tổn thương khi bị tấn công bởi các nhóm hoặc cá nhân đang lợi dụng chính những tự do vốn là nền tảng của các xã hội tự do. Như Donald Trump đã chứng tỏ cả năm nay (và như Jean-Marie Le Pen, Recep Erdogan, Geert Wilders, và những “con buôn chính trị” khác thể hiện trong quá khứ), các nhà lãnh đạo hoặc các phong trào mà sự cam kết với các nguyên tắc tự do của họ hời hợt đều có thể lợi dụng các nguyên tắc của xã hội mở và sử dụng chúng để tập hợp một đám đông ủng hộ. Và không gì trong một trật tự dân chủ có thể đảm bảo những nỗ lực như vậy sẽ luôn thất bại.
Trong thâm tâm, tôi cho rằng điều này giải thích tại sao rất nhiều người ở Mỹ và ở châu Âu đang tuyệt vọng muốn Chú Sam tiếp tục can dự đầy đủ vào châu Âu. Đó không hẳn là vì nỗi sợ về một nước Nga đang suy thoái nhưng vẫn quyết đoán; mà là nỗi sợ của họ về chính châu Âu. Các nhà tự do chủ nghĩa muốn châu Âu tiếp tục hòa bình, khoan dung, dân chủ, và nằm trong khuôn khổ EU, và họ muốn kéo các nước như Gruzia hay Ukraina rốt cuộc sẽ can dự sâu hơn vào vòng tròn dân chủ của châu Âu. Nhưng trong thâm tâm, họ không tin người châu Âu có thể quản lý tình hình này, và họ sợ rằng tất cả sẽ suy thoái nếu cái “núm vú giả của Mỹ” bị cắt bỏ. Bất chấp tất cả những phẩm chất giả định của chủ nghĩa tự do, rốt cuộc những người bảo vệ nó không thể rũ bỏ mối nghi ngờ rằng phiên bản chủ nghĩa tự do châu Âu quá mong manh đến mức nó cần sự hỗ trợ từ Mỹ. Ai mà biết được? Có thể họ đúng. Nhưng trừ khi bạn nghĩ rằng Mỹ có nguồn lực vô hạn và sự sẵn lòng vô bờ bến để trợ cấp cho việc phòng thủ các nước giàu khác, thì vấn đề là: những ưu tiên toàn cầu nào khác là thứ mà các nhà tự do chủ nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những gì còn lại của trật tự châu Âu?
Stephen M. Walt là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Quản trị Kenned
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/07/04/su-sup-do-cua-trat-tu-the-gioi-tu-do/#sthash.zojBwO9m.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tầu ngầm tự chế quê lúa Thái Bình đang tiếp tục chinh phục biển


Một sự kiện trong chuỗi nông dân ta chế tạo giỏi, đã đi ở đâyở đây, hoặc ở đây.

Dưới là về tầu ngầm tự chế ở quê lúa Thái Bình, tư liệu bổ sung dần và cập nhật mới theo thứ tự ngược từ dưới lên. Thông tin của báo chí.




---





5.


4.



3.








Tàu ngầm mini tự chế Hoàng Sa hoàn thành trước khi ra biển chạy thử nghiệmẢNH DO ÔNG NGUYỄN QUỐC HÒA CUNG CẤP


Sau hàng chục lần thử nghiệm trong bờ, tàu ngầm mini Hoàng Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa, một doanh nhân ở Thái Bình tự chế đã chạy thử thành công trên biển...
Chiều nay, 3.7, trao đổi với PV qua điện thoại, kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết cuộc thử nghiệm tàu ngầm mini Hoàng Sa do ông tự chế trên biển đã đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng sát hạch của Bộ Quốc phòng.
Trước đó, sáng cùng ngày, tàu ngầm mini Hoàng Sa đã được tàu hải quân hộ tống ra biển và được chính ông Hòa điều khiển hạ thủy và chạy thử trên vùng biển Đông Bắc.
tau-ngam
Tàu ngầm Hoàng Sa lặn thử nghiệmẢNH DO ÔNG NGUYỄN QUỐC HÒA CUNG CẤP


 

Ông Hòa cho biết, trước khi chạy thử nghiệm trên biển, tàu ngầm Hoàng Sa đã được Văn phòng Chính phủ cho phép triển khai dự án và giao cho UBND tỉnh Thái Bình tạo điều kiện để ông thực hiện dự án. Sau khi được chế tạo, tàu ngầm Hoàng Sa đã được thử nghiệm nhiều lần trong bể và tại hồ nước của trường Đại học Thái Bình (xã Tân Bình, TP.Thái Bình).
Gần đây nhất, cuối tháng 6.2016, tàu ngầm Hoàng Sa đã đạt được các thông số kỹ thuật tại kỳ "sát hạch" kéo dài 2 ngày của Hội đồng giám khảo do Bộ Quốc phòng lập, với các bài chạy nổi, chạy ngầm, chạy vòng tròn, lùi, xử lý đâm va khi chạy ngầm…
Tàu ngầm Hoàng Sa là "tàu ngầm" mini thứ 2 ông Nguyễn Quốc Hòa tự chế tạo. Trước đó, năm 2014, ông Hòa đã nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa. Một năm sau, ông Hòa chế tạo tàu ngầm thứ hai mang tên Hoàng Sa, được cho là ưu việt hơn tàu Trường Sa bởi kích thước nhỏ gọn và bổ sung nhiều tính năng.
ho-tro
Văn phòng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ chế tạo tàu ngầm Hoàng SaẢNH: ÔNG NGUYỄN QUỐC HÒA CUNG CẤP
Tàu ngầm Hoàng Sa đóng bằng thép, nặng 9 tấn, dài 7 mét, ngang 2,5 mét, cao hơn một mét. Tàu có vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ và có thể lặn sâu 50 m, có thể mang theo 2 người, thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. “Tôi làm con tàu này với ý tưởng chứng minh trí tuệ, khả năng của người Việt nên không quan tâm nhiều đến chi phí, khó thì nhờ, thiếu thì vay, miễn là đạt mục tiêu nó được công nhận là chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam””, ông cho biết.
Văn Đông






2.


Tàu ngầm tự chế ra biển


Chiều 30.5, tàu ngầm tự chế Trường Sa 1 đã ra biển hoạt động thử nghiệm dù vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Tàu ngầm tự chế ra biển
 Ông Hòa là người điều khiển tàu ngầm - Ảnh: ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp
Chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Việt Nam đã xuống nước lúc 14 giờ ngày 30.5 từ bến của Nhà máy đóng tàu Đại Dương, đặt tại cảng Diêm Điền, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Từ nhà máy của Công ty TNHH Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tàu ngầm Trường Sa 1 được đưa lên xe tải và dùng cần cẩu để hạ xuống nước. Đáng tiếc là một tai nạn đã xảy ra với tàu ngầm khi hạ thủy. Cụ thể, tàu ngầm Trường Sa 1 sau khi va chạm với một tàu vận tải đã bị văng bánh lái, cong chân vịt và trục chân vịt, vỡ bánh răng hộp số. Tàu vận tải cũng bị móp một vết khá sâu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm trên, đã cố gắng khắc phục sự cố và tiếp tục cầm lái cho tàu chạy thử trên biển. Đồng thời, ông nhờ 2 tàu cá đi cùng để đề phòng bất trắc. Bộ đội biên phòng Thái Bình cũng cử 1 ca nô chạy quanh khu vực thử nghiệm. Tuy nhiên, tàu ngầm Trường Sa 1 mới thử khả năng chạy nổi, nhiều nhất là “lặn” chìm gần hết thân tàu chứ chưa thực sự lặn hẳn xuống dưới mặt nước. 
Đến 17 giờ 30 cùng ngày, dù chưa ra đến phao số 0 như dự tính nhưng tàu ngầm Trường Sa 1 phải quay về vì theo ông Hòa, tàu xuất hiện một số trục trặc do sự cố lúc hạ thủy gây ra. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hòa cho biết cuộc thử nghiệm thành công khoảng 70% theo dự tính. Theo đó, ông đã biết được khả năng chịu sóng, khả năng chống lại dòng chảy, tình trạng nghiêng lật khi mắc cạn… của Trường Sa 1. “Đây là kinh nghiệm tốt cho việc chế tạo các con tàu sau”, ông Hòa nói. Hiện tàu Trường Sa 1 đã được đưa về xưởng để sửa chữa. Có khả năng sẽ mất 1 tháng để khắc phục các sự cố kể trên.
Tàu ngầm tự chế ra biển 2
 Tàu ngầm thử tính năng lặn
Chia sẻ về những sự cố xảy ra khi thử nghiệm, ông Hòa cho biết: "Tôi cài số lùi nhanh quá, khiến tàu lùi nhanh và va vào tàu bạn. Việc lái tàu thì khá đơn giản, cái khó nhất chỉ là điều khiển nó sau khi đã gặp sự cố". Về những nguy hiểm có thể xảy ra với chính mình, ông Hòa cho biết "không vấn đề" vì trên tàu có hệ thống chống cháy, nổ, chống nghiêng, lật, "trường hợp nguy cấp quá thì chỉ việc bật nắp và mặc áo phao chui lên, còn chết thì không thể vì tôi đã tính hết rồi", ông Hòa nói. 

Sau gần 2 năm chế tạo và 7 lần thử nghiệm trong bể và hồ nước, tháng 3.2014, ông Nguyễn Quốc Hòa đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho phép thử tàu ngầm tự chế Trường Sa 1 ở biển. UBND tỉnh Thái Bình đã chuyển đề nghị này đến Bộ Khoa học - Công nghệ và được Bộ này chuyển đề xuất sang Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, đến nay chưa có giấy phép.
Thử nghiệm “chui”
Trả lời câu hỏi vì sao chưa được cấp phép nhưng vẫn mang tàu đi thử nghiệm, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết nếu chờ đủ thủ tục của cơ quan chức năng thì “không biết đến ngày nào mới được cấp phép” nên phải thử “chui”. Doanh nhân này cho biết đã cùng bạn bè dành hằng tháng để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm này.
Cũng trong chiều 31.5, bà Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết đã nghe thông tin về việc tàu ngầm Trường Sa 1 ra biển và yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo UBND tỉnh về sự việc này. Bà Hải khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là ủng hộ ông Hòa. Nhưng muốn thử nghiệm hay lưu hành trên biển thì phải được cơ quan chức năng cấp phép”.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, sáng 30.5, khi thấy tàu ngầm Trường Sa 1 tại cảng Diêm Điền nên đã cử người xuống kiểm tra và được đại diện nhà máy đóng tàu Đại Dương cho biết tàu được đưa đến để sửa chữa. Đến chiều, khi có thông tin tàu Trường Sa 1 ra biển, Bộ đội biên phòng Thái Bình đã cử 1 ca nô đến hiện trường nhưng không phải để “hỗ trợ” cuộc thử nghiệm mà là để kiểm tra tình hình và đảm bảo an toàn khu vực biển Diêm Điền. Sau đó, do tàu Trường Sa 1 không thể tiếp tục chạy được nữa, ca nô biên phòng đã hỗ trợ tàu này vào bờ.
Hoàng Long
http://thanhnien.vn/thoi-su/tau-ngam-tu-che-ra-bien-402221.html









Tàu ngầm tự chế ra hồ thử nghiệm


Hôm nay 28.3, ông Nguyễn Quốc Hòa (TP.Thái Bình) sẽ mang chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên ở Việt Nam ra một hồ nước rộng khoảng 3 ha, sâu khoảng 2 m để chạy thử nghiệm.
Hôm nay 28.3, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hòa (KCN Phong Phú, TP.Thái Bình), sẽ mang chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên ở Việt Nam ra một hồ nước rộng khoảng 3 ha, sâu khoảng 2 m để chạy thử nghiệm.
'Tàu ngầm' Trường Sa rời bể, chuẩn bị ra nơi chạy thử - Ảnh: HL
"Tàu ngầm" Trường Sa rời bể, chuẩn bị ra nơi chạy thử - Ảnh: H.L 
Ông Hòa cho biết đã thử nghiệm thiết bị này tới 7 lần trong bể nước xây trong công ty, lần thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào ngày 24.3 vừa qua. Các cuộc thử nghiệm cho thấy “tàu” đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu khi lặn.
Để kiểm tra khả năng hoạt động của tàu khi nổi, ngày 25.3, ông Hòa đã đập chiếc bể này để đưa tàu ra ngoài, sau đó cẩu ra hồ chạy thử. Ngoài việc thử nghiệm khả năng di chuyển, ông Hòa cho biết sẽ tập lái để chuẩn bị cho con tàu mang tên Trường Sa này ra biển. Chủ nhân của chiếc tàu ngầm tự chế này cũng cho biết sẽ đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng để được cấp phép cho tàu ra biển.
Theo ông Hòa, rất nhiều người đã cổ vũ cho sáng chế này, nhiều cơ quan chức năng đã về thăm, kiểm tra và tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 27.3, đại tá Nguyễn Xuân Cẩn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) khẳng định “tàu ngầm” kể trên chưa được ra sông, biển. “Nếu chưa được cấp phép, chúng tôi sẽ đình chỉ ngay lập tức, dù là chạy thử nghiệm”, ông Cẩn nhấn mạnh. Về cuộc thử nghiệm, ông Cẩn cho biết do chỉ thử trong hồ nên đơn vị này không xử lý mà chỉ cử trinh sát đến nắm tình hình.
Cũng trong chiều 27.3, đại diện Sở KH-CN Thái Bình cho biết cơ quan này chưa hề nhận được đề nghị cấp phép nào của ông Nguyễn Quốc Hòa. Sở này đã báo cáo với UBND tỉnh Thái Bình và Bộ KH-CN để xin ý kiến chỉ đạo việc xử lý.
Hoàng Long

http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/tau-ngam-tu-che-ra-ho-thu-nghiem-84917.html







03:10 AM - 14/10/2012


Từng nhiều năm làm việc cho hãng Comex của Pháp chuyên đóng tàu ngầm và các thiết bị lặn cùng các hãng chế tạo composite ở châu u, năm 2006 ông Phan Bội Trân đã trở về Việt Nam chế tạo thành công tàu ngầm.

Từng nhiều năm làm việc cho hãng Comex của Pháp chuyên đóng tàu ngầm và các thiết bị lặn cùng các hãng chế tạo composite ở châu u, năm 2006 ông Phan Bội Trân đã trở về Việt Nam chế tạo thành công tàu ngầm.
Ông mong muốn đem những gì học được về phát triển ngành công nghiệp chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam, giúp nước nhà có thể làm chủ được biển Đông, bảo vệ đất nước.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.HCM, nguyên Viện trưởng Học viện Hải quân, cho biết hiện hội cùng với Khoa Đóng tàu Đại học GTVT đã báo cáo với Sở KH-CN TP.HCM để xây dựng một đề án nghiên cứu khoa học nâng cấp lên dạng tàu ngầm mini có thể ngồi được 3 người, ứng dụng trong du lịch, phục vụ chuyển hàng ra đảo, nghiên cứu đáy biển... Tuy nhiên, muốn đưa vào phục vụ mục đích quân sự còn phải mất một chặng đường dài...
Made in Vietnam
Hãng Comex chuyên sản xuất tàu ngầm phục vụ dân sự như lặn biển, cho ngành dầu khí và sản xuất một số thiết bị cho tàu ngầm quân sự. Vì vậy, ông Phan Bội Trân - hậu duệ của cụ Phan Bội Châu - luôn có suy nghĩ mình phải học hỏi kỹ thuật của họ, đặc biệt là về mặt khí tài quân sự. Theo ông, thế mạnh duy nhất của mình là bộ óc. Mình không có tiền để mua nhiều tàu ngầm, máy bay, nhưng có thể nghiên cứu sản xuất những chiếc tàu ngầm, máy bay không quá đắt tiền để phục vụ Tổ quốc.
Điều may mắn là khi ở Công ty Comex mọi người được làm ở nhiều vị trí, thường xuyên luân chuyển công việc nên một người gần như có khả năng làm được nhiều việc. Chính vì vậy, ông Trân đã học hỏi được rất nhiều, trong đó có cả nguyên tắc làm tàu ngầm mà theo ông là khá đơn giản.
Dẫn tôi thăm xưởng sản xuất tàu ngầm của mình, ông Trân giới thiệu đứa con cưng vừa mới chào đời, đang được bảo quản cẩn thận. Chiếc tàu đen ngòm dài khoảng 3,2 m, bề ngang 1 m, cao 1,5 m, nặng gần 1 tấn, chở được 1 người. Toàn bộ vỏ tàu được chế tạo bằng composite. Do tàu chạy bằng bình ắc quy nên chỉ “bơi” được hơn 4 tiếng và lặn sâu khoảng 70 m. Tàu có thể lặn được, nổi được, chạy nhanh, chậm hoặc lùi. Tàu cũng được trang bị ống kính tiềm vọng, hệ thống bánh lái trước, bánh lái sau, bánh lái nằm ngang... Ngoài ra tàu còn có máy khí nén sử dụng động cơ một chiều cung cấp khí nén cho người lái... Nếu muốn lặn sâu, đi xa hơn có thể lắp động cơ diesel hay gắn thêm bình nhiên liệu ở bên ngoài vỏ tàu.
Mắt sáng bừng lên vẻ kiêu hãnh, ông Trân khoe, do vỏ tàu được làm bằng composite nên nhẹ hơn, di chuyển nhanh hơn, đặc biệt là không phản xạ tia từ điện, như thế radar sẽ không phát hiện ra. Chính vì toàn bộ linh kiện là hàng “tự tạo” made in Vietnam nên giá thành mỗi chiếc chỉ hơn 15.000 USD.
Khi nghe ông Trân nói về kế hoạch chế tạo tàu ngầm, ngay cả người thân trong gia đình, một số nhà khoa học trong nước cũng không tin tưởng. May mắn là trong quá trình làm và thử nghiệm đã được sự giúp đỡ rất lớn từ Hội Biển TP.HCM. “Điều này cũng dễ hiểu, vì ngay cả các tổ chức khoa học còn không làm được huống gì một cá nhân đã 61 tuổi như tôi. Để chứng minh có thể làm được tàu ngầm thì nói suông là không đủ nên tôi phải làm ra được sản phẩm hoạt động tốt.
Thực tế tôi đã chứng minh được là người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được tàu ngầm. Điều còn lại là làm sao phổ biến trong giới hạn”, ông Trân bộc bạch.
Người Việt chế tạo tàu ngầm
Lần đầu tiên một cá nhân có thể sản xuất được tàu ngầm - Ảnh: Đình Sơn
Giấc mơ hạm đội tàu ngầm mini
Để hoàn thành chiếc tàu ngầm này ông Trân đã mất gần một năm. Tuy nhiên, nếu sản xuất hàng loạt theo ông chỉ mất khoảng một tháng là xong một chiếc. Tùy theo nhu cầu mà có thể sản xuất các loại tàu ngầm cho các mục đích khác nhau.
Tàu ngầm bản thân của nó không phải là quân sự, nó chỉ là phương tiện dân sự. Trên thế giới họ bán tàu ngầm cho dân sự rất nhiều để làm du lịch, tham quan dưới đáy biển, phục vụ ngành dầu khí. Nhưng khi gắn lên tàu ngầm ống phóng ngư lôi, tên lửa thì nó thành khí tài quân sự.
Một chiếc tàu ngầm khoảng 15.000 USD, nếu làm 3.000 chiếc khoảng 45 triệu USD, tương đương chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636. Chỉ cần một số tiền không nhiều trong ngân sách quốc phòng cũng có khả năng chế tạo được tổ hợp khí tài, về mặt lý thuyết có thể hình thành một hạm đội tàu ngầm mini, đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ biển.

Ông Phan Bội Trân tên thật là Phan Bội An. Cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cha ông Trân từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1974, khi 20 tuổi, ông Trân đã sang Pháp du học ngành hóa học của Trường đại học Marseille, sau đó theo chuyên ngành về composite và nhựa kỹ thuật. Đến năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trân ở lại Pháp làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng. Năm 1988, nhận lời mời của Đại sứ quán Libya tại Pháp, ông Trân sang nước này hỗ trợ cho Bộ Quốc phòng về bản vẽ, kỹ thuật đúc vỏ tàu ngầm. Năm 2006 ông về Việt Nam lập công ty chuyên thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em...
Đình Sơn
http://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-viet-tai-tri/nguoi-viet-che-tao-tau-ngam-290844.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang